Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 4 - Chuyện Thứ Nhất

Tiệm sách cũ Biblia Q 4

Tác giả - Mikami En
Người dịch: Thúy An
Nhà xuất bản Văn Học - 2017

Tập 4 - Shioriko và dung nhan hai mặt

Giải được mật khẩu của két sắt này, tất cả sách sẽ là của cháu!
Bằng trực giác nhạy bén bẩm sinh, cô chủ tiệm xinh đẹp đã đương đầu thách thức. Đối thủ tài ba nhất của cô, lại chính là người đã mười năm xa cách.
Một lời ủy thác kiểu đánh đố, dẫn đến một ngôi nhà chứa đựng bí ẩn kinh người, nhưng câu đố lắt léo hơn nữa lại nằm sau sách, và sách.
Tiệm sách cũ Biblia tọa lạc tại một ngõ nhỏ ở Kamakura, lặng lẽ đón chào những vị khách yêu sách và cả những câu đố bí ẩn chẳng ai mời...
Hai người lặn lội đi thực hiện một lời ủy thác liên quan đến sách, phát hiện ra một lượng lớn tác phẩm hiếm có khó tìm của nhà văn trinh thám đại tài Edogawa Ranpo. Nhưng chiếc két không ai mở ra được lại còn chứa đựng một thứ quý giá hơn nữa. Khi mở được két, bí mật của chủ tiệm xinh đẹp cũng sẽ phơi bày luôn chăng?
Dối trá và thành thực, đều ẩn trong mê cung sách cũ.
Số mệnh đã được ràng buộc vào sách, làm cách nào cứu rỗi được đây?

Mở Đầu

Chập tối, tôi sắp đóng cửa tiệm thì đột nhiên có dư chấn.
Đang chuyển tiền lẻ ở máy đếm tiền sang khay đựng, tôi phải dừng tay vì đợt rung lắc đầu tiên. Bóng đèn treo đung đưa, ngôi nhà cũ rít lên ken két. Trong tiệm chẳng có ai ngoài tôi.
Mặt đất tiếp tục rung lắc, nhưng mấy kệ chứa sách vẫn đứng vững. Đó là nhờ hôm trước chúng đã được gắn cố định vào nền nhà và tường bằng khung gia cố kim loại, không phải lo sách đổ xuống sàn. Tôi đang phân vân có nên tạm rời khỏi tiệm hay không thì đợt rung lắc từ từ ngừng lại.
Tôi bật radio ở quầy tính tiền, đúng lúc có bản tin động đất. Tâm chấn là tỉnh Ibaraki. Do ở khá xa nên độ dư chấn ở tinh Kanagawa không đáng kể.
Tôi lấy điện thoại ra, bắt đầu nhắn tin.
Tôi, Gora Daisuke, đang làm việc tại tiệm sách cũ có tên Biblia ở Kita-Kamakura, tỉnh Kanagawa. Tôi bắt đầu làm từ mùa hè năm 2010, đến nay đã hơn nửa năm.
Hôm nay chỉ có mình tôi trông tiệm. Chủ tiệm là Shinokawa Shioriko đã cùng em gái đi đến khách sạn ở Landmark Tower, Yokohama để dự lễ cưới của người chị họ. Cô chủ 25 tuổi, hơn tôi hai tuổi. Trong công việc, tôi hiếm khi thấy cô ăn vận như sáng nay, chiếc đầm màu be phối với áo khoác trắng sang trọng, lại trang điểm đàng hoàng càng làm nổi bật làn da trắng cùng khuôn mặt ưa nhìn, khiến tôi không khỏi ngẩn ngơ.
Dù vậy, đôi kính gọng to giản dị vẫn lù lù trên mặt như mọi ngày. Nghe tôi hỏi cô có định tháo ra không, Shioriko liền hỏi ngược lại là vì sao. Xem ra việc ăn vận cầu kì để đi dự đám cưới đã là cố gắng cao độ của cô rồi.
Lúc này hẳn đang giữa chừng bữa tiệc. Nghe nói tầng cao của tòa nhà cũng rung lắc, nhưng gì thì gì, vẫn không thể nhiều rủi ro bằng tiệm sách cũ đã xây dựng được năm mươi năm.
Tôi nhắn tin chỉ để xác nhận sự an toàn của hai chị em Shioriko, nhưng chưa kịp gửi thì đã thấy tin nhắn tới. Người gửi không phải chủ tiệm, mà là cô em gái Shinokawa Ayaka.

Tiệm không hư hại gì chứ? Ở đây rung lắc dữ dội nhưng không sao. Anh đừng lo lắng nhé!

Tôi vừa vuốt ngực thở phào nhẹ nhõm thì lại thấy tin nhắn mới. Lần này là của Shioriko.

Ở đây không sao. Không sao chứ?

Đúng ra chẳng cần cả hai phải gửi tin nhắn riêng rẽ thế này, vấn đề là chị em nhà Shinokawa đã giữ khoảng cách với nhau từ trước đợt động đất. Hoặc ít nhiều thì mối quan hệ của họ cũng đang trục trặc.
Tôi lần lượt trả lời từng người rằng tiệm không sao. Radio vẫn tiếp tục phát bản tin động đất. Ở vùng thủ đô, tàu điện sau thời gian tạm dừng đã vận hành trở lại, nhà máy điện hạt nhân vẫn nguyên vẹn, không có nguy cơ phát sinh sóng thần.
Khi radio chuyển sang bản tin dự báo thời điểm anh đào nở, tôi liền nhấn nút tắt và quay về công việc kiểm kê ở quầy tính tiền. Đúng lúc đó có tin nhắn. Lại là Shioriko.

Anh Daisuke có...

Chăm chú nhìn tin nhắn một lúc lâu, tôi mới nhận ra điều cô muốn hỏi là tình hình của tôi. Tôi nhắn trả lời rằng mình vẫn bình an vô sự, lòng bỗng dưng ấm áp hẳn, dù đang giữa ngày xuân rét thấu tim gan.
Giờ là tháng Tư, đã hai mươi ngày trôi qua sau khi một trận động đất lớn viếng thăm miền Đông Nhật Bản, ấy thế mà cứ vài hôm lại phát sinh một cơn dư chấn. Nếu so với vùng gặp nạn ở Đông Bắc thì tỉnh Kanagawa chỉ thiệt hại nhỏ, nhưng với cá nhân tôi, đây là lần đầu tiên tôi nếm trải một trận động đất lớn đến thế kể từ khi chào đời.
Khoảnh khắc mặt đất bắt đầu rung chuyển, tôi và Shioriko vẫn ở quầy như thường lệ. Khi chúng tôi đang dùng tẩy để xóa các nội dung ghi trong sách cũ, vài chấn động nhỏ xảy ra từng hồi, rồi bắt đầu chuyển qua rung lắc dữ dội đến mức khó mà đứng thẳng được.
Diễn biến tiếp theo thế nào, giờ tôi chỉ nhớ loáng thoáng. Khi mọi rung lắc dừng lại và trở về trạng thái cũ, tôi nhận ra mình đang quỳ dưới sàn, hai tay chống vào tường và toàn thân cứng ngắc. Shioriko thì đang ngồi bệt ở khoảng trống hẹp giữa cơ thể tôi và bức tường. Chắc là tôi đã nhào tới che giúp khi cô ngã từ trên ghế xuống.
- Anh không sao chứ? - Cô hỏi, gò má trắng tái nhợt hơn bình thường.
- Hả? Tôi không sao đâu. - Dứt lời, tôi nhận ra lưng mình hơi đau. Chồng sách chất phía trong quầy đã đổ la liệt. Chắc là vài quyển bị bẹp góc rồi. - Shioriko có sao không?
- Tôi không sao... Nhưng mà, sách...
Lúc này mà cô vẫn nghĩ đến sách sao? Cuồng sách đến thế là cùng. Tôi ngạc nhiên đứng lên, nhìn một lượt quang cảnh trong tiệm và không khỏi bàng hoàng.
Kệ sách dựng ở lối đi đổ nghiêng, một đống to sách cũ nẳm lổng chổng trên sàn. Ánh đèn tắt ngúm cả, hình như là mất điện, không gian mờ tối hơn mọi khi. Tưởng đâu trước mặt mình là một cái hang vừa sập, cứ nghĩ ban nãy mà tôi hoặc cô đứng ở lối đi, tôi lại lạnh hết sống lưng.
Bây giờ tiệm sách cũ Biblia đã được dọn dẹp tươm tất. Chúng tôi gom số sách cũ tán loạn và đặt lên kệ sách đã dựng thẳng lại, ba ngày sau mở cửa kinh doanh bình thường. Dư chấn thưa dần, người ta cũng không thực hiện cắt điện từng khu vực để tiết kiệm nguồn điện như dự tính nữa...
Mấy ngày liền, thời sự liên tục đưa tin về chỉ số năng lượng phóng xạ rò rỉ. Kể cũng là một điều đáng lo ngại, nhưng dù thế nào thì vẫn phải sống. Ở khu vực của chúng tôi, nhịp sống thường nhật đang dần khôi phục.
Thật may mắn là gia đình, bạn bè và người thân của tôi đều bình an vô sự. Về phía Shioriko cũng vậy, trừ tình hình của mẹ cô. Tên bà là Shinokawa Chieko, nghe đâu còn “mọt sách” hơn cả con gái. Tình trạng biệt tăm biệt tích của bà cũng không phải là chuyện mới đây, mà là chuyện của tận mười năm về trước.
Mấy ngày trước trận động đất, có một quyển sách cũ được trao cho Shioriko. Địa điểm là phòng khách nhà chính và người chứng kiến chỉ có một mình tôi.
Đó là quyển Nhật ký Cra-cra của Sakaguchi Michiyo mà Chieko để lại cho Shioriko. Quyển sách đúng ra đã bán đi rồi không hiểu sao lại rơi vào tay cô em Ayaka và do cô bảo quản bấy nay. Trên bìa lót có viết địa chi email “shinokawa@chieko-biblia.com”, là hộp thư điện tử của Shinokawa Chieko.
- Hồi xuất viện tạm thời, cha đưa cho em giữ, - Ayaka giải thích. - Cha dặn... một ngày kia, có thể Shioriko sẽ hối hận về việc đã thanh lý quyển sách, đến lúc đó hãy giúp cha trả lại cho chị.
- Tại sao bây giờ em mới đưa? - Tôi lên tiếng thay cho Shioriko đang im lặng.
- Vì em không biết chị có muốn nó hay không. Chẳng may trả không khéo, nó lại bị quăng đi chưa biết chừng.
Cũng đúng. Vì ngoài tôi ra, hầu như không ai biết Shioriko có ý tìm kiếm quyển sách.
- Aya, em đã gửi mail rồi đúng không? Đến địa chỉ này. - Shioriko khẽ hỏi.
Ayaka nhăn mặt như bị đụng trúng chỗ đau, cô bé lao ra khỏi phòng. Tôi chưa kịp thắc mắc thì cô bé đã quay lại, ôm theo máy tính xách tay.
- Ồ...
Tôi nhìn lướt qua màn hình và chợt câm nín. Trên cửa sổ mail mở sẵn đang hiển thị một loạt thư gửi đi. Xem chừng tuần nào cũng gửi.
- Bắt đầu từ năm ngoái thì phải... Những việc xảy ra trong ngày em đều ghi lại rồi gửi cho mẹ.
Tức là bà đã nắm rõ hết tình hình ở đây. Mà không, có chuyện còn đáng lo hơn thế.
- Vậy thư trả lời... - Tôi ngập ngừng hỏi, Ayaka lắc đầu ngay:
- Không có. Nhưng em nghĩ mẹ vẫn muốn biết một chút về cuộc sống của chúng ta.
- Không cần gọi bà ta là mẹ! - Shioriko hạ giọng, - Nếu đã mặc kệ cả nhà và bỏ đi...
- Kể cả thế...
- Thì không đủ tư cách làm mẹ!
- Chị đừng nặng lời quá. Mẹ vẫn là mẹ thôi.
- Bà ta không phải mẹ.
- Không đúng, là mẹ mà. Không thể khác được!
- Sao lại không thể khác được chứ?
Cứ thế, hai chị em không ai nhường ai, một lúc sau thì cả hai không nói với nhau câu nào nữa.

Sau trận động đất, mối bất hòa đã dịu đi, nhưng chưa dứt hẳn. Chủ đề “mẹ” trở thành điều cấm kị giữa hai chị em.
Dù sao thì quyển Nhật ký Cra-cra cũng đã nằm trong tay Shioriko. Cuối cùng sau nhiều do dự, cô quyết định gửi mail cho mẹ, nội dung chỉ vỏn vẹn một câu “Mọi người vẫn bình an vô sự”, nhưng không nhận được bất cứ hồi âm nào.
Khi tôi tỏ thái độ lo âu thì cô cười đau khổ, “Tôi nghĩ không phải là không liên lạc được đâu, đơn giản bà ta là người như vậy thôi”.
Dù không nói ra, tôi vẫn thầm nhủ, thật là kì quái. Suốt một năm trời Shinokawa Chieko chỉ nhận chứ không hồi đáp mail của cô con thứ. Xảy ra động đất lớn như thế mà bà vẫn không buồn hỏi thăm tình hình của các con. Như mẹ người ta thì khó lòng ngồi yên được, rốt cuộc Chieko làm cách nào, hay thần kinh cứng rắn đến mức nào, mới đủ sức tỏ ra bàng quan như vậy.
Tôi chỉ chắc chắn một điều là bà không “như mẹ người ta”. Bà rời bỏ gia đình không rõ lý do. Thông tin tôi nghe được chỉ dừng ở mức bà là một nhân vật thông minh nhưng bí ẩn.
Lúc này bên ngoài cửa kính, sân ga đã nhuộm màu hoàng hôn. Tiệm Biblia nằm ngay gần ga Kita-Kamakura. Có lẽ tàu điện sắp tới. Dưới bóng đổ của mái hiên, rất nhiều hành khách đang đứng đợi.
Tôi đang yên lặng đếm tiền mặt tại quầy thì chuông điện thoại của tiệm vang lên.
- Kính chào quý khách. Tiệm sách cũ Biblia xin nghe. - Tôi nhấc máy trả lời ngay. Mất một lúc, giọng nói quen thuộc mới cất lên:
- A lô!
Thì ra là Shioriko.
- Có chuyện gì vậy? - Tôi hỏi và nhớ lại tin nhắn lúc nãy. Chắc vì lo lắng nên cô cất công gọi hẳn điện thoại. - Nếu là vụ dư chấn thì không sao đâu! Bây giờ cô đang bận tiệc cưới mà hả?
Im lặng kéo dài. Tôi nghe tiếng gió rít hòa với tiếng ồn, hình như Shioriko đang ở ngoài phòng tiệc.
- Tiệc cưới?
- Ủa, không phải à? Hôm nay là đám cưới của chị họ cô...
Tôi chợt ngưng lại. Có điểm là lạ ở đây. Tiệc cưới tổ chức ở khách sạn thuộc tầng cao Yokohama Landmark Tower. Cứ cho là rời bàn tiệc để gọi điện thoại đi, cũng đâu cần thiết cất công ra khỏi tòa nhà?
- Tôi không ở Landmark Tower đâu! Tôi đang ở một nơi khác đấy!
Câu trả lời vô cùng nhanh nhạy. Nếu là cô gái tôi vẫn biết mọi khi thì ngoài lúc bàn chuyện sách vở, cô không nói năng như thế này. Giờ mới để ý, giọng cô nghe cũng hơi trầm.
Đột nhiên, sống lưng tôi lạnh toát. Người tôi đang đàm thoại có thật là Shioriko? Không, tôi không nghĩ là ai lại có giọng nói giống cô đến thế...
... trừ người có quan hệ máu mủ sâu đậm.
- Ai ở đầu dây vậy ạ? - Giọng tôi khàn đến mức chính bản thân cũng phải ngạc nhiên.
- Cậu là Gora Daisuke nhỉ?
- Xin hãy trả lời đi! - Liếm ướt đôi môi khô, tôi chậm rãi nói tiếp. - Có phải là cô Shinokawa Chieko không ạ?
Đáp lại là tiếng thở xen lẫn tiếng phì cười. Quả không sai. Dù chính tôi đã hỏi tên người ta nhưng vẫn chưa tin đây là sự thật.
- Cậu không nghĩ là một người bà con khác sao?
- Nếu, nếu thế thì... chắc chắn sẽ xưng tên ngay từ đầu.
- Đó đâu phải lý do cậu đang nghĩ đến. Chỉ là không suy luận được khả năng nào khác thôi, phải không?
Tôi bối rối vì tâm tư mình bị nhìn thấu nhanh chóng đến thế. Người này, cứ như đi guốc trong bụng tôi vậy.
- Nhưng cậu phản ứng tốt đấy.
Dù được khen, tôi cũng chẳng phấn khởi gì. Tôi duỗi thẳng lưng, hít thở thật sâu để trấn an tinh thần.
- Phải đấy, vươn vai hít thở giúp trấn tình rất tốt! Mà lúc này các con tôi không ở nhà chính à?
- Vâng.
- Tiếc quá! Chắc cả hai đều khỏe chứ?
Tôi phẫn nộ đến mức buồn nôn trước giọng điệu tỉnh bơ như tán chuyện tầm phào ấy. Biểu cảm u tối của Shioriko lúc kể về mẹ và bao nhiêu mail Ayaka miệt mài gửi trong vô vọng lướt vùn vụt qua đầu tôi.
- Chỉ là liên lạc thôi mà cô không làm được ư?
- Liên lạc á?
- Suốt mười năm trời cô làm gì cô ở đâu vậy hả? - Tiếng hét của chính mình làm tôi tỉnh ngộ. Có khi nào vì phản ứng này mà bà ấy dập máy rồi chẳng bao giờ thèm gọi nữa không. Vả chăng tôi đâu phải người thân, dựa vào cái gì mà nổi nóng chứ.
- À không, vâng... bây giờ cô đang ở đâu ạ?
- Nhật.
Tôi choáng người vì câu trả lời bỡn cợt của Shinokawa Chieko. Bà còn chẳng buồn giải thích. Không được, không thể để vậy được. Cuối cùng, cái đầu tôi đã bắt đầu hoạt động.
- Trước giờ cô ở nước ngoài ạ?
- Đúng, tôi mới quay về vào tuần trước.
Nghĩa là sau khi Shioriko gửi mail. Thời buổi này người rời Nhật Bản thì có chứ người hồi hương thường rất hiếm.
- Vậy là cô về để gặp chị em Shioriko...
- Không, để lo công việc.
Tôi bàng hoàng vì bị phủ định ngay lập tức như thế.
- Công việc?
- Dĩ nhiên rồi, mua bán sách cũ. Giờ chẳng phải là thời cơ sao?
Tôi không hiểu thời cơ bà nói là cái gì, nhưng có một điều mà tôi biết rồi.
- Cô đang mở tiệm sách cũ ở nước ngoài ạ?
- Ừ, chắc sẽ như thế.
Dường như bà không có ý bộc lộ chi tiết về tình hình bản thân nhưng cũng không né tránh câu trả lời. Tôi cố hết sức nặn ra câu hỏi tiếp theo. Cuộc gọi có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Vì chị em Shioriko, tôi phải tìm hiểu thông tin bằng mọi cách.
- Bây giờ cô đang ở đâu trên nước Nhật ạ?
Bất chợt tiếng còi báo ở nơi chắn tàu réo vang. Tôi áp sát ống nghe vào tai để không bỏ sót câu trả lời.
- Ồ, cậu vẫn chưa biết à?
Nghĩa là sao? Tiếng dịch chuyển của tàu điện dang vọng đến gần. Nghe ầm ĩ khác thường.
- A!
Tôi cất cao giọng. Âm thanh phát ra không những có thể nghe thấy bên ngoài, mà còn cả trong đường dây nữa. Nghĩa là Shinokawa Chieko đang ở chỗ có âm thanh này. Tôi ngẩng mặt lên, căng mắt nhìn về phía cửa kính. Một phụ nữ tóc dài cầm điện thoại đang đứng ở chỗ chờ tàu bên nhà ga. Bà mặc áo khoác đen và váy dài đồng màu, trông như một cái bóng.
Nét mặt cho thấy bà cũng khá nhiều tuổi, nhìn từ xa thì giống Shioriko đến đáng sợ, nhưng giống một bản sao hắc ám hơn là mẹ của cô.
- Xin chào, cậu Gora Daisuke.
Shinokawa Chieko đang nhìn chăm chú về hướng tôi qua cặp kính mát màu nhạt. Tôi không sao nhúc nhích được trước ánh mắt sắc bén như dao ấy. Không rõ trạng thái đó kéo dài bao lâu. Rồi tàu điện đi tới và chắn ngang tầm mắt khiến chúng tôi không còn nhìn thấy nhau. Tôi bất chợt thở phào nhẹ nhõm, rồi nghe thấy tiếng của tàu điện mở ở đầu dây bên kia.
“Tôi sẽ lại đến nữa. Gửi lời hỏi thăm tới các con gái tôi nhé!”
Cuộc gọi kết thúc. Tôi bỏ ống nghe xuống, lao ra ngoài đúng lúc tàu điện chầm chậm rời ga. Toa cuối cùng lướt qua. Chẳng còn thấy bóng dáng Shinokawa Chieko đâu nữa. Hoàng hôn buông xuống nhà ga vắng bóng người, đèn điện lần lượt bật sáng.

Chuyện Thứ Nhất

Ác quỷ trên hoang đảo

1

Sau hôm Chieko xuất hiện, tôi đến tiệm sách cũ Biblia từ sáng sớm. Chính xác là đến tầng hai nhà chính, và tôi đang buộc sách cũ lại rồi đem ra ngoài theo chỉ thị của cô chủ tiệm. Dù việc tôi đang làm không khác mấy so với nhiệm vụ thường ngày, nhưng đây là chuyện nhờ vả mang tính cá nhân.
Tầng hai là một căn phòng kiểu Nhật có hai gian liền nhau, nơi sinh hoạt của Shioriko. Mức độ mê sách quá dị thường, quay hướng nào cũng đụng sách cũ.
- Anh có xem lịch sử cuộc gọi không? - Shioriko hỏi vọng sang từ gian kế bên. Giọng cô rất giống giọng người mẹ tôi nghe hôm qua. Vừa làm việc, tôi vừa kể lại chuyện đã xảy ra.
- À, tôi xem rồi. Là số điện thoại ẩn danh.
Miệng trả lời, tay tôi vẫn đều đặn quấn dây vào những quyển sách cũ bìa cứng trên nền chiếu. Bất chợt, tôi chú ý đến quyển sách có gáy nhiều màu với dòng chữ Tổng quát về văn học giả tưởng thế giới của nhà xuất bản Kokusho.
Sau cuộc gọi, tôi kiểm tra ngay và thấy số gọi đến đã ẩn hiển thị. Chắc Chieko không muốn các con liên lạc được với mình. Chính là để khi nào thích thì “sẽ lại đến nữa”. Đúng là ích kỉ!
- Tôi đoán là bà đang làm việc liên quan đến sách cũ.
- Thế à? - Shioriko ngoảnh phắt đầu lại. Cô đang ngồi trên tatami, hai chân xếp sang một bên, lưng quay về phía tôi. Từ gấu váy ca rô dài lộ ra phần chân đi tất. Trời còn lạnh nên cô khoác áo len dệt.
- Và hình như vẫn liên lạc với những người quen đang làm công việc liên quan đến sách cũ.
Trong đầu tôi bỗng hiện ra một tấm thiệp Giáng sinh. Đó là tấm thiệp Shinokawa Chieko gửi cho chủ tiệm sách cũ Hitori hồi cuối năm ngoái. Ông chủ tiệm coi bà ấy như kẻ thù nên đã phớt lờ tấm thiệp, nhưng với những đồng nghiệp khác, nếu bà có trao đổi và giao dịch thân thiết hơn thì cũng không có gì là lạ. - Vào thời điểm này, cô Chieko đến đây để làm gì? - Dù bà nói là vì công việc, nhưng tôi nghĩ lý do không chỉ có thế.
- Bà ta mà nói là công việc thì đúng là công việc đấy. -  Shioriko trả lời một cách thờ ơ. - Nghe bảo hễ gặp động đất lớn là sẽ có những người ham đọc rũ bỏ tủ sách của mình. Thực tế, sau trận động đất lịch sử Hanshin cách đây mười sáu năm, các bộ sưu tập đã ồ ạt xả ra thị trường. Tôi không biết lần này thế nào, nhưng chắc bà ta quay lại với hi vọng mua được nhiều sách cũ.
Thì ra đây chính là “thời cơ” à? Nếu đúng thì tôi không thể coi Shinokawa Chieko là người đàng hoàng được. Vì bà lại xem thiên tai như cơ hội kiếm chác.
- Mình tiếp tục thôi. Cũng không còn thời gian nữa.
Nghe Shioriko nhắc nhở, tôi ôm lấy chồng sách đã buộc gọn gàng, trong đó có quyển Tổng quát về văn học giả tưởng thế giới, bước ra hành lang. Ván sàn kêu cót két làm tôi bất giác nhìn xuống chân để kiểm tra. Dù đoán là ảo giác, nhưng tôi vẫn thấy tầng hai hơi nghiêng.
Dạo này chúng tôi liên tục mang sách cũ ở đây xuống. Dĩ nhiên là tại trận động đất tháng trước. Không chỉ ngoài tiệm mà ngay nhà chính cũng sập mất vài giá lớn, sách đổ ngổn ngang không còn chỗ đặt chân.
Việc sửa chữa chính thức bắt đầu khi cửa tiệm hoạt động trở lại, nhưng vết nứt lớn xuất hiện trên tường đã trở thành vấn đề tương đối nghiêm trọng. Shioriko có nhờ người quen là kiến trúc sư kiểm tra giúp và được biết là ngoài sửa chữa, ngôi nhà cũng cần gia cố để chịu được động đất. Hơn nữa, nếu muốn tăng sức chứa sách thì nên gia cố cả sàn và vài chỗ khác. Shioriko đã bị thuyết phục và quyết định sẽ thi công ở quy mô lớn hơn. Chính vì thế, đồ đạc phải được dọn ra khỏi tầng hai. Nhân dịp này, chúng tôi tiện thể sắp xếp lại bộ sưu tập cá nhân của cô và thanh lý những đầu sách trùng. Hằng sáng tôi đến đây trước giờ mở cửa tiệm, buộc sách cũ và di chuyển chúng theo hướng dẫn của Shioriko. Đây không phải công việc mà chỉ đơn thuần là giúp đỡ, vì tôi không nhận lương.
Tôi ôm nguyên chỗ sách cũ bước xuống cầu thang, mang vào một căn phòng tạm dùng làm nhà kho. Vừa định quay lại tầng hai thì có tiếng gọi “Anh Gora ơi!”.
Một cô gái dáng người nhỏ nhắn đang đứng đằng sau. Mình vận bộ đồ thể thao cũ, ngoài khoác áo dính mũ màu trắng, nhìn kiểu gì cũng thấy đây là quần áo mặc ở nhà. Mái tóc buộc sau gáy trong nửa năm này đã dài ra khá nhiều.
- Chào Ayaka. - Tôi đáp lại. Đây là lần gặp mặt đầu tiên trong hôm nay của chúng tôi.
- À, em xin lỗi nhé, anh Gora.
- Hả, xin lỗi vì chuyện gì?
- Vì để anh phải giúp đỡ mỗi ngày đấy ạ. Em thì hoàn toàn không biết gì về sách cả. À, anh đã dọn xong chưa?
Qua mấy câu hỏi, tôi hiểu rằng hai chị em vẫn chưa hoàn toàn làm lành với nhau. Nếu bình thường thì chắc cô bé đã tự mình lên tầng hai để xác nhận trực tiếp rồi.
- Chưa đâu, phải còn một nửa nữa.
Shinokawa Ayaka nghiêng đầu:
- Mất nhiều thời gian đến thế ạ?
- Ừ... vì nhiều sách quá. - Tôi nói nốt rồi quay lên tầng hai. Cả tôi và Shioriko cùng hợp sức sắp xếp, vậy mà công việc chẳng tiến triển được bao nhiêu.
Vào đến nơi thì thấy Shioriko vẫn ngồi với tư thế như ban nãy, tôi nhìn quanh căn phòng hai gian kiểu Nhật một lần nữa. Chỉ có một cái bàn, một tủ quần áo và chiếc giường ngủ, ngoài ra thì toàn là giá sách. Những quyển sách cũ lộn xộn đã được dọn đi kha khá nên có thể nhìn thấy bốn góc tường và chiếu tatami. Đằng sau cánh cửa kéo đóng kín là tủ âm tường, dĩ nhiên cũng chất đầy sách cũ. Bây giờ chúng tôi đang đang tấn công đến chỗ tủ này. Cần phải phân loại xem giữ quyển nào, thanh lý quyển nào.
- Phù... Phù phù... Phù...
Tôi nghe thấy một âm thanh không phải tiếng thở cũng không phải tiếng thì thầm. Chắc cô định huýt sáo. Đó là thói quen của Shioriko mỗi khi mê mải. Lại nữa rồi, tôi buông tiếng thở dài. Tôi rướn người lên nhìn qua vai cô, quả nhiên thấy cô đang miệt mài đọc một cuốn sách đặt trên đầu gối.
- Sách gì vậy?
Shioriko quay phắt lại, giơ quyển sách lên trước ngực, đung đưa qua lại. Bờ môi hồng đào khẽ nở nụ cười, phía sau tròng kính là đôi mắt đen sáng rực. Tôi giật mình trước làn da mỏng manh đang đỏ ửng của cô.
- Là bản in đầu tiên quyển Thần thoại mùa đông của Kobayashi Nobuhiko! Vì không thấy đâu nên tôi đã tìm suốt!
- Ồ... - Bình thường tôi sẽ hỏi ngay về nội dung cuốn sách. Tôi thích nghe nói chuyện về sách lắm, còn cô một khi đã nói thì không ngưng được...
- Là tiểu thuyết phát hành năm 1966, một kiệt tác khắc họa cuộc sơ tán tập thể của học sinh trong chiến tranh Thái Bình Dương dựa trên những trải nghiệm của bản thân tác giả. Nhân vật chính là lớp trưởng, cậu ta thuộc số học sinh bị khống chế bởi những trò bạo lực ngầm, sau dần dần bị cô lập và săn lùng. A... - Nói tới đây cô đã bình tĩnh trở lại. Đang bị cuốn hút vào câu chuyện, tôi cũng có phản ứng tương tự. Shioriko co mình và nhắm chặt mắt. - Cuối cùng cũng tìm thấy, ừm, anh hãy để cái này vào chỗ đã lấy ra giùm tôi nhé!
Cô cầm cuốn sách bằng hai tay và đưa cho tôi. Chắc do tôi tưởng tượng hay sao mà trông cô vẫn còn tiếc nuối. Tiến độ rề rà chính là vì Shioriko cứ mải miết đọc sách kiểu này. Bình thường, thu mua bộ sưu tập của người khác với số lượng lớn thì cô luôn dọn xong trong thời gian ngắn, nhưng gặp chính bộ sưu tập của mình thì bỗng không suôn sẻ chút nào.
- Xin lỗi đã làm phiền anh...
- Không sao. Cứ làm thong thả.
Tôi nhận quyển Thần thoại mùa đông rồi đặt lên trên chồng sách văn nghệ thời hậu chiến. Thật ra tôi không cần được xin lỗi, chỉ cần cùng nhau làm gì đó như thế này cũng vui rồi, lại không có khách lui tới như khi làm việc trong tiệm. Thực sự chỉ có hai người mà thôi. Nghĩ lại, tôi cũng ngạc nhiên vì mình có thể vui mừng chỉ vì một việc nhỏ nhặt như vậy.
Shioriko ngừng tay, ngước lên nhìn tôi. Nhất cử nhất động đều bị dõi theo nên tôi không thể bình tĩnh được.
- Sao vậy?
- Anh Daisuke này.
Gọi xong, không biết vì sao cô lại nhìn xuống đầu gối, e thẹn chạm các đầu ngón của hai bàn tay vào nhau. Khoảng thời gian im lặng kéo dài một lúc. Rồi có tiếng chuông reo ở lối vào nhà chính. Hình như ai đó tới thăm.
- Tôi đã được anh Daisuke giúp đỡ rất nhiều. Vậy nên, hôm nào... - Tôi há hốc mồm ngạc nhiên. Ảo giác hay sao mà nghe như cô đang rủ tôi hẹn hò, dù tôi nghĩ rằng khả năng đó bằng âm ở cô gái này. - Hôm nào...
Tiếng chân rầm rập chạy lên. Shioriko mím môi nghi ngờ nhìn ra hành lang. Tôi suýt tặc lưỡi, ai phá ngang mà đúng lúc ghê.
- Chị à!
Người xuất hiện dĩ nhiên là Shinokawa Ayaka, trong bộ dạng nhớn nhác phải nói là hiếm thấy.
- Bây giờ, ở lối vào, mẹ....
Nói tới đây, cô bé ngừng lại lấy hơi. Chúng tôi như bị đóng băng. Mười năm bặt tăm, không thể nào mới gọi điện hôm qua mà hôm nay đã đích thân tới được. Nhưng câu tiếp theo mới thực sự bất ngờ.
- Có người tới, nói là có việc hỏi mẹ. Họ bảo em nếu mẹ không ở đây thì hãy gọi người rành về sách cũ ra.

2

Tôi xuống tầng một, bắt đầu quét dọn tiệm. Shioriko đang tiếp người vừa tới trong phòng khách nhà chính. Vì không còn việc gì làm ở tầng hai nên tôi quyết định chuẩn bị mở cửa tiệm.
Việc chỉ đích danh Shinokawa Chieko cho thấy đây không phải là công việc bình thường của tiệm sách cũ. Tháng trước cũng có người đến nhờ tiệm lấy lại bản in đầu tiên tác phẩm Mùa xuân và Tu la của Miyazawa Kenji, lần này cũng giống như thế chăng, mà không khéo lại là việc rắc rối hơn. Liệu có hên quan gì đến chuyện ngày hôm qua không? Vừa lau bụi trên kệ vừa luẩn quẩn suy nghĩ, tôi nghe tiếng đóng cửa khe khẽ ở lối vào nhà chính. Chắc là khách về rồi. Tôi vén rèm cửa kính. Nếu muốn ra ga thì vị khách đó phải đi vòng qua mặt trước tiệm.
Tôi đợi một lúc thì quả nhiên thấy một phụ nữ đứng tuổi mập mạp, mặc chiếc áo khoác lông rẻ tiền, mang túi xách trang trí đăng ten đi qua. Bà ngoài năm mươi tuổi, là người tôi không quen biết. Bà chỉ liếc nhanh vào cửa tiệm rồi nhanh chóng đi mất.
Tôi thầm thắc mắc. Nếu hứng thú với sách thì phải sang tiệm ngó nghiêng một chút chứ. Lẽ nào bà không phải là người mê sách cũ?
Cánh cửa thông với nhà chính mở ra, Shioriko chống nạng xuất hiện. Đôi mày cô nhíu lại như bối rối.
- Có chuyện gì vậy?
Nghe tôi hỏi, cô vẫn giữ nguyên nét mặt, nhưng đầu hơi nghiêng sang một bên:
- Là chuyện đặc biệt cần trao đổi liên quan đến sách cũ quý hiếm, nên họ cần người rành về mảng này. Cụ thể thì gặp trực tiếp sẽ nói.
- Gặp trực tiếp mới nói... Vậy người ban nãy là sao?
- Là đại diện. Chính chủ là chị gái bà ta kia. - Shioriko mở ngăn kéo quầy, vừa trả lời vừa tìm kiếm bên trong.
Hóa ra vậy, chỉ là đến để chuyển lời.
- Sao chính chủ không đến?
- Bà ấy bị kệ sách đổ vào người trong trận động đất tháng trước.
Tôi nghĩ có chút mờ ám ở đây. Nếu không di chuyển được thì có thể gọi điện thoại mà. Tại sao phải mất công cử người đại diện?
- Người ủy thác là người thế nào?
- Là một người tên Kishiro Keiko.
Tôi thử lục lọi trí nhớ, nhưng đây là một cái tên tôi chưa từng nghe qua.
- Có phải khách của tiệm mình không?
- Có thể. Tôi cũng không biết nữa. Nghe nói người ấy sống ở Yukinoshita, lúc trước hay mua sách từ tiệm chúng ta bằng cách đặt hàng theo danh mục.
Yukinoshita là nơi có đền Tsurugaoka Hachimangu nổi tiếng, cũng nằm trong địa phận Kamakura. Chỗ đó không xa tiệm này lắm.

[Từ đây trở đi, nhà Kishiro Keiko sẽ được các nhân vật nhắc đến bằng chi dấu “ở Kamakura” (nếu họ đang ở tỈnh khác), hoặc “ở Yukinoshita” (nếu họ đang ở cùng tỈnh Kamakura). Đó là do phạm vi càng hẹp thì càng chi tiết, giống như khi cùng ở Hà Nội, người ta sẽ nói nhà tôi ở quận Hai Bà Trưng, nhưng khi xuống Hải Phòng, người ta sẽ nói nhà tôi ở Hà Nội vậy]

Trước kia, người xử lý công việc mua bán từ xa của tiệm này là Shinokawa Chieko. Vào thời buổi đặt hàng qua mạng chưa phổ biến, việc mua bán sách cũ từ xa sẽ được tiến hành theo hình thức đặt hàng qua điện thoại hoặc bưu điện sau khi xem danh mục mà tiệm sách gửi. Chắc cũng giống đặt mua theo catalog. Dĩ nhiên hiện giờ vẫn còn nhiều tiệm bán sách theo hình thức đặt hàng dựa trên danh mục, nhưng vài năm gần đây thì Biblia không làm thế nữa.
- Vậy bà ấy đến tiệm bao giờ chưa?
- Nên nói sao nhỉ? Có nhiều khách hàng chủ yếu đặt hàng theo danh mục thôi... A, đây rồi.
Shioriko lấy trong ngăn kéo ra quyển sổ dày đóng bìa da màu đen.
- Gì vậy?
Từ ngoài quầy nhìn vào, tôi thấy nó được làm cẩn thận như sổ sách kế toán. Bốn góc tróc hết cả, xem chừng đã khá cũ.
- Đây là danh bạ khách hàng. Bây giờ dữ liệu được lưu trên máy tính, nhưng ngày xưa thì toàn bộ thông tin được ghi vào đây.
Cô vừa nói vừa lật danh bạ. Họ tên và địa chỉ được ghi li ti. Các trang chia theo bảng chữ cái, chắc định sẽ ghi thêm nên có chừa khoảng trống. Cũng có nhiều tên bị gạch xóa, hẳn là những người đã khuất hoặc đã chuyển nhà mà tiệm không biết địa chỉ mới. Shioriko mở một trang ghi tên các khách hàng bắt đầu bằng chữ “Ki”, ngón tay thon dài lần lượt dò từng dòng. Nhưng không thấy tên nào đọc là “Kishiro Keiko” cả.
- Lạ thật đấy! - Cô quay lại vài trang trước đó, kiểm tra thêm lần nữa.
- Hay là người ta kết hôn và đổi họ rồi?
- Không đâu, tôi nghĩ là còn độc thân. Vì theo lời người em, bà ấy vẫn sống một mình từ khi trưởng thành. Từ đợt tủ đè bị thương, người em mới tới ở cùng để chăm sóc... A!
- Sao vậy?
- Anh nhìn chỗ này xem. - Cô trỏ một cái tên bắt đầu bằng chữ “Ka” ở trang trước đó. Kayama Akira, địa chỉ khu phố 6, Yukinoshita, tỉnh Kamakura. Tiếp theo, phần người nhận ghi “Kishiro Keiko”. - Chắc là người này nhỉ?
- Còn người tên Kayama?
- Tôi mới nhìn thấy lần đầu. Nếu danh bạ chính xác, tôi nghĩ người tên Kayama đã ở nhà bà Kishiro.
- Nhưng bà ấy ở một mình suốt mà?
- Hay chỉ tại cô em gái không biết thôi...
Dẫu thế thì cũng vẫn kì lạ. Không hiểu tại sao họ tên khách quen lại không được ghi chép đàng hoàng trong danh bạ khách hàng.
- Đây là chữ của mẹ. Người ghi tên và địa chỉ này là mẹ.
Bầu không khí chìm vào yên lặng. Đúng là một câu chuyện lạ. Nội dung ủy thác không rõ ràng, nhân vật tên Kayama là một dấu hỏi. Shinokawa Chieko thì thoắt ẩn thoắt hiện.
- Cô có nghĩ là ủy thác này liên quan đến sự xuất hiện của mẹ cô không? - Tôi hỏi.
- Vẫn chưa thể nói được gì. Tôi cũng có cảm giác thời điểm quá trùng hợp, nhưng vì bà ấy là người nhạy bén với sách cũ, nên chắc chỉ là ngẫu nhiên thôi.
- Cô có đi gặp người này không?
- Đi chứ. - Cô trả lời dứt khoát đến bất ngờ. - Đã có khả năng liên quan đến mẹ thì tôi càng không thể ngồi yên. Tôi nhắn là chiều mai sẽ tới.
Nên thế. Dù sao đi nữa Shinokawa Chieko cũng từng có tiền lệ uy hiếp khi mua bán sách cũ. Ngay cả tôi đây, dù chỉ mới tiếp xúc hôm qua, cũng có thể hiểu được nỗi bất an của Shioriko.
- Vì thế, à... nếu anh Daisuke có thể, thì...
Mắt cô nhìn xuống, miệng nói lí nhí. Trực giác mách bảo tôi cô đang muốn nói gì.
- À, dĩ nhiên tôi sẽ cùng đi chứ. Tôi sẽ lái xe.
- Ồ, có thật không?
- Từ đầu tôi đã định như vậy rồi. Ngày mai là ngày nghỉ định kì, mà tôi cũng chẳng có dự tính gì cả.
Shioriko chớp mắt, nhìn chằm chằm vào tôi như khẩn thiết nhờ vả:
- Cảm ơn anh nhé. Lần này, tôi sẽ trả ơn anh đàng hoàng... Tôi hứa đấy.
Nghe giọng cô trầm xuống như đang tâm sự, tôi nuốt nước miếng đánh ực. Lúc nãy ở tầng hai cũng úp úp mở mở, người này bị làm sao đây? Chắc là chuyện phải lấy hết can đảm mới nói được chăng? Tôi có nên kì vọng vào một cơ hội nào không?
- Vâ... vâng. - Bất chợt tôi đằng hắng, giọng khác với mọi khi. Cũng khó mở lời hỏi cô sẽ trả ơn thế nào. Thôi cứ đợi mọi việc tạm xong xuôi đã. - Mà “chuyện đặc biệt cần trao đổi” là gì thế? Em gái bà ấy không nói sao?
- Không nói cụ thể. Tôi chỉ biết mỗi tên tác giả liên quan trong vụ ủy thác này thôi.
- Tác giả nào?
Bỗng dưng Shioriko nhìn xa xăm. Có lẽ là một tác giả yêu thích của cô.
- Ranpo.
- Ranpo... - Tôi bất giác lặp lại. Ngay cả tôi cũng từng nghe qua cái tên này.
- Ừm. - Shioriko gật đầu, - Edogawa Ranpo.

3

Ngày tiếp theo trời trong xanh và đột ngột trở nên ấm áp.
Trước chùa Engaku, cây anh đào cạnh cửa soát vé tạm thời của ga Kita-Kamakura cũng đã nở hoa một nửa. Nhắm đúng lúc đoàn khách tham quan từ nhà ga tỏa ra đã vãn, tôi lái chiếc xe van đi qua dưới tàng cây có lẫn những nụ hoa màu đỏ. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tới nhà Kishiro Keiko.
- Anh Daisuke biết Edogawa Ranpo chứ? - Ngồi ở ghế phụ lái, Shioriko nói như sực nhớ ra.
- Tôi chưa đọc, nhưng tên thì có biết.
Tôi trả lời với tâm trạng không thoải mái. Nguyên nhân là do hồi nhỏ đã có chuyện xảy ra khiến tôi khủng hoảng tinh thần và từ đó phát sinh một “cơ địa” kì lạ là không thể đọc sách in liên tục trong thời gian dài. Dù vậy, tôi vẫn có niềm hứng thú đặc biệt với sách. Tôi trở nên thân thiết với Shioriko thoạt tiên là nhờ thường xuyên được nghe cô nói chuyện về sách.
Hôm qua tôi đã muốn hỏi về Edogawa Ran nhưng liên tục có khách đến bán sách với số lượng nên tôi lỡ mất cơ hội thong thả đàm đạo với cô.
- Là tác giả viết series Đội thám tử nhí ấy nhỉ?
Thời học tiểu học, vì là thành viên thường trực của thư viện nên tôi thường làm công việc cho mượn và trả sách. Tôi còn nhớ series này, bìa nào cũng vẽ mặt quái nhân và đứa trẻ, gáy sách thì in hình mặt nạ cười kinh dị. Nếu xếp thành một hàng trên giá sách thì dù ở xa, nhìn lướt qua cũng biết. - Hình như quái nhân hai mươi khuôn mặt đã xuất hiện trong bộ truyện thì phải?
- Đúng rồi. - Shioriko gật đầu. - Quái nhân hai mươi khuôn mặt không ưa bạo lực nhưng thích sử dụng tài hóa trang thiện nghệ để đánh cắp những tác phẩm mỹ thuật giá trị, còn thám tử lừng danh Akechi Kogoro cùng đội thám tử nhí thì đấu tranh chống lại hắn... Có lệ mục tiêu của Ranpo là một phiên bản dành cho thiếu niên dựa trên khuôn mẫu Arsène Lupin của Maurice Leblanc.
- Series đó dày quá nhỉ! - Tôi nhớ là số quyển nhiều đến mức lấp đầy một hàng trên giá sách. Không chỉ quái nhân hai mươi khuôn mặt, hình như có vài cuốn xuất hiện cả người tàng hình và người ngoài hành tinh nữa. Tôi từng hỏi một người bạn cùng lớp đã đọc hết series, cậu ấy nói là truyện nào cũng giống truyện nào.
- Ừm, tuy cũng có thời gian gián đoạn, nhưng từ năm 1936, khi tác phẩm thứ nhất là “Quái nhân hai mươi khuôn mặt” bắt đầu được phát hành dài kì thì cả series đã được viết đều đặn trong hai mươi lăm năm liên tục. Nhiều tiểu thuyết Ranpo công bố vào nửa đời sau của ông cũng nằm trong series này.
- Hử? Chờ một chút! Cô nói bắt đầu từ khi nào? - Tôi vô thức xen vào. Xe van của chúng tôi đã lên hết con dốc dẫn tới trung tâm Kamakura, giờ nó đang thong thả xuống dốc.
- Năm 1936. Là năm xảy ra sự kiện 26 tháng Hai.

[Binh biến 26/2/1936. Cuộc đảo chính của hơn 1000 sĩ quan lục quân phái bảo hoàng, muốn lập nội các mới và muốn Nhật hoàng đích thân nắm triều chính, nhưng Nhật hoàng lại từ chối. Sau đó các sĩ quan này bị đàn áp, những người cầm đầu bị hành quyết tại kinh đô]

- Ồ, thật vậy sao? - Tôi biết nó là tác phẩm xưa cũ nhưng không nghĩ lâu đời tới mức ấy. Thế hệ đọc nó đúng thời điểm ra mắt còn lớn tuổi hơn cả ông bà chúng tôi.
- Ừm, tác phẩm thứ nhất được chuyển thành tankobon là vào bảy mươi lăm năm trước.
- Dễ mà độc giả cũng không nghĩ là nó xưa đến thế.
- Có thể lắm. Cách đóng sách đã thay đổi, nhan đề hoặc một phần nội dung cũng được chỉnh sửa cho phù hợp với thời đại, để lớp độc giả mới bớt lạ lẫm... nhưng tôi vẫn nghĩ bản thân nó đã có sức hấp dẫn vượt thời gian rồi.
Đúng là trong thư viện của trường tiểu học, những nam sinh đọc truyện này đều trở nên say mê. Họ bị hấp dẫn bởi một đội thám tử chi toàn thiếu niên. Nếu không dính “cơ địa” thì tôi cũng đã mượn đọc rồi.
- Akechi Kogoro không chỉ xuất hiện ở series này đúng không? - Tôi hỏi trong lúc lái xe. Nếu nói đến các thám tử lừng danh Nhật Bản từ thời xưa thì tôi nghĩ ngay đến Akechi Kogoro và Kindaichi Kosuke. Dù chỉ thoáng nhìn thấy trên phim hay áp phích nhưng tôi vẫn nhớ có cảnh đối đầu giữa thám tử với mỹ nữ mặc đồ đen và leo lên gác mái.
- Tất nhiên. Trước “Quái nhân hai mươi khuôn mặt” khá lâu, Akechi Kogoro đã ra mắt rồi... Trong “Vụ án mạng trên dốc D” phát hành năm 1925 cơ mà.
- A, tôi đã từng nghe đâu đó rồi.
Vì có chữ La tinh nên tên truyện cũng lưu lại ấn tượng kha khá. Nhưng tôi không biết nội dung thế nào, thậm chí đến giờ mới biết đó là đứa con tinh thần của Edogawa Ranpo.
- Vậy Edogawa Ranpo là người thời đại nào?
- Ông sinh năm Minh Trị thứ 27 (1894), mất năm Chiêu Hòa thứ 40 (1965). Ông ra mắt công chúng vào năm Đại Chính thứ 12 (1923), khi vừa tròn 28 tuổi. - Shioriko trả lời ngay tức khắc. Nhớ hết những niên đại thế này kể cũng đáng khâm phục thật. Không biết đầu cô được tổ chức ra sao. - Cuối thời Đại Chính, tiểu thuyết suy luận của Nhật, bấy giờ gọi là tiểu thuyết trinh thám, vẫn thuộc thể loại chưa mấy ai ghi nhận. Trước Ranpo, gần như không có tác giả trinh thám chuyên nghiệp nào. Là tác giả của phái cổ điển, ông đã liên tục cho ra mắt những truyện ngân tập trung vào việc giải đáp bí ẩn theo cách suy luận. Tuy các tác phẩm của ông có biến đổi theo thời đại, nhưng trong giới sáng tác trinh thám, ông vẫn là tác giả có sự hiện diện quan trọng và liên tục. Tôi nghĩ cũng không quá lời khi nói dấu chân Ranpo và những người cùng chí hướng với ông đã tạo nên đường đi cho thể loại này ở Nhật.

[Ở giai đoạn sơ khởi, các truyện có nội dung giải đáp bí ẩn được gom chung vào trinh thám. Cùng với sự tăng trưởng về tác giả, đề tài, hình thức biểu đạt và tiếp xúc với văn chương nước ngoài, thể loại trinh thám dần dần được chia mảng miếng rõ ràng hơn, như suy luận cổ điển, kì bí, tội phạm, hình sự, giật gân, cân não, tâm lý...]

Nói tới đây, Shioriko hít sâu một hơi. Chiếc xe van tiến đến ngã tư gần đền Tsurugaoka Hachimangu. Chúng tôi vừa trờ tới vạch ngựa vằn thì đèn giao thông chuyển màu, các du khách nước ngoài băng qua đầu xe, rồi đi qua cổng torii số ba. Ở quãng giữa phố Wakamiya Oji bên tay phải, có một lối nhỏ dẫn lên đền. Hai hàng anh đào hai bên mới sắp nở thôi, nhưng cũng đủ tạo nên một quang cảnh mê hoặc.
- Đẹp quá! - Nhoài người ra từ ghế phụ, Shioriko thì thầm. - Muốn đi đâu đó ghê!
- Đúng rồi! Thời tiết đẹp thế này.
Quả là phản ứng tốt bất ngờ. Tôi bỗng nhớ đến câu “trả ơn” hôm qua. Xem ra, nếu công việc xong xuôi thì có thể thử mời cô đi đâu đó. Mà không, chẳng đoán được cô gái này sẽ phản ứng thế nào đâu.
- Ôi, anh Daisuke! -  Shioriko trỏ về phía kính chắn gió. Đèn tín hiệu đã chuyển sang màu xanh tự lúc nào. Tôi đành nhấn ga.
- Vậy... quay lại câu chuyện khi nãy. - Shioriko tiếp tục nói, tỉnh bơ như chưa từng sao nhãng vì cảnh quan. - Ranpo cũng có chút liên hệ với chúng ta đấy.
- Nghĩa là sao? - Tôi hỏi cô. Hễ nhắc đến sách là tôi bỗng bị lôi cuốn.
- Trước khi ra mắt, Ranpo đã mở tiệm sách cũ.
- Ồ, thế à? - Đột nhiên lòng tôi dâng tràn cảm giác gần gũi với tác giả sinh thời Minh Trị ấy. Chắc ông cũng từng bê vác hàng chồng sách như tôi nhỉ?
- Trước khi thành nhà văn, Ranpo nhảy việc khá nhiều lần. Ông từng kinh doanh sách cũ, dù chỉ một dạo ngắn, ở dốc Dango, Sendagi, Tokyo. Trải nghiệm trong thời gian này đã ánh xạ vào truyện ngắn “Vụ án mạng trên dốc D” đấy. Vì nội dung xoay quanh vụ giết người trong phòng kín tại tiệm sách cũ.
Dốc D tức là dốc Dango à? Tôi cũng muốn biết vụ giết người diễn ra thế nào trong phòng kín tại tiệm sách cũ, nhưng tiếc là đã tới nơi.
- Ở đây thì phải. - Tôi dừng xe bên hàng rào tre.
Theo địa chỉ thì là chỗ này. Thấp thoáng giữa những tán lá um tùm của bụi tre dày đặc là lô xô mái ngói. Đây là một góc của khu nhà nằm tách khỏi tỉnh lộ không xa Hachimangu lắm nhưng cực kì quạnh quẽ.
Chúng tôi xuống xe, đi men theo hàng rào tre đến một cái cổng có mái che lộng lẫy. Trên hòm thư màu đỏ đã gỉ sét dán miếng giấy keo màu trắng ghi “Kishiro”.
Shioriko chống nạng thận trọng bước qua ngưỡng cửa. Sân vườn rất rộng nhưng vì nhiều bụi tre nên hạn chế tầm nhìn.
- Ngôi nhà tuyệt vời quá! - Shioriko trầm trồ nhận xét.
Nói là tuyệt vời thì cũng đúng, nhưng đây chỉ là ngôi nhà một tầng đã cũ, tường tróc lở khá nhiều. Cửa sổ hình chữ nhật lắp cánh chớp, có cả ban công quay ra vườn. Ngôi nhà tạo ấn tượng về một biệt thự “kiểu Tây” xây từ thời Đại Chính hoặc đầu thời Chiêu Hòa. Thật kì lạ là ngôi nhà này không cho tôi cảm giác có người sinh sống. Như thể nó đang nín thở để xóa đi dấu vết tồn tại của mình... Nếu còn là trẻ con, dễ mà tôi đã nghĩ đây là nhà ma.
Vừa bấm chuông ở tiền sảnh, chúng tôi đã nghe tiếng bước chân, rồi cửa giật ra rõ mạnh. Người phụ nữ đứng tuổi mặc áo lông giống hôm qua ló mặt ra. Khuôn mặt tròn trơn láng của bà đeo một cặp kính nhìn như kính lão.
- Cảm ơn cháu đã cất công đến đây! Xin mời vào! - Bà nở nụ cười thân mật. Giọng xen lẫn đôi chút trọng âm lạ tai, hình như không xuất phát từ vùng Kanto.

[Vùng trong đó có thành phố các nhân vật chính đang ở]

- Khô... Không ạ. Chính chúng cháu mới phải cảm ơn... Chúng cháu đến để hỏi chuyện.
Shioriko bối rối cúi đầu. Lâu lắm rồi tôi mới thấy cô trong bộ dạng nhút nhát. Vì gần đây việc tiếp khách ở tiệm chủ yếu do tôi đảm nhận nên cô ít trao đổi trực tiếp với khách lạ. Shioriko rụt rè thế này tự dưng lại khiến tôi thấy mới mẻ.
Người phụ nữ dừng mắt ở tôi. Dáng người tôi cao lớn nổi bật nên hẳn là gây chú ý. Shioriko liền giới thiệu:
- Anh ấy là nhân viên của tiệm, anh Daisuke... À không, Go... Gora...
Giới thiệu nhân viên với khách mà đi dùng tên thân!? Khi Shioriko vội vàng chữa lại thì còn vấp váp hơn khiến bà chủ nhà càng tỏ ra ngờ vực.
- Cháu là Gora. Rất hân hạnh được gặp bác! - Tôi đành phải tiếp lời, cúi đầu chào.
Nghĩ kĩ thì, khi chỉ có hai người với nhau, dù không nói chuyện về sách thì Shioriko cũng đâu có lắp bắp. Đến giờ tôi mới nhận ra điều đó, chắc do gặp mặt mỗi ngày nên tôi không để ý đến sự thay đổi ấy.
Sau lời mời của bà chủ nhà, chúng tôi bước lên hành lang. Tấm ván lát sàn bị xước nhẹ hơi võng xuống. Ngôi nhà cũ thế này chắc cũng phải rung lắc khá nhiều trong trận động đất tháng trước. Kệ sách bị đổ cũng là chuyện bình thường.
- Thế, thế bác Kishiro Keiko...
- Chị ấy đang ở đằng kia, nhưng trước hết... À, tôi gọi cháu là Shioriko được chứ?
- Vâ... vâng.
- Chị Keiko nói muốn cháu xem giúp đống sách trong nhà này xong rồi mới hỏi chuyện. Cháu vào xem sách trước nhé?
Em gái bà Keiko bước đi ngay, không đợi nghe chúng tôi trả lời. Từ âm sắc khi gọi “chị Keiko”, có thể nhận ra họ rất thân nhau.
Qua cửa kéo đang mở, tôi thấy các phòng đều thưa thớt đồ đạc. Ngay cả các góc nhà cũng được dọn dẹp đàng hoàng. Thật khó mà phỏng đoán cá tính chủ nhân.
- Mà hình như tôi chưa tự giới thiệu... Tôi là Tanabe Kuniyo. - Người phụ nữ đột nhiên xưng tên như thể bây giờ mới nhớ ra.
Có vẻ Shioriko cũng chưa được nghe cái tên này nên bối rối cúi đầu:
- Xin bác giúp đỡ ạ.
- Tôi nhỏ hơn chị Keiko hai tuổi. Kết hôn xong thì đổi họ... Chồng tôi bị bệnh mất lâu lắm rồi, con trai đang học đại học ở Tokyo. Hiện tôi sống một mình, giờ cũng không bận đi làm nữa nên định ở đây đến khi vết thương của chị Keiko lành hẳn.
- Nhà bác Ta... Tanabe ở đâu ạ?
- Cháu cứ gọi tôi là Kuniyo cho tự nhiên. Nhà tôi ở tỉnh Miyagi.
Bầu không khí bỗng trở nên nặng nề. Đây là một trong những tình chịu thiệt hại nặng vì động đất.
Bà Kuniyo quay lại với nụ cười trên mặt:
- À, khu phố tôi sống không ảnh hưởng nhiều. Vì biển ở xa. Trong nhà chỉ có đồ đạc xô lệch thôi, không tổn hại gì hết... Ngược lại ở đây chắc khó khăn lắm đúng không? Vì tiệm sách thì toàn đồ nặng mà.
Ngay cả tôi cũng hiểu được là bà đang chuyển chủ đề. Chắc là bà quan tâm đến chúng tôi, hoặc có chuyện không muốn nói cụ thể.
- Chỗ cháu cũng không đến nỗi... Chỉ có vài kệ sách bị đổ.
- Chà, vậy là giống chị Keiko rồi. Cái chân đó, do động đất mà ra à?
Lưng Shioriko cứng đơ:
- Không, cái chân này... là chuyện từ trước.
Đây là vết thương do một kẻ cuồng sách cũ tên là Tanaka Toshio gây ra vào năm ngoái, liên quan đến bản in đầu quý giá của Dazai Osamu. Vết thương nhìn bên ngoài đã lành nhưng vẫn phải tiếp tục dùng nạng.
- Sách để ở đây. - Kuniyo đứng trước cánh cửa ở góc trong cùng, lấy chìa khóa tra vào ổ. Trong nhà mà cũng khóa cửa, nghĩa là kho sách cũ này rất quý giá. Cửa vừa mở thì không khí lạnh hòa lẫn với bụi và mùi giấy cũ xộc ra. - Xin mời.
Nghe gọi, Shioriko bước vào. Tôi bước theo cô. Đó là một căn phòng kiểu Tây rộng rãi, bốn phía hầu như toàn là tủ sách. Có lẽ phòng này cũng được dùng làm thư phòng nên bàn lớn và ghế được đặt trang trọng ngay chính giữa. Trên vách tường đối diện với cửa ra vào là một ô cửa sổ nhỏ lắp song sắt. Cửa bị khóa chặt, chứng tỏ chủ nhà đã canh giữ căn phòng rất nghiêm ngặt.
- Các cháu cứ xem thoải mái nhé! Để tôi đưa chị Keiko tới. - Kuniyo đóng cửa và đi mất.
Tôi nhìn một lượt số sách xung quanh. Không chỉ có tankobon bìa cứng mà sách khổ nhỏ cỡ shinsho và cả tạp chí số cũ cũng nhiều. Thanh niên mới, Đá quý, Câu lạc bộ kể chuyện, King... Cuốn nào cũng cũ hết. Tôi nhìn thấy nhiều nhan đề có chữ “sát nhân”, “vụ án”, “chết” nên có vẻ đây là một bộ sưu tập sách tư duy và suy luận.
Chỉ có điều, tạp chí không được xếp theo niên đại, trên giá sách có những khoảng trống kì lạ. Tổng thể trông khá lộn xộn, dường như sách chỉ được để tạm lên đây.
- Nhiều sách của Edogawa Ranpo thật! - Tôi bắt chuyện với Shioriko.
Những gáy sách ghi tên “Edogawa Ranpo” bằng cả hai kiểu chữ Hán cũ và mới nằm rải rác ở các giá trong phòng. Hầu như không có nhan đề nào tôi biết.
- Chắc là đầy đủ toàn bộ rồi... - Shioriko thì thầm cố nén cơn phấn khích.
- Hả?
- Các tác phẩm dành cho người trưởng thành phát hành lúc Ranpo còn sống đều hiện diện ở đây... Kể cả tạp chí cũ có đăng các tác phẩm ấy nữa.

4

- Nghĩa là bộ sưu tập này rất tuyệt vời phải không?
- Ừm. Lần đầu tiên tôi thấy một bộ sưu tập Ranpo đầy đủ đến thế. - Mắt Shioriko sáng lên như đứa trẻ được dẫn vào phòng đồ chơi. - A, anh Daisuke, hãy nhìn cái kia đi!
Cô bất ngờ cất cao giọng, trỏ kệ trang trí đặt dưới cửa sổ. Mắt tôi bị hút ngay vào tờ giấy màu bên trong góc cửa kính. Hiện thế là mộng ảo, mộng đêm mới là thực, Ranpo.

[Câu Ranpo hay viết mỗi khi được xin chữ kí, có nghĩa là “Thế giới hiện thực chỉ là mơ, chính giấc mơ đêm mới là thực”]

Nét bút lông đen thăm, bay bướm. “Hiện thế” tức là thế giới hiện thực à? Nghe đầy dư vị, một câu nói ấn tượng.
- Trên tờ giấy màu đó là chữ viết của Ranpo à?
- Có lẽ vậy... Tờ giấy này xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Nhưng tôi đang nói cái bên cạnh cơ!
Cô chống nạng bước đến trước kệ trang trí, khom người xuống ngắm nghía đồ vật bên cạnh tờ giấy màu. Đó là một chiếc mặt nạ có nụ cười rợn người. Chất liệu rẻ tiền, lớp sơn dường như là màu vàng kim đã phai di toàn bộ. Ủa? Thiết kế trông quen quen... Suy nghĩ một lát, tôi nhận ra nó giống hệt hình ở gáy series Đội thám tử nhí trong thư viện trường tiểu học.
- Cái này là gì vậy?
- Là mặt nạ vàng.
- Mặt nạ vàng à?
- Là siêu trộm xuất hiện trong tiểu thuyết Mặt nạ vàng của Ranpo, cùng dạng với nhân vật quái nhân hai mươi khuôn mặt. Đúng như tên gọi, hắn hay đeo mặt nạ vàng khi xuất hiện, cướp những tác phẩm mỹ thuật có giá trị... Truyện này được đăng trong hai năm 1930 - 1931, và trở thành một đề tài nóng hổi thời bấy giờ.
- Ủa? Cô đang nói đến truyện đúng không? Còn cái mặt nạ này thì là gì?
Không thể nào có một tên trộm như thế ngoài đời thực. Shioriko trả lời mà không quay đầu lại.
- Là vật phẩm quảng cáo.
- Vật phẩm quảng cáo?
- Lúc phát hành Edogawa Ranpo toàn tập vào năm 1931, nhà xuất bản Heibonsha đã quảng cáo bằng cách treo thả mặt nạ vàng từ sân thượng các trung tâm thương mại xuống dưới. Mặt nạ ấy làm bằng nhựa xenlulo. Có lẽ chính là cái này đây. Nghe nói hiện giờ không còn nữa... Tôi cũng mới thấy nó lần đầu tiên.
Cô vừa thao thao giải thích vừa dán chặt mắt kính và trán vào cửa kính. Xem chừng đây đúng là một vật quý hiếm. Nhưng tôi lại quan tâm đến chuyện khác.
- Cách quảng bá hay quá!
Tóm lại là quảng bá bằng món đồ ăn theo nhân vật. Cách làm này vẫn được áp dụng trong thời đại ngày nay.
- Đúng rồi. Hơn nữa ban đầu, người ta còn dự định thả mặt nạ từ máy bay xuống đấy. Nghe nói chính là ý tưởng của Ranpo.
- Ồ, tác giả à?
Cuối cùng Shioriko cũng nhìn về phía tôi, cô gật đầu, trán hơi đỏ dưới làn tóc mái bay bay. Dán mặt quá sát vào kính đây mà.
- Ông ấy là một tác giả của trường phái suy luận cổ điển nhỉ?
Thế mà lại nảy ra ý tưởng màu mè như vậy. Nói nào ngay, mặt nạ vàng và quái nhân hai mươi khuôn mặt cũng chẳng có vẻ gì là nhân vật trinh thám cả.
- Đúng là lúc mới ra mắt, Ranpo hoạt động theo phong cách khá phù hợp với cái gọi là cổ điển. Nhưng từ khi viết truyện dài kì đăng trên tạp chí thì đường lối của ông bắt đầu thay đổi, có những yếu tố khác đã xuất hiện mạnh mẽ hơn. Cũng có người cho rằng những yếu tố này mới là đặc trưng của phong cách Ranpo, và được đánh giá khá cao.
- Yếu tố khác, cụ thể là gì?
- Để coi... A, đại loại thế này...
Nói đoạn, cô lấy ra một quyển sách mỏng đóng dập ghim từ giá sách bên cạnh kệ trang trí. Trên bìa sách in những hoa văn kì lạ có nhan đề ghi theo chiều ngang: Tranh bằng ác tội. Shioriko chống nạng di chuyển đến ghế rồi ngồi phịch xuống.
- Tập sách đó là...?
- Đây là một trong những phụ lục của Edogawa Ranpo toàn tập do Heibonsha phát hành, nhan đề “Tội ác bằng tranh”.
Đúng rồi, sách vở ngày xưa, khi viết ngang sẽ đọc từ bên phải sang. Tôi đâm xấu hổ vì sự thiếu hiểu biết của mình, thầm đổi lại thành “Tội ác bằng tranh” rồi rướn cổ sang, nhìn những trang sách lật giở liên tục. Tập sách nhỏ chứa toàn những ảnh và tranh ghê rợn như các dạng máu me, thời điểm thi hành án treo cổ, thậm chí là cả thi thể bị rời ra từng mảnh. Cũng có nhiều hình ảnh không liên quan lắm đến tội ác.
Shioriko dừng tay giữa lúc bừng bừng hưng phấn lật đi lật lại những trang sách. Ở chỗ dừng là tấm hình người phụ nữ bị trói trong tình trạng lõa thể, có dòng chú thích “Sự hành hạ sung sướng đầy khoái cảm của hai người thích ngược đãi và thích bị ngược đãi!”. Hình ảnh và câu văn đã quá cũ, nhưng tóm lại là nói về trò SM. Shioriko mở to mắt, kề mặt sát trang giấy:
- Đây là tranh của Seiu? Chắc không phải...
Trong lúc lẩm bẩm, chừng như sực nhớ là tôi đang ở bên cạnh, Shioriko cuống cuồng đóng sách lại. Nhưng thật ra, người có phản ứng xấu hổ lại là tôi.
- Thời đại bấy giờ mà đưa sách này ra có sao không? - Tôi hỏi để thay đổi không khí.
Trang xi nhê in rõ “Phát hành ngày 10 tháng Năm năm Chiêu Hòa thứ bảy (1932)”.
- Có chứ... Phụ lục này bị cấm lưu hành ngay lập tức.
Cũng dễ hiểu thôi. Các hình ảnh có tính kích thích khá mạnh mẽ, ngay cả ở thời buổi này.
- Tại sao người ta lại làm phụ lục như thế? Là toàn tập của tác giả mà...
- Ngược lại, tôi nghĩ chính vì là toàn tập của Edogawa Ranpo nên mới làm thế đấy. - Shioriko nói - Trong khoảng thời gian Heibonsha phát hành các toàn tập thì tiểu thuyết trinh thám, đặc biệt là các tác phẩm của Ranpo, thường được công chúng cho là phù hợp với những hình ảnh kì dị như ở quyển sách nhỏ này. Thời kì đầu có rất nhiều tác phẩm mà trong đó, người ta giấu đi yếu tố giải đáp bí ẩn để trưng ra bìa những hình ảnh miêu tả tội ác tàn khốc hay những tình huống kì ảo và thể hiện tâm lý dị thường để thu hút sự chú ý, như cuốn truyện vừa Chuyện lạ về đảo Panorama chẳng hạn.
- Cuốn đó nổi tiếng lắm phải không? - Tôi không chắc lâm, nhưng nhớ là đã từng nghe qua cụm từ “đảo Panorama”. Hóa ra là tác phẩm của Edogawa Ranpo.
- Ừm, đó là một kiệt tác được rất nhiều người biết đến... Bản thân Ranpo gọi nó là tiểu thuyết ảo tưởng về tội ác. Nhân vật chính mạo nhận là một người giàu có giống hệt mình nhưng đã đột tử, và tạo dựng một thế giới trong mơ bằng số tài sản to lớn của người đó. Nói chung đây là dạng trinh thám mà án mạng xảy ra và được giải quyết liên tiếp trong suốt chiều dài câu chuyện, và bối cảnh chính là “đất nước Panorama” do nhân vật chính xây dựng.
- Đất nước Panorama à?
- Nếu diễn tả bằng một cụm từ, có thể nói là “thiên đường nhân tạo”. Trên hòn đảo nhỏ, nhân vật chính xây lên một công trình lớn rồi tạo ra cả một thế giới tự nhiên đa dạng, cưỡi thiên nga do người mặc đồ thú bông đóng giả băng qua thung lũng, hay cưỡi lừa đi trong rừng rậm....
- Thật giống công viên giải trí theo chủ đề. - Tôi liên tưởng đến “Vương quốc của giấc mơ và phép thuật” ở Urayasu, Chiba. Chỗ đó cũng giống thiên đường nhân tạo.

[Tức Tokyo Disneyland]

- Có lẽ vậy. - Shioriko mỉm cười. - Tôi nghĩ rằng Ranpo ấp ủ ước mơ về một thế giới khác tách rời cuộc sống thường ngày. Chí hướng đó không chừng cũng kết nối với series Đội thám tử nhí. Có thể nói, sự xuất hiện của quái nhân huyền bí là điểm khởi đầu cho câu chuyện.
Tôi quay lại nhìn tờ giấy màu ở kệ trang trí, “Hiện thế là mộng ảo, mộng đêm mới là thực”. Có lẽ đây là câu nói xuất phát từ ao ước về một thế giới trong mơ.
Không biết tại sao tôi lại nhớ đến Shinokawa Chieko. Vụ ủy thác kì lạ hôm nay như được khơi ra từ sự xuất hiện của bà vậy. Bẵng đi bao lâu không tiếp xúc, đột ngột trở về rồi lại ra đi mất tăm, hệt như một dạng quái nhân nào đó. Nhưng đây là đời thực chứ có phải truyện đâu.
- Ủa? - Bất ngờ tôi dừng mắt trước quyển Tội ác bằng tranh đặt trên bàn. - Quyển sách đang kẹp cái gì thì phải?
Có một mảnh giấy nhỏ nhô ra trên đầu một trang bên trong. Chắc vì nó nằm tuốt trong gáy sách nên chúng tôi đã không để ý.
- Đúng rồi... Cái gì vậy nhỉ? - Shioriko lôi tờ giấy ra.
Đó là nhãn giá. Tên sách và số tiền vượt bốn chữ số được ghi tay, tên tiệm in theo chiều ngang.

Tiệm sách cũ Hitori
Trước ga Tsujido.

Chúng tôi bất chợt nhìn nhau. Hitori là tiệm sách cũ trước nhà ga Tsujido. Chủ tiệm là một người đàn ông tên Inoue rất ghét mẹ con nhà Shinokawa. Mới đây ông ta đã gây sự với chúng tôi vì cuốn Cô gái bồ công anh tuyệt bản bị đánh cắp ở hội quán sách cũ. Thành thật mà nói, chúng tôi không muốn dính líu tới nhân vật đó.
- Cái này...
Cho thấy Kishiro Keiko cũng là khách của tiệm Hitori. Chẳng biết có phải trùng hợp không, chỉ thấy dòng đời đưa đẩy kì lạ thật đấy.
- Quả nhiên bà ấy cũng mua sách từ tiệm Hitori.
- Quả nhiên là sao... À, hình như tiệm này cũng mạnh về tiểu thuyết kì bí và khoa học viễn tưởng.
- Không, không chỉ có thế... Mà còn vì bác Hitori có cảm tình đặc biệt với Ranpo. Mặc dù tôi chưa từng nghe ai nói.
- Nghĩa là sao?
Chưa từng nghe nói thì làm thế nào biết được?
- Nghĩa là...
Tiếng mở cửa cắt ngang câu trả lời. Một phụ nữ ngồi xe lăn xuất hiện ở hành lang ngoài cửa. Bà đeo mắt kính gọng kim loại, mái tóc thẳng dài quá vai đã lốm đốm bạc. Lớp thạch cao bó chân lộ ra dưới vạt áo đầm màu be có thể là đồ mặc ở nhà.
Tôi có cảm giác đây là một phụ nữ yêu sách điềm đạm, hơi hướm toát ra ở bà không hiểu sao rất giống Shioriko.
- Chị Keiko, người này là Shinokawa Shioriko... Nghe nói là con gái của người tên Chieko.
Kuniyo đẩy xe lăn, ghé vào vai chị thì thầm. Hai chị em đúng là hai kiểu người khác biệt, nhưng đặt cạnh nhau thì thấy dáng mày và miệng cũng có điểm chung.
- A, hân hạnh được quen biết... Cháu là Shinokawa ạ.
Shioriko đứng lên khỏi ghế và khẽ chào. Rồi bằng cử chỉ vụng về như robot, cô chụm ngón tay đưa về phía tôi.
- Đây là nhân viên của tiệm, anh Daisuke... không, à... Go...
Cô lại vấp đúng chỗ hồi nãy. Tôi cúi đầu chào Kishiro Keiko, lòng thầm mong Shioriko luyện tập thêm nữa.
- Cháu là Gora. Hân hạnh được làm quen.
Cùng lúc mắt tôi lưu ý đến phần cổ của bà. Không hiểu sao tôi cảm thấy nó có hình dáng khác thường, dù đang quấn khăn quàng xung quanh. Keiko mỉm một nụ cười ôn hòa, từ từ hé môi:
- Ki... ke... - Giọng khàn khàn như lẫn tiếng ho. Tuy phát thành lời nhưng tôi không sao nghe ra được.
A... Nhìn kĩ thì thấy cổ họng phía dưới khăn choàng có lắp dụng cụ nhân tạo, dường như là để lấy không khí vào. Thì ra là vậy, tôi nghĩ. Tôi nghe nói khi phẫu thuật họng, cũng có trường hợp không nói được nữa. Keiko phải nhờ em gái đến thay không chỉ vì bị thương, hạn chế đi lại. Mà quan trọng là vì, bà nói chuyện rất khó khăn.

5

Sau khi chào hỏi qua loa ở kho sách, chúng tôi quay ra hành lang, di chuyển vào một căn phòng dường như là phòng khách. Đây là căn phòng hướng Nam ngập tràn ánh sáng, cửa sổ sát sàn mở ra một ban công nối tiếp với khu vườn nhỏ. Có vẻ khu vườn không được chăm sóc thường xuyên lắm nhưng hoa xuân vẫn đang khoe sắc giữa những ngọn cỏ dại cao ngất.
Như các phòng khác, phòng này cũng chẳng có mấy đồ đạc. Nhìn sơ qua chỉ có tủ búp phê, bàn tròn, thêm vào đó là một cái ti vi màu. Xem chừng hai chị em đang ở đây lúc chúng tôi đến, trên bàn là quyển sách bìa nỉ nom như đồ thủ công cùng que đan đăng ten.
Kuniyo lăng xăng dọn dẹp.
- Thật ngại vì bừa bộn quá. Giờ tôi sẽ pha trà.
Bà gom những que đan và đăng ten đan dở mang đến tủ búp phê, rồi đưa quyển sách cho người chị ngồi trên xe lăn đã tới trước bàn. Nói mới nhớ, hôm qua lúc đến tiệm bà đã đeo túi xách đăng ten. Chắc đan ren là sở thích của bà.
Bất chợt mắt tôi bị cuốn vào khung hình đặt trên tủ búp phê. Hình chụp khung cảnh ngoài khơi ở bờ biển nào đó, nhưng trên đường bờ biển trôi nổi một lục địa phủ sương. Tôi nghĩ đây là hiện tượng ảo ảnh. Thật lạ lùng khi chỉ trang trí phòng bằng mỗi tấm hình thế này.
Keiko vuốt ve quyển sách đầy trân trọng. Phía trên, phía dưới và mép sách có khá nhiều vết ố, hẳn là sách rất cũ.
- Khoảng nửa năm trước, chị Keiko bị ung thư thanh quản nên phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khu vực này. Thanh đới cũng bị mất nên chị ấy không nói được nữa.
Kuniyo vừa rót nước sôi từ phích giữ nhiệt vào ấm trà nhỏ, vừa giơ một tay phác quanh cổ mình. Chúng tôi không biết giữ biểu cảm thế nào cho phải trước lời giải thích quá trực tiếp ấy. Xem ra bà là người khá thẳng thắn.
- Bây giờ chị ấy đang tập phát âm bằng thực quản đấy. Tôi và Kazuhiro nghe được khá nhiều nhưng người khác thì không hiểu chị đang nói gì cả.
- Kazuhiro là...? - Shioriko rụt rè chen vào.
- À, hồi nãy nói rồi mà phải không? Con trai tôi đấy, hiện đang sống một mình ở Tokyo. Nếu không có Kazuhiro thì không biết được chị Keiko ra sao trong lúc động đất nữa... phải không chị?
Bà nhìn sang chị gái như đợi xác nhận. Keiko không nói mà chỉ gật đầu.
- Hai chị em không có điện thoại di động, hôm đó tôi gọi đến máy bàn nhà này bao nhiêu lần đều thấy mất tín hiệu, và mãi tầm chiều tối mới gọi được vào di động của Kazuhiro...
- À, chỗ này bị mất điện mà nhỉ! - Tôi nói.
Chỗ chúng tôi cũng vậy, hễ mất điện thì điện thoại bàn cũng ngừng hoạt động luôn. Thậm chí hôm động đất, cả mạng di động cũng không gọi và gửi tin nhắn được, tôi đã phải sử dụng dịch vụ tin nhắn thoại dùng khi thiên tai để liên lạc với mẹ.
- Đúng rồi. Mà, dù điện thoại có reo nhưng người đang bị đè dưới kệ sách thì cũng làm sao di chuyển được? Cuối cùng, Kazuhiro đã lấy xe máy phóng từ Tokyo về để xem tình hình thế nào, thì mới cứu được chị Keiko ra.
Keiko chạm nhẹ tay vào cổ họng, phát âm đều đều. Quả đúng là không thể nghe rõ. Ngay lập tức bà lấy sổ tay và bút rồi viết từng chữ như khắc vào giấy. Bà viết cũng không nhanh lắm. Chỉ có một mình trong ngôi nhà yên tĩnh, tôi cảm thấy rất bơ vơ.
- Thật là khổ quá! - Shioriko nói một cách nặng nề như thể chính mình bị kệ sách đè. Bản thân đang giữ một kho sách lớn nên đúng là không thể xem nhẹ tình huống này được.
- Chị Keiko, không cần phải giao tiếp bằng giấy bút như thế đâu. Nếu không truyền đạt được thì em sẽ nói cho. - Kuniyo đặt tách trà nghi ngút khói trước mặt chúng tôi.
Shioriko cảm ơn rồi hướng về phía người ủy thác:
- Số sách cũ khi nãy cháu xem là do bác Keiko sưu tập phải không ạ?
Tôi hiểu là đã vào vấn đề chính rồi. Shioriko đang muốn hỏi thông tin về người tên “Kayama Akira” trong danh bạ khách hàng. Vẻ mặt bà Keiko hơi tối lại. Dường như có sự tình nào đó khó giải thích.
- Chính xác là hầu hết do Kayama sưu tầm. Mặc dù khi tới đây, chị Keiko cũng có mang tới một ít. - Kuniyo chen vào. Cái tên Kayama đột ngột xuất hiện làm người chị bối rối lắc đầu, nói gì đó rất ngắn.
- À, cũng có sách do cha Kayama mua nữa. ông cụ tên là gì nhỉ?Sokichi?
Lần này Keiko gật đầu, ghi tên vào sổ tay. “Kayama Sokichi”.
Lại một cái tên mới xuất hiện.
- À... Nghĩa là sao ạ?
Nghe Shioriko hỏi, hai chị em nhìn nhau. Sau khi trao đổi ánh mắt, Tanabe Kuniyo bắt đầu giải thích.
- Câu chuyện hơi phức tạp một chút. Ban đầu, ngôi nhà này là một biệt thự do Kayama Akira và cha ông ấy, Kayama Sokichi cùng quản lý. Hai người đó thích tác giả hình như tên là Edogawa Ranpo và đã mua ngôi nhà này để cất bộ sưu tập. Đúng không?
Nghe em gái hỏi, người chị không nói gì, chỉ gật đầu. Tôi chưa từng nghĩ có người mua biệt thự chỉ để làm kho sách. Các nhà sưu tầm ngày xưa thường phóng tay như thế chăng?
- Cha Kayama qua đời chừng ba mươi năm về trước, ngay sau đó thì chị Keiko quen biết với Kayama. Chị Keiko cũng rất thích Ranpo, nhờ cơ duyên này mà chị được đài thọ bấy lâu nay. Vào mùa xuân năm ngoái, Kayama đột ngột qua đời do nhồi máu cơ tim.
Tôi đã hiểu đôi chút sự tình. Thì ra ngôi nhà cùng kho sách này đã được những người hâm mộ Ranpo quản lý và giữ gìn suốt bao năm tháng.
- Đài thọ, nghĩa là...?
- Cho sống ở đây và lo lắng toàn bộ chi phí sinh hoạt... Nghĩa là làm vợ bé cho đến khi bà vợ cả mất. Sau khi Kayama qua đời, chị Keiko đã thừa kế sách và ngôi nhà theo di chúc của ông ấy.
Cuối cùng Shioriko đã vỡ lẽ. Cô cúi gằm mặt, tai cũng đỏ bừng lên:
- Thà... thành thật xin lỗi vì đã hỏi đến chuyện riêng tư...
- Không sao không sao, cũng chẳng còn cách nào mới phải giấu đến tận bây giờ, vả lại chị Keiko đã tự ý chọn cuộc sống như thế. Mặc dù nhà mẹ tôi cũng phản đối mãi.
Kishiro Keiko thản nhiên lắng nghe lời lẽ gay gắt của em gái. Chắc bình thường bà cũng quen bị trách cứ vì lựa chọn của mình rồi.
Ngay gia đình tôi cũng có sự tình tương đối phức tạp, nên tình huống này không làm tôi ngạc nhiên cho lắm. Tôi chỉ thấy khúc mắc ở việc thừa kế ngôi nhà và kho sách.
Xét trên phạm vi toàn tỉnh Kamakura thì khu dân cư này vẫn thuộc dạng cao cấp. Thừa kế bất động sản lớn rồi lại cả kho sách, chắc cũng gặp khá nhiều tranh chấp với gia quyến của người tình đấy nhỉ?
Người phụ nữ này đã đủ sức vượt qua ngần ấy vòng đàm phán gay cấn về tiền bạc để an nhiên sống tiếp trong ngôi nhà của tình nhân, chứng tỏ ngoài khía cạnh yêu sách điềm đạm, bà còn phải khá cứng cỏi nữa.
Mà, cũng không hiếm phụ nữ biểu hiện bên ngoài và bản chất bên trong hoàn toàn khác nhau. Ngay cạnh tôi cũng có đấy thôi.
- Bác Keiko thích “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”, phải không ạ?
Shioriko nhìn lên tủ búp phê, hẳn đang tính xoa dịu bầu không khí thiếu thoải mái này theo cách riêng của mình, nhưng vì quá đường đột nên tôi không hiểu nổi ý cô. Keiko cũng tỏ vẻ nghi ngờ.
- Đó là gì vậy?
- Truyện ngắn của Ranpo. Một câu chuyện có sự xuất hiện của ảo ảnh... - Shioriko trỏ lên nóc tủ búp phê. Nói mới nhớ, đúng là trên đó bày một bức hình về ảo ảnh.
- Phải vậy không? Chị Keiko?
Nghe người em hỏi, Kishiro Keiko nhắm mắt gật đầu, khẽ nở một nụ cười nhẹ nhàng.
- À, thế công việc hôm nay là gì ạ? - Shioriko tiếp tục hỏi. - Cháu nghe nói là một ủy thác đặc biệt liên quan đến sách của Ranpo...
- Chị Keiko nói muốn bán toàn bộ sách cũ trong nhà này.
- Hả? - Sâu bên trong cặp kính, đôi mắt Shioriko mở to hết cỡ. Vẻ sửng sốt đến câm nín của cô làm Kuniyo cũng không khỏi lúng túng.
- Nghe nói có nhiều quyển đáng giá lắm mà, không phải sao?
- Đâu phải chỉ đáng giá! - Shioriko lắc đầu. Đuôi tóc đen dài quẹt trúng vai tôi. - Đó là một bộ sưu tập quý hiếm, đủ mặt từ tạp chí Thanh niên mới đăng tải tác phẩm đầu tay “Đồng 2 xu” cho đến tuyển tập của nhà xuất bản Togensha phát hành vào những năm cuối đời Ranpo, cùng hầu hết tác phẩm dành cho người trưởng thành được xuất bản khi tác giả còn sống! Cực kì có giá trị!
Hễ động đến sách thì lúc nào Shioriko cũng nói chuyện lưu loát như biến thành người khác vậy. Xem ra công tắc của cô đã bật rồi.
- Có điều, mục đích cuộc gặp đâu phải ở chỗ đó, đúng không ạ? - Cô tiếp tục phủ đầu, không để hai chị em kịp trả lời, - Nếu thế thì hôm qua khi đến tiệm chắc chắn bác Kuniyo đã nói rồi. Còn một yêu cầu đặc thù hơn mà nếu cháu chấp nhận và giải quyết được thì bác sẽ bán sách cho cháu như một cách trả thù lao... Có phải thế không?
Căn phòng bỗng lặng ngắt.
- Quả là đoán giỏi! Chị Keiko, hay là nhờ cô này đi! - Kuniyo nói với chị gái.
Keiko nghiêng đầu nhìn vào mắt Shioriko. Bề ngoài trông ôn hòa nhưng đây rõ ràng là một người khó nắm bắt. Đôi môi hé mở, bà bắt đầu nói. Khi bà dứt lời thì bà em gái thông dịch cho chúng tôi.
- Nghe Akira kể là ở tiệm sách cũ Biblia có một người rất xuất sắc, bất cứ vướng mắc gì trong lĩnh vực sách vở cũng có thể giải quyết được...
- Ông Kayama đã từng trực tiếp đến tiệm của chúng cháu rồi ạ?
- Chị nói rằng thi thoảng ông ấy đến, mãi tới mười năm trước mới thôi... Đôi lúc chị Keiko cũng mua, bằng danh mục... gọi thế đúng không nhỉ? Và nhờ giao tới đây.
Vậy là thắc mắc về danh bạ khách hàng đã được giải đáp. Tóm lại, người phụ nữ này luôn dùng danh nghĩa của Kayama Akira để mua sách cũ.
Nếu câu chuyện nãy giờ là thật thì bà không trực tiếp quen biết Shinokawa Chieko.
- Chị Keiko nói nếu cháu cũng có năng lực giải quyết vướng mắc, thì chị ấy có một việc muốn nhờ về sách cũ của Edogawa Ranpo.
- Vâng ạ! - Shioriko trả lời ngay lập tức.
Tôi cứ tưởng cô sẽ cân nhắc thêm một chút. Đúng là nếu mua hết kho sách khi nãy thì tiệm chúng tôi lời to. Nhưng tôi không thể rũ bỏ được cảm giác khó chịu. Là kiểu ủy thác gì mà sẵn sàng đánh đổi bằng toàn bộ kho sách quý giá do người tình để lại?
- Trước hết có thể cho cháu biết vướng mắc là gì, và liên quan đến cuốn sách cũ nào của Ranpo không ạ? - Shioriko hỏi, mắt sáng lên vì hiếu kì. Xem chừng cô rất muốn nghe câu trả lời.
Ra là vậy, tôi nghĩ. Chính xác là do hứng thú. Không chừng có thể thấy được thứ quý giá hơn hẳn kho sách hồi nãy. Với một “mọt sách” thì đây là chuyện đương nhiên rồi.
Bất ngờ Keiko thay đổi nét mặt, đặt quyển sách đang ôm lên bàn. Quyển sách vẫn bọc kín bằng lớp nỉ nên không nhìn được bìa.
- Đây là... Ran... Hãy... này. - Bà nói với giọng rất mạnh mẽ, mắt vẫn không rời Shioriko. Ngay cả tôi cũng nghe hiểu được ít nhiều.
- Đây là bản in đầu tiên một cuốn sách của Ranpo. Hãy cho biết nhan đề mà không sờ vào cuốn sách này... phải không? - Bà em có vẻ do dự khi dịch, nhưng tôi đã hiểu ý đồ. Họ muốn thử xem Shioriko có am hiểu về sách cũ, có “năng lực giải quyết những vướng mắc” hay không.
Dù gì đi nữa đây cũng là một bài kiểm tra quá sức. Ngoài độ dày và là sách cũ ra thì không có đặc trưng gì về kích thước cũng như hình dạng. Trong phạm vi nhìn được từ khe hở, thì quyển sách này ban đầu là sách trần không có bọc, bìa sách ở ngay phía dưới lớp nỉ.
Có một quyển ở đây, nghĩa là bộ sưu tập lúc nãy bị thiếu? Không lẽ phải nhớ ra cuốn đó và trả lời? Nếu vậy thì việc cố tình cho chúng tôi xem kho sách cũng có liên quan. Đây là bài kiểm tra về trí nhớ hơn là kiến thức.
- Đây là quyển sách trùng. - Shioriko vừa ngắm lớp bọc bằng nỉ vừa thì thầm. - Trong kho sách khi nãy, những bản in đầu tiên của các tập phê bình hay tiểu thuyết dành cho người trưởng thành của Ranpo, theo cháu nghĩ, đã được tập hợp đầy đủ.
Người phụ nữ ngồi xe lăn im lặng một lúc rồi mỉm cười. Có vẻ đúng là bà yêu cầu nêu tên quyển sách đã được bọc. Đây không chỉ đơn giản là bài kiểm tra về trí nhớ.
- Có thể coi quyển sách để trên bàn là đầy đủ, không bị hư hại hay thiếu hụt gì chứ ạ?
Shioriko bình tĩnh xác nhận. Kishiro Keiko gật đầu tỏ ý “ừ”.
- Là khổ 13x18... Vậy thì...
Shioriko ấn ngón trỏ vào giữa ấn đường, cố lục tìm trong kí ức. Bất động như vậy chừng mười giây, cô chậm rãi lên tiếng:
- Cháu biết rồi. Là bản in đầu tiên của tiểu thuyết phát hành năm 1930, Ác quỷ trên hoang đảo.
Lớp bọc được chủ nhân cuốn sách tự tay tháo bỏ. Tôi cũng rướn người lên nhìn chăm chú. Bìa sách hiện ra, in hình một phụ nữ cầm nhạc cụ cùng một người đàn ông tướng mạo đáng sợ và con của hai người ấy. Nhan đề là chữ nét mảnh kiểu viết tay. Ác quỷ trên hoang đảo.
- Tuyệt quá! - Tôi buột miệng.
Shioriko quay sang tôi:
- Không chỉ bìa, mà nội dung cũng rất tuyệt đấy! Rất nhiều tình huống khó tưởng tượng đã phát sinh trong quá trình truy đuổi hung thủ giết người hàng loạt, sau đó các nhân vật bị cuốn vào bí ẩn liên quan đến tài liệu viết bằng mật mã do một gia tộc để lại... Đây là một kiệt tác không chỉ dừng lại ở khuôn khổ của tiểu thuyết trinh thám. Những vấn đề yêu thích đặc thù của Ranpo trong xã hội thời bấy giờ như tình yêu đồng giới, người dị hình... cũng đã gắn kết với câu chuyện một cách tuyệt vời...
- Không, ý tôi không phải thế! - Tôi bình tĩnh nói. Dù bị thu hút bởi bố cục nửa đầu là giết người hàng loạt nửa sau là giải mã, nhưng bây giờ không phải lúc cho chuyện đó. - Làm sao cô đoán ra được tên sách?
Shioriko chớp mắt. Lông mi trên và dưới đều rất dài.
- Nhìn vết ố phía trên, phía dưới và mép sách, tôi nghĩ nhiều khả năng đây là sách có trước chiến tranh. - Cô giải thích với thái độ cụt hứng, chắc là đang muốn kể về nội dung sách cơ. - Không hư và không thiếu nghĩa là ngay từ đầu không có cả hộp lẫn bọc bên ngoài. Ấn bản có khổ 13x18 cm, khá dày, lại là bản in đầu tiên, theo hiểu biết của tôi, chỉ có Ác quỷ trên hoang đảo...
Thì ra là vậy. Dù không biết bìa sách, nhưng nếu có kiến thức và năng lực nhận biết cỡ Shioriko thì sẽ đoán ra tên sách.
Tôi liếc thấy hai chị em đang nháy mắt với nhau. Có thể chúng tôi đã qua được bài kiểm tra.
Kuniyo đứng lên, tiến đến cánh cửa ở một góc phòng. Sau cánh cửa là phòng để đồ, bên trong đặt một vật như két sắt. Nó khá lớn, hơi cũ nhưng nhìn sơ qua cũng biết là kiên cố.
Trên cánh cửa có cần gạt, núm khóa và một tấm bảng gắn khoảng năm mươi nút tròn chưa rõ để làm gì.
- Trong đây có đồ quý hiếm liên quan tới Edogawa Ranpo, phải không chị?
Kuniyo ngoái lại hỏi. Chị bà khẽ gật đầu, nói với Shioriko...
Nhìn cử động của đôi môi là hiểu được ý bà. Làm ơn, hãy mở cái này ra!

6

Bà Keiko bảo, trước tiên hãy đến gần để kiểm tra, chúng tôi bèn bước tới, quỳ trước két sắt. Vừa chạm vào chỗ trang trí trên núm khóa thì từ phía dưới, một ổ khóa xuất hiện và dịch sang ngang. Để mở két sắt, hình như không chỉ cần số mà còn cần cả chìa khóa nữa.
- Trong đây có gì thế ạ?
Quay lại chiếc xe lăn phía sau lưng, Shioriko hỏi.
Keiko tinh nghịch cười đáp. “Nếu mở... cho xem...”
Nếu mở được thì sẽ cho xem. Nghĩa là sau khi mở mới biết. Shioriko lại nhìn cái két, vẻ tiếc nuối. Nếu là “đồ quý hiếm liên quan tới Edogawa Ranpo” thì cũng không hẳn chỉ là sách cũ. Giống như tờ giấy màu hay mặt nạ được trang trí khi nãy.
- Trông cái két cũ quá! - Tôi nói.
Kishiro Keiko viết chữ vào sổ tay rồi cho chúng tôi xem, Thì ra đây là “sản phẩm đặt hàng đặc biệt của quân đội Nhật cũ”. Nghĩa là được chế tạo từ giữa Thế chiến 2 hoặc trước đó, ít nhất cũng hơn bảy mươi năm rồi.
- Tại sao một vật dụng như thế lại ở đây?
Chắc bút đàm khó khăn quá nên Keiko quay sang em gái, vội vã giải thích. Ngay lập tức chúng tôi được thông dịch.
- Cha của Kayama Akira, tức ông Sokichi, kinh doanh rất rộng, trong chiến tranh cũng có quan hệ làm ăn với quân đội, ông đã tranh thủ lấy được nó giữa nhộn nhạo thời cuối chiến tranh. Nó có tới ba lớp khóa, rất bền nên thích hợp để cất những thứ quan trọng.
- Ba lớp? - Tôi lúc lắc đầu suy nghĩ. Cần gạt và núm khóa thì là hai lớp thôi chứ nhỉ.
- Cái này là lớp thứ ba. - Tay Shioriko chạm vào tấm bảng có hàng nút. Nhìn kĩ thì thấy mỗi nút là một chữ cái. - Có phải ấn vào những nút chữ đã quy ước thì ổ khóa sẽ mở ra không?
Chủ sở hữu không trả lời mà chỉ gật đầu.
Ấn vào những nút chữ đã quy ước. Tức là mật khẩu phải không?
Cần gạt, núm khóa, và mật khẩu, chính xác là ba lớp khóa. Tôi không biết rằng từ rất lâu về trước người ta đã làm ra chiếc két sắt có cấu trúc phức tạp thế này. Đúng là quá nghiêm ngặt.
- Ở nhà chính của cháu cũng có một két sắt cũ nhưng không tinh xảo đến thế này... Chắc vì là sản phẩm đặt hàng đặc biệt của quân đội. - Shioriko thì thầm như độc thoại trong lúc tìm hiểu két sắt.
- Chị Keiko đã rất khổ sở vì két sắt không mở được. Kayama luôn một mình quản lý tất cả chìa khóa và mã số, không hướng dẫn cho chị Keiko điều gì cả. Chỉ có ghi chú về số của núm khóa thì còn trong nhà này.
- Chìa khóa bây giờ ở đâu ạ?
Keiko lấy sổ tay ra, xóa “Sokichi” trong tên “Kayama Sokichi” đi, sửa lại thành “nhà”.
Nhà Kayama.
Ra là nó ở chỗ gia quyến của Kayama Akira.
- Giờ đang liên lạc với con trai Kayama. Họ bảo là sẽ mang chìa khóa đến cho.
Không hiểu tại sao, Kuniyo giải thích với vẻ không vui, chắc đã xảy ra chuyện gì rồi. Shioriko bèn hỏi.
- Nghĩa là bác muốn chúng cháu tìm mật khẩu, đúng không ạ?
Keiko gật đầu, bà em gái nói:
- Nghe nói Kayama đã cài đặt mật khẩu mở két bằng từ ngữ được lấy theo tác giả Edogawa Ranpo. Nhưng không biết là bao nhiêu từ.
Tôi chú ý đến yếu tố “không biết là bao nhiêu từ”. Thực sự không có một manh mối nào thì việc tìm ra là rất khó khăn.
Không, chờ đã! Trước khi tìm mật khẩu hay nhờ mang chìa khóa đến, ngay từ đầu chẳng phải là còn có phương pháp khác hay sao?
- À, nhờ người chuyên về két sắt đến mở giúp cũng được chứ ạ?
Tôi vẫn thấy thợ khóa quảng cáo nhan nhản. Chi phí cũng kha khá nhưng chắc không cao đến mức những người sống ở nhà này không trả nổi.
- Hôm trước cũng gọi người tới rồi nhưng không được. - Kuniyo thở dài. - Họ bảo rằng không những nó đã quá cũ mà còn là sản phẩm đặt hàng đặc biệt, lại không biết được cơ cấu nên việc mở khóa là rất khó. Họ bảo chỉ còn cách phá cánh cửa, nhưng chị Keiko sợ tổn hại cho những thứ bên trong, nên đã từ chối... Mà bần cùng bất đắc dĩ thì chắc cũng phải phá thôi!
Vai Shioriko nảy lên làm tôi nhận ra sự lỡ lời của mình. Nếu két sắt bị phá thì đâu đến lượt cô xuất hiện, câu chuyện thu mua kho sách cũng tiêu tan, và tiêu tan luôn cả cả cơ hội xem “kho báu” của Edogawa Ranpo trong két sắt.
Tôi thề là từ nay sẽ cố gắng không đụng chạm vào khía cạnh này.
- Có thể cho cháu biết tính cách của Kayama Akira được không ạ? - Cô hỏi người ủy thác. - Nếu không có gì trở ngại, hãy cho cháu biết cả lai lịch và gia đình ông ấy nữa. Không chừng nó cần thiết cho việc tìm ra mật khẩu.
Kishiro Keiko nhìn đăm đăm vào không trung như đang sắp xếp lại thông tin trong đầu, được một lát, bà bắt đầu hạ giọng kể. Khi bà dừng lại thì Kuniyo giải thích cho chúng tôi.
- Ông ấy rất thích sách, vui vẻ, tinh nghịch, có lúc như thiếu niên... Hâm mộ Edogawa Ranpo từ trước chiến tranh, sau một lần đọc truyện của nhà văn này đăng dài kì trên tạp chí. Thời sinh viên Kayama từng ấp ủ trở thành tác giả viết truyện trinh thám... cuối cùng ông ấy lại vào công ty của bố...
Chắc thông dịch không kịp hay sao mà câu chuyện không liền lạc.
- Ông ấy thích tác phẩm nào của Ranpo?
Trước câu hỏi của Shioriko, người ủy thác nói tiếp.
- Để xem, là những tác phẩm suy luận cổ điển thời kì đầu như “Đồng 2 xu” hay “Bài thi tâm lý”. Còn những tác phẩm kì bí chung chung thì không thích mấy...
Kuniyo chợt ngưng ngang, mọi ánh mắt đổ dồn về bà.
- Xin lỗi nhé. Tôi thấy hơi khó. Tôi sẽ nhờ chị Keiko viết tất cả lên giấy, tối nay hoặc ngày mai sẽ đem tới chỗ các cháu có được không?
- A, vâng. Thế cũng được ạ.
Phòng khách chìm trong yên lặng. Shioriko chống nạng đứng dậy. Đã đến lúc ra về. Hôm nay cũng không còn việc gì để làm ở đây nữa.
- Vậy thì, chúng cháu xin phép... - Shioriko đang chào thì bỗng dưng im bặt.
Kuniyo đưa mắt nhìn như có điều muốn nói. Nhưng Keiko không nhận ra.
- À, trước khi về, cháu có thể xem lại kho sách một lần nữa không? Biết đâu sẽ có manh mối gì.
- Xin mời, - Kishiro Keiko máy môi.
Rời khỏi phòng khách, chúng tôi vào lại kho sách. Chắc Kuniyo sẽ theo sau ngay.
Shioriko bắt đầu ngắm từ chiếc giá gần cửa. Khi nãy tôi nghĩ cô muốn tách người ủy thác ra để nói chuyện riêng với Kuniyo, nhưng xem ra đúng là cô muốn kiểm tra lại kho sách.
- Sắp xếp không gọn gàng cho lắm. - Cô nhận xét.
- Hả? A, đúng rồi!
Tôi cũng nghĩ thế. Kệ sách đổ thì đương nhiên sách sẽ rớt xuống sàn. Hẳn là tình trạng cũng giống với tiệm sách cũ Biblia vào ngày động đất. Chủ nhân không thể cử động nên không sắp xếp gọn gàng được là chuyện tất nhiên.
Nói vậy thôi chứ không chừng bà ấy cũng chẳng muốn sắp xếp nữa, vì định bán tất cả để đổi lấy việc mở két sắt cơ mà.
Bắt chước Shioriko, tôi tập trung ngắm nghía giá sách cạnh cửa sổ. Bên này đặc biệt có nhiều chỗ trống.
Chủ đạo là Tuyển tập Edogawa Ranpo của nhà xuất bản Shinchosha, quyển duy nhất khác màu thì nhét trong một hộp trắng. Nhan đề là Egawa Ranko.
- Gì thế này?
Egawa Ranko, nghe như phiên bản nữ của cái tên “Edogawa Ranpo” vậy.
Đây cũng là truyện ư? Tôi đem quyển sách tới chiếc bàn giữa phòng. Hầu như không bụi bẩn gì, có thể nói là một quyển sách đẹp. Tôi vừa lấy sách ra khỏi hộp thì Shioriko quay đầu lại. Cô đặt tay lên gọng kính, ánh nhìn dừng lại nơi tay tôi.
- Anh Daisuke, cái đó...
- Tôi thấy tò mò về tên sách. Đây có phải là truyện không?
- Đúng. Egawa Ranko là một trong các nhân vật hư cấu của Ranpo... Nhưng mà, cuốn sách đó...
Đúng lúc ấy, Kuniyo xuất hiện:
- Xin lỗi đã bắt mọi người chờ đợi. - Bà nói, dừng mắt ở quyển sách cũ tôi đang cầm, - Ồ, đã có manh mối gì rồi à?
- Không, không phải thế.
Thật khó mà nói là tôi lấy nó ra chỉ vì tò mò. Đang định bỏ lại vào hộp thì do giấy sáp bọc bìa quá trơn, cuốn sách trượt qua những ngón tay tôi.
- Á! - Shioriko kêu lên.
Tôi ngồi thụp xuống, bằng cách nào đó đã chộp gọn quyển sách trong lòng bàn tay. Tôi thở phào, bỏ sách vào hộp như cũ. Trông qua thì chỉ là một tác phẩm nhỏ, nhưng rất có thể nó chứa đựng những giá trị riêng.
- Cậu cẩn thận giùm cho. Nó vẫn còn là sách của nhà này đấy... Nào! - Kuniyo giơ tay ra, mặt chán nản.
Tôi đưa trả và cúi đầu xin lỗi.
Người phụ nữ ấn cuốn Egawa Ranko vào cái giá gần cửa lớn, đóng cửa lại rồi bắt đầu nói chuyện với Shioriko.
- Phải giữ bí mật với chị Keiko nhé, có một việc nữa tôi muốn nhờ cháu.
- Là chuyện gì vậy ạ?
- Thật ra hôm qua con trai nhà Kayama đã gọi điện đến, bảo là không tìm thấy chìa khóa mở chỗ cần gạt.
- Hả? - Chúng tôi đồng thanh kêu lên.
Vậy là tình hình thành ra khác hẳn rồi.
- Nghĩa là không có chìa phải không ạ? - Tôi hỏi.
Kuniyo khoanh tay nhìn lên trần nhà.
- Tôi cũng không rõ nữa. Đã tìm mà không thấy, hay không muốn tìm... Tôi nghĩ chắc mọi người cũng đoán được, các con của Kayama cực kì căm ghét Keiko. Sau khi Kayama mất, đã một lần chị ấy đến gặp để nói chuyện nhưng họ từ chối cho mãi đến đây luôn đấy. Chính tôi cũng bị ghét lây nên nói chuyện họ không thèm nghe. Bởi thế, tôi muốn nhờ cháu sang nhà Kayama, điều tra xem có thật là không tìm được chìa khóa hay không... Cháu bằng lòng giúp cả việc này nữa chứ?
Trong chốc lát, chúng tôi không thốt nên lời trước yêu cầu vô lý đó. Bà tưởng tiệm chúng tôi là văn phòng thám tử tư hay sao.
- Điều tra như thế...
- Cháu hiểu rồi. Cháu sẽ làm thử.
Tôi càng lúc càng kinh ngạc với những câu trả lời của Shioriko. Không biết cô bị làm sao mà cứ dây dưa với vụ việc không rõ đầu đuôi này. Tham gia tới mức đó, có kì lạ quá không? Nếu thoái lui ở đây thì nghĩa là chúng tôi sẽ rút khỏi cuộc thu mua bộ sưu tập quý hiếm, là kết thúc mà không hay biết bí mật cất trong chiếc két, cũng như không tìm hiểu được mức độ liên quan của Shinokawa Chieko ở vụ giao dịch này.
- Cháu có hai chuyện muốn hỏi. - Shioriko lịch sự giơ hai ngón tay lên. Kuniyo lộ vẻ căng thẳng. - Đã một năm trôi qua kể từ khi Kayama Akira ra đi. Tại sao đến giờ này bác Keỉko mới có ý định mở két sắt?
- À, là chuyện đó. - Kuniyo thở phào như vừa thoát nạn. - Chị Keiko đã muốn mở cái két suốt đấy. Chỉ vì gia đình bên kia phớt lờ, nên mãi mà không thể đề cập được thôi... Rồi có nhiều chuyện xảy ra, nào là mắc bệnh nặng, chấn thương do động đất nên cách suy nghĩ cũng đã thay đổi.
- Đã thay đổi... nghĩa là sao ạ?
- Con người không ai biết được chuyện ngày mai. Việc muốn làm mà không làm ngay thì sau này sẽ hối tiếc, chị ấy nghĩ thế. Là chị em nên chúng tôi hiểu rõ suy nghĩ của nhau.
Câu nói chất chứa một tâm tư nặng trĩu nhưng thực tế. Người phụ nữ ấy đã phải rời xa nơi làm việc và ngôi nhà thân quen để đến vùng đất này.
- Câu hỏi còn lại là gì? - Bà hỏi, mắt dõi ra cửa sổ. Keiko đang ngồi ngoài ban công, ngắm nhìn khu vườn. Mái tóc dài màu xám lất phất trong gió xuân. Dáng vẻ suy tư.
- Bác có biết két sắt chứa thứ gì không?
- Tôi không nghe nói. - Kuniyo trả lời, mắt vẫn dõi ra ngoài. Khi có cùng biểu cảm, hai chị em giống nhau đến kì lạ. Chắc là lúc trước giọng nói cũng giống nhau lắm. - Chị Keiko nói rằng có chứa vật quan trọng, thế là đủ... Tôi muốn thực hiện nguyện vọng của chị ấy bằng bất cứ giá nào.
Rồi bà quay đầu lại như tỉnh dậy sau cơn mơ, cúi đầu thật sâu trước Shioriko:
- Dù thế nào, cũng mong cháu giúp cho.
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét