Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập I
Chương 23
Viên quan ba Pôlốptxép ăn ở tại nhà Iakốp
Lukits ráo riết chuẩn bị cho cuộc bạo động mùa xuân. Trong gian phòng xép, đêm
đêm y thức cho đến lúc gà gáy, ngồi hí hoáy viết, vẽ những bản đồ gì bằng cây
bút chì hóa học, đọc sách. Đôi lúc, Iakốp Lukits nhòm vào thì thấy y đang
nghiêng mái đầu trán dô xuống bàn, cắm cúi đọc, cái miệng rắn rỏi khẽ mấp máy.
Nhưng cũng có đôi khi Iakốp Lukits lại bắt gặp y đang đắm đuối tư lự. Những
phút ấy Pôlốptxép thường ngồi chống khuỷu tay lên bàn, mười ngón tay thọc vào
mái tóc thưa đã ngả bạc, bờm sờm vì lâu không cắt. Cái hàm bạnh và chắc nịch của
y đưa đảo, cứ như y đang nhai gì dai ngoách, và đôi mắt y lim dim. Gọi mấy tiếng
y mới ngẩng đầu lên, đôi con ngươi nhìn trừng trừng nom đến rợn của y ánh lên một
ánh giận dữ. “Có việc gì?” - y hỏi, giọng ồm ồm như chó sủa. Những phút ấy Iakốp
Lukits càng hãi y và bất giác càng kính nể y.
Iakốp Lukits có nhiệm vụ hàng ngày báo cáo
với Pôlốptxép về tình hình xóm ấp, tình hình nông trang; lão làm việc ấy một
cách tận tụy, nhưng mỗi ngày một đem tới cho Pôlốptxép thêm những mối lo ngại mới,
đào sâu thêm những đường nhăn chạy ngang trên má y.
Sau hôm bọn kulắc bị đày đi khỏi Grêmiatsi
Lốc, Pôlốptxép suốt đêm không ngủ. Cho đến sáng còn nghe thấy tiếng bước chân nặng
nề nhưng êm của y, và Iakốp Lukits rón rén tới cửa gian phòng xép thì nghe thấy
y nghiến răng lẩm bẩm:
- Chúng nó đào đất dưới chân mình! Làm mình
mất chỗ dựa... Giết! Giết! Phải thẳng tay giết!
Im lặng một lát, rồi y lại đi, nhẹ bước đôi
chân đi giày da mềm. Nghe thấy tiếng ngón tay y cào cào trên mình, gãi ngực
theo một cái tật quen, và một lần nữa y lại nói giọng u uất:
- Giết! Phải giết!... - Rồi dịu giọng xuống,
với một tiếng khò khè trong họng: - Chúa lòng lành, Chúa công minh sáng suốt!...
Xin Chúa đỡ con cùng!... Bao giờ mới đến giờ khởi sự?... Lạy Chúa, mong sao cho
sự trừng phạt của Chúa tới sớm!
Trời sáng rõ Iakốp Lukits thấp thỏm lại đến
dán tai vào cửa buồng: Pôlốptxép đang lầm rầm đọc kinh, rên rỉ quỳ xuống, phục
lạy. Sau đó y tắt đèn, đi nằm, và thiu thiu ngủ rồi còn thì thầm một lần nữa
nghe rất rõ: “Giết sạch, không để sót một mống”, kèm theo một tiếng rên.
Vài hôm sau, đang đêm Iakốp Lukits nghe thấy
tiếng gõ cửa sổ. Lão bước ra nhà ngoài:
- Ai?
- Mở cửa, ông chủ ơi!
- Ai đấy?
Tiếng thì thào bên ngoài cửa:
- Tôi cần gặp ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits.
- Ông nào? Đây chả có ông nào thế cả?
- Thưa giùm với ông ấy tôi ở chỗ ông
Tsiornưi, có thư.
Iakốp Lukits lưỡng lự một lát, rồi mở cửa: “Muốn
đến đâu thì đến này!”.
Một người lạ mặt thấp bé, đầu đội mũ trùm,
bước vào. Pôlốptxép đưa người ấy vào buồng, đóng chặt cửa lại, rồi trong khoảng
tiếng rưỡi đồng hồ, trong buồng vọng ra tiếng chuyện trò rì rầm, hấp tấp. Trong
khi đó thằng con của Iakốp Lukits đem cỏ cho ngựa người liên lạc mới tới ăn, nới
dây yên, tháo hàm thiếc cho nó.
Từ đó, hầu như đêm nào cũng có liên lạc cưỡi
ngựa đến, nhưng không phải vào quãng nửa đêm, mà về gần sáng, khoảng ba bốn giờ.
Xem ra họ đến từ những nơi xa hơn chỗ người thứ nhất.
Những ngày này Iakốp Lukits sống một cuộc sống
hai mang, không bình thường. Sáng ra, lão đến trụ sở nông trang, trao đổi bàn bạc
với Đavưđốp, Nagunốp, với anh em thợ mộc, đội trưởng sản xuất. Việc bận rộn xây
dựng chuồng gia súc, ngâm hạt giống, sửa chữa nông cụ không để lão còn giờ phút
nào nghĩ đến những chuyện khác. Chẳng dè cho chính lão, con người năng nổ Iakốp
Lukits đã rơi vào một tình cảnh đầu tắt mặt tối xưa nay vẫn là nguồn vui đối với
lão, một tình cảnh không lúc nào hết lo, như người lo con mọn. Chỉ có một điều
khác cơ bản là bây giờ lão chạy lăng xăng khắp làng, đi công tác xa không phải
là để kiếm riêng cho mình nữa mà là làm việc cho nông trang. Nhưng chính như thế
lão lại thích: khỏi bận lòng với những tâm tư u uất, khỏi nghĩ ngợi lôi thôi.
Công tác thu hút lão, lão muốn làm, trong đầu lão nảy ra đủ mọi thứ đề án. Lão
hăng hái bắt tay vào việc chống rét cho súc vật, xây dựng một chuồng ngựa lớn,
chỉ đạo việc di chuyển những nhà kho công hữu hóa và xây dựng một nhà kho mới
cho nông trang; và buổi chiều, khi cảnh náo nhiệt của ngày lao động đã lắng đi
và đã đến giờ về, chỉ riêng cái ý nghĩ rằng ở nhà mình, trong căn phòng xép, có
Pôlốptxép đang ngồi đó, như một con diều hâu ăn xác chết đậu trên ngôi mộ cổ, lầm
lầm lì lì và nom đáng sợ trong sự cô đơn trơ trọi của y, cũng đủ làm cho Iakốp
Lukits thấy nhoi nhói trong dạ, chân tay uể oải, toàn thân mệt mỏi lạ lùng...
Lão trở về nhà, và trước khi ăn tối, vào gặp Pôlốptxép.
Pôlốptxép đang nóng lòng nghe, miệng ra lệnh,
tay cuốn thuốc lá:
- Nói đi!
Và Iakốp Lukits kể lại những chuyện diễn ra
ở nông trang trong ngày hôm ấy. Pôlốptxép thường lẳng lặng nghe, chỉ có một lần
ngắt lời lão, là khi Iakốp Lukits báo cáo về việc phân phát quần áo giày dép tịch
thu được của kulắc chia cho dân nghèo; y đã nổi điên lên, quát, khò khè trong họng:
- Những đứa nào nhận, sang xuân ta sẽ móc họng
chúng nó ra! Tất... anh ghi lấy danh sách tất cả bọn chó má ấy! Rõ không?
- Có danh sách rồi, thưa ông Alếchxanđrơ
Anhiximôvits.
- Có mang theo đấy không?
- Có đây.
- Đưa xem!
Y cầm lấy tờ giấy, sao lại cẩn thận, ghi rõ
tên họ từng người và của được chia, đánh dấu chữ thập cạnh tên những người được
nhận quần áo, giày dép.
Báo cáo với Pôlốptxép xong, Iakốp Lukits đi
ăn tối, và trước khi đi ngủ lại vào gặp y, nhận chỉ thị cho ngày hôm sau.
Chính là theo ý kiến của Pôlốptxép mà mồng
8 tháng Hai, Iakốp Lukits đã lệnh cho người chấm công đội hai bố trí bốn xe đủ
người ngựa đi chở cát bờ sông về rải chuồng bò. Họ chở cát về. Iakốp Lukits ra
lệnh cho quét dọn sạch sẽ nền đất chuồng bò và rải cát lên. Công việc làm gần
xong thì Đavưđốp tới chuồng chăn nuôi của đội hai. Anh hỏi Đêmít Miệng hến là
người phụ trách chuồng bò của đội hai:
- Lấy cát về làm gì đấy?
- Rải nền.
- Sao lại phải rải?
Im lặng.
- Tôi hỏi cậu: Sao lại phải rải?
- Không biết.
- Ai cho lệnh rải cát?
- Quản lý.
- Ông ấy bảo sao?
- Bảo phải giữ vệ sinh... Chỉ bày chuyện,
quân chó đẻ!
- Tốt đấy! Như thế sạch sẽ hơn, chứ để phân
hôi thối thế, bò dễ mắc dịch. Bò cũng cần sạch, anh em thú y vẫn bảo như vậy,
thực tế thế! Và cậu tỏ vẻ khó chịu thế... là sai. Trông đã thấy thích mắt: rải
cát sạch đấy chứ? Cậu thấy thế nào?
Nhưng Đavưđốp không cậy răng được anh chàng
Miệng hến nói thêm một lời: anh chàng lẳng lặng bỏ đi ra chỗ kho rơm vụn. Còn
Đavưđốp thì đi ăn cơm, trong bụng tán thành sáng kiến của viên quản lý.
Xẩm chiều, Liubiskin chạy tới gặp anh, hậm
hực hỏi:
- Thế ra bây giờ người ta lại rải cát lót ổ
cho bò nằm à?
- Ở, rải cát.
- Lão Ôxtơrốpnốp ấy, nó làm sao vậy? H...
h... hóa rồ rồi chắc? Ai lại làm thế bao giờ? Và đồng chí, đồng chí Đavưđốp,
chuyện điên rồ như thế mà đồng chí tán thành à?
- Có gì mà cậu ngậu xị lên thế, hả Liubiskin?
Vấn đề là phải giữ vệ sinh, và Ôxtơrốpnốp làm vậy là đúng. Sạch sẽ chẳng có hại
gì cả: đỡ dịch bệnh.
- Vệ sinh khỉ gió gì thế, lão ấy nói nghe
muốn ỉa vào mồm lão ấy! Đồng chí trông đấy, rét đến chết người đi được! Cho nó
nằm ổ rơm còn ấm một tí chứ, còn trên cát thì... anh thử nằm xem!
- Thôi, xin anh đừng ý kiến ý cỏ gì nữa! Phải
bỏ cái lối chăn nuôi cũ rích ấy đi! Bây giờ cái gì cũng phải làm theo phương
pháp khoa học.
- Khoa học kiểu gì thế? Ôi giào... -
Liubiskin cầm chiếc mũ lông đen phát một cái vào ống giày ủng, nhẩy đi ra, mặt
đỏ như gà chọi.
Và sáng hôm sau, hai mươi ba con bò đực,
không con nào cất mình đứng dậy nổi. Đêm qua, cát đã đóng băng lại, làm cho nước
đái bò không thấm đi đâu được, bò nằm ướt đã bị cóng... Vài con đứng dậy được
đã để lại từng mảng da dính chặt vào cát đóng băng. Bốn con đuôi đóng cứng lại
gãy rời ra. Những con còn lại ốm hết, run cầm cập.
Vì phải thi hành mệnh lệnh của Pôlốptxép,
Iakốp Lukits cố gắng hết sức mới giữ nổi cái chức quản lý. “Bò thì cứ dùng cách
cho chết cóng như vậy! Chúng nó ngu lắm, sẽ tưởng thế là vệ sinh. Nhưng ngựa
thì anh chú ý cho tôi, sao cho khi cần là có ngay!”. Tối hôm trước, Pôlốptxép
đã nói như vậy. Và Iakốp Lukits đã làm đúng răm rắp.
Đến sáng Đavưđốp gọi lão vào gặp mình; anh
cài chặt cửa, rồi mắt không ngửng lên, hỏi:
- Ông làm cái trò gì thế?...
- Thưa đồng chí Đavưđốp, tôi đã sai lầm
nghiêm trọng! Tôi... Lạy Chúa... Thật tôi muốn cắn lưỡi mà chết...
- Ông làm gì thế hả, đồ rắn độc! - Đavưđốp
tái xanh mặt, giận ứa máu mắt lừ nhìn Iakốp Lukits: - Ông định phá hoại hả?...
Ông mà lại không biết là không nên rải cát lót chuồng bò à? Không biết là bò có
thể bị cóng à?
- Tôi tưởng... Tôi không biết thật, có Chúa
chứng giám!
- Ông im mồm đi!... Tôi không tin. Ông là một
nông dân giàu kinh nghiệm thế mà lại không biết!
Iakốp Lukits bưng mặt khóc, lau mũi xụt xịt,
và chỉ lắp bắp một điều:
- Tôi muốn giữ vệ sinh... Khỏi cứt đái...
Ngờ đâu cơ sự lại ra như thế...
- Ông đi đi. Bàn giao công việc lại cho
Usakốp. Chúng tôi sẽ đem ông ra xử.
- Thưa đồng chí Đavưđốp!...
- Tôi bảo ông đi ra!
Iakốp Lukits đi ra rồi, Đavưđốp ngồi suy
nghĩ lại sự việc một cách bình tĩnh hơn. Nghi ngờ Iakốp Lukits phá hoại - bây
giờ thì anh cảm thấy thế là vô lý. Vì Ôxtơrốpnốp đâu có phải kulắc. Và nếu đôi
lúc có ai gọi lão như vậy thì chẳng qua là thù ghét cá nhân. Một lần, ít lâu
sau khi Ôxtơrốpnốp được đưa ra làm quản lý, Liubiskin đã buông ra một câu, như
tiện mồm: “Bản thân lão Ôxtơrốpnốp trước kia là kulắc!”. Ngay hồi ấy Đavưđốp đã
kiểm tra lại và xác định được rằng trước đây nhiều năm Iakốp Lukits quả là có
phong lưu thật, nhưng sau đó mất mùa đã làm lão sa sút, trở thành trung nông.
Đavưđốp nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ tới, nghĩ lui, và đi đến kết luận rằng Iakốp
Lukits không có lỗi trong chuyện không may xảy đến với bò, rằng lão cho rải cát
lót chuồng chỉ là vì muốn giữ vệ sinh, và một phần có thể là do tính lão luôn
luôn thích cải tiến. Anh nghĩ bụng: “Nếu lão là phần tử phá hoại thì đã chẳng
làm việc gương mẫu như thế, vả lại cả đôi bò đực lão cũng bị. Không, Ôxtơrốpnốp
là một nông trang viên một lòng một dạ với ta, và câu chuyện cát ấy chỉ là một
sai lầm đáng buồn, thực tế thế!”. Anh nhớ lại Iakốp Lukits đã xây dựng chuồng ấm
cho súc vật với một thái độ chu đáo và tháo vát như thế nào, giữ gìn cỏ khô như
thế nào, và lần ba con ngựa của nông trang bị ốm, lão đã thức thâu đêm đến sáng
ở chuồng ngựa, tự tay thụt cho ngựa, đổ cho chúng uống dầu gai, trị cho chúng bệnh
đường ruột; rồi sau đó lão là người đầu tiên đề nghị đuổi ra khỏi nông trang kẻ
đã gây bệnh cho ngựa là Kugienkốp, người chăn ngựa của đội một, suốt một tuần
liền, như về sau đã phát hiện ra, chỉ cho ngựa ăn độc một thứ rơm lúa đại mạch.
Theo nhận xét, chăm sóc ngựa thì nhất Iakốp Lukits. Nhớ lại tất cả những chuyện
ấy, Đavưđốp cảm thấy xấu hổ, thấy mình có lỗi với lão quản lý vì cơn giận vô lý
của mình. Anh cảm thấy áy náy bứt rứt vì đã quát tháo thô bạo như thế một nông
trang viên tốt, một ủy viên quản trị nông trang được bà con kính nể, và lại còn
nghi lão phá hoại nữa, trong khi tội của lão chỉ là sơ xuất vô ý. “Vớ vẩn quá!”,
Đavưđốp vò đầu rối bù lên, ngượng nghịu đằng hắng một tiếng, bước ra khỏi
phòng.
Iakốp Lukits đang trao đổi với viên kế
toán, tay cầm chùm chìa khóa, đôi môi hậm hực run run...
- Tôi bảo này, Ôxtơrốpnốp... Đừng bàn giao
nữa, ông cứ tiếp tục làm việc, thực tế thế. Nhưng nếu ông lại để xảy ra cái trò
ấy lần nữa... Tóm lại, là ông liệu đấy... Bây giờ, cho đi mời thú y trên huyện,
và bảo cho các đội trưởng là bò ốm đừng bắt làm.
Âm mưu phá hoại nông trang lần đầu của Iakốp
Lukits thế là đã kết thúc mỹ mãn cho lão. Pôlốptxép tạm thời không giao cho lão
nhiệm vụ gì kế tiếp, vì y đang bận một việc khác: một nhân vật mới đã đến tìm
y, vào ban đêm như thường lệ. Người ấy cho xe quay về, bước vào nhà. Lập tức
Pôlốptxép kéo luôn hắn vào trong buồng, và ra lệnh cấm cửa mọi người. Hai đứa
trò chuyện với nhau tới khuya, và sáng hôm sau Pôlốptxép tươi tỉnh gọi Iakốp
Lukits vào:
- Này, anh Iakốp Lukits thân mến, đây là một
hội viên của đồng minh chúng ta, bạn chiến đấu của chúng ta, như thường nói,
quan một Liachépxki Vátxláp Ápguxtôvits. Anh hãy quý trọng chăm sóc ông ấy. Còn
đây là chủ nhà của tôi, lính kô-dắc kỳ cựu, nhưng hiện nay chuyển ra làm quản
lý nông trang... Có thể nói là một viên chức xôviết...
Viên quan một đang ngồi trên giường đứng dậy,
chìa cho Iakốp Lukits cái lòng bàn tay to và trắng. Nom hắn trạc tuổi ba mươi,
gầy và mặt vàng. Mái tóc đen quăn quăn của hắn chải ngược, chấm đến tận cổ chiếc
áo cánh xa tanh đen. Hàng ria thưa mọc loăn xoăn trên đôi môi thẳng nét và tươi
vui. Mắt trái hắn thành tật lim dim, xem chừng là do chấn thương; bên dưới con
mắt ấy, da mặt hắn bất động, sần sùi những vết nhăn chết cứng, nom khô héo như
ngọn lá thu. Nhưng con mắt lim dim ấy chẳng làm giảm đi, mà lại còn làm tăng
thêm vẻ tươi vui, hóm hỉnh của khuôn mặt viên cựu quan một Liachépxki. Có cảm
tưởng như con mắt nâu nâu của hắn sắp nháy một cái ranh mãnh, da mặt hắn sẽ
căng ra, làm những đường nhăn rẻ quạt giãn đến thái dương, và viên quan một yêu
đời ấy sẽ phá lên một tiếng cười trẻ trung và dễ lây. Kiểu ăn mặc xem có vẻ luộm
thuộm của hắn là cố ý, và nó không ảnh hưởng gì đến dáng điệu nhanh nhẹn mà vẫn
để lộ ra vẻ phong lưu đài các.
Ngày hôm ấy Pôlốptxép đặc biệt vui, tỏ ra
ân cần với cả Iakốp Lukits nữa. Trong chốc lát, y đã kết thúc câu chuyện thường
ngày; rồi quay mặt về phía Ôxtơrốpnốp, y tuyên bố:
- Ông quan một Liachépxki sẽ ở lại nhà anh
độ hai tuần, còn tôi hôm nay, tối xuống là tôi đi. Ông ấy cần gì, anh giúp, mọi
mệnh lệnh của ông ấy là lệnh của tôi. Rõ chưa? Như thế nhá, Iakốp Lukits! - Rồi
y đặt bàn tay gân guốc lên đầu gối Iakốp Lukits, dằn giọng nhấn mạnh: - Sắp bắt
đầu rồi! Nán chờ ít lâu nữa thôi. Anh cứ nói như thế với bà con kô-dắc ta, cho
họ phấn khởi. Thôi, bây giờ anh đi ra, chúng tôi cần bàn chuyện tiếp.
Có chuyện gì bất thường đây làm cho Pôlốptxép
phải rời Grêmiatsi Lốc hai tuần lễ. Iakốp Lukits nóng lòng muốn biết lắm. Vì thế
lão lẻn vào trong căn buồng mà bữa nọ Pôlốptxép đã nấp ở đó nghe trộm chuyện của
lão với Đavưđốp. Lão áp tai vào bức vách mỏng. Lão chỉ nghe hơi rõ rõ câu chuyện
nói phía bên kia tường.
Liachépxki: Nhất thiết anh cần bắt liên lạc
với Bưkôđôrốp... Dĩ nhiên, khi gặp thế nào Ngài cũng sẽ thông báo cho anh rõ là
các kế hoạch... tình hình thuận lợi... Tuyệt! Ở khu Xanxcơ... một đoàn xe lửa bọc
sắt... trong trường hợp thất bại...
Pôlốptxép: Suỵt.
Liachépxki: Chắc chả có ai nghe đâu.
Pôlốptxép: Nhưng dẫu sao... Đề phòng vẫn
hơn...
Liachépxki (nói nhỏ đi, làm cho Iakốp
Lukits nghe câu được câu chăng, chẳng có mạch lạc gì): Thất bại... tất nhiên...
Ápganixtan... Nhờ sự giúp đỡ của họ mà luồn đi...
Pôlốptxép: Nhưng phương tiện... GPU*... (rồi
sau đó chỉ còn độc nghe thấy một tiếng liên tục: “bu-bu-bu-bu-bu...”). [Tên tắt ngành công
an Xôviết hồi đó. - ND]
Liachépxki: Phương án là như sau: vượt biên
giới... Minxcơ... Vòng tránh... Tôi đảm bảo với anh là quân biên phòng... Tất
nhiên, họ sẽ tiếp ở bộ tham mưu... Ông đại tá, tôi biết tên ông ta... nơi họp
kín... Thế thì là một sự hỗ trợ mạnh mẽ! Một sự yểm hộ như vậy... Vấn đề không
phải là ở chỗ trợ cấp...
Pôlốptxép: Ý kiến của Ngài thế nào?
Liachépxki: Tôi tin rằng Ngài đại tướng sẽ
nhắc lại... nhiều! Tôi được lệnh miệng... vô cùng căng thẳng, trong khi lợi dụng...
không bỏ lỡ thời cơ...
Tiếng nói chuyển thành tiếng thì thào, và
Iakốp Lukits nghe lõm bõm câu được câu mất như vậy chẳng hiểu gì cả, thở dài một
cái, bỏ đi lên trụ sở nông trang. Và một lần nữa, đi tới ngôi nhà xưa kia của
Titốc, lướt mắt nhìn lên tấm biển trắng treo trên cổng với dòng chữ: “Ban quản
trị nông trang Grêmiatsi”, lão lại thấy cảm giác quen thuộc một dạ hai lòng. Rồi
lão lại nhớ đến viên quan một Liachépxki, đến lời nói chắc như đinh đóng cột của
Pôlốptxép: “Sắp bắt đầu rồi!”, và với một niềm vui độc ác, điên tiết lên với
mình, lão nghĩ bụng: “Mau mau lên chứ! Không thì mình sẽ bị xé xác làm đôi mất,
một nửa cho họ, một nửa cho nông trang, như con lợn đem mổ thịt!”.
Đến tối, Pôlốptxép thắng ngựa, đút tất cả
giấy má vào túi dết, lấy lương thực và từ giã lên đường. Iakốp Lukits nghe thấy
bên cửa sổ con ngựa của Pôlốptxép vui sướng được sổ lồng, nhún nhảy quay mấy
vòng, gõ móng lóc cóc xuống mặt đường.
Ông khách mới đã tỏ ra là một con người hiếu
động, ngồi không yên một chỗ, và suồng sã lối lính tráng. Suốt ngày hắn mò mẫm
khắp trong nhà ngoài sân, vui vẻ, nụ cười trên miệng, nói dỡn đám đàn bà, làm
cho bà lão Ôxtơrốpnốp vốn ghét cay ghét đắng khói thuốc lá sống không yên; hắn
cứ lang thang, chẳng sợ ai trông thấy, đến nỗi Iakốp Lukits cũng phải lưu ý hắn:
- Ngài nên cẩn thận... Nhỡ có ai vào, bắt gặp
quan lớn.
- Thế trên trán ta có ghi rõ ta là “quan lớn”
à?
- Không, nhưng họ có thể hỏi ngài là ai, ở
đâu đến...
- Thế thì, ông chủ ơi, giấy tờ tôi đầy túi
đây và nếu gặp trường hợp gay go, người ta không tin, thì tôi chỉ việc đưa ra
cái giấy uỷ nhiệm này... Cầm nó thì đi đâu cũng lọt! - Và hắn rút trong túi áo
ra một khấu Maude xanh biếc miệng vẫn tươi cười như thế và con mắt dại đờ lấp
dưới lớp da nhăn gồ lên nhìn với một vẻ khiêu khích.
Cái bắng nhắng của viên quan một ngông
nghênh kia làm cho Iakốp Lukits khó chịu trong bụng, đặc biệt là từ sau lần buổi
tối lão ở trụ sở về thì nghe thấy trong nhà có tiếng nén giọng nói nhỏ, tiếng
cười khúc khích, tiếng lục đục, và đánh que diêm lên, lão trông thấy phía sau
thùng cám con mắt độc nhất long lanh của Liachépxki, và bên cạnh là ả nàng dâu
của mình mặt đỏ như hoa mào gà, đang luống cuống kéo váy xuống và sửa lại tấm
khăn vuông tụt xuống tận gáy... Iakốp Lukits chẳng nói chẳng rằng, đi xuống bếp,
nhưng tới cửa bếp thì Liachépxki đuổi kịp, vỗ vai lão, thì thào:
- Này, bố ơi, bịt chuyện này đi nhá... Đừng
làm khổ thằng con bố! Con nhà binh chúng ta thì phải thế! Thần tốc và dũng
mãnh! Tuổi trẻ ai mà tránh khỏi, hèm... Này, thuốc lá đây, hút đi... Thế đằng ấy
không làm cái trò ấy với con dâu bao giờ à? Thôi đi, lão dê cụ!
Iakốp Lukits hoang mang quá đến nỗi đã cầm
lấy điếu thuốc, châm vào que diêm ở tay Liachépxki, rồi mới bước vào bếp. Còn
tên này thì châm thuốc mời chủ nhà xong, nén một cái ngáp, lên giọng dạy đời:
- Khi người ta giúp anh việc gì chẳng hạn
châm lửa cho anh hút thuốc, thì phải cảm ơn chứ. Chà, cái đồ anh bất lịch sự,
thế mà lại là quản lý nông trang! Như xưa kia thì tôi chẳng thèm lấy anh làm
lính hầu đâu.
Iakốp Lukits nghĩ bụng: “Ma quỷ nào trút
lên đầu mình lão khách trọ này thế không biết!”.
Thói ngỗ ngược của Liachépxki làm lão phát ớn.
Thằng Xêmiôn, con trai lão, hôm ấy không có nhà, nó được giao cho lên huyện mời
thú y sĩ. Nhưng Iakốp Lukits quyết định không hở gì cho nó biết, và tự mình giải
quyết lấy: lão gọi cô con dâu vào trong kho lúa, lặng lẽ dạy dỗ con dâu, quật
cho cô nàng một trận roi da; lão không quật vào mặt mà vào lưng và thấp hơn nữa
một tí, nên không ai trông thấy vết roi. Đến cả Xêmiôn cũng không để ý thấy gì.
Tối hắn ở huyện về, cô vợ dọn cơm ra cho chồng, và khi thấy vợ chỉ ngồi ghé vào
đầu ghế, hắn vô tình hỏi:
- Mình làm sao mà ngồi rón rén như khách thế?
- Tôi bị cái mụn... - Vợ Xêmiôn đỏ mặt tía
tai đứng dậy.
- Nhá một củ hành với ruột bánh mì đắp lên
đấy, khỏi ngay. - Iakốp Lukits đang bện một sợi thừng, ân cần bày cách cho con
dâu.
Cô con dâu ném về phía lão một cái nhìn nảy
lửa, nhưng đấu dịu đáp:
- Cám ơn thày, mặc nó, nó khắc khỏi...
Thỉnh thoảng lại có người mang thư đến cho
Liachépxki. Hắn đọc xong thư ném luôn vào lò đốt đi. Về sau, đêm nào hắn cũng uống
rượu, thôi cái trò trai lơ với cô con dâu Iakốp Lukits, đâm ra lầm lì và luôn mồm
hỏi Iakốp Lukits hoặc Xêmiôn cho xin “một chai bố”, dúi vào tay họ những tờ giấy
bạc mới tinh, kêu sột soạt. Say rượu, hắn quay sang nói chuyện chính trị, thiên
về những vấn đề khái quát rộng lớn, và theo hắn thì là sự đánh giá tình hình một
cách khách quan. Một lần hắn đã làm cho Iakốp Lukits bị một mẻ hoang mang tợn.
Hắn gọi lão vào buồng, mời lão uống rượu vốtka, rồi nháy mắt một cái khả ố, hỏi:
- Lão đang phá hoại nông trang đấy à?
- Không, sao lại phá hoại? - Iakốp Lukits
giả vờ làm vẻ ngạc nhiên.
- Phương pháp hoạt động của lão thế nào?
- Phương pháp nào ạ?
- Thế thì lão làm việc gì? Lão là nhân mối
tay trong chứ gì... Vậy ở đấy lão làm những gì? Có đánh thuốc độc ngựa bằng mã
tiền không, có phá dụng cụ sản xuất hoặc cái gì khác không?
- Hoàn toàn ngược lại, tôi được lệnh không
được đụng chạm đến ngựa... - Iakốp Lukits thú nhận.
Ít lâu nay lão ta hầu như đã bỏ rượu, do đó
cốc vốtka làm lão choáng váng ngây ngất, ruột gan có gì muốn dốc tuột ra hết.
Lão muốn than thở nỗi khổ tâm của lão vì đồng thời vừa phải xây dựng vừa phải
phá hoại cơ sở kinh tế tập thể hóa của trang ấp. Nhưng Liachépxki chẳng để cho
lão nói; chẳng buồn rót mời Iakốp Lukits nữa, hắn nốc cạn chỗ vốtka và hỏi:
- Thế thì đồ ngu si đần độn ạ, lão dính với
chúng tôi làm gì? Tôi hỏi lão dính vào làm khỉ gì? Ông Pôlốptxép và tôi là những
kẻ cùng đường, một liều ba bảy cũng liều... Phải liều! Hoặc là chúng tôi sẽ thắng,
mặc dầu, lão có biết không, phần thắng ít một cách đáng buồn... Một phần trăm
thôi, không hơn! Nhưng chúng tôi như thế là vì chúng tôi không có cái gì để mất
cả, trừ xiềng xích, như bọn cộng sản nói. Thế còn lão? Theo tôi, lão chỉ là một
vật hy sinh. Đời lão, lão cứ sống cho thoải mái, đồ ngu ạ... Cứ cho rằng tôi chẳng
tin những bọn ngu xuẩn như lão có thể xây dựng nên chủ nghĩa xã hội, nhưng dẫu
sao... ít ra bọn lão cũng khuấy đục được vũng bùn thế giới. Đằng này, khi nổi
lên bạo động, người ta sẽ cho lão một phát, con quỷ bạc đầu ạ, hoặc chỉ tống
lão vào tù thôi, và vì lão chỉ là theo đóm ăn tàn nên người ta sẽ đầy lão lên tỉnh
Arkhanghenxkơ. Lão sẽ đẵn gỗ ở đấy cho đến ngày chủ nghĩa cộng sản thắng thế lần
thứ hai... Chà, lão là đồ con lừa! Như tôi đây, tôi hiểu rõ vì sao phải nổi dậy,
tôi là quý tộc mà! Ông thân sinh tôi ngày trước có năm nghìn đêxiachin đất cày
cấy, và gần tám trăm đêxiachin đất rừng. Đối với tôi và những người như tôi, thật
là đau lòng nát ruột phải rời bỏ quê hương xứ sở, lang thang nơi đất khách quê
người, đổ mồ hôi kiếm ăn, như người ta thường nói. Nhưng lão? Lão thì là cái
gì? Một dân cổ cày vai bừa, ăn no vác nặng! Một giống bọ hung ăn cứt! Chó đẻ mẹ
các anh chứ trong nội chiến, bọn kô-dắc các anh bị chúng nó đâm chém như thế
chưa đã đời hay sao?
- Chúng tôi sống không nổi! - Iakốp Lukits
phản ứng lại. - Thuế má bóp nghẹt, súc vật bị thu, đời sống riêng chẳng có, chứ
nếu không thì chúng tôi cần quái gì đến các ông, các ông quý tộc cũng như các
ông khác cùng giuộc. Và đời nào tôi lại chuốc vạ vào thân như thế này.
- Thuế với má! Cứ làm như ở nước khác, nông
dân không phải đóng thuế vậy. Họ còn đóng nặng hơn ấy chứ!
- Vô lý.
- Đúng thế đấy!
- Nhưng ông làm sao biết được ở các nước ấy
người ta sống thế nào và đóng thuế ra sao?
- Tôi sống ở đấy rồi, tôi biết.
- Ông chắc ở nước ngoài về?
- Hỏi làm gì?
- Tôi muốn biết.
- Biết lắm chỉ tổ chóng già. Thôi, đi lấy
ít vốtka nữa vào đây.
Iakốp Lukits sai thằng Xêmiôn đi lấy vốtka,
còn lão, đang thèm được yên tĩnh một mình, vào kho lúa nằm dúi trong đống rơm
hai tiếng đồng hồ, ngẫm nghĩ: “Đồ khỉ đột! Nó nói mình nghe mà muốn điên đầu.
Hoặc là nó thử mình, xem xem mình ăn nói ra sao và có chống lại bọn họ không, rồi
đợi Pôlốptxép về sẽ báo cáo... và lão này sẽ khử mình như khử Khốprốp chăng?
Hay biết đâu nó nghĩ thế thật. Người ta lúc tỉnh có cái gì để bụng thì lúc say
nói ra mồm... Có lẽ cũng chẳng dây dưa dính dáng với Pôlốptxép làm gì, nén chịu
ở nông trang độ một hai năm chăng? Biết đâu một năm nữa, chính quyền thấy nông
trang làm ăn không ra gì sẽ chẳng giải tán nó đi? Và mình sẽ trở lại sống ra
con người... Ôi, lạy Chúa tôi! Tôi biết xoay thế nào bây giờ? Sẽ mất toi cái đầu
thôi… Rõ ràng là đằng nào cũng vậy... Đem con cú quất vào gốc cây, hay đem gốc
cây quất vào con cú, thì đằng nào con cú cũng về chầu giời...”.
Gió băng qua hàng rào thổi thốc vào nhà
kho. Gió cuốn những cọng rơm vương vãi quanh cổng bay tới chân đụn rơm, đắp vào
những lỗ chó bới, chải lại những chỗ bờm xờm chất không chặt, quét tuyết hanh
trên nóc đụn rơm xuống rơi lả tả. Gió to, thổi mạnh và lạnh buốt. Iakốp Lukits
cố nhìn mãi mà không biết được gió từ phía nào lại. Dường như gió chỉ luẩn quẩn
quanh đống rơm và lần lượt từ bốn phía đông, tây, nam, bắc thổi tới. Gió động,
làm bọn chuột trong đống rơm sợ chạy lục đục. Chúng kêu chút chít, lủi chạy
theo những con đường bí mật của chúng, đôi lúc sát vào lưng Iakốp Lukits đang nằm
chúi vào đống rơm. Lắng nghe tiếng gió rít, tiếng rơm xào xạc, tiếng chuột rúc
rích và tiếng cót két tời nước ngoài giếng, Iakốp Lukits dường như thiu thiu: tất
cả những tiếng động ban đêm ấy lão nghe như một khúc nhạc buồn, xa xăm và kỳ lạ.
Đôi mắt lim dim rơm rớm nước mắt, lão nhìn bầu trời sao, hít lấy mùi rơm và
hương gió thảo nguyên; mọi cảnh vật chung quanh, lão thấy nó đẹp và bình dị...
Nhưng nửa đêm, có người cưỡi ngựa từ ấp
Vôxkôvôi mang thư Pôlốptxép tới. Liachépxki đọc lá thư ngoài bì có ghi “Hỏa tốc”,
rồi lay Iakốp Lukits đang ngủ dưới bếp dậy:
- Này, đọc đi.
Iakốp Lukits dụi mắt, đón lấy lá thư của
Pôlốptxép gửi cho Liachépxki. Thư viết bằng bút chì tím trên một trang giấy sổ
tay, nét chữ rõ ràng, đôi chỗ viết theo cách viết cổ:
“Ông
một,
Chúng
tôi đã nhận được tin chắc chắn rằng Ban chấp hành Trung ương của bọn bônsêvích
đang trưng thu lúa mì của nhà nông, nói là để làm giống gieo cho các nông
trang. Nhưng thực tế là lấy lúa để bán ra nước ngoài, và nhà nông, kể cả nông
trang viên, sẽ bị lâm vào cảnh chết đói. Chính quyền Xôviết thấy trước ngày tận
số của nó sắp tới và không thể tránh được, đem thóc bán sạch, làm cho nước Nga
hoàn toàn phá sản. Tôi ra lệnh cho ông phải lập tức triển khai trong dân chúng
Grêmiatsi Lốc, ở đó giờ đây ông là người đại diện cho liên minh của chúng ta, một
cuộc tuyên truyền chống lại việc trưng thu lúa mì dưới chiêu bài thóc giống.
Yêu cầu ông truyền đạt cho I. L rõ nội dung lá thư này, và trao cho ông ta nhiệm
vụ lập tức tiến hành công việc tuyên truyền giải thích. Bất kỳ giá nào cũng phải
phá cho bằng được việc trưng thu lúa mì này”.
Đến sáng, Iakốp Lukits không đến trụ sở mà
tới tìm Banhích và bọn đồng mưu đã được lão kết nạp vào “Liên minh giải phóng
sông Đông”.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét