Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Đất Vỡ Hoang - II-18


Đất Vỡ Hoang

Tác giả: M. Sholokhov

Dịch giả: Vũ Trấn Thủ

NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)


Tập II

Chương 18

Thanh toán hai bát cháo kê loãng đuểnh đoảng chạy qua hàng mỡ, bác Suka đã tới cái trạng thái hoàn toàn thỏa mãn và buồn ngủ thiu thiu. Đưa mắt cảm tạ bà cấp dưỡng hậu hĩnh, bác phát biểu:
- Xin cám ơn tất cả các cô các chú về bữa rượu hôm nay, và riêng bác Krúprianốpna thì lão xin là một sự kính chào. Nếu bác muốn biết thì lão xin nói bác không phải là một chị phụ nữ đâu, mà là một hòm vàng, thực tế thế. Với cái tài nấu cháo của bác thì lẽ ra bác không phải nấu cho bọn dân ngu khu đen chúng tôi ăn đâu, mà nấu cho đích thân đồng chí Mikhain Ivanôvits Kanilin mới phải. Cứ đem đầu lão ra mà chặt nếu sau một năm phục vụ, trên ngực bác lại không lủng lẳng một chiếc huy chương nào đó do sự chuyên cần giỏi giang của bác, và biết đâu chẳng có cái dải danh dự gì đeo vào tay áo, lạy Chúa, lão không nói điêu đâu, thực tế thế! Lão thì cứ biết tới chân tơ kẽ tóc rằng ở đời cái gì là quan trọng nhất...
- Cái gì nào? - Đúpxốp ngồi cạnh bác hỏi luôn. - Theo như bác, cái gì là quan trọng nhất?
- Cái chén vào bụng! Lão nói thực đấy, không có gì quan trọng hơn cái chén vào bụng.
- Nhầm rồi, bác ơi, - Đúpxốp buồn rầu nói với một vẻ hết sức nghiêm trang, trong khi mắt thì liếc nhìn anh em. - Bác nhầm to rồi, và đó là vì cái óc của bác về già đã vữa ra như món cháo ta vừa ăn. Óc bác loãng toẹt, thế cho nên bác mới nhầm...
Bác Suka mỉm một nụ cười kẻ cả:
- Chưa biết óc anh với óc lão, óc ai loãng. Thế theo anh, ở đời cái gì quan trọng nhất.
- Tình yêu! - Đúpxốp không phải nói mà là thở dài ra tiếng ấy, và ngước đôi mắt mê ly lên.
Khuôn mặt rỗ nhằng rỗ nhịt của anh lúc này nom buồn cười đến nỗi bác Kúprianốpna là người đầu tiên không nén được nữa. Bác cười phá lên, sặc sụa như con ngựa đánh hơi thấy mưa, cười rung cả người, cười đỏ mặt tía tai phải đưa cánh tay áo lên che.
- Hà! Tình yêu! - Bác Suka khinh khỉnh cười ruồi. - Nhưng cái tình yêu của anh thì giá trị gì khi không có đếch gì lót vào bụng? Không bằng đồng xu! Anh cứ thử nhịn một tuần lễ xem, rồi không phải bà Kúprianốpna này, mà ngay cả vợ anh nữa cũng đấm thèm vào anh.
- Cái đó còn phải xem đã, - Đúpxốp cãi đến cùng.
- Trong chuyện này chả có gì phải xem cả. Lão biết hai năm rõ mười rồi. - Bác Suka cắt đứt lời anh, và trịnh trọng giơ ngón tay trỏ lên trời. - Lão sẽ kể bà con nghe một chuyện này, rồi thì mọi việc sẽ rõ như ban ngày, chả cần bàn cãi xem xiếc gì nữa.
Hiếm khi bác Suka vớ được một đám thính giả chăm chú hơn ba mươi con người này. Họ ngồi quanh đống lửa, và ai cũng chỉ lo bỏ sót mất một lời bác nói. Ít ra thì cũng là bác Suka cảm thấy vậy. Và cũng nên tha thứ cho bác. Trong các cuộc họp chả bao giờ người ta cho bác phát biểu cả; ngồi xe với bác, Đavưđốp cứ nín thinh, lúc nào cũng mải suy nghĩ những gì chẳng biết; bà lão thì ngay hồi còn trẻ cũng không phải là người thích chuyện. Vậy thì ông lão còn biết dốc bầu tâm sự với ai? Bởi thế cho nên bây giờ vớ được một đám thính giả vàng ngọc, và ăn uống no nê xong đang ở một tâm trạng phấn khởi cao độ, bác quyết định nói một bữa thỏa can tràng. Bác co cẳng ngồi một cách thoải mái, đầu gối tới mang tai, đưa tay lên vuốt râu, nhưng vừa há miệng để ề à kể lể con cà con kê thì Đúpxốp cướp lời. Anh làm ra vẻ nghiêm khắc, nói:
- Bác kể đi, nhưng cấm nói khoác! Đội chúng tôi có cái lệ: anh nào nói khoác thì cứ roi ngựa đét đít.
Bác Suka thở dài đau khổ, tay xoa xoa bàn chân trái:
- Anh Agaphôn ơi, anh đừng dọa lão thế. Hôm nay lão đã bị mấy phen sợ gần chết rồi... Số là câu chuyện thế này. Mùa xuân vừa rồi, anh Đavưđốp một hôm gọi lão đến, bảo: “Bác Suka ơi, bác vào kho lấy hai bì lúa mạch, lĩnh lương ăn đường của bác, rồi dẫn đôi ngựa giống phóng thẳng một mạch tới cuối Lũng khô, chỗ ta đang thả đàn ngựa cái. Bác phải dẫn hai chú rể ngựa đến đấy an toàn. Chăm đàn ngựa cái là ông điếc Vaxili Bápkin. Hai ông sẽ chia đàn ngựa làm hai tốp, ông Vaxili trông một, và bác trông một. Nhưng hai cái con truyền chủng thì bác phải chịu trách nhiệm, vỗ chúng no bằng lúa mạch”. Thú thật lão chưa hề nghe thấy cái tiếng truyền chủng bao giờ, chả biết nó là cái gì. Vấn đề khó hiểu quá. Ngựa giống thì lão biết, ngựa cái lão cũng biết, và cả ngựa thiến là gì lão cũng biết thừa. Lão liền hỏi: “Truyền chủng là cái gì hả anh?”. Anh ta trả lời: “Là vật để làm ra con, thế gọi là truyền chủng”. Lão lại hỏi: “Thế con bò mộng cũng là truyền chủng à”. Anh ta nhăn mặt lại như khỉ, bảo: “Dĩ nhiên”. Lão lại hỏi nữa: “Thế anh với lão cũng là truyền chủng à?”. Anh ta cười, bảo: “Cái ấy thì ông ơi, còn tùy tài lẻ từng người”. Nói tóm lại thì ra là thế này: dù anh là con người, dù anh là con chim sẻ, hoặc bất cứ con vật gì, nhưng hễ anh là con đực thì đứt đuôi con nòng nọc anh là con truyền chủng. Lão nghĩ bụng: “Tốt lắm!”. Nhưng nó lại đẻ ra một vấn đề khác: “Thế người làm ra thóc lúa thì là gì? Có phải là truyền chủng không?”. Lão hỏi anh ta như vậy, và anh ta thở dài, nói: “Ông ơi, đầu óc ông chậm lắm!”. Lão đối đáp lại ngay: “Anh chậm thì có, anh Xêmiôn ạ, vì lão sinh ra đời trước anh bốn mươi năm cơ, thế nghĩa là anh chậm hơn lão”. Chuyện lão với anh ấy đến đây là chấm dứt.
Bác Kúprianốpna thều thào hỏi:
- Thế nghĩa là cụ cũng là truyền chủng đấy hả cụ nội?
- Thế theo nhà chị, không truyền chủng thì là cái gì? - Bác Suka đáp lại, đầy vẻ tự hào.
- Lạy Chúa tôi! - Bác Kúprianốpna rền rĩ thốt lên, rồi tuyệt không nói được tiếng nào nữa, vì mặt đã úp vào tạp dề, và giữa không khí im lặng chỉ còn nghe thấy một tiếng ằng ặc như ngạt thở.
- Ông nội ơi, để ý làm gì chị ấy, cứ kể tiếp đi nào, - Kônđrát Maiđanhikốp quay mặt tránh hơi lửa, ngọt ngào nói.
- Cái giống đàn bà ấy thì cả đời lão có bao giờ thèm để ý! Để ý thì lão đừng hòng thọ cao đến như bây giờ, - bác Suka đáp bằng một giọng quả quyết, rồi nói tiếp:
- Lại nói chuyện lão đến bãi thả ngựa, lão đưa mắt nhìn quanh, rồi lão cứ mê ly đi! Bốn bề xung quanh toàn là một cảnh hưng phấn đến nỗi không còn muốn tếch đi đâu nữa! Hoa thơm khắp cánh đồng này, cỏ non này, đàn ngựa tha thẩn gặm cỏ này, trời nắng ấm này, tóm lại toàn là một cảnh hưng phấn!
- Bác nói cái tiếng ấy nó nghĩa là gì? - Bexklépnốp thắc mắc hỏi.
- Hưng phấn ấy hả? À, nó nghĩa là xung quanh rất chi là đẹp. “Phấn” là son phấn, tức là rất đẹp, cảnh đẹp như là tô son vẽ phấn. Nó là cách nói của những nhà thông thái đấy. - Bác Suka nói chắc như đinh đóng cột.
- Thế những cái tiếng ấy bác kiếm ở đâu ra vậy? - Bexklépnốp muốn biết cặn kẽ, tò mò hỏi tiếp.
- Kiếm ở chỗ anh Maka Nagunốp đấy. Lão với anh ấy là đôi bạn lớn mà, đêm nào anh ấy cũng ngâm cứu tiếng Anh, còn lão thì ngồi cạnh. Anh ấy đưa cho lão một quyển sách to như chị Kúprianốpna đây này, gọi là quyển tờ điển. Quyển tờ điển chứ không phải quyển i tờ đâu. I tờ là của trẻ con, còn tờ điển là của người lớn. Anh ấy đưa cho lão và bảo: “Bác học đi, tác dụng cho tuổi già lắm đây!”. Thế là lão cứ từ từ lão học. Nhưng, anh Akim ơi, anh đừng có ngắt lời lão như thế, kẻo mà lão quên mất, không nhớ đang nói chuyện gì. Còn chuyện quyển tờ điển thì lão sẽ kể các anh nghe sau. Thế có nghĩa là lão đến cái nơi lão được bổ nhiệm cùng với đôi ngựa truyền chủng. Nhưng ngựa truyền chủng đấy, rồi lại hưng phấn đấy, thế mà rốt cuộc cũng chẳng mùi mẽ gì... Số là thế này, bà con ạ: cái lão Vaxili điếc đặc ấy mà, ai không phải va chạm với hắn, người đó sẽ thọ thêm được mười năm để hưởng mùi đời.
Nghĩa là hắn cứ im như thóc, đến nỗi so với hắn thì anh chàng Đêmít Miệng hến còn là người bẻm mép nhất cái làng này. Lão đã phải chịu trăm bề cực khổ vì cái im thin thít của hắn giữa thảo nguyên. Chẳng lẽ lão lại đi nói chuyện với ngựa cái? Chứ lão Vaxili thì suốt ngày nọ sang ngày kia không lúc nào hắn mở miệng, trừ phi để chén; thời gian còn lại thì hoặc là hắn ngủ im thin thít, hoặc là hắn nằm đắp chăn nom như một cái gốc cây mục, và cũng lại im thin thít. Năm thì mười họa hắn mới hé hé mắt ra một tí, rồi lại im thin thít. Đó, hắn đã đặt ra cho lão một vấn đề không sao giải quyết nổi. Nói tóm lại, lão sống ở đấy ba ngày ba đêm mà cứ ngỡ mình ngồi ở bãi tha ma thăm người chết vậy, và có lúc đã lẩn thẩn nói chuyện một mình. Lão nghĩ bụng: “Chà, cơ sự này thì gay đây! Một người thích chuyện trò như mình mà phải sống thế này thì chả mấy chốc mà loạn óc mất!”...
Trong những ngày lễ, nghĩa là ngày mồng một tháng Năm và ngày mồng bảy tháng Mười một, khi phải nghe anh Maka Nagunốp nhà ta phát biểu dai như giẻ rách về cách mạng thế giới, tuôn ra hàng tràng những tiếng nghe chẳng hiểu là cái chết tiệt gì cả, sao mà lão khổ tai thế. Vậy mà trong mấy ngày ở đấy, lão chỉ ước gì được nghe anh ta nói suốt từ sáng đến tối, rồi lại suốt từ tối đến sáng, như nghe con sơn ca hót trong vườn, như nghe gà gáy nửa đêm vậy. Ờ mà bà con ơi, bà con thấy tiếng gà gáy nó thế nào? Lão thì thấy là nó nghe chẳng kém gì hát ở nhà thờ trong những buổi lễ cầu hồn cho kẻ chết đâu...
- Nói chuyện yêu không cần ăn đi chứ, cụ nội, chuyện gà gáy thì nói làm gì! - Anh chấm công đội sốt ruột ngắt lời bác.
- Bà con cứ bình tĩnh, đâu sẽ có đó, muốn chuyện yêu hay chuyện gì rồi cũng xong, không thành vấn đề. Nhưng lão đang nói chuyện Vaxili điếc đặc. Nếu hắn chỉ giở cái trò im thin thít thôi thì còn đỡ, nhưng hắn thêm cái tội ăn tham nữa mới hại lão chứ! Nấu được nồi cháo hoặc nồi bánh bột nặn thì rồi thế nào, bà con có biết không? Lão múc được một thìa thì hắn đã làm tới năm thìa. Mà cái thìa của hắn to tổ bố, nom cứ như cái càng xe lửa. Và cứ thoăn thoắt từ nồi lên mồm, rồi từ mồm xuống nồi, nom cứ chóng cả mặt, rồi đến khi mình nhìn xuống thì đã trơ cái đáy nồi ra rồi! Ăn xong lão đứng dậy cứ đói meo, còn hắn thì bụng trương phềnh, như cái bong bóng bò, hắn nằm phơi rốn ra và bắt đầu ợ nhá, ầm cả thảo nguyên! Hắn ợ hai tiếng đồng hồ liền, cái quân ôn dịch ấy, rồi chuyển sang ngáy. Mẹ cha hắn, chứ hắn ngáy khiếp đến nỗi ngựa ở quanh lều hết vía chạy bán xới cung mây cả. Hắn ngủ đến tận tối, về khoa ngủ thì hắn thật chả thua gì con cu ly ngủ mùa đông. Mấy ngày sống ở đấy, lão chết cay chết đắng như thế đó. Và đói rạc, như con chó hoang, và thèm nói chuyện, nhưng có đếch ai mà nói... Đến ngày thứ hai, lão đến ngồi bên hắn, khum hai tay làm loa, hét thật lực vào giữa lỗ tai hắn: “Đằng ấy vì sao điếc đấy? Vì chiến tranh, hay hồi bé bị tràng nhạc?”. Hắn gào trả lại to hơn: “Vì chiến tranh! Năm mười chín, xe lửa bọc sắt của Hồng quân bắn đại bác, nổ một quả cạnh chỗ tôi, con ngựa tôi cưỡi chết tươi, còn tôi thì bị chấn thương sinh ra điếc đặc”. Lão hỏi tiếp câu nữa: “Này, Vaxili ơi, tại sao đằng ấy chén như điên thế?”. Và hắn trả lời lão: “Ồ, mây kéo về thế là tốt đấy! Đang mong mưa!”. Đấy, bà con đi mà nói chuyện với một tên dấm dớ như vậy...
- Thế bao giờ mới nói sang cái tiết mục yêu đấy hả ông ơi? - Đến lượt Đúpxốp sốt ruột hỏi.
Bác Suka khó chịu cau mày lại:
- Yêu với chả đương, các anh chỉ được cái thế! Cái trò yêu đương ấy thì cả đời lão, cứ xin là tránh xa. Giá mà mồ ma ông cụ lão không ép thì mãn đời lão cũng chẳng thèm lấy vợ, thế mà bây giờ lại bảo lão nói chuyện yêu đương. Các anh thật là nhiễu sự! Nhưng nếu các anh muốn biết thì đây, lão kể các anh nghe yêu không cần ăn thì sẽ nên cơ sự gì...
Lão đến cái nơi lão được bổ nhiệm. Thế rồi đàn ngựa được chia làm hai tốp, nhưng mả mẹ nó, hai anh chú rể ngựa của lão chẳng thèm nhòm ngó gì đến các ả ngựa cái cả, độc suốt ngày gặm cỏ không biết mỏi răng... Không một mảy may ngó ngàng gì đến đám cô dâu! Lão nghĩ bụng: vấn đề rắc rối đây! Lão thật là khốn khổ nhục nhã vì hai cái con truyền chủng của lão. Lão cho chúng nó chén đầy đủ tiêu chuẩn lúa mạch đấy, nhưng mả mẹ chúng nó, chúng nó không đoái hoài gì đến lũ ngựa cái sất...
Ngày hôm sau cũng vẫn phớt lờ như thế. Lão đâm ra lúng túng ngượng nghiụ khi đi ngang qua chỗ bọn ngựa cái tội nghiệp kia, sượng mặt phải quay đi, không dám nhìn vào mắt chúng nữa, xin chịu thôi! Đời lão có bao giờ đỏ mặt đâu, nhưng ở đấy thì đã biết đỏ mặt là thế nào rồi: mỗi lần đến xua chúng ra đầm uống nước là y như rằng lão cứ đỏ dừ mặt như cô gái đồng trinh...
Lạy Chúa! Trong ba ngày đêm ấy, nhục nhã của lão vì hai con truyền chủng kia thì không sao kể xiết! Vấn đề hoàn toàn không giải quyết được. Sang ngày thứ ba đã diễn ra trước mắt lão cái cảnh như thế này: một ả ngựa cái tơ xán đến chàng màng con ngựa tía truyền chủng có sao trắng ở trán và cái vòng trắng ở cổ chân trái sau, mà lão gọi là con Hoa. Ả ngựa cái cứ ưỡn a ưỡn ẹo lượn quanh nó, đưa răng gặm gặm cù nó, giở đủ trò tán tỉnh. Cuối cùng, con Hoa ghếch đầu đặt lên lưng cô ả, lim dim mắt, rồi thở dài một tiếng nghe đến là não nuột... Ối Hoa ơi là Hoa, sao mà lại đến cái nông nỗi này! Lão giận phát run lên, nghĩ bụng: mấy con ngựa cái kia nó nghĩ về mình thế nào nhỉ? Chắc chúng nó bảo: “Cái lão già khỉ gió này dẫn đến cho chúng mình đúng là hai của nỡm”, và biết đâu chúng chả nói tệ hơn thế nữa ấy chứ...
Thế rồi ả ngựa cái khốn khổ kia mất hết kiên nhẫn, quay đít vào con Hoa của lão, phóng hai chân sau đạp cho cu cậu một quả trời giáng vào mạng mỡ, đến nỗi nghe kêu đánh rắc một tiếng bên trong. Lão cũng chạy tới, vừa chạy vừa cay đắng vãi nước mắt ra, rồi quật cho con Hoa một roi ngựa vào lưng, quát ầm lên: “Mày mang danh là con truyền chủng sao lại bôi gio trát trấu vào mặt mày, và cả mặt tao nữa là người già lão!”.
Tội nghiệp cho nó, nó co cẳng bỏ chạy độ mươi xagien, rồi đứng lại, hí lên nghe thật là não nùng, làm lão đứt ruột, đứt gan, và thương nó quá, lão khóc. Lão quẳng cái roi đi, bước đến vuốt ve mũi nó, còn nó thì ghếch đầu lên vai lão mà thở dài.
Lão nắm lấy bờm nó dắt về lều, và bảo: “Thôi, Hoa ơi, thày trò ta về thôi, láng cháng ở đây chẳng được cái tích sự gì, lại chỉ chuốc thêm nhục vào thân...”. Nói xong lão thắng nó vào xe, lên đường quay về làng. Còn thằng Vaxili điếc đặc thì gào lên: “Ông ơi, sang năm lại ra đây nhá, ra húp cháo với nhau. Từ nay đến đó, đôi ngựa giống của ông nếu không ngẻo thì cũng đủ thời giờ hồi sức lại đấy”.
Lão về làng, báo cáo đầu đuôi cho anh Đavưđốp nghe. Anh ta ôm đầu, gắt lão: “Tại ông chăm chúng nó tồi!”. Lão cãi trả lại ngay: “Không phải lão chăm tồi, mà là các anh bắt chúng nó kéo xe cho các anh đi nhiều quá. Lúc thì anh, lúc thì anh Maka Nagunốp, lúc là Anđrây Radơmiốtnốp. Ngựa giống mà không lúc nào rời được càng xe, còn lúa mạch thì có quỳ mà lạy cũng không moi được của lão Iakốp Lukits. Đời thuở nhà ai lại bắt ngựa giống kéo xe bao giờ không? Khi nó đã là ngựa truyền chủng thì nó chỉ có việc chơi không rồi chén đẫy, không thế thì vấn đề hoàn toàn không giải quyết được”. Nhưng may quá, chắc bà con còn nhớ, trên huyện gửi về cho ta đôi ngựa giống khác, vấn đề ngựa cái thế là đã giải quyết được. Đấy, yêu mà không có đủ cái chén thì nó nghĩa là như thế đó. Rõ chưa, hả đồ ngốc các anh? Và có gì mà các anh cười, chuyện người ta là chuyện hết sức nghiêm chỉnh.
Bác Suka đưa con mắt đắc thắng nhìn cử tọa, nói tiếp:
- Các anh suốt ngày chỉ rũi đất, như bọ hung rũi đống phân thì còn hiểu cái quái gì ở trên đời này nữa? Còn lão đây thì tuần nào ít ra cũng lên huyện một lần, có khi nhiều hơn. Như chị, chị Kúprianốpna ạ, chị đã có lần nào được nghe đài nói chưa?
- Nào có đi đâu mà được nghe. Mười năm nay cháu có lên huyện đâu!
- Ấy đấy! Thấy chưa? Còn lão, lần nào lên huyện lão cũng được nghe chán thì thôi. Để lão kể bà con nghe cái đài nó là cái của khỉ gì. - Bác Suka ngó ngoáy đầu, cười khúc khích: - Nó là một cái ống đen đen treo trên một cái cột ở đối diện huyện ủy, và lạy Chúa, nó nói oang oang lên nhá! Nghe mà dựng cả tóc gáy, và những hôm nóng nực hẳn hoi mà sống lưng cũng ớn lạnh, như kiến bò! Lão buộc ngựa bên cái ống ấy, lão nghe. Lúc đầu nghe nó nói về nông trang, về giai cấp công nhân, về những chuyện linh tinh khác nữa, cũng thấy hay hay. Nhưng rồi bỗng chỉ muốn rúc đầu vào thúng thóc: một anh chàng nào nó rống lên từ Mátxcơva, nghe ồm ồm như lệnh vỡ: “Rót nữa đi, rượu nồng ta cùng uống”, và lão nói bà con chả tin đâu, nhưng nghe hát thế mà tự nhiên lão thấy thèm tí chất cay quá, thèm khô cả họng! Thành thử về sau mỗi lần được cử đi công tác lên huyện, lão lại phải làm liều nẫng nhẹ của bà lão chục trứng gà, hoặc nhót được bao nhiêu thì nhót, và vừa đặt chân đến huyện, lão đảo ngay ra chợ, bán trứng đi, rồi lại đảo ngay ra quán. Ngồi rung đùi bên cốc vốtka mà nghe cái ống ấy nó hát đủ các thứ bài thì lão có thể đợi đồng chí Đavưđốp suốt ngày được. Những khi không nhót được trứng ở nhà, vì về sau bà lão cảnh giác theo dõi lão sát sao mỗi lần lão đi, thì lão vào huyện ủy, rỉ tai đồng chí Đavưđốp: “Anh Xêmiôn ơi, chiêu đãi lão phần tư lít vốka đi, chứ ngồi vêu đợi đồng chí thì lão buồn chết mất”. Anh ấy là người rất chi là xông cảm, cho nên chả bao giờ từ chối, thế là lão lại ra thẳng quán, nhấm nháp một chút, rồi hoặc là tìm chỗ nắng ấm đánh một giấc thoải mái, hoặc là nhờ ai trông giùm hai con truyền chủng lão đi phố thanh toán mấy cái công tác chưa được giải quyết của lão.
- Ông thì còn có công tác gì trên huyện? - Akim Bexkhlépnốp hỏi.
Bác Suka thở dài:
- Một ông chủ gia đình thì thiếu gì công tác? Lần thì chai dầu tây, lần thì hai ba bao diêm. Hoặc nói dụ là: lúc nãy đồng bào hỏi lão những cái tiếng thông thái trong tờ điển, thế thì trong tờ điển người ta in như thế này: đầu tiên là một chữ in nét đậm, không có kính lão cũng nhận ra, nhưng liền ngay cạnh nó là những chữ li ti để giải thích, tức là để giảng cái nghĩa của nó. Thực ra có những chữ chả cần phải giảng nghĩa là gì lão cũng thừa hiểu. Xí dụ như chữ “độc quyền”, lão thừa biết nó là cái quán bán rượu, chữ “pích-cớp” thì nghĩa là một anh vô tích sự, một thằng ba que xỏ lá, có thế thôi. Còn “hội họa” là một cô gái đẹp ăn mặc theo lối tỉnh thành, ngược lại “đăng-ren” thì chẳng phải cái gì khác mà là một bà đang đi dạo mát, “hành lang” thì chính là cái tình yêu của anh đấy, anh Agaphôn ạ, cái tình yêu nó làm anh đâm ra hơi bị ngớ ngẩn, và nhiều chữ khác nữa. Nói thế thôi chứ lão vẫn cần có đôi kính. Một hôm lên huyện với anh Đavưđốp, lão đi kiếm ngay chỗ mua kính. Bà nhà lão cho lão tiền vì đây là một việc rất chi là quan trọng.
Lão đi đến một nhà thương, nhưng tới nơi thì té ra chẳng phải là nhà thương, mà là nhà đẻ; ở một phòng độc thấy những bà đang rên i ỉ, khóc mếu mỗi người một giọng, trong một phòng khác thì trẻ lóc nhóc bé bằng nắm tay đang ngheo ngheo như mèo con. Lão nghĩ bụng: mình nhầm chuồng rồi, đây thì người ta làm gì có kính bán cho mình. Lão đi đến một nhà thương khác thì thấy có hai anh chàng đang ngồi đánh cờ ngoài hiên. Lão chào và hỏi: “Ở đây bán kính chỗ nào đấy ạ?”. Hai anh chàng ấy co rúm người lại, và một anh nói: “Ông nội ơi, ở đây người ta bán cho ông cái loại kính ông đeo vào thì nổ con ngươi ra đấy, đây là nhà thương hoa liễu, ông có mau mau cao chạy xa bay đi không, không thì người ta sẽ đè ông ra chữa cho ông đấy”.
Tất nhiên là lão sợ gần chết và ù té nhá, ba chân bốn cẳng bán xới cho mau khỏi cái nhà thương ấy. Và hai cái thằng chết giẫm kia đuổi theo lão ra đến đường, một thằng huýt sáo the thé, còn một thằng thì kêu ầm hàng phố lên: “Chạy mau lên, ông già chơi trống bỏi ơi, kẻo họ tóm được bây giờ!”. Ối giời ơi, thế là lão phi như ngựa, tẩu như bay! Thành thử lão nghĩ bụng, trong lúc Chúa đi vắng, họ có thể bắt oan mình, rồi đứng trước mặt các ông bác sĩ anh tha hồ mà phân trần.
Chạy đến hiệu thuốc thì tim lão muốn nhảy ra ngoài. Nhưng hiệu thuốc cũng không có kính bán. Người ta bảo: cụ ơi, cụ phải đi Milêrôvô hoặc Rôxtốp, bác sĩ khoa mắt người ta cấp giấy cho cụ thì mới mua được kính. Lão nghĩ bụng: thế thì lão xin kiếu, hơi đâu đi vì cái chuyện vớ vẩn ấy!... Thành thử đọc tờ điển lão cứ đoán thôi, vấn đề kính thế là hoàn toàn không giải quyết được.
Chuyện xảy ra cho lão ở trên huyện thì có biết bao mà kể, vô thiên lủng!
- Ông ơi, ông phải kể cho thứ tự tí, không lại như con chim sẻ nhảy cành nọ sang cành kia, rồi không biết đâu là đầu, đâu là đuôi nữa, - Đúpxốp đề nghị.
- Thì chính là lão đang kể thứ tự đây, trọng tâm là anh đừng có ngắt lời lão. Anh mà ngắt lần nữa là đầu óc lão lẫn tiệt, rồi chuyện lão kể sẽ rối tinh lên, bà con xúm vào gỡ cũng chẳng gỡ nổi đâu. Là lão đang nói chuyện một hôm lên huyện, lão gặp một hội họa, nghĩa là một cô gái đẹp, xinh xắn như một con dê cõn, ăn mặc theo kiểu tỉnh thành, tay đeo ví. Cô ta đi giày cao gót, độc nghe thấy “cốp, cốp, cốp, cốp” cứ như con dê gõ móng xuống đất. Mà lão thì về già sao mà lão thích những cái mới lạ thế không biết, thích kinh lên được! Bà con ạ, lão cũng đã đi thử xe đạp rồi đấy. Một hôm thấy một cậu chàng đang cưỡi cái máy ấy, lão bèn hỏi: “Cháu ơi, cháu cho lão cưỡi thử cái máy của cháu tí xem sao”. Anh chàng ấy vui vẻ bằng lòng ngay, giúp lão leo lên cái máy chạy của anh ta, giữ cho lão đi, còn lão thì hai chân ra sức đạp loạn lên. Rồi lão đề nghị anh ta: “Đừng giữ nữa cháu, lạy Chúa, lão muốn đi một mình xem sao”. Nhưng anh ta vừa buông lão ra là tay lái lão ngoáy một cái, và lão ngã chúi vào bụi xiêm gai. Gai cây ấy đâm vào khắp người lão, và cả chỗ không tiện nói với bà con, nhiều không sao đếm xuể! Lão mất một tuần lễ mới nhổ hết, lại thêm cái quần móc phải gốc cây rách tan.
- Ông nội ơi, ông kể chuyện cô gái kia đi chứ, chuyện cái quần của ông kể làm gì! - Đúpxốp nghiêm trang ngắt lời bác. - Ông nghĩ mà xem, cái quần của ông thì anh em thiết gì?
- Đấy, anh lại ngắt lời lão rồi, - bác Suka rầu rĩ đáp. Nhưng rồi bác cũng vui lòng kể tiếp: - Lão đang nói chuyện cái con dê cõn xinh xắn ấy vừa bước đi vừa vung vẩy tay như một chú lính đi một hai, còn lão thì nghĩ bậy trong bụng: ước gì mình được khoác tay cô ấy đi dạo tí nhỉ! Cả đời lão chưa được khoác tay ai bao giờ, mà trên phố huyện thì thấy trai gái họ đi với nhau kiểu thế luôn: lúc thì cậu khoác tay cô, lúc thì cô khoác tay cậu. Lão xin hỏi bà con, ở nhà quê ta thì làm gì ra có cái thú ấy? Ở làng ta mà đi như thế thì người ta cười cho thối mũi, có phải không?
Và đến đây nảy ra một vấn đề: làm thế nào để khoác được tay người đẹp kia nhỉ? Thế là lão nghĩ được một kế: lão còng lưng xuống rồi rên rỉ ầm cả hàng phố. Cô gái chạy đến, hỏi: “Cụ sao thế hả cụ?”. Lão đáp: “Cô ơi, lão ốm, lưng đau như gãy thế này thì làm sao tới nhà thương bây giờ...”. Cô ta bảo: “Để cháu dìu cụ đi. Cụ vịn vào tay cháu đây”. Lão đem hết can đảm ra khoác lấy tay cô ấy, cứ như lão với cô ấy khoác tay nhau đi dạo vậy. Khoái ơi là khoái! Vừa tới cửa hàng bách hóa huyện thì lão từ từ thẳng người lên, và trong khi cô ta còn ngơ ngác chưa hiểu, lão làm đánh chụt một cái lên mà cô ta rồi bỏ chạy vào cửa hàng, mặc dù lão chẳng có công tác gì trong ấy cả. Mắt long lên sòng sọc, cô ta chửi với theo: “Ông là người đê tiện, giả vờ giả vịt!”. Lão bèn đứng lại, nói: “Cô ơi, đói ăn vụng, túng làm liều! Cô xông cảm cho, từ thuở cha sinh mẹ đẻ lão chưa được khoác tay một cô gái đẹp bao giờ, và lão sắp về chầu trời đến nơi rồi”. Rồi lão chuồn vào trong cửa hàng, phòng cô ta gọi sảnh sát. Nhưng cô ta bật cười rồi bỏ đi đường cô ta, độc chỉ còn nghe thấy côm cốp cồm cộp. Lão chạy đâm đầu vào trong cửa hàng, miệng thở hổn hển. Người bán hàng hỏi: “Cụ cháy nhà sao đấy?”. Lão thở không ra hơi, nhưng cũng đáp: “Còn quá cháy nhà chứ. Anh bán cho lão bao diêm”.
Bác Suka còn muốn tiếp tục kể lể con cà con kê Bác Suka còn muốn tiếp tục kể lể con cà con kê hồi lâu nữa, nhưng mệt mỏi sau một ngày lao động, các thính giả của bác bắt đầu lục tục giải tán. Bác khẩn khoản nài họ chịu khó nghe nốt vài chuyện nữa nhưng vô hiệu: chẳng mấy chốc quanh đống lửa tàn đã không còn lấy một bóng người.
Tự ái và ngán ngẩm hết sức, bác Suka lò mò ra chỗ máng cỏ, lăn vào đấy đắp áo dipun nằm co ro. Nửa đêm sương rơi nặng hạt. Bác Suka rét run cầm cập choảng tỉnh dậy, và quyết định: “Ta vào xe lều ngủ với anh em, chứ nằm đây thì mình run như con chó con vứt ngoài tuyết vậy”.
Cái lô những chuyện đen đủi lại tiếp tục đổ xuống đầu bác, từ từ, nhưng không tránh được... Bác nhớ là trong vụ cày xuân, anh em kôdắc vẫn ngủ trong lều còn cánh phụ nữ thì ngủ ngoài trời, và trong lúc mắt nhắm mắt mở không nghĩ ra là hai tháng qua sự đời đã có thể đổi thay, bác Suka lẳng lặng bò lổm ngổm vào trong xe, cởi giày ra, nằm ngay xuống bên cửa, rồi ngủ say tít cung mây giữa hơi người ấm sực. Nhưng một lát sau bác lại choàng tỉnh dậy vì tức thở. Sờ thấy có cái đùi ai phơi trần gác lên ngực mình, bác bực mình không chịu được, nghĩ bụng: “Cái dân cổ cày vai bừa này nó ngủ cũng không ra thế nào. Cưỡi lên người ta như cưỡi ngựa thế này bao giờ!”.
Nhưng khi định gạt cái khối thịt nặng như tảng đá đè trên ngực ấy ra thì bác bỗng rụng rời chân tay: đó không phải cái đùi đàn ông mà là cánh tay để trần của bà Kúprianốpna. Và bác nghe thấy bà ta thở phì phò bên tai. Trong xe lều toàn chỉ có cánh phụ nữ ngủ...
Bác Suka nằm rã rời vài phút nữa, không dám cựa, hoảng sợ, mồ hôi vã ra như tắm. Rồi bác vơ vội đôi giày len lén bò ra khỏi xe như con mèo ăn vụng, và bước thấp bước cao đi ra xe của bác. Bình sinh chưa bao giờ bác thắng ngựa vào xe nhanh thoăn thoắt đến thế! Bác vung roi quất ngựa một cách không thương xót, cho xe phóng như bay rời khỏi chốn này, mắt chốc chốc lại ngoái lại nhìn chiếc xe lều đang in bóng tai ác của nó lên nền trời rạng đông.
“Phúc tổ mình đã kịp thời tỉnh dậy. Chứ nếu mình ngủ quá mắt đi, cánh phụ nữ sẽ trông thấy mình nằm cạnh mụ Kúprianốpna mất, và cái vòng tay hộ pháp của con mụ khốn kiếp ấy lại còn ôm choàng lấy mình nữa chứ!... Ối giời ơi, lạy Đức bà đồng trinh! Thiên hạ sẽ cười cho đến lúc mình xuống lỗ, và xuống lỗ rồi cũng chưa chắc đã thoát đâu!”.
Ngày hè bình minh lên nhanh. Chiếc xe lều đã khuất không còn trông thấy nữa. nhưng đi khỏi ngọn gò thì một chuyện đau đầu khác phục sẵn đợi bác ở đấy: vô tình nhìn xuống chân, bác bỗng phát hiện chân phải bác đi một chiếc giày phụ nữ hầu như mới toanh, đường khâu rất khéo và có dây da rất điệu. Nhìn cỡ thì rõ rành rành chỉ có thể là của bà Kúprianốpna thôi.
Sợ đến lạnh tóc gáy, bác Suka lên tiếng cầu nguyện: “Lạy Chúa lòng lành, con có làm gì trái ý Chúa mà Chúa trừng phạt con thế này?! Nghĩa rằng là lúc tối tăm mình đã xỏ nhầm giày. Thế này thì mình vác mặt về nhà với bà lão làm sao đây? Một chân giày đàn ông, một chân giày đàn bà, đó là một vấn đề không thể giải quyết được!”.
Nhưng rồi vấn đề vẫn được giải quyết: bác Suka lái ngoặt xe, cho rẽ vào con đường dẫn về làng. Bác đã quyết định một cách rất chí lý rằng bác không thể lên huyện đi chân đất, hoặc mỗi chân một kiểu giày được. “Mặc xác cha cái anh trắc địa ấy, không có anh ta thì vẫn cứ xong việc như thường. Đâu cũng là Chính quyền xôviết, đâu cũng là nông trang cả, vậy nông trang này lấn của nông trang kia tí đất đồng cỏ thì đã sao”, - trên đường về Grêmiatsi Lốc bác buồn bã lý sự một mình như vậy.
Về cách làng hai cây số, quãng con đường men theo một đoạn khe sâu, bác đã ra một quyết định nữa không kém phần táo tợn: bác cởi hai chiếc giày ra, lấm lét nhìn quanh, rồi vứt tòm xuống khe, miệng lẩm bẩm chửi vọng theo:
- Tiên nhân cha chúng bay chứ, tội gì ông chịu khốn nạn vì chúng bay!
Hể hả phấn khởi vì đã trút gọn được cái tang vật oan gia kia, bác Suka cười nụ khi mường tượng thấy cảnh bà Kúprianốpna sáng sớm tỉnh dậy sẽ kinh ngạc xiết bao khi thấy chiếc giày da của mình đã mất tích một cách bí hiểm như thế.
Nhưng bác mừng hơi sớm: hai đòn nữa của số mệnh, hai đòn cuối cùng, nhưng cũng là những đòn ác liệt nhất, chí tử, đang đợi bác ở nhà...
Vừa tới đầu ngõ bác đã trông thấy một đám các bà đang tụ tập, xôn xao vì chuyện gì chẳng biết. Bác giật mình nghĩ bụng: “Khéo bà nó nhà mình làm sao rồi?”. Bác chẳng nói chẳng rằng rẽ đám các bà đang có chuyện gì cứ tủm tà tủm tỉm kia ra, bước vào. Nhưng vừa vào tới bếp và đưa vội mắt nhìn quanh một cái, bác bỗng bủn rủn chân tay, rồi làm dấu phép, miệng thều thào không ra hơi: “Gì thế này?”.
Bà lão nhà bác đang nước mắt ngắn nước mắt dài lắc lắc ru một trẻ mới đẻ cuốn tã và đang khóc giật lên từng cơn.
- Cái gì mà lạ thế này? - Bác Suka sững sờ thều thào, nhưng tiếng bác nghe đã rõ hơn.
Thế là bà lão trợn ngược đôi mắt sưng húp lên nom đến dữ tợn, bù lu bù loa:
- Con ông người ta quẳng giả đây, chứ còn chuyện gì! Mẹ cha ông, chữ nghĩa lắm vào! Banh mắt ra mà đọc cái giấy trên bàn kia đi.
Bác Suka càng tối sầm mặt lại, nhưng rồi loay hoay cũng đọc được mấy dòng chữ nguệch ngoạc như gà bới viết trên một mấu giấy gói:

“Thưa cụ, cụ đã cho con đứa trẻ này thì xin cụ hãy nuôi lấy nó”.
……………………..

Đến chiều, giọng khản đặc vì xúc động và vì gào, bác Suka gần như đã thuyết phục được bà lão là bác chả có tham gia tí gì vào sự ra đời của đứa bé này cả, thì vừa đúng lúc ấy ở cửa bếp xuất hiện một thằng bé lên tám, con nhà Liubiskin.
- Ông ơi, hôm nay cháu đi chăn cừu, trông thấy ông đánh rơi giày xuống khe. Cháu xuống tìm, mang về cho ông đây. - Và nó chìa ra đưa bác Suka đôi giày tội nợ kia.
Sau đó đã xảy ra chuyện gì thì, theo cách nói của mồ ma bác thợ giày Lôkacheép là bạn con chấy cắn đôi của bác Suka, điều đó “còn bao phủ trong tấm màn bí mật”. Chỉ biết rằng trong suốt tuần lễ sau đó bác Suka phải băng kín má, và mắt bác húp híp thâm tím; và khi có ai tủm tỉm hỏi bác vì sao phải băng má thì bác quay mặt đi, trả lời là cái răng độc nhất còn lại của bác bị đau, đau lắm, đau không thể nói chuyện được.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét