Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập I
Chương 3
Trong đêm mà đại úy Pôlốptxép, cựu chỉ huy
đội kỵ binh kô-dắc của Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp đến nhà lão, hai người đã chuyện
trò với nhau hồi lâu. Trong làng, Iakốp Lukits được tiếng là một người tinh
khôn, mưu mẹo và thận trọng như một con cáo. Ấy thế mà bây giờ lão cũng chẳng đứng
nổi ngoài rìa cuộc đấu tranh đang bùng lên dữ dội ở nông thôn và bị lôi tuột
theo dòng thời cuộc. Từ buổi hôm ấy, cuộc đời của Iakốp Lukits đã đi vào một dốc
trượt nguy hiểm.
Tối hôm ấy, cơm nước xong, Iakốp Lukits lấy
túi thuốc lá ra, ngồi xuống mặt hòm, co cái chân đi bít tất len dày cộp lại, và
bắt đầu dốc tuột ra mọi nỗi đắng cay chất chứa trong lòng từ bao nhiêu năm nay.
- Biết nói gì với ông bây giờ, thưa ông Alếchxanđrơ
Anhiximôvits? Cuộc đời chẳng có gì vui vẻ phấn khởi cả. Đấy ông xem, vừa qua bà
con kô-dắc chăm lo làm ăn đã khấm khá lên một tí, có của ăn của để. Năm hăm
sáu, hăm bảy, thuế má thôi thì cũng có thể nói là kham được. Nhưng bây giờ lại
đảo lộn tùng phèo cả. Bên trang ấp ông ra sao, thế có nghe nói gì về tập thể hóa
không?
Khách liếm nước bọt cuốn thuốc, chăm chú liếc
nhìn chủ nhà đáp gọn:
- Có!
- Thế ra đâu cũng phát khóc lên vì cái trò ấy
cả nhỉ. Bây giờ xin kể ông nghe chuyện của tôi: tôi trở về hồi năm hai mươi,
sau khi quân ta [Bạch
vệ] rút lui, hai đôi ngựa và toàn bộ của nả bỏ lại bên bờ Hắc Hải.
Tôi trở lại ngôi nhà trống tuềnh trống toàng. Từ đó tôi làm ăn đầu tắt mặt tối.
Đầu tiên các ông đồng chí chơi tôi một vố trưng thu lúa mì: có bao nhiêu thóc họ
vét chứ tính thì cũng ra thôi: họ đánh mình và họ cấp cho mình biên lai hẳn
hoi, để mình nhớ. - Iakốp Lukits đứng dậy, thò tay ra sau cái gương và cười ruồi
trong hàng ria cắt ngắn, lôi ra một bó giấy: - Cái mớ ấy đây, những tờ biên lai
ghi những thứ tôi đã nộp năm hai mươi mốt: lúa mì này, thịt này, bơ này, da thuộc
này, lông cừu này, gà qué này, và cả những con bò đực đồ sộ dắt đến trạm trưng
thu. Còn đây là biên lai thuế nông nghiệp thống nhất, biên lai lạc quyên, và lại
còn biên lai bảo hiểm... Tôi đóng thuế cả khói lò sưởi, cả thuế vì cái nỗi
trong chuồng có súc vật nữa... Chẳng mấy chốc mà những giấy má này tôi đóng đầy
một bao tải. Tóm lại, ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits ạ, tôi vẫn cứ sống: đất nuôi
tôi, và tôi lại nuôi những kẻ khác quanh tôi. Họ lột da tôi biết bao nhiêu lần
rồi, nhưng lột lớp này tôi lại nuôi lớp khác mọc lên. Thoạt tiên, tôi kiếm được
một đôi bò đực, vỗ nó lớn lên. Tôi đem nộp một con để làm thịt. Tôi đem bán cái
máy khâu của bà nó nhà tôi, tậu một con khác. Ít lâu sau, năm hai nhăm, đôi bò
của tôi sinh sôi được một đôi nữa. Thế là tôi có hai đôi bò đực và hai con bò
cái. Họ không tước quyền bầu cử của tôi, tương lai họ sẽ xếp tôi vào loại trung
nông lớp trên.
- Thế ngựa, anh có không? - Khách hỏi, vẻ
quan tâm.
- Cứ từ từ, tôi nói sang chuyện ngựa bây giờ
đây. Tôi mua được của bà hàng xóm một con ngựa cái non. Mẹ nó là ngựa sông Đông
thuần chủng (cả làng còn độc một con này). Con ngựa con lớn lên, chà con nhãi
nom hay đáo để. Dáng nhỏ, không dùng làm ngựa nhà binh được, thiếu mất nửa véc-sốc,
[Trước cách mạng,
người kô-dắc đi lính Nga hoàng phải đem theo ngựa, cao tối thiểu là 2 ác-sin nửa
véc-sốc. Một ác-sin là 0,71m, một véc-sốc là 0,044m. - ND], nhưng
phi nhanh thì có một không hai! Tại hội chợ triển lãm nông nghiệp của khu, tôi
đã nhận được giải thưởng về nó và bằng chứng nhận ngựa nòi. Rồi tôi bắt đầu để
tâm học hỏi các ông kỹ sư nông nghiệp, chăm ruộng đất như chăm vợ ốm vậy. Ngô
tôi thì nhất làng, thu hoạch cao nhất. Giống, tôi đem ngâm trước khi gieo và
tôi giữ tuyết trên ruộng cày. Tôi chỉ gieo lúa xuân trên ruộng cày thu, còn mùa
xuân để ải, không cày; ruộng hưu canh của tôi bao giờ cũng nhất. Tóm lại là tôi
trở thành lao động tiên tiến, và vì thế được giấy khen của Ban nông nghiệp khu.
Kia kìa, ông xem.
Khách liếc nhìn theo hướng ngón tay của Iakốp
Lukits trỏ, và thấy một tờ giấy đóng dấu đỏ, lồng khung gỗ, treo gần chỗ tượng
thánh, cạnh bức ảnh Vôrôsilốp. Iakốp Lukits hãnh diện nói tiếp:
- Phải, họ đã gửi bằng đến cho tôi, và ông
kỹ sư còn lấy mẫu lúa mạch của tôi mang về Rôxtốp để trình bày với các nhà chức
trách. Mấy năm đầu tôi gieo năm đêxiachin [1 đêxiachin = 1,09 hec ta], rồi khá giả lên,
tôi bắt đầu làm đến đổ mồ hôi sôi nước mắt, gieo ba, năm, rồi bảy krúc [1 krúc = 4 hec
ta], thế đấy! Vợ chồng, cha con tôi làm lấy, chỉ có hai lần, vào lúc
thời vụ căng thẳng, tôi mới mướn thêm một người. Những năm này, Chính quyền
Xôviết ra lệnh như thế nào? “Có sức thì cứ gieo nữa đi!”. Và thế là tôi cứ
gieo, lạy Chúa, thật là cứ như diều được gió. Nhưng, ông Alếchxanđrơ
Anhiximôvits, ân nhân của tôi ạ, tôi nói xin ông tin cho, bây giờ thì tôi hãi rồi!
Tôi hãi sẽ bị họ cho chết cháy vì bảy krúc ruộng gieo trồng ấy, họ nâng tôi lên
thành phần kulắc mất. Lão chủ tịch Xôviết làng tôi, du kích đỏ ngày xưa, là đồng
chí Radơmiốtnốp, hay còn gọi nôm na là Anđriuska, đã xui dại tôi thế đấy, mả mẹ
nó! Có lần hắn bảo: “Iakốp Lukits ạ, bác cứ gieo đến mức tối đa có thể gieo được,
bác hãy giúp đỡ Chính quyền Xôviết, Chính quyền Xôviết đang rất cần lúa mì”.
Tôi ngờ lắm, và bây giờ thì vỡ nhẽ là cái tối đa ấy lại thít vào cổ tôi như cái
thòng lọng, lạy Chúa!
Khách đứng bên bệ lò sưởi, tay chắp sau
lưng, vai rộng, đầu to, người chắc nịch như cái bao tải đầy thóc, hỏi:
- Ở đây người ta có ghi tên vào nông trang
tập thể không?
- Vào nông trang ấy à? Cho tới nay họ để
cho yên, nhưng mai sẽ có cuộc họp bần nông. Lúc nhá nhem họ đã đi loan báo. Từ
hôm Nôen đến nay, họ cứ nói nhai nhải, điếc cả tai: “Vào đi, vào đi thôi!”.
Nhưng bà con chối đây đẩy, chẳng ai chịu ghi tên. Ai tội gì chuốc vạ vào thân?
Chắc là mai họ sẽ lại thúc đây. Nghe nói chiều nay mới có một thằng cha công
nhân nào ở trên huyện về, hắn sẽ lùa mọi người vào nông trang. Đời chúng tôi thế
là đi đứt. Tôi làm sầy vẩy, còng lưng cóp nhặt, thế mà bây giờ lại phải đem đổ
tất vào cái nồi chung, cả gia súc, cả lúa mì, cả gà qué, cả nhà cửa nữa, chắc
thế hẳn? Chẳng khác gì họ bảo mình: chú em đưa vợ đây cho anh, còn chú thì chịu
khó đi nhà thổ vậy. Ông ngẫm mà xem, ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits, tôi sẽ mang
vào nông trang một đôi bò đực (cũng may là đôi kia tôi đã bán chạy cho cửa hàng
thực phẩm rồi), một con ngựa cái và con con của nó, tất cả nông cụ, lúa mì,
trong khi một đứa khác thì mang vào một cái bị rách đầy rận. Tôi với hắn canh
ti lại, rồi lời lãi chia đôi, mỗi người một nửa. Thế thì bảo làm sao mà không
cay?... Có thể rồi suốt đời hắn cứ nằm ườn trên trốc lò sưởi mà nghĩ đến miếng
ngon, miếng ngọt, còn tôi thì... nhưng thôi, nói làm gì nhỉ! Phựt! - Iakốp
Lukits đưa bàn tay sần sùi lên cứa ngang cổ họng một cái dứt khoát. - Thôi, nói
thế là đủ. Thưa, thế còn ông thì bây giờ sống ra sao? Làm cho sở nào hay là làm
ở xưởng?
Khách bước tới bên Iakốp Lukits, ngồi xuống
chiếc ghế đẩu, cuốn điếu thuốc khác; y đăm đăm nhìn túi thuốc, còn Iakốp Lukits
thì nhìn cái cổ áo chật căng của tấm áo ngoài đã cũ của khách thít lấy cái cổ
tròn lẳn làm nổi lên những đường gân xanh hai bên yết hầu:
- Lukits ạ, anh đã từng là lính đại đội
tôi... Anh có nhớ lần ở Êkatêrinôđa, hình như là trong khi quân ta rút lui thì
phải, tôi đã có một cuộc nói chuyện với anh em kô-dắc về Chính quyền Xôviết chứ?
Ngay từ hồi ấy tôi đã báo trước cho anh em biết rồi, anh có nhớ không? Tôi bảo:
“Các chú sẽ sai lầm nghiêm trọng đấy! Cộng sản sẽ tuốt xác các chú, vặn cổ các
chú. Các chú tỉnh ngộ thì lúc ấy đã muộn”. - Y ngừng lại một lát, hai đồng tử
trong đôi mắt xanh xanh co lại, nhỏ xíu, chỉ còn như hai lỗ kim, rồi nở một nụ
cười gian xảo. - Tôi nói có sai không? Tôi với anh em đơn vị đã không chạy
thoát được khỏi Nôvôrôxixcơ. Quân tình nguyện và quân đồng minh đã phản bội, bỏ
rơi chúng tôi. Tôi đã vào Hồng quân, chỉ huy một đại đội kỵ binh, trên đường đi
mặt trận Ba Lan... Lúc ấy họ có một cái ủy ban để kiểm tra, thanh lọc các sỹ
quan cũ. Ủy ban ấy cất chức tôi, bắt và đưa tôi ra Tòa án cách mạng. Chà, suýt
nữa thì các ông đồng chí đã làm thịt tôi rồi chứ chẳng chơi đâu, hoặc tống vào
trại tập trung. Anh có đoán được tại sao không? Một thằng kô-dắc chó đẻ, đồng
hương với tôi, đã tố giác là tôi có tham gia vụ giết Pốtchenkốp. Trên đường bị
giải đi tòa án, tôi đã trốn thoát... Tôi sống lẩn quất mãi, lấy một cái tên giả,
và đến năm hai mươi ba thì trở về làng. Tôi còn giữ được giấy chứng nhận trước
mình là đại đội trưởng một đại đội kỵ binh đỏ, lại gặp được mấy cậu cũng tốt,
tóm lại là tôi thoát chết. Hồi đầu người ta lôi tôi lên khu, lên ban chính trị
Sở công an sông Đông. Gỡ được xong, tôi đi gõ đầu trẻ. Tôi gõ đầu trẻ cho tới
thời gian gần đây. Nhưng bây giờ... Bây giờ tình hình khác rồi. Nhân có việc đi
Uxti- Khôpécxkaia, tôi tạt qua thăm anh là đồng đội cũ.
- Ông làm thầy giáo à? Vââậy đấy... Ông là
người học rộng, hơn người về chữ nghĩa khoa học. Cơ sự này rồi sẽ ra sao? Với
trò nông trang kia, chúng ta sẽ còn thất điên bát đảo đến tận đâu nữa, hả thưa
ông?
- Đến chủ nghĩa cộng sản, anh bạn ạ. Đến
cái chủ nghĩa cộng sản đích thực. Tôi đã đọc cả sách Các Mác lẫn cuốn “Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản” nổi tiếng kia rồi. Chuyện nông trang này sẽ đi tới đâu,
anh có biết không? Lúc đầu là nông trang, rồi đến công xã: thủ tiêu hoàn toàn
chế độ tư hữu. Không những bò, rồi cả con cái anh người ta cũng sẽ bắt đưa nhà
nước nuôi. Mọi cái sẽ thành của chung: vợ, con, chén bát, cùi dìa. Anh muốn ăn
một bát mì thịt ngỗng, nhưng người ta lại bắt anh uống nước kvax. Anh sẽ là một
nông nô bị cột chặt vào ruộng đất.
- Nhưng nếu tôi không thích thế thì sao?
- Người ta sẽ chẳng hỏi ý kiến anh.
- Sao lại thế được?
- Nó thế đấy.
- Hay nhỉ!
- Nhưng này! Bây giờ tôi hỏi anh: có thể sống
mãi như thế này được không?
- Sống sao nổi.
- Nếu không nổi thì phải hành động, phải đấu
tranh.
- Ông bảo sao, thưa ông Alếchxanđrơ
Anhiximôvits? Chúng ta đã thử rồi, đấu tranh rồi... Không ăn thua. Tôi chẳng buồn
nghĩ đến chuyện đấy nữa!
- Cứ thử nữa xem. - Khách ghé sát vào Iakốp
Lukits liếc nhìn cánh cửa bếp đã khóa chặt, rồi tự dưng tái mặt đi, thì thào: -
Tôi đã nói chuyện thẳng thắn với anh: tôi hy vọng vào anh. Ở ấp chúng tôi, dân
kô-dắc sắp nổi dậy rồi. Và anh đừng nghĩ là chuyện lơ mơ, làm bừa đâu. Chúng
tôi có liên lạc với Mátxcơva, với các tướng tá hiện đang phục vụ trong Hồng
quân, với các kỹ sư làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, và còn xa hơn nữa, với
ngoại quốc. Phải, phải! Nếu chúng ta khéo tổ chức nhau lại và cùng hành động
ngay từ bây giờ thì sang xuân, với sự giúp đỡ của các cường quốc bên ngoài,
vùng sông Đông sẽ sạch bóng quân đỏ. Anh sẽ gieo lúa bằng hạt giống của anh và
cho mình anh hưởng thôi... Khoan, để tôi nói nốt đã. Trong huyện, có nhiều người
đồng tình với ta. Phải cố kết và tập hợp họ lại. Tôi đi Uxti- Khôpécxkaia chính
là về việc này đây. Anh có nhập bọn chúng tôi không? Trong tổ chức của chúng
tôi đã có trên ba trăm cựu chiến binh kô-dắc rồi. Ở Đubrốpxki, ở Vôxvôvôi, ở
Tubianxki, ở Malưi Ônkhôvátxki và nhiều ấp khác chúng tôi đã lập nên những đội
chiến đấu. Cũng nên tổ chức một đội như thế ở Grêmiatsi các anh đây... Nào, anh
nói đi.
- Bà con kêu ca về chuyện nông trang và
chuyện nộp thóc...
- Khoan! Không nói chuyện bà con, mà nói
chuyện anh. Tôi hỏi anh cơ. Thế nào?
- Những chuyện như vậy làm sao quyết định
ngay được?... Chuyện này mất đầu như bỡn.
- Anh cứ nghĩ đi... Có lệnh là tất cả các
thôn ấp chúng ta sẽ đồng loạt nổi dậy. Chúng ta sẽ chiếm huyện này, dân cảnh và
cộng sản thì ta sẽ sục tận nhà tóm cổ từng thằng, còn về sau thì ngọn lửa tự nó
sẽ bùng lên.
- Nhưng lấy gì mà nổi dậy?
- Sẽ có! Chắc anh cũng còn giữ được chứ?
- Cũng chẳng rõ nữa... Hình như cũng có vứt
lay lứt đâu đó... Một khẩu súng cổ... Kiểu Áo thì phải.
- Chúng ta chỉ cần khởi sự, và một tuần lễ
sau tàu ngoại quốc sẽ chở đến cả súng trường, cả đại bác. Sẽ có cả tàu bay nữa.
Thế nào?
- Thưa ngài đại úy, xin để tôi nghĩ đã! Đừng
thúc ép tôi quá...
Khách dựa lưng vào bệ lò sưởi, mặt chưa hết
tái, nói giọng trầm trầm:
- Chúng tôi không đi mộ người vào nông
trang, cho nên không thúc ép ai cả. Hoàn toàn tùy anh, nhưng cái mồm thì... liệu
đấy anh Lukits ạ! Sáu viên phần anh, còn viên thứ bảy... - và khách lấy ngón
tay khẽ gảy lách cách ổ đạn khẩu súng lục đút trong túi.
- Về cái mồm thì ông khỏi lo. Nhưng việc
ông làm xem ra mạo hiểm đấy. Và cũng chẳng giấu gì ông: việc ấy làm tôi hãi lắm.
Nhưng sống thì cũng cùng đường rồi. - Lão ngừng nói một lát. - Nếu không có
chuyện o ép những người có của, tôi nai lưng ra làm, biết đâu bây giờ chẳng nhất
làng rồi. Cứ như thời làm ăn tự do thì biết đâu bây giờ tôi chẳng đã có cái ô
tô! - Iakốp Lukits chua chát nói sau một phút im lặng. - Nhưng đơn độc mà lao
vào những chuyện ấy... Họ vặn cổ sớm.
- Sao lại đơn độc? - Khách khó chịu ngắt lời.
- Ấy là tôi nói lẩm cẩm như vậy. Nhưng thưa
ông, những người khác thì thế nào? Thế giới họ sẽ thế nào? Nhân dân liệu có
nghe không?
- Nhân dân chỉ là đàn cừu. Phải dẫn dắt họ.
Thế nào, quyết định chứ?
- Tôi đã nói rồi, thưa ông Alếchxanđrơ
Anhiximôvits...
- Tôi cần biết dứt khoát: anh có đồng ý
không?
- Chẳng còn con đường nào khác, vậy thì tôi
đồng ý. Nhưng dẫu sao ông cứ để cho tôi nghĩ cho chín đã. Sáng mai tôi sẽ trả lời
ông một tiếng cuối cùng.
Thế rồi Pôlốptxép đã lên giọng ra lệnh:
- Ngoài ra, anh còn phải thuyết phục những
bà con kô-dắc nào tin cậy được. Tìm những ai có hận thù với Chính quyền Xôviết ấy.
- Cuộc sống thế này thì ai mà không hận
thù.
- Thằng cháu nhà anh thế nào?
- Cha nào con nấy. Tôi làm sao, nó làm vậy.
- Thằng ấy được chứ?
- Nó đáng mặt một dân kô-dắc, - Iakốp
Lukits đáp với một vẻ tự hào kín đáo.
Chủ nhà trải cho khách một tấm chăn xám và
một chiếc áo khoác lót lông nằm ở gian khác, cạnh bệ lò sưởi. Khách tháo ủng
ra, nhưng để nguyên quần áo mà nằm, và vừa đặt má lên chiếc gồi nhồi lông chim
mát lạnh đã thiếp đi luôn.
... Trời chưa sáng hẳn Iakốp Lukits đã đánh
thức bà mẹ già tám mươi nằm ngủ trong gian buồng nhỏ bên chái nhà. Lão kể vắn tắt
cho mẹ nghe ông chỉ huy đại đội cũ của mình đến đây có mục đích gì. Mụ già ngồi
trên bệ lò sưởi nghe, buông thõng hai chân nổi những đường gân đen và các khớp
sưng phù vì cóng, một tay đưa lên banh cái vành tai vàng ệch ra.
Iakốp Lukits quỳ xuống, nói:
- Mẹ có ban phước cho con không?
- Làm đi, cứ làm, đánh cho chết bọn trời
tru đất diệt ấy đi, con ạ! Chúa ban phước lành cho anh! Chúng nó đóng cửa nhà
thờ... Cha cố không sống nổi... Con cứ làm đi!...
Trời sáng thì Iakốp Lukits đánh thức khách
dậy:
- Tôi quyết định rồi! Xin ông ra lệnh.
Pôlốptxép rút trong túi áo ra một tờ giấy:
- Đọc đi, rồi ký vào.
“Xin
Chúa che chở cho chúng con! Tôi là một người lính kô-dắc của Đại binh đoàn sông
Đông, xin gia nhập Liên minh giải phóng quê hương sông Đông, và cam kết tuân lệnh
các vị chỉ huy, đem hết sức lực và bằng mọi cách, chiến đấu đến giọt máu cuối
cùng chống bọn cộng sản bônsêvích, những kẻ thù không đội trời chung của Thiên
chúa giáo, những kẻ áp bức nhân dân Nga. Tôi cam kết tuyệt đối tuân lệnh các vị
thủ trưởng và chỉ huy của mình. Tôi cam kết dâng toàn bộ tài sản của tôi lên
bàn thờ Tổ quốc Thiên chúa giáo giòng chính thống. Tôi cam kết và xin ký”
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét