Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Mười Năm Trời Mới Lại Gặp Cố Nhân - Nguyễn Tuân

Mười năm trời mới lại gặp cố nhân

Tác giả: Nguyễn Tuân

Trong một hàng cà phê nhỏ, dọn lộ thiên trên một miếng đất bỏ không ở đầu Cầu Đất, có hai ông khách quấy cà phê rất thong thả, chốc chốc lại đặt cùi dìa xuống để nhìn trộm nhau. Họ ngồi trong hàng, cách nhau đến ba chiếc bàn con. Họ nhìn trộm nhau mãi, và mỗi lần người nọ nhìn trộm người kia xong thì lại mơ màng nhìn vào quãng không. Cứ trông những vệt răn trên trán họ và cặp mắt nheo nheo sau làn khói của điếu thuốc lá đã dài tàn, thì người ta phải hiểu rằng họ đang có những điều nghĩ ngợi lớn. Đã đến mấy lần, hai người bắt gặp nhau cùng làm cái việc liếc trộm có lúc rất kín đáo, có lúc rất sỗ sàng. Họ đều nhận thấy như thế là thiếu lễ phép ở chỗ công chúng, như thế là ngụ một ý gian. Nhưng họ biết làm thế nào?
Những cái liếc mắt trộm cứ trao đi, đổi lại từ bàn trong ra bàn ngoài, từ ông khách mặc tây sạch sẽ ở ngoài vào ông khách tây cũ kỹ ngồi trong. Bỗng ông khách ngồi trong đứng dậy, sóc lại bộ quần áo dạ cũ đã bóng nhoáng cùi tay và đít quần, tiến ra phía ngoài hàng, đến trước mặt người nhìn trộm mình ban nãy. Với một giọng nói khẽ khàng và một nụ cười rụt rè của con người giao thiệp, ông ta khom mình bắt đầu nói với người ngồi đấy cũng đang trân trân nhìn lại.
- Thưa ông, tôi hỏi thế này khí không phải, tôi trông ông quen lắm. Nếu tôi không lầm, thì ông là ông Cầu.
Ông khách ngồi ngoài bây giờ mới đứng lên, vẻ mặt sáng sủa và tươi tỉnh thêm ra vì ông đã nhận thấy cái tiếng nói này nghe cũng quen lắm. Và chỉ trong giây lát đủ thời giờ để cái nắm tay lên trán và bỏ tay xuống, ông vồn vã trả lời:
- Ông Đạm! Anh Đạm?
Một tiếng cười ròn làm cho một ít thực khách ngồi trong hàng cà phê phải nhìn ra. Đều nhau như người có quyền thuật, hai người nắm lấy bàn tay nhau một cách mạnh bạo. Cái bắt tay sốt dẻo, kéo lâu trong mấy phút của hai nguời chỉ mới nói chuyện được với nhau bằng mắt, đủ tỏ cho người chung quanh đó biết rằng đấy là cái dấu hiệu của một tình bè bạn thân mật bị gián đoạn đã lâu ngày.
Đạm không đợi Cầu mời, vội kéo ghế ngồi dạng chân.
- Trông anh độ này đẫy hơn ngày nọ và nét mặt trông “phong trần” lắm. Cho nên lúc mới thoạt thấy, tôi chỉ ngờ ngợ. Tôi ngồi để ý nhìn mãi, lúc nhận ra được cái bộ điệu của anh như lúc ngâm thơ gõ dịp giầy và thứ nhất là dụi lia lịa tàn thuốc lá, tôi mới dám đánh bạo ra hỏi...
- Thì tôi cũng thế. Tôi cứ định lắng tai nghe xem anh có nói với nhà hàng câu gì không, để nhận tiếng. Giá anh không lại hỏi tôi, tôi không nghe lại tiếng nói của anh thì hôm nay đố làm sao cho gần lại được bạn cũ. Cái cường ký của tôi thuộc về thính giác.
- Thế ra chúng ta đều thay đổi nhiều đến thế kia à! Một nghìn chín trăm hai mươi tám. Mười năm!
- Bây giờ anh làm gì ở Hải Phòng? Anh ở ngoài này?
- Phải, đã mấy năm nay. Làm cho Tây buôn. Thế còn anh? Anh ở ngoài này đã lâu chưa? Tôi ít đi đâu, nên không được gập.
-Tôi đi qua Phòng thôi. Tôi bây giờ làm nghề “chạy hàng xách”. Bất cứ cái gì cũng làm. Lần này rủi quá người có hàng ở ngoài này lại vừa lên Hà Nội tìm tôi. Tôi phải ngược ngay để đuổi theo họ. May gập anh, không có từ giờ đến 9 rưỡi ôtô ray mới có, thì bực mình và sốt ruột đến chết.
- Anh lại ngược Hà Nội trong đêm nay? Dù có gặp tôi? Tôi muốn giữ anh lại ít ra là một đêm. Nếu việc có cần lắm, thì mai anh đi sớm cũng kịp chán. Chúng ta phải cần một đêm trọn mới đủ để nói chuyện và ôn chuyện.
Cầu viện một vài cớ để đòi đi được chuyến ôi tô ray. Đạm, lừ lừ cặp mắt, đầy vẻ trách móc, nói rất cảm động.
- Có thể như thế được chăng? Anh nhất định đi ngay? Làm lỡ công việc của anh, tôi không dám, vì nhiều khi tôi cũng đã hiểu rằng trong đời khó khăn phải đặt công việc làm ăn lên trên mọi tình cảm. Nhưng như thế này, thì cũng có điều tủi cho chút tình cố giao.
Ở hàng cà phê ra, Cầu và Đạm đi sát nhau và không nói một câu gì. Đến gần trại lính khố xanh, Đạm mới bắt đầu nói:
- Giá anh lùi lại đến sớm mai hãy đi thì thích quá. Anh về ăn cơm với tôi. Lâu lắm tôi không được uống rượu cùng anh.
Cầu không trả lời. Cầu còn bận nghĩ có nên ở lại với bạn một đêm hay là cứ đi cho được việc mình. Đi thì phải hối hận nhiều, vì đã coi rẻ cái tình cũ của bạn gặp mình rất niềm nở, mà ở thì không đành lòng với công việc làm ăn chưa ngã ngũ ra sao. Cầu cho cũng hơi khó nghĩ; nhưng việc khó đến đâu mà chẳng có một giải quyết. Cầu tự nhủ rằng: “đêm nay nên ở lại với Đạm. Công việc kia nó sẽ kết quả như thế nào không cần biết vội. Mà dù có hỏng việc đó chăng nữa, thì cũng là một sự “hy sinh” về thương mại trước cái tình bằng hữu thiêng liêng. Ở đời, mấy khi người ta có dịp làm được những việc hy sinh như thế”.
Cầu thấy vui vẻ trong bụng khi nghĩ đến chuyện thiệt thòi ấy và tươi tỉnh bảo Đạm:
- Ừ, tôi ở lại. Anh đã bằng lòng chưa?
Đạm lấy làm vui sướng, khi nghe bạn thay đổi ý nghĩ mà chàng không ngờ. Chàng sướng quá, quên hẳn đi rằng đấy là giữa phố.
- Có thế chứ. Thôi chúng ta gọi xe thôi. Nhà ở hơi xa. Ở gần quán Bà Mau kia đấy. Nhà chật, bửn và tôi lại ở chung với hai chủ nữa. Tôi không có khiêm tốn chút nào khi tôi nói: “mời anh về chơi và nghỉ ở tệ xá”. Tôi cần phải nói trước cho anh biết rằng nhà tôi ở thực là một cái “tệ xá”, để lúc tới nhà, anh đỡ phải ngạc nhiên trước một cảnh tồi tàn...
- Anh Đạm, việc gì anh phải nói như thế. Tôi không bằng lòng. Anh hiểu tôi là một người thế nào?
- Anh tưởng tôi đùa sao? Thực đấy, anh không thể tưởng tượng được Đạm phải cùng khó đến như thế. Đối với anh tôi không phải lấy làm ngượng nghịu khi tôi cho anh được chứng kiến cái cảnh phú quý giật lùi của tôi.
Ngồi chung với bạn trên chiếc xe tay lăn bánh trên con đường Lạch Tray. Cầu bất giác nhìn bộ quần áo tây cũ và đôi giầy cũ, đế cao su sống của Đạm. Đạm nghèo túng rõ lắm rồi, giầy và quần áo kia đã “tố cáo” sự thiếu thốn của Đạm và Cầu càng lấy làm tự hào khi chàng nghĩ rằng chàng đã có một người bạn tín nhiệm ở sự thành thực của chàng đến nỗi quên cả lòng tự ái-lòng tự ái của con người ta trong lúc thất thế.
Cầu ái ngại cho bạn và tự nhủ lòng rằng đáp lại bụng thành thực của bạn cũ và nghèo, chàng cần phải thận trọng từng câu nói, từng cử chỉ và trong khi ở nhà Đạm trọn đêm nay, đang vui vẻ đến mười phần, hình như là chàng không nhận thấy những điều kiện vật chất của một cuộc đời eo hẹp, khó khăn.
Ấy thế rồi Cầu đã tranh lấy việc trả tiền xe, theo Đạm tiến vào một chiếc nhà gạch hẹp bề ngang và sâu lòng, ở xế cửa nhà Bưu chính Hàng Kênh. Nhà cửa tối om om và lạnh lẽo tuy ở phía trong le lói mấy ngọn đèn hoa kỳ và lấp loáng dăm bẩy hình người. Đạm mồm bảo Cầu ngồi tạm xuống bộ ngựa, tay đánh diêm châm đèn.
- Tôi nói không ngoa đâu, anh đã nhận ra đây là “tệ xá” chưa? Ở trong kia là hai gia đình của hai nhà ở chung với tôi. Tôi ở ngoài này gần cửa, đi về nó tiện.
Cầu sợ bạn ngượng, vội nói chữa:
- Anh ở thế này cũng xinh đấy. Chỉ phải cái đi làm hơi xa thôi.
Rồi Cầu tò mò một cách kín đáo nhìn chung quanh chỗ mình ngồi, và nhìn vào phía trong. Chàng nhận thấy ba gia đình ở chung với nhau mà chỉ có những bức mành mành ngăn “địa giới” và chia ra từng khu một. Trên nền đất mịn của mỗi khu, mỗi nhà đều bầy một bộ ngựa và một cái bàn. Sự nghèo túng ở dưới mái nhà này, hình như đã dạy cho họ theo một lối bài trí giản tiện, và giống nhau. Cứ cái cách chung đụng đó với sự bày biện liên tiếp nhau kia thì những câu chuyện của một gia đình lên tiếng than trách số phận lúc đêm hôm, dù khẽ khàng đến thế nào, cũng đều lọt vào tai “hàng xóm” ở cuối giường mình và đầu giường mình. Nhưng, sự “thực thà” của cảnh nghèo đã bầy ra đủ mọi vẻ như thế rồi, thì họ còn có điều gì phải úp mở, giấu diếm, mầu mè cùng nhau nữa?
Cầu vòng tay vào đầu gối của chiếc chân bắt chéo chữ ngũ, nhìn bạn “làm” đèn; có tiếng guốc lẹp kẹp từ trong sàn trong đi ra và tiếng đàn bà khàn khàn, nói nheo nhéo.
- Gớm, sao chả để chốc nữa hãy về. Hẳn lại gặp các “bố” lôi vào hàng con mẹ Mít phải không? Này mấy hôm nay, ngày nào nó cũng cho người xuống hỏi tiền rượu và thuốc lá đấy. Làm tốt vừa vừa chứ!
Cầu đưa mắt, hỏi bạn. Người đàn bà đẫy đà có cái giọng đay nghiến ấy cũng vừa tiến ra đến nơi nhìn chòng chọc vào Cầu. Đạm để chiếc đèn ở giữa giường, nhìn về phía Cầu, giới thiệu:
- Nhà tôi.
Đạm lại chạy sang phía vợ, nói luôn với giọng ôn tồn:
- Đây là bác Cầu, một người bạn thân không gặp đã lâu lắm. Bác đi qua Phòng, tình cờ gặp nhau, tôi mời bác về ăn bữa cơm dưa với chúng ta. Mình dọn cơm đi, đói lắm rồi.
Cầu thấy lúng túng, chàng vội đứng dậy thi lễ:
- Lạy bác.
Đạm chăm chú nhìn vợ với mọi vẻ hiền từ, hình như van lơn và mong đợi vợ mình nói lên một vài câu dễ dàng, xởi lởi khi chàng đã trót nhỡ, trong lúc cao hứng, làm cái việc bất thường là dẫn bạn về ăn ngủ ở nhà.
Vợ Đạm nét mặt vẫn cứ sa sầm xuống như lúc mới ra.
- Không dám.
Nói xong câu đó một cách khó khăn nhạt nhẽo, bác Đạm gái nguây ngẩy, lê guốc đi vào. Đạm thấy phiền lòng, cùng theo ngay vợ vào trong, lấy ra đồng hào con đáng lẽ phải tiêu vào chỗ cà phê ban nãy mà Cầu đã nhận trả tiền. Đạm hỏi vợ rất khẽ:
- Có gì ăn không?
- Còn không biết hay sao? Cơm chỉ có dưa và tép rang. Chiều nay vừa mượn bà Tịnh trong nhà được bơ gạo mới có cơm đấy. Không có bà ấy, thì treo miệng lên.
Đạm vẫn cố giữ vẻ hiền từ, tay đưa hào cho vợ, miệng nói:
- Đây mình cầm tiền mua lấy 5 xu tiết canh. Còn thừa, chốc mình ăn đỡ quà bánh gì vậy. Mình nên biết không mấy khi bác ấy ra chơi, kéo được bác ấy về nhà như thế này là quý lắm đấy.
Vợ Đạm lãnh đạm cầm lấy tiền với một tiếng thở dài, vùng vằng đi ra với bao nhiêu nỗi miễn cưỡng và giận dỗi. Đạm cố tin rằng như thế cũng không có hề chi và tí nữa chàng vẫn đủ lạc quan ngồi ăn uống chuyện trò cùng bạn cố tri. Chàng trở ra với bạn, thấy bạn có chiều nghĩ ngợi, liền khua tay nói huyên thuyên:
- Anh nghĩ gì thế? Anh còn đợi gì mà không bỏ giầy, bỏ áo ra. Hay là vẫn nhất định về ngay Hà Nội?
- Ai lại như thế. Tôi phải ở lại uống với anh một bữa rượu “trùng phùng” cho say chứ.
Cầu nói, cười, bỏ quần áo cho yên lòng bạn. Nhưng chính thực ra thì dưới cái bề ngoài hỉ hả, Cầu đang bận tâm nhiều lắm. Đạm đã bị bạn lừa dối về tình cảm trong phút ngày và chàng vui vẻ ngồi đợi vợ mang đồ nhắm về.
Đạm thấy Cầu tháo xong đôi giầy tây, đế và gót mới mòn có một tí, chàng ngắm nghía một cách thèm thuồng và so sánh nó với đôi giầy đế cao su sống đã thủng rách của mình. Không biết chàng nghĩ thế nào mà lại đem xỏ chân mình vào giầy Cầu ướm và ngắm mãi.
Cầu ngả lưng ra bộ ngựa và hỏi:
- Chị ấy làm bạn cùng anh đã lâu chưa? Quê chị ở đâu anh nhỉ?
- Ba năm. Nhà tôi ở Phọng Bớp.
- Phọng Bớp?
Cầu vừa hỏi lại, vừa liên tưởng nghĩ đến cái dáng điệu cục cằn và ngôn ngữ thô bỉ của bác Đạm gái và đoán già rằng một làng có cái tên như thế hẳn phải sản xuất ra những người như thế.
- Chính chữ Hán thì gọi là Phụng Pháp. Hồi trước tôi dậy tư ở làng Phụng Pháp, ốm một trận suýt chết, nếu không có nhà tôi bấy giờ thì cũng nguy. Tôi cảm cái ơn săn sóc thuốc thang ấy nên lấy về làm vợ...
Câu chuyện gia đình mới kể có đến đấy thì Đạm đã thấy vợ về; chàng vội đứng dậy, với lên cái xích đông lấy chai rượu con ở ban thờ “Tiền chủ, Hậu chủ”.
Cầu cũng không tiện hỏi nữa vì mâm cơm đã bưng ra. Đạm mời bạn nên ăn cho thực thà và nhìn trộm vợ đang so đũa. Cầu ngạc nhiên thấy có hai đôi đũa thôi và khẩn khoản mời cả bác Đạm gái ngồi ăn luôn thể. Bác Đạm gái không nói lại được một tiếng, thành thử người chồng đang cần nịnh vợ kia phải đỡ lời:
- Nhà tôi thường hay ăn trước tôi. Anh cứ tự nhiên.
Ấy thế rồi bữa rượu đơn bạc được chủ và khách chiếu cố đến một cách quá tự nhiên, đến nỗi đĩa tép rang cũng theo bát tiết canh biến thành món nhắm rượu và đã trơ cả lòng “con phượng” ra từ lúc nào. Rồi hai người bạn cố tri trong khi gặp lại nhau, trong lúc gật gù chén tôi chén bác, đã nhắc nhỏm lại cái hồi hai người còn là bạn học một trường ước hẹn với nhau sẽ đi chung một con đường tương lai, đã lên tiếng trách nhau sao không năng có thư từ đi lại để than phiền với nhau rằng cuộc đời xoay mau quá chốc đấy đã mười năm, và khen lẫn nhau rằng như thế mà còn được lành mạnh cả là một điều đáng mừng.
Thấy câu chuyện đang vào giữa lúc cao hứng, thấy chai rượu mới cạn được hai phần ba mà đồ ăn không còn, Đạm vụt nhớ vợ còn ít ra là năm xu và đoán chắc chưa dùng đến, chàng vội bảo vợ chạy đi cho thật “ba chân bốn cẳng” mua bát tiết canh nữa. Bác Đạm gái nhìn chồng, lộ hết vẻ nguyền rủa ra cặp mắt. Nhưng thấy chồng trừng mắt, nàng đã phải hậm hực đi ngay để tiêu nốt chỗ tiền còn lại cho vừa lòng kẻ uống rượu dở mồm.
Rồi bữa cơm ấy đã kết liễu bằng tảng cháy ròn dùng làm đồ tráng miệng. Cầu đã không từ chối cả đến miếng sém do tay bạn ân cần đưa mời với một câu.
- Anh ăn cho thơm miệng.
Bữa cơm ấy, Cầu đã ăn hơn những bữa thường lệ ở nhà, tuy đồ ăn hôm nay chẳng có gì và gạo thì lẫn cả thóc và lổn nhổn những sạn, vì chàng sợ nếu mình ăn uể oải thì bạn sẽ tủi lòng và cho là mình chê mâm cơm đạm bạc.
Lúc mà hai người đã xỉa răng uống nước, nằm song song trên giường phì phèo điếu thuốc lá thì bác Đạm gái cũng cúi xuống dưới bộ ngựa, gạt mạnh những bó củi đóm đánh “suỳnh” một cái, lịch kịch kéo chiếc chõng tre ra gần phía liếp để dọn chỗ ngủ. Và lúc mà bác Đạm gái gần tắt phụt ngọn đèn, bác không quên nhận rõ chồng mình nằm trong và bạn chồng thì nằm ở phía ngoài. Đạm còn dặn vợ:
- Sớm mai, mình đánh thức tôi dậy sớm để đưa bác ra tầu, nhớ nhá!
Bác Đạm gái không những đã không trả lời chồng mà trong bụng còn chứa đầy vẻ căm hờn. Bác đoán thế nào bạn chồng cũng phải ra sau đi tiểu và lúc ấy bác sẽ thừa dịp vắng “ông quý khách” trong giây lát để cho chồng mình một trận... Bụng bác nôn nao cồn cào. Tiếng chõng tre kẽo kẹt họa với sương đêm thu rỏ giọt ngoài thềm. Bỗng có tiếng ai đang quơ đôi giầy tây ở mặt đất. Bác sẽ nhỏm dậy nhìn kỹ về phía giường cử động, rồi tiếng giầy tây lộp cộp đi vào nhà trong. Đúng rồi, ông khách quý hóa đã rời được chồng mình ra để đi giải. Bác Đạm gái còn đợi gì mà không trả thù ngay cái thù chồng mình hiếu khách đến nỗi bắt mình nhịn đói.
Bác vơ lấy cái nồi đồng con thổi cơm ban nãy chưa ngâm nước mà bác đã định tâm cất xuống dưới chõng tre, bác chạy mau lại phía giường, cọ mãi đít nồi vào mặt người nằm đấy và ghé sát miệng vào tai người say rượu nằm đấy, nói phào phào rất nhanh:
- Này tiết canh, này sém... Đã sướng chưa! Mai lại kéo vài người về đây bầy ra đồ uống nữa cho gái này nhịn nhá!
Bác Đạm gái còn đay nghiến nữa, và cọ đi cọ lại đít nồi vào người nằm đấy, nếu từ nhà trong bác không nghe thấy tiếng người đi giầy tây lộp cộp tiến ra. Bác lại vội chạy ra nằm ở chõng tre. Bác lấy làm hả dạ, bình tâm ngáy một nhịp khò khò.
Đêm thu ở con đường Lạch Chay vẫn im lìm. Nhưng nếu có một người nào phải trằn trọc trong đêm ấy với nỗi canh trường tư lự, thì người ấy là Cầu. Cầu đang dùng khăn mùi soa thấm vào nước trong tích nước để lau những muội nồi trên lần da mặt bị nhọ và xây xát.
Chàng nằm lắng canh gà gáy và bụng bảo dạ: Mình hiểu câu chuyện rồi. Mình đã bị nhầm với Đạm. Ai bảo người bạn đáng thương hại của mình tự nhiên lại đổi chỗ cho mình bò ra ngoài nằm làm gì? Ai bảo anh Đạm xỏ vào giầy tây của mình mà đi tiểu?
Ôi, vợ với con. Câu chuyện này, sống ta để bụng, chết ta mang theo đi, cho anh ấy biết làm gì cho thêm tội nghiệp.

Đông Dương tạp chí số 34 (1938)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét