Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập II
Chương 27
Cuộc sống ở Grêmiatsi Lốc vẫn xuôi dòng, và
cao cao bên trên thôn xóm vẫn là cái cảnh trôi xuôi lững lờ và oai nghi có tự
ngàn xưa ấy: vẫn những đám mây trôi đi bên trên xóm làng, đôi lúc trắng điểm
màu sương giá, đôi lúc chuyển màu sắc, từ màu xanh thẫm giông bão sang cái màu
đùng đục không xác định; đôi khi, lúc mặt trời lặn, chúng bốc cháy lên một ánh
sáng rực hoặc xỉn, báo hiệu hôm sau có gió, và những lúc ấy, trong tất cả các
sân nhà, đám đàn bà con trẻ lại được nghe thấy từ miệng các ông chủ gia đình hoặc
những người sắp thành chủ gia đình, những câu ngắn gọn có giá trị thuyết phục
cũng từ ngàn xưa: “Gió ấy thì đánh rơm, chở cỏ cái gì?”. Rồi một ai trong đám
người ngồi đó - ông già bà cả trong nhà hoặc người hàng xóm - đáp lại sau một
phút im lặng: “Chả phải nói. Gió bẻ gãy sừng bò đấy”.
Và trong cái không gian trên trời gió đông
thổi lồng lộn, dưới đất người người bị dồn vào cảnh ăn không ngồi rồi, thì tại
tất cả ba trăm ngôi nhà trong thôn xóm, người ta lại kể lại vẫn cái câu chuyện
về một chàng Ivan Ivanôvits Đechiarép nào đó chết từ lâu rồi. Ngày xửa ngày
xưa, anh chàng Ivan ấy đã nảy ra ý định đi chở lúa ngoài đồng về vào một hôm trời
nổi gió đông, và khi thấy gió cuốn đi mất của anh từng bó lúa, từng lượm lúa
chín vàng, thất vọng thấy mình chống lại gió không nổi, anh bèn cầm cây đinh ba
xóc lên một bó lúa to tướng, rồi quay nhìn về hướng đông tức giận quát lên bảo
gió: “Nào, mày đã khỏe thế thì mày cuốn nốt cả cái này đi này! Cuốn đi, đồ khốn
kiếp!”. Rồi anh lật xe đổ hết những bó lúa xếp vuông vức ra, đi xe về không, miệng
chửi vung tán tàn.
Cuộc sống ở Grêmiatsi Lốc vẫn đủng đỉnh
xuôi dòng, nhưng mỗi ngày mỗi đêm lại mang đến cho mỗi một trong ba trăm ngôi
nhà của thôn xóm những vui buồn, những niềm lo âu lớn nhỏ, những đau thương
không phải chốc lát mà nguôi đi... Hôm thứ hai, cụ Agây, người chăn bò của làng
từ bao năm nay, đã qua đời ở ngoài bãi thả vào lúc rạng đông. Cụ đuổi theo để
lùa về một con bò cái non mất nết, nhưng mới lóc cóc chạy được một quãng thì bỗng
đứng sững lại, ôm cái roi đè lên quãng tim, loạng choạng một phút, hai cẳng
chân lòng khòng giẫm tại chỗ, rồi lảo đảo như người say rượu, cụ buông rơi cái
roi, bước thấp bước cao từ từ quay trở lại. Người con dâu cụ Bexkhlépnốp đang dắt
bò đi qua vội chạy lại nắm lấy hai bàn tay già lạnh giá của cụ, vừa hổn hển thở
hơi thở nóng hổi của mình vào đôi mắt như sứ của ông lão, vừa hỏi:
- Cụ ơi, cụ khó chịu trong người hay sao thế?!
- Và lấy lại được hơi, chị kêu lên: - Cụ ơi, cụ cần gì không để con giúp?!
Cụ Agây lắp bắp, lưỡi đã líu lại:
- Cháu ơi, đừng sợ... Đỡ lão tí, không lão
ngã mất...
Rồi cụ ngã, đầu tiên là khuỵu đầu gối phải,
rồi đổ nghiêng xuống. Và tắt thở. Tất cả chỉ có thế.
Và vào lúc ăn trưa, hầu như cùng một giờ,
có hai chị nông trang viên sinh nở. Một chị đẻ rất khó. Đavưđốp đã phải vơ
quàng một chiếc xe ngựa phái hỏa tốc sang Vôixkôvôi mời thầy thuốc. Anh đi viếng
cụ Agây, vừa mới ở chỗ gia đình côi cút của cụ trở về thì anh nông trang viên
trẻ tuổi Mikhây Kudơnétxốp chạy xộc vào trụ sở nông trang. Tái xanh tái xám và
hớt hơ hớt hải, chửa đặt chân đến cửa anh ta đã mở máy:
- Đồng chí Đavưđốp ơi, lạy Chúa, đồng chí
giúp cho! Nhà tôi đau đẻ đã hai hôm nay rồi mà không làm sao rặn ra được. Ngoài
cô ấy ra, tôi lại còn một nách hai đứa nhỏ, và nom cô ấy mà rớt nước mắt. Đồng
chí giúp cho cái xe, phải tìm thầy thuốc, chứ các bà mụ nhà ta thì chịu rồi...
- Đi theo tôi! - Đavưđốp nói, và bước ra
sân.
Bác Suka đã đi chở cỏ khô ngoài thảo
nguyên. Ngựa đều đi có việc cả.
- Ta đi về nhà anh, anh cứ vào với chị ấy,
tôi ở ngoài này vớ được cái xe nào tôi sẽ phái ngay sang Vôixkôvôi.
Đavưđốp thừa biết đàn ông không nên có mặt
quanh chỗ đàn bà đẻ, nhưng anh vẫn rảo chân đi đi lại lại bên hàng giậu thấp của
nhà Kudơnétxốp, mắt nhìn dọc từ đầu này đến đầu kia con đường làng vắng tanh,
tai nghe những tiếng rên rỉ âm thầm và tiếng kêu kéo dài của người đẻ; miệng
anh cũng hầm hè đau hộ cái đau đẻ của người chẳng thân thích gì với anh, và lẩm
bẩm những câu chửi rủa tục tĩu nhất của ngôn ngữ lính thủy. Và khi thấy đủng đỉnh
trên đường cái xe chở nước của thằng bé mười sáu tuổi Anđrây Akimốp, anh chạy
đâm bổ ra chặn lại, lăng xăng như một đứa trẻ, rồi hì hục vần cái thùng đầy nước
từ trên xe xuống, và vừa thở dốc vừa nói:
- Này, mày ơi, ở đây có một bà đang gay go.
Ngựa mày khỏe, mày phóng ngay sang Vôixkôvôi mời ông y sĩ, sống chết cũng chở về
đây cho tao! Cứ cho ngựa phóng đi, tao chịu trách nhiệm, thực tế thế!
Và trong cái im lặng lắng đọng của buổi ban
trưa, một lần nữa một tiếng kêu lại xé lên, rồi lắng xuống, nghẹn ngào, trầm trầm,
rồi bặt, tiếng kêu của người quằn quại trong cơn đau đẻ rứt ruột. Đavưđốp nhìn
chòng chọc vào mắt thằng bé, hỏi:
- Nghe thấy chưa? Thế thì đi đi!
Đứng thẳng người trên xe, thằng bé nhìn
Đavưđốp một cái như người lớn:
- Chú Xêmiôn ạ, cháu hiểu rồi. Còn ngựa thì
chú cứ yên tâm!
Đôi ngựa lao đi như tên bắn. Thằng bé đứng
thẳng ưỡn trên xe, huýt miệng và vung roi một cách hiên ngang, còn Đavưđốp đứng
nhìn bụi đường cuốn lên dưới cái bánh xe ngựa một lát rồi khoát tay một cái thất
vọng, bước về trụ sở nông trang. Dọc đường anh còn nghe thấy một lần nữa cái tiếng
đàn bà kêu thảm thương ấy. Anh nhăn mặt lại như chính mình bị đau, và đi quá được
hai ngõ rồi anh mới hậm hực càu nhàu:
- Thế đấy! Đã định đẻ mà lại không biết đẻ
cho ra hồn, thực tế thế!
Ngồi ở trụ sở, anh chưa kịp giở ra xem những
cái gọi là công việc sự vụ hàng ngày thì một anh chàng trẻ nom vẻ bối rối, bước
vào. Đó là anh con trai cụ nông trang viên Abramốp. Anh ta cứ đứng lắc lư đó, rồi
ngượng ngịu nói:
- Báo cáo đồng chí Đavưđốp, hôm nay nhà
chúng tôi có đám cưới, mời đồng chí đến dự với gia đình chúng tôi. Vắng đồng
chí e không tiện.
Và thế là Đavưđốp xả hơi luôn. Đang ngồi,
anh chồm bật dậy, kêu lên:
- Ô hay, cái làng này hóa rồ cả rồi hay sao
đấy?! Họ bảo nhau chết, sinh đẻ, cưới xin, tuốt tuồn tuột cả vào một ngày! - Rồi
trong bụng cười thầm mình nóng nảy, anh dịu giọng xuống hỏi: - Nhưng cậu đi đếch
đâu mà vội thế? Đợi sang thu cưới có hơn không. Mùa thu mới đúng là mùa cưới.
Anh chàng như đứng trên than hồng, nói:
- Cái sự nó không đợi được ạ.
- Cái sự gì thế?
- Thưa đồng chí Đavưđốp, chắc đồng chí cũng
tự hiểu được ạ...
- À ra thế... Cái sự ấy, chú nó ạ, phải
nghĩ đến trước chứ! - Đavưđốp nói bằng giọng dạy đời. Và liền ngay đó, anh mỉm
cười nghĩ bụng: “Mình chưa phải cái mặt dậy hắn, và hắn cũng chưa phải là cái đứa
phải nghe mình”. Im lặng một lát cho có vẻ trịnh trọng rồi anh nói tiếp: - Thôi
được, chiều chúng tôi sẽ lại qua, cả ba. Cậu đã nói với anh Nagunốp và Radơmiốtnốp
chưa?
- Có mời cả rồi ạ.
- Được rồi, ba chúng mình sẽ đến, ngồi chơi
độ một tiếng. Rượu thì chúng mình không uống nhiều được đâu, thời buổi này
không tiện, gia đình cũng bỏ quá đi cho. Thôi, cậu về đi, tiện đây chúc cậu hạnh
phúc. Lát nữa đến nhà chúng mình sẽ chúc cả đôi sau... À, thế bụng cô ấy đã to
lắm chưa?
- Chưa to lắm, nhưng trông rõ ạ...
- Trông rõ thì càng hay, - Đavưđốp lại nhận
xét với vẻ có chút dạy đời và nhận thấy cái giọng giả tạo của câu chuyện, anh lại
mỉm cười.
Và một giờ sau, khi Đavưđốp đang ký giấy má
thì ông bố Mikhây Kudơnétxốp tràn trề hạnh phúc xuất hiện, chạy đến ôm choàng lấy
Đavưđốp, mừng quýnh tuôn ra một tràng:
- Thật là Chúa sai anh xuống làm chủ tịch
cho chúng tôi! Thằng Anđrây đưa ông y sĩ về kịp thời quá: bu nó nhà tôi đã tưởng
chết, thế rồi nhờ ông ta mà đã rặn ra được cho tôi một thằng cu hay ra phết,
chà, phải bằng con bê, bế không nổi. Ông y sĩ bảo nó ra ngược thì phải. Nhưng
theo tôi, ngược xuôi gì cũng mặc, cứ biết trong nhà thế là có thằng con giai! Đồng
chí nhận cho làm cha đỡ đầu nó đấy, đồng chí Đavưđốp nhá!
Đavưđốp đưa tay lên xoa trán, nói:
- Được, mình nhận. Mừng rất mừng thấy chị ấy
thế là mẹ tròn con vuông. Ở nhà cần thứ gì, mai cậu cứ đến gặp Ôxtơrốpnốp, mình
sẽ có lệnh cho lão ấy. Còn việc thằng bé ra ngược thì không sao: cậu nên biết rằng
con giai thực sự là con giai thì ít khi ra xuôi... - Và lần này anh không cười
nữa, không cảm thấy mình có cái giọng dạy đời mà lúc nãy anh thấy buồn cười.
Còn chối vào đâu được nữa, rõ ràng chàng
lính thủy là anh đã đâm ra tình cảm ủy mị rồi, một khi mà niềm vui của người
khác và một bà mẹ sinh nở được vuông tròn đã làm cho anh phải ứa nước mắt cảm động.
Và cảm thấy mình rưng rưng, anh đưa bàn tay to bè lên che mắt, kết thúc câu
chuyện bằng một giọng hơi thô lỗ:
- Thôi về đi, chị ấy đang chờ cậu ở nhà. Cần
gì cậu đến sau, còn bây giờ thì về đi, mình không có thời giờ. Cậu nên hiểu là
chẳng cần cậu quấy, mình cũng đã đủ bù đầu rồi.
Cũng ngày hôm ấy, chiều tối rồi, đã xảy ra
một sự kiện đặc biệt có tầm quan trọng không nhỏ đến với Grêmiatsi Lốc và hầu
như chẳng ai biết: vào khoảng bảy giờ tối, một chiếc xe nhỏ lịch sự đã tới đỗ
trước cửa nhà Ôxtơrốpnốp. Chiếc xe do đôi ngựa rất đẹp mã kéo. Một người tầm
thước mặc áo cổ đứng vải thô và quần cũng bằng vải thô bước trên xe xuống, đi
vào cổng. Với cái vẻ đỏm dáng của một ông già sang trọng, lão phủi bụi gấu quần,
rồi nhanh nhẹn bước lên thềm nhà Ôxtơrốpnốp, đường hoàng đi vào hành lang ở đó
Iakốp Lukits đang đứng đợi lão, trong lòng thấp thỏm lo lắng trước cuộc viếng
thăm chưa từng có này. Lão khẽ nhe hàm răng vàng khè khói thuốc lá, đưa bàn tay
nhỏ nhắn khô khốc nắm chặt lấy khuỷu tay Iakốp Lukits, mỉm cười thân mật hỏi:
- Iakốp Lukits phải không? Nhìn dáng, tôi
nhận ra ngay anh là gia chủ đây. Ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits có nhà không?
Nhìn hình dáng và điệu bộ của khách lạ, và
qua kinh nghiệm của một người lính từng trải đánh hơi thấy đây là một thượng cấp,
Iakốp Lukits vội rập đôi gót giầy mòn vẹt kêu đánh bốp một cái, luống cuống
đáp:
- Bẩm quan lớn! Ngài đấy ạ? Lạy Chúa, các
ông ấy ở đây chờ ngài mãi!
- Dẫn ta đi!
Với một sự nhanh nhẩu vốn không phải bản
tính lão, Iakốp Lukits xun xoe mở rộng cánh cửa gian phòng xép của Pôlốptxép và
Liachépxki.
- Thưa ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits, xin
ông thứ lỗi, tôi đã không bảo khách chờ, có thượng cấp đến gặp ông ạ!
Khách lạ bước vào khung cửa mở toang, giang
rộng cánh tay với điệu bộ đóng kịch, nói:
- Xin chào các vị ẩn sĩ thân mến! Ở đây có
thể nói to thoải mái được không đấy?
Pôlốptxép đang ngồi bên bàn và Liachépxki
đang uể oải nằm ườn trên giường như thường lệ, bật cả dậy như có tiếng hô
nghiêm.
Khách lạ ôm lấy Pôlốptxép hôn, còn
Liachépxki thì chỉ được hắn đưa tay trái kéo sát vào người, và nói:
- Mời các ngài sĩ quan ngồi xuống. Tôi là đại
tá Tóc bạc, người vẫn gửi lệnh cho các ngài, và do số phận xoay vần, hiện đang
là cán bộ canh nông phòng nông nghiệp khu. Như các ông thấy, tôi đến với các
ngài với danh nghĩa đi thanh tra. Thời gian của tôi có hạn. Tôi muốn cho các
ngài biết qua tình hình.
Khách mời hai viên sĩ quan ngồi xuống, rồi
vẫn với nụ cười để lộ hai hàm răng ám khói thuốc ấy, nói tiếp bằng giọng làm ra
vẻ thân mật:
- Các ngài sống túng thiếu lắm nhỉ, chắc
cũng chả có gì mà đãi khách... Nói thế thôi chứ không phải thết đãi gì đâu, tôi
sẽ ăn tối ở chỗ khác. Chỉ yêu cầu cho ra mời anh xà ích của tôi vào bàn đây với
chúng ta, và cho người vọng tiêu bảo đảm an toàn cho chúng tôi.
Pôlốptxép nhanh nhảu lao ra cửa, nhưng vừa
lúc ấy, viên xà ích của ngài đại tá, một người dáng cao lớn, thân hình cân đối,
đã bước vào. Hắn chìa tay ra bắt tay Pôlốptxép:
- Chào ngài đại úy! Theo phong tục Nga,
không ai bắt tay nhau qua ngưỡng cửa... - Và quay sang phía tên đại tá, hắn
kính cẩn đề nghị: - Ngài cho phép? Vọng tiêu tôi đã đặt rồi.
Lão đại tá vẫn mỉm cười như trước với Pôlốptxép
và Liachépxki, nheo nheo đôi mắt xám trũng sâu:
- Giới thiệu với các ngài sĩ quan, đây là đại
úy kị binh Kadantxép. Còn ngài Kadantxép ạ, các vị chủ nhà đây thì ngài biết rồi.
Bây giờ ta vào việc. Ta ngồi quanh cái bàn của các vị độc thân này.
Pôlốptxép rụt rè đề nghị:
- Thưa ngài đại tá, có lẽ ngài cho phép
chúng tôi mời ngài xơi tạm cái gì? Chả có gì đâu ạ, gọi là chút lòng thành.
Lão đại tá gạt phắt:
- Xin cảm ơn, không cần. Ta bàn việc ngay
thôi, thời giờ tôi rất eo hẹp. Đại úy lấy cho tôi tấm bản đồ.
Viên đại úy Kadantxép rút ở túi ngực áo
véttông ra tấm bản đồ gập tư vùng biển Adốp - Hắc Hải, tỷ lệ một phần năm trăm
nghìn, trải ra trên bàn, rồi cả bốn tên châu đầu vào.
Lão đại tá sửa lại cái cổ đứng đang bẻ ra của
chiếc áo vải bạt, rút trong túi ra cây bút chì xanh, gõ gõ xuống bàn, nói:
- Như các ngài biết, tên thật của tôi không
phải là Tóc bạc... mà là Nhikônxki, đại tá ở Bộ tổng tham mưu quân đội Hoàng
gia. Đây là một bản đồ phổ thông, nhưng với nhiệm vụ chiến đấu của các ngài thì
cũng không cần bản đồ chi tiết hơn. Nhiệm vụ của các ngài là: với khoảng hai
trăm lưỡi lê và kiếm các ngài có trong tay, đánh tan xong bọn cộng sản địa
phương, đừng để những trận đụng độ nhỏ lằng nhằng kìm chân lại, theo đội hình
hành quân tiến thẳng tới nông trường quốc doanh “Vừng hồng”, dọc đường tiến cắt
đứt hết mọi liên lạc của chúng. Tới nông trường, làm xong những việc cần thiết,
các ngài sẽ thu được gần bốn chục súng trường với số đạn tương ứng và cái quan
trọng nhất là với số súng trường và súng máy nắm được trong tay mà các ngài phải
giữ gìn nguyên vẹn, với gần ba chục ôtô vận tải thu được ở nông trường, phải
hành binh cấp tốc tới Milêrôvô. Còn việc quan trọng này nữa... Các ngài xem đấy,
tôi giao cho các ngài biết bao nhiêu là nhiệm vụ quan trọng... Tôi ra lệnh cho
ngài, ngài đại úy ạ, phải đánh một đòn bất ngờ vào trung đoàn đóng quân trong
thành phố Milêrôvô, làm cho nó không kịp triển khai, đánh tan nó trên đường
hành tiến, tước vũ khí, chiếm lấy toàn bộ phương tiện hỏa lực của nó, thu nạp
những binh sĩ Hồng quân nào muốn theo ta, rồi tất cả lên xe, tiến về hướng Rôxtốp.
Tôi chỉ vạch nhiệm vụ của các ngài trên những nét đại cương, nhưng nhiều điều sẽ
phụ thuộc vào sự hoàn thành nhiệm vụ ấy. Nếu chẳng may cuộc tiến quân của các
ngài về Milêrôvô gặp phải một sự đề kháng bất ngờ, các ngài sẽ vòng tránh
Milêrôvô mà tiến thẳng về Kamenxcơ, đây, theo đường này. - Lão đại tá cầm bút chì
xanh uể oải vạch một nét thẳng trên bản đồ. - Tôi với quân đoàn của tôi sẽ đợi
ngài ở Kamenxkơ, ngài đại úy ạ.
Ngừng một lát rồi lão nói tiếp:
- Có thể là trung tá Xavachêép sẽ yểm hộ
các ngài từ phía bắc. Nhưng các ngài không nên quá trông mong vào điều đó, và
hãy độc lập tác chiến. Cần hiểu rõ thành công của các ngài sẽ quyết định rất
nhiều cái. Đây là tôi nói về việc tước vũ khí trung đoàn Milêrôvô và tận dụng
các phương tiện hỏa lực của nó. Thế nào cũng có một đội pháo trợ chiến, những
khẩu pháo ấy sẽ đỡ cho ta rất nhiều. Rồi từ Kamenxkơ chúng ta sẽ triển khai chiến
sự, đánh chiếm Rôxtốp, vì biết rằng chúng ta sẽ được sự tiếp viện của các lực
lượng quân ta ở Kuban và Chêrếch, sau đó ta sẽ có tiếp viện của quân đồng minh,
và thế là toàn bộ miền Nam đã ở trong tay chúng ta. Các ngài sĩ quan ạ, các
ngài thấy rõ rằng kế hoạch chiến dịch chúng tôi vạch ra như thế là khá mạo hiểm,
nhưng chúng ta không còn đường nào khác! Nếu chúng ta không biết nắm lấy thời
cơ mà lịch sử đã đem lại cho chúng ta vào năm ba mươi này thì thôi, vĩnh biệt nền
đế chế, và chúng ta chỉ còn có chuyển sang hoạt động khủng bố lẻ tẻ mà thôi...
Đó là tất cả những điều tôi cần nói với các ngài. Bây giờ ngài phát biểu đi, đại
úy Pôlốptxép, nhưng nói ngắn thôi. Nên nhớ là tôi còn phải đến trụ sở Xôviết
đây lấy dấu vào công lệnh rồi lên huyện. Tôi đã nói với các ngài, danh nghĩa
tôi là cán bộ canh nông của phòng nông nghiệp, cho nên các ngài nên nói ngắn
thôi.
Không nhìn viên đại tá, Pôlốptxép trầm trầm
nói:
- Thưa ngài đại tá, ngài đã vạch ra cho
chúng tôi nhiệm vụ chung, không có chi tiết cụ thể nào. Chúng tôi sẽ chiếm nông
trường, nhưng tôi cho rằng sau đó chúng tôi phải đi lôi kéo dân kôdắc nổi dậy,
nhưng ngài lại giao cho chúng tôi nắm một trung đoàn thường trực của Hồng quân
mà chiến đấu. Ngài có thấy rằng với khả năng và lực lượng của chúng tôi thì đó
là một nhiệm vụ không thể hoàn thành nổi không? Và chỉ cần một tiểu đoàn chặn
đánh chúng tôi trên con đường tiến quân thôi... phải chăng ngài đã đặt chúng
tôi vào tình thế chắc chắn là bị tiêu diệt?!
Lão đại tá Nhikônxki gõ gõ mấy ngón tay
xương xẩu xuống bàn, cười khẩy:
- Tôi nghĩ rằng hồi người ta đề bạt ngài cấp
đại úy là sai lầm. Nếu gặp phút khó khăn ngài do dự và không tin tưởng vào thắng
lợi của kế hoạch tác chiến chúng tôi vạch ra thì ngài không xứng đáng là một sĩ
quan của quân đội Nga chút nào! Ngài chớ có vỗ ngực ta đây rồi tự ý đặt ra kế
hoạch của riêng mình! Tôi phải hiểu lời của ngài như thế nào đây? Ngài sẽ chấp
hành mệnh lệnh hay là cần phải loại ngài ra?
Pôlốptxép đứng dậy, cúi nghiêng cái trán dô
xuống, đáp nhỏ:
- Thưa ngài đại tá, tôi sẽ chấp hành mệnh lệnh.
Có điều là... Có điều là trường hợp thất bại, ngài sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ
không phải tôi!
- Ô, ngài đại úy, điều ấy thì ngài khỏi lo!
- Viên đại tá Nhikônxki mỉm cười không lấy gì làm vui vẻ lắm, vừa nói vừa đứng
dậy.
Lập tức viên đại úy Kadantxép cũng đứng dậy
theo:
Ôm hôn Pôlốptxép, Nhikônxki nói:
- Dũng cảm và dũng cảm hơn nữa! Đó chính là
cái hiện đang thiếu cho đội ngũ sĩ quan của quân đội hoàng gia hùng mạnh ngày
xưa! Họ đã bị mòn mỏi đi trong cái nghề giáo viên trung học và cán bộ canh
nông. Truyền thống quân đội ta đâu cả rồi? Những truyền thống vẻ vang của quân
đội Nga các ngài quên rồi sao? Nhưng không sao. Đầu tiên các ngài chỉ có việc
chấp hành những cái người ta đã nghĩ thay cho các ngài, rồi sau đó... Rồi sau
đó, càng ăn sẽ càng thấy ngon miệng! Ngài đại úy ạ, tôi mong sẽ được thấy ngài
đóng lon thiếu tướng, ở Nôvôrôxixcơ, hoặc ở Mátxcơva chẳng hạn. Trông cái vẻ cô
độc, ít cởi mở của ngài thì biết ngài là người dám làm nhiều việc! Thôi, hẹn gặp
nhau ở Kamenxcơ! À, còn một điểm cuối cùng: lệnh phát hỏa nhất loạt ở tất cả
các điểm nổi dậy sẽ được báo riêng cho các ngài sau, điều ấy thì các ngài hiểu.
Tạm biệt, một lần nữa hẹn gặp nhau ở Kamenxcơ!
Lạnh lùng ôm hôn hai ông khách xong, Pôlốptxép
mở tung cửa gian phòng xép và bắt gặp cái nhìn lo lắng của Iakốp Lukits đứng
ngoài hành lang. Xong việc trở vào, Pôlốptxép không ngồi vào bàn mà lăn đùng xuống
giường. Nằm một lát rồi y hỏi Liachépxki đang đứng tựa lưng vào cửa sổ:
- Ông có thấy con bọ hung nào như thế bao
giờ chưa?
Liachépxki khinh bỉ khoát tay một cái:
- Giêsu Maria, ngài còn muốn đòi hỏi gì hơn
nữa ở cái tay võ quan Nga ấy? Ngài Pôlốptxép ạ, lẽ ra ngài nên hỏi tôi ma quỷ
nào xui khiến mà lại dây vào với các ngài?!
*
* *
Và cũng trong ngày hôm ấy còn xảy ra một tấn
thảm kịch: con dê Tơrôphim đã chết đuối dưới giếng. Tính nết thất thường và nhiều
đêm cứ đi lang thang khắp làng, chắc là đêm qua nó đã vấp phải một đàn chó đi
ăn sương, rồi bị bọn này đuổi, bức nó phải nhảy qua miệng giếng ở canh trụ sở
ban quản trị. Do sơ xuất của bác Suka già lẫn cẫn chiều hôm trước quên không đậy
nắp cho nên miệng giếng vẫn để mở tênh hênh. Chú dê già bị chó đuổi theo cắn,
hoảng quá nhảy qua miệng giếng, đã trượt cái cẳng già và lăn tùm xuống giếng chết
đuối.
Đến chiều bác Suka đi chở cỏ về, định cho
ngựa uống nước, thả thùng xuống giếng múc thì thấy thùng chạm phải cái gì mềm mềm.
Bác loay hoay hất dây gầu hết sang bên này lại đến bên kia cố múc lấy ít nước,
nhưng mọi cố gắng của bác đều vô hiệu quả. Linh cảm thấy một chuyện gì kinh khủng,
lão ngơ ngác đưa mắt nhìn khắp sân, hy vọng thấy tên kẻ thù truyền kiếp của
mình đang đứng vắt vẻo quãng nào đó trên nóc nhà kho. Nhưng mắt bác đảo nhìn mọi
chốn đều vô ích: chẳng thấy con Tơrôphim đâu cả. Bác Suka lật đật đi vào kho cỏ,
rồi le te chạy ra cổng: vẫn chẳng thấy con Tơrôphim đâu... Thế là bác Suka mếu
máo nom đến là tội nghiệp, bước vào phòng quản trị nơi Đavưđốp ngồi, buông phịch
người xuống tấm ghế dài.
- Ôi anh Xêmiôn ơi, khốn to rồi, anh ơi!
Con Tơrôphim nhà ta chết đuối dưới giếng rồi, không sai! Anh ơi, đi kiếm cái
móc câu, phải cẩu nó lên.
- Bác xót nó à? - Đavưđốp mỉm cười hỏi. -
Bác vẫn luôn mồm đòi thịt nó cơ mà?
- Nói chuyện đòi thì nói làm quái gì! - Bác
Suka cáu sườn kêu lên. - Cũng tạ ơn Chúa là các anh không thịt nó! Không có thì
lão sống thế nào đây bây giờ? Không ngày nào nó không làm lão sợ hết vía, từ
sáng bảnh đến tối mịt không lúc nào rời được cái roi, phòng thủ nó, nhưng bây
giờ thì lão biết sống ra sao đây? Chỉ độc có một nỗi buồn trơ trụi! Thôi thì
bây giờ lão cũng đến đâm đầu xuống giếng chết nốt đi cho rồi... Lão với nó thì
có tình nghĩa gì với nhau đâu! Không có tí ti nào! Lão và nó sống với nhau chỉ để
chiến đấu với nhau thôi. Có lần, lão tóm lấy sừng nó, con khốn kiếp ấy, và bảo
nó: “Này Tơrôphim ơi, cha đẻ ra con mẹ mày, mày là con dê chẳng phải non trẻ
gì, vậy mà mày học được ở đâu cái thói độc địa ấy thế? Mày lấy ở đâu được lắm
cái táo tợn thế đến nỗi không để cho tao được một phút yên thân? Lúc nào mày
cũng cứ rình để húc tao vào đít hoặc vào bên sườn. Mày cũng phải hiểu tao hom
hem ốm yếu và phải có tí xông cảm với
tao chứ...”. Nó cứ giương mắt ếch nhìn lão, và chả thấy có tí gì nhân đạo trong
con mắt nó cả. Lão không thấy có tí xông
cảm nào trong đôi mắt nó. Thế là lão quất cho nó một roi vào lưng và quát theo
nó: “Cút đi, trời đánh thánh vật mày, đồ quỷ sứ nhà giời! Tao với mày thì không
nói được với nhau điều gì tử tế đâu!”. Nó cong đít chạy, cái quân mất dạy ấy,
nhưng chỉ chạy độ mươi bước là lại nhởn nhơ gặm cỏ rồi, cứ làm như nó sắp chết
đói không bằng, quân khốn kiếp! Trong khi đó thì hai con mắt trân trân của nó vẫn
liếc lão, chắc là nó đang mưu mô hại gì lão đây. Không phải là lão sống với nó
nữa, mà là làm trò hề với nó! Bởi vì cái đứa ngu ngốc như thế, nói đúng thì nó
cũng chỉ là đứa ngớ ngẩn thôi, thì lão không tài nào mà hòa hảo được! Nhưng bây
giờ nó chết đuối rồi thì lão thương nó, và đời lão thế là khốn nạn... - Bác
Suka não nề khóc thút thít rồi đưa cánh tay áo cáu bẩn lên quệt nước mắt.
Mượn được bên nhà hàng xóm chiếc “cần cẩu”,
Đavưđốp và bác Suka lôi ở dưới giếng lên cái xác đã bắt đầu trương phềnh của
con Tơrôphim. Đavưđốp quay mặt đi, hỏi ông lão:
- Ta làm thế nào bây giờ?
Bác Suka vẫn thút thít như thế, lau nước mắt
đáp:
- Anh về đi, anh Xêmiôn ạ, về mà lo công việc
quốc gia, còn việc chôn cất nó để đấy cho lão. Đây không phải việc thanh niên
các anh, mà là việc ông già bà cả. Lão sẽ chôn cất nó đàng hoàng, cái đồ báo hại
này, rồi theo đúng tục lệ, lão sẽ ngồi bên mồ nó khóc vài tiếng... Đội ơn Chúa
đã cho anh đến giúp, chứ nếu không một mình lão thì chả thể nào kéo nổi nó lên
đâu: con ngựa có sừng này, nó cũng phải ngót nghét ba pút chứ chẳng bỡn. Nó chẳng
ăn không của người ta nhiều quá mà, thế nên nó mới chết đuối, cái đồ ngu ấy, chứ
nếu nó nhẹ cân hơn, nó đã nhảy qua được cái giếng dễ như không rồi! Chắc là bọn
chó kia đuổi rát quá, nó bấn tung đầu óc lên mới bay qua giếng như thế. Nhưng
cái giống già mà ngu như nó thì có đầu óc sáng suốt làm sao được? Nhưng anh
Xêmiôn ơi, anh phúc đức cho lão tiền mua phần tư lít vốtka, để tối nay lão vào
kho cỏ ngồi uống gọi là tưởng nhớ nó một tí. Chứ về nhà với bà nhà lão mà làm
gì, lão về thì được cái tích sự gì cơ chứ? Độc cái thần kinh căng thẳng thôi. Rồi
lại chiến đấu nữa chứ! Vào ở tuổi lão thì cái đó hoàn toàn chẳng có lợi gì cả.
Đằng này lão cứ thủng thỉnh lão uống ngồi tưởng nhớ đến kẻ đã qua đời, rồi lão
đi cho ngựa uống nước, rồi lão ngủ, thực tế thế!
Đavưđốp cố hết sức nén cười, dúi vào tay
bác Suka đồng mười rúp, và ôm lấy đôi vai gầy của bác:
- Thôi bác ạ, bác đừng thương tiếc nó quá.
Cùng lắm thì chúng tôi sẽ mua cho bác một con dê khác mới tinh.
Bác Suka buồn bã lắc đầu, đáp:
- Một con dê như nó thì chả tiền nào mua được
đâu, trên thế giới này nó có một không hai. Lão đành ôm hận suốt đời lão thôi!
- Rồi bác đi tìm cái xẻng, dáng đi gù gù, nom thật thảm hại, thật tức cười và
thật tội nghiệp trong nỗi đau đớn chân thật của bác.
Và đến đây là chấm dứt một ngày đầy những sự
cố lớn nhỏ của làng Grêmiatsi Lốc.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét