Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 6 - Chuyện Thứ Hai

Tiệm sách cũ Biblia Q 6

Tác giả - Mikami En
Người dịch: Hải Hà
Nhà xuất bản Hồng Đức - 2018

Tập 6 - Shioriko và định mệnh xoay vòng

Chuyện Thứ Hai

Yêu cầu khẩn thiết

1

Tôi là Shunto, trước đây từng liên lạc với bạn để trao đổi thông tin về sách cũ.

Tin nhắn mở đầu như vậy. Shunto có lẽ là nickname.
Tôi nhìn vào màn hình máy tính qua vai Shioriko. Sau khi ông Kotani đi khỏi, tôi và cô mới cùng nhau đọc mail của Tanaka Toshio. Anh ta có đính kèm mail của người mê sách cũ nọ. Chúng tôi đọc mail này bằng máy tính của tiệm.

Cách đây ít lâu, bạn đăng trên diễn đàn là đang tìm thông tin về cuốn Những năm cuối đời do Sunagoya Shobo phát hành. Năm ngoái đọc báo, tôi được biết về vụ Tanaka Toshio, vì thế tôi ngờ rằng bạn chính là Tanaka Toshio, và là người thân của ông Tanaka Yoshio.
Nếu phán đoán của tôi là sai, bạn hãy dừng đọc ở đây.
Thú thật, tôi có nghe một nhà sưu tập sách cũ ở lân cận Kamakura kể rằng Những năm cuối đời vốn là của ông Tanaka Yoshio. Gần bốn mươi năm trước, người này đã mua lại sách của ông với giá rẻ, và đang giữ gìn rất cẩn thận.
Cuốn sách không có chữ kí tác giả, thậm chí một vài trang đã bị rọc rời, nhưng lại là cuốn sách đặc biệt quý hiếm vì có ghi chú viết tay của chính Dazai. Bản thân tôi không yêu thích Dazai, nên chỉ nghe để đấy chứ không háo hức xin chủ cuốn sách cho xem qua.
Tôi đã phân vân, không biết có nên chia sẻ với bạn thông tin này không. Nhưng là người có chung sở thích sưu tập sách cũ, vì thế tôi cũng hiểu được sự dai dẳng của bạn đối với cuốn Những năm cuối đời. Nếu bạn thực sự là Tanaka Toshio, và muốn biết rõ hơn về cuốn sách tôi đang nói, tôi rất mong được gặp và kể rõ sự tình cho bạn biết. Sau khi thương lượng, chưa biết chừng bạn có thể mua lại cuốn sách từ người chủ hiện tại.

Chờ hồi âm của bạn.

- Cái gì đây?
Tôi buột miệng. Tin nhắn làm sao thế? Chẳng có thông tin gì cụ thể. Người gửi tin rốt cuộc là ai?
- Dựa theo nội dung ở đây, xem chừng người này muốn làm môi giới vụ mua bán cuốn Những năm cuối đời, rồi lấy chút tiền hoa hồng... Nhưng chỉ với ngần này thông tin em thấy khó xác định lắm. - Shioriko nói. - Tuy nhiên em nghĩ mục đích của người viết thì khá rõ ràng, đó là muốn làm Tanaka Toshio tò mò, buộc anh ta phải viết tin nhắn trả lời. Người này hé lộ một phần thông tin chính vì lý do ấy. Nhận được hồi âm là đạt mục đích, người này liền rời khỏi diễn đàn.
Quả đúng là không thể gửi tin nhắn cho người đã xóa tài khoản. Khi Tanaka hồi âm lần đầu, cái tên Shunto vẫn còn trong diễn đàn.
- Tại sao phải rời khỏi diễn đàn?
- Em cũng thấy lạ. Dù mục đích là bắt đối phương trả lời một lần thì cũng không cần rời khỏi diễn đàn như thế. Chỉ cần nói thác là giao dịch bất thành, rồi mặc kệ tin nhắn của đối phương là xong.
Shioriko bật trình duyệt lên, mở diễn đàn kia ra, gõ tìm kiếm Shunto. Đúng như Tanaka nói, diễn đàn thông báo người dùng đã rời khỏi diễn đàn.
Người này không muốn ai truy ra tung tích của mình. Giả sử nếu sợ Tanaka spam thư như từng làm với Shioriko, thì chỉ cần thông báo với ban quản trị và cảnh sát là được. Không nhất thiết phải rời diễn đàn làm gì.
- Người này là ai, chúng ta hoàn toàn không biết. Giá mà ở đâu đó còn rơi rớt thông tin gì thì tốt quá...
Cô mở một trang khác từ phần đánh dấu trang của trình duyệt. Là một nhóm trên mạng xã hội, có tên “Hội những người yêu sách cũ ở Kanagawa”. Thành viên tham gia gần năm trăm người, cũng chẳng đông lắm. Ở nhóm này có một vài mục chuyên biệt như thông tin sự kiện sách cũ trong tỉnh, hay thông tin về các tiệm sách cũ đã đóng cửa. Chắc người nhắn tin cho Tanaka có tham gia nhóm này, và chính Tanaka cũng vậy.
- Shioriko là thành viên nhóm này à?
- Không. Thỉnh thoảng em có lướt xem thông tin, còn bình thường ngoài công việc em không dùng đến internet... - Cô vừa nói, vừa mở mục có tên Thảo luận. - Đây là mục sôi động nhất ở đây. Nếu người đó từng tham gia trang này, chắc hẳn đã từng đăng bài.
Dù là mục sôi động nhất nhưng không có nghĩa là chứa những tranh luận gay gắt. Chỉ có thông tin như tìm thấy cuốn nào ở tiệm nào, bán sách cũ thì bán ở đâu lời nhất. Mỗi khi có ai đăng bài, phải sang hôm sau mới có ai khác trả lời. Tôi cảm thấy mọi sự kiện ở đây diễn ra khá chậm chạp. Cách dùng từ của thành viên đều điềm đạm, có lẽ chủ yếu là người lớn tuổi. Chúng tôi lục lọi lịch sử đăng bài trong nhiều tháng cũng không tìm thấy tài khoản nào tên Shunto.
- Có khi nào vì người này đã rời đi nên bài viết cũng bị xóa không nhỉ?
Tôi thì thầm, nhưng Shioriko lắc đầu.
- Không. Tài khoản vô hiệu hóa nhưng bài viết vẫn còn, chỉ không hiển thị nickname và avatar nữa thôi.
Nghe thế tôi mới nhận ra, có khá nhiều bài viết trống phần tên người đăng. Hóa ra đã bao nhiêu người đến và ra đi. Chúng tôi không tìm được bài viết nào của Shunto. Khi dò ngược lịch sử bài viết đến năm ngoái, tôi nhìn thấy một bài đăng quen thuộc.

Kuzuhara 10/3/2010 18:24

Tôi trông thấy cuốn Những năm cuối đời của Dazai Osamu do Sunagoya Shobo ấn hành trưng bày ở Bảo tàng Văn học ở Hase. Tình trạng sách khá tốt, chưa rọc. Xem chừng thuộc bộ sưu tập cá nhân, phải chăng là của một nhà sưu tầm ở Kamakura?

Sonogi 11/3/201013:41

@Kuzuhara. Tôi nghĩ đó là sách của chủ tiệm sách cũ Biblia bên Kita-Kamakura. Tôi đã ngó qua. Đó là một cuốn sách rất tuyệt.

Chúng tôi cùng im lặng một lúc. Nếu không có cuộc trao đổi này, Shioriko đã không bị Tanaka biết đến, cũng sẽ không bị thương. Cuộc trao đổi này quả thật đã vạch ra ranh giới vận mệnh. Nhưng nếu sự thật khác đi, tôi lại không được thuê làm nhân viên tiệm sách cũ Biblia, cũng không trở thành người yêu của cô gái này. Tâm trạng tôi đầy phức tạp.
- Người hỏi chính là Tanaka nhỉ?
- Vâng. Đến lúc nhập viện em mới biết về cuộc trao đổi này. Tên tài khoản Kuzuhara lấy từ truyện ngắn “Người mù cười” của Dazai. Nhân vật chính trong truyện tên là Kuzuhara Koto.
Chúng tôi đọc lịch sử bài viết trước và sau cuộc trao đổi đó, nhận ra Kuzuhara tham gia khá thường xuyên, luôn chủ động đặt câu hỏi và chủ động trả lời các thành viên khác. Xem ra còn nhắn tin cá nhân với một vài người. Chắc chẳng ai ngờ anh ta lại làm ra chuyện kia.
- Không biết thêm gì về người tên Shunto kia rồi. Cũng không có cách nào tìm hiểu được.
Shioriko tắt trang web đi.
- Vậy giờ chúng ta phải làm gì?
- Em nghĩ chỉ còn cách hỏi chuyện cụ Tomizawa Hiroshi thôi. Chẳng biết liệu cụ có bằng lòng gặp mình không.
Shioriko quay số điện thoại ông Kotani đưa khi nãy. Người bắt máy có lẽ là con gái cụ, bà Tomizawa Noriko, người cũng có mặt trong tấm ảnh. Shioriko từ tốn giải thích, nhưng bà không muốn tiếp chuyện. Bà chỉ đáp sẽ hỏi thử cha xem sao, rồi cúp máy luôn.
Phản ứng không được tốt cho lắm. Nhưng từ chối cũng là chuyện tất nhiên thôi. Nếu bà vẫn luôn cho rằng thành viên hội Romanesque lấy cắp sách của cha mình thì đời nào lại muốn giúp chúng tôi tìm kiếm cuốn sách cũ của Tanaka Yoshio.
Tôi rời mắt khỏi màn hình máy tính sáng lóa, nhìn quanh không gian âm u trong tiệm. Chẳng có mấy ánh sáng lọt vào từ cánh cửa kính đã buông rèm. Nếu hôm nay trời nắng đẹp, thì giờ này ánh tà dương đã rọi vào tiệm rồi.
Có nên điều tra từ hướng khác không nhỉ?
Không, khi nãy ông Kotani cũng đã nói, có lẽ chúng tôi nên báo cảnh sát. Tôi có cảm giác càng lún sâu vào vụ này, chúng tôi càng nguy hiểm. Những điềm báo cũng đã xuất hiện rồi.
Chợt thấy tay áo giật giật, tôi quay sang nhìn Shioriko.
Cô nghiêm túc đưa tôi mảnh giấy nhớ ghi “Anh sao thế?”. Tôi cố nén cười. Mấy hôm trước, từ khi cô chỉ đạo công việc cho tôi qua giấy nhớ, thỉnh thoảng chúng tôi lại trò chuyện với nhau bằng giấy và bút. Thoạt tiên tôi thấy thật vô nghĩa, nhưng dần dần nó lại trở thành thói quen của chúng tôi.
Đã vậy tôi cũng bắt chước theo. Tôi lấy giấy nhớ và bút dùng khi làm việc từ túi đeo vai đặt dưới chân và bắt đầu viết. Tâm trạng cũng trở nên thoải mái hơn.
“Giá mà chuyện này sớm kết thúc nhỉ!”
Tôi chìa mảnh giấy cho cô xem. Shioriko gật đầu, viết lời đáp lên tờ giấy nhớ của mình.
“Vâng. Việc của tiệm cũng bộn bề. Hôm nay là ngày nghỉ vậy mà...”
Đột nhiên cô dừng bút. Ngày nghỉ vậy mà gì? Tôi im lặng chờ cô viết tiếp, nhưng Shioriko lại cúi gằm mặt xuống. Tôi cũng không nhìn rõ mảnh giấy trên đùi cô viết gì nữa. Một lúc lâu sau, cô viết tiếp vài chữ nhỏ bên lề giấy. Không hiểu sao tay cô run run.
“Thật ra, hôm nay em rất muốn cùng anh đi đâu đó”.
Tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Trong mắt tôi chỉ còn Shioriko, tôi không buồn lo lắng lỡ em gái cô đột nhiên nhảy ra hay đang nghe trộm đâu đó quanh đây nữa. Tôi cúi xuống, viết ở lề giấy nhớ đặt trên đùi cô.
“Tôi cũng muốn vậy”.
Đột nhiên cây bút rơi khỏi tay cô. Tôi vô thức nhìn theo thì cô kéo đầu tôi lại. Đến khi tôi nhận ra thì làn môi mềm ấm đã áp vào môi tôi. Khuôn mặt cô và chồng sách choán lấy tầm nhìn của tôi. Nói mới nhớ, tôi chợt nghĩ. Tôi gặp Shioriko lần đầu là ngoài tiệm, nụ hôn đầu tiên của chúng tôi là trong tiệm. Quả là tôi có duyên với sách cũ mà.
- Tự dưng... xin lỗi anh... em đã cố nhịn, nhưng mà...
Hơi thở dốc của cô vang bên tai tôi. Tôi cũng cố nhịn lắm đó chứ.
Lần này, đến lượt tôi chủ động.

2

Quá trưa, mưa ngừng rơi, bầu trời phía Đông bắt đầu hửng sáng. Tôi dừng xe trên đỉnh con dốc, cảm nhận làn gió biển thổi vào mát rượi.
Tôi và Shioriko đang đứng trước một ngôi nhà cổ mái lợp ngói. Tôi nghĩ ngôi nhà được xây theo kiến trúc phương Tây, nhưng không hiểu sao lại liền kề với nhà kho có tường trằng. Có lẽ chỗ này trước đây vốn là một nhà kho, rồi xây thêm tường nối liền nhà vào. Chưa hiểu tại sao.
Đây là nhà của gia đình Tomizawa ở Koshigoe. Hôm qua, con gái cụ Tomizawa Hiroshi có gọi điện lại, đề nghị chúng tôi sang nhà chiều nay. Vì không phải ngày nghỉ của tiệm sách, chúng tôi đành đóng cửa một lúc để đến đây. Khi nào đi học về, em gái Shioriko sẽ thay chúng tôi trông tiệm.
Cánh cửa sắt gỉ sét mở ra, Shioriko chống nạng vào trước. Cô bước từng bước chậm chạp, đầu vẫn cúi gằm. Từ sau nụ hôn kia, thái độ của cô trở nên kì lạ, lúc nào cũng cố tránh nhìn tôi. Tôi đã định mặc kệ, nhưng tình trạng này kéo dài khiến tôi xấu hổ theo.
Đột nhiên, Shioriko khựng lại, làm tôi suýt chút nữa va phải tấm lưng sau lớp áo cardigan của cô.
- Sao vậy?
Nhìn theo hướng mắt cô, tôi cũng ngẩn người. Trước tiền sảnh là một khu vườn, nhìn thẳng ra biển Koshigoe. Nắng len qua mây rọi thẳng xuống, làm bừng sáng cả bờ biển màu xám tro.
- Đẹp quá!
Shioriko khẽ thốt. Phía bên phải bờ biển là vách đá phủ đầy cây.
- Đó là Mũi Koyurugi nhỉ?
- Vâng.
Thật bất ngờ, khung cảnh vẫn y hệt như trong ảnh chụp cách đây mấy chục năm. Khu vườn với bãi cỏ được chăm sóc cẩn thận. Chắc chắn những người sống trong nhà này đã luôn trân trọng giữ gìn nơi đây.
Chợt gai người, tôi ngoảnh đầu về phía ngôi nhà. Từ cửa sổ lớn trông ra vườn, một cụ già nhỏ thó lưng còng đang chằm chằm nhìn chúng tôi. Tôi và cụ chỉ chạm mắt đúng một khoảnh khắc, tấm rèm cửa đã kéo vào đánh soạt. Tôi không kịp nhận ra mặt cụ, nhưng có lẽ là một trong những người xuất hiện trên ảnh kia.
- Đi thôi anh.
Shioriko tiến về phía tiền sảnh. Có một đoạn hành lang lắp lan can giống kiểu nhà nông thôn phương Tây. Chúng tôi bấm chuông cửa gắn sâu vào tường, cửa liền mở ra. Một phụ nữ luống tuổi mặc áo len thụng màu đỏ ra đón chúng tôi. Mái tóc trắng cắt ngắn của bà hòa lẫn với màu sơ mi tươi sáng.
- Hô... hôm qua, bác có gọi điện cho cháu... Cháu là Shinokawa ở tiệm sách cũ Biblia ạ...
- Tôi là Tomizawa Noriko. Rất vui được gặp các cháu. Cảm ơn các cháu cất công đến đây.
Bà nói luôn một tràng, mắt liếc tôi đang đứng phía sau, mặt hiện rõ vẻ nghi ngờ, làm tôi nhớ lại lúc mới gặp ông Kotani, nhưng chí ít ánh mắt ông không lạnh lẽo thế này. Mặc dù tôi không cho rằng bà có ác cảm với chúng tôi.
Shioriko dùng bên tay không cầm nạng trỏ sang tôi.
- Đây... đây là... nhân viên ở tiệm, tên là Gora ạ.
Dù ấp úng, nhưng hiếm khi Shioriko giới thiệu tôi như thế này. Trong lúc nói, mặt cô đỏ bừng khiến người ta khó mà cho rằng tôi và cô chỉ đơn giản là quan hệ chủ tiệm nhân viên. Bà Noriko bắt đầu nhìn chúng tôi bằng ánh mắt kì lạ.
- Cháu là Gora ạ. Chào bác. - Tôi xấu hổ cúi đầu.
Chúng tôi đi dọc hành lang âm u. Cuối hành lang là một cánh cửa dày chẳng mấy phù hợp, khóa bằng ổ khóa rất to. Có lẽ tiền thân là nhà kho, tường và nền nhà phủ màu vàng cũ kĩ, chỉ có tay vịn cao cỡ ngang hông là còn mới.
Bà Noriko đưa chúng tôi đến phòng khách kiểu Nhật nhìn ra biển. Ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây, nhưng cũng có phòng kiểu truyền thống. Bà Noriko ngồi đối diện chúng tôi qua chiếc bàn thấp, không thấy cụ già lúc nãy đâu.
- Mẹ tôi mất cách đây năm năm, từ đó cha tôi sống một mình... Mỗi tuần tôi ghé qua vài lần. - Bà vừa nói vừa đặt hồng trà xuống trước mặt chúng tôi. - Tôi còn bận đi làm nên không có nhiều thời gian. Dù không tiện, tôi vẫn phải mời các cháu đến ngay hôm nay.
Người phụ nữ này có cách ăn nói điềm tĩnh và thiên về lý trí. Giọng cũng rất dễ nghe. Có lẽ bà đã quen với việc giải thích, chưa biết chừng lại là giảng viên.
- Cụ... Cụ Tomizawa có nhà không ạ?
Shioriko đã bình tĩnh hơn, nhưng vẫn không che giấu được sự lúng túng. Bà Noriko sầm mặt.
- Có. Cha tôi ở trong kho sách, ông không muốn nói chuyện với hai cháu, bảo có đến cũng kiên quyết đuổi về. Dù sao với cha tôi, mọi chuyện liên quan đến hội Romanesque đều là cấm kị.
Nghe thế, tôi thấy thất vọng. Chúng tôi đã cất công đến tận đây rồi... Khoan đã. Vậy tại sao bà lại hẹn chúng tôi tới nhỉ?
- Nếu vậy, tại sao bác lại gọi chúng cháu sang ạ?
Shioriko hỏi. Đúng thế, chắc hẳn phải có lý do.
- Người muốn nói chuyện với hai cháu là tôi, không phải cha tôi. Tôi muốn hỏi một chuyện, may ra các cháu biết.
- Chuyện gì ạ?
- Bốn mươi bảy năm trước, vụ việc xảy ra ở nhà này là sao? Cháu có nghe anh Shinokawa Seiji, ông nội cháu ấy, nói gì không?
Người mù tịt mọi sự là chúng tôi đây này. Vậy mà giờ chúng tôi lại thành người được hỏi.
- Không ạ, ông cháu chưa từng đề cập... Như đã thưa chuyện qua điện thoại, chúng cháu đang tìm cuốn Những năm cuối đời của ông Tanaka Yoshio, trong quá trình tìm kiếm thì nghe đến gia đình bác. Cháu chỉ biết ông cháu đã tìm được cuốn sách bị lấy cắp của cụ Tomizawa thôi ạ.
Bà Noriko cúi đầu thở dài, rõ ràng là khá thất vọng.
- Cháu xin lỗi... thật ra chính cháu đang định hỏi bác chuyện ngày đó.
Shioriko cúi đầu nhỏ giọng nói, người phụ nữ gượng cười như đang xin lỗi.
- Không sao. Là tôi tự hi vọng thôi. Hồi ấy cuốn sách được trả về nhưng cả tôi và cha đều không biết là ai đã lấy nó và lấy như thế nào. Chính anh Shinokawa Seiji ra điều kiện rằng không được hỏi han cặn kẽ... Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể tin người ở hội Romanesque là thủ phạm. Trong ấn tượng của tôi, anh Tanaka, anh Kotani và anh Sugio đều là người đứng đắn.
Người có ngoại hình đứng đắn không có nghĩa là sẽ không ăn trộm. Tôi đã chứng kiến một trường hợp như vậy rồi. Ngoài ra, ông Tanaka Yoshio không hề giải thích gì cho bạn bè cũng như mọi người ở nhà Tomizawa.
Bất chợt, tôi nhớ ra điều khiến mình bận tâm.
Thông thường, khi Shioriko nhận lời tìm hiểu về sách cũ, cô luôn cho người ủy thác biết sự thật, và yêu cầu thủ phạm xin lỗi người bị hại. Vì chúng tôi không báo cảnh sát nên mọi việc sẽ được giải quyết gọn gàng giữa những người liên quan. Tại sao ông nội lại không làm như vậy nhỉ? Nếu ông tạo điều kiện cho họ nhận lỗi và hòa giải, không chừng mối quan hệ giữa họ vẫn tiếp tục.
Phải chăng là vì nguyên nhân bất thường nào?
- Có lần anh Tanaka đã mang đến đây một cuốn Những năm cuối đời do Sunagoya Shobo ấn hành. Tôi nhớ là ở chính căn phòng này đây, trong lúc đợi dọn trà, cha tôi vừa mở sách vừa trao đổi với anh Tanaka...
- Cuốn... Cuốn sách đó như thế nào ạ?
Shioriko hỏi dồn, nhưng bà Noriko chỉ lắc đầu.
- Tôi không thấy rõ. Lúc đó tôi mới học cấp hai, không hứng thú với sách quý sách hiếm gì cả. Hình như cha với anh Tanaka so sánh nó với cuốn Những năm cuối đời ở nhà này thì phải.
- Cụ nhà mình cũng có cuốn Những năm cuối đời của Sunagoya Shobo ạ?
- Có mấy cuốn thì phải, trong kho sách ấy... - Bà Noriko trả lời lấp lửng. Chúng tôi còn đang ngơ ngác, bà đã tiếp. - Cha bắt đầu yêu thích Dazai từ thời sinh viên... Trước chiến tranh Thái Bình Dương, mấy cuốn sách đó chỉ là ấn phẩm cũ giá rẻ ngoài tiệm. Dù vậy cuốn Những năm cuối đời mà anh Tanaka mang đến lại là một cuốn khá hiếm. Vì tôi nhớ là cha rất ngạc nhiên.
Một người nghiên cứu về Dazai, lại sở hữu không chỉ một cuốn Những năm cuối đời cũng phải ngạc nhiên về cuốn sách kia. Rốt cuộc nó là thần thánh phương nào.
Đột nhiên, bà Noriko khoanh tay lại, hơi ngả người về phía Shioriko:
- Liệu cháu có thể tìm hiểu giúp tôi, dạo đó đã xảy ra chuyện gì được không?
- Hả? - Tôi vô thức buột miệng. Tình hình xoay đi đâu thế này?
- Cháu có giới thiệu qua điện thoại rằng thường nhận giải quyết những rắc rối dạng này còn gì? Có xoay đủ cách tôi cũng không tìm ra chân tướng vụ lùm xùm ngày đó... Tôi luôn thấy khúc mắc trong lòng. Chắc chắn cha tôi cũng bứt rứt như vậy. Nếu các cháu làm rõ được bí ẩn xưa cũ, chưa chừng cha tôi sẽ cho các cháu biết về cuốn Những năm cuối đời của anh Tanaka.
Tôi dần dần vỡ lẽ. Đây chính là lý do khiến bà Noriko gọi chúng tôi đến. Bà muốn biết ông Seiji đã tìm ra điều gì bốn mươi bảy năm về trước.
Nhưng chuyện trôi qua gần năm mươi năm rồi. Shioriko dù rằng tài giỏi, liệu có tìm hiểu tường tận được không đây? Cô từng suy đoán được bí mật sống để dạ chết mang đi của bà tôi chỉ qua bộ Soseki toàn tập, nhưng vụ việc lần này ngoắt ngoéo hơn nhiều. Người trong cuộc hầu như không còn trên thế gian nữa...
Thế mà...
- Cháu hiểu rồi ạ. Cháu sẽ tìm hiểu xem sao.
Shioriko trả lời rành mạch, nét mặt và giọng nói như của một người khác, toát ra đầy vẻ đáng tin cậy. Cô đã hoàn toàn bật công tắc rồi. Tôi hiểu, để tìm được thông tin, chúng tôi buộc phải nhận lời đề nghị này, nhưng có lẽ điều Shioriko thực sự mong muốn nằm ở chỗ khác, đó là vụ ăn trộm sách mà ông nội từng phá giải và bí ẩn mấu chốt về cuốn Những năm cuối đời kia.
Cô đã tuyên bố nhập cuộc, tôi chỉ còn cách hỗ trợ hết sức mà thôi.
- Trước tiên, bác cho cháu biết về cuốn sách bị lấy trộm đi ạ? Nghe bảo là một cuốn sách quý của Dazai... Có phải Những năm cuối đời do Sunagoya Shobo ấn hành không ạ?
Trong một thoáng, bà Noriko lộ vẻ lưỡng lự:
- Không phải đâu. Cuốn sách bị lấy trộm không phải Những năm cuối đời.
Bà hít một hơi thật sâu, nói tiếp.
- Mà là Yêu cầu khẩn thiết bản giới hạn do Getsuyoso phát hành.

3

Vừa nghe tên cuốn sách, Shioriko sững lại. Khiến tôi đủ hiểu đây là chuyện đáng kinh ngạc. Mà cũng có thể nói là tôi chỉ hiểu đến như vậy. Tôi đành hỏi:
- Yêu cầu khẩn thiết là sách gì?
Tôi nhớ là từng nghe cô nhắc đến nhan đề này cách đây mấy ngày, một tác phẩm dựa trên đề tài đạo Cơ đốc.
Shioriko chậm rãi ngoảnh sang tôi, mặt đỏ lên thấy rõ vì hưng phấn.
- Một truyện ngắn kiệt xuất vào giai đoạn giữa sự nghiệp của Dazai, phát hành năm 1940. Truyện viết dưới dạng lời thú tội, nhân vật chính là tông đồ Judas, kẻ phản bội Chúa. Y thổ lộ hết những cảm xúc từ trước đến nay đối với người thầy. Y yêu mến Jesus, nhưng lại luôn căm hận việc bị coi thường vì xuất thân thương nhân. Sau bao nhiêu giằng xé bởi những tình cảm mâu thuẫn, y vô tình tiết lộ hành tung của thầy nhằm mục đích trả thù. Nhận xong ba mươi đồng bạc, người này tự xưng tên là Judas Iscariot, câu chuyện kết thúc ở đó.
Nghe khá hấp dẫn. Tình tiết trò phản bội thầy khiến tôi liên tưởng đến cụ Tomizawa và ba người kia, tôi cảm thấy hoàn cảnh của họ có phần giống nội dung truyện.
- Tác phẩm chỉ dài ba mươi tư trang bản thảo, Dazai đã viết liền tù tì như tâm se tơ. Nghe nói ông không chỉnh sửa nội dung bản thảo một lần nào.
- Trong cuốn sách đó còn tác phẩm nào khác không?
Tôi hỏi. Ba mươi tư trang thì làm sao đủ thành một cuốn sách.
- Không ạ, chỉ có duy nhất truyện ngắn Yêu cầu khẩn thiết thôi. Sách tầm khổ B5 bây giờ, rất mỏng, chừng bốn mươi trang in. Nhà thơ Takanashi Kazuo đánh giá rất cao tác phẩm và đã đài thọ toàn bộ chi phí để in giới hạn 300 bản. Cùng với Những năm cuối đời ở Sunagoya Shobo, Yêu cầu khẩn thiết là sách cũ có giá trị cao nhất của Dazai.
Giải thích một hồi cho tôi hiểu xong, cô quay sang phía bà Noriko.
- Cuốn sách kẹp tờ chữ kí đúng không ạ? Có phải cuốn sách to ngần này, có chữ kí của chính Dazai không ạ?
Cô dùng đầu ngón tay vẽ một hình chữ nhật vào không khí, kích cỡ thon dài bằng cuốn tuần san.
- Ừ, tôi nhớ là có nhìn qua rồi. Vì khi cuốn sách được trả về, cha ngồi ở phòng này kiểm tra nó, tôi ngồi bên cạnh mà.
- Bìa sách màu đỏ hay màu xanh ạ?
- Không, tôi nhớ là màu vàng.
Vai Shioriko hơi run lên, cô nhấp một ngụm hồng trà cố lấy lại bình tĩnh. Nhưng khi đặt tách xuống, nó lại chạm bàn khá mạnh.
- Đó là sách hiếm à?
- Sách có kẹp tờ chữ kí của Dazai hay không, giá trị sẽ tăng giảm khác nhau lắm.
- Màu bìa thì sao?
Lây sự căng thẳng của Shioriko, giọng tôi cũng thấp xuống. Chắc đây cũng là sách hiếm như Những năm cuối đời của ông Tanaka Yoshio rồi.
- Yêu cầu khẩn thiết không chỉ có một màu bìa. Loại bán trên thị trường có màu đỏ, sách để tặng có màu xanh... Nghe bảo còn bản bìa vàng nữa, nhưng nó chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường sách cũ.
Tôi thấy lạnh sống lưng. Đúng là sách hiếm trong truyền thuyết rồi. Shioriko thay đổi nét mặt, tiếp tục hỏi người phụ nữ.
- Cụ nhà mua cuốn Yêu cầu khẩn thiết đó ở đâu vậy ạ?
- Không phải mua, mà được tặng... trong thời gian nổ ra chiến tranh Thái Bình Dương.
- Trong thời chiến... - Shioriko ngẫm nghĩ một lúc, rồi như sực hiểu. - Chính Dazai gửi tặng cụ phải không ạ?
Tôi không tin vào tai mình. Sao có thể...
Nhưng bà Noriko lại không phủ nhận.
- Tôi có kể cha bắt đầu yêu thích Dazai từ thời sinh viên rồi nhỉ? Cha từng gửi thư cho Dazai, tỏ lòng ngưỡng mộ, rồi hai bên qua lại bằng thư từ và bưu thiếp. Việc Dazai giao lưu với thanh niên yêu văn chương thời ấy không phải là hiếm.
Thật là lạ! Tôi vẫn luôn nghĩ về Dazai Osamu như một tác giả xưa xửa xừa xưa, vậy mà một trong những người cùng thời, có giao thiệp với ông vẫn sống đến tận bây giờ. Cái xa xưa kia có lẽ chỉ là ảo giác của tôi mà thôi.
- Sau khi tốt nghiệp đại học, cha sẵn sàng đợi gọi nhập ngũ. Khi ông đến nhà chào từ biệt, Dazai đã trao tận tay cuốn Yêu cầu khẩn thiết vừa ấn hành.
- Như một món quà tiễn biệt phải không ạ?
- Cha nói xem chừng Dazai không có ý gì đặc biệt cả, chỉ là sản phẩm vừa hoàn thành tiện thể đem tặng một độc giả hâm mộ trẻ tuổi đến thăm nhà thôi. Nhưng được gặp tác giả mình hằng kính trọng, lại nhận được món quà như vậy, kỉ niệm ấy đã giúp ông sống sót trên chiến trường. Sau chiến tranh, cha trở về được nhưng sức khỏe yếu dần, phải trú nhờ nhà họ hàng ở Tottori để dưỡng bệnh. Ông từng mong sẽ quay về thủ đô để gặp lại Dazai, nhưng không kịp. Vào cái ngày hay tin Dazai mất, ông đã quyết định dùng toàn bộ phần đời còn lại để nghiên cứu văn chương.
Bầu không khí chìm trong im lặng nặng nề. Đối với cụ Tomizawa, cuốn Yêu cầu khẩn thiết ấy quý giá như sinh mạng. Vậy mà nó lại bị lấy trộm, tôi khó mà tưởng tượng được cụ đã suy sụp nhường nào.
- Cho cháu xem qua cuốn Yêu cầu khẩn thiết ấy với?
Nét mặt bà Tomizawa tối lại:
- Khó đấy. Sau vụ trộm, cha cấm cả người nhà đi vào kho sách. Chỉ mình ông có chìa khóa. Gần năm mươi năm nay, tôi chưa đặt chân vào kho sách lần nào.
- Ơ... vậy chúng cháu không thể xem qua chỗ cuốn sách từng bị lấy trộm ạ?
Đáp lại câu hỏi của tôi là nét mặt bất đắc dĩ.
- Đúng thế. Nhưng nếu chỉ nhìn một chút từ bên ngoài vào thì chắc là vẫn được. Tôi xin lỗi nhé.
Chúng tôi không được nhìn trực tiếp cuốn sách cũ cũng như nơi nó bị lấy trộm. Tôi có cảm giác mức độ khó khăn càng lúc càng tăng. Nhưng Shioriko không hề tỏ ra dao động.
- Daisuke, anh có mang tấm ảnh theo không... Anh lấy ra đi.
- À, ừ.
Tôi lục túi đeo vai lấy tấm ảnh, đặt lên chiếc bàn thấp, xoay ảnh về phía bà Noriko. Nét mặt ảm đạm của bà thoáng bừng lên. Nhưng chỉ được chốc lát mà thôi, đọng lại sau cùng là hình bóng một nụ cười cô độc.
- À, là ảnh chụp hè năm đó, tôi vẫn nhớ rõ... Tôi từ trường về đúng lúc cha và các anh lấy máy ảnh ra vườn. Tấm ảnh này của anh Kotani phải không?
- Nó ở trong album ảnh của ông Sugio ạ. Lúc này, ông Tanaka Yoshio đã mang cuốn Những năm cuối đời đến đây chưa ạ?
- Tôi nhớ là đầu tháng Bảy... Đúng rồi, sau tấm ảnh này chừng một, hai tuần. Dạo đó, cứ vài ngày anh Tanaka lại ghé qua một lần. Ngày hè nóng nực mà anh ấy cứ giam mình trong kho sách hàng giờ liền, thật khổ quá đi. Mẹ tôi còn khóa cửa ngoài nữa.
Câu nói thêm của bà khiến cả tôi và Shioriko kinh ngạc.
- Ông Tanaka Yoshio từng bị nhốt trong kho sách ạ?
Bà Noriko nhắm mắt, lặng im mất một lúc, nếp nhăn bên khóe mắt hằn sâu xuống.
- Cũng có nhiều chuyện xảy ra... để tôi từ từ giải thích nhé.
Ngày xưa, ngôi nhà này có rất nhiều thanh niên ra vào. Không chỉ sinh viên do cha hướng dẫn, mà ngay cả đám trai trẻ chỉ ở mức quen biết cũng thường được mời đến. Nhà gần biển mà, sang hè, khu vườn trước nhà có lúc chật kín thanh niên đi tắm biển về.
Cha tôi, nói tốt thì là người rộng rãi, nói xấu thì là người cẩu thả. Trong số thanh niên ra vào ngôi nhà này cũng có kẻ xấu, đã lấy trộm tiền... Cuối cùng chúng tôi phải báo cảnh sát. Chuyện xảy ra vào khoảng mùa xuân năm ấy. Mẹ tôi nổi giận, yêu cầu cha không được cho thanh niên vào nhà nữa. Mẹ vốn là người nóng tính.
Cho dù không nóng tính, mà nhà bị mất trộm tiền trong tình cảnh người ra kẻ vào nườm nượp như thế thì nổi giận cũng là chuyện dễ hiểu.
- Phải chăng người ở đây là mẹ bác?
Shioriko trỏ vào cửa sổ của ngôi nhà, chỗ rìa tấm ảnh, nơi thấp thoáng bóng lưng một người nào đó. Bà Noriko liếc nhanh rồi xác nhận là đúng.
- Cha có gọi mẹ ra chụp cùng, nhưng mẹ không nghe... Mẹ không thích anh Tanaka và mấy người trong hội Romanesque lắm.
- Tại sao vậy ạ? - Shioriko lên tiếng hỏi.
- Vì mẹ nghĩ các anh ấy cũng giống đám thanh niên trước kia. Dù vậy ba người họ đều hiểu biết sâu sắc về sách cũ, mỗi khi tìm được cuốn gì cha muốn có, họ đều mang đến đây. Cha vui mừng mua lại hết. Tiền mua sách càng ngày càng nhiều, nên mẹ gặp khó khăn về chi tiêu. Thật ra mẹ cũng muốn cấm cửa bọn họ chung với mấy sinh viên kia, nhưng cha nhất quyết không đồng ý. Cha nói rằng họ là những học trò có thể tin cậy được, là những người bạn thân thiết dù chênh lệch tuổi tác...
Dứt lời, bà Noriko nhìn xuống tấm ảnh trước mặt. Tôi chỉ nghe kể mà cũng thấy nhức nhối trong lòng. Bốn mươi bảy năm trước, những người đàn ông này đều cười rạng rỡ, sợi dây kết nối họ là niềm tin cậy, ít nhất là cho đến khi chụp tấm ảnh này.
- Cụ bà sợ bị lấy trộm nên mới khóa cửa kho sách phải không ạ?
Shioriko cất lời, người phụ nữ đang cúi đầu dường như đã bình tâm trở lại.
- Phải. Mẹ không hiểu gì về sách cũ, nhưng biết trong kho nhiều sách hiếm. Vì thế, nếu có ai trong hội Romanesque vào kho một mình, bà sẽ khóa tất cả cửa lại.
- Cụ ông không nói gì ạ?
- Tất nhiên cha bất bình, bảo rằng đừng có đối xử với họ như với kẻ trộm thế. Nhưng các anh Romanesque lại đồng ý với điều kiện này. Họ nói, chúng em hiểu nỗi lo của cô, hơn nữa chúng em cũng muốn tập trung đọc tài liệu, nên đóng cửa lại có khi thoải mái hơn. Thực sự, họ là những người rất biết điều.
Nói cách khác, không có chuyện tranh thủ lúc vắng vẻ mang sách lẻn ra rồi quay vào kho sách được, vì không thể bước qua cánh cửa khóa kín.
- Ngoài ông Tanaka, ông Kotani và Sugio có vào kho sách một mình bao giờ không ạ?
- Có mấy lần. Nhưng nhiều nhất là anh Tanaka, rồi anh Sugio… Anh Kotani hiếm khi vào lắm.
- Họ có vào kho cùng cụ nhà mình lần nào không ạ? Ví như giúp cụ sắp xếp lại sách...
Shioriko chống tay xuống chiếu, thận trọng xác nhận từng chi tiết.
- Cha luôn tự tiến hành sắp xếp sửa sang kho sách. Chẳng ai biết ông sắp xếp, dọn đẹp như thế nào đâu. Mỗi khi cha giam mình trong kho sách, đến mẹ tôi cũng hiếm khi làm phiền.
- Mẹ bác là người giữ chìa khóa kho ạ?
- Có hai chìa, mẹ và cha mỗi người giữ một chìa. Vì mỗi tháng một lần, mẹ lại vào kho sách để dọn dẹp. Cả hai luôn mang chìa theo bên mình. Sau vụ lùm xùm kia, cha giữ luôn hai chìa.
- Mỗi khi vào kho sách, đồ đạc của mọi người thì làm thế nào ạ?
- Mọi người thường đến tay không. Anh Tanaka có mang theo bút và giấy để ghi chép những gì tìm hiểu được. Dù vậy, mỗi khi họ rời kho sách, mẹ tôi đều kiểm tra cẩn thận xem họ có mang theo cuốn nào không.
- Kho sách là nhà kho nằm cuối hành lang phải không ạ? Ngoài cánh cửa ấy, có lối vào nào khác không ạ?
- Không, chỉ có một lối đó thôi. Ngoài ra có một cửa sổ gần trần nhà... nhưng cửa gắn song sắt và lưới thép để chống chuột.
- Chắc mùa hè trong đó nóng lắm nhỉ?
- Nóng. Họ thường chỉ mặc may ô khi ở trong đó... mồ hôi đầm đìa ấy.
Tôi nghiêng đầu. Cửa kho sách bình thường đều khóa, hội Romanesque không thể tự tiện ra vào. Họ không mang theo đồ đạc khi vào kho, khi ra lại bị bà cụ Tomizawa kiểm tra cẩn thận.
- Nếu vậy... làm thế nào mà có người lấy trộm sách được nhỉ?
- Tôi cũng muốn biết đây. - Bà Noriko gật đầu thật mạnh, như thể vừa được thấu hiểu.
- Bác không cho rằng họ là thủ phạm. Không thể nào mang sách ra khỏi kho được... Đã vậy, rốt cuộc là ai lấy, và lấy bằng cách gì?

4

Bà Noriko dùng cả hai tay kéo vòng sắt, mở cánh cửa màu trắng sang hai bên. Bên trong còn một lớp cửa gỗ kiên cố có gia cường bằng kim loại nữa. Ở tay nắm móc một ổ khóa lớn. Chắc đây chính là cánh cửa mà bà bảo là không mở được đây. Nửa trên là chấn song gỗ to, bên kia chấn song phủ thêm lưới sắt.
Giữa chừng câu chuyện, chúng tôi xin xem qua kho sách. Nên giờ mới đến đứng ở cửa kho cuối hành lang thế này. Tất nhiên, chỉ xem bằng cách ngó vào bên trong qua khe chấn song mà thôi.
- Cửa bên ngoài không khóa ạ? - Shioriko hỏi.
- Xưa nay đều không khóa. Cửa trong cũng đủ kiên cố rồi. Tôi chỉ khóa cho đảm bảo mỗi khi gia đình đi đâu lâu ngày thôi.
Đúng là cửa trong rất dày, đẩy nhẹ vẫn không suy suyển. Shioriko áp sát người vào cửa, gí cặp kính vào khe chấn song. Tôi cũng nhìn vào bên trên đầu cô.
Không có đèn, chúng tôi chỉ quan sát nhờ ánh sáng lọt qua khe cửa sổ nhỏ gần trần nhà. Những giá sách cao xếp thành hàng dọc theo tường, khoảng giữa cũng sừng sững mấy giá sách cao ngang lưng người. Ngoài cánh cửa này không có lối ra vào nào khác. Tôi hơi ghé mặt xuống mái tóc đen của Shioriko.
- Em thấy sao?
- Quả là một bộ sưu tập sách cũ phong phú. Có cả những cuốn nghiên cứu và ấn bản đầu tiên của nhiều tác giả ngoài Dazai. Sách được sắp xếp cẩn thận... A!
- Sao... sao vậy?
- Daisuke, nhìn chỗ kia đi!
Đột nhiên, Shioriko chọc ngón trỏ qua lưới kim loại. Cái gì thế nhỉ? Tôi hơi chùng gối cho cùng tầm nhìn, dõi mắt theo hướng ngón tay cô trỏ. Tôi chỉ nhìn thấy giá sách, không hơn.
- Trên giá trong góc, hàng thứ hai, gần Tuyển tập lý luận Dazai Osamu ấy ạ... Là cuốn Làn da và trái tim do Takemura Shobo phát hành năm 1940! Chắc chắn là ấn bản đầu tiên!
Giọng cô vang lên ngay bên tai tôi. Tự nhủ đây là cơ hội học hỏi, tôi cố gắng tìm gáy sách.
- Là cuốn nào? Chỗ Tuyển tập lý luận Dazai Osamu...
- Không phải. Trên đó một hàng, anh nhìn kĩ xem...
Đột nhiên cô im bặt. Không biết từ lúc nào, chúng tôi đã má kề má. Không, phải nói là Shioriko ghé lại gần tôi mới đúng. Nhưng cô lập tức rời ra, tỉnh bơ quay về phía chủ nhà.
- Mọi người biết cuốn Yêu cầu khẩn thiết bị mất là khi nào ạ?
Shioriko hỏi, vẫn rõ ràng rành mạch như những khi bàn về sách. Chỉ hiềm không giấu nổi khuôn mặt đỏ ửng của mình.
- Bấy giờ tôi đang chuẩn bị cho kì học mới, khoảng cuối tháng Tám... Cha viết xong một chuyên khảo, thu dọn tài liệu tham khảo đem cất vào kho thì phát hiện ra. Cái hộp, gọi như thế nhỉ. Chỉ còn một thứ giống như cái hộp bọc ngoài, cuốn sách bên trong không thấy đâu cả...
- Hộp sách không bị lấy mất ạ?
- Ừ. Cứ đầu tháng Bảy hằng năm là cha sắp xếp lại kho sách, nhưng tháng Bảy năm ấy không có gì bất thường cả, trừ việc hội Romanesque ra vào kho trong hai tháng Bảy, Tám.
- Nhà mình không hỏi chuyện bọn họ cho rõ ạ?
Bà Noriko đảo mắt ra hành lang. Hành lang vắng tanh, nhưng chúng tôi hiểu, đó là hướng căn phòng cụ Tomizawa đang ngồi.
- Cha suy sụp đến mức không còn tinh thần mà hỏi... Rồi đổ bệnh một thời gian dài. - Bà trả lời rất khẽ. - Anh Kotani và anh Sugio có đến mấy lần, nhưng cha không đủ sức tiếp. Mẹ thì bận chăm sóc cha, lại đang giận họ nữa nên tống cổ hết.
Ông Kotani có kể là bị đuổi ngay từ cổng, và sốc nặng, nhưng chắc là không hề biết chủ nhà suy sụp đến mức sinh bệnh.
- Nhà mình có báo cảnh sát không?
- Không, nhưng tôi nghĩ là mẹ đã chuẩn bị báo rồi. Nhưng ông nội cháu xuất hiện, nói rằng anh Sugio giới thiệu...
- Ông bà nhà mình đã gặp ông cháu ạ?
Bây giờ tôi mới để ý, ông Shinokawa suy đến cùng chỉ là chủ một tiệm sách cũ xa lạ. Chưa kể còn là người quen của kẻ tình nghi. Thông thường người ta sẽ không thích trao đổi với đối tượng này.
- Lúc đầu cha mẹ nhất quyết không gặp, chính tôi đã nhờ anh Shinokawa, xin anh ấy giúp tôi tìm lại cuốn sách của cha, xua tan nghi ngờ cho mọi người.
Một lần nữa, hai chúng tôi đưa mắt nhìn người phụ nữ lớn tuổi ấy. Dù là bốn mươi bảy năm trước hay bây giờ, cũng đều là người phụ nữ này mở lời nhờ tiệm sách cũ Biblia tìm hiểu giúp.
- Tại sao bác lại nhờ ông cháu ạ? - Shioriko hỏi.
- Vì tôi nghĩ đó là người đáng tin tưởng. Anh ấy kiệm lời, nhưng chỉ cần đề cập đến sách cũ là trở nên hoạt ngôn ngay... Chưa kể, anh ấy còn rất thẳng thắn, khẳng khái. Anh thường nói, “Sách cũ là sách đã qua tay người. Trân trọng giữ gìn mối liên kết giữa sách cũ và con người chính là nguyên tắc của tôi”.
Tôi vô thức nhìn cô gái bên cạnh. Câu nói này hơi giống câu cửa miệng của cô, rằng mỗi cuốn sách cũ truyền từ người này sang người khác luôn chứa đựng những câu chuyện trong nó. Cô có kể không mấy khi trò chuyện với ông nội, nhưng những quan điểm của ông đã nằm sẵn trong huyết thống và di truyền đến cô cháu gái.
- Sau đó, dần dần cha cũng tin tưởng anh Shinokawa, sau cùng còn trở nên vô cùng cảm kích... Vì chính anh ấy đã tìm lại được cuốn Yêu cầu khẩn thiết.
Tuy nhiên, tôi không khỏi băn khoăn, một người vô cùng thẳng thắn khẳng khái như ông nội, sao lại để vụ việc kết thúc với chân tướng mập mờ như thế. Đã trân trọng mối liên kết giữa sách cũ và con người, thì cũng nên trân trọng mối quan hệ giữa người với người hình thành nhờ sách cũ chứ.
Hành lang kêu cọt kẹt, chúng tôi nhìn về hướng phát ra tiếng động. Cụ già nhỏ thó mặc áo nỉ, vừa bám tay vịn hành lang vừa lom khom lại gần. Tuổi tác khiến ngoại hình cụ thay đổi, nhưng đôi mắt vẫn y như trong ảnh.
- Cha!
Bà Noriko lại gần, định đỡ nhưng cụ già đã xua tay từ chối.
- Cô bé này là Shinokawa Shioriko, cháu nội anh Shinokawa Seiji, hiện là chủ tiệm sách cũ Biblia. Còn cậu bé bên cạnh là nhân viên tiệm, tên là Gora.
Bất chấp lời giới thiệu của con gái, cụ Tomizawa vẫn không thèm ngẩng lên nhìn chúng tôi.
- Tôi đã bảo không cho phép ai lại gần kho sách rồi kia mà! - Giọng khàn đục phát ra từ miệng cụ, nghe rất gay gắt. - Đi về đi!
Cụ già ra khỏi phòng chỉ cốt để nói vậy. Cụ không hề có ý định chuyện trò với Shioriko. Bà Noriko run run can thiệp.
- Cha đừng nói thế. Họ là khách của con.
- Đây là nhà tôi... Tôi không nhớ mình có mời ai đến.
- Nhưng, chính cha cũng muốn biết chuyện năm ấy là thế nào cơ mà. Là ai, vì lý do gì lại lấy trộm cuốn sách?
Cụ già vẫn nhìn chằm chằm vào một điểm trên sàn nhà, cơ thể bất động. Đôi mắt vô cảm, sắc thái khác hẳn nụ cười trong tấm ảnh kia.
Sau rốt, cụ chầm chậm quay đi:
- Chuyện xưa cũ rồi, biết để làm gì.
Cụ lẩm bẩm như than thở, từ chỗ tôi đứng không thể nhìn được vẻ mặt cụ thế nào.
- Bây giờ có biết cũng không thay đổi được sự thật là tôi đã bị phản bội.
Dứt lời, cụ Tomizawa bỏ đi. Không ai nói được gì, chỉ biết dõi theo cho đến khi bóng lưng còng của cụ khuất hẳn.

- Xin lỗi, để các cháu khó xử.
Bà Noriko xin lỗi chúng tôi, đóng cửa ngoài của kho sách lại, cùng chúng tôi quay về phòng khách. Cụ già lại tiếp tục cắm chốt trong thư phòng.
- Sau khi mẹ tôi mất, cha càng ngày càng trái tính trái nết. Hồi xưa... hồi vẫn còn kẻ vào người ra ngôi nhà này, cha tuyệt đối không nói những lời như vậy.
Chính vụ việc bốn mươi bảy năm trước đã làm cụ Tomizawa thay đổi. Nhớ lại khuôn mặt đăm chiêu của ông Kotani, tôi đoán rằng những ai liên quan đến sự cố đó đều thay đổi.
- Dù cha nói vậy, tôi vẫn mong các cháu tìm hiểu giúp. Vì tôi đã canh cánh về nó bao nhiêu năm qua. Tôi hứa sẽ không tiết lộ thông tin gây tổn hại. Mục đích của tôi không phải là vạch trần tội ác hay truy cứu ai cả.
- Cháu hiểu ạ. Cháu cũng muốn biết ông nội cháu đã làm gì.
Shioriko đáp. Vụ việc lần này liên quan đến ông Shinokawa Seiji, tức là liên quan đến tiệm sách cũ Biblia trong quá khứ. Với Shioriko mà nói, cũng không phải chuyện của người dưng.
- Vậy cháu xin xác nhận lại một số điểm... Yêu cầu khẩn thiết bị lấy trộm vào khoảng tháng Bảy đến tháng Tám năm 1964. Trong thời gian đó, chỉ có năm người là hai cụ Tomizawa, ông Tanaka, ông Kotani, ông Sugio ra vào kho sách thôi, đúng không ạ?
Bà Noriko gật đầu. Người trong gia đình tự động loại trừ, tất nhiên nghi vấn đổ dồn lên ba người kia. Shioriko nói tiếp.
- Hội Romanesque hầu như không mang theo gì vào kho sách. Riêng ông Tanaka mang theo giấy để ghi chép, đó là loại giấy thế nào ạ?
- Giấy bình thường thôi. Khổ to, không có hoa văn. Anh ấy ghi chép rất nhiều.
- Ông ấy không dùng sổ tay ạ?
- Vì có mẹ tôi trông chừng nên anh ấy cố gắng tối giản đồ mang theo vào kho sách. Nhưng chỉ một tờ giấy mà đứng ghi chú thì cũng khó, nên về sau anh ấy dùng bảng kẹp giấy, bây giờ người ta gọi là bìa kẹp hồ sơ đó.
Tôi biết, đó là tấm bảng kẹp giấy theo đúng nghĩa đen. Ở tiệm chúng tôi cũng dùng. Dù vậy, tôi cũng không thấy nó có tác dụng gì khi muốn mang sách ra khỏi kho.
- Theo bác, có thể giấu sách trong người được không ạ?
- Dù khổ lớn nhưng cuốn sách khá mỏng, nên nếu gấp lại thì cũng giấu được... Nhưng khi cuốn sách được trả về, trên đó không có vết gấp nào cả. Nó được giữ gìn cẩn thận như ở đây, thậm chí tôi còn thấy nó đẹp hơn trước.
Không ai gấp sách hiếm lại cả. Chưa kể, từ tháng Bảy đến tháng Tám là giữa hè, chính bà Noriko vừa rồi còn nói cả ba thanh niên đều mồ hôi nhễ nhại, có lẽ khó mà giấu sách trong người được.
- Sách được trả về còn đẹp hơn trước tức là sao ạ?
Shioriko tò mò. Định xoáy sâu vào điểm này à, tôi nghĩ. Bà Noriko có vẻ cũng bất ngờ vì câu hỏi.
- Tôi không thể giải thích rành mạch được... Chỉ là so với lần trước cha cho xem, tự dưng tôi có cảm giác ấy. Trong khi đó, cha lại than thở rằng cuốn sách đã thành vô giá trị, nên có lẽ chỉ là nhầm lẫn của tôi thôi.
- Cụ nói rõ rằng cuốn sách đã thành vô giá trị ạ?
- Ừ, có vết rách nhỏ chẳng hạn...
Không hiểu sao tôi thấy lúng túng. Rõ ràng là cùng một cuốn sách, liệu ấn tượng gây ra có thể khác biệt đến thế sao? Giá mà có cuốn sách ở đây thì ít nhiều sẽ kiểm chứng được.
- Cuốn sách được mang trả về lúc nào ạ?
- Một tháng sau khi cha phát hiện ra nó biến mất. Khoảng cuối tháng Chín, đâu tháng Mười thì phải... Tôi không nhớ rõ ngày. Khi anh Shinokawa mang sách đến, cha cho phép cả tôi và mẹ vào ngồi cùng.
- Mẹ bác có biết Yêu cầu khẩn thiết là sách quý không ạ?
- Chắc chắn là biết, cha luôn giải thích rõ lý do về những món đồ phải sử dụng một cách trân trọng.
- Ai cũng biết sách quý được để ở đâu trong kho sách ạ?
- Sách quý xếp riêng ở một giá đặc biệt làm theo đặt hàng, nên nhìn qua một lần là biết thôi. Trong kho sách, ngoài Yêu cầu khẩn thiết ra còn vài cuốn sách quý khác, thậm chí có cả bản thảo viết tay và thư của các tác giả nữa... Cháu nghĩ có thể mẹ tôi chính là người lấy sách ra khỏi kho à?
Bà Noriko cao giọng, rõ ràng là ngạc nhiên. Đúng là người giữ chìa thừa sức lấy sách ra khỏi kho. Bà Noriko cũng nói cụ bà Tomizawa không có thiện cảm với hội Romanesque, chưa chừng chính cụ dàn dựng để kiếm cớ cấm cửa ba người kia.
- Cháu xin lỗi. Để đưa ra được kết luận, cháu cần xét đến nhiều khả năng...
- Cháu không cần xin lỗi. Tôi cũng từng nghi ngờ tương tự. Nói thật, với tính cách của mẹ tôi, bà có thể làm thế lắm. Chẳng may đó là sự thật, cháu cũng đừng giấu tôi nhé.
Bà Noriko quả là kiên cường. Dù là hành vi đáng xấu hổ của người thân, bà vẫn muốn biết sự thật. Giống y như ông Kotani, dù là chuyện cay nghiệt đến đâu, dù nghe xong không thể chịu đựng được, ông vẫn không chấp nhận bị che tai bịt mắt.
- Cháu hứa... Cháu sẽ nói hết những gì tìm hiểu được. - Shioriko nhẹ nhàng đáp, rồi tiếp tục hỏi. - Còn người nào khác ra vào nhà này không ạ? Không cần phải vào kho sách, mà chỉ vào tới nhà thôi. Ai cũng được ạ.
Bà Noriko dõi nhìn xa xăm, như cố lục lại kí ức xa xưa.
- Chuyện xảy ra sau khi các thanh niên bị cấm ra vào, nên hầu như không có ai cả. Bấy giờ cha tôi tập trung viết chuyên khảo nên cần yên tĩnh. Cùng lắm chỉ có bạn thân cùng lớp tôi thỉnh thoảng đến chơi thôi. Người bấm máy chụp tấm ảnh này chính là bạn tôi đó.
Tôi nhìn lại tấm ảnh. Nghe bà nói tôi mới nhận ra mình hoàn toàn quên mất người chụp ảnh. Tôi vẫn tưởng họ hẹn giờ chụp tự động.
- Đợi tôi một chút nhé, hôm đó còn chụp kiểu khác nữa cơ.
Bà Noriko đứng dậy, kéo cửa đi sang phòng bên. Lịch kịch một lúc, bà quay trở lại mang theo một tấm ảnh, đặt bên cạnh ảnh chúng tôi mang đến.
- Các cháu xem đi!
Ảnh chụp tại vườn nhà này. Hai cô bé cấp hai mặc đồng phục thủy thủ ôm nhau cười rạng rỡ. Người chụp cùng bà Noriko là một cô bé đeo kính tóc cắt ngang vai. So với Noriko thì cô bé xinh xắn, bầu bĩnh hơn một chút.
- Nói mới nhớ, cậu ấy cũng ở Kita-Kamakura. Cha cậu ấy cũng mở tiệm sách cũ.
- Bác Tsuruyo... - Shioriko thầm thì, xem ra là người quen.
- Ồ, cháu biết cậu ấy à? Đúng là Kugayama Tsuruyo đấy.
Tôi nghiêng đầu. Tôi nhớ gần đây mình đã nghe đến cái tên Kugayama. Ở đâu được nhỉ?
- Ông nội cháu từng làm việc ở tiệm sách cũ của cha bác ấy, trước khi mở tiệm sách cũ Biblia. Tiệm sách tên là Kugayama...
À, đúng rồi! Là tiệm sách Kugayama, nơi ông Shinokawa Seiji học nghề. Shioriko có nói nó nằm ở Isezakicho bên Yokohama.
- Đó là một tiệm sách cũ có tiếng trong tỉnh. Khi tấm ảnh này được chụp, chắc tiệm sách đã đóng cửa, thay vào đó là cửa hàng chuyên bán sách theo danh mục rồi ạ. Ông cháu không kể là từng làm việc ở tiệm sách Kugayama ạ?
- Không thấy anh ấy đả động gì. Có lẽ anh ấy cũng không biết tôi và Tsuruyo là bạn thân đâu... Quả là trùng hợp bất ngờ nhỉ?
Giới kinh doanh sách cũ vốn đã chẳng nhiều nhặn gì, lại trong phạm vi tỉnh Kanagawa thì việc mọi người quen nhau hết cũng không phải chuyện lạ. Dù vậy tôi vẫn thấy các chi tiết liên quan đến vụ việc này chứa đựng quá nhiều trùng hợp, nhiều đến mức khiến người ta bứt rứt.
- Tsuruyo rất dễ thương lại hoạt bát. Cậu ấy cũng thích sách, hiểu biết về sách hơn xa tôi. Có lẽ do ảnh hưởng từ ông bố.
- Ông cụ Kugayama... Cha của bác Tsuruyo đã đến đây bao giờ chưa ạ?
- Có đến mấy lần. Hình như bác ấy nghe Tsuruyo kể về công việc nghiên cứu của cha tôi, nên hễ có bản thảo viết tay hay thư của Dazai là ghé đến chào bán. Còn cha tôi, khi muốn tìm quyển nào, thường sẽ hỏi bác Kugayama đầu tiên.
Tóm lại, cụ Tomizawa là khách quý của tiệm sách cũ Kugayama. Chủ tiệm biết sở thích của khách hàng nên mỗi khi gặp mặt hàng phù hợp lại đến chào bán, và cũng giúp tìm mặt hàng khách cần. Quả là một tiệm sách năng động.
- Nói mới nhớ, bác Kugayama cũng từng xem qua cuốn Những năm cuối đời của anh Tanaka đó.
- Thế ạ? - Shioriko tròn mắt.
- Ừ, hôm anh Tanaka và cha tôi nói chuyện ở đây, một lúc sau bác Kugayama cũng đến. Có lẽ không tự tin vào khả năng giám định sách thật của mình, nên cha tôi mời bác Kugayama đến xem giúp.
- Bác có biết kết quả giám định không ạ?
- Không. Tất nhiên cha tôi thì biết.
Shioriko thất vọng ra mặt. Khó mà khai thác được gì ở cụ Tomizawa. Hi vọng duy nhất còn lại là...
- Mình hỏi thăm bên tiệm sách Kugayama được không?
- Không thể ạ... Cụ đã mất rất lâu trước khi em ra đời.
Hẳn rồi. Người đó là thầy của ông nội Shioriko cơ mà. Nếu cụ còn sống, hẳn phải cao tuổi lắm rồi.
- Nếu còn sống chắc bác ấy sẽ cho chúng ta biết nhiều chuyện. Bác luôn tươi cười, đối xử với ai cũng hòa nhã, y như Tsuruyo.
Hả?
Shioriko từng kể khác cơ mà. Ông Seiji nói:
- “Chủ tiệm sách là một người vô cùng khó tính”, đã huấn luyện ông rất nghiêm khắc hơn mười năm, phải không nhỉ?
Cũng có thể tùy người mà ấn tượng sẽ thay đổi.
- Cháu sẽ gặp bác Tsuruyo hỏi thăm xem sao.
Shioriko ngồi thẳng dậy, chuẩn bị đứng lên. Xem chừng cô muốn về rồi. Tôi phân vân xem có nên cất tấm ảnh trên bàn vào túi không, bởi bà Noriko vẫn đang ngắm tấm ảnh rất chăm chú.
- Nhớ thật đấy! - Bà thì thầm, chạm lên hai tấm ảnh. - Thời gian này tôi và Tsuruyo quấn quýt lắm, về sau mỗi người học một trường, tự nhiên dần dần không gặp nhau nữa... Chỉ liên lạc bằng thiệp chúc mừng năm mới thôi.

Một nỗi sợ hãi mơ hồ dấy lên trong tôi. Hai người bạn từng thân thiết, không khúc mắc bất hòa gì, bây giờ sống cũng gần nhau, vậy mà mấy chục năm qua không hề gặp mặt.
- Cho tôi gửi lời hỏi thăm Tsuruyo nhé.
Bà Noriko mỉm cười rạng rỡ.
Lần đầu tiên, tôi thấy bà giống hệt với cô bé trong tấm ảnh.

5

Chạng vạng hôm sau, tôi và Shioriko lững thững đi qua con dốc ở Kita-Kamakura, tìm đến nhà Kugayama. Từ giờ đến lúc hẹn với gia đình họ vẫn còn nhiều thời gian. Hôm nay, tôi xách theo một túi giấy, ngoài chiếc tui đeo quen thuộc trên vai. Trong túi giấy là lọ mứt việt quất mà Shinokawa Ayaka gửi. Tháng trước, trong lúc cô bé trông tiệm, bà Tsuruyo đã mang việt quất đến cho, cô bé đem việt quất làm mứt nên nhờ chúng tôi mang đến biếu bà coi như đáp lễ.
Cách cô bé giao lưu với hàng xóm không khác gì một bà nội trợ, khó mà tin rằng cô bé mới chỉ là nữ sinh cấp ba.
- Bà Tsuruyo có hay đến tiệm mình không? Tôi nhớ là mình chưa gặp bà bao giờ.
- Thường thì bác ấy đi thẳng vào nhà chính, nên em chưa có cơ hội giới thiệu với Daisuke.
Rất có thể tôi từng nhìn thấy bà Tsuruyo rồi, gần đây tôi ra vào nhà chính thường xuyên lắm mà.
- Nhà Shinokawa và nhà Kugayama qua lại với nhau lâu rồi nhỉ?
Tôi hỏi bâng quơ, nhưng Shioriko đang mải trầm ngâm. Tiếng nạng điểm đều đều trên đường dốc nhỏ hẹp.
- Cũng không hẳn ạ. Cha em và bác Tsuruyo thân nhau. Họ chung một trường hồi tiểu học, nên coi nhau như bạn nối khố hoặc như chị gái em trai vậy. Bác Tsuruyo hơn cha em ba tuổi.
- Vậy, ông nội em và chủ tiệm sách Kugayama...
- Cụ Kugayama Shodai?
- Ừ, ông nội em và cụ Kugayama Shodai không chơi bời gì với nhau à? Họ làm việc bên nhau những mười năm cơ mà.
- Em cũng không rõ... Theo như cha kể, ông nội và cụ Kugayama chỉ gặp nhau ở hiệp hội sách cũ, nhưng hiếm khi đến nhà chơi. Cũng có thể tại tính cách nữa. Ông nội em khá khó gần, cụ Kugayama lại rất khó tính...
- Lạ nhỉ, bác Noriko nói cụ ấy luôn tươi cười, đối xử với ai cũng rất hiền cơ mà. Nghe chẳng có gì chung cả?
- Tươi cười với khách hàng thôi, chứ với nhân viên hay đồng nghiệp thì thái độ khác hẳn. Trong giới sách cũ, cụ ấy là người uyên bác lại giàu kinh nghiệm nên rất được kính nể.
- Hẳn ông cụ cũng từng đi học việc ở tiệm sách nào đó?
- Thoạt tiên cụ Kugayama làm việc ở một tiệm sách cũ trên Jinbocho*. Đúng năm khủng hoảng tài chính thời Chiêu Hòa nên lương thấp, điều kiện làm việc rất khó khăn. Cũng nhờ thế chỉ sau năm năm, cụ phụ trách toàn bộ mảng buôn bán trao đổi sách, trừ sách quý. Em nghe bên nhà Kugayama kể vậy. Sau chiến tranh, cụ tự mở tiệm sách ở Isezakicho, đồng thời xây được nhà ở Kita-Kamakura.

*[Một khu phố ở Tokyo, tập trung rất nhiều tiệm sách, tiệm sách cũ, đại lý phân phối sách, nhà xuất bản...]

Nghe chừng đúng là nhân vật lão làng thành đạt. Vất vả lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, có đối xử nghiêm khắc với nhân viên và người trong nghề cũng không có gì là lạ.
- Bây giờ nhà Kugayama chỉ còn bà Tsuruyo thôi à?
- Không, còn mẹ và con gái bác ấy nữa. Con gái bác ấy đang học đại học. Bác Tsuruyo ly hôn đã lâu, ra tòa xong mang con về nhà mẹ đẻ.
Tôi hiểu rồi, vì vậy mà vẫn mang họ Kugayama.
- Hừm, mẹ bà ấy, là vợ cụ Kugayama Shodai nhỉ?
- Vâng. Bà cụ đã già, mấy năm qua gần như liệt giường liệt chiếu. Cũng một năm rồi em mới đến gặp đây. Dạo trước em thường hay thăm hỏi, nhưng về sau...
Shioriko bỏ lửng, cũng không có ý định kết thúc câu đang nói dở. Từ lúc ra khỏi tiệm đến giờ, nét mặt cô vẫn luôn ủ dột.
- Có chuyện gì à?
Chợt cô dừng bước. Trước mắt chúng tôi là cầu thang bằng đá rất dốc, mỗi bậc đều cao một cách lạ lùng, kéo dài lên tuốt bên trên. Cầu thang hẳn đã có từ lâu, các gờ góc đều mòn hết rồi. Quả là rất khó khăn cho người bị thương ở chân...
Tôi rùng mình. Không phải Shioriko sợ gì dãy bậc thang. Mà là đang nhớ lại quá khứ hãi hùng kia.
Bởi đây chính là nơi cô bị Tanaka Toshio đẩy ngã.
- Đây là con đường duy nhất đến nhà Kugayama... Sau ngày ấy, em không đủ sức đặt chân lên bậc thang này nữa.
Tôi nhớ lại cuộc đối thoại trong phòng bệnh cách đây một năm. Vào ngày gặp tai nạn, Shioriko đang đi trả cuốn sách mà người cha quá cố đã mượn.
- Người bạn cho cha mượn sách chính là bà Tsuruyo à?
Shioriko khẽ gật đầu, đôi mắt sau tròng kính ngước lên dãy bậc thang. Ở đỉnh thang là rừng cây tạp, âm u hơn hẳn nơi chúng tôi đang đứng. Chắc Tanaka Toshio nấp đâu đấy trên đó.
- Hay hôm nay mình về đi?
Tôi đề nghị một cách bình thường hết sức có thể. Tất nhiên chúng tôi có hẹn với nhà Kugayama, nhưng không đi cũng chẳng ảnh hưởng gì. Không cần phải gượng ép bản thân.
- Không, cứ đi thôi.
Shiorio đáp rõ ràng, nhưng chân không nhúc nhích. Tôi im lặng, choàng một tay quanh eo cô, tay kia nắm nhẹ lấy bàn tay không cầm nạng của cô. Nếu cô mất thăng bằng, tôi sẽ đỡ được. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng không để chuyện cũ lặp lại.
Shioriko liếc nhìn tôi, hít một hơi thật sâu.
Đặt chân lên bậc thang đầu tiên.
Lên hết cầu thang là trông thấy ngay nhà Kugayama. Đó là một ngôi nhà hai tầng màu trắng thiết kế kiểu Tây, cửa sổ thẳng đứng với cánh đôi mở sang hai bên trông khá ấn tượng. Xem chừng ngôi nhà xây đã lâu, nhưng mặt tường không hề nứt nẻ hay bong tróc, chứng tỏ nó được chăm sóc rất cẩn thận.
Chúng tôi bước qua cổng, vừa tới cửa nhà thì một bóng người xuất hiện từ khu vườn um tùm hoa cẩm tú cầu. Đó là một cô gái trẻ mặc áo parka màu vàng và váy ngắn, mái tóc thẳng dài, tạo hình hơi giống Shioriko.
- Chào chị Shioriko, chị đến đúng giờ ghê!
Cô gái đút tay trong túi áo, cười với chúng tôi, giọng lanh lảnh. Cô có đôi mắt to và khuôn miệng khá rộng so với đầu nên dù trong ánh chiều nhập nhoạng, hàm răng trắng của cô vẫn nổi bật. Dù khuôn mặt hơi góc cạnh, nhưng rất đẹp. Trông ít tuổi hơn tôi, chắc là cô con gái đang học đại học của nhà này.
- Em vừa dắt chó đi dạo về. Chị đến tìm mẹ em à?
- Ừ. Bác Tsuruyo có nhà không?
- Chắc mẹ đang đợi chị trong nhà đó... Á à!
Cô gái ngước lên nhìn tôi bằng ánh mắt đầy tò mò và hứng thú, khiến tôi lập tức mất bình tĩnh. Tôi ho khẽ một tiếng, rồi tự giới thiệu.
- Anh là Gora, làm việc ở tiệm sách cũ Biblia. Chào em!
- Em chào anh. Em là Kugayama Hiroko. Anh Gora là bạn trai chị Shioriko nhỉ?
Cô gái hỏi không e dè. Lời đồn vang đến tận đây rồi sao? Shioriko cũng sững người lại. Rốt cuộc chuyện của chúng tôi đã lan đi bao xa.
- Em nghe ai nói vậy?
- Ayaka chứ ai, hôm trước, ở Biblia.
Quả nhiên. Không cần hỏi tôi cũng đoán ra, nhưng cô bé thực sự quá trớn rồi.
Hiroko nhìn xuống túi giấy tôi cầm.
- Mứt Ayaka làm phải không?
- Phải.
- Em biết mà. Em chờ mãi. Hôm trước cùng mẹ mang việt quất đến Biblia, em có nhắn nếu làm mứt thì nhớ để phần cho em.
- Đây, của em.
Tôi đưa túi giấy cho cô. Đáng lý người đưa phải là Shioriko, nhưng không thấy cô phản ứng gì.
- Cảm ơn anh. Anh chị vào nhà đi.
Cô gái mở rộng cửa cho chúng tôi vào, tiền sảnh cũng là khu vực cầu thang lên tầng. Trong nhà hơi tối, có lẽ bóng đèn đã lâu chưa thay.
- Chị có qua chào bà em không? Chắc bà đang ngủ.
Hiroko quay sang hỏi. Shioriko cặm cụi tháo giày, trả lời mà không ngẩng mặt lên:
- Có.
- Trong lúc ấy em đi gọi mẹ nhé. Chắc mẹ ở tầng hai thôi.
Cô đưa ánh mắt đầy thâm ý nhìn tôi, rồi vỗ nhẹ lên vai Shioriko.
- Anh ấy được đấy. Em ghen tị quá đi.
Dứt lời, cô lao vút lên cầu thang. Tôi không khỏi băn khoăn về ý nghĩa câu nói. Nhận xét tôi thường phải nghe là vai u thịt bắp, hoặc ánh mắt đáng sợ, đây là lần đầu tiên có người khen tôi. Ngay cả bạn gái cũ cũng chưa bao giờ khen tôi như vậy.
Chắc chỉ khen xã giao thôi, giống như khen cái túi mới của bạn mình dễ thương dù trong lòng không nghĩ vậy.
- Daisuke...
Đột nhiên nghe tay áo giật giật, tôi đưa mắt nhìn. Shioriko đã cởi xong giày, đang chằm chằm nhìn tôi với vẻ tức giận.
- Sao vậy? - Tôi bắt đầu cởi giày.
- Không có gì!
Cô quay ngoắt đi.
Nhận ra cô đang dỗi, tôi khó nhọc che giấu nụ cười sung sướng. Được một cô gái mới gặp khen, cũng không vui bằng bắt gặp biểu cảm này của Shioriko.

6

- Cháu xin phép!
Shioriko mở cửa. Nghe bảo đi chào một cụ già nằm trên giường, tôi đã nghĩ đây là phòng ngủ. Hóa ra lại là phòng khách có sofa và một chiếc bàn thấp. Chưa kể không có ai trong phòng cả.
Shioriko băng qua phòng khách rồi đứng trước một tấm rèm mỏng. Nhìn kĩ thì phía sau tấm rèm còn một căn phòng khác. Bên trong không thấy bật điện.
- Lâu rồi cháu mới được gặp bà, bà Mari. Cháu là Shioriko đây ạ.
Cô cất tiếng chào với qua tấm rèm, nhưng không có ai trả lời. Cụ già này tên là Kugayama Mari.
Từ tầm nhìn cao hơn Shioriko, tôi cũng ngó vào căn phòng mờ tối. Thứ hiện ra trước mắt tôi đầu tiên là gáy sách. Hai bên tường là hai giá sách cao ngất ngưởng. Tuy không đọc được tên sách, nhưng tôi biết là sách cũ. Có lẽ căn phòng này trước kia là thư viện cá nhân, trong góc còn có một chiếc bàn và ghế thay cho giá đọc sách.
Chính giữa phòng là một chiếc giường chuyên dùng để điều dưỡng người bệnh. Một bà cụ đắp chăn đến cổ đang nằm trên đó. Bà ngủ rất say, mái tóc bạc óng như tơ tết gọn gàng trông thật đẹp.
Tôi nghĩ chắc hẳn trong nhà phải có một phòng ngủ khác, nhưng để tiện chăm sóc bà cụ nên mới chuyển giường vào đây. Người nhà có lẽ cũng thường xuyên ở phòng này, vì cạnh giường có đệm ngồi và một chiếc bàn thấp, có cả ti vi và máy tính xách tay.
- Sách ở đây đều do chính bà tự tìm kiếm và sưu tập đó ạ. Bà thích sách cũ lắm.
Shioriko chầm chậm giải thích. Từ nãy đến giờ, tôi luôn cảm thấy một khoảng cách vô hình giữa cô và người nhà Kugayama. Với một gia đình sở hữu nhiều sách cũ thế này, Shioriko phải thân thiết hơn bình thường mới đúng chứ.
Hừm?
Nếu như toàn bộ chỗ sách này là của bà cụ đang ngủ kia, vậy ông Kugayama Shodai không để lại cuốn sách nào sao? Hay vẫn còn một thư phòng khác?
- Cho tôi hỏi...
Tôi định thắc mắc thì cửa phòng khách mở ra, hai người phụ nữ đi vào. Một là Hiroko, người còn lại chắc là mẹ cô gái. Tôi vô thức nhìn lại bà đến hai lần. Bà là bạn học của bà Noriko, chắc hẳn tuổi tác cũng đã cao, vậy mà mái tóc để xõa ngang vai vẫn còn đen óng. Bà có khuôn mặt tròn, đeo kính, dáng người nhỏ hơn cô con gái.
Tất nhiên dáng vẻ bà là của người đã có tuổi, nhưng thật ngạc nhiên là bà hoàn toàn không thay đổi gì so với trong tấm hình ở nhà Tomizawa. Tôi chợt nghĩ hóa ra trên đời cũng có người như vậy.
- Shioriko, lâu rồi không gặp cháu.
Bà Kugayama Tsuruyo lại gần, nắm lấy hai cổ tay Shioriko. Sau đó, bà nhận ra có tôi đứng bên cạnh.
- Cháu chào bác! Cháu là Gora Daisuke ạ.
- À, ra là cháu... Chào cháu.
Bà gật gù chào lại. Rõ ràng là cũng biết chuyện rồi.
- Hai cháu ngồi đi!
Nghe lời bà, chúng tôi ngồi xuống sofa đôi, khó xử khi thấy Hiroko đứng cạnh cửa. Sau đây chúng tôi sẽ hỏi mẹ cô về hành vi sai trái trong quá khứ, câu chuyện không được hay cho lắm đối với một cô bé không biết gì như cô.
- À, em vào lấy máy tính thôi! Em không làm phiền mẹ và anh chị nói chuyện đâu, anh chị yên tâm. Mai là hạn chót em phải nộp tiểu luận...
Cô gái bước vào phòng trong một lúc rồi lập tức đi ra với chiếc máy tính ôm trong ngực.
- Vậy, chị Shioriko và anh Gora cứ thoải mái nhé!
Cô gái cười rồi đi mất, quả là ý tứ. Trong lúc đó, bà Tsuruyo lấy nước nóng từ ấm và pha trà cho chúng tôi.
Ngoài tấm rèm thì phòng ngoài và phòng trong còn được ngăn cách bởi một cánh cửa kéo, nhưng cửa đang mở. Shioriko không nói gì nghĩa là dù có khách thì người nhà cũng vẫn để cửa mở như vậy. Có lẽ để biết và xử lý kịp nếu có chuyện gì xảy ra trong đó.
Bà Tsuruyo mời chúng tôi trà Nhật, rồi bắt đầu trò chuyện với Shioriko. Có vẻ họ đang trao đổi về tình hình gần đây của những người sống trong khu này, có nhiều cái tên tôi không hề biết.
Bảo là “họ đang trao đổi”, nhưng gần như chỉ mình người phụ nữ lớn tuổi độc thoại, rằng nhà X vừa nuôi một con chó to, hay quán cà phê Y mới mở ở Kita-Kamakura... đều là chuyện không đâu, thế mà bà rất hào hứng. Hơn nữa không hề nói xấu một ai. Quả đúng như Tomizawa Noriko nhận xét, người này có tính cách thoải mái, vô tư.
- Chết, vào chuyện chính thôi nhỉ! - Bà Tsuruyo đổi đề tài khi trà trong tách của tôi chỉ còn một nửa. - Qua điện thoại, cháu có nói muốn hỏi tôi chuyện ngày xưa bên nhà Noriko nhỉ, Shioriko?
Giọng bà hơi trầm xuống, nghe chừng hay biết ít nhiều. Shioriko ngồi thẳng dậy, lên tiếng.
- Vâng ạ... Vì đang vướng mắc, cháu phải lần về sự việc ngày ấy. Bác có biết bốn mươi bảy năm trước, nhà Tomizawa bị lấy cắp một cuốn sách cũ nhan đề Yêu cầu khẩn thiết không ạ?
- Tôi nghe Noriko kể là mất sách hiếm. Sau vụ trộm, gia đình họ không thích khách khứa đến nhà nữa... Tôi thì vẫn được cho phép nhưng cũng thấy khó xử, nên từ đó hạn chế đến chơi...
- Bác có biết rõ tình hình khi mất sách không ạ? Ví như nghe cha hay mẹ bác Noriko đề cập chẳng hạn?
- Lấy đâu ra! Lúc đó chẳng ai muốn nói gì hết. Tôi thì càng phải để ý, tránh đả động đến chứ!
Phải vậy. Một cô bé học cấp hai thường sẽ không tọc mạch đến độ gặng hỏi về rắc rối xảy ra ở nhà bạn mình. Nhưng tôi nghĩ bấy giờ chắc hẳn bà cũng muốn biết.
- Bác đã bao giờ chuyện trò với các ông trong hội Romanesque chưa ạ?
- Tất nhiên là rồi! - Bà Tsuruyo thoải mái đáp. - Mấy người họ đều am hiểu về sách cũ, chỉ bảo cho tôi nhiều lắm. Nhờ họ mà tôi sinh hứng thú với sách cũ... Nhất là anh Tanaka, không chỉ am hiểu mà cách nói năng cũng hấp dẫn lưu loát nữa.
Tôi lén nuốt nước miếng, ngay cả ở đây cũng có người liên hệ với Tanaka Yoshio.
- Ông Tanaka từng mang đến nhà Tomizawa một bản in đầu rất quý của Những năm cuối đời. Cháu nghe nói cụ Kugayama Shodai nhà mình là người giám định?
- À, cuốn sách đó hả?
Bà Tsuruyo vỗ tay đánh chát. Cuối cùng cũng có người biết về cuốn sách rồi. Tôi tập trung tinh thần lắng nghe.
- Tôi muốn biết lắm đấy... Rốt cuộc kết quả giám định thế nào nhỉ?
Con gái người giám định mà cũng không biết. Shioriko gục đầu xuống, thất vọng thấy rõ.
- Cụ nhà mình hoặc ông Tanaka không nói gì ạ?
- Tôi có hỏi nhưng không ai cho tôi biết hết. Họ bảo không nói cho trẻ con nghe được. Bấy giờ tôi đã học cấp hai rồi mà, thật là!
Tôi không hiểu nổi, sách cũ đến đâu cũng không phải đề tài cấm với trẻ con. Chưa kể nội dung cuốn sách không phải dạng cần hạn chế tuổi.
- Tôi bèn bám lấy anh Tanaka, nhằng nhẵng truy vấn, anh bèn nói để rồi công bố ở hội Romanesque, nếu tôi thích thì đến mà nghe... Tôi đã rất mong chờ, cuối cùng cơ hội lại không bao giờ tới.
Người này cũng không khả quan hơn ông Kotani là bao. Trong số những người còn sống, chỉ mình cụ Tomizawa là biết rõ sự tình. Chợt bà Tsuruyo bật cười.
- Nói mới nhớ, tôi vẫn giữ những tờ giấy ghi chú của Tanaka hồi đó.
- Sao ạ? - Shioriko sửng sốt lên tiếng. - Giấy ghi chú... Có phải... Có phải là những bản chép tay của ông Tanaka trong kho sách nhà cụ Tomizawa không ạ?
- Ừ đấy! Mấy thứ anh Tanaka để quên, Noriko đều lưu giữ một thời gian. Cậu ấy rất muốn biết anh Tanaka tìm hiểu những gì. Nhưng sau đó tôi xin, nên cậu ấy cho lại. Shioriko muốn xem không?
- Cháu rất muốn ạ, nếu được...
- Vậy đợi tôi nhé! Tôi nhớ là chưa vứt đi đâu.
Bà Tsuruyo tất tả rời khỏi phòng khách, lên tầng hai. Tôi nhớ lại lời kể của bà Noriko. Bà cũng từng đọc các ghi chú của Tanaka, nhưng không hiểu gì hết.
Mất một lúc lâu mà bà Tsuruyo vẫn chưa quay lại. Những tiếng lịch kịch lạch xạch từ trên tầng vọng xuống cho thấy bà đang lục tìm ở nhiều vị trí khác nhau. Trong lúc chờ đợi, tôi vô thức nhìn ra cửa sổ. Cẩm tú cầu xanh đang tỏa hương khoe sắc trong khu vườn về đêm, bây giờ đúng lúc chúng nở rộ.
Thêm một lúc, tiếng bước chân lan đến gần rồi cửa mở ra.
- Xin lỗi để hai cháu đợi lâu! - Bà Tsuruyo đưa ra trước mặt chúng tôi tập bảng kẹp giấy bà đang ôm.
Đây là...
Hầu như không đọc nổi. Nội dung trên giấy ghi chú thực sự là tốc kí, không, là viết ngoáy, chỉ lõm bõm đoán được một vài cụm từ đơn lẻ: Vị thần hài kịch, Hoa của chú hề, Tám cảnh đẹp Tokyo, Năm mươi năm... Tức các truyện ngắn của Dazai. Phía dưới có một cái tên khoanh tròn: Kuromushi Shunpei. Dưới tên này còn một tên khác, “Kuroki Shunpei?
- Kuromushi Shunpei là bút danh của Dazai trước khi ông chính thức ra mắt...
Shioriko lẩm bẩm. Áng chừng cũng chỉ biết đến thế...
Cô chăm chú xem xét tấm bìa kẹp những tờ giấy ghi chú. Đồ cũ nhưng khá chắc chắn. Bảng ghim bằng gỗ bần dày dặn, gắn trên một miếng kim loại. Chiếc kẹp bằng sắt cũng to và có vẻ chắc chắn.
- Quả là một sản phẩm hoàn hảo! - Cô tròn mắt thì thầm.
- Đây chính là bảng kẹp giấy mà ông Tanaka từng sử dụng sao ạ?
- Vốn nó là thứ cha tôi để quên ở nhà Noriko khi mang sách đến bán... Sau đó thì chỉ có anh Tanaka dùng thôi. - Bà Tsuruyo nói.
- Vốn là món đồ của ông Kugayama ạ?
- Ừ. Cha nói với tôi đây là món đồ quan trọng, dù thế nào cũng muốn lấy lại. Được cha nhờ vả nên tôi đã đến nhà Noriko để tìm. Noriko giữ cả tấm bìa này và giấy ghi chú. Nhưng từ lúc cha tôi để quên đến lúc tìm được cũng vài tháng, nên ông đã mua một tấm mới. Vì thế ông để lại nó cho tôi. Tôi chẳng dùng bảng kẹp giấy làm gì, nên cứ để nguyên nó và giấy ghi chú như vậy.
Shioriko xem xét bìa kẹp và những tờ giấy ghi chú một lúc, cuối cùng cô bỏ cuộc, đặt lên bàn.
- Không có cuốn sách nào kẹp ở giữa cả.
Cô thì thầm. Tất nhiên rồi. Trong số thành viên hội Romanesque, chỉ mình Tanaka mang theo vật dụng vào kho sách, nhưng cũng không thể dùng tấm bìa kẹp này để mang sách ra ngoài.
Nếu đã vậy...
Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh bà mẹ của Noriko. Bà cụ có cách để mang sách ra khỏi kho, cũng có lý do để làm việc đó. Nhưng dù bà cụ thực sự là thủ phạm thì có lẽ chúng tôi cũng không tìm hiểu sâu xa hơn được. Không còn một ai biết về vụ mất sách mà sẵn sàng kể cho chúng tôi nghe cả. Shioriko tài giỏi đến đâu cũng khó lòng giải đáp bí ẩn khi thiếu vắng manh mối. Nhưng cô vẫn tiếp tục vớt vát.
- Bác có nghe ai nói gì về vụ trộm không? Bất kì chi tiết nào cũng được ạ.
- Để tôi nghĩ xem, - bà Tsuruyo đăm chiêu. - Học hết cấp hai, tôi không gặp Noriko nữa, nên cũng không gặp lại ai trong hội Romanesque cả.
- Cụ Kugayama thì sao ạ?
- Cha không kể gì với tôi cả. Cha rất hay giúp đỡ người khác nên chắc cũng nhận lời cho ý kiến thôi.
Ông cụ Kugayama Shodai không chỉ dịu dàng với khách hàng mà với gia đình cũng vậy. Chắc cụ chỉ nghiêm khắc trong công việc.
- Cha mất khi tôi đang học đại học, chính anh Sugio đứng ra xử lý giúp số sách của tiệm Kugayama. Bấy giờ tôi mới biết hội Romanesque đã giải thể từ lâu, từ khi nhà Tomizawa mất sách...
- Ông Sugio không giải thích cụ thể ạ?
- Không. Chắc là vì khó nói... Nhưng về sau, tôi có tình cờ gặp lại anh Tanaka một lần.
Cuối cùng cũng có một thông tin mới. Đôi mắt sau tròng kính của Shioriko sáng lên.
- Lúc nào vậy ạ?
- Hồi Hiroko chưa ra đời cơ, phải hơn hai mươi năm trước rồi. Tôi lấy chồng muộn, rồi ở nhà làm nội trợ... Tôi gặp anh ấy ở khu mua sắm ngầm dưới ga Yokohama. Hai cháu biết cái chỗ phun nước nghệ thuật trông như cái xô ở cửa Đông không, quãng gần đó đó.
- Cháu biết, - Shioriko gật gù. Tôi nhớ là hồi bé mình cũng từng thấy. Nhưng đài phun nước đã bị phá đi từ rất lâu rồi.
- Chính anh Tanaka là người gọi trước. Thoạt tiên tôi còn không nhận ra. Anh ấy già hẳn đi... Chúng tôi đứng gần đài phun nước trao đổi một lúc. Anh Tanaka cho biết chuẩn bị bán nhà ở Kamakura để chuyển lên Tokyo sinh sống. Trông anh rất mệt mỏi.
Tanaka Toshio có kể về vụ này. Ông nội anh ta bán ngôi nhà ở Hase, rồi dọn lên Tokyo sống nốt quãng đời còn lại. Bấy giờ Tanaka Toshio đã ra đời.
- Bởi đang vội nên tôi không nấn ná được lâu. Khi chuẩn bị chia tay, tôi đã hỏi điều luôn muốn biết... rằng “Tại sao hội Romanesque lại giải thể, anh cho em biết sự thật đi!”.
Bầu không khí trong phòng như căng lên theo câu hỏi chạm đến cốt lõi ấy. Thông thường người ta khó mở lời hỏi những câu gây khó xử, dù tò mò đến đâu đi nữa. Tôi không nghĩ người phụ nữ này chỉ đơn giản là vô tư.
- Ông Tanaka nói sao ạ?
- Anh ấy nói, sau vụ trộm, đột nhiên anh không muốn gặp Kotani và Sugio nữa. Kiểu gì cũng xảy ra tranh cãi phiền toái nên anh luôn kiếm cớ trốn tránh, nào thì công việc bận rộn, rồi đau đầu, hay hôm ấy trời không đẹp...
Lần đầu tiên tôi nghe ra sắc thái châm chọc trong lời bà Tsuruyo. Có lẽ bà khó chịu thực sự. Tôi đặt hai nắm tay lên đùi. Câu trả lời đầy coi thường của ông Tanaka là sao thế nhỉ? Tuyệt giao bạn thân chỉ vì những lý do trời ơi đất hỡi kia à, trong khi ông Kotani và ông Sugio đã luôn đau đáu vì đáp án?
Ông Tanaka là ông tôi thật sao?
- Nhưng hai người ấy cứ làm phiền mãi nên anh Tanaka quyết định gặp họ lần cuối. Nhưng đi được nửa đường đến chỗ hẹn thì anh lại quay về...
- Tại sao ạ? - Shioriko ủ rũ hỏi.
- Tôi có thắc mắc, anh ấy chỉ cười rồi nói lảng đi, “Ờ thì, tại địa điểm không thích hợp thôi”.

7

Rốt cuộc, chúng tôi cũng không tìm hiểu được thông tin gì đáng giá từ bà Tsuruyo.
Để chắc chắn, chúng tôi nhờ bà hỏi cả mẹ mình, nhưng bà cụ Mari thú thật không hay biết gì. Giờ thì bế tắc mọi đường rồi. Shioriko liên lạc với bà Noriko, báo lại rằng chưa có thông tin mới, cô kể lại quá trình tìm hiểu và hẹn ba ngày nữa sẽ đến nhà Tomizawa.
Trong ba ngày đó, tôi đã đọc “Yêu cầu khẩn thiết” của Dazai. Nó nằm trong tuyển tập truyện ngắn của Shinchosha Bunko. Tôi hỏi mượn Shioriko và đem về, đọc một mạch hết truyện mà không chóng mặt váng đầu, xem ra chứng say chữ của tôi đã khá hơn trước.
Đúng như Shioriko nói, đây là câu chuyện về sự phản bội của Judas với Jesus. Truyện hầu như không ngắt dòng, như một cách hình thức hóa những lời thú tội ào ạt làm trái tim đau rát. 

Tôi đây một chút cũng không hề khóc. Tôi không yêu người đó. Ngay từ đầu một chút cũng không yêu. Đúng thế, thưa chủ nhân. Tôi đã luôn dối trá. Tôi đây, vì ham tiền nên đã đi theo người đó. Đúng thế, hoàn toàn không sai. Người đó không giúp tôi kiếm được xu teng nào, chính tối nay đây tôi đã nhìn thấu toàn bộ sự thật. Thế nên, dòng máu thương nhân biết ngay phải ngả theo phe nào. Tiền. Thế gian này quan trọng nhất là tiền. Ba mươi đồng bạc mới vĩ đại làm sao.

Nhân vật chính là một kẻ hèn yếu. Vừa khóc lóc nhân danh tình yêu, vừa hí hửng chìa tay nhận tiền. Sau khi kết tình huynh đệ, lại phũ phàng cự tuyệt gặp mặt.
Tôi hầu như không đả động thêm về vụ trộm sách năm nào. Là tại những từ ngữ khó chịu bà Tsuruyo ném về phía ông Tanaka Yoshio. Không cần biết có phải ông là người đánh cắp cuốn Yêu cầu khẩn thiết hay không, tôi vẫn cho rằng tinh thần ông không ổn định. Nào là thậm thụt với vợ người khác. Lại còn bắt chước Dazai. Chỉ có ảo tưởng mới đặt hi vọng vào người này.
Shioriko cũng không nhắc nhỏm gì thêm, cô ít nói hơn thường ngày, có thể tại đang băn khoăn về quá trình điều tra còn dang dở.

Để kịp giờ hẹn, chúng tôi phải rời tiệm khi chưa hết giờ làm, đành nhờ Ayaka trông nom giúp. Chỉ trong tháng này cô bé đã làm thay chúng tôi hai lần. Mặc dù rất ngại phải nhờ vả, nhất là khi cô bé đang trong thời gian thi cử, nhưng chính cô bé lại thoải mái nhận lời.
Đường khá vắng nên chúng tôi đến được Koshigoe sớm hơn dự định. Đi qua cổng nhà Tomizawa, bước vào vườn, chúng tôi bắt gặp mặt biển nhuốm màu hoàng hôn dìu dịu. Khung cảnh mới diễm lệ làm sao, thế mà kho sách và rèm cửa vẫn khép chặt.
Bà Noriko ra hiên đón chúng tôi. Y như lần trước, không thấy bóng dáng cha bà đâu. Nhưng tôi cảm thấy có người bên kia cánh cửa kho sách.
Chúng tôi bước vào phòng khách, và tròn mắt ngạc nhiên. Có người đã đợi sẵn ở góc phòng, trong tư thế ngồi quỳ kiểu truyền thống. Chính là ông Kotani, người ghé qua Biblia tuần trước.
- Tôi mời anh ấy đến đấy! - Bà Noriko giải thích. - Tôi muốn anh Kotani cùng nghe... không sao chứ?
- Không sao ạ. Cháu cũng định sẽ nói với ông Kotani.
- Cảm ơn cháu. Anh Kotani, anh cứ tự nhiên.
Dù đã có lời của bà Noriko, ông Kotani vẫn ngồi quỳ như cũ. Chắc hẳn ông đang căng thẳng lắm. Cũng phải, sau mấy chục năm mới được đặt chân vào nhà người thầy cũ, nơi ông từng bị cấm cửa. Chưa kể người thầy quan trọng đó hiện không có mặt ở đây.
- Cháu kể cho chúng tôi nghe đi?
Khi cả bốn đã an tọa quanh bàn, bà Noriko cất tiếng ngay. Shioriko hạ rèm mi, từ tốn bắt đầu câu chuyện.
- Sự việc xảy ra quá lâu rồi, dù cố gắng tìm hiểu đến đâu, cháu cũng chỉ nắm được phần nào. Những điều cháu sắp nói đây chỉ là khả năng có thể nhất thôi, và nhiều điều không sao xác minh được nữa. Mong ông và bác hiểu cho.
Ông Kotani và bà Noriko gật đầu. Tôi thì hơi bất ngờ. Shioriko đã tìm ra câu trả lời chỉ từ mớ thông tin ít ỏi thu thập được ư? Có điều, trông cô khang khác mọi ngày. Giải thích bí ẩn về sách cũ mà sao giọng điệu lại nặng nề đến thế.
- Tuy nhiên cháu biết rõ... Là ai, và bằng cách nào, đã lấy cắp cuốn Yêu cầu khẩn thiết.
Khuôn mặt hai ông bà hiện rõ nét dao động. Tình trạng mập mờ của sự cố ngày xưa đã để lại trong lòng những người liên quan một vết thương sâu sắc.
- Là mẹ tôi à?
Bà Noriko hỏi, rõ ràng đã chuẩn bị tinh thần đón nhận. Ngay lập tức, đôi mắt nhỏ của ông Kotani mở to.
- Vô lý! Dù vì lý do gì đi chăng nữa, cô cũng không bao giờ làm như vậy!
Người đàn ông lắc mạnh đầu, tỏ thái độ rằng đó là điều không thể tưởng tượng được. Lại một lần nữa, tôi nhận ra ông là người tốt. Bị nhà Tomizawa nghi ngờ hắt hủi, ông vẫn bênh vực nhiệt tình.
- Đúng thế ạ. Tuy từng nghĩ đến khả năng đó, nhưng cháu nhận thấy rõ ràng có điểm không hợp lý.
Shioriko nhẹ nhàng nói, nhìn thẳng vào mắt bà Noriko.
- Bác có kể sách bị lấy mất, nhưng hộp vẫn còn trong kho. Nếu là người dễ dàng ra vào kho sách, đường hoàng cầm sách đi được, thì không việc gì phải bỏ hộp lại. Mất nguyên đai nguyên kiện, giá trị cuốn sách cũng giảm đi. Chưa kể còn phải tìm cách khác bảo quản. Thêm nữa, nếu đã ra tay, mẹ bác không bao giờ chỉ lấy mỗi Yêu cầu khẩn thiết, mà sẽ tiện thể mang đi nhiều hơn. Tất cả nằm ở giá riêng, nên dù không am hiểu sách cũ, cụ cũng biết đâu là sách quý.
Ra vậy, tôi nghĩ. Nếu muốn dàn dựng nhằm đuổi hội Romanesque, bà cụ ắt phải làm rình rang hơn. Lấy mỗi một cuốn sách có khi chẳng ai phát hiện ra.
- Thủ phạm không kịp mang theo hộp... Chắc chắn phải là người được ra vào kho sách nhưng bị kiểm soát. Nói cách khác, chính là một trong ba người, ông Tanaka, ông Sugio, ông Kotani.
Dù bị điểm danh, ông Kotani vẫn không lên tiếng phản biện, có lẽ ông muốn nghe cho hết đã.
- Tuy nhiên, ông Sugio và ông Kotani không có cách nào mang sách ra khỏi kho cả. Chính bác Noriko cũng nói hai ông luôn đi tay không khi ra vào kho. Bấy giờ là giữa hè nắng nôi nên họ càng không thể giấu sách trong người, chưa kể còn bị bà cụ Tomizawa kiểm tra.
Tôi nuốt nước bọt. Thế thì chỉ còn duy nhất một người. Ông Kotani lên tiếng.
- Ý cháu ám chỉ Tanaka!
- Rất tiếc, nhưng đây là những gì cháu nghĩ.
Điều tôi không mong muốn nhất đã thành sự thật.
- Kể cả Tanaka thì cũng không thể mang sách ra ngoài được mà? Hắn cũng như bọn tôi, không có chỗ nào để giấu cuốn sách cả.
Tôi nghĩ giống hệt ông Kotani. Điều lạ là Shioriko lại gật đầu.
- Đúng ạ. Ông Tanaka không thể giấu cuốn sách. Nhưng ông ấy có cách mang nó ra.
Nói rồi, từ chiếc túi tote bên cạnh cô lấy ra một bọc nhỏ bằng vải. Lúc đầu tôi định cho nó vào túi đeo vai của mình, nhưng cô khăng khăng tự cầm. Xem chừng không muốn tôi chạm vào nó.
Cô đặt cái bọc lên mặt bàn và mở ra, chính là tập giấy ghi chú hầu như không đọc nổi mà bà Tsuruyo cho chúng tôi xem hôm trước. Vẫn còn nguyên tấm bìa kẹp cũ kĩ kia. Tôi không hề biết cô đã hỏi mượn.
- Đây chính là... ghi chú của anh Tanaka. - Bà Noriko thì thầm.
- Đúng thế ạ. Đây là những thứ ông Tanaka mang theo mỗi khi vào kho sách.
Đột ngột, Shioriko lật ngược bảng kẹp giấy lại. Bốn góc mặt sau tấm bảng được cố định bằng nẹp kim loại. Cô dùng móng tay nậy từng chiếc nẹp lên. Tôi vỡ lẽ. Thứ quan trọng không phải là giấy ghi chú mà chính là bảng kẹp giấy.
Shioriko tháo mặt sau ra, giờ bảng kẹp được chia thành hai tấm riêng biệt.
- Ông Tanaka đã kẹp cuốn Yêu cầu khẩn thiết vào giữa hai tấm trước và sau này rồi mang sách ra khỏi kho.
- Sao?
Tôi buột miệng. Làm sao giấu sách giữa hai tấm kẹp được chứ. Giỏi lắm chỉ một hai tờ giấy là cùng.
- Không thể nào...
- Hóa ra là vậy! - Ông Kotani ngắt lời tôi. - Ra là vậy... Tôi hoàn toàn không để ý...
Không chỉ ông Kotani mà ngay cả bà Noriko cũng xanh mặt, đưa tay bưng miệng, dường như sực hiểu. Duy nhất mình tôi vẫn mù mờ.
- Ông và bác chỉ cần xem cái này là sẽ hiểu rõ ạ.
Như để giải thích cho tôi, Shioriko lại lục túi tote lấy một cuốn sách mỏng khổ lớn, bìa xanh in hoa văn, dán mảnh giấy mỏng ghi Yêu cầu khẩn thiết.
- Đây là cuốn Yêu cầu khẩn thiết của Getsuyoso do Bảo tàng Văn học Cận đại Nhật Bản phục chế theo kiểu sách đóng thời đó. Cháu mượn của người quen...
Cuốn này giống với bản phục chế Những năm cuối đời của Chikuma Bunko. Shioriko từng nói ấn phẩm có hai phiên bản bìa khác nhau, màu vàng và màu xanh. Đây là sản phẩm phục chế bản bìa xanh.
- A...
Mọi ánh mắt đổ dồn vào gáy sách. Cuốn sách này khác với sách bình thường, các trang giấy được khâu lại với nhau bằng một sợi chỉ dày, giống như sách thời Edo thường thấy trong phim cổ trang...
- Ra là vậy... là sách kiểu truyền thống.
Sách khâu bằng chỉ như vậy thì không khó để tách từng trang ra.
- Mỗi lần vào kho sách, ông Tanaka lại mang ra một hai trang phải không?
- Đúng ạ. Chính vì vậy, tuy lấy được bản sách có chữ kí tác giả, ông vẫn không thể mang theo hộp đựng, vì hộp không nhét vừa vào giữa hai tấm kẹp. Sau khi lấy đủ số trang và bìa sách, chắc ông đã dùng sợi chỉ khác khâu lại.
Shioriko đưa mắt nhìn bà Noriko vẫn đang bưng miệng, tiếp tục giải thích.
- Bác thấy cuốn Yêu cầu khẩn thiết mà ông cháu tìm lại mang trả đẹp hơn, là bởi chỉ khâu sách đã được thay. Tuy nhiên gáy cuốn sách được gia cố bằng miếng vài nhỏ, vì thế muốn tháo rời từng trang thì phải bóc miếng vải trước. Chắc chắn vẫn còn dấu tích chứng minh nó từng bị tách rời ra. Cháu nghĩ cụ Tomizawa phát hiện ra ngay, bởi vì cuốn sách không thể nào trở về trạng thái như cũ sau khi đã bị tháo tung.
Chính vì thế ông cụ mới than thở “Cuốn sách đã thành vô giá trị”, cách nhìn của cha và con gái về cuốn sách khác hẳn nhau cũng vì lẽ này.
Kiến thức và độ nhạy bén của Shioriko về sách cũ thật đáng nể. Có điều so với bình thường, hôm nay cô không được hăng hái, khác hẳn chính cô vài hôm trước cũng ở ngôi nhà này.
- Kể cả thế, tại sao hắn nỡ... - Ông Kotani khoanh tay, lẩm bẩm. - Theo như tôi biết, Tanaka không mấy hứng thú với cuốn Yêu cầu khẩn thiết của thầy. Còn nhiều sách hiếm khác mà... Tôi nhớ hắn thích các loại sách có kèm chữ kí mà toát ra nét riêng của tác giả cơ.
- Người thích cuốn Yêu cầu khẩn thiết không phải ông Tanaka. Trong vụ này còn một người khác nữa. Ông Tanaka đã làm theo yêu cầu của người ấy.
Shioriko cầm bảng kẹp giấy tách làm hai lên lần nữa.
- Đây là món đồ cháu mượn ở nhà Kugayama... của bác Tsuruyo...
- Suốt từ lúc nãy tôi đã băn khoăn rồi. - Bà Noriko nói bằng giọng nghèn nghẹn. - Ban đầu tôi đã giấu món đồ này đi. Vì Tsuruyo muốn có nó nên tôi nghĩ thà cho cậu ấy còn hơn để cha mẹ phát hiện và vứt vào thùng rác... Lẽ nào liên quan đến cậu ấy?
Phải nhỉ, bà Tsuruyo cũng từng ra vào nhà Tomizawa. Sau vụ bê bối bà lại mang về thứ có thể coi là tang chứng. Không thể nói là không nghi ngờ được.
- Không đâu ạ. Bởi nếu bác ấy có dính dáng thì không đời nào giữ lại tang vật, cũng sẽ không cho bọn cháu xem.
Shioriko điềm tĩnh đáp, còn bà Noriko vuốt ngực nhẹ nhõm. Nghi vấn trong tôi lại càng lớn hơn. Rốt cuộc thì đó là chỉ thị của ai?
- Bác Tsuruyo mang bảng kẹp giấy về vì nghe cha bảo cần. Có lẽ ông cụ Kugayama muốn thu dọn tang chứng mà ông Tanaka lỡ để quên lại ngôi nhà này.
Tôi sắp xếp lại suy nghĩ trong đầu.
- Nói vậy... Chính tiệm sách Kugayama đã hợp tác với ông Tanaka lấy trộm cuốn Yêu cầu khẩn thiết?
- Có lẽ thế ạ. Bác Tsuruyo mang được bảng kẹp giấy về xong, ông cụ Kugayama Shodai không hề nhận lại mà cho con gái luôn. Bấy giờ sự việc trôi qua đã vài tháng, và kết thúc mà không kiện tụng gì. Ông cụ không thèm che giấu tang chứng nữa.
Nhớ lại lời khen về khía cạnh thân thiện của con người ấy, tôi bất giác buồn nôn. Nếu phán đoán của Shioriko là đúng, thì ông cụ nhà Kugayama thực sự có vấn đề.
- Là tiệm sách Kugayama?
Ông Kotani lẩm bẩm, vẻ bực bội. Xem ra ông cũng biết tiệm sách này.
- Tiệm có nhiều sách hay, chủ tiệm cũng thân thiện, nhưng lời ra tiếng vào không ít. Tôi từng nghe nhà ấy ép người yếu thế không chút nhân nhượng. Nhưng đến mức lấy trộm... Tanaka đã bán cuốn Yêu cầu khẩn thiết cho ông ta à?
- Cháu đoán thế. Ông nội cháu từng làm việc ở tiệm sách Kugayama. Có lẽ nhờ thế mà ông lấy lại được cuốn sách...
Cô nói nhỏ dần. Câu chuyện lại kì lạ rồi. Tức là ông Shinokawa Seiji lấy lại được sách cho khách, nhưng không vạch trần hành vi của ông chủ cũ. Nào là người chính trực, nào là “Trân trọng giữ gìn mối liên kết giữa sách cũ và con người”, tất cả chỉ là lời đầu môi chót lưỡi thôi ư? Nhưng nếu thế, thì không đời nào nhiều người tin tưởng ông đến vậy.
- Tôi vẫn không hiểu. - Ông Kotani đăm chiêu vuốt cằm. - Tại sao Tanaka lại nghe lời Kugayama đi lấy trộm sách? Còn giấu giếm cả tôi và Sugio. Chắc hẳn phải có ẩn tình.
- Cháu không tìm hiểu được sâu xa đến thế... Có thể ông ấy mượn tiền của ông cụ Kugayama...
- Hoang đường. Tôi từng nói rồi, hắn rất giàu. Nếu bị nắm thóp, chắc chắn là vì lý do khác. Nhưng hắn sống rất đứng đắn. Không rượu chè gái gú, càng không cờ bạc. Chỉ có thú vui sưu tầm sách cũ, tôi không nghĩ ra điểm yếu nào để khai thác cả.
- Không chắc đâu... Có lẽ là có đấy ạ.
Shioriko yếu ớt phản bác. Chắc cú cô đang che giấu điều gì rồi. Dù thiếu bằng chứng, nhưng giả thuyết rõ ràng đã thành hình.
Tôi sực nhớ một chuyện cô chưa nói. Chính là cuộc gặp giữa bà Tsuruyo và ông Tanaka ở ga Yokohama. Dù lời lẽ của ông Tanaka không tử tế gì, nhưng cũng không cần giấu. Chưa kể, chính ông Kotani vẫn luôn muốn biết sự thật dù tệ đến mức nào.
Tôi nhìn chằm chằm vào khuôn mặt trông nghiêng khuất sau làn tóc đen. Shioriko nhận ra nhưng không quay về phía tôi.
Mấy ngày gần đây tôi luôn ủ dột, nhưng rõ ràng cô cũng rất lạ, kể từ khi đi gặp bà Tsuruyo về, nói đúng hơn là từ khi nghe câu nói của ông Tanaka.
- Ờ thì, tại địa điểm không thích hợp thôi.
Phải chăng câu nói này mang một ý nghĩa quan trọng? Bốn mươi bảy năm về trước, địa điểm hẹn gặp của ông Kotani là quán cơm Gora. Đó là nơi họ thường tụ tập, tất cả đều là người quen.
- Á...
Tôi bật kêu. Sức lực như bị rút hết, tôi kiệt quệ vịn hai tay vào mép bàn. Đáng lẽ tôi phải sớm nhận ra, tại sao Shioriko không nói thẳng những gì cô suy đoán. Vì ai mà cô làm như vậy?
Mọi người đều đang nhìn tôi. Tôi ngồi thẳng dậy, đặt hai tay lên chân và hít một hơi thật sâu.
- Để cháu giải thích lý do khiến ông Tanaka lấy trộm cuốn Yêu cầu khẩn thiết.
- Daisuke, đợi đã...
Shioriko run run kêu, nhưng tôi kiên quyết đáp.
- Em đã hứa rồi còn gì, rằng sẽ nói hết những điều em biết...
- Nhưng chúng ta không có bằng chứng...
Tanaka Yoshio là một người yếu đuối. Nên đã sa ngã đến mức trộm cắp. Ông cũng không dám hỏi ý kiến bạn bè. Chỉ biết viện đủ lý do này nọ để trốn tránh, ông phản bội bao nhiêu người, nhưng lại bảo vệ được người duy nhất muốn bảo vệ.
Khi bà Tsuruyo yêu cầu ông nói sự thật, quả nhiên ông đã nói, dù chỉ một phần. Quán cơm Gora không phải nơi phù hợp để giải thích toàn bộ. Bởi ở đó có người ông không muốn cho biết chuyện.
- Bà cháu... bà Gora Kinuko, và ông Tanaka Yoshio từng ngoại tình với nhau.
- Á, - Shioriko kêu khẽ.
Nét mặt hai người đối diện hiện rõ vẻ bàng hoàng.
Không hề bận tâm, tôi tiếp tục.
- Bốn mươi bảy năm trước... thời điểm vụ việc xảy ra, cháu không rõ họ đã chia tay chưa. Nhưng mối quan hệ ngoài luồng với bà cháu là điểm yếu của ông Tanaka. Nếu ông cụ Kugayama Shodai đem vụ này ra ép buộc đe dọa thì đúng là... Chỉ còn cách đáp ứng yêu cầu thôi. Cả tác phong lửng lơ của ông Shinokawa Seiji khi giải quyết vụ việc nữa, ghép vào nguyên nhân này, ta có thể lý giải được. Giả sử báo cảnh sát thì ông Tanaka buộc phải khai ra lý do thúc đẩy mình đi lấy trộm. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến bà cháu...
Tôi thoáng thắc mắc, không rõ bà ngoại có biết không? Nếu biết, ắt bà không để yên. Bà sẽ thú nhận toàn bộ tội lỗi, dù là tội ngoại tình, để bảo vệ người yêu. Chính vì thế, Tanaka Yoshio kiên quyết không cho mọi sự bung bét.
- Có lẽ, hành động khó lý giải của cả ông Tanaka Yoshio và ông Shinokawa Seiji, đều là vì bảo vệ bí mật cho bà cháu.

8

Tiếng sóng biển rì rào vọng vào từ khung cửa sổ đang mở. Hoàng hôn đỏ ối nhuộm màu cửa kính. Mất một lúc lâu, không ai trong chúng tôi lên tiếng.
- Tôi không hề biết mối quan hệ giữa Tanaka và Kinuko.
Cuối cùng ông Kotani phá vỡ sự im lặng.
- Nói mới nhớ, tôi cũng từng nghi ngờ. Hai người họ rất thân thiết... mà, cháu nghe bà kể lại hay sao?
- Sau khi bà mất, cháu tìm được một cuốn sách do ông Tanaka tặng. Trên đó ghi lời nhắn của ông.
Chính Shioriko là người đoán ra quan hệ giữa hai ông bà dựa trên lời nhắn đó. Cô ngẩng lên, xin lỗi tôi qua ánh mắt. Tôi khẽ lắc đầu. Cô chỉ muốn bảo vệ danh dự nhà Gora cho tôi mà thôi. Cô không làm gì sai.
- Lúc chúng tôi quen nhau, Kinuko đã mang thai rồi. - Ông Kotani nhìn tôi bằng ánh mắt xét nét y như hôm đầu gặp mặt. Ông đang đánh giá xem tôi giống ai. Bây giờ tôi cũng không định giấu giếm nữa.
- Là mẹ cháu ạ.
- À há, ra là vậy. Bấy giờ tôi đã lấy làm lạ là sao lại còn đẻ thêm con với gã chồng bất tài đó. Xin lỗi cháu, tôi tọc mạch rồi.
- Không sao ạ.
Nhẩm tính, vụ mất trộm xảy ra đúng vào thời gian bà đang mang thai mẹ tôi. Có lẽ đây cũng là lý do khiến ông Tanaka bị đe dọa, là lý do cho việc họ chia tay.
Đúng lúc này, tôi nghe lịch kịch ở căn phòng bên cạnh, rồi một ông cụ lưng còng xuất hiện. Cụ mặc bộ đồ truyền thống màu lam nhạt, cắt may rất khéo. Xem chừng cụ đã nghe chúng tôi trao đổi nãy giờ. Đôi mắt sâu của cụ không còn sắc bén như lần trước mà chỉ nhuốm màu mỏi mệt.
- Thầy... - Ông Kotani cất giọng khàn khàn.
- Kotani à? - Cụ Tomizawa muốn cười nhưng không cười nổi. Nét mặt mếu máo như muốn khóc. - Cả hai chúng ta... đều già rồi.
Cụ bước từng bước vào phòng khách. Bà Noriko đứng dậy, sang phòng bên cạnh xách về chiếc ghế cao có tay vịn. Ông cụ cẩn thận ngồi xuống, cúi đầu im lặng hồi lâu.
- Tanaka... - Cụ bất ngờ mở lời, nhưng rồi cơn ho cản cụ lại. Có lẽ họng cụ không được khỏe. - Mùa hè năm ấy, mỗi lần đến đây cậu ta đều có biểu hiện bế tắc. Đáng ra tôi nên hỏi thăm kĩ càng... Tôi cự tuyệt các trò, bởi tôi nghĩ tôi bị phản bội... rằng các trò đến bên tôi chỉ vì muốn có sách cũ...

Tôi không yêu người đó. Ngay từ đầu một chút cũng không yêu. Đúng thế, thưa chủ nhân. Tôi đã luôn dối trá. Tôi đây, vì ham tiền nên đã đi theo người đó. Đúng thế, hoàn toàn không sai.

Đột nhiên, một đoạn trong Yêu cầu khẩn thiết như vang lên bên tai tôi. Đúng là cụ Tomizawa không nghe giải thích mà phũ phàng cự tuyệt đám học trò của mình, nhưng khó mà trách cụ được. Cuốn sách quý giá hơn hết thảy, cuốn sách do chính Dazai Osamu tặng đã bị lấy trộm mất.
- Cậu ta từng tâm sự là đang rất giằng xé... Rằng cậu ta buộc phải chia tay với cô gái ấy, rằng cậu ta đau đớn... Bấy giờ tôi chỉ nghĩ là chuyện thanh niên thường tình.
- Cụ có nghe ông ấy nói cô gái đó là người thế nào không ạ?
Cụ Tomizawa suy nghĩ một lúc sau khi nghe tôi hỏi.
- Tanaka không nói rõ là ai và ở đâu. Chỉ nói đối với cậu ta, cô gái như Quan Âm Bồ Tát vậy.
Biết là không thích hợp, nhưng tôi lại vô tình nhoẻn miệng cười. Bà tôi, Gora Kinuko, giống hệt tượng Quan Âm ở Ofuna. Vừa miêu tả hình dáng của bà, vừa bộc lộ cảm xúc sâu sắc của mình, quả nhiên Tanaka Yoshio là người biết nói chuyện.
- Sau vụ việc, cụ có qua lại với tiệm sách Kugayama không ạ?
Cái tên vừa thốt ra khỏi miệng Shioriko, mặt cụ già hiện lên vẻ đau khổ. Nhưng cụ vẫn không ngần ngại trả lời.
- Tôi vẫn thường xuyên trao đổi sách vở thông tin với Kugayama đến tận khi ông ấy mất. Nghe các cháu nói, tôi chỉ tin được một nửa thôi. Thật vậy. Có điều...
Cơn ho xé họng khiến cụ không nói tiếp được. Bà Noriko định đứng lên, nhưng cụ đã xua tay tỏ ý không sao.
- Với một số cuốn sách cũ giá trị, thực sự quý hiếm, ông ấy tỏ ra lưu luyến kì lạ... Kugayama là người gần như không đọc sách, nên có lẽ quý hiếm ở đây xếp theo thang tiêu chuẩn riêng của ông ấy.
- Không đọc sách...
Tôi lẩm bẩm. Tôi biết không phải cứ làm chủ tiệm sách cũ thì sẽ đọc sách. Như bản thân tôi đây là người không đọc nổi sách. Nhưng ông cụ Kugayama là chuyên gia của các chuyên gia về sách hiếm, lại không có thói quen đọc sách thì thật đáng ngạc nhiên. Có thật cụ ấy là người chuyên buôn bán trao đổi sách cũ không nhỉ?
- Thỉnh thoảng ông ấy cũng gạ tôi bán cuốn Yêu cầu khẩn thiết... Nhưng theo tôi biết, cuốn sách ông ấy khao khát nhất, phải là Những năm cuối đời của Sunagoya Shobo ở chỗ Tanaka kia. Lúc đến đây giám định, ông ấy muốn có nó đến độ chỉ chực cầm đi luôn...
Tim tôi đập thình thịch. Cuối cùng cuốn sách kia cũng được nói đến. Cuối cùng chúng tôi đã tìm ra người biết về nó. Shioriko hỏi với vẻ căng thẳng.
- Nó như thế nào hở cụ? Cháu nghe nói trên đó không có chữ kí, nhưng lại có ghi chú rất quý của chính Dazai.
- Đúng thế, trên đó có những ghi chú bị chỉnh sửa không thấy ở bất cứ cuốn nào khác. Vào mùa hè năm 1936, có lẽ nó đã theo Dazai đến suối nước nóng Minakami... Trên sách có con dấu của nhà ga Minakami tuyến Joetsu.
Nét mặt cụ Tomizawa đầy phấn khích, trông trẻ hẳn ra so với ban nãy. Có lẽ cụ hứng khởi khi được nói về chủ đề yêu thích.
- Suối nước nóng Minakami?
Tôi biết địa danh này. Khi kể cho tôi nghe về cuộc đời Dazai Osamu, Shioriko từng nhắc đến nó.
- Có phải là nơi Dazai cùng người vợ đầu tiên tự tử đôi bất thành không?
Tôi hỏi Shioriko, nhưng cụ Tomizawa lại gật gù thay.
- Hừm, cháu biết rõ đấy. Ngoài lần đó ra, còn một lần Dazai định tử tự một mình nữa. Cuốn sách của Tanaka chính là cuốn ông mang theo bên mình khi đó, những ghi chú trong sách hẳn là xuất hiện vào thời điểm này.
Shioriko chừng như đã thông suốt. Trông biểu hiện ngạc nhiên đến độ câm nín, rõ ràng cô đã xác định được đặc điểm của cuốn Những năm cuối đời đó rồi. Tôi hỏi cụ Tomizawa.
- Làm sao biết được đó là cuốn sách Dazai mang theo khi định tử tự ạ?
Tôi nhớ lại ghi chú trên cuốn Những năm cuối đời của Shioriko. “Hỡi những ai đang tồn tại trên cõi đời này, hãy cứ thật tự tin mà sống tiếp. Vì chúng ta đều là những kẻ tội đồ”. Tôi nhận thấy câu văn thật đẹp, chỉ hiềm không rõ Dazai viết ra trong tình trạng nào.
- Có lời chứng của ai để lại ạ?
- Không, không phải thế.
Cụ Tomizawa lật đật đính chính.
- Vì trên bìa lót có ba chữ “Để tự sát” do chính Dazai viết, không chú thích gì thêm.
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét