Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Forrest Gump - Chương 25

Forrest Gump

Tác giả: Winston Groom
Dịch giả: Ngọc Trà
Nhà xuất bản Trẻ - 2017

25

Đó là một ngài tháng Sáu rất đẹp trời khi chúng tớ quyết định đã đến lúc bắt tay vào thu hoạch tôm lần đầu tiên. Tớ và Sue dậy với mặt trời, đi xuống ao và kéo một tấm lưới ngang ao cho đến khi nó bị mắc kẹt vào cái gì đó. Ban đầu Sue cố kéo cho nó long ra, rồi tớ thử, rồi chúng tớ cùng cố với nhau cho đến khi cuối cùng chúng tớ hiểu ra là không phải lưới bị kẹt - nó đầy tôm quá đến nỗi chúng tớ không nhúc nhích nổi lưới!
Đến tối hôm đó chúng tớ đã kéo được gần ba trăm cân tôm, và chúng tớ dành cả đêm để phân loại chúng theo các kích cỡ khác nhau. Sáng hôm sau chúng tớ cho tôm vào các giỏ và mang chúng ra thuyền. Chúng nặng đến nỗi chúng tớ suýt tí thì lật thuyền trên đường ra Bayou La Batre.
Có một nhà đóng gói hải sản ở đó và Sue và tớ lôi đám tôm từ cảng lên phòng cân. Sau khi cộng trừ mọi thứ xong, chúng tớ đã kiếm được tổng cộng là chín nghìn, bảy trăm đô-la và hai mươi sáu xu. Vụ nuôi tôm đã thành công!
À, để tớ nói cho các cậu biết - đấy là một dịp vui vô cùng vui vẻ. Chúng tớ mang một giạ tôm lên cho bố của Bubba và ông cụ rất là vui và nói ông cụ tự hào về chúng tớ và ước gì Bubba cũng có ở đó. Rồi tớ và Sue bắt xe buýt lên Mobile để ăn mừng. Điều đầu tiên tớ làm là đến gặp mẹ tớ ở nhà trọ, và khi tớ bảo bà về số tiền nọ kia, quả thật, bà lại rơm rớm nước mắt. “Ôi, Forrest”, bà nói, “mẹ tự hào về con quá - chậm phát triển mà vẫn sống tốt này kia”.
Dẫu sao thì, tớ kể với mẹ về kế hoạch của tớ, đó là năm sau chúng tớ sẽ nuôi gấp ba lần số ao tôm, và chúng tớ cần người để canh chừng tiền nong và coi xét các khoản chi tiêu nọ kia, và tớ hỏi liệu bà có làm được không.
“Ý con là mẹ phải chuyển tít xuống Bayou La Batre á?”, Mẹ nói. “Làm gì có gì dưới đó đâu. Mẹ làm gì với cái thân mình bây giờ?”.
“Đếm tiền”, tớ nói.
Sau đó, tớ và Sue xuống trung tâm thị trấn ăn một bữa đã đời. Tớ xuống cảng và mua cho Sue một đống chuối, và rồi đi kiếm cho mình bữa tối thịt bò bít tết bự nhất tớ tìm được, với khoai tây nghiền, đậu xanh và tất cả các thứ. Rồi tớ quyết định đi làm một ngụm bia đâu đó và đúng lúc tớ đang đi qua một tiệm rượu tối tăm cũ kĩ cạnh cảng, tớ nghe đủ thứ tiếng chửi rủa và la hét và ngay cả sau bao năm như thế, tớ vẫn nhận ra giọng nói đó. Tớ thò đầu vào cửa, và đúng thật, chính là Curtis già từ trường Đại học!
Curtis rất là vui mừng khi gặp tớ, gọi tớ là lỗ đít với cả mút chim với cả đồ khốn nạn và tất cả những thứ dễ thương khác mà hắn nghĩ ra. Hóa ra, Curtis đã chuyển lên chơi bóng chuyên nghiệp với đội Washington Redskins sau khi rời trường Đại học, và rồi hắn bị sa thải sau khi cắn vào mông vợ tay chủ đội bóng trong một buổi tiệc. Vài năm sau đó hắn chơi cho vài đội khác, nhưng sau đó hắn kiếm lấy cho mình nghề phu khuân vác trên bến cảng mà hắn nói là phù hợp với trình độ học vấn mà hắn đạt được ở Đại học.
Dẫu sao thì, Curtis mua cho tớ vài chai bia và chúng tớ nói chuyện ngày xưa. Gã Snake, hắn nói, chơi vị trí tiền vệ cho Green Bay Packers cho đến khi bị bắt gặp nốc nguyên một lít vodka Ba Lan lúc nghỉ giữa giờ trong trận gặp Minnesota Vikings. Rồi Snake sang chơi cho New York Giants đến khi hắn dùng chiến thuật Tượng-thần-Tự-do trong nửa đầu hiệp hai trận gặp Rams. Gã huấn luyện viên đội Giants bảo là từ năm một chín ba mốt tới giờ không ai dùng Tượng-thần-Tự-do trong một trận banh chuyên nghiệp nữa rồi, và Snake giờ không có việc gì phải chơi một cú như thế nữa. Nhưng thật ra, Curtis nói, đấy chả phải Tượng-thần-Tự-do gì sất. Sự thật là, theo Curtis, Snake đã phê thuốc quá mức đến khi lúc hắn lùi lại để chuyền bóng hắn đã hoàn toàn quên mất là phải ném quả bóng đi, và bên kia tình cờ nhìn thấy thế và chạy vòng từ phía sau lấy mất bóng. Dẫu sao thì, Curtis nói giờ Snake là trợ lí huấn luyện cho một đội nhỏ tí xíu đâu đó ở Georgia.
Sau vài chầu bia, tớ có một ý, và tớ bảo với Curtis cái ý đó.
“Cậu có thích đến làm cho tớ không?”, tớ hỏi.
Curtis bèn chửi thề gào la khoảng một hai phút và tớ đoán là hắn đang cố hỏi tớ xem tớ muốn hắn làm gì, thế là tớ kể cho hắn về vụ nuôi tôm và rằng chúng tớ sắp mở rộng sản xuất. Hắn chửi thề và gào thêm tí nữa, nhưng mà chung quy ý hắn là “được”.
Thế là suốt mùa hè và mùa thu và mùa xuân năm sau chúng tớ làm việc cật lực, tớ và Sue và mẹ và Curtis - còn có một việc cho bố của Bubba. Năm đó chúng tớ kiếm được gần ba mươi nghìn đô-la và vẫn tiếp tục mở rộng. Mọi thứ không thể tiến triển tốt hơn - mẹ gần như không khóc lóc tí nào, và một ngày nọ thậm chí chúng tớ còn bắt gặp Curtis cười một cái - mặc dù hắn ngậm mồm và bắt đầu chửi rủa lại ngay khi hắn thấy chúng tớ đang nhìn. Tuy nhiên, với tớ, mọi thứ vẫn không vui như có thể, vì tớ vẫn nghĩ rất nhiều về Jenny và tình hình bây giờ giờ cô ấy ra sao. Một ngày nọ, tớ đột ngột quyết định phải làm gì đó về chuyện đó. Đấy là một ngày Chủ nhật, và tớ ăn vận đàng hoàng rồi bắt xe buýt lên Mobile và đi sang nhà mẹ Jenny. Bà đang ngồi bên trong, xem tivi, lúc tớ gõ cửa.
Khi tớ bảo bà tớ là ai, bà nói, “Forrest Gump! Thật không thể tin được. Vào đi cháu!”.
Ờ, chúng tớ ngồi chơi một lúc và bà hỏi thăm về mẹ tớ, hỏi tớ đã làm những gì rồi nọ kia, và cuối cùng tớ hỏi thăm về Jenny.
“Ồ, gần đây ta thật sự không được nghe tin tức nó nhiều”, bà Curran nói. “Ta nghĩ bọn nó đang sống đâu đó ở North Carolina”.
“Cô ấy có bạn cùng phòng hay sao ạ?”, tớ hỏi.
“Ô, cháu không biết à, Forrest?”, bà nói. “Jenny lấy chồng rồi”.
Lấy chồng?”, tớ nói.
“Vài năm rồi. Lúc đó nó sống ở Indiana. Rồi nó đến Washington và tiếp theo ta nhận được một tấm bưu thiếp nói nó đã lấy chồng, và cả nhà sắp chuyển đến North Carolina hay gì đó. Cháu có muốn nói gì với nó nếu ta được tin nó không?”.
“Không”, tớ nói, “không ạ. Chắc bác cứ bảo cô ấy là cháu chúc cô ấy may mắn thôi”.
“Chắc chắn rồi”, Bà Curran nói, “và ta rất vui được cháu ghé thăm”.
Tớ chả biết nữa, tớ nghĩ đáng lẽ tớ phải chuẩn bị sẵn sàng để nghe tin này rồi chứ, nhưng mà tớ không sẵn sàng.
Tớ nghe được tim mình đập uỳnh uỵch, và tay tớ lạnh ngắt rồi vã mồ hôi và tớ chỉ nghĩ được là kiếm chỗ nào đó co người lại thành một quả banh như hồi tớ làm cái hồi Bubba chết, và thế là tớ làm y vậy. Tớ tìm được một vài bụi rậm ở sau nhà ai đó và tớ chui xuống dưới đó và co người thành một quả banh. Tớ nghĩ hình như tớ còn bắt đầu mút tay cái này lâu rồi tớ không làm vì mẹ tớ lúc nào cũng nói đấy là dấu hiệu chắc chắn cho thấy ai đó là một thằng đần, trừ khi họ là một đứa trẻ con. Dẫu sao thì, tớ chả biết tớ ở đó bao lâu nữa. Chắc phải gần một ngày rưỡi, tớ đoán thế.
Tớ chẳng trách cứ gì Jenny cả, cô ấy làm việc phải làm thôi. Dẫu sao thì, tớ là một thằng đần, và trong khi rất nhiều người nói họ đã cưới phải những thằng đần, chắc chắn họ không bao giờ mường tượng được cưới một thằng đần thực sự là như thế nào đâu. Chủ yếu, tớ nghĩ là, tớ chỉ thấy thương thân mình, vì thế nào đó tớ đã cứ đinh ninh rằng Jenny và tớ có thể một ngày được ở cùng nhau. Và thế là khi tớ biết được từ mẹ cô ấy là cô ấy đã lấy chồng, cứ như thế một phần trong tớ đã chết đi và sẽ không còn bao giờ sống nữa, vì lập gia đình không giống như bỏ đi. Lập gia đình là chuyện rất là nghiêm trọng. Đến một lúc nào đó trong đêm tớ đã khóc, nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều.
Chiều muộn hôm đó tớ mới bò khỏi bụi rậm và trở lại Bayou La Batre. Tớ chẳng nói với ai chuyện xảy ra, vì tớ nghĩ có nói cũng chẳng ích gì. Có vài việc tớ phải làm quanh mấy cái ao, sửa lưới các thứ, và tớ một mình đi ra làm. Đến lúc tớ làm xong thì trời đã tối, và tớ đã đưa ra một quyết định - tớ sẽ ném mình vào việc nuôi tôm và làm cho chí chết thì thôi. Tớ chỉ có thể làm được vậy.
Và thế là tớ làm.
Năm đó chúng tớ kiếm được bảy mươi lăm nghìn đô-la chưa kể chi phí và việc làm ăn đã trở nên lớn đến nỗi tớ phải thuê thêm người giúp. Một người tớ thuê là Snake già, gã tiền vệ từ hồi Đại học. Hắn không mấy vui vẻ với công việc hiện tại với đội bóng nhỏ xíu xìu xiu thế là tớ đưa hắn vào làm cùng chỗ với Curtis chịu trách nhiệm vét lưới và xả nước. Rồi tớ phát hiện ra là thầy Fellers từ trường trung học cũng đã nghỉ hưu thế là tớ cho ông ấy một công việc, cùng với hai gã du côn của ông ấy cũng đã nghỉ hưu, làm việc trên tàu và cầu tàu.
Chẳng mấy chốc báo chí nghe phong thanh chuyện đang xảy ra và cử một tay phóng viên xuống phỏng vấn tớ cho một dạng phóng sự “trai địa phương lao động tốt”. Bài báo xuất hiện Chủ nhật tuần sau, với một bức ảnh chụp tớ và mẹ và Sue và dòng tít ghi, “Ngốc Đã Được Giám Định Tìm thấy Tương lai trong Trải nghiệm Hàng hải Mới lạ”.
Dẫu sao thì, chẳng bao lâu sau đó, mẹ nói với tớ là chúng tớ cần kiếm người giúp bà việc giữ sổ sách và dạng như tư vấn về các vấn đề tài chính vì rằng là chúng tớ kiếm được nhiều tiền quá. Tớ cũng đã nghĩ đến chuyện này một thời gian rồi, thế là tớ quyết định liên lạc với Mister Tribble, vì ông cụ cũng đã kiếm được một đống tiền trong kinh doanh từ trước khi ông cụ nghỉ hưu. Ông cụ rất mừng khi tớ gọi, ông cụ nói, và sẽ bay xuống dưới đó ngay.
Một tuần sau khi ông cụ đến, Mister Tribble nói chúng tớ phải ngồi xuống nói chuyện.
“Forrest”, cụ nói, “cái cậu đã làm ở đây đúng là hết sức phi thường, nhưng đã đến một điểm mà cậu cần phải bắt đầu lên kế hoạch tài chính nghiêm túc”.
Tớ hỏi ông như thế nào, và cụ nói thế này: “Đầu tư! Đa dạng hóa! Xem này theo tôi thấy trong năm tài chính tới cậu sẽ kiếm được lợi nhuận khoảng một trăm chín mươi nghìn đô. Năm tiếp theo sẽ tròm trèm một phần tư triệu. Với lợi nhuận như vậy cậu phải tái đầu tư không thì cục thuế sẽ đánh thuế cho cậu tối tăm mặt mũi luôn. Tái đầu tư chính là trái tim của kinh doanh Mỹ!”.
Và thế là chúng tớ làm như vậy.
Mister Tribble chịu trách nhiệm tất, và chúng tớ lập vài tập đoàn. Một là “Công ty Tôm Gump. Một cái nữa gọi là “Cua Nhồi Sue, Cty, và một cái nữa là “Tôm Rim Mama, TNHH”.
Ờ, một phần tư triệu thành nửa triệu và năm sau đó là một triệu, cứ thế, đến khi sau bốn năm chúng tớ đã trở thành một doanh nghiệp năm triệu đô một năm. Chúng tớ đã có gần ba trăm nhân công, gồm cả Cục Phân và Rau, giờ đã qua những ngày đấu vật, và chúng tớ xếp cho họ bốc dỡ sọt ở kho. Chúng tớ cố hết công hết sức để tìm Dan, nhưng cậu ấy đã biến mất không dấu vết. Chúng tớ tìm được Mike, gã bầu sô đấu vật, và giao cho hắn làm về giao dịch và quảng cáo. Theo gợi ý của Mister Tribble, Mike còn thuê cả Raquel Welch đóng vài quảng cáo truyền hình cho chúng tớ - họ mặc cho cô nàng trông như một con cua, và cô nàng nhảy múa xung quanh và nói, “Chưa ăn Sue tức là chưa ăn cua!”.
Dẫu sao thì, việc làm ăn đã bành trướng ra rất nhiều. Chúng tớ có một đội xe tải đông lạnh và một đội thuyền câu tôm, đánh bắt hàu và câu cá. Chúng tớ có xưởng đóng gói riêng, và một tòa nhà văn phòng, và đã đầu tư mạnh vào bất động sản như căn hộ và khu mua sắm và khai thác dầu khí. Chúng tớ còn thuê cả Giáo sư Quackenbush, gã giảng viên môn tiếng Anh ở tuốt Đại học Harvard, gã này đã bị sa thải vì lạm dụng một sinh viên, và cho gã làm đầu bếp bên Tôm Rim Mama. Chúng tớ cũng thuê cả Trung tá Gooch, người bị đá đít khỏi Quân đội sau vụ tour Huy chương Danh dự của tớ. Mister Tribble xếp cho gã phụ trách “các hoạt động bí mật”.
Mẹ đã đi xây cho chúng tớ một cái nhà to đùng vì bà nói một giám đốc doanh nghiệp như thế không thể sống trong một túp lều được. Mẹ và Sue có thể ở tiếp trong lều để để mắt canh chừng các thứ. Giờ mỗi ngày tớ được mặc vest và vác một cái cặp táp trông như luật sư. Tớ đi họp suốt ngày và phải lắng nghe một đống cứt đái nghe cứ như nghe tiếng pygmie, và mọi người gọi tớ là “Mister Gump” các thứ. Ở Mobile, họ đã phong tớ làm công dân danh dự của thành phố và mời tớ vào ban giám đốc bệnh viện và dàn nhạc giao hưởng.
Và rồi một ngày nọ có vài người ghé qua văn phòng và nói họ muốn vận động cho tớ làm Thượng nghị sĩ Huê Kì.
“Ngài là một chính trị gia bẩm sinh”, một gã nói. Hắn mặc một bộ vest vải sọc nhăn và hút một điếu xì gà lớn. “Một cựu ngôi sao bóng bầu dục chơi cho Bear Bryant, một người hùng chiến tranh, một phi hành gia nổi tiếng và bạn tâm giao của các Tổng thống - còn đòi hỏi gì hơn được nữa?”, hắn hỏi. Mister Claxton là tên của hắn.
“Xem này”, tớ bảo hắn, “tôi chỉ là một gã đần. Tôi chả biết gì về chính trị cả”.
“Thế thì ngài sẽ vừa khít!”, Mister Claxton nói. “Nghe này chúng tôi cần là cần những con người tốt đẹp như ngài. Muối của đất, phải nói là như thế! Muối của đất!”.
Tớ chả thích ý tưởng này gì hơn so với nhiều ý tưởng khác mà người ta có cho tớ, vì rằng là ý tưởng của người khác thường là thứ đưa tớ vào rắc rối. Nhưng mà đúng i boong, lúc tớ kể cho mẹ tớ, bà liền rơm rớm nước mắt mà nói được nhìn thấy con trai bà trở thành Thượng nghị sĩ Hoa Kì sẽ là câu trả lời cho mọi ước nguyện của bà.
Ờ, rồi cũng đến ngày chúng tớ tuyên bố ứng cử. Mister Claxton và đám kia thuê một khán phòng trên Mobile và lôi tớ ra sân khấu trước một đám đông được trả mỗi người năm mươi xu để đến nghe tớ nói nhảm. Họ bắt đầu bằng rất nhiều bài diễn văn dài dòng và rồi đến lượt tớ.
“Thưa đồng bào”, tớ bắt đầu. Mister Claxton và mấy gã kia đã viết cho tớ một bài diễn văn để đọc và sau đó sẽ có câu hỏi từ phía khán giả. Các máy quay truyền hình đang quay và đèn chớp thi nhau nháy và các phóng viên thì hí hoáy viết vào sổ. Tớ đọc cả bài diễn văn, cũng không quá dài và cũng chả có nghĩa lí quái gì - nhưng mà tớ thì biết gì? Tớ chỉ là một thằng đần thôi mà.
Khi tớ nói xong, một cô từ một tờ báo đứng dậy và nhìn sổ tay của cô ta.
“Chúng ta đang ở bên bờ vực thảm họa hạt nhân”, cô ta nói, “nền kinh tế thì đang tan rã, đất nước chúng ta thì bị cả thế giới sỉ vả, tình hình bất tuân luật lệ hoành hành trong các thành phố, người dân thì chết đói mỗi ngày, tôn giáo đã biến mất trong các gia đình, lòng tham và tính hám lợi thì đầy rẫy khắp mọi nơi, nông dân thì đang phá sản, người nước ngoài thì đang xâm lấn nước ta và lấy mất công việc của chúng ta, công đoàn của chúng ta thì thối nát, trẻ con đang chết dẩn trong các khu ổ chuột, thuế thì bất công, trường học thì hỗn loạn và nạn đói, bệnh dịch và chiến tranh thì treo trên đầu chúng ta như một đám mây - xét tất cả những điều này, thưa Mister Gump”, cô ta hỏi, “thì điều gì, theo ông, là vấn đề cấp bách nhất hiện nay?”. Cả hội trường yên ắng đến mức ruồi bay cũng nghe thấy tiếng.
“Tui buồn tè”, tớ nói.
Nghe đến đây, đám đông phát cuồng lên! Người ta bắt đầu hò reo cổ vũ la ré và vẫy tay lên không. Từ cuối phòng ai đó bắt đầu reo hò và chẳng mấy chốc cả hội trường cùng hát.
“CHÚNG TÔI BUỒN TÈ! CHÚNG TÔI BUỒN TÈ! CHÚNG TÔI BUỒN TÈ!”, họ hét.
Mẹ tớ vẫn ngồi đằng sau tớ trên sân khấu và bà đứng dậy và đến lôi tớ khỏi bục mic.
“Con phải tự biết xấu hổ chứ”, bà nói, “nói năng như thế ở chốn đông người à”.
“Không, không!”, Mister Claxton nói. “Hoàn hảo! Mọi người thích phát rồ. Đây sẽ là khẩu hiệu cuộc vận động của chúng ta!”.
“Cái gì cơ?”, Mẹ hỏi. Mắt bà nhíu lại chỉ còn như hai dòng kẻ.
“Chúng ta buồn tè!”, Mister Claxton nói. “Cứ nghe xem! Chưa một ai kết nối được đến thế với tầng lớp bình dân!”.
Nhưng mẹ không chịu chấp nhận chuyện này. “Có ai lại nghe ai dùng một câu khẩu hiện tranh cử như thế cơ chứ!”, bà nói. “Thật thô bỉ và gớm guốc - với cả, ý là gì vậy?”.
“Đấy là một biểu tượng”, Mister Claxton nói. “Cứ nghĩ mà xem, chúng ta sẽ cho làm biển hiệu và áp phích và miếng dán. Cho lên quảng cáo truyền hình truyền thanh. Thật là một nét vẽ thiên tài, đúng là như thế đấy. CHÚNG TA BUỒN TÈ là một biểu tượng của sự vứt bỏ ách đàn áp của chính phủ, bài tiết ra tất cả những gì trục trặc với cái đất nước này... Nó biểu hiện sự bức bối và cơn giải tỏa sắp đến”.
“Cái gì!”, Mẹ hỏi vẻ ngờ vực. “Anh mất trí rồi hả?”.
“Forrest”, Mister Claxton nói, “anh đang trên đường đến Washington”.
Mà có vẻ như thế thật. Cuộc vận động tranh cử đang diễn ra khá tốt đẹp và “CHÚNG TÔI BUỒN TÈ” đã trở thành châm ngôn thời đại. Mọi người hò hét nó trên đường phố, từ trong xe hơi và xe buýt. Những tay bình luận viên truyền hình và phóng viên báo chí dành rất nhiều thời gian để cố giải thích cho bà con hiểu nó nghĩa là gì. Các cha đạo gào nó từ bục giảng và trẻ con hát thành bài trong trường học. Có vẻ như tớ đã chắc thắng trong cuộc bầu cử, và, thực tế là, gã ứng cử viên chạy đua với tớ, hắn tuyệt vọng đến độ đưa ra câu khẩu hiệu của mình là “Tôi Cũng Buồn Tè” và dán khắp tiểu bang.
Rồi mọi thứ tan thành mây khói, đúng như tớ đã e ngại.
Vụ “Tôi Buồn Tè” đã gây chú ý đến truyền thông toàn quốc và chẳng mấy chốc tờ Washington Post và tờ New York Times đã cử phóng viên điều tra của họ xuống để xem xét tình hình. Họ hỏi tớ rất nhiều câu hỏi và tỏ ra rất là dễ thương và thân thiện, dưng rồi họ về họ đào xới quá khứ của tớ lên. Một ngày nọ chuyện vỡ lở trên trang nhức tất cả các báo trên toàn quốc, “Ứng Cử Viên Thượng Viện Với Sự Nghiệp Ba Chìm Bảy Nổi”, họ giật tít.
Đầu tiên, họ viết về vụ tớ bị đá khỏi trường Đại học ngay năm đầu. Rồi họ đào lên cái vụ cứt đái về tớ với Jenny khi cảnh sát lôi tớ ra khỏi rạp chiếu phim. Tiếp theo họ lôi lên bức ảnh tớ giơ mông cho Tổng thống Johnson xem trong Vườn Hồng. Họ hỏi quanh về những ngày tớ ở Boston với nhóm Nhũng Quả Trứng Nứt và dẫn lời nhiều người nói tớ đã hút cần sa và cũng nhắc tới “khả năng có một vụ đốt nhà” ở Đại học Harvard.
Tệ nhất là - họ tìm được ra những tiền án mà tớ dính vì ném huy chương ở Thượng viện Mỹ và rằng tớ đã bị tòa kết án cho vào trại tâm thần. Nữa, họ cũng biết tuốt tuồn tuột về sự nghiệp đấu vật của tớ, rằng tớ được gọi là Đần Ngu. Họ còn cho chạy một tấm ảnh tớ bị Giáo Sư trói nghiến. Cuối cùng, họ nhắc tới vài “nguồn giấu tên” nói tớ có liên quan trong một “xì-căng-đan tình dục Hollywood với một nữ diễn viên nổi tiếng”.
Thế là xong. Mister Claxton chạy vào tổng hành dinh cuộc vận động hét lên, “Chúng ta tiêu rồi! Chúng ta đã bị đâm sau lưng!”, và những thứ cứt đái như thế. Dưng mà thế là hết. Tớ chả còn cách nào ngoài việc rút khỏi cuộc đua, và ngày hôm sau mẹ và tớ và Mister Tribble ngồi xuống nói chuyện.
“Forrest”, Mister Tribble nói, “ta nghĩ tốt hơn là cậu nên nằm vùng một thời gian”.
Tớ biết ông cụ nói đúng. Vả lại, có những thứ khác đã lởn vởn trong đầu tớ một thời gian dài nay rồi, mặc dù tớ chưa hề đả động gì đến chúng.
Khi vụ nuôi tôm mới bắt đầu, tớ khá là thích thú công việc, thức dậy lúc bình minh và đi xuống ao và đặt lưới rồi thu hoạch tôm các thứ, rồi tớ và Sue đêm đêm ngồi ngoài hiên lều chơi ắc-mô-ni-ca, rồi thì thứ Bảy mua một lố bia uống cho say.
Giờ thì chả còn như thế nữa. Tớ phải đi đến đủ loại tiệc tối nơi người ta phục vụ rất nhiều món ăn trông hết sức mờ ám và các quý bà thì đeo những đôi bông tai to đùng các thứ. Suốt ngày điện thoại chẳng lúc nào ngừng reo và mọi người chờ hỏi tớ đủ mọi thứ trên trời dưới bể. Vào Thượng viện, khéo còn tệ hơn. Giờ tớ chả có tí thời gian nào cho mình nữa, và mọi thứ đang tuồn tuột trôi qua tớ.
Hơn nữa, giờ tớ nhìn vào gương và tớ đã có những nếp nhăn trên mặt, và tóc tớ đã ngả xám ở rìa và tớ chẳng còn nhiều năng lượng như trước nữa. Tớ biết công việc làm ăn vẫn đang tiến triển, nhưng bản thân tớ, tớ thấy mình chỉ đang quay tròn tại chỗ. Tớ tự hỏi thật sự là tại sao tớ lại làm tất cả những điều này? Cách đây rất lâu rồi, tớ và Bubba có một kế hoạch, kế hoạch đó giờ đã vượt cả những giấc mơ hoang đường nhất của chúng tớ, nhưng thế thì sao? Chằng vui được bằng một nửa cái hồi tớ chơi bóng bầu dục với đám dở hơi xay ngô Nebraska ở Orange Bowl, hay theo chân chiếc ắc-mô-ni-ca của tớ lên Boston với Những Quả Trứng Nứt, hay là, kể thì kể luôn, xem “The Beverly Hillbillies” với cựu Tổng thống Johnson.
Và tớ nghĩ Jenny Curran cũng có liên quan nữa, nhưng vì chẳng ai có thể làm được gì về chuyện đó, nên thà tớ cứ quên đi.
Dẫu sao thì tớ nhận ra là tớ phải trốn đi. Mẹ khóc la rồi chậm chậm mắt bằng khăn mù xoa đúng như tớ dự đoán, nhưng Mister Tribble hoàn toàn thấu hiểu.
“Sao chúng ta không bảo với mọi người là cháu đi nghỉ dài ngày nhỉ, Forrest?”, ông nói. “Và dĩ nhiên phần của cháu ở công ty sẽ vẫn còn đây bất cứ lúc nào cháu muốn”.
Vậy là tớ làm như thế. Một buổi sáng nọ vài ngày sau đó tớ lấy một ít tiền mặt, và ném vài thứ vào chiếc túi đeo rồi đi xuống xưởng. Tớ chào tạm biệt mẹ và Mister Tribble rồi đi vòng quanh bắt tay với tất cả mọi người - Mike và Giáo sư Quackenbush và Cục Phân và Rau và Snake và thầy Fellers và hai gã du côn của thầy và bố Bubba và tất cả những người còn lại.
Rồi tớ xuống lều tìm Sue già.
“Cậu định làm gì?”, tớ hỏi.
Sue túm lấy tay tớ và rồi nó cầm lấy túi của tớ và mang ra cửa. Chúng tớ lên một con thuyền chèo nho nhỏ và chèo lên Bayou La Batre rồi đón xe lên Mobile. Một cô ở quầy vé ở đó nói, “Anh muốn đi đâu?”, và tớ nhún vai, thế là cô ấy nói, “Sao cậu không đến Savannah ấy? Tôi đến đó một lần rồi và đấy là một thị trấn rất dễ thương”.
Thế là chúng tớ đi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét