Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Đất Vỡ Hoang - II-13


Đất Vỡ Hoang

Tác giả: M. Sholokhov

Dịch giả: Vũ Trấn Thủ

NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)


Tập II

Chương 13

Một giờ sau anh đã tới gần chỗ lán đội ba, và từ xa anh thấy ở đội đang có chuyện lôi thôi gì đó: đến già nửa số máy cắt cỏ không làm việc, ngựa bị buộc tròng vào chân đi lang thang trên thảo nguyên, cỏ cắt rồi để khô không ai cào lại, và nhìn suốt đến tận chân trời không thấy lấy một đống cỏ nhỏ nào...
Bên chiếc xe lều di động, sáu anh kôdắc đang ngồi trên tấm bạt trải rộng, châu đầu vào ván bài. Anh thứ bảy ngồi vá giày rách, còn anh thứ tám thì nằm thoải mái dưới bóng một bánh xe ngủ khoèo, mặt úp vào một tấm áo mưa vo tròn cáu bẩn. Thấy Đavưđốp tới, đám đánh bài lừng khừng đứng dậy, trừ một anh chàng đang chống khuỷu tay nửa nằm nửa ngồi, anh chàng này xem chừng vừa mới thua xong đang chậm rãi trang trang bộ bài, đang mơ màng đăm chiêu.
Đavưđốp giận tái mặt, thúc ngựa lao tới sát đám chơi bài, quát đến xé giọng:
- Làm việc thế này hả? Sao không cắt cỏ? Liubiskin đâu?
Một anh trong đám chơi bài ngập ngừng đáp:
- Hôm nay là chủ nhật.
- Thế trời có đợi các anh không? Mưa thì sao?
Đavưđốp kéo cương con ngựa mạnh quá làm nó chồm lên, xéo cả vào miếng vải bạt. Thấy chân giẫm phải cái gì lạ lạ, nó hoảng sợ lồng lên, nhẩy cẫng sang bên. Đavưđốp bị lắc mạnh, suýt nữa thì chân trượt ra ngoài bàn đạp, nhưng rồi vẫn ngồi vững được trên yên. Anh ngửa người ra sau, ghì xiết chặt giây cương lại, và khi đã loay hoay làm chủ được con ngựa cứ nhún nhảy tại chỗ, anh lại quát to hơn:
- Tôi hỏi các anh, Liubiskin đâu?
Uxchin Rưkalin, một anh chàng kô-dắc lùn mập đã đứng tuổi có đôi lông mày bạch tạng giao nhau ở chân mũi và có bộ mặt tròn vành vạnh lốm đốm tàn nhang, trả lời giọng châm chọc:
- Anh ta đang cắt cỏ kia, máy cắt cỏ thứ hai phía bên trái cái gò. Nhưng ông chủ tịch ơi, làm gì mà quát tháo gớm thế? Khéo không lại khản đặc giọng...
- Sao các anh lại bỏ việc ngồi chơi. Tôi hỏi cả mấy anh! - Đavưđốp nghẹn cả họng vì giận và vì quát tháo.
Sau vài phút mọi người im lặng, Alêchxanđrơ Netsaép, anh hàng xóm ốm yếu và tính tình ôn hòa của Đavưđốp, đáp:
- Ngựa chả có ai dắt, đầu đuôi là thế thôi, anh ạ. Các bà và một số các cô kéo nhau đi nhà thờ hết, thế là chúng tôi đành phải nghỉ... Chúng tôi đã yêu cầu họ thôi cái trò ấy đi, nhưng bọn mê muội ấy nhất định không nghe, nói ngọt cũng không xong! Nghĩa là không cách nào giữ họ lại được. Nói xuôi, nói ngược, nói thế nào họ cũng bỏ ngoài tai. Đúng y như thế đấy, đồng chí Đavưđốp ạ.
- Được, anh nói tôi hãy cứ tin. Nhưng đàn bà đi thì đàn ông các anh cũng cứ phải làm chứ, sao không làm? - Đavưđốp hỏi đã ôn tồn hơn, nhưng vẫn cứ là quát.
Con ngựa vẫn không chịu đứng yên. Nó cất hậu, lo ngại vẫy vẫy tai, và da thịt nó rùng rùng những làn sóng lăn tăn. Đavưđốp ghì cương giữ chặt nó, vuốt ve cái cổ óng mượt và âm ấm của nó. Anh kiên nhẫn đợi câu trả lời, nhưng lần này thì im lặng kéo dài...
- Thì đã bảo là thiếu người mà. Các bà ấy đi hết rồi, - Netsaép miễn cưỡng đáp và đưa mắt nhìn anh em kia như muốn cầu cứu họ.
- Sao lại thiếu người? Thì đây có tám người ngồi không đấy thôi. Có thể cho chạy bốn máy được không? Được quá chứ! Nhưng các anh lại chơi bài. Tôi không ngờ các anh lại coi thường công việc nông trang như thế, thật tôi không ngờ, thực tế thế!
- Vậy ông nghĩ thế nào? Ông nghĩ chúng tôi không phải là người, mà là con vật kéo cày chăng? - Uxchin khiêu khích hỏi.
- Anh nói thế là thế nào?
- Công nhân có ngày nghỉ không?
- Có, nhưng nhà máy không nghỉ sản xuất trong các ngày chủ nhật, và công nhân không đánh bài trong phân xưởng như các anh thế này. Rõ chưa?
- Ở nhà máy người ta thay phiên nhau ngày chủ nhật, còn chúng tôi thì lúc nào cũng độc ngần ấy người khổ sai! Suốt từ thứ hai đến thứ bảy, rồi ngày chủ nhật cũng không được tháo ách, lối đâu lại như vậy? Chính quyền xôviết bảo phải như thế đấy hả? Chính quyền xôviết bảo không được có sự phân biệt giữa các tầng lớp lao động, nhưng các ông đã xuyên tạc pháp luật, bẻ queo đi để có lợi cho mình.
- Anh nói lảm nhảm cái gì thế? Lảm nhảm cái gì thế, hả? - Đavưđốp cáu tiết lên. - Tôi muốn bảo đảm cho bò ngựa của nông trang, và cả bò sữa nhà các anh nữa, mùa đông có cái ăn. Rõ chưa? Tôi kiếm lợi lộc gì ở đấy? Lợi lộc riêng tôi phỏng? Thế còn lảm nhảm cái gì, hả đồ bẻm mép?
Uxchin khinh khỉnh khoát tay một cái:
- Các ông thì chỉ cốt sao hoàn thành kế hoạch đúng thời hạn, còn sống chết mặc bay. Ông mất ăn mất ngủ vì bò ngựa của chúng ta ư? Nói khó tin! Dạo mùa xuân chở thóc giống trên ga về Vôxkôvôi, có bao nhiêu bò đã chết bỏ xương dọc đường? Không đếm xuể! Thế mà bây giờ ông lại cứ định bịp chúng tôi!
- Bò nông trang Vôxkôvôi chết đói dọc đường vì những hạng tư hữu như anh đã chôn thóc dưới đất. Các anh, người thì vào nông trang, nhưng thóc thì dấu đi. Mà gieo thì phải có giống chứ! Thế cho nên mới phải xua bò đi chở giống qua những đường đất quá thể lắm, vì thế mà bò chết quay cu lơ! Thực tế thế! Dễ thường anh không biết chuyện ấy sao?
- Các ông chỉ cốt hoàn thành kế hoạch, cho nên ông mới tích cực chuyện cỏ này, - Uxchin càu nhàu bướng bỉnh.
- Cái cỏ này, dễ tôi ăn vào mồm tôi đấy phỏng? Tôi tích cực là vì lợi ích chung! Kế hoạch thì dính dáng gì vào đây? - Đavưđốp không nhịn được nữa, quát tướng lên.
- Này ông chủ tịch ơi, ông đừng quát tháo, ông quát tháo tôi không sợ đâu, vì tôi đã từng đi lính pháo binh đây. Được, cứ hãy cho rằng ông tích cực là vì lợi ích chung, nhưng tại sao lại bắt người ta nai lưng ra làm việc suốt đêm ngày? Đó, chính cũng là vì kế hoạch mà! Các ông cố để được huyện khen, huyện cố để được tỉnh khen, còn chúng tôi thì è cổ ra để được các ông khen. Dễ ông tưởng nhân dân không thấy đấy hẳn? Ông tưởng dân mù hay sao? Không mù đâu, thấy hết đấy, nhưng chả có cách nào rũ được bọn tích cực giả hiệu các ông ra đấy thôi! Giả dụ như ông, và những người khác như ông, chúng tôi có thể cất chức được không? Không? Thế là các ông thả cửa, nghĩ ra cái gì là làm cái ấy. Còn Mátxcơva thì xa, Mátxcơva biết đâu ở đây các ông bày ra những trò gì...
Trái với dự đoán của Nagunốp, Đavưđốp đã không phải chạm trán với đám các bà, nhưng không phải vì thế mà vấn đề đơn giản hơn. Trước thái độ im lặng nặng nề của đám kôdắc, Đavưđốp hiểu là quát tháo nạt nộ chẳng có tác dụng gì, mà còn hỏng việc. Phải biết kiên nhẫn và sử dụng phương pháp có hiệu lực nhất: phương pháp thuyết phục. Chăm chú nhìn khuôn mặt hằn học của Uxchin, anh nhẹ người đi, nghĩ bụng: “May mà mình không kéo cậu Maka đi cùng! Không thì bây giờ đấm đá nhau to rồi...”.
Để tranh thủ có thời gian nghĩ một tí về kế hoạch đối phó với Uxchin, và có thể là với cả một số người ủng hộ hắn, Đavưđốp hỏi:
- Khi người ta bầu tôi làm chủ tịch, anh có bỏ phiếu cho tôi không, anh Uxchin Mikhailôvíts?
- Không, tôi không bỏ! Bỏ cho ông làm quái gì? Người ta quẳng ông đến đây cho chúng tôi như con mèo nhốt trong bị...
- Tự tôi đến chứ ai quẳng!
- Quẳng ông đến hay tự ông đến thì cũng vẫn là con mèo trong bị, vậy thì tôi bầu ông làm gì? Nào có biết ông là anh cha căng chú kiết nào đâu!
- Thế bây giờ anh bỏ phiếu chống chứ?
- Chứ lại chả chống! Còn sao nữa?
- Vậy đến kỳ họp toàn thể nông trang viên anh cứ đặt vấn đè phế tôi đi. Hội nghị quyết định thế nào thì sẽ là như thế. Có điều là đưa đề nghị ấy ra, anh phải có cơ sở hẳn hoi, không thì sẽ chết cháy đấy!
- Chết cháy sao được, ông cứ yên trí, vả lại cũng còn chán thời giờ, đâu phải chuyện ngày một ngày hai. Trước mắt, ông chủ tịch ạ, ông hãy nói chúng tôi nghe: tại sao ông lại thiến mất của chúng tôi các ngày chủ nhật?
Trả lời câu hỏi ấy thì không gì dễ cho bằng, nhưng Uxchin nào có để cho Đavưđốp kịp mở miệng. Hắn nói tiếp luôn:
- Ở trên huyện, tức nghĩa là ở trên phố, các cô tiểu thư nhân viên nhà nước cứ chủ nhật là tô son điểm phấn rong chơi phố suốt ngày, tối lại đi nhảy, đi xem chiếu bóng, tại sao vợ chúng tôi và con gái chúng tôi lại phải đổ mồ hôi sôi nước mắt các ngày chủ nhật?
- Mùa hè, thời vụ...
- Chúng tôi thì đông cũng như hè, có bao giờ không phải thời vụ? Quanh năm thời vụ.
- Tôi muốn nói là...
- Nói nhăng nói cuội thì nói làm gì cho mệt, vô bổ.
Đavưđốp giơ tay ngăn:
- Uxchin, hẵng để tôi nói!
Nhưng Uxchin cứ liến thắng át lời anh:
- Nói chuyện với chúng tôi, ông ngồi chễm chệ trên lưng ngựa như ông chủ, còn chúng tôi thì đứng dưới nghếch mắt nhìn lên như những kẻ làm thuê.
- Đề nghị anh nghe tôi nói nào, anh em với nhau.
- Không việc gì tôi phải nghe! Nghe với chả ngóng, tôi chẳng trông ngóng ông nói lên cái điều gì nghe được cả
- Anh có để tôi nói không thì bảo? - Đavưđốp đỏ mặt tía tai quát lên.
- Ông đừng làm ngậu lên với tôi! Tôi không phải là con Luska vợ thừa của Nagunốp đâu! - Uxchin phồng lỗ mũi hít mạnh một cái rồi cứ rè rè giọng oang oang liến thoắng: - Ông sừng sộ là không được với chúng tôi đâu! Trong hội nghị ông muốn làm vương làm tướng gì thì làm, nhưng ở đây cầm chịch là chúng tôi. Chúng tôi chơi bài, ông đừng hoạnh họe chúng tôi. Trong nông trang chúng tôi là chủ: muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, ông đừng hòng ép chúng tôi làm việc ngày chủ nhật, ông không đủ tài!
- Nói xong chưa? - Đavưđốp sắp điên lên đến nơi, hỏi.
- Chưa, chưa xong đâu. Tôi bảo thêm ông điều này nữa: nếu ông không ưa cái cung cách chúng tôi thì vốn dĩ ở đâu đến, bây giờ ông tếch về đấy cho tôi nhờ! Không ai mời ông về làng chúng tôi đây cả, và chẳng có ông thì lạy Chúa, chúng tôi vẫn cứ sống được như thường. Đối với chúng tôi ông không phải là thánh tướng!
Rõ ràng đó là một sự khiêu khích. Đavưđốp thừa hiểu Uxchin định lái đi đâu, nhưng lúc này anh tự chủ không nổi nữa. Mắt anh hoa lên, trong giây phút hầu như không còn thấy rõ cái hàng lông mày nhíu lại của Uxchin, cái bộ mặt tròn vành vạnh và tự dưng húp híp lên của hắn, và anh chỉ còn mơ hồ cảm thấy máu mình dồn ứ xuống bàn tay phải đang bóp chặt cái roi da, và các đầu ngón tay anh tê nhức, nặng chình chịch.
Uxchin đứng đối diện anh, hai tay ngạo mạn đút túi quần, hai cẳng xoạc rộng... Hắn đã lấy lại được ngay cái điềm tĩnh lúc nãy và giờ đây, cảm thấy đằng sau lưng mình có sự ủng hộ thầm lặng của đám kô-dắc, tin tưởng ở ưu thế của mình, hắn cười khẩy một cách thản nhiên và láo xược, lim dim đôi mắt xanh lơ sâu trũng. Còn Đavưđốp thì lại càng tái mét, đôi môi nhợt nhạt cứ mấp máy mà không thốt ra nổi một lời. Anh đang đấu tranh với mình quyết liệt, căng hết nghị lực kìm lại trong mình không để cho bùng ra cơn điên giận mù quáng nó bất chấp tất cả. Tiếng Uxchin nói vọng tới anh từ đâu đến, cứ như từ đằng xa, nhưng anh vẫn nắm được ý hắn nói cũng như bắt được cái điệu châm chọc trong giọng hắn...
- Ô kìa, ông chủ tịch ơi, sao ông chẳng nói mà lại ngáp ngáp cái mồm như con cá chép vậy? Nuốt chửng mất lưỡi rồi sao, hay là không biết đường nào mà nói? Hình như ông muốn nói lắm thì phải, nhưng nó ngắc ngứ trong cổ... Thôi đúng rồi, chân lý không thể nuốt trôi được mà! Không, ông chủ tịch ạ, tốt hơn hết là ông đừng gây sự với chúng tôi, đừng nổi khùng lên về những chuyện không đâu. Tốt hơn hết là ông hãy bình tĩnh xuống ngựa, chơi một ván bài với chúng tôi, ta sẽ chơi tu-lơ-khơ. Ông bạn ạ, đó là một công việc bổ ích lắm, chứ không phải như công việc lãnh đạo nông trang của ông đâu...
Một anh chàng trong đám đứng sau lưng Uxchin cất tiếng cười khúc khích một cái rồi ngừng bặt. Một không khí im lặng nặng nề bao trùm lên quanh chiếc xe lều trong khoảnh khắc. Chỉ còn nghe thấy tiếng Đavưđốp thở dốc, tiếng máy cắt cỏ chạy lạch xạch đằng xa, và tiếng hót thanh bình, vô tư lự vang động bầu trời xanh của những con chim sơn ca đang bay đâu chẳng ai nhìn thấy. Phải rồi, chúng thì hơi đâu để ý đến chuyện gì đang xảy ra giữa mấy con người sát khí đằng đằng đứng túm bên chiếc xe lều kia...
Đavưđốp từ từ giơ cao roi ngựa lên, thúc gót giầy vào bụng ngựa. Và lập tức, Uxchin tiến sấn lên, đưa tay trái ra túm lấy hàm thiếc ngựa, và bước lách sang phải, ép sát người vào cẳng Đavưđốp, hỏi nhỏ, giọng đầy đe doạ:
- Đánh hả? Cứ thử xem!
Trên mặt hắn hai gò má bỗng nổi gô lên, đôi mắt ánh như thách thức vui thú và nóng lòng chờ đợi.
Nhưng Đavưđốp quất mạnh roi ngựa vào ống chiếc ủng đã nâu tàng và từ trên cao nhìn xuống Uxchin, anh lớn tiếng nói, cố rặn cười mà không được:
- Không, Uxchin, không đánh đâu! Anh tiểu tốt bạch vệ ơi, anh đừng hy vọng làm cái chuyện ấy! Giá là mười năm trước đây anh rơi vào tay tôi thì lại là chuyện khác... Rơi vào tay tôi hồi ấy thì anh đã vĩnh viễn tịt cái lỗ miệng rồi, đồ phản cách mạng ạ!
Anh gạt nhẹ chân đẩy Uxchin ra, và xuống ngựa:
- Chậc, anh Uxchin Mikhailôvíts, anh đã thích túm lấy cương ngựa tôi thì anh hãy dắt nó đi, buộc nó vào chỗ nào đó cho tôi. Anh rủ tôi chơi bài hả? Được thôi, sẵn sàng! Chia bài ra, thực tế thế!
Câu chuyện đã xoay chuyển một cách bất ngờ... Đám kô-dắc đưa mắt nhìn nhau, do dự một lát, rồi lẳng lặng ngồi quây xuống tấm vải bạt. Uxchin buộc con ngựa vào bánh xe lều rồi tới ngồi xếp bằng tròn xuống đối diện với Đavưđốp, chốc chốc lại liếc trộm anh một cái. Không, hắn hoàn toàn không coi là mình đã thua trong trận đụng độ này với Đavưđốp, cho nên hắn quyết định tiếp tục câu chuyện:
- Nhưng ông chủ tịch ơi, chuyện ngày nghỉ ông chưa trả lời chúng tôi đấy! Ông định ỉm đi đấy à...
- Tôi còn nói chuyện với anh nhiều, cứ yên trí! - Đavưđốp hứa một câu đầy ngụ ý.
- Ông nói thế là thế nào? Định dọa tôi phỏng?
- Không, dọa làm gì! Đã ngồi vào chơi bài thì mọi chuyện ngoài lề gác sang bên. Thiếu gì lúc nói...
Nhưng lúc này khi mà Đavưđốp mỗi lúc một bình tĩnh hơn thì Uxchin càng mất bình tĩnh. Chưa chơi hết ván, hắn đã hậm hực vứt toẹt tập bài xuống mặt bàn, ngồi bó gối:
- Chơi chán bỏ mẹ, thà ngồi mà nói nốt chuyện ngày nghỉ còn hơn. Này ông chủ tịch ơi, về cái chuyện ngày nghỉ ấy mà, ông tưởng chỉ có người kêu thôi hả? Không phải đâu! Sáng hôm qua, tôi đi đóng ngựa, và cái con ngựa cái nâu đã thở dài não ruột mà nói với tôi cứ như người nói: “Ôi anh Uxchin ơi! Vào nông trang sao nó khổ thế này! Ngày thường đã bắt tôi làm ngày làm đêm, không lúc nào thoát được cái ách, thế mà có ngày chủ nhật cũng lại tròng ách vào cổ tôi. Trước kia đâu có thế-ế-ế! Trước kia, ngày chủ nhật, người ta đâu có bắt tôi làm, mà chỉ bảo tôi kéo xe đưa người ta đi thăm nhau, hoặc đi ăn cưới chẳng hạn. Trước kia đời tôi sướng hơn bây giờ nhiều!”.
Đám kôdắc nghe nói thế cười, cười nhỏ thôi, nhưng nhất loạt. Cảm tình của họ xem ra ngả về phía Uxchin. Nhưng họ lắng đi, dỏng tai nghe khi Đavưđốp đưa tay lên xoa xoa yết hầu, nói với giọng bình thường;
- Thế cái con ngựa cái đáng yêu ấy, trước khi vào nông trang nó là ngựa ai?
Uxchin nheo mắt ranh mãnh, thậm chí lại còn nháy khẽ một cái với Đavưđốp:
- Dễ ông tưởng nó của tôi chăng? Và nó ăn nói theo giọng chủ chăng? Không, ông chủ tịch ơi, ông lầm to rồi! Nó là con ngựa cái của Titốc, là ngựa tịch thu của kulắc. Thời cá thể, sống với chủ nó, nó được ăn sướng hơn bây giờ vào nông trang: mùa đông nó không biết mùi cỏ thừa, cỏ rác, độc chỉ thóc kiều mạch nhai đến mòn răng. Có thể nói, nó sống như bà hoàng!
- Vậy là nó già rồi hả? Vì nó mòn răng rồi mà? - Đavưđốp như vô tình hỏi chơi.
Uxchin không thấy cái bẫy đối thủ giăng ra, nhanh nhảu trả lời:
- Già rồi, già cốc đế.
- Thế thì cái con ngựa cái lắm mồm lắm miệng ấy, anh hoài hơi mà nghe nó nói, - Đavưđốp nói, giọng khẳng định.
- Sao lại hoài hơi?
- Vì nó là ngựa kulắc, ăn nói độc giọng kulắc chứ sao.
- Nhưng bây giờ nó là ngựa nông trang rồi...
- Thì anh cũng thế đấy thôi, bề ngoài thì cũng là người nông trang đấy, nhưng thực tế thì bụng anh kulắc.
- Ồ, ông chủ tịch ơi, ông chụp mũ cho tôi rồi đấy...
- Chả chụp gì cả, thực tế vẫn là thực tế. Vả lại con ngựa cái ấy nó già lão thế mà anh nghe nó được à? Nó già sinh ra lẩm cẩm! Nó mà trẻ hơn một tí, đỡ lẩn thẩn đi một tí, nó sẽ phải nói với anh giọng khác.
- Nói thế nào? - Uxchin hỏi, bắt đầu cảnh giác.
- Nó sẽ phải bảo anh thế này: “Chà, anh Uxchin ơi, anh là một tên tay sai kulắc! Mùa đông anh chẳng làm cái mẹ gì cả, mùa xuân anh giả vờ ốm không làm, và bây giờ cũng chỉ làm phất phơ. Vậy đến mùa đông anh lấy gì mà nuôi tôi, và chính bản thân anh sẽ lấy gì mà nhá, hả đồ chó đẻ? Cái lối làm ăn như thế thì cả anh lẫn tôi rồi sẽ chết đói nhăn răng ra cả mất thôi!”. Đấy, nó sẽ phải bảo anh thế đấy!
Cả đám kô-dắc cười ồ lên, át cả câu nói cuối cùng của Đavưđốp. Netsaép cười lanh lảnh, giòn tan như con gái. Anh chàng Ghêraxim Diablốp thì nhẩy cẫng lên cười ồm ồm, rồi ngồi lom khom xuống một cách quấy đảo, vỗ bồm bộp vào ống giày ủng như khi nhảy vũ dân tộc. Còn bác Chikhôn Ôxêtơrốp thì đưa tay lên túm bộ râu xám, kêu the thé:
- Nằm im thôi, Uxchin, và cúi cái đầu xuống! Đavưđốp cưỡi được lên lưng cậu rồi!
Nhưng trước sự ngạc nhiên của Đavưđốp, chính bản thân Uxchin cũng cười, chẳng tỏ ra tí gì bực dọc, và tiếng cười của anh ta hoàn toàn không có chút gượng hoặc giả vờ.
Và khi tiếng cười đã lắng, Uxchin là người đầu tiên lên tiếng:
- Chà, ông chủ tịch ơi, em xin thua ông... Thật không ngờ ông anh lại quật lại được một cú khéo thế. Nhưng bảo tôi là tay sai kulắc thì không nên, còn như cái chuyện xuân vừa rồi không phải là tôi ốm, mà chỉ là giả vờ, thì cũng là ông đặt điều cho tôi. Về cái điểm ấy, xin lỗi ông chứ, ông chủ tịch ạ, ông ăn nói huyên thuyên rồi!
- Anh chứng minh đi.
- Chứng minh thế nào?
- Lấy sự việc chứng minh.
- Nói đùa chơi thì cần gì phải sự việc chứng minh? - Uxchin cười gượng, và giọng anh ta lúc này đã không phải giọng đùa nữa.
- Thôi anh đừng làm bộ ngớ ngẩn! - Đavưđốp nói gay gắt. - Chuyện ta nói còn xơi mới là đùa, và việc anh gây ra hôm nay hoàn toàn không phải là đùa. Còn sự việc thì nó rành rành ra đấy: vào nông trang anh hầu như không đi làm, anh lôi kéo những phần tử kém giác ngộ, anh ăn nói cái giọng điệu nó có thể làm cho anh có ngày khốn nạn, và hôm nay đây chẳng hạn, anh xúi anh em bỏ việc ngồi chơi: nhờ những cố gắng của anh mà một nửa đội không ra cắt cỏ. Thế mà anh gọi là đùa hả?
Đôi lông mày đang rướn lên một cách ngộ nghĩnh của Uxchin hạ xuống, nhíu lại hai bên cuống mũi, kéo thành một đường thẳng cứng đờ:
- Nói có chuyện ngày nghỉ mà ông đã chụp cho là tay sai kulắc, là phản cách mạng! Cứ như là chỉ mình ông có quyền nói thôi còn chúng tôi thì chỉ được há mồm ra mà nghe chăng?
- Không phải chỉ có chuyện ấy! - Đavưđốp đối đáp lại, giọng sôi nổi. - Toàn bộ thái độ của anh là không lương thiện, thực tế thế! Mùa đông anh nghỉ mỗi tháng đến hai mươi ngày, bây giờ anh còn làm nhặng lên về chuyện ngày nghỉ cái nỗi gì? Và cũng chẳng phải mình anh thế, mà mọi người có mặt đây đều thế cả. Mùa đông, ngoài việc chăm sóc bò ngựa và lọc giống ra, các anh làm những gì? Chẳng làm gì cả! Chỉ nằm khểnh trên trốc lò sưởi ấm. Vậy thì bây giờ, giữa lúc thời vụ căng thẳng nhất, khi một giờ là quý, khi mà cỏ khô bị đe doạ thối ủng, các anh lấy quyền gì tự cho phép mình nghỉ? Các anh trả lời tôi nghe xem nào, lấy lương tâm mà nói.
Uxchin nín thinh nhìn Đavưđốp chằm chằm không chớp. Chikhôn Ôxêtơrốp nói thay anh ta:
- Này, anh em kô-dắc ạ, có gì đâu mà phải xì xào úp mở. Đavưđốp nói đúng đấy. Ta dở rồi, ta phải sửa thôi. Cái công việc của chúng ta không phải lúc nào cũng nghỉ được, mà thực tế là nghỉ chủ yếu vào những ngày đông tháng giá. Và cái hồi còn làm cá thể cũng vậy thôi. Hồi ấy bà con ta có ai mà xong được việc đồng áng trước ngày Lễ cầu Đức Mẹ? Gặt chưa xong đã phải cày ải. Đavưđốp nói không oan, và hôm nay ta để cho các bà ấy đi lễ nhà thờ là ta dở, và ta đây nữa, ra đồng làm mà lại ngồi chơi thì cũng chẳng ra cái nghĩa lý gì... Tóm lại là dở òm! Chúng ta đã có lỗi với chính bản thân ta, rõ ràng là thế. Và tất cả những cái đó là do cái đồ khỉ gió nhà cậu đấy, Uxchin ạ, cậu xui dại anh em!
Uxchin bùng lên như thùng thuốc súng. Đôi mắt xanh lơ của anh ta tối sầm xuống, và ánh lên một ánh hằn học:
- Đồ quỷ rậm râu, thế thì cái trí khôn của ông, ông bỏ quên nhà rồi sao mà bảo tôi xui dại?
- Có khi thế đấy, quên ở nhà rồi cũng nên...
- Thế thì chạy về mà lấy!
Netsaép đưa bàn tay gầy guộc lên che miệng giấu một nụ cười, cất giọng thanh thanh lên hỏi bác Ôxêtơrốp đang hơi bị tưng hửng:
- Này ông Chikhôn Gorđêits ơi, cái trí khôn của ông ấy mà, để nhà thì có cất cẩn thận không đấy?
- Cậu lo cho nó ư?
- Hôm nay chủ nhật mà...
- Chủ nhật thì sao?
- Chị con dâu của ông chắc hẳn hôm nay phải dậy sớm quét nhà và nếu cái trí khôn của ông, ông lại dấu dưới gầm ghế hoặc sau ngách bếp thì e rằng chị ta khua chổi quét ra sân mất. Và ra sân thì lũ gà mái sẽ đớp ngay tắp lự... Nếu vậy thì ông Chikhôn Gorđêits ạ, ông sẽ phải sống không có trí khôn cho đến ngày mãn kiếp, tôi lo là lo chuyện ấy đấy...
Mọi người, kể cả Đavưđốp, cười ồ lên, nhưng trong tiếng cười của đám kô-dắc có cái gì không được vui lắm... Tuy nhiên cái không khí căng thẳng vừa rồi cũng đã tan biến. Như vẫn thường xảy ra trong những trường hợp tương tự, câu pha trò tếu đã chặn đứng cuộc xô xát sắp nổ ra đến nơi. Ôxêtơrốp bị chọc tức cũng dịu dịu đi, và chỉ đáp lại Netsaép:
- Cậu Alếchxanđrơ ạ, mình xem ra thì cậu chẳng phải lo bỏ quên mất trí khôn ở nhà, vì cậu làm quái gì có. Cậu tưởng cậu khôn ngoan hơn tớ hẳn? Mẹ đĩ nhà cậu thì có kém ai, hôm nay cũng ích ê đi sang Tubianxki, còn cậu thì chuyện chơi bài cậu cũng chẳng từ chối.
- Khuyết điểm! Em xin nhận khuyết điểm! - Netsaép bông phèng nhận lỗi.
Nhưng Đavưđốp không hài lòng với chiều hướng câu chuyện. Anh đang muốn thanh toán cho xong với Uxchin.
- Ta hãy giải quyết một lần cho xong cái chuyện ngày nghỉ, - anh nói, đưa mắt nhìn Uxchin chòng chọc. - Mùa đông anh đã làm nhiều hay ít, anh Uxchin Mikhailôvíts?
- Cần bao nhiêu tôi làm bấy nhiêu.
- Nghĩa là bao nhiêu?
- Tôi không tính.
- Thế người ta tính cho anh bao nhiêu công?
- Tôi không nhớ. Nhưng việc gì ông cứ căn vặn tôi dai như chão rách thế? Ông đi mà tính, đi mà nhớ, nếu ông ngồi buồn rỗi hơi.
- Tôi chả cần phải tính. Nếu anh quên thì tôi đây, cái nghề chủ tịch nông trang của tôi là không được quên.
Cuốn sổ tay to tướng, vật bất ly thân, luôn luôn kè kè bên nách hôm nay đã giúp anh thật đắc lực! Vừa qua một cơn xúc động, ngón tay Đavưđốp hãy còn hơi run run khi anh vội vã lật giở những trang sổ hoen vết nước bọt.
- Đây, tên anh đây, đồ ăn bơ làm biếng! Và số ngày công của anh đây: tháng Giêng, tháng Hai, tháng Tư, và tháng Năm, cả thảy là, đợi tí..., cả thảy là hai mươi chín công. Thế nào? Làm ghê quá nhỉ?
- Thế thì xoàng quá đấy, Rưkalin ạ! - một người trong đám kô-dắc nhìn Uxchin, nói bằng giọng nửa thương hại, nửa trách móc.
Nhưng Uxchin đâu có chịu thua:
- Còn nửa năm nữa, đến tháng Mười sẽ biết tay nhau.
- Tháng Mười sẽ biết, nhưng công điểm thì chấm hàng ngày, - Đavưđốp nói gay gắt. - Anh Uxchin ạ, anh hãy nhồi nhét vào đầu óc anh điều này: chúng tôi sẽ không tha thứ những kẻ ăn bơ làm biếng trong nông trang đâu! Sẽ đuổi cổ thẳng cánh những kẻ phá hoại! Nông trang không cần gì đến những kẻ ngồi không ăn bám. Anh nghĩ lại đi: cứ cái điệu này thì anh đi đến đâu? Ôxêtơrốp được gần hai trăm công, các anh em khác trong đội anh, trên một trăm, và ngay cả những người ốm yếu nhất, như anh Netsaép cũng xấp xỉ tới một trăm, còn anh thì hai mươi chín! Anh không thấy nhục à?
- Vợ tôi đau ốm luôn, bệnh đàn bà, nằm liệt giường hàng tuần liền. Đấy là chưa kể lũ nhóc sáu đứa, - Uxchin nói, mặt lầm lầm.
- Thế bản thân anh?
- Bản thân tôi làm sao?
- Sao anh không làm hết năng suất của mình?
Một lần nữa hai gò má Uxchin lại bầm lên những nốt đỏ sẫm, và trong đôi mắt xanh lơ cau lại giận dữ của anh ta ánh lên những tia lửa hằn học.
- Việc gì anh cứ trợn mắt nhìn chằm chằm vào mặt mũi tôi? - anh ta khua nắm tay trái, gào lên, và cái cổ vừa thấp vừa bạnh của anh ta nổi phồng những đường gân xanh. - Ông coi tôi là con Luska vợ Nagunốp hay sao? Hay là cái con Varia Kharlamôva chết mê chết mệt vì ông?! Mở mắt ra mà nhìn tay tôi đây, rồi hãy căn vặn về công việc của tôi!
Anh ta xỉa mạnh bàn tay ra và đến lúc bấy giờ Đavưđốp mới để ý thấy bàn tay phải bị tàn tật của Uxchin chỉ còn độc ngón tay trỏ, và thay cho những ngón tay khác là những vết sẹo rúm ró tím bầm.
Đavưđốp phân vân gãi sống mũi;
- À ra thế... Bị ở đâu vậy?
- Ở Crưm, trên mặt trận chống Vranghen. Ông bảo tôi là bạch vệ, thực ra tôi là đỏ, đỏ như một quả dưa hấu chín: tôi có đi quân trắng, rồi nhảy sang quân xanh ở hai tuần lễ, để rồi nhót về với quân đỏ. Đi bạch vệ là bị bắt buộc, không thiết chiến đấu, và chỉ tìm cách lẩn lại hậu phương, nhưng khi đi đánh lại bọn bạch vệ thì ông cứ yên trí, tôi đã không tiếc bốn ngón tay, - Uxchin hoa lên bàn tay trái có những ngón tay ngắn tù tù và to mập, nói tiếp: - Cái tay để cầm cốc đưa lên miệng thì còn nguyên. Nhưng cái tay để nuôi miệng thì, ông trông thấy đấy, thiếu quân số...
- Mảnh pháo hả?
- Lựu đạn.
- Sao lại còn được ngón trỏ?
- Nó khuất cái vòng cò súng, thế cho nên mới còn. Hôm ấy riêng tôi đã tiêu diệt được hai tên bạch vệ. Được thế thì cũng phải trả giá cái gì chứ nhỉ? Chúa đã nổi giận với tôi vì cái tội gây đổ máu, và thế là tôi phải cúng Chúa bốn ngón tay. Tôi cho thế còn là rẻ đấy. Chứ Chúa mà ác ý thì có thể đòi tôi nộp nửa cái sọ dừa ấy chứ...
Thái độ bình tĩnh của Đavưđốp dần dần lây sang Uxchin. Họ chuyện trò với nhau đã bằng một giọng ôn hòa. Anh chàng Uxchin ba trợn đã dịu đi, thậm chí cái nụ cười mỉa mai hóm hỉnh thường ngày lại hiện ra trên đôi môi anh ta.
- Sao không cúng nốt cái ngón tay ấy đi, còn độc mình nó thì được cái tích sự gì?
- Ô hay, ông chủ tịch ơi, ông coi xoàng tài sản của người khác quá! Độc mình nó thôi mà cũng được việc đấy.
- Được việc gì vậy? - Đavưđốp nén một nụ cười, hỏi.
- Được khối việc... Đêm ngủ dùng nó để dọa mẹ đĩ này, nếu mẹ đĩ không chịu chiều, ban ngày dùng nó mà xỉa răng này, để đánh lừa những bà con nhẹ dạ cả tin. Rớt mùng tơi như tôi đây thì cả năm may ra được một lần ăn xúp có thịt, nhưng ngày nào ăn uống xong tôi cũng nhởn nhơ ra đường, dùng ngón tay ấy gẩy gẩy răng, rồi nhổ toẹt ra, và thế là bà con ắt phải nghĩ bụng: “Mả cha cái thằng Uxchin sống đế vương thật! Ngày nào cũng chén thịt, thế thì phải lắm của lắm đây!”. Vậy mà ông lại bảo còn độc một ngón thì giữ làm gì... Nó đắc lực ra phết đấy chứ! Tha hồ cho bà con tưởng mình là giàu: muốn nói gì thì nói, thế cũng khoái!
Đavưđốp không nén được nụ cười nữa, nói:
- Anh mồm mép cũng khá đấy... Thế bây giờ có đi cắt cỏ không?
- Chuyện trò thân ái với nhau thế này thì hẳn là đi rồi!
Đavưđốp quay sang phía Ôxêtơrốp hỏi, vì bác ta là người cao tuổi nhất ở đây:
- Các bà ấy đi Tubianxki đã lâu chưa?
- Khoảng một tiếng đồng hồ đổ lại.
- Có đông không?
- Mươi mười hai bà. Các bà ấy cứ như đàn cừu mà: một con đi là cả đàn lốc nhốc theo sau luôn. Và đôi khi chỉ một con lếu láo cũng lôi theo cả đàn... Ngay như cả chúng tôi đây cũng thế, nghe cái thằng ôn dịch Uxchin này xui dại mà bỏ cả công việc, ngồi đánh bài!
Uxchin cười hề hề;
- Lỗi tại tôi? Này ông rậm râu sâu mắt ơi, đừng có cái gì cũng đổ lên đầu tôi! Các bà ấy đi lễ nhà thờ thì chuyện ấy có dính dáng gì đến tôi? Rủ rê họ đi sai đường lạc lối là mụ Atamantsukôva và một mẹ nữa trong làng đấy chứ. Hai mẹ ấy mò ra đây từ sớm tinh mơ cơ, và thế là tuyên truyền vận động luôn! Các mẹ ấy bảo: hôm nay là ngày lễ Thánh bà Glikêria cực khổ, và các bà ơi, hôm nay bỏ lễ đi cắt cỏ là tội to lắm đấy... Oánh trúng tâm lý nhá! Tôi liền hỏi các mẹ ấy: Glikêria nào thế nhỉ! Có phải con vợ bỏ của Nagunốp không? [Tên “Luska” có một biến dạng là “Lukeria”, tương tự với “Glikêria”. - ND] Thế thì đúng là cực khổ trăm bề: suốt đời lúc nào cũng có đứa nó đè ra, hành cho tới số.... Chà, thế là các mẹ ấy nhảy chồm chồm lên, tưởng đâu bão táp trút xuống đâu tôi vậy! Mẹ Atamantsukôva thậm chí còn khua nạng lên định choảng tôi, nhưng nhờ trời, tôi đã né tránh kịp, nếu không thì trán tôi đã có cái bướu tướng, như trán con ngỗng Hà Lan vậy... Lại thêm cái tội các bà nhà ta cứ bám riết lấy tôi như lũ bọ chó bám vào đuôi con chó vậy, tướt bơ tôi mới rứt được ra... Mình thật là cái số không may! Ngày hôm nay đúng là cái ngày xúi quẩy! Đấy bà con xem, sơ sơ có một buổi sáng mà đã phải chọi hết với các bà, rồi lại với ông chủ tịch, bây giờ lại với cái lão rậm râu sâu mắt Chikhôn Gorđêits này nữa! Chọi được thế thì cũng là tay có tài đây!
- Cậu thì tài rồi! Tài ấy cậu chả cần phải mượn ở đâu, Uxchin ạ, từ bé cậu đã chuyên môn gây gổ, như con gà sống choai. Nhưng cậu nên nhớ là gà sống chuyên gây gổ thì mào lúc nào cũng toạc đấy... - Ôxêtơrốp cảnh cáo.
Nhưng Uxchin cứ làm như không nghe thấy bác ta nói. Nhìn Đavưđốp một cái nhìn ngổ ngáo gan lỳ, anh ta nói tiếp:
- Ngược lại, về khoản các nhà tuyên truyền thì hôm nay chúng ta lại gặp may: họ đến tới tấp, người đi bộ tới, người cưỡi ngựa tới... Đường tàu hỏa mà gần thì khéo họ đáp cả tàu hỏa đến nữa! Nhưng về nghệ thuật tuyên truyền thì ông chủ tịch ạ, ông nên học hai cái mẹ nhà ta... Các mẹ ấy già hơn anh, ranh hơn, và nhiều kinh nghiệm hơn. Các mẹ ấy cứ rủ rỉ nói, ngọt như mía lùi, rất là một sự kính cẩn, y như rằng ăn chết, cấm trượt cú nào! Còn cái kiểu của ông thì thế nào? Vừa mới phi ngựa tới đã om sòm thảo nguyên: “Sao không làm?!”. Cái thời buổi bây giờ ai còn ăn nói với nhân dân kiểu ấy nữa? Từ ngày có chính quyền xôviết dân đã lôi cái lòng kiêu hãnh cất trong đáy hòm ra, và không mê những ai cứ quát tháo mình. Tóm lại, ông chủ tịch ạ, là dân không thích bị ai chọc đâu. Vả lại ngay cả xưa kia, dưới thời Sa hoàng, đối với bà con kô-dắc bọn ataman cũng chẳng quát tháo om sòm: chúng sợ xúc phạm các bô lão. Ông với Nagunốp nên sớm mà hiểu đi, là bây giờ đâu phải ngày xưa nữa, và nên bỏ những cái thói cũ kĩ ngày xưa đi... Dễ ông tưởng nếu ông không đấu dịu thì tôi cũng vẫn đồng ý đi cắt cỏ hôm nay đấy phỏng? Có cắt cái con khỉ! Nhưng ông đã hạ giọng, đổi giận làm lành, nhận chơi bài với chúng tôi, ăn nói phải trái dễ nghe, thế thì tôi xin toàn tâm đồng ý với ông! Ông cứ hai tay không mà đến với tôi, tôi sẽ đồng ý tất: đánh bài cũng được, cào cỏ cũng được.
Ngồi nghe chăm chú Uxchin nói, Đavưđốp trong bụng cảm thấy giận cay giận đắng mình và bứt rứt bực bội. Cái thằng cha kôdắc mồm mép thế này, hắn nói không phải là không có lý. Dù chỉ ở một điểm là lẽ ra anh, Đavưđốp, chẳng nên vừa đặt chân tới đội đã gắt gỏng quát tháo. Tiền đầu đã bất lợi, như Uxchin nhận xét. Duyên do làm sao mà anh không kìm được mình thể nhỉ? Và Đavưđốp không quanh co, tự nhận là mình đã tiêm nhiễm cái lối ăn nói cục cằn của Nagunốp. Anh đã tự buông lỏng cương, như Anđrây Radơmiốtnốp sẽ nói, và kết quả là có kẻ đã xỏ xiên khuyên anh phải noi gương mấy mụ già kia đã biết hành động một cách thận trọng, ngọt xớt như không, và đạt tới mục đích của các mụ ấy một cách ăn chắc, không hề vấp váp. Thật rõ như ban ngày nhá! Lẽ ra anh đến đội phải ung dung như không, ung dung ngồi nói chuyện, thuyết phục bà con là nghỉ lúc này rất không phải lúc, đáng lẽ thế thì anh lại quát thiên quát địa, và đã có lúc suýt nữa thì cái roi của anh cũng nhảy vào cuộc. Trong khoảnh khắc rất có thể là cả một năm cố gắng của anh lăn lộn tổ chức nông trang đã bị sổ toẹt, và sau đó, biết đâu đấy, cũng có thể phải lên huyện ủy đặt tấm thẻ Đảng lên bàn mà trả lại... Và đó sẽ là cái thảm họa ghê gớm nhất của đời anh!
Chỉ mới nghĩ đến một chuyện là cái gì sẽ xẩy đến cho anh nếu như anh đã không kịp thời tự chủ lại, Đavưđốp đã rùng mình, trong một giây phút thoáng cảm thấy sống lưng ớn lạnh...
Chìm đắm trong những ý nghĩ nặng nề ấy, Đavưđốp đăm đăm nhìn những quân bài rải rác trên mặt bạt, và không hiểu sao chợt nhớ lại cái trò chơi bài tính điểm anh vẫn chơi hồi nội chiến. Anh thoáng nghĩ: “Mình rao cao quá! Mình đã rao mười sáu trong khi đó còn thừa ít nhất là mười điểm, thực tế thế!”. Nhận là mình đã nóng nảy thiếu tự chủ cũng hơi mệt đấy nhưng anh cũng đủ can đảm để làm việc đó, và mặc dù không phải trong bụng không có sự cưỡng lại, miệng anh vẫn nói:
- Mình nặng lời như thế là sai toét tòe loe rồi, điểm ấy anh nói đúng, Uxchin ạ! Nhưng các anh bỏ việc ngồi chơi như thế nom ngứa mắt lắm, anh có thấy không? Thêm nữa, anh ăn nói với tôi cũng chẳng phải ngọt ngào gì. Nhưng tất nhiên chúng ta có thể nhất trí với nhau mà chả cần đến những lời xô xát. Thôi, chuyện ấy ta cho nó xong? Anh đi đi, lấy cho tôi đôi ngựa nào khỏe nhất đóng vào chiếc xe tải, còn anh, Netsaép, tìm đôi khác cũng kha khá đóng vào chiếc xe thổ mộ này cho tôi.
- Ông định đuổi theo các bà ấy hả? - Uxchin không khỏi ngạc nhiên, nói.
- Đúng. Mình sẽ cố thuyết phục các bà ấy, để các bà ấy về làm.
- Các bà ấy có chịu không?
- Để xem. Thuyết phục không có nghĩa là ra lệnh.
- Chậc, thế thì cầu Chúa và Đức Mẹ phù hộ cho ông! À này, ông chủ tịch ơi, ông cho tôi đi cùng với! Được không?
Đavưđốp đồng ý ngay, không chút do dự:
- Được, ta đi thôi. Nhưng anh sẽ giúp tôi một tay thuyết phục các bà ấy chứ?
Uxchin nhếch đôi môi nứt nẻ vì nắng nóng, cười:
- Có tay phụ tá của tôi sẽ giúp ông, tôi sẽ mang hắn đi theo!
- Phụ tá nào? - Đavưđốp ngỡ ngàng nhìn Uxchin.
Uxchin không đáp, lững thững đi tới xe lều, rút từ dưới đống áo dipun ra một chiếc roi dài mới toanh có cán lắp vào một sợi dây da rất đẹp.
- Lão phụ tá của tôi đây. Được đấy chứ? Lão này thì khiếp lắm, miệng nói có gang có thép! Lão ấy mà lên tiếng một câu là thuyết phục được ngay và nhà cửa êm ru. Ông đừng lo tôi chỉ còn tay trái!
Đavưđốp cau mặt lại:
- Anh đừng làm thế! Cấm anh không được đụng đến cái lông chân của các bà ấy, nhưng tôi lại muốn thử tài lão phụ tá của anh lên chính cái lưng anh đấy.
Uxchin chỉ nheo mắt lại, mỉa mai đáp:
- Ông nội tôi cũng định thử tài làm bánh, nhưng lại bị chó xơi mất nhân... Tôi là thương binh trong cuộc nội chiến, được ưu tiên chiếu cố, còn đối với các bà ấy thì một roi quắn đít chỉ có tác dụng làm cho ngoan ra, béo đẹp thêm thôi, cứ căn cứ vào bà nhà tôi thì tôi biết. Các bà ấy sinh ra trên đời là để bị đánh đòn mà! Vậy ông ngại cái gì? Tôi chỉ cần cho hai ba bà vài roi tử tế một tý là các bà khác khắc ù té lên xe ngay, ngồi đâu vào đấy!
Coi câu chuyện thế là xong, anh ta nhặt bộ giây cương lăn lóc dưới gầm xe lên, ra gò bắt ngựa. Netsaép và anh em khác cũng hối hả theo gót anh, trừ một mình bác Ôxêtơrốp ở lại.
- Bác Chikhôn Gôrđêits, sao bác không ra cắt cỏ? - Đavưđốp hỏi.
- Tôi muốn nói với anh vài lời về Uxchin. Được không?
- Cứ nói đi.
- Cái thằng ba toác ấy, lạy Chúa, anh đừng giận nó! Chỉ cần cái đai mông luồn dưới đuôi nó một cái là nó giở trò ngay, - Ôxêtơrốp nói giọng khẩn khoản.
Nhưng Đavưđốp ngắt lời ông ta:
- Hắn chẳng ba toác tí nào đâu, mà là kẻ thù địch trắng trợn với nông trang! Những kẻ ấy chúng tôi đã và sẽ trị thẳng tay!
- Thù địch gì nó? - Ôxêtơrốp sửng sốt thốt lên. - Tôi xin nói anh nghe, thằng ấy có cái tính cứ cáu lên là không biết trời đất gì nữa, thế thôi! Tôi biết nó từ lúc nó còn bé, và càng nhớ lại chỉ càng thấy cái tính nó vẫn gai góc thế. Thằng ôn vật ấy, trước cách mạng thành công, các cụ bô lão làng chúng tôi đã biết bao lần lôi ra hội đồng đánh cho vì cái tội chống đối. Đánh cho cháy đít, bò lê bò càng, nhưng rồi cũng như nước đổ đầu vịt. Một tuần lễ nó bỏng đít không ngồi được, xong rồi đâu lại hoàn đó, kiếm chuyện với mọi người, không tha ai. Nó có vẻ thú cái trò kiếm chuyện ấy lắm! Cứ như con chó kiếm rận vậy! Nó mà thù địch với nông trang ư? Đối với bọn nhà giàu nó là cái cục xương mắc ngang cổ, còn như nó sống thế nào, anh cứ đến xem thử. Cái lều nát xiêu vẹo, sập lúc nào không biết, gia sản thì có độc con bò cái còm và đôi cừu ghẻ, còn tiền nong thì suốt đời không xu dính đít, tất cả vốn liếng của nó chỉ là con rận ở túi bên phải, con rệp ở túi bên trái. Thêm vào đó là con vợ ốm quặt ốm quẹo, một lũ con lốc nhốc làm tình làm tội, và cái nghèo cái đói gặm cho chết dần chết mòn... Có lẽ chính vì thế mà nó cắn quàng cũng nên. Anh bảo nó là kẻ thù. Không, ba trợn thì có, nhưng kẻ thù thì không.
- Sao ông bênh hắn? Hắn có họ hàng gì với ông chăng?
- Chính thế, có họ. Nó vào hàng cháu tôi.
- Thế cho nên ông mới bênh chứ gì?
- Thì cũng phải thế chứ sao hả, đồng chí Đavưđốp? Một nách sáu con, lớn bé sàn sàn, lại thêm cái mồm mép nó ăn nói táo tợn. Bao nhiêu lần rồi tôi đã bảo nó: “Liệu vừa vừa cái mồm chứ, Uxchin ạ. Thế nào cũng có ngày mà vạ mồm vạ miệng, nóng lên nói quàng nói xiên, rồi đến bị tống đi Xibia mất thôi, lúc ấy vò đầu bứt tai thì đã muộn!”. Nó trả lời tôi như thế này: “Thế ở Xibia người ta phải đi bốn chân hay sao. Còn gió rét thì chẳng làm gì nổi tôi, tôi xương đồng da sắt!”. Cái thằng ba toác như thế thì anh bảo làm thế nào với nó? Lại còn lũ nhãi nhà nó nữa! Nuôi chúng nó rất gay, và với cái thời buổi bây giờ thì trở thành mồ côi cũng dễ như bỡn...
Đavưđốp nhắm mắt lại ngẫm nghĩ một lát. Phải chăng trong giây phút này anh đang nhớ lại cái tuổi ấu thơ tối tăm mù mịt, đầy đắng cay của anh?
- Anh đừng chấp làm gì những lời nó ăn nói lăng nhăng, - Ôxêtơrốp nhắc lại.
Đavưđốp đưa tay lên xoa mặt một cái, như bừng tỉnh.
- Thế này nhá, bác Chikhôn Gôrđêits ạ, - Đavưđốp nói chậm rãi, rành rọt từng tiếng. - Trước mắt, tôi chưa đụng đến cậu ấy. Cậu ấy cứ ở nông trang, làm việc tùy theo khả năng. Việc nặng chúng tôi sẽ không phân cho cậu ấy, việc nào vừa sức thì cậu ấy làm. Nếu đến cuối năm, số công không đủ, chúng tôi sẽ tương trợ, trích thóc quỹ chia cho các cháu. Rõ chưa? Nhưng bác hãy nói riêng với hắn đây là ý kiến của tôi: nếu một lần nữa hắn giở trò phá thối, gây hoang mang trong đội, hắn sẽ không yên với tôi đâu! Hắn hãy nghĩ lại đi trong khi chưa muộn. Tôi không hơi đâu mà đùa với hắn mãi, bác cứ bảo thế. Tôi thương là thương lũ trẻ, chứ không thương hắn!
- Thưa đồng chí Đavưđốp, xin cảm ơn về lời nói có tình. Xin cảm ơn đồng chí đã không để bụng mà ghét bỏ thằng Uxchin nhà tôi. - Ôxêtơrốp vừa nói vừa cúi rạp đầu xuống.
Nhưng Đavưđốp bất ngờ gắt om lên:
- Cái lối gì thế hả? Tôi có là tượng thánh cho ông đâu mà ông lạy! Chẳng cần ông lạy tôi vẫn cứ sống được, và tôi đã nói sao thì tôi sẽ làm vậy!
- Chúng tôi đã quen như vậy từ cái ngày xưa: cảm ơn ai thì phải cúi đầu xuống, - Ôxêtơrốp chững chạc đáp lại.
- Thôi được!... Bây giờ ông nói tôi nghe: bọn trẻ nhà Uxchin quần áo thế nào? Có mấy đứa được đi học?
- Mùa đông chúng nó ngồi xếp hàng đủ mặt trên trốc lò, vì ra ngoài thì không có gì khoác lên người. Mùa hè chúng nó đóng khố rách chạy nhông. Chúng nó cũng vớ được ít quần áo kulắc nông trang chia cho đấy, nhưng sao đủ che thân được. Còn chuyện đi học thì mùa đông vừa rồi, Uxchin đã cho nghỉ nốt đứa cuối cùng: quần áo chẳng có mà mặc, giày chẳng có mà đi. Thằng bé cũng đã lớn kệnh rồi, mười hai tuổi, ăn mặc rách rưới như ma dại nó xấu hổ...
Đavưđốp gãi gáy mấy cái như giận dữ, rồi bỗng quay ngoắt lưng vào Ôxêtơrốp:
- Ông đi cắt cỏ đi.
Giọng anh u uất, nghe như khó chịu... Ôxêtơrốp đăm đăm nhìn cái dáng gù gù một cách buồn bã của Đavưđốp, cúi rạp xuống chào anh một lần nữa, rồi thong thả đi ra chỗ cắt cỏ.
Trong bụng đã nguôi nguôi, Đavưđốp đưa mắt nhìn theo Ôxêtơrốp, nghĩ bụng: “Cái dân kôdắc này đến là lạ! Anh có giỏi thì cứ tìm hiểu xem cái thằng cha Uxchin kia lòng dạ ra sao. Một kẻ thù điên cuồng hay chẳng qua chỉ là một tay chuyên gây gổ và ba hoa xích đế, bụng có gì bày hết ra mồm? Mỗi ngày họ lại thêm cho mình một câu đố... Thật đến ma quỷ cũng không biết đằng nào mà lần với họ! Nhưng được rồi, mình sẽ lần ra! Người ta nói là muốn hiểu ai thì phải ăn cùng với họ hết một pút muối. Nếu cần, mình sẽ ăn cả một tải đầy, và nhất định mình sẽ lần ra, thực tế thế!”.
Uxchin đã cắt đứt dòng suy nghĩ của anh. Anh ta phi ngựa tới, tay dắt theo một con thứ hai.
- Ông chủ tịch ơi, đóng chiếc thổ mộ này làm quái gì? Đóng thêm chiếc xe tải nữa hay hơn chứ. Nếu các bà ấy bằng lòng quay về, thì ngồi xe tải có xóc tí cũng chẳng sao!
- Không, cứ đóng cho tôi chiếc thổ mộ, - Đavưđốp đáp.
Anh đã suy nghĩ kỹ cả rồi và biết rằng nếu công việc trót lọt thì sẽ dùng xe thổ mộ để làm gì

*
*    *

Sau bốn mươi phút phóng xe hai người đã trông thấy đằng xa đám lố nhố các bà các cô diện quần xanh áo đỏ ngày lễ đang thủng thỉnh leo lên con đường dốc.
Uxchin cho xe dấn lên chạy song song với xe Đavưđốp.
- Bám cho vững, ông chủ tịch nhá! Chuyến này thì là các bà ấy sẽ cho ông ốm ho đấy!
- Nói bắt chước anh chàng mù: “Rồi ta xem!”, - Đavưđốp giật cương thúc ngựa, đáp lại có vẻ thích thú.
- Ông không sợ à?
- Sợ cái gì? Các bà ấy chỉ độ trên dưới một tá chứ mấy.
- Ngộ nhỡ tôi lại ủng hộ các bà ấy thì sao? - Uxchin hỏi, mỉm cười khó hiểu.
Đavưđốp nhìn vào mặt anh ta chăm chú, nhưng không tài nào biết được anh ta nói thật hay đùa.
- Lúc ấy sẽ thế nào nhỉ? - Uxchin hỏi tiếp, nhưng bây giờ thì không cười nữa.
Đavưđốp dừng sững ngựa lại, xuống xe, bước tới xe Uxchin. Anh thò tay vào túi bên phải áo véttông, rút ra khẩu súng lục của Nextêrenkô cho anh, đặt nó lên đầu gối Uxchin
- Giữ hộ tôi cái đồ chơi này, cất kỹ nó đi. Vì nếu như chẳng may anh lại về hùa với các bà ấy, tôi e rằng không cưỡng nổi với sự cám dỗ tương cho anh một phát vào sọ đâu.
Anh giật cái roi khỏi bàn tay xâm xấp mồ hôi của Uxchin một cách dễ dàng, lấy đà quẳng nó ra xa bên đường.
- Thôi, ta đi! Phóng nhanh nhanh lên, Uxchin Mikhailôvíts, và nhớ lấy chỗ tôi vứt cái roi, để lúc về mà nhặt. Còn khẩu súng tôi, về đội anh sẽ trả lại tôi. Nào, chạy!
Đuổi kịp các bà, Đavưđốp phóng lướt sang bên rồi cho chiếc xe tải đỗ chắn ngang đường họ. Uxchin cũng dừng ngựa cạnh anh.
- Xin chào các bà chị, chào các cô em xinh đẹp! - Đavưđốp làm ra bộ vui vẻ chào các bà các cô đi lễ.
- Xin chào anh, nếu anh không định lỡm chị em chúng tôi, - một bà nhanh mồm nhanh miệng nhất đám thay lời tất cả, đáp.
Đavưđốp nhảy từ trên xe xuống, ngả mũ, cúi nghiêng mình:
- Xin thay mặt ban quản trị nông trang mời các bà các cô quay trở về đi làm cho. Các ông nhà ta phái tôi đuổi theo các bà. Các ông ấy đã đang cắt cỏ rồi đấy.
- Chúng tôi đi lễ, chứ có phải đi chơi đâu! - Một bà nái xề mặt đỏ bừng bóng nhoáng mồ hôi, kêu lên bực tức.
Đavưđốp hai tay vo tròn chiếc mũ kêpi áp lên ngực:
- Cắt cỏ xong các bà các cô tha hồ mà đi lễ, còn bây giờ thì không nên. Bà con xem, mây đen đang kéo đến, trong khi đó thì bà con chưa đánh được một đống cỏ nào. Cỏ sẽ hỏng hết mất thôi! Thối hết! Và sang đông súc vật sẽ khốn nạn. Cái đó bà con rõ hơn tôi nhiều chứ?
- Mây đen đâu mà anh bảo mây đen? - một cô trẻ măng chế giễu hỏi vặn lại. - Trời sạch tinh tươm như vừa mới tắm ấy mà!
- Phong vũ biểu đã báo mưa thì cần gì phải mây đen hả cô? - Đavưđốp nhanh trí chống chế. - Nhất định là sắp mưa đến nơi rồi! Ta về thôi, các bà các cô ơi, chủ nhật sau ta đi lễ. Để chủ nhật sau thì đã sao? Nào, mời các bà lên xe, tôi sẽ cho phóng như bay! Kìa, lên thôi chứ, mau kẻo muộn.
Đavưđốp nói ngọt cứ như mía lùi. Các bà các cô nghe bùi bùi tai, đã phân vân xì xào bàn tán với nhau. Chẳng ngờ giữa lúc ấy, Uxchin đã nhảy vào vòng, chi viện một tay cho Đavưđốp: anh ta lẳng lặng lẻn tới sau lưng một bà to lớn phốp pháp là vợ Netsaép, ôm ngang lưng, và mặc cho chị ta vừa đấm anh thùm thụp vừa cười như nắc nẻ, anh bế thốc chị ta chạy on ton mang về xe, nhẹ nhàng đặt ngồi xuống ghế sau. Các bà các cô cười rú, chạy tóe ra.
- Nào các bà tự động lên xe đi, không tôi giơ roi ra đấy! - Uxchin trợn trừng mắt, quát oang oang. Nhưng rồi cười xòa ngay: - Nói thế thôi chứ mời các bà chị lên xe, tôi chả dám đụng đến các bà đâu. Nhưng nhanh nhẩu lên, lũ quỷ cái!
Đứng thẳng người sừng sững trên xe, bà vợ Netsaép vừa buộc lại chiếc khăn vuông bị tuột, vừa hét:
- Thôi lên đi, các bà ơi, nhanh lên! Các bà bắt em đợi đến bao giờ? Các bà xem, vinh dự cho chị em ta lắm đây chứ: ông chủ tịch đích thân đánh xe đi đón chị em ta!
Các bà các cô chẳng phải để mời mọc nữa, từ ba phía xô đẩy nhau suồng sã ùa lên xe, cười nói ríu rít và mắt thì cứ liếc nhìn ông chủ tịch. Dưới đường còn trơ lại hai mụ già.
- Đồ quỷ xa tăng, anh làm cho hai bà lão chúng tôi phải cuốc bộ một mình đi Tubianxki đây này! - Mụ Atamantsukôva hằn học lườm Đavưđốp.
Nhưng Đavưđốp giở hết cái tài lịch thiệp ngày xưa trong đời lính thủy, rập hai gót giầy vào nhau đánh bộp một cái, nghiêng mình nói:
- Thưa hai mẹ, con đâu dám để hai mẹ đi bộ! Đây, có xe dành riêng cho hai mẹ đây, mời hai mẹ lên, đi lễ đi cho đến chán thì thôi. Anh Uxchin Mikhailôvíts đây sẽ đưa hai mẹ đi, đợi hai mẹ lễ, rồi lại đưa hai mẹ về tận nhà.
Mỗi phút là quý, thời giờ đâu mà đợi hai mẹ đồng ý! Đavưđốp khoác luôn lấy tay hai mụ kéo ra xe. Mụ Atamantsukôva cưỡng lại không chịu, nhưng Uxchin đứng đằng sau đẩy nhẹ mụ đi một cách lễ phép kính cẩn. Đặt được hai mụ lên xe rồi, Uxchin nắm dây cương rỉ tai Đavưđốp nói nhỏ, rất nhỏ:
- Anh thật là mưu ma quỷ kế, anh Đavưđốp ạ!
Trong suốt thời gian này đây là lần đầu tiên anh ta gọi đến tên của ông chủ tịch.
Đavưđốp cũng để ý điều đó, mỉm cười uể oải. Anh buồn ngủ rũ: hậu quả của đêm mất ngủ và bao nhiêu chuyện rắc rối trong ngày.

*
*    *

Hôm sau, sớm bảnh mắt ông chủ nhà đã đánh thức Đavưđốp dậy:
- Dậy, ông khách trọ ơi, có giao thông hỏa tốc ở tiền tuyến về kìa... Có anh chàng Uxchin Cụt-ngón tay ở đội ba phi ngựa về, yên cương rơi đâu mất sạch, mặt mũi sây sát, áo quần tơi tả...
Ông chủ nhà cười ha hả, còn Đavưđốp thì đang ngái ngủ chưa hiểu đầu cua tai nheo chuyện gì. Anh nghển đầu lên khỏi cái gối dúm dó, thờ ơ hỏi giọng nghe khó hiểu:
- Gì thế?
- Đã bảo là có giao thông hỏa tốc mà, nom tả tơi, đứt đuôi con nòng nọc là về xin cứu viện...
Cuối cùng Đavưđốp nghe đã rõ nhẽ, dậy xỏ vội quần áo vào. Anh đi ra hành lang rửa mặt qua quít bằng cái nước qua cả một đêm vẫn chẳng mát đi được, vẫn nóng một cách khó chịu, rồi bước ra hiên.
Uxchin Rưkalin đang đứng ở bậc thềm cuối cùng, một tay nắm cương ngựa, một tay vung lên đe con ngựa cái mình nóng hừng hực sau cuộc phi nước đại. Chiếc áo sơmi vải thô màu xanh đã bạc phếch của anh ta rách sả từng mảng và hẳn phải do một phép thần thông nào mới còn bám được vào đôi vai anh ta; má bên trái anh ta sưng tím từ gò má xuống đến cằm, mắt trái húp híp đỏ bầm, còn mắt phải thì giận dữ long lên sòng sọc.
- Nông nỗi đâu mà thế này? - Đavưđốp chân bước xuống thềm, miệng hỏi, quên cả chào.
- Cướp, cướp đồng chí Đavưđốp ơi! Cướp chính cống! Loạn! - Uxchin rít lên khàn khàn. - Chà, có là quân chó má nó mới giở cái trò ấy!
Con ngựa cái xuýt xéo lên chân Uxchin, và anh ta lại điên tiết, vung tay đe nó:
- Mày có đứng yên hay không, hả quân trời đánh!
- Cậu kể nghe cho có đầu có đuôi tí, - Đavưđốp đề nghị.
- Còn thế nào mới là có đầu có đuôi nữa! Tiên sư chúng nó, cũng mang tiếng là hàng xóm láng giềng với nhau! Cái giống ăn hại ăn bám ấy thì cứ cho chết thiêu chết cháy, chết bệnh chết tật cả đi! Anh thử nghe mà xem! Các ông hàng xóm chúng ta bên Tubianxki, cái hạng hàng xóm ấy thì tôi cứ tống cái càng xe bò vào mồm chúng nó, đêm qua đã lẻn sang cánh đồng Kim ngân chở trộm của chúng tôi đến ba mươi đụn cỏ chứ không ít. Sáng ra tôi còn thấy chúng nó chất cỏ lên hai xe tải còn rớt lại, cái cỏ mồ hôi nước mắt của chúng ta, còn xung quanh thì sạch nhẵn, không còn thấy qua một đụn cỏ nào! Tôi vội nhảy lên ngựa, phóng tới chỗ chúng: “Mả mẹ các anh, chứ các anh làm cái trò gì thế hả?! Trên cơ sở nào mà các anh lấy cỏ của chúng tôi?”. Một tên trong bọn, tên ngồi trên cái xe tải gần bên tôi, lại nhăn nhăn nhở nhở, cái quân chó má: “Trước là của các anh, nhưng bây giờ là của chúng tôi. Ai bảo dại, đi cắt cỏ trên đất người ta”. Tôi bảo: “Sao, không thấy cọc ranh giới chỗ nào à?” Thế là hắn nói: “Có anh ấy, anh hãy dụi mắt đi mà nhìn, cọc ở đằng sau lưng anh đấy. Đất này là đất Tubianxki từ thuở khai thiên lập địa. Ơn Chúa, cắt cỏ hộ chúng tôi, các anh làm cũng khẩn trương đấy”. À, ra thế đấy hả? Nhổ cọc cắm ra chỗ khác hả? Tôi liền túm lấy cẳng nó kéo tuột trên xe xuống, cho một quả phật thủ vào giữa hai mắt nó, cho nó sáng mắt ra, khỏi lẫn đất người ta với đất mình... Cái thằng ấy cũng xoàng, mới một quả đã lăn kềnh ra. Thế là ba thằng còn lại xông tới. Tôi cho thêm một thằng nữa ngửi đất. Nhưng rồi cả bốn thằng xúm vào đánh tôi, tôi địch khổng nổi. Một chọi bốn thì anh bảo chọi sao được! Trong khi anh em ta chưa kịp tới cứu, chúng nó đã tô vẽ mặt mũi tôi như quả trứng ngày lễ Phục sinh, còn chiếc áo sơmi thì toạc sạch. Anh bảo thế có chó má không? Thế này thì vác mặt về với bu nó ở nhà làm sao đây chứ? Được, đánh thì ông cho tha hồ đánh, nhưng sao lại túm ngực ông xé sả vai áo ông ra? Áo này bây giờ còn làm được cái của khỉ gì nữa? Khoác cho con bù nhìn giữ dưa, con bù nhìn cũng xấu hổ vì rách ruới quá, còn xé làm băng thì bọn con gái không thèm, vì đâu phải loại vải làm băng... Chà, tôi mà vớ được một thằng Tubianxki nào ngoài thảo nguyên thì nó chết với tôi! Cứ một chọi một, tôi sẽ cho nó vác về với vợ cái mặt cũng thâm tím chẳng kém gì tôi bây giờ!
Đavưđốp bá lấy vai Uxchin, cười ha hả:
- Không lo, áo khắc kiếm ra cái khác, còn mặt mũi thì đến lúc đi dự đám cưới sẽ hết thâm tím thôi.
- Cưới ai? Cưới anh hả? - Uxchin ranh mãnh hỏi.
- Đám cưới đầu tiên trong làng. Còn mình thì đã có ma nào chịu lấy đâu. Cậu có nhớ ông chú cậu hôm chủ nhật nói gì không? “Gà sống gây gổ thì mào lúc nào cũng toạc”.
Đavưđốp cười, nhưng trong bụng thầm nghĩ: “Chà, cậu Uxchin đáng yêu ơi, cậu đi đánh nhau không phải để giữ cỏ riêng của cậu, mà là giữ cỏ của nông trang, thì thật là tuyệt! Một sự việc rất chi là cảm động!”.
Nhưng Uxchin tự ái bước lùi ra:
- Anh Đavưđốp ạ, anh nhăn răng ra thì dễ thôi, nhưng tôi có bao nhiêu xương sườn long sạch cả đây này. Không phải cười mà xong việc đâu, anh hãy lên ngựa, sang bên Tubianxki mà đòi lại cỏ. Chúng tôi đã lấy lại được hai xe, nhưng suốt cả đêm chúng nó đã chở đi biết bao nhiêu là xe?! Vì cái tội ăn cướp của họ, họ phải chở cỏ về tận làng ta mà trả, thế mới là công lý. - Và đôi môi sưng vù rớm máu của Uxchin giãn ra trong một nụ cười khó nhọc: - Rồi anh xem, rồi lại chỉ toàn bọn đàn bà chở cỏ trả chúng ta thôi, chứ bọn kôdắc thì sẽ chẳng dám vác mặt sang thăm ta đâu. Nhưng khi sang ăn trộm thì lại toàn bọn kôdắc, mà chọn toàn những đứa gớm cả, đến nỗi khi mà bốn đứa xông vào giở đấm nói chuyện với tôi, tôi phát buồn nôn tới... Mình ngã chúng nó cũng không cho mình ngã, người chưa chạm đất chúng nó đã đấm bốc mình lên, hất từ tay đứa nọ sang tay đứa kia, cứ như quả bóng. Trong khi anh em chưa kịp! Bàn tay cụt của tôi, tôi quại lại cũng ra trò, nhưng như người ta nói, bốn nện một không chột cũng què!
Uxchin cố cười một cái nữa, nhưng chỉ rặn ra được một nụ cười nhăn nhúm, và khoát tay một cái:
- Đồng chí Đavưđốp ạ, đồng chí mà trông thấy cậu Liubiskin nhà ta thì đồng chí sẽ được trận cười đau ruột. Hắn cứ chạy lăng xăng quanh chúng tôi, nhẩy cẫng lên như con chó cái muốn nhảy qua hàng rào, và quang quác cái mồm: “Oánh, anh em ơi, oánh tan xác chúng nó ra! Oánh đi, tôi biết chúng nó rồi, chúng nó là giỏi chịu đòn lắm đấy!”. Hắn hét thế nhưng cứ đứng ngoài, không chịu xông vào. Ông chú Ôxêtơrốp tôi mới điên lên, quát hắn: “Thì vào đi, ủng hộ anh em một tay, đồ nỏ mồm! Hay là lại sợ lưng mọc nhọt rồi?”. Cậu Liubiskin xuýt nữa phát khóc, và gào lên: “Vào làm sao được! Tôi là Đảng viên mà, lại đội trưởng nữa! Anh em cứ quại vỡ mặt chúng nó ra cho tôi, còn tôi thì tôi cố nhịn vậy!”. Thế là hắn cứ chạy như đèn cù, hoa chân múa tay, răng nghiến kèn kẹt... Nhưng thôi, không nên mất thời giờ vô ích, anh đi ăn sáng mau lên, trong khi đó tôi đi kiếm cho anh con ngựa, đóng yên cương, rồi anh đi cùng tôi về đội. Các bố già trong đội bảo tôi là không dắt được anh về thì đừng vác mặt về. Cái cỏ mồ hôi nước mắt của chúng tôi, đời nào chúng tôi lại để cho cái bọn ăn bẩn ăn thỉu ấy xơi không!”.
Coi như chuyện đi sang Tubianxki thế là đã được quyết định, Uxchin buộc cương ngựa vào lan can, bước vào nhà ban quản trị. Đavưđốp nghĩ bụng: “Phải đi gặp thằng cha Pôlianhítxa. Nếu việc lấy cỏ ấy được hắn tán thành thì không tránh khỏi một cuộc cãi vã với hắn. Hắn ương bướng như con lừa. Nhưng dù thế nào cũng phải đi gặp hắn”.
Đavưđốp uống vội một cốc sữa mới vắt, nhá một mẩu bánh mì khô cứng, và trông thấy Uxchin cưỡi con ngựa của Nagunốp phóng tới cổng, một anh chàng Uxchin diện chiếc áo sơmi mới toanh và nom hăng hái lanh lẹn hơn bao giờ hết.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét