Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 4 - Chuyện Thứ Ba

Tiệm sách cũ Biblia Q 4

Tác giả - Mikami En
Người dịch: Thúy An
Nhà xuất bản Văn Học - 2017

Tập 4 - Shioriko và dung nhan hai mặt

Chuyện Thứ Ba

Kẻ chu du cùng bức tranh vải

1

Tôi đành phải nhanh chóng rời khỏi nhà Kishiro Keiko. Shinokawa Chieko vừa xuất hiện, Shioriko liền cúi đầu chào người ủy thác đang ở ngoài vườn rồi lẳng lặng ra về.
Tôi để ý thấy Keiko ngồi trên xe lăn ngoài vườn hoa cũng bối rối ngước nhìn chúng tôi trong phòng khách.
Bà vừa nói chuyện gì với Shinokawa Chieko?
- Chúng ta cứ thế này mà về à?
Đã đưa chìa khóa tới nên công việc coi như xong, nhưng tôi vẫn thấy mình nên biết những gì đang xảy ra. Hơn nữa, đối với Shioriko, đây là cuộc tái hợp với mẹ sau mười năm xa cách.
- Đúng vậy. Hãy cho xe rời khỏi đây ngay đi!
Lời nói nhanh, không có ngữ điệu, hệt như câu thần chú.
- Cô không nói gì với mẹ như thế có ổn không?
- Tôi không có gì để nói cả!
- Nhưng mà, bây giờ cô cũng đâu còn giận đến mức đó? Biết đâu mai sau lại chẳng có cơ hội nào nói chuyện trực tiếp như lần này nữa.
Tôi không mong thấy mẹ con họ cãi vã, nhưng kể cả thế thì cũng còn tốt hơn là về luôn. Hơn nữa, chúng tôi có chuyện phải hỏi Shinokawa Chieko.
Thắt dây an toàn xong, Shinokawa ngồi bất động như tảng đá. Đương nhiên tôi cũng không cố ép cô phải gặp mẹ. Tôi đang định nổ máy vì nghĩ rằng, dù gì hôm nay tạm thời cũng phải rút lui thôi thì nghe thấy tiếng gõ cộc cộc vào cửa kính.
- Ôi trời!
Shinokawa Chieko mặc áo khoác đen đang nhìn vào trong xe. Do dự một lúc, tôi mở cửa kính bên ghế lái.
- Có chuyện gì thế ạ?
- Nếu về Kita-Kamakura thì cho tôi đi nhờ được không?
Bà hỏi với khuôn mặt tươi cười thản nhiên.
- Hả?
- Bây giờ tôi sẽ ghé qua nhà ở Kita-Kamakura để gặp Ayaka. Khi nãy tôi gọi điện đến tiệm thì con bé nói cứ tới đi đã.
Tôi nhớ là Ayaka từng phàn nàn rằng gì thì gì cũng phải cho con cái gặp mặt đã chứ. Nếu nhận điện thì hẳn cô bé sẽ nói “Mẹ tới đây đi”. Xem ra “có nhiều điều để cằn nhằn lắm”.
Thế thì không tiện từ chối rồi. Shioriko cũng không phản đối, nên tôi cho Shinokawa Chieko lên ngồi ghế sau.
Trời không lạnh, nhưng không khí trong xe thật lạnh lẽo. Chẳng ai buồn mở miệng.
Hôm nay là ngày thường mà ngã tư chỗ Tsurugaoka Hachimangu đông nghẹt. Hoa anh đào phố Wakamiya Oji cũng vừa đúng lúc nở rộ, những cánh hoa lả tả rơi rụng. Cũng có nhiều người dừng chân, giơ điện thoại và máy ảnh lên chụp.
- Đẹp nhỉ!
Người phá tan sự yên lặng là Shinokawa Chieko. Giọng nói quá giống với giọng cô con gái, làm tôi lẫn lộn. Nhìn qua kính chiếu hậu, tôi thấy đôi chân trong lớp vải quần màu xám của bà khép lại đàng hoàng, lưng ngồi thẳng băng ngay ngắn. Tư thế bây giờ cũng giống hệt cô con gái.
- Sao cô lại ở nhà bà Keiko thế ạ?
Shioriko vẫn yên lặng nên tôi đành phải lên tiếng hỏi.
- Đương nhiên là vì chuyện két sắt rồi.
- Két sắt ạ?
- Nghe nói là Kishiro muốn gặp, nên tôi trực tiếp tới thử. Hai đứa đã cố gắng mở két sắt nhỉ. Con nhận làm việc đó phải không, Shioriko?
Cô con gái không trả lời. Nếu nghe nói rồi mới tới, nghĩa là thời điểm chúng tôi nhận lời ủy thác, bà không liên quan đến vụ này. Mà cũng chẳng biết bà nói thật không nữa.
- Vậy là cô có quen biết với bà Keiko? Nghĩa là đã biết chuyện két sắt từ trước ạ?
- Đây là lần đầu tôi gặp trực tiếp Kishiro, dù từng nói chuyện qua điện thoại rồi. Này Daisuke, trước khi hỏi tôi có biết về chuyện két sắt hay không thì không phải cậu nên xác minh mối quan hệ của tôi và ông Kayama à? Như vậy sẽ dễ nắm được tình hình hơn đấy.
- A, đúng rồi!
Lý do tôi bất chợt reo lên như thế là bởi giọng nói đó giống hệt giọng tôi vẫn nghe hàng ngày. Khi nhận ra thì Shioriko ngồi ở ghế phụ đang nhìn tôi với vẻ khó chịu. Không, tôi cũng đâu có trò chuyện thân thiết với người ngồi đằng sau.
- Tôi định nếu rảnh sẽ nghiên cứu mật khẩu của két sắt đó. Chỉ cần nửa ngày là đoán ra.
Shioriko ngoảnh phắt lại chỗ ngồi đằng sau, ngạc nhiên thấy rõ. Shinokawa Chieko nheo mắt mỉm cười. Những nếp nhăn quanh đôi mắt trông có vẻ gì đó khá đẹp.
- Cuối cùng con đã nhìn mẹ. Không có gì lạ chứ? Vốn dĩ đây là lời ủy thác dành cho mẹ. Họ đã nói không quan trọng là ai, chỉ cần mở được két sắt, nhưng sẽ bán bộ sưu tập sách cho người nào tìm ra mật khẩu trước đấy.
Tôi thấy lạ trước lời nói của bà. Nếu chỉ có vậy thì ban nãy chị em nhà đó đã không lúng túng ấp úng đến thế. Chắc chắn còn chuyện khó xử hơn nữa. Mà với người phụ nữ này thì, chẳng chuyện gì là không thể xảy ra.
- Nói mới nhớ, mẹ đã bị bắt giải một câu đố thú vị. Đó là đoán trúng tên bản in đầu tiên được che lại. Shioriko cũng bị bắt làm thế phải không? Con đã trả lời đúng chứ?
- Vâng. - Cô trả lời hết sức miễn cưỡng.
- Đơn giản mà! Mẹ không cần tới một giây suy nghĩ.
Shioriko khẽ mở to mắt. Tôi nghĩ cô đã phải suy nghĩ tới mấy giây.
Tôi bất giác quan sát Shinokawa Chieko qua kính chiếu hậu. Hồi nãy thì bảo là chỉ cần nửa ngày để giải quyết, giờ thì không suy nghĩ tới một giây, lắm chuyện cứ như bốc phét vậy. Thực sự bà ấy có nhạy bén đến mức đó không?
- Đơn giản như thế sao ạ? - Tôi hỏi.
- Những bản in đầu tiên của Ranpo đều rất dễ phân biệt. Hôm trước hai đứa gặp quyển gì thế?
Bà ấy muốn nghe thử xem thế nào à? Tôi vừa lái xe, vừa dò lại trí nhớ.
- Sách khổ 13x18 cm, xuất bản trước chiến tranh? Chắc vậy...
- Nó không có hộp và bìa áo. Bản thân nó khá dày. - Shioriko nói với ra sau bằng giọng khó chịu như cư xử với người dưng.
- Ác quỷ trên hoang đảo. Năm Chiêu Hòa thứ năm (1930). - Shinokawa Chieko trả lời ngay khi nghe xong. Quả thật là chưa tới một giây. - Còn có tuyển tập phê bình Lời của quỷ phát hành năm Chiêu Hòa thứ 11 nữa. Nếu là điều kiện như thế thì có hai quyển phù hợp.
- Ừm. - Shioriko bất thần nín thở.
- Nhưng nhìn thực tế là sẽ phán đoán ra ngay nhờ khác biệt rất nhỏ về độ dày và hình dạng. Con gái ta thì đương nhiên là giải được rồi.
Nghe giọng nói phấn chấn của mẹ, cô con gái cắn chặt môi. Rõ ràng cô đã không nhận ra còn một lựa chọn khác. Tôi cứ nghĩ Shinokawa Shioriko đã có quá đủ kiến thức về sách cũ, ngờ đâu người mẹ vẫn ở một bậc cao hơn.

Xe van đã tới ga Kita-Kamakura và đi qua trước tiệm sách cũ Biblia. Tấm rèm chỗ cửa kính đang đóng lại, trên cửa có dán tờ giấy ghi cẩu thả “Tạm thời nghỉ”.
Là chữ của Ayaka.
- Ơ kìa... - Shinokawa Chieko cười to.
Ayaka nghỉ chưa chắc là để đón mẹ mà, bây giờ cười có sớm quá không? Tình cảm của cô em này đối với mẹ vốn cũng hết sức phức tạp.
Tôi đánh xe đến bãi trống trong chỗ để xe của nhà chính ở phía sau.
Shinokawa Ayaka mặc đồng phục vest màu xanh sẫm đang đứng nơi tiền sảnh. Xe vừa dừng, cô bé đã chạy ngay tới, vạt váy bay phấp phới.
- Mẹ! Mẹ tới rồi!
Ayaka mở cửa băng ghế sau, hét lên bằng khuôn mặt tươi cười. Màn nghênh đón nhiệt tình ngoài sức tưởng tượng. Shinokawa Chieko cũng cười đáp lại mà không hề cử động.
- Lâu quá không gặp, Ayaka. Con đã lớn rồi.
- Con lớn rồi đấy! Mẹ lên nhà đi, lên nhà đi! - Cô bé chỉ ngón trỏ về phía cửa ở tiểu sảnh.
Vì đã đánh mất cơ hội chuồn khỏi đây nên tôi theo cả nhà vào phòng khách. Bốn người vừa ngồi xuống quanh chiếc bàn thấp, Shinokawa Ayaka liền mau mắn pha trà.
- Sao em mặc đồng phục thế? - Tôi hỏi nhỏ.
Cô bé có nói là hôm nay chỉ học sáng thôi cơ mà.
- Dạ, vì em không biết mặc đồ nào khác. Với lại, đã là học sinh cấp ba rồi, nên em nghĩ đây là trang phục chỉnh tề nhất.
- Hợp lắm, Ayaka! Trà cũng ngon nữa.
Shioriko vẫn chưa lên tiếng, tưởng chừng cơn giận sẽ bùng phát bất cứ lức nào.
- Hôm nay mẹ ăn cơm tối ở đây nhé? Con sẽ nấu...
- Tối nay mẹ có cuộc hẹn công việc rồi. Không được. - Chieko thẳng thừng từ chối lời mời.
Tôi chợt nhìn xéo sang. Bà ấy đến đây để làm gì?
- Thế ạ, tiếc thật đấy! - Ayaka nói bằng giọng yếu ớt.
Shioriko đặt cạch tách trà xuống bàn. Có vẻ cách hành xử của người mẹ đến giờ đã vượt mức chịu đựng của cô. Nhưng như thể chặn lại, cô em giơ ba ngón tay lên.
- Con có ba điều muốn hỏi mẹ đấy!
Không có vẻ là bắt chước, nhưng thỉnh thoảng cử chỉ của cô bé lại khá giống chị gái.
- Chuyện gì nào? - Shinokawa Chieko hỏi.
Ayaka vụng về gập ngón áp út lại:
- Trong mười năm nay, mẹ đã làm gì, ở đâu?
- Mẹ làm công việc liên quan đến sách cũ, đã đi qua nhiều vùng đất trên rất nhiều quốc gia.
Đó chưa phải là câu trả lời đầy đủ, nhưng Ayaka vẫn ngoan ngoãn gật đầu:
- Mẹ có thường đọc mail của con gửi không?
- Mẹ đọc hết đấy... Nhưng vì một số nguyên nhân nên không thể viết mail trả lời.
- Hừm... Thế ạ?
“Nguyên nhân gì... mà đến cái thư cũng không viết nổi?”. Tôi cố nuốt ngược lại câu truy vấn đã ra khỏi miệng. Người hỏi thì điềm tĩnh mà người ngoài cuộc như tôi lại thiếu kiên nhẫn.
Ayaka gập ngón trỏ lại sau cùng, nắm chặt đôi tay. Không biết từ lúc nào trên môi cô bé đã tắt hẳn nụ cười.
- Tại sao mẹ không để sách lại cho con? Trong khi mẹ đã làm thế cho chị?
Không khí yên lặng đến nặng nề tràn ngập căn phòng. Có lẽ đây là câu cô bé muốn hỏi nhất. Ayaka muốn biết có phải mình chẳng là gì so với chị không.
Tôi cũng rướn người lên, chờ đợi câu trả lời của Shinokawa Chieko. Nếu bà vẫn nói năng kiểu khinh khỉnh như cũ thì dù là người ngoài cuộc đi nữa tôi cũng không thể yên lặng được.
- Mẹ có để lại mà! - Người mẹ trả lời một cách đáng ngờ.
Ayaka nghiêng đầu.
- Sao ạ?
- Mẹ để lại cho cả hai con, mỗi người một quyển khác nhau. Shioriko, con không biết sao?
Bị lôi vào câu chuyện, Shioriko quay qua.
- Chị có giữ. - Cô miễn cưỡng trả lời.
Trong giây lát, Ayaka há hốc mồm kinh ngạc.
- Hả? Khoan, khoan đã. Là nói dối phải không ạ?
- Chị không nói dối đâu. Aya ngày nào cũng khóc rất nhiều. Rồi em nói không cần sách thế này và đã ném ở hành lang đó.
- A, em hoàn toàn không nhớ chuyện ấy. Là thật ạ?
- Vì Aya vẫn còn nhỏ, mà đó lại là quyển sách rất tuyệt vời. Nội dung là...
Shioriko trở nên u buồn. Không biết là quyển sách như thế nào? Cô em chụp cánh tay chị, lắc qua lắc lại.
- Chị không vứt quyển sách đó chứ? Nó ở đâu vậy? Em muốn xem.
- Lúc dọn dẹp tầng hai chị đã thấy nó. Chị để trên bàn của chị...
Ayaka chưa nghe hết câu đã lao ngay lên gác. Chắc vội quá nên tôi nghe thấy tiếng đụng vào chỗ này chỗ nọ.
Như vậy, quyển sách để lại cho cô chị thì cô em giữ, còn quyển để lại cho cô em thì lại nằm trong tay cô chị, thật là một sự ngẫu nhiên đầy rối rắm.
Trong tích tắc Ayaka đã từ tầng hai quay lại, giơ ra trước mẹ và chị một cuốn sách bìa xanh vẽ hình phong cảnh làng quê châu Âu thì phải.
- Là quyển này? Là quyển sách tranh này phải không ạ?
Cả hai gật đầu cùng lúc. Là Sách tranh du lịch của Anno Mitsumasa.
Tôi hết sức ngạc nhiên. Một nhan đề mà đứa con gái có mẹ bỏ đi sẽ chẳng lấy gì làm vui mừng. Quyển sách tranh không có tội tình gì, nhưng chẳng hiểu suy nghĩ của người tặng như thế nào nữa.
- Oa! Cảm ơn mẹ!
Nhưng, bây giờ thì cô con gái ấy đang hết sức mừng vui. Khi quyển sách tranh được giở ra trên chiếc bàn thấp, tất cả mọi người bất giác chụm vào xem chăm chú. Phong cảnh làng quê nhìn từ trên cao cứ thay đổi từng chút một. Quyển sách toàn tranh là tranh, không có chữ nào cả.
- Là sách tranh nói về hành trình du ngoạn trên lưng ngựa của nhân vật chính. Trong mỗi trang, nhân vật chính đều được vẽ lại ở một chỗ nào đó. Xem đi, chỗ này. Việc tìm kiếm rất thú vị. - Shioriko vừa chỉ tay vừa giải thích.
Shinokawa Chieko cũng lên tiếng.
- Vì Ayaka không thích đọc mấy, nên mẹ nghĩ sách này là tốt nhất.
- Vâng, cái này hay lắm ạ. Ngày xưa chắc con chưa biết. Hơn nữa bấy giờ con cũng chẳng còn tâm trí nào. - Ayaka nói.
Shioriko vừa lật trang vừa tiếp tục giải thích thêm cho tôi.
- Cuộc sống của người dân ở những nơi nhân vật chính đi qua đều rất tuyệt. Nào là tổ chức hội thao, nào là đi chợ mua đồ.
- Đúng rồi. Nó được kết hợp bởi nhiều tranh vẽ nói tiếng khắp nơi đấy. Tranh của Courbet hoặc của Millet chẳng hạn. Đây là quyển sách tranh mẹ rất thích. - Shinokawa Chieko nói.
Trong lúc mở cuốn sách ra, bầu không khí giữa mấy mẹ con đã đổi khác. Tôi nghĩ đây đúng là một mối quan hệ kì lạ.
Bất ngờ, Ayaka vươn tay đóng sách tranh lại. Người mẹ ngẩng mặt lên.
- Mẹ có định trở về nhà không ạ?
- Không phải chỉ có ba câu hỏi thôi sao? - Shinokawa Chieko cười như đang trêu ghẹo cô bé, nhưng ngay lập tức nghiêm mặt lại. Xem ra hiểu rõ đây là một thắc mắc quan trọng. - Hiện tại, mẹ chưa định quay lại. Xin lỗi...
Nói xin lỗi mà nghe giọng bà chẳng có vẻ gì là áy náy.
Ayaka bỗng ưỡn ngực, ngồi cho ngay ngắn. Dáng người nhỏ nhắn bỗng chốc như trở nên cao lớn.
- Chuyện này, con nói thật lòng, mẹ không cần phải ép buộc mình trở về đâu ạ. - Cô bé dõng dạc nói. - Con muốn gặp mẹ lắm. Nhưng cũng không còn cần thiết nữa. Chị đang quản lý tiệm rất tốt, con đã làm được việc nhà. Không có mẹ, cả hai vẫn sống được đấy ạ.
Giọng điệu và vẻ mặt cô bé không có gì là trách cứ cả. Mọi người chẳng nói chẳng rằng, chỉ chăm chú lắng nghe.
- Con biết mẹ vẫn ở đâu đó ngoài kia vì có việc muốn làm. Nhưng nếu mẹ cứ bặt tin như từ trước tới giờ và không muốn gặp mặt, thì con cũng không cần gặp! Và không cho mẹ đặt chân vào nhà này nữa đâu.
Shinokawa Chieko lần đầu tiên bỏ kính râm ra, nhìn thẳng vào khuôn mặt của đứa con gái trong bộ đồng phục ở phía đối diện. Bà nhìn chằm chằm như để ghi nhớ hình ảnh của cô bé.
- Con thực sự đã lớn rồi, Ayaka!
Một lúc sau bà thốt lên với vẻ rất thấm thía.

2

Shinokawa Chieko yêu cầu được nói chuyện riêng với hai chúng tôi, nên tôi và Shioriko cùng di chuyển sang cửa tiệm mờ tối. Nắng chiều nhuộm sáng mặt ngoài rèm che.
- Kệ này có vẻ ế nhỉ? A, ra là vậy... - Người phụ nữ mặc áo khoác đen lẩm bẩm rồi nhìn quanh. Hệt như đang trò chuyện với sách cũ vậy.
- Mẹ định nói chuyện gì? - Shioriko hỏi bằng giọng đanh cứng.
Người mẹ nhặt một quyển từ đống sách cũ chất trên lối đi, bắt đầu lật các trang:
- Mẹ bận đến sáng mai, nhưng sau đó sẽ quay lại Kamakura. Để mẹ tìm mật khẩu cho. Hai đứa đã tìm ra chìa khóa, nên kho sách ở nhà Kishiro mỗi bên thu mua một nửa, con thấy sao?
- Con không đồng ý.
Shioriko trả lời tức khắc, ừ thì nhảy vào ngang chừng là quyền của bà ấy, nhưng chúng tôi cũng có quyền cự tuyệt mà.
- À, đã thế thì hãy nhanh chóng tìm ra mật khẩu đi. Với người không quen biết Kayama như con thì mẹ nghĩ việc đó sẽ khó khăn đấy.
Tôi biết Shioriko đang nghiến chặt răng. Tôi ngước nhìn đồng hồ trong tiệm. Chiều mai người phụ nữ này sẽ quay lại, tính ra chưa tới hai mươi bốn tiếng nữa.
- Cô thân với ông Kayama Akira đến mức nào ạ? - Tôi hỏi, do nhớ lại lời chỉ trích trên xe.
Shinokawa Chieko cười nhạt:
- Hỏi khá thẳng thắn đấy. Inoue đằng tiệm Hitori chưa nói à? Nhờ ông ta giúp sức mà hai đứa tìm được chìa khóa nhà Kayama đúng không?
- Dạ, thì...
- Ông ta cũng là người được việc. Mặc dù hơi vụng về.
- Bởi vậy mới bị mẹ uy hiếp. - Shioriko trách móc thêm.
Shinokawa Chieko cũng không phản ứng gì trước câu đó, tiếp tục nói với tôi:
- Trong cánh cửa thư phòng có kệ giấu đồ. Hai đứa không chỉ tìm thấy chìa khóa đúng không?
- Còn có series Đội thám tử nhí trước chiến tranh nữa. Cô biết ông Kayama giấu sách trong thư phòng à?
- Không, tôi chỉ đoán thôi. Vì Kayama nói rằng năm 11 tuổi là lần đầu tiên đọc Ranpo, và bắt đầu với mảng truyện dành cho thiếu nhi. Một kỉ niệm như thế dĩ nhiên là ông ấy phải để bên người.
- Cô thân với ông Kayama quá nhỉ?
- Đúng vậy. Có dạo chúng tôi như tri kỉ. Khoảng thời gian ngắn sau khi tôi rời khỏi Nhật, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn liên lạc. Tôi cũng học được rất nhiều từ ông ấy. Việc tiếp nhận thông tin từ những người khách yêu sách là rất quan trọng đối với tiệm sách cũ... Shioriko khá vụng về ở phương diện này nhỉ? Nhìn kệ sách là biết rồi.
Nghe như thể bà lợi dụng Kayama Akira làm nguồn thông tin hơn là bạn bè chân thành.
Shioriko nhướng mày khó chịu.
- Cậu cũng biết Kayama thời học sinh đã mong muốn trở thành tiểu thuyết gia chứ?
- Vâng. - Tôi gật đầu.
- Nghe nói ông ấy còn viết vài tiểu thuyết suy luận với đề tài mật khẩu, và tiểu thuyết viễn tưởng huyền bí rồi gửi đăng tạp chí. Ông ấy không chỉ thích Ranpo, mà còn thích cả Edgar Allan Poe, tác giả ảnh hưởng tới Ranpo nữa. Ông còn tự giễu rằng phong cách viết của mình bị chệch khỏi xu hướng đương thời.

[Edogawa Ranpo là bút danh đặt dựa theo cách phiên âm tiếng Nhật của “Edgar Allan Poe”]

Tôi cũng từng nghe bút danh Edogawa Ranpo là bắt chước Edgar Allan Poe. Nhưng không biết Poe là tác giả như thế nào.
- Poe là một nhà văn kiêm nhà thơ Mỹ ở thế kỉ 19. Ông cũng được biết đến như tiểu thuyết gia kì bí, và còn là người đã sáng tác những tác phẩm có thể nói là tổ tiên của dòng tác phẩm về mật khẩu và suy luận như “Vụ án mạng trên phố Morgue”, “Con sâu vàng”. Không chỉ Ranpo, mà nhiều nhà văn khác cũng chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Poe. Cậu Daisuke hễ có nghi vấn gì là thể hiện rõ hết trên mặt nhi?
Shinokawa Chieko giải thích cho tôi nghe một cách trôi chảy. Về điểm này, bà cũng giống hệt Shioriko.
- Việc ông Kayama muốn trở thành tác giả thì liên quan thế nào đến vụ này? - Shioriko thấp giọng hỏi. Bất kể tâm trạng đã hòa hoãn chưa, có vẻ cô cũng nhận ra là cần nói chuyện với Chieko. Để mở két sắt trong sáng ngày mai, ít nhiều gì cũng phải tìm thêm thông tin.
- Nó giải thích cho tính khí của Kayama đấy. Để tìm manh mối mở két sắt thì phải biết về ông ấy đúng không nào?
Chính xác.
Từ trước đến giờ chúng tôi vẫn lấy sách cũ làm manh mối để lần tìm nội tâm nhân vật tên Kayama Akira. Chúng tôi đã nắm được rất nhiều điều về người quá cố và gia đình ông, mặc dù trước đây không hề quen biết.
Ủa?
Nếu như Shinokawa Chieko cố tình chỉ ra “manh mối” này thì xem như là giúp Shioriko rồi. Cho dù bà đã nói chiều mai sẽ tự mình mở két. Hành động của bà có điểm không ăn khớp. Không biết ý đồ thực sự của con người này là gì?
- Kayama yêu thích văn học và có nguyện vọng ra mắt thế giới bằng tài năng văn chương của mình. Nhưng nguyện vọng không thành hiện thực, nên rốt cuộc ông đã niêm phong tất cả lại. Hình như ông ấy không cho ai xem các tác phẩm quá khứ của mình. Mẹ nghĩ hai tâm thế này đã biến đổi hình thái, bị phân rã thành thành thành công trong sự nghiệp và công cuộc sưu tập sách cũ. Cả hai đều là những giấc mơ ông thực hiện trong cuộc đời.
Shinokawa Chieko quay lại quầy, đặt quyển sách khi nãy đã lấy xuống. Đó là quyển Hiện thực và giấc mơ của chúng ta, của Edogawa Ranpo. Quyển này nhất định là có liên quan đến câu “Hiện thế là mộng ảo, mộng đêm mới là thực”. Trông quyển sách khá cũ.
- Quyển này giá bán cao quá. Mẹ nghĩ chỉ một nửa là được rồi.
- Mẹ không nghe nói. Mẹ nghĩ không ai biết ngoài Kishiro. Tuy mẹ có phán đoán rồi nhưng con nghĩ thế nào?
- Một người có bộ sưu tập như thế, nếu nói đến món đồ bí mật cất giấu thì chắc là một bản thảo nào đó chưa được phát hiện.
- Mẹ nghĩ là khá dễ đoán. Đã từng có người tìm ra bản thảo viết dở của “Đồng 2 xu” và “Ghế người” đấy thôi. Mẹ nói kết luận của mẹ nhé?
Chúng tôi gật đầu ngay mà không suy nghĩ gì.
- Nếu chỉ đơn thuần là bản thảo thì Kayama và Kishiro không có lý do gì để che giấu một cách kiên trì như thế. Kết hợp thông tin lại, thì cá nhân mẹ nghĩ chỉ có một câu trả lời duy nhất. - Shinokawa Chieko nói, và giơ ngón trỏ lên. - Là bản thảo đầu tiên của tác phẩm “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”.
- Không thể nào. Không có chuyện điên rồ như thế đâu.
Sau khi yên lặng thật lâu, Shioriko lên tiếng. Cuối câu giọng cô run run. Dường như đây là điều ngoài sức tưởng tượng của cô.
Trước đây chúng tôi cũng đã nói chuyện về “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”. Trong “hồ sơ” liên quan đến Kayama Akira có phần đánh giá của người quá cố về nó, Kishiro Keiko cũng nói đây là tiểu thuyết Kayama yêu thích. Ngôi nhà ở Yukinoshita có trang trí hình ảo ảnh cũng là vì thế.
- Là câu chuyện có xuất hiện ảo ảnh, phải không ạ?
Hai người phụ nữ có khuôn mặt giống nhau đột nhiên nhìn về phía tôi. Mắt cả hai đều sáng ỉên.
- Vào năm 1929...
Hai cái miệng đang cất lời đồng thời im bặt. Họ đều là những người rất thích nói chuyện tỉ mỉ về sách. Shioriko trừng mắt với mẹ, rồi tiếp.
- Là truyện ngắn giả tưởng ra mắt năm 1929, được độc giả đánh giá cao, bản thân Ranpo cũng rất yêu thích. Đây quả thật là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Nhân vật chính đi xem ảo ảnh ở Uozu, trên chuyến tàu trở về thì gặp một người đàn ông kì lạ đang cầm một bức tranh vải* lớn. Trên bức tranh vải có vẽ một cô gái đẹp và một ông già rất giống với người đàn ông cầm tranh. Theo lời kể của người cầm tranh, ông già này là anh của ông ta, vì quá yêu cô gái được vẽ trong tranh nên bản thân đã đi vào trong bức tranh ấy thông qua sức mạnh kì lạ của chiếc ống nhòm. Khác với cô gái chỉ là nhân vật hư cấu, người anh bằng xương bằng thịt của ông cứ già đi theo năm tháng. Ôm người anh đã biến thành nét vẽ, người đàn ông mất hút trong bóng tối. Truyện ngắn và thú vị lắm. Nếu muốn thì tôi sẽ cho anh mượn.

*[Tranh vải là loại tranh thủ công làm từ vải và bông để tạo cảm giác lập thể, bây giờ vẫn được sử dụng để trang trí, như ở vợt cầu lông. (Cầu lông ở đây là cầu lông Nhật Bản (hanetsuki), vợt bảng gỗ hình mái chèo, bọc vải, trang trí cầu kì. Quả cầu thì có lông vũ nhiều màu như cầu đá ở ta)]

- À vâng, cô cho tôi mượn nhé.
Có vẻ là một câu chuyện kì lạ và hơi đáng sợ.
- Bản thảo đầu tiên đó đi đâu rồi?
- Nó chẳng đi đâu cả. Bị vứt bỏ, bởi chính tay tác giả.
- Vứt bỏ bản thảo do mình viết ra sao?
- Ừ, dù là một tác giả được yêu thích, nhưng Ranpo thường đánh giá thấp các tác phẩm của mình. Khi chán chường, ông sẽ buông bút, đi lang thang đâu đó. Bản thảo đầu tiên của “Kẻ chu du cùng bức tranh vải” hình thành vào khoảng mùa thu năm 1927, trong chuyến đi đến Kansai...
À, đi chu du và viết luôn truyện về người lữ hành. Có thể chính chuyến đi đã gợi ý đề tài cho Ranpo.
- Ranpo cầm bản thảo này đến dự cuộc gặp mặt của hiệp hội tác giả ở Nagoya. Người đề nghị mang bản thảo đến là Yokomizo Seishi, trưởng ban tạp chí Thanh niên mới lúc bấy giờ...
- Ồ, người biên tập cũng tới à? Cái người tên là Yokomizo Seishi ấy.
Nghe kể ông có quan hệ thân thiết với Ranpo trong một thời gian dài, phải tới mấy chục năm.
- Đúng. Nhưng Ranpo không tự tin về tác phẩm của mình nên đã không đưa cho Yokomizo Seishi xem trong cuộc gặp ở Nagoya. Khi trở về khách sạn, ông xé tan và vứt bỏ nó ở nhà vệ sinh ngay trong đêm. Tác phẩm “Kẻ chu du cùng bức tranh vải” mà chúng ta đọc hiện tại là bản viết lại một năm rưỡi sau đó. Dù bảo lưu ý tưởng nhưng nội dung thì khác khá nhiều. Ranpo nói rằng bản thảo đầu tiên không ổn.
Tự bản thân đánh giá nhiều khi không chuẩn. Chưa biết chừng đó lại là một kiệt tác. Tôi hiểu lý do khiến Shioriko phấn khích. Nếu là người ái mộ Ranpo thì có lẽ đều sẽ muốn đọc thử.
- Việc xé và vứt trong nhà vệ sinh dù sao cũng chỉ là lời nói của ông ấy thôi. - Shinokawa Chieko xen vào.
Shioriko ngoảnh phắt lại nhìn bà như bị sốc.
- Không có lý do gì để Ranpo nói dối cả. Vì Yokomizo Seishi ở chung phòng đã làm chứng. Trong tùy bút ông còn viết rằng, xé xong bản thảo là Ranpo đã tự thú nhận và nói nếu có cái lỗ thì muốn chui vào ngay.
- Là trong Bản sám hối viết thuê thì phải. Nếu là tùy bút đó thì mẹ cũng đọc rồi. Yokomizo Seishi chỉ thấy Ranpo lục lọi cặp tài liệu rồi đi ra khỏi phòng, một lát sau quay vào. Không hẳn là trực tiếp nhìn thấy cảnh Ranpo vứt bản thảo đi. Để khỏi bị ai chất vấn về một bản thảo mình không muốn công khai, không muốn cho ai tìm ra, thì câu trả lời là đã xé bỏ trong nhà vệ sinh là một cái cớ rất hợp lý. Cứ cho là vứt bỏ thật đi, nếu không phải bỏ ở nhà vệ sinh thì vẫn có khả năng là một chỗ nào khác mà một người thứ ba có thể thu hồi lại được.
- Đó là tưởng tượng của mẹ chứ không phải là giả thuyết. Thứ nhất, làm sao Kayama Akira sở hữu được bản thảo đó? Nếu bản thảo xuất hiện trên thị trường sách cũ dù chỉ một lần, ắt sẽ trở thành đề tài bàn tán rầm rộ.
Khác với Shioriko đang bực bội phản bác, người mẹ vẫn nói chuyện rất vui vẻ:
- Giả sử nó chưa từng dạo qua thị trường sách cũ thì sao? Giả sử ngay từ đầu bản thảo đã có ở nhà Kayama thì sao?
- Càng lúc càng hoang đường. Làm gì có chuyện như thế...
- Con đã nghe kể về xuất thân của Kayama Sokichi chưa?
Shioriko bỗng nín thở. Shinokawa Chieko mỉm cười như muốn nói “Cuối cùng con đã nhận ra”.
- Sao nào, con đã nghe rồi phải không? Là Osu ở Nagoya đấy. Năm 1927, Ranpo cũng trú ngụ ở Osu, chính xác hơn là quán trọ Osu, nghe nói ban đầu là nhà chứa. Cùng lúc Kayama Sokichi đang làm việc tại chỗ đó.
Tôi cũng đã thầm kết nối được câu chuyện. Inoue từng kể cho chúng tôi nghe về lai lịch Kayama Sokichi và Kayama Akira. Nhắc mới nhớ, trong “hồ sơ” về Kayama Akira, người cha tên Sokichi đã đổi việc liên tục thời ở Nagoya. Trong đó cũng viết rằng ông từng làm “phục vụ quán trọ”.
- Nghĩa là, tình cờ người phục vụ say mê Ranpo đã nhặt được bản thảo?
- Ngược lại, có khi đó là xuất phát điểm của bộ sưu tập. Một ngày nọ, một bản thảo kì diệu rơi vào tay... Từ đó người này mới nảy sinh mối quan tâm đối với tác giả tên Ranpo và bắt đầu đọc mọi tiểu thuyết của nhà văn mình ưa chuộng. Chẳng bao lâu sau, bàn thảo được giao lại cho người con trai có cùng sở thích.
- Chỉ là phỏng đoán thôi.
Giọng phản đối đã nhỏ dần. Kẻ đứng ngoài lề lắng nghe như tôi cũng dần dần cảm thấy là có khả năng này. Shioriko từng tiếp cận bao nhiêu sự thật cất giấu trong sách cũ bằng cách phỏng đoán từ góc nhìn của một người thích sách. Nhưng để nói đúng sự thật ở tận đầu thế kỉ 20 thì tôi nghĩ cũng phải có giới hạn thôi. Dù sao cũng là chuyện của tám mươi năm trước rồi.
- Cô đã đề cập đến giả thuyết này với bà Kishiro Keiko rồi phải không ạ? Bên đó có ý kiến gì không? - Tới phiên tôi lên tiếng.
- Bà ấy không khẳng định cũng không phủ định. Chỉ trả lời rằng “Tôi nghĩ không phải là thứ như chị mong đợi”.
Chừng như nhớ lại khung cảnh lúc đó, Shinokawa Chieko cười lớn. Nghe câu trả lời úp mở, tôi lại hỏi:
- Tức là đâu phải bản thảo đầu tiên, đúng không ạ?
- Không hẳn. Vì bà ta không phủ nhận hoàn toàn. - Giọng Shinokawa Chieko rộn ràng như giọng trẻ con. Bà toát ra đầy năng lượng trong lúc nói chuyện về sách cũ. - Dù sao thì khi mở két sắt ra, chân tướng sẽ rõ ràng thôi. Mẹ thật lòng rất trông đợi. Nếu thực sự có bản thảo đầu tiên của “Kẻ chu du cùng bức tranh vải” thì con cũng muốn đọc bằng mọi giá, phải không?
Tôi không phản ứng gì, nhưng Shioriko gật đầu như bị thu hút. Ngay lập tức, như hối hận, cô lảng tránh ánh mắt mẹ.
- Mẹ sắp phải đi rồi. Từ giờ đến ngày mai, hãy cố gắng hết sức nhé!
Đút tay vào túi áo khoác đen, Shinokawa Chieko quay ra phía cửa. Chợt bà dừng lại, do dự đôi chút rồi ngoái nhìn qua vai.
- Tin hay không là tùy con, nhưng mẹ sẽ cho gợi ý.
Biểu cảm của Shioriko rất phức tạp. Cô không nói rằng mình không cần gợi ý. Có lẽ là cô không thể nói gì.
- Mấy năm trước, vào lần cuối điện thoại đường dài với Kayama Akira, mẹ đã hỏi về chiếc két. Ông ấy trả lời rằng “Đây là câu đố tôi để dành cho Keiko”.
- Câu đố? - Shioriko nhỏ giọng lẩm bẩm.
- Ông ấy định sau khi qua đời sẽ để lại cho Kishiro Keiko một điều bất ngờ nhằm khiến bà ta lấy làm thú vị với việc mở két. Tìm chìa khóa, giải mật khẩu, nhận lấy “báu vật” bên trong. Ông ấy nói là mất khá nhiều công sức để chuẩn bị câu đố. Và cũng đã sắp xếp để một thời gian sau gửi đáp án đến Kishiro Keiko nếu chẳng may bà ta không giải được.
- Đáp án đâu ạ? - Tôi bất chợt xen vào.
Nếu đáp án sẽ tới, thì Keiko không cần nhờ vả chúng tôi nữa.
- Chưa kịp chuẩn bị hoàn tất, ông ấy đã mất rồi. Vì không có đáp án nên mới xảy ra lộn xộn đấy.
Xét đến khía cạnh yêu thích trinh thám của Kayama Akira, thì việc chuẩn bị trò chơi như thế cũng không có gì khó hiểu. Nhưng sao ông chuẩn bị lâu quá. Chúng tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu gì của sự kì công sau ngần ấy thời gian. Thiết kế của sofa và cánh cửa thư phòng ở nhà Kayama đều đã tồn tại từ trước khi ông gặp Kishiro Keiko.
- Mẹ đã khai thác được đôi chút về mật khẩu két sắt. “Là một cái tên ngoài tôi ra không ai biết cả”, ông ấy nói thế đấy.
Tôi lặp đi lặp lại câu chuyện vừa nghe trong đầu, hầu như không hiểu gì cả. Chieko nói “đã khai thác”, tức là bà quan tâm đến thứ bên trong két sắt từ rất lâu rồi.
Nghe tiếng mở cửa kéo lạch cạch, tôi bất giác ngẩng mặt lên. Bóng người phụ nữ mặc áo khoác đen đi mất hút. Những tia sáng kéo dài tới tận sàn nhà thông qua khe hở giữa cửa kéo để mở và tấm rèm che.
Bà vừa gợi ý cho chúng tôi sao?
Tôi đóng cửa và kéorèm, tâm trạng hơi chùng xuống. Đúng như Shinokawa Chieko nói, tôi không chắc những điều này có đáng tin hay không. Biết đâu bà đang chủ tâm làm chúng tôi rối tinh lên.
- Anh Daisuke!
Từ sâu trong tiệm, một giọng nói bế tắc vang lên. Tôi ngoái lại nhìn chủ tiệm đang vội vàng đi từ quầy vào nhà chính.
- Có chuyện gì vậy?
- Bây giờ anh lập tức đánh xe ra nhé. Mình đến nhà Kayama thêm lần nữa.

3

Trên ghế phụ của chiếc xe van vừa chạy ra, việc đầu tiên Shỉoriko làm là gọi điện thoại đến nhà Kayama. Cô xin phép xem thư phòng dù chỉ một chút thôi cũng được, vì có chuyện rất quan trọng phải tìm hiểu lại. Cô còn nhấn mạnh tới mấy lần rằng nếu có ai khác ngoài chúng tôi xuất hiện thì không cho vào thư phòng mà bắt phải đợi cho đến khi chúng tôi tới.
- Tại sao?
Đợi cuộc gọi kết thúc, tôi hỏi.
- Có thể mẹ tôi đang tới ngôi nhà đó.
- Hả, tại sao?
- Lúc nãy bà đã hỏi chúng ta rằng, thứ tìm thấy từ kệ giấu đồ không chỉ có chìa khóa phải không. Chúng ta đã bị mắc lừa suốt. Anh Daisuke nói rằng có series Đội thám tử nhí trước chiến tranh, thế mà bà chẳng hề tỏ ra thích thú. Vì bà chỉ muốn xác nhận xem chúng ta có tìm được manh mối nào nữa không thôi.
- À.
Shioriko nín lặng, nên tôi cũng bất giác nín lặng theo.
- Tôi đã không điều tra đến tận các ngóc ngách bên trong cánh cửa. Tôi đã vội yên tâm khi tìm ra chìa khóa. Sơ xuất quá.
- Chắc gì mẹ cô đã đến nhà Kayama? Cô cả nghĩ quá thôi. Mà đằng nào bà cũng không thể vào thư phòng ngay được. Vì cô đã gọi điện cho họ rồi.
- Được vậy thì tốt.
Xem ra Shioriko vẫn chưa hết bất an.
Tới Oga mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Chúng tôi đi cầu vượt nên tránh được chỗ chân tàu đang hạ xuống gần ga Ofuna, nhưng vì có tai nạn giao thông nên đường còn đông đúc hơn, tuy vậy cũng không đến nỗi lâu lắc. Cứ cho là Shinokawa Chieko đã đi thẳng tới nhà Kayama sau khi rời Biblia, chúng tôi vẫn còn đủ thời gian.

- Người cô nhờ đã xem xong thư phòng, và vừa về hồi nãy rồi. - Người giúp việc nói ngay, khi ra mở cửa. Shioriko chết lặng.
Shinokawa Chieko đã xuất hiện ở nơi này, đúng như nỗi bất an của cô.
- Sao bác lại cho vào thư phòng? Chẳng phải chúng tôi đã nói là muốn họ chờ hay sao! - Tôi lỡ lớn tiếng.
Người giúp việc lúng túng nhìn Shioriko.
- Vì sau cuộc điện thoại đầu tiên, cô có gọi thêm một cuộc nữa và dặn, “Tôi đã quyết định sẽ nhờ mẹ tôi, nên nếu bà tới thì để bà vào luôn thư phòng tìm hiểu giúp tôi!”.
Thật vớ vẩn! Chúng tôi có gọi cuộc nào nữa đâu.
- Là mẹ tôi. Bà ấy đã gọi. - Shioriko thì thầm như đang hối hận.
Cuối cùng tôi cũng hiểu. Thì ra Shinokawa Chieko đã canh thời điểm, giả làm con gái mình và gọi tới. Giọng của họ rất giống nhau. Nếu không tiếp xúc nhiều thì trong mười người sẽ có cả mười người bị lừa.
Việc chúng tôi phóng gấp đến đây, cả việc liên lạc với nhà Kayama bà đều đọc ra được.
Rốt cuộc, lời “gợi ý” lúc nãy có lẽ là sự sắp đặt của Chieko để làm chúng tôi chủ quan. Nếu bà phá hủy manh mối lấy được ở nhà Kayama, chúng tôi sẽ không bao giờ dò được mật khẩu nữa.
Khi lên thư phòng tôi hết sức ngạc nhiên. Bởi vì tình trạng nơi này khác hẳn với lúc chúng tôi rời đi. Lúc ấy, chúng tôi đã giải thích với người giúp việc những thứ có trong phòng và đóng chỗ giấu đồ lại. Nhưng bây giờ thì tất cả những tấm panel phía trong cánh cửa đều bị tháo rời, các ngăn của chiếc kệ nông cũng được bày ra. Ngăn nào ngăn nấy đều trống trơn, cả series Đội thám tử nhí của Kodansha cũng không còn.
Nhìn một lượt xung quanh, tôi thấy bốn quyển sách cũ kĩ nằm tênh hênh trên sofa. Tạm thời tôi yên tâm vì sách không bị mang đi.
- Lúc quá trưa, sau khi chúng tôi về, ai trong gia đình đã trở lại vậy? - Shioriko hỏi.
- Cậu chủ có về nhưng ba mươi phút trước lại đi ra ngoài...
- Trước khi mẹ tôi tới phải không?
- Vâng.
- Cảm ơn. Giờ để hai chúng tôi ở đây là được rồi ạ.
- Vậy khi xong việc hãy báo cho tôi biết. - Người giúp việc đóng cửa lại và đi ra.
Shioriko ghé sát mặt vào tôi thì thầm:
- Tình trạng này không phải do mẹ tôi gây ra đâu.
- Ý cô là sao?
- Vì mẹ tôi không đối xử với sách cũ như thế.
Nói rồi, cô trỏ vào chỗ sách bị ném ở sofa. Đây không phải ỉà tác phong của người biết giá trị sách.
- Vậy thì ai đã...?
Cửa phòng lại mở ra. Một thanh niên mặc áo khoác đen, quần da mỏng đi vào phòng. Người này chắc trạc tuổi tôi. Khuôn mặt dài và môi dày giống Kayama Yoshihiko, nhưng dù thế thì cũng có thể gọi là một người đẹp trai. Mái tóc cậu ta vuốt keo thành những lọn xoăn bồng bềnh một cách tự nhiên.
Trông thấy chúng tôi, thanh niên tỏ ra ngạc nhiên trong giây lát nhưng ngay lập tức nở nụ cười:
- Xin chào, à, em có phải là người của hiệu sách cũ mọi người vẫn hay đồn đại không? Nghe nói lúc trưa em có đến và về rồi.
Cậu ta bắt chuyện với Shioriko hết sức thân thiện.
- Vâ... vâng... Tôi là Shinokawa ở tiệm sách cũ Biblia. Tôi có chút việc... nên lại đến làm phiền. Anh đây là nhân viên của tiệm, Gora...
- Không sao, không sao. Không có gì đâu. Tôi là Kayama Wataru. Rất hân hạnh được quen biết.
Hiếm hoi lắm mới có lúc Shioriko không vấp khi giới thiệu tôi, nhưng người thanh niên lại không nghe hết mà xưng tên luôn.
Nhắc mới nhớ, trong gia phả nhà Kayama, ở dưới cùng có tên “Kayama Wataru”. Là con trai duy nhất của Kayama Yoshihiko.
Khác với cha mẹ quá nghiêm túc, cậu con trai lại có tính cách khá thoáng. Cậu ta nhìn từ đầu xuống chân Shioriko với ánh mắt cuồng nhiệt kì lạ. Đặc biệt tập trung ở áo len trên vùng ngực căng đầy. Ý đồ quá rõ ràng khiến tôi thấy không thoải mái.
- À, chuyện cánh cửa này... tôi có thể hỏi thăm một chút không? - Shioriko hoàn toàn không nhận ra ánh mắt của người đối diện, ngập ngừng hỏi.
- Được chứ, em cứ hỏi bất cứ chuyện gì. - Wataru nói rồi tiến tới một bước.
Shioriko lúng túng lùi ra sau.
- Người mở kệ giấu đồ trên cá... cánh cửa là ai thế ạ?
- A, cái này hả? Là tôi. Lúc sáng ở chỗ bạn cùng trường đại học về, tôi được nghe bác giúp việc Negi nói chuyện. Bác ấy kể là có sách cũ trong thư phòng. Tôi chỉ muốn tìm hiểu xem có đồ quý hiếm nào khác không thôi. Em, là người đó phải không? Là người của tiệm sách cũ bên cạnh nhà ga ở Kita-Kamakura phải không?
Cậu ta lại tiến một bước, Shioriko cũng lùi một bước. Khi chống nạng xuống sàn, thân trên của cô chao đảo. Tôi nổi giận.
- Vâ... vâng, đúng như vậy nhưng mà... - Shioriko rụt cổ lại, trả lời lí nhí. Có vẻ đang khá lúng túng.
- Tôi đang theo học trường tư ở Kita-Kamakura. Ngày nào cũng xuống nhà ga tuyến Yokosuka, thỉnh thoảng có nhìn thấy em. Tôi nghĩ em là mỹ nhân giấu mặt đấy!
Giấu mặt à, rảnh thật.
Khi thanh niên định tiến lên một bước nữa, tôi liền chen nửa thân trên vào chặn lại. Kayama Wataru khó chịu nhướng mày nhìn lên. Lần đầu tiên cậu ta nhìn mặt tôi.
- Cậu có gặp ai ở chỗ này trước khi chúng tôi đến đây không?
Tôi hỏi, tự nhủ mình phải bình tĩnh, bình tĩnh.
- Không. Vì tôi đi ra ga Fujisawa một chút. Là ai thế?
Nghĩa là đã lệch giờ với Shinokawa Chieko.
- Ng... ngoài sách thì... trên kệ còn gì khác không? - Shioriko nói, cố gắng nép vào bóng tối.
Kayama Wataru di chuyển đến chỗ có thể nhìn thấy khuôn mặt cô. Giống như cả hai đang di chuyển quanh tâm điểm là tôi vậy.
- Nếu bảo có thì cũng có.
- Cho tôi xem được không? - Đột nhiên, giọng Shioriko trở nên nhiệt tình.
- Nhưng mà không phải là thứ giá trị gì đâu. Tôi vốn định kiểm tra xem nếu bán thì được bao nhiêu nên đã mang ra tiệm đồ cổ, nhưng vì là đồ giả nên không thể định giá. Tôi bèn đem trở lại phòng này rồi.
Thứ gì chưa biết nhưng chắc không phải sách cũ. Người thanh niên không cầm gì trên tay cả. Và chắc chắn Shinokawa Chieko không nhìn thấy nó. Vì bà xuất hiện khi cậu ta đã mang đi, và rời khỏi trước khi cậu ta trở về.
- Nhưng biết đâu nó là vật quan trọng. Làm ơn cho tôi xem. - Shioriko cúi đầu xuống.
Trên môi gã thanh niên nở nụ cười đáng ghét.
- Vậy thì, tôi cho xem, đối lại đi đâu đó cùng với tôi không? Hẹn hò, hẹn hò đi.
- Hả? - Người cao giọng lên là tôi. - Cậu đang nói gì vậy? Không phải chuyện đùa đâu.
- Tôi không hỏi anh... Hay anh là bạn trai của cô ấy?
- Không... không phải như vậy... - Tôi lắp bắp.
Ngay cả một cuộc hẹn đàng hoàng tôi cũng mới thu xếp được gần đây thôi. Nghĩ đến việc mình mất hơn nửa năm để nói được điều mà gã thanh niên này thốt ra trong vòng ba phút sau khi gặp mặt, tôi bỗng thấy mình thật thảm hại.
- Sao? Em không muốn xem à, cái này này? - Wataru gõ nhẹ vào túi quần da.
Shioriko khốn khổ cúi gằm mặt đứng yên một chỗ. Không thể để bị ép buộc hẹn hò nhưng cũng không thể bắt cậu ta cho xem được. Làm cách nào để thoát khỏi tình huống nan giải này đây.
- Công việc ở tiệm sách vất vả lắm đúng không? Lâu lâu cũng nên xả hơi chứ. Ngày ngày cầm mấy quyển sách cũ rích, em không chán sao!
- Nếu anh hẹn hò với tôi... - Cô nói. Không còn chút sợ hãi nào cả. - Thì sẽ toàn bị bắt nghe nói chuyện về sách cũ đấy. Ví dụ như...
Cô chỉ tay về phía chiếc sofa, nơi series Đội thám tử nhí của Kodansha đang nằm lăn lóc. Phía dưới nệm ngồi chứa cả bản in đầu tiên của Kobunsha và Poplar.
- Không chỉ đọc hết 26 quyển của bộ sách có ở đây, mà tôi còn nói liên tục về hoàn cảnh, thời gian quyển sách được sáng tác, được phát hành, đặc trưng của tranh minh họa, của cách đóng sách, rồi giá sách cũ hiện tại. Nếu nói liên tục thì sẽ mất khoảng mười tiếng, còn xen ngang để ăn và nghỉ giải lao thì càng lâu hơn... Thế anh còn muốn hẹn hò với tôi nữa không?
- Hả...
Tôi biết, bên trong Kayama Wataru có cái gì đó đang dâng lên như cơn sóng. Ánh mắt cậu ta ngán ngẩm như nhìn phải một đối tượng đáng thất vọng chứ không còn là “mỹ nhân giấu mặt” mà mình muốn hẹn hò nữa.
- Gì đây, otaku à?
Cậu ta tặc lưỡi, rồi như thể nhân tiện liếc tôi một cái như muốn nói “gu của anh chẳng giống ai”.
Không, tôi thích nghe kể về sách lắm, nhưng nếu phải nghe liên tục tới mười tiếng thì cũng rất khổ sở.
- Này, chuyện hẹn hò thì thôi nhé. Cái này, các người muốn làm gì tùy thích. Mang về cũng được.
Nhét vào tay tôi món đồ lấy trong túi ra, Kayama Wataru vội vàng rời khỏi phòng.
Cái vật âm ấm đó là một đồng xu to lạ lẫm. Nó nhẹ hơn vẻ bề ngoài. Mệnh giá 2 xu nằm ở chính giữa, lật mặt sau lên sẽ thấy xung quanh là hình con rồng có chữ “Năm Đại Chính thứ 12” (1923). Niên đại xưa như vậy nhưng đồng xu vẫn còn mới, đúng như Kayama Wataru đã nói, nó là đồ giả.
Shioriko ngó nhìn tay tôi:
- Là đồng 2 xu nhỉ.
- Đúng rồi, 2 xu... ủa, đồng 2 xu?
Tôi nghe từ đó đâu như vài lần rồi. Là tên truyện ngắn của Ranpo.
- “Đồng 2 xu” là một kiệt tác, được cho là tác phẩm trinh thám suy luận cổ điển đầu tiên của Nhật Bản. Có lẽ Kayama Akira đã dựa vào đó để làm mô hình này.
- Chuyện thế nào vậy?
- Nhân vật chính là một thanh niên nghèo sống cùng một người bạn. Vì một sự tình cờ, anh ta có một đồng 2 xu, trong đồng xu có khe hở chứa miếng giấy viết mật khẩu. Người bạn trong lúc giải câu đố đã tìm ra chỗ giấu lượng tiền lớn bị đánh cắp, và chẳng bao lâu thì cầm rất nhiều ngân phiếu trở về. Đây là một kiệt tác về mật khẩu có tính sáng tạo độc đáo, lối kể khéo léo và kết cục bất ngờ, bây giờ đọc lại cảm giác vẫn không phai nhạt.
Tôi vừa nghe cô kể vừa kiểm tra mô hình đồng 2 xu. Nhìn kĩ thì thấy ngoài viền có những vết cắt kì lạ. Chắc là cố ý làm vậy với mục đích gì đó. Nếu lách đầu móng tay vào, gẩy một mặt lên thì thấy rỗng ruột, đồng xu tách thành hai phần.
- Giống y như đồng xu trong truyện vậy...
Tôi cảm thấy như có điện chạy dọc sống lưng. Các nhân vật trong “Đồng 2 xu” chắc cũng có cảm giác thế này.
- Đây là đồ thửa riêng. Bên trong có tờ giấy này.
Shioriko lấy tờ giấy mỏng gấp gọn ra và mở nhẹ nhàng trên chiếc bàn thấp để tờ giấy khỏi bị rách. Một loạt chữ Hán được viết theo theo chiều dọc.
“Nam Mô Đà, Mô Di, Mô A Di, Nam Mô Đà, Nam A Đà, Nam A Phật, A Đà, Mô Di Đà, Mô Di, Nam Mô Di, Nam”.
- Chuẩn bị công phu tới mức này, thật là đáng nể! - Shioriko lẩm bẩm, giọng khàn đặc.
Cô không kìm nén được sự phấn khích.
- Cái này là gì vậy?
- Sẽ đụng chạm đến phần kĩ xảo trong tác phẩm, tôi nói ra có được không?
- Hả? À, được.
- Câu mật khẩu xuất hiện trong “Đồng 2 xu” được tạo nên bởi sự kết hợp sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Sáu chữ này được xếp thành hai hàng từ trái qua phải, mỗi hàng ba chữ, khớp với kí tự chữ nổi... Mỗi chữ Hán của mật khẩu ứng với vị trí của một chấm, từ đó sẽ tạo thành chữ nổi có nghĩa.

Nam  Di

Mô  Đà

A    Phật

. .
. .
. .

Trong đầu tôi bỗng hiện ra kí tự chữ nổi. Nói mới nhớ, chữ nổi được thể hiện bằng sáu điểm hai ngang ba dọc.
- Trong nguyên tác, mỗi cụm ngăn cách bởi dấu phẩy tương ứng với một chữ nổi, khi hoán đối đi sẽ tìm được chỗ cất giấu tiền... Câu văn này sử dụng cách thức đó nhưng nội dung thì khác. Có lẽ là do ông Kayama Akira viết ra.
Tôi không cho rằng người ta chế tạo một vật tinh xảo đến mức này mà chẳng để làm gì. Trong nguyên tác, câu mật khẩu trong đồng xu chính là manh mối của “kho báu”. Nếu nói vậy...
- Đây là câu đố à? Dành cho bà Keiko?
- Tôi nghĩ... rất có khả năng nó là mật khẩu của két sắt.
Ngồi bên bàn, chăm chú nhìn mật khẩu, rồi ngẩng lên nhìn nhau cười.
Chưa ai khác ngoài hai chúng tôi biết được bí mật của đồng xu.
Nếu giải đáp được mật khẩu này theo quy tắc chữ nổi, chắc chắn sẽ mở được két sắt.

4

Tôi và Shioriko mượn mô hình đồng 2 xu từ nhà Kayama, vội vã quay trở lại Kita-Kamakura.
Shinokawa Ayaka gọi điện tới, kêu gào “Bận quá”. Cô bé đang trông cửa tiệm giúp chúng tôi. Vì lời “ủy thác” của Kishiro Keiko mà công việc ở Biblia đang trở nên trì trệ. Trong lúc Shioriko bận định giá số lượng lớn sách sắp bán ra, tôi thay sách trên kệ bằng những quyển mới thu mua được và tối mắt tối mũi với việc chuyển hàng đặt qua mạng, loáng một cái đã tới giờ đóng cửa.
Shioriko nói tối nay sẽ tập trung giải đáp mật khẩu, khi giải xong sẽ liên lạc, tôi cũng lê tấm thân mệt rã rời về nhà.

Ăn cơm với mẹ xong, tôi ngồi bệt ở cửa sổ phòng khách, giở đọc một quyển bunko dày. Là Toàn tập tiểu thuyết trinh thám Nhật Bản 2 - Edogawa Ranpo của Sogen Suiri Bunko. Shioriko cho tôi mượn vì trong đó có truyện “Đồng 2 xu”, “Kẻ chu du cùng bức tranh vải” và “Ghế người”.
Không đến nỗi quá dài, nên tôi có thể đọc một mạch hết cả ba truyện. Đúng là thú vị thật. Nội dung từng truyện khác nhau nhưng cảm giác đem lại sau khi đọc lại khá giống nhau.
Lúc trước tôi đã nghĩ thoáng qua, các truyện đều có yếu tố biến giấc mơ xa vời thành hiện thực. Phần mở đầu truyện trinh thám “Đồng 2 xu” cũng đem lại cảm giác như thế. Đến mức mà hai con người trao đổi với nhau những câu kiểu như “Thật ganh tị với tên trộm” thì phải hiểu lúc đó họ đã khốn cùng thế nào. Trong một căn phòng đơn rộng sáu chiếu trên tầng hai một tiệm guốc nghèo nàn ở vùng ngoại ô bẩn thỉu, nhân vật “tôi” và Matsumura Takeshi xếp hai chiếc bàn sơn bồi đã hỏng trong một căn phòng rồi ngồi hình dung ra những câu chuyện không tưởng như thế. Giữa lúc túng quẫn, không biết làm gì, họ cảm thấy đố kị với cách thức khéo léo của tên trộm kì cựu làm náo động thế giới thời bấy giờ.
Chẳng bao lâu, chính họ sẽ gây ra náo động với số tiền lớn mà tên trộm cất giấu bằng cách lần theo những điều “không tưởng”. Nhân vật trong truyện quả thật thuộc dạng “đầy ảo tưởng”.
Tôi vẫn mở nguyên sách nhưng chìm trong suy nghĩ miên man.
Phải chăng không chỉ nhân vật trong truyện, mà ngay cả những người thích đọc sách của Edogawa Ranpo cũng mang trong mình khía cạnh như thế?
Kayama Akira giấu nhẹm sự tồn tại của nhân tình và sở thích của bản thân, Kishiro Keiko sống im hơi lặng tiếng trong ngôi nhà ở Kamakura, Shinokawa Chieko ruồng bỏ gia đình suốt mười năm không quay đầu lại. Còn những người giống như Shioriko nữa, chẳng biết họ nhìn nhận thế giới hiện thực như thế nào? Phải chăng họ cho rằng vạn vật đều là tạm bợ, và sẵn sàng đem đánh đổi với giấc mơ?
Một nỗi bất an bỗng nhen nhóm trong lồng ngực tôi. Tự dưng thấy gai người, tôi ngẩng mặt lên, mẹ đáng lẽ đang xem ti vi lại ngoái nhìn về phía này.
- Chuyện gì vậy ạ?
- Mày cầm sách và suy tư như thế trông giống hệt bà...
Nói mới nhớ, đúng là tôi thường hay bắt gặp bà đọc sách và trầm ngâm. Bà luôn thích được đọc sách vào cuối ngày.
- Rùng mình quá đi, mẹ đang nghĩ không biết có phải là hồn bà nhập vào mày không.
- Thế mà con tưởng mẹ đang phấn khởi?
- Phấn khởi gì. Bà mày không ở đây, mẹ thấy nhẹ cả người ấy chứ.
Trái ngược với lời nói, mặt mẹ có vẻ buồn buồn. Cả mẹ và bà đều là những người có tính khí mạnh, cứng nhắc, nên mỗi lần gặp mặt lại cãi vã. Nay không còn sống cùng nhau, những cuộc cãi vã cũng biến mất, tuy thỉnh thoảng mẹ lại nói “Thấy nhẹ cả người”, nhưng tôi nghĩ đó là vì mẹ rất nhớ bà thôi.
- Mày đọc được nhiều hơn trước rồi à?
- Vâng...
Bất giác, tôi nhìn xuống quyển sách trên tay. Tôi hơi chóng mặt, nhưng nói mới thấy, có lẽ lượng sách tôi đọc được một mạch đang tăng lên.
- Cũng phải, ngày ngày loay hoay trong tiệm sách cơ mà. Sau này ở rể cũng không sao nhỉ.
Tôi từ từ đóng sách lại, cố giấu nổi bực bội. Dạo gần đây thỉnh thoảng mẹ lại nói như thế. Trên đời này không thằng con trai nào vui vẻ khi bị mẹ điều tra về quan hệ yêu đương cả.
- Mẹ nói gì thế... Mẹ đừng đoán mò có được không.
- Nhưng dạo này chẳng phải mày hay nói chuyện điện thoại à? Với cô chủ tiệm ấy.
- Chỉ là công việc thôi ạ. Vì có vụ động đất nên lu bu nhiều việc.
- Ồ, thế cơ?
Mẹ cũng không tra hỏi gì thêm mà quay trở lại xem ti vi. Người ta vẫn đang phát bản tin về việc xử lý đất đá sau vụ động đất.
- Mày mà đọc sách được là bà vui lắm đấy... Vì bà đã bận tâm mãi về chuyện đó cho đến lúc mất.
Mẹ lầm bầm một mình trong khi vẫn quay lưng về phía tôi. Tôi không thể nói được gì. Bầu không khí tự dưng trở nên nghiêm túc khiến tôi chẳng biết phải phản ứng thế nào.
Đột nhiên, chuông điện thoại reo. Là Shioriko gọi.
Để tránh con mắt vừa ánh lên sự tò mò của mẹ, tôi chạy hẳn ra hành lang mới ấn nút nghe.
- À, xin chào. Cô giải được mật khẩu rồi hả?
Đầu dây bên kia im lặng. Tôi tưởng cô đã ngắt máy, nhưng lại nghe thấy tiếng thở. Tôi đi vào phòng riêng, bật đèn lên.
- Tôi vẫn chưa giải được.
- Hả?
- Tôi nói chuyện với anh một chút được không? - Cô hỏi bằng giọng yếu ớt.
Tôi khởi động máy tính trong phòng, chăm chú nhìn tấm hình cô gửi, chắc là hình chụp bằng điện thoại bảng phân tích đang làm.
- Hishou... jima?
Tôi đọc các phần đã giải ra.
- Tôi đã thử hoán đổi vị trí các chữ, nhưng làm thế nào cũng có chỗ không thể đọc được.
- Địa danh chăng? Chẳng hạn như Hishoujima.
- Tôi nghĩ cũng có khả năng đó, nhưng không tìm thấy địa danh nào tương ứng. Không chừng ông Kayama sử dụng quy tắc ghép chữ riêng, mà nếu thế thì các chữ đã giải ra có khi lại sai rồi.
Người vốn giải đố rất nhanh, giờ xem chừng thực sự phiền não. Tôi day day ấn đường. Quy tắc riêng à...
- Hay ông Kayama có nhầm lẫn gì? Do không hiểu rõ về chữ nổi chẳng hạn.
- Ban đầu tôi cũng nghĩ vậy... Nhưng thư phòng đầy đủ tài liệu về chữ nổi mà, đúng không? Ban nãy tôi có gọi điện cho Kayama Yoshihiko, nghe nói ông Kayama Akira từng đảm nhiệm vị trí ủy viên quản trị của một tổ chức viện trợ về đào tạo chữ nổi, bản thân ông cũng có kinh nghiệm dịch chữ nổi nữa.
Nghĩa là ông cố tình tạo nên chỗ khó này. Tôi ngả lưng ra chiếc ghế vẫn dùng từ nhỏ.
- Tôi đã thử gọi sang Yukinoshita, nhưng Keiko không biết gì về chữ nổi... Vì vậy, chắc chắn ông Kayama sẽ không áp dụng quy tắc phức tạp quá. Tôi nghĩ biết đâu có gợi ý trong tác phẩm của Ranpo.
Thế thì người mù tịt mọi thứ như tôi đây nghe cô nói chuyện lại càng bó tay thôi. Đến kiệt tác “Đồng 2 xu” tôi cũng mới đọc lúc nãy.
- Nếu vậy, cô nên nói chuyện với ai đó am hiểu về lĩnh vực này có tốt hơn không? Bác Inoue chẳng hạn.
Mặc dù người đầu tiên tôi nghĩ tới là Shinokawa Chieko, nhưng bà lại là đối tượng không thể bàn bạc được nhất.
- Không! - Shioriko kiên quyết đáp. - Nói với anh Daisuke tốt hơn.
- Ơ, nhưng mà...
- Tôi không muốn trao đổi với ai khác về chuyện này. Tôi có cảm giác là hễ nói chuyện với anh Daisuke thì lúc nào cũng tìm được câu trả lời... Tôi không biết lý do, nhưng dường như ngoài anh ra thì không ai được hết.
Cô hạ giọng thì thầm ở câu cuối, nghe như thủ thỉ chuyện bí mật.
Thật may vì chúng tôi không chạm mặt nhau lúc này. Nếu cô ở gần trong tầm tay, tôi không dám chắc là mình giữ bình tĩnh được. Tôi hít thở thật sâu, chăm chú nhìn tấm hình thêm lần nữa. Tôi quyết định nói hết những khả năng có thể nghĩ được, phối hợp hoàn toàn với Shioriko cho đến khi cô giải ra.
- Nếu vậy thì sao không dùng chữ nổi thời Đại Chính? Có thể nó khác với quy tắc bây giờ.
- Không đâu, vì nền tảng kí hiệu chữ nổi của Nhật Bản đã được hoàn thiện từ thời Minh Trị rồi.
Bị bác bỏ thẳng thừng, nhưng tôi không lấy làm buồn. Tôi không cần phải tìm ra câu trả lời, chỉ cần giúp cô khuấy động dòng suy nghĩ là đủ rồi.
- Vậy...
- Khoan đã, anh Daisuke?
- Vâng.
- Tại sao lại là thời Đại Chính?
- Hả?
Nói mới để ý, vì sao mình lại nói thế nhỉ? Mô hình đồng 2 xu mà ông Kayama làm là của thời hiện tại, không liên quan gì đến thời Đại Chính. Nhưng, hôm nay mình đã nhìn thấy niên đại cổ như thế ở đâu đây...
- Đúng rồi. Ở đồng 2 xu. Mặt dưới của nó có ghi năm Đại Chính thứ 12.
- Hả?
Shioriko phản ứng quá mức làm tôi cũng giật cả mình. Có tiếng kim loại khua khe khẽ. Chắc cô đang kiểm tra đồng xu.
- Đúng thật, năm Đại Chính thứ 12. Nhưng tại sao? À!
Lần này là một âm thanh trầm đục. Nghe như tiếng đặt một vật nặng. Nếu ở phòng của cô thì chắc chắn là sách rồi. Sau tiếng lật sách lại là sự yên lặng khó hiểu.
- Shioriko?
- Tôi biết rồi! - Cô sung sướng nói. - Tôi nghĩ tôi đã giải được mật khẩu này rồi!

5

Ngày tiếp theo, chúng tôi sang nhà Kishiro Keiko vào lúc hơn 11 giờ sáng.
Để xuất hiện đúng thời gian phù hợp với họ, chúng tôi đã phải tất bật làm việc đến tận giờ lên đường, bao gồm cả các việc tồn đọng từ hôm trước. Khi giao tiệm lại cho Shinokawa Ayaka, Shioriko cố giải thích sự tình, nhưng mới nửa chừng thì đột ngột bị ngắt lời.
- À, ừm. Em hiểu rồi. Chuyện em nghĩ có nghe cũng không hiểu giờ đã hiểu đại khái rồi... Nói chung là nếu mở được két sắt thì có thể mua được số sách tuyệt vời, hơn nữa còn có thể nhìn thấy báu vật, đúng chứ? Nếu vậy chị hãy cố lên nhé! Cũng vì kinh tế gia đình chúng ta nữa!
Chúng tôi được tiễn chân với câu dặn dò như thế. Nhờ vào chuyến viếng thăm của Shinokawa Chieko hôm qua, nói đúng hơn là nhờ vào việc cùng nhau đọc Sách tranh du lịch mà tình cảm chị em họ đã trở lại như ban đầu.
Chúng tôi xuống xe, đi về phía cổng. Shioriko khoác theo một chiếc túi tote khá to. Chắc là đạo cụ cần thiết cho việc giải mật khẩu. Tôi vẫn chưa được nghe xem cô phân tích thế nào, kết quả ra làm sao. Đương nhiên tôi có hỏi thử rồi, nhưng chỉ nhận được câu trả lời như đánh đố rằng “không giải được bằng cách giải mã trong Đồng 2 xu nhưng sẽ giải được nhờ Đồng 2 xu”. Vấn đề xem chừng phức tạp, không thể cắt nghĩa qua loa.
Tôi biết, mặc dù chống nạng, nhung Shioriko bước đi rất nhẹ nhàng. Bởi vượt trên niềm vui mua được một lượng lớn sách quý là cảm giác mãn nguyện vì phá giải được câu đố, và lớn hơn tất cả là kì vọng về thứ ở bên trong két sắt. Dọc đường đi cô cũng chỉ toàn nói về khả năng tồn tại của “Kẻ chu du cùng bức tranh vải” phiên bản đầu tiên. Cô cũng ngượng ngùng thừa nhận rằng dù không định ủng hộ giả thuyết của mẹ, nhưng nếu là thật thì cũng muốn xem thử.
Khi đi qua cổng, tôi thấy có bóng người ở tiền sảnh. Một thanh niên mặc áo khoác khóa kéo đen có mũ trùm đầu đang nói chuyện với Tanabe Kuniyo. Khuôn mặt cậu ta rất giống bà, chắc là “Kazuhiro” đã từng được nhắc đến trong lần trò chuyện trước đây. Dưới chân cậu ta đặt chiếc va li nhỏ có gắn bánh xe. Bà mẹ nhận ra chúng tôi nên vẫy tay, vỗ nhẹ vào lưng người con trai, giục giã.
- Này, phải thật cẩn thận nhé, Kazuhiro.
Thanh niên nọ gật đầu, kéo tay cầm va li rồi bước ra. Lúc đi lướt qua chúng tôi, cậu ta cũng chỉ cúi đầu chào chứ không nói gì. Xem chừng là người kiệm lời, khác xa bà mẹ.
- Ch... chào bác. Con trai bác đấy ạ? - Shioriko hỏi, mắt nhìn theo bóng thanh niên đi ra cổng.
- Đúng. Nhân ngày nghỉ nên em nó đến phụ giúp một tay.
- Cậu ấy đi du lịch ạ?
- Không phải đâu. Vali toàn nước đóng chai. Tôi đã kể là thằng bé sống ở Tokyo mà nhỉ. Ngoài cửa hàng vẫn chưa bán nhiều nước nên tôi mua ở đây cho nó mang đi.
Tôi hiểu. Khoảng mấy tuần trước, nước máy ở Tokyo bị phát hiện nhiễm chất phóng xạ trên mức cho phép, có thông báo là nước khoáng trong các siêu thị đồng loạt bán hết sạch. Tùy theo từng khu vực mà phóng xạ vẫn còn gây ảnh hưởng. Khu vực này có trị số nhiễm xạ tương đối thấp nên không nghe tin gì ồn ào.
- Trước tiên hãy vào đi. Chị Keiko đang đợi. - Kuniyo nói.
Kishiro Keiko đợi chúng tôi ở phòng khách lúc trước. Cũng như lúc trước, bà mặc chiếc váy liền thân thoải mái giống đồ mặc ở nhà. Shioriko hỏi xem bà muốn mở két sắt hay muốn nghe về mật khẩu, thì bà trả lời thông qua cô em rằng muốn nghe về mật khẩu. Tốt quá, vì tôi đã cực kì thắc mắc.
Shioriko ngồi xuống ghế, trước tiên đặt mô hình đồng 2 xu lên bàn.
- Bác có biết mô hình này không. Có lẽ là do ông Kayama Akira làm.
Sau khi chào hỏi, Shioriko nhanh chóng bắt đầu câu chuyện. Chắc cô đang phấn khích lắm nên hôm nay công tắc được bật sớm.
- Ồ, chắc chị Keiko không có cái này, phải không?
Trước câu hỏi của em gái, bà Keiko lắc đầu.
- Đồng xu thật thì có trong kho sách, còn cái này, tôi chưa từng thấy.
Vì làm đồ giả thì đương nhiên phải dựa trên mẫu thật rồi. Shioriko tách đồng xu thành hai phần, rồi mở tờ giấy ghi câu mật khẩu. Tanabe Kuniyo cao giọng trầm trồ.
- Chế tác tuyệt vời!
- Đúng vậy đó. Cháu cũng nghĩ nó khá tinh xảo... Cháu cho rằng mật khẩu này xây dựng trên cơ sở chữ nổi, như hôm qua đã nói. Nhưng làm thế nào cũng có một phần không đọc được.
Shioriko lấy trong túi xách ra một mảnh giấy. Là tờ ghi chú cách giải câu mật khẩu đã gửi cho tôi hôm qua. Dấu ? đã bị gạch đi, thay vào đó là chữ ‘. Shioriko trỏ tay vào phần chữ mình đã viết:
- Chữ viết thêm chính là lời giải thích cho kí hiệu mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa.
Tôi không hiểu lắm. Vì không ai hỏi nên không còn chọn lựa nào khác, tôi đành mở miệng:
- Hở, ‘ là chữ gì thế?
- Là một dấu thanh. Trong nguyên tác chữ nổi, nó cho biết trọng âm của chữ đi ngay đằng sau, ngụ ý đọc cao giọng lên.
Tôi thầm đọc “j” cao giọng, nhưng thấy chẳng suôn sẻ chút nào.
- Có phụ âm gì mà đọc cao giọng được chăng?
- Không có. Cho nên tôi mới không lý giải được. - Shioriko nói.
Giờ thì tôi đã hiểu tại sao hôm qua cô phiền não.
- Chỉ có thể suy ra rằng dấu thanh đã bị đặt sai chỗ, nhưng Kayama Akira lại là người rất am tường về chữ nổi. Tới đây, tôi đã nhận ra... Không chừng chính chỗ sai này lại là một phần của “câu đố”. - Cô ngừng một lúc, nhìn khắp lượt chúng tôi. - Thật ra gần chín mươi năm về trước từng có người dùng dấu thanh sai như vậy. Kayama Akira đã chủ ý làm theo sai sót đó để tạo ra mật khẩu.
Cô lấy trong túi xách một quyển sách nhỏ đã rách bươm. Ngoài bìa có nhan đề Thanh niên mới. Chắc là tạp chí đăng tải tiểu thuyết trinh thám ngày xưa. Khi cô lật trang có dán mẩu giấy nhớ thì đập vào mắt chúng tôi là tiêu đề “Truyện trinh thám: “Đồng 2 xu”. Tên tác giả đương nhiên là “Edogawa Ranpo”.
- Người mắc sai sót đó là Ranpo?
- Đúng. Ranpo đã làm sai mật khẩu trong tác phẩm đầu tay “Đồng 2 xu”.
Tôi hết sức ngạc nhiên. Nói mới nhớ, khi đọc “hồ sơ” về Kayama Akira, cô có nói với tôi rằng tác phẩm đầu tay của Ranpo phạm lỗi sai cơ bản. Chắc là chuyện này rồi.
- Đây là Thanh niên mới, số đăng tải “Đồng 2 xu”, cũng là số mà Ranpo ra mắt độc giả với tư cách tác giả trinh thám.
Nói đoạn, Shioriko lại lấy ra một quyển sách khác. Trên bìa màu vàng có ba nhan đề “Chuyện lạ về đảo Panorama”, “Pháp sư cao một tấc”, “Vụ án mạng tại quán trọ bên hồ”.
- Còn đây là tuyển tập xuất bản cuối đời Ranpo, bản in của Togensha... Hãy đặc biệt chú ý vào chỗ xuất hiện chữ “e” trong mật khẩu của “Đồng 2 xu”.
Kí hiệu chữ nổi khác nhau. Dấu chấm trái đã nhảy lên hàng đầu.
- Đúng vậy. Trong lần phát hành đầu tiên, kí hiệu chữ nổi đã bị dừng nhầm từ chữ “e” thành dấu . Mãi đến sau chiến tranh mới được đính chính trong bản in của Togensha. Lỗi sai giống hệt câu mật khẩu mà Kayama Akira tạo ra... Gợi ý để giải nằm ở chỗ này. - Cô chỉ vào mặt viết niên đại của đồng 2 xu đã rỗng. - Có ghi năm Đại Chính thứ 12 (1923), nhưng về cơ bản thì không thể nào có niên đại này được.
- Ừm, tại sao vậy?
- Đồng 2 xu này lưu thông đến đầu thời Chiêu Hòa, nhưng nó chỉ được đúc trong khoảng thời gian từ năm Minh Trị thứ 6 đến thứ 17 (1873-1884). Năm Đại Chính thứ 12 thì nó đã không còn được đúc nữa. Năm Đại Chính thứ 12 chính là năm “Đồng 2 xu” được đăng tải trên Thanh niên mới, là năm ra mắt của Ranpo. Nói cách khác, đây ỉà gợi ý rằng muốn giải mật khẩu, hãy căn cứ vào chữ nổi sai trong tác phẩm “Đồng 2 xu” đăng năm Đại Chính thứ 12. Cả việc cố tình viết câu mật khẩu “Nam Mô A Di Đà Phật” theo kiểu chữ cũ, chẳng phải cũng muốn ám chỉ điều đó hay sao?
Tôi đã hiểu cô có ý gì khi nói “nhưng sẽ giải được nhờ Đồng 2 xu”. Chính nguyên tác của Ranpo là manh mối để giải mật khẩu.
Trong một lúc, không ai lên tiếng. Kishiro Keiko vẫn dựa vào tay vịn của xe lăn, chờ đợi phần tiếp theo của câu chuyện bằng ánh mắt như đang nằm mơ.
- Vậy thì, đáp án cho câu mật khẩu này là...?
Shioriko lấy bút ra, sửa kí hiệu chữ nổi cùng gợi ý mật khẩu, xóa dấu ‘ đi và viết thay chữ e vào.
“Hishouejima”.
- Nghĩa là gì thì cháu cũng... Bác Keiko, bác có biết không?
Người phụ nữ ngồi trên xe lăn chỉ chớp mắt một lần trước câu hỏi đó. Có thể hiểu là biết, cũng có thể là không biết. Nhưng, tại sao bà lại không muốn trả lời?
- Hay cứ mở két sắt đã? Trước tiên hãy kiểm tra xem từ này có đúng hay không. - Tanabe Kuniyo nói.
Chưa chắc đây đã là câu trả lời đúng.
Tôi và Shioriko đứng dậy, mở cánh cửa ở góc phòng. Kishiro Keiko di chuyển xe lăn đến vị trí có thể nhìn thấy két sắt.
- Tôi sẽ mở thay chị Keiko.
Ngồi xuống trước két sắt, em gái của người ủy thác thao tác trên núm khóa rồi tra chìa vào ổ của cần gạt và xoay vặn. Hai trong ba lớp khóa đã được mở nhưng chiếc két vẫn không có phản ứng gì. Bà vừa nhìn ghi chú giải đáp mật khẩu, vừa nhấn các nút chữ của mật khẩu theo trình tự.
- ...
Shioriko đứng bên cạnh tôi, dồn toàn bộ sức nặng xuống cây nạng, nhoài người tới trước. Để không bỏ lỡ sự việc sắp xảy ra, đôi mắt đen sau tròng kính của cô sáng rực. Không biết tự lúc nào, đôi tay tôi cũng gồng lên.
Khoảnh khắc bấm nút cuối cùng, bên trong két sắt phát ra tiếng “cạch”. Cánh cửa dày bằng kim loại kêu một tiếng “kịch” nhẹ, rồi từ từ mở ra. Bên trong két sắt vẫn còn một cánh cửa bằng gỗ. Mở cánh cửa đó thì thấy một xấp giấy cũ gấp đôi. Ngoài ra không còn gì khác.
Kuniyo cầm xấp giấy, đưa cho chị. Chúng tôi xúm quanh xe lăn.
Xấp giấy đặt trên đầu gối Keiko dường như là mặt ngược, còn rõ ràng dấu vết của một lần bị xé rách và bổ sung thêm giấy khác vào từ phần dưới. Tay bà run run mở xấp giấy. Trên nền giấy kẻ ô vuông to lấp đầy chữ viết bằng bút máy. Dù vậy, vẫn đọc được rõ ràng nhan đề và tên tác giả.

Người đàn bà chu du cùng bức tranh vải
Edogawa Ranpo.
Kishiro Keiko nhìn nó bằng ánh mắt xa xăm, rồi đột nhiên ôm chặt lấy bản thảo, im lặng cúi đầu xuống.

6

- Nhan đề khác nhỉ? - Tôi nói nhỏ với Shioriko.
Chắc là người đàn ông mà nhân vật chính gặp trên xe lửa đã được đổi thành người phụ nữ. Truyện người phụ nữ chu du, cầm theo bức tranh có người đàn ông đã đi vào bên trong vẫn chứa đựng sức hấp dẫn riêng của nó.
Không thấy trả lời. Tôi quay sang nhìn Shoriko. Cô đứng im thin thít, vẻ sửng sốt. Chắc là quá ngạc nhiên vì bản thảo đầu tiên tưởng không còn tồn tại trên đời lại xuất hiện ngay trước mắt.
- Mọi người để chị Keiko ở một mình nhé? Chỉ một chút xíu thôi.
Kuniyo thì thầm vào tai chúng tôi, hẳn là muốn để chị gái được tự nhiên đối diện với di vật của người tình mà bà sẵn sàng đánh đổi bằng cả kho sách. Tôi không thấy có lý do gì để phản đối, nhưng...
- Shioriko, được không?
Tôi lay cánh tay cô. Cuối cùng cô dường như bừng tỉnh.
- Hả? Ừm, đúng rồi... Sau đó cho cháu xem nữa nhé?
Nửa câu sau là câu hỏi dành cho Kishiro Keiko. Đợi bà gật đầu, Shioriko đi ra hành lang. Tôi cũng bước theo.
- Vậy, chị Keiko... cứ thong thả.
Tanabe Kuniyo nói, rồi kéo cửa phòng khách lại, dẫn chúng tôi sang kho sách. Đón chúng tôi là bộ sưu tập tiểu thuyết trinh thám hôm trước.
- Thật cảm ơn vì đã giúp chị Keiko. Theo lời hứa, chúng tôi sẽ bán cho hai cháu chỗ sách này, cứ xem kĩ đi.
- Không ạ... Chính chúng cháu mới phải cảm ơn. - Shioriko mỉm cười và cúi đầu xuống.
Không biết có phải do tưởng tượng không, nhưng tôi thấy cô có vẻ hơi hãnh diện. Chắc cô mãn nguyện vì đã tự mình hoàn tất công việc ủy thác trước khi mẹ xuất hiện. Bất ngờ có tiếng chuông điện thoại inh tai từ phòng khách, Kuniyo nhíu mày khó chịu.
- Đã cất công để cho chị ấy yên tĩnh thế mà... Xin lỗi nhé, tôi đi một lát sẽ quay lại.
Bà vội vàng quay ra hành lang, với tay đóng cửa lại sau lưng. Chỉ còn hai chúng tôi trong kho sách.
- Sách xếp không khác gì so với lúc trước. Không thiếu quyển sách hay tạp chí nào. Xem chừng không hề được sắp xếp lại... - Shioriko nói, sau khi nhìn một lượt các giá sách.
Tôi cũng bắt chước nhìn theo cô nhưng trong đầu lại là chuyện không mảy may liên quan đến sách cũ. Vụ này tới đây xem như đại khái đã xong. Còn lời hứa sẽ hẹn hò với cô...
- Chúng ta đi đâu nhỉ? Vào ngày nghỉ tới.
Kho sách vẫn yên tĩnh. Shioriko đang quay mặt ra chỗ khác. Và câm nín. Câu hỏi của tôi như bị hút vào một sa mạc cát.
- À...
- Anh Daisuke, cái kia!
Cô cắt ngang lời tôi, trỏ giá sách ở gần cửa ra vào. Chắc do nhét vội hay sao mà số sách sắp theo các ngăn hoàn toàn khác nhau. Ở một ngăn xếp chật ních, có gáy quyển Egawa Ranko mà lúc trước tôi đã cầm. Đầu ngón tay cô hướng về phía nó.
- Quyển Egawa Ranko bị làm sao à?
- Không, không phải thế. Quyển ở bên cạnh...
- Quyển Hiệp sĩ trên không hả? Nếu không thì là... Mê lộ sát nhân?
Tôi nheo mắt lại, đọc tên sách ở hai bên. Không biết tự lúc nào mặt Shioriko đã tái dại đi.
Đột nhiên, cô đổi hướng, bước tới gần một giá sách, lấy ra một quyển đưa cho tôi. Đó là Tuyển tập tiểu thuyết trinh thám 3. Sách khá cũ, không bìa áo cũng không phủ sáp. Tình trạng không được tốt lắm.
- Hãy cầm cái này đi theo tôi!
Cô mở cửa phòng, đi ra hành lang. Mặc dù chống nạng, dáng đi của cô vẫn rất chắc chắn. Thật là lạ, nhưng ngay lúc này tôi lại cảm nhận được sự hồi phục ở cô.
Dừng lại trước phòng khách, cô mở toang cánh cửa kéo, cũng chẳng hỏi xem có được phép hay không. Kishiro Keiko đang ngồi xe lăn cạnh cửa sổ ngạc nhiên ngoái đầu lại.
Chắc cú điện thoại đã kết thúc, chẳng thấy bóng dáng bà em đâu cả. Có điều, trên bàn tròn xuất hiện những đồ vật khi nãy không có, là chiếc áo khoác lông Kuniyo đã mặc và một chiếc điện thoại di động có vẻ rẻ tiền.
Shioriko lấy bút và giấy ghi chú trên tủ búp phê, ấn vào tay Kishiro Keiko:
- Xin hãy trả lời cháu, chỉ một câu thôi. - Cô nói bằng giọng bị kìm nén. - Cầu dao... có thể là hộp cầu chì trong nhà này... cái nào cũng được. Nó nằm ở đâu?
Tôi vô cùng sửng sốt. Cầu dao? Nghĩa là sao? Nhưng, tay Kishiro Keiko cầm giấy và bút bắt đầu run rẩy, chẳng mấy chốc đánh rơi cả hai trên đầu gối.
Nói mới nhớ, bản thảo lấy ra từ két sắt hồi nãy đã biến mất.
Nó ở đâu rồi?
- Cảm ơn nhiều. Anh Daisuke... Đi thôi! Xin lỗi anh, có thể cầm túi xách giùm tôi không?
- Được... Nhưng mà đi đâu?
- Ra ga. Chắc vẫn còn kịp.
Tỉnh lộ đi tới Tsurugaoka Hachimangu, không chỉ đường xe hơi mà đường đi bộ cũng đông nghẹt. Căn bản đang là ngày cuối tuần vào giữa mùa xuân. Chúng tôi đi bộ thật nhanh qua những đoàn khách tham quan đang tiến về mộ Minamoto no Yoritomo. [(1147-1199), tướng quân thiết lập chế độ Mạc phủ]
- Sao lại đi ra ga vậy?
Tôi lên tiếng sau lưng Shioriko.
- Vì có lẽ sẽ đuổi kịp... người đang giữ bản thảo đó.
Cô bắt đầu thở dồn dập. Bước đi với tốc độ bằng người không dùng nạng một đoạn đường dài như thế quả là không dễ chút nào.
- Cô nói đuổi kịp, là đuổi kịp bà Kuniyo?
Tôi không thể nghĩ ra người khác được. Không thấy bóng dáng bà ấy trong nhà. Nhưng câu trả lời thật đáng kinh ngạc.
- Không phải bà Kuniyo. Tôi sẽ nói rõ ràng sau.
Rốt cuộc là ai? Shioriko đang mệt, tôi cũng thấy áy náy nhưng không kìm được thắc mắc:
- Câu hỏi lúc nãy là ý gì vậy? Cầu dao ở đâu ấy?
- Cầu dao hay không không quan trọng... Tôi chi muốn xác nhận xem bà ấy đã sống ở đó bao lâu rồi thôi.
Kết cục, tôi vẫn chưa hiểu được ý nghĩa.

Đã thấy chiếc cổng torii màu đỏ của đền Tsurugaoka Hachimangu. Gió từ ngoài biển thổi vào làm cánh anh đào bay ào qua cổng. Tới ngã tư giao với phố Wakamiya Oji, Shioriko chỉ về lối dẫn lên đền.
- Thấy rồi... chỗ đó... trước...
Nghĩa là tôi đi trước ngăn cản à?
Vừa lúc đèn giao thông chuyển màu xanh, tôi băng qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Để tách khỏi đoàn khách tham quan, tôi chạy trên lối dẫn lên đền trang trí đèn lồng nằm cao hơn đường đi. Mỗi lần gió thổi tới, hàng cây anh đào đang mùa hoa nở rộ lại lao xao. Lối dẫn lên đền có thiết kế rải rác bậc thang ớ hai mạn trái phải để quành xuống đường đi. Ngay phía trước bậc thang gần ngã tư nhất, có một nhân vật quen thuộc đang đứng cạnh đèn lồng đá. Là một thanh niên trẻ tuổi mặc áo khoác khóa kéo đen có mũ trùm đầu.
Kazuhiro à?
Cậu ta phải về Tokyo từ nãy rồi chứ, đang làm gì ở đây thế này. Có thể người mà Shioriko nói đến là cậu ta chẳng?
Nhìn kĩ thì khuất sau đèn lồng đá còn có một người nữa. Người đó đeo trên vai chiếc túi da to, mặc váy và áo khoác may rất khéo, đang lấy mũ từ va li ra đội rồi kéo dây kéo lại.
Trang phục hoàn toàn khác với lúc nãy, nhưng khuôn mặt là Tanabe Kuniyo. Bên chân bà là chiếc va li. Rõ ràng là hành trang đi xa. Chẳng lẽ bà ấy gặp con trai để nhận hành lý?
Câu chuyện về những chai nước là nói dối.
Cuộc gọi lúc nãy cũng chọn thời điểm quá tốt, chắc chắn là ai đó sắp xếp để bà ấy có thể lẻn ra khỏi nhà. Tôi nhớ lại chiếc di động đặt trên bàn phòng khách. Có lẽ là Kishiro Keiko ở căn phòng đó đã dùng để gọi vào máy bàn.
Nhưng gọi để làm gì?
Đúng lúc Shioriko đuổi kịp tới. Thấy cô đang sắp đứt hơi, tôi cất tiếng gọi.
- Bác Tanabe!
Chỉ có cậu con trai quay đầu lại.
- A. - Cậu ta lúng túng cúi đầu.
Nói mới nhớ, Kazuhiro này cũng mang họ Tanabe. Trên khuôn mặt cậu ta hiện lên vẻ thắc mắc trước sự xuất hiện của chúng tôi.
- Xin chào! - Tôi cũng cúi đầu.
Đang phân vân không biết nên hỏi từ đâu, thì thấy Kuniyo vỗ vào vai con trai.
- Kazuhiro, được rồi. Cảm ơn đã mang hành lý giúp. Chuyện sau này nhờ con nhé. Hai người hãy giữ gìn sức khỏe!
Kazuhiro khẽ gật đầu. Lưỡng lự một hồi, cậu ta cúi chào bà:
- Bác cũng bảo trọng ạ!
Đoạn gật đầu chào chúng tôi, rồi rảo bước qua đường dành cho xe hơi, đi về phía Hachimangu. Hình như không phải ra ga mà quay về ngôi nhà ở Yukinoshita.
Bác?
Trong đầu tôi đang hỗn loạn. Không phải tôi nghe nhầm. Người này chắc chắn vừa mới được gọi như thế. Không phải là mẹ. Chẳng lẽ là...
- Bác Kishiro Keiko.
Cuối cùng Shioriko cũng lên tiếng. Cô vẫn đang thở hổn hển.
- Chúng ta có thể nói chuyện... ở đâu đó một chút không ạ?
- Ừm, cũng được.
Kishiro Keiko, người phụ nữ mà cho đến lúc này chúng tôi vẫn gọi là Tanabe Kuniyo gật đầu.
- Quán nước ở đường Komachi có được không? Mặc dù giờ này có thể sẽ đông...

7

Theo gợi ý của Kishiro Keiko, chúng tôi đến quán nước cũ kĩ ở cuối đường Komachi. Khách đông nhưng vẫn còn chỗ ngồi. Chúng tôi lập tức được đưa tới chiếc bàn có thể nhìn thấy sân trong.
- Thỉnh thoảng tôi có đến đây cùng Akira... Là quán lâu năm rồi.
Gọi nước xong, Kishiro Keiko mở đầu câu chuyện. Giọng bà hơi trầm và khàn. Xem ra đây mới là giọng tự nhiên của bà. Không chỉ trang phục, mà cả diện mạo và cách nói chuyện cũng trở nên bình tĩnh điềm đạm khác hẳn trước.
- Người ngồi trên xe lăn là em của bác phải không? - Shioriko hỏi.
- Đúng. Em ấy mới là Tanabe Kuniyo. Chị em tôi đổi vai cho nhau. Trang phục và kiểu tóc cũng đã thay đổi.
- Vậy bệnh tình và thương tích của người đó?
- Toàn bộ là thật. Những chuyện chúng tôi đã nói về nhau hầu hết là sự thật. Dù phải diễn kịch thì cũng dễ cho em ấy... Em tôi đã cố gắng làm việc để cho con trai lên đại học, vừa mới được nhàn rỗi thì lại lâm bệnh. Đó là khoảng nửa năm về trước. Tôi đã đến Miyagi và ở lại đó để chăm sóc em ấy.
Kayama Yoshihiko từng kể luật sư đã đến biệt thự ở Yukinoshita nhưng Kishiro Keiko không có nhà. Thì ra không phải bà nhập viện mà là đi chăm người thân nên vắng mặt. Nghe nói hai chị em không còn cha mẹ, cũng không còn ai là họ hàng thân thích đúng nghĩa.
- Sau khi xuất viện, em ấy lại bị thương vì động đất... Tôi quyết định đưa em về nhà mình chăm sóc. Ốm yếu là thế, nhưng em ấy đã giúp đỡ tôi mà không thắc mắc gì cả. Kuniyo là người tôi tin cậy từ xưa đến giờ.
Ánh mắt bà nhìn xa xăm hệt như người phụ nữ ngồi trên xe lăn. Mà không, có thể chính bà ấy đã bắt chước Keiko không chừng. Thì ra bà ấy mới sống trong ngôi nhà ở Yukinoshita chưa đầy một tháng. Tôi đã hiểu vì sao lúc nãy Shioriko hỏi chỗ gắn cầu dao. Nếu thực sự sống trong ngôi nhà đó tới mấy mươi năm thì đương nhiên phải biết.
- Nhưng làm sao cháu đoán ra? Tôi nghĩ chúng tôi đã diễn rất tốt rồi mà?
- Thoạt tiên cháu không nghi ngờ gì cả... Dù ngày đầu gặp mặt, ở phòng khách đó, cháu đã có một cảm giác là lạ.
Kishiro Keiko mở to mắt nhìn, tôi ngồi nghe bên cạnh cũng rất ngạc nhiên. Giờ tôi mới biết đấy.
- Từ tận lúc ấy cơ à! Vì sao?
- Bác đã vội vàng dọn dụng cụ đan rồi đưa bản in đầu tiên của Ác quỷ trên hoang đảo cho bác ấy. Cháu tự hỏi vì sao bác lại làm thế?
- Chưa hiểu.
- Bên bàn đó chỉ chừa chỗ trống vừa một chiếc ghế. Nghĩa là xe lăn đã được quyết định để ở vị trí nào của bàn. Người ngồi đọc sách ở đó đặt sách trên bàn, tạm thời rời khỏi chỗ. Nếu quay lại cùng một chỗ, sách dĩ nhiên vẫn đặt trước mặt. Không cần ai đó phải cất công đưa cho.
- Ra là vậy. - Kishiro Keiko gật đầu như đã nhớ ra. - Tôi ngồi ở chiếc ghế khác để đọc sách. Em gái tôi thì đan. Vì không có việc gì làm nên em ấy tự đan đủ thứ... Chẳng hạn tấm phủ điện thoại này nọ. Ngoài ra còn gì nữa?
- Lúc kể về động đất cũng vậy. - Shioriko tiếp tục câu chuyện một cách lưu loát. - Điện thoại trong nhà này là điện thoại cũ màu đen loại quay số, có cấp điện riêng, không cần đến điện lưới. Bác lại bảo là gọi mà không thấy tín hiệu, lúc nghe kể cháu đã thấy lợn cợn rồi. Bây giờ nghĩ lại, chắc đó là tình trạng của nhà bác Kuniyo ở Miyagi. Còn bác Keiko đây thì dùng chính chiếc điện thoại bàn màu đen này gọi cho cậu cháu ở Tokyo, nên cậu ấy mới chạy xe máy về tận nhà để cứu mẹ... Có phải thế không ạ?
Kishiro Keiko nở nụ cười nhẹ.
- Đại khái là đúng. Kệ sách ở nhà tôi cũng bị đổ, nhưng tôi không bị đè... Mặc dù cũng rất nguy hiểm.
Tôi chăm chú nghe Shioriko nói. Bản thân tôi cũng đã thấy và nghe cùng một sự việc như vậy, nhưng lại không nhận ra được gì. Khả năng nhìn thấu chân tướng của cô gái này lúc nào cũng thật đáng kinh ngạc.
- Cháu thử suy nghĩ thì thấy rằng, trong những người liên quan đến vụ việc lần này, hầu như không ai quen bác từ trước. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ là bác Inoue, chủ tiệm sách Hitori, nhưng cũng gặp trực tiếp bác từ lâu lắm rồi. Vậy là điều kiện để thế vai đã sẵn sàng. Điều quyết định hơn cả là quyển Egawa Ranko. Cháu cũng mới nhận ra khi nãy thôi... Chỗ bác để quyển sách đó trên giá không phải là chỗ anh Daisuke đã lấy ra mà là ở giữa Hiệp sĩ trên khôngMê lộ sát nhân. Đó không thể nào là một sự ngẫu nhiên được.
- Đó là trình tự từ trước. Chính vì thế tôi mới vô ý để theo thói quen.
- À... Nghĩa là sao? - Tôi không hiểu được câu chuyện nên rụt rè hỏi.
- Egawa Ranko, Hiệp sĩ trên không, Mê lộ sát nhân... đều là sản phẩm hợp tác của Ranpo và các nhà văn khác. Nếu không am tường về sách thì sẽ thấy cố tình để sách như vậy là không tự nhiên. Vì còn bao nhiêu chỗ trống nữa. - Shioriko giải thích cho tôi.
Nói đến mới nhớ, Inoue từng nhắc đến tên ba cuốn này. Rằng Shinokawa Chieko đã gộp bán cho Kayama Akira bản in đầu tiên của các tiểu thuyết sáng tác chung.
- Vậy mà lúc cháu suýt làm rớt quyển Egawa Ranko, bác lại không có phản ứng gì, thế nên cháu cứ nghĩ bác không rành về sách. - Tôi nói với Kishiro Keiko.
Ngay lập tức, ánh cười trong mắt bà vụt tắt.
- Tôi đã cảnh giác với cháu đấy.
- Dạ?
Tôi đột nhiên không tin vào tai mình. Tôi chưa bao giờ ngờ được là mình sẽ bị ai đó nhìn nhận như vậy.
- Cháu là người hiệp đồng tác chiến với Shinokawa! Tôi đã nghĩ vai trò của cháu chỉ là giả vờ không biết gì về sách để chúng tôi chủ quan thôi... Ngay cả bây giờ cũng có thể là như thế.
- Tại, tại sao bác lại...?
- Ban đầu, khi tôi tới tiệm sách cũ Biblia, cháu đã để ý quan sát tôi đúng không? Còn cố tình mở rèm che ra.
- Ố?
Nghe bà nhắc, tôi mới nhớ quả thật mình đã làm như vậy. Tôi định nhìn mặt vị khách lúc bà đi qua trước tiệm. Vì tôi thắc mắc không biết người ủy thác là nhân vật thế nào.
- Không có ý gì sâu xa đâu ạ. Chỉ là tò mò thôi.
- Nhưng tôi đã mang trong lòng mối hoài nghi. Khi nhìn thấy cháu cầm quyển Egawa Ranko, mối hoài nghi biến thành khẳng định. Một người nghiệp dư đơn thuần mà cầm lấy bản in đầu tiên có giá trị nhất trong tất cả các sách của Ranpo thì quả là không bình thường. Bởi vậy khi cháu suýt làm rớt sách, tôi phải cố gắng kiềm chế lắm để không lên tiếng.
- Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên thôi ạ. - Tôi khổ sở nói.
Thấy nhan đề Egawa Ranko giống tên nữ giới nên tôi cầm lên chứ có nghĩ ngợi gì, có thâm ý gì đâu.
- Giữa chúng ta bây giờ không cần thiết phải nói dối nữa. Cháu đảm bảo anh Daisuke không hề hay biết về sách cũ. Anh ấy thực sự là một người thiếu kinh nghiệm. - Shioriko đỡ lời.
Dù biết cô đang biện hộ cho mình, tâm trạng tôi vẫn rất phức tạp. Kishiro Keiko tỏ vẻ tạm thời chấp nhận.
- Nhưng chính nhờ sự trùng hợp ngẫu nhiên của người mới vào nghề đó mà Shinokawa đã nhận ra chân tướng của tôi. Chẳng phải có nhiều điều, chính vì là người mới vào nghề nên mới nhìn ra được hay sao?
Tôi dừng tay lại khi đang định lấy cốc nước. Tự dưng có cảm giác bị chọc vào sâu trong lồng ngực. Thật thế á? Đến giờ tôi vẫn chưa thấy lợi ích gì khi là một kẻ nghiệp dư cả.
Đúng lúc đó đồ uống được mang ra, câu chuyện ngắt quãng. Phần cà phê của mỗi người lần lượt được đặt trên bàn.
- Hồ sơ về Kayama Akira, có phải là đã được viết ra ngay từ đầu để đưa cho chúng cháu không ạ? - Shioriko đặt một câu hỏi khác.
Kishiro Keiko uống một ngụm cà phê rồi từ tốn trả lời:
- Đó là em Kuniyo tự tay viết dựa trên câu chuyện của tôi đấy. Viết ra để học thuộc lòng.
- Thuộc lòng ạ?
- Chúng tôi sắm vai của nhau, nhưng phần em ấy phải nắm bắt thì rất nhiều. Về nhà Kayama, về Edogawa Ranpo... Dựa theo lời kể của tôi, Kuniyo đã tổng hợp lại thành câu chữ để ghi nhớ. Đằng nào cũng tổng hợp xong rồi, nên tôi nghĩ đưa bản đó sẽ nhanh hơn vì giải thích bằng miệng không được suôn sẻ. Nó cũng có ích mà phải không?
Chúng tôi gật đầu.
Thảo nào, giọng ghi chép trong “hồ sơ” thật lãnh đạm. Kayama Akira không có ý nghĩa gì đối với người viết, nội dung trên giấy đơn thuần là liệt kê lại “thông tin” phải nhớ mà thôi.
- Kuniyo đã làm rất tốt, nhưng vẫn có chỗ chưa theo kịp hoặc có những câu hỏi khó trả lời thì tôi hỗ trợ để vượt qua. Tôi còn hướng dẫn cách gật đầu, lắc đầu dựa theo cách đặt câu hỏi của các cháu. Có biết tôi đã làm thế nào không?
Trong câu hỏi thể hiện chút tự đắc. Shioriko đặt bàn tay đang nắm lại lên môi, suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Gật đầu với hầu hết các câu hỏi... Nhưng câu nào mở rộng từ hai khả năng trở lên thì lắc đầu, cô phải thế không ạ?
Kishiro Keiko mỉm cười gật đầu.
- Đúng thế... Quả thật các cháu rất giỏi. Người nhà Kayama, thậm chí Inoue, cũng không nhận ra.
Bà không hề lộ vẻ khó chịu vì bị nói trúng, có lẽ còn thích thú với quá trình thực hiện trò hoán đổi đó.
Bỗng dưng trời râm mát, chúng tôi hướng mắt ra sân vườn um tùm cây xanh. Dù chỉ hơi mờ tối nhưng bầu không khí trong quán nước đã thay đổi.
- Bác nói dối một chuyện lớn đến thế này là để mở két sát phải không?
Shioriko hỏi, mắt vẫn ngắm nhìn cảnh vật ngoài cửa sổ.
- Dĩ nhiên rồi. - Giọng Keiko trở nên mạnh mẽ. - Sau khi Akira mất, tôi đã luôn muốn lấy thứ bên trong két sắt ra... Hơn nữa, tôi cũng muốn biết câu mật khẩu đó. Nhưng người nhà Kayama không thèm đếm xỉa. Tôi cũng thông cảm với thái độ của họ, nên quyết định đợi thêm một thời gian. Nhưng mà...
- Xảy ra động đất. - Shioriko nói tiếp bằng giọng rất khẽ.

Bất chợt trong đầu tôi hiện ra khung cảnh giống như trong sân vườn này. Ngày đến nhà Kishiro Keiko lần đầu tiên, chúng tôi cũng vừa nói chuyện vừa ngắm khu vườn từ kho sách. Con người, không ai biết trước được ngày mai. Nếu không làm ngay những gì mình muốn thì sẽ hối tiếc.
Đó là quyết định của Keiko khi nhìn thấy thương tích và bệnh tật của người thân.

- Đúng vậy. Nên tôi đã lợi dụng Kuniyo. Tôi nghĩ nếu một người trong tình trạng như thế nhờ vả thì gia đình Kayama sẽ khó lòng từ chối... Thực tế đúng là như vậy. Chỉ không ngờ cậu Yoshihiko lại không giữ chìa khóa và mật khẩu.
Bà nói rồi khẽ mỉm cười.
Thế thôi sao? Tôi không khỏi nghĩ rằng vẫn còn một lý do nữa trong vụ đổi vai. Trong tác phẩm của Ranpo, mô típ đóng vai một ai đó cứ được lặp đi lặp lại. Hẳn người phụ nữ này cũng thích bắt chước mô típ ấy. Giống như Kayama từng vui thú với nhiều khuôn mặt của mình.
- Mẹ cháu đã nhận ra phải không? Chân tướng của hai bác ấy.
Chắc là lo lắng về hành động của mẹ nên Shioriko rụt rè hỏi.
- Có thể lắm. Nhưng cô ta chưa nói ra, chỉ hỏi, “Bán kho sách cũ đi cũng được, nhưng cô có bằng lòng nhượng lại thứ trong két sắt cho tôi không?”.
Tôi nghe mà lạnh sống lưng. Bà ấy chỉ cần thứ bên trong két sắt kia. Cố tình cho chúng tôi gợi ý chắc cũng là một mưu toan để có được thứ đó.
- Bác định lên đường với bản thảo ạ?
Kishiro Keiko gật đầu rồi hạ ánh mắt xuống bàn tay mình. Lại là ánh mắt xa xăm, không tập trung một cách kì lạ ấy.
- Akira đã biến ước mơ của tôi thành sự thật. Vì vậy, tôi muốn đi qua nhiều nơi để tưởng niệm anh ấy... Giống như nhân vật trong “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”. Tôi sẽ không quay lại đây một thời gian, nhưng việc mua sách cũ vẫn nhờ các cháu làm cẩn thận giùm. Tôi đã giao việc quản lý ngôi nhà cho em gái và cháu trai rồi, nên sau này hãy hỏi họ nhé.
Nói xong, bà mở túi da lấy một cặp đựng hồ sơ bằng nhựa trong, đặt lên bàn. Bên trong là xấp bản thảo của Ranpo.
- Nguyện vọng của bác là gì ạ? - Shioriko chỉ liếc nhìn chiếc cặp mà không hề chạm đến.
Mặc dù cô khao khát muốn biết nội dung két sắt và đã nói rằng nếu là bản thảo của Ranpo thì rất muốn xem. Tôi có cảm giác thái độ của cô đã thay đổi kể từ khi mở được két sắt.
- Chắc cháu cũng biết rồi...
- Vâng, cũng được ít nhiều ạ... Kể cả bí mật của bản thảo này.
- Hả? Bí mật?
Tôi nhìn chằm chằm vào khuôn mặt trông nghiêng hiền hòa của Shioriko. Đột ngột cô quay phắt sang, tôi suýt bật ngửa.
- Anh Daisuke, anh có mang Tuyển tập tiểu thuyết trinh thám đến không?
- A, có.
Tôi mở túi tote vẫn cầm hộ Shioriko. Quyển sách cô đưa tôi cũng để vào túi này rồi mang tới đây. Tôi rút lấy Tuyển tập tiểu thuyết trinh thám 3 đã phai màu.
- Cháu xin lỗi vì đã mượn nó từ kho sách.
- Không sao đâu. Đằng nào cũng bán cho tiệm cháu mà. Nhưng nhớ định giá luôn cả quyển đó cho đàng hoàng nhé.
- Đương nhiên rồi ạ.
Cuộc trò chuyện lại tiếp tục, Shioriko mở trang sách đầu tiên. Nhan đề “Chuyện phiếm” hiện ra. Mùi giấy cũ mỏng phảng phất quyện vào mùi cà phê.
Kishiro Keiko nở nụ cười đầy ngụ ý.
Shioriko quay về phía tôi, người duy nhất đang không hiểu gì, bắt đầu giải thích.
- Đây là sách được phát hành vào đầu năm 1928. Nhưng “năm hiện tại” được ghi trong sách lại là trước đấy, năm 1927.
Tôi đọc thử đoạn đầu.

Trong năm nay, tôi không viết gì cả theo nghĩa đen. Vì không có gì để đăng trong tuyển tập này, nhưng biên tập viên nghĩ rằng tôi sẽ buồn, nên khuyến khích tôi viết lời mở đầu.

Câu văn cho thấy rõ ràng rằng tác giả phải viết vì bị thúc ép. Năm 1927, tôi cũng thấy quen quen. Chắc là...
- Đó hình như là năm viết bản thảo thứ nhất của “Kẻ chu du cùng bức tranh vải” đúng không?
- Ừm. Đương nhiên, lời tựa này được viết lại vào năm 1929, trước khi viết truyện “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”. Theo như ở đây thì vào năm 1927, Ranpo không thể phát hành tác phẩm nào được, ông đang đi lang bạt khắp các nơi... Hãy nhìn vào phần sau, chỗ này. - Cô lật trang sách, chỉ vào đoạn cuối lời tựa.

Ví dụ, trong số các truyện “Súng hỏa mai”, “Khuôn mặt không môi”, “Kẻ chu du cùng bức tranh vải” thì truyện cuối cùng, “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”, tôi nảy ra ý tưởng tại Kyoto trên đường lãng du, viết được già nửa trong một đêm ở Hyakkaen, thành phố Uji, và đã vứt ở nhà vệ sinh quán trọ Osu tại Nagoya...

- Ủa, cái này...
Tôi cố sắp xếp lại nội dung trong đầu. Nhan đề tác phẩm “đã vứt trong nhà vệ sinh” được ghi rõ ràng là “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”. Chắc chắn nó là bản thảo thứ nhất. Còn “Người đàn bà chu du cùng bức tranh vải” ở đây là nhan đề khác rồi.
- Không có lý do gì để Ranpo nói dối về nhan đề của tác phẩm đã vứt trong nhà vệ sinh. Tức là nhan đề bản thảo đầu tiên không phải là “Người đàn bà chu du cùng bức tranh vải”. Nói cách khác... - Shioriko gõ nhẹ đầu ngón tay vào chiếc cặp nhựa đựng xấp bản thảo. - Đây là đồ giả... Là truyện do Kayama Akira viết phải không ạ?
Sự im lặng kéo dài khiến tiếng ồn trong quán lại lớn lên. Kishiro Keiko lẳng lặng mở cặp, lấy xấp bản thảo ra. Đó là một xấp giấy khá cũ, phần mép có nếp gấp, hơi bẩn và cũng đã ngả màu.
- Có đúng là đồ giả không ạ?
Tôi hỏi. Kishiro Keiko gật đầu.
- Akira nói rằng đã phải đặt hàng loại giấy để viết bản thảo này, sao cho tái hiện đàng hoàng cả thiết kế lẫn tình trạng vết bẩn nhờ từng tham khảo bản thảo của chính Ranpo... Đúng là rất thực.
Tính tỉ mỉ của Kayama Akira thể hiện rõ qua bao nhiêu việc ông làm từ trước đến giờ. Cũng có thể hiểu được tại sao việc chuẩn bị cho câu đố lại mất nhiều thời gian công sức đến thế.
- Hãy nhìn cái này!
Keiko lật trang thứ nhất của bản thảo, cho chúng tôi xem mặt sau. Phần mép có dòng chữ nhỏ “Ejima Hishou sáng tác” viết bằng màu mực giống với màu ở mặt ngoài. Có lẽ là tên tác giả.
- Ejima... Hishou.
Tôi thầm nhẩm lại... Hishou Ejima. Mật khẩu của két sắt.
- Đây là bút danh của Kayama Akira phải không ạ? - Shinokawa hỏi Kishiro Keiko.
- Đúng vậy. Chắc là cái tên anh ấy sử dụng lúc có mong muốn trở thành tiểu thuyết gia.
- Bác không nghe ông kể gì sao?
- Ừm, tôi không định hỏi cho cặn kẽ. Akira thú nhận mình thiếu tài năng trên phương diện này và đã từ bỏ. Anh ấy cũng đốt sạch các tác phẩm viết hồi còn trẻ... Cho nên, đây chính là tiểu thuyết duy nhất còn lại. Akira cất công cầm bút một lần nữa chỉ để biến mong ước của tôi thành sự thật.
Màn sương đã tan đi, có thể nhìn rõ được nhiều việc. Đặt tiểu thuyết tự sáng tác cho người tình vào két sắt, lấy một bút danh không ai biết làm mật khẩu, tiến hành chuẩn bị để sau khi mình chết cô ấy sẽ mở két sắt ra... Tất cả các bước kì lạ và công phu này đều là vì một bản thảo dành làm quà tặng người yêu dấu.
Kayama Akira cất kĩ tác phẩm đến mức ấy, chắc là vì không muốn ai khác ngoài bà Keiko đọc được. Một tác phẩm độc nhất vô nhị, nhưng lại vô giá trị đối với người ngoài. Cũng giống như mô hình đồng 2 xu kia.
- Suy đến cùng, mong ước của bác là...?
Tôi hỏi nhưng vẫn chưa nghe câu trả lời. Bà Keiko khoanh tay, cúi mặt như xấu hổ.
- Khi có tuổi, con người lại hay suy nghĩ như trẻ con. Không biết có phải vì thường xuyên nhớ về ngày xưa không. Mấy năm nay tôi vẫn nung nấu ý muốn bước vào thế giới trong tác phẩm của Ranpo. Giống như người đàn ông đi vào trong tranh vải... Tôi biết đó là một giấc mơ điên rồ, nhưng cũng đã từng tâm sự với Akira.

Hiện thế là mộng ảo, mộng đêm mới là thực.

Chắc chắn Kayama Akira không cười cợt khi nghe tâm sự đó. Ngược lại, để biến điều ước của Keiko thành sự thật, ông đã bỏ công bỏ sức để chuẩn bị từng bước một.
Do chuẩn bị chưa xong nên mới xảy ra hỗn loạn, nhưng di vật Kayama Akira để lại, giờ đã ở trong tay KishiroKeiko.
- Tiểu thuyết này có lẽ là câu chuyện vẽ một người đàn bà giống với tôi đấy. Tôi muốn vừa đi vừa thong thả đọc như trong “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”... Với tư cách độc giả đầu tiên và cũng là cuối cùng. - Bà nói, ngón tay chầm chậm lần theo dòng tên tác giả Ejima Hishou. - Tôi rất muốn hỏi anh ấy cặn kẽ hơn về cuốn tiểu thuyết... Cả ý nghĩa của bút danh kì lạ này nữa, nhưng không còn cơ hội nữa rồi.
- Bác Keiko!
Giọng Shioriko bỗng trở nên trầm lắng. Đó là thói quen khi cô nói chuyện nghiêm túc.
- Tác phẩm đầu tiên mà Kayama Akira đọc của Ranpo có phải là “Khối vàng” không ạ?
Kishiro Keiko sửng sốt trong giây lát:
- Đúng thế, nhưng cháu nghe ai kể vậy? Akira không phải người hay thổ lộ về tuổi thơ của mình.
- Mẹ cháu đã từng hỏi chuyện ông Kayama, được biết ông đọc Ranpo lần đầu vào năm 11 tuổi, qua một tác phẩm dành cho thiếu niên. Kayama Akira sinh năm 1928. Truyện được đăng trên Câu lạc bộ thiếu niên vào năm ông ấy 11 tuổi, tức năm 1939, là “Khối vàng”.
Đúng thế, lần đầu tiên Kayama Akira đọc truyện của Ranpo là qua tạp chí. Tổng hợp những dữ kiện đã nghe được thì có thể đoán ra tên truyện.
Khối vàng” là câu chuyện về cuộc cạnh tranh để mở mật khẩu chỉ chỗ cất giấu kho báu. Có Akechi Kogoro và cậu nhóc Kobayashi, nhưng không có quái nhân hai mươi khuôn mặt và đội thám tử nhí. Vì lẽ đó mà không được biết đến nhiều...
- Có thể. Nhưng Akira vẫn hay nói đây là điểm khởi đầu của mình. Rằng dù là truyện phiêu lưu dành cho trẻ em, nhưng xét trong dòng truyện có yếu tố suy luận thì đó vẫn là tác phẩm đầu tiên anh đọc. Dù về sau đọc thêm bao nhiêu truyện đi nữa, tác phẩm đầu tiên ấy vẫn chứa đựng nhiều chi tiết khó quên.
Inoue của tiệm sách Hitori cũng nói tương tự, rằng series Đội thám tử nhí là trải nghiệm đầu tiên về tiểu thuyết suy luận của ông. Thời đại nào cũng có những người mang nặng một kỉ niệm như thế.
- Bác có nhớ tên nhân vật chính trong “Khối vàng” không ạ? Là con trai của chủ nhân nắm giữ mật khẩu, Mihase Hujio...
Kishiro Keiko không phản ứng gì. Chắc là không nhớ ra.
- Đó là một thiếu niên giàu có cũng sống trong một tòa nhà kiểu Tây, trạc tuổi ông Kayama lúc bấy giờ. Có lẽ ông đã rất phấn khích khi đặt mình vào vị trí nhân vật chính.
Shioriko lục túi tote lấy giấy và bút, bắt đầu viết để Kishiro Keiko có thể nhìn thấy.

mihase hujio
ejima hishou

Nhìn một lúc thì ngay cả tôi cũng đã hiểu ý nghĩa. Đây là phép đảo chữ cái.
Kishiro Keiko nhận ra, liền không nhịn được cười.
- Thật cứ như trẻ con vậy!
Cười bằng giọng nghẹn ngào xong, bà lấy khăn tay ra chấm mắt.

8

Đứng nhìn cho đến khi Kishiro Keiko khuất dạng sau cổng soát vé ga Kamakura, chúng tôi quay lại, bắt đầu bước đi. Để nói chuyện với em gái và cháu trai của bà ấy về việc thu mua kho sách thì phải quay lại nhà của Kishiro Keiko. Việc quản lý nhà và kho sách đã được giao phó cho hai người.
Ra khỏi trạm dừng xe buýt, chúng tôi hướng về phố Wakamiya Oji. Vì hoa anh đào đang độ tươi đẹp, nên chúng tôi định vừa ngắm hoa vừa đi về. Dù chỉ vậy thôi, tôi cũng cảm thấy như đang hẹn hò.
Chúng tôi băng qua lối đi dành cho khách bộ hành ngay trước cổng torii thứ hai nằm sừng sững trên đường lớn. Cổng torii này mở sang lối dẫn lên đền. Khách tham quan đã đông hơn lúc nãy. Chắc họ cũng đang ngắm hoa anh đào nở rộ như chúng tôi.
- Đẹp quá!
Shioriko cảm thán, dừng bước ngay dưới cổng torii. Gió biển ùa tới, lồng vào mái tóc đen bay lất phất. Có thể là do chỉ cách biển một con đường nên gió ở đoạn này rất mạnh. Tầm nhìn bị che khuất bởi muôn vàn cánh hoa anh đào cuộn xoáy trong không trung.
Không hiểu do hoa hay do nguyên nhân nào khác, nhưng chúng tôi không nhận ra một phụ nữ áo khoác đen đang tiến đến gần. Khi nghe thấy tiếng thì bà đã đứng ngay trước mặt rồi.
- Mấy đứa vừa ra ga phải không? - Shinokawa Chieko hỏi.
Ngay lập tức, thái độ của Shioriko trở nên gay gắt. Tính ra thì đã quá trưa từ lâu rồi. Bởi vậy bà có xuất hiện lúc nào đi nữa cũng không có gì lạ.
- Còn cô đã đến nhà bà Keiko? - Tôi hỏi.
- Ừ! Chỉ còn cái két rỗng với cô em gái... Thật tiếc quá!
Nhưng nét mặt bà không tỏ vẻ đáng tiếc lắm. Ánh mắt nhìn như xoáy vào con gái trông thật đáng sợ.
- Trong két sắt không phải là bản thảo đầu tiên của Ranpo. Phỏng đoán của mẹ sai bét rồi... Kho sách của bà Kishiro Keiko cũng do chúng con thu mua. - Giọng Shioriko đầy vẻ khiêu khích. Hiếm khi thấy cô thế này.
- Không phải bản thảo đầu tiên của “Kẻ chu du cùng bức tranh vải” sao? Hơi khó tin đấy... Vậy, cái gì ở trong đó?
- Để con nói cho.
Vẫn giữ thái độ bực dọc, cô bắt đầu kể từ đầu đến cuối. Tôi nghĩ cũng không phải chuyện cần giấu giếm, nhưng trong lòng rất ngạc nhiên khi cô dễ dàng nói ra. Không hiểu sao tôi có cảm giác là cô đang rất miễn cưỡng.
Đến đoạn tiễn Kishiro Keiko ở ga Kamakura, Shinokawa Chieko chớp nhẹ mắt dưới cặp kính râm.
- Tới đó là hết à?
- Ừm. Không có chuyện gì để nói với mẹ nữa. Đi thôi, anh Daisuke!
- Đúng là Shioriko đã gánh vác quá nhiều rồi!
Trước lời lầm bầm tỏ vẻ đáng tiếc đó, Shioriko quay đầu lại. Khoảng cách giữa hai người thu ngắn hơn lúc nãy.
- Nghĩa là sao?
- Mẹ nghĩ Kishiro không phải là người dễ ứng phó đâu. Mặc dù không phải kẻ xấu, nhung là dạng người quyết giành được cái quan trọng với mình bằng mọi giá...
Đột nhiên, bà mỉm cười rồi đảo đầu ngón tay qua lại giữa bản thân và con gái.
- Giống hệt chúng ta vậy đó.
Tôi rùng mình. Lúc trước Shioriko cũng từng qua mặt tất cả mọi người xung quanh để bảo vệ bản in đầu tiên quý giá của Dazai Osamu. Đương nhiên, vụ việc vẫn chưa công khai. Người biết âm mưu đó, kể cả biết việc vẫn còn bản in đầu tiên chỉ có mình tôi.
- Đừng rườm rà. Hãy nói ngắn gọn những gì muốn nói đi.
Trước thái độ đanh thép của cô con gái, Shinokawa Chieko đưa ngón trỏ lên. Giống hệt điệu bộ của Shioriko lúc lý giải những điều bí ẩn.
- Tại sao trong két sắt chỉ có bản thảo giả của Kayama thôi? Con đã nghĩ đến chưa?
- Chắc là đối với hai người họ thì bản thảo đó là thứ quan trọng nhất. Không phải là chuyện lớn lao gì...
- Để biến mong muốn của Kishiro thành hiện thực, Kayama đã chuẩn bị bản thảo cùng lắm là trong mấy năm nay thôi. Nhưng mà, chắc chắn là có vật quý giá hơn hẳn được để trong két sắt từ rất xa xưa rồi. Vật đó đã đi đâu?
Shioriko như bị đâm trúng chỗ đau. Keiko muốn bước vào thế giới trong tác phẩm của Ranpo mới mấy năm nay thôi, nhưng Kayama Akira đã chia sẻ với Inoue của tiệm sách Hitori “khá lâu rồi” về vật quý trong két, “khá lâu” rất có thể là trước cả thời điểm “mấy năm nay”. Nếu vậy thì vật đó đã đi đâu?
- Kishiro có cho con xem toàn bộ bản thảo không? Nhiều lắm chắc cũng chỉ một, hai tờ. Không phải sao?
Shioriko không trả lời, nhưng đôi vai run lên. Mọi điều bà nói đều trúng phóc. Ngay cả chúng tôi cũng không nghĩ mình phải kiểm tra chi li bản thảo mà người quá cố viết dành tặng người yêu. Nhưng, nếu như đó là điểm mù thì sao?
- Và ý mẹ là gì? - Shioriko nói như rên rỉ.
Người mẹ tiến lên một bước, nét mặt tươi cười hiền lành như muốn bao bọc lấy cô. Nét mặt thu hút cả tôi đang đứng quan sát bên cạnh.
- Con đã hiểu rồi phải không? Chính xác là Kayama đã viết truyện tặng cho tình nhân... Nhưng không hẳn từ đầu đến cuối đều là văn của ông ấy. Có khả năng đó là một phần bản thảo đầu tiên của “Kẻ chu du cùng bức tranh vải” mà ông đã thừa kế từ người cha, và hoàn tất bản thảo bằng hình thức viết thêm vào phần còn thiếu. Cách làm đó cũng thực hiện được nguyện vọng của Kishiro đúng không? Còn hơn là chế tác hẳn một bản thảo giả.
- Đó chỉ là giả thuyết thôi.
- Liệu còn giả thuyết nào có khả năng cao hơn và hấp dẫn hơn không?
Shioriko không sao phản biện được. Bất chợt tôi nghĩ người phụ nữ này nói ngần ấy chuyện không phải chỉ là suy luận đơn thuần, mà thật ra muốn thu hút đối phương nhằm rủ rê làm gì đó...
Shinokawa Chieko chìa một tay cho con gái. Những ngón tay đẹp không in dấu tuổi tác vươn thẳng tắp như lưỡi dao.
- Đi nào, Shioriko!
- Hả?
- Đuổi theo Kishiro. Bây giờ còn kịp. Yêu cầu bà ta cho xem bản thảo. Không chừng lại đọc được bản thảo chưa từng công bố của Ranpo thời thanh niên đấy, cho dù chỉ là một phần đi nữa. Con không hào hứng sao?
Mặt Shioriko hồng hào trở lại. Chắc chắn cô đang hình dung chính mình khi đọc bản thảo đó. Cảm giác như có nụ cười phảng phất trên môi cô. Nhưng cô mau chóng lắc đầu xua tan nó.
- Con còn tiệm sách nữa. Hơn hết, nếu đi với mẹ...
- Con cứ nghỉ vài ngày cũng được mà. Chỉ đi vài ngày thôi. Hồi nãy mẹ cũng đã gọi điện cho Ayaka, con bé bảo rằng nếu chúng ta làm lành trở lại thì nó rất hoan nghênh. Muốn trông tiệm giùm bao lâu cũng được...
- Con không muốn làm lành với mẹ!
Shioriko hét lên, gay gắt đến nỗi khách tham quan xung quanh cũng phải quay đầu lại. Không chừng đây là lần đầu tiên tôi thấy cô tức giận đến thế này.
- Ừm. Cũng khó làm lành lắm nhỉ... Mẹ đã bỏ con tới mười năm rồi.
Dù thế, Shinokawa Chieko vẫn không hạ tay xuống. Bà tiếp tục thuyết phục bằng giọng nói êm ái như rót vào tai.
- Con hận mẹ cũng không sao. Nhưng hãy đi cùng mẹ, Shioriko! Mẹ sẽ kể cho con nghe nhiều chuyện độc đáo, về những thứ quý giá, như bản thảo đầu tiên của “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”... Trong mười năm nay, mẹ đã trông thấy, đã trải nghiệm rất nhiều. Trên thế giới còn bao điều con chưa biết. Chắc con cũng có hứng thú mà?
Shioriko không trả lời, nhưng đôi mắt đã ánh lên sự thích thú. Có cơ hội trò chuyện thỏa chí với người giàu kiến thức về sách hơn mình, không thể nào không thấy hấp dẫn được. Tôi sửng sốt nín lặng trước diễn biến câu chuyện mà nằm mơ cũng không hình dung nổi này. Chính tôi còn bị áp đảo bởi từng lời từng chữ của Shinokawa Chieko nữa là.
Đột nhiên, một cảm giác đen tối bất an lan rộng trong lồng ngực.
Nếu Shioriko cứ thế này mà đi với mẹ thì không phải chỉ là chuyến đi vài ngày. Một tuần, một tháng, không chừng là cả đời, cô cũng sẽ không quay lại Biblia...
- Đi nào! Shioriko! Không còn thời gian nữa đâu.
Bất chợt bị lôi kéo bởi tiếng nói sắc bén, bàn tay không cầm nạng của Shioriko từ từ giơ lên. Mắt nhìn xa xăm như đang nằm mơ.

Hiện thế là mộng ảo, mộng đêm mới là thực.

Câu nói của Ranpo như tia chớp lướt qua đầu.
Tôi có cảm giác rằng mình không thể để cô đi.
- Shioriko!
Khi tôi bất ngờ cất tiếng gọi thì cô giật mình dừng tay lại. Nhưng tôi không biết phải nói gì tiếp theo. Shioriko liếc nhìn tôi đang rầu rĩ. Ánh sáng trở về tròng mắt bên trong cặp kính. Lại là cô như mọi khi.
- Con không đi.
- Tại sao? Có chuyện gì quan trọng hơn việc xem bản thảo đầu tiên của “Kẻ chu du cùng bức tranh vải”?
Suy nghĩ một hồi lâu, Shioriko nhẹ nhàng nói:
- Có.
Không biết là chuyện quan trọng gì. Bất ngờ Shioriko quay lại nhìn tôi đang nghiêng đầu thắc mắc, chậm rãi giải thích.
- Vì ngày nghỉ tiếp theo con sẽ hẹn hò với anh Daisuke.

9

Tôi không rõ Shioriko chỉ đang giữ đúng lời hứa một cách cứng nhắc hay thật lòng coi trọng việc hẹn hò cùng tôi. Tôi cũng khá chắc chắn là còn lâu lắm nữa mới biết câu trả lời.
Nhưng dù sao thì ngày nghỉ tiếp theo chúng tôi cũng sẽ đi chơi với nhau. Vì Shioriko không có điểm đến ưa thích nào, và vốn dĩ cô đã lo lắng không biết hẹn hò cụ thể gồm những nội dung gì, nên tôi quyết định sẽ đi lòng vòng vùng Minatomirai ở Yokohama. Vốn là cảng biển cũ nên có nhiều điểm tham quan, cũng không phải lo về chỗ ăn uống.
Shioriko phục sức khác hẳn ngày thường, váy liền in hoa dài đến đầu gối, áo khoác len, tóc buộc cao lộ gáy. Cô cũng trang điểm cẩn thận hơn mọi khi. Khi tôi lấy hết can đảm khen đẹp quá thì cô trả lời thẳng thắn là cô bạn thuở nhỏ tên là Ryu đã lên ý tưởng và thực hiện toàn bộ. À, còn cặp kính thì vẫn như mọi khi.
Để Shioriko đỡ mệt vì chân đang bị đau, chúng tôi đi lòng vòng xen kẽ nghỉ giải lao, nhưng dù đi đâu thì kết cục cũng toàn nói chuyện sách cũ của Ranpo và tin tức về những người liên quan đến đợt ủy thác lần này. Không biết bây giờ Kishiro Keiko đang ở vùng nào. Cho đến khi vết thương hồi phục, Tanabe Kuniyo sẽ sống cùng con trai trong ngôi nhà Yukinoshita. Theo đúng lời hứa, toàn bộ kho sách do tiệm sách cũ Biblia thu mua. Bây giờ chúng đang được chất trong kho. Shioriko nói một nửa sẽ đem ra trưng bày ở Hội trao đổi sách cũ, phần còn lại sẽ bán dần dần ở tiệm và cả qua mạng.
Đằng tiệm Hitori, Inoue và Naomi ra sao thì tôi cũng không rõ. Nhưng Naomi vẫn đi làm ở đó. Mong sao chuyện hai người được suôn sẻ.
Tiếp theo, tôi nghe Shioriko kể đủ thứ về series Đội thám tử nhí, hào hứng về sự khác nhau giữa bản thảo viết trước chiến tranh và viết lại sau chiến tranh. Nhưng không nói tới mười tiếng đồng hồ đâu. Tối đa cũng chỉ chừng hai tiếng.
Dùng xong cơm tối ở một nhà hàng Ý không đắt lắm, Shioriko nói muốn đi vòng đu quay. Vòng đu quay lớn như chiếc đồng hồ khổng lồ là địa điểm nổi tiếng của Minatomirai. Nhưng khi chúng tôi đến nơi thì nó tạm ngừng hoạt động ban đêm do ảnh hưởng của động đất.
Cũng đã khá trễ nên chúng tôi quyết định đi dạo thêm chút nữa rồi về. Qua hết phố đi bộ, chúng tôi hướng về ga JR Sakuragicho. Tuy đường sắt cũ dã ngừng hoạt động nhưng vẫn còn đường ray trên mặt đất. Có lẽ là ngày thường nên hầu như không có bóng người.
Có lẽ do chút rượu uống ở tiệm ăn tối, nên chúng tôi có thể nắm tay nhau tự nhiên.
- Anh Daisuke, hôm nay anh có vui không?
Trong tâm trạng hưng phấn, Shioriko hỏi thẳng. Cô cũng nói mình tửu lượng kém nên có lẽ đã say rồi. Khi tôi trả lời là vui lắm thì cô phụ họa với giọng hân hoan.
- Tôi cũng vui lắm! Rất vui!
Sau đó cô chu môi, bắt đầu huýt sáo bằng giọng khàn khàn vụng về như mọi khi. Đây là thói quen hiếm khi xuất hiện ngoài lúc say sưa đọc sách.
Trong đầu tôi hiện lên thắc mắc, rằng có vui hơn việc đọc sách không, nhưng tôi không hỏi thành lời.
Ngoài ra, tôi vẫn còn băn khoăn một điều. Lúc gặp Shinokawa Chieko ở gần lối vào đền Tsurugaoka Hachimangu, nếu tôi không gọi tên Shioriko thì sao?
Liệu cô có đuổi theo bản thảo của Ranpo như lời rủ rê của mẹ? Lần tới nếu lại có việc tương tự xảy ra, không biết lúc ấy cô có dừng bước? Hay sẽ đi mất hút giống như mẹ của mình? Bây giờ Shinokawa Chieko đang ở đâu, chúng tôi không hề hay biết. Sau khi bị con gái từ chối, bà đi ngay ra ga Kamakura. Không biết bà có đuổi kịp người đàn bà chu du không phải cùng bức tranh vải mà là cùng bản thảo viết tay hay không? Ánh mắt lạnh lùng như đâm vào tôi của Shinokawa Chieko lúc rời đi, có lẽ suốt cuộc đời tôi cũng không quên được. Bà nhìn mà như đang ghim tất cả ân oán về tôi vào kí ức.
Bây giờ nghĩ lại, tôi có cảm giác lý do duy nhất khiến người phụ nữ đó quay về Kamakura chính là Shioriko. Chắc chắn bà muốn có một cộng sự cống hiến toàn bộ kiến thức và suy nghĩ. Cộng sự đó lại là đứa con ruột thịt nữa thì không chê vào đâu được.
Kết quả là tôi đã cản trở dự định của bà, và có lẽ đã chuốc lấy sự hờn oán của người phụ nữ bí ẩn này. Một ngày nào đó, bà sẽ lại xuất hiện trước mặt chúng tôi. Nếu tôi cẩn thận thì có lẽ sẽ không gặp tổn thất.
Tôi cũng còn một điều nghi ngờ về bà, và sẽ sớm làm rõ với một ai đó.
- Anh Daisuke, anh có nghe không? - Shioriko hơi xoay mặt sang tôi. Do cái nạng hay sao mà trông tư thế của cô không được ổn định.
- Xin lỗi, cô nói gì nhỉ?
- Nói rằng tôi muốn tới đây nữa.
Shioriko lặp lại lời nói với vẻ ngại ngùng, đoạn cúi mặt e thẹn. Cũng đã bớt say rồi, nhưng cả hai đều chưa có ý định rời tay nhau ra.
- Tôi cũng vậy.
Tôi đăm chiêu trong khi cảm nhận hơi ấm ở lòng bàn tay. Không phải lúc nào bàn tay này cũng nằm trong tầm với. Tôi cần phải truyền đạt điều mình đang nghĩ.
- Shioriko!
Chúng tôi dừng lại ở chiếc cầu sắt nhỏ trên đường đi dạo. Đêm êm đềm không có gió xuân.
- Làm bạn gái tôi nhé!
Mặc dù không trôi chảy bằng lúc cô giải đáp những bí ẩn, nhưng cuối cùng tôi cũng có thể thú thật lòng mình.
- Tôi đã luôn yêu em!

Phần Kết

Buổi chiều, lúc đóng cửa, tiệm sách cũ Biblia trở nên yên tĩnh.
Tôi mang tiền lẻ trong quầy đến máy đếm tiền xu, ngẩng mặt nhìn đồng hồ.
Shioriko không có trong tiệm. Cô đã ra ngoài gặp kiến trúc sư để bàn bạc về việc sửa nhà chính. Mà không chừng, chính là do cô không muốn chạm mặt tôi. Từ khi tỏ tình, đã ba ngày trôi qua mà tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Shinokawa Ayaka chưa về vì đang sinh hoạt ở câu lạc bộ. Chỉ có mình tôi trong ngôi nhà này.
Đang nghĩ cũng sắp tới giờ về rồi thì ngoài tiệm vọng vào tiếng phanh xe đánh kít. Vài phút sau, ông Shida trong chiếc áo thun tay dài và gi lê giống hôm trước kéo cửa bước vào.
- Hoa anh đào ở chùa Engaku sắp tàn hết rồi... Chào, vẫn cái mặt u ám như mọi khi nhỉ!
Ông vui vẻ nói rồi tiến lại gần quầy. Hôm nay ông không cầm gì trong tay cả. Vì ông đến đây để gặp tôi, nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
- Sáng nay về nhà thấy thư nhắn, tao sửng sốt quá chừng.
- Cháu xin lỗi, làm ông phải cất công tới.
Tối hôm qua tôi có ghé qua gầm cầu, nhưng ông Shida không có ở đó nên tôi đã để lại lời nhắn.
- Chuyện gì nào, chuyện gì mà chỉ muốn nói với tao thôi? Bàn chuyện gì?
- Không phải là bàn ạ... Mà có thứ cháu muốn nhờ ông xem giúp một chút.
Tôi lấy trong ngăn kéo ra tấm thiệp nhỏ màu trắng gập đôi. Đây là tấm thiệp hôm qua tôi mượn ông Inoue ở tiệm sách Hitori.
- Đây là cái gì vậy? Thiệp Giáng sinh à?
- Giáng sinh năm ngoái, Shinokawa Chieko đã gửi cái này cho chủ tiệm sách Hitori.
Tôi mở thiệp cho ông xem nội dung bên trong.

Gửi anh Taichiro Inoue,
Ở đó còn lạnh lắm nhỉ.
Khi nào gặp con gái tôi, anh đừng dọa nạt nó nữa nhé.
Cả cậu Gora Daisuke hiện đang làm tiệm cũng vậy, có vẻ là người đàng hoàng nên mong anh hòa thuận với cậu ấy.
Mà hình như cậu ấy không đọc được sách thì phải.

- Cái này không biết là sao nhỉ?
- Từ năm ngoái, Ayaka đã liên tục gửi mail cho mẹ. Kể hết tình hình ở đây, như một dạng nhật kí vậy... Vì thế cháu đã nghĩ rằng mọi thông tin rò rỉ tới cô Chieko theo cách ấy. Nhưng giờ nghĩ kĩ thì thấy nội dung trong tấm thiệp rất lạ. Hôm nọ bọn cháu đã nói chuyện với ông trong bếp nhà chính, đúng không ạ? Và Ayaka không hề biết đến sự tồn tại của tiệm sách Hitori, nên không thể nào biết Shioriko và ông Inoue không ưa nhau được. Ít nhất thì Shinokawa Chieko cũng đã nhận tin tức từ một người khác.
Ông Shida ngây ra nghe tôi nói, nhưng tôi vừa ngừng lời thì ông xen vào bằng vẻ mặt khổ sở:
- Tao không hiểu lắm nhưng... Chuyện đó cũng liên quan đến tao sao?
- Vâng. - Tôi gật đầu nói tiếp. - Chắc chắn là dạo gần đây cô Chieko cũng mới liên lạc với người đó. Bữa trước, bọn cháu nhận lời ủy thác của một người sống ở Yukinoshita...
- A, con bé em ở tiệm này đã nói chuyện đó.
- Về sau cô Chieko cũng xuất hiện ở nhà ấy. Nhưng mà vào thời điểm chúng ta nói chuyện, hầu như không ai biết đến lời ủy thác. Những người ủy thác thì cũng có ẩn tình nên chỉ muốn giải quyết trong phạm vi liên quan thôi. Cháu đã băn khoăn suốt, không biết nó lộ ra từ người nào...
- Tóm lại là ai? Tao ghét chuyện dài dòng chậm chạp lắm đấy.
- Là ông Shida! - Tôi trả lời. - Ông là nguồn tin thực sự của Shinokawa Chieko, đúng không? Vì hay ra vào tiệm sách Hitori, ông sẽ biết mối quan hệ giữa Shioriko và Inoue. Và bấy nay ông vẫn giữ liên lạc với cô Chỉeko, có lẽ là từ rất lâu trước khi cháu làm ở tiệm này.
- Ê! - Ông Shida trợn tròn thêm đôi mắt đang mở to. - Chú mày biết tao sống ở đâu mà. Ở gầm cầu đó. Đâu có điện thoại cầm tay. Làm sao liên lạc được với người không ở Nhật Bản chứ!
- Ông chat hoặc gửi mail ở quán cà phê internet. Chẳng phải chính ông cũng nói hay dùng nó thay vì nhà tắm công cộng sao? Hôm trước ông nói phải tắm nên về gấp, là để liên lạc với cô Chieko, đúng chứ?
Bầu không khí im lặng bao trùm. Tôi chuẩn bị tinh thần chờ phản biện của đối phương. Ông Shida nhìn chằm chằm vào một điểm, suy nghĩ rất lung. Chẳng bao lâu sau, ông lúng túng xoa cái đầu cạo trọc bóng loáng. Mặc dù tự mình điều tra, nhưng tôi cũng bán tín bán nghi. Ai mà ngờ được ông ấy và Shinokawa Chieko lại lén lút liên lạc với nhau.
- Khi xưa, tao cũng hay mua sách ở tiệm này. Mua theo danh mục, đặt hàng qua thư.
- Hả!
Tôi lên tiếng. Vì sedori phải nắm vững thông tin hết mức có thể, nên việc ông Shida là khách hàng thường xuyên của tiệm sách cũ cũng không có gì lạ. Tôi chưa từng nghĩ ông ấy đã lợi dụng tiệm này. Nếu là khách hàng mua sách qua thư thì thuộc phần quản lý của Shinokawa Chieko.
- Vì thế mà ông thân với cô Chieko... ủa? Nhưng trong danh bạ khách hàng, cái tên Shida...
- Thôi, đừng đi sâu vào chi tiết nhân thân. Vì không những ẩn giấu nhiều sự tình, tiệm này sẽ còn trở nên phức tạp đủ mọi kiểu nữa đấy.
Ông Shida khoe hàm răng trắng một cách đầy ngụ ý. Ra vậy, tôi nghĩ. Cái tên Shida không phải là tên thật.
- Nhưng tại sao ông lại nghe lời một người như thế?
Shida đột ngột cau mày thành hình chữ bát:
- Tao hiểu tâm trạng chú mày, nhưng đối với tao đó không phải “một người như thế”, mà là ân nhân.
- Ân nhân?
- Vì Chieko không còn ở đây nên tao cũng không mua sách cũ của tiệm này nữa. Tao gặp lại cô khoảng ba năm về trước. Có thể tao đã từng kể loáng thoáng rồi. Cả công việc và gia đình đều đã xảy ra đủ thứ chuyện... Nếu biết rõ sự tình, chắc trong mắt mấy đứa tao cũng sẽ thành một “một người như thế” đấy. Tóm lại là, tao trở nên chán đời và buông bỏ toàn bộ đi sang Đài Loan.
- Đài Loan?
- Có liên quan đến người quen cũ. Giải thích sơ thôi, nhưng kết cục là vì kẻ đó mà tao bị cuốn vào rắc rối. Tao cần một ít tiền, nhưng bấy giờ không thể trả được. Vào lúc tiến thoái lưỡng nan, tao bất ngờ gặp Chieko... Cô đã nghe tao nói chuyện rất lâu. Và không nói một lời, cô đưa cho tao số tiền cần thiết, vé máy bay lượt về và một quyển sách quý mà cô giữ gìn từ lâu.
- Sách ạ?
- Chú mày cũng biết mà. Cuốn Người đi mót lúa - Thánh Andersen, của Koyama Kiyoshi.
Tôi không nói được gì. Đó là quyển sách mà ông Shida rất quý. Nó vốn là sách của Shinokawa Chieko à? Chúng tôi đã lùng tìm quyển sách mà không biết nó vốn là sách của người phụ nữ ấy.
- Thế khi quyển sách bị lấy cắp... Lý do ông kể chuyện đó với tiệm này là để bắt bọn cháu tìm phải không? Vụ việc cũng được sắp đặt...
- Lấy đâu ra! Chỉ là ngẫu nhiên thôi. - Shida phẩy tay thật mạnh trước mặt mình. - Vốn dĩ tao không biết rõ Shinokawa Chieko đã làm những gì ở tiệm này... Dĩ nhiên kể cả chuyện con bé chủ tiệm có tài năng giải quyết rắc rối nữa. Người khuyên tao nhờ Biblia trợ giúp tìm sách chính là Chieko đấy. Tao rất biết ơn mấy đứa vì đã mang sách về cho tao, nhưng dư vị không dễ chịu lắm. Bởi thế tao đã có lời khuyên chú mày. Tao nghĩ rằng tài năng đặc biệt quá rồi cuối cùng cũng bỏ nhà ra đi như Shinokawa Chieko thôi.
Vậy ra, ông Shida khuyên tôi là do đã có tấm gương tày liếp của Chieko, mà tôi lúc đó chưa thể hiểu được.
- Không thể nói Chieko tốt hoàn toàn... Nhưng tao nghĩ cô cũng không phải là người xấu. Tao không biết mấy đứa sẽ tiếp nhận sự thật thế nào, nhưng việc cô nhờ tao cũng là bình thường mà. Cô muốn tao khi có thời gian rảnh thì qua xem tình hình nhà Shinokawa và báo cho cô biết thôi. Thỉnh thoảng Chieko cũng liên lạc với chồng, nhưng nghe nói anh chồng đã giấu biến bệnh tật của mình. Chieko cũng lo lắng những mặt khác của gia đình nữa nên muốn có thông tin. Tao nghĩ mong muốn đó không phải là quá đáng, nên đã nhận lời.
Một khía cạnh tôi chưa từng biết về Shinokawa Chieko giờ đã hé lộ. Thì ra bà vẫn liên lạc với chồng mình. Thì ra bà vẫn chưa ly hôn, nên đến bây giờ vẫn giữ họ Shinokawa.
- Nhưng, chẳng phải cô Chieko đã ngó lơ tin nhắn của Ayaka sao? Nếu thực tâm lo lắng thì ít ra cũng phải trả lời...
- Chú mày động não thêm một chút đi. - Shida nói với vẻ mặt ngán ngẩm. - Chieko bỏ nhà ra đi đã được mười năm rồi. Cô con gái bắt đầu gửi mail lâu lắm cũng từ năm ngoái năm kia thôi. Sau một khoảng thời gian dài biền biệt như thế, rất có thể Chieko quên kiểm tra mail ở địa chỉ đó.
- À.
Nghe giải thích thì cũng hợp lý đấy.
- Nghĩa là không đọc phải không?
- Ban đầu đây là địa chỉ mail lập ra để nhận thư của con gái. Vì không dùng cho công việc nên hẳn rằng Chieko không kiểm tra thường xuyên. Vào trước ngày về nhà này, có lẽ cô ấy đã vội vàng đọc hết những mail tồn trong máy chủ.

“Mẹ đọc hết đấy... Nhưng vì một số nguyên nhân nên không thể viết mail trả lời”. Khi được hỏi là có thường đọc mail không thì Shinokawa Chieko đã không trả lời thẳng. “Một số nguyên nhân” chỉ đơn giản là việc không biết có mail gửi tới.

- Thì cứ nói thật ra chứ?
- Có lẽ Chieko nghĩ biện minh này nọ lại giống lý do lý trấu. Bản thân cô cũng hiểu được tính nghiêm trọng của việc bỏ nhà ra đi suốt mười năm trời chứ. Cô cũng nghĩ cho gia đình theo cách riêng của mình đấy.
Hình ảnh Shinokawa Chieko lúc rủ rê Shioriko đi theo hiện lên trong đầu tôi. Cả ánh mắt lạnh lùng như dao bà ném vào tôi nữa. Có thể bà nghĩ cho gia đình thật, nhưng cách nghĩ khá khác biệt với người bình thường, bắt nguồn từ một cảm xúc quá mạnh mẽ, quá dữ dội.
- Rốt cuộc là tại sao bà ấy lại rời khỏi đây? Nếu như lo lắng cho gia đình thì...
Khi tôi hỏi, ông Shida nhìn lảng đi chỗ khác như để lẩn tránh câu trả lời.
- Ông biết không ạ?
- Tao không biết rõ ràng... Nhưng đừng có nói với ai đấy. Tạm thời tao bị bắt phải giữ bí mật.
Tôi im lặng gật đầu.
- Nguyên nhân là sách đấy.
- Sách ạ?
Tôi buột miệng hỏi lại. Ông Shida “ừ” một tiếng.
- Cô nói đi để theo đuổi sách. Một quyển sách cũ quý giá mà khi lòng và đời còn bình yên thì còn chưa có được. Nghe nói đến giờ cô vẫn đang tìm kiếm nó.

Tiếng chuông báo ở gác chắn tàu vang lên, chúng tôi ngừng nói chuyện. Một lát sau, tàu điện từ từ trườn vào sân ga lồng ánh vàng cam của vầng mặt trời sắp tắt.
Bên ngoài tiệm, không gian cứ tối dần.

Lời Bạt

Khi viết xong tập 3, tôi đã quyết định tập tiếp theo sẽ viết về Edogawa Ranpo. Vì khuôn khổ từng chương là không đủ, nên tôi sử dụng toàn bộ dung lượng của tập này cho chủ đề ấy. Tôi cứ nghĩ đơn giản là Ranpo không xa lạ gì với mình, nên mãi sang hè mới chính thức nghiên cứu tư liệu.
Trong phần lời bạt của quyển trước tôi có ghi là “Có lẽ mùa đông truyện sẽ xong”, dự định xuất bản vào tháng Mười hai. Chắc vì tôi tính toán rằng đầu thu sẽ viết xong chăng?
Và bây giờ, thời điểm tôi viết lời bạt này là tháng Giêng... Đây cũng là tập khiến tôi mất nhiều thời gian nhất. Không ít người khi nghĩ về Ranpo đều cho rằng “không phải là tác giả hoàn toàn xa lạ”. Tôi cũng có cảm giác ông là một tác giả quen thuộc từ xưa, luôn tồn tại đâu đó trong kí ức. Cuối cùng tôi phải thấy xấu hổ vì sự thiếu hiểu biết của bản thân, bởi khi nghiên cứu thì mới bắt gặp toàn những giai thoại thú vị mình chưa biết đến bao giờ. Đối với tôi, khoảng thời gian ngụp lặn trong tư liệu là khoảng thời gian vui vẻ không thể nào quên, giá kéo dài mãi ra được thì tốt.
Dù gì sách cũng đã đến lúc xuất bản. Việc còn lại chỉ là cầu mong các độc giả cảm thấy đây là một tập truyện thú vị.
Từ khi xuất bản tập 1 Biblia đến nay đã gần hai năm. Môi trường xung quanh tôi thay đổi rất nhiều bởi liên tục có những chuyện vui như quảng bá hoặc bán bản quyền ra nước ngoài... Mặc dù vậy, các thao tác của công việc này hoàn toàn không thay đổi. Đó là thu thập thông tin ban đầu, xây dựng cốt truyện, viết, chỉnh sửa. Những thao tác nhỏ nhặt mà tỉ mỉ.
Dẫu vậy, tôi rất cảm kích vì có thể kiếm sống nhờ viết sách trong thời đại đầy biến động khó đoán định tương lai thế này. Từ đây về sau tôi cũng sẽ vẫn cố gắng làm việc chăm chỉ và cẩn thận.
Ở tập 4, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều đơn vị và cá nhân. Đặc biệt là Trung tâm nghiên cứu văn hóa đại chúng tưởng niệm Edogawa Ranpo trường Đại học Rikkyo, nhà sách Yagi, cùng viện bảo tàng chìa khóa và két sắt đã cho tôi biết nhiều điều quý báu, tôi xin chân thành cảm ơn.
Câu chuyện về tiệm sách cũ Biblia đã đi được nửa chặng đường. Nếu được các độc giả đồng hành đến cuối cùng, tôi sẽ rất lấy làm hạnh phúc.
Mikami En
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét