Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập I
Chương 21
Theo kế hoạch thì diện tích cày xuân năm
nay của Grêmiatsi Lốc gồm 472 hécta, trong đó có 110 hécta đất hoang. Mùa thu
năm ngoái - còn làm ăn cá thể - đã cày ải được 643 hécta, và gieo ngâm giống
qua đông 210 hécta. Tổng số diện tích gieo trồng được phân chia cho lúa mạch và
các loại cây có dầu theo những con số sau đây: lúa tiểu mạch 667 hécta; quả mạch
210; đại mạch 108; yến mạch 50; kê 65; ngô 167; quỳ 45; gai 13. Tổng cộng 1325
hécta, cộng thêm 91 hécta đất pha cát chạy dài từ Grêmiatsi Lốc đến khe Ugiátsi
để trồng dưa.
Tại cuộc họp mở rộng bàn về sản xuất họp
ngày mười hai tháng Hai, gồm hơn bốn chục anh chị em cốt cán trong nông trang,
bà con đã thảo luận về vấn đề lập kho thóc giống, về định mức công điểm, về sửa
chữa nông cụ cho vụ gieo, và trích một số cỏ khô dự trữ cho súc vật làm vụ
xuân.
Theo lời khuyên của Iakốp Lukits, Đavưđốp đề
nghị mỗi hécta tiểu mạch gieo tròn bảy pút, tổng cộng là 4669 pút. Lập tức hội
nghị nhao nhao lên. Mạnh ai nấy gào, chẳng ai nghe ai, ồn đến nỗi cửa kính nhà
Titốc rung lên bần bật.
- Nhiều quá!
- Thế thì ỉa ra quần!
- Chân đất cát xám của chúng tôi chưa bao
giờ gieo đến thế.
- Chỉ nói tào lao!
- Năm pút là hết nước.
- Cho năm pút rưỡi đi!
- Chân đất màu có thể gieo bảy pút một
đêxiachin, ta có mấy tí? Phải cày đồng cỏ đi chứ, chính quyền dự kiến thế nào?
- Hoặc là cày cái khoảnh bên khe
Panhiuskin.
- Hờ! Cày cái đồng cỏ mọc như rừng ấy à?
Nói thế mà cũng nói!
- Hãy nói về lúa mì ấy, cần bao nhiêu kilô
cho một hécta.
- Cậu đừng nói kilô, hãy tính bằng thúng hoặc
bằng pút chứ!
- Im lặng, đồng bào ơi! Im lặng! Tiên
sư!... suỵt... hóa dại rồi cả chắc! Lặng yên cho tôi phát một câu nào! -
Liubiskin, đội trưởng đội hai nói thét lên.
- Thì cứ phát tất đi, cho đấy!
- Nom kìa, người với ngợm! Đúng là cái đồ lục
súc... Igơnát! Việc gì mà cậu phải rống lên như bò thế? Rống mà tái xanh tái
xám cả mặt mũi lên kìa...
- Còn mày thì sùi bọt mép, khác gì con chó
dại!
- Yên cho Liubiskin phát biểu.
- Không chịu được nữa, điếc cả tai!
Hội nghị loạn lên những tiếng la ó. Và cuối
cùng, khi những người to mồm đã bắt đầu khan tiếng, Đavưđốp mới quát lên bằng một
giọng dữ dội ít thấy ở anh:
- Họp hành kiểu gì thế? Lối đâu rống lên
như vậy? Phát biểu người một, còn người khác im lặng mà nghe! Bỏ cái lối như kẻ
cướp ấy đi! Phải biết tự giác chứ! - Rồi anh dịu giọng lại nói tiếp: - Bà con
nên học tập giai cấp công nhân cách họp hành có tổ chức. Phân xưởng chúng tôi
chẳng hạn, hoặc câu lạc bộ, họp hành trật tự đâu vào đấy, thực tế thế! Một người
nói, các người khác nghe, còn bà con ta thì mạnh ai người nấy gào, không còn hiểu
cái chết tiệt gì nữa!
Liubiskin đứng dậy, vung cái then cửa gỗ sồi
to tổ bố:
- Mẹ kiếp, ai chõ mõm vào trong khi người
khác đang phát biểu thì đây cứ phang cho một chày giữa sọ! Loại ra khỏi vòng
chiến đấu.
Đemka Usakốp nêu một giả định:
- Thế thì họp chưa xong, ông đã oánh chúng
tôi bể đầu ráo cả!
Mọi người cười ồ, lấy thuốc ra hút, rồi bắt
đầu thảo luận bây giờ thì đã nghiêm chỉnh rồi, về mức gieo giống. Và vỡ nhẽ ra
là cũng không có gì đáng phải tranh luận và làm nhao nhao lên như vậy... Iakốp
Lukits phát biểu đầu tiên và giải quyết ngay được mọi ý kiến phản đối.
- Chúng ta gân cổ lên hò hét thế thật chả
nghĩa lý gì. Tại sao đồng chí Đavưđốp lại đề nghị mỗi hécta bảy pút? Rất đơn giản,
đó là ý kiến chung chúng tôi góp như vậy. Ta có phải đưa giống vào máy sàng sẩy
không? Có. Có hao hụt không? Có. Và có thể sẽ hao hụt nhiều, vì có một số bà con
ta cẩu thả đã để lẫn thóc giống với thóc thịt. Họ cất thóc giống lẫn với thóc
ăn, sàng sẩy thì qua quýt. Và nếu như có phải loại ra nhiều thì có mất đi đâu
không? Không, ta sẽ đem nuôi gia súc, gà vịt.
Hội nghị thông qua con số bảy pút. Tình
hình thảo luận gay hơn khi bàn sang định mức năng suất mỗi công cày. Lời đi tiếng
lại đốp chát nhau đến nỗi Đavưđốp đâm ra hoang mang.
Anh chàng Agaphôn Đúpxốp vạm vỡ và rỗ hoa,
đội trưởng đội ba, gào lên đả Đavưđốp:
- Chưa biết thời tiết xuân như thế nào thì
anh làm sao có thể định mức cho tôi năng suất một công cày? Liệu anh có biết
trước tuyết sẽ tan như thế nào, đất ráo hay ướt. Thế nào, anh nhìn thấu được dưới
đất chắc?
Đavưđốp hỏi:
- Vậy thì anh Đúpxốp, anh đề nghị thế nào?
- Tôi đề nghị đừng ghi cái gì trước cả mà
phí giấy vô ích. Chờ đến lúc gieo rồi đâu nó sẽ rành rành ra đấy.
- Anh là đội trưởng mà anh lại vô ý thức,
phản đối làm việc có kế hoạch à? Theo anh thì không cần đến kế hoạch hay sao?
Bất ngờ là Iakốp Lukits lại ủng hộ Đúpxốp:
- Đầu cua tai nheo thế nào, ta không nên
nói trước! Làm sao mà định mức trước được? Giả dụ như anh, anh mắc vào cày ba
đôi bò khỏe, cày thạo, còn tôi thì chỉ có bò ba tuổi, mới choai choai chẳng hạn.
Vậy thì tôi có thể cày được bằng anh không? Mạt kiếp cũng chẳng được!
Nhưng đến đây, Kônđrát Maiđanhikốp xen vào
- Ông Ôxtơrốpnốp là quản lý mà lại nói như
thế thì chúng tôi rất lấy làm lạ! Không quy định nhiệm vụ thì rồi ông làm ăn thế
nào? Gặp chăng hay chớ sao? Tôi không rời tay cày, còn anh thì ngồi giơ lưng ra
sưởi nắng, thế rồi hai chúng ta lại lĩnh bằng nhau sao? Ông Iakốp Lukits ơi,
ông phát biểu hay gớm nhỉ!
- Lạy Chúa, anh Kônđrát Khrixtôphôưts ơi,
anh làm thế nào mà đánh đồng được sức bò và chất đất? Anh đất mềm, còn tôi đất
cứng, anh chân đất trũng còn tôi đất đồi. Anh khôn ngoan tài giỏi thế thì mách
cho biết nào.
- Đất rắn một mức, đất mềm một mức. Bò thì
có thể đóng xen con khỏe, con yếu cho đồng đều. Cái gì rồi cũng có thể tính được
hết, ông không phải nói khích tôi!
- Usakốp muốn phát biểu đấy.
- Nói đi.
- Thưa anh em, tôi xin có ý kiến thế này:
xưa nay bò gầy bao giờ cũng phải bồi dưỡng cho nó một tháng trước vụ gieo hạt,
cho ăn tốt: cỏ ngon, ngô, thóc. Cho nên vấn đề là: tình hình thức ăn cho bò của
ta thế nào? Vừa qua có hạt thóc thừa nào thì thu mua hết rồi...
- Chuyện gia súc ta sẽ bàn sau. Nói bây giờ
là lạc đề, thực tế thế! Ta đang phải giải quyết vấn đề định mức cho một buổi
cày. Đất rắn thì bao nhiêu hécta một công cày, một công gieo.
- Máy gieo thì cũng khác nhau! Tôi gieo bằng
loại mười một hàng thì không thể bằng loại mười bảy hàng.
- Thực thế! Anh đề nghị thế nào thì đưa ra
đi. Còn đồng bào kia, sao suốt từ nãy kín tiếng thế? Anh trong nhóm cốt cán, thế
mà tôi chưa thấy anh phát biểu.
Đêmít Miệng hến ngạc nhiên nhìn Đavưđốp,
đáp lại giọng ồm ồm:
- Tôi đồng ý.
- Đồng ý cái gì?
- Đồng ý phải cày, và... phải gieo nữa chứ.
- Sao nữa?
- Thế thôi.
- Có thế thôi à?
- À..., ờ...
- Thế thì hết chuyện bàn rồi. - Đavưđốp mỉm
cười và nói thêm câu gì nữa nghe không rõ vì mọi người cười ồ.
Đến đây thì bác Suka đỡ lời Miệng hến.
- Đồng chí Đavưđốp ạ, bà con dân làng chúng
tôi đặt tên cho anh ta là Miệng hến đấy. Cả đời anh ta chả nói, bần cùng lắm mới
mở miệng, và vì thế mà vợ cũng không chịu nổi, phải bỏ. Anh ta là một anh kô-dắc
không đến nỗi đần độn, nhưng đại để cũng có ngớ ngẩn, hoặc là cám hấp thì cũng
được. Hồi cu cậu còn bé tí, lão nhớ lắm, cu cậu thò lò mũi xanh, người chẳng ra
người, ngợm chẳng ra ngợm, quần chả có, cứ tô hô, và chẳng thấy có cái tài quái
gì cả. Và bây giờ thành người nhớn rồi vẫn câm miệng hến. Và chính vì cái tội ấy
mà hồi chế độ cũ cha đạo bên Tubianxki đã không chịu làm phép thông công cho cu
cậu. Một lần cu cậu đến xưng tội (vào tuần thứ bảy mùa chay thì phải), cha đạo
trùm cái khăn vuông đen lên cu cậu, hỏi: “Con có trộm cắp không?”. Cu cậu im. “Có
chơi bời lêu lổng không?”. Lại im. “Có thuốc sái không? Có tằng tịu với đàn bà
con gái không?”. Vẫn im. Đáng lẽ cậu chàng ngốc ấy chỉ cần nói “Trình cha, con
là kẻ có tội!” là lập tức mọi tội sẽ được rửa sạch...
Sau lưng bác, tiếng cười và tiếng một người
nói:
- Đút nút lại thôi, bác ơi!
- ... Xong bây giờ đây, tí ti thôi! Vậy
nghĩa rằng thì là cu cậu cứ đứng thở phì phà phì phò, giương đôi mắt ếch. Cha cụ
hoang mang đẫy, phát hoảng lên nữa, tấm khăn quàng trên người rung rung, nhưng
cũng cố gặng hỏi: “Hay là có lúc nào con muốn vợ người ta, hoặc con lừa nhà
hàng xóm, hoặc con vật nào của láng giềng không?”. Và linh tinh một số câu khác
nữa theo Thánh kinh... Cậu Đêmít vẫn cứ ngậm miệng làm thinh. Mà cu cậu còn biết
nói làm sao? Vì dù cu cậu có tơ tưởng vợ ai chăng nữa thì cũng chẳng đi đến
đâu; chẳng ả nào, dù là đui què mẻ sứt đi nữa, lại thèm...
- Thôi thôi, bác ơi! Chuyện bác chẳng dính
dáng gì đến vấn đề đang thảo luận cả. - Đavưđốp nghiêm giọng ra lệnh.
- Dính chứ sao lại không dính, lão vào đề
ngay bây giờ đây. Vừa rồi mới là mào đầu thôi. Để lão nói tí ti nữa! Đang nói
thì cắt ngang... Chà, đầu óc lão bây giờ chán quá! Quên béng mất rồi, không còn
biết đang nói chuyện gì! Mả mẹ nó! Trí nhớ ơi là trí nhớ!... À, nhớ ra rồi! -
Bác Suka vỗ đánh đốp một cái vào chỗ đầu hói, tuôn ra một tràng như súng máy: -
Là đang nói chuyện vợ người ta thì Đêmít chẳng hòng xơ múi, còn như lừa hoặc
con vớ vẩn nào khác thì cu cậu tơ hào làm gì? Cũng có khi là muốn đấy, vì cu cậu
không có ngựa mà, nhưng ở ta thì đào đâu ra lừa, và cu cậu cả đời có trông thấy
con lừa bao giờ. Vậy tôi xin hỏi đồng bào, ta bói đâu ra lừa? Từ thuở khai
thiên lập địa nào có thấy bóng nó ở ta? Cả hổ, cả lừa, và cả lạc đà nữa...
Nagunốp hỏi:
- Bác có im cái mồm đi không? Không tôi tống
cổ ra ngoài sân bây giờ.
- Này anh Maka ơi, hôm mồng một tháng Năm, ở
trường học, anh đã nói chuyện cách mạng thế giới suốt từ trưa đến tối. Anh nói
lải nhải mãi, nghe chán bỏ mẹ. Lão cứ lẳng lặng ngả lưng xuống ghế, nằm co con
tôm, đánh một giấc, chứ đâu có dám ngắt lời anh, thế mà bây giờ anh lại ngắt lời
lão…
Radơmiốtnốp vốn ưa bông phèng và chuyện tếu,
phát biểu:
- Cứ để bác ấy nói nốt. Còn nhiều thời gian
mà.
- Có lẽ chính vì thế mà cu cậu cứ nín
thinh, chẳng ai hiểu ra sao nữa. Cha cụ ngạc nhiên quá lắm. Cha cúi xuống cậu
Đêmít đang trùm cái khăn, gặng hỏi: “Chẳng hay con có câm không đấy?”. Thế là cậu
Đêmít trả lời cha: “Câm đâu mà câm, cha chán bỏ mẹ!”. Cha cụ cáu ghê lắm, khỏi
nói, xanh xám cả mặt mũi, càu nhàu khẽ để các bà cụ quanh đó khỏi nghe thấy: “Đồ
của khỉ, thế sao từ nãy mày cứ câm như hến thế?”. Rồi cầm cái đài nến cho cu cậu
một cái vào mặt, nổ đom đóm mắt!
Hội nghị cười ồ, nhưng cũng không át nổi giọng
ồm ồm như ống lệnh của Đêmít:
- Chỉ điêu! Đánh đâu mà đánh.
- Không đánh thật à? - Bác Suka ngạc nhiên ngẩn
mặt ra. - Chẳng sao, không đánh thì cũng định đánh... Thế là cha không ban phép
thông công cho cu cậu. Thưa đồng bào, Đêmít chẳng nói thì kệ thây cậu ấy, việc
ta ta cứ nói. Nói lời hay lẽ phải, như lời lão nói đây, thì giá trị bằng bạc
nén, nhưng im lặng thì lại bằng vàng cơ.
Nagunốp khuyên:
- Bác nên đem bạc nén của bác mà đổi lấy
vàng đi thôi! Đỡ khổ tai bà con...
Tiếng cười lúc thì bùng rộ lên như lửa củi
khô, lúc thì tắt ngấm. Câu chuyện của bác Suka đã làm nguội đi tinh thần hăng
hái thảo luận của hội nghị. Nhưng Đavưđốp xóa nụ cười trên mặt, hỏi:
- Bác có ý kiến gì về định mức lao động?
Phát biểu vào đề đi!
- Lão ấy à? - Bác Suka đưa ống tay lên quệt
mồ hôi trán, hấp háy đôi mắt: - Lão chẳng có ý kiến gì cả... Lão chỉ làm sáng tỏ
vấn đề cậu Đêmít thôi... Và chuyện định mức thì chẳng dính dáng gì đến vấn đề ấy
cả.
- Từ giờ cho đến hết hội nghị, tôi không
cho bác phát biểu nữa! Phải bàn vào thực chất vấn đề, rồi sau muốn tán róc gì
thì tán, thực tế thế!
Nông trang viên Ivan Batansikốp, phụ trách
kỹ thuật, đề nghị:
- Một đêxiachin một công cày.
Nhưng Đúpxốp giẫy nảy lên:
- Anh này điên! Những chuyện vớ vẩn ấy anh
đem về mà nói với bu nó ở nhà! Một ngày cày làm sao được một đêxiachin! Có chết
rũ ra đấy cũng chẳng nổi.
- Tôi đã cày rồi. Kém một tí thôi...
- Nghĩa là có kém chứ gì!
- Nửa đêxiachin một công cày. Đấy là nói chân
đất rắn.
Bàn cãi chán chê, hội nghị ngã ngũ về định
mức cày như sau: đất rắn 0,60 hécta một công cày, đất mềm 0,75 hécta, và định mức
gieo: máy mười một hàng 3 hécta một phần tư, máy mười ba hàng 4 hécta, máy mười
bảy hàng 4 hécta 3 phần tư.
Grêmiatsi Lốc có cả thảy 184 đôi bò đực và
73 ngựa, như vậy vụ xuân cũng không đến nỗi căng. Về vấn đề này, Iakốp Lukits
cũng phát biểu như vậy:
- Ta sẽ gieo xong sớm, nếu ta chịu khó làm
cả vụ, mỗi đầu bò và ngựa phải làm 4 đêxiachin rưỡi. Thế là nhẹ lắm, các anh em
ạ! Chẳng có gì mà phải bàn cãi.
Liubiskin kể:
- Bên Tubianxki mỗi con làm tám đêxiachin
cơ.
- Họ muốn rũ xương thì mặc họ! Thu năm
ngoái trước mùa sương giá, ta cày ủ, còn họ thì từ ngày lễ xá tội đã đi nhặt củi,
làm ăn chẳng ra thế nào.
Hội nghị quyết định trong ba ngày tập trung
xong thóc giống. Rồi nghe lời phát biểu không lấy gì làm phấn khởi của bác thợ
rèn Salưi. Bác nói to, vì nặng tai, và cứ vần vần trong hai bàn tay lao động sần
sùi và đen nhẻm cái mũ tai cáo lọ lem muội lò. Phát biểu trước hội nghị đông
người thế này, bác xấu hổ:
- Có thể sửa xong tất. Tôi sẽ không để bê
trễ đâu. Nhưng về món sắt thì gay go đấy, phải kiếm cho ra ngay. Sắt đánh lưỡi
và láng cày không có lấy một mẩu. Thế thì lấy gì mà làm! Mai tôi bắt đầu sửa
máy gieo hạt. Than rèn và người phụ việc cũng cần. Thế còn công xá thì nông
trang trả tôi thế nào?
Đavưđốp giải thích cặn kẽ cho bác về chuyện
công xá và đề nghị Iakốp Lukits ngày mai lên huyện kiếm sắt và than. Vấn đề dự
trữ cỏ khô cũng được giải quyết nhanh chóng.
Sau đó Iakốp Lukits phát biểu:
- Thưa bà con, ta nên bàn cho kỹ, xem xem
nên gieo cái gì, gieo ở đâu và gieo thế nào, và chọn người có trình độ am hiểu
để giao phó công việc phụ trách. Như đấy, trước khi thành lập nông trang ta đã
có năm cán bộ kỹ thuật, nhưng chẳng thấy các anh em ấy hoạt động gì cả. Người
phụ trách thì phải chọn trong đám lão nông kô-dắc am hiểu đồng đất ta, cánh gần
cũng như cánh xa. Trong khi ta chưa áp dụng chế độ canh tác mới thì một người
như thế rất có ích cho ta! Tôi có ý kiến thế này: hầu như cả làng ta đã vào
nông trang. Dần dần rồi người ta sẽ vào nốt. Chỉ còn độ dăm chục hộ cá thể,
nhưng những bà con này ngày mai tỉnh dậy cũng có thể không còn là cá thể nữa...
thế cho nên ta cần gieo theo lối khoa học đã dạy. Tôi nói thế nghĩa là trong
hai trăm đêxiachin đất cày vỡ, nên để một nửa hưu canh theo phương pháp
Kherxôn. Xuân năm nay ta sẽ vỡ hoang một trăm mười đêxiachin, vậy chỗ đất ấy ta
hãy để hưu canh theo phương pháp Kherxôn.
- Nào ai đã nghe thấy cái trò ấy bao giờ!
- Phương pháp Kherxôn là cái quái gì nhỉ?
- Bác hãy giải thích cụ thể chuyện ấy cho
chúng tôi nghe, - Đavưđốp đề nghị, trong bụng lấy làm hãnh diện về sự am hiểu của
người quản lý giàu kinh nghiệm của mình.
- Kiểu hưu canh ấy, người ta còn gọi là hưu
canh có đào rãnh, hoặc hưu canh lối Mỹ. Nó rất lạ, và ai nghĩ ra được kể cũng
tài! Ví dụ, đất cày rồi, năm nay ta gieo chẳng hạn là ngô hay hạt quỳ, và gieo
thưa hàng, thưa gấp đôi như ta thường gieo. Do đó thu hoạch của ta cũng chỉ bằng
nửa số thu hoạch bình thường. Khi bẻ ngô hoặc quỳ, ta để gốc lại. Và đến mùa
thu ta sẽ gieo hạt giống mì vào rãnh giữa các hàng gốc ấy.
Kônđrát Maiđanhikốp từ nãy vẫn ngồi há mồm
nghe như nuốt từng lời, lên tiếng hỏi:
- Thế thì gieo làm sao được? Máy gieo sẽ
nghiến gãy hết các gốc ấy chứ còn gì?
- Sao lại gãy? Hàng thưa, máy không đụng chạm
gì đến các gốc ấy cả, chỉ đi sát mé mé thôi. Thành thử tuyết rơi sẽ được gốc
cây giữ lại. Tuyết sẽ tan dần dần, cung cấp thêm nhiều độ ẩm cho đất. Và sang
xuân, khi lúa đã mọc, ta sẽ nhổ những gốc ấy đi và làm cỏ. Cách làm ấy ai nghĩ
ra kể cũng hay. Tay tôi chưa gieo thế bao giờ thật, nhưng cũng định năm nay sẽ
thử xem sao. Tính toán kỹ rồi, không sợ hỏng ăn đâu.
- Ra là thế đấy! Tôi ủng hộ! - Đavưđốp đá
ngầm Nagunốp một cái dưới gậm bàn, rỉ tai nói: - Thấy chưa? Thế mà cậu cứ không
ưa lão ấy...
- Ngay bây giờ mình cũng không ưa...
- Thế là anh ngoan cố, thực tế thế! Ương bướng
như bò đực...
Hội nghị chấp nhận đề nghị của Iakốp
Lukits. Sau đó thảo luận một lô vấn đề linh tinh khác rồi giải tán.
Đavưđốp và Nagunốp chưa tới trụ sở Xôviết
thì đã thấy một anh chàng người thâm thấp mặc áo bludông da cởi phanh và y phục
thanh niên xung kích, từ trong sân trụ sở bước rảo tới chỗ họ. Anh ta đi vội tới,
tay giữ khư khư chiếc mũ cátkét kẻ ô vuông kiểu thành thị, chống lại ngọn gió
đang thổi giật từng cơn.
Nagunốp nheo nheo mắt:
- Có ai trên huyện về.
Anh thanh niên bước tới sát hai người, đưa
tay lên lưỡi trai mũ chào theo lối quân sự:
- Các đồng chí có phải ở Xôviết ấp không?
- Anh muốn gặp ai?
- Đồng chí bí thư chi bộ hoặc chủ tịch Xôviết.
- Tôi là bí thư chi bộ đây, còn đồng chí
này là chủ tịch nông trang.
- Thế thì tốt quá. Thưa các đồng chí, tôi ở
đội tuyên truyền. Anh em chúng tôi vừa mới tới và đang đợi các đồng chí ở trụ sở
Xôviết.
Anh thanh niên, mũi hếch và da ngăm đen, đảo
liếc nhìn Đavưđốp một cái, rồi mỉm nụ cười dò hỏi:
- Chẳng hay đồng chí là Đavưđốp phải không?
- Tôi đây.
- Tôi cũng đoán đoán ra. Cách đây hai tuần
tôi đã gặp đồng chí trên khu ủy. Tôi làm việc trên khu, là công nhân xưởng ép dầu.
Đến lúc ấy Đavưđốp mới hiểu tại sao lúc anh
chàng đi tới, bỗng anh ngửi thấy mùi dầu quỳ thơm phức; tấm áo bludông da của
anh ta đã thấm đẫm cái mùi thơm không phai ấy.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét