Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 1 - Chuyện Thứ Hai

Tiệm sách cũ Biblia Q 1

Tác giả - Mikami En
Người dịch: Việt Hà - Đỗ Phan Thu Hà
Hiệu đính: Hằng Nguyễn
Nhà xuất bản Văn Học - 2017

Tập 1 - Shioriko và những vị khách kỳ lạ

Chuyện Thứ Hai

Người đi mót lúa - Thánh Andersen của Koyama Kiyoshi
(Shincho Bunko phát hành)

Chẳng biết từ lúc nào, kim đồng hồ đã điểm 11 giờ sáng.
Đang nhẩn nha phủi bụi trên nóc giá sách, thấy đã đến giờ mở cửa, tôi liền nhanh chóng mang chiếc xe đẩy chất đầy sách đồng giá 100 yên cùng với tấm biển xoay ra ngoài hiên.
Dù vội vội vàng vàng mở cửa cho đúng giờ, nhưng thật ra cũng chẳng có vị khách nào đang chờ ở bên ngoài cả. Dọc con ngõ nhỏ men theo nhà ga không có lấy một bóng người qua lại. Hôm nay là một ngày quá nóng để ra ngoài. Xa xa, những đám mây lớn đang tụ Iại nơi khung trời ngay trên mái của nhà ga. Chiều nay thế nào cũng sẽ có mưa to cho mà xem.
Cơn gió nóng ẩm thổi đến, khiến tấm biển hiệu có chữ “Biblia” chầm chậm xoay vòng, phô ra mấy chữ “Tiệm sách cũ”.
Một ngày mới bắt đầu.
Sau khi vươn vai, tôi quay vào bên trong cửa tiệm trông hệt như một cái hang tạo nên từ những chồng sách lớn nhỏ. Tuy có hơi tối tăm nhưng dù sao cũng mát mẻ hơn ở bên ngoài.
Tôi - Gora Daisuke, đã làm việc ở tiệm sách cũ Biblia được ba ngày. Đến tận bây giờ tôi mới biết tiệm sách này khá nổi tiếng ở khu vực quanh đây nhờ việc mua bán những cuốn sách có giá trị. Xem trên mạng thì hình như còn có một triển lãm thư tịch mượn sách của tiệm để trưng bày nữa.
Một người có “cơ địa” dị ứng sách như tôi lại được làm trong một tiệm sách thế này, tất cả bắt đầu từ việc tôi đem bộ Soseki toàn tập mà bà để lại tới cho cô chủ tiệm Shinokawa Shioriko xem giúp.
Đối với cô ấy, ngoài câu chuyện được kể ở phần nội dung ra thì tự bản thân các cuốn sách cũ cũng sẽ mang theo những câu chuyện của riêng mình. Bí mật thân thế của tôi chứa đựng trong bộ Soseki toàn tập đã được cô đọc ra và giải thích một cách đầy sức thuyết phục. Shinokawa là cô gái có kiến thức rộng lớn về sách và óc quan sát nhạy bén, song cô lại vô cùng hướng nội, đến mức không thể nhìn vào mắt của người đối diện nếu chủ đề đang nói tới không phải là sách.
Ba ngày trôi qua một cách nhanh chóng.
Người trông coi cửa tiệm trước khi tôi tới là em gái của Shinokawa - Shinokawa Ayaka, ngoài việc chỉ cho tôi cách sử dụng máy tính tiền và chỗ để đồ dùng dọn dẹp ra thì chẳng hướng dẫn thêm gì khác nữa. Có vẻ cô bé cũng không rõ rốt cuộc thì công việc ở tiệm sách cũ gồm những gì, nhưng vẫn nghiêm túc theo dõi nhất cử nhất động của tôi. Chắc do hôm trước tôi vừa xuất hiện như một vị khách của tiệm, ấy vậy mà ngay ngày hôm sau đã trở thành nhân viên nên cô bé thấy tôi đáng nghi chăng?
Ngoài sách ra thì chị của em chẳng biết gì khác nữa đâu!
Cô bé cứ lặp đi lặp lại câu đó mãi khiến tôi cảm thấy hơi phiền.
Mấy hôm trước có trộm lẻn vào cửa tiệm nhà em đó! May mà chẳng mất gì nhưng khu này có vẻ kém an toàn hơn trước rồi”.
Theo giọng điệu thì nghe chừng cô bé đang nghi ngờ tôi là tên trộm nọ. Tôi thực sự muốn nhắc cho em ấy nhớ, rằng “Ban đầu, chính em là người đã bảo anh tới gặp Shinokawa ở bệnh viện cơ mà”. Song, rốt cuộc tôi vẫn nhịn được và tiếp tục làm việc trong im lặng. Dù sao thì tôi cũng lớn lên trong một quán ăn nên nếu cần thiết, tôi vẫn có thể giả vờ ra vẻ thân thiện trong mọi trường hợp.
Chẳng biết là vì đã bớt đề phòng tôi hay chỉ đơn giản là thấy việc cứ dính lấy tôi cả ngày quá phiền phức mà sáng hôm nay, cô bé không hề bước chân ra khỏi nhà chính để sang cửa tiệm.
Lúc này, xung quanh tôi vô cùng yên tĩnh. Khởi động cái máy tính bên cạnh quầy tính tiền lên để kiểm tra e-mail, tôi nhận được một bức thư dài từ Shinokawa. Bắt đầu bằng câu, “Chào buổi sáng. Tôi là Shinokawa”, sau đó là một loạt hướng dẫn về công việc trong tiệm sách cho tôi và cuối cùng kết thúc bằng, “Nhờ anh giúp cho. Nếu có vấn đề gì thì phiền anh gửi e-mail cho tôi nhé”.
Kể từ ngày đầu tiên đi làm cho đến nay, tất cả các hướng dẫn Shinokawa đều gửi cho tôi qua e-mail. Bệnh viện Đa khoa Ofuna nơi cô đang điều trị cấm sử dụng điện thoại di động trong phòng bệnh. Tất nhiên ở ngoài hành lang thì được phép, nhưng Shinokawa bị thương ở chân nên không thể tự rời khỏi giường được.
Thật ra tôi có thể tới bệnh viện nếu có ai đó tới mua hay bán sách, vấn đề là chẳng có vị khách nào như thế cả nên suốt ba ngày vừa rồi, tôi không hề có cơ hội nói chuyện với Shinokawa.
Công việc buổi sáng của tôi là chuẩn bị sách để giao theo đơn đặt hàng vì tiệm sách cũ Biblia có tên trong trang web tìm kiếm sách cũ, và phần lớn sách của tiệm đều có thể đặt mua qua mạng. Xem ra thì thu nhập của tiệm sách Biblia hầu hết đến từ những đơn đặt hàng qua mạng này, bởi thế nên dù vắng khách, cửa tiệm vẫn tiếp tục hoạt động được.
Cầm trên tay đơn đặt hàng của khách, tôi len lỏi giữa những chồng sách cao ngất để tìm các cuốn mình cần.
Sau vài ngày làm việc, tôi đã nắm khá rõ thể loại sách chủ yếu mà cửa tiệm hay mua bán. Đó là các sách chuyên ngành về văn học, lịch sử, triết học và mĩ thuật. Trong tiệm cũng có cả manga và sách thông thường, song toàn là những cuốn sách cũ mà tôi chưa nghe tên bao giờ.
Quay trở lại quầy tính tiền sau khi đã lấy được hết những cuốn sách trong đơn hàng, tôi cẩn thận đọc e-mail hướng dẫn của Shinokawa lần nữa, và bọc chúng lại.
Chuyện này nói ra thì đúng là hiển nhiên, song trong e-mail của Shinokawa, ngoài công việc ra thì chẳng còn gì khác nữa. “Nếu có vấn đề gì” trong e-mail của cô ấy, tôi nghĩ ý nghĩa của nó tương đương với “Nếu không có vấn đề gì thì làm ơn đừng liên lạc, cũng đừng tới bệnh viện tìm tôi”.
Nói cách khác, tôi mà mang mấy câu chuyện tầm phào tới phòng bệnh thì chắc Shinokawa sẽ chẳng thích thú gì lắm đâu. Tôi còn có thể tưởng tượng ra cảnh cô lí nhí đáp “Vậy à” rồi im lặng không nói gì nữa cơ. Dĩ nhiên, nếu về sách thì khác. Khi đó, nhất định cô sẽ vui vẻ kể chuyện với đôi mắt sáng long lanh, hệt như lúc tôi đưa bộ Soseki toàn tập cho cô xem vậy. Đó mới là điều tôi mong muốn.
“Xạch”.
Nghe tiếng cánh cửa trượt được kéo ra, tôi ngẩng mặt lên nhìn thì thấy một bà lão tóc bạc trắng mặc một chiếc đầm trơn thanh lịch đang bước vào tiệm với chiếc ô móc lủng lẳng ở cổ tay.
Tôi chưa nhìn thấy gương mặt này lần nào, nhưng có lẽ bà cũng sống ở gần đây. Trông bà như đang trên đường về nhà sau khi đi mua sắm với chiếc túi xách có in logo của một siêu thị bán hàng cao cấp trên tay. Tôi gật đầu đáp lại khi bà mỉm cười và gật đầu với tôi. Những vị khách xuất hiện ở đây vào tầm giờ sáng chỉ toàn những cụ già như thế này thôi.
Bà đi vòng vòng quanh tiệm, thi thoảng dừng lại ở chỗ này hay chỗ kia một lát, lật giở vài cuốn sách và xem lướt nội dung bên trong với vẻ hào hứng. Dẫu vậy, hình như bà vẫn không tìm được cuốn sách nào muốn mua nên lại gật đầu chào tôi một lần nữa trước khi kéo cửa trượt để đi ra ngoài.
Đúng lúc đó, một vị khách khác bước vào, bà lão vội tránh sang bên nhường đường.
Vị khách mới xuất hiện này có bộ dạng rất kì quái, khiến tôi phải dừng việc làm dở lại ngay lập tức. Đó là một người đàn ông nhỏ con trọc đầu với đôi mắt to hơi lồi. Nhìn những nếp nhăn trên làn da rám nắng, tôi đoán có lẽ ông ta đã gần sáu mươi tuổi. Ông mặc áo phông rộng thùng thình in hình cờ Liên hiệp Anh và quần bò xước gấu đi kèm một chiếc khăn màu hồng quanh cổ, trên tay là một chiếc túi cỡ to làm bằng vải buồm.
Mặc dù không biết ông khách nọ làm nghề gì, song nhìn bề ngoài thì hẳn không phải là một người làm công ăn lương đang trong ngày nghỉ.
Bà lão ban nãy có vẻ cũng sửng sốt không kém gì tôi, cố gắng lách qua người đàn ông trọc đầu kia như muốn chạy trốn khỏi chỗ này càng nhanh càng tốt. Bất thình lình, ông khách nọ túm lấy cánh tay của bà lão, nói bằng giọng trầm thấp đầy vẻ hăm dọa khiến mặt bà trắng bệch.
- Này mụ già, đợi chút đã nào.
Tôi vội vàng đứng dậy, không thể ngờ được ở một tiệm sách cũ giữa ban ngày ban mặt thế này chứ không phải trong mấy con phố nhộn nhịp về đêm mà cũng có lúc xảy ra chuyện như vậy.
- Ông làm gì thế!
Tôi đang định kéo tay người đàn ông kia ra khỏi bà lão thì bỗng nhiên ông ta nghiến răng rồi quát lên.
- Thằng đần! Mày túm tao làm gì hả? Nhìn đây này!
Ông ta giật lấy cái túi đựng đồ mua sắm của bà lão rồi rút thứ đang nằm trên cùng ra ngoài.
Suýt chút nữa thì tôi bật kêu thành tiếng vì quá kinh ngạc. Ấy là một cuốn sách lớn đang nằm trong hộp, có nhan đề Khảo hiện học, tác giả là Kon Wajiro và Yoshida Kenkichi. Vì tên sách khá lạ nên tôi vẫn còn nhớ rõ ràng vừa nãy nó nằm ngay trên giá gần quầy tính tiền. Tôi quay đầu lại nhìn thì thấy chỗ đó trống trơn, cũng có nghĩa bà lão này đã lấy trộm.
- Ôi... - Bà lão rên rỉ.
Thì ra bà ấy giả vờ đi vòng quanh tiệm sách để tìm thứ gì đó có thể trộm được. Tôi cảm thấy ngạc nhiên hơn là tức giận, bởi lẽ tôi vẫn thường nghĩ chỉ có học sinh cấp hai, cấp ba mới làm những việc như ăn cắp trong cửa hàng chứ không ngờ rằng một bà lão đã có tuổi thế này mà lại...
- Bỏ qua cho tôi đi.
Đột nhiên, bà nở nụ cười theo kiểu cầu xin sự thương hại. Phong thái quý phái, thanh lịch ban nãy đã biến đi đâu mất. Có lẽ đây mới là bản chất thật của bà ta.
Bà van nài:
- Tôi không muốn ăn trộm đâu, nhưng tới ngần này tuổi rồi thì cũng có lúc bị hoàn cảnh xô đẩy thôi. Cậu làm ơn thông cảm cho tôi một chút đi, được không?
Tôi cảm thấy khó xử. Trong trường hợp này, giao bà lão cho cảnh sát xử lý là đúng với phép kinh doanh nhất, song tôi lại hơi áy náy. Có lẽ do được bà ngoại nuôi nấng từ nhỏ nên tôi thường yếu lòng trước những phụ nữ lớn tuổi chăng?
- Có già cũng đừng lấy đó làm cớ! - Ông khách nọ nói với giọng điệu cay nghiệt, - Trên đời thiếu gì người có tuổi, mà chẳng mấy ai mặt dày được như mụ đâu! So với đi ăn trộm sách thì ở nhà nuôi gà bán còn có ích hơn đấy!
Thấy ông khách còn giận dữ hơn cả nhân viên tiệm sách là tôi và đang vươn tay định tóm lấy bà lão một lần nữa, tôi đành phải ngăn cản ông ta vì sợ xảy ra chuyện không may. Trong lúc chúng tôi giằng co, bà lão tranh thủ gật đầu, “Xin lỗi đã làm phiền”. Dứt lời, bà chạy như bay ra khỏi cửa tiệm, thoắt cái đã biến khỏi tầm mắt. Tôi cuống cuồng đuổi theo, nhưng không thấy bóng dáng bà lão đâu nữa. Tốc độ bỏ trốn của bà ta thật không tương xứng với tuổi tác chút nào.
Vừa quay vào tiệm, tôi đã nghe ông khách nọ nói:
- Này, có vẻ mụ ta là dân thường xuyên đi ăn trộm đấy nhé. Chú mày phải lo cảnh giác đi chứ. Có mỗi cái việc trông tiệm thôi mà cũng không làm ra hồn được à?
- Cháu xin lỗi ạ.
Tôi cúi thấp đầu. Tuy biết ơn vì ông đã ngăn chặn kẻ trộm sách giúp tôi, nhưng tại sao ông ta lại dạy bảo tôi như vậy nhỉ? Rốt cuộc thì người đàn ông này là ai? Có vẻ nhận ra ánh nhìn đầy nghi hoặc của tôi, ông ta chỉ tay vào ngực mình, “Tao tên là Shida, khách quen của tiệm”.
Nói xong, người đàn ông tự xưng là Shida đó tiến lại phía quầy tính tiền rồi lần lượt đặt từng cuốn sách khổ bunko lên trên mặt quầy. Tổng cộng có khoảng bảy, tám cuốn.
- Mấy cuốn này... ông cần gì ạ?
- Chú mày nhìn mà không hiểu hả? Tao tới để bán sách.
Tim tôi đập rộn cả lên. Vậy là tôi có cơ hội để vào bệnh viện gặp Shinokawa rồi. Nghĩ thế, tôi vui vẻ quay trở vào trong quầy.
- Người định giá sách hiện đang vắng mặt. Xin hãy để lại sách ở đây và quay lại vào ngày mai.
- Chuyện đó tao biết rồi. - ông Shida sốt ruột ngắt lời, - Bị thương ở chân nên phải nằm viện đúng không? Chú mày là nhân viên mới à? Chắc phải thích công việc ở đây lắm nhỉ. Có thấy con bé chủ tiệm kì quái không? Tao chưa thấy ai làm chủ tiệm sách mà nhát cáy như thế cả.
Rồi, ông tự với tay vào tận trong quầy, rút từ kệ đựng giấy ra một tờ phiếu thu cho khách ghi lại những cuốn mà họ mang tới tiệm để bán. Có vẻ đây đúng là khách quen của tiệm thật, ông Shida này còn biết rõ vị trí đồ đạc trong tiệm hơn cả tôi nữa.
Ông Shida viết rất tháu. Trong lúc ông hí hoáy điền thông tin lên phiếu thu, tôi dừng ánh mắt trên tay phải ông, thấy ngón nào ngón nấy đều bong tróc và nứt nẻ, móng tay dài bám đầy bụi bẩn đen sì. Đó là bàn tay của một người có cuộc sống vất vả.
- Xong rồi này. - ông Shida đưa tờ phiếu cho tôi.
Địa chỉ ghi trên đó là “Gầm cầu, Bờ biển Kugenuma, Thành phố Fujisawa”. Tôi nghiêng nghiêng đầu, cảm thấy khó hiểu vì dẫu biết rõ về khu vực quanh bờ biển Kugenuma, song tôi chưa từng nghe thấy địa danh “Gầm cầu” bao giờ.
- Cho cháu hỏi, đây là chỗ nào mà nghe lạ vậy ạ? - Tôi hỏi, và chợt nhận ra phần điện thoại liên lạc bị bỏ trống.
- Này nhé, sông Hikiji chảy theo hướng này đúng không? Có một cây cầu bắc ngang sông đối diện bờ biển Kugenuma ấy. Chú mày biết chỗ đó chứ hả? Từ đường quốc lộ ven biển đi về phía thượng nguồn một chút. - Ông Shida vừa nói vừa vung tay vẽ một cái bản đồ vào không khí.
- Vâng.
- Nhà tao dưới cái cầu đó.
Tôi nhìn ông chòng chọc, như thể muốn dùng mắt mình đục một lỗ trên gương mặt ông ta. Phải mất một lúc lâu tôi mới hiểu được ý ông là gì. Tóm lại, đứng trước mặt tôi là một người đàn ông vô gia cư.
- Mấy cuốn này tao vừa lấy được đấy. Tao là sedori mà.
- Sedori?
Nghĩa là sao? Tôi thắc mắc. Tuy nhiên, ông Shida không trả lời tôi mà chỉ đập bồm bộp lên mấy cuốn sách với nụ cười rạng rỡ.
- Chú mày cứ mang sách tới bệnh viện nhờ chủ tiệm định giá giúp tao, Nhìn thế này thôi chứ chúng có giá ra phết đấy. Con bé sẽ thích lắm cho mà xem.
- À, thế ạ...
Tôi đang định hỏi “sedori” là nghề thế nào thì ông Shiđa bỗng dựa sát vào quầy tính tiền như thể sợ có người nghe thấy điều ông sắp nói, trong khi ở đây ngoài tôi ra thì chẳng còn ai nữa cả. Đúng là kiểu người làm gì cũng ra vẻ thái quá.
- Lần bán sách này, tao có chút chuyện muốn nhờ. Chú mày chuyển lời tới chủ tiệm giúp tao nhé?
- Dạ?
Tuy không hiểu lắm, nhưng tôi cũng chẳng có cơ hội mở miệng hỏi lại nữa vì ông Shida đã bắt đầu liến thoắng:
- Tao là khách hàng thân thiết nên chắc được chứ hả? Chẳng là hôm kia...
Tôi đành im lặng lắng nghe.

Buổi chiều cùng ngày, tôi mang sách của ông Shida tới bệnh viện. Tôi có thể đi gặp Shinokawa sớm như vậy là bởi vào đầu giờ chiều, Ayaka đã xuất hiện và bảo vì không có hoạt động ngoại khóa nào nên sẽ giúp tôi trông tiệm.
Tôi gõ cửa và nghe thấy giọng nói nhỏ xíu của Shinokawa từ trong phòng vọng ra. Dẫu âm thanh không rõ lắm nhưng vẫn chắc chắn được là cô đang ở bên trong.
Mặc dù khó khăn lắm mới có cơ hội đến gặp, tôi lại không hào hứng mấy do cứ nghĩ mãi về vị khách tên Shida lúc sáng, và cả lời “nhờ vả” của ông ta nữa.
- Tôi là Gora. Xin phép cô, - Tôi vừa nói vừa mở cửa, - Là về chuyện định giá sách tôi đã nhắc đến trong e-mail...
Tôi chợt sững người khi nhìn thấy Shinokawa đang ngồi trên giường, dùng một cái khăn tắm lau tóc. Làn da trắng muốt của cô ửng hồng, hẳn là mới tắm xong. Vừa nhận ra sự có mặt của tôi, cô liền cứng người, bất động.
- Xin lỗi. Tôi sẽ đợi ngoài hành lang. - Tôi luống cuống quay ra ngoài.
- K... không sao. Mời anh vào... - Cô gọi giật lại bằng giọng bé xíu như muỗi kêu.
Shinokawa chỉ cho tôi ngồi xuống chiếc ghế tròn cạnh giường, mặt cúi gằm khiến mái tóc đen bóng còn ướt của cô lọt thẳng vào tầm mắt tôi. Tôi vô thức nuốt nước bọt đánh ực.
- T... tôi vừa tắm. Tôi nghĩ là anh sẽ tới muộn hơn nên... À... Xin lỗi anh.
Tôi đoán cô muốn nói là vì nghĩ tôi sẽ đến đây muộn hơn nên vừa rồi mới đi tắm, và xin lỗi khi đã để tôi bắt gặp cô trong tình trạng chưa chỉnh tề.
- Không. Tôi là người phải xin lỗi cô mới đúng.
Tôi đã tới sớm hơn dự định vì có Ayaka trông tiệm hộ. Tôi húng hắng ho vài tiếng bởi nếu cứ im lặng thì bầu không khí sẽ trở nên ngượng nghịu.
- Cô được dùng phòng tắm của bệnh viện sao?
Shinokawa khẽ gật đầu. Mùi hương từ mái tóc mới gội bay thoang thoảng qua cánh mũi tôi.
- Là trợ lý...
Cô lí nhí trong lúc gấp chiếc khăn tắm lại. Chắc ý cô là trợ lý y tá đã xin giúp. Chẳng biết có phải do căng thẳng quá không mà đột nhiên Shinokawa hít một hơi thật sâu khiến bầu ngực nhấp nhô ẩn hiện sau lớp vải mỏng manh của bộ pyjama. Ngay lập tức, mắt tôi tự động hướng theo chuyển động đó. Tôi cứ tưởng vóc người nhỏ nhắn thế kia thì cũng phải nhỏ lắm chứ, xem ra tôi nhầm rồi... Ôi không, hâm à? Tôi thầm nghĩ. Cứ nhìn chòng chọc như vậy thì sớm muộn gì cũng bị phát hiện cho mà xem. Phải vào vấn đề chính ngay thôi.
- Sách khách nhờ xem giúp đây ạ.
Tôi đưa cho cô cái túi đựng sách đang cầm. Thành thật mà nói, tôi vẫn bán tín bán nghi vì mấy cuốn ông Shida mang tới trông không có vẻ gì là “có giá” đến mức khiến ông ta phải tự đắc cả, chưa kể còn không cổ cho lắm.
Nào ngờ, vừa nhìn thấy mấy cuốn sách trong túi, gương mặt Shinokawa đã thay đổi hẳn.
- Oa, tuyệt quá!
Cô reo lên vui thích, y hệt mấy đứa trẻ lúc nhận được quà Giáng sinh, thậm chí còn ôm chúng vào lòng. Gáy sách ấn lõm vào ngực áo cô khiến tôi càng thêm lúng túng vì không biết nên nhìn đi đâu.
- Anh xem này!
Mắt sáng long lanh, cô chìa cho tôi xem bìa của mấy cuốn sách. Đó là mấy đầu sách của hai nhà xuất bản Chikuma Bunko và Mỹ thuật Kodansha, có bộ ba tập Những người bạn chung của Charles Dickens, hai tập Sự xuất hiện của sách được viết bởi Lucien Febvre và Henri-Jean Martin, Chuyện ở Nishotei (tái bản có sửa chữa) của Shikiba Ryuzaburo, hai tập Bách quỷ của Sugiyama Shigemaru. Tất cả đều có vẻ khô khan. Chẳng hiểu chúng tuyệt ở chỗ nào nữa.
- Là đồ hiếm à?
- Đúng đấy. Mỗi cuốn cũng phải từ 2000 đến 3000 yên.
- Gì? Thật thế á?
Tôi cảm thấy ngạc nhiên. Giá cao hơn tôi tưởng nhiều. Cũng tại trông chúng còn khá mới nữa.
- Mấy cuốn này nổi tiếng lắm, lại chưa tái bản lần nào. Tuy bây giờ vẫn có thể mua được bản bìa cứng nhưng không thể chỉ với 2000 đến 3000 yên đâu. Những cuốn bunko tuyệt bản* kiểu này được săn lùng ráo riết trên thị trường sách cũ.

[Tuyệt bản: sách không còn trên thị trường, cũng không tái bản nữa]

Tôi lập tức nhớ lại gương mặt đắc ý của Shida. Không ngờ một kẻ trông đáng ngờ như ông ta lại có mắt nhìn sách như thế. Không biết làm thế nào mà ông ta tìm được mấy cuốn này nhỉ? Những gì ông ta đã nói với tôi chỉ đơn giản là “Tao tìm thấy chúng ở quanh quanh đây” thôi.
- Một vị khách tên Shida đã mang chúng tới tiệm sáng nay.
- Quả nhiên! Tôi cũng nghĩ là ông ấy. - Shinokawa nói, nghe như đang vui vẻ, - Ông ấy rành về loại sách này mà.
- Rành? Ông ấy là người thế nào vậy?
- Ông Shida là một sedori. Ông ấy không nói với anh sao?
- Có nói. Nhưng, “sedori” nghĩa là gì?
Tôi không có cơ hội để hỏi trực tiếp. Nói đúng hơn là, ông Shida không chừa cho tôi chút thời gian nào để mở miệng cả.
- Là những người chọn sách giá rẻ ở tiệm sách cũ này rồi bán lại cho tiệm khác với giá cao hơn. Ngày nào ông Shida cũng đi lòng vòng khắp vùng để tìm những tiệm sách cũ mới mở đó.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến hình thức kinh doanh như của ông Shida. Thì ra có người kiếm tiền mưu sinh bằng cách ấy à?
- Vì sao lại gọi là “sedori”?
- Có nhiều cách giải thích, song chắc là tại thao tác công việc của họ, cứ nhìn gáy sách rồi chọn thôi, ông Shida thường chỉ mua đi bán lại những cuốn tuyệt bản. Về phương diện ấy, có lẽ ông Shida còn tường tận hơn tôi nhiều.

[Gọi tắt của “Sebyoshi Tori”, có thể hiểu đại khái là “đi lướt qua các giá, chọn sách chỉ bằng việc nhìn các gáy sách”]

-...
Tóm lại thì ông Shida là một vị khách đáng cảm kích thường bán sách quý hiếm cho tiệm chúng tôi. Tôi cảm thấy khá hối hận vì đã không nghe những lời ông nói với thái độ nghiêm túc hơn.
- Ông Shida có yêu cầu khác nữa phải không?
- S... sao cô biết?
- Lần nào tới bán những cuốn sách có giá trị ông ấy cũng thế mà, như là đòi đổi cho vài cuốn tuyệt bản khác chẳng hạn. Đúng không?
Shinokawa hỏi tôi với nụ cười tủm tỉm. Hẳn là ông Shida thường xuyên nhờ vả như vậy rồi. Tất nhiên trong việc đi mua bán lại sách cũ như ông thì giữ mối quan hệ kiểu này với các tiệm sách sẽ rất có lợi.
- Ừm... Tôi nên nói như thế nào nhỉ? Đúng là về sách tuyệt bản...
Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Đó là một lời nhờ vả hơi, à không, rất kì quặc thì đúng hơn.
Tôi bèn lấy mảnh giấy nhớ từ trong túi quần ra đọc cho Shinokawa nghe. Tôi đã chép lại để tránh quên mất nội dung nhắn gửi của ông Shida.
- Bản in đầu tiên của cuốn Người đi mót lúa - Thánh Andersen của Koyama Kiyoshi khổ bunko.
- Chắc là tập truyện ngắn do Shincho Bunko phát hành rồi. Bản in đầu tiên phát hành năm Chiêu Hòa thứ 30. - Shinokawa lập tức tiếp lời bằng những thông tin chi tiết, - Nếu là cuốn đó thì trong tiệm vẫn còn. Nó cũng không hiếm lắm.
Tôi lắc đầu.
- Ông ấy nhờ tôi chuyển lời cho cô, “Sách của tao bị lấy trộm mất rồi, hãy giúp tao tìm lại nó”.
- Ơ?
Mắt cô chớp lia lịa. Tôi thầm sắp xếp lại trong đầu câu chuyện dài mà ông Shida kể lúc sáng. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi tường thuật thật chính xác những gì đã xảy ra kể từ lúc ông ta bước chân vào tiệm.

Tao không có tiền, cũng không còn trẻ trung nữa, nhưng tao thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tao không làm phiền ai và có thể tự nuôi sống bản thân. Không phải ai có tuổi rồi cũng than vãn cái kiểu như con mụ ăn trộm sách ban nãy đâu.
Có một cuốn sách mà dù thế nào thì tao cũng sẽ không bán nó cho người khác. Ai cũng có một cuốn sách mà họ quý trọng, đúng không? Với tao thì đó là tập truyện ngắn Người đi mót lúa - Thánh Andersen của Koyama Kiyoshi. Chú mày thì... chắc chưa đọc bao giờ đâu nhỉ? Quả là đồ thiếu hiểu biết.
Tao coi nó như bùa hộ mệnh nên đi đâu cũng cho vào túi, để lúc nào muốn thì đều có thể đọc được ngay. Khổ thay, nó bị trộm mất rồi. Mới hôm kia thôi”.
“Đằng kia. có thanh chắn tàu Kobukuroya đúng không?”, ông Shida vừa nói vừa chỉ tay về hướng Tây Bắc, “Thấy cái đường quốc lộ mà thanh đó chắn ngang không? Đi thẳng đường quốc lộ, tới ngã tư đầu tiên thì rẽ trái, sẽ thấy một bến xe buýt chở khách đến ga Ofuna, đối diện bến xe là một ngôi chùa. Chiều hôm kia tao có đạp xe tới đó”.
“Tại sao tao lại tới chùa ấy hả? Là do công việc, công việc đấy. Gần đây tao mới quen một người làm cùng nghề, bọn tao định trao đổi sách ở đó. Tập cuối bộ Sự xuất hiện của sách tao mang tới hôm nay là lấy từ gã chứ đâu”.
“Gì? Chú mày thắc mắc sao chỉ mua mỗi tập cuối thôi á? Những cuốn tuyệt bản kiểu này, càng là phần sau thì càng hiếm nhé. Chỉ có đứa mua được tập đầu và không mua được tập sau thôi chứ không bao giờ có chuyện ngược lại đâu. Số lượng tập cuối trên thị trường lúc nào cũng ít nhất nên giá của nó cao lắm đấy.
Bọn tao hẹn nhau ở trước cổng chùa. Tao tới trước, dựng xe dưới cây tùng cạnh cổng chùa để đợi tên kia. Xung quanh chẳng có ai nên khá yên tĩnh. Tao không có đồng hồ, nhưng chắc chắn lúc ấy là gần 2 giờ chiều, ở Kamakura này thì ngôi chùa đó không được coi là to đâu nên gần như chẳng ai thèm tới tham quan cả, nhất là lúc nắng cháy da đầu như chiều hôm kia. Tao ngồi dưới tán cây tùng còn đỡ chứ cái đứa đứng chờ xe buýt ấy hả, nhìn mặt nó cứ như sắp chết ngất đến nơi. Bấy giờ rảnh quá nên tao định lấy sách ra đọc. Túi đồ tao để ở giỏ xe, tất nhiên cuốn sách của Koyama Kiyoshi cũng nằm bên trong. Tao vừa mở túi thì bỗng dưng đau bụng. Kể ra miệng hơi bất lịch sự, song tao bị tiêu chảy mấy hôm nay rồi. Tao cũng chú ý ăn uống lắm chứ, khổ nỗi trời nóng thế này, mà chỗ tao làm gì có tủ lạnh đâu. Quanh chùa không có cửa hàng tiện ích hay nhà vệ sinh công cộng nên tao quyết định vào chùa, nghĩ rằng thể nào cũng có nhà vệ sinh dành cho khách tới viếng. Đồ đạc trong túi nhìn chẳng có gì đáng giá lắm nên tao đã tưởng không ai thèm lấy và cứ để nguyên túi trong giỏ xe. Giờ nghĩ lại thì đúng là một sai lầm lớn mà...
Tao vừa bước qua cửa, chạy vội vào con đường dẫn lên chùa thì bỗng dưng sau lưng “rầm” một tiếng, ngoái lại thì thấy cái xe đạp của tao với một con bé đã cùng ngã lăn ra đất. Chắc con bé đâm sầm vào cái xe đạp vì tao dựng hơi bị chìa ra đường đi bộ một tí. Thế là tao gào lên với nó, “Có sao không?”. Con bé tầm 16,17 tuổi gì đấy, tóc ngắn và khá cao. Nếu nó không mặc váy thì đảm bảo với chú mày tao sẽ tưởng nó là con trai. Đồ đạc của tao lẫn của con bé văng tung tóe trước cổng chùa, tất nhiên là cả cuốn sách cũng nằm trong đống đấy luôn. Tao gào lên nhờ nó, “Này, nhấc cái xe lên hộ cái!”. Tại sao thì... Còn phải hỏi à, lúc ấy tao sắp chịu hết nổi rồi, làm gì còn sức quay lại dựng xe lên nữa. Song, con bé đã mặc kệ đồ đạc của tao, chỉ chăm chăm nhặt đồ nó và kiểm tra bên trong túi. Cái túi đấy bằng giấy, màu hồng, không có hoa văn, tao chẳng biết bên trong có gì, nhưng trông bề ngoài sang lắm.
Sau đó, con bé bắt đầu nhìn quanh quất như đang tìm thứ gì quan trọng, rồi nhặt luôn một món đồ từ đống hỗn độn trên đất lên, chạy mất hút. Thật ra lúc đấy tao đã thấy hơi nghi nghi, vì cái mà nó nhặt lên sau cùng trông có vẻ giống một cuốn sách. Đến lúc tao đi vệ sinh xong quay lại thì người tao hẹn cũng đã tới và nhặt hết đồ giúp tao rồi. Tao cảm ơn người ta rồi kiểm tra đồ đạc trong túi mình thì không thấy cuốn sách của Koyama Kiyoshi đâu nữa. Khi ấy tao mới nhận ra là cuốn sách đã bị con bé lấy rồi.
Tao hỏi gã đồng nghiệp mới quen, gã nói đúng là lúc nãy đi ngang qua một con bé dáng cao cao. Hình như nó băng sang bên kia đường để đến bến xe buýt. Tất nhiên lúc tao phát hiện mất sách thì ở bến xe chẳng còn ai cả. Sau khi tạm biệt gã kia, tao quay lại đường cũ để kiểm tra xem cuốn sách có rớt ở đâu không. Không thấy đâu hết, tức là tao thực sự không làm rơi cuốn sách trên đường đến điểm hẹn, chỉ còn một khả năng là con bé kia đã cầm cuốn sách lên xe buýt rồi thôi. Tóm lại là giờ tao không biết làm thế nào để tìm lại cuốn sách nên tao mới muốn nhờ...”
“Hả? Chú mày hỏi tại sao con bé lại ăn trộm cuốn sách á? Quá rõ rồi còn gì? Nhất định nó đã nghĩ đấy là sách cổ có giá trị nên muốn lấy để đem bán chứ sao nữa.
Tao đoán thế, với lại tính ra thì tiệm sách cũ gần ngôi chùa nhất chính là tiệm nhà mày nên nếu con bé kia tới bán cuốn sách của Koyama Kiyoshi thì chú mày cứ mua nó rồi giữ giùm tao nhé? Tao sẽ trả tiền.
Cảnh sát á? Không, tao không muốn báo cảnh sát. Tao có cần bắt đứa ăn trộm đâu? Tao chỉ muốn lấy lại cuốn sách thôi. Ai cũng có lúc bốc đồng mà! Ờ thì, thật ra tao cũng muốn mắng nó vài câu...
Thôi, tóm lại chú mày cứ chuyển lời với chủ tiệm hộ tao. Chiều tối nay tao sẽ quay lại. Giờ thì chào nhé!.

- Chuyện là vậy đấy. Cô nghĩ sao?
Sau khi kể một mạch đến hết đầu đuôi sự vụ, tôi mới bắt đầu quan sát Shinokawa. Cô đặt cả hai tay lên đầu gối, bộ dạng cho thấy đang suy nghĩ rất lung.
- Ông Shida quả là thích Koyama Kiyoshi nhỉ. Nghe chuyện ông ngăn chặn vụ ăn trộm trong tiệm xong tôi mới để ý tới điều đó. - Cô nói với vẻ nghiêm túc làm tôi suýt gật đầu đồng ý theo bản năng.
- Ơ? Việc ấy thì liên quan gì đến yêu cầu của ông Shida?
Nó chỉ là chuyện tôi tiện thể kể thêm trong lúc truyền đạt “yêu cầu” của ông Shida thôi mà.
Shinokawa vừa cười vừa lắc đầu:
- Trong tập truyện ngắn của ông Shida cũng có câu chuyện “Người đi mót lúa” được in tên trên bìa. Anh có biết nội dung của nó ra sao không?
- Không.
- Đấy là truyện ngắn viết về cuộc sống thường ngày của một nhà văn nghèo khổ. Tất nhiên hình mẫu của nhân vật nhà văn là chính tác giả rồi. Nhà văn đã gặp một cô gái trẻ ở tiệm sách cũ và nhận được một món quà nhân dịp sinh nhật từ cô gái ấy, Lúc anh ta mở gói quà ra... A! Xin lỗi anh, tôi lại lạc đề rồi.
Chẳng biết từ khi nào tôi đã chồm cả người về phía trước, bị thu hút bởi chuyện anh nhà văn gặp gỡ cô gái ở tiệm sách cũ, cũng tò mò không biết anh ta mở gói quà ra xong thì chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, Shinokawa chỉ đằng hắng vài tiếng rồi chuyển chủ đề.
- Quay lại chủ đề cũ, trong phần mở đầu của “Người đi mót lúa” có một đoạn như thế này... - Cô hướng mắt ra ngoài cửa sổ, kể lại phần đó một cách liền mạch. - Nếu có thể, tôi muốn mình già đi thật nhanh, tới khi lưng đã còng và chẳng thể làm được gì nữa. Tôi của khi ấy có lẽ sẽ nuôi gà để kiếm sống. Thế nhưng dẫu có già, tôi cũng không bao giờ than vãn rằng đời không như ý muốn đâu.
Tôi há hốc mồm, sửng sốt. Rõ ràng giống hệt những lời ông Shida đã nói với bà lão kia. Lúc ấy tôi đã thắc mắc là tại sao bỗng nhiên ông lại nghĩ tới việc nuôi gà. Song, thực tế, tôi còn ngạc nhiên vì một chuyện khác.
- Cô nhớ hết tất cả những gì từng đọc sao?
Shinokawa cuống quýt xua tay:
- Kh... không có chuyện đó đâu. Nhớ hết tất cả thì có mà... Tại cuốn đó hay nên tôi nhớ một vài trang thôi.
- Chẳng phải thế cũng đã là quá giỏi rồi à? Tôi chưa thấy ai làm được như cô cả.
Tôi nghĩ sao nói vậy, nhưng phản ứng của Shinokawa vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Cô há miệng đầy ngạc nhiên, mặt đỏ bừng vì xấu hổ.
- Anh khen nghe kì cục quá.
- Ơ? Vậy à?
- Đây là lần đầu tiên tôi được khen giỏi.
Cô ngước mắt nhìn tôi qua cặp kính, song ngay khi bắt gặp ánh mắt tôi thì lại cúi đầu. Cô mà cứ tiếp tục làm bộ dạng dễ thương như thế thì chắc tôi phát điên mất thôi.
- Th... thôi, chúng ta quay lại chuyện giúp đỡ ông Shida nhé.
Bầu không khí ngượng ngập vây quanh chúng tôi làm Shinokawa phải đằng hắng thêm mấy cái nữa rồi mới chuyển chủ đề được.
- Anh Gora này, anh nhớ để ý giúp nếu có người tới bán cuốn Người đi mót lúa - Thánh Andersen nhé. Vả lại... - Cô cau mày sau tròng kính, - Tôi có chút thắc mắc.
- Thắc mắc?
- Có thật là cô bé ấy ăn trộm sách chỉ vì tiền không?
Thật ra tôi cũng có chung thắc mắc. Một người làm nghề như ông Shida thì có thể, nhưng với người bình thường, chẳng mấy ai nảy ra ý tưởng lấy trộm một cuốn sách cũ vừa mới nhìn thấy để đem bán lấy tiền cả.
- Hơn nữa, tôi cũng thấy lạ khi cô bé chỉ lấy duy nhất một cuốn. - Shinokawa nói tiếp, - Ông Shida tới đó để trao đổi sách với một người khác, tức là phải mang theo nhiều cuốn có giá trị. Nếu cô bé cần tiền thì sao không lấy luôn những cuốn kia? Anh có thấy bất thường không?
Tôi gật đầu. Quả thật!
Chẳng biết từ lúc nào Shinokawa đã chuyển tư thế từ khoanh tay trước ngực sang chống cả hai tay xuống giường và hơi vươn người về phía trước, trông giống hệt dáng chụp ảnh áo tắm cho tạp chí của mấy cô người mẫu. Tôi vội vàng xua đi liên tưởng vừa xuất hiện trong đầu.
- Sa... sao nữa?
- Tôi thấy nếu chỉ chờ thôi thì khó mà lấy lại được cuốn sách của ông Shida. Anh nghĩ sao nếu chúng ta đi tìm cô bé?
- Ơ!
Tôi chưa hề nghĩ tới việc này. Có cần thiết phải phiền phức thế chỉ vì ông già sedori kia không? Dù vậy, tôi vẫn cố gắng nuốt ngược câu “Thôi đừng” vào bụng. Nhìn đôi mắt mở to sau cặp kính của Shinokawa, tôi tự nhủ, thôi thì đây cũng là một cái cớ hay để tôi tới gặp cô ngay cả khi tiệm chẳng có sách để định giá.
Vả lại, tôi hơi hơi hứng thú với việc truy tìm kẻ trộm.
- Thế chúng ta cùng tìm nhé. Thật ra tôi cũng đang có ý đó. - Tôi trả lời với vẻ cương quyết.
Nói dối một chút chẳc không sao đâu nhỉ? Tôi nghĩ. Bởi vì, Shinokawa đã mừng tới mức chắp cả hai tay trước ngực rồi.
- Cảm ơn anh nhiều lắm. Tôi biết là người như anh Gora chắc chắn sẽ nói vậy mà!
Tôi chú ý tới cách nhận xét của cô về mình. Thì ra tôi được tin tưởng đến thế sao? Đang vui vui trong lòng thì lại nghe cô nói tiếp.
- Mà, nếu không phải để bán, cô bé ấy ăn trộm cuốn sách để làm gì nhỉ? Anh Gora nghĩ sao?
Đột ngột nghe hỏi, tôi cứng họng. Tôi vốn đang thụ động đợi nghe cô suy luận như lần mang bộ Soseki toàn tập tới đây thôi.
- À... Tôi nghĩ... Cô bé lấy về để đọc chăng? Bởi muốn đọc mà không có tiệm nào bán chẳng hạn?
- Không phải vậy đâu. - Shinokawa lập tức phủ định, mắt vẫn sáng long lanh, vẻ mặt đó làm tôi bị thuyết phục luôn và chẳng buồn hỏi lại lần nữa.
Cô nói:
- Cuốn sách này không phải hàng hiếm nên sẽ không khó để tìm thấy nó ở các tiệm sách cũ, chưa kể nó từng được tái bản một lần vào khoảng mười lăm năm trước rồi.
- Thế thì... À, đúng rồi. Có khi nào cô bé tưởng nhầm là sách của mình rồi cầm đi không? Ông Shida bảo là cô bé cũng làm rơi đồ của mình. Biết đâu cô bé cũng có một cuốn giống hệt nên đã cầm nhầm chăng?
- Tôi cũng nghĩ tới khả năng ấy rồi. Nhưng nếu vậy thì sách của cô bé phải nằm lại trước chùa chứ. Nhất định phải có một nguyên nhân khác.
- Ừm...
Tôi không nghĩ ra được giả thiết nào nữa. Trí tưởng tượng của tôi chỉ có nhiêu đó thôi. Mà không, chờ đã, thế không phải kì lạ lắm sao?
- Nếu không phải để bán cũng không phải để đọc thì cô bé lấy trộm cuốn sách làm gì cơ chứ?
- Tôi nghĩ đó chính là mấu chốt của vụ việc. - Shinokawa hăng hái nói, - Lý do lấy trộm sách có thể là manh mối để tìm được cô bé đấy. Chúng ta phải tìm ra lý do ấy trước đã.
- Ơ, tìm bằng cách nào?
- Từ câu chuyện của ông Shida, tôi phát hiện ra vài điều. - Nói đoạn cô giơ ngón trỏ lên. Mắt tôi tự động nhìn vào đầu ngón tay nhỏ nhắn đó. - Đầu tiên, cô bé có vẻ đang vội. Đâm vào một chiếc xe đạp đang dựng trên vỉa hè đến mức ngã lăn ra đất được thì hẳn cô bé đang phải chạy rất nhanh.
- Chắc vậy. - Tôi vừa gật đầu thì cô giơ tiếp ngón giữa lên.
- Thứ hai, xe buýt sẽ tới bất cứ lúc nào. Ông Shida kể là có người đứng chờ ở bến xe buýt. Nói cách khác, có thể lúc ấy cô bé đang vội chạy tới đó.
Tôi dần dần hiểu ra. Nhìn thấy có người đứng chờ nên muốn chạy nhanh đến bến xe do sợ lỡ chuyến cũng là chuyện bình thường.
- Chưa hết, tôi thấy có chỗ hơi khó hiểu thế này. Nếu vội đến mức ấy thì tại sao cô bé không chạy đi luôn sau khi đứng dậy và gom đồ mà còn đứng lại kiểm tra những thứ trong túi và nhìn ngó xung quanh nữa.
- À đúng rồi. Ông Shida kể là trông cô bé như đang tìm cái gì đó quan trọng.
- Có điều cô bé ấy không nhặt đồ mình làm rơi mà lại nhặt sách của ông Shida. Tôi nghĩ còn một khả năng khác nữa. - Shinokawa chậm rãi nói, - Ví dụ như không phải cô bé tìm đồ mình đã đánh rơi, mà là bởi thứ-gì-đó-trong-túi-bị-hỏng sau cú ngã thì sao?
- Hỏng? Cái gì bị hỏng cơ?
- Tôi không biết. Nhưng trong trường hợp đó, cô bé nhìn xung quanh là vì muốn tìm một thứ thay thế hoặc dùng nó để sửa thứ đã bị hỏng. Kết quả là cô nhặt cuốn sách của ông Shida.
Tôi cứ nhìn đăm đăm vào Shinokawa. Nhớ lúc đem bộ Soseki toàn tập tới đây, cô gái này cũng đã suy luận được nhiều điều từ một manh mối nhỏ nhặt mà không cần bước ra khỏi phòng bệnh lấy một bước.
Song, có một chuyện tôi vẫn chưa hiểu.
- Cuốn sách thì có tác dụng gì?
Shinokawa thở dài rồi nắm mấy ngón tay đang giơ lên lại. Hình như cô không để ý, nhưng hành động đó khiến cô trông giống hệt con mèo mời khách, vẻ dễ thương làm tôi bối rối vô cùng.
- Điều đó thì tôi chịu không đoán được. Có ít thông tin quá. - Vẫn giữ nguyên tư thế con mèo mời khách, cô nghiêm túc nói, - Nếu có thể hỏi han người đã hẹn gặp ông Shida thì tốt. May ra người ấy sẽ biết thêm điều gì.
- Hả? Sao cô nghĩ thế?
- Đồng nghiệp của ông Shida nói rằng đã đi ngang qua cô bé kia, đúng không? Có điều chỉ đi ngang thôi thì sẽ không thể biết cô bé đi đâu được. Nói cách khác, biết rằng cô bé đi đến bến xe buýt cũng có nghĩa là đã quay đầu lại nhìn rồi còn gì?
- Ra vậy.
Tức là cô bé ấy có điểm gì đó khiến người nọ tò mò. Ông Shida nói sẽ quay lại tiệm vào chiều tối. Tôi sẽ thử nhờ ông liên lạc với người đồng nghiệp kia xem sao.
- Mà chắc là bạn ông Shida sẽ không tới tận đây đâu nhỉ.
- Ừm, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải tự đi gặp thôi.
- Tôi hiểu rồi. Ơ, nhưng mà ai sẽ là người đi?
Shinokawa nghiêng đầu nhìn tôi khiến tôi nhận ra mình vừa hỏi một câu ngớ ngẩn. Cô không thể rời khỏi bệnh viện, dĩ nhiên người đi sẽ là tôi chứ còn ai vào đây?

Hôm sau là ngày nghỉ cố định của tiệm sách Biblia.
Từ khi bắt đầu đi làm thì đây là ngày nghỉ đầu tiên của tôi, ấy thế mà giờ tôi lại đang lang thang ngoài đường dưới ánh mặt trời như thiêu như đốt. Tôi đỗ chiếc scooter lại trước cổng một ngôi chùa ở ngoại ô Kamakura, “hiện trường” vụ mất sách của ông Shida.
Tôi trốn tạm dưới tán cây tùng, vừa lau mồ hôi vừa nhìn ngó xung quanh. Nơi này khá gần trường cấp ba cũ của tôi. Tôi đã từng tới đây trong buổi đi tham quan chùa của trường - một trong những hoạt động ngoại khóa thường thấy của các trường học ở Kamakura. So với hồi đó thì khu này vẫn chẳng thay đổi gì mấy. Dù nằm gần đường quốc lộ, song xung quanh không có lấy một cửa hàng tiện lợi hay nhà hàng gia đình nào. Khu phố yên tĩnh như đang chìm trong giấc ngủ trưa. Nhìn trái nhìn phải đều không có người qua lại.
Tôi ở đây để chờ gặp đồng nghiệp của ông Shida.
Khi quay lại tiệm sách Biblia vào chiều tối ngày hôm qua, ông Shida đã vui mừng khi nghe tôi báo cho ông biết chúng tôi sẽ giúp ông tìm cô bé ăn trộm sách, và cả giá của mấy cuốn sách ông đã mang tới bán nữa. Lúc tôi vừa bảo có chuyện cần hỏi người bạn kia, ông Shida đã lập tức nhấc điện thoại của cửa tiệm lên và liên hệ giúp. Tuy tôi không nói chuyện trực tiếp với người đó, nhưng đối phương vẫn dễ dàng đồng ý với yêu cầu của tôi rồi cho biết thời gian cùng địa điểm gặp mặt.
Sau khi cúp điện thoại, ông Shida nói:
- Chú mày cũng đọc thử nhé, Người đi mót lúa ấy. Tao đọc cuốn sách lần đầu tiên lúc mới bước vào nghề này. Ban đầu tao không phải là sedori đâu, song từ khi mất cả gia đình lẫn công ty thì... Mà thôi, chuyện đó không quan trọng. Tao đã đọc nó khi đang ngồi dưới gầm cầu, bấy giờ tao nghĩ câu chuyện ngây thơ hết sức.
Ông Shida xuất hiện ở tiệm sách Biblia lần đầu tiên là vào khoảng vài năm trước. Đến cả Shinokawa cũng không rõ trước đó ông làm nghề gì và ở đâu.
- Một người nghèo khổ và kém giao tiếp chỉ mong được sống một cuộc đời không lo âu hay phiền muộn về bất cứ điều gì. Rồi sau đó, một cô gái trẻ ngây thơ, trong sáng xuất hiện và đối xử dịu dàng với anh ta. Làm gì có chuyện như thế trên đời này, đúng không?
Dù đang than vãn nhưng giọng điệu của ông Shida rất ấm áp, hệt như đang nói về một người anh em thân thiết của mình vậy.
- Tuy nhiên, chắc chắn tác giả hiểu rõ điều đó nên mới viết ra câu chuyện thế này. Chú mày phải đọc thì mới thấm thía được. Đọc xong sẽ thấy đồng cảm với tác giả lắm đấy.
Tôi gật đầu, bỗng dưng thấy lòng thôi thúc, muốn đọc thử câu chuyện xem sao.
- Thật ra tao biết chẳng dễ gì tìm lại được cuốn sách, cơ mà tao sẽ không bỏ cuộc. Dù không tìm thấy đi nữa, tao cũng không trách gì mấy đứa đâu nên cứ yên tâm. Nhắn giùm với gã Nam tước là “Nhờ cậu giúp cho” nhé.
- “Nam tước” là gì vậy nhỉ?
Tôi đứng dưới tán cây tùng lẩm bẩm một mình. Biệt danh của người đồng nghiệp kia chăng? Ông Shida không nói cho tôi biết đó là người như thế nào cả, chỉ bảo cứ gặp sẽ biết.
Tôi nhìn đồng hồ trên điện thoại di động. Đã quá giờ hẹn rồi. Đúng lúc tôi đang nghĩ đáng lẽ mình phải xin sẵn số điện thoại liên lạc của người đó thì có tiếng nói vang lên đẳng sau.
- Cậu làm gì ở đây thế?
Tôi quay đầu lại và nhìn thấy một anh chàng chưa đến ba mươi tuổi mặc sơ mi trắng đi ra khỏi cổng chùa, chắc là vừa đi thăm mộ về. Anh ta có dáng người cao ráo, mái tóc xoăn tự nhiên, đôi mắt dài cùng làn da rám nắng thoang thoảng mùi nước hoa. Nếu anh ta không xách theo chiếc cặp doanh nhân bằng da thì có nói đấy là người mẫu chụp ảnh, tôi cũng tin.
- Tôi đợi người. - Tôi trả lời.
Anh ta lập tức nháy mắt, nhe hai hàm răng trắng bóng và nở một nụ cười thân thiện.
- Thế thì giống tôi rồi. Tôi tới hơi sớm nên vừa dạo một vòng quanh chùa. Cậu là người tìm sách cho ông Shida phải không?
- Phải.
Anh ta lập tức bắt tay tôi rồi lắc nhẹ. Tôi cứ nhìn qua nhìn lại giữa gương mặt và bàn tay đang nắm lấy tay tôi của anh ta, vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.
- Tôi là Kasai, bạn của ông Shida. Chẳng biết tại sao mà ông ấy cứ gọi tôi bằng cái tên Nam tước kì lạ đó nữa.
Anh ta nhún vai ra chiều khó hiểu. Nói chung thì đây là một anh chàng đẹp như tranh vẽ, thế nên tôi cũng phần nào hiểu được lý do mà ông Shida thích gọi anh ta bằng cái biệt hiệu mang phong cách quý tộc như vậy.
Kasai đưa danh thiếp cho tôi, và đương nhiên là tôi không có. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành tự thiệu mình tên là Gora và đang làm việc tại tiệm sách cũ Biblia.
- À à, ra cậu là người của tiệm sách cũ đó hả? Tôi đi ngang tiệm mấy lần rồi mà chưa vào bao giờ. Cậu là chủ tiệm à?
- Không đâu, là nhân viên thôi. Tôi chỉ vừa mới vào làm.
- Thế à? Vậy từ nay về sau xin làm phiền cậu! - Anh ta nói rõ ràng và mạch lạc, - Tôi chỉ biết cậu là người quen của ông Shida nên cứ tưởng là đồng nghiệp cơ. Hẹn cậu vào giữa trưa ngày thường thế này thật là ngại quá.
Kasai gãi gãi đầu. Ừm, tuy trông có hơi giả tạo nhưng hình như không phải người xấu.
Tôi nhìn xuống tấm danh thiếp trên tay. Bên trên cái tên Kasai Kikuya là dòng chữ “Chủ cửa hàng Kasai”. Tôi nghe nói anh ta làm sedori cơ mà? Có cả một cửa hàng của riêng mình luôn à?
- “Cửa hàng Kasai” là cửa hàng trên mạng của tôi đấy. Tôi chuyên nghề thu mua sách cũ rồi bán lại trên mạng bằng cách đấu giá, cũng là sedori nhưng cách làm hơi khác với ông Shida một chút.
Có cả kiểu sedori như thế sao? Tôi thán phục. Đúng là bán trực tiếp cho khách hàng thì sẽ nhanh hơn nhiều so với việc bán gián tiếp qua các tiệm sách khác. Tóm lại, cửa hàng của anh ta cũng không khác một tiệm sách cũ thông thường cho lắm.
- Chỉ hiềm, tôi không rành mảng sách vở cho lắm nên hầu như chỉ mua đi bán lại các đĩa nhạc hay các trò chơi không còn phát hành nữa thôi. Tôi vẫn thường trao đổi hàng với ông Shida, bởi dù sao thì mặt hàng buôn bán của chúng tôi cũng không đụng nhau.
Trông bề ngoài thì anh ta không phải kiểu người cần lo lắng về tiền bạc, hẳn là một sedori lành nghề lắm đây.
- Thế, cậu muốn biết gì về cô bé đã lấy sách của ông Shida nào?
Nghe Kasai nhắc, tôi mới sực nhớ mình tới đây để làm gì. Tôi giải thích với anh ta về những điều Shinokawa đã chú ý và cho biết chúng tôi cần anh ta kể lại tường tận những điểm đã thấy vào chiều hôm đó để tìm được cô bé, vì bây giờ chúng tôi đang thiếu thông tin. Nghe xong, gương mặt Kasai lộ ra nét đăm chiêu.
- Vậy à? Biết thế lúc ấy tôi đã kể cho ông Shida chi tiết hơn rồi. Cũng tại cái ông này, chẳng chịu nói cho tôi biết cuốn sách bị lấy trộm là cuốn sách quan trọng với ông ấy gì cả.
- Anh biết gì về cô bé đã ăn trộm sách sao?
- Không hẳn là biết, có điều, hôm đó tôi không chỉ đi ngang qua cô bé thôi đâu. Cậu lại đây chút đi.
Vừa nói, Kasai vừa tiến về phía đường quốc lộ, theo hướng đến bến xe buýt. Cách bến xe một khoảng là đèn giao thông và ngã tư đường. Anh ta dừng lại trước cửa một ngôi nhà cũ cách chùa hai căn.
- Nên nói là tôi đã gặp cô bé trên đường thì đúng hơn. Khoảng 2 giờ chiều hôm đó, khi tôi đang đi bộ từ ngã tư bên kia lại đây thì thấy cô bé đang ngồi xổm trước cửa ngôi nhà này.
Cửa nhà hơi thụt vào trong một chút nên nếu đứng từ ngoài nhìn vào thì sẽ có vài góc độ không thể nhìn thấy cánh cửa. Tôi quay đầu lại, ngó về phía cây tùng trước cổng chùa. Xét theo vị trí thì có lẽ cô bé đã dừng lại ở chỗ này sau khi lấy cuốn sách.
- Lúc ấy cô bé đang làm gì vậy?
- Nó quay lưng ra nên tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi chỉ thấy nó đặt chiếc túi màu hồng xuống đất rồi cho tay vào trong, thỉnh thoảng lại nhìn sang bến xe với vẻ gấp gáp. Tôi cũng hơi tò mò, song đang có hẹn với ông Shida nên đã định cứ thế mà đi qua thôi, không ngờ cô bé ấy lại gọi tôi.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên:
- Anh đã nói chuyện với cô bé sao?
- Ừ. Nó hỏi tôi là, “Anh có kéo ở đó không?”.
- Kéo?
- Ừm, kéo cắt giấy ấy. Tôi còn nghĩ là “Nó vừa nói cái gì vậy trời” nữa cơ. Cậu thấy ai đi hỏi một người lạ mặt trên đường rằng có mang kéo theo không bao giờ chưa? May sao đúng là tôi thường xuyên mang kéo thật. Để tiện gói hàng thôi, vì tôi phải đi gửi hàng suốt mà.
Kasai tự đắc lôi ra một cái kéo bằng thép không gỉ rồi nhấp kéo tanh tách.
Tôi nhìn chằm chằm vào lưỡi kéo sắc bén sáng loáng trước mặt. Nếu đúng như lời Shinokawa nói, là cô bé kia muốn dùng cuốn sách của ông Shida để sửa thứ gì đấy bị hỏng sau cú ngã thì chẳng lẽ cuốn Người đi mót lúa đã bị cắt vụn ra rồi à?
- Tôi cho cô bé mượn kéo. Khi ấy tôi chưa biết vụ sách của ông Shida bị lấy trộm, vả lại trông cô bé có vẻ khổ sở lắm. Nó mượn khoảng một phút rồi trả lại tôi luôn.
- Anh có nhìn thấy cô bé làm gì không?
- Không, nó quay lưng về phía tôi mà. Tôi cũng không nhìn thấy thứ gì trong túi đâu... À từ từ, lúc mượn kéo, tay kia của cô bé có cầm một thứ gì đó. Hình như là... - Kasai nhìn lên trời một lúc rồi mới chậm rãi nói, - Tôi nghĩ là túi giữ lạnh.
- Túi giữ lạnh?
- Túi dùng để giữ lạnh thực phẩm ấy, cậu biết chứ hả?
Tôi biết. Cái tôi muốn hỏi là tại sao cô bé lại cầm cái túi giữ lạnh cơ.
- Tức là trong túi của cô bé có đồ ăn?
- Chắc thế. Dù sao thì tôi cũng đâu thể hỏi nó đấy là cái gì được.
Cuốn sách, cái kéo, túi giữ lạnh. Chẳng hiểu ba thứ này có gì liên quan với nhau nữa.
- Trả tôi cái kéo xong, cô bé chạy thẳng sang bến xe buýt kia luôn.
Kasai nói, trỏ bến xe bên kia đường. Có một nữ sinh đang chờ xe ở đó, trên người là bộ đồng phục của trường cấp ba tôi từng theo học. Chắc là đang trên đường về nhà sau giờ sinh hoạt câu lạc bộ ở trường. Tôi đoán thế vì thấy có một cái túi đựng dây cung còn cao hơn cả người cô dựng ngay bên cạnh.
- Hôm ấy cũng có một đứa đứng chờ xe buýt, nhưng là một nam sinh tóc vàng đeo guitar trên vai. Lúc đó xe buýt chưa tới, có nhìn nữa cũng chẳng để làm gì nên tôi lại đi tiếp về phía chùa.
- Cô bé kia có kịp lên xe buýt không?
- Tôi nghĩ có thể kịp đấy, chỉ là nó đã không lên thôi.
- Hả? Ý anh là sao?
Đón xe ở đây sẽ đến được ga Ofuna. Tôi cứ tưởng là cô bé cần đến ga chứ.
- Tới trước cổng chùa, thấy đồ của ông Shida vung vãi dưới đất nên tôi nhặt giúp ông ấy. Đang nhặt dở thì tự dưng tò mò về cô bé nên tôi ngoái nhìn sang phía bến xe. Vừa lúc đó xe buýt rời bến, song cô bé vẫn còn đứng tại chỗ.
- Cô bé chạy vội đến bến mà lại không lên xe ư?
- Đúng thế. Tôi cũng chẳng biết tại sao nữa. Sau đó, cô bé ôm túi giấy đi bộ về phía ngã tư. Tôi chỉ biết vậy thôi.
Tôi vắt óc suy nghĩ. Câu chuyện của Kasai khiến tôi càng nảy ra nhiều nghi vấn. Cô bé cầm túi giữ lạnh lấy trộm cuốn sách, mượn kéo để cắt thứ gì đó, chạy vội tới bến xe buýt rồi lại không lên xe. Tôi không sao hiểu nổi sự liên quan giữa các hành vi này.

Vừa tạm biệt Kasai thì điện thoại của tôi réo vang. Nhìn dãy số lạ hoắc trên màn hình, tôi chần chừ một chút rồi bấm nút nhận cuộc gọi.
- A lô?
Tôi chờ người ở đầu dây bên kia lên tiếng, nhưng mãi vẫn chẳng nghe đối phương nói gì.
- A lô? Xin hỏi ai ở đầu dây vậy ạ?
Vẫn không có tiếng trả lời. Điện thoại quấy rối à?
- Gì vậy chứ? Thật là...
Tôi tặc lưỡi, vừa định cúp máy thì một giọng nói khe khẽ vang ra từ ống nghe khiến tôi giật bắn người.
- Tôi là Shinokawa.
- Shinokawa? Sao đột nhiên cô lại gọi...
Tôi vô cùng bối rối. Dĩ nhiên là tôi đã cho cô số điện thoại của mình, nhưng chưa bao giờ nghĩ cô sẽ gọi, bởi bệnh viện Ofuna có quy định cấm sử dụng điện thoại di động trong phòng bệnh dù vẫn cho phép trao đổi e-mail bằng các phương tiện phát sóng khác.
- T... tôi đang ở ngoài hành lang. Vừa mới quay về từ phòng tập phục hồi chức năng.
Nghe thế tôi mới nhớ, trên hành lang của bệnh viện có một khu vực dành riêng cho bệnh nhân gọi điện thoại. Chắc là Shinokawa đang ở đó rồi.
- Tôi muốn hỏi xem anh với người làm sedori kia nói chuyện thế nào rồi nên mới... Tôi xin lỗi vì bỗng dưng lại gọi điện cho anh. Thôi vậy!
Thấy Shinokawa định cúp máy, tôi hoảng hốt kêu to:
- Ấy đừng! Khoan đã! Cô chờ chút!
Nếu để cô cúp máy thật thì chắc tôi sẽ bị cô hiểu lầm đến hết đời mất.
- Vừa lúc, tôi cũng có chuyện muốn hỏi cô. Tôi mới trao đổi xong với anh sedori đó đấy!
Tôi thuật lại những điều hỏi thăm được từ Kasai. May mà Shinokawa không cúp điện thoại. Song le, tôi có cảm giác là càng kể càng làm tình hình rối rắm hơn, bởi ai mà đoán nổi chuyện gì đã xảy ra với những thông tin vụn vặt thế này cơ chứ.
Thế nhưng khi tôi dứt lời, tức là đến đoạn cô bé đi về phía ngã tư thì Shinokawa đã đặt câu hỏi ngay, như thể chẳng thấy có gì kì lạ hay khó hiểu cả.
- Lúc rời khỏi bến xe buýt, cô bé vẫn cầm chiếc túi giấy à?
Tôi nhẹ cả người. Quả nhiên hễ nhắc tới sách là Shinokawa thay đổi hoàn toàn, chuyển sang trạng thái giải đáp những câu đố.
- Hả? À vâng, hình như vậy.
Dù tôi nghĩ chuyện đó chẳng quan trọng mấy, song Shinokawa lại thở phào khi nghe câu trả lời của tôi.
- Thế à? Tôi hiểu rồi.
- Cô hiểu gì cơ?
- Hiểu hôm đó cô bé đang định làm gì và tại sao lại ăn trộm cuốn sách.
Tôi sững người, nghĩ chắc mồm mình cũng đang há hốc vì kinh ngạc.
- Thật á?
- Cũng có vài chỗ chưa rõ ràng lắm, nhưng nói chung là tôi nắm được đại khái rồi.
- Cô giỏi thật đấy! Chẳng bù với tôi, nghĩ mãi mà vẫn không ra.
Chỉ với những thông tin ít ỏi như thế mà Shinokawa cũng đoán ra sự thật thì quả là đáng kinh ngạc. Chắc chẳng ai làm được như cô đâu nhỉ. Đúng là cứ liên quan tới sách thì cô gái này lại thể hiện cho tôi thấy khả năng suy luận cực kì đáng nể.
- Không, tôi có giỏi gì đâu.
Hai bên cùng im bặt mất một lúc. Dẫu đang trong cơn phấn khích, tôi vẫn kịp nhận ra giọng điệu là lạ của Shinokawa. Nghe chừng cô chẳng hề vui mừng mặc dù đã phá giải được bí ẩn.
- Rốt cuộc chuyện này là thế nào?
Bị ảnh hưởng bởi giọng nói có vẻ trầm buồn của cô, tôi hạ giọng mình xuống theo. Một lúc sau, Shinokawa mới nói:
- Đó là một món quà.
- Hả?
- Chắc hẳn trong túi giấy là một món quà. Có lẽ là một loại thức ăn cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp. Mặt túi trơn, tức là không có in logo của bất kì cửa hàng nào nên tôi nghĩ nhiều khả năng là cô bé tự tay làm nó. Cũng vì muốn kịp tặng món quà ấy nên cô bé mới vội vàng đến thế.
- Tặng cho ai cơ?
Hỏi dứt câu thì tôi chợt nhớ ra, Kasai kể rằng chiều hôm đó, có một nam sinh tóc vàng đeo guitar trên vai, đứng chờ xe buýt ở cái bến đấy.
- Vậy ra lý do cô bé không lên xe buýt là...
- Là do cô bé chạy tới đó không phải để lên xe, mà là để tặng quà cho cậu nam sinh đang đứng chờ xe buýt. Nhưng mà, đã có một sự cố xảy ra: Cô bé kia đụng phải chiếc xe đạp của ông Shida và đánh rơi chiếc túi giấy.
- Và món quà trong túi bị bể do cú ngã?
Tôi nghĩ tới món bánh quy kẹp mình ăn cùng với Shinokawa mấy hôm trước, vì đó là loại bánh tôi ăn gần đây nhất. Cô bé cũng đem tặng bánh chăng?
- Không đâu, nếu bị bể thật thì hẳn cô bé đã từ bỏ ý định tặng quà rồi. Tôi nghĩ không phải do bánh đâu. Chắc là giấy gói ở ngoài bị làm sao đó.
- Giấy gói?
- Đấy là món quà để tặng cho một người khác giới nên nhất định đã được bao gói cẩn thận. Có thể là vật trang trí hay thứ gì tương tự trên giấy gói bị tuột hoặc rơi ra. Cô bé bắt buộc phải sửa nó lại ngay, song không có vật liệu và dụng cụ cần thiết, mà gần chùa cũng không có cửa hàng tiện lợi nào. Và rồi, cô bé nhìn thấy cuốn sách của ông Shida...
- Khoan! Không phải có hơi vô lý sao? - Tôi không nhịn được, chen ngang, - Tôi chưa từng thấy ai dùng giấy in sách để gói quà cả.
- Tôi cũng không nghĩ cô bé sẽ dùng giấy in sách để gói quà. Ý tôi là...
Bỗng dưng tôi nghe tiếng xe buýt mở cửa vọng lại từ đằng xa. Chẳng biết xe buýt tới bến từ lúc nào nữa.
- A!
Tôi kêu lên khi nhìn thấy một nam sinh bước xuống xe. Cậu ta có mái tóc nhuộm màu vàng kim chói lọi, mặc sơ mi trắng với vạt áo bỏ ngoài quần đồng phục, trên vai vác theo hộp đựng guitar. Trường cấp ba của tôi thường tổ chức lễ hội văn hóa ngay sau kì nghỉ hè nên có lẽ cậu bé này mang đàn đến trường để tập chung với nhóm nhạc hoặc câu lạc bộ nhạc nhẹ mà cậu ta đang tham gia chăng?
- Chuyện gì thế?
- Có một nam sinh vừa xuống xe buýt, hình như là người đã đứng chờ ở bến xe vào cái hôm cuốn sách của ông Shida bị lấy mất.
- Mau đuổi theo cậu ta đi! - Shinokawa giục tôi qua điện thoại, - Hãy hỏi cậu ta về cô bé kia nhé!
- Hiểu rồi. Tôi sẽ gọi lại sau.

Tôi ngắt điện thoại rồi đuổi theo cậu nam sinh. Lúc này xe buýt đã đóng cửa và chạy xa rồi, nam sinh kia thì đang đi bộ, lưng quay lại phía tôi. Nếu nội quy trường cũ của tôi vẫn chưa đổi thì học sinh tuyệt đối không được phép nhuộm tóc màu sáng như thế. Có lẽ cậu ta chỉ nhuộm tạm trong kì nghỉ hè thôi chàng?
- Xin lỗi, tôi làm phiền cậu vài phút được không?
Nghe tôi gọi, cậu bé tóc vàng liền dừng bước, xoay người lại. Trên gương mặt vẫn còn nét trẻ con là một đôi mắt hẹp dài. Nhác thấy thân hình cao lớn của tôi, cậu ta đã trợn mắt thật to và nhìn tôi chằm chằm, trông chẳng thân thiện chút nào.
- Gì thế?
Cậu ta nói với giọng khó chịu. Chữ “gì” được kéo dài ra, hệt như khẩu âm của người dân quanh đây. Hồi cấp ba tôi cũng từng nói chuyện theo kiểu đấy.
- Mấy hôm trước, ở bến xe buýt này, có một cô bé...
Đang nói thì tôi chợt nhận ra rằng, cô bé vẫn cầm túi giấy khi rời khỏi bến xe, tức là cậu trai này đã không nhận món quà.
- Có một cô bé đã định tặng quà cho cậu đúng không? Tôi muốn hỏi về cô bé đó.
Cậu ta nhăn nhó như thể vừa nuốt phải thứ gì đắng lắm.
- A, là Kosuga chứ gì? Anh là người quen của nó à?
Tôi ghi nhớ cái tên “Kosuga”. Xem ra nam sinh này biết cô bé là ai.
- Tôi có chuyện cần tìm cô bé. Cậu có địa chỉ nhà hay số đỉện thoại để liên lạc của cô bé không?
- Anh... là cảnh sát hả?
- Không, không phải.
Tôi không biết nên giải thích ra sao. Thất bại thật rồi. Lúc nãy phải gọi cậu ta gấp quá nên tôi còn chưa kịp nghĩ xem nên hỏi những gì và hỏi như thế nào nữa. Chẳng ai lại bằng lòng cung cấp thông tin cá nhân của người quen với kiểu hỏi này của tôi đâu. Tôi nghĩ thế, song cậu trai tóc vàng lại lấy điện thoại di động ra khỏi túi rồi chìa danh bạ trên màn hình cho tôi xem. Bên dưới cái tên “Kosuga Nao” có số điện thoại và địa chỉ e-mail của cô bé.
- Chắc nó sống ở đâu quanh đây nhưng tôi không biết địa chỉ cụ thể. Có số điện thoại và e-mail thôi, được không?
- Cảm ơn cậu.
Tôi lúng túng cảm ơn và thấy khóe miệng cậu ta khẽ nhếch thành một nụ cười y như tranh vẽ. Có lẽ cậu ta đã tập cười trước gương nhiều lắm đây.
- Nó đã gây ra chuyện gì tệ hại lắm hả? Dù gì thì đó cũng là một đứa kì quặc mà.
Cậu ta hỏi, dường như có hứng thú với lý do tôi tìm Kosuga Nao. Có thể thấy cậu trai này không lo lắng cho cô bé kia, thậm chí đang vui là đằng khác.
- Ý cậu là sao?
- Thì anh có chuyện cần tìm Kosuga Nao còn gì. Anh định làm gì nó? Dìm xuống biến hả?
Mặt tôi nhăn lại. Có vẻ cậu ta tưởng tôi là Yakuza thì phải. Nếu chỉ nhìn ngoại hình thôi thì đúng là trông tôi giống vậy thật. [Yakuza: Mafia Nhật Bản]
- Không phải người quen của cậu à?
- Không hẳn. Bạn cùng lớp thôi. Thỉnh thoảng nói chuyện vài câu, nhưng tôi ghét mấy đứa con gái kênh kiệu kiểu đấy lắm.
- Thế nên cậu mới từ chối không nhận món quà?
- Nó bảo đó là quà sinh nhật cho tôi, cơ mà tôi cũng có quyền từ chối chứ. Lúc tôi nói không muốn nhận lời chúc mừng của nó, trông nó có vẻ sốc lắm.
Ở trường thì giả vờ thân thiện, đến lúc không có ai thì lại trở mặt nói xấu, còn bình thản cho người lạ thông tin cá nhân của người ta nữa chứ.
Tôi vốn không định chú tâm quá vào chuyện ấy, song càng nghe càng cảm thấy bực mình. Có điều, tôi vẫn phải lấy cách liên lạc với Kosuga Nao nên đành nhờ cậu ta bắn số điện thoại của cô bé sang cho tôi qua cổng hồng ngoại.
- Thôi tôi đi nhé. Còn phải luyện tập ở câu lạc bộ nữa.
Dù cậu ta đã đi xa, tôi vẫn đứng chôn chân tại chỗ. Có được thứ mình cần rồi mà tôi lại chẳng vui chút nào.
Trong lúc lần theo dấu vết của cuốn sách cũ, tôi biết được việc cô bé kia định tặng quà sinh nhật cho cậu nam sinh tóc vàng vừa rồi, nhưng rốt cuộc lại bị cậu ta từ chối. Shinokawa hỏi tôi rằng cô bé vẫn cầm cái túi giấy khi rời khỏi bến xe đúng không, có lẽ là để xác nhận chuyện đó chăng?
Bỗng dưng tôi nhớ lại cuốn Người đi mót lúa của Koyama Kiyoshi. Sau khi nghe ông Shida đề cử, tôi đã mua tuyển tập truyện ngắn này về đọc. Lâu lắm rồi tôi mới mua một cuốn sách đầy chữ bằng tiền của mình.
Người đi mót lúa khá ngắn nên tôi đã kịp đọc xong trước khi cảm thấy khó chịu trong người.
Nhân vật chính của câu chuyện là một nhà văn nghèo. Dù thế, mỗi ngày của anh ta vẫn trôi qua yên ả. Anh ta gần như chẳng có việc gì để làm ngoài đi mua đồ, nấu cơm và đọc sách. Một ngày nọ, anh ta gặp và làm quen với một cô gái trẻ tự xưng là “thủ thư” ở tiệm sách cũ. Cô gái tốt bụng và chăm chỉ ấy đã tặng anh ta món quà sinh nhật là chiếc bấm móng tay và cây ngoáy tai. Kết cục là nhân vật chính của câu chuyện đã nhận món quà trong hạnh phúc và vui vẻ.
Đúng như lời ông Shida đã nói, đó là một câu chuyện hết sức ngây thơ, song, nó cũng giúp cho người ta tạm quên những buồn đau trong chốc lát. Thực tế thì chẳng biết “nhân vật chính” có thực sự được tặng quà như vậy hay không nữa, bởi câu chuyện chẳng khác gì một cuốn nhật kí giả tạo do tác giả biên soạn ra.
Chẳng mấy khi ngoài đời thật người ta nhận được một món quà đem lại cảm giác ấm lòng vào dịp sinh nhật như trong truyện cả. Hoặc là, dẫu có lòng muốn tặng nhưng lại bị đối phương từ chối, tương tự hoàn cảnh của cô bé mà tôi đang tìm kiếm.
Ngừng miên man suy tưởng và quay lại với hiện thực, nghĩ mình cần tường thuật lại cho Shinokawa tình hình vừa rồi và hỏi xem chúng tôi nên làm gì tiếp theo, tôi lấy điện thoại ra, bấm số.

Ngoài cửa sổ phòng bệnh, mặt trời đang dần khuất bóng, đồng thời, vầng trăng mờ nhạt cũng đã xuất hiện trên không trung. Tôi ngồi trên chiếc ghế tròn cạnh giường, nhìn giờ hiển thị trên điện thoại.
7 giờ tối. Đã tới giờ hẹn rồi.
- Cô bé sẽ đến chứ? - Tôi hỏi Shinokawa.
- Tôi nghĩ cô bé sẽ đến thôi. Cô bé đã đồng ý rồi mà.
Lúc trưa, sau khi nhận điện thoại của tôi, Shinokawa đã gửi e-mail cho cô bé tên Kosuga Nao đó, viết rằng đang giúp chủ nhân cuốn sách tìm lại nó và hi vọng cô bé tới bệnh viện để gặp mặt. Cô bé chỉ đáp lại vỏn vẹn một câu, “Em sẽ tới”. Nghe câu trả lời thì tôi cho rằng cô bé cũng có chuyện muốn nói với chúng tôi.
- Chỉ cần lấy lại cuốn sách là tốt rồi nhỉ.
Cô bé mượn kéo của Kasai nên có khi cuốn sách đã bị cắt ra và không thể khôi phục nguyên trạng được.
- Tôi nghĩ không đến nỗi nào đâu. Chắc đọc được.
- Sao cơ? Cô bé dùng kéo cắt nó rồi còn gì?
- Tuy cắt rồi nhưng...
Tiếng gõ cửa rõ to vang lên, cắt đứt câu nói của Shinokawa. Chúng tôi chưa kịp hỏi bên ngoài là ai thì cửa đã mở toang. Một cô bé cao ráo mặc quần bò áo phông bước vào phòng. Đôi mắt sâu to và sáng, đường nét khuôn mặt trông giống một thằng nhóc đẹp trai hơn là một cô bé xinh xắn.
Cô bé dừng lại ngay giữa phòng, nhìn xung quanh một lượt rồi mới hướng mắt về phía chúng tôi.
- Em là Kosuga Nao.
- Xin chào. T... tôi là Shinokawa. - Shinokawa cúi gằm mặt, nói bằng giọng nhỏ xíu.
- Hả? Chị nói to lên đi chứ! Em không nghe thấy gì hết.
Nghe thế, mặt Shinokawa lại càng đỏ hơn.
- Không... À...
Giờ thì Shinokawa không nói nên lời nữa rồi. Có lẽ do Kosuga Nao xuất hiện quá bất ngờ nên cô bị cuống. Tại sao người ăn trộm sách thì hiên ngang đường hoàng thế kia mà người truy tìm vật bị mất lại ngượng ngùng như vậy cơ chứ?
- Chúng tôi là người ở tiệm sách cũ Biblia gần ga Kita-Kamakura. Tôi là Gora Daisuke, nhân viên của tiệm sách. Cô Shinokawa đây là chủ tiệm. Chủ của cuốn sách bị mất là khách quen nên chúng tôi đang giúp ông ấy tìm lại nó. - Bỗng nhiên, tôi chợt nhận ra Kosuga Nao không mang theo bất kì thứ gì cả. Cuốn sách đâu rồi? - Em là người đã lấy trộm cuốn sách, đúng không?
Cô bé khoanh tay, ưỡn ngực đầy thách thức:
- Đúng thì sao nào?
Trước thái độ của cô bé, tôi không biết phải nói gì tiếp nữa. Tôi đã nghĩ cô bé sẽ không nhận tội hoặc nhận tội rồi xin lỗi thôi chứ. Không ngờ lại kiêu ngạo thế, đúng như lời nam sinh nọ nhận xét thật.
- Làm sao anh chị lấy được địa chỉ e-mail của em? Có phải ai em cũng cho đâu. Anh chị nhìn trộm được chỗ nào phải không?
Giọng điệu của Kosuga khiến tôi bực mình. Cô bé có tư cách gì để kết tội người khác “trộm” cơ chứ?
- Bạn cùng lớp của em cho đấy.
- Bạn cùng lớp? Ai cơ?
- Một cậu nhóc tóc vàng. Tôi gặp cậu ta ở bến xe buýt gần nhà em.
Bỗng dưng mặt cô bé trắng bệch:
- Nishino?
Thì ra tên là Nishino. Lúc đó tôi đã để ý thấy rằng cậu nam sinh không hề cho tôi biết tên. Có lẽ vì muốn bảo vệ thông tin cá nhân của bản thân chăng?
- Mấy người kể cho Nishino chuyện cuốn sách rồi chứ gì? - Kosuga hỏi, gần như rên rỉ.
- Không, tôi không nhắc tới cuốn sách. Nhưng cậu ta vẫn cho tôi biết thông tin của em ngay.
- Nishino... vậy à?
Vai cô bé run lên nhè nhẹ. Bị tổn thương những hai lần bởi cùng một người mà lại. Một lần tặng quà bị từ chối, một lần là chuyện này.
- Em có thể trả lại cuốn sách không? - Tôi hỏi.
Dẫu có cố gắng an ủi đi chăng nữa thì cũng chẳng giúp cô bé vui lên ngay được. Vả lại, chuyện xảy ra với cậu nhóc tên Nishino là chuyện riêng giữa hai đứa nó, còn việc của chúng tôi là lấy lại cuốn sách cho
ông Shida.
- Bây giờ thì không được. - Kosuga Nao lắc đầu.
- Hả? - Tôi đột ngột quát to, - Em bảo không được nghĩa là sao?
- Im đi! Liên quan gì đến mấy người chứ! Các người có biết cái quái gì đâu!
- Chờ đã. Sao đột nhiên em lại gắt lên như thế? Rõ ràng người đã lấy cuốn sách là...
- Chị biết đại khái những chuyện đã xảy ra rồi. - Shinokawa đột ngột nói.
Cô ngồi thẳng người dậy và nhìn Kosuga Nao, không còn vẻ lúng túng hồi nãy nữa, y như thể đã biến thành một người khác.
- Nếu em kể mọi chuyện cho chủ cuốn sách, chị nghĩ ông ấy sẽ đồng ý chờ thêm một thời gian. Hay em muốn chị chuyển lời giúp?
Cô nói, khiến Kosuga Nao và cả tôi im lặng trong một thoáng. Song cũng chỉ là trong một thoáng thôi, rồi Kosuga liếc Shinokawa bằng ánh mắt sắc như dao.
- Mạnh miệng ghê nhỉ. Chị nói chị biết hết đúng thông?
- Ừ.
Shinokawa bình tĩnh đáp. Ánh mắt của Kosuga càng lúc càng gay gắt hơn.
- Thế chị nói luôn đi. Thử xem chị có biết hết thật không.
Nguy rồi, tôi nghĩ. Chỉ cần sai một chút thôi là có khi Kosuga không chịu trả lại cuốn sách mất. Dĩ nhiên báo cảnh sát thì sẽ giải quyết được ngay, vấn đề là ông Shida không muốn làm vậy.
- Như thế có ổn không?
Tôi ghé vào tai Shinokawa hỏi nhỏ. Tất nhiên tôi không nghi ngờ khả năng phán đoán cùa cô, chỉ không biết liệu cô có thuyết phục được Kosuga Nao hay không. Dù vậy, Shinokawa vẫn gật đầu.
- Ổn mà.
Rồi, cô nhắm mắt lại, bắt đầu kể bằng chất giọng êm ái:
- Hôm đó, em đã tự tay làm bánh để tặng cho cậu bạn Nishino cùng lớp nhân dịp sinh nhật cùa cậu ta. Cần dùng túi giữ lạnh, có bị rơi cũng không sao thì chắc đó là bánh mứt nhỉ? Bọc nó lại cẩn thận, trang trí bằng dây ruy băng màu hồng và cho vào túi giấy xong, em ra khỏi nhà và đi đến bến xe buýt, bởi em biết rằng Nishino sẽ chờ xe ở đấy sau giờ sinh hoạt câu lạc bộ. Tới đây có gì không đúng không?
Tôi nhìn sang thì thấy Kosuga Nao đã há hốc mồm vì kinh ngạc tự bao giờ. Chắc là Shinokawa nói đúng hết rồi.
- Đến trước cổng chùa, em xô phải chiếc xe đạp và làm rơi túi giấy. Bánh không sao nhưng giấy bọc bên ngoài thì có, nhỉ? Hẳn đó là ruy băng trang trí dùng để kết hoa giả chẳng hạn, và bông hoa đã bị rơi ra, phải thế không? Để đính nó lại thì em cần một đoạn dây.
- Ơ? Dây á? - Tôi buột miệng xen ngang.
Shinokawa mở mắt, rút một cuốn từ chồng sách cạnh giường. Đó là Thánh địa tội ác của Faulkner do Shincho Bunko phát hành. Cô giở đến khoảng giữa cuốn sách, cầm sợi dây màu hồng để đánh dấu trang lên.
- A! - Tôi kêu lên. - Hóa ra là vậy à?
- Cuốn nào của Shincho Bunko cũng có sợi dây giống thế này. Ngày xưa thì hầu như sách của nhà xuất bản nào cũng có sợi dây đánh dấu, song, hiện nay chỉ còn mỗi sách do Shincho Bunko phát hành là có thôi. Cuốn Người đi mót lúa - Thánh Andersen cũng có một sợi dây đánh dấu trang màu hồng giống vậy. Muốn lấy sợi dây này nên em mới lấy trộm cuốn sách.
- Chị chứng kiến từ đầu đến cuối, đúng không? - Kosuga Nao lẩm bẩm.
- Không hề.
- Thế sao chị lại biết cả màu ruy băng trang trí của em? Bên trong túi giấy đựng thứ gì thì vốn chỉ có mình em biết thôi. Ngay Nishino cũng chưa từng nhìn thấy.
- Dựa vào màu sợi dây đánh dấu trang mà em cần thì chị đoán ra màu của ruy băng. Chưa kể túi giấy mà em làm là màu hồng, nên chị nghĩ giấy gói và ruy băng trang trí cũng phải tông hồng thì mới hài hòa. Hơn nữa, sợi dây dánh dấu trang của một cuốn sách khổ bunko không quá dài, chỉ đủ để sửa lại hoa hay nơ trang trí gì đấy là cùng.
Shinokawa gập cuốn Thánh địa tội ác lại đặt trả nó lên chồng sách cạnh giường.
- Lúc đầu em định dứt sợi dây bằng tay, nhưng thao tác này không dễ dàng như em tưởng nên rốt cuộc em phải mượn kéo của một người đàn ông đi ngang qua để cắt nó. Cắt xong, em không còn cần cuốn sách nữa, mà không thể vứt cuốn sách lại do cứ bị người đàn ông kia nhìn, và bởi muốn ưu tiên việc tặng quà trước nên em đã mang theo cả cuốn sách chạy tới bến xe buýt... - Cô ngừng lại một thoáng rồi mới nói tiếp, - Cuối cùng, Nishino từ chối nhận món quà. Vì thế em quên bẵng sự tồn tại của cuốn sách, cứ thế rời khỏi bến xe. Đúng không?
Kosuga Nao bỗng ngồi sụp xuống như bị rút hết sức lực. Suốt một lúc lâu, không ai trong phòng nói gì nữa cả.
- Chị còn biết cả chuyện ấy cơ à? - Giấu khuôn mặt giữa hai đầu gối, cô bé yếu ớt hỏi, - Đã vậy thì hẳn chị cũng đoán được tại sao bây giờ em chưa thể trả cuốn sách lại chứ?
- Chị không chắc lắm, có điều em không vứt cuốn sách đi sau khi cầm về, tức là cũng có ý định mang trả. Nhưng lại nói “bây giờ không được” mà không giải thích rõ ràng lý do... - Chẳng biết từ khi nào giọng điệu cùa Shinokawa đã trở nên dịu dàng hơn, - Bởi vì em đang đọc dở cuốn sách, phải không?
Cô bé ngẩng đầu, đôi tai chuyển thành màu đỏ. Rồi, dường như tự cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình nên cô tránh không nhìn về phía giường bệnh.
- Em không định đọc đâu. Em không thích sách... Nhưng trước khi vứt thì em mở nó ra nhìn và...
- Và em mở trúng trang truyện “Người đi mót lúa”. - Shinokawa tiếp lời.
Đó là câu chuyện mà ông Shida yêu thích nên chắc ông ấy đã để sợi dây đánh dấu ở trang đấy.
- Câu chuyện kể về một cô gái trẻ tặng quà sinh nhật cho một người đàn ông.
Hiểu rồi. Bắt gặp câu chuyện một cô gái trẻ tặng quà sinh nhật cho người khác giới giống trường hợp của mình thì có bị cuốn hút cũng không lấy gì làm lạ cả.
Kosuga Nao vẫn ngồi trong tư thế chống khuỷu tay trên đầu gối, hai tay đỡ lấy cằm. Ánh mắt không còn gay gắt như lúc trước khiến gương mặt cô bé lộ ra vài nét trẻ con.
- Em cũng không rõ có phải mình thích Nishino hay không. Em chỉ cảm thấy cậu ấy đặc biệt hơn người khác nên mới muốn tặng quà. Em không ngờ Nishino ghét em đến vậy. Đúng là lãng phí thời gian và công sức mà.
Kosuga nói một cách thẳng thắn. Chẳng biết cô bé đang cố tỏ vẻ mình không thèm để ý đến hay thờ ơ thật nữa.
- Câu chuyện cứ như một giấc mơ ấy nhỉ. Ban đầu em đã nghĩ là làm sao có một cô gái như thế được, nhưng chắc vì biết đó là mơ nên tác giả mới viết ra đấy. Tự cắt nghĩa được rồi thì em nhận thấy nó là một câu chuyện hay. Em đang đọc các truyện còn lại trong cuốn sách, tất cả đều mang đến cảm giác tương tự.
Nói đến đây, Kosuga chống tay lên đầu gối rồi đứng thẳng dậy. Những lời cô bé vừa nói giống ông Shida một cách kì lạ. Có lẽ dù tuổi tác, giới tính và môi trường sống khác nhau thế nào đi nữa thi những người cùng yêu thích một cuốn sách vẫn sẽ có những cảm nhận giống nhau.
- Em xin lỗi vì đã lấy cuốn sách và cắt mất sợi dây ạ. - Cô bé nói, - Nếu dây bị cắt mất vẫn không sao thì mai em sẽ mang cuốn sách tới đây để trả. Em cũng sắp đọc xong rồi.
- Không được đâu. - Shinokawa ngắt lời bằng một giọng dịu dàng mà kiên quyết, - Em phải là người trực tiếp trả cuốn sách cho chủ của nó chứ không phải bọn chị. Chủ cuốn sách là ông Shida, một người cũng thích truyện “Người đi mót lúa” giống em vậy. Chị cho rằng nếu em nói cho ông Shida biết những điều em nghĩ và chân thành xin lỗi thì chắc chắn ông Shida sẽ tha thứ cho em thôi.
Rốt cuộc thì tôi cũng hiểu tại sao Shinokawa lại gọi cô bé tới bệnh viện. Chắc chắn cô đã nghĩ là để Kosuga tự trả lại cuốn sách thì tốt hơn nhiều. Nhất định ông Shida cũng sẽ vui lắm.
- Em hiểu rồi. Em sẽ làm thế. - Kosuga Nao nhanh chóng gật đầu, không hề lưỡng lự.

Vào một buổi sáng của mấy ngày sau, tôi dẫn Kosuga tới bờ biển Kugenuma. Trên con đường quốc lộ chạy dọc bờ biển đang tắc nghẽn bởi những chiếc xe lớn chở khách tham quan du lịch, chúng tôi nghe thấy tiếng sóng vỗ rì rào và nhìn thấy những cánh buồm thấp thoáng đằng xa.
Lẽ ra tôi đã phải chú ý đến vấn đề này ngay từ đầu, từ thời điểm Shinokawa bảo Kosuga tự đem trả cuốn sách cho ông Shida, đó là cô bé không hề biết ông Shida sống ở đâu nên tất nhiên phải có người dẫn cô bé tới chỗ ông, và người duy nhất có khả năng làm điều đó chính là tôi.
Từ đường quốc lộ, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ dọc theo bờ sông Hikiji. Tới đây thì đường sá vắng hẳn.
Hôm nay Kosuga có mang theo cuốn sách. À không, thật ra thì tôi cũng chưa nhìn thấy cuốn sách.
Suốt dọc đường, cô bé gần như chẳng nói gì cả. Chắc là căng thẳng lắm.
- Hẳn là chỗ kia.
Tôi chỉ xuống bên dưới cây cầu sắt. Có một cái gì đó giống như “nhà” làm bằng vải bạt màu xanh dựng dựa vào chân cầu bê tông. Như để chứng minh cho lời nói của tôi, phần “cửa” của tấm bạt mở ra và một người đàn ông trung niên trọc đầu xuất hiện.
- Tới đây là được rồi ạ. Em sẽ xuống đó một mình.
Nói đoạn, cô bé nhanh chân chạy xuống sườn dốc dẫn đến chân cầu làm tôi cuống cuồng đuổi theo. Dù cô bé nói “tới đây là được rồi” nhưng tôi nghĩ mình vẫn có nghĩa vụ trông chừng đến nơi đến chốn.
Nhìn thấy chúng tôi, ông Shida tháo chiếc khăn tắm đang quấn quanh cổ ra. Kosuga dừng lại trước mặt ông Shida và nói:
- Cháu là Kosuga ạ.
- Chào. Ta là Shida.Sau đó, Kosuga lật đật lấy trong túi giấy ra một cuốn sách bọc vải cẩn thận, cầm bằng cả hai tay đưa cho ông Shida.
- Cháu trả lại cuốn sách ạ. Cháu xin lỗi vì đã ăn trộm nó.
Ông Shida im lặng nhận lấy cuốn sách, mở lớp vài bọc ngoài ra như muốn kiểm tra tình trạng của nó. Tôi có thể nhìn thấy nhan đề Người đi mót lúa - Thánh Andersen in trên bìa cuốn sách cũ hơi ngả màu. Ông lật xem vài trang rồi chạm nhẹ vào đầu sợi dây đánh dấu trang đã bị cắt mất.
- Ầy, thật đáng thương quá đi. - Ông thở dài.
- Cháu xin lỗi vi không nối dây lại như cũ được. Cháu thực sự xin lỗi ạ...
Vai cô bé run run, mặt cúi gằm. Ông Shida lắc đầu:
- Không, ta không phải đang nói cuốn sách.
- Dạ?
- Ta đang nói về cháu đấy. Đã cố gắng đến thế mà vẫn không tặng được quà.
Kosuga sững người, sắc mặt tái xanh.
- Cháu tới chỉ để xin lỗi về cuốn sách thôi. - Giọng cô bé nhỏ xíu như đang cố gắng kìm nén cảm xúc, - Không cần thương hại cháu đâu. Chuyện đó sao mà chẳng được.
- Vớ vẩn, được thế quái nào mà được? Tình cảm của cháu đã bị giẫm đạp, bị tổn thương. Đó là sự thật, chẳng việc gì cháu phải nói dối về chuyện đấy cả.
Ông Shida nói nhẹ nhàng. Chắc ông cũng hiểu Kosuga đã thất vọng đến nhường nào.
- C... cháu có nói dối gì đâu.
- Không cần phải cố tỏ ra cứng cỏi. Dù gì thì ở đây cũng không ai biết bình thường cháu là người như thế nào cả. Nếu không ngại thì cháu kể cho ta nghe thử xem?
Kosuga cắn răng, vai run lên bần bật:
- Có kể ra cũng giải quyết được gì đâu. Thế chẳng phải vô ích lắm sao ạ?
- Ừ, chắc là vô ích thật. - Ông Shida gật đâu, - Có điều nói ra thì sẽ nhẹ nhõm hơn, phải không? Như trong câu chuyện “Người đi mót lúa” này này, “Bỏ qua vấn đề lợi ích, chỉ cần trở thành những người cần thiết cho nhau thôi cũng tốt lắm rồi, không phải sao?”. Ngây thơ thật đấy, nhưng rất ấm lòng, đúng không? Cho nên, nếu cháu cảm thấy có gì ấm ức thì ta sẵn lòng nghe đây.
Bỗng dưng Kosuga nhắm chặt mắt lại và há miệng thật to. Tôi cứ tưởng cô bé sẽ hét lên, không ngờ cô lại òa khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trong câm lặng. Chẳng ai trong chúng tôi nói gì, chỉ có tiếng sóng biển rì rào từ xa vọng lại.
Một lúc lâu sau, ông Shida mới bảo tôi:
- Chú mày về trước đi. Để tao nói chuyện với con bé.
- Hơ? - Tôi tròn mắt ngạc nhiên.
Để hai người này lại với nhau có sao không nhỉ? Không, tôi không nghĩ ông Shida sẽ làm gì cô bé đâu, có điều để một nữ sinh cấp ba đang khóc lóc thế này lại đây và về trước thì hình như không ổn cho lắm.
- Nhưng mà...
- Chú mày là người ngoài trong vụ này, đúng không? Về chuyện tìm được cuốn sách, tao sẽ cảm ơn sau nhé.
Rồi ông Shida quay sang hỏi Kosuga:
- Cháu thấy sao? Có muốn cậu ta ở lại không?
Cô bé lắc đầu ngay lập tức, giọng nghẹn ngào.
- Anh cứ về đi.
Hai người trong cuộc đã nhất trí thì tôi cũng chẳng còn cách nào khác. Tôi rời khỏi bờ sông, cảm giác như mình vừa bị bỏ rơi.

Những ngày sau đó trôi qua yên bình.
Tôi không biết ông Shida và Kosuga đã nói với nhau những gì. Khi tôi kể lại cho Shinokawa nghe thì cô chỉ đáp “Vậy à?”, rồi thôi, có vẻ đã mất hết hứng thú với vụ việc, ừ thì, dù sao chúng tôi cũng chi là những người ngoài cuộc và chẳng có lý do gì để can thiệp vào chuyện riêng giữa hai người đó cả.

Song, có một chuyện đã khiến tôi phải để tâm là một tuần sau cái ngày tôi dẫn Kosuga đi trả sách cho ông Shida, anh chàng làm nghề sedori tên Kasai xuất hiện tại tiệm sách Biblia và kể, lúc anh ta tới thăm ông Shida ở dưới cây cầu gần bờ biển Kugenuma thì không thấy ông đâu cả.
- Đồ đạc vẫn ở đó nhưng cái xe đạp thì không. Hình như ông ấy đã đi đâu mấy ngày nay rồi. Tôi thấy lo lo. - Kasai rầu rĩ nói.
Dẫu xung quanh khu đó cũng có một vài tổ chức hỗ trợ xã hội, nhung lỡ ông Shida bị tai nạn giao thông hay gặp phải sự cố gì khác thì sao?
Chắc tôi nên nói cho Shinokawa biết chuyện này thì hơn. À không, trước hết nên gửi e-mail hỏi thăm Kosuga đã. Tôi vừa làm việc vừa suy nghĩ lung tung cho đến chiều thì ông Shida bất thình lình xuất hiện ở cửa tiệm.
- Chào! Lâu lắm không gặp. Chú mày có trông hàng cẩn thận không đấy?
Ông chào hỏi, dựa người vào quầy tính tiền, dáng diệu vui vẻ. Da sạm hơn đôi chút, trên đầu lún phún những sợi tóc bạc, quần áo bẩn hơn cả lần trước tôi gặp ông, tóm lại là bộ dạng của ông Shida lúc này giống hệt người vừa sống sót trở về sau tai nạn.
- Cảm ơn về vụ cuốn sách nhé!
Vừa nói, ông vừa lục túi vải buồm lấy ra cho tôi xem cuốn sách khổ bunko có bọc bìa, cuốn Người đi mót lúa - Thánh Andersen của Koyama Kiyoshi.
- Hôm đó, sau khi chú mày về, tao và con bé đã ngồi ở bờ sông trò chuyện khá lâu. Toàn về sách của Koyama Kiyoshi thôi. Con bé tuy hơi khó gần nhưng vẫn là một đứa bé ngoan.
Ông Shida hiền từ nói, rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông lấy một chiếc túi nhỏ bằng giấy từ trong túi vải buồm ra, đặt lên quầy tính tiền. Có vẻ là một món quà được gói theo kiểu túm miệng, sợi dây ruy băng dùng để túm miệng túi trông rất xinh.
- Con bé tặng tao cái này đấy. Bảo là để xin lỗi vì đã cắt mất sợi dây đánh dấu trang. Chú mày nhìn thử bên trong đi.
Nghe ông nói tôi mới để ý, cái túi giấy cô bé xách theo hôm đó hơi to so với cỡ của một cuốn sách khổ bunko. Hẳn bên trong còn đựng món quà này nữa.
Miệng túi mở sẵn nên chỉ việc nghiêng đầu vào là nhìn được bên trong. Tôi ngạc nhiên tột độ khi thấy trong túi quà là một chiếc bấm móng tay nhỏ và một cây ngoáy tai bằng kim loại.
- Con bé tâm lý quá đúng không? Dù không phải đồ đắt tiền gì.
Ông Shida vừa cười vừa nói. Tôi hiểu ý ông. Món quà này giống hệt với những thứ cô gái trẻ trong “Người đi mót lúa” đem tặng cho anh nhà văn. Nhìn kĩ cũng thấy móng tay ông Shida hôm nay được xén tỉa gọn gàng. Chắc ông đã sử dụng món quà này rồi.
- Chính là nhờ con bé chủ tiệm nên tao mới tìm được cuốn sách. Kosuga kể cho tao nghe rồi. Rằng con bé kia ở trong bệnh viện suốt, vậy mà đoán đứng hết đầu đuôi câu chuyện.
Ông Shida ngập ngừng một lúc rồi bổ sung:
- Kosuga nói là con bé chủ tiệm đoán chính xác đến mức nó nghe mà rùng hết cả mình.
Tôi hơi phật ý. Tất nhiên là nhờ vào tài suy đoán chính xác của Shinokawa, song, người phải bỏ công chạy tới chạy lui là tôi cơ mà?
- Dù sao thì mấy đứa cũng khổ cực lắm mới tìm được cuốn sách giùm tao nhanh như vậy nên đương nhiên tao phải trả ơn chứ. Đây nhé.
Ông Shida cho gói quà vào lại trong túi vải buồm rồi chìa cho tôi một cuốn bunko khác. Trông nó tinh tươm hơn cuốn Người đi mót lúa của Koyama Kiyoshi, song nhìn cũng không giống sách mới xuất bản. Là cuốn Xác sống của Peter Dickinson, do Sanrio SF Bunko phát hành. Tuy chưa nghe tên cuốn sách bao giờ nhưng tôi đoán nó thuộc thể loại khoa học viễn tưởng.
- Cuốn này để làm gì đây ạ?
- Cái thằng, sao cứ hỏi cái câu đần độn thế nhỉ? Tất nhiên là để bán rồi! - Ông Shida nói lớn, - Ra giá thoải mái đi. 1 yên tao cũng bán.
Tôi nhìn xuống cuốn Xác sống trong tay. Chất lượng giấy trông khá tệ, giá bìa là 480 yên.
Tuy không nhìn ra nó có chỗ nào quý giá đến mức khiến cho ông Shida tự đắc thế kia, nhưng dù sao thì tôi vẫn sẽ đem sách tới bệnh viện cho Shinokawa xem qua.
- Mấy hôm nay ông đi đâu vậy?
- Đấy lại thế! Đương nhiên là tao đi làm việc của tao rồi. Tao đi biết bao nhiêu chỗ mới tìm được cuốn sách ấy đấy. Ít nhất mày cũng phải nói một câu cảm ơn đi chứ.
Tại sao lại là tôi? Chẳng phải ông mang nó tới đây là để cảm ơn chúng tôi à?
- Cảm ơn ông.
Rốt cuộc, tôi vẫn cứ cúi đầu cảm ơn. Đúng là ngu khi lo lắng cho ông ta mà.

Đóng cửa tiệm xong, tới được bệnh viện thì trời cũng đã sẩm tối. Shinokawa đang ngồi trên giường dùng máy tính xách tay, nhìn thấy tôi vào liền cúi chào với vẻ ngượng ngùng.
- A... anh vất vả quá.
Xong, cô im lặng, không nói gì thêm. Dẫu tôi đã làm việc ở tiệm sách Biblia hơn một tuần, chủ đề nói chuyện giữa tôi và cô vẫn chẳng có gì ngoài sách.
- Cô cũng vất vả rồi.
Lại im lặng. Tuy nhờ vụ tìm sách mà chúng tôi gặp mặt thường xuyên hơn nhưng cứ không có chuyện gì để nói thế này thì gặp cũng vô ích. Cuối cùng, tôi quyết định thử trò chuyện về những chủ đề khác xem sao.
- Vết thương của cô thế nào rồi?
- Vết thương?
- Hôm trước cô có nói là vừa từ phòng tập phục hồi chức năng về mà.
- À, vâng, đúng thế, tôi đang tập.
Shinokawa vẫn cúi gằm mặt và nói bằng giọng nhỏ xíu như thường lệ.
- Tại sao cô lại bị thương vậy?
Phần hông Shinokawa quấn một thứ nhìn như đai bảo hộ, song cả hai chân đều không bó bột. Tôi nghe nói bị thương ở chân mà nhỉ? Hay chân lành rồi?
- ...
Shinokawa lộ vẻ do dự như muốn nói gì đó. Nhưng rốt cuộc cô vẫn im lặng khiến tôi hơi thất vọng. Dù rất muốn thân thiết hơn, mà đến cả chuyện phiếm cũng không xuôi thì...
“E... hèm”.
Bỗng dưng Shinokawa phát ra tiếng đằng hắng rõ to. Rồi rụt cổ lại ngay như bị bất ngờ bởi giọng của chính mình.
- T... tôi... Trừ khi liên quan đến sách, còn thì tôi giao tiếp dở lắm. C... có điều, với anh Gora, tôi nghĩ, hình như mình thấy dễ dàng hơn...
Vấn đề lớn đây! Như thế này mà đã gọi là “dễ dàng”, tức là bình thường còn kém khả quan hơn nữa cơ à?
- Ừm... Tiệm sách ấy... Anh sẽ không nghỉ việc đâu, đúng không?
- Hở?
- Tôi thấy, làm việc với anh Gora suôn sẻ nên...
Tôi đăm đăm nhìn Shinokawa. Tôi hiểu điều cô muốn nói. Dĩ nhiên câu trả lời của tôi quá rõ ràng rồi. Cô gái này kì lạ thật đấy, song cảm giác được cô cần tới vẫn khiến tôi phấn khởi.
- Tôi không nghỉ việc đâu, vì làm ở đây còn được nghe kể chuyện về sách nữa mà.
Với một người dù muốn nhưng không thể đọc đuợc sách như tôi thì tiệm Biblia là một chốn quá tuyệt vời, dù rằng tôi cũng muốn trao đổi một chút về khoản lương lậu.
- A! Đúng rồi.
Bất chợt nhớ ra mục đích chính khiến mình tới bệnh viện, tôi lục túi giấy lấy cuốn Xác sống của Peter Dickinson mà ông Shida đem đến tiệm lúc chiều.
Shinokawa rụt rè ngẩng đầu nhìn, và rồi đôi mắt sau cặp kính cận cùa cô lập tức mở thật to. Gương mặt cô sáng bừng và lại biến thành một con người khác chỉ trong tích tắc.
- A! Là Xác sống này!
Ngay giây tiếp theo, cuốn sách nằm gọn trong tay Shinokawa. Cô mỉm cười sung sướng và ngắm nghía cuốn sách từ mọi góc độ. Bức hình cô gái mặc đồ da in trên bìa cứ xoay tới xoay lui.
- Ông Shida tìm được cuốn này ở đâu vậy nhỉ? Ông có nói gì nữa không?
- Không. Lần này ông ấy chẳng nói gì cả. Cuốn sách này hiếm lắm sao?
- Sanrio SF Bunko được biết đến như một nhà xuất bản chuyên về các cuốn sách dành cho dân sưu tầm. Họ xuất bản nhiều tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hay văn học kì ảo ngoài phạm vi văn học Anh-Mỹ, không phổ biến lắm ở Nhật Bản. Vì doanh số bán ra kém ổn định nên họ chỉ tồn tại được khoảng mười năm thôi. Nhiều đầu sách chỉ có mình Sanrio SF Bunko dịch và xuất bản, số lượng độc giả yêu thích tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và sưu tầm toàn bộ sách của nhà này cũng không ít đâu.
Cô giải thích một cách trôi chảy và đầy nhiệt huyết.
- Trong số đó, Xác sống là đầu sách có số lượng xuất bản đặc biệt ít. Nó không mấy khi xuất hiện trên thị trường sách cũ. Tiệm chúng ta cũng chưa mua được nó bao giờ.
Rốt cuộc thì tôi cũng hiểu được vì sao Shinokawa lại vui mừng đến thế. Tóm lại, đây là một cuốn sách hiếm. Chắc cũng giống những cuốn ông Shida mang đến lần trước?
- Cuốn này có giá khoảng bao nhiêu?
- Ừm. Phần rìa xung quanh các trang sách chưa ố vàng, bìa sách còn đẹp. Hẳn là tầm 50.000 yên.
Tôi nghẹn lời. 50.000 yên cho một cuốn sách? Tôi không thể tưởng tượng nổi nó lại có giá đến thế. Cuốn sách hiếm nhường ấy mà ông Shida nói rằng 1 yên cũng bán. Quả là món quà cảm ơn tuyệt vời nhất cho một tiệm sách cũ. Nhất định là ông đã phải vất vả lắm mới lấy được cuốn sách.
- Ông Shida có nói gì về cô bé Kosuga không?
Shinokawa vừa lật giở cuốn sách vừa hỏi.
- À, nghe kể họ đã chuyện trò khá tâm đắc về các tác phẩm của Koyama Kiyoshi.
Trông ông Shida ngập tràn hạnh phúc lúc cho tôi xem cái bấm móng tay và cây ngoáy tai. Có lẽ là gặp được người cùng sở thích chăng?
- Ông ấy đã được Kosuga tặng một món quà. Là...
- Bấm móng tay và cây ngoáy tai phải không?
Đang định kể nốt với giọng đắc ý thì nghe cô xen ngang, tôi kinh ngạc đến sững sờ.
- Ơ, sao cô...
Một suy nghĩ lóe lên trong đầu khiến tôi dừng câu hỏi giữa chừng. Lúc nói chuyện với Kosuga Nao ở đây, Shinokawa đã kể ông Shida cũng thích truyện “Người đi mót lúa” và bảo Kosuga hãy cho ông biết cảm tưởng của mình cùng với lời xin lỗi chân thành.
Giờ nghĩ lại mới thấy, dường như Shinokawa đã gợi ý cho Kosuga việc tặng bấm móng tay và cây ngoáy tai làm quà. Cô đã biết trước rằng ông Shida sẽ vui vẻ mà tha lỗi cho cô bé. Tôi ngắm nhìn khuôn mặt rạng rỡ và đôi mắt to trong trẻo của Shinokawa, nhớ lại lời ông Shida nói với tôi khi gửi cuốn Xác sống.
- Thực sự cảm ơn hai đứa vì đã giúp tao lần này nhé. Mà này... - ông Shida ngừng lại một chút, vẻ mặt trở nên nghiêm túc, - Con bé chủ tiệm đó tinh ý đến mức làm tao phát lo. Thông minh quá nhiều lúc cũng không tốt đâu. Con bé có vẻ không nhận ra, bởi vậy tao thấy chú mày để ý giùm nó một chút đi thì hơn.
Bấy giờ tôi cho rằng ông Shida lo lắng thái quá. Cô gái này làm mọi thứ bằng tình yêu với những cuốn sách, chỉ đơn giản thế thôi mà. Sao có thể gặp rắc rối gì được chứ?
Lúc này tôi vẫn nghĩ vậy. Chỉ là hơi bận tâm về chuyện cái bấm móng tay và cây ngoáy tai. Tôi biết Shinokawa không có ý xấu, nhưng không thể phủ nhận rằng cô đã điều khiển hành vi của một người khác. Nếu người ta biết được điều này, ắt hẳn họ sẽ không lấy gì làm vui mừng đâu, phải không?
Có lẽ tôi nên chú ý hơn một chút thật, vì dù sao thì từ giờ trở đi tôi cũng sẽ làm việc cùng cô mà.
Shinokawa lật những trang sách, miệng he hé mở và phát ra những âm thanh kì lạ. Cô lại định huýt sáo đấy, và vẫn như mọi khi, chẳng hề hay biết mình huýt tệ tới mức nào.
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét