Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Bệnh Nhân Người Anh - Michael Ondaatje

Bệnh Nhân Người Anh

Tác giả: Michael Ondaatje
Dịch giả: Hồ Như
Nhà xuất bản Văn học - 03/2010

Lời Người Dịch

   Bệnh nhân người Anh là một tác phẩm nhiều tham vọng. Nó mang những dữ liệu về những nền văn minh, ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, triết học, văn chương, thơ nhạc của bốn lục địa khác nhau. Trong Bệnh nhân người Anh, bốn người từ ba lục địa khác nhau, qua những xô đẩy của một cuộc chiến, gặp nhau nơi một xứ sở không phải là quê hương của bất kỳ ai trong nhóm họ. Ở một góc quả đất nơi đã trở thành hoang tàn theo dấu chân của cuộc chiến, trong nỗi bình yên tạm thời và chông chênh giữa một cuộc chiến còn âm ỉ, họ tìm cách chăm sóc cho nhau, chữa lành vết thương của nhau (và của chính mình), tìm niềm vui trong một thế giới khác: ký ức trước chiến tranh, những áng văn hay, những điệu nhạc vui. Giữa những chết chóc và tang thương, họ vẫn tìm ra cái đẹp, vì cái đẹp sống giữa chúng ta, trong khao khát của chúng ta đi tìm cái đẹp.
Nếu nói theo một lối đơn giản nhất về câu chuyện bên trong Bệnh nhân người Anh, thì nó không có hậu. Trái bom kết thúc cuộc chiến cũng là trái bom nổ tung nỗi yên bình tạm bợ họ đang ấp ủ. Đột nhiên thế giới nhỏ bé không còn là chỗ không ranh giới. Những phân chia văn hóa, chính trị bỗng rõ nét trở lại. Cái đẹp không tranh đua được với nghi ngại và chia rẽ. Cặp tình nhân xa nhau. Nhóm bạn tan tác giữa sống chết và chia ly. Nhưng thật ra, mối nối kết giữa họ, nét đẹp mong manh nào đấy đã mang họ đến với nhau vẫn còn đấy. Như mảnh đất thấm đượm lịch sử và văn hóa nơi họ gặp nhau. Như những bài nhạc họ cùng yêu.
Ngoài viết văn, Michael Ondaatje cũng là một nhà thơ. Thế nên, Bệnh nhân người Anh, tuy không hẳn lúc nào cũng suôn sẻ dễ đọc, thường mang vẻ đẹp khúc mắc của những ý tưởng độc đáo trong một giọng văn thấm đượm chất thơ. Ngòi bút của ông tự tin, vững vàng khi viết về những nhân vật Âu Mỹ, hẳn vì ông đã có kinh nghiệm sống ở Âu Mỹ, và có lẽ cũng vì những điều ông viết là những cảm xúc và suy nghĩ rất chung, rất đại đồng của con người cho dù thuộc xứ sở nào đi chăng nữa. Bệnh nhân người Anh sẽ đưa chúng ta vào quá khứ, vào chiến tranh, vào những góc tối sâu thẳm nhất của tâm linh. Sẽ không có tất cả câu trả lời trong sách cũng như trong chúng ta, nhưng phải chăng đấy chính là biểu hiện linh động nhất của cuộc sống?

Hồ Như
-----------------------

“Tôi chắc đa số quý vị còn nhớ hoàn cảnh thương tâm trong cái chết của Geoffrey Clifton ở Gilf Kebir, sau đó vợ anh, Katharine Clifton, mất tích trong chuyến thám hiểm sa mạc năm 1939 để tìm kiếm Zerzura. Tôi không thể bắt đầu buổi họp tối nay mà không xúc động nhắc đến những biến cố đau lòng ấy. Bài thuyết trình tối nay...”

 Trích biên bản buổi họp Hội Địa lý tháng Mười một, năm 194x-, London.

1. Tòa Villa

Đang làm việc trong vườn, nàng đứng dậy, nhìn về phía xa. Nàng linh cảm thời tiết đang thay đổi.
Một cơn gió giật lại đến, tiếng lách tách trong không gian, hàng cây bách cao nghiêng ngả. Nàng quay người, đi lên đồi về phía căn nhà, trèo qua một bức tường thấp, cảm thấy những giọt mưa đầu tiên trên đôi cánh tay trần. Băng qua hàng hiên, nàng bước nhanh vào nhà.
Không dừng lại trong bếp, nàng bước lên cầu thang chìm trong bóng tối, đi hết hành lang dài đến vệt sáng hắt ra từ một khung cửa mở.
Nàng bước vào phòng, căn phòng là một khu vườn khác - một khu vườn có cây cối và những tàng lá vẽ trên tường và trần phòng. Người đàn ông nằm trên giường, thân thể phô bày trong làn gió nhẹ, và khi nàng bước vào, ông chậm rãi xoay đầu về hướng nàng.
Nàng lau thân thể đen đúa của ông bốn ngày một lần, bắt đầu từ hai bàn chân bị hủy hoại. Nàng nhúng ướt chiếc khăn lau, cầm khăn bên trên hai cổ chân ông, vắt nước nhỏ xuống người ông, ngước mắt lên khi ông nói nho nhỏ, nhìn thấy nụ cười mỉm của ông. Những vết bỏng nặng nhất ở phía trên ống chân. Đậm hơn màu tím. Xương.
Nàng đã chăm sóc ông nhiều tháng trời, biết rõ thân thể ông, dương vật đang ngủ như con cá ngựa, vùng hông gầy teo tóp. Xương hông của Chúa Jesus, nàng nghĩ. Ông là vị thánh tuyệt vọng của nàng. Ông nằm thẳng lưng, không gối dựa, nhìn những chiếc lá vẽ trên trần nhà, tàng cây, và phía trên cây lá, bầu trời xanh.
Nàng đổ calamine* thành những vệt dài ngang qua ngực ông, chỗ ít bị bỏng hơn, chỗ nàng có thể chạm vào. Nàng yêu chỗ lõm bên dưới rẻ xương sườn cuối cùng, nơi làn da hõm xuống. Đến hai vai ông, nàng thổi hơi mát xuống cổ ông, và ông thì thào.
*[Calamine: một hỗn hợp khoáng chất (sắt và kẽm) và dầu, màu hồng, không mùi vị, dùng làm thuốc mỡ bôi da - mọi chú thích là của người dịch]
Gì thế? Nàng hỏi, không còn tập trung.
Ông xoay khuôn mặt đen sậm có đôi mắt màu xám về phía nàng. Nàng đút tay vào túi. Nàng dùng răng lột vỏ trái mận, móc hột mận ra, rồi đưa phần thịt vào miệng ông.
Ông lại thì thầm, kéo trái tim đang lắng nghe của cô y tá trẻ bên cạnh đến nơi nào tâm trí của ông đến, vào lòng giếng ký ức ông vẫn thường lao xuống trong những tháng trước khi ông chết.
Những câu chuyện người đàn ông lặng lẽ kể lại trong căn phòng lượn từ độ cao này đến độ cao khác như một con chim ưng. Ông thức dậy trong vườn cây vẽ, giữa những cành cổ thụ và hoa nở tràn lan. Ông nhớ đến những chuyến dã ngoại, người đàn bà từng hôn lên những phần thân thể giờ đây đã bị bỏng thành màu tím cà của ông.
Trong sa mạc, có khi nhiều tuần tôi quên ngắm trăng, như một người đàn ông đã thành hôn quên nhìn mặt vợ nhiều ngày. Đấy không phải là tội chểnh mảng, mà là dấu hiệu bận trí.
Đôi mắt ông dán lên khuôn mặt cô gái trẻ. Nếu đầu nàng cử động, tia nhìn đăm đăm của ông sẽ đi ngang qua nàng vào bức tường. Nàng nghiêng người đến phía trước. Làm sao ông bị bỏng?
Lúc ấy là buổi chiều muộn. Hai bàn tay ông nghịch một mảnh khăn trải giường, lưng ngón tay ông mơn trớn tấm vải.
Tôi rơi xuống sa mạc trong khi người đang cháy.
Họ tìm thấy thân thể tôi, làm cho tôi một cái thuyền bằng cành cây, rồi kéo tôi băng qua sa mạc. Chúng tôi ở trong Biển Cát [Sand Sea: nằm trong sa mạc Libya], đôi khi băng qua những lòng sông cạn. Dân du mục, cô biết đấy. Bedouin. Tôi lao xuống và cát cũng bốc cháy. Họ nhìn thấy tôi trần truồng đứng dậy từ đám lửa. Cái mũ phi công bằng da của tôi rực lửa. Họ cột tôi vào một cái nôi, một cái xác thuyền, rồi những bàn chân thậm thịch khi họ mang tôi chạy. Tôi đã phá vỡ vẻ thưa vắng của sa mạc.
Những người Bedouin biết về lửa. Từ năm 1939 họ đã biết về những chiếc máy bay từ trên trời rơi xuống. Một số dụng cụ và đồ dùng của họ được làm bằng kim loại lấy từ máy bay rớt và xe tăng. Đấy là thời chiến tranh trên trời. Họ có thể nhận ra tiếng ù ù của chiếc máy bay bị trúng đạn, biết cách nhặt nhạnh từ những xác máy bay rớt. Một chiếc đinh ốc nhỏ từ buồng lái trở thành nữ trang. Có lẽ tôi là người đầu tiên sống sót đứng lên khỏi khối máy móc đang bốc cháy. Một người đàn ông với cái đầu bốc lửa. Họ không biết tên tôi. Tôi không biết bộ lạc của họ.
Ông là ai?
Tôi không biết.
Cô hỏi mãi.
Ông nói rằng ông là người Anh.
Ban đêm, ông không bao giờ đủ mệt để ngủ. Nàng đọc cho ông nghe bất cứ cuốn sách nào nàng tìm được trong thư viện ở tầng dưới. Ngọn nến lung linh trên trang giấy và trên khuôn mặt đang đọc của cô y tá trẻ, soi lờ mờ cây cảnh trang trí trên tường. Ông lắng nghe nàng đọc, nuốt lấy lời nàng như nuốt nước.
Nếu trời lạnh, nàng thận trọng vào giường nằm cạnh ông. Nàng không thể đặt bất cứ vật gì lên người ông, dù chỉ là cổ tay gầy gò của nàng, vì ông sẽ bị đau.
Đôi khi, đến hai giờ sáng ông vẫn chưa ngủ, mắt ông mở trong bóng tối.
Ông ngửi được mùi ốc đảo trước khi ông nhìn thấy nó. Chất lỏng trong không gian. Tiếng mọi thứ xào xạc. Cây cọ và dây cương. Tiếng bình thiếc va vào nhau, âm thanh trầm đục cho biết chúng đựng đầy nước.
Họ đổ dầu lên những tấm vải mềm lớn và đặt chúng lên người ông. Ông đã được xức dầu thánh.
Ông có thể cảm nhận người đàn ông thinh lặng luôn ở bên ông, mùi hơi thở của anh ta khi anh ta cúi xuống tháo lớp vải bọc quanh người ông mỗi hai mươi bốn giờ, khi đêm xuống, để xem xét làn da của ông trong bóng tối.
Không còn lớp vải, ông lại là người đàn ông trần truồng bên cạnh chiếc máy bay đang cháy. Họ trải những lớp nỉ màu xám lên người ông. Đất nước cao quý nào đã tìm thấy ông, ông tự hỏi. Xứ sở nào tạo nên trái chà là mềm đến thế, trái chà là người đàn ông bên cạnh đã nhai rồi mớm cho ông. Trong thời gian ông ở cùng với những người này, ông không nhớ nổi ông là người nước nào. Không chừng ông chính là kẻ thù ông từng chống lại trên không trung.
Sau đó, trong bệnh viện ở Pisa, ông nghĩ ông nhìn thấy bên cạnh mình khuôn mặt đã đến mỗi đêm, nhai mềm trái chà là rồi chuyền xuống miệng ông.
Những đêm ấy không có màu sắc. Không có lời nói hay điệu ca. Những người Bedouin ngưng nói khi ông thức. Ông đang nằm trên một bàn thờ là chiếc võng, và trong nỗi kiêu căng của mình ông tưởng tượng chung quanh ông có hàng trăm người, trong khi có thể chỉ có hai người tìm thấy ông, tháo cái mũ rực lửa ra khỏi đầu ông. Ông chỉ biết hai người ấy bằng vị nước bọt vào người ông cùng trái chà là, hoặc bằng tiếng chân họ chạy.

Nàng thường ngồi đọc sách trong ánh sáng chập chờn. Thỉnh thoảng nàng sẽ liếc nhìn dọc hành lang tòa villa trước đấy là một bệnh viện thời chiến, nơi nàng sống chung với những cô y tá khác trước khi họ dần dà chuyển đi, cuộc chiến đang rời lên phía bắc, cuộc chiến sắp chấm dứt.
Trong đời nàng, đây là lúc nàng tìm thấy sách như cánh cửa duy nhất thoát khỏi căn phòng giam của mình. Sách trở thành nửa phần thế giới của nàng. Ngồi ở chiếc bàn nhỏ, nàng khom người đọc về chú bé ở Ấn Độ tập nhớ những món nữ trang và đồ vật khác nhau trên một cái khay, chú bị ném từ thầy giáo này sang thầy giáo khác - người dạy chú ngôn ngữ địa phương, người dạy chú ghi nhớ, người dạy chú tránh thuật thôi miên.
Cuốn sách nằm trên đùi nàng. Nàng nhận ra nàng đã nhìn trang giấy xốp hơn năm phút, vào vết hằn ở góc trang 17 ai đó đã gấp lại làm dấu. Nàng dùng tay vuốt nhẹ mặt giấy. Trong trí nàng có tiếng chân chạy lăng xăng như một chú chuột trên trần nhà, như con nắc nẻ ở cửa sổ ban đêm. Nàng nhìn dọc theo hành lang, mặc dù không còn ai khác sống ở đấy, không ai khác ngoài nàng và bệnh nhân người Anh ở villa San Girolamo. Số rau nàng trồng trong vườn cây ăn trái bị giội bom phía trên căn nhà đủ cho họ ăn, đôi khi có một người đàn ông từ thị trấn đến đây để nàng trao đổi xà bông, khăn trải giường và bất cứ thứ gì còn lại trong bệnh viện thời chiến này để lấy những thứ cần dùng khác. Chút đậu, chút thịt. Người đàn ông để lại cho nàng hai chai rượu vang, và mỗi tối, sau khi nằm với ông người Anh và ông đã ngủ, nàng sẽ long trọng rót cho mình một cốc rượu nhỏ, mang nó trở về chiếc bàn nhỏ ngay bên ngoài cánh cửa khép hờ, vừa nhấp từng ngụm nhỏ vừa đọc tiếp bất cứ cuốn sách nào nàng đang đọc dở.
Như thế, những cuốn sách nàng đọc cho ông người Anh nghe, dù ông chăm chú lắng nghe hay không, đều có nhiều chỗ gián đoạn trong câu chuyện, như đoạn đường bị bão làm cho xói lở, thiếu những sự kiện, như thể châu chấu đã ăn mất một mảng thảm treo tường, như đêm đêm vữa tường long ra khỏi bức bích họa vì bom.
Tòa villa nàng và ông người Anh đang ở cũng gần như thế. Có phòng không vào được vì đổ nát. Một lỗ bom cho phép ánh trăng và mưa lọt vào thư viện ở tầng dưới - ở đấy có chiếc ghế bành thường xuyên ướt sũng nằm trong một góc.
Nàng không bận tâm cho ông người Anh vì những chỗ trống trong câu chuyện. Nàng không tóm tắt những chương bị thiếu. Nàng chỉ lấy cuốn sách ra, nói: “Trang chín mươi sáu” hay “trang một trăm mười một”. Đấy là cách xác định vị trí duy nhất của nàng. Nàng nâng hai bàn tay của ông lên mặt nàng và ngửi, mùi bệnh hoạn vẫn còn trong hai bàn tay ấy.
Hai bàn tay của cô đang thô nhám dần, ông nói. Cỏ dại và cây gai và đào xới.
Cẩn thận đấy. Tôi đã báo trước với cô về những mối nguy hiểm.
Tôi biết.
Rồi nàng bắt đầu đọc.
Cha nàng đã dạy nàng về những bàn tay. Về bàn chân con chó. Mỗi khi cha nàng ở trong nhà một mình với một con chó, ông thường cúi xuống và ngửi lớp da dưới bàn chân nó. Đấy là mùi tuyệt nhất thế gian, ông nói, như thể mới ngửi mùi rượu brandy! [rượu trái cây] Một chùm hương khác nhau! Những chuyện phiếm tuyệt vời về du lịch! Nàng sẽ giả vờ ghê tởm, nhưng bàn chân con chó quả là kỳ diệu: mùi của nó không bao giờ khiến người ta nghĩ đến đất cát. Cha nàng đã nói, mùi của nó là một thánh đường! Khu vườn của người này, cánh đồng cỏ kia, một chuyến đi dạo qua những cây hoa anh thảo - tập hợp các dấu vết về những lối con vật đã đi qua trong ngày.
Có tiếng chân chạy lăng xăng trên trần nhà như một chú chuột, và nàng lại rời mắt khỏi cuốn sách, ngước nhìn lên.

Họ gỡ tấm mặt nạ bằng dược thảo ra khỏi mặt ông. Hôm ấy là ngày nhật thực. Họ đang chờ đợi nó. Ông đang ở đâu? Họ hiểu những dự đoán về thời tiết và ánh sáng, thế thì họ thuộc nền văn minh nào? Có lẽ là El Ahmar hoặc El Abyadd, vì họ phải là một trong những bộ lạc sa mạc vùng Tây Bắc. Những người có thể đón đỡ được một người đàn ông từ trên trời rơi xuống, những người phủ lên mặt người đàn ông ấy một tấm mặt nạ đan bằng lau sậy trong ốc đảo. Giờ đây ông mang sắc diện cỏ. Khu vườn ông thích nhất trên thế giới vẫn là khu vườn cỏ ở Kew [Kew: thuộc London, Anh quốc], sắc cỏ dịu nhẹ và nhiều màu, như những lớp cây tần bì trên một ngọn đồi.
Ông ngắm phong cảnh lúc nhật thực. Đến lúc ấy họ đã dạy cho ông cách giơ hai cánh tay lên và kéo sức mạnh từ vũ trụ vào thân thể mình, giống như cách sa mạc kéo những chiếc máy bay rơi xuống. Ông được mang đi trong một cái cáng làm bằng nỉ và cành cây. Ông nhìn thấy những vệt màu hồng như màu chim hồng hạc giăng ngang thị giác trong ánh sáng lờ mờ của mặt trời bị che khuất.
Trên da ông lúc nào cũng có thuốc mỡ, hoặc bóng tối. Một buổi tối, ông nghe như có tiếng chuông gió trên thinh không, và một lúc sau tiếng chuông gió ngưng. Ông thiếp ngủ trong nỗi khao khát âm thanh ấy, nghe như tiếng kêu kéo dài phát ra từ cổ họng một con chim, có lẽ là chim hồng hạc, hoặc một con cáo sa mạc bị nhốt trong túi áo choàng của một người đàn ông trong số họ, miệng túi khâu lại một nửa.
Ngày hôm sau, ông nghe thấy tiếng leng keng như thủy tinh đứt quãng ấy khi lại nằm trong lớp vải phủ. Một tiếng động phát ra từ bóng tối. Lúc hoàng hôn, lớp nỉ được tháo ra và ông nhìn thấy một cái đầu đàn ông trên cái bàn di chuyển về phía mình, rồi ông nhận ra người đàn ông ấy mang một cái đòn gánh khổng lồ, trên đòn gánh treo hàng trăm chiếc lọ nhỏ bằng những sợi dây và sợi kim loại dài ngắn khác nhau. Anh ta di chuyển như một phần của tấm màn thủy tinh, cả người bao phủ trong vầng thủy tinh ấy.
Hình dáng anh ta giống nhất những hình vẽ tổng lãnh thiên thần ông đã cố gắng sao chép khi ông còn là một cậu học trò nhỏ, chưa bao giờ lý giải được làm thế nào một cơ thể lại có chỗ cho những bắp thịt của đôi cánh như thế. Bước đi của anh dài, chậm, êm ái đến nỗi những chiếc lọ hầu như không chao nghiêng. Một làn sóng thủy tinh, một vị tổng lãnh thiên thần, tất cả thuốc mỡ trong những chiếc lọ ấm ánh nắng mặt trời, thế nên khi những thuốc mỡ ấy được bôi lên da, dường như chúng đã được đặc biệt hâm nóng để chữa lành vết thương. Phía sau anh là ánh sáng đã phân giải - màu xanh và những màu khác run run trong lớp bụi mờ và cát. Tiếng leng keng mơ hồ, những màu sắc khác nhau, dáng bước uy nghi và khuôn mặt anh gầy guộc sậm màu như một khẩu súng.
Nhìn gần, lớp thủy tinh thô rám và bị cát bào mòn, loại thủy tinh đã mất đi vẻ tao nhã của mình. Mỗi lọ có một nút bấc nhỏ, người đàn ông dùng răng kéo nút bấc ra và ngậm nó bằng môi lúc anh pha trộn chất đựng trong lọ này với chất đựng trong lọ khác, nút bấc thứ hai cũng nằm giữa răng anh. Anh đứng với đôi cánh của mình bên thân thể bị bỏng nằm ngửa, cắm hai cây gậy vào sâu trong cát rồi tháo cái đòn gánh dài hai mét ra, đặt nó trên hai cây gậy như một cặp nạng. Anh cúi người bước ra ngoài gánh hàng của mình. Quỳ gối, anh cúi xuống người phi công bị bỏng và áp hai bàn tay lạnh lẽo của mình lên cổ ông.
Dọc theo con đường lạc đà từ Sudan lên hướng bắc đến Giza, đường Bốn Mươi Ngày, ai cũng biết anh. Anh đón những đoàn lữ hành, trao đổi gia vị và chất lỏng, di chuyển giữa những ốc đảo và trại trữ nước. Anh đi trong bão cát với chiếc áo choàng bằng chai lọ, hai tai đút hai nút bấc nhỏ, vì thế chính anh, một thầy thuốc con buôn, vua của dầu và nước hoa và thuốc chữa bách bệnh, người làm lễ rửa tội, dường như cũng là một cái chai. Anh vào trại và bày tấm màn chai lọ trước mặt bất cứ ai bị bệnh.
Anh khom người bên cạnh người đàn ông bị bỏng. Chụm hai lòng bàn chân thành hình cái chén, anh ngửa người ra sau, thậm chí không ngoái nhìn, rút một số lọ. Mỗi chiếc lọ bé xíu mở nút là mùi hương tỏa ra. Có mùi biển. Mùi gỉ sắt. Mùi chàm. Mùi mực. Mùi bùn ở sông, mùi cây tú cầu, mùi formaldehyde, mùi paraffin, mùi ether. Luồng không khí xao động. Có tiếng rống của lạc đà phía xa xa khi chúng ngửi thấy những mùi trong lọ. Anh bắt đầu bôi một chất bột nhão màu xanh đen lên lồng ngực ông. Đấy là xương con công xay nhuyễn, trao đổi trong một khu phố cổ về phía tây hoặc phía nam - thuốc chữa lành da công hiệu nhất.

Giữa nhà bếp và giáo đường nhỏ đổ nát là cánh cửa dẫn vào một thư viện hình bầu dục. Khoảng không gian bên trong có vẻ an toàn, ngoại trừ một lỗ hổng lớn ở ngang mức treo tranh chân dung trên bức tường phía xa, do một trận pháo kích hai tháng trước gây ra. Phần còn lại của căn phòng đã tự thích nghi với vết thương này, chấp nhận những thói quen của thời tiết, sao đêm, và tiếng chim. Trong phòng có một chiếc ghế sofa, một cây đàn dương cầm phủ khăn xám, đầu một con gấu nhồi và những bức tường cao đầy sách. Những kệ sách gần bức tường vỡ đã bị cong oằn vì mưa, những hạt mưa làm tăng gấp đôi sức nặng của sách. Sấm chớp cũng vào phòng nhiều lần, rơi ngang qua mặt thảm và chiếc dương cầm phủ kín.
Cuối phòng là hai cánh cửa kiểu Pháp đã bị đóng ván kín lại. Nếu cửa mở nàng có thể đi từ thư viện ra hiên nhà, rồi đi xuống ba mươi sáu bậc thang sám hối qua giáo đường nhỏ đến một đồng cỏ cổ xưa, giờ đây đã bị xước sẹo vì bom lân tinh và những vụ nổ. Khi rút lui, quân Đức đã cài mìn nhiều căn nhà, thế nên hầu hết những phòng không cần đến, như phòng này, đã bị niêm phong vì lý do an toàn, những cánh cửa bị đóng đinh vào khung.
Nàng biết những mối nguy hiểm này khi nàng len vào phòng, bước đi trong bóng tối của căn phòng giữa buổi chiều. Đứng đấy, nàng đột nhiên ý thức được sức nặng của mình trên mặt sàn gỗ, nghĩ rằng sức nặng ấy có lẽ đủ để phát động bất cứ cơ quan nào ở đấy. Chân nàng ngập trong bụi. Nguồn ánh sáng duy nhất rót qua lỗ pháo cối tròn nham nhở hướng lên trời.
Nàng rút cuốn Người Mohican cuối cùng [The Last of the Mohicans: truyện của James Fenimore Cooper] ra với một tiếng rắc, như thể nó bị tách ra khỏi một khối liền lạc, và ngay trong ánh sáng lờ mờ này nàng vẫn thấy vui lên vì bầu trời xanh lam và hồ nước trên hình bìa, cùng hình vẽ một người da đỏ ở cận cảnh. Thế rồi, như để tránh kinh động ai đấy trong phòng, nàng bước lùi lại, giẫm lên những dấu chân của chính mình, vì an toàn, nhưng cũng vì một trò chơi riêng tư. Như thế, nhìn những bước chân của nàng, có vẻ như thân thể hữu hình của nàng đã biến mất sau khi nàng vào phòng. Nàng đóng cửa lại và dán tấm niêm cảnh cáo vào chỗ cũ.
Nàng ngồi trong vòm cửa sổ ở phòng bệnh nhân người Anh, một bên là những bức tường sơn vẽ, một bên là thung lũng. Nàng mở cuốn sách. Những trang giấy dính vào nhau cứng đơ thành hình sóng gợn. Nàng cảm thấy mình như Crusoe tìm thấy một cuốn sách theo dòng nước trôi dạt vào bờ và hong khô ở đấy. Chuyện kể về năm 1757. N. C. Wyeth minh họa. Cũng như những cuốn sách hay nhất, cuốn sách này có một trang quan trọng liệt kê danh sách những hình minh họa, mỗi hình có một hàng chữ.
Nàng vào truyện, biết rằng khi bước ra nàng sẽ cảm thấy như nàng đã trầm mình vào trong cuộc sống của những người khác, trong cốt truyện kéo dài hai mươi năm, thân thể nàng ngập tràn những câu và những khoảnh khắc, tựa như đang thức dậy với cảm giác nặng trĩu của những giấc mơ nàng không nhớ.
Thị trấn trên đồi nước Ý của họ, người lính canh của tuyến đường Tây Bắc, trước đấy đã bị vây hãm hơn một tháng, hàng phòng thủ chính là hai tòa villa và tu viện có vườn cây mận và táo bao quanh. Một là villa Medici, chỗ ở của các ông tướng. Ngay phía trên nó là villa San Girolamo, trước kia là một tu viện nữ, thành trì cuối cùng của quân đội Đức vì có những lỗ châu mai như trong các thành trì. Một trăm quân lính từng ở đấy. Lúc thị trấn trên đồi bắt đầu bị vỡ đôi vì bom lửa như một chiến hạm ngoài khơi, quân lính đã dời từ những cái lều doanh trại trong vườn cây ăn trái vào những phòng ngủ bây giờ chật cứng của tòa nhà trước kia là tu viện nữ. Nhiều phần của giáo đường nhỏ đã bị nổ tung. Tầng thượng của tòa villa đã sụp đổ vài nơi vì các vụ nổ. Khi cuối cùng phe Đồng Minh chiếm được tòa nhà và biến nó thành bệnh viện, những bậc thang lên tầng ba đã bị niêm phong, mặc dù vẫn còn một phần ống khói và mái nhà chưa bị hủy.
Nàng và ông người Anh nhất quyết ở lại khi những cô y tá và bệnh nhân khác chuyển đến một địa điểm an toàn hơn về phía nam. Trong thời gian này họ rất lạnh, không có điện. Vài phòng hướng ra thung lũng hoàn toàn không có tường. Nàng sẽ mở một cánh cửa và chỉ nhìn thấy một cái giường sũng nước co ro trong góc phòng, phủ đầy lá. Có những cánh cửa mở ra phong cảnh ngoài trời. Vài phòng đã biến thành chuồng chim bỏ ngỏ.
Cầu thang đã mất những bậc phía dưới lúc quân lính phóng hỏa trước khi rút lui. Nàng vào thư viện, lấy hai mươi cuốn sách, đóng đinh sách xuống sàn nhà rồi đóng chồng lên nhau, như thế xây lại hai bậc thang dưới cùng. Đa số những chiếc ghế đã được dùng để nhóm lửa. Chiếc ghế bành trong thư viện bị bỏ lại bởi nó lúc nào cũng ướt sũng vì những trận bão ban đêm lọt vào qua lỗ súng cối. Đồ vật nào ướt thì không bị cháy trong tháng Tư năm 1945.
Vẫn còn lại vài cái giường. Về phần nàng, nàng thích lang thang trong nhà cùng tấm nệm hoặc chiếc võng của nàng, đôi khi ngủ trong phòng bệnh nhân người Anh, đôi khi trong hành lang, tùy theo nhiệt độ, gió hoặc ánh sáng. Buổi sáng, nàng cuộn tròn tấm nệm và dùng dây cột nó lại. Bây giờ thời tiết ấm hơn và nàng mở cửa nhiều phòng hơn, để những góc tối được thoáng hơi, để ánh nắng hong khô hơi ẩm. Có đêm nàng mở những cánh cửa và ngủ trong những căn phòng đã mất tường. Nàng nằm trên tấm nệm sát ngoài rìa căn phòng, nhìn ra những vì sao, những đám mây bay, và thức dậy vì tiếng sấm sét gầm gừ. Nàng hai mươi tuổi điên dại và không màng đến sự an toàn trong lúc này, không băn khoăn về chuyện thư viện có thể bị cài mìn hoặc tiếng sấm khiến nàng giật mình trong đêm. Nàng cảm thấy bồn chồn sau những tháng lạnh lẽo, khi nàng bị gò bó trong những chỗ tối và an toàn. Nàng vào những phòng bị quân lính làm ô uế, những phòng dùng để đốt bàn ghế. Nàng dọn lá, phân, nước tiểu và những cái bàn cháy đen. Nàng sống như một kẻ lang thang, trong khi ở nơi khác, bệnh nhân người Anh nghỉ ngơi trên giường của ông như một vị vua.
Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà dường như đã bị phá hủy. Một cầu thang phía ngoài biến mất giữa không trung, tay vịn treo lơ lửng. Cuộc sống của họ là sự lượm lặt và an toàn tạm bợ. Họ chỉ dùng nến khi cần để tránh bọn cướp gặp gì hủy nấy. Họ được bảo vệ trong tòa nhà dường như đã đổ nát. Nhưng nàng cảm thấy an toàn ở đây, nửa trẻ con, nửa người lớn. Sau những chuyện xảy đến với nàng trong chiến tranh, nàng đã đặt ra vài luật lệ cho riêng mình. Nàng sẽ không tuân lệnh nữa, hoặc thi hành những nghĩa vụ vì quyền lợi của nhân quần. Nàng sẽ chỉ chăm sóc cho bệnh nhân bị bỏng. Nàng sẽ đọc cho ông nghe, lau rửa cho ông và chích cho ông những liều morphine - nàng chỉ nói chuyện với ông mà thôi.
Nàng trồng trọt trong vườn cây ăn trái. Nàng mang cây thập tự dài hai mét từ giáo đường nhỏ bị đánh bom đến làm bù nhìn trên luống hạt của nàng, treo những lon cá mòi rỗng lên bù nhìn, mỗi khi gió nổi những chiếc lon va vào nhau kêu lanh canh. Bên trong tòa villa, nàng sẽ bước từ đống gạch vụn đến một vòm cửa sổ thắp nến, chỗ nàng để cái va li sắp xếp gọn ghẽ của mình, trong ấy không có gì nhiều ngoài một vài lá thư, ít bộ quần áo cuộn lại, một hộp kim loại đựng vật dụng y tế. Nàng chỉ dọn dẹp một phần nhỏ của tòa villa, và nàng có thể đốt sạch tất cả nếu nàng muốn.
Nàng thắp một que diêm trong hành lang tối và đưa que diêm đến bấc nến. Ánh sáng vươn mình lên vai nàng. Nàng đang quỳ gối. Nàng đặt hai tay lên đùi và hít thở mùi lưu huỳnh. Nàng tưởng tượng rằng nàng cũng đang hít thở ánh sáng.
Nàng lùi về phía sau một chút, dùng mẩu phấn trắng vẽ một hình chữ nhật trên sàn gỗ. Rồi nàng vừa lùi vừa vẽ thêm những hình chữ nhật thành dáng kim tự tháp, một tầng gồm một hình chữ nhật rồi một tầng gồm hai hình chữ nhật rồi một tầng gồm một hình chữ nhật, bàn tay trái của nàng chống lên sàn, đầu cúi xuống, nghiêm trang. Càng lúc nàng càng rời xa ánh sáng. Cho đến khi nàng chống người trên hai gót chân, ngồi co ro.
Nàng bỏ mẩu phấn vào trong túi áo đầm của mình. Nàng đứng dậy và buộc túm chiếc váy rộng quanh vòng eo.
Nàng rút một miếng kim loại từ túi khác ra và ném nó về phía trước để nó rơi quá hình chữ nhật xa nhất một chút.
Nàng nhảy về phía trước, hai chân giẫm mạnh xuống. Phía sau, chiếc bóng của nàng uốn mình vào sâu trong hành lang. Nàng nhảy rất nhanh, đôi giày tennis của nàng trượt trên những con số nàng vẽ trong mỗi hình chữ nhật, hạ một chân xuống, rồi hai chân, rồi lại một chân, cho đến khi nàng đến hình chữ nhật cuối cùng.
Nàng cúi xuống nhặt miếng kim loại, ngưng lại trong vị trí ấy, không cử động, váy vẫn buộc cao quá đùi, tay buông thõng, thở dốc. Nàng hít một hơi và thổi tắt nến.
Giờ đây nàng ở trong bóng tối. Chỉ có mùi khói.
Nàng nhảy lên, xoay mình trên không để khi hạ chân xuống nàng sẽ quay mặt về hướng ngược lại, rồi nhảy dọc theo hành lang tối đen, nhanh hơn cả lúc nãy, vẫn hạ chân xuống những hình chữ nhật nàng biết rằng có ở đấy, đôi giày tennis của nàng nện mạnh xuống sàn nhà tối - vì thế âm thanh ấy vang dội đến những góc xa của tòa villa Ý bỏ trống, đến vầng trăng và khe núi như một vết sẹo bao quanh một nửa tòa nhà.
Ban đêm, đôi khi người đàn ông bị bỏng nghe tiếng rung chuyển mơ hồ trong tòa nhà. Ông vặn lớn máy trợ thính và nghe thấy tiếng va đập mà ông vẫn không thể diễn giải hay xác định được nó từ đâu đến.
Nàng nhấc cuốn sổ ghi chép nằm trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh giường của ông lên. Nó là cuốn sách ông mang theo qua ngọn lửa - một bản in cuốn Lịch sử của Herodotus ông đã thêm thắt, cắt dán những trang của các cuốn sách khác vào hoặc viết những nhận xét của riêng ông - để tất cả được ấp ủ trong những hàng chữ của Herodotus.
Nàng bắt đầu đọc nét chữ nhỏ ngoằn ngoèo của ông.

Ở miền Nam Morocco có một loại gió lốc, aajej, người nông dân Ả Rập phải dùng dao chống lại. Gió africo, có khi thổi đến tận thành Rome. Gió alm, ngọn gió mùa thu từ Nam Tư. Gió arifi, cũng có tên aref hay rifi, đốt sém bằng những luồng bỏng rát. Đây là những ngọn gió không đổi, sống trong thì hiện tại.
Những cơn gió khác, ít cố định hơn, gió chuyển hướng, có thể xô ngã ngựa cùng người cưỡi và tự xoay hướng ngược chiều kim đồng hồ. Gió bist roz thình lình đến Afghanistan trong 170 ngày - chôn vùi nhiều làng mạc. Gió ghibli khô nóng cuồn cuộn thổi từ Tunis, gây trạng thái hoảng hốt. Gió haboob - cơn bão bụi Sudan khoác những bức tường màu vàng rực rỡ cao hàng ngàn mét, theo sau là mưa. Gió harmattan, thổi vào Đại Tây Dương và cuối cùng chìm ở đấy. Imbat, ngọn gió biển nhẹ ở Bắc Phi. Có những ngọn gió chỉ thở dài trên bầu trời. Những cơn bão bụi về đêm đến cùng hơi lạnh. Gió khamsin, cơn gió bụi ở Ai Cập từ tháng Ba cho đến tháng Năm, theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “năm mươi”, rộ lên trong năm mươi ngày - nạn dịch thứ chín của Ai Cập. Gió datoo thổi từ Gibraltar, mang theo mùi hương.
Cũng có cơn gió..., cơn gió bí mật của sa mạc, đã bị một vị vua xóa tên sau khi con trai vua chết trong lòng nó. Gió nafhat - cơn gió dữ dội thổi từ Ả Rập. Gió mezzar-ifoullousen - cơn gió tây nam lạnh giá và hung tợn, người Berber gọi là “gió vặt lông gia cầm”. Gió beshabar, cơn gió đông bắc đen và khô thổi từ vùng Caucasus, “ngọn gió đen”. Gió Samiel từ Thổ Nhĩ Kỳ, “gió mang thuốc độc”, thường dùng trong chiến trận. Cũng như những cơn “gió độc” khác, gió simoom từ Bắc Phi, và gió solano, bụi của nó làm rụng những cánh hoa hiếm, gây choáng váng.
Những cơn gió khác, riêng tư.
Tràn trên mặt đất như cơn lũ. Làm tróc sơn, xô ngã cột điện thoại, cuốn theo sỏi đá và đầu những pho tượng. Gió harmattan thổi qua Sahara mang đầy bụi đỏ, bụi như lửa, như bột mì, chui vào và làm nghẹt khóa nòng súng trường. Dân đi biển gọi ngọn gió màu đỏ này là “biển tối”. Lớp bụi cát đỏ từ Sahara rơi xuống tận Cornwall và Devon về hướng bắc, gây nên những cơn mưa nhiều bùn đến nỗi người ta ngỡ là máu. “Năm 1901, có nhiều báo cáo về mưa máu ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha”.
Trong không khí lúc nào cũng có hàng triệu tấn bụi, cũng như lòng đất có hàng triệu mét khối không khí, và trong lòng đất có nhiều sinh vật (giun, bọ cánh cứng, những loài dưới mặt đất) hơn số sinh vật gặm cỏ và hiện hữu trên mặt đất. Herodotus ghi lại cái chết của nhiều đoàn quân bị ngọn gió simoom nuốt chửng, không bao giờ còn ai gặp lại. Một quốc gia “quá tức giận vì cơn gió quỷ quái này đến nỗi họ khiêu chiến với nó, bày binh bố trận, để rồi nhanh chóng bị chôn vùi không sót một ai”.
Những cơn bão bụi có ba dạng. Cuốn lốc. Cây cột. Tấm khăn. Với dạng thứ nhất, chân trời biến mất. Với dạng thứ hai, bạn bị “những hồn Ginn [Ginn: theo truyền thuyết Hồi giáo, là linh hồn ngụ trong nước suối hoặc trong bóng tối hang động] đang luân vũ” vây quanh. Dạng thứ ba, tấm khăn, có “sắc đồng”. Thiên nhiên dường như đang bốc cháy.

Nàng rời mắt khỏi cuốn sách, ngước nhìn lên và thấy đôi mắt ông đang nhìn nàng. Ông bắt đầu nói qua bóng tối.

Những người Bedouin giữ cho tôi sống vì một lý do. Cô thấy đấy, tôi hữu dụng. Khi máy bay của tôi rớt xuống sa mạc, có người cho rằng tôi có một kỹ năng. Tôi là người có thể nhận ra một thị trấn không tên bằng hình dáng của nó trên bản đồ. Trong tôi kiến thức vẫn như biển cả. Tôi là người khi chỉ có một mình trong nhà ai sẽ bước đến kệ sách, rút một cuốn và đọc say sưa. Lịch sử hòa nhập vào chúng ta như thế. Tôi biết bản đồ lòng biển, bản đồ vẽ những điểm yếu trong tấm khiên khí quyển của trái đất, những biểu đồ vẽ trên da thuộc có những lộ trình khác nhau của các cuộc Thập Tự Chinh.
Vì thế tôi biết nơi ở của họ trước khi tôi rớt xuống giữa họ, biết thời trước Alexander đã đi ngang đấy lúc nào, vì nguyên cớ này hay lòng tham kia. Tôi biết những lề thói của dân du mục bị giếng nước và tơ lụa làm cho mê muội. Một bộ lạc nhuộm hết nền một thung lũng, biến nó thành màu đen để tăng độ đối lưu và như thế tăng khả năng có mưa, cũng như xây những kiến trúc cao để xuyên thủng vầng mây. Vài bộ lạc ngửa lòng bàn tay về hướng gió bắt đầu thổi. Họ tin rằng nếu làm thế đúng lúc, họ có thể chuyển hướng trận bão đến một vùng sa mạc kế cận, đến một bộ lạc khác ít được yêu mến hơn. Có những vụ chết chìm từ từ, những bộ lạc bỗng dưng đi vào lịch sử lúc cát tràn vào hơi thở dốc của họ.
Trong sa mạc người ta dễ dàng mất đi ý thức về ranh giới. Khi tôi từ trên trời rớt xuống sa mạc, xuống những gợn cát màu vàng, tôi chỉ nghĩ có một điều, mình phải làm một cái bè… mình phải làm một cái bè.
Ở đây, mặc dù tôi nằm trong cát khô, tôi biết tôi ở giữa những người thạo nước.
Ở Tassili tôi đã nhìn thấy những hình khắc trên đá từ thời dân cư Sahara săn cá ngựa trong những chiếc thuyền làm bằng lau sậy. Ở wadi Sura tôi nhìn thấy những hang động với hình vẽ người bơi lội kín trên vách. Đã từng có một cái hồ ở đây. Tôi có thể vẽ hình dáng của nó lên vách cho họ xem. Tôi có thể dẫn họ đến chỗ sáu nghìn năm trước từng là một bờ hồ.
Hỏi một người đi biển về cánh buồm cổ xưa nhất, và ông ta sẽ diễn tả cánh buồm hình thang treo trên cột buồm của một chiếc thuyền bằng lau sậy trong những hình vẽ trên đá ở Nubia. Trước các triều vua [Trước các triều vua Ai Cập (từ 5500 đến 3100 trước Công nguyên)]. Những cây lao móc vẫn còn được tìm thấy trong sa mạc. Đây là những người thạo nước. Ngay thời bây giờ, những đoàn lữ hành trông như một dòng sông. Dù vậy, bây giờ nước là kẻ lạ ở đây. Nước là kẻ lưu đày, được mang trở về trong lon và bình, là bóng ma giữa bàn tay và miệng bạn.
Khi tôi lạc lõng giữa bọn họ, không chắc mình đang ở đâu, tôi chỉ cần tên của một ngọn núi nhỏ, một phong tục địa phương, một tế bào của sinh vật lịch sử này, và tấm bản đồ thế giới sẽ trượt vào đúng chỗ.
Đa số chúng ta biết gì về những vùng đất ấy của châu Phi? Những đạo quân sông Nile lui tiến - một chiến trường nằm sâu tám trăm dặm trong sa mạc. Xe tăng nhẹ. Máy bay ném bom trung tầm Bleinheim. Chiến đấu cơ hai tầng cánh Gladiator. Tám ngàn lính. Nhưng ai là kẻ thù? Ai là đồng minh của xứ sở này - vùng đất phì nhiêu của Cyrenaica, những đầm nước mặn của El Agheila? Tất cả châu Âu đang theo đuổi những cuộc chiến của mình ở Bắc Phi, ở Sidi Rezegh, ở Baguoh.

Ông di chuyển trên một cái bàn trượt theo sau những người Bedouin suốt năm ngày trong bóng tối, dưới lớp vải phủ trên người. Ông nằm bên trong lớp vải tẩm dầu ấy.
Thế rồi nhiệt độ bỗng hạ xuống. Họ đã đến thung lũng giữa những vách đá đỏ cao, nhập cùng với số người còn lại trong bộ lạc nước của sa mạc, tất cả tràn đi, lướt trên cát đá, những tấm áo choàng màu xanh dương của họ phất phới như tia sữa, hay cánh chim. Họ gỡ lớp vải mềm ra khỏi người ông, ra khỏi sức hút của thân thể ông. Ông đang ở trong lòng hẻm núi rộng hơn của thung lũng. Những con kên kên tít trên cao lượn xuống hàng ngàn năm vào khe đá này, nơi họ dựng trại.
Buổi sáng họ mang ông đến góc xa của Siq [Hẻm núi dẫn vào thành phố Petra, ở phía nam Jordan ngày nay]. Giờ đây họ nói lớn tiếng chung quanh ông. Tiếng thổ ngữ đột nhiên làm sáng tỏ mọi chuyện. Ông có mặt ở đây vì những khẩu súng chôn dưới đất.
Họ đưa ông đến gần một vật, khuôn mặt bịt mắt của ông nhìn thẳng về phía trước, rồi họ đưa bàn tay ông ra trước mặt khoảng một mét. Sau bao ngày du hành, chỉ để chuyển dịch một mét. Để nghiêng về phía trước và chạm vào một vật vì một mục đích, cánh tay của ông vẫn nằm trong tay họ, lòng bàn tay úp xuống. Ông chạm vào nòng khẩu súng Sten và bàn tay kia thả tay ông ra. Những giọng nói tạm ngưng. Ông có mặt ở đấy để diễn giải những khẩu súng.
Súng máy Breda mười hai ly. Của Ý”.
Ông kéo khóa nòng, luồn ngón tay vào, không thấy đạn, đóng khóa lại và bóp cò. Pút. “Súng nổi tiếng”, ông lẩm bẩm. Ông lại được đưa đến phía trước.
Súng Pháp Châttelerault bảy ly rưỡi. Súng máy nhẹ. Một ngàn chín trăm hai mươi bốn”.
Súng Đức, bảy ly chín, MG-Mười lăm, súng máy trang bị cho phi cơ”.
Ông được mang đến từng cây súng. Số vũ khí dường như từ nhiều quốc gia và thời kỳ khác nhau, một bảo tàng viện trong sa mạc. Tay ông phớt nhẹ đường nét của báng súng và ổ đạn hoặc lần quanh ống nhắm. Ông nói tên của cây súng, rồi được mang đến một cây súng khác. Tám loại vũ khí được chính thức trao cho ông. Ông đọc lớn tên của chúng, nói bằng tiếng Pháp rồi bằng thổ ngữ của bộ lạc. Nhưng điều ấy thì quan trọng gì đối với họ? Có lẽ họ không cần biết tên súng mà chỉ cần biết ông biết khẩu súng là cái gì.
Họ lại nắm cổ tay ông và bàn tay ông hạ xuống một thùng băng đạn. Một cái thùng khác về bên phải cũng có đạn, lần này là đạn bảy ly. Rồi những loại đạn khác.
Khi ông còn nhỏ, ông sống cùng một bà dì. Trên bãi cỏ nhà bà, bà rải một bộ bài cào úp xuống và dạy ông chơi trò Pelmanism. Mỗi người được lật hai lá bài, và dần dà dựa theo trí nhớ để xếp đôi cho chúng. Chuyện này xảy ra trong một khung cảnh khác, với những dòng suối có cá hồi, những tiếng chim hót ông chỉ cần nghe một đoạn là nhận ra được tiếng loại chim nào. Một thế giới đầy đủ tên gọi. Giờ đây, mắt bịt kín trong tấm mặt nạ bằng sợi cỏ, ông nhặt một viên đạn và mang nó theo cùng những người khiêng ông, dẫn họ đến một khẩu súng, nạp đạn, khóa nòng, rồi chĩa súng lên trời bắn. Tiếng nổ vang dội cuồng loạn dọc theo những vách núi. “Vì tiếng dội là linh hồn của âm thanh tự xao động trong trống vắng”. [For echo is the soul of the voice exciting itself in hollow places: trích trong bài thơ Jubilate Agno của Christopher Smart]. Một người đàn ông bị cho là sưng sỉa và điên dại đã viết câu ấy trong một bệnh viện Anh. Và ông, giờ đây trong sa mạc này, tỉnh táo, ý nghĩ sáng suốt, nhặt những lá bài, ung dung xếp chúng, nụ cười của ông ném về phía bà dì, bắn những kết hợp thành công vào không trung, và dần dà những người chung quanh ông không thấy mặt đáp lại mỗi phát súng bằng một đợt hò reo. Ông sẽ xoay về một hướng, rồi chuyển lại về súng Breda trên chiếc kiệu người kỳ lạ của ông, theo sau là một người đàn ông cầm con dao khắc một ký hiệu tương đương trên thùng đạn và báng súng. Ông thích công việc này - sự chuyển động và tiếng reo hò sau nỗi cô độc. Đây là kỹ năng của ông đền đáp cho những người đã cứu ông vì mục đích ấy.
Có những làng ông đi qua cùng với họ không có phụ nữ. Kiến thức của ông được truyền đi như một quầy ích dụng từ bộ lạc này qua bộ lạc khác. Những bộ lạc gồm tám ngàn người. Ông đi vào những tục lệ đặc trưng và âm nhạc đặc trưng. Hầu như lúc nào cũng bị bịt mắt, ông nghe những bài ca kéo nước tưng bừng của bộ lạc Mzina, những điệu vũ dahhiya, những ống sáo dùng để truyền tin lúc khẩn cấp, ống sáo đôi makruna (một ống sáo phát ra một âm đều đều). Rồi vào lãnh thổ của những cây đàn lyre năm dây. Một ngôi làng hoặc một ốc đảo của những khúc dạo đầu và những đoạn nhạc giữa. Bàn tay vỗ. Điệu múa đôi.
Ông chỉ được nhìn thấy sau khi hoàng hôn xuống, khi ông có thể chứng kiến những người cứu vớt và cầm tù ông. Bây giờ ông biết ông đang ở đâu. Ông vẽ những tấm bản đồ rộng hơn ranh giới của họ cho vài bộ lạc, giải thích cơ năng của súng cho những bộ lạc khác. Những nhạc công ngồi bên kia đống lửa. Cơn gió nhẹ cuốn đi những nốt đàn lyre simsimiya. Hoặc những nốt nhạc lướt qua ngọn lửa về phía ông. Một cậu bé đang múa, trong ánh sáng này cậu là sinh vật đáng thèm muốn nhất ông từng thấy. Bờ vai gầy của cậu trắng như giấy cói [Nguyên văn: Papyrus], ánh sáng từ ngọn lửa phản chiếu mồ hôi trên bụng cậu, vẻ trần truồng thấp thoáng qua những khe hở của tấm vải lanh màu xanh cậu khoác từ cổ xuống bàn chân để gợi thêm cám dỗ, phô bày thân thể cậu như một lằn chớp màu nâu.
Sa mạc đêm bao quanh họ, những cơn bão và đoàn lữ hành qua lại theo một thứ tự lỏng lẻo. Chung quanh ông luôn có bí mật và hiểm nguy, như trong lúc không nhìn thấy ông cử động bàn tay và bị lưỡi lam trong cát cắt. Đôi khi ông không biết có phải ông đã mơ thấy những chuyện ấy, vết cắt thật ngọt không gây chút đau đớn nào, ông phải chùi máu vào đầu (mặt ông vẫn chưa chạm vào được) để báo hiệu vết thương cho những người cầm tù ông. Ngôi làng không có phụ nữ này, nơi họ mang ông đến trong im lặng tuyệt đối, hoặc một tháng ròng ông không nhìn thấy mặt trăng. Có phải đấy là chuyện bịa đặt? Chuyện ông mơ thấy khi người ông quấn trong dầu và vải nỉ và bóng tối?
Họ đã đi ngang qua những giếng nước không uống được. Trong những thị trấn ẩn mình giữa vùng đất trống, ông chờ đợi trong lúc họ đào cát xuống những căn phòng chôn vùi bên dưới, hoặc trong lúc họ đào xuống những bọng nước. Vẻ đẹp thuần khiết của cậu bé ngây thơ đang múa, như âm thanh của một dàn đồng ca con trai, âm thanh tinh khiết nhất ông nhớ được, làn nước sông trong trẻo nhất, độ sâu thấu suốt nhất của biển cả. Ở đây trong sa mạc, xưa đã từng là một đại dương, nơi không có gì bị ràng buộc hoặc vĩnh viễn, tất cả trôi dạt - như lớp vải lanh uyển chuyển trên thân thể cậu bé, tựa như cậu đang choàng tay ôm hoặc thoát mình ra khỏi một đại dương hoặc lá nhau màu xanh của chính mình. Một cậu bé tự kích dục, bộ phận sinh dục của cậu nổi bật trên màu lửa.
Rồi lửa bị cát lấp lên, khói lụi dần chung quanh họ. Những nhạc cụ rơi xuống như một nhịp đập hoặc tiếng mưa. Cậu bé giơ tay qua đống lửa tàn để tắt im những ống sáo. Khi ông rời đi, không có cậu bé, không có tiếng chân. Chỉ có những miếng giẻ vay mượn. Một người đàn ông trong số họ bò đến phía trước và thu lượm lớp tinh dịch rơi trên mặt cát. Hắn mang đến bên người da trắng diễn dịch súng và chuyền nó sang hai tay ông. Trong sa mạc, người ta chỉ ca tụng nước.

Nàng đứng cạnh bồn rửa mặt, ghì chặt nó, nhìn bức tường trát vữa. Nàng đã tháo hết những tấm gương và chất chúng vào trong một căn phòng trống. Nàng ghì chặt bồn rửa mặt và lúc lắc đầu, khiến bóng nàng cũng di động. Nàng nhúng ướt tay rồi chải nước vào trong tóc cho đến khi tóc nàng ướt đẫm. Nàng dịu đi như thế, và thích ngọn gió thoảng qua người nàng lúc nàng ra khỏi nhà, xóa đi tiếng sấm.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét