Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập II
Chương 8
Nửa đêm về sáng, những đám mây đen dày đặc
lũ lượt kéo nhau phủ lên bầu trời đầy sao, rồi mưa phùn rơi xuống, cái mưa thu
buồn tênh, và liền sau đó thảo nguyên trở thành mịt mùng, lành lạnh và lặng ngắt
như dưới một cái hầm sâu ẩm ướt.
Một giờ trước khi rạng sáng, gió nổi lên,
mây đen xô nhau bay nhanh hơn, mưa đang rơi thẳng đứng đổi chiều xiên xiên, rơi
chếch về phương Đông, từ chân mây cho đến tận mặt đất; rồi bỗng trời tạnh, cũng
bất thần như lúc bắt đầu mưa.
Mặt trời sắp mọc thì một người cưỡi ngựa đi
tới chỗ chiếc xe lều của đội sản xuất. Người ấy thong thả xuống ngựa, buộc
cương vào khóm sơn trà mọc cạnh đó, và cũng vẫn thong thả như thế, anh ta bước
vài bước cho đỡ chồn cẳng, đi tới bà cấp dưỡng đang hì hục bên cái lò đào dưới
đất, chào một tiếng nho nhỏ. Bà Đaria Kuprianốpna chẳng đáp lại lời chào. Bà
đang quỳ phủ phục, hai khuỷu tay và hai cái vú to đùng chống xuống đất, nghiêng
đầu ra sức thổi phù phù vào những cục than củi, cố thổi bùng ngọn lửa lên mà
mãi không được. Than ướt nước mưa và đẫm sương đêm không chịu bốc lửa, khói cuồn
cuộn phả vào cái mặt đỏ gay của bà cấp dưỡng.
- Mẹ cha cái bếp thổ tả! - bà cấp dưỡng vừa
sặc khói ho vừa bực dọc kêu thốt lên. Bà lùi lại phía sau một chút, ngẩng đầu
đưa tay lên sửa lại mái tóc xõa ra ngoài khăn vuông, và đến lúc ấy bà mới trông
thấy ông khách đứng trước mặt mình.
- Than cùi thì đêm phải cất vào trong xe lều
chứ, hả chị nuôi! Củi ướt thế này thì cái bễ của bác chả đủ hơi mà thổi đâu.
Nào, để tôi giúp cho một tay nào, - khách nói và khẽ đẩy bà cấp dưỡng sang bên.
- Những hạng lên mặt dạy đời như anh thì thảo
nguyên này nhông nhông vô khối. Anh cứ thử thổi đi xem nào, xem cái bễ của anh
có mấy hơi, - bà Đaria Kuprianốpna càu nhàu nói, nhưng cũng sẵn sàng lánh sang
một bên rồi chăm chú xem xét người khách lạ mặt.
Khách tầm vóc nhỏ và nom xấu mẽ. Khách mặc
một cách nom cũng đỏm dáng, một chiếc varơi dạ đã khá tàng thít chiếc thắt lưng
lính. Chiếc quần màu kaki vá mạng cẩn thận và đôi ủng cũ kỹ xù xì một lớp bùn
xám từ mũi đến cổ nom rõ ràng cũng đã quá niên hạn phục vụ; và tương phản một
cách rất bất ngờ với bộ cánh tồi tàn ấy là chiếc mũ Kuban bằng lông cừu lóng
lánh ánh bạc, rất bảnh và đội sụp xuống tận mắt. Nhưng gương mặt xạm đen của
khách nom hiền, chiếc mũi hếch nhăn lại nom nhộn nhộn khi khách cười, và đôi mắt
nâu màu hạt dẻ thì nhìn đời với một vẻ châm biếm, kẻ cả, lọc lõi.
Khách ngồi xổm xuống, thò tay vào túi trong
rút ra một cái bật lửa và cái lọ nút thủy tinh mài. Một phút sau, những thanh củi
nhỏ được tưới đẫm xăng đã bùng bùng bốc lửa.
- Phải làm như vậy đấy, chị nuôi ạ! - khách
vừa nói vừa vỗ vui một cái vào cái vai nần nẫn thịt của bà cấp dưỡng. - Còn cái
lọ này thì tất nhiên là xin tặng bác làm kỷ niệm cho đến ngày xuống lỗ. Củi ẩm
bác cứ tưới một tí cái này là xong ngay ấy mà. Bác cầm lấy, và khi nào xong món
xúp hổ lốn thì nhớ chiêu đãi tôi đấy! Một bát đầy phè và đặc sệt vào!
Bà Đaria Kuprianốpna thủ cái lọ vào bọc, miệng
cám ơn cứ ngọt xớt.
- Anh cho tôi thế này thì xin rất là một sự
cám ơn. Thật là phúc đức quá! Tôi sẽ chiêu đãi anh món xúp hổ lốn. Nhưng anh thủ
trong người cái lọ này làm gì thế? Anh là ông lang chữa bệnh bò cái đấy à?
- Không, tôi không phải ông lang bò đâu, -
khách đánh trống lảng. - Nhưng anh em thợ cày đâu hả bác? Còn ngủ cả sao?
- Người thì ra đầm tìm bò, người thì đã còng
lưng ngoài ruộng đằng kia.
- Anh Đavưđốp đâu?
- Trong xe lều. Đang nằm rốn một tí. Khổ
thân anh ấy hôm qua làm quần quật suốt ngày, làm cứ như trâu như bò, đêm lại
còn thức khuya.
- Anh ta làm gì mà thức khuya vậy?
- Thiên lôi mà biết được. Ngoài đồng đã về
muộn, lại nghĩ ngay ra cái trò đi thăm lúa đông, cái lúa gieo hồi còn cá thể ấy
mà. Mò ra mãi tận cái gò ngoài khe!
- Thăm lúa mà lại đi lúc tối mò? - Khách
nhăn mũi lại mỉm cười, dò hỏi nhìn vào khuôn mặt tròn vành vạnh và bóng nhẫy của
bà cấp dưỡng.
- Nói thế chứ lúc đi thì còn sáng, về mới tối.
Có thiên lôi biết anh ta làm gì mà về tối thế, mải nghe họa mi hót chăng? Chả
là vì cái bọn họa mi ngoài khe Térnôvaia chúng tôi, nó làm khiếp lắm cơ! Nó
hót, nó véo von ran lên, cấm có cho ai ngủ! Cái giống chết tiệt ấy, nó cứ làm rối
ruột người ta lên! Đôi khi tôi nằm, nằm mãi, rồi nước mắt có bao nhiêu tuôn ra
bằng hết...
- Duyên cớ gì vậy?
- Lại còn “duyên cớ” gì nữa? Lúc thì nhớ lại
hồi nhỏ, lúc thì nhớ đến đủ các thứ chuyện linh tinh hồi con gái... Anh ạ, đàn
bà chúng tôi thì phải cái tật mau nước mắt.
- Thế Đavưđốp đi thăm lúa một mình à?
- Anh ta cũng không mù lòa chân chậm, lạy
Chúa, cho nên cũng chưa cần có người dắt. - Bà Đaria Kuprianốpna bỗng cảnh
giác, mím môi lại nghiêm khắc: - nhưng anh là ai? Đến đây có việc gì?
- Có chút việc cần gặp đồng chí Đavưđốp, -
khách trả lời lờ lững. - Nhưng cũng chả vội gì, đợi tí anh ấy dậy cũng được,
người làm mệt phải để người ta ngủ đẫy giấc cho lại sức. Trong khi chờ đợi lửa
bốc, ta ngồi xuống đây, chuyện gẫu tí chơi.
- Ngồi nói chuyện nhăng cuộc với anh thì
lúc nào tôi mới gọt được đống khoai tây cho cả nhà cả tổ ăn? - Bà Đaria Kuprianốpna
hỏi vặn.
Nhưng người khách lạ nhanh trí ứng phó được
ngay: anh ta rút trong túi ra một chiếc dao con, gại gại thử lưỡi lên móng tay
cái.
- Đem khoai tây lại đây, tôi giúp một tay.
Với một chị nuôi hấp dẫn như thế này thì tôi tình nguyện suốt đời làm phụ bếp,
miễn là đêm ngủ bà chị chịu khó cười tình với tôi một tí... Ấy đấy, cứ như bây
giờ là được đấy.
Bác Đaria Kuprianốpna sướng mê cu tơi càng
đỏ bừng mặt lên, rồi làm ra bộ ngán ngẩm, lắc đầu:
- Nhưng anh còm nhom quá, khổ thân anh! So
với tôi thì anh hơi yểu đấy... Đêm ngủ nếu như tôi có cười tình với anh thì anh
cũng chả nhìn ra, chả thấy gì đâu...
Khách ngồi xuống thoải mái trên khúc gỗ sồi,
nheo mắt nhìn bà cấp dưỡng đang cười.
- Đêm mắt tôi tinh như mắt cú mèo.
- Đâu phải vì mắt anh không tinh nên không
nhìn thấy, mà là vì tinh thì tinh nhưng mắt anh lúc ấy đã vãi ra đầy nước...
- A, cái bà chị này khá đấy! - khách cười
rinh rích. - Nhưng liệu hồn, bà béo ơi, khéo rồi bà lại khóc trước! Ban ngày
ban mặt tôi nom hiền, nhưng đêm thì những loại phốp pháp như bà chị là tôi quất
cho ác liệt. Đừng khóc hu hu, đừng lạy nhá!
Bà Đaria Kuprianốpna cười rũ và nhìn ông
khách tợn mồm tợn miệng với một vẻ thầm tán thưởng:
- Này, ông anh ơi, những kẻ đầu hôm khoác
lác thì đến sáng sẽ rên hừ hừ đấy.
- Được, để rồi đến sáng mai xem hai chúng
ta ai rên hừ hừ và ai khoái tỉ nằm tơ lơ mơ. Thôi, cái bà nỏ mồm, mang khoai ra
đây, tán gẫu mãi mất thì giờ!
Bà Đaria Kuprianốpna khệ nệ bê một thùng
khoai tây đầy ở trong xe lều ra và miệng vẫn cười tình như thế, ngồi xuống chiếc
ghế con đối diện với khách. Nhìn lớp vỏ khoai mỏng tanh cuộn tròn dưới ngón tay
đen xạm nhanh thoăn thoắt của khách, bà hài lòng nói:
- Anh không phải chỉ mồm mép khá, mà làm
cũng khá đấy nhỉ. Phụ bếp cho tôi thì cũng được đấy.
Khách nín thinh đưa lưỡi dao nhanh thoăn
thoắt, nhưng chỉ vài phút sau lại hỏi:
- Thế... cái anh Đavưđốp ấy thế nào? Bà con
kô-dắc ta có ưa không?
- Ưa chứ. Trai anh hùng đấy, và giản dị
cũng như anh vậy. Những anh nào không ra cái vẻ khệnh khạng là bà con chúng tôi
thích thôi mà.
- Giản dị hả bác?
- Rất chi là giản dị!
- Nghĩa là cũng có tí ngớ ngẩn chứ gì? -
Khách ranh mãnh liếc nhìn lên từ dưới vành mũ.
- Thế anh tự cho mình là ngớ ngẩn à? - bà
Đaria Kuprianốpna đốp chát lại.
- Tôi đâu nói thế...
- Thế việc gì anh lại nói xấu anh Đavưđốp?
Anh ta với anh thì có khác gì nhau...
Khách lại nín thinh, trong bụng cười thầm,
mắt chốc chốc lại liếc nhìn bà cấp dưỡng mau mồm mau miệng một cái.
Đằng đông, phía chân mây, ráng hồng của vầng
dương đang mọc lan rộng dần ra. Gió chuyển mình sau giấc ngủ đêm, tung cánh đưa
về từ khe Térnôvaia tiếng hót vang vang của đám họa mi. Và đến lúc ấy thì khách
chùi lưỡi dao vào quần, bảo bà cấp dưỡng:
- Bác đi đánh thức anh Đavưđốp dậy đi. Sang
mùa đông thì tha hồ ngủ.
Đavưđốp trên xe lều bước xuống, chân đi đất,
vẻ mặt ngái ngủ khó đăm đăm. Anh liếc nhìn khách một cái, hỏi giọng khê nặc:
- Công văn trên huyện hả? Đưa đây.
- Không có công văn, nhưng đúng là trên huyện.
Đi giày vào đi, đồng chí Đavưđốp, ta cần bàn ít chuyện.
Đavưđốp đưa tay gãi gãi bộ ngực nở nang trổ
đầy xăm, nhìn khách với một vẻ coi xoàng:
- Tôi bấm độn thì hình như quan anh là phái
viên kiểm tra của huyện ủy... Báo cáo đồng chí, xin là có ngay.
Anh mặc vội quần áo, xỏ đôi chân không tất
vào ủng, rửa mặt qua quýt bằng cái nước tanh tanh đựng trong chếc thùng gỗ sồi,
rồi cúi chào với một vẻ hơi trịnh trọng:
- Tôi là Xêmiôn Đavưđốp, chủ tịch nông
trang Grêmiatsi Lốc.
Khách tiến sát tới Đavưđốp, choàng ôm ngang
tấm lưng bè bè của anh:
- Giới thiệu chính quy gớm nhỉ! Còn mình
thì là Ivan Nextêrenkô, bí thư huyện ủy. Thế là ta đã làm quen nhau xong, bây
giờ đồng chí chủ tịch nông trang đi dạo với tôi vài bước, ta chuyện trò với
nhau thoải mái. Thế nào, diện tích cày còn nhiều không?
- Kha khá...
- Nghĩa là ông chủ tính toán chưa sát phỏng?
Nextêrenkô khoác lấy tay Đavưđốp, kéo nhẹ
đi ra phía ruộng cày. Đavưđốp liếc nhìn anh ta một cái, dè dặt nói:
- Tính sai. - Rồi bỗng anh bốc lên, chính
anh cũng không hiểu sao: - Nhưng, đồng chí bí thư ạ, đồng chí hiểu cho, trong
công việc đồng áng tôi ù ù cạc cạc. Tôi không thanh minh đâu, nhưng không phải
chỉ có mình tôi sai.... Công việc nó mới quá...
- Mình thấy rồi, và mình hiểu, cậu cứ bình
tĩnh.
- Không phải mình tôi sai, mà cả những anh
em cốt cán mà tôi dựa vào cũng lầm như tôi. Chúng tôi bố trí lực lượng không
đúng. Anh hiểu không?
- Hiểu. Và chả có gì ghê gớm cho lắm. Chả
ghê gớm gì lắm, các cậu sửa luôn đi thôi. Đã nhận được người và bò kéo tăng cường
rồi phỏng? Tốt. Còn việc bố trí lực lượng, sắp xếp lực lượng cho các đội thì rồi
đây cậu sẽ rút kinh nghiệm, vận dụng luôn cho vụ cắt cỏ, và nhất là cho vụ gặt.
Cần tính toán trước cho chu đáo.
- Rõ, thực tế thế!
- À, bây giờ ta đi, cậu chỉ mình xem đám ruộng
chính tay cậu cày. Mình muốn ngó xem giai cấp công nhân Lêningrát làm ăn như thế
nào trên đồng ruộng sông Đông... Liệu mình có phải viết thư cho đồng chí bí thư
đảng bộ nhà máy Puchilốp phàn nàn về chuyện ăn bơ làm biếng của cậu không đấy,
hả?
- Cái đó tùy đồng chí đánh giá.
Bàn tay nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, Nextêrenkô
nắm lấy khuỷu tay Đavưđốp càng chặt hơn. Nhìn nghiêng vào gương mặt giản dị cởi
mở của đồng chí bí thư, Đavưđốp bỗng cảm thấy nhẹ nhõm thoải mái, và một nụ cười
vô tình nở ra trên đôi môi cương nghị của anh. Đã lâu rồi chưa có ai trong hàng
các cán bộ lãnh đạo Đảng ăn nói với anh bằng một giọng giản dị thân tình và một
tình người ấm áp đến thế...
- Đồng chí Nextêrenkô ơi, có thật đồng chí
định kiểm tra chất lượng đấy không? Kiểm tra thật đấy chứ?
- Kiểm tra quái gì! Mình chỉ tò mò muốn xem
xem giai cấp công nhân có thể làm được trò trống gì khi không phải là đứng bên
bàn thợ, bên cỗ máy, mà là đứng trên đồng ruộng. Nếu cậu muốn biết thì mình tự
giới thệu là nhà mình đã bao nhiêu đời làm dân cày Xtavrôpôn, và mình muốn xem
xem dân kô-dắc đã dạy cậu được những điều gì. Và biết đâu lại chẳng là một ả
kô-dắc nào đã dạy cậu cày nhỉ? Ả ấy có thể dạy cậu những kiểu cày rất lạ đấy, cậu
hãy coi chừng, chớ có ăn phải bả gái kô-dắc Grêmiatsi! Họ có những cái phép có
thể đẩy một tay lính thủy dạn dày như cậu làm những cái trò gì có trời biết...
Anh nào thật thà thì lạc đường với họ dễ như chơi ấy mà! Hay là có ả nào đã cho
cậu lạc rồi?
Nextêrenkô nói với một giọng vui vẻ tự
nhiên, và có vẻ như gặp đâu nói đấy, nhưng Đavưđốp cảm thấy ngay có ý gì bóng
gió đằng sau những câu nói đùa ấy, và trong bụng anh lo ngay ngáy, - “Anh ấy biết
phong thanh gì về Luska rồi, hay chỉ là bắt nọn?”. Nhưng anh cũng bắt giọng nói
đùa:
- Đàn bà mà lạc đường thì kêu cứu ầm lên,
còn đàn ông thực thụ là anh đàn ông lặng lẽ tìm ra đường mà đi, thực tế thế!
- Cậu thì chắc hẳn là anh đàn ông thực thụ
chứ gì?
- Thế đồng chí nghĩ thế nào, hả đồng chí bí
thư?
- Mình nghĩ thế này: mình thích những anh
đàn ông thực thụ hơn là những kẻ to mồm, và nếu như cậu, cậu Đavưđốp ạ, chẳng
may có bị lạc đường, cậu hãy rỉ tai mình nói nhỏ, chẳng nên làm ầm ĩ làm gì.
Mình sẽ tìm cách nào đấy giúp cậu lần được ra con đường ngay. Đồng ý chứ?
- Cám ơn đồng chí khuyên bảo, - Đavưđốp nói
bằng một giọng lúc này đã nghiêm trang, trong khi thâm tâm nghĩ: “Cha này cáo
thật! Đánh hơi thấy hết rồi...”. Và để nhẹ bớt tính chất nghiêm trang của câu
mình vừa nói, anh tiếp: - Chà, huyện nhà vớ được ông bí thư tốt bụng hiếm có!
Nextêrenkô đang đi đừng lại, quay sang
Đavưđốp, và hất ngược ra sau gáy chiếc mũ Kuban lịch sự, nhăn mũi cười, nói:
- Mình tốt bụng là vì hồi trẻ chính mình
không phải lúc nào cũng đi đường ngay... Có lần mình đang bước đều, bước đều,
gót dận cồm cộp như duyệt binh, thế rồi bỗng sảy chân, sa đà đến chỗ quái quỷ
nào chả biết, nói tóm lại là đâm quàng đâm xiên vào cái đống bờ bụi khỉ gió gì
bên đường, cho đến lúc có những người tốt bụng tới kéo cái thằng thanh niên ngu
ngốc là mình trở lại mặt đường. Chú lính thủy ơi chú đã hiểu lòng tốt của mình
do đâu mà có chưa? Nhưng không phải mình tốt với bất kể ai, không phân biệt đâu...
- Người ta nói con ngựa bốn chân hẳn hoi mà
vẫn vấp, - Đavưđốp thận trọng đưa đà một câu.
Nhưng Nextêrenkô lạnh lùng nhìn anh:
- Con ngựa tốt mà vấp một đôi lần thì có thể
tha thứ cho nó, nhưng có những của nợ mỗi bước đi là một bước vấp chúi mũi. Dạy
nó đến thế nào, đánh vật với nó đến thế nào thì nó vẫn cứ dùng mũi của nó đếm đủ
số mô đất trên đường. Những của nợ ấy thì giữ chúng lại trong chuồng làm gì nhỉ?
Cho một chày cho xong đời!
Đavưđốp nín thinh, miệng thoáng một nụ cười
kín đáo. Câu nói cạnh khía rõ nghĩa đến thế cần gì một lời giải thích...
Họ thong thả đi ra đồng, và sau lưng họ mặt
trời cũng thủng thỉnh nhô ra khỏi đám mây màu tím. Đavưđốp cố làm ra vẻ tự
nhiên, hất hàm chỉ đám ruộng cày chạy dài ra xa: - “Ruộng tôi cày đấy”.
Khẽ hất đầu một cái đẩy chiếc mũ Kuban sụp
xuống tận mắt, Nextêrenkô bước thấp bước cao đi băng qua thửa ruộng cày còn ẩm.
Đavưđốp bước theo sau anh ta một quãng, thấy anh ta cúi xuống giả vờ phủi cỏ
may bám vào ủng để đo chiều sâu của luống cày, và không phải một đôi lần mà cứ
chốc chốc lại thế. Đavưđốp không nén được, nói:
- Anh đo thì cứ việc đo tự nhiên! Việc gì
phải giở trò lịch sự thế hả anh?
Nextêrenkô chân vẫn bước đi, miệng làu bàu:
- Thì cậu cứ giả vờ như không trông thấy có
được không?
Đến cuối thửa ruộng anh ta dừng lại, phát
biểu với giọng bề trên không hài lòng:
- Nói chung tạm được, nhưng đường cày không
đều, như đường cày của thợ non: chỗ hơi sâu, chỗ hơi nông, chỗ thì lại sâu quá.
Lý do chính là chưa biết cày, nhưng cũng có thể là vì khi bước vào cày trong bụng
không vui. Đavưđốp ạ, cậu nên nhớ rằng cáu kỉnh chỉ có tác dụng ngoài mặt trận
thôi, ở đó sự nổi giận giúp ta chiến đấu tốt, còn trên thửa ruộng thì phải là một
con người hiền từ, vì đất ưa được ta đối xử với nó một cách dịu dàng từ tốn.
Ông cụ mình hồi còn mồ ma vẫn nói như thế... Mơ màng cái gì thế hả, ông lính thủy
đánh bộ?! - Nextêrenkô thốt lên câu hỏi ấy bằng một giọng khiêu khích, rồi lấy
vai huých cho Đavưđốp một cái thật lực.
Đavưđốp loạng choạng và lúc đầu chưa hiểu
ra là anh ta thách mình đấu một keo. Nhưng khi Nextêrenkô cười sằng sặc huých mạnh
anh một cái nữa thì Đavưđốp lấy luôn thế trung bình tấn, chân giang rộng, người
hơi ngả đằng trước.
Họ ôm lấy nhau, lần túm thắt lưng nhau.
- Chơi nắm thắt lưng hay không? -
Nextêrenkô nén thở, hỏi.
- Nắm thì nắm, nhưng cấm chơi đểu, khoèo
chân.
- Và cấm lẳng qua đầu, - Nextêrenkô thở hắt
ra, giọng đã hơi hổn hển do ráng sức để lật ngã địch thủ.
Đavưđốp ôm choàng lấy thân hình rắn chắc bắp
thịt của Nextêrenkô, và theo kinh nghiệm thi đấu, hiểu ngay là mình đang chọi với
một tay đô vật thực thụ lão luyện. Đavưđốp có phần khỏe hơn, nhưng Nextêrenkô
ăn đứt anh ở chỗ nhanh và khôn khéo. Hai ba lần mặt ghé sát mặt, Đavưđốp trông
thấy một cái má nâu sạm ửng đỏ, một con mắt long lanh ranh mãnh, nghe thấy một
tiếng thều thào: “Nào, cố lên, cố lên, giai cấp công nhân! Sao cứ đứng ỳ cục thịt
ra thế?”.
Họ quần nhau mươi phút trên đám ruộng cày,
rồi Đavưđốp đã mệt lử cò bợ, khàn khàn nói:
- Ta ra chỗ cỏ kia đi, chứ quần nhau ở đây
rồi thì chết hết cả hai mất...
- Không, bắt đầu ở đâu cứ kết thúc ở đấy, -
Nextêrenkô hổn hển nói không ra hơi.
Dồn hết sức mình, Đavưđốp tìm cách đẩy đối
thủ đến một đám đất cứng, và tới đây, trận đấu kết thúc: họ ôm nhau ngã lăn
quay ra, nhưng trong khi ngã Đavưđốp đã lật ngửa được Nextêrenkô ra, nằm đè lên
trên. Hai chân giang rộng, dùng toàn bộ sức nặng của thân mình ghìm chặt đối
phương xuống đất, anh hổn hển nói không ra hơi:
- Thế nào, đồng chí bí thư?
- Xin hàng, chứ thế nào nữa... Cậu khỏe đấy,
giai cấp công nhân ạ... Thắng tớ không phải dễ đâu, tớ chơi cái trò này từ thuở
bé...
Đavưđốp đứng dậy, độ lượng chìa tay đỡ kẻ
chiến bại, nhưng Nextêrenkô bật dậy như chiếc lò xo, quay ngoắt lưng lại:
- Phủi đất đi, cậu!
Với một vẻ ân cần, tình cảm kiểu đàn ông,
Đavưđốp đưa hai bàn tay to bè phủi kỹ những cục bùn và cọng cỏ khô bết chặt dưới
lưng áo Nextêrenkô. Rồi bốn mắt lại gặp nhau và cả hai phá ra cười.
- Đáng lẽ cậu phải nể cái chức vụ Đảng của
tớ một tí chứ nhỉ? Mất gì đâu? Chà, cái đồ gấu Lêningrát! Cậu thật chả có tí ý
thức gì tôn trọng cấp trên cả... Lại còn nhăn răng ra cười nữa! Cười ngoác tận
mang tai, phởn như thằng cha vớ được cô vợ đẹp!
Quả là Đavưđốp đang ngoác miệng ra cười thật:
- Lần sau xin rút kinh nghiệm, thực tế thế!
Nhưng ông cũng không nên ngoan cố chống cự như thế làm gì, có lúc tôi tưởng như
chân cắm ngập xuống đất tới tận đầu gối để khỏi thua. Chà, anh Nextêrenkô ơi,
anh đúng là điển hình của một anh trung nông Xtavrôpôn đáng buồn, một đồ tiểu
tư hữu, như anh bạn Maka Nagunốp chúng ta thường nói. Anh là một anh bí thư, tất
phải hiểu rằng giai cấp công nhân bao giờ cũng là kẻ chiến thắng, điều đó đã được
lịch sử chứng minh, thực tế thế!
Nextêrenkô lắc đầu huýt gió một cái ra vẻ
chế nhạo. Chiếc mũ Kuban của anh ta tụt ngửa ra sau gáy và chẳng hiểu sao lại
còn dính lại đó không rơi. Anh cười, nói:
- Lần sau nhất định mình sẽ cho cậu đo đất!
Thử xem lúc ấy cậu sẽ lấy quan điểm mácxít để giải thích việc ấy như thế nào.
Có điều không hay là bà cấp dưỡng ấy mà, bà ấy đã trông thấy chúng mình đánh lộn
nhau như hai thằng nhãi ranh, bà ấy sẽ nghĩ thế nào về chúng mình? Chắc bà ấy sẽ
bảo hai bố ấy điên...
Đavưđốp khoát tay một cái ra vẻ bất cần:
- Cứ bảo anh em mình trẻ, bà ấy khắc hiểu,
chả thắc mắc... Nhưng thôi, ta bàn công việc tí chứ, hả đồng chí Nextêrenkô, kẻo
hết thời giờ rồi, thực tế thế!
- Ta ra đống nào khô khô ngồi.
Họ ra ngồi xuống một mô sét nho nhỏ vốn là
cái hang của một con cu ly nào đã bỏ, rồi Nextêrenkô chậm rãi nói:
- Trước khi đến đây mình có rẽ qua
Grêmiatsi Lốc. Mình đã gặp Radơmiốtnốp và tất cả các anh chị en cốt cán trong ấp.
Còn Nagunốp thì trước khi về đây mình đã biết cậu ấy, cậu ấy có lên chỗ huyện ủy
chúng mình. Mình đã nói với cả cậu ấy lẫn Radơmiốtnốp và bây giờ mình nói lại cậu
nghe: việc kết nạp vào Đảng những nông trang viên tốt, những người trung thành
với sự nghiệp của chúng ta, các cậu làm kém lắm. Hết sức kém! Mà những anh em tốt
thì nông trang thiếu gì, đúng không?
- Thực tế thế!
- Vậy tại sao lại thế?
- Nhưng ngay những anh em tốt vẫn còn chờ...
- Chờ cái gì?
- Chờ xem nông trang làm ăn ra sao... Và
trong khi chờ đợi thì họ vẫn chăm mảnh vườn họ hơn.
- Phải lay họ dậy, thức tỉnh cái đầu óc lười
suy nghĩ của họ chứ!
- Có lay đấy, nhưng không đi đến đâu. Tôi
cho là đến sang thu chi bộ chúng tôi mới phát triển được, thực tế thế!
- Thế từ nay đến sang thu thì khoanh tay ngồi
chờ à?
- Không, sao lại chờ, vẫn hoạt động chứ,
nhưng chúng tôi không cưỡng ép ai.
- Ai bảo anh phải cưỡng ép. Chẳng qua chỉ là
không nên bỏ lỡ dù chỉ là một cơ hội nào lôi kéo người này hay người khác trong
đám lao động tiên tiến, giải thích cho họ đường lối của Đảng bằng những lời lẽ
dễ hiểu.
- Thì chúng tôi vẫn làm như thế mà, đồng
chí Nextêrenkô, - Đavưđốp cam đoan như vậy.
- Các anh hoạt động, nhưng chi bộ Đảng vẫn
cứ không phát triển. Thế thì có làm cũng như không... Thôi được, ta đợi xem
công việc của các cậu làm sẽ đi đến đâu. Bây giờ ta bàn sang việc khác. Mình muốn
vạch cho cậu thấy một số thiếu sót thuộc một mặt khác. Mình về đây tìm cậu để
làm quen nhau, đánh hơi nhau, như người ta thường nói, và chuyện trò với nhau một
cách thoải mái. Cậu là một người am hiểu, chắc cậu sẽ không vin cớ mình còn trẻ,
tuổi trẻ của cậu đã trôi qua rồi, và trôi xa đến nỗi cậu không đuổi theo níu nó
lại được nữa đâu. Cậu cũng đừng mong mình chiếu cố cho cậu cái xuất thân vô sản
của cậu, cái thiếu kinh nghiệm hoặc cái gì khác. Nhưng cậu cũng đừng tưởng mình
sẽ có thái độ nghiêm khắc cứng rắn đặc biệt mà một số cán bộ lãnh đạo thích phô
trương. - Nextêrenkô hơi bốc lên, nói tiếp: - Theo mình, trong sinh hoạt Đảng
chúng ta có những cách làm chẳng lấy gì làm thông minh và tương ứng với chúng
là những câu; “gọt”, “cạo”, “mài giũa”, v.v. Cứ làm như đây không phải chuyện
con người mà là một cục sắt gỉ nào đó vậy. Thế là cái quái gì nhỉ? Và đáng chú
ý là trong đa số trường hợp, những câu ấy thường ở cửa miệng những người cả đời
chưa hề cạo một tí gỉ sắt nào, và chắc là tay cũng chưa bao giờ sờ đến cái
giũa. Vậy mà con người là một cái gì tinh tế, xử lý với nó phải hết sức thận trọng!
Mình kể cậu nghe câu chuyện này. Năm mười
tám, ở đơn vị chúng mình tình trạng trật tự kỷ luật nát đến mức không ở đâu nát
bằng. Không phải là một đội cận vệ Đỏ nữa mà là một đám thổ phỉ Mácnô, không
nói ngoa đâu! Và thế là đầu năm 1919, trên đưa về một đồng chí chính ủy, một đảng
viên cộng sản, thợ mỏ Đônét. Một ông bác đứng tuổi, lưng gù gù, râu đen trễ xuống
như râu Tarax Séptsenkô. Sau khi ông ta đến tình hình đơn vị thay đổi hẳn. Đơn
vị được phiên chế lại thành một trung đoàn Hồng quân. Người thì vẫn là những
con người cũ, đồng thời lại không phải như cũ, dường như họ đã thay da đổi cốt
vậy. Chẳng cần kỷ luật ai, chẳng cần đưa ai ra Tòa án cách mạng, và đấy chỉ là
một tháng sau khi cái ông thợ mỏ chính ủy ấy xuất hiện ở trung đoàn! Cha ấy làm
bằng cách nào? Bằng trái tim, cậu ạ, ranh không? Ông ta chuyện trò với từng chiến
sĩ Hồng quân, và với từng người ông ta tìm được những lời lẽ ân cần thích hợp.
Người bước vào chiến đấu mà hoang mang dao động thì ông ta tâm sự động viên
riêng; tay nào liều lĩnh thì ông ta chấn chỉnh, nhưng chấn chỉnh thế nào mà
không làm hắn tự ái, tiêu cực gì cả. Ông ta rỉ tai hắn: “Đồ ngốc ơi, đừng có nhắm
mắt xông bừa! Chúng nó giết chết toi đấy, và lúc ấy chúng mình biết làm thế
nào? Thiếu cậu thì cả trung đội, ấy chưa nói cả đại đội, sẽ gay go to”. Lẽ dĩ
nhiên là anh chàng hảo hán ấy lấy làm hởi lòng hởi dạ thấy chính ủy quan niệm về
mình như vậy, và từ đó thôi không liều lĩnh nữa, mà chiến đấu một cách thông
minh... Ông chính ủy nhà ta chỉ duy có một nhược điểm: đánh chiếm được một làng
nào to hoặc một thị trấn kô-dắc nào là ông ta bắt đầu đi vơ vét...
Đavưđốp bị bất ngờ quay ngoắt một cái sang
phía Nextêrenkô, mạnh đến nỗi suýt nữa thì ngã ngửa xuống từ trên cái mô đất
hang con cu li bị gió xói mòn. Anh xoè năm ngón tay phải ra chống xuống lớp đất
sét ướt để khỏi ngã, và thốt lên:
- Sao, vơ vét à, thế là thế nào? Anh nói bậy!
Nextêrenkô cười khúc khích:
- Nói thế cũng không đúng hẳn! Không phải
vơ vét mà là đi lục tủ sách của những nhà buôn giàu, của bọn địa chủ, tóm lại
là của tất cả những ai vào cái thời ấy có khả năng mua sách. Ông ta chọn riêng
ra những cuốn sách mình cần rồi tịch thu phăng, không ý kiến ý cỏ gì cả! Tôi
nói cậu không tin đâu: ông ta kéo lếch thếch sau mình bốn xe ngựa sách, cả một
thư viện lưu động, và ông ta chăm lo đến sách cứ như chăm lo đến đạn dược vậy:
xe nào cũng có vải bạt phủ, sách thì xếp từng chồng, lại còn lót rơm bên dưới nữa
chứ. Rồi dọc đường trú quân, hoặc những lúc nghỉ ngơi, những quãng thời gian giữa
các trận chiến đấu, vào mọi lúc rỗi rãi sau giờ ăn, giờ lau chùi vũ khí, ông ta
lại dúi sách cho anh em chiến sĩ bắt đọc, rồi sau đó kiểm tra xem có đọc hay
không...
Hồi ấy mình còn trẻ, quan tâm đến các em
nhiều hơn đến sách, và thú thật chuyên môn lỉnh, không đọc... Mình hầu như mù
chữ, và dốt đặc cán mai. Thế rồi một lần ông ta tóm được mình trốn đọc một quyển
sách ông ấy đưa cho. Đến tận bây giờ mình vẫn còn nhớ cả tên tác giả lẫn đầu đề
cuốn sách... Khoảng hai ngày sau ông ta hỏi mình nội dung quyển ấy, và mình đứng
ngây tán tàn. Ông ta mới bảo, và trong những trường hợp như thế ông ta bao giờ
cũng gọi riêng ra một chỗ nói, để người bị nói khỏi xấu hổ trước mặt người
khác, ông ta bảo mình thế này: “Cậu nghĩ ra sao vậy? Cậu định sống ở trên đời
này như một thằng ngốc đấy hử? Tôi thấy cậu suốt tối qua độc lượn quanh một em.
Này, cậu hãy nhồi nhét vào đầu cậu điều này: một đứa con gái có học thì nó cần
cóc gì một thằng ngu ngốc vô học như cậu, ngồi chuyện trò với cậu độ dăm phút
nó đã chán ngấy; còn một đứa con gái ngu ngốc thì nó hẳn là chẳng cần gì đến cậu:
cậu có truyền được tí thông minh nào cho nó đâu, và cũng chưa nhặt đâu được tí
thông minh nào. Còn về tất cả mọi cái khác làm nên giá trị anh đàn ông thì người
có học và kẻ vô học đều có ngang nhau, thành thử trong mọi trường hợp ưu thế
bao giờ cũng thuộc về những người có học. Nghe thủng chưa, hả thằng ngỗng đực?”.
Ông ta nói thế thì mình còn cãi vào đâu được?
Nửa tháng ròng ông ta bám mình dai như đỉa, châm chọc mình, làm mình đến phát
khóc, nhưng rốt cuộc đã làm mình quen dần với việc đọc sách, rồi chính mình
cũng mê đến nỗi không rứt ra được nữa. Cho đến nay mình vẫn còn nhớ những lời động
viên của ông ấy và nói thực ra, bây giờ mình cũng chẳng biết đã nhờ ai mà nên
người: nhờ ông bố đã quá cố hay là nhờ đồng chí chính ủy của mình.
Nextêrenkô ngừng lại một lát, đăm chiêu suy
nghĩ, ra chiều buồn buồn. Nhưng một phút sau, không giấu nổi một nụ cười ranh
mãnh anh ta đã hỏi dồn:
- Thế cậu, những lúc rỗi rãi có đọc gì
không? Chắc chỉ xem báo thôi chứ gì? Và cũng ít lúc rỗi rãi, có phải không?
Phòng đọc sách của các cậu có nhiều sách hay không hả?... Không biết à? Này người
anh em ơi, thế thì cũng đáng lấy làm xấu hổ đấy! Thế nhưng cậu đã mò đến phòng
đọc sách lần nào chưa đã?... Có hai lần tạt qua thôi hả? Thế thì ăn thua quái
gì, cậu ơi! Mình đã đánh giá người đại biểu của giai cấp công nhân Lêningrát
cao hơn đấy! Thế là mình đã có đề tài viết thư cho nhà máy của cậu rồi! Nhưng cậu
đừng lo, mình sẽ lấy danh nghĩa cá nhân thôi, và viết như thế này: “Đồng chí
Đavưđốp, nguyên là công nhân nhà máy các đồng chí, thuộc đoàn Hai vạn rưởi, hiện
là chủ tịch nông trang Grêmiatsi Lốc, và các nông trang viên dưới quyền lãnh đạo
của anh ấy đang cần sách vô cùng. Họ hết sức cần những sách chính trị và kinh tế
phổ thông, sách về trồng trọt, chăn nuôi, nói chung là về nông nghiệp. Một bộ
sưu tập sách văn học, cả cổ điển lẫn hiện đại, cũng sẽ được hoan nghênh. Đề nghị
các đồng chí, với tư cách là đơn vị đỡ đầu, tặng cho nông trang một tủ sách gồm
khoảng ba trăm cuốn, gửi theo địa chỉ sau đây...”. Được không? Viết thế
nhá?... Không muốn à? Cậu không muốn
cũng phải! Thế thì cậu phải tự xoay xở, dùng vốn liếng nông trang tự túc lấy một
tủ sách, ít nhất là hai ba trăm cuốn. Cậu bảo không có tiền hả? Xoay được thôi,
khó quái gì! Cậu cứ đem bán béng một đôi bò gì đi, lạy trời, không sạt nghiệp
đâu mà sợ! Thế là cậu sẽ có cả một thư viện, mà thư viện ra trò đấy! Hôm qua
mình có xem sổ sách của nông trang, và thấy so với diện tích ruộng đất thì rõ
ràng thừa sức kéo. Thế thì tốn cỏ nuôi làm gì vô ích? Cho tẩu đi! Cậu biết nông
trang có bao nhiêu bò quá mười tuổi không? Không biết à? Cũng đáng tiếc đấy,
nhưng mình có thể nói giúp cậu biết: có chín đôi bò già từ mười tuổi trở lên.
Những nhà nông biết làm ăn không bao giờ giữ những của nợ ấy trong chuồng, họ vỗ
béo rồi bán luôn. Rõ chửa?
- Rõ chứ sao không rõ, nhưng đàn gia súc thải,
trong đó kể cả bò già, chúng tôi đã quyết định để sang thu sẽ bán. Những nhà
nông giàu kinh nghiệm đã khuyên tôi làm thế.
- Thế hiện nay đàn gia súc ấy các cậu cho
thả rông chứ?
- Không. Chúng nó cũng phải đi làm, đấy là
nói về bò, cái ấy tôi biết chắc chắn.
- Cái ông nhà nông giàu kinh nghiệm nào mà
lại khuyên cậu sang thu mới bán?
- Lão quản lý Ôxtơrốpnốp, và một tay nào nữa,
tôi không nhớ.
- Hừm, hay nhỉ... Cái lão quản lý nhà cậu
trước lúc tiến hành tập thể hóa không đầy nửa phút chắc hẳn phải là kulắc. Là
nhà nông có kinh nghiệm sao lão ấy lại có thể khuyên cậu cái điều dấm dớ như vậy?
Sang thu bán bò, và từ nay đến sang thu lại không tháo ách cho nó? Thế thì các
anh sẽ chỉ có da và xương đem bán thôi. Còn mình thì mình khuyên cậu cái khác:
bây giờ toàn bộ gia súc định đem bán, cậu cho thả cỏ, rồi vỗ béo bằng thức ăn
tinh, và sang hè khi thị trường gia súc khan hiếm và giá thịt cao thì đem bán.
Còn như sang thu thì chẳng có bò của các cậu thịt cũng đã ê hề, rẻ như bèo.
Thóc các cậu thừa thãi. Vậy có quái gì mà lo? Vả lại, các cậu cứ tự tính đi,
mình không muốn can thiệp vào công việc của các cậu. Cậu cũng nên suy nghĩ tí về
chuyện ấy... Dù sao thì trước mắt cậu cũng có thể cho vỗ béo một đôi bò già và
bán luôn. Nhưng tiền ấy đừng có đem ra chén, mà phải để mua sách. Tóm lại, sao
cho sau hai tháng các cậu phải có một thư viện. Đó là một. Hai là, cậu cho chuyển
ngay cái phòng đọc sách từ cái lều rách hiện nay sang cái nhà kulắc nào đẹp nhất.
Làm thế không sợ sai đâu! Ba là, mình sẽ điều về cho cậu một người phụ trách
thư viện, một cậu tháo vát, và mình sẽ chỉ thị cho cậu ấy hàng ngày, vào buổi
chiều, tổ chức đọc sách báo cho bà con nghe.
- Thì anh hãy từ từ đã nào! - Đavưđốp đỏ mặt
lên đề nghị. - Tôi xin nói cưa đứt đục suốt với anh là tủ sách sẽ có, xong cái “một
là”! Mai tôi sẽ cho dọn phòng đọc sách sang một cái nhà tử tế, xong cái “hai là”!
Còn cái “ba là” thì phải để xem đã... Người phụ trách thư viện thì tôi đã nhằm
được một cậu, một tay cỡ quốc tế, làm tuyên truyền thì chúa lắm! Nhưng hiện nay
hắn ta đang ở dưới sản xuất, gay chính là ở chỗ đó... Tôi cho rằng khu đoàn
Kômxômôn sẽ đi tới nhất trí với tôi thôi, và tôi sẽ phân công cho hắn việc ấy.
Nextêrenkô chăm chú nghe anh nói, gật gù, vẻ
mặt khó hiểu, chỉ cười bằng đôi mắt:
- Một anh chỉ huy kiên quyết, biết nhanh
chóng đưa ra những quyết định đúng đắn là mình mê ghê lắm... Nhưng dẫu sao về
cái phòng đọc sách của cậu, cậu hãy cứ nghe mình nói nốt đã. Hôm qua mình có đến
đó. Mình cứ nói thật: một ngôi nhà không lấy gì làm hấp dẫn cho lắm... Trống tuềnh
trống toàng và tiêu điều thảm hại! Cửa sổ bụi trắng. Sàn từ đời tám hoánh không
cọ rửa. Nồng nặc mùi mốc và những cái mùi khỉ gió gì nữa chẳng biết. Cứ như
chui vào nấm mồ vậy, lạy Chúa! Nhưng cái chính là sách chỉ lơ thơ được vài cuốn,
và lại cũ rích. Trên một ngăn sách mình thấy một tờ áp phích cuộn tròn, lâu
ngày đã vàng khè. Mình giở ra, xem tranh, rồi đọc:
Nhìn đội ngũ chúng ta
Bao thiếu nữ dõi mắt theo trìu mến,
Các mẹ già móm mém cầu nguyện,
Các bố già xúc động tự hào:
Con cái chúng ta dũng mãnh xiết bao
Đánh cho giặc thù tan tác
Hỡi các bạn dân cày giữa ruộng đồng bát ngát
Chớ quên rằng: có đội ngũ cần lao
Đang bảo vệ cho chúng ta yên lành lao động.
Mình nghĩ bụng: à, cái của này thì mình biết
lâu rồi đấy! Tấm áp phích ấy mình đã được xem hồi 1920 trên mặt trận chống
Vranghen, và từ đó mình nhớ mãi. Thơ của Đêmian Bétnưi đến bây giờ vẫn dùng tốt,
nhưng phải nhận rằng năm nay là năm 30 thì cũng nên có một cái gì mới mẻ hơn,
liên quan đến hiện tại, đến việc tập thể hoá chẳng hạn...
- Anh quả là tinh mắt, và sắc sảo, - Đavưđốp
chưa hết lúng túng, làu bàu nói, giọng ra chiều hoan nghênh chứ không phải khó
chịu.
- Cái nghề của mình là phải tinh mắt nhìn,
giúp anh em uốn nắn lại những thiếu sót trong công tác, và việc ấy mình làm với
tất cả thiện ý đối với cậu, cậu Xêmiôn ạ. Nhưng tất cả những cái đó chỉ là mào
đầu thôi, còn bây giờ mới vào đề. Cậu xuống đội đây, bỏ phóng sinh nông trang,
bao nhiêu công việc trút hết cho Radơmiốtnốp. Và cậu thừa biết với tình hình hiện
nay thì Radơmiốtnốp khó mà ôm nổi một mình, chẳng quán xuyến được công việc. Biết
thế chứ gì? Vậy mà cậu cứ làm liều!
- Nhưng chính anh cũng đi gặt trên đồng ruộng
Tubianxki đấy thôi! Anh định phủ nhận sức mạnh của tấm gương hay sao?
Nextêrenkô khoát tay một cái không hài
lòng:
- Mình xuống làm ở Tubianxki có vài tiếng đồng
hồ, để làm quen với anh em thôi, đó là chuyện khác. Còn cậu thì lao xuống đội
vì có chuyện đời tư trắc trở. Khác nhau chứ? Mình cảm thấy hình như cậu chạy trốn
Luska Nagunôva thì phải... Hay là mình nhầm?
Máu mặt Đavưđốp chảy đi đâu hết sạch. Anh
quay đi, tay vặn vặn một cọng cỏ chẳng để làm gì, âm thầm nói:
- Anh cứ nói, tôi xin nghe...
Nhưng Nextêrenkô ân cần đặt nhẹ tay lên vai
anh, khẽ kéo anh vào gần mình, nói:
- Nhưng đừng tự ái nhá! Dễ cậu tưởng không
dưng mà mình lại đo đường cày của cậu sao? Cậu cày có đôi chỗ sâu hơn cả máy!
Cơn giận của cậu, cậu trút xuống đất, và cái đau của cậu, cậu đổ lên đầu bò...
Theo lời những anh em biết rõ cậu thì chuyện cậu với Luska hình như đang đi đến
phăng teo thì phải. Đúng vậy không?
- Hình như thế.
- Chậc, thế thì chỉ có thể thành thực chúc
mừng cậu thôi. Xêmiôn thân mến ạ, chuyện lòng thòng ấy cậu cũng nên mau mau chấm
dứt đi. Dân ở đây quý cậu, nhưng có điều không hay là họ ái ngại cho cậu về cái
chuyện trăng gió lăng nhăng ấy. Khi người ta ái ngại cho trẻ côi cút và người
tàn tật thì đó là chuyện thường tình trong phong tục Nga. Nhưng khi người ta lại
đem lòng ái ngại một anh chàng thông minh, hơn nữa lại là người lãnh đạo của
mình, thì đối với anh chàng ấy còn có gì đáng xấu hổ và đáng sợ cho bằng? Và điều
quan trọng là việc cậu ngớ ngẩn mà đi mê một ả chẳng ra cái quái gì, hơn nữa mới
đây còn là vợ của đồng chí mình, theo mình đã ảnh hưởng đến mọi mặt. Nếu không
phải là thế thì giải thích sao được những cái sai lầm không thể tha thứ được
trong công tác của cậu, trong công tác của Nagunốp? Các cậu đã đâm đầu vào một
bụi bòng bong, và nếu các cậu không tự gỡ ra thì huyện ủy sẽ nhảy vào đấy, nói
cậu biết thế!
- Có lẽ tôi nên rời khỏi Grêmiatsi Lốc thì
tốt hơn chăng? - Đavưđốp ngập ngừng hỏi.
Nextêrenkô ngắt phăng lời anh:
- Đừng nói dấm dớ! Nếu bị vấy bùn thì trước
hết phải tắm rửa sạch sẽ đã rồi hãy nói chuyện đi. Tốt hơn hết là cậu hãy nói
mình rõ: cậu có biết Egôrôva, cô giáo, là đoàn viên Kômxômôn không?
- Biết, tôi đã có gặp. - Bỗng dưng Đavưđốp
mỉm cười một cái không phải lúc. Anh nhớ lại lần đầu tiên anh gặp cái cô giáo
trẻ măng nhút nhát quá đáng ấy hồi mùa đông năm ngoái giữa lúc đang đấu bọn kulắc.
Gặp anh, cô ta vụng về chìa ra bàn tay nhỏ
nhắn khum khum lạnh ngắt mồ hồi, rồi đỏ mặt lên đau khổ, tưởng muốn khóc, cô ta
nói không ra hơi: “Nữ giáo viên Egôrôva Liútmila”. Hồi ấy Đavưđốp đã đề nghị với
Nagunốp: “Cậu nhận cô giáo Kômxômôn này đi, cho nhập đội với cậu. Để con bé ấy
được thấy thế nào là đấu tranh giai cấp”. Nhưng Nagunốp lầm lầm nhìn hai bàn
tay dài đen sạm của mình, rồi đáp: “Cậu nhận về chỗ cậu ấy, mình chả cần đến
con bé ấy làm gì! Nó dạy học trẻ con, có thằng nhóc bị điểm hai, thế là cả cô lẫn
trò cùng khóc. Ai đã kết nạp một con nhãi như vậy vào Kômxômôn thế chả biết?
Kômxômôn gì nó! Mới nứt mắt!”.
Lần đầu tiên từ lúc buổi đầu Nextêrenkô cau
mày lại, nhìn Đavưđốp một cách không bằng lòng:
- Cậu cười gì vậy? Cậu thấy câu mình hỏi kỳ
cục lắm sao?
Đavưđốp vụng về cố giải thích nguyên nhân
cái cười không đúng lúc của mình:
- Không, có gì đâu, tôi chỉ nhớ lại một
chuyện với vẩn về cái cô giáo ấy... Cô ấy nhát cứ như cáy...
- Nhớ lại một chuyện vớ vẩn! Cậu khéo chọn
lúc đùa nhỉ! - Nextêrenkô thốt lên bằng một giọng khó chịu ra mặt. - Tốt hơn là
cậu hãy nhớ rằng cái cô giáo nhát như cáy ấy là người đoàn viên Kômxômôn duy nhất
trong làng các anh đấy! Một làng to như vậy mà không có được cái chi đoàn. Và
đó là không phải chuyện vớ vẩn đâu! Ai phải chịu trách nhiệm về chuyện ấy? Trước
nhất là Nagunốp, rồi đến cậu, và cả mình nữa. Cậu lại còn cười hả? Cái cười ấy
là không hay đâu, Xêmiôn Đavưđốp ạ. Và cậu cũng đừng viện cớ bận nhiều việc cấp
bách! Mọi công việc Đảng trao cho chúng ta đều là cấp bách cả. Vấn đề là biết
xoay xở.
Đavưđốp đã bắt đầu nóng mặt, nhưng vẫn cố
nén, nói:
- Đồng chí Nextêrenkô ạ, đồng chí mới đến
Grêmiatsi Lốc có một ngày mà đã phát hiện được bao nhiêu là sai lầm khuyết điểm
trong công tác của chúng tôi, kể cả chuyện đời tư của tôi... nếu anh về đây ở từ
tháng Giêng thì chắc còn khiếp nữa! Phải ngồi một tuần nghe chưa hết nhận xét của
anh, thực tế thế!
Câu nói cuối cùng của Đavưđốp làm cho
Nextêrenkô tươi tỉnh lên phần nào. Anh nheo mắt hóm hỉnh, lấy cùi tay huých
Đavưđốp một cái:
- Thế cậu, Xêmiôn ạ, cậu có cho là thế này
không: nếu không phải mình về “ở” Grêmiatsi từ tháng Giêng, mà cũng kề vai sát
cánh làm việc với các cậu thì có thể khuyết điểm sẽ bớt đi chăng?
- Thực tế thế, sẽ bớt, nhưng vẫn cứ có. Anh
cũng chả thoát khỏi sai lầm, thực tế thế! Anh ạ, nhiều khuyết điểm của tôi, tôi
cũng nhìn ra, nhưng không phải cái nào cũng sửa được và sửa được ngay, khốn nạn
cho tôi là ở chỗ đó, thực tế thế! Mùa xuân vừa rồi, một lần các em học sinh
cùng với ông hiệu trưởng tên là Spưn kéo nhau ra đồng diệt chuột. Tôi đi qua đó
nhưng chẳng dừng lại, chẳng nói năng một câu, chẳng biết và đến bây giờ cũng vẫn
chẳng biết cái ông giáo già ấy sống ra sao. Tôi nói anh nghe, có chuyện khác
còn tệ hơn cơ. Mùa đông, ông ta gửi giấy cho tôi xin một chiếc xe ngựa để chở củi.
Chắc anh tưởng tôi cho ông ta mượn chứ gì? Không, tôi quên khuấy mất. Bao nhiêu
công việc khác làm tôi không còn thời gian lẫn bụng dạ nào nhớ đến ông lão nữa...
Đến tận bây giờ cứ nghĩ đến là tôi thấy xấu hổ! Còn về việc chi đoàn Kômxômôn
thì đúng thôi. Chúng tôi đã lơ là một công tác quan trọng, và trong việc này,
tôi cũng rất có lỗi, thực tế thế!
Nhưng Nextêrenkô đâu phải là người dễ mủi
lòng trước những lời ăn năn hối lỗi. Anh chưa buông tha:
- Có điều rất tốt là cậu đã thấy sai lầm của
mình và rõ ràng là còn biết xấu hổ. Thế nhưng chi đoàn Kômxômôn có nhờ thế mà mọc
ra được đâu, và ông giáo già được tí củi nào đâu... Phải làm, Xêmiôn ạ, chứ
không phải chỉ ngồi ăn năn!
- Tất cả những cái đó sẽ được sửa chữa, sẽ
làm, hứa với anh như vậy! Nhưng về việc tổ chức chi đoàn thì đề nghị các anh,
nghĩa là huyện ủy, giúp chúng tôi một tay. Các anh cứ cho xin vài ba cô cậu
đoàn viên, làm tạm thời một thời gian thôi cũng được. Cô Egôrôva, tôi nói với
anh một cách nghiêm chỉnh, là cán bộ tổ chức thì không ra gì. Cô ấy lúc nào
cũng bẽn la bẽn lẽn thế thì làm ăn với thanh niên sao được, nhất là đám thanh
niên của chúng tôi đây!
Đến lúc này Nextêrenkô mới tỏ vẻ hài lòng:
- Đấy, nói thế thì đã nghe được rồi đấy! Về
đoàn Kômxômôn, chúng mình sẽ hỗ trợ, mình hứa, và bây giờ cho phép mình bổ sung
thêm một chút vào lời tự phê bình của cậu. Trước ngày mồng 1 tháng Năm, cửa
hàng hợp tác ở đây có xin cậu hai cỗ xe để lên phố quận chở hàng về phải không?
- Có chuyện ấy.
- Cậu có cho không?
- Không cho được. Lúc ấy chúng tôi đang vừa
cày, vừa gieo, làm đồng thời. Công đâu mà đi chở hàng.
- Không thể nào dành ra được hai cỗ xe à?
Thôi đi, anh cứ nói liều! Dành được quá chứ, và chẳng tai hại gì đến công việc
đồng áng cả. Chẳng qua là cậu không biết làm, không muốn làm, không chịu nghĩ: “Việc
này sẽ có ảnh hưởng gì đến tinh thần nông trang viên?”. Kết quả là để có những
thứ cần thiết cho đời sống như xà phòng, muối, diêm, dầu hỏa, và ngày lễ lại đến
nơi rồi, chị em Grêmiatsi lại phải cuốc bộ lên phố quận. Thế rồi thì họ sẽ bàn
tán với nhau đánh giá chính quyền xôviết của chúng ta như thế nào? Hay là cậu
cóc cần? Vậy mà mình với cậu chiến đấu đâu phải là để người ta chửi vào cái
chính quyền thân yêu của chúng ta! Không, đâu phải thế! - Nextêrenkô thốt lên bằng
một giọng đanh lại bất ngờ. Rồi kết thúc, giọng bây giờ lại thì thào: - Chẳng lẽ
một chân lý đơn giản như vậy mà cậu không hiểu sao, hả Xêmiôn? Đồng chí ơi, tỉnh
lại đi, và nhúc nhắc lên đi!...
Đavưđốp vê nát mẩu thuốc đã tắt ngấm, mắt
nhìn xuống đất, im lặng hồi lâu. Suốt đời anh bao giờ cũng hết sức dè dặt trong
việc bộc lộ những tình cảm đang dày vò mình, và cái gì chứ đa cảm ủy mị thì
không ai có thể trách anh được. Ấy thế mà lúc này có một sức mạnh nào không rõ
đã thúc đẩy anh ôm chầm lấy Nextêrenkô, thậm chí còn khẽ đặt đôi môi khô cứng
lên cái má râu ria lởm chởm của đồng chí bí thư. Giọng anh rung rung xúc động
khi nói:
- Cám ơn, anh Nextêrenkô! Rất cám ơn! Anh tốt
lắm, và làm việc với anh dễ chịu lắm, chứ không như với anh Korghinxki. Anh nói
với tôi những lời nghe rất đắng, nhưng rất đúng, thực tế thế! Duy có điều là, lạy
Chúa, anh đừng nghĩ tôi là đồ bỏ đi! Tôi sẽ làm đâu vào đấy, tất cả anh em
chúng tôi sẽ cố gắng và làm đâu vào đấy; tôi sẽ xem xét lại nhiều chuyện, bây
giờ thì chả thiếu những vấn đề suy nghĩ... Đồng chí Nextêrenkô ạ, đồng chí hãy
tin ở tôi!
Nextêrenkô cũng xúc động chẳng kém, nhưng
không để lộ ra mặt. Anh ho húng hắng, nheo nheo đôi mắt nâu lúc này đã mất ánh
vui vui. Sau một phút im lặng, anh so vai rùng mình một cái, nói nhỏ:
- Mình tin ở cậu, tin ở anh em, và mình
trông mong vào cậu, như vào chính mình. Nhớ kỹ điều đó, Xêmiôn Đavưđốp ạ! Chớ
phụ lòng tin của huyện ủy và của mình, chớ đấy nhá! Vì chúng mình, những người
cộng sản, bất kể trường hợp nào chúng mình cũng không được quên là phải kề vai
sát cánh, như những chiến sĩ trong cùng một đại đội! Điều ấy cậu biết quá đi rồi.
Sao cho từ nay mình với cậu khỏi phải có những cuộc chuyện trò khó chịu nữa.
Cho qua được rồi đấy! Mình không thích những cuộc nói chuyện như thế này, mặc dầu
đôi khi nó vẫn cứ cần. Mỗi lần phải nặng lời, cắn cấu một anh em như cậu là y
như rằng đêm ấy mình mất ngủ, lòng đau nhoi nhói...
Xiết chặt bàn tay nóng hổi của Nextêrenkô,
Đavưđốp đăm đăm nhìn vào mặt anh và sửng sốt: ngồi bên anh không còn là một còn
người kể chuyện có duyên, không còn là một anh chàng xởi lởi ruột để ngoài da,
sẵn sàng bông phèng cũng như sẵn sàng vật nhau, mà là một người đã luống tuổi
và mệt mỏi. Đôi mắt Nextêrenkô bỗng như già hẳn đi, hai bên mép hằn những đường
nhăn sâu, và cả cái màu rám đỏ trên đôi gò má cao của anh cũng dường như phai
đi, nhợt vàng. Chỉ có vài phút ngắn ngủi mà Nextêrenkô như đã thay da đổi lốt.
Anh nặng nhọc cẩt mình đứng dậy, nói:
- Mình phải đi đây, ngồi với cậu lâu qúa rồi.
- Anh muốn ốm hay sao đấy? - Đavưđốp lo lắng
hỏi.- Sao tự nhiên nom phờ phạc.
- Cậu đoán giỏi đấy, - Nextêrenkô nói, giọng
rầu rầu. - Mình bắt đầu lên cơn sốt rét. Cái bệnh khốn kiếp ấy, mình mắc phải
nó lâu rồi, ở Trung Á, thế rồi từ đó không sao trừ được nó!
- Anh làm gì ở Trung Á? Có việc gì cần mà
phải mò ra tận đấy?
- Dễ cậu tưởng mình ra đấy để hái đào chắc?
Mình đi quét bọn bạch vệ, thế mà có tí bệnh sốt rét của bản thân mình, mình
không quét nổi. Các ông bác sĩ đã xua nó vào buồng gan cho mình rồi, bây giờ
cũng đành phải chung sống với nó thôi. Nhưng này, nhân tiện, đây là điều cuối
cùng mình muốn nói với cậu: bọn phản cách mạng đang rục rịch ở khu ta đấy, và ở
tỉnh Xtalingrát bên cạnh cũng vậy. Bọn ngu thảm ngu hại ấy hát thế nào nhỉ? “Tiêu diệt ta, chúng muốn tiêu diệt, chúng định
tiêu diệt ta...”.
Đavưđốp tiếp luôn vào đó:
- “Và
chúng ta cũng không khoanh tay ngồi chờ”.
- Rất đúng. Nhưng dù sao cái tai ta phải giữ
rất thính, - Nextêrenkô trầm ngâm gãi gãi một bên lông mày, rồi càu nhàu: - chả
còn cách nào khác, đôi khi cũng đành phải cho đi cái vật mình quý... Chúng mình
đã kết bạn gắn bó với nhau thì cậu hãy nhận lấy cái đồ chơi này mình tặng cậu,
có lúc cần đến nó đấy. Nagunốp đã bị chúng cảnh cáo, cậu nữa cũng phải cẩn thận,
kẻo rồi có thể ăn một đòn gì gay hơn...
Anh rút trong túi áo ra một khẩu Braoninh cỡ
hai, đặt vào tay Đavưđốp:
- Để tự vệ thì cái vật xinh xinh này có lẽ
tác dụng hơn cái lắc lê thợ nguội đấy.
Đavưđốp xiết chặt tay Nextêrenkô, ấp a ấp
úng nói:
- Cám ơn anh chí tình, chả biết nói thế nào...
ờ, anh chu đáo quá, thực tế thế! Rất là một sự cám ơn!
Nextêrenkô nói đùa:
- Dắt nó vào người ấy, lợi cho sức khỏe lắm
đấy. Nhưng chú ý, đừng có để mất! Những anh cựu chiến binh càng về già càng hay
đãng trí...
- Tôi còn sống thì còn nó, và nếu tôi mất
nó thì cũng là mất luôn cái đầu, - Đavưđốp khẳng định dứt khoát và đút luôn khẩu
súng vào túi sau quần.
Nhưng rồi anh lại rút nó ra ngay, băn khoăn
nhìn nó, rồi lại nhìn Nextêrenkô:
- Thế này không ổn... Anh không có vũ khí
phòng thân thì làm thế nào hả? Trả anh, tôi không cần!
Nextêrenkô ngượng nghịu gạt bàn tay Đavưđốp
chìa ra:
- Không lo, mình còn dự trữ khẩu nữa. Khẩu
này là khẩu dùng thường ngày, còn khẩu kia mình giữ như giữ con ngươi của mình,
nó là cái tặng phẩm, có khắc tên mình. Cậu tưởng mình đi bộ đội, chiến đấu năm
năm mà không được cái gì sao? - Nextêrenkô nháy mắt một cái, và cố mỉm cười nữa,
nhưng chỉ rặn ra được một nụ cười rúm ró của kẻ đang ốm.
Anh lại xo ro vì lạnh, rùng rùng đôi vai, cố
cưỡng lại cơn run, và nói nhát gừng:
- Hôm qua bác Salưi có khoe với mình món tặng
phẩm của cậu. Mình đến chơi bác ấy mà, ngồi uống nước chè pha mật ong bàn luận
sự đời với nhau, thế rồi bác ấy lục hòm lấy ra bộ đồ thợ nguội cậu cho, và bảo:
“Cả đời lão chỉ nhận được hai cái tặng phẩm: cái túi đựng thuốc lá của bà lão
cho khi bà ấy còn con gái và đang xu hướng với anh thợ rèn trẻ là lão lúc bấy
giờ, và cái bộ đồ này đây của đồng chí Đavưđốp tặng cho vì thành tích trong
công tác rèn của lão. Cả một đời người dài dằng dặc có độc hai tặng phẩm! Ấy thế
mà trong cuộc đời đầy muội khói của lão, lão đã rèn nắn biết bao nhiêu là sắt
thép, không thể nào đếm được! Bởi vậy cho nên những tặng phẩm này không phải
lão chỉ cất trong hòm đâu, mà còn cất trong trái tim lão!”. Ông lão hay thật!
Ông ta đã sống một cuộc đời lao động rất đẹp, và nói giọng các cụ, cầu Chúa phù
hộ cho mỗi người chúng ta đem lại được lợi ích cho mọi người bằng với cái mà
hai bàn tay của ông lão thợ rèn ấy đã mang lại. Cậu thấy đấy, tặng phẩm của cậu
so với tặng phẩm của mình còn quý hơn nhiều chứ!
Hai người rảo bước trở về xe lều của đội.
Bây giờ thì Nextêrenkô lên cơn run bần bật.
Từ đằng tây, mưa lại đang đổ tới. Những đám
mây tơi tả tà tà bay thấp: dấu hiệu đầu tiên của thời tiết chuyển xấu. Hương cỏ
non quyện với mùi đất ẩm. Mặt trời vừa ló ra đã ẩn vào trong đám mây đen, và
hai con đại bàng thảo nguyên đã xuất hiện, giang đôi cánh rộng đón làn gió mát,
bay vút lên tận chín tầng mây. Cái lặng tờ trước cơn mưa trùm lên thảo nguyên
như một tấm dạ mềm, duy chỉ còn tiếng bọn chuột đồng lo ngại kêu lên rin rít,
báo hiệu sẽ kéo dài.
- Anh vào xe lều nằm nghỉ tí đã rồi hãy đi.
Không thì bị mưa giữa đường, ướt hết rồi lại ốm to, - Đavưđốp một mực khuyên
Nextêrenkô.
Nhưng Nextêrenkô dứt khoát từ chối:
- Không được. Ba giờ mình phải họp huyện ủy.
Mà mưa không đuổi kịp mình đâu. Ngựa mình hay lắm!
Tay anh run run như một ông lão lụ khụ khi
anh tháo cương và xiết lại yên ngựa. Hôn vội Đavưđốp một cái rồi bằng một động
tác nhanh nhẹn bất ngờ, anh nhảy phốc lên lưng con ngựa đang sốt ruột đứng chờ,
lớn tiếng nói:
- Phóng ngựa một lúc sẽ ấm người lên ngay!
- Và anh ra đi theo nước kiệu rảo.
Nghe tiếng vó ngựa bồm bộp, bà Đaria
Kuprianốpna ở trong xe lều lao ra như một cục bột nhão bắn ra từ trong chậu
nhào bột, và giơ tay lên trời than vãn:
- Đi rồi à? Đi khổ đi sở đâu mà ăn cũng chẳng
kịp ăn?
- Anh ấy bị ốm, - Đavưđốp đáp, mắt nhìn
theo đồng chí bí thư một lát lâu.
- Thế có chán cho cái thân tôi không cơ chứ!
Người tốt ơi là tốt, thế mà để người ta đi bụng đói! Anh ta là cán bộ thật,
trông biết mà, nhưng đã không ngại ngồi gọt khoai với tôi lúc anh đang ngủ khì
đấy, anh chủ tịch ạ. Anh ta không như các ông tướng kô-dắc nhà ta đâu, thật là
một trời một vực! Các ông tướng ấy thì đừng hòng họ giúp mình! Họ thì chỉ chén
kễnh bụng rồi chơi trăng tán láo, chứ giúp mình bếp núc thì đừng có mở mồm nhờ
họ! Người ở đâu đến thế mà nói năng với tôi ngọt ngào đáo để! Có tìm trăm năm
cũng chẳng thấy đâu được ai ăn nói ngọt ngào dễ nghe đến thế! - Bà Đaria
Kuprianốpna mím chặt đôi môi đỏ hỏn lại làm duyên, hết lời ca ngợi Nextêrenkô,
mắt thì liếc nhìn Đavưđốp xem cảm tưởng của anh ta thế nào.
Đavưđốp chẳng buồn nghe, đầu còn đang bận
nghĩ lại cuộc chuyện trò vừa rồi với Nextêrenkô. Nhưng bà Đaria Kuprianốpna đã
mở máy nói thì hãm lại đâu phải chuyện dễ, cho nên bà lại tiếp:
- Nhưng anh, anh Đavưđốp ạ, anh cũng là cái
đồ chết giẫm, giá anh bảo cho tôi một câu là người ta phải đi thì hay bao
nhiêu! Còn tôi thì cũng ngu khổ ngu sở, chả biết trông chừng, thật chán mớ đời!
Biết đâu anh ta lại chẳng nghĩ là con mụ cấp dưỡng đã cố tình chui vào xe lều
tránh mặt anh ta, mà tôi thì còn tiếc anh ta cái gì nữa...
Đavưđốp vẫn cứ nín thinh, còn bà Đaria
Kuprianốpna thì cứ thao thao bất tuyệt:
- Xem anh ta cưỡi ngựa mới ác chứ! Cứ như đẻ
ra dưới bụng ngựa và lớn lên trên mình ngựa vậy! Và ngồi vững như bàn thạch, ôi
con chim ưng! Một dân kô-dắc chính cống, khỏi nói, mà kô-dắc có tông có giống nữa
ấy chứ! - bà ta hồ hởi nói, mắt thích thú nhìn người kỵ sĩ đang phóng như bay.
- Anh ấy không phải kô-dắc, mà là người
Ukrain, - Đavưđốp lơ đãng đáp, và thở dài. Trong bụng anh chẳng vui từ sau lúc
Nextêrenkô ra đi.
Lời anh đáp làm bà Đaria Kuprianốpna bùng
lên như thùng thuốc nổ:
- Chuyện dớ da dớ dẩn ấy anh về nói với bu
nó ở nhà ấy, đừng nói với tôi! Tôi nói cấm sai, anh ta đứt đuôi con nòng nọc là
dân kô-dắc mà! Mắt mũi anh gà mờ hay sao đấy? Trông dáng cưỡi ngựa từ xa đã
đoán ra ngay, huống hồ nhìn tận mắt, qua vẻ người, qua tư thế dáng điệu, và qua
cả lời ăn tiếng nói với phụ nữ nữa thì rành rành anh ta là máu kô-dắc, và không
phải là loại cà là mèng đâu... - bà nhấn mạnh, giọng đầy ngụ ý.
- Ừ thì kô-dắc vậy, đối với tôi cái đó cũng
vô thưởng vô phạt, - Đavưđốp dàn hòa. - Nhưng anh chàng hay đấy chứ nhỉ? Bác thấy
thế nào? Chắc bác chuyện trò với anh ta chán chê mê mỏi rồi mới vào đánh thức
tôi dậy chứ gì?
Bây giờ đến lượt bà Đaria Kuprianốpna thở
dài. Bà thở dài đánh sượt một cái, mạnh đến nỗi đường khâu cái áo cũ kỹ đứt
tung ra từ nách xuống dọc thân.
- Người thế hiếm lắm! - chờ một lát rồi bác
Đaria Kuprianốpna mới đáp bằng một giọng đầy cảm tình sâu sắc, rồi bỗng dưng vô
vớ bà khùng lên, khua nồi xoong bát đĩa loảng xoảng, xếp đi đặt lại trên bàn,
mà thực ra cũng chẳng phải xếp đặt, mà là bạ đâu quẳng đó, lung tung...
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét