Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập II
Chương 19
Sớm bảnh mắt, Anđrây Radơmiốtnốp đã đến trụ
sở xôviết để ký và gửi hỏa tốc lên huyện bản tổng kết vụ cắt cỏ và bản báo cáo
về công tác chuẩn bị vụ gặt. Anh đang tập hợp những con số báo cáo của từng đội
thì có tiếng gõ mạnh ở cửa.
Vẫn chúi mũi vào đống giấy má anh lớn tiếng
nói:
- Cứ vào!
Hai người lạ mặt bước vào, và lập tức gian
phòng cứ như là chật ních người. Một trong hai người ấy, người mặc áo đi mưa vải
sơn mới toanh, dáng người trùng trục đẫy đà, mặt tròn vành vạnh râu ria cạo nhẵn,
chẳng có nét gì đặc biệt, bước tới bên bàn mỉm cười chìa cho Radơmiốtnốp một
bàn tay rắn như sắt nguội:
- Tôi là Pôliakarpơ Pêtơrôvits Bôikô, cán bộ
tiếp phẩm ban đời sống công nhân mỏ Sakhơtư, còn đây, - và anh ta khinh khỉnh hất
ngón tay cái qua vai chỉ người cùng đi với mình đang đứng cạnh cửa, - đây là
người giúp việc tôi, tên là Khigiơnhiắc.
Anh chàng này nom có vẻ một anh dắt bò hoặc
một lái buôn gia súc. Chiếc áo đi mưa vải sơn lem luốc có mũ trùm đầu, đôi ủng
da bò ống rộng, chiếc mũ kêpi xám bẹp dúm và cái roi sang trọng có hai tua da cầm
tay, tất cả những cái đó đều thầm lặng chứng minh nghề nghiệp của anh ta. Nhưng
vẻ mặt anh ta lại chẳng phù hợp chút nào với cách ăn mặc ấy: đôi mắt thông minh
sắc sảo, một nét hóm hỉnh bên khóe môi mỏng, lông mày trái dướn lên như đang
nghe ngóng, một cái gì có vẻ trí thức trên dáng mặt, đối với một người có con mắt
nhận xét thì tất cả những cái đó nói lên một cách hùng hồn rằng anh chàng này
hoàn toàn xa lạ với việc thu mua gia súc và với mọi nhu cầu của kinh tế nông
thôn. Radơmiốtnốp nhận xét thầm trong bụng thấy ngay như vậy. Thực ra anh cũng
chỉ nhìn nhác qua khuôn mặt của Khigiơnhiắc thôi, rồi nhìn ngay xuống đôi vai
bè bè quá khổ của anh ta, rồi bất chợt mỉm cười nghĩ bụng: “Cán bộ thu mua gì
những ông mãnh này! Tướng giặc thì có... Hai ông tướng này thì chỉ có đêm đêm
phục dưới gầm cầu rình những anh cán bộ thương nghiệp xỉa cho một nhát là đúng
thôi...”. Cố giữ vẻ mặt nghiêm trang, anh hỏi:
- Các đồng chí đến có việc gì?
- Chúng tôi đi thu mua gia súc riêng của bà
con nông trang viên: đại và tiểu gia súc có sừng, và cả lợn nữa, còn gà vịt thì
tạm thời chúng tôi chưa cần. Có thể sang mùa đông này sẽ thu mua cả gà vịt,
nhưng trước mắt thì chưa. Chúng tôi mua theo giá của nông trang, và tùy từng
con mà có thêm tiền thưởng công vỗ béo. Đồng chí chủ tịch ạ, đồng chí cũng thừa
hiểu lao động thợ mỏ là lao động nặng nhọc, và phải nuôi công nhân mỏ chúng ta
tử tế.
Radơmiốtnốp gõ nhẹ xuống bàn:
- Cho xem giấy.
Hai anh tiếp phẩm đặt lên bàn giấy công
tác. Giấy tờ hợp lệ cả: tiêu đề, chữ ký, dấu má, đủ tất, nhưng Radơmiốtnốp cứ
xem xét mãi hồi lâu một cách soi mói mấy tờ giấy, không để ý thấy anh chàng
Bôikô quay lại nháy mắt với anh giúp việc của mình rồi cả hai mỉm cười vụng với
nhau.
- Đồng chí tưởng giấy tờ giả mạo? - Bôikô hỏi,
lần này đã mỉm cười cởi mở, và chẳng đợi mời, ngồi luôn xuống chiếc ghế đặt bên
cửa sổ.
- Không, tôi không cho là giả... Nhưng tại
sao các đồng chí lại chọn nông trang chúng tôi? - Radơmiốtnốp không ăn giọng
nói đùa, vẫn giữ vẻ nghiêm trang.
- Đâu phải chúng tôi chọn nông trang các đồng
chí. Chúng tôi không chỉ đến nông trang các đồng chí mà thôi. Chúng tôi đã đi
sáu nông trang quanh vùng, đã thu mua được năm chục đầu con, trong đó có ba đôi
bò già, bê, bò cái hết sữa, cừu và khoảng ba chục lợn...
- Ba mươi bảy, - anh chàng vai bè bè vẫn đứng
bên cửa, đưa con số cụ thể nhắc thủ trưởng của mình.
- Đúng, ba mươi bảy đầu lợn, và với giá phải
chăng. Xong ở đây, chúng tôi còn đi một số trang ấp khác.
- Trả tiền ngay chứ? - Radơmiốtnốp hỏi.
- Tiền trao cháo múc! Nói thực thì chúng
tôi không đem theo nhiều tiền mặt đâu. Đồng chí Radơmiốtnốp ạ, đồng chí biết đấy,
thời buổi nhiễu nhương, chả nêm đem mỡ nhử miệng mèo... Để thanh toán chúng tôi
có tín phiếu.
Radơmiốtnốp ngả người ra lưng ghế, cười khà
khà:
- Các anh mà cũng sợ bị móc túi à? Có các
anh lộn túi và lột áo người ta thì có!
Bôikô kín đáo cười. Trên đôi má hồng hào
như má con gái của anh ta hiện ra hai lúm đồng tiền. Khigiơnhiắc thì vẫn tỉnh
bơ như không, lơ đãng nhìn ra cửa sổ, Radơmiốtnốp mới để ý thấy má trái của anh
ta có một vết sẹo sâu, kéo dài từ cằm đến dái tai. Anh hỏi:
- Chiến tranh để lại cho anh cái dấu trên
má ấy đấy à?
Khigiơnhiắc quay phắt lại, khẽ nhếch mép cười:
- Đâu phải chiến tranh! Sau chiến tranh tôi
mới vớ được nó...
- Tôi cũng đoán thế, nom không có vẻ một
nhát kiếm chém. Chắc là chị ấy cào hả?
- Không, cô ấy lành lắm. Đó là một lần say
rượu, một ông bạn cố tri chơi cho một nhát dao găm...
- Điển trai như anh thì tôi nghĩ là anh bị
chị ấy vạc mặt ra, nhưng nếu không phải chị ấy thì chắc cũng là do chuyện gái,
phải không? - Radơmiốtnốp làm ra bộ ngây thơ hỏi tiếp, vừa hỏi vừa vuốt ria cười.
- Đồng chí đoán giỏi lắm, đồng chí chủ tịch
ạ.. - Khigiơnhiắc mỉm cười châm biếm.
- Nghề của tôi là phải biết đoán... Và vết
sẹo của anh không phải do dao đâm, mà do kiếm chém, chuyện này thì tôi có kinh
nghiệm. Và tôi còn thấy là anh không phải một anh tiếp phẩm, cũng như tôi không
phải một lão thầy cả vậy... Cái mặt mũi anh không phải mặt mũi dân đen, tay anh
cũng vậy: hai bàn tay xem ra bình sinh chưa túm vào cái sừng bò, hai bàn tay
quý phái... Có rắn đấy, nhưng trắng nõn... Lẽ ra anh nên đem nó ra phơi nắng,
cho đen đen đi một tí, và trát tí phân bò vào, như thế may ra tôi mới tin được
anh là một anh tiếp phẩm. Còn như anh chỉ vung vẩy cái roi thế thôi thì vô ích,
cái roi làm sao che được mắt tôi!
- Đồng chí đoán giỏi thật đấy, đồng chí chủ
tịch ạ, - Khigiơnhiắc nhắc lại, nhưng lần này thì không cười ruồi nữa. - Nhưng
mới giỏi một nửa thôi: sẹo của tôi đúng là sẹo kiếm chém, có điều là thừa nhận
như thế nó cũng hơi phiền phiền, tôi không muốn. Xưa kia tôi đi bạch vệ, và bị
đánh cái dấu này vào mặt đây. Chuyện ấy ai còn muốn nhắc đến làm gì. Còn chuyện
tay thì tôi không phải dân dắt bò, tôi chỉ đi mua bò thôi. Công việc của tôi là
đếm giấy bạc xì ra, chứ không phải việc túm đuôi bò. Đồng chí thắc mặc về cái bộ
dạng của tôi hả đồng chí Radơmiốtnốp? Thì tôi cũng chỉ mới đi là tiếp phẩm ít
lâu nay thôi mà. Trước, tôi làm kỹ sư nông nghiệp, nhưng vì cái tính nát rượu
nên bị cách chức, đâm ra phải đổi nghề... Bây giờ đồng chí đã rõ chưa, hả đồng
chí chủ tịch? Đồng chí buộc tôi phải nói thật, thì tôi cũng đành phải xưng tội
với đồng chí...
- Tôi cần đến lời xưng tội của anh cũng như
con chó cần có thêm chân thứ năm vậy. Để rồi GPU họ sẽ bảo anh xưng tội, và giải
tội cho anh nếu họ muốn, còn tôi thì không dính dáng gì vào chuyện ấy. - Radơmiốtnốp
nói, rồi vẫn ngồi nguyên như thế, réo gọi: - Maria! Ra đây tôi bảo!
Cô trực nhật đang ở phòng bên rụt rè bước
ra.
- Chạy gọi cho tôi anh Nagunốp. Bảo anh ấy
ba chân bốn cẳng đến ngay trụ sở Xôviết, có việc rất cần. - Radơmiốtnốp ra lệnh,
mắt nhìn chằm chằm đầu tiên là vào Khigiơnhiắc, rồi nhìn sang Bôikô.
Khigiơnhiắc ra ý phân vân, và tự ái nhún
đôi vai rộng bè bè, ngồi xuống tấm ghế dài quay mặt đi. Còn Bôikô thì cố nhịn
cười, toàn thân rung bần bật như cái lò xo, rồi cuối cùng thốt lên bằng giọng
nam cao:
- Thế mới gọi là cảnh giác cao! Cái lối ấy
là mình rất ưa! Chết chửa, đồng chí Khigiơnhiắc ơi? Chết thẳng cẳng như gà nhảy
vào nồi cháo nhá!
Anh ta vỗ đôm đốp lên hai cái đầu gối nần nẫn
của anh ta, cúi gập người xuống mà cười, nom hồn nhiên đến nỗi Radơmiốtnốp nhìn
anh ta mà không dấu nổi ngạc nhiên:
- Anh béo này cười cái gì? Cười vừa chứ kẻo
rồi lên huyện lại khóc hết nước mắt đấy! Các anh bực thì cũng mặc xác các anh,
tôi cứ cho giải các anh lên huyện để xác minh ngay gian. Tôi ngờ các anh lắm,
các đồng chí tiếp phẩm ạ.
Gạt hai giọt nước mắt vì cười mà ứa ra, và
đôi môi dày mọng vẫn còn méo xệch vì chưa hết buồn cười, Bôikô hỏi:
- Thế giấy tờ của chúng tôi, đồng chí đã kiểm
tra rồi đấy, và thừa nhận không phải là giả mạo kia mà?!
- Giấy tờ là một chuyện, nhưng đội lốt giấy
tờ lại là chuyện khác. - Radơmiốtnốp cau mặt lại nói, rồi lấy thuốc lá từ tốn
cuốn một điếu.
Lát sau thì Nagunốp tới. Chẳng chào ai, anh
hất hàm về phía hai anh tiếp phẩm, hỏi Radơmiốtnốp:
- Những người nào đây?
- Hỏi người ta ấy!
Nagunốp bảo họ đưa xem công lệnh, hỏi họ
vài câu rồi quay sang Radơmiốtnốp:
- Thế thì có chuyện gì nhỉ? Cậu gọi mình
sang đây làm gì? Những người này đến đây thu mua gia súc, thì cứ để người ta
mua.
Radơmiốtnốp sôi lên, nhưng vẫn nói bằng giọng
khá bình tĩnh:
- Không, không mua bán gì cả, trong khi tôi
chưa xác minh được ngay gian. Có chuyện gì hả? Có chuyện là tôi nom mặt không
ưa hai cái anh này lắm! Tôi cho giải lên huyện kiểm tra lại xem sao đã, rồi muốn
mua bán gì thì mua.
Bấy giờ Bôikô mới khẽ nói:
- Đồng chí Radơmiốtnốp, đồng chí bảo cô
nhân viên kia ra ngoài đi. Tôi có việc muốn nói.
- Các anh với tôi thì có chuyện gì bí mật cần
nói với nhau nhỉ?
- Tôi bảo thì đồng chí cứ làm đi, - Bôikô
nhắc lại vẫn khẽ như thế, nhưng đã bằng giọng ra lệnh.
Và Radơmiốtnốp chịu thua. Khi chỉ còn mình
họ trong phòng, Bôikô rút ở túi trong tấm áo vettông ra một tấm thẻ đỏ nhỏ, mỉm
cười đưa cho Radơmiốtnốp:
- Đọc đi, ông tổ sư ranh! Đóng kịch với ông
không xong thì phải mở bài ra với ông vậy. Đầu đuôi là thế này, các đồng chí ạ:
hai chúng tôi là nhân viên công an của khu được phái về đây truy lùng một kẻ
thù chính trị nguy hiểm âm mưu phiến loạn, một tên phản cách mạng điên cuồng. Để
khỏi lộ, chúng tôi phải đóng vai nhân viên tiếp phẩm. Như thế hoạt động dễ hơn:
chúng tôi cứ la cà các nhà, chuyện trò với bà con, và chúng tôi hy vọng sớm muộn
sẽ phát hiện được tung tích tên phản cách mạng ấy.
- Đồng chí Glukhốp ơi, sao đồng chí không
nói ngay từ đầu cho chúng tôi biết các đồng chí là ai? Như thế có phải đã tránh
được hiểu lầm nhau không! - Radơmiốtnốp thốt lên.
- Nguyên tắc hoạt động bí mật, Radơmiốtnốp
thân mến ạ! Nói cho anh, cho Đavưđốp và Nagunốp biết thì chỉ một tuần sau là
toàn Grêmiatsi Lốc này sẽ biết chúng tôi là ai. Lạy Chúa, các anh đừng tự ái,
đây không phải là vấn đề chúng tôi không tin anh, nhưng đáng tiếc là vẫn thường
xảy ra như vậy. Chúng tôi không được phép hành động bất cẩn trong một nhiệm vụ
có tầm quan trọng lớn đối với chúng ta như vậy. - Bôikô-Glukhốp đút tấm thẻ đỏ
vào túi sau khi Nagunốp đã xem qua, và giải thích bằng một giọng bề trên.
- Các đồng chí có thể cho biết đang truy
lùng tên nào không? - Nagunốp hỏi.
Bôikô-Glukhốp không đáp, lục tìm trong chiếc
ví to tướng, rồi cẩn thận đặt vào lòng bàn tay chuối mắn của anh một tấm ảnh cỡ
chứng minh thư.
Radơmiốtnốp và Nagunốp cúi xuống mặt bàn
xem. Trên mảnh giấy nhỏ hình chữ nhật, một người đàn ông đứng tuổi, vai ngang
chằn chặn, cổ bạnh như cổ bò, đang hiền lành mỉm cười với các anh. Nhưng cái nụ
cười làm ra hiền lành ấy chẳng ăn nhập gì với cái trán như trán chó sói, với
đôi mắt quằm quặm sâu hoắm, với cái cằm bạnh của hắn ta. Nagunốp xem chỉ cười
khẩy một cái, còn Radơmiốtnốp thì lắc đầu nhận xét:
- Ông anh nom hắc gớm nhỉ!
- Chúng tôi đang lùng cái “ông anh” này
đây, - Bôikô-Glukhốp trầm ngâm nói, rồi cũng cẩn thận như lúc giở ra, anh gói
nó lại vào một tờ giấy trắng sờn mép và cất vào cái ví. Tên họ nó là Alếchxanđrơ
Anhiximôvits Pôlốptxép. Nó nguyên là quan ba bạch vệ, trong đội quân tiễu phạt,
đã tham gia trận tàn sát phân đội Pốtchenkốp và Krivôslưkốp. Sau này nó đội một
tên giả, đi làm nghề dạy học, rồi về quê sống. Nó là một trong những phần tử hoạt
động tích cực nhất chuẩn bị một cuộc nổi loạn chống Chính quyền xôviết. Theo
các nguồn tin báo cáo của chúng tôi thì nó đang lẩn quất đâu đây trong huyện
các đồng chí. Đây là tất cả những gì tôi có thể nói được với các đồng chí về
tên ấy. Các đồng chí có thể truyền đạt lại cho Đavưđốp chuyện ta vừa nói, ngoài
ra không được hé răng với ai điều gì. Tôi tin ở các đồng chí. Thôi, xin chào.
Các đồng chí không nên gặp chúng tôi, tất nhiên là nếu không có việc gì cần,
còn như nếu các đồng chí có tin gì hay cần báo cho chúng tôi thì cứ gọi tôi đến
trụ sở xôviết vào lúc ban ngày, và chỉ ban ngày thôi, để bà con dân làng khỏi
có ý gì nghi ngờ tôi. Một điều cuối cùng: các đồng chí nên mười phần cảnh giác!
Nói chung là không nên đi đêm. Pôlốptxép không dám manh động, nó không muốn bị
lộ, nhưng cảnh giác vẫn không phải thừa. Nói chung là các đồng chí không nên đi
đêm, và nếu phải đi, không nên đi một mình. Vũ khí bao giờ cũng phải bất ly
thân, tôi khuyên các đồng chí như thế mặc dù xem ra thì các đồng chí cũng chẳng
để ly thân đâu. Đồng chí Radơmiốtnốp ạ, tôi nghe thấy đồng chí, trong khi lời
đi tiếng lại với Khigiơnhiắc, hai lần quay ổ đạn khẩu súng lục đút trong túi quần,
có phải không?
Radơmiốtnốp nheo mắt lại quay đi làm như
không nghe thấy câu hỏi. Nagunốp đỡ lời anh:
- Sau lần tôi bị chúng nó bắn, chúng tôi
luôn luôn sẵn sàng tự vệ.
Bôikô-Glukhốp mỉm cười tế nhị, nói:
- Chẳng những tự vệ mà tấn công nữa chứ nhỉ...
Đồng chí Nagunốp ạ, tiện đây tôi nói đồng chí biết thằng Chimôphây Đamaxkốp tức
Mũi toác mà đồng chí đã bắn chết, có một hồi cũng tham gia tổ chức của Pôlốptxép,
và tổ chức ấy cũng có một số chân rết trong làng này. - Anh chàng “tiếp phẩm”
cái gì cũng biết kia làm như tiện thể nói chơi. - Nhưng về sau chưa rõ vì lý do
gì nó đã cắt đứt với bọn kia. Nó bắn đồng chí không phải theo lệnh Pôlốptxép,
mà có lẽ vì lý do cá nhân thì đúng hơn...
Nagunốp gật gù tán thành, và Bôikô-Glukhốp
nói tiếp một thôi dài, giọng đều đều và rành rọt như đọc thuyết trình:
- Việc việc thằng Chimôphây Đamaxkốp vì một
lý do gì đã đã cắt đứt với nhóm của Pôlốptxép, biến thành một tên trộm cướp hoạt
động lẻ, ta có một chứng cớ là nó đã không đưa cho bọn đồng đảng của Pôlốptxép
khẩu đại liên mà nó đã giấu từ hồi nội chiến trong kho thóc nhà nó mà vừa rồi
Đavưđốp đã phát hiện. Nhưng vấn đề không phải chuyện ấy. Tôi xin nói qua về nhiệm
vụ của chúng tôi: chúng tôi có nhiệm vụ lùng bắt chỉ một thằng Pôlốptxép, và nhất
thiết phải bắt sống. Trước mắt, ta đang cần một thằng Pôlốptxép còn sống. Cơ sở
chân rết của nó ta sẽ chặt sau. Tôi phải nói thêm rằng Pôlốptxép chỉ là một
khâu của cả một dây chuyền lớn, nhưng cái khâu ấy không kém phần quan trọng.
Cho nên việc lùng bắt nó được giao cho chúng tôi chứ không giao cho anh em cơ
quan an ninh huyện... Để các đồng chí khỏi còn điều gì bực với tôi, tôi xin nói
rõ là việc chúng tôi về hoạt động ở huyện này chỉ có một mình đồng chí phụ
trách GPU huyện được biết thôi. Ngay cả đồng chí Nextêrenkô cũng không biết. Đồng
chí ấy là bí thư huyện ủy, và xét cho cùng thì hai anh tiếp phẩm tép riu có
đáng gì cho đồng chí ấy phải bận tâm? Cứ để đồng chí ấy lo công việc của đảng bộ,
còn chúng tôi sẽ lo công việc của chúng tôi... Và phải nói rằng tại các nông
trang chúng tôi đã qua trước khi tới đây, chúng tôi đóng vai kịch của mình có kết
quả mĩ mãn, và chỉ có mình anh thôi, Radơmiốtnốp ạ, đã nghi Khigiơnhiắc, và từ
đó nghi cả tôi không phải nhân viên tiếp phẩm thực thụ. Và đó là một điều vinh
dự cho anh đã có đầu óc nhận xét. Nhưng nếu chẳng xảy ra như vậy thì đằng nào
cũng chỉ hai hôm nữa thôi, chúng tôi cũng phải để các đồng chí biết chúng tôi
là ai, và lý do là: cái khiếu nghề nghiệp đã làm cho tôi đánh hơi thấy Pôlốptxép
đang lẩn quất ở một xó xỉnh nào đó trong làng các đồng chí... Chúng tôi sẽ cố
tìm cho ra những bạn đồng ngũ của hắn trong cuộc chiến tranh Nga - Đức và trong
nội chiến. Chúng tôi biết rõ ngài Pôlốptxép trước kia là sĩ quan những đơn vị
nào, và phần nhiều chắc chắn là ngài đang ẩn náu ở nhà những người lính cũ của
ngài. Đó, tất cả tóm tắt là thế. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau trước khi chúng
tôi rút khỏi đây, còn bây giờ, ta chia tay!
Ra đến ngưỡng cửa rồi, Bôikô-Glukhốp còn
quay sang nhìn Nagunốp:
- Cậu muốn biết tin cô ấy không?
Hai gò má Maka đỏ tía lên từng mảng và mắt
anh tối sầm lại. Anh hắng giọng, hỏi nhỏ:
- Các anh biết hiện nó ở đâu à?
- Biết.
- Ở đâu?
- Ở thành phố Sakhơtư.
- Nó làm gì ở đấy? Nó chả có một mống bà
con thân thuộc nào ở đấy cả.
- Cô ấy đi làm.
- Làm vương làm tướng gì thế không biết? -
Maka chua chát cười khẩy.
- Làm mỏ, đẩy xe goòng. Cộng tác viên của
chúng tôi đã giúp cho cô ấy kiếm được việc làm. Nhưng tất nhiên là cô ấy không
hề ngờ ai đã kiếm giúp việc làm cho cô ấy... Và phải nói rằng cô ấy làm việc rất
tốt, có thể nói là hết sức tốt nữa kia! Thái độ rất đúng mực, không bắt thêm một
quan hệ mới nào, còn những người quan hệ cũ thì cho tới nay không thấy ai đến
thăm.
- Còn ai là người đến thăm nó nữa? - Nagunốp
khẽ nói.
Bề ngoài nom anh hoàn toàn thản nhiên, duy
chỉ có mi mắt trái anh cứ rung rung.
- Thiếu gì ai... Hãy cứ nói bè cánh thằng
Chimôphây thôi. Cậu định hoàn toàn loại trừ khả năng ấy sao? Mình thì mình cho
là cô ấy đã suy nghĩ lại, đang làm lại cuộc đời, và Nagunốp ạ, cậu có thể yên
tâm về cô ấy.
- Thế dễ anh tưởng tôi lo cho nó đấy phỏng?
- Nagunốp hỏi vặn lại, giọng nghe càng nhỏ hơn, và đứng dậy, người hơi ngả về đằng
trước và hai bàn tay dài chống xuống mép bàn.
Mặt anh tái nhợt như mặt người chết, hàm
anh nghiến nổi cuộn lên dưới hai gò má. Chọn từng lời, anh nói chậm rãi hơn thường
lệ:
- Này, anh đồng chí lắm lời ơi, anh đến đây
làm nhiệm vụ phỏng? Vậy đi mà làm đi, không việc gì phải động viên an ủi tôi,
tôi không cần đến những lời an ủi của anh. Và những lời dặn dò của anh nữa,
chúng tôi cũng không cần: nên đi đêm hay đi ngày, đó là việc của chúng tôi. Chẳng
cần những lời dạy bảo ngây ngô ấy và chẳng cần vú già, chúng tôi vẫn cứ sống được
như thường! Anh rõ chưa? Anh xéo đi cho được việc. Anh mà còn cứ lẩm nhẩm,
trong bụng có gì dốc ra sạch, thế mà cũng tự xưng với tôi là nhân viên GPU, tôi
không hiểu nổi: anh có phải một cán bộ có trọng trách của cơ quan an ninh khu
không, hay khéo lại đúng là một anh buôn bò thật, một anh mối lái, hoặc như
chúng tôi ở đây thường gọi, một dân cò mồi...
Anh chàng Khigiơnhiắc ít nói cứ cười thầm
trong bụng mà nhìn thủ trưởng của mình đứng ngây cán tàn. Còn Nagunốp thì rời
khỏi bàn, sửa lại thắt lưng áo varơi rồi đi ra cửa, người ưỡn thẳng như thường
lệ, và có lẽ anh đã làm điệu bộ hiên ngang nhà võ cũng hơi quá đáng một tí.
Anh đi rồi, trong phòng diễn ra một phút im
lặng nặng nề.
- Có lẽ cũng không nên nhắc đến chuyện cô vợ
với anh ta thì hơn, - Bôikô-Glukhốp gãi gãi sống mũi, nói. - Xem có vẻ anh ta vẫn
còn đau vì chuyện cô ta bỏ đi...
- Đúng, không nên..., - Radơmiốtnốp đồng ý.
- Cậu Maka chúng tôi là người dễ động lòng, và không thích bị ai giẫm chân bẩn
vào trái tim trong sạch của cậu ấy...
- Không sao, rồi sẽ qua đi. - Khigiơnhiắc
nói giàn hòa, miệng nói tay cầm lấy quả đấm cửa.
Để phá tan cái không khí nặng nề, Radơmiốtnốp
hỏi:
- Đồng chí Glukhốp ạ, tôi thắc mắc muốn hỏi
đồng chí: cái chuyện mua lợn bò thì thế nào? Đồng chí sẽ mua thật hay chỉ la cà
các nhà, mặc cả xong bỏ đấy?
Câu hỏi thật thà quá làm Bôikô-Glukhốp tươi
tỉnh lên và hai lúm đồng tiền lại hiện ra trên đôi má bánh đúc của anh:
- Đồng chí quả là một người có đầu óc làm
ăn! Bò lợn chúng tôi cũng sẽ mua, và tiền cũng sẽ thanh toán sòng phẳng. Và về
số phận của số bò lợn ấy, đồng chí có thể yên tâm: chúng sẽ được đưa về thành
phố Sakhơtư, và thịt mổ ra anh em thợ mỏ sẽ chén thoải mái. Họ chén, và sẽ chẳng
gửi lời cảm ơn chúng tôi đâu, vì họ sẽ chẳng rõ cơ quan cấp trên nào mà đã chạy
cho họ được cái loại thực phẩm thượng hạng ấy. Vấn đề là thế đấy, người anh em ạ!
Tiễn khách xong, Ra còn ngồi hồi lâu bên
bàn, xoạc rộng hai khuỷu tay chống lên má. Một ý nghĩ đã làm anh áy náy không
yên: “Trong dân làng, kẻ nào mà lại đi bám đít cái thằng sĩ quan chó chết ấy nhỉ?”.
Anh điểm qua lại trong đầu tất cả những dân kôdắc đứng tuổi trong ấp Grêmiatsi
này, nhưng không có ai làm anh thấy đáng nghi cả...
Radơmiốtnốp rời bàn đứng dậy cho đỡ mỏi, đi
đi lại lại ba lần từ cửa lớn đến cửa sổ, rồi bỗng đứng sững lại giữa phòng, cứ
như va đầu vào một bức tường vô hình, và lo lắng nghĩ bụng: “Cái anh béo ấy tự
nhiên lại đi khơi lại vết thương của cậu Maka! Việc đếch gì mà phải lôi chuyện
con Luska ra nói với cậu ấy? Thế ngộ nhỡ hắn nhớ rồi lao đi Sakhơtư thăm ả thì
sao? Ít lâu nay nom cậu ấy cứ bần thần, bề ngoài không để lộ ra, nhưng có vẻ là
đêm nào cũng ngồi nốc rượu vụng một mình thì phải...”.
Liền mấy hôm Radơmiốtnốp cứ thấp tha thấp
thỏm không biết rồi Maka sẽ giở trò gì? Rồi đến thứ bảy, vào buổi chiều, có mặt
cả Đavưđốp, khi Maka cho biết đã báo cáo huyện ủy để đi đến làng Martưnốpxkaia
tham quan một trong những trạm máy kéo đầu tiên của vùng sông Đông này thì
Radơmiốtnốp kêu thầm trong bụng: “Hỏng to rồi! Hắn đi thăm con Luska! Ôi ông
Maka ơi, lòng kiêu hãnh của ông để đâu mất rồi?”.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét