Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 4 - Chuyện Thứ Hai

Tiệm sách cũ Biblia Q 4

Tác giả - Mikami En
Người dịch: Thúy An
Nhà xuất bản Văn Học - 2017

Tập 4 - Shioriko và dung nhan hai mặt

Chuyện Thứ Hai

Đội thám tử nhí

1

Rời khỏi nhà Kishiro Keiko, chúng tôi lập tức quay lại nhà Shinokawa.
Đi qua quán cà phê phong cách châu Âu lưng chừng dốc Kobukuro, tôi thử mời Shioriko nhưng cô từ chối bằng một câu cảm ơn. Cô nói người chị họ hôm trước kết hôn đến thăm. Và đúng là có một chiếc ô tô mini lạ đang đậu ở bãi đỗ xe nhà Shinokawa.
Về đến nhà ở Ofuna, tôi ngẫm lại những chuyện đã xảy ra hôm nay. Đầu tiên là về lời nhờ vả của Kishiro Keiko, tôi phỏng đoán đủ thứ bên trong chiếc két sắt, và rồi khi nhận ra, người mà tôi đang nghĩ đến lại là Shioriko.
Ỷ vào lòng tin và sự dựa dẫm của cô đối với mình, càng ngày tôi càng không muốn kiềm chế bản thân nữa. Đến mùa hè tới là được một năm kể từ khi chúng tôi quen nhau. Tôi đã xác định được từ lâu là mình muốn trở thành người như thế nào với cô rồi. liệu có phải cô cũng lờ mờ cảm nhận được, nên mới đưa ra đề nghị “trả ơn”?
Tôi đang vẩn vơ như thế thì Shioriko gọi điện tới. Cô nói đằng Kishiro Keiko đã gửi “hồ sơ” sang, trong đó tập hợp các thông tin liên quan đến Kayama Akira. Nghe chừng cô muốn tôi xem càng sớm càng tốt, tôi bèn hỏi để tôi quay lại luôn được không, thì cô lấp lửng, “Nếu anh không mệt”. Mệt hay không thì tôi cũng nên gặp và nói chuyện với cô một lần nữa.
Tôi lại chạy scooter đến nhà Shinokawa ở Kita- Kamakura. Vầng dương đã lặn hẳn và trời se se lạnh.
Ngoài thềm vẫn để đèn sáng. Tôi bấm nút liên lạc nội bộ thì nghe thấy tiếng Ayaka, “Em đang dở tay nên anh cứ tự vào nhé.” Chắc là cô bé đang chuẩn bị cơm chiều.
Tôi mở cửa. Đúng như tôỉ đoán, có mùi xúp thoang thoảng. Thực đơn hôm nay hình như là món Nhật. Trên sàn nhà có một đôi dép nam cũ kĩ tôi từng thấy ở đâu đó. Không phải của người chị họ, chắc nhà lại đang có khách khác.
- Nói gì đi nữa thì chị cũng đã nhận được quyển Nhật ký Cra-cra của mẹ. Thế là xa xỉ rồi, chứ cháu đây, một mẩu giấy ghi chú mẹ còn không cho, đừng nói tới sách.
Nghe tiếng phàn nàn từ bếp vọng ra, tôi tưởng hai chị em lại cãi cọ, thì giọng một người đàn ông vang lên:
- Cũng phải.
Không biết cô bé đang nói với ai những chuyện gia đình sâu kín thế này?
- Cháu nói riêng với ông thôi nhé. Hôm qua cũng có người từ Yukinoshita đến nói là muốn gặp Shinokawa Chieko. Mẹ cháu đang ở Nhật thì phải. Chắc tạm thời mẹ chưa thể lộ diện rồi! Cháu cũng có nhiều điều để cằn nhằn lắm, nhưng vì mẹ đã đi mất dạng mười năm trước nên cháu tức giận đến nỗi không nhớ nổi khuôn mặt của bà. À, anh Gora. Chị đang đợi trên tầng hai đấy ạ!
Cởi giày xong, nhìn vào trong bếp, tôi thấy Ayaka đang đứng trước bàn mài khoai từ. Một người đàn ông nhỏ thó với khuôn mặt hiền lành đang ngồi bên cạnh tước đậu cô ve.
Trên cái đầu trọc đây nếp nhăn của ông là đôi mắt to lồ lộ. Ông khoảng năm mươi lăm tuổi, khoác một chiếc áo gi lê lưới như dân mê câu cá bên ngoài chiếc sơ mi đỏ chót đã sờn.
- Ông đang làm gì thế ạ?
Nghe tôi hỏi, Shida ngẩng mặt lên. ông ấy là một người vô gia cư làm sedori và đang sống dưới gầm cầu Kugenuma, cũng là khách hàng thường xuyên của tiệm. Dù vậy, đây là lần đầu tiên tôi gặp ông ở nhà chính.
- Con bé chủ tiệm gọi tao tới. Nó bảo nhân dịp dọn dẹp sẽ thanh lý một vài cuốn sách bị trùng, nếu có sách cần con bé sẽ bán rẻ cho tao.
Nhắc mới nhớ, Shioriko vẫn đang mải mê dọn dẹp kho sách trên tầng hai. Dưới chân ông Shida là một cái túi bằng vải buồm lèn chặt sách khổ bunko. Mảng ông tâm đắc nhất là bunko tuyệt bản. Chắc là mới chọn trong kho sách ở nhà chính ra.
- A, em mải chuyện quá. ông Shida nói là đã mất công tới đây rồi nên sẽ phụ giúp một tay ạ.
- Ôi dào, tiện thể ấy mà. Mấy con bé chúng mày cũng giúp đỡ tao bao nhiêu là bao nhiêu.
- Đáng gì đâu ạ! Riêng chuyện ông lắng nghe cháu than thở thôi đã huề rồi!
Hai người cười với nhau để lộ hàm răng trắng. Tôi không biết họ lại thân nhau đến thế. Lúc nào tôi cũng kinh ngạc trước khả năng giao tiếp của Shinokawa Ayaka. Mặc dù rất ít khi trông tiệm nhưng cô bé thân thiết với tất cả các khách hàng thường xuyên.
Tôi nghe họ nói chuyện và nhìn loáng thoáng vào quyển sách khổ bunko lộ ra trong túi ông Shida. Đó là Cung đàn báo oán - Án mạng mèo đen của Yokomizo Seishi, do Kadokawa Bunko phát hành. Một tác phẩm khá nổi tiếng, hóa ra cũng tuyệt bản rồi à!

[Cung đàn báo oán là tiểu thuyết, Án mạng mèo đen là truyện dài, cùng nằm trong series trinh thám kinh dị về thám tử Kindaichi Kosuke. Tính theo dòng thời gian thì Án mạng mèo đen diễn ra sau Cung đàn báo oán và trước Rìu đàn cúc. Năm 1978 là lần duy nhất trong các lần xuất bản ở Nhật, tên truyện này được đưa thêm ra ngoài bìa sách. Cung đàn báo oánRìu đàn cúc bản tiếng Việt do IPM phát hành năm 2017-2018]

- Cuốn này trở nên hiếm là nhờ cái bìa, vì trong bao nhiêu lần xuất bản, chỉ có một đợt duy nhất cái tên Án mạng mèo đen được đưa ra ngoài thôi. - Nhận ra ánh mắt của tôi, ông Shida giải thích. - Nếu chú mày muốn đọc thì tao cho mượn.
- Dạ, không cần đâu! - Tôi lắc đầu. Nhìn truyện có vẻ dài đây. Chắc tôi khó mà đọc đến hết được.
- A, chú mày không thể đọc sách nhi? Tao biết chú mày có vấn đề về cơ địa hay gì đó, nhưng nếu tiếp tục công việc này thì chẳng phải là đằng nào cũng nên tập đọc sao?
- Đúng vậy, nhưng...- Tôi nghiêng đầu. - Hình như cháu chưa nói với ông mà, chuyện về “cơ địa” đấy.
- Tao nghe con bé nhà này kể. Cũng không nhớ là bao giờ nữa. - Ông Shida tay vẫn cầm nguyên đậu cô ve, duỗi ngón tay về phía Ayaka.
Cô bé hất cằm lên trần nhà như muốn tránh ngón tay đó:
- Em nghe chị kể từ khá lâu rồi. Xin lỗi nhé, có lẽ là bí mật của anh phải không?
- Không, không phải đâu. Anh cũng không giấu giếm gì.
Cũng không phải chuyện dễ được người khác thấu hiểu nên tôi mới không kể tông tốc ra. Số người biết chuyện chỉ giới hạn trong nhà trong họ và bạn bè chơi với nhau lâu năm thôi.
- Anh Gora, xong việc của chị anh xuống dùng cơm tối nhé? Để em chuẩn bị luôn.
Tôi suy nghĩ một chút. Tuần này không phải phiên tôi nấu cơm. Mẹ thì bảo hôm nay có việc nên sẽ về trễ rồi.
- Cảm ơn em. Anh xin phép được ở lại dùng bữa.
- Anh không cần phải trịnh trọng như thế đâu! Ông Shida thì sao ạ?
- Tao thì khỏi đi. Giờ tao phải ghé quán cà phê internet để tắm nữa.
- Sao thế ạ? Ông ăn cơm xong hẵng đi cũng được mà!
- Vé giảm giá sắp hết giờ sử dụng rồi. Dạo gần đây nhà tắm công cộng ít đi, tắm rửa cũng vất vả lắm. Dọn dẹp xong phần này là tao về thôi.
- Thế ạ, nếu không ngại thì ông cứ tắm ở nhà cháu đi. Dù đây cũng không phải là phòng tắm hạng nhất.
- Được lời như cởi tấm lòng đấy, nhưng sao mà làm thế được! Tắm rửa ở nhà mấy cô gái trẻ thế này bất tiện lắm, phải không?
- Dạ... có lẽ là vậy.
Tôi hiểu tâm trạng của ông. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ do dự. Nhặt xong cọng đậu cô ve cuối cùng, ông Shida đứng lên khỏi ghế:
- Nhân tiện tao cũng có chuyện muốn hỏi chú mày. Gần đây trục trặc gì với lão chủ tiệm sách Hitori phải không?
- Hả? - Tôi giật mình khi cái tên đó đột nhiên được nhắc đến.
- Tiệm Hitori là tiệm nào vậy ạ? - Ayaka hỏi trong lúc đều tay trộn những lát cá ngừ với khoai nghiền. Thực đơn hôm nay hình như là món maguro yamakake don [cơm cá ngừ sống và khoai mài]. Không ngờ một nữ sinh trung học lại làm được món này.
- Ở Tsujido đấy. Chủ nhân là một lão già quạu cọ, nhưng tiệm được lắm. Con bé chị mày cũng hay đến đó. Tao đã chạm mặt mấy lần rồi.
- Ồ thế ạ?
- Ông Shida hay đến tiệm sách Hitori ạ?
Tôi rất ngạc nhiên. Đây là lần đầu tôi nghe chuyện này.
- Ủa, không biết à? Chỗ đó từ ổ của tao đi ra khá gần, lại còn thu mua tiểu thuyết kì bí và khoa học viễn tưởng khổ bunko với giá cao nữa. Tao hay đến đó lắm!
Tiệm Hitori tập hợp kha khá sách bunko tuyệt bản. Ồng Shida hay lui tới cũng không có gì là lạ.
- Ông chủ đằng ấy có biết ông Shida hay tới Biblia không ạ?
- Ôi dào. Này nhé, ngay sáng nay tao sang đó bán sách, lão ta cũng hỏi han lằng nhằng! Cái thằng to con tên Gora ra sao, khách đến tiệm này trông thế nào, con bé chủ tiệm gần đây có gì quai quái phải không...
- Ơ kìa? Sao ông ta lại hỏi những chuyện như thế chứ? - Ayaka nhíu mày.
- Tao cũng thấy lạ và thắc mắc ngay, nhưng lão ta không muốn trả lời thành thật. Vậy thực tế là thế nào? Đã xảy ra chuyện gì với lão chủ tiệm ấy?
- Gần đây thì không... Đợt trước có chút rắc rối, nhưng giải quyết xong rồi.
Chính là vụ mất cắp Cô gái bồ công anh xảy ra cách đây mấy tháng. Thủ phạm đã bị bắt, sách cũng được hoàn trả. Sau đó chúng tôi không gặp ông chủ tiệm Hitori thêm lần nào nữa.
- Thế à? Nếu vậy thì là chuyện gì?
Là chuyện gì nhỉ...?
Tôi bỗng nhớ đến tập Tội ác bằng tranh gắn nhãn giá của tiệm Hitori ở nhà Kishiro Keiko. Khả năng cao là bà ấy và ông Inoue quen biết nhau. Chưa biết chừng lại có liên quan đến lời ủy thác lần này. Rời khỏi nhà bếp, tôi bước lên cầu thang trong tâm trạng lo âu.

2

Lên đến tầng hai, tôi thấy Shioriko đang ngồi đợi trên chiếu. Cô mặc đồ ở nhà, gồm sơ mi bằng vải flannel dày và váy xếp ly.
- Lỗi quá, bắt anh phải chạy đi chạy lại!
- Không có gì đâu... Tôi vào nhé!
Phòng thoảng mùi thơm thơm của sữa tắm hoặc dầu gội đầu. Không phải phòng tắm hạng nhất, tôi chợt nhớ lại lời em gái cô khi nãy. Tôi ngồi khoanh chân đối diện với cô và truyền đạt lại nguyên văn câu chuyện của ông Shida. Shioriko chăm chú lắng nghe mà không hề lảng tránh ánh mắt tôi. Hình như do mới tắm xong nên má và đầu mũi cô đỏ ửng. Còn tôi cứ nhìn quanh đi quẩn lại.
- Tôi nghĩ bây giờ không cần bận tâm chuyện của tiệm Hitori nữa. Lần tới khi gặp bà Keiko, chúng ta hãy hỏi thử xem. - Cô nói và đưa cho tôi một phong bì to màu nâu.
Tôi mở phong bì, rút mấy tờ giấy vàng nâu chi chít chữ. Chính là nét chữ của Kishiro Keiko tôi nhìn thấy hồi trưa. Thân thế của Kayama Akira được trình bày chi tiết trong mấy tờ giấy này. Tờ thứ nhất là sơ đồ gia phả.
Chữ số chắc là để chỉ năm sinh và năm mất, Kayama Akira sinh năm 1928, mất năm 82 tuổi. Hiện giờ nhà Kayama có bốn người.
- Ông ấy hơn bà Keiko khá nhiều tuổi thì phải.
Kishiro Keiko đồng trang lứa với Kayama Yoshihiko và Kayama Naomi. Cha cặp kè với một phụ nữ trạc tuổi mình, con cái nào mà chẳng khó chịu.

Tôi đọc lai lịch của Kayama Akira một cách cẩn thận. Ông chào đời ở quận Naka, thành phố Nagoya, tỉnh Aichi. Sokichi cha ông cũng sinh ra ở nơi này, tài liệu còn nói “Sokichi liên tục đổi nghề và làm đủ mọi việc như phu kéo xe, nhân viên quán trọ, bán hàng rong, cả nhà ông lâm vào cảnh khốn khó đến cùng cực. Năm 1933, sau khi đưa cả nhà lên Tokyo, ông đã thành công vực dậy công ty chế phẩm cao su và từ đó cuộc sống của gia đình ổn định trở lại”. Cách trần thuật thờ ơ đến mức có thể gọi là lạnh lùng, liệu có phải là tại tính cách của người viết không?
- Việc giao dịch với quân đội chắc là tiến hành sau khi vực dậy công ty này. - Shioriko lầm bầm.
Tôi lật sang trang tiếp theo.
Lớn lên, Kayama Akira theo học một trường đại học công lập, tốt nghiệp thì phụ giúp công việc kinh doanh của cha vài năm, rồi đứng ra thành lập trường học tư nhân và thành công với vai trò một nhà kinh doanh trường dạy nghề tổng hợp. Tên ngôi trường này tôi cũng biết.
Cơ sở chính của trường ở Yokohama, đi tuyến Tokaido là tới nơi. Mỗi năm chắc cũng có vài người từ trường cấp ba của tôi đến nhập học tại đây. Ngoài ra, Akira còn kinh doanh thêm trường đại học tư nhân và trường dân lập liên thông cấp hai và cấp ba.
Phần lý lịch cũng có ghi là vào năm trước khi mất “ông nhận huân chương chính phủ nhờ được đánh giá cao trong hoạt động giáo dục nhiều năm liền”. Hiện tại con trai ông là Yoshihiko đang đảm nhiệm chức hiệu trưởng.
Một lý lịch thật đáng nể!
Kayama Akira là một người có danh tiếng. Từng dòng từng chữ đều nhấn mạnh tư cách nhà giáo dục chân chính của ông, ai mà ngờ người như thế lại bao nuôi hồ bịch bên ngoài.
Trang còn lại của tập giấy ghi địa chỉ và người liên lạc của gia đình Kayama cùng những trường học họ kinh doanh. Nhà chính của gia đình Kayama hình như ở Daigiri thuộc thành phố Fujisawa.
Phần cuối “hồ sơ” có bình luận của Kayama Akira về các tác phẩm của Ranpo.
Ông đánh giá cao những truyện ngắn suy luận cổ điển thời kì đầu như “Đồng 2 xu”, “Bài thi tâm lý”, “Vụ án mạng trên dốc D”, những truyện dài bình dân như Người nhện, Ma cà rồng lại không được đả động mấy, ông còn rất thích những truyện ngắn nặng tính giả tưởng và kì quái như “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”, “Tình yêu của kẻ vô lại”.
- Suy luận cổ điển, cụ thể là những truyện thế nào vậy?
Nguyên ngày hôm nay, tôi đã nghe từ “cổ điển” mấy lần nhưng chỉ hình dung được đại khái chứ không biết ý nghĩa cụ thể.
- Rất khó định nghĩa một cách đơn giản. Có thể nói đó là những truyện mà bí ẩn đưa ra sẽ được giải quyết một cách logic dựa trên những manh mối trung thực, nghĩa là thể loại tập trung vào quá trình suy luận hợp lý.
- Thì ra là vậy. - Tôi phụ họa, khái niệm mơ hồ đã thể hiện được bằng ngôn từ.
- Thật ra, xét theo cách nhìn bây giờ, có những tác phẩm thời kì đầu của Ranpo không thể nói là suy luận hợp lý. Ông sở trường về ý tưởng độc đáo và lối kể kịch tính, nhưng còn khá yếu ở kĩ năng xâu chuỗi chặt chẽ các chi tiết để tạo nên một câu chuyện.
- Thế à?
- Ví dụ khi đăng dài kì trên các tạp chí, có nhân vật ông dàn cảnh sắp xếp mọi thứ để chuẩn bị cho họ chết, nhưng cuối cùng họ vẫn sống... Nhiều lần như vậy lắm, nên việc tìm hiểu những tình tiết đã được đính chính khi ra sách cũng khá thú vị. Nói mới nhớ, ngay cả tác phẩm đầu tay cũng sai cơ bản ở nội dung mãi đến những năm cuối đời mới được phát hiện sửa chữa. Tuy nhiên, không phải chỉ mình Ranpo là không ý thức được các chỗ phi logic...
Đang say sưa nói, Shioriko nhận ra mình lại lạc đề. Cô xin lỗi rồi nhìn xuống tờ giấy, ơ không, người chuyển hướng sang đề tài không liên quan chính là tôi mà.
- À, anh Daisuke nghĩ sao về nội dung viết trong đây?
- Hả? À, tôi nghĩ bà ấy trình bày rất chỉn chu. -
Tôi lật xem lần nữa xấp giấy đang đặt trên chiếu. Nó tập hợp mọi thông tin cơ bản về Kayama Akira, giống hệt hồ sơ điều tra hành vi. Chỉ hiềm, nhìn kĩ thì thấy những thông tin này có điểm không ổn lắm. - Chỉn chu quá mức phải không?
- Đúng vậy. - Shioriko gật đầu, nhích lại gần tôi, hai chân vẫn xếp chéo sang một bên. - Bà Kuniyo mang cái này tới khoảng một giờ trước... Tính từ lúc chúng ta rời khỏi nhà họ ở Yukinoshita thì chưa đầy hai tiếng. Trong khoảng thời gian đó mà bà Keiko đã ghi xong thì anh có nghĩ là quá nhanh không?
- Nhưng số lượng câu chỉ có bấy nhiêu, nếu viết nhanh thì cũng...? - Tôi nhớ lại dáng vẻ Kishiro Keiko khi viết chữ. Bà viết rất chậm. Khó mà hoàn thành “hồ sơ” nhanh thế này! - Nghĩa là Kishiro Keiko đã tổng hợp lý lịch Kayama Akira từ trước?
- Tôi nghĩ vậy. - Shioriko gật đầu, đưa ngón trỏ lên. - Còn một điều nữa. Người đã nói rằng sẽ tổng hợp lý lịch ra giấy rồi đưa tới không phải là người viết cái này, mà là bà em. Cũng có khả năng Kishiro Keiko tiếp chúng ta là do em gái chỉ vẽ đường đi nước bước.
Lời Tanabe Kuniyo hiện lên trong đầu tôi. “Tôi muốn thực hiện nguyện vọng của chị ấy bằng bất cứ giá nào”.
- Vậy thì, kể cả việc nhờ chúng ta sang nhà Kayama tìm chìa khóa cũng là...
- Không phải theo ý của bà chị, tôi nghĩ thế. Thật ra vừa rồi khi đến đây, Tanabe Kuniyo có nói đã gọi cho Kayama Yoshihiko lần nữa, giới thiệu chúng ta với nhà bên ấy, và họ hẹn mình chiều tối mai đến.
- Hả?
Nội dung ủy thác rất thiếu tự nhiên, diễn biến sắp đặt quá kĩ lưỡng. Mục đích của bà ta là buộc chúng tôi phải gặp người nhà Kayama, đúng không?
- Có gì đó kì lạ... trong mọi việc.
Bà ta chỉ cần nói thẳng ngay từ đầu, rằng muốn chúng tôi đến nhà Kayama lấy chìa khóa về, thế là xong. Sao phải tiến hành một trình tự vòng vèo thế này?
- Tôi chưa hiểu sự tình ra sao... Nhưng rõ ràng người đó muốn mở két sắt bằng mọi giá. Dù gì cũng nên để ý đến hành động và lời nói của hai người này.
- Theo cô, trong két sắt có thứ gì?
Tôi cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể Shioriko, thì ra tôi đã ngả lại gần cô tự lúc nào.
- Nếu thực sự là đồ quý hiếm liên quan đến Ranpo, thì chắc chắn không đơn thuần là sách cũ. Khả năng cao là di vật đặc biệt hoặc bản thảo viết tay. Giá thị trường ít nhất cũng phải trên một triệu yên.
- Nói được đến mức này, nghĩa là cô đã đoán ra rồi?
- Anh Daisuke, lúc ở nhà Keiko, anh đã cầm quyển Egawa Ranko phải không?
Đột nhiên cô đổi đề tài, tôi hơi hẫng nhưng cũng gật đầu.
- Tôi đã cầm... Đó cũng là tiểu thuyết hả?
- Ừm, nó là tiểu thuyết hợp tác giữa các tác giả trinh thám đương thời, viết theo hình thức tiếp sức từ năm 1930 đến 1931. Người chấp bút đầu tiên là Ranpo, dĩ nhiên nhan đề cũng do Ranpo đặt. Chuyện kể về cuộc đời đầy sóng gió của cô Egawa Ranko xinh đẹp, thuở nhỏ cha mẹ bị thảm sát, lớn lên đắm chìm vào thế giới khoái lạc và bạo lực. Đây là một tác phẩm phiêu lưu có cốt truyện hay, thời bấy giờ còn vài cuốn nữa cấu tứ dưới dạng hợp tác. Egawa Ranko được thực hiện bởi một đội ngũ cực kì hùng hậu. Người chấp bút tiếp theo là Yokomizo Seishi, ngoài ra còn có Yumeno Kyusaku, Koga Saburo, Oshita Udaru, Morishita Uson...
Cái tên Yokomizo Seishi thì tôi mới thấy lúc nãy. Tôi nhớ rõ, ông chính là người sáng tạo nhân vật Kindaichi Kosuke.
- Edogawa Ranpo và Yokomizo Seishi có thân nhau không?
- Có, tất nhiên. Qua sự giới thiệu của người quen mà hai người họ trở nên thân thiết, chính Ranpo là người khuyến khích Yokomizo Seishi viết tiểu thuyết trinh thám, điều này đã tạo cơ hội để ông ra mắt với tư cách nhà văn. Thời trẻ Yokomizo Seishi là biên tập viên tạp chí, có thời còn phụ trách biên tập cả sách của Ranpo. Tình bạn của họ kéo dài tới bốn mươi năm đến tận lúc Ranpo qua đời.
- Thế cơ à?
Tôi không hề hay biết. Hóa ra cha đẻ của Akechi Kogoro và cha đẻ của Kindaichi Kosuke có quan hệ sâu sắc đến thế.
- Rồi sao?
- Trong các bản in đầu tiên của Ranpo thì Egawa Ranko là cao giá nhất.
Bầu không khí lắng xuống, tôi rụt rè mở miệng:
- Cao là khoảng bao nhiêu?
- Sách mà đẹp thì ít nhất cũng phải một triệu yên trở lên. Sách quý hiếm nhường ấy còn không thèm che chắn gì, thì thứ bên trong két sắt phải quý giá hơn rồi!
Mồ hôi lạnh tuôn trên lưng tôi. Tôi cứ tưởng đó chỉ là tác phẩm bình thường nên vô tư sờ vào. Thảo nào lúc nó suýt rớt, chỉ mình Shioriko kêu lên.
- Có lẽ Tanabe Kuniyo cũng không biết đâu.
Bà ta đã ấn cuốn Egawa Ranko vào giá sách một cách thô bạo. Trước sự vụng về của tôi, bà ấy tỏ ra phật ý nhưng không hề giật mình. Nếu biết được giá trị của nó thì hẳn bà ta đã tái mét mặt ra rồi.
- Rất có thể! Cũng chẳng mấy khi gia đình của người sưu tầm sách cũ có hứng thú với sách cũ mà.
Bất giác tôi chăm chú nhìn Shioriko. Chuyện đang nói nghe như chuyện của người khác, nhưng thực tế chị em Shinokawa chính là ví dụ rõ nhất. Chị thì “mọt sách” cực độ còn cô em gái gần như không đọc gì. Dù vậy, không có nghĩa là họ không thương nhau. Nói mới để ý, ngay cả việc cô em tận tình chăm sóc cô chị bị thương cũng giống cảnh nhà Kishiro Keiko.
Sở thích khác nhau nhưng tình cảm dành cho gia đình luôn không thay đổi.
Chứ cháu đây, một mẩu giấy ghi chú mẹ còn không cho, đừng nói tới sách”. Lời Shinokawa Ayaka khi nãy vẫn văng vẳng bên tai. Tại sao Chieko không để lại thứ gì cho cô bé? Phải chăng vì người con thứ không giống mình, không ham đọc sách nên bà mặc kệ thế nào xong thôi?
- À, anh Daisuke?
Nghe gọi, tôi ngước mắt lên, mặt Shioriko còn gần hơn khi nãy. Khoảng cách giữa chúng tôi sát rạt đến mức tiêu cự không còn xác định được điểm nhìn. Tôi cũng hiểu rõ rằng cô chỉ đang chú tâm vào câu chuyện và không có ý đồ nào khác. Dù vậy, bàn tay tôi để trên đùi vẫn bất giác nắm chặt lại.
- Ngày mai, Aya sẽ lo đóng cửa tiệm, tôi định tầm chiều đến nhà Kayama. Anh Daisuke thì sao...?
- À, dĩ nhiên tôi sẽ cùng đi chứ. Tôi sẽ lái xe.
Shioriko đặt tay lên bầu ngực căng đầy như thở phào nhẹ nhõm. Bị cử động đó thu hút, tôi bất giác đưa mắt nhìn theo.
- Cảm ơn anh nhé. Hồi nãy tôi có xem thử địa chỉ, thấy hơi xa nhà ga và đường lại nhiều dốc nên đang lo không biết phải làm sao. Tôi sẽ trả ơn anh đàng hoàng... Anh sao thế?
- À, không, trả ơn gì vậy?
Chắc vì đang dao động nên tôi đã buột miệng hỏi. Đôi môi cô hé mở:
- Ôi trời, tôi chưa nói sao?
- Vâ... vâng.
- Tiền thưởng.
Trong chốc lát, đầu óc tôi trống rỗng:
- Hả?
- Tiền thưởng... Này nhé, chẳng phải từ trước tôi đã nhờ anh Daisuke đủ thứ chuyện rồi sao? Gần đây anh cũng giúp tôi sắp xếp lại nhà chính nữa... À, mặc dù tôi không thể trả cho anh được nhiều nhưng...
Cô e thẹn đan các đầu ngón tay của hai bàn tay vào nhau. Cử chỉ rất dễ thương, nhưng tim tôi bỗng lạnh buốt. Không phải tôi giận. Mà tôi thất vọng vì không khiến cô cảm nhận được tâm ý của mình, lại còn mất công mơ mộng vẩn vơ vì hai chữ “trả ơn”, các ý nghĩ cứ thế quấn vào nhau, rối ren phức tạp.
- Tôi làm không phải vì muốn được trả ơn!
Giọng điệu tôi bỗng cứng rắn khác thường. Cặp mắt Shioriko đằng sau tròng kính mở to, chừng như rất ngạc nhiên.
- Tiền thưởng gì đó không cần đâu! - Giọng tôi nhỏ lại thảm hại. Thật ra, nói không cần tiền thưởng là nói dối. Vì bình thường lương của tôi cũng chẳng nhiều nhặn gì. - Nhưng mà, khi xong xuôi vụ này, cô có thể đi chơi với tôi không? Không phải trả ơn, mà là hẹn hò!
Thật ra đã vài lần chúng tôi ra ngoài với nhau, nhưng báo trước một cách rõ ràng đây là hẹn hò thì mới là lần đầu tiên. Tôi do dự đến tận bây giờ chỉ vì từng nghe cô tuyên bố “sẽ ở vậy cả đời”, bụng bảo dạ nếu thổ lộ thì sẽ bị cự tuyệt mà thôi.
- Hẹn hò... - Shioriko thì thầm một cách yếu ớt. Tôi đợi câu trả lời, nhưng cô không hứa sẽ đi cũng không từ chối. Cô đờ người ra, vẫn giữ vẻ ngạc nhiên.
Dù sao tôi cũng nghĩ là mình đã truyền đạt được tâm tư. Tôi sẽ không lùi bước nữa.
- Cô cân nhắc xem!
Sau khi bật dậy và sải bước ra khỏi phòng, tôi lao như tên bắn xuống cầu thang.

3

Ngày tiếp theo, chúng tôi tới nhà Kayama sớm hơn một chút so với giờ hẹn. Ngôi nhà nằm cuối con đường ngoằn ngoèo trên sườn đồi yên tĩnh. Bước ra khỏi xe van, chúng tôi kinh ngạc nhìn cánh cổng sắt có trang trí, và trụ cổng làm bằng gạch. Con đường nhỏ trải đá kéo dài như rẽ vào lùm cây, từ chỗ này không nhìn được ngôi nhà. Chỉ thế thôi cũng đủ thấy đây là khu đất rất rộng.
- Đi nào!
Shioriko mặc chiếc áo khoác màu nhạt như mùa xuân.
Vì đã được hướng dẫn là nên vào từ cổng ngách, chúng tôi bèn đi theo lối đó.
Nghĩ lại thì thấy nhà Kishiro Keiko đang ở cũng khá rộng. Vậy thì nhà chính của Kayama Akira, chủ sở hữu biệt thự đó, không lý nào lại nhỏ hơn được. Gia đình chúng tôi sẽ gặp sau đây nghe nói là một gia đình tư bản đúng nghĩa.
Chẳng mấy chốc hình bóng ngôi nhà hiện ra. Đó là một tòa nhà hai tầng lớn kiểu Tây, nổi bật vì sự tương phản giữa ngói nâu đỏ và tường đá trắng. Diện mạo được giữ gìn tinh tươm, nhưng xem chừng đã có lịch sử lâu đời. Nếu nó được xếp hạng di sản văn hóa của thành phố hay của tỉnh thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
- Một ngôi nhà tuyệt vời! Thật giống ngôi nhà được tả trong series Đội thám tử nhí. - Shioriko mê mẩn buông tiếng thở dài. - Quái nhân hai mươi khuôn mặt có xuất hiện ở đây cũng không lấy gì làm lạ.
- Thế, thế á?
Nếu là bình thường thì tôi đã có thể nói những câu đại loại “Không phải tôi đang khen đâu”, nhưng hôm nay tâm trạng tôi đang rối bời. Lời thổ lộ tối qua vẫn còn để lại dư âm, nên tôi không biết phải tỏ thái độ thế nào. Nói được câu “Cô cân nhắc xem” thì cũng hùng dũng đấy, nhưng lúc ấy tôi quên béng mất là hằng ngày vẫn phải làm việc cùng cô.
Biểu hiện của Shioriko không có gì đổi khác so với mọi khi. Tôi rất muốn hỏi “Cô có đang cân nhắc không đấy?” nhưng không thể, nên tạm thời chỉ còn cách quan sát qua thái độ.
Shioriko bấm chiếc chuông bằng đồng ở lối vào nhà, dù chống nạng, cô vẫn đứng thẳng lưng một cách đường hoàng. Trên cánh cửa, khe hở dài và hẹp ngang tầm mắt mở ra, để lộ một đôi mắt đàn ông đeo kính gọng kim loại. Vết nhăn hằn ở ấn đường như nói lên tâm trạng của người đó.
Khe hở đóng lại, trong tích tắc bầu không khí tĩnh lặng hẳn đi. Không hiểu sao tôi có cảm giác mình sẽ bị cho chờ mãi thế này, nhưng chẳng mấy chốc cánh cửa kiên cố đã chầm chậm mở ra.
Một người đàn ông gầy gò, có khuôn mặt dài và đôi môi dày hiện ra. Hẳn đã ngoài năm mươi, cằm chảy xệ và tóc lưa thưa. Áo len may khéo phối với quần dài có nếp là, kiểu dáng giống đồ mặc ở nhà nhưng chỉn chu quá mức nên trông có phần thiếu tự nhiên, làm tôi liên tưởng tới ma nơ canh ở quầy bán trang phục nam trong trung tâm thương mại.
- À, cháu đến đây theo ủy thác của bà Kishiro Keiko, cháu là Shinokawa.
- A, chỗ tiệm sách cũ. Còn Tanabe đâu? - ông nhắc tới cái tên ấy như đang phỉ nhổ.
- Hôm nay... chỉ có chúng cháu đến thôi ạ.
Tanabe Kuniyo e rằng mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp nếu có mặt bà, nên đã không đi. Đó đúng là quyết định chính xác, tôi thầm nhận xét khi quan sát khuôn mặt đàn ông khó đăm đăm kia. Dĩ nhiên với chúng tôi ông ta cũng thể hiện một thái độ không thể nói là dễ chịu.
- Tôi là Kayama Yoshihiko. Đứng ở đây không hay lắm, vào trong đi!
Tôi và Shioriko được dẫn vào phòng khách ngập nắng chiều.
Đồ nội thất rất đồ sộ, xem chừng toàn là hàng quý hiếm, thành thật mà nói, tôi cảm thấy không được thoải mái giữa đống đồ đạc này. Khi chúng tôi ngồi vào chiếc sofa đôi, Kayama Yoshihiko cũng ngả lưng trên chiếc sofa đơn phía đối diện. Đúng là người đã sống ở đây lâu năm, dáng dấp ông cực kì hài hòa với chiếc ghế.
- Thật là một nơi chốn tuyệt vời! - Shioriko thì thầm khen ngợi.
- Nhà riêng của một kiến trúc sư người Mỹ đầu thời Chiêu Hòa, do ông ta đích thân thiết kế. Vài năm sau ông tôi mua lại, nội thất và đồ đạc trước chiến tranh cũng còn lại nhiều làm.
Yoshihiko điềm đạm giải thích.
Bất ngờ cánh cửa mở ra, một phụ nữ tóc ngắn ló mặt vào. Người này xem chừng kém ông vài tuổi, mặc áo len có kiểu dáng tương tự dù không phải là đồ đôi.
- Anh... A!
Nhận ra có khách, bà cúi đầu chào với vẻ nghi ngờ. Chắc đây là Hidemi, vợ của Yoshihiko. Chúng tôi định nhỏm dậy đáp lễ nhưng Yoshihiko đã khoát tay ý bảo cứ ngồi yên.
- Những người đưa tin từ Kamakura. Xong việc ngay thôi, em không cần phải làm gì đâu.
Ông nói với vợ nhưng lông mày không hề nhúc nhích. Bà vợ chừng như hiểu ý, gật đầu qua loa rồi đóng cửa lại.
Nghĩ cho kĩ thì cũng không thể khác được, Kishiro Keiko bị gia đình này ghét cay ghét đắng mà.
- Sao nào? Nghe nói hai người đến đây tìm chìa khóa?
- Vâ... vâng.
- Tôi nói với bên đó rồi, ở đây không tìm thấy chìa khóa, cũng không biết mật khẩu. Cha tôi không hé một lời nào về két củng. Vả lại, nhà này chẳng hứng thú gì với cái két lẫn những thứ liên quan. Tôi đã khuyên gọi người mở khóa đến phá đi mà lại. Tại sao bà ta không làm thế chứ?
- Tại bà ấy lo nhỡ bên trong có cái gì...
Shioriko thu mình lại, trả lời mà không nhìn vào mắt đối phương. Cũng vì Yoshihiko trông đường bệ quá, không hiểu sao tôi lại liên tưởng đến cảnh cô học trò đang bị thầy giáo mắng.
- Rốt cuộc là cái gì ở trong két sắt? Nghe nói là đồ quý hiếm liên quan đến Edogawa Ranpo.
- Cháu không hỏi ạ.
- Cô không biết mà đi hợp tác à? Nhưng tại sao tiệm sách cũ lại nhận chân sai vặt thế này chứ?
- Ông Kayama Akira cha bác, hồi xưa rất hay mua sách ở tiệm cháu. Vi mối duyên này, bà Keiko mới nhờ bọn cháu tìm hiểu giúp mật khẩu.
Vẫn ấp úng như mọi khi, nhưng Shioriko đã giải thích một cách an toàn. Dù có kể lể dài dòng là mở được két sắt thì sẽ được bán cho bộ sưu tập, được cho xem bên trong cái két thì cũng chẳng để làm gì.
- Vậy à? - Không biết tại sao nếp nhăn giữa ấn đường Yoshihiko đã biến mất. Ông ấn ngón tay vào thái dương, thẫn thờ nhìn xuống vành chiếc bàn tròn. - Người sưu tầm truyện trinh thám cất vào ngôi nhà ở Kamakura có thật là ông nội và cha tôi không?
- Cháu chưa từng gặp hai vị đó... Nhưng trong danh sách khách hàng của tiệm vẫn còn tên ông Kayama Akira và địa chỉ ở Kamakura. Cháu xin lỗi, nhưng bác không biết chuyện đó ạ?
- Tôi không biết. - Yoshihiko thở dài lẩm bẩm. Có cảm giác cuối cùng tôi cũng được nhìn thấy một phản ứng giống người của người đàn ông này. - Tôi chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của biệt thự ở Kamakura. Sau cái chết đột ngột của cha, tôi đã rất sửng sốt khi mở di chúc. Mọi người trong nhà cũng vậy. Chỉ riêng luật sư cố vấn từ thời cha là biết thôi.
Ngồi bên cạnh tôi, Shioriko gật đầu lấy lệ. Xem chừng cô đang lúng túng vì đột nhiên được nghe người lạ kể về hoàn cảnh của họ, không biết phải tiếp lời vào thời điểm nào.
- Rốt cuộc chúng tôi đã tuân thủ bản di chúc. Nếu thiên hạ biết đến sự tồn tại của con người đó thì sẽ rất khó khăn cho chúng tôi. Tôi cũng mong cô thông cảm cho tình huống này.
- Tấ... tất nhiên rồi ạ. Xin bác yên tâm!
Thật đáng tiếc, chủ tiệm của tôi lại đi ấp úng vào đúng lúc ấy. Không rõ có phải vì bất an, vết nhăn giữa ấn đường của Kayama Yoshihiko lại hằn sâu.
Tôi đã hiểu đôi chút tình hình ở đây. Thoáng nhìn ngôi nhà là biết gia đình Kayama nắm một khối tài sản khá lớn, không đến nỗi tranh chấp với Kishiro Keiko vì việc phân chia của cải như tôi đã tưởng. Điều khiến Kayama Yoshihiko lo sợ hơn cả là người ngoài biết chuyện cha mình, một “nhà giáo dục”, lại có quan hệ bất chính ngoài luồng. Với một người kế nghiệp cha, ngồi ở vị trí hiệu trưởng như ông thì đúng là có nhiều chuyện phải chú ý. Ông đồng ý gặp mặt những người không quen biết như chúng tôi, chắc cũng để tránh việc kích động Kishiro Keiko.
- Bác đã đến thăm... ngôi nhà ở Kamakura rồi phải không ạ? - Shỉorỉko hỏi.
- Lần đầu tiên là sau khi động đất. Còn trước nữa chúng tôi chỉ nói chuyện qua điện thoại.
- Sao lại gặp đột ngột như thế ạ?
Đúng. Chị em nhà đó cũng nói “họ từ chối cho mãi đến gần đây”. Nghĩa là gần đây mới bắt đầu gặp.
- Vì tôi không tiện từ chối lời nhờ vả của người mắc bệnh nặng và bị thương như thế. - Kayama Yoshihiko trả lời, - Khoảng nửa năm trước, bên đó tự dưng im hơi lặng tiếng làm tôi thấy lạ. Hỏi luật sư riêng thì nghe nói ông ấy cũng có việc đến tìm mấy lần nhưng nhà cửa chẳng có ai. Chắc đấy là lúc bà ta nhập viện.
Nghĩa là Kishiro Keiko đã nhập viện khoảng nửa năm trước. Phù hợp với câu chuyện chúng tôi nghe được.
- Ắt bà ta vẫn nghĩ là tôi đang giữ chìa khóa lẫn mật khẩu. Hiểu lầm như thế thì tôi cũng không biết phải làm sao. Nên tôi đành nhượng bộ và nói rằng tạm thời sẽ tìm chìa khóa trước. - Kayama Yoshihiko khẽ lắc đầu.
Tôi cảm nhận được sự thông cảm của ông đối với Keiko, dù chỉ là một chút.
- Bác có tìm hiểu lai lịch Kishiro Keiko và gia đình bà ấy không?
Tôi nhớ lại lời dặn của Shioriko tối qua, rằng cần chú ý đến hành động và lời nói của hai chị em nhà này. Chắc cô cũng muốn thu thập thông tin về họ.
Kayama Yoshihiko tất nhiên không đoán được ý đồ của câu hỏi, ông trả lời ngay tắp lự:
- Tôi tìm hiểu rồi. Xuất thân ở thị trấn Miyashiro, họ hàng hiện thời chỉ có một em gái và một cháu trai, cha mẹ mất khoảng hai mươi năm về trước, không còn thân thích nào khác. Mà bên cô không biết gì sao?
- Bà... bà ấy không nói nhiều về bản thân. Với lại để tìm ra mật khẩu, cháu nghĩ cũng nên tìm hiểu đôi chút thông tin về bà Keiko. Nếu, nếu như không có gì trở ngại, cháu có thể hỏi về quá trình quen biết giữa ông Kayama Akira và bà Keiko không ạ?
So với thái độ rụt rè thường thấy, câu hỏi này thật bạo gan. Kayama lập tức nhăn nhó khó chịu. Nhưng ông nhận ra có tránh né thì cũng vô ích nên bắt đầu giải thích, tuy vẫn bĩu môi.
- Gia đình không mấy khá giả, bản thân nhận được học bổng tư nhân để học đại học. Giám đốc của quỹ học bổng đó là cha tôi. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được tham gia một bữa tiệc thân mật để giao lưu với giám đốc của quỹ học bổng, và họ quen biết nhau. Bà ta ở lại học tiếp cao học, nghe nói định hướng làm nhà nghiên cứu.
- Nhà nghiên cứu?
- Lĩnh vực chuyên môn là văn học đại chúng cận đại, đặc biệt là tiểu thuyết trinh thám thời sơ khai. Đương nhiên có cả Edogawa Ranpo đúng không?
Trong một bữa tiệc như thế thì chuyên môn của sinh viên tự nhiên sẽ trở thành chủ đề bàn luận. Cả hai đã gặp được người cùng sở thích ở một nơi không ngờ tới.
- Luật sư riêng của gia đình tôi nói rằng, trong vài năm sau khi quen biết, họ chỉ gặp định kì và nói chuyện về sở thích thôi. Cha tôi mời ăn, giới thiệu việc làm thêm cho bà ta. Với người trẻ nói chung ông đều hành xử như vậy. Ông rất thích giúp đỡ người khác. - Kayama Yoshihiko tạm ngừng, mắt dõi lên trần như lần tìm kí ức. - Bà ta tốt nghiệp cao học và trở thành giảng viên, nhưng không đủ ăn nên vẫn cố kiếm một công việc làm thêm. Rốt cuộc sức khỏe bị tàn phá, mất việc, không lo nổi cả nơi ở, cha tôi bèn chu cấp cho bà ta ngôi nhà ở Kamakura. Đó là chuyện của hai lăm hai sáu năm về trước.
- Là sau khi cụ Kayama Sokichi qua đời, đúng không ạ? - Shioriko hỏi.
Tôi nhớ tới sơ đồ phả hệ. Hai lăm hai mươi sáu năm trước tức là khoảng năm 1985, lúc đó vợ Kayama Akira còn sống.
- Đúng vậy. Và chỉ còn một mình cha tôi ra vào ngôi nhà ở Kamakura. Nghe nói, lúc đầu ông thuê bà ta với tư cách quản lý nhà và bộ sưu tập sách, nhưng rốt cuộc... Cha tôi dù nghiêm túc nhưng cũng chỉ là người đàn ông phàm trần.
Giọng nói thất vọng pha lẫn nụ cười khổ sở. Với Kayama Yoshihiko, chắc chắn Akira là một người cha đáng tự hào. Phải chăng càng tôn kính bao nhiêu thì lại càng thất vọng bấy nhiêu?
- Ông nhà không nói chuyện về Ranpo với gia đình ạ?
- Không, hoàn toàn không. - Kayama Yoshihiko phủ định một cách dứt khoát. - Ban đầu tôi còn không biết ông thích đọc truyện trinh thám nữa kia. Khi ở nhà, cha hay ngồi lì trong thư phòng. Nhưng trong đó, đừng nói Ranpo, mà tiểu thuyết bình thường cũng không có. Ông là người thật thà, kiệm lời, nói thế nào nhỉ, là người khô khan vô vị. Ít nhất là như tôi thấy.
Thật kì lạ. Theo lời kể của Kishiro Keiko thì Kayama Akira là một người “rất thích sách, vui vẻ, tinh nghịch”. Nhận xét ở đây lại trái ngược hoàn toàn, như một người khác vậy. Sao mà sai lệch đến thế?
- Vì cha như thế, nên đối với việc vui chơi của con cái, gia dinh tôi cũng rất nghiêm khắc. Không cho mua truyện tranh dù là tự mua bằng tiền tiêu vặt, ti vi còn không được xem thoải mái. Chỉ cho đọc giai thoại vĩ nhân, từ điển bách khoa hay văn học thiếu nhi cha mẹ chọn sẵn thôi.
- Hả? - Shioriko cao giọng kinh ngạc. Với người từ nhỏ đã được đọc sách thỏa thích như cô thì cảnh ngộ này chẳng khác nào địa ngục. Chắc là chỉ tưởng tượng thôi đã muốn nghẹt thở rồi. - Cha bác cấm ạ?
- Không, chủ yếu là do phương châm của mẹ tôi. Mẹ lớn lên trong một gia đình quân nhân cấp cao, lại là trưởng nữ nên được giáo dục khá nghiêm khắc. Vì thế, bà cũng nghiệt ngã với các con mình. Cha không tỏ ý kiến gì về các quyết định của mẹ, nghĩa là ông cũng đồng tình rồi. Trong khi đó lại đi giấu nhẹm những tiểu thuyết trinh thám yêu thích.
- Nhưng tại sao lại cần giấu ở một nhà khác chứ? - Tôi đột ngột xen vào. Đó là chuyện khiến tôi băn khoăn suốt từ nãy đến giờ. - Cháu nghĩ để ở nhà này cũng được. Hơn nữa, giấu nhẹm cả với gia đình...
- Tôi vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân. Không chừng do đặc thù công việc hoặc sợ mang tiếng xấu. Tiểu thuyết dành cho người trưởng thành của Ranpo có nhiều cảnh dã man lắm đúng không? Nào là phanh thây cô gái trẻ, vùi thi thể vào thạch cao trang trí...
Tôi vẫn thấy chưa thỏa đáng. Việc trong ngôi nhà này không có lấy một cuốn tiểu thuyết, ngay cả của Ranpo thì tôi thấy hơi quá. Dường như còn một lý do nào khác.
- Nói mới nhớ, chỉ có series Đội thám tử nhí là ngoại lệ thôi. - Kayama Yoshihiko bất chợt nói. - Bộ đó là do cha gom về cho chúng tôi. Ông mua thêm ở hiệu sách đến mấy lần và đã gom được cho anh em tôi khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu quyển. Chỉ chừng đó thôi, mẹ đã không hài lòng, bà cho rằng nội dung truyện kích động quá nhiều. Cha tôi mua chắc vì ông hâm mộ Edogawa Ranpo.
- Nếu là thời bác còn nhỏ thì đó hẳn là bộ Đội thám tử nhí - Edogawa Ranpo toàn tập của nhà xuất bản Poplar. - Vừa chuyển qua chủ đề sách thì Shioriko đột nhiên ngẩng mặt lên, bắt đầu nói chuyện rất lanh lẹ. Bỗng chốc cô như biến thành một người khác. - Nếu xét trên số lượng thì có thể thấy ông nhà chỉ mua truyện cho thiếu nhi của Ranpo. Phải chăng số sách đó đang lẫn cả những quyển mà gáy có hình con nhện và những quyển gáy có hình mũ sắt phương Tây ạ?
Kayama Yoshihiko hơi dịu nét mặt:
- Đúng là người ở tiệm sách cũ có khác, biết rõ quá! Chính xác là thế. Nhà tôi cũng chẳng có mấy trò giải trí nên tôi đã đọc đi đọc lại khá nhiều lần mấy quyển đó.
- Sống ở ngôi nhà này, chắc hẳn sẽ có cảm giác rất tuyệt vời giống như mình đang có mặt trong chính câu chuyện vậy. Thật ghen tị quá ạ! Cứ như quái nhân hai mươi khuôn mặt thực sựsẽ xuất hiện... - Shioriko nhìn quanh phòng khách và thốt lên đầy cảm thán. Có lẽ cô cũng ngại chọc giận ông chủ nhà, nhưng vẫnkhông kìm được phấn chấn nên cứ nhấp nhổm.
- Đúng rồi, tôi từng tưởng tượng ra cảnh quái nhân đứng ngoài cửa sổ nhìn trộm vào đấy, cũng có lúc lại náo nức đi tìm những mẩu giấy nhắn không hề tồn tại.
- Và chơi trò đóng vai đội thám tử nhí nữa chứ...
- Đương nhiên rồi. Tôi đóng vai đội trưởng, em gái và đứa trẻ hàng xóm vào vai đội viên. Để chuẩn bị khi quái nhân tới, chúng tôi đã đào mấy cái hố bẫy ở ngoài vườn nên bị mẹ la mắng dữ dội.
Đang say sưa kể, Kayama Yoshihiko bỗng im bặt, rồi mau chóng trấn tĩnh lại. ông đằng hắng một tiếng và ngả lưng ra sofa, trở về với biểu hiện khó chịu ban nãy giống như vừa đeo lại mặt nạ.
- Lên trung học cũng là lúc giã từ những trò chơi như thế. - Ông nói và đứng lên khỏi ghế, nhìn xuống chúng tôi vẫn đang ngồi, - Toàn là chuyện vô bổ, nói đến đây đủ rồi. Trước mắt cô hãy thông báo cho người đàn bà đó rằng, tôi đã làm mọi cách mà không tìm thấy chìa khóa.
Rõ ràng là ông định đuổi chúng tôi. Nhưng Shioriko không chùn bước, giống như công tắc vẫn đang được bật:
- Có hai thứ cháu muốn được bác cho xem. Xem xong cháu sẽ về ạ.
Ông chủ nhà nheo mắt. Rõ ràng là đang cảnh giác:
- Xem cái gì?
- Nếu bác vẫn giữ, cháu muốn được xem Đội thám tử nhí - Edogawa Ranpo toàn tập của nhà xuất bản Poplar.
- Lý do?
- Trước mắt, cháu có chuyện muốn xác nhận. Sẽ xong ngay thôi ạ.
Kayama Yoshihiko đảo mắt nhìn ra chỗ khác, suy nghĩ một lúc rồi miễn cưỡng gật đâu.
- Được thôi. Chắc là vẫn để trên kệ sách trong kho. Thứ còn lại?
- Cháu muốn được xem thư phòng của ông nhà. - Shioriko nói dứt khoát, như thể đó là chuyện quá nhỏ nhặt vậy.

4

Căn phòng được gọi là kho nằm ở đầu khu nhà, nhỏ, ẩm thấp, quay ra hướng Bắc, đồ đạc bám đầy bụi. Các thiết bị điện cũ kĩ xếp thành hàng trông như đồ bày trong viện bảo tàng. Vì chỉ là thường dân nên tôi không kìm được ý nghĩ chắc toàn là món quý giá, nếu bán đi cũng được bộn tiền.
Kệ sách đặt cạnh ti vi có chân đứng. Tác phẩm của Edogawa Ranpo xếp thẳng hàng cùng từ điển bách khoa cũ và mấy cuốn khác giống như giáo trình đàm thoại tiếng Anh. Chính xác là dấu gáy sách có hai loại là hình con nhện và mũ sắt phương Tây. Còn dấu mặt nạ vàng mà tôi biết thì không thấy đâu.
- Đây là bản in trước khi đổi thành dấu mặt nạ vàng. - Shioriko giải thích nhỏ cho tôi nghe.
Lời giải thích vắn tắt hơn mọi khi, chắc cô giữ ý do có Kayama Yoshihiko khoanh tay đứng bên cạnh, vẻ mặt còn khó chịu hơn lúc nãy. Mà tôi nghĩ thế cũng không phải là quá đáng lắm. Tạm thời ông ấy còn nghe theo nguyện vọng của Shioriko, chứ cũng không biết được khi nào tâm trạng ông thay đổi.
- Anh Daisuke có thể lấy vài quyển cho tôi xem bên trong được không? Quyển có dấu hình con nhện ấy.
Một tay cô đang cầm nạng. Tôi gật đầu. Hình như những quyển có dấu con nhện là thuộc nửa đầu bộ sách, còn quyển có hình mũ sắt phương Tây là thuộc nửa sau. Phần nửa đầu đã rách bươm nhưng phần nửa sau vẫn còn rất đẹp. Tôi lần lượt lấy những quyển có dấu con nhện là “Quái nhân hai mươi khuôn mặt”, “Đội thám tử nhí”, “Quái nhân tàng hình” và mở các trang bên trong ra.
- Những quyển đầu đã được đọc khá nhiều nhỉ?
Shioriko bắt chuyện với Kayama Yoshihiko. Chắc cô nghĩ ông cũng thoải mái hơn khi ở chỗ này.
- Vì khi cha mua những quyển sau, chúng tôi đã lên trung học rồi.
Thái độ rất lạnh lùng, nhưng tôi cảm nhận được sự tự chủ trong lời ông nói, nên cũng thấy yên tâm.
- Quả nhiên, toàn là sách xuất bản vào cuối thập niên 1960 đầu 1970. Anh Daisuke, để chắc chắn, anh lấy luôn cả mấy quyển có dấu mũ sắt phương Tây nữa nhé!
- A, được!
Lần này, tôi chọn “Tiến sĩ phù thủy”, “Búp bê ác ma”, “Lời nguyền của quái nhân hai mặt” và mở ra như khi nãy. Những cuốn này gần giống với sách trong series Đội thám tử nhí mà hồi nhỏ tôi đã thấy.
Bên cạnh tranh vẽ đứa trẻ cầm máy vô tuyến, có chữ “Kayama Yoshihiko” viết thật to. Nói mới nhớ, hình như ở bìa lót của những quyển sách khác cũng thấy viết thế này.
- Tất cả đều viết tên phải không ạ? - Shioriko lại hỏi Yoshihiko.
Khuôn mặt ông thực sự cau có.
- Vì em gái tôi luôn cầm đi một cách tùy tiện, nên tôi đã nổi nóng rồi ghi vào đó. Lúc ấy tôi còn trẻ con mà. Với những cuốn sách có ghi tên, tôi cấm nó sờ vào. Mà vẫn chưa xong hả?
- Xin lỗi! Cháu xong rồi ạ. Anh Daisuke, được rồi.
Tôi để quyển “Lời nguyền của quái nhân hai mặt” vào kệ như cũ.
Shioriko quay sang Kayama Yoshihiko, cảm ơn một cách lịch sự.
- Cảm ơn bác rất nhiều. Vậy tiếp theo chúng ta đến thư phòng của ông nhà ạ.
- Trước khi đi, hãy nói xem nãy giờ cô đã xác nhận cái gì vậy?
- Cháu muốn xác nhận xem có phải tất cả đều là bản phát hành thời bác còn niên thiếu không. Thế thôi. Cháu nghĩ ông nhà mua toàn tập này cốt là để cho bác đấy.
- Chứ còn sao! Chính vì vậy tôi mới hỏi có vấn đề gì mà?
Shioriko im lặng một lát rồi lắc đầu khổ sở:
- Xem thư phòng xong cháu trả lời được không? Vì cháu nghĩ nên giải thích theo trình tự.
Cô đã nói thế thì chỉ còn cách cho xem thư phòng thôi. Yoshihiko hừ mũi, rảo bước đi trước. Shioriko chống nạng theo sau.
Không biết có thật là phải sắp xếp theo trình tự không, hay Shioriko chỉ cố ý nói vậy để được cho xem thư phòng. Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn nghĩ cô là một người rất cừ.
Thư phòng của Kayama Akira ở tầng hai, ngay từ lối vào đã khác với các phòng khác. Cánh cửa đẹp được trang trí bằng các tấm panel hình chữ nhật trông đồ sộ và nặng nề. Tôi phải giúp Shioriko đẩy cửa vì cô không thể mở bằng một tay.
- Cửa làm toàn bằng gỗ bách đấy. Lúc nhỏ tôi khốn khổ vì độ khó mở của nó, nhưng cha thích thế thì biết làm sao. Đồ đạc bên trong cũng toàn bằng gỗ bách cả.
Chúng tôi nghe Yoshihiko giải thích trong khi bước vào thư phòng.
Diện tích lớn hơn tôi nghĩ, trần nhà rất cao. Hai bên tường là giá sách cố định. Trước cửa sổ chính kê một cái bàn lớn cùng màu với cánh cửa. Phòng bài trí theo kiểu người đi vào sẽ đối diện với chủ nhân ngồi trước bàn. Gần cửa kê một bộ bàn ghế tiếp khách giống như ở tầng một. Không hiểu sao cách sắp đặt này làm tôi nghĩ tới phòng hiệu trưởng.
- Chỉ có phòng này là giữ nguyên như lúc cha còn sống. Tôi nói trước luôn, không có chìa khóa hay mật khẩu gì đâu. Tôi đã tìm qua một lượt rồi.
Yoshihiko nhắc nhở. Shioriko hướng ánh nhìn về giá sách.
- Ông nhà thường hay ở đây phải không?
- Hễ ăn cơm xong là cha ở lì trong thư phòng cho đến lúc đi ngủ. Làm việc hay gặp gỡ nói chuyện với những khách thân cũng chủ yếu là ở đây.
Trên giá có nhiều sách liên quan đến lịch sử và giáo dục. Đập vào mắt tôi là bộ Hệ thống tư tưởng Nhật BảnVăn hóa Minh Trị toàn tập được xếp thành hàng. Ngoài ra còn có từ điển tên người, từ điển tiếng nước ngoài, những tài liệu liên quan đến chữ nổi và thủ ngữ. Tôi nghĩ nội dung sách rất phù hợp với một nhà giáo dục, nhưng lạ một điều là không hề thấy chỗ nào thể hiện sở thích cá nhân. Giống hệt kệ sách trong thư viện.
- Trong nhà này, sách vở của ông chỉ nằm ở đây thôi phải không ạ?
- Đúng.
- Mọi người cũng được đọc những quyển sách này chứ?
- Tôi và vợ hay mượn các sách tra cứu. Lúc còn sống cha có nói cứ đọc tự do. Sao?
Shioriko dừng lại trước cánh cửa ở góc phòng:
- Cháu xem bên trong được không ạ?
Ông Yoshihiko thở phù một cái, dường như để kìm nén sự bực bội:
- Xin mời. Chỗ đó đã được dọn dẹp nên trống trơn rồi.
Ông chưa dứt lời thì cửa đã mở tung. Bên trong là tủ chứa đồ. Shioriko chống nạng, nhoài thân trên vào như nhìn ngó mọi ngóc ngách. Chẳng mấy chốc cô đóng cửa lại như cũ.
“Thì ra là vậy”.
Cô đang lý giải một mình. Chẳng giải thích gì thêm.
- Từ nãy đến giờ cô điều tra cái gì vậy? Cô cứ nói năng lấp lửng là thế nào đấy?
Kayama Yoshihiko cao giọng. Xem chừng sợi dây kiên nhẫn của ông đã đứt.
Shioriko không hề dao động, cô khẽ mở miệng:
- Từ khi xem kho sách ở nhà bà Keiko, cháu đã thắc mắc suốt. Tại sao bộ sưu tập Ranpo đằng ấy chỉ có các tác phẩm dành cho người trưởng thành?
- Nghĩa là sao? - Tôi hỏi theo thói quen.
Shioriko rời cửa tiến lại gần bàn:
- Không một quyển nào dành cho trẻ em, dạng như series Đội thám tử nhí. Nghĩa là số sách thiếu nhi đã được rút trọn vẹn khỏi bộ sưu tập ở Kamakura.
Nghĩ lại mới thấy, đúng là không có những quyển mà ngay cả tôi cũng biết như “Quái nhân hai mươi khuôn mặt”, “Đội thám tử nhí”. Nếu có thì chắc chắn tôi phải có ấn tượng.
- Vì sách thiếu nhi khác với khuynh hướng của sách người lớn. Cũng đâu có gì lạ. Quan trọng đến thế à? - Kayama Yoshihiko hỏi với vẻ chán ngán. - Tôi không tưởng tượng được cha lại sưu tập Đội thám tử nhí nữa kia. Nó càng không hợp với việc ông thích đọc tiểu thuyết dành cho người lớn.
Dù nói vậy nhưng người con trai vẫn bảo quản cẩn thận toàn tập của nhà xuất bản Poplar cho đến bây giờ. Tôi nghĩ, cũng không hẳn là không hợp.
- Nhưng, tôi nhớ là cha thích truyện ngắn trinh thám cổ điển thời kì đâu cơ mà. Ông đánh giá chúng rất cao. Đúng ra ông phải ghét truyện dành cho trẻ con chứ?
- Xét một cách khách quan thì không phải đâu. Ví như ta sưu tập vì đó là những cuốn ta từng yêu. Rất có khả năng ông Kayama Akira hâm mộ Ranpo là từ Đội thám tử nhí.
- Vì sao cô biết?
Tôi chưa nghe ai nói thế cả. Hình như nó cũng không được đề cập trong “hồ sơ”.
- Bà Keiko nói rằng từ trước chiến tranh ông Kayama Akira đã đọc tiểu thuyết đăng tải trên tạp chí và đem lòng hâm mộ Ranpo đúng không? Ông sinh năm 1928. Vậy sớm nhất cũng phải đến giữa thập niên 1930 ông mới bắt đầu đọc Ranpo. Bấy giờ, Ranpo được dư luận đánh giá cao với tác phẩm “Quái nhân hai mươi khuôn mặt”, ông đã đăng dài kì cả tác phẩm cho người lớn lẫn tác phẩm cho trẻ em trên tạp chí. Thời điểm kết thúc “Ngọn tháp ma”, tác phẩm dành cho người lớn và cũng là tác phẩm cuối cùng ông đăng tạp chí trước chiến tranh, là năm 1940...
- A, vậy sao?
Giờ thì tôi đã hiểu. Năm 1940, Kayama Akira mới 12 tuổi.
- Để đọc sách dành cho người lớn thì hơi quá sớm. À, không, chuyện gì cũng có thể có ngoại lệ mà...
Đang nói dở thì cô nhận ra. Tôi cố nhịn cười. Bản thân cô gái này cũng là “ngoại lệ”, đã đọc truyện dành cho người lớn từ hồi còn bé xíu.
- Cháu mở ngăn kéo được không?
Shioriko ngoảnh sang Kayama Yoshihiko. Ông phẩy nhẹ tay ý nói muốn làm gì thì làm. Shioriko lần lượt mở các ngăn kéo và kiểm tra bên trong. Mất một lúc, câu chuyện gián đoạn được tiếp tục.
- Cháu cho rằng, không phải ông nhà không thích series Đội thám tử nhí mà ngược lại, biết đâu vì có tình cảm sâu sắc nhất với tác phẩm đó nên mới để nó ở nhà riêng, một nơi mà bất cứ lúc nào cũng lấy được.
Tôi nhớ tới bộ Đội thám tử nhí - Edogawa toàn tập xếp ở kệ sách trong kho.
- Chính là bộ sách của nhà xuất bản Poplar mình xem khi nãy hà?
Kayama Yoshihiko cau mặt trước câu hỏi này:
- Cậu đùa đấy à? Đó là của tôi chứ không phải của cha tôi!
- Đúng vậy, đó là của bác Kayama. - Shioriko nhanh chóng đồng tình. - Tuyển tập của nhà xuất bản Poplar vốn quá mới. Nếu là độc giả từ ngày xưa thì phải sưu tầm sách cũ hơn... Dễ dàng đoán ra, ông Kayama đã thu thập sách lẻ từ những nhà xuất bản khác.
- Ồ, nhà xuất bản khác cũng có sao?
Trước giờ tôi cứ nghĩ sách Ranpo chỉ phát hành qua một công ty mà thôi.
Shioriko cúi mặt xuống, cười khẽ liếc tôi. Dường như từ bây giờ mới là cuộc nói chuyện thực sự. Cảm giác gò bó của tôi đối với cô nguyên một ngày nay đã biến mất tự bao giờ. Lắng nghe cô trao đổi về sách quả là rất vui.
- Đúng vậy. Bản của Kodansha trước chiến tranh, dưới dạng tankobon, là bản đầu tiên. Một bản rất nổi tiếng khác là của Kobunsha, Đội thám tử nhí - Edogawa Ranpo toàn tập gồm hai mươi ba quyển, với quyển cuối là “Người sắt Q” phát hành sau chiến tranh. Chắc là một trong hai, hoặc cả hai, đang có ở nhà bác...
- Không có đâu! - Kayama Yoshihiko phủ nhận ngay - Cha tôi mất đã được một năm rồi đấy. Giả sử ông để lại thì kiểu gì chúng tôi cũng tìm ra rồi.
- Vâng, nếu chỉ để thôi thì có lẽ đã tìm thấy. Nhưng nếu ông giấu kĩ thì sao? Chẳng hạn như tủ chìm.
- Vớ vẩn! Đây là đời thực chứ có phải tiểu thuyết của Ranpo đâu. Với lại làm gì có người cất công làm ra cái thứ như thế chứ. - Yoshihiko khịt mũi cười.
Ý tưởng của Shioriko đúng là khác thường, nhưng tôi sẽ không phủ định thẳng thừng như thế đâu. Nếu là người nghiện Ranpo thì chắc chắn đủ cảm hứng để làm thế. Giống như những đứa trẻ mê Đội thám tử nhí đi đào hố bẫy ngoài vườn năm nào. Kishiro Keiko từng mô tả người tình của mình là “tinh nghịch, có lúc như thiếu niên”.
- Bác bảo là không tìm thấy chìa khóa đúng không? - Shioriko tiếp tục. - Ông Kayama Akira đã giấu gia đình những thứ liên quan đến Ranpo. Giả sử chìa khóa cũng ở cùng chỗ với mấy cuốn tankobon trong Đội thám tử nhí...
- Thôi đủ rồi! - Yoshihiko ngán ngấm cát ngang câu chuyện. - Toàn tưởng tượng hão. Có bằng chứng gì về việc cha tôi sở hữu Đội thám tử nhí cũ đâu?
- Bác xem cái này đi ạ. - Cô nhặt một vật nhỏ trong ngăn kéo vẫn để mở, đặt lên bàn. - Cháu cũng tự hỏi không biết có chứng cứ gì không nên đã tìm kiếm.
Tôi và Yoshihiko tập trung lại quanh bàn. Đó là một huy hiệu hình tròn bằng kim loại, với mấy kí tự cách điệu.
- Đây là cái gì?
- Huy hiệu BD. Thiết kế đẹp quá! - Shioriko nói với giọng hớn hở.
Tôi cũng nhận ra chữ BD rồi.
- Hả? Tóm lại, đây là huy hiệu gì?
- B là Boy, D là Detective, viết tắt của “thám tử nhí”. Là huy hiệu của đội thám tử nhí, vật dụng nhỏ thường hay xuất hiện trong bộ truyện. Chỉ riêng cái này thôi cũng có nhiều cách sử dụng lắm đấy.
Tự nhiên trong đầu tôi hiện lên hình ảnh mặt nạ vàng bằng nhựa xenlulo đã nhìn thấy ở kho sách của Kishiro Keiko. Những đồ vật xuất hiện trong tiểu thuyết cũng tồn tại ngoài đời thực, có nghĩa là...
- Cái này cũng được dùng để tuyên truyền hay khuyến mãi phải không?
Shioriko tròn mắt. Niềm vui và sự ngạc nhiên lan tỏa nơi khuôn mặt cô.
- Đúng đó! Anh cũng biết sao?
- Tôi không biết nhưng... không hiểu sao tôi có cảm giác như vậy.
- Không hiểu sao biết được à? Tuyệt quá! Anh Daisuke thật là tuyệt!
Một niềm cảm động kì lạ từ từ dâng trào trong tôi. Lâu lắm rồi tôi mới được tán dương hết lời thế này.
Shioriko tiếp tục giải thích một cách vui vẻ trong khi tôi còn lội bì bõm giữa dư vị cảm xúc.
- Vào năm 1955, ban đầu huy hiệu này được tạo ra như phần thưởng cho một chương trình có thưởng trên tạp chí Thiếu niên, tạp chí đăng dài kì series Đội thám tử nhí. Nó được phát như quà tặng kèm và phụ lục trong rất nhiều kế hoạch quảng bá, về sau được ưa chuộng quá thì còn mở bán nữa. Tùy thời kì mà thiết kế có điều chỉnh, nhưng nói chung huy hiệu này là món quà đặc biệt dành cho người đọc tankobon.
- Quà tặng đặc biệt à?
- Vâng. Vào giữa thập niên 1950, trong mỗi quyển thuộc bộ Đội thám tử nhí - Edogawa Ranpo toàn tập của Kobunsha đều gắn một phiếu đổi quà. Nếu sưu tầm được ba phiếu như thế rồi gửi đi thì sẽ nhận được một huy hiệu BD.
Tôi thầm sắp xếp lại câu chuyện trong đầu. Món quà đặc biệt nằm trong ngăn kéo Kayama Akira đã sử dụng, nghĩa là...
- Nghĩa là ông Kayama có ít nhất ba cuốn tankobon của Kobunsha.
Giấu trong tủ chìm hay không thì chưa biết, nhưng ít ra là có ở đâu đó.
Đúng là Shioriko vẫn xuất sắc như mọi khi. Tôi thực sự cảm phục, Shioriko xuất sắc ở chỗ cô không đoán bừa theo “cảm giác” như tôi. Từng chút một, cô tiếp cận sự tồn tại của kho sách từ những manh mối nhỏ. Người bình thường chắc chắn không thể thấy, nhưng với người có năng lực nhìn thấu các sự kiện liên quan đến sách cũ như cô gái này, đó lại là việc trong tầm tay.
Tôi bất chợt quay mặt về phía Kayama Yoshihiko - ông vẫn lặng yên nhưng trông không còn giận dữ nữa, ánh mắt đầy tâm trạng nhìn chằm chằm vào chiếc huy hiệu.
- Tôi đã từng nhìn thấy cái này, từ rất lâu rồi. - Ông nói nhỏ, gần như thì thầm.
- Khi nào vậy ạ? - Tôi hỏi.
- Chắc là lúc tôi học lớp Mười hoặc Mười một. Em gái tôi ra ngoài chơi với bạn hàng xóm, hay đeo huy hiệu giống cái này. Vì thiết kế đã thay đổi nên tôi cảm thấy hơi lạ. Sao tôi lại không nhận ra nó là huy hiệu BD cơ chứ. Rõ ràng nó là bộ sách tôi yêu thích đến thế, vậy mà...
Tôi không lấy làm lạ lắm. Nếu không biết đến sự tồn tại của chiếc huy hiệu thì bỏ sót cũng là chuyện đương nhiên. Điều đáng nói là, vì sao em gái ông lại có chiếc huy hiệu.
- Nếu được, cháu rất muốn nói chuyện với em gái bác. Bây giờ cô ấy ở đâu?
Nghe Shioriko hỏi, Yoshihiko cười khổ sở:
- Nó đang sống ở đây. Ly dị rồi.
Thì ra là đã ly dị. Thảo nào trong sơ đồ gia phả vẫn còn tên “Kayama Naomi”.
- Dù bao nhiêu tuổi nó vẫn như trẻ con. Hôm nay nó đi làm thêm. Thấy bảo phải tăng ca nữa. Là công việc cũng có duyên với cô đấy!
- Bác nói thế nghĩa là...
- Em gái tôi đang làm bán thời gian ở tiệm sách cũ. Lúc nãy cũng kể rồi nhỉ. Có một đứa trẻ hàng xóm chơi trò thám tử nhí với anh em chúng tôi... Khi lớn lên, anh ta bỏ việc làm công ăn lương để mở một tiệm sách. Chưa chừng cô cũng nghe đến tên rồi.
Yoshihiko ngừng một chút rồi nói tiếp:
- Tiệm sách ấy ở Tsujido, tên là Hitori.

5

Chúng tôi rời khỏi nhà Kayama rồi lại lên xe van hướng tới Tsujido. Người anh đã gọi vào điện thoại của Kayama Naomi nhưng bà không nghe máy, có lẽ là đang bận làm vịệc. Sau một hồi do dự, chúng tôi quyết định đến thẳng tiệm Hitori.
Xe vừa ra quốc lộ thì gặp tắc đường. Ra khúc cua rộng, chúng tôi trông thấy dòng đèn chiếu hậu kéo dài mãi lên phía trước, Mặt trời đã lặn về Tây, trời bắt đầu tối.
Hiện thế là mộng ảo, mộng đêm mới là thực.
Tôi chợt nhớ lại danh ngôn của Ranpo. Dù vậy, còn quá sớm để nằm mơ. Trong thế giới thực, chúng tôi vẫn có việc phải suy tính.
- Cô nghĩ sao?
Tôi hỏi Shioriko đang ngồi ở ghế phụ lái. Từ câu chuyện ông Shida nói hôm qua, tôi tin chắc vụ két sắt có liên quan đến ông Inoue chủ tiệm sách Hitori, nhưng không thể ngờ lại là mối liên hệ kiểu này.
- Quả đúng là như vậy... Tôi cũng thấy thế. - Shioriko gật đầu ừ hữ.
Không sao hiểu nổi cái “đúng như vậy” của cô.
- Thấy gì nhỉ?
- Ơ kìa, hôm qua tôi nói rồi mà? Rằng bác Hitori... bác Inoue có thiện cảm đặc biệt với Ranpo.
- À. - Tôi bất giác quay sang cô. - Nhắc mới nhớ, tôi cũng định hỏi. Chuyện là thế nào?
- Tôi có kể là trước khi ra mắt, Ranpo đã kinh doanh sách cũ ở dốc Dango thuộc Sendagi đúng không? Tên tiệm sách là “Sannin”. Ranpo cùng với hai em trai chung sức mở tiệm, từ đó mới có cái tên này... Tôi nghĩ tiệm sách Hitori bắt chước Sannin.

[Sannin (Tam Nhân), ba người. Hitori (Nhất Nhân), một người]

Thì ra là vậy, tôi nghĩ. Inoue chi kinh doanh có một mình nên đặt là tiệm sách Hitori, dù có thuê cô bạn thuở nhỏ đến làm. Vì từng cùng nhau chơi đóng vai thám tử nhí, nên rất có thể cả hai đều là người hâm mộ Ranpo.
- Ủa, không phải chúng ta đã từng gặp Kayama Naomi rồi sao? Vào khoảng mùa thu năm ngoái.
Do kết quả một cuộc “cá cược” nhỏ mà chúng tôi đã đi vòng quanh các tiệm sách cũ theo nguyện vọng của Shioriko, cuối cùng dừng lại ở tiệm Hitori. Chủ tiệm vắng mặt nhưng trong quầy tính tiền có một phụ nữ đứng tuổi đang ngồi.
- Chắc là người đó nhỉ? - Shioriko gật đầu xong, liền lấy lại nét mặt nghiêm nghị. - Không chừng bác Hitori cũng biết.
- Hả?
- Biết sở thích mà Kayama Akira đã giấu gia đình... Ngoài ra, cả chuyện bà Keiko nữa. Nhà đằng Yukinoshita từng mua sách cũ ở tiệm Hitori đúng không?
- Đúng rồi...
Nếu Kayama Akira là khách hàng của tiệm Hitori thì mối quan hệ giữa các bên ở đây không đơn giản nữa. Người con trưởng Yoshihiko không biết bí mật của cha mình...
- Liệu Kayama Naomi có biết gì không? Bà ấy đang làm ở Hitori mà.
Theo lời người anh thì Kayama Naomi từng được gả vào một gia đình kinh doanh trang phục truyền thống ở Kansai, ba năm trước ly hôn rồi quay về nhà.
Từ đó trở đi bà làm ở tiệm sách Hitori. Bà có mối quen biết lâu năm với cả gia đình ông Inoue.
- Tôi vẫn chưa hiểu... Cũng khó mà tin là bà ấy không biết gì. Vì còn vụ huy hiệu BD nữa!
- Cô có nghĩ đó là do ông Kayama cho bà ấy không?
- Hoặc là lén lấy đi... Dĩ nhiên cũng có khả năng bà ấy đã có nó bằng cách khác. Dù gì đi nữa, Kayama Naomi học tiểu học khoảng đầu thập niên 1970. Chiếc huy hiệu lại là đồ từ giữa những năm 1950 nên bà ấy không thể có nó đúng thời điểm phát hành.
Tạm thời chỉ còn cách gặp rồi nói chuyện thôi. Chúng tôi vốn đến tìm chìa khóa két sắt nhưng mọi việc lại diễn biến hơi lạ. Tôi không biết có tồn tại một “chỗ giấu đồ” để cất chứa series Đội thám tử nhí không, nhưng biết đâu sẽ thu được chút manh mối gì đó.
Ở phía rất xa, đèn giao thông đổi màu và cuối cùng hàng xe hơi cũng bắt đầu di chuyển.

Tiệm sách Hitori nằm ở một góc yên tĩnh gần ga Tsujiđo. Dừng xe ở con đường gần tiệm, chúng tôi bước xuống. Đã quá giờ đóng cửa, tấm biển đề “Bận kiểm kê” treo ở cửa ra vào, bên trong vẫn sáng đèn. Từ bên kia đường nhìn qua cửa kính, có một phụ nữ mặc tạp dề đang quét bụi trên kệ. Dáng người gầy, nhỏ nhắn, tóc dài cột phía sau lưng. Có lẽ bà làm tăng ca nhưng xem ra không bận lắm.
- Anh Daisuke, không có xe của bác Hitori. - Shioriko chỉ vào bãi đậu xe tháng bên cạnh tiệm.
Không biết ông Inoue đi xe gì nhưng chính xác là có một chỗ trống trong bãi.
- Chắc ông ấy đi thu mua sách ở từng nhà...
Nếu vậy thì người phụ nữ kia rảnh rỗi cũng đúng. Có lẽ đang đợi chủ tiệm đi mua sách cũ từ nhà nào đó đem về sẽ phụ dọn dẹp. Dù sao đi nữa, việc Inoue đi ra ngoài cũng là một điều may mắn. Người đàn ông này chắc chắn không hoan nghênh Shioriko. Chúng tôi không gọi điện trước khi tới Hitori cũng cốt để tránh gặp phải chủ tiệm, ai chứ ông Inoue thì có khi sẽ dập máy ngay lúc nghe báo tên.
Tôi vừa đẩy cửa thì người phụ nữ quay đầu lại. Bà có khuôn mặt dài giống với người anh. Đôi mắt hình trái hạnh thật ấn tượng, nhưng khuôn mặt lại hốc hác phản ánh đúng tuổi tác. Quả là người lần trước chúng tôi đã thấy ở tiệm sách này.
- Ichiro về đấy à... A, xin lỗi. Tiệm đóng cửa rồi!
Tiếng gọi “Ichiro” vẫn văng vẳng bên tai. Chắc đây là cách người phụ nữ này gọi chủ tiệm. Nhắc mới nhớ, tên đầy đủ của ông là “Inoue Taichiro”. Dù tôi nghĩ chẳng có người nào lại kém phù hợp với cách gọi thân mật đó đến mức ấy.
- A, à... Chúng cháu là người của tiệm sách cũ Biblia... Hôm nay cho cháu hỏi chút chuyện có được không ạ? Sự tình hơi phức tạp...
- Hỏi chút chuyện... tôi á? - Người phụ nữ lộ vẻ lúng túng. Nghe tên tiệm mà vẫn không có phản ứng gì, thì chắc là bà không biết xích mích giữa Inoue và mẹ con nhà Shinokawa.
- Vâng... Thật ra, hồi nãy chúng cháu có nói chuyện với bác Kayama Yoshihiko, anh của cô...
Shioriko ngập ngừng giải thích về việc tìm chìa khóa và mật khẩu két sắt theo lời ủy thác của Kishiro Keiko, và rằng chúng tôi đang tìm hiểu xem trong nhà Kayama có chỗ bí mật nào để giấu đồ liên quan đến Ranpo không... Dù biến sắc mặt ngay khi tên người ủy thác vang lên, nhưng Kayama Naomi đã kiên nhẫn lắng nghe đến hết.
- Thật đáng tiếc là tôi cũng chẳng có manh mối nào cả. - Bà nói một cách thờ ơ. - Cha rất ít trò chuyện với tôi. Ông vốn không nuông chiều con gái... Dù cha có làm chỗ giấu đồ ở đâu đi nữa thì cũng không nói với tôi đâu. Nếu anh Yoshihiko mà không biết thì tôi nghĩ hiện giờ chẳng ai biết cả.
Nghe giọng điệu thì không thể đoán được là bà có nói dối hay không. Shioriko gật đầu bảo “Thế ạ”, rồi tiếp tục câu chuyện. Có vẻ cô đã hơi quen với Kayama Naomi rồi.
- Cô cũng thích series Đội thám tử nhí phải không ạ? Cháu nghe nói mọi người đã chơi trò đóng vai đội thám tử nhí.
- Ừm, đúng đó. Nhớ quá!
Naomi chợt cười xòa, phô rõ hàm răng trắng. Khuôn mặt tươi tắn mang vẻ trẻ con hơn là trẻ trung. Hồi nãy tôi có ấn tượng bà là người điềm tĩnh, nhưng xem chừng đây mới là hình ảnh thực sự. Người anh Yoshihiko cũng bảo rằng bà giống trẻ con.
- Anh Yoshihiko đóng vai trưởng nhóm, còn tôi và Ichiro là các đội viên. Tôi đã rất ghen tị khi anh được cha mua cho bộ sách. Mãi mà anh không cho mượn nên mới đầu tôi đi mượn ở thư viện, rồi buổi tối len lén đọc... - Nói tới đây, mặt bà bỗng sa sầm. - Nhưng lại bị mẹ cấm.
- Hả? Vì sao vậy ạ? - Shioriko cất giọng ngạc nhiên. Con người này rất nhạy cảm với việc bị hạn chế đọc sách.
- Trong lúc chơi trò thám tử, tôi nảy ra ý tưởng đào hố làm bẫy trong vườn. Mẹ phát hiện ra nên cả nhóm bị ăn mắng, riêng tôi về sau vẫn bị khiển trách dữ dội, rằng con gái mà đi đọc những truyện thô tục dành cho lũ con trai thì thật chẳng ra gì. Thế rồi tôi bị tịch thu thẻ mượn sách của thư viện trường và thư viện thành phố, như một hình phạt... Tình hình này kéo dài đến tận cấp hai.
- ...
Shioriko nín bặt, có vẻ khá sốc. Xem chừng cô đang đặt bản thân mình vào vị trí của Naomi. Tôi tiếp tục câu chuyện thay cô.
- Hơi quá phải không ạ?
- Đúng rồi. Tôi nghĩ thời bấy giờ cũng hiếm bậc cha mẹ nghiêm khắc đến mức như vậy. Nhưng với mẹ tôi, ngày xưa được dạy dỗ thế nào thì bây giờ dạy dỗ con cái như thế.
Kayama Yoshihiko cũng đã nói vì mẹ mình là trưởng nữ nên được giáo dục rất nghiêm khắc. Bản thân bà Naomi này cũng là trưởng nữ trong gia đình Kayama.
- Bây giờ nghĩ lại tôi đã hơi hiểu được tâm trạng của mẹ. Vì lớn lên trong gia đình quân nhân nên mẹ không quen thuộc lắm với nếp sống sau chiến tranh. Lúc nào cũng để ý đến đánh giá của người khác, luôn tự nhắc nhở phải kiểm soát chặt chẽ bản thân. Điểm đó thì cha tôi giống được một nửa.
“Một nửa” tức là sao? Nhưng tôi chưa kịp hỏi, Naomi có vẻ đã lên tinh thần, mặt tươi tỉnh hơn.
- Nhưng lệnh cấm cũng không đủ khiến tôi bỏ cuộc. Buổi tối tôi lén lấy sách ra, lấy chăn che lại để đọc... Tôi vẫn tiếp tục trò đóng vai thám tử với Ichiro.
- Trong series đó cô thích những quyển nào ạ?
Như đã bình tĩnh lại, Shioriko lên tiếng.
- Cũng có vài tác phẩm dành cho nữ mà. Như “Pháp sư trên tháp” và... đặc biệt là “Búp bê pháp thuật” thì phải? Tôi nghĩ “Búp bê...” quả là một nhan đề lạ nên bị thu hút ngay... rồi say sưa đọc.
- Cháu cũng rất thích! - Sau tròng kính, đôi mắt Shioriko vụt sáng lên. - Đó là một tuyệt tác thời kỳ sau, sử dụng chủ đề khác thường là búp bê! Nhóm thám tử nhí đã chống lại lão già quái dị với sức mạnh thần bí có thể biến con người thành búp bê từng chút từng chút một. Phân đoạn thiếu nữ xinh đẹp bí ẩn nửa người nửa búp bê miêu tả cảm giác tuyệt vời khi biến thành búp bê cũng thật là thú vị!
- Đoạn đó hay thật! Nửa phần sau, nữ thám tử Hanazaki Mayumi đã cải trang thành nam giới, ấn nấp trong sào huyệt của kẻ thù...
- Đi cùng thằng bé móc túi nữa!
- Đúng đúng, tầng hầm của sào huyệt bí mật bỗng thành rừng nhiệt đới rồi khỉ đột tấn công... Tôi đọc mà hồi hộp quá chừng!
Hai người phụ nữ hào hứng bình luận, tôi hoàn toàn ra rìa. Dù vậy, tôi vẫn thắc mắc một điều nên chọn thời điểm thích hợp để hỏi Shioriko.
- Trong đội thám tử nhí có cả thành viên nữ sao?
- Phần lớn những truyện trong Đội thám tử nhí được phát hành dài kì trên tạp chí dành cho con trai nhưng cũng có vài tác phẩm được đăng tải trên tạp chí Câu lạc bộ thiếu nữ. Có lẽ tác giả tăng sự xuất hiện của nữ cho hợp với tạp chí đăng tải truyện. Hanazaki Mayumi được các thành viên trong đội yêu quý gọi là “đại tỉ” và nắm quyền chỉ huy lúc khẩn cấp. - Cô trả lời trôi chảy và theo mạch câu chuyện nói tiếp với Kayama Naomi. - Cháu nghe nói cô có huy hiệu BD, là ai tặng vậy ạ?
Miệng Naomi đột ngột mím chặt. Bầu không khí trong tiệm bỗng lặng đi.
- Không. Không phải ai tặng... Mà là tôi tự lấy trong ngăn kéo của cha cầm đi chơi. Đương nhiên mỗi lần chơi xong lại trả về chỗ cũ.
- Cô có hỏi ông làm sao mà có huy hiệu BD không ạ?
- Không. Vì tôi nghĩ nếu cha đem giấu đi thì cũng khổ... Với lại tôi không hứng thú lắm với những chuyện râu ria.
Tôi nghĩ đây là một lý do không thỏa đáng. Nếu bắt gặp món đồ ấy trong bàn của một người cha nghiêm khắc thì phải nghi ngờ chứ? Không thể nào không tò mò được.
- Cô có nghe ông nói gì về bộ sưu tập của Edogawa Ranpo không ạ?
- Không. - Naomi trả lời nhạt nhẽo. Mỗi lần nghe hỏi về cha là thái độ của bà lại trở nên cứng nhắc. - Là cái ở nhà người đó hả?
- Vâng... À, cô đã gặp bà Kishiro Keiko rồi ạ...?
- Sau bốn chín ngày của cha, tôi có nhận được vài lá thư. Đoán chừng bà ta nghĩ vì cùng là phụ nữ nên sẽ dễ đối phó chăng? Tôi không mở mà để nguyên như vậy rồi gửi trả lại.
Bà ném tia nhìn lạnh lùng về phía chúng tôi.
- Tại sao mấy đứa lại nhận ủy thác từ một người như thế?
- À thì, lúc nãy cháu cũng đã nói...
- Vì cha tôi mua sách ở tiệm cháu chứ gì? Lời nhờ cậy như thế mà cũng nghe, chắc nhà cháu cũng đã biết sự tồn tại của người đó đúng không? Biết cha tôi ngoại tình mà vẫn yên lặng với gia đình tôi à?
- A... - Shioriko bị áp đảo bởi cơn giận của đối phương. Làm sao tiệm sách can thiệp vào chuyện riêng nhà khách hàng được, chưa kể ngay từ đầu cô cũng không hề quen biết Kayama Akira và Kishiro Keiko.
- Chuyện đó...
Tôi định mở miệng biện hộ thì bỗng giật thót. Thân trên một người đàn ông in lên kính cửa ra vào. Một người đàn ông gầy như que củi. Rõ là ông Inoue, chủ tiệm sách Hitori.
- Tôi rất ghét cha. - Kayama Naomi nói dứt khoát, - Thái độ thì nghiệt ngã, vậy mà nhiệm vụ dạy dỗ con cái lại phó mặc vợ, đẩy cho bà toàn bộ vai trò ông không thích. Tính tình sĩ diện, không chấp nhận cho tôi ly hôn, nhưng bản thân lại đi cặp bồ với người khác...
Tôi đã hiểu ý nghĩa câu “cha tôi giống được một nửa”. Nghĩa là chỉ khắt khe với người khác trong khi bản thân thì buông thả.
- Tâm trạng của đứa con gái bị cha mẹ phản bội chắc là cháu không hiểu được đâu.
Tôi hiểu vì sao Shioriko nín thở. Tôi không thể nào im lặng. Con gái bị cha mẹ phản bội, trên thế giới này đâu phải chỉ có một người.
- À, xin lỗi cô chứ...
- Anh Daisuke! - Shioriko nghiêm khắc ngắt lời, tôi đành miễn cưỡng ngậm miệng. - Đúng là có thể ông nhà đã làm chuyện đáng trách, và thói sĩ diện cũng là thật. Trên đời này chắc chắn vẫn tồn tại những bậc cha mẹ còn nhiều khuyết điểm, lừa dối phản bội con cái... Cháu cũng gặp uẩn khúc nên không thể thương mẹ mình được.
Shioriko nói chậm rãi như tách từng từ.
- Nhưng cháu nghĩ, ông Kayama Akira không phải ỉà người như thế đâu! Lắng nghe ý kiến của mọi người mấy hôm nay, cháu nghĩ nhất định ông cũng xem trọng gia đình...
- Thôi đừng đãi bôi.
- Không, là vì...
- Về ngay giùm tôi! Tôi không muốn nghe cháu nói thêm lời nào nữa... Dù sao thì tôi cũng không biết gì về chuyện sách vở của cha cả.
Kayama Naomi nói với giọng mạnh mẽ. Sự im lặng lại tràn ngập trong tiệm. Người này nói thật chăng? Nếu bà ta thực sự không biết, thì manh mối sẽ đứt ở đây.

Bóng Inoue ngoài tiệm vẫn bất động. Rõ ràng là ông ta đang nghe trộm, nhưng thái độ không biểu hiện đó thật đáng sợ. Shioriko cúi đầu thật sâu rồi quay ra. Sau khi gật đầu chào Kayama Naomi, tôi vội đuổi theo vượt qua cô để mở cửa hộ. Cô đi ra ngoài, giáp mặt Inoue thì hoảng hốt khựng lại.
- Bác...
Người đàn ông nắm chặt cây gậy to như mọi khi, không để lộ biểu cảm gì. Tôi đâm lo nên vội vàng chuyển vào vị trí giữa hai người.
Mặt đối mặt, không ai nói lời nào.
Được một lúc, Inoue sải bước dài đi ngang qua Shioriko, đóng sầm cửa lại. Tiếng khóa lạnh ngắt vang lên, chúng tôi bị bỏ lại trên đường đêm không một bóng người.

6

Dù cuộc gọi đã kết thúc, nhưng giọng nói cao vút vẫn còn văng vẳng bên tai. Tôi nhét điện thoại di động vào túi, bước đi trên hành lang nhà Shinokawa. Trong lúc tôi trả lời cuộc gọi, giờ nghỉ trưa đã trôi qua.
- Hết giờ nghỉ rồi, tôi cũng ăn xong rồi.
Tôi nói với cô chủ khi quay lại tiệm. Đang đứng trước máy tính, cô ngoái nhìn tôi qua vai, mỉm cười.
- Điện thoại của chị Shinobu, bảo là nhà mẹ đẻ ở Totsuka gửi lên rất nhiều mì, sẵn tiện đi khám sản chị sẽ mang cho chúng ta một ít... Chị gửi lời hỏi thăm chủ tiệm đấy.
Tôi đã đợi câu trả lời “Vậy à”, nhưng cô chỉ yên lặng.
Shinobu tức là Sakaguchi Shinobu. Chị đang sống với người chồng chênh lệch nhiều tuổi. Kể từ khi Shioriko giải được điều bí ẩn trong cuốn Nhập môn logic học của người chồng tên Sakaguchi Masashi thì chị đã trở thành khách quen của tiệm này. Hai vợ chồng đang chuẩn bị đón em bé chào đời.
- Cô đi ăn cơm đi... - Tôi thắt tạp dề trước quầy, vừa nói thì nghe thấy tiếng ghế cót két bên kia chồng sách. Shioriko đứng dậy đi về nhà chính. - Có chuyện gì vậy...?
Cô quay đầu lại hỏi:
- Chuyện gì?
- À, từ hôm qua, tôi thấy cô có vẻ không khỏe.
Trên đường trở về từ tiệm sách Hitori, Shioriko không nói chuyện mấy. Sang hôm nay còn kiệm lời hơn mọi khi nữa.
Cô đưa mắt nhìn ra chỗ khác một lúc, như cân nhắc từ ngữ:
- Hôm qua, tôi đã cảm thấy vui vẻ.
- Hả? - Tôi hỏi lại.
- Tôi rất vui vì biết được nhiều điều thông qua sách... Nhưng xem chừng tôi đã quá vô tình trước tâm trạng của những người liên quan. Ai cũng có những chuyện ghét bị đào bới cả.
“Tôi cũng vậy”.
Tôi như nghe ra câu cô không nói thành lời. Đúng là ai cũng có sự tình không muốn bị hỏi tới thật.
- Nhưng có nhiều chuyện chính mình cũng không xác định được là có ghét thật hay không mà?
Hôm qua Kayama Naomi đã tỏ rõ thái độ về cha nhưng tôi không cho rằng bà thực sự ghét ông ấy. Tình hình của Shioriko và mẹ cô cũng vậy.
- Cảm ơn anh nhiều... - Cô nói rồi mất hút về phía nhà chính.
Trong lúc tôi đang băn khoăn không biết cô hiểu lời tôi nói đến đâu, thì cửa lại mở. Một người đàn ông nhỏ thó đầu trọc đi dép lê bước vào tiệm.
- Ô, bây giờ được không?
- À, được ạ.
Ông Shida đặt mấy tờ 1000 yên nhàu nát lên quầy. Hôm nay ông cũng đến để lấy sách bán được từ kho sách Shioriko thanh lý. Mấy nghìn yên này là để thanh toán.
- Trước mắt cho tao xin cái hóa đơn.
- Vâng.
Tôi bắt đầu viết như yêu cầu, sực nhớ ông Shida hay ra vào tiệm sách Hitori. Có thể ông ấy biết gì về Kayama Naomi chăng?
- À, ông Shida ơi... ông đã bao giờ nói chuyện với người làm bán thời gian tại tiệm Hitori chưa?
- À, Naomi hả? Tại sao đột nhiên hỏi thế?
Tôi bị sốc bởi cách gọi thẳng tên đó:
- Thân... thân nhau đến thế sao?
- Hâm à! Không phải. Tại lúc trước tao thấy lão già ở đó nói “Naomi... à, Kayama, làm ơn bổ sung tiền lẻ” ấy mà. Tao có cảm giác họ lỡ miệng gọi theo kiểu khi chỉ có hai người. Chính xác thì tao đã nghe nói họ là bạn thuở thiếu thời.
Dù là chuyện không đâu, nhưng ông Shida bắt chước giọng nói thật giỏi. Ichiro và Naomi à? Khuôn mặt hai người ấy bỗng hiện lên trong đầu tôi. Có thật chỉ đơn thuần là bạn thời thơ ấu không? Nghe nói là quen biết cả gia đình nhau nhưng tôi cứ có cảm giác vẫn còn ẩn tình gì nữa.
- Bảo là nói chuyện thì hơi quá, chỉ tán gẫu vớ vẩn thôi. Và vào những lúc không có lão kia... Chẳng hạn như “dạo này làm ăn khó khăn quá” này nọ.
- Đúng là tán gẫu rồi.
- Nghe nói doanh thu thấp hơn so với ngày xưa. Tuy chưa tệ đến mức phá sản, nhưng làm ở tiệm thì có thể nhận thấy nền kinh tế đang xấu đi.
Có lẽ tiệm sách cũ Biblia cũng rơi vào tình trạng tương tự. Shioriko nhận lời ủy thác của Kishiro Keiko một phần chính vì muốn mua kho sách đó. Một giao dịch lớn sẽ đem lại lợi nhuận kha khá cho tiệm. Chi phí cho công trình sửa chữa nhà, cả phần tiền thưởng định chi cho tôi chắc cũng nằm trong thu xếp của cô.
- Hả? Ngày xưa là khi nào ạ? - Tôi hỏi.
Như nghe kể thì ba năm trước bà ấy ly hôn, sau đó bắt đầu vào tiệm sách làm.
- Cách đây mười lăm năm bà ta cũng từng phụ giúp cho tiệm đó. Hình như là trong vài tháng.
- Thế ạ?...A, đây ạ. - Tôi đưa hoá đơn cho ông. - Ông Inoue có lập gia đình không?
- Không, ít nhất là bây giờ. Hình như lão già sống trên tầng hai của tiệm, không có cảm giác gia đình gì hết. Biết đâu lại lằng nhằng với Naomi đấy.
Ông Shida đã nói đúng điều tôi đang băn khoăn. Sau cuộc trao đổi với anh em nhà Kayama, khả năng này đã nảy ra trong đầu tôi.
- Hai đứa có chuyện gì với đằng Hitori hả?
Đây là câu xác nhận hơn là câu hỏi. Tôi đang do dự không biết giải thích từ đâu thì ông Shida nói tiếp:
- Trước đây không lâu, tao có nghe loáng thoáng rằng tiệm này nhận lời ủy thác không liên quan đến nghiệp vụ thực sự của tiệm. Có phải là việc giống như lúc tìm lại sách cho tao không?
Dạo trước chúng tôi từng tìm được cuốn sách bị lấy cắp của ông Shida. Là khoảng thời gian Shioriko vẫn còn nằm viện.
- Vâng...
- Vẫn nhớ lời khuyên của tao chứ hả?
Tôi gật đầu.
Sau vụ đó, tôi còn nghe ông nhắc nhở rằng “Thông minh quá nhiều lúc cũng không tốt đâu. Con bé có vẻ không nhận ra, bởi vậy tao thấy chú mày để ý giùm nó một chút đi thì hơn”. Lời dặn này, tôi vẫn cất giữ ở một góc trong đầu. Tôi không đọc được sách nhưng biết đâu sẽ làm được gì khác. Tôi nghĩ thế, và từ mấy tháng nay đã luôn ở bên cô, trong mọi vụ.
- Thế à? Vậy là được rồi... Rốt cuộc đã có chuyện gì ở tiệm sách Hitori?
Cửa kéo phát ra tiếng lạch cạch. Tôi nói “Xin chào quý khách” xong thì tròn mắt.
Một người đàn ông tóc bạc, mặc áo khoác mỏng, tay chống gậy đứng ngay lối vào. Hai mắt mở to nhìn chằm chằm vào tôi.
- Tôi đến để nói chuyện với chủ tiệm này và cậu.
Là ông Inoue, chủ tiệm sách Hitori.

Tôi và Shioriko ngồi đối diện với Inoue, chính giữa là chiếc bàn thấp. Nghĩ lại mới thấy đây là lần đầu tiên chúng tôi thong thả gặp mặt nhau. Vì bạc tóc và chống gậy nên trông Inoue hơi già, nhưng là bạn thuở nhỏ của anh em Kayama nên chắc nhiều lắm cũng chỉ ngoài năm mươi tuổi. Có thể ông ấy đã trải qua quá nhiều cơ cực.
Vì ông Shida chỉ trông tiệm giùm được ba mươi phút nên chúng tôi quyết định nói chuyện ở phòng khách nhà Shinokawa. Hôm nay Ayaka không có nhà. Shioriko đi lại bất tiện nên tôi thay cô pha tra và để trước mặt hai người. Trà xanh như ám hiệu để bắt đầu, Inoue mở lời:
- Hôm nay tôi có đến nhà Kishiro.
Trong giây lát, chúng tôi bất chợt nhìn nhau. Giọng ông trầm khàn nhưng khác với bình thường, không chứa sự thù địch trong đó.
- A à, bác quen biết với... Kishiro Keiko? Quả đúng như cháu nghĩ.
Shioriko vẫn co mình lại, mắt hướng lên.
- Ừ. Bà ấy vốn hiếm khi xuất hiện bên ngoài, nên tôi cũng không gặp được nhiều lần. Lần cuối chạm mặt phải mười lăm năm trước rồi... Chắc vì bà ấy bị bệnh nên tiều tụy và trông khác quá.
Trong lời nói chất chứa sự thương cảm. Tôi chưa từng tưởng tượng được ông chủ tiệm này mà cũng biết quan tâm đến ai. Có lẽ cái nhìn của tôi đã khá phiến diện.
- Vậy thì, a... Kayama Akira là... của tiệm Hitori... - Tiếng Shioriko lí nhí như muỗi kêu.
Nói đúng ra thì cô cực kì ngại ông Inoue. Nhận ra vẻ bực dọc của ông, tôi ở bên cạnh liền đỡ lời:
- Kayama Akira là khách hàng thường xuyên của tiệm sách Hitori phải không ạ?
- Đúng vậy... Là ân nhân của tôi.
- Ân nhân?
Một câu trả lời hết sức bất ngờ:
- Hai cô cậu thực sự không nghe tin gì từ Shinokawa Chieko sao?
Ông hỏi ngược lại. Shioriko lắc đầu thật mạnh để phủ định, tôi bổ sung thêm.
- Trong mười năm nay, Shioriko không liên lạc với mẹ dù chỉ một lần. Cháu đảm bảo điều đó... Mấy ngày trước, bà có gọi điện tới tiệm nhưng cúp máy ngay lập tức.
Tôi giải thích đại khái cuộc điện đàm với Shinokawa Chieko. Inoue chỉ lắng nghe mà không hưởng ứng, tôi nói xong thì ông chầm chậm mở miệng.
- Kishiro cũng nói hai người có vẻ không biết gì cả. Bà ấy bảo ban đầu định nhờ Shinokawa Chieko, nhưng người tới lại là cô con gái. - Inoue vẫn ngồi nhưng đã duỗi thẳng lưng lên, nhìn Shioriko bằng ánh mắt sắc lẻm, - Cô nói là không thích mẹ hả? Không sai chứ?
Shioriko ngẩng mặt. Trong khoảnh khắc, vẻ ngại ngùng nơi con ngươi phía sau cặp kính biến mất.
- Vâng, cháu ghét mẹ ạ.
Cô trả lời rất rõ ràng. Inoue gật đầu tỏ vẻ đồng cảm.
- Tôi cũng vậy... Từ mười lăm năm về trước.
Mười lăm năm về trước, là khoảng thời gian Kayama Naomi làm việc ở tiệm sách Hitori. Chỉ đơn giản là ngẫu nhiên, hay...
- Có chuyện gì thế ạ?
- Nếu nói từ đầu thì sẽ rất dài, không sao chứ?
Khuôn mặt ông Shida hiện ra trong giây lát. Lúc nãy chúng tôi có hứa là chỉ nhờ trông tiệm ba mươi phút, nhưng có vẻ không xong kịp rồi. Thôi để xin lỗi sau vậy.
- Bác cứ nói đi ạ! - Shioriko quyết định.

7

- Gia đình tôi ở ngay gần ngôi nhà Kayama... Cha mẹ tôi chỉ là giáo viên cấp hai nhưng tâm đầu ý hợp với vợ chồng ông Akira một cách kì lạ. Họ qua lại gần gũi trước cả lúc bọn tôi sinh ra. Có điều, chuyện trẻ con với nhau lại khác. Anh em nhà Kayama từ hồi mẫu giáo đã đi học trường tư ở xa, hầu như không tiếp xúc với hạng thứ dân như tôi. Ba đứa chỉ chơi chung với nhau từ khi lên tiểu học... Chính series Đội thám tử nhí là lý do bắt đầu đấy. Hai anh em chơi trò đóng vai thám tử nhưng thiếu người. Xung quanh lại không có bạn bè. Vì vậy Naomi bắt chuyện với tôi. Tôi có nghe cái tên Đội thám tử nhí trên ti vi và radio nhưng lại không biết là có nguyên tác. Vì cứ nghe giục đọc thử đi, nên tôi đã đến mượn ở thư viện trường tiểu học và đọc một mạch, rồi bắt đầu chơi thân với anh em nhà Kayama, đặc biệt là Naomi.
Đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi về Edogawa Ranpo, à không, về tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết suy luận. Thời bấy giờ không hiếm trẻ con như thế. Tôi bắt đầu đọc sang Holmes, Arsène Lupin... bản dành cho thiếu nhi... Những năm mười mấy tuổi, hễ gặp trinh thám cổ điển trong và ngoài nước là tôi say mê đọc. Đồng thời cũng mở rộng sang rất nhiều tác phẩm văn học giả tưởng và khoa học viễn tưởng... Nói chung là vô cùng thích đọc sách. Tốt nghiệp đại học xong, tôi làm cho một tiệm bán sách mới rất lớn ở Ikebukuro, do muốn làm công việc liên quan đến sách. Thời điểm này tôi bắt đâu này sinh hứng thú với sách cũ và đã mua dần những bản in đầu của tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết suy luận và tạp chí phát hành ngày xưa. Tới tầm hăm hai, hăm ba năm trước, tôi trở về quê, mở tiệm sách cũ bằng vốn liếng là kho sách của mình và những cuốn sách sưu tầm nhờ quan hệ khắp bốn phương tám hướng. Cái tên Hitori được đặt theo tên “Tiệm sách Sannin” của Ranpo. Bấy giờ tôi cũng không phải người hâm mộ cuồng nhiệt gì, nhưng đối với tôi tác giả đó như một kí ức xưa đầy hoài niệm. Hơn nữa, nó cũng có ý chỉ bản thân, bắt đầu bằng sức lực của chính mình... Lúc mới mở tiệm, tôi bán được nhiều khủng khiếp. Sách vừa lên kệ đã bốc hơi... Nhưng chỉ một thời gian ngắn việc buôn bán đã khựng lại. Muốn đẩy một quyển bunko đi cũng vô cùng gian nan. Cậu có biết đã xảy ra chuyện gì không? - Đột nhiên Inoue chuyển câu chuyện sang tôi. Tất nhiên là tôi không đoán được.
Vì tôi không có ý trả lời, Shioriko liền quăng ra một cái phao.
- Khách hàng ngay sau khi mở tiệm sách cũ thường là sedori hay những người mê sách cũng đang muốn mở tiệm. Sau khi họ lục tìm mua sạch những cuốn quý báu thì chỉ còn lại các sách không có giá trị thương mại nữa... Chuyện này hay xảy ra lắm.
- Đúng vậy. - Inoue thở đánh phù rồi nhấp một ngụm trà đã hết khói. - Khi mở tiệm cần phải định giá toàn bộ sách cùng lúc nên khó lòng bao quát được những chi tiết nhỏ. Huống chi tôi đi ra từ tiệm sách mới, nên rất ít kinh nghiệm với sách cũ. Tôi đã bị đánh gục ở điểm này. Trong số khách hàng xuất hiện ngày đầu có cả mẹ cô nữa đấy. Và lấy đi toàn bộ bunko cũ của nhà xuất bản Shunyo.
- Xin, xin lỗi ạ! - Shioriko xin lỗi.
Tôi như thấy được trước mắt hình ảnh Shinokawa Chieko khoái chí lục sách. Tôi không hề biết tiệm sách cũ mới mở phải trải qua một thử thách như thế.
- Không, chỉ là do sự nông cạn của tôi thôi. Tôi đã khinh suất cho rằng chỉ bằng những kiến thức vào thời điểm đó là đủ mở tiệm sách cũ. Thậm chí tôi còn không hiểu được rằng một tiệm sách cũ sẽ rất chật vật ở vùng quê. Để bổ sung nguồn hàng, chỉ còn cách tìm sách quý để thu mua. Nếu không có hoạt động mua và bán thì kinh doanh gì nữa. Khi nhận ra điều này, vốn xoay vòng của tôi đã sắp cạn kiệt... Đúng lúc đó, bác Akira xuất hiện.
Inoue lim dim mắt như đang nhớ lại.
- Bấy giờ tôi vẫn gọi ông là bác Kayama. Vì đối với tôi, ông chỉ là cha của một người bạn thời thơ ấu sống gần nhà.
- Lúc đó bác cũng không biết Kayama Akira là người hâm mộ Ranpo phải không ạ? -Tôi hỏi.
- Làm sao biết được. Ông bảo là có thứ muốn bí mật cho tôi xem nên ngay trong ngày đã dẫn tôi đến ngôi nhà ở Yukinoshita. Kishiro đang sống ở đó rồi, bà ấy quản lý kho sách. Một phụ nữ điềm tĩnh, thông minh và can đảm. Tôi ngạc nhiên đến câm nín khi đặt chân vào kho sách. Đó là một bảo tàng trinh thám thời tiền chiến. Bác Akira đề nghị nhượng lại với giá rẻ những tạp chí và bản in đầu tiên bị trùng. Đó là các số cũ của Thanh niên mới, Mặt nạ... và hơn hết là bản in đầu tiên của Chú tiểu tóc bạc do Yumeno Kyusaku viết. Tôi xoay xở tiền để mua hết, đem ra chợ sách cũ ở Jinbocho bán lấy nhiều tiền hơn và cuối cùng, vượt qua được tình thế nguy cấp.
Tôi bỗng nhớ lại lượng lớn truyện tranh cũ của Fujiko Fujio mà Shinokawa Chieko từng thu mua. Sách cũ được yêu thích đúng là rất có giá. Thời kì kinh tế phát triển còn có giá hơn.
- Vậy là ông ấy đã cứu bác!
- Đúng... Ông cười và bảo đấy là tiền kí quỹ để về sau nếu có sách quý của Ranpo tôi sẽ ưu tiên bán cho ông. Sau này tôi mới biết, bác Akira hầu như không mua sách ở các tiệm sách cũ trong tỉnh. Nếu có mua thì cũng chỉ xem danh mục rồi mua qua bưu điện, và nơi nhận là Kamakura... Để không ai biết sở thích của mình, bác Akira rất cẩn trọng. Thì ra đối với tôi, ông đã phá bỏ quy tắc đó.
- À, Kayama Akira là người thế nào ạ?
Khi tôi hỏi về điều băn khoăn bấy nay, ông Inoue ngờ vực ra mặt:
- Thế nào là sao?
- Vì giữa câu chuyện của con trai, con gái ông ấy và Kishiro Keiko có sự sai khác... nên cháu không biết đâu là Kayama Akira thực sự.
Một nhà giáo khắt khe, nghiêm túc và một người hâm mộ Ranpo vui vẻ tinh nghịch... dù nghĩ thế nào thì cũng không thể khớp vào nhau trong suy nghĩ của tôi được.
Inoue gật đầu hiểu ý “Thì ra là vậy”.
- Sau khi cho tôi xem nhà ở Kamakura xong thì bác Akira rất hay nói chuyện về sách. Đầy người trở nên nhiều lời hơn khi gặp đúng chủ đề yêu thích. Những lúc như vậy tính cách một người sẽ trở nên khác hẳn, chuyện đó cũng không khó hiểu lắm. Tôi không nghĩ những lời miêu tả bác Akira bình thường ấy là nói dối...
Tôi bất chợt liếc nhìn Shioriko. Nếu nói tính cách thay đổi, trở nên nhiều lời khi gặp đúng sở thích của mình, thì chính là cô gái này.
- Nhưng tại sao ông ấy lại phải giấu giếm ạ? - Shioriko bất ngờ lên tiếng, giọng không ngập ngừng lắm. Có lẽ cô đã quen với việc Inoue đến đây không phải để dọa nạt. - Khoan bàn đến sự hiện diện của Kishiro Keiko... Lý do mà ông Kayama che giấu sở thích suốt mấy mươi năm là gì?
- Lý do không chỉ có một. Trước hết đó là do giáo dục của cụ Sokichi cha bác Akira. Tôi hầu như không giáp mặt cụ, nhưng nghe nói thời trẻ của cụ rất cơ cực... Bởi vậy cụ dạy con luôn phải giữ thể diện đàng hoàng. Ngay từ đầu việc di dời bộ sưu tập tiểu thuyết trinh thám đến biệt thự ở Yukinoshita nghe nói cũng là lệnh của cụ Sokichi, vào khoảng năm 1955...
- Là lúc Kayama Akira... kết hôn, phải không ạ?
Inoue mở tròn mắt ngạc nhiên khi nghe Shioriko chỉ ra.
- Cô đoán giỏi như mẹ của mình ấy!... Xem chừng cụ không muốn để những người thân mới bắt gặp bộ sưu tập “kì quái” kia. Sokichi sinh vào thời Minh Trị nên quan điểm về tiểu thuyết trinh thám có lẽ khác với các thế hệ sau.
Với một người được giáo dục chính quy nghiêm khắc như vợ Kayama Akira, thì việc không muốn để bà nhìn thấy sách vở giải trí linh tinh là chuyện có thể hiểu được. Nhưng trong lòng tôi vẫn còn điều khúc mắc. Hay là giải quyết tại đây luôn?
Như thể đọc được sắc mặt tôi, Inoue hỏi:
- Cô cậu biết nguyên quán của Akira và Sokichi ở đâu không?
- Cháu nghe nói là ở... thành phố Nagoya của tỉnh Aichi. - Shioriko trả lời.
- Ừ. Osu, Nagoya... Tôi không biết cụ thể nhưng hình như trước đây nó là phố đèn đỏ. E rằng các con bác Akira cũng không biết chuyện này.
Từ “phố đèn đỏ” tôi mới nghe qua lần đầu, nhưng cũng hiểu được ý nghĩa. Đó là nơi giải trí của khách làng chơi. Có khả năng Kayama Sokichi cũng làm công việc liên quan đến lĩnh vực mại dâm. Việc cha con họ giữ thể diện một cách cực đoan không chừng là do có tật giật mình.
- Nhưng tôi cũng không nghĩ chỉ có lý do này. Vì chưa xác nhận với người trong cuộc nên đến bây giờ vẫn dừng ở phỏng đoán mà thôi.
- Nghĩa là sao ạ? - Shioriko nghiêng đầu thắc mắc.
- Dù có nhiều ẩn tình đi chăng nữa thì quá khứ cũng không phải là lý do khiến bác Akira che giấu sở thích đến tận lúc chết... Tôi cho là tại ý thích hơn.
- Ý thích ạ...?
- Phải. Thích mang nhiều bộ mặt... một bộ mặt ở dinh thự Oga, và một bộ mặt ở biệt thự Yukinoshita. Giống như quái nhân hai mươi khuôn mặt vậy. Tiểu thuyết của Ranpo rất hay lặp đi lặp lại mô típ nhân vật hóa thân thành ai đó, hoặc một người diễn vai của nhiều nhân vật. Nghe nói ngay bản thân Ranpo cũng có nguyện vọng được hóa thân thành người khác... Không chừng bác Akira muốn biến mình thành nhân vật xuất hiện trong tác phẩm của Ranpo.
Thì ra chính vì là người hâm mộ cuồng nhiệt của Ranpo nên mới che giấu sở thích của mình triệt để đến thế này. Độ phức tạp của con người tên Kayama Akira đúc kết từ nhiều hành vi khác nhau, làm tôi có cảm giác vụ việc chúng tôi tiếp nhận thật là khó khăn.
- Két sắt mà bà Keiko đang giữ, bác có biết bên trong chứa gì không ạ?
- Tôi nghe bác Akira nhắc qua khá lâu rồi, chưa được cho xem nên cũng không biết cụ thể. - Inoue trả lời ngay, xem chừng rất có hứng thú. - Nhưng chắc chắn là nó quý hơn những bộ sưu tập khác. Có khi là đồ thừa kế từ cụ Sokichi... Thiết bị bảo vệ kiên cố đến thế cơ mà.
Ông lại nhấp trà như nghỉ giải lao.
- Đến đây mới là vào đề thôi. Giờ tôi sẽ nói tới chuyện xảy ra giữa tôi và Shinokawa Chieko. Chắc cô cũng đoán được rồi, nhà Kayama có liên quan sâu sắc.
Tôi và Shioriko bất giác ngồi thẳng lại. Bây giờ mới là phần chính của câu chuyện đây.

8

- Lần đầu tiên tôi gặp Shinokawa Chieko là ngày mở tiệm Hitori, khi người phụ nữ đó đến tiệm của tôi lấy sách. Đương nhiên lúc ấy tôi chưa hiểu con người cô ta, chỉ biết cô ta đã làm dâu nhà này.
Tôi nghĩ Shinokawa Chieko là dạng người ta nên đề cao cảnh giác, nhưng về công việc thì không có gì đáng phàn nàn. Từ khi vào làm ở Biblia, cô ta đã thu mua được rất nhiều sách tốt, giúp doanh thu của tiệm tăng lên đáng kể. Chúng tôi đồng trang lứa, lại có nhiều cơ hội gặp mặt ở hiệp hội sách cũ. Đối với tôi, đó là một sự hiện diện mang tính khích lệ, nên quan hệ đã tiến triển đến mức xởi lởi, hễ gặp nhau là đứng lại nói chuyện.
Về phần tôi thì, nhờ doanh thu đã khá ổn định, nên đủ tự tin để tiếp tục lĩnh vực này. Đó là nhờ vào việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với vài khách hàng thường xuyên như bác Akira.
Cách đây mười lăm năm, Naomi ly thân và tạm thời quay về nhà mẹ đẻ. Cô ấy kết hôn với người thừa kế một cửa hàng trang phục truyền thống ở Kansai, nhưng nghe nói người này chơi bời trăng hoa khủng khiếp lắm. Dù vậy, nhà Kayama lại chẳng mấy hoan nghênh việc ly thân. Naomi vừa xấu hổ lại vừa tự trọng, ra đi không mang theo nhiều tiền... Tôi cảm thấy không thể bỏ mặc nên để cô ấy làm việc trong tiệm. Vả lại cũng vì tôi đang cần người. Đầu gối tôi bắt đầu yếu nên mùa lạnh đau nhức lắm. Mặt khác, tôi vẫn tiếp tục quan hệ làm ăn với bác Akira. Chủ yếu là liên lạc thông qua Kishiro, hễ có sách quý là tôi sẽ hẹn ông ra ngoài rồi cho xem. Tôi cũng có cảm giác tội lỗi, nhưng một khi bác Akira đã giấu gia đình về sở thích và về Kishiro thì tôi không có lý do gì để nói ra cả.
Shinokawa Chieko đến tiệm của tôi vào một lúc như thế. Bác Akira cũng đã vài lần mua sách theo danh mục ở Biblia thì phải. Đương nhiên, địa chỉ gửi về là Kishiro Keiko, biệt thự ở Yukinoshita, nhưng không biết làm sao mà người phụ nữ đó điều tra được danh tính của bác Akira.

Tôi không hề ngạc nhiên. Vì với Shinokawa Chieko, đây là vấn đề giải quyết trong vòng một tích tắc. Và bà đã ngay lập tức nhận ra mối quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng của hai người kia.

- Đến bây giờ tôi vẫn chưa thể quên chuyện lúc đó. Cô ta lặng lẽ nhìn các kệ trong tiệm, đồng thời làm ra vẻ tình cờ quan sát tôi và Kayama Naomi. Đến giờ giải lao, khi Naomi đi ra ngoài, cô ta nói thẳng với tôi, “Hãy giới thiệu Kayama Akira cho tôi. Tôi liên lạc mãi không được nên đang rất khổ sở đây”. Nghĩa là Biblia có sách hiếm của Ranpo muốn cho bác Akira xem. Cô ta cũng nhận ra ông không thích đến những tiệm sách cũ gần nhà và cả việc ông thân thiết với tôi. Chính vì thế, cô ta mới nhờ tôi làm trung gian.
- Là uy hiếp... chứ đâu phải nhờ. - Shioriko thì thầm, ánh mắt tối sầm lại.
- Phải. Với thâm ý là nếu không làm theo, cô ta sẽ đến nhà Kayama nói tuột ra bí mật của bác Akira. Cô ta biết luôn cả việc tôi giấu Naomi nữa. Không rõ là dùng ngón nghề gì, đến giờ tôi vẫn chưa đoán được. Còn chuyện hoang đường này nữa, dường như cô ta nhìn ra tuốt luốt chỉ qua những quyển sách trên kệ...

Tôi không nghĩ là hoang đường, vì đã nghe kể Shinokawa Chieko chỉ cần nhìn kho sách cũ là đọc vanh vách tính cách và cả lai lịch chủ nhân. Ngay cả những quyển tồn trong tiệm sách cũ, đối với bà ấy không chừng cũng là manh mối về chủ tiệm.

- Thế bác có đáp ứng yêu cầu đó không ạ?
Inoue lắc đầu trước câu hỏi của tôi:
- Lúc đầu tôi do dự. Nhưng cô ta nói tiếp, “Anh xúi Naomi ly hôn đúng không? Tôi không gây cản trở là được chứ gì!”. Không biết làm thế nào mà đến cả quan hệ của chúng tôi cô ta cũng nắm được.

Quả nhiên là thế, tôi nghĩ. Hai người không đơn thuần chỉ là bạn thời thơ ấu. Ông Shida đã phỏng đoán chính xác.

- Hở... - Tôi đang gật gù thì Shioriko ở bên cạnh rụt rè lên tiếng:
- Bác nói quan hệ, nghĩa là...?
Inoue rất kinh ngạc:
- Chẳng lẽ... Quan hệ mà cô cũng không hiểu?
- Hả?
- Tôi vừa nói còn gì? Quan hệ của tôi và Naomi.
Ông nhắc lại. Một bầu không khí kì lạ tràn ngập phòng khách.
- Cụ thể là thế nào ạ? - Shioriko hỏi bằng vẻ nghiêm nghị.
Tôi bất giác ngước lên trần nhà. Người này mà đụng đến lĩnh vực luyến ái thì sẽ trở nên cực kì chậm hiểu. Lúc đi mua sách ở nhà người yêu cũ của tôi cũng vậy, cô đã không nhận ra cho đến khi được giải thích rõ ràng.
- Ngốc thế à? Cái cô này!
Inoue vừa tặc lưỡi vừa quay sang ngang. Tôi nhận thấy ông đang cố giấu cơn xấu hổ:
- Bấy giờ tôi đã nghĩ đến chuyện kết hôn với cô ấy. Đương nhiên là mối quan hệ đàng hoàng... Đến giờ vẫn vậy.
Trước lời giải thích vắn tắt, Shioriko đỏ mặt tía tai. Cô cúi gục xuống như thể sắp đập đầu vào chiếc bàn thấp.
- X... xin lỗi... Cháu cũng thấy là lạ... Thế ạ? Đúng rồi, quả như cháu nghĩ...
Cô lúng túng thì thầm. Trước cảnh ấy, một nụ cười yếu ớt phớt qua môi Inoue. Ngoài cười nhạo ra, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông cười.
- Dường như cô thực sự khác với mẹ mình... cũng có chỗ giống con người đấy.
Tôi nghĩ về câu nói của Shinokawa Chieko, “Tôi không gây cản trở là được chứ gì”. Đúng là câu đe dọa gián tiếp. Nếu Naomi biết Inoue đang che giấu bí mật của cha mình thì quan hệ giữa hai người có thể tan vỡ ngay. Đó là con bài phụ để củng cố chiến thắng của bà. Sao lại biết cả chuyện đó cơ chứ? Đi trước cơn giận dữ là nỗi sợ hãi vô tận. Giờ tôi đã hiểu rõ nguyên nhân khiến Inoue cảnh giác và đối xử với mẹ con Shinokawa bằng thái độ đầy thù địch như thế. Có lẽ ông sợ bị nhìn thấu những bí mật mà bản thân muốn che giấu.
- Cuối cùng, tôi đã giới thiệu người đàn bà ấy cho bác Akira. Dường như cô ta đã bán được vài cuốn Ranpo quý hiếm còn trong tình trạng tốt. Tất cả đều là bản in đầu tiên của sách viết chung nhiều tác giả.
Vừa nghe chữ “viết chung”, tôi liền nhớ lại quyển sách cũ trong chiếc hộp màu trắng, quyển sách tôi suýt làm rớt, bản in đầu tiên có giá trị cao nhất trong những tác phẩm của Ranpo.
- Kiểu như Egawa Ranko phải không ạ?
- Ừ. Còn cả những quyển sách đẹp như Hiệp sĩ trên không hay Mê lộ sát nhân nữa. Bác Akira vui lắm và rất quý người đàn bà đó. Nghe nói ông bắt đầu thường xuyên mua sách ở Biblia. Về phía tôi thì ngược lại, trở nên giữ khoảng cách với ông. Thật đáng xấu hổ, nhưng tôi không muốn dính líu tới Shinokawa Chieko nữa.
- Kayama Naomi thì thế nào ạ?
Nghe tôi hỏi, Inoue hơi nhăn mặt, như thể chuyện mới xảy ra hôm qua:
- Một ngày nọ, đột nhiên cô ấy bị dẫn quay lại nhà chồng, do hai bên gia đình thuyết phục... nhưng quay lại thì cũng không thay đổi được gì.
Câu chuyện được dẫn dắt về vụ ly hôn ba năm trước. Lòng vòng chán, rốt cuộc bà ấy vẫn làm ở tiệm sách Hitori.
- Hôm qua cô đã nói với cô ấy, rằng bác Akira cũng rất xem trọng gia đình, điều đó có căn cứ gì không? - Inoue lại bắt chuyện với Shioriko.
- Hả? A, vâng... Tạm thời thì... Cháu không dám đảm bảo. Nhưng nếu tìm thấy series Đội thám tử nhí của Kayama Akira thì có thể sẽ hiểu rõ ràng hơn một chút...
- Tôi đã nghe Naomi kể sau khi hai người về. Là bản in của Kobunsha phải không?
- Đúng rồi! Cháu có cảm giác cô Naomi biết chỗ giấu nó.
- Căn cứ vào chiếc huy hiệu BD à? - Inoue hỏi như chặn đầu. - Lúc chơi với tôi cô ấy hay đeo nó lắm. Dù còn trẻ con tâm hồn đơn thuần nhưng tôi cũng thấy ghen tị nên đã gặng hỏi mãi là lấy ở đâu ra, Naomi đều nhất quyết không trả lời. Bây giờ ngẫm lại thì chắc huy hiệu là của bác Akira. Nhưng kể cả thế thì chưa hẳn cô ấy đã biết chỗ giấu sách đâu. Vốn dĩ cô ấy cũng không biết trong nhà đó có sách hay không nữa.
- Bác có nghe Kayama Akira nói gì về series Đội thám tử nhí không ạ?
Inoue lắc đầu trước câu hỏi của tôi:
- Không phải tôi bán. Tiệm của tôi không có sách thiếu nhi. Tất nhiên bác Akira sẽ có được bằng ngả khác thôi, chẳng để ở Yukinoshita thì để ở Oga.
Phải, vấn đề là Kayama Naomi có biết việc đó hay không.
- Ngoài chiếc huy hiệu BD, cháu vẫn còn căn cứ khác, nhưng cháu có vài chuyện muốn hỏi. Series Đội thám tử nhí mà bác Hitori... bác Inoue đã đọc có phải là bản của nhà xuất bản Poplar không?
- Tôi à? Tôi thì đọc lộn xộn của cả Kobunsha lẫn Poplar. Thư viện trường tiểu học có đủ bàn in của Kobunsha, nhưng vì nhiều tập rách nát không thể đọc nổi nên họ đã mua thêm bản in của Poplar. Tôi nghĩ cũng mua bổ sung cả những tập cuối không được Kobunsha phát hành nữa... Có chuyện gì sao?
- Không, chỉ có điều cháu muốn xác nhận một chút... - Cô nói không rõ ràng. Chưa hiểu ý đồ của câu hỏi này là gì? - Bác nghĩ có khả năng cô Naomi mượn series đó từ người ngoài gia đình, hay đọc ở nơi khác ngoài nhà mình không?
- Như tôi biết thì không. Nghe nói vì bận việc học thêm và học các môn năng khiếu ngoài chương trình ở trường nên cô ấy chỉ đọc sách vào đêm khuya thôi. Thư viện thì không đến được vì bà mẹ cấm. Dù muốn mượn thì có lẽ cũng chẳng bạn cùng lớp nào có series đó cả. Mà nhớ lại thì, ngoài tôi ra, cô ấy không có mấy bạn chơi cùng trang lứa...
Càng nghe càng thấy đúng là một thời đại trẻ em không có tự do. Tôi thì đừng hòng tôi chịu. Naomi có cảm xúc phức tạp đối với cha mẹ cũng là lẽ đương nhiên.
- À, nếu tìm thấy bản in của Kobunsha thì sẽ biết được chuyện gì vậy? - Ông Inoue hỏi Shioriko, xem chừng đã đoán ra ở một mức độ nào đó, tôi thì vẫn chưa nắm rõ mạch câu chuyện.
- Mối liên hệ giữa Kayama Akira và cô Naomi. Bác Inoue cũng muốn biết điều đó phải không?
- Đúng vậy. - Ông trả lời. - Cô ấy cứ luôn cho rằng từ nhỏ đã bị cha khinh miệt, ngó lơ... Tôi không nói bác Akira là người hoàn hảo. Nhưng cũng không thể nghĩ rằng ông là người không có chút tình thương nào đối với con gái.
- Cháu cũng nghĩ thế. - Shioriko tỏ ra đồng tình.
- Nhưng tôi không làm sao chứng minh được. Tôi che giấu sự thật suốt thời gian dài, lúc nào cũng lên tiếng bênh vực bác Akira nên có lẽ lời tôi nói không đáng tín nhiệm nữa. Nhưng nghe cuộc trao đổi hôm qua, tôi nghĩ biết đâu cô làm được. Cô có thể giúp tôi xóa bỏ sự hiểu lầm của cô ấy không, nhân lúc tìm chìa khóa két sắt ấy? Đây cũng là một cách để tôi đền ơn bác Akira.
Đề nghị của ông Inoue chứa đựng âm hưởng thiết tha. Chắc ông đã nghĩ ngợi sâu xa và phiền não bấy lâu, đến mức phải xuống nước nhờ vả con gái của kẻ đã dồn ép mình.
- Nếu bác Inoue hợp tác thì cháu có cách để tìm được series Đội thám tử nhí của Kayama Akira. - Suy nghĩ một lúc, Shioriko trả lời. - Có điều, cháu không thể đảm bảo rằng mình sẽ hóa giải được hiểu lầm của cô Naomi với ông Kayama... Chưa kể mối kết nối giữa ông ấy và bác Inoue có khả năng bị phát hiện.
Ông chủ tiệm sách trầm ngâm suy nghĩ. Kayama Naomi đã trách móc dữ dội tiệm Biblia về tội che giấu việc ngoại tình của cha mình. Nỗi tức giận đó không chừng sẽ chuyển hết sang ông.
- Một khi bà Kishiro tiếp xúc với nhà Kayama thì thể nào cũng bại lộ thôi. - Chẳng bao lâu sau ông mở miệng nói một cách nặng nề. - Nhưng cũng tốt hơn là cứ để mãi thế này mà không cố gắng cải thiện... Vậy cô làm sao tìm được? Cô đã đoán ra nó nằm ở đâu rồi à?
- Ở một mức độ nhất định thôi... Nhưng cháu không thể đi tìm thử từng chỗ một. Chưa kể chỗ đó không chắc là mở được dễ dàng.
- Vậy làm thế nào? - Tôi hỏi, cảm thấy tính khả thi hết sức mơ hồ. Liệu có thực sự tìm được không?
- Chỉ có một cách. - Shioriko giơ ngón trỏ lên. - Chúng ta sẽ nhờ cô Kayama Naomi chỉ cho.

9

Ngày làm việc cuối cùng trong tuần, tôi và Shioriko đến nhà Kayama. Đó là vào khoảng giữa trưa nên gia chủ chưa về. Một phụ nữ đứng tuổi có vẻ là người giúp việc ra đón, trước tiên bà đưa chúng tôi đến thư phòng.
Hôm nay Kayama Yoshihiko đã cho phép chúng tôi tìm kiếm trong nhà. Tất cả là nhờ vào Inoue. Ông kiên trì thuyết phục rằng người của tiệm sách cũ Biblia rất đáng tin cậy, nên cho họ được tự do làm việc, biết đâu sẽ phát hiện ra số sách cũ quý hiếm của Kayama Akira, tuy nhiên kèm điều kiện là khi mở những đồ dùng có cửa thì phải có người làm chứng và không dịch chuyển đồ đạc trong nhà nếu chưa được phép.
- Bắt đầu xem từ thư phòng có được không? - Người giúp việc hỏi. Chắc bà là người làm chứng.
- A, à, trước hết, cứ để chúng tôi tự đi xem qua một lượt dinh thự này có được không? Đương nhiên là chúng tôi sẽ không tùy tiện mở chỗ này chỗ kia đâu.
Shioriko bắt chuyện bằng khuôn mặt tươi cười hết mức. Người giúp việc liếc nhìn cô. Hôm nay cô mặc váy dài vải trơn, áo sơ mi trắng cổ rộng cùng áo len màu nhạt. Trang phục như nhân viên văn phòng, trông hoàn toàn vô hại.
- Vậy thì tôi ở đại sảnh tầng một, nếu có việc gì hãy gọi nhé!
Có vẻ tạm thời tin tưởng nên người phụ nữ đóng cửa đi ra. Chắc do tường dày nên không nghe thấy cả tiếng bước chân. Thư phòng yên tĩnh trở lại.
Ngôi nhà nằm giữa lưng chừng dốc, tầm nhìn từ cửa sổ rất đẹp. Vùng này nằm ngoài Fujisawa, giáp ranh Kamakura. Có rất nhiều lùm cây màu xanh nằm lẫn trong khu vực nhà ở.
- Thế, bây giờ chúng ta làm gì?
Tôi nhìn ra bên ngoài, hỏi. Thật ra tôi không biết chi tiết kế hoạch. Shioriko và Inoue đã bàn bạc qua điện thoại nhưng không nói với tôi vì không biết thực tế mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào.
Đúng ra Kayama Naomi sẽ về để chỉ cho chúng tôi chỗ để series Đội thám tử nhí nhưng nghe nói hôm nay bà bận việc ở tiệm sách Hitori.
Sau khi kiểm tra tin nhắn điện thoại, Shioriko đi đến góc phòng, dứt khoát mở cánh tủ chứa đồ.
- Làm thế có sao không?
Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Chẳng phải đã nói là “sẽ không tùy tiện mở chỗ này chỗ kia” ư?
- Vì rất cần thiết... Anh Daisuke, lại đây đi!
Cô vẫy tay như trẻ con kiểu “lại đây, lại đây”. Tôi tiến đến gần, đang nghiêng đầu khó hiểu thì chợt bị đẩy vào lưng, mất đà chúi hẳn vào không gian hẹp.
- Hả?
Tôi vội vàng ngoái đầu lại thì Shioriko cũng đã lách vào tủ. Cô đứng quay lưng về phía tôi, kéo cửa lại. Dù vậy cũng không phải là tối om. Ánh sáng vẫn len qua khe hở của các tấm ván.
- Chúng ta ở đây chờ Kayama Naomi. - Shioriko nhìn ra bên ngoài cửa chớp, thì thầm. - Bác Inoue mới nhắn tin. Nghe nói cô Naomi đang trên đường từ tiệm sách Hitori về. Không biết khi nào sẽ tới nơi...
Đầu Shioriko ở ngay dưới cằm tôi. Mái tóc đen dài sau lưng cô chọc vào ngực áo tôi nhồn nhột. Tôi choáng váng bởi hương thơm từ làn da cô tỏa đầy ắp không gian hẹp.
- Tại... tại sao phải trốn thế?
- Để được chỉ cho chỗ giấu sách. Vì lát nữa, có lẽ cô Naomi sẽ mở nó ra.
Cuối cùng tôi đã hiểu được câu chuyện. Nghĩa là không phải hỏi đàng hoàng để được chỉ tử tế mà là nhìn trộm.
- Làm sao cô biết là nó ở thư phòng? Mà làm sao cô Naomi bằng lòng về đây mở chỗ giấu chứ?
- Xét việc Kayama Akira mất đã được một năm mà vẫn không tìm thấy, và việc ông ấy lúc còn sống đã ở thư phòng rất nhiều, thì khả năng nó ở đây là cao nhất. Trên thực tế. Naomi sẽ đến bây giờ. Lý do là lá thư.
- Lá thư?
- Bác Inoue kể với cô Naomi rằng có lẽ chiều nay người của tiệm Biblia sẽ tìm được series Đội thám tử nhí ở thư phòng, hơn nữa còn bổ sung... Rằng bác ấy đã gửi một lá thư cho Kayama Akira lúc sinh thời, nói về ý định kết hôn với Naomi, nghe nói thư cất ở chỗ không ai thấy, nhưng chỉ sợ không thoát được con mắt tinh tường của mấy người ở tiệm Biblia...
Nói như thế thì đúng là phải đến xem rồi. Có điều...
- Lá thư ấy có thật không?
- Tôi không biết. Nghĩ đến việc cô Naomi mở được chỗ giấu, bác Inoue đã đưa ra ý tưởng đó.
Dẫu đang gặp bế tắc thật, nhưng ăn không nói có thế này thì quá đà nhỉ! Chúng tôi bị Kayama Naomi ghét từ đầu đã đành, nhưng Inoue làm thế liệu có sao không?
Bịch. Lưng cô va vào người tôi. Cô hơi loạng choạng, phần sau đầu cô đụng ngay vùng trên tim tôi, làm tôi suýt nhảy cẫng lên.
- Xin lỗi anh, chỗ này khó dùng nạng quá. Xin lỗi... Au!
Shioriko cố gắng nhích mạnh người ra xa thì lại va đầu vào cửa.
- Không sao chứ?
- Vâng. - Shioriko trả lời trong khi xoa trán. Tôi lo lắng cho phần thân trên đang lảo đảo của cô.
- Dựa vào tôi cũng được. Nếu cô thấy đứng khó. - Tôi nói nhỏ.
Sau một lúc do dự, Shioriko rụt rè tựa lưng vào tôi thật. Sức nặng của cơ thể ấm áp và mềm mại làm tôi gần như mất bình tĩnh.
- Thấy thoải mái hơn một chút rồi. Cảm ơn anh!
- Không, không có gì.
Không gian rơi vào im lặng. Chỉ còn nghe được tiếng thở của nhau.
- Hễ im lặng là thấy ngài ngại sao ấy! - Shiorikothì thầm vẻ khổ sở.
- Ừm, thì...
Chính vì thế, làm đội thám tử nhí thì được, chứ người lớn đàng hoàng rồi mà còn trốn ở đây thì rất kì cục. Chúng tôi vừa nhìn ra thư phòng vắng tanh vừa tìm đề tài nói chuyện với nhau. Rồi cô lên tiếng:
- À... Về chuyện hẹn hò mà anh Daisuke đã nói lần trước...
Trong giây lát, tôi thất thần. Sao lại giở đề tài ấy ra ở đây!
- Hẹn hò, với tôi, phải không?
- Vâng... Làm gì còn ai khác nữa...
- Phải rồi!
Shioriko thở một hơi dài. Diễn biến có vẻ đáng ngờ. Tôi nóng lòng chờ đợi câu tiếp theo.
- Tôi thì... những chuyện thế này nếu không nói rạch ròi sẽ không hiểu đâu... À, trước đây đã từng ra ngoài với anh Daisuke nhỉ. Không chừng cũng có thể coi là hẹn hò, phải không?
Một câu ngây ngô như thế mà cũng hỏi được. Nhưng cô tỏ ra hoàn toàn nghiêm túc.
- Ừm, mà... lần ấy, cũng khó định nghĩa lắm.
Việc đi ra ngoài với cô đơn giản là rất thú vị. Cảm giác cụ thể thế nào, tôi khó mà diễn tả trôi chảy được.
- Động đến lĩnh vực này, tôi cực kì tối dạ... Tôi không hiểu là do cách nói hay thời điểm nói. Hễ nghĩ đến chuyện yêu đương kết hôn của bản thân thì tôi không thể nghĩ suôn sẻ được... Mà có lẽ là tại tôi không muốn suy nghĩ mấy. Đọc trong sách thì thấy hay nhưng mà...
Trong khi lắng nghe, tôi dần dần trấn tĩnh. Cô từng nói là không định kết hôn. Vậy thì chắc cũng không yêu đương. Tạm thời tôi lý giải như thế.
- À, tóm lại là... tôi...
Tóm lại là tôi xin phép được từ chối chứ gì? Dù thế thì Daisuke này cũng không hối hận. Miễn là Shioriko không ác cảm, tôi sẽ tìm cơ hội để thử mời lần nữa. Muốn tiến triển với cô thì cần phải kiên...
-... Sẽ hẹn hò.
Không biết tự lúc nào Shioriko đã quay lại, ngước nhìn tôi. Dù trong bóng tối, tôi vẫn thẫn thờ nghĩ đôi mắt đen của cô thật là đẹp.
- Hả?
- Dù đã tự hỏi lý do, tôi vẫn không hiểu nổi... Nhưng nếu đối tượng là anh Daisuke thì có khi thu xếp được. Vì vậy, chúng ta hẹn hò đi!
- Thật không?
- Vâng. Việc lần này tạm ổn thì ngày nghỉ tới, chúng ta sẽ đi chơi.
- Là thật phải không?
Tôi nhấn mạnh, dai dẳng, đến tội nghiệp. Cô gật đầu. Suýt chút nữa là tôi đã làm tư thế chiến thắng. Chưa phải quan hệ yêu đương hay gì cả, chỉ là một lời hứa sẽ hẹn hò. Nhưng đối tượng là Shinokawa Shioriko. Cứ xét tình hình từ trước đến nay thì đây quả là một bước tiến phi thường.
- Vậy, cô có chỗ nào muốn đi không?
Tôi vừa tấp tểnh tính chuyện tương lai thì Shioriko đưa ngón trỏ lên môi, im lặng nhìn ra ngoài cửa chớp.
Cửa ra vào nặng nề hé ra, Kayama Naomi lặng lẽ lẻn vào thư phòng. Dáng điệu hấp tấp, vai khoác chiếc áo mỏng có mũ với những nếp gấp nhấp nhô. Sau khi kiểm tra để đảm bảo rằng ở hành lang không có ai, bà đóng cửa thư phòng lại.
Không chừng qua người giúp việc, bà đã biết sự có mặt của chúng tôi trong ngôi nhà này.
Bà vội vàng đến chiếc bàn gần cửa sổ, lần lượt mở từng ngăn kéo. Đột nhiên trong một khắc, tay bà khựng lại như giật mình rồi cầm lên một vật nhỏ màu bạc.
Là chiếc huy hiệu BD mà Shioriko đã tìm thấy, nhưng ngay lập tức Naomi lấy lại bình tĩnh, ném chiếc huy hiệu xuống bàn, tiếp tục công việc ban đầu.
Cuối cùng, chắc không thấy vật cần tìm trong các ngăn kéo, bà lại nhìn quanh thư phòng một lượt, rồi dừng mắt ở cánh cửa tủ mà chúng tôi đang nấp. Tôi nín thở. Kayama Yoshihiko nói rằng đã dọn dẹp trong đây rồi nhưng có thể bà em gái không biết. Nếu cửa chớp mở ra thì tất cả công sức sẽ thành bọt nước.
Không, Naomi lắc đầu, rời mắt đi. Tôi vuốt ngực thở phào.
Bà từ từ tiến tới bộ bàn ghế tiếp khách. Nó giống với bộ bàn ghế ở tầng một, hai chiếc sofa bọc da đặt đối diện nhau. Kể cả chiếc bàn, các chi tiết gỗ đều được làm từ cùng một vật liệu. Kayama Yoshihiko nói là gỗ bách.
Tôi nghĩ chắc Naomi định nghỉ giải lao một chút nhưng không phải vậy. Bà quỳ trước bộ sofa, thò tay vào đáy chiếc sofa chân thấp. Xem chừng bà đang chạm tay vào chỗ này chỗ nọ theo một trình tự nào đó. Chẳng mấy chốc bà đã cầm miếng đệm của ghế ngồi lên một cách nhẹ nhàng im ắng.
À... Trong sofa có cài cơ quan... Chỗ giấu đó đúng là có thật và người phụ nữ này cũng biết chỗ đó.
- Đúng như dự đoán... “Ghế người”... “Thằn lằn đen”? Không, là “Khối vàng” không chừng... - Shioriko lẩm bẩm đầy hứng thú.
Ghế người” thì tôi nhớ là đã nghe ở đâu đó rồi.
Hình như nghe được tiếng cô hay sao mà Kayama Naomi tự dưng nghi ngờ nhìn quanh thư phòng.
- Đi thôi, anh Daisuke! - Gọi tôi xong, Shioriko mở toang cửa tủ.

10

Thấy Shioriko xuất hiện, Kayama Naomi đứng chôn chân tại chỗ.
- Cháu... Tại sao...?
Chúng tôi cứ nhìn chăm chú vào chiếc sofa đã biến đổi hình dạng một cách kì lạ. Phía dưới đệm ngồi là một không gian rộng, cất vài chục quyển sách cũ với bìa trước quay lên trên. “Quái nhân tàng hình”, “Quái nhân vũ trụ”, “Bốn mươi khuôn mặt kì quái”, còn có cả “Búp bê pháp thuật”. Trên bìa sách vẽ quái nhân và thiếu niên có chữ “Đội thám tử nhí” và “Edogawa Ranpo”.
Tranh và chữ gợi cảm giác hơi khác so với bản in của nhà xuất bản Poplar. Bộ ở đây giống sách của thời đại cũ.
- Đây là bản của Kobunsha... - Shioriko thì thầm, cúi đầu chào Kayama Naomi. - Xin lỗi, biết cô sẽ đến nên cháu đã đợi. Series Đội thám tử nhí ở đây là của ông nhà phải không ạ? Bản cô thích đọc hồi xưa chính là bản in này, của Kobunsha chứ không phải là của Poplar ở chỗ bác Yoshihiko, đúng không ạ?
Kayama Naomi tròn mắt ngạc nhiên. Mất một lúc bà mới bình tĩnh lại và mở miệng nói chuyện được.
- Tại, tại sao cháu biết?
Tôi cũng rất ngạc nhiên. Làm sao Shioriko biết rõ người này đã đọc bản nào? Trong những cuộc nói chuyện từ trước đến giờ có manh mối gì chăng?
- Hôm trước ở tiệm sách Hitori, khi nói chuyện về Đội thám tử nhí, cháu đã thấy kì lạ.
Nói xong Shioriko khom người xuống lấy quyển “Búp bê pháp thuật”. Trên bìa cuốn nào, đằng san hình vẽ thiếu niên cũng là một khuôn mặt đáng sợ sơn màu trắng nhìn thẳng ra độc giả. Đó là những bìa sách khá ấn tượng.
Sau khi nói “Xin phép”, Shioriko ngồi xuống ghế có tay dựa, dựng nạng bên cạnh. Cô bắt đầu lật sách bằng hai bàn tay không còn vướng víu cái nạng.
Sách không hề rách hay ố, nhìn qua cũng biết là đã được giữ gìn cẩn thận. Bìa lót có ghi “Ngày 15 tháng Mười một năm Chiêu Hòa thứ 32 (1957), phát hành lần đầu”. Thì ra là bản in đầu tiên.
- Tranh minh họa đầy bí ẩn của Ishihara Gojin trên khuôn sách của Matsuno Kazuo cũng rất tuyệt vời... Quả thật, cuốn này tuyệt quá.
- Cuốn sách này có vấn đề gì thế?
- Series Đội thám tử nhí khi thay đổi bản in cũng thường đính chính lại nội dung, nhưng cũng có trường hợp thay đổi cả tên sách nữa. Đối với tác phẩm này thì bản của Poplar và bản của Kobunsha có nhan đề khác nhau. Bản của Poplar là “Búp bê ác ma”.
À.
Nói mới nhớ, hôm trước xem phiên bản Poplar trong phòng để đồ của nhà này, đúng là có quyển “Búp bê ác ma”. Vì đã xem bìa lót nên tôi vẫn còn ấn tượng.
À, mà hai người phụ nữ này đã nói rằng nhan đề và đề tài về “búp bê” cũng hiếm.
- Bác Yoshihiko đã ghi tên lên từng quyển sách của mình. Đó là một mệnh lệnh nghiêm khắc để những quyển sách đó không bị động vào đúng không ạ? Việc lén mang đi đọc có khó không ạ?... À, cảm ơn cô.
Shioriko trả lại quyển “Búp bê pháp thuật”. Người đối diện không nói gì, nhận lấy cuốn sách rồi mở ra. Vẻ mặt đã thư thái hơn.
- Cháu không định hỏi gì quá đáng. Nhưng mà, nếu được, cô có thể cho cháu biết đã xảy ra chuyện gì không ạ? Kể cả chuyện cái ghế kì lạ này, cháu cũng muốn hỏi.
Kayama Naomi đóng sách lại, vuốt vào bìa sách như đang hoài niệm. Bà nhìn chiếc sofa đang mở, bắt đầu câu chuyện bằng giọng êm dịu:
- Đúng như cháu nói, một ngày nọ, anh Yoshihiko bắt đầu cấm tôi động vào series Đội thám tử nhí. Dù bản thân anh không còn đọc mấy, mà tôi thì vẫn chưa đọc những quyển ở nửa sau bộ truyện... Tôi định lén mượn từ kệ sách, nhưng lại sợ cái tính nóng nảy của anh ấy. Mượn ở thư viện thì bị mẹ cấm, mượn bạn thì chẳng ai có... Ngay Ichiro cũng không.
Inoue nói rằng sách ông đọc là của thư viện trường và ông đã đọc lộn xộn cả hai bản in của Poplar lẫn Kobunsha. Nên dù Kayama Naomi nói tên sách thuộc bản in của Kobunsha thì chắc ông cũng không nhận ra.
- Tôi muốn đọc những quyển chưa đọc nên trong lòng rất bồn chồn. Một đêm nọ, khi đi vệ sinh về ngang qua thư phòng thì nghe thấy âm thanh lạ phát ra từ bên trong. Tôi không biết là gì nên thử hé cửa thì thấy cha đang khom người trước bộ sofa mới mua này. Tôi tưởng cha khó ở nên thoạt đầu định lên tiếng gọi, song khi thấy khuôn mặt nhìn nghiêng của ông thì tôi không thể nói được gì... Vì trông ông như người khác vậy.
- Người khác nghĩa là sao ạ? - Shioriko hỏi.
- Cha đang cười tủm tỉm. Nhìn vui vẻ từ tận đáy lòng như đứa trẻ ấy.
Một câu trả lời bất ngờ. Tôi tưởng phải là một khuôn mặt đáng sợ khủng khiếp lắm.
- Ông di chuyển cơ quan của bộ sofa này, vui vẻ để series Đội thám tử nhí đang đặt trên bàn vào đấy. Y như đứa trẻ được mua cho đồ chơi mới vậy. Vì chưa từng nhìn thấy cha như thế nên tôi rất sợ, tưởng đâu quái nhân hai mươi khuôn mặt đã vào nhà này... Trong series đó, có cảnh quái nhân cải trang thành người trong nhà mục tiêu rồi vào lấy cắp báu vật đúng không? Tôi vội vã đóng cửa, chạy trốn về phòng. Nhưng, cha của ngày kế tiếp lại như mọi khi, trở về làm một người nghiêm khắc, không gần gũi với ai cả. Đến mức tôi còn tưởng chuyện đêm trước là giấc mơ... Tôi không hiểu sự tình ra sao, nhưng tâm hồn trẻ thơ của tôi biết rõ một điều. Chuyện đã thấy đêm đó, không được nói với bất kì ai... Kể cả với chính cha mình. Nhưng tôi không ngăn nổi khao khát đọc series Đội thám tử nhí giấu trong sofa. Tôi canh lúc cha không có ở đấy để lén lấy ra đọc rồi trả lại. Lẻn vào thư phòng mà cha thường vắng mặt thì đơn giản hơn so với phòng của anh trai. Thỉnh thoảng tôi cũng lấy cái huy hiệu BD để chung trong đó ra đeo đi chơi. Tôi nghĩ nếu là Ichiro thì sẽ biết rõ... Ừm, xin mời!
Naomi gật đầu khi Shioriko ra hiệu xin phép được xem bên trong sofa.
Cô chủ tiệm đặt cây nạng, ngồi bệt xuống, bắt đầu lục tìm phía dưới chiếc đệm ngồi đã được nhấc lên. Nhìn từ phía sau cũng có thể cảm nhận được niềm vui sướng của cô. Biểu hiện của Kayama Akira chắc cũng như thế này khi cô con gái bắt gặp đêm đó.
- Cô có nghĩ là ông phát hiện ra không?
Shioriko vừa nói vừa mở chiếc hộp gỗ đặt cạnh quyển sách. Bên trong có vài cái hộp nhỏ bằng giấy. Trên nền hộp màu đỏ in chữ “BD” màu đen, có lẽ đây là cái hộp đựng chiếc huy hiệu đã nói. Cầm lấy một thứ trông như quyển sổ tay nhỏ để bên cạnh, Shioriko giở loạt soạt kiểm tra bên trong.
- Gia đình tôi không ai nhận ra cả, vì tôi đã mang đi rất khéo... Này, khoan đã! Làm sao hai cháu biết tôi sẽ đến thư phòng, mở chỗ giấu đồ ra vậy?
Giọng Naomi bỗng trở nên sắc bén. Dường như cuối cùng bà đã lấy lại bình tĩnh và quay về vấn đề mấu chốt. Shioriko vẫn cầm nguyên quyển sổ tay, ngoảnh đầu lại.
- Đó ỉà nhở... bác Inoue của tiệm sách Hitori...
Shioriko ngần ngừ trả lời. Mặt Kayama Naomi biến sắc.
- Vậy thì, chuyện Ichiro nói...
Chắc là về lá thư. Chúng tôi không thốt nên lời.
Trong lúc bầu không khí yên lặng khó xử ngập tràn, cánh cửa thư phòng bỗng mở ra. Một người đàn ông tóc bạc gầy ốm như con hạc, mặc chiếc áo khoác mỏng màu be bước vào. Túi áo ông phồng lên một cách kì lạ, như nhét cuốn sách khổ bunko bên trong.
- Ichiro... - Kayama Naomi nói nhỏ.
Ông chủ tiệm sách Hitori hướng mắt về chiếc ghế có nhét đầy sách.
- Vậy là nó có thật?
- Nghĩa là sao? Lá thư đó... thì thế nào?
- Chuyện lá thư là nói dối. - Trước câu hỏi của người bạn thời ấu thơ, ông Inoue trả lời thẳng, - Anh không gửi thư cho bác Akira.
Nỗi kinh ngạc từ từ lan rộng trên khuôn mặt tiều tuỵ của người phụ nữ. Hệt như một cái lỗ lớn trống rỗng.
- Anh đã câu kết với mấy người này để bắt em mở cái ghế?
- Đúng vậy. Chính anh đề nghị hợp sức với bọn họ.
- Hả?
- Bác Akira là khách của tiệm anh. Anh đã bán sách cũ cho ông mà không nói với mọi người trong nhà Kayama. Dĩ nhiên anh cũng biết sự hiện diện của Kishiro. Bác Akira đã giúp đỡ anh, là ân nhân cứu giúp anh trong bước đường cùng. Anh từng kể với em về một khách hàng thường xuyên hỗ trợ tiệm trong thời kì khó khăn, đúng không? Đó là bác Akira đấy.
Câu chuyện đang gay cấn lên từng chút một mà biểu cảm của Kayama Naomỉ lại cứng đờ.
- Anh không nói bác Akira là một người tốt hoàn toàn. Nhưng chắc chắn không phải người không có tình cảm. Anh cũng muốn em hiểu điều đó...
- Thôi đi! Em không muốn nghe! - Naomi lắc đầu thật mạnh. - Không có chuyện gì để hiểu cả. Tôi đã bị các người lừa chỉ để mở cái ghế này ra. Đủ quá rồi!
Inoue nhìn Shioriko như để tìm câu trả lời. Đúng là sau khi mở chỗ giấu sách thì vẫn chưa tìm hiểu được thêm điều gì. Lúc trước, cô cũng nói “không thể đảm bảo”. Có lẽ kết cục chỉ như vậy thôi.
- Cô nghĩ là ông Kayama thực sự không nhận ra à? - Shioriko bất ngờ lên tiếng. - Thật khó mà tin được rằng, người giấu một bộ sưu tập kĩ lưỡng đến mức này lại không để ý xem có ai đụng vào hay chưa.
- Nhưng, nếu nhận ra thì hẳn đã nói gì đó với tôi rồi chứ?
- Tại không nắm được bằng chứng rõ ràng thì sao? - Shioriko tiếp tục. - Đối với ông thì chắc chắn kết cấu ẩn của sofa này và những quyển sách trong đó là một bí mật quan trọng. Chính vì vậy, nếu không có chứng cứ rõ ràng thì không phải rất khó mở lời hay sao?
- Cháu chỉ suy diễn thôi.
- Không, không phải suy diễn đâu... Cô hãy nhìn cái này đi!
Shioriko chìa ra quyển sổ tay màu đen khi nãy. Ngoài bìa có dấu huy hiệu BD và dòng chữ màu vàng kim Sổ tay Đội thám tử nhí.
- Cái này là cái gì vậy? - Tôi hỏi.
- Là Sổ tay Đội thám tử nhí, phụ bản của tạp chí Thiếu niên đã đăng dài kì series Đội thám tử nhí sau chiến tranh. Cùng với huy hiệu BD, nó rất được trẻ em những năm 1950 yêu thích.
Có cả thứ như thế này cơ à? Shioriko mở trang đầu tiên ra cho tôi xem. Có hình và chữ kí của Edogawa Ranpo cùng thông điệp “Bạn cũng có thể trở thành thám tử”. Quả là món quà đầy kích thích với học sinh tiểu học.
- Quyển sổ tay này, khi xưa không nằm trên cùng chồng sách đâu phải không ạ?
- Giờ cháu nhắc mới thấy, đúng như vậy. Vì sợ làm bẩn nó nên tôi không mang ra... Cái đó có gì không?
Shioriko lật trang đầu, là trang ghi địa chỉ và tên họ của chủ nhân cuốn sổ. Cột tên đã được điền chữ bằng bút mực màu xanh sáng.
Kayama Naomi.
- Có phải là chữ của cha cô không ạ?
- Đúng... nhưng mà, tại sao...? - Naomi líu lưỡi lại vì quá xúc động.
- Là thông điệp ông để lại. Tất cả chỗ sách này là của cô, và... có vẻ ông biết được đây là sách cần cho thám t... à không, nữ thám tử.
Shioriko tì vào nạng đứng lên, đưa quyển sổ tay cho chủ nhân thực sự. Vẫn cầm “Búp bê pháp thuật”, bà đỡ lấy cuốn sổ bằng cả hai tay như đồ dễ vỡ.
Lén để món quà dành tặng ai đó vào một chỗ bí mật, bản thân hành động này giống như trò chơi của trẻ con vậy. Chưa biết chừng, Kayama Akira thực sự đã định chơi đùa với đứa con gái mà hầu như ông không nói chuyện.
Tôi quay đầu lại nhìn chiếc huy hiệu BD vẫn nằm trên bàn. Có lẽ người quá cố đã để trong ngăn kéo để thỉnh thoảng ngắm nhìn. Bây giờ thì không thể hỏi ông để chứng thực được nữa, nhưng có lẽ đây chính là huy hiệu cô con gái vẫn đeo ngày xưa?
- Từ nhỏ tôi đã hay bắt gặp cha mẹ tranh cãi với nhau. - Nhìn xuống cuốn sách cũ và sổ tay, Kayama Naomi thì thầm. - Không, không phải tranh cãi... đúng hơn là chỉ trích từ phía mẹ. Cha thì lúc nào cũng im lặng... Tôi từng nghĩ rằng, dù có ý kiến trái với mẹ thì cha cũng không dám nói mạnh mẽ. - Bà lặng lẽ ngẩng mặt lên, - Tôi từng muốn cha lên tiếng. Cả khi tôi bị người chồng ly thân dẫn đi, cha cũng chỉ im lặng... Tôi cho rằng mẹ rất cô độc. Đồng sàng dị mộng thì khác nào sống một mình...
Inoue đang đứng bất động đột nhiên lục túi lấy một thứ quăng lên chiếc bàn thấp trước sofa. Đó là một phong bì màu trắng khá dày, có tên người nhận là “Ông Kayama Akira”. Mặc dù nét chữ hơi xấu nhưng vẫn tỏ rõ nỗ lực viết thật ngay ngắn.
- Cái này là...? - Kayama Naomi nhìn Inoue với vẻ nghi ngờ. - Lá thư bày tỏ suy nghĩ về chuyện kết hôn với em. Vì là việc rất hệ trọng nên anh định nói bằng thư. Nhưng đang phân vân nên gửi hay không thì bác Akira qua đời. Anh cũng... đã không thể nói ra suy nghĩ của mình.
Đúng là có lá thư. Vậy không hẳn là một lời nói dối hoàn toàn.
Inoue lại lấy trong túi ra một xấp giấy viết thư và phong bì quăng lên bàn. Túi áo bên kia cũng thế. Giấy viết thư đang viết dang dở và phong bì chưa dán rơi vãi hết xuống sàn. Tất cả đều cùng nét chữ với phong bì lấy ra đầu tiên.
- Đối với em, từ xưa anh cũng viết thư thế này... Anh định gửi đến địa chỉ nhà chồng em ở Kansai. Vì chỉ nghe được những lời đồn không hay về cuộc sống hôn nhân của em.
Kayama Naomi thẫn thờ nhìn xấp thư. Không thể đoán được cảm xúc trên khuôn mặt tái mét ấy.
- Không một lá thư nào có dấu bưu điện.
- Vì đâu có gửi. Nếu gửi thì đã tới nơi rồi. - Inoue trả lời bằng giọng cộc lốc.
Tôi lấy làm lo cho lối nói năng không tế nhị ấy, ông không có cách thổ lộ nào gây thiện cảm hơn hay sao?
- Em về tiệm đây. - Kayama Naomi thì thào như bị nghẹn trong cổ họng. - Em rất mừng khi nghe anh nói đã gửi thư cho cha. Có một thời gian em vẫn trông đợi anh nói gì đó.
Rồi bà chạy khỏi thư phòng. Inoue không nói gì, lặng lẽ nhìn theo cho đến khi bà khuất dạng thì từ từ gom thư và phong bì rơi vãi.
- Sao bác không đuổi theo?
- Đây đuổi đây. Đằng nào thì cũng đi về tiệm của tôi mà. - Ông thô bạo vơ lấy số thư gói ghém tâm tư trong một thời gian dài, nhồi vào túi. - Giờ tôi sẽ đi xin lỗi cô ấy vì đã nói dối về lá thư. Không biết kết quả ra sao, nhưng không thấy dọa nghỉ làm ở tiệm nhỉ... Chắc sẽ chấp nhận lời xin lỗi thôi.
-,Xin lỗi, tại chúng cháu...
Shioriko chưa dứt lời, Inoue đã chặn lại, cúi đầu đàng hoàng.
- Không, cô cậu đã hóa giải được hiểu lầm giúp tôi. Tôi mới phải cảm ơn.
- Chỉ là may mắn thôi ạ... À, cháu hỏi một chuyện nhé?
Inoue đã bước đi, lại ngoái đầu nhìn:
- Chuyện gì?
- Biệt danh Ichiro có phải xuất phát từ Đội thám tử nhí không?
Inoue ngỡ ngàng giây lát, rồi mau chóng đáp lại bằng nụ cười toe toét. Chỉ mình tôi là không hiểu được ý nghĩa. Shioriko giải thích cho tôi:
- Trong series Đội thám tử nhí có một đội viên tên Inoue Ichiro. Đó là một thiếu niên “vừa có trí tuệ, vừa có sức mạnh, và rất đáng tin cậy”. Tên của chủ tiệm sách Hitori là Inoue Taichiro, chỉ nhiều hơn có một chữ “ta” thôi.
Inoue gật đầu.
- Đúng là như thế. Vì giống Inoue lchiro nên tôi đã được Naomi rủ chơi trò đóng vai thám tử. Nếu không, có khi Naomi đã rủ đứa trẻ nào khác rồi... Chính Ranpo se duyên cho tôi và cô ấy... Mà cũng có thể nói mối duyên giữa tôi và Ranpo là do Naomi dệt nên.
Để lại những lời đó, Inoue quay gót đi ra hành lang.

11

Thư phòng yên tĩnh trở lại.
- Kết như thế là có hậu rồi nhỉ!
- Có lẽ... Sau đây là vấn đề của hai người họ thôi.
Shioriko ngồi bệt xuống sàn, bắt đầu lục tìm trong chiếc ghế. Tôi xem xét kĩ lưỡng cấu tạo của sofa. Phần đệm ngồi có thể nâng lên bằng một hệ thống pít tông và lò xo. Chắc là được giữ gìn cẩn thận nên hầu như không gỉ sét hay lấm bẩn.
- À, nói mới nhớ, “Ghế người” hồi nãy cô nói là gì vậy?
- Truyện ngắn thời kì đầu của Ranpo. - Shioriko thoáng ngước nhìn tôi qua mắt kính. - Câu chuyện xoay quanh nhân vật nữ chính xinh đẹp, bắt đầu từ việc cô nhận được một lá thư dài, do một người tự xưng là người sản xuất đồ gia dụng gửi tới... Bức thư ghi lại những trải nghiệm đầy bất hạnh của người đàn ông đó. Ngày ngày anh ta chăm chỉ làm ra những chiếc ghế. Một hôm anh chế tạo cơ quan trong một chiếc ghế khách đặt rồi chui vào trong. Từ đó, người làm đồ gia dụng bước ra thế giới bên ngoài theo từng chiếc ghế. Ban đầu anh ta chỉ định ăn trộm đồ ở nơi tới, nhưng chẳng bao lâu thông qua chiếc ghế, anh ta đã bị cuốn hẳn vào cơn khoái lạc được tiếp xúc với da thịt con người.
- Kinh thế!
Xét trên những nội dung đã nghe, tôi cảm thấy tác phẩm của Ranpo hay đề cập đến ảo tưởng kì quặc hoặc phần tăm tối trong tâm hồn con người. Tôi khó lòng diễn tả chính xác, nhưng đại loại là nhào nặn hình hài cho những giấc mơ xa rời hiện thực.
- Đúng rồi. Kết cục rất bất ngờ, cũng rất nổi bật. Nó là một tác phẩm tiêu biểu đấy. Mô típ con người chui vào chiếc ghế có cơ quan mật cũng xuất hiện ở nhiều tác phẩm khác của Ranpo, như tiểu thuyết Thằn lằn đen với cuộc đối đầu giữa nữ siêu trộm xinh đẹp và Akechi Kogoro, hay Khối vàng của series Đội thám tử nhí phát hành trước chiến tranh...
Đột nhiên, cô im bặt.
- Sao vậy? - Tôi ngạc nhiên. Cô gái này rất hiếm khi dừng giữa chừng một câu chuyện về sách.
- Hình như không có chìa khóa.
- A...
Nhắc mới nhớ, chúng tôi đang tìm chìa khóa két sắt cơ mà. Shioriko lần lượt chất những quyển sách cũ trong sofa lên chiếc bàn thấp, rồi lấy luôn cả hộp đựng huy hiệu và sổ tay. Sofa đã trống không mà chẳng thấy gì khác nữa.
- Nghĩa là quay lại vạch xuất phát?
Nếu không tìm ra chìa khóa thì những vất vả cho tới thời điểm này đều thành vô nghĩa. Câu chuyện đã dính líu tới vài người rồi, mà rốt cuộc thì chỉ tìm thấy series Đội thám tử nhí thôi. Giống như công sức đổ sông đổ bể vậy.
Nhưng Shioriko lắc đầu phủ định:
- Không, tôi nghĩ không phải. Hãy nhìn cái này xem!
Cô trỏ series Đội thám tử nhí trên bàn. Tôi đã tưởng tất cả đều cùng một bộ nhưng khi nhìn gáy sách thì có vẻ đang lẫn vài quyển khác. Sách vẫn ở trong tình trạng tốt nhưng lại không có cảm giác thống nhất.
- Có cả bản của Poplar nữa thì phải.
Tôi đếm thử thì thấy có bốn quyển in hình mũ sắt phương Tây ở gáy sách. Đó là “Robot M”, “Lời nguyền của quái nhân hai mươi khuôn mặt”, “Quái nhân hai mươi khuôn mặt bay lên trời”, “Quái thú vàng”.
- Hình như ông Kayama có một quy tắc cho bộ sưu tập... Các sách ở đây đều là bản tankobon in lần đầu. Bốn quyển này tập hợp những tác phẩm cuối đời của Ranpo, nhưng lần đầu phát hành dạng tankobon là ở nhà Poplar.
Tôi thầm sắp xếp lại câu chuyện, vì đề cao tiêu chí tankobon xuất bản lần đầu nên Kayama Akira cố sưu tập hết mà bỏ qua thể loại và nhà xuất bản chăng?
- Trong Đội thám tử nhí - Edogawa Ranpo toàn tập của Kobunsha, có nhiều tác phẩm ra tankobon lần đầu, nhưng cũng có vài tác phẩm từng được phát hành trước đó rồi. Những quyển như “Yêu ma đồng thiếc”, “Nanh hổ” ở đây chính là loại thứ hai... Mà anh có nghĩ bộ sưu tập này có chỗ kì lạ không?
Tôi nhìn lại gáy sách một lần nữa. Dù được trưng cầu ý kiến, nhưng một kẻ nghiệp dư như tôi thì làm sao mà... Không đúng, chờ đã. Kể ra là có chỗ kì lạ đó.
- Không có quyển “Quái nhân hai mươi khuôn mặt” và “Đội thám tử nhí”.
Tất cả những tác phẩm nổi tiếng đều không thấy. Hơn nữa, số lượng cũng ít hơn toàn tập của Poplar mà Kayama Yoshihiko đang giữ.
- Ừm, không có bốn quyển phát hành trước chiến tranh là “Quái nhân hai mươi khuôn mặt”, “Đội thám tử nhí”, “Tiến sĩ yêu quái” và “Khối vàng”.
Tôi nghĩ bụng mình trông vậy chứ đầu óc cũng nhạy bén lắm. Vài ngày trước, khi vào thư phòng này lần đầu, tôi đã nghe Shioriko giải thích rất nhiều về series Đội thám tử nhí, nhờ vậy mà còn nhớ...
- Có phải trước chiến tranh nó được in ở một nhà xuất bản khác không?
- Đúng rồi! Bốn quyển đó do Kodansha phát hành. Vào thời ông Kayama, những quyển sách thân quen với thế hệ trẻ em là bản in trước chiến tranh của Kodansha. Nếu quy tắc của bộ sưu tập quả thật là tankobon in lần đầu thì ông ấy dứt khoát phải có bản của Kodansha. Nhưng ở đây, một quyển cũng không có, nghĩa là...
Cuối cùng tôi đã biết câu trả lời. Dưới sofa chỉ có bản in của Poplar và Kobunsha phát hành sau chiến tranh. Nghĩa là ngoài chỗ này vẫn còn một chỗ giấu khác nữa, bản in trước chiến tranh của Kodansha đang ngủ yên đâu đó, chưa biết chừng cũng chính là chỗ cất chìa khóa két sắt.
- Ở đâu được đây?
- Tôi đang suy nghĩ... - Shioriko chậm rãi đứng lên, vừa đặt ngón tay vào thái dương vừa chống nạng đi lòng vòng. Chưa bao giờ tôi thấy Shioriko lo lắng như thế. - Chắc chắn nó ở trong thư phòng... Nếu vậy thì, hồi nãy...
Cô đang lầm bầm thì chợt đổi hướng và đi về phía cửa. Tôi nghĩ cô định đi ra hành lang nên vội chạy vòng lên trước để mở cửa. Nhưng tôi vừa dợm bước qua thì Shioriko đã kéo tay áo tôi lại.
- Khi nãy nghe bà Naomi nói chuyện, tôi đã cảm thấy lạ.
- Sao?
- Trong thư phòng này, cả tường và cửa đều rất dày, tiếng động ngoài hành lang có thể nói là không lọt vào được. Ban nãy chúng ta cũng không nghe thấy tiếng chân bác Inoue khi đến đây đúng không?
- Đúng là vậy, nhưng...
- Bà Naomi nói đêm khuya nghe tiếng động lạ từ thư phòng phát ra nên mới nhìn vào bên trong. Nếu là tiếng động bình thường thì không thể nào nghe được.
- Phải chăng là tiếng động rất lớn?
- À... Ví dụ như, cố gắng mở cái sofa này... Không, không đúng.
Tôi tự mình phủ định. Như vậy không hợp lý. Kayama Naomi đã nhìn thấy cha đi chuyển cơ quan. Nghĩa là trước lúc đó ông chưa di chuyển nó. Trên hết, việc đóng mở sofa hầu như không gây ra tiếng động. Vì kể từ khi nó được tạo ra cho đến giờ đã trải qua mấy chục năm mà vẫn hoạt động trơn tru thì ban đầu, cơ quan cài trong sofa chắc chắn còn êm hơn.
- Đúng vậy. Tiếng động không phải do sofa phát ra. Thêm một điều nữa, Kayama Akira đã cố gắng nhét bộ sưu tập vào chiếc sofa mới mua lúc con gái nhìn thấy. Có lẽ tiếng động trước đó phát ra khi di chuyển đồ ở một nơi khác đến. Nếu suy nghĩ và xâu chuỗi tất cả thì...
Shioriko chạm vào cánh cửa. Cửa được thiết kế dày dặn, lắp tới mấy tấm panel hình chữ nhật. Trong lúc cô dùng ngón tay chạm vào chỗ này chỗ nọ trên viền panel ở ngay tầm mắt thì một tiếng động lớn vang lên, phần trang trí phía trên viền panel bung ra.
- A...
Tôi vỡ lẽ, liền vội vàng giúp cô một tay. Khi dỡ hết phần khung liên kết thì đương nhiên mấy tấm panel cũng được tháo rời. Đằng sau nó là một kệ giấu đồ không sâu lắm.
- Hóa ra cánh cửa lại là một cái kệ à?
Thảo nào cửa rất nặng. Có lẽ toàn bộ phần nằm ẩn sau panel trở thành kệ giấu đồ và Kayama Akira đã để bộ sưu tập ở đó. “Âm thanh lạ” mà Kayami Naomi nghe được chính là tiếng động phát ra từ cánh cửa.
Trên kệ có bốn quyển sách cũ bìa áo màu vàng, toàn bộ bìa sách được xếp hướng về phía chúng tôi. Sách ở đây cũ hơn cả bản in của Kobunsha để trong sofa, quyển nào cũng được để trong túi nilon hơi to một chút. Tên sách lần lượt là “Quái nhân hai mươi khuôn mặt”, “Đội thám tử nhí”, “Tiến sĩ yêu quái, “Khối vàng”. Tất cả đều là bản in của Kodansha.
- Thật tuyệt!
Shioriko hào hứng ra mặt, má đỏ lên, tay lấy xuống quyển “Quái nhân hai mươi khuôn mặt” nằm bên rìa phải của kệ sách.
- Lần đầu tiên tôi được thấy bản in đẹp đến thế này của Kodansha! Bìa áo không hề bị rách hay dính bẩn. Sách thiếu nhi trước chiến tranh mà tình trạng còn tốt là hiếm lắm đấy!
Tôi hiểu. Dù là thời đại nào thì trẻ con sử dụng sách đều cẩu thả cả. Tôi lúc nhỏ cũng vậy, mà khi biết dọc sách đàng hoàng rồi vẫn thế.
- Là bìa màu nhỉ? - Tôi ngó qua vai cô.
Bìa áo in hình một thiếu niên trầm tư suy nghĩ, viên ngọc suýt bị đánh cắp và một người đàn ông trông đáng sợ đang đeo mặt nạ. Có vẻ ngay từ đầu bìa sách vẫn luôn là sự kết hợp giữa thiếu niên và quái nhân.
- Ừ, phụ bản tranh cũng in nhiều màu. Phát hành từ tận năm 1936 mà đóng quyển khá đàng hoàng. Tranh ở bìa cứng cũng thật tuyệt! Anh cầm giùm tôi một chút nhé.
Cô để sách lên tay tôi rồi khéo léo tháo bìa áo và túi nilon ra bằng một tay. Trên nền vải màu nâu nhạt có hình vẽ quái nhân đội mũ chóp cao, mặc áo măng tô và đeo mặt nạ. Đó là một hình minh họa đẹp đến mức không thể nghĩ là sản phẩm của bảy mươi năm trước.
- Cái này, chắc là đắt lắm phải không?
- Đương nhiên rồi. Độc giả của series Đội thám tử nhí thuộc rất nhiều lứa tuổi, nên nhu cầu về bản in đầu tiên cũng rất lớn. Vì chưa xem kĩ bên trong nên không thể nói được gì. Nhưng nếu tiệm của chúng ta bán ra thì tôi nghĩ bốn quyển phải trên 1,5 triệu yên.
Tôi hết sức kinh ngạc vì mức giá cao ngất ngưởng ấy. Bản in đầu tiên của một tác phẩm mà ai cũng biết, lẽ nào lại đắt đến vậy. Mà không, có khi chính vì ai cũng biết nên mới đắt thế.
- A...
Shioriko kêu khẽ, thò tay vào giữa hai quyển “Đội thám tử nhí” và “Tiến sĩ yêu quái”, rồi lấy ra một chiếc chìa khóa cũ hình như bằng sắt.
- Cuối cùng đã tìm thấy rồi!
Cô nhìn về phía tôi, cười tủm tỉm.

Chúng tôi rời khỏi nhà Kayama, chạy xe van về thẳng Kamakura. Phải xác nhận chiếc chìa khóa tìm thấy có phải là chìa khóa của két sắt không để chuyển cho Kishiro Keiko. Dù thế nào thì cũng đã tiến thêm được một bước.
- Phải xin lỗi Aya...
Shioriko thì thầm khi chúng tôi xuống dốc và quặt vào tỉnh lộ. Cô đã nhờ em gái trông tiệm giúp, còn hứa hẹn “Sẽ quay về ngay”, vì Ayaka nói là hôm nay học mỗi buổi sáng nên định ra ngoài mua sắm vào buổi chiều. Đến giờ cũng đã khá trễ rồi.
- Ừ.
Tôi vừa lái xe vừa khẽ gật đầu, nhưng tâm trí đang bận miên man chuyện khác, xoay quanh Kayama Akira.
Kệ giấu đồ trong sofa và cánh cửa đã thấy khi nãy, rõ ràng không phải tác phẩm của một người nghiệp dư. Đây phải là một sản phẩm thửa riêng với giá rất cao. Tại sao một người sống an nhàn trong dinh thự lộng lẫy như thế lại bỏ công sức đặt làm một hệ thống điên rồ đến vậy.
Ông Kayama Akira, khi ở trong nhà luôn tỏ thái độ nghiêm khắc, vậy mà lại đi cặp bồ bên ngoài, ông âm thầm để lại cho con gái lời nhắn nhủ trong Sổ tay Đội thám tử nhí, lại lẳng lặng cứu thoát một chủ tiệm sách cũ trẻ tuổi khỏi cảnh khốn cùng. Inoue và Naomi đã ví ông với quái nhân hai mươi khuôn mặt, và đúng là ông có tới mấy khuôn mặt.
Tôi thấy cũng chẳng có gì lạ nếu ông ấy còn một khuôn mặt như vậy nữa.

Mất khoảng ba mươi phút chúng tôi đã tới được nhà Kishiro Keiko ở Yukinoshita. Đón chúng tôi ở lối vào nhà là bà em gái Kuniyo, nhưng vừa giáp mặt tôi đã cảm nhận được bầu không khí kì lạ. Tôi thấy bà cứ thấp thỏm không yên, luôn đánh mắt ra phía ngoài. Tôi nghĩ Shioriko cũng đã nhận ra.
Dù thế, bà vẫn dẫn chúng tôi tới thẳng phòng khách. Không thấy Kishiro Keiko đâu, bên bàn tròn có ba chiếc ghế giống lúc trước và một khoảng trống vừa đủ cho một người. Là chỗ của xe lăn.
- Bây giờ chị Keiko đang ở ngoài vườn. Chút nữa sẽ đến. - Tanabe Kuniyo nói.
Cửa sổ sát sàn phủ rèm dày nên chúng tôi không nhìn thấy rõ khung cảnh bên ngoài. Hình như cửa đang mở vì mép rèm bị gió thổi bay phấp phới như những gợn sóng.
Đúng là có chuyện gì đó rất kì lạ. Chủ nhà đang sốt ruột sốt gan đợi chìa khóa, vậy mà giờ lại ở mãi ngoài vườn không vào gặp.
Tủ âm tường chứa két sắt được mở ra, Shioriko tay cầm chìa khóa, chầm chậm ngồi xuống trước két sắt.
Tôi thờ ơ nhìn quanh căn phòng tối mờ, bụng bảo dạ tình hình bất thường như vậy thì chưa biết chừng sẽ có manh mối ở đâu đó.
Nhưng hầu như không có gì khác với đợt trước chúng tôi đến, chỉ trừ việc các đồ vật đặt trên tủ búp phê như khung ảnh, điện thoại màu đen và hộp khăn giấy đều đang phủ đăng ten. Nói mới nhớ, sở thích cùa Kuniyo là đăng ten. Nhưng nói thật, nó không hợp với căn phòng. Bao nhiêu năm qua tôi chẳng còn thấy ở đâu dùng đăng ten để trang trí nữa.
- Quả đúng như tôi nghĩ, là chìa khóa của két sắt này.
Tôi ngoái lại phía Shioriko. Chiếc chìa khóa tìm thấy khi nãy vừa khít với lỗ khóa có trang trí.
- Thế à... Vậy nhờ cháu tiếp tục giúp chúng tôi.
Kuniyo liếc nhìn cửa sổ thông ra vườn. Vẫn không có dấu hiệu gì là Kishiro Keiko sẽ xuất hiện.
- Ngoài vườn có khách phải không ạ? - Shioriko vừa nói vừa kẹp chặt cây nạng vào cánh tay và đứng lên.
- Ừ, thì... - Bà chỉ ậm ừ mà không giải thích. Shioriko cũng dõi mắt về phía cửa sổ. Nhờ đó cô nhận ra có người đang đứng ở bên kia rèm. Bóng một phụ nữ tóc dài. Trong khoảnh khắc, không hiểu sao tôi thấy rất giống Shioriko. Một bàn tay mảnh khảnh luồn vào giữa hai tấm rèm, từ từ gạt ra.
- A...
Trên môi Shioriko thoát ra âm thanh khàn khàn. Tôi cũng kinh ngạc đứng chôn chân tại chỗ. Người phụ nữ đứng tuổi mặc áo khoác màu đen, đeo kính râm màu nhạt đang đứng ở ban công. Mái tóc đen dài hơn cả tóc của cô con gái đang đung đưa theo gió. Hôm trước bà cũng chưa tới gần đến thế này.
- Lâu quá không gặp, Shioriko. - Shinokawa Chieko nói.
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét