Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Đất Vỡ Hoang - I-31


Đất Vỡ Hoang

Tác giả: M. Sholokhov

Dịch giả: Vũ Trấn Thủ

NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)


Tập I

Chương 31

Bác Suka lấy làm phấn khởi nhận chức xà ích thường trực của ban quản trị nông trang. Giao cho bác hai con ngựa giống tịch thu của bọn kulắc giành riêng ban quản trị để đi công tác, Iakốp Lukits dặn:
- Phải giữ gìn chúng nó như giữ gìn con ngươi của bác ấy! Sao cho trong tay bác, chúng nó có da có thịt, chú ý đừng bắt nó chạy nhanh quá, đừng thúc. Con xám, ngựa giống của Titốc kia kìa, nó là ngựa nòi đấy, và con nâu kia nữa, cũng là giống sông Đông tốt nhất đấy. Ở đây ta không đi nhiều lắm đâu, ít bữa nữa ta sẽ cho chúng nó đi nhảy cái. Bác phải chịu trách nhiệm về chúng nó!
Bác Suka đáp:
- Xin phép ông chứ, lão đây mà lại không biết săn sóc ngựa như thế nào à? Đời lão đã từng thấy thiếu gì ngựa. Khối người tóc trên đầu cũng không bằng số ngựa đã qua tay lão ấy chứ.
Thực ra thì suốt đời bác Suka cả thảy mới chỉ có hai con nghẽo qua tay bác. Một con bác đã đem đổi lấy con bò cái, còn con thứ hai thì là cả một giai thoại.
Hai mươi năm trước, vào một hôm bác Suka ngà ngà say trên đường từ bên Vôxkôvôi về đã mua được con ngựa cái ấy của một đám dân Digan đi qua với giá ba mươi đồng. Lúc mua, bác ngắm thì nom nó có vẻ đầy đặn, tròn trịa, màu xám lông chuột, tai cụp, một bên mắt có vẩy cá, nhưng dáng nhanh thoăn thoắt. Bác Suka mặc cả với lão Digan mất nửa ngày. Ba bốn chục lần bắt tay nhau ăn giá, rồi lại bỏ đi, rồi lại quay lại.
- Vàng đấy, chứ không phải là ngựa! Nó mà phi, ông cứ nhắm tịt mắt lại thì cấm nhìn thấy đất đâu. Nhanh như cắt, thoắt như tên bay! - Lão Digan khẳng định và thề sống thề chết, phun cả nước bọt vào bác, tay túm lấy vạt áo bác Suka lúc ấy đã xuôi xuôi vì mệt quá rồi.
- Rụng gần hết răng hàm rồi, chột một mắt, móng sứt sẹp cả, bụng ỏng... Thế mà bảo vàng à? Của chết cay chết đắng, chứ vàng gì! - Bác Suka chê ỏng chê eo, trong bụng xuôi lắm rồi và chỉ còn mong lão Digan bớt cho một rúp nữa thôi, cái đồng rúp mà hai người cứ cò kè nhau mãi, không ai chịu ai.
- Răng của nó thì ông cần quái gì đến? Ít răng càng đỡ ngốn. Ngựa non đây mà, tôi nói sai thì trời đánh tôi. Con nít chứ không phải con ngựa, nó rụng răng là vì chẳng may bị bệnh đấy thôi. Còn cái vẩy cá trong mắt thì đã sao? Mà cũng chẳng phải vẩy cá, mà là cái vỏ hầu! Còn móng thì rồi nó sẽ mọc ra, nhẵn nhụi đi. Lông nó xám, nom không đẹp lắm, nhưng ông mua về đâu phải để ăn nằm với nó, mà để cày, tôi bảo thật đấy! Ông nhìn mà xem, tại sao bụng nó lại to? Là vì nó khỏe! Nó chạy thì đất rung, nó ngã thì nó sẽ nằm ba ngày... ôi chao, bố già ơi! Với ba mươi đồng bạc bố lại muốn sắm được ngựa đua chắc? Chả mua được ngựa sống đâu, mua ngựa chết thôi, cũng được bộ khung...
May mắn sao lão Digan kia cũng là người biết điều: có kè chán, lão đã bằng lòng bớt thêm đồng rúp cuối cùng ấy, rồi tiền trao cháo múc, đưa cương cho bác Suka, lão ta còn giả vờ sụt sịt, đưa ống tay tấm áo dài thượt màu xanh nhạt lên lau cái trán nâu xạm.
Cương ngựa vừa trao qua tay bác Suka thì con ngựa đã mất ngay cái dáng nhanh nhẹn vừa mới đấy của nó. Nó theo sau bác, thúc đến mấy cũng chỉ lừng khừng miễn cưỡng cất không nổi bốn chiếc cẳng vòng kiềng. Đến lúc bấy giờ, lão Digan mới cười phá, nhăn hai hàm răng trắng nhở và đều sin sít, nói với theo bác Suka:
- Này, bố già ơi! Bố kô-dắc sông Đông ơi! Nhớ cho cái lòng tử tế của em nhá! Con ngựa ấy đã giúp việc em bốn mươi năm rồi, và nó sẽ giúp bác cũng ngần ấy năm nữa, nhưng nhớ mỗi tuần cho nó ăn một bữa thôi, kẻo nó hóa rồ đấy! Ông cụ nhà em cưỡi nó bên Rumani về đấy, cụ lấy được của bọn Pháp mà, khi chúng nó bỏ chạy khỏi Mátxcơva. Ngựa quý đấy!
Lão ta còn réo theo cái gì nữa với bác Suka đang vất vả kéo theo sau cái của mới sắm được; bên lều và quẩn quanh chân lão Digan, bọn trẻ Digan hò la, quang quác và đen như một đàn quạ; bọn đàn bà Digan quát tháo và cười ha hả. Còn bác Suka thì cứ đi chẳng thèm để ý đến cái gì, bụng lâng lâng phấn khởi nghĩ: “Của mình mua, mình biết chứ! Sẵn tiền thì mình đã chẳng mua con này đâu, mua con khác kia. Mà cái lão Digan ấy cũng nhộn đấy chứ, vui tính, cũng như mình. Thôi thế là bây giờ ngựa cũng có rồi. Chủ nhật này mình với bà lão sẽ nhong nhong đi chơi chợ huyện”.
Nhưng bác chưa về tới Tubianxki thì đã xảy ra bao nhiêu chuyện lạ đời cho con ngựa. Vô tình quay lại nhìn nó, bác Suka hoảng lên: lão đẽo theo sau bác không phải là con ngựa no nê béo tốt bác vừa mua nữa mà là một con nghẽo gầy rạc, bụng lép kẹp, mình hốc hác có bao nhiêu xương thì giơ ra hết. Mới có nửa tiếng thôi nó đã tọp đi một nửa. Bác vội làm dấu, miệng thều thào: “Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi!”, bác để buông sợi dây cương trên tay rơi xuống, dừng lại, và cảm thấy như có bàn tay nào đã xua tan hơi men trong bác. Đi quanh con ngựa cái một vòng, bác mới phát hiện ra nguyên nhân của sự gầy tọp đi nhanh không thể tưởng tượng được ấy: từ dưới cái đuôi nhỏ thuôn của nó đang vểnh cong sang một bên nom đến dơ dáng dại hình, hơi nén và phân lỏng cứ phun ra phì phì, bồm bộp. “Chà, ra là thế đấy!”, bác Suka ôm đầu thốt lên.
Sau đó, với một sức mạnh tăng lên gấp mười lần, bác túm lấy dây cương kéo con ngựa đi. Từ đó cho đến tận Tubianxki, con ngựa cứ tiếp tục tháo ruột phì phì, để lại trên đường cái những vết tích nhơ nhuốc. Có thể bác Suka cũng về được tới Grêmiatsi Lốc bình yên vô sự đấy nếu như bác cứ dắt ngựa thế, nhưng sắp đi tới nhà đầu ấp Tubianxki ở đó bác có ông bạn con chấy cắn đôi và nhiều bà con quen biết khác, bác đã quyết định không dắt ngựa nữa, mà cưỡi nó, dù có phải đi lững thững bước một cũng được. Trong bác bỗng thức tỉnh một niềm kiêu hãnh vốn chưa từng có ở bác và cái tính vỗ ngực ta đây vốn vẫn là thói thường của bác. Bác muốn tỏ cho mọi người thấy rằng tay Suka này đã thoát cảnh nghèo rớt mùng tơi rồi và đã có ngựa đi, ngựa không ra gì thật nhưng vẫn cứ là ngựa của lão. “Brrr.., con chết tiệt này! Cứ đứng đấy mà gõ móng đấy à!”, bác Suka quát tướng lên: bác vừa mới liếc mắt trông thấy một anh kô-dắc quen biết bước ra khỏi ngôi nhà bác đang dừng lại trước cửa. Và miệng quát, tay lôi dây cương, người ưỡn thẳng lên. Con ngựa của bác, nếu có gõ móng và đá hậu thì chắc cũng từ hồi măng trẻ xa xưa lắm rồi, lúc này thực ra cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện gõ móng. Nó đứng lại, đầu rù rù buồn bã, hai cẳng sau khuỵu xuống. “Qua nhà ông bạn phải cưỡi mới được. Cho ông ta lác mắt!”. Bác Suka nghĩ vậy, liền nhảy úp sấp bụng lên cái lưng nhọn hoắt của nó. Thế là đã xảy ra một chuyện mà về sau này bà con kô-dắc Tubianxki còn nhắc đến mãi: chính là ở đây bác Suka bị một phen nhục nhã chưa từng thấy mà tai tiếng vẫn còn đến ngày nay, và chắc sẽ còn lưu truyền đến các thế hệ con cháu mai sau.. Bác Suka chân vừa cất lên khỏi mặt đất, người còn đang lủng lẳng vắt ngang lưng con ngựa, đang cố leo lên cưỡi thì nó loạng choạng, trong bụng nó có cái gì kêu đánh ọc một tiếng, và thế là đang đứng, nó khuỵu xuống đường, đuôi vắt ngỏng sang bên. Bác Suka, tay chới với, bay qua đường, ngã sóng soài xuống bãi cỏ bụi bặm bên đường. Bác cay lắm, đứng phắt dậy, và biết là anh chàng kô-dắc kia đã chứng kiến nỗi ô nhục của mình, bác quát lên chữa thẹn: “Con phải gió này! Chỉ được cái đá hậu là giỏi!”. Bác vừa quát vừa đá con ngựa. Nó cứ đứng ỳ cục thịt. vươn mõm tới đám cỏ úa bên đường, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra cả.
Anh chàng kô-dắc được chứng kiến cảnh đó là một tay bông phèng, cây nhộn. Anh ta nhảy qua hàng dậu, tới bên bác Suka:
- Chào bác Suka! Thế nào, bác tậu ngựa đấy à?
- Ờ, tậu đấy, nhưng chán quá, hình như chọn nhầm phải cái con khỉ này xấu tính xấu nết; cứ động cưỡi lên nó là nó nằm bẹp xuống đất. Xem chừng chưa ai cưỡi nó bao giờ, nó chưa quen.
Anh chàng kô-dắc nháy mắt một cái, đi quanh con ngựa hai vòng, ngó hàm răng nó, rồi nói bằng một giọng hết sức nghiêm chỉnh:
- Ờ, đúng rồi, nó chưa quen đấy mà! Nhưng ngựa này xem ra là giống ngựa quý đấy. Nhìn răng thì biết nó khoảng dăm chục tuổi chứ không kém đâu, nhưng vì nó là giống ngựa quý nên chẳng ai trị nổi nó.
Bác Suka thấy anh ta đồng tình với mình, đánh bạo hỏi:
- Nhưng này, anh Igơnachi Pôrphinits ạ, không hiểu sao tự nhiên nó gày tọp đi nhanh ghê lắm? Lão dắt nó đi, thế rồi nó cứ teo đi trông thấy: nó đánh rắm thối hoăng và cứt cứ phọt ra như tháo cống. Be bét khắp dọc đường!
- Thế bác mua ở đâu? Có phải của bọn Digan không?
- Của bọn ấy đấy, họ cắm lều hạ trại gần nhà anh kia kìa.
Anh chàng kô-dắc là người thông thạo cả về ngựa lẫn về bọn lái buôn Digan liền giải thích cho bác:
- À, thế thì nó tọp đi như vậy duyên do là vì trước khi bán cho bác, họ đã thổi cho nó phồng lên đấy. Con ngựa nào gày móp vì già quá rồi, trước khi đem bán họ đem đút một ống sậy vào lỗ đít nó, rồi cả bày đàn thay phiên nhau thổi cho đến lúc nó trương phình ra, nom có vẻ tròn trĩnh, béo tốt. Và khi đã thổi cho nó phồng lên như cái bong bóng, họ rút ống sậy ra rồi lấy miếng giẻ tẩm hắc ín hoặc cái nút rơm đút nút lỗ đít nó lại cho hơi khỏi phì ra. Vậy là bác đã mua phải một con ngựa thổi như thế đấy. Chắc là dọc đường nút đã bật ra, cho nên con ngựa bác mới gày tọp đi... Bác quay lại tìm cái nút đi thôi... Rồi chúng cháu thổi lại cho, tí xong thôi mà...
- Ma quỷ thổi cho quân khốn nạn ấy chết trương chết phình ra! - Bác Suka tuyệt vọng kêu lên rồi đâm bổ về phía trại Digan.
Nhưng leo tới ngọn gò, bác phát hiện ra là phía bờ sông chẳng còn lều trại, và chẳng còn bóng xe ngựa nào cả. Ở nơi mới đây là trại cháy dở, và xa xa, trên con đường mòn, một đám bụi xám đang cuộn lên tan theo gió. Đám Digan đã biến mất tăm, y như trong chuyện cổ tích.
Bác Suka òa khóc, quay gót trở lại. Anh chàng Igơnachi Pôrphinits dễ thương kia lại ở trong nhà bước ra, đề nghị:
- Để cháu chui xuống bụng giữ cho nó khỏi khuỵu, vì tính con này bướng mà, rồi bác nhảy lên cưỡi nhá.
Người ngợm ướt đẫm vừa vì xấu hổ, bực dọc, vừa vì mồ hôi, bác Suka chấp nhận sự giúp đỡ đó, và cũng loay hoay ngồi được lên lưng ngựa.
Nhưng họa vô đơn chí, con ngựa lần này không khuỵu xuống nữa, nhưng nó đã tỏ ra có một lối chạy lạ đời, không thể tưởng tượng được: hai chân trước chồm ra đằng trước, hai chân sau đá hậu vọt lên quá lưng, y như phi. Cứ cái kiểu như thế nó đưa bác Suka đến cái ngõ đầu tiên. Trong cuộc nhảy cỡn cuồng dại ấy, mũ bác đã văng đâu mất và ba bốn lần, vì bị lắc kinh khủng quá, ruột gan bác như có cái gì thắt lại rồi như vỡ bung ra. “Lạy Chúa! Đi kiểu này thì ông xin kiếu thôi!...”, bác Suka quyết định như vậy, và ngựa đang chạy bác cứ nhảy liều xuống. Bác quay trở lại tìm mũ, nhưng thấy có nhiều người ở trong ngõ đổ ra xem, bác vội quay trở lại dắt ra khỏi làng con ngựa tai quái vừa rồi đã tỏ ra nhanh nhẹn khác thường. Bọn nhãi theo gót bác ra tới cối xay gió mới buông tha.
Bây giờ thì bác Suka không dám cưỡi lên cái “tên bay” kiểu Digan kia nữa. Bác vòng xa làng qua lối gò, nhưng lên đến đỉnh gò, kéo nó mãi mệt quá rồi, bác quyết định xua con ngựa đi trước. Và đến lúc ấy mới vỡ nhẽ ra rằng con ngựa bác đã mất bao nhiêu công phu mới tậu được, bị lòa cả hai mắt. Nó đi cứ đâm thẳng vào hố rãnh, chẳng nhảy qua, mà lại sa xuống đấy, rồi chống hai chân trước run lẩy bẩy, lóp ngóp nhổm lên, thở khó nhọc đi tiếp. Thêm vào đó, nó đi kiểu gì đến lạ đời, cứ loanh quanh... Điếng người trước phát hiện mới của mình, bác Suka để con ngựa hoàn toàn tự do, và thấy rằng con ngựa bác đi một đường vòng tròn xong, lại tiếp một vòng nữa, và cứ thế mãi, theo một đường xoáy ốc vô hình. Tới đây thì không cần ai giúp, bác Suka đã đoán được ra rằng con ngựa bác vừa tậu đã sống suốt cuộc đời dài đằng đẵng và vất vả của nó bên một chiếc guồng quay, đã lòa và già đi bên guồng quay đó.
Bác thả con ngựa trên gò cho gặm cỏ đến sẩm tối, vì bác xấu hổ không dám vác nó về làng giữa ban ngày ban mặt. Tối mịt bác mới tới nhà. Bác Suka gái, một bà lão to béo phốp pháp và dữ đòn, đã đón tiếp bác như thế nào, và bác Suka còm nhom nhà ta đã phải chịu đựng những gì về vụ mua bán ẩm ương này, điều đó theo cách nói của ông thợ giày Lôkachêép hồi ấy đang đánh bạn dập dìu với bác Suka, “còn bao phủ trong màn bí mật”. Chỉ biết rằng chẳng bao lâu sau con ngựa phát ghẻ lở, rụng tiệt lông, và trong cái bộ dạng thiểu não ấy, nó đã lặng lẽ về chầu tổ tại vườn nhà bác vào hồi nửa đêm, giờ tí. Bộ da của nó, bác Suka đã đem bán, nhậu một chầu với ông bạn nối khố Lôkachêép.
Khi quả quyết với Iakốp Lukits rằng bác, Suka, trong đời mình đã biết thiếu gì ngựa, bác thừa hiểu rằng Iakốp Lukits chẳng bao giờ lại tin lời bác, vì cuộc đời của bác Suka, từ trẻ đến già, đã diễn ra trước mắt Iakốp Lukits. Nhưng tạo hóa sinh ra bác như thế, bác không thể không khoác lác, không nói điêu. Có một sức mạnh khách quan nào không phụ thuộc vào bác, cứ bắt buộc bác phải nói những điều mà chỉ vài phút sau bác lại lấy làm bằng lòng mà phủ nhận.
Tóm lại, bác Suka đã trở thành xà ích kiêm bồi ngựa. Và phải nói rằng nhiệm vụ chẳng lấy gì làm khó khăn phức tạp ấy, bác đã hoàn thành không đến nỗi kém. Chỉ có một điều làm Nagunốp không thích là anh đi đâu thì muốn đi mau mau chóng chóng, mà bác thì cứ la cà dừng xe lại luôn. Chưa ra khỏi sân bác đã ghìm cương lại: “Họ-ọ ọ, các con ơi!”. Nagunốp hỏi: “Cái gì thế?”, bác Suka đáp: “Cho ngựa giải lao, ỉa đái”, và bác cứ ngồi mà huýt dục ngựa ỉa đái cho đến lúc Nagunốp giật lấy roi ở gầm ghế bác, quật lên lưng ngựa một cái.
“Bây giờ không phải thời Sa hoàng nữa mà bảo xà ích ngồi ghế gỗ đằng trước, còn ông chủ thì nhún nhảy trên ghế đệm bông đằng sau. Bây giờ lão đây là xà ích, thế mà lão ngồi cạnh đồng chí Đavưđốp trên ghế lò xo. Đôi lúc thèm điếu thuốc, lão đề nghị với đồng chí ấy: “Này, anh cầm lấy cương, tôi cuốn điếu thuốc tí”. Đồng chí ấy trả lời: “Sẵn sàng!”. Anh ấy cầm lấy cương và có lần giữ đến tiếng đồng hồ, còn lão thì oai vệ, ngắm cảnh trời đất”. Bác Suka khoác lác với bà con kô-dắc như vậy. Bây giờ bác nom có vẻ quan trọng, thậm chí đỡ mồm mép đi nữa. Ngủ thì chẳng đếm xỉa gì đến thời tiết xuân băng giá, bác đến ngủ ở chuồng ngựa, để được gần lũ ngựa hơn. Nhưng được một tuần thì bà lão đến điệu cổ bác về, đánh cho một trận tàn tệ và chửi té tát trước mặt công chúng vì cái tội, theo lời bà lão, có những con mụ nào tre trẻ đêm đêm vẫn lần đến chỗ bác Suka. Có mấy anh chàng thanh niên trêu bà lão nên đã đặt điều cho ông lão như vậy thôi, nhưng bác Suka đâu dám trái ý bà, đành về nhà ngủ, và mỗi đêm lại hai lần lóp ngóp đi thăm ngựa dưới sự hộ tống của bà lão cả ghen.
Bác Suka đã học đóng ngựa nhanh đến mức có thể thi tài với đội cứu hỏa Grêmiatsi, và dắt ngựa ra đóng xe bao giờ bác cũng sang sảng mắng mấy con ngựa đứng chờ cứ hí nhặng lên: “Chà-à-à! Cứ rống lên, con khỉ!... Mày tưởng con kia là ngựa cái hẳn, nó cũng chỉ là ngựa dái như mày thôi!”, và đóng ngựa xong, ngồi yên vị trên xe, bác mãn nguyện nói: “Nào, ta đi thôi, lão lại sắp được thêm một gạch [Gạch chấm điểm. - ND] nữa đây. Anh em ơi, cuộc sống thế này thì lão cũng bắt đầu thấy hay hay đấy!”.

*
*    *

Ngày hai mươi bảy, Đavưđốp quyết định đi thăm đồng đội một, kiểm tra xem có thực đội ấy đã bừa dọc luống, trái với lời anh dặn không. Anh được tin này do bác thợ rèn Ipôlít Salưi ra đồng sửa máy gieo trông thấy họ bừa dọc chứ không bừa ngang luống, đã báo cáo với anh. Trở về làng, bác Salưi lập tức lên ban quản trị; bắt tay Đavưđốp, bác nói gay gắt:
- Đội một cứ kéo bừa dọc theo luống. Lối bừa ấy thì ra cái mẹ gì. Đồng chí ra mà xem và lệnh cho họ làm ăn cho tử tế. Tôi cũng bảo với họ rồi, nhưng cái thằng quỷ sứ mắt lác Usakốp lại nói: “Việc của ông là quai búa, thổi bễ, đừng chõ mũi vào đây mà chúng tôi lấy lưỡi cày xẻo đi bây giờ đấy!”. Tôi mới đáp: “Này, cái anh mắt lác kia, vừa vừa chứ không thì trước khi về quai búa, tôi quai cho anh một trận đấy!”. Tí ti nữa là choảng nhau.
Đavưđốp gọi bác Suka:
- Đánh xe ra!
Nóng ruột không chịu được, anh nhảy bổ ra tự tay giúp bác Suka đóng ngựa. Rồi họ ra đi. Bầu trời xám xịt và ngọn gió nồm thổi nhẹ từ phía tây-nam báo trước sắp có mưa. Đội một làm ở khoảnh xa nhất của khu ruộng đất cát xám, cách làng mười cây số, bên kia đèo, gần Đầm Dữ. Đội đang chuẩn bị đất gieo. Đất đã cày rồi cần phải được bừa kỹ để nước mưa được giữ lại trên mặt ruộng đã san phẳng chứ không theo luống mà trôi đi.
- Mau lên, nhanh nhanh lên, bác! - Đavưđốp nhìn mây ùn ùn đặc kịt, giục.
- Thì vẫn mau đây. Trông con Xám, sùi cả bọt mép ra kia kìa.
Trên gò, cách đường không xa, học sinh đang nối đuôi nhau đi dưới sự hướng dẫn của cụ giáo già Spưn. Theo sau chúng có bốn xe chở thùng nước.
Bác Suka giơ roi chỉ đám học sinh:
- Bọn nhãi đi săn chuột đồng kìa!
Đavưđốp nhìn bọn trẻ, khẽ nhếch miệng cười. Khi xe đi qua chỗ chúng, anh yêu cầu bác Suka đỗ lại. Rồi nhìn đám trẻ đắn đo một lát, anh chọn một thằng bé trạc lên bảy, chân đất, tóc bềnh bệch trắng:
- Lại đây cháu.
- Lại làm gì cơ? - Thằng bé hỏi một cách rất tự nhiên, tay hất ngược ra sau gáy chiếc kêpi của bố nó, chiếc mũ có viền đỏ và bên trên lưỡi trai có hình huy hiệu đã bạc màu.
- Cháu đã diệt được bao nhiêu chuột rồi?
- Mười bốn.
- Là con nhà ai?
- Cháu là Phêđốtka Usakốp.
- Nào, thế thì lên đây với chú, Phêđốtka, chú cho đi một quãng. Cháu kia nữa, lên đây! - Đavưđốp trỏ một em bé quàng khăn vuông. Thu xếp cho hai đứa trẻ ngồi đâu vào đấy, anh ra lệnh: - Đi! - Rồi quay sang hỏi thằng bé: - Cháu ở tổ mấy?
- Tổ một.
- Tổ một à. Thế thì phải xỉ mũi đi chứ, thực tế thế.
- Xỉ sao được. Cháu bị cảm mà.
- Sao lại không xỉ được? Đưa mũi đây chú xem! - Đavưđốp chùi kỹ ngón tay vào quần, thở dài: - Lúc nào đến trụ sở nông trang chơi, chú cho kẹo, kẹo sôcôla cơ! Cháu đã ăn kẹo sôcôla bao giờ chưa?
- Chưa-ư-ưa...
- Thế thì đến trụ sở thăm chú, chú sẽ thết.
- Gì chứ kẹo thì cháu chả thiết!
- Gớm nhỉ! Nhưng sao thế, hả Phêđốtka?
- Răng cháu gãy, hàm dưới bị rụng, đây chú xem này! - Thằng bé há cái miệng môi đỏ chót ra: hàm dưới khuyết hai răng thật.
- Tưởng thế nào chứ, Phêđốtka, hóa ra là cháu sứt à?
- Chú sứt thì có!
- Hừ... Thằng bé này... Tinh gớm nhỉ?
- Răng cháu còn mọc, nhưng răng chú chắc là không mọc nữa nhỉ?
- Thôi cháu đừng đùa dai! Răng chú rồi cũng mọc, thực tế thế!
- Ê, điêu! Người nhớn rồi không mọc răng nữa. Mà cháu thì cũng chỉ cần răng trên cháu cũng cắn được, thật đấy mà!
- Bịa, cắn thế nào được!
- Không tin đưa tay cháu cắn thử!
Đavưđốp mỉm cười, chìa ngón tay trỏ ra, rồi kêu ối một tiếng, rụt lại: phía trên đốt ngón tay anh hằn mấy vết răng cắn tím bầm.
- Nào, Phêđốtka, bây giờ đến lượt cháu đưa tay chú cắn thử.
Nhưng thằng bé Phêđốtka lưỡng lự một tí, rồi bỗng trong lúc xe đang chạy, nó nhảy vọt xuống đường như một con châu chấu voi to tướng; rồi lò cò một chân, réo theo xe:
- Chú là chỉ thích chơi cắn! Ê, không cắn được cháu nhá!
Đavưđốp cười như nắc nẻ. Anh cho nốt con bé xuống xe và còn nhìn theo mãi cái vành mũ của Phêđốtka đỏ đỏ bên đường. Anh mỉm cười, cảm thấy lòng rạo rực một nỗi niềm ấm áp ít thấy, và mắt mình ươn ướt: “Chúng ta sẽ xây dựng cho chúng một cuộc sống tươi đẹp, thực tế thế! Bây giờ thằng Phêđốtka còn chạy nhông với cái mũ kô-dắc của bố trên đầu, nhưng hai mươi năm sau, nó sẽ cày mảnh đất này đây bằng máy cày chạy điện... Nó thì sẽ chắc chắn không phải như mình sau khi bà cụ nhà mình mất: giặt giũ cho bọn em gái, rồi lại khâu vá, rồi lại cơm nước, rồi lại ù té đến nhà máy... Bọn Phêđốtka này sẽ sướng, thực tế thế!”. Đavưđốp nghĩ thầm như vậy và đưa mắt nhìn bao quát mảnh đất thảo nguyên bao la, xanh mơn mởn. Anh lắng nghe một lúc tiếng hót véo von của con chim sơn ca, nhìn anh thợ cày ở xa xa đang khom lưng đẩy cày, và bên cạnh đôi bò là người dắt bò đang bước thấp bước cao đi dọc theo luống. Anh thở dài đánh sượt: “Máy móc sẽ làm thay cho người mọi công việc nặng nhọc... Đến lúc ấy, chắc là người ta sẽ quên, không còn biết đến mùi mồ hôi chua loét nữa... Cha mẹ ôi, ước gì sống được đến ngày ấy nhỉ!... Dù chỉ để trông thấy thôi! Bởi vì, chú Đavưđốp ạ, chú sẽ nghẻo, và sẽ chẳng có một thằng bé Phêđốtka nào nhớ đến chú đâu. Chú sẽ nghẻo mà, không thoát được! Và thay cho con cháu nối dõi tông đường, chú sẽ để lại cho đời cái nông trang Grêmiatsi Lốc. Nông trang sẽ thành một công xã, và biết đâu lúc ấy người ta sẽ chẳng lấy tên anh thợ tiện nhà máy Puchilốp, Xêmiôn Đavưđốp để đặt tên cho nó...”. Đavưđốp mỉm cười với cái ý nghĩ nhộn nhộn của mình. Rồi quay sang hỏi bác Suka:
- Sắp tới chưa?
- Vài ba cái nháy mắt nữa thôi.
- Chà, cụ bô ơi, ta còn bao nhiêu là đất bỏ hoài bỏ phí, trông mà khiếp! Trong hai kế hoạch năm năm, chúng ta sẽ dựng lên đấy khối nhà máy. Của chúng ta tất, trong tay ta tất, thực tế thế! Dấn lên, cố sống lấy chục năm nữa thì cụ bô sẽ không phải cầm cương nữa, mà cầm tay lái ô tô. Cụ bô sẽ dận ga nhá, oai ra phết!
Bác Suka thở dài:
- Muộn quá rồi! Giá như cách đây bốn chục năm lão được đi làm công nhân thì có lẽ đã thành con người khác rồi... Đời lão làm nông dân thúi quẩy lắm. Từ thuở bé đời lão đã nhầy nhụa rồi, rồi cứ thế cho đến tận gần đây. Suốt đời lão cứ như bị gió cuốn đi, hết vật vào cái nọ, lại va vào cái kia, có khi lại bị dần cho nhừ tử nữa.
Đavưđốp lấy làm lạ, hỏi:
- Sao thế, bác?
- Để lão kể anh nghe tận chân tơ kẽ tóc. Cho con ngựa nó chạy từ từ, rồi lão tâm sự với anh. Dù anh có là người hơi khó tính đấy, nhưng anh sẽ hiểu và xông cảm với lão... Đời lão thì trăm phen tứ đốm xảy ra những việc rất chi là nghiêm trọng. Thoạt tiên là lão ra đời thì bà mụ đã bảo ngay mồ ma bà cố lão: “Cậu nhà ta lớn lên sẽ làm đến ông tướng. Diện mạo thế kia không tướng thì là gì? Nào nhá: trán hẹp, đầu cá trê, bụng ỏng, tiếng ông ổng như ngỗng như ngan. Mừng cho bác, bác Matơriôna ạ!”. Nhưng chỉ hai tuần sau mọi sự đã trái ngược hẳn với lời mụ kia nói... Lão sinh vào ngày đức thánh bà Épđôkia, vào cái ngày ấy thì không những gà qué chẳng còn kiếm được ra cái gì nhồi diều, mà như bà cụ lão nói, chim sẻ đang bay cũng còn chết cóng rơi xuống nữa kia! Lão được đưa đi đặt tên thánh bên Tubianxki. Nhưng, anh ngẫm mà xem: đời thuở nhà ai trời rét như thế mà lại đem thằng bé nhúng vào chậu nước thánh bao giờ không? Họ đun nước lên, lão thày cả và lão cụ đạo thì say túy lúy như những đồ chó chết. Nước đun xong, một người đổ vào chậu, còn người kia cũng chẳng buồn thử xem nước nóng nguội ra sao, miệng nói: “Xin Chúa cao cả hãy nhận con vào đàn chiên Chúa” và nhúng tũm luôn thằng bé vào chậu nước sôi, chìm lút đầu... Da lão tuột sạch! Người ta bế lão về nhà, mình mẩy bỏng rộp hết. Và lẽ dĩ nhiên là do đó lão bị thối rốn, sưng lên đau không chịu được, cứ gào... Từ đó lão cứ thúi quẩy mãi. Và duyên do tất cả đều là vì lão sinh ra ở trên đời này trong cái lò dân cày. Cho đến năm lên chín hết chó cắn lại ngỗng đớp, quá thể lắm, và có lần một con ngựa non đá hậu cho lão một cái mà lão quay lơ ra, tưởng chết. Và từ năm lên chín trở đi bắt đầu xảy ra cho lão những chuyện ngày càng nghiêm trọng hơn. Lão đang tuổi lên mười thì bị móc lưỡi câu vào mồm...
- Lưỡi câu gì? - Đavưđốp nghe chuyện bác Suka không phải không thú vị, ngạc nhiên hỏi.
- Lưỡi câu thường này này, lưỡi câu người ta dùng để câu cá ấy. Ở Grêmiatsi chúng tôi hồi ấy có một ông lão già lụ khụ, điếc đặc, được đặt biệt hiệu là Kupưrơ. Mùa đông lão ta đánh bẫy và đánh lưới chim đa đa, còn mùa hè thì lão bám lấy con sông, câu cá. Con sông làng chúng tôi hồi ấy sâu hơn bây giờ cơ, cho nên thằng Lápsinốp đã dựng ở đấy chiếc cối xay nước một bộ cối của nó. Dưới chân đập có những con cá chép và cá măng to gộc. Lão ấy ngồi bên một bui cây, rải ra bảy cần câu, cần thì mồi giun, cần thì mồi thính, cần thì mồi cá nẹp để câu cá măng. Thế là bọn trẻ chúng mình xoay xở cắn trộm lưỡi câu của lão. Tai lão ấy nặng như đá, có đái vào tai lão ấy, lão ấy cũng chẳng biết. Bọn chúng mình tụ tập lại gần chỗ lão ấy, nấp sau bụi cây, cởi truồng ra, và một đứa trong bọn rón rén xuống nước, để khỏi động nước mà, lặn xuống dưới đám cần của lão, túm lấy đầu sợi cước, ghé răng cắn đứt lấy lưỡi câu, rồi lại quay lại đống bụi cây, ngoi lên bờ. Khi lão kéo cần câu lên, người lão ấy run bắn lên nhá, và lão ấy càu nhàu: “Đức Mẹ ôi! Lại con chết tiệt nào cắn đứt mất rồi!”. Đấy là lão ấy nói con cá măng, và lẽ dĩ nhiên là mất lưỡi câu, lão ấy cáu lắm. Lưỡi câu của lão, lão mua ở hiệu, còn bọn mình thì đào đâu ra tiền mà mua, thế là phải thiến của lão ấy vậy. Mình cũng đã lấy được một cái rồi, nhưng muốn cắn thêm cái nữa. Mình nhìn, thấy lão ấy đang mải mắc mồi, thế là mình lặn luôn. Mình đang khe khẽ quờ quạng tìm sợi dây cước, ghé mồm vào cắn thì bỗng lão ấy giật cần câu lên một cái ra-a-a giật! Sợi dây cước tuột khỏi tay mình, còn cái lưỡi câu thì móc luôn vào môi trên mình. Mình mới kêu lên, thế là nước ộc vào mồm. Lão ấy kéo cần câu, cố lôi mình lên mặt nước. Mình đau quá, lẽ dĩ nhiên là chân đạp nhặng lên, lôi lưỡi câu lại, và thế là mình cảm thấy lão ta luồn cái vợt xuống dưới định vớt mình lên. Rồi lẽ dĩ nhiên là mình ngoi lên khỏi mặt nước, kêu rống thiên địa. Lão ta đứng chết lặng, định làm dấu mà không làm nổi, sợ quá mặt mũi xanh xám như chàm đổ. Bảo làm sao mà lão ấy lại không sợ? Tưởng kéo lên con cá măng, hóa ra là một thằng nhóc. Lão ấy đứng ngây ra đấy, rồi ù té chạy nhá! Chạy mà văng cả giày! Mình về đến nhà, mồm vẫn mắc cái lưỡi câu như thế. Ông cụ mình mới gỡ lưỡi câu ra cho, rồi quật một trận đến quay lơ ra bất tỉnh nhân sự... Thử hỏi, mình làm thế thì được cái ích lợi gì? Môi thì sẽ liền da lại, nhưng từ đấy, thiên hạ cứ Suka [Suka, tiếng Nga nghĩa là “cá măng”. - ND] mà réo lão. Cái tiếng khỉ gió ấy cứ bám riết lấy lão, không rũ ra được nữa. Sang năm sau, mùa xuân lão lùa đàn ngỗng ra chăn ở chỗ cối xay gió. Cối xay đang quay, đàn ngỗng của lão vặt cỏ gần đấy, và trên đầu chúng một con diều hâu cứ lượn. Những chú ngỗng con lông vàng, nom ngon mắt lắm, và anh chàng diều hâu kia muốn vồ một chú đây, nhưng lẽ dĩ nhiên là lão cảnh giác, xùy ầm lên đuổi nó: “Su-uỵ-t!”. Vừa lúc ấy thì bọn trẻ con, bạn lão hồi ấy, kéo đến, và chúng mình bắt đầu chơi cái trò leo lên cánh cối xay: bám lấy một cánh, để nó nhấc bổng lên cách mặt đất độ hai ácsin rồi buông tay ra, rơi xuống đất, và nằm bẹp xuống, để cánh sau khỏi va phải. Trẻ con thì anh biết đấy, như giặc! Chúng nó đặt ra cái lệ: đứa nào lên được cao hơn thì được làm “vua”, và được công kênh từ cối xay ra đến kho thóc. Rồi đứa nào cũng muốn làm “vua”. Lão mới nghĩ: “Lần này mình phải lên cao hơn tất cả bọn nó!” và quên béng đi chuyện ngỗng. Cánh quạt nhấc bổng mình lên, lúc ấy mình mới nhìn, con diều hâu sà xuống, sắp vồ đến nơi rồi. Lão hoảng quá, khỏi nói: chuyến này thì cứ là chết đòn... Lão mới kêu toáng lên: “Chúng bay ơi! Con diều! Đuổi tao con diều!...”. Trong bụng lúc bấy giờ quên đứt đi mình đang ở trên cánh cối xay. Khi sực nhớ ra thì ôi thôi, không biết ma quỷ nó bốc mình lên đến tận đâu rồi! Và nhảy xuống thì hãi, bay lên cao lại càng hãi hơn. Làm thế đếch nào bây giờ? Trong khi mình đang tơ lơ mơ nghĩ xem làm thế nào, thì cánh cối xay đã dựng lên, và mình thì vẫn bám lấy nó, chân cẳng chổng ngược lên giời. Và cánh vừa bắt đầu hạ xuống, mình buông tay ra luôn. Không rõ bay bao nhiêu lâu như thế thì tới đất, nhưng lúc ấy thì thấy là lâu ghê lắm, nhưng được cái cũng đã bay tới đất, và lẽ dĩ nhiên là mình nằm bẹp xuống. Choáng váng đứng dậy, lão nhìn thì ở cổ tay, cái xương ống lòi hẳn ra ngoài. Và đau thì chưa bao giờ đau đến như thế, không còn thiết đến cái gì nữa: con diều hâu thế là đã bắt mất một con ngỗng, nhưng lão không có thèm để ý tí gì. Mụ lang đã nắn lại cho lão khúc xương ấy, nhưng ích lợi gì mới được chứ? Đằng nào thì sang năm sau nó cũng lại bị trẹo lần nữa. Và lão còn bị lưỡi máy gặt chém phải. Sau ngày lễ thánh Piốt lão đi gặt cùng với ông anh. Lão điều khiển ngựa, còn ông anh thì đứng ném lúa xuống. Lũ ruồi trâu xoắn lấy mấy con ngựa. Trời nắng chang chang và bức đến nỗi lão xỉu cả người, ngủ thiếp đi, đang ngồi trên ghế mà ngã xuống. Đến lúc mở được mắt ra thì thấy, trên luống cày bên cạnh, một con chim báo bão to tổ bố nằm đấy, dài như cái roi ngựa. Lão cho ngựa dừng lại, ông anh bảo: “Để tao cho nó một nhát chàng nạng!”. Nhưng lão bảo: “Anh để tôi nhảy xuống, bắt sống!”. Ông anh bảo: “Ờ!”. Thế là lão vồ, túm lấy ngang mình con chim. Nó lồng lên, chạy nhá! Nó xòe cánh ra, quật cho lão tối tăm mặt mũi, nhẩy cẫng lên, lôi lão xềnh xệch theo nó. Rồi nó sợ quá (nghĩa là cu cậu hoảng lắm) phụt cứt ra đầy người lão, và lôi lão xềnh xệch như con ngựa bất kham lôi cái bừa vậy. Rồi không rõ nó nghĩ thế nào, nó lại vòng lại. Nó lao vào chân lũ ngựa, rồi lại nhảy vọt sang bên, mà mấy con ngựa này thì nhát: chúng nó nhảy qua mình lão, hí lồng lên. Thế là lão nằm dưới hàng lưỡi hái. Ông anh vội hạ cần xuống, nâng lưỡi hái lên. Lão bị lôi tuột vào gầm máy, mà cái máy thì cứ quay. Nó đã ngoạm vào chân một con ngựa, lòi cả xương, đứt cả gân, còn lão thì nó làm cho tàn phế, người ngợm nom không nhận ra nữa. Ông anh rồi cũng dừng ngựa lại được, tháo một con ra, đặt lão nằm vắt ngang lưng ngựa, rồi nhảy phốc lên, phóng về làng. Lão thì bất tỉnh nhân sự, người bê bết những cứt chim và đất, còn con chim chết giẫm kia thì dĩ nhiên là nó bay đi mất. Lão bị ốm liệt một trận... Nửa năm sau, một bữa, lão ở nhà hàng xóm đi ra, gặp một con bò mộng chắn ngang đường. Lão đã định vòng tránh nó, nhưng nó ngoáy ngoáy cái đuôi, hệt như con hổ dữ, và chĩa sừng ra tiến về phía lão. Dễ anh tưởng lão khoái cái trò nằm chết lòi ruột ra trên mũi sừng của nó lắm đấy hẳn? Không, lão ù té chạy chứ, nhưng nó đuổi kịp, húc cho lão một cái vào quãng xương sườn cụt, hất tung qua hàng rào. Thế là gãy mẹ nó mất một cái xương sườn. Giá như xương sườn ấy, mình có độ trăm cái, thì mất một cái cũng chẳng hơi đâu mà tiếc, nhưng tự dưng chẳng đâu vào đâu mất toi cái xương sườn thì chán quá... Vì chuyện ấy lão đã được miễn quân dịch. Về sau này nữa, bọn giống vật các loại đã gây cho lão những chuyện rắc rối gì nữa không sao kể xiết! Cứ như có ma xui quỷ khiến vậy: động có con chó nào xổng xích, thì dù nó đang ở đâu, mả mẹ nó, nó cũng cứ nhè lão mà xông tới, không thì là lão vô tình dẫn xác đến chỗ nó. Ấy thế là nó cắn, nó xé quần, và như thế thì được cái ích lợi gì nhỉ? Rồi thì chồn cáo đuổi lão chạy té từ khe Ugiátsi ra đến tận đường cái, rồi thì lợn lòi nhảy xổ vào lão ở ngoài thảo nguyên. Vì một con bò mộng mà lão đã bị một trận nhừ từ và mất toi đôi giày. Một lần, tối khuya rồi, lão đi trong làng, đến trước cửa nhà Đônétxkốp thì lại thấy một con bò mộng đang đi ngược lại. Nó bảo: “Bò-ò-ò!” và ngoáy ngoáy cái đuôi. Lão nghĩ bụng: “Không, tôi đếch chơi, tôi có kinh nghiệm xương máu về bọn các anh lắm rồi!”. Lão đi sát vào nhà, con bò đi theo, lão co cẳng chạy, con bò đã thở hồng hộc sau lưng. Cửa sổ ăn ra phố của nhà ấy để ngỏ toang. Lão bay luôn vào, hệt như con dơi vậy... Lão nhìn quanh: buồng chẳng có ai cả. Lão nghĩ bụng: ta không nên làm phiền thiên hạ, ta lại cứ cửa sổ ta ra. Con bò rống lên một lúc, dũi sừng vào cái bạ đất của tường, rồi bỏ đi. Lão đã sắp nhảy qua cửa sổ ra đường thì có ai chộp lấy tay lão, và môt cái gì cưng cứng nện vào gáy. Thì ra là lão chủ nhà, lão Đônétxkốp, nghe thấy động đã túm lấy lão. “Mày vào đây làm gì, thằng ôn!” - “Tôi chạy trốn con bò mộng” - “Nói láo, ông biết tỏng lũ bò mộng chúng mày rồi! Mày định mò con dâu Ôliútka nhà ông phỏng?”. Miệng nói, tay đấm lão thùm thụp, đầu tiên là còn đánh chơi, rồi càng ngày càng nện khỏe. Lão ấy già rồi nhưng còn dẻo dai ra phết, vẫn bờm xơm với con dâu, thế cho nên lão ấy, nổi điên lên, đánh lão gãy cái răng hàm. Đánh xong hỏi: “Mày còn đến mò con Ôliútka nữa không?”. Tôi bảo: “Không, tôi chả dại, vả vào miệng ông! Ông cứ đeo cô Ôliútka của ông lên cổ ấy, thay cho thánh giá”. Lão ấy bảo: “Mày muốn sống thì cởi ngay đôi giày ra, không chết với tao!”. Thế là phải cởi giày ra, vô cớ mất không đôi giày với lão ấy. Mất đôi giày cuối cùng như thế thì có kỳ lạ không cơ chứ! Cái con Ôliútka ấy, lão thù nó đến năm năm, nhưng như thế thì được cái ích lợi gì nhỉ? Thế đã hết tội nợ cho đâu... Chỉ cần lấy một dụ này nữa thôi: khi lão đi với các anh đến tịch thu nhà thằng Titốc, thử hỏi cớ làm sao mà con chó của nó lại cứ áo bành tô của lão mà cắn xé? Phận sự của nó là phải nhảy xổ vào anh Maka hoặc vào anh Liubiskin chứ, nhưng mả mẹ nó, nó lại chạy vòng cái sân, đâm sầm vào lão. May làm sao nó không nhảy được tới cổ họng lão, chứ không thì nó chỉ xơi cho hai miếng thôi là anh có thể đọc kinh cầu hồn cho lão Suka rồi đấy. Khô-ô-ông, những tiết mục ấy ta biết quá rồi. Tất nhiên nó xảy ra như vậy là do lão không có khẩu thúng nục. Phúc tổ chứ lão mà có khẩu thúng nục thì không biết sẽ như thế nào rồi? Chỉ có là án mạng chết người! Lão mà đã điên lên thì khiếp lắm. Lúc ấy lão có thể giải quyết cả đời con chó, cả đời con vợ Titốc. Và cả thằng Titốc nữa lão cũng sẽ tương cho cả cối đạn vào họng chứ chẳng chơi đâu. Thế là xảy ra án mạng, và người ta có thể tống lão Suka vào tù... Mà lão thì hoàn toàn chẳng cần gì đến đi tù cả, lão có công có việc của lão. Phải... Đấy, số lão làm nên ông tướng là thế đấy. Con mụ đỡ ấy mà còn sống, lão sẽ nuốt tươi! Để đừng có đoán lăng nhăng! Đừng có làm khổ trẻ mới lọt lòng! Ủa, ta tới nơi rồi, lều của đội ấy kia kìa!
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét