Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 2 - Chuyện Thứ Nhất

Tiệm sách cũ Biblia Q 2

Tác giả - Mikami En
Người dịch: Đỗ Phan Thu Hà
Nhà xuất bản Văn Học - 2017

Tập 2 - Shioriko và cuộc sống ngày thường bí ẩn

Tại Kamakura, trong một hẻm vắng, có một tiệm sách nhỏ tên là Biblia, chuyên mua bán trao đổi sách cũ.
Hôm nay, cô chủ xinh đẹp nghỉ chữa bệnh bấy lâu đã được xuất viện, về làm việc như cũ. Tuy nhiên tình hình Biblia có đôi chút thay đổi so với trước kia. Thanh niên trông tiệm vốn mắc hội chứng sợ đọc, hằng ngày phải đánh vật khốn khổ với đống sách cũ.
Cô chủ không biết phải giúp cậu thế nào, nhưng sự có mặt của cậu đã nuôi dưỡng một niềm vui thầm kín trong cô.
Điểm duy nhất không thay đổi là, hai người vẫn sát cánh cùng nhau, khi thì sắc sảo, khi thì ôn hòa, lần lượt khám phá những câu chuyện xoay quanh các cuốn sách cũ, khơi mở bao bí mật của các chủ nhân đời trước đã ướp vào trong sách.

Mở Đầu

Nhật kí Cra-Cra của Sakaguchi Michiyo
(Bungeishunju phát hành)

Xạch! Tôi kéo cửa, bầy chim sẻ đậu ngoài hiên rào rào bay lên.
Chúng bay theo hàng thẳng tắp, băng ngang con đường rồi mất hút phía nhà ga. Nhìn bầy chim đông đến bất thường, tôi đoán là do ai đó đang cho chúng ăn. Trong khu này có vài ngôi nhà cổ với vườn được chăm chút tỉ mỉ thường thu hút chim chóc, nếu chủ nhà có lòng yêu thích những vị khách vãng lai ấy thì cũng chẳng có gì là lạ.
Sáng nay trời đẹp. Gió từ biển thổi vào, hầm hập như mang theo dư âm của cái nóng cháy da cháy thịt hồi mùa hè. Nhưng dù sao cũng đã sang tháng Mười, nhìn qua các mái nhà lên núi non đằng xa, có thể thấy sắc lá xanh mướt đang phai dần.
Thu đã về với Kita-Kamakura. Chẳng bao lâu nữa, du khách sẽ nô nức kéo đến chùa Engaku và chùa Kencho để ngắm lá đỏ.

[Chùa Engaku và chùa Kencho là hai ngôi chùa lớn thuộc quần thể Kitamura Ngũ Sơn, thắng cảnh thu hút khách du lịch vào mùa lá đỏ]

Tôi mang biển hiệu ra ngoài. Tấm biển bằng sắt, gắn trụ quay, chữ màu trắng viết theo lối thư pháp trông khá cổ điển, nhưng thực ra là biển mới làm. Biển cũ bị bỏ vì gỉ quá rồi, dùng hơi ồn. Mẫu mã vẫn được giữ nguyên ở biển mới, do một lò rèn có truyền thống lâu đời tại Kita-Kamakura này làm. Biển sắt bền thì bền thật, nhưng hơi nặng.
Tôi hì hục đặt tấm biển dưới mái hiên, rồi xoay mặt “Thu mua sách cũ - Định giá hợp lý” đi nửa vòng để thấy được cả tên cửa tiệm: TIỆM SÁCH CŨ BIBLIA.
Phải, đây là một tiệm sách cũ có thâm niên mấy chục năm ở Kita-Kamakura. Tôi thì vào làm từ hồi mùa hè.
Nhung nói như vậy có hơi quá ngắn gọn không nhỉ? Thật ra tôi đã nghỉ việc một lần và mới quay lại làm được một tuần thôi. Trong khoảng thời gian ngắn mà xoay như chong chóng, hết làm rồi nghỉ, nhung có nhiều chuyện xảy ra nên bắt tôi giải thích trong đôi ba câu thì khó quá. Nếu tổng hợp câu chuyện rồi kể lại, không khéo thành cả một cuốn sách ấy chứ. Mà thôi, giờ tôi phải chuẩn bị mở cửa tiệm đã.
Tôi đẩy chiếc xe cút kít chứa đầy sách đồng giá 100 yên ra ngoài hiên, rồi lấy chổi quét lớp bụi bám khắp lối đi trong tiệm. Từ lối đi này đến các giá kê chất chồng những sách, đều tỏa ra một thứ mùi ẩm thấp chỉ có ở giấy cũ.
Cửa tiệm chúng tôi chuyên mua bán sách thuộc mảng khoa học nhân văn như văn chương, lịch sử hoặc tôn giáo, và gần như chẳng có cuốn nào là sách mới xuất bản. Đương nhiên, các cuốn trong tiệm đều từng nằm trên kệ sách của một nhà nào đó trước khi được đưa đến đây. Tất cả đều mang trong mình một quá khứ riêng. Có những cuốn được chủ nhân giữ gìn và yêu thương hết mực, nhưng không ít quyển bị lãng quên, chỉ làm bạn với bụi trên giá.
Ai đó từng bảo, một cuốn sách cũ đã qua tay người thì không chỉ phần nội dung bên trong, mà bản thân cuốn sách ấy cũng có câu chuyện của riêng mình. Sách trong cửa tiệm này đều như thế, và rồi biết đâu, chúng sẽ lại được trao cho ai đó để dệt nên một câu chuyện mới.
Dĩ nhiên là trong trường hợp bán đi được.
- ... ơi...
Giọng phụ nữ khẽ khàng vang lên khiến tôi dừng tay và quay người lại. Ở cuối góc quầy là cánh cửa thông với nhà chính, nơi ở của chủ tiệm. Giọng nói vừa rồi phát ra từ phía ấy. Cô chủ hiện đang ở trong nhà. Sau khi bỏ thêm tiền lẻ vào quầy thu ngân, cô bảo phải đi lấy món đồ gì đó và ở lì trong đấy từ nãy đến giờ.
- Anh Gora ơi...
Chủ tiệm đang gọi. Tôi bước vào phía trong quầy rồi mở cửa. Có một chỗ để giày nhỏ hẹp và hành lang mờ mờ tối dẫn vào bên trong. Vẫn chẳng thấy bóng dáng người vừa cất tiếng ở đâu.
- ...được không, cái...
Giọng nói nghe lúc được lúc mất vang xuống từ trần nhà. Có vẻ cô đang ở tầng hai. Hơi bối rối, tôi cởi giày và bước lên hành lang.
Giống với cửa tiệm, nhà chính cũng đã cũ, ván gỗ lót hành lang cứ kêu cọt kẹt theo mỗi bước chân. Bình thường, tôi chỉ vào đây khi cần sử dụng nhà vệ sinh mà thôi. Dẫu có là nhân viên của tiệm đi nữa, tôi cũng đâu thể cứ thích là tự tiện bước vào nơi sinh hoạt của chủ tiệm được.
Dù gì trong nhà chỉ toàn con gái sống với nhau.
- Có chuyện gì thế?
Đứng dưới cầu thang, tôi hỏi với lên. Cầu thang đổi hướng giữa chừng nên tôi không thể thấy tình hình tầng hai thế nào. Tay vịn mới tinh có lẽ được lắp để đỡ tốn sức hơn khi đi lên đi xuống, bởi chân cô chủ đang bị thương.
- Anh... một chút...
Một giọng nghèn nghẹt đáp lại. Chẳng biết là “Anh lên đây một chút” hay “Anh đợi tôi một chút”, nghe kiểu nào cũng thấy có lý.
- Tôi đi lên được không?
- Vâng.
Có chuyện gì thế nhỉ? Căng thẳng, tôi bước chân lên cầu thang. Nghe nói phòng riêng của chủ tiệm nằm trên tầng hai. Tôi đã tự dặn mình là không được nhìn chằm chằm vào phòng con gái nhà người ta nhưng...
- Trời đất!
Vừa lên đến tầng hai tối tăm, tôi đã phải trợn mắt. Dọc hành lang chật hẹp, cả rừng sách cũ chất thành từng núi nằm san sát nhau, chồng nào chồng nấy cao đến thắt lưng. Ai không biết mà nhìn vào thể nào cũng nhầm tưởng đây là nhà kho. ở giữa có đúng một đường đi bé xíu, vừa đủ để lọt chân, dẫn vào cánh cửa kéo trong cùng.
Thật lòng mà nói thì cảnh tượng này cũng không ngoài dự đoán cho lắm. Chủ nhân tiệm sách cũ Biblia vốn là mọt sách chính hiệu, chỉ cần được đọc sách là đã hạnh phúc lắm rồi. Dạo trước nằm viện, cô còn mang theo một đống sách vào phòng bệnh làm y tá phải nhắc hết lần này đến lần khác.
Tôi đứng trước cánh cửa kéo cuối hành lang, đang định cất tiếng thì một vật kì lạ lọt vào tầm mắt. Ngay lập tức, tôi chống tay trái vào tường, nghiêng người lại để nhìn vì ở chỗ này cũng xếp tới mấy chồng sách cũ.
Đó là một con chim nhỏ màu trắng đang gập cánh.
Nhưng đây không phải chim thật mà chỉ là bức tranh vẽ trên vải canvas đặt trong khoảng trống giữa chồng sách và bức tường. Tôi chỉ trông thấy một góc tranh mà thôi.
Mà tại sao lại có bức tranh ở chỗ này cơ chứ?
Tôi cúi lại gần. Tranh xem chừng đã cũ, mép đóng đinh phủ một lớp bụi mỏng. Tranh không được treo trên tường, cũng không được xếp gọn và cất đi, mà lại bị nhét vào giữa đống sách thế này, cứ thấy lạ lùng thế nào ấy.
Bản thân bức tranh cũng khiến tôi tò mò. Đằng sau con chim nhỏ là núi sách chồng chất lên nhau, như thế tái hiện một phần quang cảnh của hành lang này.
Trước giờ, tôi chưa từng nghe chuyện tranh lấy chủ là cả đống sách như vậy. Không biết những phần khác vẽ gì nhỉ!
Đột ngột, cánh cửa mở ra, kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ.
- Á!
Người lên tiếng không phải tôi mà là một cô gái dáng người nhỏ nhắn với mái tóc đen buông dài. Cô ăn mặc vô cùng giản dị, váy liền thân màu xanh da trời điểm xuyết họa tiết hoa li ti, kết hợp cùng chiếc áo cardigan khoác ngoài, khuôn mặt thanh tú, nước da trắng ngần. Cô trạc hai mươi lăm tuổi. Cặp kính trên sống mũi dọc dừa gần sát đến mức suýt nữa thì húc vào ngực tôi.
- Xin, xin lỗi.
Đôi gò má không trang điểm đỏ bừng, cô bối rối lùi ra sau một bước. Tuy hơi loạng choạng nhưng mau chóng lấy lại thăng bằng nhờ cây nạng chống trên tay.
Tên cô là Shinokawa Shioriko, chủ nhân của tiệm sách cũ Biblia.
- Cô có sao không?
- Dạ, dạ...
Cô gái ngượng ngùng đánh mắt sang hướng khác rồi quay lưng đi... Có gì đâu mà ngượng ngùng, chắc cô quay lại chỉ để kiểm tra xem núi sách Toàn tập Văn học Đại chúng Hiện đại xếp trên chiếu tatami có bị đổ hay không mà thôi.
Đây là một căn phòng kiểu truyền thống rộng hai gian, vách ngăn đã được dỡ đi. Xem chừng tầng hai này được dùng làm phòng ngủ, vì cạnh cửa sổ quay ra hướng Nam kê một chiếc giường và tủ quần áo.
Ngoài ra, quanh đi quẩn lại chỉ thấy cơ man nào là sách. Tôi thấy mấy loại từ điển bách khoa được xếp gọn gàng trên chiếc giá bằng gỗ gắn cửa kính, quay sang kệ sắt, đập vào mắt lại là chồng sách khổ bunko nhiều màu nhét chật cứng.
Nóc kệ sắt chồng chất tuyển tập ảnh và sách mỹ thuật in khổ lớn cao ngất ngưởng, gần chạm trần nhà. Chưa dừng lại ở đó, trên chiếu tatami lại sừng sững ngọn tháp lẫn lộn của cả mấy chục loại sách báo, nào sách chuyên môn về triết học tư tưởng và lịch sử, toàn tập văn học cũ mèm đến các số tạp chí truyện tranh đã xuất bản. Giống với hành lang, ở đây cũng chẳng còn bao nhiêu chỗ để đặt chân.
Có lẽ số sách khổng lồ xếp dọc hành lang ngoài kia là tràn ra từ căn phòng này chứ đâu. Cứ cái đà này chẳng mấy chốc mà cơn lũ sách sẽ lan qua cầu thang rồi trào xuống tầng một.
- Tôi... Tôi sắp xếp không kịp. Bê bối quá... nhỉ...
- Hả, không đâu.
Tôi chỉ nói vậy. Chuyện cô sở hữu nhiều sách thì tôi thừa biết, với cả, không hiểu sao quang cảnh căn phòng này lại khiến tôi yên lòng.
Thật ra tôi không ghét bỏ gì sách vở. Tôi cũng thích sách nhưng vấn đề là không đọc được. Lật qua lật lại tầm mười trang là mồ hôi lạnh đã túa dọc sống lưng, các đầu ngón tay bắt đầu run bần bật. Có lẽ nguyên nhân xuất phát từ tâm lý, nhưng nói một cách đơn giản, thi “cơ địa” của tôi nó thế.
Tuy không đọc được nhưng tôi lại rất hứng thú với sách cùng những câu chuyện liên quan tới nó.
- Cô gọi tôi có chuyện gì?
- À, anh mang chồng sách buộc sẵn này xuống dưới giùm tôi được không? Chúng vốn là của tôi nhưng tôi không đọc nữa. Tôi đang định bỏ vào xe sách đồng giá rồi bán luôn.
Cô chỉ vào chỗ chiếu ngay bên cạnh. Những cuốn sách bìa cứng được xếp gọn gàng và buộc lại ngay ngắn bằng dây ni lông. Đống sách tầm hai mươi cuốn, chia làm hai chồng. Nhìn phần gáy sách hướng lên trên, có lẽ đó là tiểu thuyết và tùy bút. Tất cả đều đã cũ nhưng tình trạng không đến nỗi nào.
- Bán 100 yên hết à?
- À không. Anh dán mác 300 yên với 500 yên giùm tôi. Chồng phía trên giá 500 yên, chồng phía dưới 300 yên. Anh kiểm tra xem tình trạng sách thế nào nữa nhé.
Shinokawa nói năng lưu loát hơn. Cứ bàn về sách là cô gái này hoạt bát hẳn lên.
- Anh lấy xấp nhãn giá 100 yên ở chỗ xe cút kít ra hộ tôi luôn.
- Được rồi.
Tôi đang gật đầu thì giật nảy mình. Giải thích với tôi xong, cô dùng tay trái xách chồng sách lên, đặt xuống chiếu ngay dưới chân tôi. Có lẽ do chiếc váy hơi rộng mà cổ váy khá trễ, nên trong một khoảnh khắc cúi xuống, tôi đã lỡ thấy bên trong. Tôi đâm lúng túng, không biết để mắt vào đâu.
Cũng không thể thẳng ruột ngựa mà oang oang “Cô lộ hàng kìa!” được. Thành thử, tôi đành quỳ gối trước đống sách để tránh nhìn phải.
- Chồng bên dưới là 500 yên phải không nhỉ?”
Tôi hỏi để khỏa lấp ngượng ngùng, ngón trỏ trắng trẻo của cô liền hiện ra trước mắt.
- Ngược lại cơ. Chồng phía trên là 500 yên anh ạ.
Từ phía đối diện, cô cúi hẳn xuống tôi, làm tôi có cảm giác bầu ngực nảy nở của cô ở ngay sát đỉnh đầu mình. Đuôi tóc cô quét qua vành tai tôi, cả người tôi liền cứng đờ một cách thảm hại.
- Xin lỗi anh. Tôi giải thích khó hiểu quá phải không?
Giọng nói thì thầm du dương rót xuống, có lẽ cô không cố tình làm như vậy. Đầu óc tôi chỉ nghĩ đen tối là giỏi.
- Đâ... đâu có.
Tôi nhìn chằm chằm vào gáy chồng sách buộc dây, cố kiềm chế sự hồi hộp trong lòng.
Nhật ký Cra-cra.
Tên cuốn sách đập vào mắt tôi. Tác giả là Sakaguchi Michiyo. Nhan đề viết theo lối hơi nguệch ngoạc, in ở mặt ngoài boxset màu xám. Không hiểu sao có đến năm cuốn giống hệt nhau xếp chằn chặn. Nhật ký Cra-cra, Nhật ký Cra-cra, cra-cra, cra-cra... Cứ như bị đoán trúng tim đen nên tôi bực cả mình.

[Trong tiếng Pháp, cra-cra có nhiều nghĩa, ở trường hợp này, nó được dùng với nghĩa sẻ rừng. Còn trong tiếng Nhật, cra-cra đọc là kura-kura, có nghĩa là quay cuồng, nhân vật đang hồi hộp, thấy trời đất quay mòng mòng nên mới cảm thấy trúng tim đen là vì vậy]

- Nhật ký Cra-cra là cuốn sách thế nào?
Tôi hỏi. Một khoảng lặng bao trùm.
- Sau khi Sakaguchi Ango mất, vợ ông đã viết nên tùy bút này đấy.

[Sakaguchi Ango (1906-1955), nhà văn Nhật Bản.
Sakaguchi Michiyo (1923-1994), nhà văn Nhật Bản, chuyên viết tùy bút, vợ thứ hai của Sakaguchi Ango]

Vậy nên họ tác giả là Sakaguchi sao? Sakaguchi Ango thì tôi đã từng nghe qua. Tác giả này cũng khá xa xưa rồi. Đến tôi còn biết nên ắt hẳn đây là một nhà văn nổi tiếng. Chỉ tiếc tôi chưa đọc tác phẩm nào của ông mà thôi.
- Cuốn này chép lại những chuyện từ lúc bà quen Sakaguchi Ango đến lúc ông mất. Tùy bút tựa như một hoài niệm cuộc sống của hai vợ chồng, đọc khá hay.
Có lẽ do nói nhỏ nên tôi thấy giọng cô cứ đều đều.
- Mà cra-cra nghĩa là gì thế?
- Sau khi Ango qua đời, tác giả mở một quán bar ở Ginza mang tên Cra-cra. Shishi Bunroku* là người nghĩ ra cái tên này và cũng là người được nhắc tới trong lời bạt cuối sách. Quán bar ấy nghe đâu có nhiều văn nhân ghé đến lắm.

*[Shishi Bunroku (1893-1969), nhà văn và nhà viết kịch Nhật Bản, từng sang Pháp để học về kịch nghệ]

Tôi chỉ mới hỏi mà cô đã trả lời vanh vách như từ điển. Lượng kiến thức về sách của cô quả là khủng khiếp.
- Vậy cra-cra nghĩa là uống rượu xong thì quay cuồng à?
- Không. Trong tiếng Pháp, từ đó mang nghĩa là sẻ rừng thì phải.
- Sẻ rừng?
Một câu trả lời khá bất ngờ.
- Phải. Là từ ở đâu cũng có, vô cùng thông dụng và bình thường, hay được dùng để đặt tên ở nhà cho con gái.

[Chim sẻ (suzume), hay được người Nhật dùng để đặt tên cho các bé gái]

Nghe đến chim sẻ, tôi liên tưởng ngay tới phần bức tranh nhô ra trông thấy ngoài hành lang lúc nãy.
Nhưng con chim ấy màu trắng nên có lẽ không phải chim cra-cra.
Shinokawa khẽ thở dài, hơi thở phả lên đầu tôi. Hiếm khi cô lộ vẻ tâm trạng như vậy. Những lúc nói về sách, thường thì cô phấn khích hơn.
- Shinokawa này, cô gặp chuyện gì à?
Tôi ngước lên nhìn, tầm mắt bị chắn lại ở phần eo chun của chiếc váy liền.
- Hả? À đâu có.
Cô vươn mình đứng đậy rồi lùi lại. Tôi vẫn không thấy được vẻ mặt của cô.
- Chỉ là, cuốn sách này...
- Sách?
- Tôi không thể thích nó được. Dù tôi cho rằng đây là một tùy bút rất hay.
Hóa ra không hợp với sở thích sao? Chà, có lẽ vì vậy mà cô quyết định bán với giá mềm như thế. Đã là người đọc thì ngoài những cuốn thích ra thể nào cũng có những cuốn không thích nhỉ? Tôi bưng chồng sách bằng hai tay rồi đứng dậy.
- Vậy tôi đem chúng ra ngoài cửa tiệm nhé?
- Nhờ anh!
Tôi rời khỏi phòng, đi dọc hành lang một cách thật cẩn trọng để không va phải đồ đạc. Năm cuốn Nhật ký Cra-cra rung nhẹ theo nhịp bước của tôi.
Bỗng dưng, một thắc mắc nhỏ nhặt vụt qua đầu.
Tại sao cô lại có nhiều Nhật ký Cra-cra như vậy?
Nếu có thì chẳng phải là do cô mua sao? Tại sao cô lại đi mua đến mấy cuốn của một đầu sách mà mình không thích cơ chứ? Tôi đứng khựng lại, quay về phía cánh cửa kéo vẫn còn để ngỏ.
Nhưng cũng có gì to tát đâu nhỉ!
Tôi nhún vai rồi bắt đầu bước xuống cầu thang. Chuyện bé xé ra to làm gì.
Có tiếng chim văng vẳng vọng lại từ đằng xa. Phải chăng đó là tiếng của loài chim cra-cra. Một lúc sau tôi quên bẵng chuyện cuốn sách ấy.

Chuyện Thứ Nhất

Quả cam dây cót* của Anthony Burgess
(Bungeishunju phát hành)

*[Tên tạm dịch từ A Clockwork Orange, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn người Anh Anthony Burgess (1917-1993). Tác phẩm lấy bối cảnh nước Anh trong một tương lai không xa, nhân vật chính Alex kể lại cuộc sống đầy rẫy bạo lực cùng những chuyện hắn trải qua khi chính quyền cố gắng cải hóa hắn thành người tốt qua các thí nghiệm khoa học. Tác phẩm sử dụng nhiều từ lóng xuất phát từ tiếng Nga. Phim chuyển thể cùng tên, ở Việt Nam hay gọi là Cỗ máy con người hoặc Cỗ máy tội phạm]

1

Tôi vốn mù tịt về sách.
Hôm nay, lại một lần nữa tôi thấm thía điều đó. Chuyện này kể ra không có gì đáng ưỡn ngực tự hào, nhưng sự thật là thế nên tôi cũng chẳng biết làm thế nào.
Mọi chuyện khởi nguồn từ tờ fax gửi đến vào đầu giờ chiều. Lúc ấy tới lượt cô chủ tiệm Shinokawa đi ăn trưa nên trong tiệm chỉ còn mình tôi. Nhân lúc vắng khách, tôi tranh thủ ghi giá cho những cuốn sách trên bệ đồng giá thì một tờ giấy cảm nhiệt chạy ra từ máy fax đặt ở góc quầy.

Tôi đang tìm Điểu cát mộc thú sạn* trọn bộ, tác giả Kunieda Shiro*, Togen xuất bản. Lát nữa tôi sẽ gọi điện thoại cho quý tiệm.

*[Tsutakatsura Kiso no Kakehashi. Tạm dịch: Cầu treo dây cuốn Kiso, tiểu thuyết, trọn bộ hai tập, xuất bản năm 1926 sau khi đăng dài kì bốn năm trên tạp chí Giảng đàm (Kodan-zasshi, tạp chí này đã đóng cửa năm 1954). Truyện về đề tài báo thù, nhân vật chính là tỳ thiếp của một lãnh chúa ở Kiso, tinh Nagano. Nhan đề viết toàn bằng chữ Hán, rất khó đọc]

*[Kunieda Shiro (1887-1943), nhà văn Nhật Bản, chuyên viết tiểu thuyết kì ảo, linh dị, duy mĩ, trinh thám]

Có vẻ là hỏi về sách trong kho. Thật ra lên mạng tra thông tin ở các trang sách cũ sẽ nhanh và tiện hơn nhiều, nhưng vẫn còn không ít khách hàng hỏi sách bằng cách gọi điện hoặc gửi fax thế này, có thể vì đã lớn tuổi, không sử dụng điện thoại di động hay máy tính có chức năng tìm kiếm.
Đọc xong một lần, tôi đưa mắt lại gần tờ giấy cảm nhiệt để nhìn cho kĩ hơn. Một phần vì nét chữ trên tờ fax yếu ớt run run nên khó đọc, nhưng không chỉ có thế. Tôi suy luận được Togen là nhà xuất bản, Kunieda Shiro là tác giả, nhưng đoạn sau mới là vấn đề.

Điểu cá... mộc t... trọn bộ...

Loay hoay mãi vẫn không dịch được nhan đề cuốn sách. Đến cả việc ngắt từ ở đâu cho đúng tôi cũng không rõ. Tôi quay về phía cửa ra vào thông lên nhà chính. Hỏi Shinokavva thì chắc chắn là biết ngay thôi.
Tôi vừa chạm vào tay nắm cửa thì chuông điện thoại reo. Một tay cầm tờ giấy cảm nhiệt, tay còn lại nhấc ống nghe lên.
- Kính chào quý khách. Tiệm sách cũ Biblia xin...
- Tôi là người gửi fax lúc nãy.
Giọng đàn ông khàn khàn vang lên, cắt ngang câu nói của tôi. Trong giọng điệu ôn hòa thấp thoáng điệu vùng Kansai. ông bảo “lúc nãy” nhưng thật một phút còn chưa kịp trôi qua.
- Có không nhỉ? Cuốn của Kunieda Shiro ấy.
Ông khách hỏi tôi dồn dập, chưa hết câu này đã đến câu khác. Có lẽ vì ông đang vội. Tên cuốn sách của Kunieda Shiro ấy đọc là gì, phải chỉ ông ấy nói tiếp cho tôi thì hay quá, khổ nỗi ông chỉ đợi nghe câu trả lời của tôi mà thôi.
- Chúng tôi sẽ tìm kiếm, mong quý khách vui lòng đợi trong ít phút.
Vừa định nhấn nút đợi máy thì ngón tay tôi đột ngột khựng lại. Không phải cứ bảo tìm là được, nếu không biết thể loại sách là gì thì chẳng khác nào mò kim đáy bể.
- Xin lỗi... Đó là tiểu thuyết phải không ạ?
- Thế mà cũng phải hỏi. Cậu không biết cuốn ấy sao?
Tôi nuốt nước bọt đánh ực. Nói dối khách hàng không phải là cách hay.
- Vâng, thành thật xin lỗi quý khách.
Tôi nghe tiếng hừ mũi. Không biết là ông khách ngán ngẩm hay đang cười nhạo tôi.
- Cả tiệm sách có mỗi mình cậu thôi à?
- Vâng ạ.
- A ra vậy. Cậu rõ là tên tay ngang.
Điện thoại dập máy đột ngột, chỉ còn tôi bẽ bàng. Mồ hôi lạnh túa ra dọc sống lưng tự lúc nào.
Khách hàng không chịu nghe mình xin lỗi là do cơn giận của họ đang ở đỉnh điểm. Đừng để bụng làm gì”. Giọng nói của người bà vừa qua đời năm ngoái vang vọng trong tai tôi. Bà từng quản lý một quán cơm ở Ofuna suốt mấy chục năm, lời dạy của bà thật chính xác trong trường hợp này.
Tôi đã khiến khách hàng phật lòng. Chuyên bán sách mà hỏi ngược người mua về sách thì thử hỏi ai muốn đặt hàng cơ chứ?

- Có chuyện gì thế anh?
Cô gái với mái tóc buông dài đứng ngay bên cạnh, ngước mắt nhìn tôi qua cặp kính. Ra là Shinokawa, chủ nhân của tiệm sách này. Không biết cô từ nhà chính sang đây tự lúc nào. 
- Có ai gọi điện à?
- Khách hỏi sách trong kho. Trước đó nữa tờ fax này được gửi đến...
Báo lại mà lòng nặng như chì, tôi chìa tờ fax lúc nãy ra. Đột ngột, khuôn mặt cô sáng bừng lên.
- Chà, Cầu treo dây cuốn Kiso. Nếu là ấn bản của Togen thì có bản in đầu tiên đấy.
- Cầu treo...?
- Dây cuốn Kiso. Cuốn này thú vị vô cùng. Một tiểu thuyết truyền kì nổi tiếng của Kunieda Shiro phát hành dưới thời Đại Chính, lấy bối cảnh cuối thời Mạc phủ Muromachi. Nội dung xoay quanh hai huynh muội có ngoại hình rất đẹp tìm cách trả thù cho cha mẹ bị lãnh chúa vùng Kiso sát hại. Tôi đọc từ hồi còn bé, đại khái là các nhân vật...
- Khoan, khoan đã.
May mà tôi sực tỉnh trước khi bị cuốn vào câu chuyện cô kể. Ừ thì tôi cũng muốn nghe tiếp xem diễn biến ra sao, nhưng phải thú nhận sai phạm của mình trước đã.
- Thật ra khách hàng hủy yêu cầu rồi. Chắc do tôi đối đáp tệ hại quá.
Tôi cố gắng giải thích ngắn gọn hết mức có thể, không hề lý do hay bao biện. Shinokawa gật gù nghe cho hết, nghiêng người tì lên cây nạng bên tay phải. Sau một hồi nhìn chằm chằm vào tờ fax tôi đang cầm, cô thốt lên nuối tiếc.
- Số điện thoại của vị khách này... bị ẩn mất rồi nhỉ...
Nghĩa là chúng tôi không thể gọi lại để xin lỗi ông ấy được. Và tiếc nhất là trong tiệm lại đang có sẵn cuốn này.
- Tôi xin lỗi.
Tôi cúi đầu. Trông bộ dạng là đủ biết đang xuống tinh thần.
Shinokawa giơ tay lên, làm thành nắm đấm để cổ vũ tôi.
- Không sao đâu. Anh Gora cũng chỉ mới vào làm thôi. Cứ từ từ, cố gắng nhớ dần từng chút một. Bây giờ không làm được gì cũng là chuyện thường mà.
- ...
Hóa ra bây giờ tôi là kẻ không làm được gì sao. Bị nói thẳng vào mặt như thế, tôi lại càng tiu nghỉu.
Cái gã Gora Daisuke gà mờ, vô tích sự là tôi đây vào làm việc ở tiệm sách này trong thời gian Shinokawa còn nằm viện. Cơ duyên bắt đầu từ lúc tôi nhờ cô thẩm định giúp bộ Soseki toàn tập, kỉ vật bà tôi để lại. Dạo ấy, Shinokawa đang phải điều trị chấn thương ở chân.
Không chỉ là một chủ tiệm sách có kiến thức khổng lồ, Shinokawa còn một biệt tài khác nữa. Từ vài manh mối nhỏ bé hay các mẩu chuyện do người khác kể, cô có thể phá giải những bí ẩn liên quan tới sách gần như ngay lập tức. Tôi biết được bí mật mà người bà quá cố chôn giấu trong bộ Soseki toàn tập cũng là nhờ sự sáng suốt hiếm có của cô.
Chính Shinokawa đã đề nghị tôi làm việc ở tiệm sách. Tôi chỉ là một thanh niên vô công rồi nghề, ngoài thể lực ra thì chẳng còn ưu thế gì, đọc thì không được nhưng lại bày đặt hứng thú với sách vở. Tất nhiên, tôi đâu có lý do nào để từ chối lời mời của người đẹp yêu sách này cơ chứ.
Và thế là, tôi được giao nhiệm vụ coi sóc tiệm sách cũ Biblia, nhân tiện còn được tận mắt chứng kiến khả năng bóc tách một cách điệu nghệ những bí ẩn xoay quanh sách cũ của cô gái ấy. Tuy nhiên, sau vụ án liên quan đến cuốn Những năm cuối đời của Dazai Osamu, một trong những cuốn sách thuộc bộ sưu tập cá nhân của cô, tôi đã nghỉ làm một thời gian.
Đành rằng Shinokawa bảo vệ được tính mạng bản thân và bộ sưu tập của mình khỏi tên quẫn trí phát cuồng vì sách cũ kia, nhưng để làm được như vậy, cô có thể sẽ phải hi sinh sự tín nhiệm của người khác, điều đó tôi quả thật không chấp nhận được.
Một thời gian sau, khi ra viện, cô xuất hiện trước mặt tôi, đề nghị nối lại quan hệ. Lúc ấy tôi đang đi tìm công việc mới. Bất ngờ là, cô đã chìa ra cuốn Những năm cuối đời ấn bản đầu tiên mà cô vô cùng yêu quý. Nhưng thay vì lấy cuốn sách, tôi đã chăm chú nghe cô kể chi tiết về nội dung của nó.
Buổi nói chuyện ấy đã xóa bỏ mọi khúc mắc giữa chúng tôi. Thao thao kể đến tận lúc mặt trời xế bóng, đột nhiên, cô ngồi thẳng dậy, khuôn mặt trở nên nghiêm nghị.
- Tô... tôi... anh Gora... e hèm...
Bỗng dưng, cô lắp bắp. Đến lúc rồi sao, tôi chỉnh lại tư thế.
- Quay lại tiệm sách... của tôi... là... làm...
Có lẽ cô muốn nói “Quay lại tiệm sách của tôi làm việc nhé”. Đến đôi tai cũng đỏ lựng, khuôn mặt trông nghiêng đáng yêu vô cùng, khiến tôi như bị bắt mất hồn.
- Nên... nên là... nếu được...
Tôi ngồi nghe mà sốt hết cả ruột. Hay tôi chủ động xin trở lại làm việc luôn cho xong nhỉ, tôi thầm nghĩ nhưng vẫn còn một vài chuyện không phải cứ gạt sang một bên là xong. Số là, tôi có linh cảm rằng buổi phỏng vấn tuyển dụng của mình hôm ấy rất là tốt. Trông thấy tôi diện bộ vest chinh tề thế này, có lẽ cô cũng không đành lòng bảo tôi đổ hết công sức tìm việc xuống sông xuống biển đi.
Thế rồi...
- Có gì thì...để, để tôi liên lạc lại sau nhé?
- Hở? Vậy, vậy cũng được.
Cuộc nói chuyện dừng lại ở đó. Tiễn cô lên taxi trở về Kita-Kamakura xong, tôi đâm ra nhức đầu. Mình nên tìm công ăn việc làm đàng hoàng rồi thành nhân viên chính thức hay hăng say làm việc cho cô chủ tiệm sách cũ xinh đẹp, mỗi tội hơi lập dị ấy?
Cuối cùng, sự thật là tôi không cần mất công cân nhắc sâu xa. Bởi vài ngày sau, công ty thực phẩm tôi dự tuyển hôm trước đã gửi thông báo tôi không được tuyển dụng. Sau một hồi giải thích dông dài, nào là do giá lúa mì tăng cao, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, dẫn tới việc công ty phải cắt giảm nhân sự tuyển dụng so với dự định ban đầu, thông báo khép lại bằng một câu xưa như trái đất, chúng tôi mong anh Gora sẽ tìm được công việc phù hợp.
Lên mạng tìm hiểu về công ty này, tôi tìm thấy nhiều bài đăng kể rằng người phụ trách phỏng vấn ngoài mặt lúc nào cũng tươi roi rói như hoa, khiến không biết bao nhiêu người mừng hụt. Tôi cũng là một trong số đó. Đang buồn không để đâu cho hết thì Shinokawa gọi điện đến. Chắc cũng không có gì quan trọng, chỉ là cô giữ lời hứa sẽ liên lạc mà thôi.
Tôi thành thật kể từ đầu chí cuối cho cô nghe về buổi phỏng vấn, rồi hỏi bây giờ quay lại làm ở tiệm có được không.
- Tất, tất nhiên là được! Tôi, tôi rất mong được anh giúp đỡ.
Nói mà líu cả lưỡi, cô mừng rỡ đồng ý. Chẳng hiểu sao tôi có cảm giác dường như tôi đã được tiếp nhận vào một nơi phù hợp với bản thân mình.

2

- Tiếp theo là ngăn thứ hai của kệ sách trong cùng phía bên phải, anh để mấy cuốn đó lên hộ tôi. - Từ trong góc tiệm, giọng nói nhỏ nhẹ của Shinokawa văng vẳng.
- À, vâng.
Tôi ôm núi sách xếp chồng chất phía trên quầy về phía kệ gần cửa ra vào theo yêu cầu của cô. Đây là góc liên quan đến lịch sử Nhật Bản, nhưng kệ vẫn còn trống nhiều chỗ. Trên đó để những cuốn sách chuyên môn mà gáy sách đã ngả đen.
Sau khi quay lại Biblia, phần lớn thời gian tôi được giao nhiệm vụ bổ sung và thay đổi sách trong tiệm. Thông thường, các cửa hàng sách cũ phải thay đổi sản phẩm định kì. Tiệm sách cũ thường có nhiều khách quen. Nếu lần nào đến tiệm cũng thấy cách bài trí sách không có gì thay đổi, khách hàng sẽ không quay lại nữa.
Bán toàn sách cũ không đồng nghĩa với việc luôn luôn trưng bày ngần ấy đầu sách. Ngẫm kĩ cũng thấy có lý.
Từ khi Shinokawa trở lại tiệm, lượng khách hàng đem sách đến đã tăng lên. Hiện tại, chúng tôi chỉ mua lại sách cũ ở cửa tiệm, nhưng trong tương lai không xa, có vẻ cô dự định đến nhà khách hàng và mở lại dịch vụ “thu mua tận nơi”.
Cô vừa ra chỉ thị cho tôi vừa chúi đầu vào máy vi tính thực hiện bán hàng qua mạng. Giờ cô đang đăng các đầu sách mới nhập về lên trang tìm kiếm sách cũ.
Bầu không khí làm việc thật tươi vui, khác hẳn lúc một mình tôi đứng trông hàng. Chủ tiệm đúng là linh hồn của cửa tiệm.
Tuy nhiên, không phải chuyện gì cũng trơn tru.
- Cô Shinokawa, cuốn sách này xếp vào giá nào thì được?
Tôi quay đầu về phía góc tiệm, giơ lên cuốn Khống chế bằng Jitte của Nawa Yumio.

[Jitte (thập thủ) là một loại vũ khí được cảnh sát Nhật dùng dưới thời Edo. Jitte là một thanh kim loại có chuôi bằng gỗ cứng, dài từ 30-100 centimet]

Cô chủ đang ngồi trong quầy, giấu mình giữa các tường sách cao ngất ngưởng. Từ sau đống gáy sách, cô ló mặt ra tầm nửa phút rồi nói gọn lỏn.
- Anh xếp lên tầng ba kệ sách kia, cạnh cuốn Chế độ thành Edo ấy.
Nói xong, cô lại rụt vào. Cô gần như không rời đống sách ấy nửa bước. Tất nhiên, khi nào giao dịch cô sẽ xuất hiện và tiếp khách đàng hoàng. Thoạt đầu lúc yêu cầu khách hàng xuất trình chứng minh thư thì lí nha lí nhí, nhưng một khi đã bàn về sách là cô như được bật công tắc, ăn nói trôi chảy hẳn lên. Đúng là một sự thay đổi lôi cuốn.
Giao dịch xong, khách vừa rời khỏi tiệm, y như rằng cô lại chui tọt vào đống sách, bộ dạng bơ phờ mệt mỏi. Tuy không nói ra miệng, nhưng có vẻ cô khá dở khoản tiếp khách. Không phải do thiếu khả năng mà do tính cách của cô không phù hợp. Tường sách càng lúc càng cao, như phiền não càng lúc càng chồng chất.
Vậy nên, tôi cố gắng luyện tập cho thành thạo những khâu tiếp khách không yêu cầu kiến thức chuyên môn như thu ngân chẳng hạn. Thì bởi, hiện giờ tay ngang như tôi đâu thể làm được gì khác ngoài mấy việc đó.
- Chuẩn bị đóng cửa là vừa nhỉ? - Shinokawa nói từ góc quầy. Tôi nhìn ra cửa kính, ánh tà dương êm đềm đang rót xuống mặt đường nhựa. Hoàng hôn đã buông tự lúc nào.
- Tôi xong việc đằng này rồi nên đóng quầy thu ngân luôn nhé?
- Vâng, nhờ anh!
Xong xuôi, tôi đang dợm bước quay lại quầy thì bỗng dừng mắt ở một góc kệ sách. Đó là chỗ xếp tiểu thuyết li kì và tiểu thuyết trinh thám, Cầu treo dây cuốn Kiso của Kunieda Shiro đang xếp ngay cạnh Edogawa Rampo toàn tập.
Tôi cầm lên, lấy cuốn sách ra khỏi hộp rồi lật mở trang đầu tiên. Ngay lập tức, một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng. Là do “cơ địa” của tôi vốn không đọc được sách chứ chẳng liên quan gì đến nội dung cả. Tôi lướt mắt thật nhanh qua cuốn sách.
Truyện lấy bối cảnh thời Chiến Quốc. Có hai nhân vật nam đang trò chuyện bằng ngôn từ thời cổ, bàn tán đủ điều về một cô gái làng chơi sắc nước hương trời, đẹp đến mức tưởng như không thuộc về thế gian này.

“Hỡi ôi, ai mà ngờ người con gái trẻ trung kia lại do yêu quái biến hình...”
“Yêu quái biến hình? Biến hình là sao?”
“Ngươi chưa biết chuyện này ư? Ta nghe kể lại rằng nàng Niodori xinh đẹp ấy đang mắc phải một lời nguyền khủng khiếp.”
“Chà, chuyện này ta mới nghe lần đầu.”
“Người ta đồn rằng cứ đêm xuống, Niodori sẽ ngao du từ trần gian sang thế giới bên kia suốt cả đêm. Khác gì chết đâu cơ chứ. Cứ thế, sau khi chết một khoảng thời gian, nàng hồi sinh trở lại...”

Niodori có lẽ là tên của cô gái làng chơi kia. Chết rồi sống lại nghĩa là sao nhỉ? Tôi rất muốn đọc tiếp nhưng khổ nỗi đang giờ làm việc, nên đành cất lại cuốn sách vào hộp.
Ban nãy Shinokawa có bảo cô đọc cuốn sách này lúc còn bé. Nghĩ thế nào cũng thấy nội dung sách hướng tới người lớn, đã vậy còn sử dụng nhiều chữ Hán rất khó đọc. Khi ấy, chẳng biết cô có hiểu được hết ý nghĩa không?
- Lúc nhỏ mà cô đã đọc những cuốn sách khó nhằn rồi nhỉ?
Từ sau đống sách, khuôn mặt đeo kính ló ra. Tôi chìa cho cô xem bìa Cầu treo dây cuốn Kiso, cô mỉm cười bẽn lẽn rồi thu người về chỗ cũ.
- Tôi học chữ Hán từ rất sớm kia.
Chỉ có giọng cô vẳng lại.
- Tuy rất thích truyện tranh và văn học thiếu nhi, nhưng tôi cũng có hứng thú với những sách mà người lớn hay đọc nữa. Hằng tháng, khi được cho tiền tiêu vặt, tôi đều đạp xe đến nhà sách Shimano, lần lượt ngắm nhìn từng dãy sách. Tôi mua Cầu treo dây cuốn Kiso từ hồi đó, lúc cuốn sách được tái bản theo khổ bunko.
Nhà sách Shimano có từ lâu đời, ở đây chuyên bán sách mới phát hành kiêm văn phòng phẩm, cửa hàng chính nằm trên đại lộ Wakamiya ở gần ga Kamakura.
Chắc chắn những người sống quanh khu này, ai cũng có lần buớc vào đấy.
- Cô hay đi nhà sách Shimano phía Ofuna ấy à?
Khu phố mua sắm phía trước nhà ga Ofuna cũng có chi nhánh của nhà sách này, tôi thường đến hồi còn nhỏ.
Có khi nào chúng tôi đã vô tình lướt qua nhau chăng?
- Không... Tôi đi cả nhà sách ở Ofuna lẫn nhà sách ở Kamakura. Vì các đầu sách được bày bán ở hai nơi không giống nhau.
- Hả?
Biblia tọa lạc ở Kita-Kamakura, đoạn giữa Ofuna và ga Kamakura. Dù đi xe đạp đi chăng nữa, nếu đạp một vòng qua cả hai nhà ga thì đến người lớn cũng mệt bở hơi tai, Giữa đường còn có con dốc dài ngoằng. Tôi cố gắng tưởng tượng hình dáng một cô bé tiểu học rong ruổi đạp xe khắp các nhà sách, nhưng vô ích.
Ngày bé cô thế nào nhỉ?
Ngẫm lại mới thấy, tôi chẳng biết gì nhiều về con người cô. Sinh ra và lớn lên ở đây, kế thừa tiệm sách cũ từ người cha mới mất năm ngoái, là một người đam mê sách vở. Vốn hiểu biết của tôi về cô chỉ giới hạn ở mức đó. Hai tháng nay, ngoài sách ra, chúng tôi ít khi bàn luận về vấn đề gì khác.
- Shinokawa, cô...
Tôi vừa ướm hỏi thì có tiếng động lớn vang lên, cửa kính mở ra.
Một nữ sinh trung học dong dỏng cao với mái tóc ngắn bước vào tiệm. Khuôn mặt cô gái lạnh nhạt với đôi mắt sắc sảo. Cô mặc sơ mi ngắn tay màu trắng và váy ngắn màu xám, là đồng phục trường cấp ba của tỉnh nằm ở lưng chừng núi. Ngày trước tôi cũng học ờ ngôi trường đó.
- Chào em!
- Chào anh!
Kosuga Nao khẽ cúi đầu, đảo mắt nhìn quanh tiệm sách như kiểm tra gì đó. Từ cách đi đứng đến lời ăn tiếng nói của cô bé đều giống hệt con trai.
- Chủ tiệm không có ở đây hả anh?
- Hả? Không...
- Thôi, anh không cần gọi đâu.
Cô chủ đang ẩn mình ngay đây nhưng cô bé tưởng nhầm ở trong kia thì phải. Tôi liếc mắt về phía cuối quầy. Gần đây tôi phát hiện ra rằng nếu có Shinokawa trong tiệm, cô bé này hiếm khi nấn ná ở lại lâu.
Lúc trước, Kosuga từng vướng vào một vụ lấy trộm. Về sau cô đã đứng ra xin lỗi người bị hại, ông ấy cũng vui vẻ chấp nhận lời xin lỗi nên mọi chuyện trôi qua êm thấm, nhưng vấn đề ở chỗ, người tìm ra chân tướng vụ việc đó chính là Shinokawa.
Có lẽ cô bé vẫn chưa quên được sự bất ngờ khi bị vạch trần chân tướng, nên hay phàn nàn “Em không hợp chị chủ tiệm”. Hoặc đến giờ, cô bé vẫn còn mất tự nhiên vì cái cảm giác bị người ta đi guốc vào bụng mình? Tự Shinokawa cũng ngầm hiểu mình bị tránh mặt. Do đó, cô tế nhị không xuất đầu lộ diện.
- Thật ra em có chuyện muốn bàn với anh Gora nên mới đến đây.
Cô bé ghé mặt lại gần tôi như thể có điều gì bí mật lắm.
- Bàn với anh hả?
- Vâng. Có được không ạ?
Sao lại bàn với mình nhỉ? Tôi hơi thắc mắc nhưng khách hàng thân thiết đã hỏi thì phải nghe thôi.
- Ờ ờ.
- Anh đọc cuốn Quả cam dây cót bao giờ chưa?
- Chưa.
Tôi từng nghe qua nhan đề nhưng chẳng hề biết nội dung thế nào. Trước giờ tôi chỉ biết đấy là tên một bộ phim xa lơ xa lắc, hóa ra còn có cả nguyên tác.
Câu trả lời của tôi khiến Kosuga tiu nghỉu.
- Thế à... Em cứ tưởng anh làm trong tiệm sách cũ thì phải đọc qua rồi.
Nhắc mới nhớ, cô bé này chưa biết “cơ địa” không thể đọc sách của tôi. Hóa ra cô đến đây vì nghĩ có thể hỏi tôi về sách à ? Nếu muốn bàn về sách thì có một nhân vật được đo ni đóng giày cho việc ấy đang ngồi ngay đằng kia, khổ nỗi...
- Xin lỗi em.
- Có gì đâu. Vậy anh nghe thử cảm tưởng giùm em được không?
- Cảm tưởng ấy à?
- Anh đọc cái này đi.
Cô bé lôi từ cặp sách khoác trên vai một tờ giấy gấp gọn, đưa cho tôi. Mở ra mới biết đó là bài tập làm văn.
Dòng đầu tiên ghi nắn nót mấy chữ mảnh mai “Đọc Quả cam dây cót của Anthony Burgess”. Là văn cảm nhận về tác phẩm thì phải. Hàng tiếp theo viết họ tên “Kosuga Yui lớp 7-1”.
- Em gái em viết đấy. Con bé mới lớp Bảy thôi nhưng thông minh lắm.
- Em có em gái à?
Chuyện này tôi mới nghe lần đầu. Trước giờ tôi cứ nghĩ cô bé là con một.
- Em có anh trai nữa. Lớn tuổi hơn anh một chút. Nhà em có ba anh chị em.
Vừa nhắc đến anh em, vẻ mặt cô bé liền bừng sáng. Chắc cả ba thân nhau lắm đây.
- Chuyện là thế này, bài tập hè của em gái em viết văn cảm nhận, vì nó mà mấy bữa nay nhà em hơi lục đục...

3

Đọc Quả cam dây cót của Anthony Burgess
Kosuga Yui lớp 7-1

Sau khi đọc xong, tôi bật ngay bản Giao hưởng số 9 của Beethoven lên nghe. Vì bản giao hưởng ấy đã xuất hiện không biết bao nhiêu lần trong cuốn sách này. Bản nhạc dài hơn tôi nghĩ, nhưng hợp xướng ở khúc cuối cùng thật hùng tráng, khiến tim tôi reo lên phấn khích.
Tôi đặt mua cuốn sách này trên mạng mà không biết nội dung là gì. Thậm chí tôi còn tưởng sẽ có máy móc hay hoa quả xuất hiện trong sách, nhưng rốt cuộc chẳng dính dáng chút gì nên cũng hơi bất ngờ.
Bản thân tôi cho rằng sẽ có người đọc đến hết và cũng có người cảm thấy chán ghét cuốn sách. Nhân vật chính Alex nói năng rất kì quặc và toàn làm những việc xấu. Hắn ẩu đả với người lạ trên đường, ăn trộm tiền nhà hàng xóm, thậm chí đánh đập phụ nữ. Dù làm đi nữa, hắn đều không hề ăn năn hối cải, gặp bạn bè có chăng chỉ nói chuyện về âm nhạc.
Dù bị cảnh sát bắt giam và tống vào tù, hắn vẫn là kẻ xấu xa như cũ, để rồi cuối cùng, bị người ta tẩy não. Hắn bị tiêm một loại thuốc mang tên Ludovico và phải liên tục xem cảnh người khác chết chóc hay bị tra tấn, kết cục là hắn thay đổi tính nết, không thể làm việc xấu được nữa.
Nhưng dù có thành người tốt, Alex vẫn không hề hạnh phúc. Lần này, hắn bị các nạn nhân của mình trước đây giày vò đến thừa sống thiếu chết. Mà hắn, lại không thể bảo vệ nổi bản thân mình.
“Mình có khác gì quả cam ruột lắp dây cót đồng hồ đâu cơ chứ!”, Alex gào thét. Giờ đây hắn toàn phải làm những việc đã được định sẵn như chiếc đồng hồ.
Linh mục trong tù từng bảo với Alex rằng, “Có đôi khi, trở nên lương thiện là một điều ngán ngẩm đến phát sợ”. Dường như tác giả muốn nhắn nhủ rằng đã trở thành một kẻ dễ bảo, chỉ đâu làm đấy đi chăng nữa, hắn cũng không thể thực sự lương thiện được. Tính ra cứ làm việc xấu, cuộc sống còn có ý vị hơn.
Tôi cho rằng đôi khi chúng ta lại có hứng thú với những việc bị cấm đoán. Bởi ai cũng mang một mặt tối trong mình.
Cuối cùng, Alex lại bị phẫu thuật não và biến thành kẻ xấu như cũ. Mọi chuyện nằm trong mưu đồ trục lợi của một tên quan chức chính phủ háo danh.
Xuyên suốt tiểu thuyết không có lấy một người tốt đúng nghĩa. Alex chỉ biết trông chờ cứu rỗi ở âm nhạc.
Nằm trong phòng bệnh, Alex vừa lắng nghe bản nhạc yêu thích, Giao hưởng số 9 của Beethoven, vừa mường tượng cảnh trái đất đang cất tiếng gào thét bi thương. Bây giờ tôi cũng đang bật bản nhạc này, liền căng tai lên, nghĩ rằng làm thế may ra nghe được tiếng trái đất rền vang đầy bi thảm chăng.

- Anh thấy sao?
Ngước mắt khỏi tờ giấy tập làm văn, tôi thấy Kosuga Nao nhoài người tới đợi nghe nhận xét của mình.
- Truyện này bế tắc thế nhỉ.
Tôi để ý đến câu “Xuyên suốt tiểu thuyết không có lấy một người tốt đúng nghĩa”. Toàn kẻ xấu à, cũng thú vị đấy. Nhân vật chính thì tồi tệ hết chỗ nói rồi, nhưng không biết nhân vật “quan chức” và “linh mục” là những người như thế nào.
- Không phải vậy, ý em là anh thấy bài phát biểu cảm nghĩ này thế nào cơ?
- Thế nào ấy à... Để xem, anh thấy mới học lớp Bảy mà cô bé viết văn hay quá!
Tôi chưa đọc cuốn sách nên chỉ có thể đưa ra nhận xét như vậy mà thôi. Còn nội dung viết ở đây có đúng trọng tâm hay không thì tôi chào thua.
- Đúng luôn, em gái em quá xuất sắc ấy chứ!
Nghe lời nhận xét lấy lệ của tôi, mắt Kosuga Nao lại bừng sáng lấp lánh.
- Từ nhỏ con bé đã rất thích đọc sách rồi, nên viết thu hoạch giỏi lắm... Từ khi học tiểu học, năm nào nó cũng được giải hết.
- Giải gì?
- Giải thi viết cảm nhận về sách do trường tổ chức. Trong khi em với anh trai dở tệ mấy vụ này. Em nhận thấy, con bé viết hay hơn những đứa khác nhiều!
Thấy hay hơn những đứa khác có thể chỉ vì đây là em gái mình thôi.
Nhưng dù sao cũng phải công nhận đây là một bài viết khả quan.
- Mà có vấn đề gì hả?
Bài viết ngay ngắn lớp lang, nội dung rõ ràng. Chưa thấy chỗ nào đáng chê trách cả.
- Hồi ấy nhà sách trước ga bán hết sạch cuốn này, nên Yui nhờ em đặt mua trực tuyến hộ. Ở trang X ấy.
Cô bé nêu tên một tiệm sách online chuyên bán ấn phẩm mới xuất bản. Tôi chưa sử dụng bao giờ, nhưng nghe đâu nếu là hàng có sẵn, họ sẽ giao cho khách luôn trong ngày.
- Hồi ấy em cứ tò mò vì sao nó lại chọn viết cảm nhận về một cuốn sách gây tranh cãi như thế, nên khi nhận hàng, em có đọc qua, quả là nhiều đoạn miêu tả rất bạo lực. Không biết nên nói là kích thích hay kinh khủng nữa... Mới phần đầu mà em đã thấy khó nuốt rồi.
Nói đoạn, Kosuga Nao chau mày.
- Tuy thế, Yui đã đọc hết cuốn sách, viết bài văn cảm nhận rồi nộp lên trường đàng hoàng. Nhưng chắc tại trường con bé bảo thủ quá thì phải, anh biết trường ấy không nhỉ...
- Làm sao anh biết được.
- Trường Seio ấy. Học viện Nữ sinh Thánh Seio. Em gái em mới nhập học năm nay.
Nghe tên trường thì đủ hiểu rồi. Đây là trường dòng dành cho nữ sinh cấp hai và cấp ba, nổi tiếng với những nội quy nghiêm khắc. Ga gần trường nhất chính là ga Ofuna, nên tôi hay trông thấy học sinh và các xơ dạy trong đấy.
- Lần họp phụ huynh mới đây, giáo viên chủ nhiệm của Yui đưa bài cảm nhận này cho cha mẹ em xem. Cô ấy nói, viết thì hay, nhưng em Yui đang ở tuổi thiếu niên bất ổn nên gia đình cần chú ý hơn. Tức là chỉ dặn dò thôi. Nhưng cha mẹ em choáng váng lắm, cứ nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, sợ Yui cũng đổ đốn sinh hư rồi. Trong khi con bé khác hẳn với em, vừa chăm chi vừa chững chạc cơ mà...
Tôi liếc mắt đọc lại bài tập làm văn, quả đúng là có nhiều ý đồng cảm với nhân vật chính. “Tính ra, thà cứ làm việc xấu, cuộc sống còn có ý vị hơn”, “Tôi cho rằng đôi khi chúng ta lại có hứng thú với những việc bị cấm đoán”... ở góc độ của tôi thì chỉ cho rằng đó là thái độ thẳng thắn đúng kiểu trẻ con, nhưng người làm cha mẹ như cô chú Kosuga thì chắc là thấy lo lắng nhỉ.
Mà... hả?
Tôi nghiêng đầu thắc mắc. Yui cũng đổ đốn sinh hư?
- Không lẽ em kể với cô chú vụ Người đi mót lúa à?”
- Hở? Kể rồi chứ.
Cô bé gật đầu lia lịa như muốn nói đó là lẽ đương nhiên.
- Em vẫn giữ bí mật với Yui và anh trai, còn cha mẹ, em kể hết rồi.
Người đi mót lúa là tên cuốn sách Kosuga Nao đã lấy trộm trước đây. Người bị hại yêu cầu không làm rùm beng vụ việc, nên tôi cứ tưởng cô bé sẽ im như thóc với phụ huynh. Đúng là không nên trông mặt mà bắt hình dong, cô bé đĩnh đạc và thành thật ra phết.
- Cha em nói, về sau hễ mua sách cho em và Yui, cha mẹ nhất định phải xem trước nội dung. Không tin tưởng con cái đến thế là cùng. Em bị kiểm tra thì còn hiểu được, nhưng con bé có tội tình gì đâu. Vậy nên em mới đến bàn bạc với anh, xem nên thuyết phục thế nào để cha mẹ thôi kiểm duyệt Yui.
Đại khái tôi đã nắm được tình hình. Tóm lại, Kosuga Nao cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm đây mà. Cô bé cho rằng tại hành vi trộm sách cùa mình dạo trước mà bây giờ cha mẹ mới phải làm căng như vậy.
Tôi liếc mắt ra gốc quầy. Phía sau chồng sách không có lấy một tiếng động. Ắt hẳn Shinokawa đang chăm chú lắng nghe cuộc nói chuyện của hai chúng tôi.
- Anh mượn bài cảm nhận này được không?
- Được thôi. Nhưng để làm gì vậy?
- Anh cho Shinokawa xem.
Kosuga Nao lộ vẻ khó chịu. Khuôn mặt như viết dòng chữ “Tôi không muốn dính dáng đến người đó”.
- Cô ấy biết nhiều về sách vở, còn hiểu được tâm trạng của những người yêu sách nữa. Anh thấy nếu em muốn tư vấn thì cô ấy là lựa chọn hữu ích hơn anh nhiều.
Trong đầu tôi hiện lên câu chuyện Shinokawa vừa kể. Cô bé con tháng nào cũng lụi cụi đạp xe khắp các nhà sách, mừng rỡ mua được cuốn tiểu thuyết truyền kì sáng tác từ thời Đại Chính. Tôi thấy một phần hình bóng Kosuga Yui sau này trong cô. Nếu cho lời khuyên, có lẽ không ai phù hợp như Shinokawa, chắc chắn cô sẽ giúp đỡ mà không nề hà gì.
- Anh sẽ hỏi rồi liên lạc với em sau. Được chứ?
Sau một hồi đắn đo, Kosuga Nao mới gật đầu.
- Em hiểu rồi. Vậy nhờ anh nhé.
Đã đến giờ đóng cửa tiệm, tôi bắt đầu cho tiền lẻ vào ngăn đựng tiền xu trong quầy.
Cơn gió thu lạnh lẽo lùa vào từ cửa kính vẫn còn để ngỏ. Kosuga Nao về mà quên đóng cửa rồi.
Sau lưng tôi vang lên tiếng lật giấy sột soạt.
Shinokawa đang đọc bài cảm nhận về tác phẩm Quả cam dây cót.
Đến tận lúc đóng cửa, cô mới chịu ló ra khỏi đống sách.
- Cô nghĩ thế nào về bài văn ấy?
Không thấy câu trả lời. Tôi dừng tay, quay đầu lại thì thấy cô đang ngồi trên chiếc ghế xếp, nghiêng đầu dựa vào chồng sách, khuôn mặt lộ rõ vẻ bối rối.
- À... ừ thì... Bài văn này... Nói sao nhỉ...
Cô lật tờ giấy, đăm chiêu đọc lại bài văn từ đầu. Cả khi ưu tư, khuôn mặt cô vẫn đầy sức quyến rũ, khiến tôi không khỏi mê say. Một lát sau, mắt vẫn không rời trang giấy, cô lên tiếng.
- Bài cảm nhận này...
- Á à, biết ngay con bé Kosuga mang đến đây mà.
Giọng nói khàn khàn rền vang khắp tiệm. Chẳng biết từ khi nào, một người đàn ông nhỏ con, gầy gầy để đầu đinh đã chống cằm đứng ở quầy. Tuổi ngoài năm mươi, ông mặc áo thun in hình lòe loẹt, bên ngoài là áo khoác màu đỏ nhàu nát. Trên vai ông là một chiếc túi bằng vải buồm đựng đầy sách cũ.
- A, ông Shida. Chào ông!
- Chào chiếc cái gì, đồ đầu đất! Đang làm ăn buôn bán mà đầu óc để đâu đâu, mải nhìn trời nhìn mây thế đấy à? Tao mà là ăn trộm thì chú mày tính sao đây?
Ông cất giọng sang sảng mắng mỏ tôi. Shida là khách quen của tiệm, một sedori, kiếm sống bằng cách mua đi bán lại sách cũ. Ông không có nhà cửa mà sống dưới gầm cầu Kugenuma.
- Lâu... lâu rồi không gặp ông ạ.
Thấy Shinokawa loạng choạng tìm cách đứng dậy, Shida hào sảng xua tay, ngăn cô lại.
- Rồi rồi, cứ ngồi đi. Lâu không gặp nhưng giọng vẫn lí nhí như xưa nhỉ? Con bé này không ăn to nói lớn thêm được chút nào à?
- A... Cháu xin lỗi.
Người cô co rúm lại vì xấu hổ. Đáng ra ông Shida đừng nên tạo áp lực cho cô ấy thì hơn, kẻo cô ấy lại trốn biệt vào đống sách bây giờ.
- Hôm nay ông đến có việc gì thế ạ?
- Chẳng có việc gì cả. Nghe đồn ở đây buôn bán trở lại nên làm cuốc đi bộ đến chào hỏi ấy mà. Mày, đó là bài văn cảm nhận của em gái Kosuga phải không?
Shida hất cằm về phía tờ giấy Shinakawa đang cầm.
- Sao ông biết? - Tôi hỏi.
- Thế mà cũng hỏi, vì lúc trước, con bé đã mang bài văn đến chỗ tao chứ sao. Nó bảo “Vậy nên con mới đến bàn bạc với thầy, xem nên thuyết phục thế nào để cha mẹ thôi kiểm duyệt Yui”.
Shida nhại giọng giống đến bất ngờ. Ông chính là chủ nhân cuốn sách Người đi mót lúa mà Kosuga Nao đã lấy trộm. Từ sau sự kiện ấy, giữa thủ phạm và người bị hại lại sinh ra một mối quan hệ đầy kì quặc. Hình như cứ một tuần một lần, hai người lại cho nhau mượn sách, sau đó ngồi ngay ở bờ sông để cùng trao đổi những điều tâm đắc. Kosuga Nao thân thiết gọi “thầy” mà Shida cũng yêu quý cô bé lắm.
- Ông nói thế nào với Kosuga ạ?
Shida là sedori nên có kiến thức cực kì phong phú về sách, lại là người thầy gần gũi của Kosuga nên việc cô bé đến xin ông lời khuyên cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng thế thì tại sao còn cất công sang tiệm sách chúng tôi nữa?
- Tao chỉ phán một câu “Cha mẹ lo lắng thế là đúng rồi còn gì!”. Con bé lộ vẻ không hài lòng, xem ra đó chẳng phải là đáp án nó mong muốn.
Ra vậy. Hóa ra cô bé không nhận được lời khuyên nào từ Shida cả.
- Ngày xưa tao từng đọc rồi, nhưng không có hứng đọc lại. Chú mày thì đọc chưa? Cuốn Quả cam dây cót ấy.
Tôi lắc đầu. Giọng điệu xem thường của Shida khiến tôi kinh ngạc.
- Đúng như bài văn đã viết, nhân vật chính là một kẻ thích gì làm nấy. Hút hít, trộm cướp, bạo hành phụ nữ. Chà, chẳng việc xấu nào là không làm. Tất nhiên tao không nói tác giả có ý cổ súy cho tội ác. Chỉ là ông ấy vẽ ra một thế giới bế tắc như ác mộng ấy. Một truyện ngụ ngôn đầy nghịch lý. Chậc, đã là người thì ai chẳng hiếu kì, nên có thể sẽ có người đồng cảm với những câu chuyện thế này. Nhưng vấn đề là ở chỗ, cô em nhà Kosuga đâu chỉ đơn thuần nghĩ vậy, mà còn nghiêm túc viết thu hoạch nộp cho trường. Mới học cấp hai chứ mấy, mai này lớn lên nó sẽ thành người thế nào, bảo sao phụ huynh không lo lắng. Cha mẹ con bé không thấp thỏm như ngồi trên đống lửa mới lạ. Đúng không?
- Chà, ông nói cũng có lý.
Có lẽ do đã từng trải nên Shida cũng đánh giá từ phương diện của bậc làm cha làm mẹ. Nhưng đâu thể vì vậy mà săm soi từng li từng tí sách đọc của con. Cấp hai lại tình cờ là cái tuổi không muốn bị can thiệp, khắt khe quá không khéo chữa lợn lành thành lợn què.
- Thôi, hai đứa bay đừng chõ mũi vào thì hơn. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, ô, đã giờ này rồi sao?
Shida ngước nhìn đồng hồ treo trên cột nhà rồi thốt lên.
- Vậy tao cũng biến đây. Không làm phiền bọn bay đóng cửa tiệm nữa.
Ông đột ngột quay gót, vội vội vàng vàng rời cửa tiệm.
Tiệm sách cũ Biblia lại chìm trong yên lặng. Tôi ngoái đầu nhìn Shinokawa. cô ngồi im như tượng, chăm chú nhìn bài tập làm văn để trên đùi. Dường như đang tư lự điều gì.
Nãy giờ thấy cô không lên tiếng, tôi đã để ý rồi. Cô vốn muốn nghĩ cách giúp Kosuga Nao, chắc chắn có ý kiến khác với Shỉda. Hơn nữa, bàn tới chuyện sách vở mà cô lại tỏ ra thờ ơ thì đúng là kì lạ.
- Có chuyện gì vướng mắc sao?
Tôi lên tiếng, cô ngơ ngác ngẩng đầu rồi xua hai tay.
- Không, không... Đâu có gì... chỉ là...
Sự im ắng ngột ngạt lại bao trùm. Bỗng dưng, cuộc nói chuyện lúc nãy lướt qua đầu tôi.
- Nhắc mới nhớ, ngay trước lúc ông Shida tới, cô đang định nói gì với tôi đúng không? Là chuyện gì vậy?
Để ý sẽ thấy, từ lúc bắt đầu đọc bài văn cảm nhận này, thái độ của cô rất kì lạ. Chắc chắn có chỗ nào khiến cô lưu tâm.
Trong một lúc lâu, cô bối rối không biết trả lời thế nào. Mất một lúc, cô mới cất tiếng như thể đã quyết tâm.
- Nếu nói cho đúng... bài văn cảm tưởng này... hiểu sai rồi.
- Hiểu sai chỗ nào cơ?
- Sai nội dụng đấy.
Cô nghiêm nghị nói.
- Người viết bài văn này, nói trắng ra là chưa hề đọc Quả cam dây cót.

4

Sau khi cất dọn biển hiệu và xe cút kít chứa sách đồng giá, tôi khóa cửa kính và kéo rèm. Tính toán sổ sách xong là cũng hoàn tất mọi việc cần làm trước khi đóng cửa.
Giờ chỉ còn mình tôi trong tiệm. Trở lại quầy, tôi nghe tiếng chân tập tễnh bước xuống cầu thang. Shinokawa nói có món đồ muốn lấy trước khi giải thích cụ thể với tôi, nên ban nãy đã quay vào nhà chính.
Trên mặt quầy dọn dẹp gọn ghẽ là bài văn “Đọc Quả cam dây cót của Anthony Burgess”.
Thế mà cô ấy lại khẳng định người viết chưa đọc gì cả.
Tức là không đọc mà viết bừa hay sao? Tuy nhiên, không một điểm nào trong bài cảm nhận cho thấy sự qua quýt tùy tiện cả. Vì nếu làm như vậy chắc chắn giáo viên chủ nhiệm và ông Shida đã phát hiện ra rồi.
- Xin lỗi để anh đợi lâu.
Shinokawa chống nạng bước ra từ cánh cửa thông vào nhà chính.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau qua quầy. Cô bày lên mặt quầy hai cuốn sách khổ bunko cắp dưới cánh tay. Cả hai quyển đều là Quả cam dây cót. Tác giả Anthony Burgess, người dịch Inuishin Ichiro, nhà xuất bản là Hayakawa Shobo.
Tuy nhiên bìa sách lại khác hẳn nhau. Cuốn bunko bên tay phải tôi in hình một người đàn ông với đôi mắt dữ tợn đang vung cao con dao. Trên dải obi màu vàng là dòng chữ “Tuyển chọn. Mừng 50 năm thành lập Hayakawa Shobo”. Có vẻ xuất bản đã lâu lắm rồi, rìa bìa đều ố vàng hết.
Tôi chuyển hướng nhìn qua cuốn Quả cam dây cót bên trái, bìa sách chỉ có chữ. Xét từ phong cách thiết kế tới tình trạng giấy thì cuốn này có vẻ mới hơn. Obi đề “Cực kì dữ dội. Chỉ phát hành 100 cuốn. Hayakawa Bunko”. Xem chừng thuộc dạng “danh tác” của mọi thời đại đây.
- Quả cam dây cót nguyên gốc được phát hành ở Anh Quốc vào năm 1962. Thời bấy giờ, Burgess sáng tác rất sung sức, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cuốn tiểu thuyết lấy đề tài bạo lực tuổi trẻ này.
Đột nhiên, Shinokawa nói năng rất hào hứng và mạch lạc. Tuy cũng đã quen với tình trạng này rồi, nhưng tôi vẫn có cảm giác như đang tiếp xúc với một người khác vậy.
- Bản dịch tiếng Nhật của Hayakawa Shobo phát hành năm 1971, bản tankobon*. Cuốn chúng ta có ở đây chính là bản dịch đó, nhưng là bunko. Ở Nhật thì tôi thấy bản bunko này được tái bản nhiều nhất.

*[Tankobon là cuốn sách có nội dung hoàn chỉnh, được phát hành đơn lẻ thay vì nằm trong một bộ. Thông thường, tiểu thuyết ở Nhật được in dưới dạng tankobon, sau vài năm, sẽ được phát hành dưới dạng bunko với giá thành rẻ hơn, quá trình này gọi là bunko hóa]

Cô vừa nói vừa trỏ cuốn có bìa người đàn ông cầm dao.
- À, tức là rất có giá trị?
- Không phải. Vì nó thuộc dạng long-seller, được tái bản rất nhiều lần trong mấy chục năm qua, nên không đáng tiền lắm trên thị trường sách cũ. Tôi nghĩ chỉ hợp xếp vào xe sách đồng giá thôi.
Giọng cô phảng phất chút tiếc nuối.
Tiếp đó, cô đưa tay sang trái, trỏ cuốn sách mà bìa chỉ có chữ.
- Còn đây là bản mới được phát hành vào năm 2008. Giờ các nhà sách bình thường đều bán cuốn này. Bìa sách đã được đổi mới, kích thước và chữ cũng to hơn một chút.
Hiện tại là năm 2010, nói vậy nghĩa là ra mắt cách đây hai năm. Tôi cầm cả hai ấn bản lên thử so sánh. Bản mới có vẻ dày hơn một chút.
- Hai quyển này nội dung cũng khác nhau sao?
Vừa nghe tôi hỏi, đôi đồng tử đen láy sau tròng kính bỗng bừng sáng. Shinokawa hào hứng chống hai tay lên quầy, thân trên nhoài mạnh tới trước. Bộ ngực đầy đặn căng lên, khẽ phập phồng dưới lớp áo.
- Chính xác! Nội dung của bản cũ và bản mới khác xa nhau. Anh thử so sánh trang cuối cùng của hai cuốn mà xem.
Tôi rời ánh nhìn khỏi cô, mở bản cũ ra như lời cô bảo. Lật đến trước trang lời bạt của tác giả, thì thấy phần kết thúc của câu chuyện. Tôi đọc lướt nhanh nhất có thể trước khi “cơ địa” nổi dậy chống đối.

Và rồi, chỉ còn lại đôi bên, tôi và bản Giao hưởng số 9 chói ngời của Beethoven.
A à, thật xán lạn và đẹp đẽ biết bao! Mỗi lần đến đoạn scherzo*, tôi như nhìn thấy rõ mồn một cảnh tượng mình đang thoăn thoắt chạy trên đôi noga** kì dị, dùng britva*** rạch như điên dại lên khuôn mặt trái đất đang cất tiếng gào thét bi thương. Tiếp đó sẽ đến một chương nhạc uyển chuyển, và kết thúc bằng khúc hợp xướng diễm lệ. Tôi đã được chữa lành.

*[Trong nhạc cổ điển phương Tây, scherzo là một bản nhạc hoặc một chương của một tác phẩm lớn hơn như symphony hay sonata. Hiện tại, scherzo còn có nghĩa chương thứ ba trong một tác phẩm bốn chương. Khác nhạc thường có tiết tấu nhanh, vui nhộn]
**[noga (tiếng Nga) chân]
***[britva (tiếng Nga) dao cạo]

Tôi hiểu ý nghĩa của đoạn văn này. Giống như bài cảm nhận đã viết, nhân vật chính thưởng thức nhạc Beethoven sau khi được giải phóng khỏi việc tẩy não. Tôi chú ý thấy một số từ ngoại lai hơi lạ, chắc là kiểu diễn đạt riêng của cuốn tiểu thuyết này.
Tiếp theo, tôi mở phần cuối của bản mới, đọc lướt qua đoạn kết. Nó nằm ở trang 310.

Thôi, tới đây anh xin gửi lời tạm biệt đến các droog* thân yêu. Và gửi tiếng huýt sáo cho đám còn lại trong câu chuyện này. Hít khói anh hết đê!
Nhưng quý vị, ơ quên, quý bằng hữu của anh à, thỉnh thoảng hãy nhớ đến thằng Alex đáng yêu này nhé. Amen! Giờ thì biến mẹ chúng mày đi!

*[droog (tiếng Nga) bạn]

- Ủa?
Đoạn văn này khác hẳn bản cũ. Tôi không hiểu ý nghĩa của nó cho lắm, hình như nhân vật đang tạm biệt độc giả thì phải.
- Sao lại khác nhau xa thế?
- Chuyện là thế này...
Shinokawa vươn tay giở bản sách mới. Cô giở ngược lại rồi chỉ vào dòng cuối cùng của trang 292. “Tiếp đó sẽ đến một chương nhạc uyển chuyển, và kết thúc bằng khúc hợp xướng diễm lệ. Tôi đã được chữa lành”.
Kết thúc của bản tôi đọc lúc đầu đây mà. Tuy nhiên, ở trang tiếp theo lại bắt đầu một chương mới đề số “7”. Có vẻ đây mới là chương cuối thì phải, tiêu đề là “Thế sau này mày tính sao?
Tôi thầm sắp xếp lại tình hình.
- Tức là bản mới tăng thêm một chương?
- Không, không phải như vậy.
Cô lắc đầu.
- Bản mới này là nguyên gốc của Quả cam dây cót. Nói cách khác, đây mới chính là bản đầy đủ.
Dứt lời, cô đưa tay trỏ dòng dưới dòng nhan đề. Đúng là có chua mấy chữ be bé: Bản đầy đủ.
- Nghĩa là sao?
Máu hiếu kì nổi lên, tôi bất giác rướn người tới trước. Khoảng cách giữa tôi và cô gần lại, nhưng tôi cũng chẳng câu nệ. Giờ bàn chuyện sách quan trọng hơn!
- Trong bản đầu tiên được Burgess xuất bản vào năm 1962, câu chuyện không kết thúc ở tình tiết nhân vật chính Alex thoát khỏi tác động của việc tẩy não.
Cô nói tiếp bằng giọng trầm trầm.
- Alex quay trở lại thế giới của bạo lực và tội ác, nhưng chẳng mấy chốc, hắn đâm ra chán ngán cuộc sống như vậy. Thời điểm đó hắn gặp lại một tên bằng hữu ngày xưa giờ đã rửa tay gác kiếm. Cuộc gặp thay đổi suy nghĩ của hắn. Hắn tuyên bố từ giờ sẽ vĩnh biệt bạo lực, lập gia đình rồi trở nên trưởng thành. Câu chuyện kết thúc ở đó.
- Hả?
Tôi bất giác thốt lên.
- Thế là kết thúc khác xa nhau còn gì.
Trái ngược như mặt trăng mặt trời ấy. 
- Phải, đúng là như vậy.
Shinokawa gật mạnh đầu. Trán cô gần như đập vào cằm tôi.
- Có lẽ Burgess cho rằng, suy đến cùng, hành vi bạo lực của Alex chỉ là nhất thời. Đợi đến lúc chín chắn hơn, hắn sẽ biết lựa chọn một cách lý tính giữa thiện và ác. Đây là câu chuyện miêu tả quá trình trưởng thành của người trẻ. Tuy nhiên, khi được phát hành ở Mỹ, theo ý kiến của nhà xuất bản, chương cuối cùng đã bị xóa mất.
- Tại sao?
- Tôi nghĩ là do cái kết có hậu ấy bị xếp vào dạng khiên cưỡng. Tuy nhiên vấn đề trở nên phức tạp khi Stanley Kubrick dựng phim theo bản sách phát hành ở Mỹ.
Tôi nghĩ là tôi có biết Stanley Kubrick. Tôi đã từng xem một bộ phim chiến tranh trên ti vi, trong đó các sĩ quan huấn luyện tân binh rất tàn bạo. Tôi không nhớ rõ nhan đề là gì nhưng chắc chắn đó là tác phẩm do Kubrick đạo diễn.

[Tên bộ phim Gora nhắc tới là Full Metal Jacket (1987) phỏng theo tự truyện The Short Timers của Gustav Hasford. Đây là phim về đề tài chiến tranh Việt Nam, nội dung xoay quanh việc tập luyện của một trung đội Hải quân Mỹ và miêu tả trải nghiệm của hai binh sĩ trong sự kiện Tết Mậu Thân 1968]

Shinokawa gỡ obi của bản in cũ cuốn Quả cam dây cót, để lộ dòng chữ in bên dưới bức hình người đàn ông cầm dao.

QUẢ CAM DÂY CÓT của STANLEY KUBRICK

Dòng này được in to hơn cả tên tác giả Burgess. Mới nhìn có khi còn tưởng nhầm Kubrick là người viết cuốn sách ấy chứ.
- Bìa sách lấy từ poster phim. Bộ phim tạo được tiếng vang lớn nên tiểu thuyết lại được dịch thêm ra nhiều ngôn ngữ nữa. Bản tiếng Nhật được phát hành năm 1971, cùng năm bộ phim công chiếu, nhưng có lẽ bản tiếng Anh bao gồm chương cuối không được lưu hành vào quãng thời gian đó, nên Nhật mới theo bản được phát hành tại Mỹ như kết thúc của bộ phim.

[Thật ra lý do là vì nhà xuất bản Mỹ cho rằng độc giả Mỹ sẽ không chấp nhận kết thúc có hậu khi Alex nhận ra hành động của mình là sai trái và trở lại làm người lương thiện. Do đó, khi đem tác phẩm của mình giới thiệu ở Mỹ, Burgess đã đồng ý để biên tập cắt đi chương cuối, câu chuyện kết thúc tối tăm nhưng “thật” hơn và hấp dẫn hơn đối với người đọc Mỹ: Alex trở lại bản chất bạo lực và tàn bạo của hắn. Ngoài ra, bộ phim được chuyển thể dựa trên bản sách phát hành ở Mỹ và đạo diễn Kubrick sau khi hoàn thành kịch bản mới biết cuốn tiểu thuyết còn có chương cuối cùng]

- Hả, nhưng mà... chẳng lẽ tác giả lại không làm gì sao?
Tên tuổi của mình được cả thế giới biết đến thông qua cuốn tiểu thuyết bị cắt xén đoạn kết, nỗi đau này làm sao chịu được cơ chứ.
- Tác giả có nói vì lý do kinh tế nên đành phải chấp nhận truyện xuất bản ở Mỹ dưới hình thức như vậy. Tuy nhiên xoay quanh chuyện này sự tình khá phức tạp, không thể đổ hết lỗi cho nhà xuất bản Mỹ được. Ngay cả ở Anh, sách phát hành trong những năm 1970 cũng không có chương cuối. Ở Nhật, độc giả đọc qua bản bunko này suốt một thời gian dài, đến năm 1980, bản đầy đủ dưới dạng tankobon mới được Hayakawa Shobo cho ra mắt. Nghĩa là bản đầy đủ và không đầy đủ có một thời gian được lưu hành cùng lúc. Tuy nhiên vài năm sau đó, bản đầy đủ không được in nữa.
- Bản đầy đủ không được in nữa, bản không đầy đủ vẫn tiếp tục in?
- Đúng vậy. Năm 2008 mới phát hành bản đầy đủ với khổ bunko mà chúng ta đang có ở đây còn bản không đầy đủ với khổ bunko ngày trước thì đã ngừng phát hành.
Tôi khoanh tay nhìn xuống hai cuốn Quả cam dây cót. Xuất bản có quyển sách thôi mà sự tình rối rắm đến thế là cùng.
- Thậm chí có một khoảng thời gian ngay Burges còn phải hoài nghi đâu mới là bản chính thống. Tại bản cắt xén vẫn cứ ồ ạt phát hành mà. Chưa chừng chính tác giả cũng chẳng lựa chọn được cũng nên. Trong đề tựa cho lần đầu phát hành bản đầy đủ ở Mỹ, Burgess đã viết thế này, “Chúng ta có thể xóa đi những gì mình viết. Nhưng không thể coi như mình chưa từng viết nó”.
Liếc mắt xuống bài tập làm văn đặt trên quầy, Shinokawa bỗng thở hắt ra. Chẳng biết cô là cảm thán hay hết hơi vì phải nói nhiều nữa.
Tôi chăm chú ngắm nhìn cô. Lại một lần nữa cô khiến tôi bất ngờ vì kiến thức uyên bác của mình. Trong tất cả những người liên quan đến vụ việc lần này, chỉ mình cô chú ý đến sự khác biệt giữa các bản in. Kosuga Yui, tác giả của bài cảm nhận này cũng không...
- Ủa? Lạ thật đấy!
Tôi nghiêng đầu thắc mắc.
- Hiện giờ ở nhà sách chỉ còn bán bản đầy đủ thôi phải không?
Bài văn không hề nhắc nhỏm đến chương cuối. Như thể chương ấy không tồn tại vậy. Chắc bản cô bé đọc là bản không đầy đủ.
- Tức là cô bé đọc bản mua ở tiệm sách cũ?
Nếu thế cũng không có gì phải thắc mắc khi Yui không đả động đến nội dung chương cuối cùng. Tuy nhiên, Shinokawa lại lắc đầu.
- Không thể có chuyện đó. Lúc nãy Kosuga nói em gái đã nhờ cô bé mua trên trang web bán sách mới cơ mà.
- À, đúng thật!
Nói cách khác cuốn sách Kosuga Yui đang có trong tay là bản đầy đủ phát hành gần đây...
Càng lúc mọi chuyện càng rối như canh hẹ.
- Điều cô muốn nói lúc nãy là đây phải không?
Người viết cảm nhận chưa hề đọc Quả cam dây cót, cơ sự rốt cuộc là sao chứ?
Mâu thuẫn này không liên quan trực tiếp đến việc Kosuga Nao nhờ, nhưng vẫn khiến tôi tò mò. Có lẽ còn nguyên nhân nào khác.
- Giờ ta tính sao?
Nghe tôi hỏi, Shinokawa nhắm mắt lại một hồi như thể đang sắp xếp suy nghĩ.
- Trước khi trao đổi với Kosuga, tôi nghĩ chúng ta phải làm rõ hơn... về bài văn này đã.
Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng làm rõ bằng cách nào?
- Hỏi thẳng chính chủ là nhanh gọn nhất.
Một là gọi Kosuga Yui đến tiệm, hai là tôi hoặc Shinokawa nói chuyện điện thoại với cô bé. Nếu nhờ thì chắc chắn Kosuga sẽ đứng ra làm cầu nối thôi. Khổ nỗi, Kosuga yêu quý em gái thế kia, ắt sẽ không mấy vui vẻ nếu Shinokawa lại nhúng tay vào vụ này.
- Tôi nghĩ chuyện đó để sau hẵng tính.
Cô chậm rãi nói như lựa chọn từng từ. Hay cô đã tìm ra chân tướng của vụ việc này rồi?
- Lúc nãy anh bảo sẽ liên lạc lại với Kosuga nhỉ?
- À, đúng rồi!
- Tôi muốn mượn một thứ nên nhờ anh chuyển lời tới cô bé được không? Có chuyện quan trọng tôi muốn xác nhận trước.

5

Hai ngày nghỉ trôi qua.
Hôm nay, tôi bận tối tăm mặt mũi suốt từ lúc mở cửa. Là ngày thường mà khách hàng ra vào liên tục, có hẳn ba khách hàng chở đầy xe sách tới bán! Chúng tôi phải phân loại đến bở hơi tai. Khi công việc vợi bớt cũng là lúc mặt trời bắt đầu khuất bóng.
Có lẽ hôm nay Kosuga sẽ tới.
Vừa bổ sung sách vào chiếc kệ đã trống lỗ chỗ như sún răng, tôi vừa nhủ thầm.
Hôm kia tôi gọi điện thoại và chuyển tới Kosugi Nao yêu cầu của Shinokawa. Cô bé hỏi đi hỏi lại mục đích của việc này, nhưng tôi cũng mù tịt nên không thể trả lời. Tôi đành bảo “Chuyện rất quan trọng”, cuối cùng cô bé mới miễn cưỡng trả lời vài hôm nữa sẽ mang đến.
Như mọi lần, Shinokawa vẫn rúc sâu trong đống sách chồng chất. Không biết do hoa mắt hay sao mà tôi thấy bức tường sách lại cao hơn thì phải. Sau khi đổi ca với tôi để đi ăn trưa về, chắc là cô cứ cặm cụi làm nhãn giá cho sách và lo công việc bán hàng qua mạng suốt thôi.
- Phù... Phù Phù... Phù...
Tiếng thở khàn khàn với tiết tấu kì lạ khiến tôi dừng tay trong thoáng chốc. Hóa ra Shinokawa đang huýt sáo. Hễ có chuyện gì vui, cô sẽ vô thức phát ra tiếng huýt sáo như vậy.
Xếp xong cuốn sách cuối cùng lên kệ, tôi nhanh chân di chuyển về phía quầy. Mặc dù đã đoán được cô đang làm gì, nhưng cuối cùng tôi vẫn chịu thua mong muốn được tận mắt xem thử.
Từ phía trên bức tường sách, tôi ngó vào trong thì thấy cô đang ngồi trước máy vi tính, say sưa đọc một cuốn sách khổ bunko. Cô tập trung đến mức không hề để ý đến ánh nhìn của tôi. Có đợi cũng tốn công vô ích nên tôi quyết định lên tiếng.
- Tôi bảo này.
- Hộc!
Giọng cô bật ra như bị nấc cụt, giật nảy mình ngẩng đầu lên. Đôi môi hé mở vẫn còn hơi chu ra trong điệu huýt sáo. Cô vội vội vàng vàng gấp sách lại rồi ngồi thẳng lên. Đó là cuốn Chuyện hai người* của Ursula K. Le Guin, nhà xuất bản Shueisha.

*[Tên tạm dịch từ Very Far Away From Anywhere Else, một tiểu thuyết dành cho tuổi mới lớn sáng tác vào năm 1976. Đây là một tác phẩm hiếm hoi lấy bối cảnh đời thực trong số trước tác của Ursula K. Le Guin (vốn nổi tiếng với những tác phẩm kì ảo như Pháp sư xứ Hải Địa, Bến bờ xa nhất). Nội dung xoay quanh cuộc sống một nam sinh 17 tuổi cô đơn, chưa tìm đượclối đi cho mình và phải sống dưới áp lực kì vọng của người thân. Câu chuyện nói về những chuyển biến trong tư tưởng của cậu khi gặp được một gái thông minh, độc lập]

- Tôi... tôi vẫn làm việc chăm chỉ mà.
Giọng cô the thé. Cô đâu cần phân bua với nhân viên của mình làm gì chứ. Như thế chỉ càng khiến người ta thấy cô có tật giật mình thôi.
- Xin lỗi cô! Tôi xếp sách xong rồi.
- Vâng, vâng... Thế tiếp theo là chỗ sách đằng kia.
Chống chiếc nạng nhôm bên tay phải, cô từ từ đứng dậy. Bỗng cửa kính kin kít mở ra, một nữ sinh dáng người nhỏ nhắn bước vào.
- Em về rồi đây!
Cô bé mặc bộ đồng phục giống Kosuga Nao. Trời đã sang thu nhưng làn da vẫn rám nắng, mái tóc dài buộc đuôi ngựa, bề ngoài phù hợp với vùng duyên hải phương Nam. Cô là Ayaka, em gái của Shinokawa.
Hiếm khi nào đi học về mà cô bé lại ghé qua đây. Thường thì cô sẽ vào thẳng nhà chính bằng cửa khác nằm phía sau tiệm sách.
- Aya về rồi à?
Cô chị mỉm cười, cánh tay trái không cầm nạng duỗi thẳng ra. Không hiểu là thế nào? Tôi đang nghiêng đầu thắc mắc thì Shinokawa Ayaka đã bổ nhào vào ôm chầm lấy chị mình. Chị gái cao hơn em gái một chút.
- Oa, chị ơi!
Ayaka hồn nhiên reo vui, âu yếm dụi má vào cần cổ trắng ngần của Shinokawa. Nụ cười nở bừng trên khuôn mặt hai người. Tự nhiên tôi thấy ngài ngại, bèn liếc sang chỗ khác. Chuyện gì đây không biết?
Cảnh tượng kéo dài suốt năm giây đồng hồ.
- Thôi, em phải đi nấu cơm tối đã!
Cô bé tỉnh bơ buông tay ra.
- Tạm biệt anh Gora.
Ayaka khẽ chào và quay vào nhà chính.
- Nãy giờ là gì thế?
Khi chỉ còn hai người, tôi lên tiếng hỏi. Nhân tiện kể luôn là trước giờ chẳng mấy khi tôi có dịp trông thấy cả hai chị em cùng một lúc. Bình thường họ vẫn hay làm như vậy sao?
- Bọn tôi chào nhau thôi mà.
Ánh mắt Shinokawa lấp lánh một cách bất thường!
- Hằng ngày hai người đều chào nhau như thế à?
- Ủa, nhà anh Gora không làm thế sao?
Cô nói cứ như đó là lẽ đương nhiên. Tôi bỗng chốc chột dạ tự hỏi, hay trong lúc mình không để ý, thói quen ôm ấp đã bén rễ vào xã hội Nhật Bản rồi?
- À không, nhà tôi không làm như thế.
Gia đình tôi chỉ gồm hai người là tôi và mẹ, tướng tá đều cao to vạm vỡ hơn người bình thường. Giả như tôi còn bé thì đã đành, chứ bây giờ mà ôm ấp nhau thì nhìn khác gì hai võ sĩ Sumo đang lao vào vật lộn.
- Thế à?
Giọng cô thoáng chùng xuống.
- Tôi với em gái xưa nay vẫn vậy. Có lẽ là do thiếu vắng cha mẹ.
- Hả?
Tôi nhớ chủ cũ của tiệm Biblia tức cha Shinokawa mới tạ thế năm ngoái đây thôi mà. Có lẽ nhận ra bộ dáng thắc mắc của tôi, Shinokawa mỉm cười giải thích.
- À, xin lỗi anh. Dĩ nhiên là vẫn còn cha, chỉ hiềm ông không phải mẫu người thích ôm ấp các con gái như vậy.
Tôi chợt thấy lạ. Cha như vậy đã đành, nhưng còn mẹ...
- Mẹ cô thì sao?
Thốt lên rồi, tôi mới nhận ra mình chưa nghe cô gái này nhắc đến mẹ bao giờ. Thậm chí ngay cả tiếng “mẹ” cũng chưa lần nào thoát ra từ miệng cô.
- Mười năm trước...
Mười năm trước thế nào, cô không kể thêm. Có lẽ cô không muốn nói. Nhưng tóm lại, hiện bà không có mặt trong ngôi nhà này.
- Xin lỗi, tôi tọc mạch quá.
Tôi dừng chủ đề này lại.
- Không sao...
Câu chuyện bị gián đoạn, chỉ còn sự im lặng đầy khó xử.
Đúng lúc ấy, tiếng chân chạy thình thịch đầy náo động lan đến gần. Cánh cửa thông với nhà chính mở toang. Một lần nữa, bóng dáng của Shinokawa Ayaka xuất hiện. Có lẽ cô bé đang thay đồ dở dang, vì mới tháo tất có một bên chân.
- Suýt nữa thì quên. Đây, Nao nhờ chuyển cho anh.
Dứt lời, cô bé ấn vào tay tôi một chiếc túi giấy họa tiết ca rô. Túi không dán kín. Nhưng dù bên trong là quà tặng thì cũng không có gì là lạ.
Tôi cầm túi giấy trên tay, nghiêng đầu thắc mắc.
- Nao?
- Kosuga Nao ấy. Anh có biết mà. Hôm nay cậu ấy bận chút việc không đến được nên nhờ em chuyển giùm.
- Ý anh không phải vậy... Anh muốn hỏi em và Kosuga quen nhau à?
Tôi nhớ từng nghe Kosuga Nao bảo chưa bao giờ nói chuyện với em gái của Shinokavva cơ mà. Hai đứa học cùng khối nhưng khác lớp.
- Em biết mặt và tên từ hồi xưa rồi. Nhìn cậu ấy cá tính nên nổi bật lắm. Hồi lễ hội văn hóa bọn em cùng tham gia ban tổ chức nên có nói chuyện với nhau. Hóa ra hai đứa học chung tiểu học... nhưng lên cấp hai thì khác trường.
- Chà, vậy sao?
Nói mới để ý, không chừng xét đúng tuyến thì hai đứa lại ở chung khu vực ấy chứ. Nếu sinh ra và lớn lên trong cùng một vùng thì hay gặp trường hợp này lắm. Dù chưa nói chuyện bao giờ nhưng có khi đã chạm mặt nhau ở đâu đó rồi.
- Bọn em từng học cùng lớp tận ba năm trời đấy. Anh thấy ngạc nhiên không?
Thế thì hai đứa phải nhận ra nhau sớm hơn chứ.
- Mà cậu ấy dặn anh phải giở nhẹ nhàng thôi. Bảo làm dơ là đá phát chết luôn đấy. Thôi, em rút nhé!
Cô bé cười toe toét truyền lại lời nhắn sặc mùi nguy hiểm rồi chạy biến về nhà chính. Chạy làm gì cho nhọc sức nhỉ?
- Anh cho tôi xem có được không?
Shinokawa lên tiếng. Cô đã trở về trạng thái bình thường. Tôi thầm thở phào, chuyển túi giấy để cô lấy thứ bên trong ra. Là cuốn Quả cam dây cót của Anthony Burgess, sách khổ bunko của Hayakawa Shobo.
Shinokawa đã nhờ tôi hỏi mượn chính cuốn Quả cam dây cót mà Kosuga Nao đặt mua cho Yui. Cuốn sách mới tinh còn thơm mùi giấy, trên trang bìa có hàng chữ be bé: Bản đầy đủ.
- Quả đúng là bản có chương cuối cùng.
Tôi thốt lên. Shinokawa im lặng lật sách. Cho dù chúng tôi đã xác định được bản sách Kosuga Yui đang có là bản nào, thì điều bí ẩn vẫn còn đó. Tại sao trong bài cảm nhận, chương cuối cùng lại bị bỏ qua?
- A, ra vậy!
Tôi nghe Shinokawa thì thầm. Tay cô dừng lại trên cuốn sách đang mở.
- Tôi hiểu được đại khái rồi.
- Hả? - Tôi hỏi ngược lại. - Cô hiểu được gì cơ?
- Tôi hiểu được đầu đuôi câu chuyện.
Cô trỏ vào dải giấy gấp đôi kẹp mấy trang lại như kiểu đánh dấu sách. Ngay bên dưới dòng “Thẻ đặt sách Hayakawa Bunko” có cột đề “Tên đại lý/Nhà sách”, ngoài ra còn in cả nhan đề và mã vạch. Một miếng khoét hình bán nguyệt thò lên, để người đọc có thể rút ra một cách dễ dàng.
- Anh có biết cái này không?
- À ừm... Tôi từng trông thấy rồi, chỉ là...
Chỉ là không hiểu tác dụng của nó. Shinokawa hắng giọng rồi giải thích vanh vách.
- Dải giấy này gọi là slip, kẹp vào sách mới khi nhập kho tại các nhà sách. Khi khách hàng thanh toán, quầy thu ngân sẽ lấy lại dải giấy này để lưu. Nhờ đó họ có thể kiểm tra sách nào bán được bao nhiêu và lên kế hoạch đặt thêm... Nói chung, mục đích chính của dải giấy này là quản lý hàng tồn kho.
Tôi im lặng, chỉ gật đầu. Chuyện này liên quan gì đến bài văn cảm nhận kia, tôi không tài nào đoán được.
- Đối với tiệm sách cũ, việc còn slip hay không cũng là một điểm đáng chú ý. Khi một cuốn sách mơi mới được đem đến bán mà vẫn kẹp slip thì phải cẩn thận. Dải giấy đáng lý đã được nhà sách rút ra rồi cơ mà, cho nên không loại trừ khả năng đó là... đồ ăn trộm.
Tôi há hốc miệng.
- Nói thế tức là, cuốn sách này...
Khoan, cô bé kể là mua sách trực tuyến. Làm sao lấy trộm sách bán trên mạng được cơ chứ. Hay là đằng sau câu chuyện còn uẩn khúc gì?
- A, tôi xin lỗi. Tôi không có ý nói cuốn sách này bị lấy trộm đâu.
Những tưởng tượng vừa được dịp phình to của tôi thoắt cái đã mất tiêu.
- Gần đây, ngày càng ít nhà sách rút slip ra, họ chuyển sang lấy thông tin sản phẩm từ mã vạch của sách để quản lý tồn kho. Các nhà sách trực tuyến lớn đều tiến hành theo cách này. Nếu mua sách ở đó, miếng slip vẫn kẹp nguyên bên trong.
- Ra là thế.
Nếu vậy thì miếng slip còn nằm ở sách là chuyện đương nhiên. Đồng thời chuyện Kosuga Nao kể, rằng phải đặt mua trên mạng vì nhà sách trước ga Ofuna đã hết hàng, càng trở nên đáng tin hơn.
Tuy nhiên, Shinokawa vẫn đăm chiêu nghĩ ngợi.
- Nhưng thật ra từ slip tôi còn biết thêm một điều nữa. Tôi mượn cuốn sách này là để chứng thực điều đó.
Cô đưa ngón tay trắng ngần chạm vào rìa slip. Có vẻ chứng thực xong, câu trả lời không mấy sáng sủa thì phải.
- Nhờ anh chuyển lời mời em gái của Kosuga đến đây nhé? Nếu được, tôi muốn trao đổi riêng với em ấy.

6

Phải mất mấy ngày mới sắp xếp xong cuộc gặp giữa Shinokawa và Kosuga Yui.
Tôi những muốn liên lạc trực tiếp với Yui, khổ nỗi cô bé không dùng cả điện thoại di động lẫn máy vi tính, thành ra chỉ còn cách nhắn qua Kosuga Nao. Mà nhắn qua Nao thì tình hình cứ giậm chân tại chỗ.
Cô bé đã nhận ra chúng tôi đang hướng mối quan tâm vào bài văn cảm nhận của Yui chứ không phải là tìm cách thuyết phục cha mẹ họ.
- Trao đổi gì thì anh phải nói cho rõ chứ!
Cô nhóc dồn dập truy hỏi trên điện thoại, nhưng tôi có biết gì đâu mà trả lời. Tôi đành lặp đi lặp lại rằng Shinokawa muốn trao đổi riêng với Yui.
- Thế hả? Vậy em cũng đi cùng.
Sau nhiều lần mục sở thị thái độ nâng niu của Nao đối với em gái, đột nhiên tôi nhận ra một điều. Trong câu chuyện của Nao hoàn toàn không đề cập đến phản ứng của Yui trước các sự việc. Chắc cô bé không thích bàn bạc hay trông chờ sự hỗ trợ của chị mình.
- Thôi, em cứ chuyển lời tới em gái đi đã. Còn đi cùng hay không cứ để cô bé quyết định.
Rất nhanh chóng, chúng tôi nhận được câu trả lời của Kosuga Yui.
Cô bé đồng ý gặp riêng Shinokawa.
Thời gian Kosuga Yui chọn là buổi sáng một ngày bình thường trong tuần, lại còn trước giờ mở cửa tiệm. Cô bé cũng đã biết địa chỉ của tiệm sách Biblia. Tôi đi làm sớm hơn ngày thường, cùng Shinokawa chuẩn bị hàng hóa để mở cửa rồi đợi khách đến.
Đáng ra chỉ có hai người nói chuyện với nhau nhưng do Nao năn nỉ ỉ ôi nên tôi cũng sẽ tham gia.
- Yui bảo đi một mình được nhưng mà em lo lắm. Anh cứ ở sẵn đấy với em nó nhé, đề phòng chẳng may có chuyện gì!
Nao cũng lờ mờ đoán được cuộc nói chuyện không mấy vui vẻ đối với Yui, giống như cái ngày Shinokawa gọi cô ra ngoài chất vấn về chuyện ăn trộm sách.
Dường như Shinokawa hơi bối rối với sự có mặt của tôi, nhưng chính miệng Kosuga Yui nói không sao nên cô cũng chấp thuận.
- Hôm nay là ngày kỉ niệm thành lập trường hay sao ấy nhỉ?
Tôi vừa nói vừa ngước nhìn đồng hồ treo tường. Chứ làm gì có chuyện cô bé trốn tiết để đến đây cơ chứ.
- Hình như là ngày nghỉ bù hội thao thì phải?
Cô nhẹ nhàng trả lời. Ra thế, tôi đang gật gù tán đồng thì nhận ra:
- Sao cô lại biết?
- Ngày trước tôi học ở Học viện Nữ sinh Thánh Seio mà.
Thế mà bấy nay tôi không hay. Nhưng giờ biết cô ấy học trường nữ sinh, tôi mới vỡ vạc được nhiều chuyện. Đặc biệt là khoản không hề cảnh giác với ánh nhìn của đám con trai. Hôm nay, cô diện một chiếc áo len dệt nhạt màu cổ chữ V, có hơi... Thôi, không nói nữa.
- Đừng nói là thời đại học cô cũng học trường nữ nhé. Mấy trường bên dòng tu ấy?
- Ủa, sao anh biết?
Đôi mắt cô tròn xoe sau cặp kính. Trông cô có vẻ bất ngờ thật sự.
- À, tôi đoán mò thôi.
Tôi không dám nói nhìn là biết chứ cần gì phải đoán. Tôi dám chắc là từ xưa cô đã như thế này rồi.
- Anh đoán đúng đấy, hồi tiểu học tôi học trường công lập nhưng sau đó chỉ toàn học trường nữ thôi.
Tôi vừa nghe vừa gật đầu. Tôi muốn biết thêm về quá khứ của cô, nhưng tiếng cửa kính mở ra đã cắt ngang cuộc nói chuyện.
Một cô bé nhỏ nhắn tóc buộc thấp sau gáy, đeo kính gọng kim loại đang đứng đó. Cô bé khoác áo denim màu trắng bên ngoài chiếc váy liền thân kẻ caro. Đừng nói tới phụ kiện trang sức, ngay cả dây buộc tóc của bé cũng chẳng dính chút trang trí gì. Cô bé mặc quần áo của mình mà trông cứ như đồng phục học đường.
- Chị gái em bảo đến đây.
Kosuga Yui lên tiếng. Giọng nói đanh lại, lộ vẻ cảnh giác. Đường nét bình thưừng, không sắc sảo, trông không giống chị gái lắm.
- Mời, mời em vào... Em đi lối này nhé.
Vẫn ngồi trong quầy, Shinokawa vụng về hướng dẫn. Chỉ gặp một học sinh nhỏ tuổi mà cô ấy căng thẳng như vậy đấy. Sợ người lạ đến thế là cùng.
Kosuga Yui bước hẳn vào tiệm, đưa tay đóng cửa cẩn thận. Tôi im lặng nép mình sang một bên, lưng tựa sát tủ kính. Vì tôi nghĩ đây là cuộc nói chuyện của riêng hai người.
- Em là Kosuga Yui ạ!
- Mời em vào... Cảm ơn em đã cất công tới.
Cuộc hội thoại chẳng ăn nhập gì với nhau. Shinokawa là người lớn mà lại quên béng phải giới thiệu tên mình rồi.
- Có việc gì vậy ạ?
Đi được nửa đường, cô bé đứng khựng lại giữa lối đi, khoanh tay, lom lom nhìn chúng tôi. Tuy khuôn mặt khác nhau nhưng khí thế thì giống hệt chị gái.
- Em muốn xong sớm để về.
- Ừ phải, thế...
- Em có nhờ vả gì đâu mà cái gì cũng tự tiện quyết định.
Giọng điệu hằn học của cô bé khiến chúng tôi cứng đờ người.
- Chẳng biết gì về sách mà cũng ra vẻ ta đây.
Nói về Kosuga Nao hả? Xem chừng cái hố ngăn cách giữa hai chị em nhà này sâu hơn tôi tưởng. À không, là cô em đơn phương ghét cô chị thôi chứ.
- Chị gái vì em mới làm như vậy mà.
- Em đâu có khiến. Cha mẹ xem mình mua sách gì thì có chết ai đâu mà ngày nào cũng cãi nhau với họ. Phiền phức kinh khủng!
Ngang bằng bảo chị mình toàn làm việc vô tích sự.
- Bài cảm nghĩ đó của em cơ mà, cứ mặc kệ em chẳng phải là xong rồi sao?
- Chị có bốn câu hỏi cho em.
Shinokawa đưa bốn ngón tay lên, nói bằng một giọng mạch lạc. Như thể đột nhiên bật công tắc, thái độ cô quay ngoắt 180 độ, đường hoàng hẳn ra.
- Em viết bài văn đó ở nhà phải không?
- Đúng ạ! - Dù ít nhiều cảm thấy bối rối trước biểu hiện thay đổi của đối phương, Kosuga Yui vẫn điềm tĩnh trả lời. - Em có thói quen làm bài tập ở nhà.
- Bình thường em có hay đến thư viện không?
- Dạ không... Sách mà bị người khác chạm vào em cứ thấy kinh kinh.
Vừa nói, cô bé vừa liếc mắt nhìn hàng kệ sách xung quanh. Lời cô nói chẳng khác nào khiêu khích nhân viên tiệm sách cũ chúng tôi. Bề ngoài trông người lớn chín chắn mà thực chất ngông nghênh ra phết.
- Tức là em không mấy khi cho ai mượn hay mượn ai sách vở đâu nhỉ?
- Dạ không. Mà bạn bè em cũng ít đọc sách lắm.
- Với gia đình cũng không à?
Trong một khoảnh khắc, cô bé khựng lại.
- Nếu ai trong nhà mượn sách thì được thôi, nhưng họa hoằn lắm mới có. Nhà em không ai thích sách hết. Nếu đọc thì chỉ toàn là tạp chí hay những thứ tương tự.
Bậy nào, chị cô bé dạo này hay mượn sách của ông Shida về đọc lắm. Nhưng hình như không được cô bé tính là yêu thích sách thì phải?
- Vậy sao? Chị hiểu rồi.
Shinokawa gật đầu.
- Đủ chưa ạ? Em xin phép đi về.
- Xin lỗi em. Chị còn một câu hỏi nữa.
Shinokawa nói, lần này cô đưa ngón trỏ lên.
- Em làm thế nào để viết bài văn cảm nhận đó?
Cả tiệm sách im lặng như tờ. Câu hỏi nghe qua vô thưởng vô phạt, nhưng đôi mắt của Kosuga Yui thoáng mở to vì bất ngờ.
- Em đọc sách. Cuốn sách của em ở đằng kia phải không? Em đã đọc nó đấy.
Cô bé trỏ lên quầy. Ở đó đang đặt cuốn Quả cam dây cót bản đầy đủ chúng tôi đã mượn.
- Cuốn tiểu thuyết này có hai kết thúc. Bản không đầy đủ, dừng ở chỗ Alex đã được giải phóng khỏi trạng thái tẩy não. Và bản đầy đủ bao gồm chương cuối cùng trong đó nhân vật quyết tâm làm lại cuộc đời bằng ý chí của mình. Em đọc bản đầy đủ nhưng tại sao lại viết bài cảm tưởng về bản không có chương cuối cùng?
Cuối cùng đã vào vấn đề cốt lõi. Nếu Kosuga Yui có điều giấu giếm, cô bé ắt sẽ dao động ngay tắp lự. Tuy nhiên mọi chuyện không diễn ra như vậy.
Cô bé bình tĩnh đến lạ lùng, một nụ cười gần như ngạo nghễ nở trên môi.
- Chương cuối không thú vị lắm nên em xem như không có thôi. Tự nhiên thành người lương thiện, vô lý đùng đùng. Vả chăng, kết thúc ở đoạn Alex nghe nhạc của Beethoven thì nên thơ quá còn gì! Em biết những cuốn xuất bản trước đây dừng ở đó mà.
Lời giải thích vô cùng hợp lý. Tuy nhiên, lòng tôi dấy lên cảm giác quái dị không sao xua đi được. Gần đây cô bé phát hiện ra sự tồn tại của chương cuối cùng nên mới bịa ra cái lý do dễ nghe này chăng.
- “Tôi như nhìn thấy rõ mồn một cảnh tượng mình đang thoăn thoắt chạy trên đôi noga kì dị, dùng britva rạch như điên dại lên khuôn mặt trái đất đang cất tiếng gào thét bi thương. Tiếp đó sẽ đến một chương nhạc uyển chuyển, và kết thúc bằng khúc hợp xướng diễm lệ. Tôi đã được chữa lành...”
Shinokawa đọc lại một mạch rồi mỉm cười với Kosuga Yui.
- Đúng là nên thơ. Lần đầu tiên đọc, chị đã nghĩ đoạn văn này khủng khiếp một cách xuất sắc.
- Dạ, vậy nên em chỉ muốn viết cảm tưởng đến đoạn đó.
- Nhưng em chưa đọc đến đoạn đó, có phải không?
- Hả?
Người thốt lên là tôi. Còn Kosuga Yui chỉ hơi nhăn mặt.
- Sao lại chưa? Em đọc hết cả cuốn rồi.
- Thật không?
- Thật. Chị dựa vào đâu mà bảo em chưa đọc?
Tôi nghĩ không có cách nào để chứng minh những nghi vấn dạng này. Tuy nhiên Shinokawa không nao núng, cô nhấc cuốn Quả cam dây cót đang đặt trên quầy lên, đưa cho Kosuga Yui.
- Em thử lật cuốn sách này từ đầu nhé. Lật lướt qua thôi cũng được. Nào, em làm đi!
Trước giọng điệu kiên quyết ấy, cô bé miễn cưỡng làm theo. Cô cầm mà như giật lấy cuốn sách rồi lật giấy phành phạch.
Bỗng cô dừng lại. Một dải slip màu hồng gập đang kẹp tầm mấy chục trang giấy lại với nhau. Kosuga Yui thản nhiên nhón mẩu bán nguyệt đang nhô ra, định bụng kéo lên.
- Em làm thế nào mà đọc được toàn bộ nội dung trong khi cứ để nguyên slip như vậy?
Ngón tay cô bé cứng đờ. Hóa ra là thế, tôi thầm nhủ. Nếu không rút slip ra, ắt không thể đọc được những trang bị kẹp. Nếu đã rút ra rồi, chắc chẳng ai rảnh rang đến mức kẹp lại nguyên trạng. Khi nói “Từ slip tôi còn biết thêm một điều nữa”, thì ra cô muốn ám chỉ việc chủ nhân cuốn sách có đọc hết nó hay không.
- Em chưa đọc đến cuối cuốn Quả cam dây cót, không hề biết điểm khác nhau giữa bản đầy đủ và bản không đầy đủ, chỉ vì bỏ dở nửa chừng. Vậy mà em vẫn sáng tác được bài cảm nhận thế kia... Chỉ có một cách giải thích duy nhất.
Shinokawa hít vào thật sâu rồi nói dứt khoát.
- Em đã chép bài viết của người khác.

7

Còn một lúc nữa mới đến giờ mở cửa.
Không gian lặng ngắt đi, chỉ có tiếng tích tắc đếm giờ của chiếc đồng hồ cũ.
Cuối cùng, Kosuga Yui từ từ hé đôi môi trắng bệch không còn giọt máu.
- Chị đừng nói lung tung như vậy! - Tuy có hơi run rẩy nhưng giọng cô bé vẫn cứng cỏi đến lạ thường. - Chị bảo em đạo văn sao?
Shinokawa nhíu mày bối rối, chừng như không ngờ mình sẽ bị đốp chát như vậy.
- Thế thì chị hỏi em thêm một câu nữa. Em biết đến Quả cam dây cót ở đâu?
- Hả?
Cô bé ngấn người.
- Đây đúng là một danh tác kinh điển, nhưng nói gì thì nói, nó vẫn là tiểu thuyết nước ngoài cách đây cả năm mươi năm. Em không hay trao đổi với gia đình cũng như bạn bè, thì từ đâu mà em biết đến cuốn sách này rồi viết bài cảm nhận về nó?
- Cái đó... do em thấy ở nhà sách...
- Chị chắc chắn những nhà sách quanh đây đều hết hàng rồi. Hơn nữa, trong bài có câu “Tôi đặt mua cuốn sách này trên mạng mà không biết nội dung là gì”.
Shinokawa ráo riết dồn đuổi.
- Thật ra là ngược lại mới đúng, có phải không? Đọc bài cảm nhận về tác phẩm xong, em mới có hứng thú với Quả cam dây cót. Ban đầu chắc em cũng đã định đọc cuốn sách và tự mình viết thu hoạch. Vì nếu không phải như vậy, em đâu cần bỏ công bỏ sức tìm kiếm và mua cho bằng được cuốn này làm gì. Nhưng mọi chuyện lại không như mong đợi, em hết cách, nên đành phải chép cảm tưởng của người khác.
- Em đã bảo chị đừng nói lung tung cơ mà! Chị không có bằng chứng thì đừng vu khống!
- Muốn bằng chứng à, sẽ có ngay thôi.
Mặc Kosuga Yui ầm ĩ, Shinokawa vẫn vững như bàn thạch.
- Em bảo mình viết bài cảm nhận ờ nhà. Em cũng không sử dụng thư viện. Nếu những lời này là thật, chắc chắn bài gốc để em chép là ở nhà em. Tất nhiên không phải là tác phẩm của người trong gia đình. Vì như thế thì mọi người đã phát hiện ra ngay. Vậy em chép của ai? Tuy khả năng không chỉ có một, nhưng... - Shinokawa phân tích bằng giọng từ tốn. - Trường tiểu học của em ngày trước năm nào cũng tổ chức thi viết cảm nhận, đúng không? Chị nghĩ các bài viết xuất sắc sẽ được tuyển chọn và in thành tập phát cho học sinh trong trường. Phải không?
Nét mặt Kosuga Yui bỗng chốc đông cứng. Trong đầu tôi hiện ra câu nói của Nao.
- Em thấy con bé viết hay hơn những đứa khác nhiều!
Lúc đó tôi ngờ ngợ rồi. Làm sao có cơ hội thấy bài của “những đứa khác” để mà so sánh với văn em gái mình được chứ? Trừ phi có sẵn một hợp tuyển các bài viết.
- Đương nhiên, nhà trường đã tổ chức những cuộc thi như vậy và phát các tuyển tập ấy từ trước khi em vào học rồi. Chị dám cá bài văn cảm nhận này viết vào thời điểm bàn đầy đủ của Quả cam dây cót chưa được bán ra. Có lẽ là khoảng thời gian chị gái hay anh trai của em còn học ở trường. Mà Nao không phát hiện ra thì khả năng cao là học sinh gần thời anh của em viết cũng nên. Muốn kiểm chứng thì sau đây đi tìm hiểu là ra ngay.
Không ai lên tiếng. Im lặng mất một lúc.
Cô bé siết chặt cuốn sách của Hayakawa Bunko, cuối cùng, cô bải hoải thõng tay xuống.
- Em cứ nghĩ sẽ không ai biết.
Đầu cúi gằm, cô lí nhí trong miệng.
- Em rất thích đọc các tuyển tập văn ngày trước, từ đó tìm ra cuốn sách muốn đọc. Năm nào cũng sẽ có người viết được bài cảm nhận cực kì lay động. Trong những bài em từng đọc, thì bài về Quả cam dây cót này khiến em ấn tượng nhất. Câu văn trau chuốt, nội dung lại già dặn. Em phục không để đâu cho hết.
Nghĩa là, quả có một học sinh tiểu học đã đọc cuốn tiểu thuyết và viết ra bài cảm nhận đó sao. Thời đại nào cũng vậy, trong mỗi trường học đều có những cô cậu bé yêu thích sách một cách dị thường. Thậm chí xung quanh ta cũng có những người như thế không chừng.
- Ban đầu em cũng muốn đọc thử. Nhưng mua rồi mới thấy, hành động của Alex tồi tệ hơn em tưởng nhiều, từ ngữ sách dùng thì trúc trắc nặng nề. Rốt cuộc, đọc được một phần ba thì em bỏ ngang.
Chị gái Nao của cô bé cũng nói y hệt. Ai mà ngờ gu sách của hai chị em nhà này lại gần nhau đến thế.
- Nhưng em đâu cần phải sao chép cảm tưởng của người khác như vậy? - Shinokawa nói. - Chị nghĩ mãi vẫn không hiểu. Nếu không đọc được Quả cam dây cót thì em vẫn có thể viết thu hoạch về một cuốn sách khác mà?
Má Yui ửng đỏ. Khuôn mặt cô bé giãn ra, hay đúng hơn, trông cô bé trở về đúng với tuổi của mình hơn.
- Chị em... bảo không đọc được cuốn đó.
- Hả? - Shinokawa hỏi ngược lại.
- Dạo gần đây chị ấy mới có người yêu.
Chúng tôi bất giác đưa mắt nhìn nhau như muốn hỏi có biết chuyện này không, rồi chẳng ai bảo ai, cả hai cùng lắc đầu quầy quậy.
Tháng trước, Kosuga Nao dự định thổ lộ với cậu bạn chung lớp mà cô thầm mến, nhưng bị từ chối phũ phàng. Đến mức cô bé mới nghĩ quẩn mà lấy trộm sách. Cậu bạn này về sau bị học sinh trong trường cô lập, tức giận đốt luôn bảng hiệu của tiệm sách Biblia, nghe đâu bây giờ vẫn bị đình chỉ học.
- Dịp nghỉ hè, có lần chị em làm bánh rồi đi ra ngoài. Chắc chị em tỏ tình thành công rồi. Anh đó thông minh lắm thì phải, mấy cuốn sách khó nhằn toàn là anh ấy cho mượn không thôi. Hình như anh ấy còn am hiểu sách vở hơn em nữa cơ.
Càng nghe, đầu óc tôi càng rối loạn. Cô bé này hiểu sai tất tần tật rồi. Người hay trao đổi sách với Kosuga Nao là một ông già vô gia cư kiêm sedori, hai người đáng tuổi bố con chứ tình yêu tình báo gì ở đây.
Tôi định bụng cải chính giúp nhưng cân nhắc xong lại thôi. Người trong cuộc còn chưa kể chuyện đó với gia đình, thì đâu đến lượt người ngoài như mình chõ mũi vào.
- Em muốn thể hiện rằng mình đọc được sách cao cấp hơn chị gái, phải không?
Shinokawa ôn tồn hỏi. Kosuga Yui bỗng cúi gằm mặt xuống đất.
- Xin chị giữ kín chuyện này với chị Nao. Trông ngổ ngáo vậy thôi chứ chị ấy khuôn phép lắm, chắc chắn sẽ kể hết với cha mẹ cho mà xem. Nếu mọi chuyện vỡ lở thì lại rùm beng lên mất.
- Nhưng...
- Em biết việc em làm là xấu. Nhưng đằng nào số người biết cũng chỉ khoanh vùng trong gia đình và thầy cô ở trường thôi mà. Tác giả của bài viết đâu có phát hiện ra. Ừm, nếu anh chị chấp nhận giấu kín giùm em.
- Kosuga Yui à!
Đột nhiên, Shinokawa gọi ra cả họ lẫn tên cô bé. Giọng cô ẩn chứa sức nặng khiến người khác phải im bặt.
- Em đã lấy bài văn của một cựu học sinh hô biến thành văn của mình. Dù chị ấy không phát hiện ra đi chăng nữa, sự thật vẫn rành rành là sự thật. Đã vậy, nhận xét về một cuốn sách chưa đọc chính là xúc phạm đến tác giả đấy. Không phải em rất thích đọc sách sao?
Cô ngồi trong quầy, hai tay đặt trên đùi. Tôi để ý thấy cô đang vuốt ve bìa một cuốn sách. Quả cam dây cót bản cũ, gắn obi màu vàng. Đây là cuốn sách cô cầm theo lúc giải thích mọi chuyện cho tôi.
- Burgess từng nói “Chúng ta có thể xóa đi những gì mình viết. Nhưng không thể coi như mình chưa từng viết nó”. Em cũng không thể xem như bản thân chưa bao giờ sao chép bài cảm nhận ấy. Ta phải gánh lấy sức nặng của những việc mình đã làm em ạ!
Kosuga Yui bặm môi thật chặt. Phải chăng cô bé đang lo sợ về viễn cảnh tối tăm trước mặt?
- Em hãy nói thật với chị của mình và xin chị ấy lời khuyên đi. Chị chỉ nói được đến đây thôi.
- Hả?
- Nao sẽ biết lựa chọn phương thức phù hợp với em nhất. Chị dám chắc Nao sẽ hiểu được cảm xúc của em bây giờ đấy.
Đúng thật, Kosuga Nao ắt sẽ hiểu rõ cảm giác của một người lỡ làm một việc không nên làm. Vì bản thân cô bé cũng từng rơi vào hoàn cảnh này. Và vì cô bé rất yêu quý em gái mình nữa.
Mãi một lúc sau, Kosuga Yui mới hơi ngẩng đầu lên.
- Em hiểu rồi. Em sẽ thử xem sao.

8

Vụ việc của Kosuga Yui chỉ dừng lại ở đó, ngoài ra không còn gì để nói.
Về sau thế nào, cô chị Nao không kể tường tận với chúng tôi.
Vài ngày sau, Nao xuất hiện ở tiệm và nói lời cảm ơn với Shinokawa, nhưng chỉ đến vậy thôi. Chắc thấy không cần thiết làm cho sự việc rắc rối hơn nên cô không kể với cha mẹ về hành động của em gái. Tôi đoán thế.
Vào một ngày nghỉ cách đây mấy hôm tôi trông thấy chị em nhà Kosuga ở hiệu sách trước ga Ofuna. Hai cô bé đang chụm đầu lại chỗ quầy sách bunko rôm rả chuyện trò. Xem chừng hai đứa đã thân nhau hơn một chút rồi.
Dù tôi nói rằng “chỉ đến vậy thôi”, nhưng thực tế với riêng tôi, câu chuyện vẫn còn một phần vô cùng quan trọng đi liền ngay sau đó. Đó là chuyện xảy ra sau hôm Kosuga Yui đến cửa tiệm.
Bấy giờ đã quá trưa, Shinokawa đang nghỉ ngơi và ăn trưa trong nhà chính. Một vị khách quen tiện đường ghé qua khi đang đi tản bộ cũng vừa ra về, trong tiệm chỉ còn mình tôi.
Bỗng mắt tôi dừng lại ở cuốn Quả cam dây cót nằm trên quầy. Đó là bản bunko cũ, không bao gồm chương cuối cùng.
Shinokawa đem cuốn sách xuống từ tầng hai nhà chính. Nói cách khác, cuốn này không phải sách thuộc cửa tiệm mà nằm trong bộ sưu tập cá nhân của cô. Tôi nhìn lại dải obi gắn vào cuốn sách, có in “Tuyển chọn. Mừng 50 năm thành lập Hayakawa Shobo”.
Rốt cuộc cô ấy mua cuốn này từ khi nào nhỉ?
Lật đến cuối sách xem trang xi nhê, tôi trông thấy “Tái bản lần thứ 25, ngày 15/1/1995”. Xem ra còn lâu năm hơn tôi nghĩ. Tầm mười lăm năm về trước ấy chứ. Cũng có khả năng Shinokawa mua sách cũ nên sở hữu cuốn này, nhưng nếu cô mua sách mới thì lúc đó chưa...
- A!
Bỗng dưng tôi thốt lên. Những câu hỏi lởn vởn trong đầu tôi từ hôm trước đến giờ đột nhiên xâu chuỗi với nhau.
Dù chị ấy không phát hiện ra đi nữa, sự thật vẫn rành rành là sự thật”.
Shinokawa đã nói như thế. Nghĩ kĩ thì, Kosuga Yui chưa bao giờ bảo người học sinh viết bài văn đó là con gái. Đâu thể loại bỏ khả năng là nam sinh viết được. Bên cạnh đó, ngôi nhà này và nhà Kosuga thuộc cùng một tuyến trường tiểu học. Chính Shinokawa từng nói “hồi tiểu học tôi học trường công lập” nên chắc chắn cô cũng học ở đấy. Sao cô lại không nhắc đến chuyện ấy nhỉ?
- Xin lỗi tôi ra muộn.
Một giọng nói vang lên ngoài tầm mắt. Tôi ngẩng đầu lên, Shinokawa đã quay lại từ nhà chính. tay cô đang khép cánh cửa lại sau lưng.
- Vì tôi phải tìm một thứ.
Thấy tôi đang giở cuốn Quả cam dây cót, cô hơi khựng lại.
Nhưng có lẽ, trước khi quay lại đây, cô đã hạ quyết tâm rồi. Khác với thường ngày, cô nhìn thẳng vào mắt tôi và bắt đầu câu chuyện.
- Ừm... Có một việc... tôi phải xin lỗi anh Gora.
Cô vừa nói vừa chìa cho tôi tập sách mỏng nãy giờ cầm trong tay. Thứ cô vừa tìm chắc là đây.
Nhan đề trang bìa là Đâm chồi. Có lẽ mang ý “đâm chồi nảy lộc”. Bên dưới ghi “Trường tiểu học Iwatani thành phố Kamakura. Bình Thành năm thứ 7”. Tức là năm 1995.
Tôi im lặng nhận lấy rồi mở tập sách ra xem. Đọc qua mục lục, tôi hiểu rằng đây là hợp tuyển các bài văn cảm nhận. Tập Đâm chồi này có lẽ được phát hành sau mỗi lần tổ chức thi viết.
Chỉ chốc lát tôi đã giở đến trang cần tìm. “Đọc Quả cam dây cót”.
Lia mắt xuống bên dưới thì thấy ngay dòng chữ “Shinokawa Shioriko lớp 4-2”.
- Tôi xin lỗi. - Mặt đỏ như gấc, cô cúi gằm. - Đây là... bài cảm nhận của tôi.
Chính thế.
Shinokawa không tháo gỡ bí ẩn lần này bằng suy luận. Ngay từ đầu, cô đã nhìn thấu hành vi của Kosuga Yui, cô chỉ giả vờ đi tìm đáp án cho bí ẩn lần này mà thôi.
- Sao cô không nói ra luôn?
Tôi chẳng tài nào hiểu nổi. Đâu nhất thiết phải giấu giếm như vậy. Cô chỉ cần cho Kosuga Yui xem bài văn này rồi bảo “Chị chính là người viết” là xong, cần gì phải giải thích dông dài với cô bé.
- Chuyện là... bài này... - Cô thì thầm bằng giọng yếu ớt. - Anh... Anh Gora đã...
- Tôi? Tôi đã làm sao cơ?
- Lúc ông Shida bảo “Mới học cấp hai chứ mấy, mai này lớn lên nó sẽ thành người thế nào, bảo sao phụ huynh không lo lắng”, anh đã gật gù “ông nói cũng có lý” còn gì.
- A!
Vào thời điểm viết bài văn này, Shinokawa còn chưa lên cấp hai mà mới chỉ là học sinh cấp một thôi. Cả tôi và Shida đều có mắt không tròng, nhân vật ấy giờ đã lớn tướng và ở ngay trước mặt chứ có xa xôi gì.
- Khi tôi nộp bài cảm nhận này, thầy cô cũng tá hỏa. Họ bảo còn bé mà đã viết lách kiểu ấy thì đáng ngại lắm. Tất nhiên, cũng có những giáo viên bênh vực nên bài văn mới được lọt vào tuyển tập chọn lọc, nhưng mà...
Giọng cô càng lúc càng nhỏ.
- Tôi không muốn cũng bị anh nhìn nhận như thế.
Nhắc mới để ý, đúng là ngay trước khi Shida xuất hiện, Shinokawa đã tính nói gì đó về bài cảm nhận này. Ắt hẳn bấy giờ cô đã định kể sự thật với tôi.
Đột nhiên, mắt tôi dừng lại ở một câu trong bài.
Tôi đã mua cuốn sách này ở nhà sách Shimano mà không biết nội dung là gì.
Đây là điểm duy nhất khác với bài cảm nhận của Kosuga Yui. Chắc hẳn bấy giờ cô đã cầm số tiền tiêu vặt gom góp được đạp xe dạo quanh các nhà sách. Hình ảnh cô bé con mới học lớp Bốn là Shinokawa ngày ấy, lần này đã hiện lên rõ nét trong tôi.
- Anh nghĩ sao nếu một đứa bé lại viết bài văn như vậy?
Tôi lật Đâm chồi và đảo mắt đọc lướt qua những bài cảm nhận khác. Có nhiều bài viết về các tác phẩm văn học cận đại của Mori Ogai hay Dazai Osamu, nhưng trong số đó, bài cảm tưởng về Quả cam dây cót lại mang một sắc thái hoàn toàn khác.
- Tôi cho rằng cũng hơi kì lạ, nhưng thật ra đâu có gì xấu. - Tôi trả lời. - Tự nhiên muốn gặp thử cô của ngày ấy quá.
Shinokawa mỉm cười e lệ.
Viết một bài như thế này từ ngày còn là học sinh tiểu học thì cũng có sao đâu. Suy cho cùng, cảm nhận cũng chỉ là cảm nhận mà thôi. Còn thực tế, việc nên hay không nên làm, nhìn chung con người đều có thể tự mình xét đoán. Ngay cả trong tiểu thuyết này, Alex cũng đã rũ bỏ lối sống xấu bằng ý chí của mình đấy thôi. Tôi gấp Đâm chồi lại và đưa trả cho cô. Đúng như lời tác giả Quả cam dây cót đã nói, thứ đã viết không thể xem như mình chưa từng viết. Nhưng đâu nhất thiết phải xem như chưa từng viết bài cảm tưởng này?
- Cô nghĩ gì sau khi đọc bản đầy đủ?
- Hả?
- Tôi muốn nghe cảm tưởng ấy mà.
Nhận định của cô hẳn là thay đổi rồi. Bởi dù sao chăng nữa, kết thúc câu chuyện cũng đã rẽ theo hướng khác, Shinokawa của bây giờ nghĩ thế nào về cuốn tiểu thuyết đó? Thật lòng tôi rất muốn biết.
Nụ cười trên môi Shinokawa tươi rói.
- Nhưng sẽ hơi lâu đấy.
- Vậy sau khi đóng cửa có được không?
- Ừm, tất nhiên là được chứ.
Chúng tôi lại ai vào việc nấy. Shinokawa trở về sau bức tường sách và lại huýt sáo lạc điệu như mọi khi.
Có một điều tôi dám chắc, đó là lúc này cô không đọc sách.
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét