Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập II
Chương 17
Ít lâu nay, - vả lại xưa nay bao giờ chẳng
thế - bác Suka quả thực không may tí nào. Nhưng riêng cái ngày hôm nay thì dù
là chuyện to hay chuyện nhỏ bác toàn gặp những chuyện xúi quẩy, tai vạ nữa là
khác, đến nỗi về cuối ngày, chán đời trước một lô xúc xích những tai bay vạ gió
nó trút xuống đầu bác, bác đâm ra càng mê tín hơn bao giờ hết... Không, lẽ ra
bác không nên hấp tấp nhận lời Đavưđốp mà đánh xe lên phố như thế, khi mà sáng
nay đã có những điềm rõ ràng là gở...
Lái xe từ sân trụ sở ra, bác Suka cho ngựa
lững thững bước một qua được đúng hai phố ngang thì dừng xe lại giữa đường, và
cứ ngồi nguyên trên xe như thế, bác ủ rũ cúi đầu, tư lự... Quả là bác có điều
phải trầm ngâm suy nghĩ: “Lúc sắp sáng mình nằm mê thấy một con sói đen lang trắng
nó đuổi theo mình. Tại sao lại là một con lang? Và tại sao nó lại nhè mình mà
đuổi? Cứ làm như ngoài mình ra thì trần gian không có lấy một người nào khác nữa
vậy! Ấy giá như là nó đuổi theo một anh nào trẻ trẻ một tí, chân cẳng khỏe, còn
mình cứ đứng ngoài mà nhìn thì cũng hay đấy, nhưng cái số mình là ngay cả nằm
mê cũng cứ phải è cổ ra ăn đòn thay cho xiên
hạ! Và những cái trò ấy đối với mình thật là chả được cái tích sự gì cả. Tỉnh dậy
tim cứ đập thình thình, chỉ chực nhảy ra ngoài, nằm mê thế thì sướng cái nỗi
gì, tiên sư nó! Vả lại còn cái nỗi là tại sao con sói ấy lại đen lang trắng, mà
không xám như mọi con sói khác? May mắn gì cái chuyện ấy! Rành rành là chẳng
may mắn gì cả. Điềm gỡ toét đi rồi, thành thử đi hôm nay thế nào cũng gặp chuyện
thối tha gì đây, không thoát được. Và thực tế thì thế nào? Tìm mãi không thấy
cái mũ, rồi lại đến cái túi thuốc, rồi lại đến cái áo dipun... Những cái đó là
điềm gở hết sức... Lẽ ra mình không nên nghe Đavưđốp, không đi đâu sất!”. Bác Suka
buồn rầu nghĩ như vậy và lơ đãng nhìn con đường làng vắng tanh vắng ngắt, nhìn
những con bê lông đủ màu đang nằm ẩn trong bóng râm các hàng rào, nhìn đám chim
sẻ đang quần nhau trên mặt đường bụi bậm.
Bác đã dứt khoát có ý định quay trở về,
nhưng chợt nhớ lại một cuộc va chạm mới đây với Đavưđốp, bèn thay đổi ý định. Lần
ấy, cũng y hệt hôm nay đây, gặp những điềm gở đáng ngại, bác đã từ chối phắt,
không chịu đi xuống đội một, vin cớ là đêm qua chiêm bao thấy một cơn mộng dữ.
Và thế là đôi mắt Đavưđốp thường ngày hiền thế, dịu dàng nữa là khác, bỗng tối
sầm lại, nom lạnh và sắc như gai. Bác Suka phát hoảng lên, chớp chớp mắt van
lơn nói: “Anh Xêmiôn đáng thương ơi! Anh hãy bỏ những cái gai kia trong mắt anh
đi! Mắt anh tự nhiên sao nom dữ và sắc như mắt con chó xích vậy! Mà anh biết rồi
đấy, lão là chúa ghét cái giống sâu bọ ghê tởm ấy mà thường bị người ta xích lại
và hay xồ vào cắn những người tử tế. Hai chúng mình lủng củng với nhau làm quái
gì nhỉ? Nào, đi thì đi, nếu như anh đã cương quyết chống lại như thế. Có điều
là nếu dọc đường gặp phải chuyện gì thì lão không chịu trách nhiệm đâu đấy!”.
Đavưđốp nghe bác nói xong, cười ha hả, và lập
tức đôi mắt anh lại trở lại như cũ, hiền và hóm hỉnh. Anh đưa đôi bàn tay nặng
như cái cùm vỗ vào tấm lưng khô ngẳng và kêu bồm bộp của bác Suka và nói: “Thế
mới gọi là biết ăn nói chứ, thực tế thế! Ta đi thôi, ông ơi, tôi xin đảm bảo sẽ
trả lại ông nguyên xi cho bà lão, còn về tôi thì ông khỏi lo”.
Nhớ lại chuyện ấy, bác Suka nhoẻn miệng cười,
không do dự gì nữa giật cương thúc ngựa chạy: “Nào, lên huyện! Thây cha mấy cái
điềm gở ấy, và nếu xảy ra chuyện gì thì mặc cho Đavưđốp chịu trách nhiệm. Chứ
lão thì chả dại gì mà lại đi nhận trách nhiệm về những chuyện thối tha lão có
thể gặp phải dọc đường! Vả lại anh Đavưđốp đối với mình cũng tốt, chả nên làm
cho anh ta bực mình”.
Sau bữa nấu ăn sáng, những bếp lò vẫn còn tỏa
lên trên xóm làng một làn khói hăng hắc của than lửa phân khô; gió nhẹ lùa đi
trên đường mùi hương lờn lợt của cây rau lê đang độ ra hoa và từ trong chuồng
bò mà bác Suka lái xe đi qua phả ra cái mùi phân bò lẫn với mùi sữa tươi mà bác
Suka đã quen lắm từ thuở còn bé tí. Hấp háy đôi mắt cận thị, bác Suka quen tay
vuốt vuốt bộ râu dê rối bù, đưa mắt vòng quanh ngắm nhìn quang cảnh mộc mạc của
thôn xóm biết bao thân tình đối với bác; một lần bác rũ cơn uể oải, thậm chí
còn vung roi xua cái bọn chim sẻ đang quẩn dưới bánh xe bác mà ẩu nhau chí chóe
bậy. Nhưng khi xe đi qua cửa nhà Anchíp Gráts thì có cái mùi bánh mì mới nướng,
cái mùi cháy sém rất hấp dẫn của lá bắp cải mà các bà nội trợ Grêmiatsi thường
lót bánh đặt vào lò, xộc vào mũi lão. Và đến lúc ấy bác mới sực nhớ ra rằng từ
trưa hôm qua bác chưa có miếng gì lót bụng. Bác cảm thấy đói cào đói cấu đến nỗi
nước bọt lập tức ứa ra đầy cái miệng trụi hết răng của bác và dạ dày bác đau quặn.
Quay ngắt vào cái ngõ, bác đánh xe trở về
nhà, định bụng kiếm cái gì lót dạ đã rồi mới lên huyện. Từ xa bác đã để ý thấy ống
khói nhà bác chả có tí khói nào tỏa ra; và mìm cười hể hả, bác nghĩ bụng: “Bà
lão nhà mình đã bếp núc xong rồi rồi đây, bây giờ chắc đang kềnh cang nằm nghỉ.
Từ ngày về ở với lão, bà ấy sống thật cứ như bà quận chúa vậy, vô lo vô nghĩ...”.
Bác Suka chả cần phải cái gì nhiều nhặn lắm
để có thể chuyển ngay tắp lự từ một tâm trạng buồn rầu chán ngán sang một trạng
thái phấn khởi hể hả. Cái tinh thần bác vẫn bồng bột như tính trẻ con thế đấy.
Hững hờ lắc lắc dây cương, bác lại miên man nghĩ: “Nhưng nhờ đâu mà bà ấy lại
có thể sống như con chim trời thế được? Rõ ràng là nhờ lão! Hồi mùa đông lão thịt
con bò cái tơ thật là đúng quá, lạy Chúa chứng giám, rất chi là đúng! Bây giờ
bò chẳng còn nữa, bà nhà lão tha hồ vung vinh nhàn nhã! Bếp núc xong là kềnh
cang luôn. Chứ nếu không thì con bò cái tơ đã thành bò sữa, và xin mời bà cứ dậy
cho từ bảnh mắt, đâm đầu vào vắt sữa cái con khốn kiếp ấy, rồi dắt nó đi nhập
đàn, nhưng đến trưa nó động cỡn lên, rồi bị mòng cắn nó lại lẻn về nhà, và thế
là lại phải dắt nó đi. Rồi lại phải lo cái ăn cho nó mùa đông, rồi lại phải cọ
cho nó cái chuồng, rồi lại phải kiếm cói kiếm rạ lợp cho nó cái mái... Trăm thứ
tội nợ! Lại nói sang chuyện cừu: lão rũ đi hết cũng là rất phải! Cái giống tội
giống nợ ấy, thả nó đi ăn là bụng cứ lo ngay ngáy: ngộ nhỡ nó lạc đàn, ngộ nhỡ
chó sói cõng đi mất? Lão chả tội gì để đầu óc bị căng thẳng vì cái giống bẩn thỉu
ấy nữa, một cuộc đời dài đằng đẵng của lão căng thẳng như thế là đã quá đủ rồi,
cái đầu óc lão bây giờ nó tã lắm rồi, như chiếc bít tất rách vậy. Lợn lão cũng
chẳng nuôi nữa, thế cũng là rất phải! Lão xin hỏi: con lợn thì được cái tích sự
mẹ gì cho lão? Cái sự trước hết là thịt mỡ mà lão cứ chén đẫy vào thì y như rằng
bụng đau quặn, thứ nữa là bây giờ lão biết lấy gì mà vỗ nó khi cái thùng bột của
lão chỉ còn được độ hai vốc nắm tay? Còn đến bây giờ thì khéo nó đói nó kêu la
làm mình rối ruột rối gan mất... Và con lợn là cái giống yểu tướng: hết toi dịch
lại đến đủ các thứ bệnh giun sán. Rước cái của ấy về thì chỉ có nơm nớp chẳng
nay toi thì mai toi. Thêm nữa cái mùi nó hôi thối khắp nhà, chịu sao nổi. Mà
không có nó thì xung quanh không khí trong lành, thơm mùi cỏ này, thơm mùi rau
quả ngoài vườn này, rồi cả thứ cây dại nữa. Cái tính lão lại cứ thích không khí
trong lành! Thế thì lợn bột, hay lợn choai đi chăng nữa, cũng cho chết mẹ nó
đi, để khỏi khổ cái lỗ mũi lão! Hai ả gà mái sạch sẽ đi tha thẩn ngoài sân cùng
với một chú gà sống nom tươm tươm một tí, về phương diện gia súc thế là đủ để
hai ông bà vui cho đến ngày về chầu tổ. Chuyện làm giàu xin nhường cho cánh trẻ,
chứ cánh già chúng mình thì thiết gì tích của. Mà anh Maka cũng đồng ý với lão như
vậy, anh ấy bảo: “Này, ông bây giờ chính cống là giai cấp vô sản rồi đấy, ông
quẳng cha nó cái tiểu tư hữu đi thế là rất đúng”. Nhưng nghe anh ấy nói thế,
lão không khỏi thở dài từ ruột gan thở ra mà đáp: “Kể ra được liệt vào giai cấp
vô sản thì cũng thích đấy, có điều là suốt đời chỉ chén độc có bắp cải luộc và
uống nước lã thì lão chả đồng ý tí nào. Cầu Chúa phù hộ cho giai cấp vô sản,
nhưng nếu công điểm mà không đem lại cho lão được tí thịt, hoặc tí mỡ chẳng hạn,
để thả vào nồi xúp thì đến mùa đông này, lão cũng đến phải nằm thẳng cẳng nhắm
mắt xuôi tay thôi. Lúc ấy được cái tiếng là giai cấp vô sản thì ăn bàn ăn giải
quái gì nhỉ? Đợi đến sang thu lão xem công điểm có được khơ khớ không, nếu chẳng
ra gì thì lão cứ xin là quay đầu trở lại ngay với cái tiểu tư hữu”.
Bác Suka cau mày lại đăm chiêu, và lần này
thì nói ra miệng:
- Sống mà cứ khốn khổ khốn nạn thế này thì
đúng là tội nợ! Ta đang xây dựng đời sống mới đây, nhưng có những cái chả hiểu
ra là thế nào cả, rối như mớ bòng bong...
Bác buộc ngựa vào hàng rào, đẩy cái cánh cổng
xiêu vẹo, rồi thong thả, chững chạc, đúng như một ông chủ, bác đi theo lối mòn
rậm rạp cây mã đề, bước tới hè.
Trong bếp tối nhá nhem, phòng giữa thì cửa
đóng kín mít. Bác Suka đặt xuống tấm ghế dài cái mũ cáu bẩn, bẹp dúm như một
chiếc bánh tráng, và cái roi mà nhờ con Tơrôphim đã trở thành vật bất ly thân của
bác. Bác nhìn quanh, rồi réo lên đánh tiếng:
- Bà lão ơi! Chết dí đâu rồi?
Từ trong phòng vọng ra một tiếng nói yếu ớt:
- Đang chết đây... Liệt giường từ tối hôm
qua, không ngóc đầu dậy được. Đau dần cả người, chân tay bải hoải, lại thêm cái
rét nữa, đắp tấm da cừu mà chả ấm lên được tí nào... Đúng là ngã nước rồi, cấm
sai đâu... Còn ông về làm gì thế?
Bác Suka mở toang cửa buồng, dừng lại trên
ngưỡng:
- Tôi lên huyện bây giờ, tạt qua về xem có
gì lót dạ tí đỡ đói dọc đường.
- Có việc gì cần thế mà phải lên huyện?
Bác Suka làm ra vẻ quan trọng, vuốt râu và
dường như miễn cưỡng đáp lại:
- Công tác đặc biệt: triệu ông cán bộ trắc
địa về. Đồng chí Đavưđốp bảo: “Này bác ơi, ngoài bác ra thì chả ai triệu nổi
ông ta về đây đâu!”. Trắc địa thì cả huyện có mỗi một ông, mà ông ta thì tôi lại
quen, ông ta là ông Sportnôi, ông ta kính trọng tôi cho nên tôi đi mời thì thế
nào ông ta cũng về, - bác Suka giải thích, và chuyển luôn sang cái giọng khẩn
trương. - Nào, lấy cái gì cho tôi ăn đi, vội lắm.
Bà lão càng rên khỏe:
- Ôi, khổ thân tôi! Biết lấy gì cho ông ăn
bây giờ? Hôm nay có thổi nấu gì đâu, và lò tôi cũng chẳng nhóm. Hay ông ra vườn
vặt mấy quả dưa chuột vậy, có sữa chua ở dưới hầm đấy, bà hàng xóm mới đem qua.
Bác Suka nghe bà phu nhân nói, tỏ vẻ coi
khinh ra mặt, và cuối cùng nổi khùng lên:
- Dưa chuột xanh ăn với sữa chua à? Này, bà
hóa rồ rồi hay sao ấy, hả cái đồ thiên
văn? Có phải bà định làm tôi mất hết uy tín hay không thì bảo! Bà thừa biết
bụng dạ tôi yếu, bà bảo tôi ăn thế để giữa đường nó giở quẻ à? Rồi lên đến huyện
biết làm thế nào? Cứ khư khư ôm lấy quần ư? Mà ngựa lại là ngựa giống, không rời
chúng nó đi đâu được một bước, lúc ấy biết xoay xở làm sao? Tháo luôn cái uy
tín của mình ra giữa phố chắc? Xin cảm ơn bà cả nón! Dưa chuột của bà xin để mời
bà mang ra mà chén với sữa chua, còn tôi thì đâu dám chơi dại! Chức vụ tôi đâu
phải xoàng, tôi lái xe ngựa cho đích thân đồng chí Đavưđốp, tôi chả dại gì xơi
liều cái món dưa chuột của bà. Rõ chưa, hả cái đồ trừu tượng?
Cái giường gỗ ọp ẹp bà lão đang nằm kêu cót
két lên một cách đáng ngờ, và bác Suka lập tức cảnh giác. Bác chưa kịp kết thúc
bài phát biểu của mình thì bỗng xảy ra một sự thay đổi rất ư là kỳ lạ cho bà
già nhà lão: bà nhảy tót trên giường xuống, hai tay chống nạnh, nom đằng đằng
sát khí. Bà kéo tấm khăn vuông nhầu nát trên đầu lệch sang một bên một cách
ngang tàng, và giọng bà vừa mới rồi yếu ớt là thế, cất lên lanh lảnh:
- Thế ông muốn cái gì, đồ khỉ già, ông muốn
tôi nấu cháo thịt cho ông ăn hả? Hay là mời ông xơi bánh tráng kem? Tôi bói đâu
ra những của ấy, khi mà chạn nhà ông chỉ có độc chuột, mà ngay cả chuột cũng chết
đói nhăn răng cả! Ông còn bôi bác tôi bằng những cái tiếng khốn nạn ấy đến bao
giờ nữa mới thôi? Thế nào là đồ thiên văn,
thế nào là đồ ruột tượng? Thằng Maka
Nagunốp xui ông đọc những sách vớ sách vẩn, ông lấy thế làm hãnh diện lắm hả, đồ
khọm già? Tôi là người phụ nữ tử tế, ăn ở với ông tử tế, suốt đời tôi chung thủy
với ông, thế mà bây giờ đến lúc gần đất xa trời rồi, ông không biết gọi tôi bằng
cái gì khác sao, hả cái đồ thò lò mũi kia?
Câu chuyện đã chuyển sang một hướng bất ngờ
và tai hại đối với bác Suka, cho nên bác quyết định rút lui có trật tự vào góc
bếp, và vừa lấm lét lùi, bác vừa tìm cách giảng hòa:
- Ô hay, làm sao thế hả bà! Đó đâu phải những
tiếng bôi bác bà, mà là cách gọi âu yếm của người có học đấy! “Bà nó nhà tôi” với
“thiên văn” chẳng qua cũng là một
thôi... Bình thường ta nói “mẹ đĩ nó” thì trong sách người ta gọi là “trừu tượng” mà. Lạy Chúa, tôi cấm có nói
điêu đâu, trong quyển sách to tướng mà anh Maka cho tôi mượn đọc có cắt nghĩa
như vậy đấy, chính mắt tôi đọc đấy, thế mà bà cứ nghĩ thiên nghĩ thẹo. Chán mớ
đời cái thanh toán tai nạn mù chữ của bà! Phải học đi, bà ơi, như tôi học ấy, rồi
thì bà cũng vắt khẩu thành chương chả kém gì tôi đâu, thực tế thế!
Giọng nói bác Suka đầy sức thuyết phục đến
nỗi bà lão dịu hẳn đi, nhưng mắt bà vẫn còn nhìn ông chồng với vẻ nghi ngại
thăm dò. Rồi bà thở dài:
- Tôi học bây giờ thì muộn rồi, vả lại ích
gì mà học? Và cả ông nữa, ông khọm già ạ, ông cũng nên ăn nói bằng cái tiếng của
ông bà ông vải để lại thôi, chứ nói năng giọng ấy thì người ta cười cho thối
mũi đấy.
- Cười hở mười cái răng, - bác Suka tự cao
tự đại đáp lại, nhưng bác chẳng hơi đâu mà tranh luận tiếp nữa.
Bác thong thả và cẩn thận bẻ vụn một khoanh
bánh mì ôi, thả vào bát sữa chua con con, ngồi nhai từ tốn, chăm chỉ, mắt nhìn
ra cửa sổ và bụng nghĩ: “Mình đi đâu mà phải vội nhỉ! Ấy giả sử như là có cái
người nào nó định ngoẻo và cần chịu lễ thì vội đã đành. Nhưng Sportnôi là anh đạc
điền, chứ đâu phải cha đạo, và Đavưđốp thì cũng chả định ngoẻo tí nào, thế thì
việc gì mình phải ba chân bốn cẳng cho mệt? Còn việc đi sang thế giới bên kia
thì lão đủ thời gian chán, và cho tới nay cũng chưa có ai lại đi xếp hàng trước
cửa Thiên đường cả... Thành thử là bây giờ ra khỏi làng, lão sẽ cho xe rẽ vào
khe nào đó, để khỏi ma nào trông thấy lão, rồi lão khò khò một giấc đã mắt, còn
ngựa thì trong khi đó cứ thả cỏ. Đến chiều lão sẽ tới đội của Đúpxốp, mẹ
Kuprianốpna nhất định sẽ chiêu đãi lão bữa chiều, và tối mát mẻ lão lên huyện
cũng vừa. Và nếu Chúa chẳng phù hộ, để cho Đavưđốp biết chuyện, lão sẽ nói toạc
móng heo với anh ta thế này: “Anh cứ tiêu diệt cái con Tơrôphim ba lần trời
đánh kia đi, khắc lão sẽ không ngủ dọc đường nữa. Suốt đêm nó cứ lục sục bới
rơm quanh lão thì anh bảo có tài thánh nào mà ngủ được! Đến phát điên với nó!”.
Phấn khởi trước viễn cảnh sắp được làm thượng
khách của Đúpxốp, bác Suka nhoẻn miệng cười, nhưng bà lão đến lúc này vẫn còn
tìm được cách làm lão cụt hứng:
- Ông nhai gì mà cứ như cái thằng liệt mồm
thế hả? Người ta phái ông đi công tác, thế mà ông cứ loanh quanh như con bọ
hung trong đống cứt vậy, có đi mau lên không? Và ông hãy vứt mẹ nó những tiếng
vớ vẩn lôi trong sách ra ấy đi, và từ rày đừng có mở miệng nói những tiếng ấy với
tôi, kẻo cái que cời nó gõ vào lưng đấy, tôi nói ông biết thế, đồ khọm già!
- Que nào thì cũng có hai đầu. - Bác Suka lẩm
bẩm trong mồm.
Nhưng khi nhìn thấy trên mặt bà nội tướng
hiện ra những đường nhăn nheo giận dữ, bác vội húp hết bát sữa, và cáo từ bà:
- Thôi, mình đi nằm nghỉ đi, chả có việc gì
thì đừng dậy, cố mà nghỉ cho chóng khoẻ. Tôi đi đây.
Thay cho lời tiễn, bà lão buông ra một câu “Lạy
Chúa!” không lấy gì làm dịu dàng lắm, và quay ngoắt đi.
*
* *
Trên quãng đường sáu cây số từ làng đến khe
Tservlenaia, bác Suka cho ngựa đi lững thững bước một. Bác thiu thiu đi một
cách khoan khoái, thỉnh thoảng đầu lại gật một cái, rồi bã cả người vì cái nóng
giữa trưa, có một lần bác suýt ngã lộn nhào xuống đất. “Cái kiểu này thì chả mấy
chốc mà gãy cổ”, bác lo lắng nghĩ bụng thế và lái xe rẽ vào khe.
Trong lòng khe, cỏ chưa cắt mọc cao đến thắt
lưng và thơm man mát. Từ đâu đó phía trên, một mạch nước suối róc rách chảy dọc
theo lòng đất sét. Nước mạch trong vắt và mát lạnh đến nỗi ngựa cũng phải uống
từ từ từng hớp nhỏ, thận trọng chắt nước qua kẽ răng. Bên mạch nước suối rất
râm mát và mặt trời lên cao trên đỉnh đầu cũng không đủ sức xuyên qua. “Thật là
Chúa ban cho!” - bác Suka vừa tháo ngựa vừa thì thào như vậy. Bác tròng chân ngựa,
thả cho gặm cỏ, trải tấm áo dipun tàng tàng của bác dưới bóng một bụi cây gai,
ngả lưng nằm xuống, rồi ngửa mặt nhìn bầu trời xanh nhạt bạc phếch đi vì nắng
cũng như đôi đồng tử xanh xanh của bác đã bạc phếch đi vì tuổi già, bác thả hồn
mơ mộng:
“Tuyệt diệu thế này thì có lấy dùi chọc vào
đít lão cũng chẳng cậy nổi lão ra khỏi đây trước chiều tối. Lão sẽ đánh một giấc
thoải mái, sưởi nắng cái bộ khung già cỗi của lão, rồi đến thăm cậu Đúpxốp,
chén món cháo của hắn. Lão sẽ bảo là lão đi vội chả kịp ăn uống gì thì thế nào
hắn cũng thết lão, gì chứ cái ấy thì lão nắm chắc như cua gạch. Nói thực ra thì
sao lại bảo dưới đội chuyên môn chỉ có món cháo suông hoặc món canh lõng bõng
phải lấy thìa ngoáy tận đáy nồi mới kiếm được một miếng? Cậu Đúpxốp đâu phải hạng
người đi làm vụ cỏ mà lại ăn khem. Cái thằng ma tịt rỗ hoa ấy một ngày không có
thịt thì hắn chả sống nổi đâu. Bắt trộm một con trong đàn cừu hàng xóm, thế là
có thịt cho thợ hắn chén rồi!... Bữa ăn mà được một khúc thịt cừu độ bốn phuntơ
chẳng hạn mà quất thì cũng hay đấy! Đặc biệt là nếu đem quay mỡ! Hoặc xoàng ra
thì món trứng tráng cũng được, nhưng phải cho đẫy mỡ vào... Bánh bột rán phết
kem cũng là một món bánh thánh làm cho con người ta chắc dạ hơn mọi thứ lễ ban
thánh thể đấy bà con ạ, nhất là khi người ta lại múc cho bà con một muôi tướng
vào địa, rồi lại một muôi tướng nữa, nom cứ lù lù một đống, rồi người ta lắc nhẹ
nhẹ tay, để cho kem lắng xuống đáy đĩa mà, và để cho mỗi cái bánh chìm ngập
trong kem. Và tuyệt cú hơn nữa là người ta lại không múc cho bà con vào đĩa mà
múc vào một cái bát đáy sâu nào đó để thìa của bà con có chỗ mà khoắng!”.
Bác Suka không phải là người phàm ăn; chẳng
qua chỉ là bác đói. Suốt cuộc đời dài đằng đẵng không chút sướng vui của bác,
chả mấy khi bác được một bữa no và chỉ có trong chiêm bao bác mới được ăn thỏa
thích những món bác cho là ngon. Lần thì bác mê thấy mình chén lòng cừu luộc, lần
thì là bánh tráng bác cuộn lại, chấm vào kem và cả cái bánh to tướng rỗ lỗ chỗ
như thế bác tọng đầy mồm làm một miếng, lần thì mì thanh nấu với lòng ngỗng bác
cứ xơi mãi không chán, nhồm nhoàm bỏng rộp cả mồm... Còn thiếu gì thứ bác không
chiêm bao trong những đêm dài đằng đẵng, nhưng tỉnh dậy sau những giấc mơ ấy
bao giờ bác cũng thấy buồn bã, đôi lúc cay cú hậm hực nữa, và nghĩ bụng: “Mơ
cái đếch gì mà toàn những của ngon của lạ! Trêu ngươi nhau thế thì sống thế chó
nào được; nằm mê thì mì ống chén đã miệng, bằng chán thì thôi, mở mắt tỉnh dậy
thì bà lão dúi cho vào mũi cùi bánh hẩm trộn sữa chua, mả cha cái món bánh hẩm
ba lần trời đánh ấy!”.
Sau những giấc mơ như vậy, bác Suka cứ liếm
hoài đôi môi khô khốc cho đến bữa ăn sáng, và ngồi vào ăn bữa sáng đạm bạc, bác
thở dài não nuột, uể oải cầm cái thìa mẻ lơ đãng vớt mấy mẩu khoai tây nổi lềnh
bềnh trong bát.
Nằm khểnh dưới bụi cây, bác Suka còn ngẫm
nghĩ mãi hồi lâu, đoán xem xuống đội sẽ được thết món gì. Rồi bác nhớ lại một
cách chả đúng lúc tí nào đến bữa cỗ đám ma mẹ Iakốp Lukits bác đã được chén lu
bù, và lao theo mãi những kỷ niệm đánh chén ấy, bác bỗng lại cảm thấy lên cơn
đói cào đói cấu đến nỗi cái buồn ngủ biến đâu mất, như có phép thần vậy. Bác hậm
hực nhổ toẹt một bãi, đưa tay lên lau chòm râu lưa thưa, sờ nắn cái bụng lép kẹp,
và nói bật lên thành tiếng:
- Một cùi bánh mốc với một bát sữa chua, thế
mà dám gọi là nuôi sống một đấng nam nhi truyền chủng chính cống? Ăn thế thì
khác nào ăn gió? Một giờ trước bụng mình còn căng như cái trống của thằng hát
rong digan, vậy mà bây giờ? Bây giờ thì nó lép dính vào xương sống! Lạy Chúa
tôi! Sao mà cả đời lão cứ phải nghĩ đến miếng ăn hàng ngày, đến những cái nhồi
cho chặt dạ dày thế này, trong khi đời cứ trôi đi như nước chảy qua kẽ ngón tay
và cái già xồng xộc đến lúc nào chẳng biết... Mình đến cái khe này lần trước
cách đây đã lâu la gì đâu! Hồi ấy hoa mận gai đang nở rộ, trắng xóa cả khe! Hồi
ấy có gió thổi, và hoa trắng thơm phức bay khắp khe, quay cuồng như bão tuyết.
Con đường kia phủ toàn một màu trắng, và thơm hơn mọi thứ nước hoa đàn bà. Thế
mà bây giờ cái màu mùa xuân ấy biến đâu mất rồi, nó đã biến thành màu đen, nó
đã tiêu ma đi không quay trở lại nữa! Cuộc đời vô vị của lão về già nó cũng tối
đen như vậy, và chẳng mấy nỗi nữa đâu mà lão Suka khốn khổ sẽ phải gửi lại nắm
xương tàn bên vệ đường, mà chuyện ấy thì cũng phải đành chứ chả làm thế nào được...
Đến đây dòng triết lý đa sầu đa cảm của bác
Suka chấm dứt. Bác thấy thương thân quá, thút thít khóc, khịt mũi, đưa ống tay
áo lên lau đôi mắt đỏ hoe, rồi ngủ thiếp đi. Bao giờ cũng vậy, cứ nghĩ đến chuyện
buồn là bác buồn ngủ.
Ngủ thiêm thiếp, và ngay cả trong giấc ngủ
cũng vẫn trung thành với bản chất của bác, bác Suka nhoẻn miệng cười, hấp háy
đôi mắt với vẻ sung sướng, và nghĩ bụng trong mơ: “Bữa chiều nay đội Đúpxốp thế
nào cũng có thịt cừu tươi, những chuyện ấy thì dạ dày lão thính lắm! Nói chén một
lúc hết bốn phuntơ thì tất nhiên là lão bốc lên nói hơi quá một tí, nhưng ba
phuntơ, hoặc cứ cho là ba phuntơ rưỡi đi thì lão chỉ chép miệng làm một lèo! Cứ
thử có thịt cừu trên bàn xem, Suka này sẽ múa thìa đưa lên miệng cấm trượt miếng
nào đâu, bà con cứ yên chí!”.
Khoảng ba giờ chiều thì trời nóng lên đến cực
độ. Ngọn gió hanh nóng bỏng nổi lên từ đằng đông, lùa vào khe một luồng không
khí hừng hực, và cái mát mẻ vừa mới đó đã biến mất tăm. Lại thêm cái anh mặt trời
ngả xuống đằng tây cứ như bám riết lấy bác Suka: bác nằm sấp bụng ngủ, mặt úp
vào chiếc áo dipun cuộn trọn, và khi tia nắng mặt trời bắt đầu cù cù vào bác, rồi
xuyên qua cái áo sơmi rách mà nướng rát tấm lưng gầy guộc của bác thì bác mơ mơ
màng màng cựa mình nhích tránh vào chỗ râm. Nhưng vài phút sau, cái ông mặt trời
rắc rối kia lại bắt đầu nướng tấm lưng già của bác một cách không thương xót,
và một lần nữa bác Suka lại phải sấp bụng bò trườn sang bên. Và sau ba tiếng đồng
hồ thể dục bò lê, bác đã làm nửa vòng bụi cây mà không hề thức giấc. Cuối cùng
nóng điên người lên, da bỏng rộp, và mồ hôi vã ra như tắm, bác Suka thức giấc,
ngồi dậy, đưa tay lên che mắt ngó ông mặt trời, và hậm hực nghĩ bụng: “Quả thật
là con mắt của Chúa, lạy Chúa xin tha tội cho con, rúc vào bụi mà cũng không thoát
được nó! Nó bắt người ta suốt cả nửa buổi cứ nhảy choi choi quanh cái bụi như
con thỏ rừng vậy. Ngủ nghê gì mà lại thế? Không phải là ngủ, mà là tra tấn! Lẽ
ra mình nên chui xuống gầm xe mới phải, nhưng chui đấy thì con mắt khỉ gió kia
của Chúa nó vẫn cứ tìm thấy mình. Trên thảo nguyên trụi thùi lụi này thì chạy
đâu cho thoát con quỷ sục sạo ấy!”.
Thở dài rền rĩ, bác thong thả cởi đôi giày
tã mướp ra, xắn quần lên, và ngắm nghía hồi lâu đôi chân cẳng khô ngẳng của
mình, miệng mỉm một nụ cười dè bỉu, đồng thời lắc đầu ngán ngẩm. Rồi bác ra suối
để rửa ráy và lấy nước suối vỗ mát cái mặt đang nóng bừng bừng.
Từ đây bắt đầu trút xuống đầu bác một lô
xúc xích những chuyện xúi quẩy...
Nhấc cao chân rẽ đám cỏ lác lúp xúp để lội
ra giữa dòng, bác vừa mới bước được hai bước thì bỗng cảm thấy chân trái mình dẫm
phải một cái gì ngọ ngoậy, nhầy nhầy và lành lạnh, rồi liền sau đó thấy phía
trên mắt cá một tí khẽ nhói lên như kiến đốt. Bác vội co phắt cẳng trái lên khỏi
mặt nước, và cứ đứng lò cò một chân như thế, chẳng khác gì con sếu đậu trong đầm.
Nhưng khi bác trông thấy phía bên trái bác một vết ngoằn ngoèo lướt nhanh lộ
ra, cỏ lác rung rinh thì mặt bác tái đi, xanh như màu cỏ lác kia, và đôi mắt
bác, bắc đầu từ từ trợn lồi lên...
Và chẳng biết bác đã moi được ở đâu ra cái
nhanh như cắt ấy! Tưởng đâu như cái tuổi son trẻ đã trôi đi từ đời nảo đời nào
lại quay trở lại với bác vậy: chỉ nhảy hai bước là bác đã đứng trên bờ rồi, và
sau khi ngồi phệt xuống một mô đất sét bác mới bắt đầu chăm chú xem xét hai cái
chấm đỏ nhỏ xíu ở chân, trong khi mắt chốc chốc lại sợ sệt liếc ra phía dòng suối
tai ác kia.
Qua khỏi cơn sợ lúc đầu, bác dần dần hoàn hồn
lại, và khẽ lẩm bẩm:
- Lạy Chúa, thế là bắt đầu đây... Những cái
điềm khốn kiếp kia thì ra nó nghĩa là như vậy đấy! Lão đã bảo thằng cha Đavưđốp
ương bướng ấy là chớ nên liều lĩnh xuất hành lên huyện hôm nay mà dại. Nhưng
cái hắn ấy chuyên môn vội, làm cái gì cũng muốn ngay, đi cũng đi ngay! Thì đấy
lão đi, và đến cái nông nỗi này đây. Hắn ta lúc nào mồm cũng nói: “Tôi là giai
cấp công nhân”. Nhưng cái giai cấp công nhân của hắn ấy sao mà nó hắc xì dầu thế?
Nó mà nảy ra ý định làm cái gì thì bà con cứ yên chí, sống chết nó cũng đạt bằng
được ý của nó! Anh đã đạt được ý anh rồi đấy, mẹ cha anh, nhưng lão đây, lão biết
làm thế nào bây giờ?
Đến đây bác Suka bỗng nảy ra ý kiến: “Bây
giờ ta phải hút máu chỗ vết thương ấy đi chứ nhỉ! Vì đúng là con rắn độc nó cắn
ta rồi, cứ xem nó lượn ngoằn ngoèo trên cỏ lác thế thì biết! Con rắn thường,
nói xí dụ là con rắn nước, nó bò từ từ
cơ, chẳng vội chẳng vàng, đâu có như cái giống thổ tả kia nó lao vút như một
tia chớp, ngoằn ngoằn ngoèo ngoèo nom gớm khiếp! Có khi là nó sợ lão nó chạy
cũng nên! Vấn đề là ở chỗ ai sợ hơn ai: lão sợ hơn hay là nó?”.
Lúc này gấp lắm rồi, chả có thời giờ đâu giải
đáp câu hỏi phức tạp ấy. Không chậm trễ một giây, bác Suka cúi gập người xuống,
cong như con tôm, nhưng cố thế nào thì cố vẫn không làm sao với mồm tới chỗ vết
thương được. Thế là, một tay nắm gót một tay nắm bàn chân, bác kéo giật thật mạnh
lên mồm trong một cố gắng tuyệt vọng, thế nào mà đến nỗi trong mắt cá chân có
cái gì kêu đánh rắc một tiếng, và đau điếng, bác ngã chổng kềnh. Năm phút bác nằm
không động đậy. Hoàn hồn được rồi, bác khe khẽ ngọ ngoậy mấy ngón chân trái,
hoang mang nghĩ bụng: “Tiền đầu là rắn cắn, rồi bây giờ là tiếp tục đây... Từ
thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ lão mới thấy một người lại tự tay vặn ngoéo chân
mình đi thế này. Kể chuyện sẽ chả ai tin đâu, họ sẽ bảo: “Lão Suka lại bịa rồi!”.
Đấy, cứ bảo là không tin điềm đi! Không tin thì khốn nạn thế này đây... Chà,
tiên sư cái anh Đavưđốp! Lão đã nói điều hay lẽ phải với anh ta mà anh ta chả
chịu nghe. Lão biết làm sao bây giờ? Đóng ngựa thế nào được đây?”
Nhưng không thể chậm trễ phút nào nữa. Bác
Suka rón rén đứng dậy, thận trọng chống chân trái lên. Bác mừng rơn thấy té ra
là cũng không đến nỗi đau lắm, đi được, tuy hơi khó một tí. Bác bóp vụn một cục
đất sét nhỏ, nhào với nước bọt, rịt cẩn thận lên vết thương. Bác rón rén tập tễnh
cái chân sái đi tìm ngựa thì bỗng trông thấy phía bên kia suối, cách bác độ bốn
thước, một cái nó làm cho mắt bác nẩy lửa và đôi môi bác run lên trong một cơn
giận dữ không kìm nổi: bên kia suối một con rắn nước nhỏ đang nằm cuộn tròn sưởi
nắng thiêm thiếp giấc nồng. Nó là một con rắn nước, cái đó không còn chút gì
nghi ngờ cả: chứng cớ là đôi “kính” vàng da cam nom ánh lên một cách hiền lành
trên đầu nó...
Và thế là bác Suka nổi giận lôi đình. Chưa
bao giờ lời ăn tiếng nói của bác nghe lại giận dữ, thống thiết xúc động đến thế.
Cái chân đau tiến lên một bước, tay trịnh trọng giơ ra trước mặt, bác sang sảng
cất giọng run run:
- Quân bò lê khốn kiếp kia! Quân máu lạnh đểu
cáng kia! Quân đốn mạt đeo mục kỉnh kia! Có phải mày, đồ sâu bọ độc hại, vừa rồi
đã làm ông đấy, nghĩa là một đáng nam nhi truyền chủng bị một phen hết hồn hết
vía đấy không?! Thế mà tao ngớ ngẩn, cứ tưởng mày không phải là cái đồ mày, mà
là chính cống rắn độc! Vậy mà phân tích vấn đề ra thì mày là cái gì? Hừ, một giống
bò lê bò lết tanh tưởi, có thế thôi! Giẫm cho mày một cái thì mày sẽ thành cát
thành bụi, không còn mảy may tí ti gì cả. Nếu không bị trẹo chân vì mày, thì
ông sẽ cho mày biết tay ông, mày nên biết như thế, đồ quái vật!
Bác Suka dừng lại lấy hơi và nuốt nước bọt
đánh ực một cái. Con rắn ngước cái đầu bé tí màu đen cẩm thạch của nó lên như lắng
nghe: quả thực đây là lần đầu tiên nó được nghe người diễn thuyết cho nó. Nghĩ
đã đỡ mệt, bác Suka tiếp tục:
- Mày trợn hai con mắt nhâng nháo nhìn ông
không chớp hả, đồ ma bờ ma bụi?! Mày tưởng như thế là mày thoát hả? Không đâu,
con ơi ông sẽ cho mày nhận ngay bây giờ đủ phần công điểm hôm nay của mày. Nom
cái đồ pích cớp kìa! Ông sẽ xé xác
mày ra, cho lục phủ ngũ tạng mày không còn một tí gì, thực tế thế!
Bác Suka cúi đôi mắt long lanh giận dữ xuống
và trông thấy trong lớp sỏi do lũ xuân cuốn từ sườn cao thung lũng xuống có một
hòn đá cuội to, mòn nhẵn. Quên cái chân đau, bác bước dấn lên. Mắt cá chân đau
nhói dữ dội làm bác ngã vật xuống đất, miệng chửi rủa om sòm nhưng tay vẫn
không buông hòn đá.
Trong khi bác ì ạch, rền rĩ lổm ngổm dậy
thì con rắn nước đã biến mất tăm. Như là trước đây chẳng hề thấy nó. Cứ như là
nó đã chui tọt vào ruột trái đất vậy! Bác Suka buông rơi hòn đá, ngơ ngác dang
tay:
- Ố hay thật, cái số lão đen ơi là đen!
Nhưng cái tên phản Chúa ấy nó rúc đâu nhanh thế nhỉ? Đúng là lại lỉnh xuống nước
rồi. Đã xúi thì cứ xúi mãi, cho nên không phải đến đây đã hết đâu... Lão thật
già mà dại, lẽ ra chả nên phát biểu ý kiến với nó làm gì mà cứ lẳng lặng nhặt
hòn đá choang luôn cho một quả vào đầu, vì đánh rắn phải đánh dập đầu mà, vì có
thể từ quả thứ hai lão sẽ ném trượt, thực tế thế. Nhưng cái quân ma mò ấy nó lỉnh
mất rồi thì ta ném ai bây giờ đây? Vấn đề là thế đấy!
Bác Suka còn đứng lại bên suối gãi gáy một
lát nữa, rồi khoát tay một cái chán đời, bác bỏ đi đóng ngựa. Khi còn chưa đi
khỏi suối một quãng khá khá thì chốc chốc bác lại ngoái đầu lại nhìn, nói của
đáng tội cũng chỉ vài lần thôi... Quân tử phòng thân, tội gì!
... Dưới làn gió thảo nguyên thở ra nhịp
nhàng và mạnh mẽ từ lồng ngực bao la của nó cái hương ngây ngất và bao giờ cũng
hơi buồn buồn của cỏ khô. Từ những khóm rừng sồi mà con đường chạy men qua, toả
ra luồng khí mát rượi và cái mùi nhạt nhẽo những vẫn kích thích lòng người của
lá sồi úa, và đây lá tần bì năm ngoái thì không hiểu sao vẫn thơm ngát hương
tươi trẻ và hương xuân, và có lẽ cả chút hương viôlét nữa. Những mùi hương khác
loại nhau ấy làm cho người ta thường là bao giờ cũng cảm thấy buồn buồn, nao
nao thế nào đó, đặc biệt khi người ấy chỉ có độc riêng một mình mình mà thôi...
Nhưng bác Suka thì đâu phải là người như vậy. Khi bác đã gác một cách thoải mái
bàn chân đau lên cái áo dipun cuộn tròn lại và buông thõng chân phải ra ngoài
xe, thì cái miệng móm mém của bác đã toe toét cười, đôi đồng tử bạc thếch vì
năm tháng của bác lim dim mãn nguyện, và cái mũi nhỏ xíu đỏ hỏn và nứt nẻ của
bác cứ đưa ngang đưa ngửa như cái đu, hít lấy hít để những mùi hương thân tình
của thảo nguyên quê hương.
Làm sao bác lại không yêu đời được nhỉ? Cái
chân sái của bác đã đỡ đau rồi; gió đưa mây đen từ một nơi xa xôi nào phía đằng
đông tới che khuất mặt trời một lúc lâu, làm cho đồng bằng, gò đống, các ngôi mộ
cổ, các khe hẻm rợp một bóng râm tim tím, và thở đã dễ chịu hơn; và trước mắt
chẳng gì thì cũng là một bữa chén thịnh soạn đang đợi bác... Không, bà con thế
nào thì tùy, nhưng bác Suka thì tạm thời cảm thấy cuộc sống cũng không đến nỗi
khó nhọc lắm!
Tới một đỉnh gò, vừa trông thấy hiện lên xa
xa bóng chiếc xe lều và cái lán đội hai, bác Suka đã cho dừng đôi ngựa đang lừng
khừng đi bước một lại, và xuống xe. Mắt cá chân bác vẫn còn đau âm ỉ, nhưng bác
đã có thể tàm tạm đứng vững bằng cả hai chân. Và bác quyết định: “Lão sẽ cho họ
thấy đến với họ đây không phải là một anh đánh xe thồ, mà chẳng gì thì cũng là
cụ xà ích của ban quản trị nông trang. Một khi đã lái xe cho đồng chí Đavưđốp,
cho anh Maka và các đồng chí lãnh đạo quan trọng khác thì phải đến bằng một kiểu
làm cho thiên hạ từ xa đã phải lác mắt!”.
Vừa chửi rủa và rền rĩ xuýt xoa, bác vừa
kìm đôi ngựa đã đánh hơi thấy chuồng, rồi đứng thẳng ưỡn người trên xe, hai cẳng
xoạc rộng, bác giật mạnh dây cương, miệng “hùy” lên một tiếng can trường. Đôi
ngựa lao đi theo nước kiệu rảo. Trên đà xuống dốc chúng phóngnhư bay, và chiếc
áo sơmi không dây thắt của bác bị gió lùa vào căng phồng lên như một quả bóng
tướng sau lưng bác. Nhưng bác vẫn thúc ngựa chạy nhanh hơn và, cắn răng chịu
đau, bác vui vẻ vung roi, hét lên the thé: “Các con ơi, xung pho-o-ong!”.
Người trông thấy bác đầu tiên là Agaphôn
Đúpxốp lúc ấy đang đứng bên lán:
- Thằng cha nào mà lại lái xe đứng, kiểu
dân Tavria thế kia nhỉ? Prianhisnhikốp ơi, ra mà xem này, ai đến thăm anh em ta
thế không biết?
Đứng trên đống cỏ đang đánh dở,
Prianhisnhikốp vui vẻ reo lên:
- Đội tuyên truyền! Bác Suka đấy mà!
- Hay quá! - Đúpxốp cười khoái trí, nói. -
Anh em đang buồn! Bố già sẽ ăn cơm tối với chúng ta, thế thì anh em ơi, thống
nhất với nhau thế này nhá: ta giữ dịt bố ấy ở lại đến sáng...
Rồi tự tay anh lôi cái xắc của anh dưới gầm
xe lều ra, hí húi lục lọi, rồi đút vào trong túi áo một chai vốtka phần tư lít
đã uống vơi rồi.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét