Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập I
Chương 28
Ngày hai mươi tháng Ba, giao thông đã mang
tới Grêmiatsi Lốc những báo chí ùn lại do nước lũ, trong đó có số đăng bài của
Xtalin “Choáng váng vì thắng lợi”. Ba số báo “Tay búa” chỉ nội một ngày đã được
chuyền đi khắp các nhà, và đến chiều tối đã biến thành những mảnh giấy tã, nhem
nhuốc mỡ, ẩm xì xì.
Từ thuở có ấp Grêmiatsi Lốc đến nay, chưa từng có tờ báo
nào đã tập hợp được quanh nó lắm người nghe như ngày hôm ấy. Người ta đọc, túm
năm tụm ba trong nhà, ngoài ngõ, đằng sau chuồng bò, trên hiên kho... Một người
xướng lên, mọi người khác nghe, chỉ lo sót mất chữ nào, và giữ tuyệt đối im lặng.
Quanh bài báo này đã nổ ra khắp nơi những cuộc tranh cãi kịch liệt. Mỗi người
hiểu theo ý riêng của mình, đa số là hiểu theo ý mình muồn. Và hầu như ở đâu
cũng thế, cứ động xuất hiện Nagunốp hoặc Đavưđốp thì không hiểu sao người ta vội
vàng chuyền tờ báo qua tay nhau, và tờ báo như một con chim trắng bay lượn giữa
đám người cho đến lúc nó biến mất hút vào trong cái túi to bè của ai đó.
Banhích đắc chí, đầu tiên đưa ra nhận định:
- Nào, bây giờ thì các nông trang sẽ bục ra
như cái áo tã.
Đemka Usakốp đối đáp lại:
- Rác rưởi sẽ trôi đi, màu mỡ sẽ đọng lại.
- Coi chừng là ngược lại đấy! - Banhích bác
lại và hấp tấp bỏ đi đến chỗ khác, rỉ tai những người tâm đắc với mình: “Cứ làm
toáng lên, xin rút ra khỏi nông trang đi, người ta đã tuyên bố tự do cho nông
nô rồi!”.
Paven Liubiskin trỏ cho đám nông trang viên
trung nông đang chuyện trò sôi nổi, nói với Mênốc:
- Các bố trung nông đang giạng háng ra kìa!
Một chân đặt trong nông trang, chân kia thì ghếch lên, lắc la lắc lư, lăm le nhảy
tót ra khỏi nông trang trở về xó đất nhà mình.
Các bà nhiều điều chưa hiểu rõ, đoán già
đoán non với nhau theo kiểu đàn bà. Và đầu làng cuối xóm các bà bàn tán:
- Sẽ giải tán nông trang đấy!
- Bò sẽ trả lại, lệnh của Mátxcơva.
- Đám kulắc sẽ được về và đưa vào nông
trang.
- Ai bị tước quyền bầu cử sẽ được trả lại.
- Bên Tubianxki đã mở cửa lại nhà thờ và lấy
lúa mì trữ trong nhà thờ chia cho nông trang viên làm lương ăn.
Sắp diễn ra những sự kiện quan trọng đây.
Ai cũng cảm thấy như vậy. Tối hôm ấy chi bộ họp kín. Đavưđốp phát biểu gay gắt.
- Bài báo của đồng chí Xtalin ra thật đúng
lúc! Ví dụ như Maka chẳng hạn, bài báo ấy không phải phang vào lưng mà là phang
vào giữa mặt đồng chí ấy! Maka đã choáng váng vì thắng lợi, và cả chúng mình nữa
cũng có phần nào choáng váng. Đề nghị các đồng chí cho ý kiến, ta sẽ sửa cái
gì. Gà vịt ta đã trả lại rồi, ta đã kịp thời trông thấy vấn đề, nhưng cừu với
bò cái thì bây giờ thế nào đây? Giải quyết chúng nó thế nào bây giờ, các đồng
chí! Nếu ta giải quyết việc ấy thiếu chính trị thì, thực tế thế, kết quả... kết
quả là chẳng khác gì bảo người ta: “Thôi, mạnh ai nấy chạy!”, “Cao chạy xa bay
ra khỏi nông trang đi thôi!”. Và họ sẽ chạy, lôi súc vật về hết, và ta sẽ đứng
trơ mắt ếch ra đấy. Rõ như ban ngày!
Nagunốp, đến dự họp sau rốt, đứng lên, đưa
cặp mắt rơm rớm đỏ ngầu nhìn Đavưđốp chòng chọc, phát biểu (và lúc đó Đavưđốp
ngửi thấy Maka sặc mùi rượu mạnh):
- Đồng chí bảo bài báo ấy phang vào giữa mặt
tôi hả? Không, không phải vào mặt, mà xuyên trúng tim! Xuyên suốt tận lưng! Và
tôi choáng váng không phải khi chúng ta thành lập nông trang đâu, mà chính là
bây giờ đây, sau khi có bài báo này...
- Nhất là sau khi làm một chai vốtka. -
Ivan Naiđênốp đế nhẹ một câu.
Anđrây mỉm cười, nháy mắt một cái tỏ ý tán
thành, Đavưđốp cúi đầu xuống bàn, còn Maka thì phồng hai lỗ mũi trắng nhợt lên,
đôi mắt đục ngầu giận dữ long sòng sọc:
- Này, chú nó ơi, chú nó còn ít tuổi quá,
không lên lớp bắt bẻ anh được đâu! Chú nó chưa rụng rốn thì lúc ấy anh đã chiến
đấu cho chính quyền xôviết và đã có chân trong Đảng rồi. Thế đấy! Còn chuyện
hôm nay anh có làm vài hớp thì, nói bắt chước đồng chí Đavưđốp, thực tế thế. Và
không phải một chai đâu, hai kia!
Radơmiốtnốp hậm hực buông ra một câu:
- Thế còn khoe! Say thế nên nói ba lăng
nhăng...
Maka lườm anh một cái, nhưng nói đã hạ giọng
đi, tay không hoa loạn lên nữa, mà nắm chặt lại ép vào ngực, và cứ đứng như thế
cho đến hết đoạn phát biểu sôi nổi và chẳng có mạch lạc gì của anh:
- Đâu phải tôi ba lăng nhăng, anh nói linh
tinh rồi, Anđrây ạ! Tôi uống rượu nguyên do là vì bài báo ấy của Xtalin đã
xuyên qua người tôi như một viên đạn, và trong tôi máu cứ sôi lên sùng sục... -
Giọng Maka run run và càng hạ thấp nữa: - Ở đây tôi là bí thư chi bộ, đúng
không nào? Tôi đề ra cho nhân dân, đề ra với đồ khỉ gió các anh là phải tập
trung gà ngỗng vào nông trang, thế chứ gì? Tôi đã vận động thành lập nông trang
như thế nào? Như thế này đây: tôi đã bảo thẳng vài quân chó má, mặc dầu nó là
trung nông, như thế này: “Mày không vào nông trang hả? Thế nghĩa là mày chống lại
Chính quyền xôviết phải không? Hồi năm mười chín mày đã đánh nhau với chúng
tao, chọi với chúng tao, bây giờ mày cũng lại chống lại hả? Được, thế mày đừng
hòng tao để cho mày yên. Tao sẽ cho mày một trận rũ xương, đồ chó đểu, cho đến
nỗi ma quỷ trông thấy cũng phải táng đởm kinh hồn!”. Có đúng tôi đã nói thế
không? Đúng! Tôi còn đập súng lục xuống bàn nữa. Tôi không chối cãi! Thực ra
không phải với ai tôi cũng nói thế cả, mà chỉ nói với những đứa trong bụng chống
lại ta đặc biệt kịch liệt mà thôi. Và hôm nay tôi có say đâu, xin đừng ăn nói
hàm hồ! Bài báo ấy làm tôi không chịu nổi, vì nó nên nửa năm nay rồi hôm nay lần
đầu tiên tôi lại uống. Bài báo nào vậy? Bài báo của đồng chí Xtalin viết chứ
bài báo nào, và tôi đây, nghĩa là Maka Nagunốp, đã oạch một cái, ngã lộn cổ, mắt
úp sấp xuống bùn, chổng vó... Thế là thế nào? Thưa các đồng chí! Tôi đồng ý là
về chuyện gà qué và súc vật linh tinh khác, tôi đã tả khuynh... Nhưng, thưa các
anh em, tại sao tôi làm thế mới được chứ? Và các đồng chí cứ tròng thằng Tơrốtxki
vào cổ tôi, đánh đồng tôi với nó, bảo tôi ý hợp tâm đầu với nó? Anh ấy, anh
Đavưđốp ạ, anh lúc nào cũng chụp mũ tôi là tơrốtxkít tả khuynh. Tơrốtxki chủ
trương thế nào, tôi không biết, nhưng tôi không phải như nó... tôi vào Đảng
không phải như một nhà thông thái rởm, mà bằng trái tim, bằng giọt máu của mình
đổ ra vì Đảng!
- Nói vào đề đi, Maka! Thời gian quý báu thế
này mà cứ con cà con kê mãi thế? Thời giờ gấp lắm rồi. Những sai lầm chung của
chúng ta, ta nên sửa thế nào, đồng chí có ý kiến gì thì nêu ra, việc gì phải
nhai nhải, hệt như Tơrốtxki: “Tôi ở trong Đảng, tôi và Đảng…”.
- Để yên tôi nói! - Maka gầm lên, mặt đỏ
tía tai, bàn tay phải càng xiết chặt hơn nữa vào ngực: - Tôi đâu có cấu kết với
Tơrốtxki! Tôi rất lấy làm xấu hổ bị vứt vào cùng một rọ với nó! Tôi không phải
là một tên phản bội, và tôi báo trước các anh biết: anh nào bảo tôi là tơrốtxkít,
tôi đập cho vỡ mõm! Tôi đập cho nhừ xương! Và tôi có tả khuynh trong chuyện gà
thì đó không phải vì Tơrốtxki, mà vì muốn mau đi tới cách mạng thế giới! Qua
chuyện ấy tôi muốn cho mọi việc đi nhanh hơn, thít chặt hơn với bọn tư hữu tiểu
tư sản. Tất cả là để tiến gần tới ngày thủ tiêu chủ nghĩa tư bản thế giới! Nào,
sao các anh im tịt thế? Bây giờ thế này: theo bài báo của đồng chí Xtalin, tôi
là hạng người như thế nào? Đây, ở quãng giữa bài có viết như thế này. - Maka
rút một tờ “Sự thật” từ trong túi áo varơi, mở ra, đọc chậm chậm: - “Những lệch
lạc ấy, cách vận động hợp tác hóa bằng những sắc lệnh quan liêu ấy, những sự đe
dọa không đáng làm ấy đối với nông dân, tất cả những cái ấy có lợi cho ai?
Không có lợi cho ai cả ngoài kẻ thù của chúng ta! Những lệch lạc ấy có thể dẫn
tới đâu? Dẫn tới chỗ làm kẻ thù mạnh lên và làm mất lòng tin của quần chúng vào
tư tưởng hợp tác hóa. Chẳng rõ ràng là những người chủ trương những lệch lạc ấy
tự cho mình là “tả”, thực ra đã đổ nước vào cối xay của bọn cơ hội hữu khuynh
hay sao?”. Thế này hóa ra là, trước hết, tôi quan liêu mệnh lệnh, tôi đã làm mất
lòng tin của nông trang viên, và tôi đã đổ nước vào cối xay của bọn cơ hội hữu
khuynh, làm cho nó quay. Và tất cả những cái đó chỉ vì mấy con cừu, mấy con gà
chết toi! Và vì tôi đã làm co vòi vài thằng bạch vệ cũ vào nông trang mà cứ giở
lối lừng khà lừng khừng. Đâu phải như thế! Chúng ta loay hoay, loay hoay mãi mới
lập xong được cái nông trang, bây giờ bài báo lại đánh bài rút lui. Tôi đã từng
dẫn một đại đội kỵ binh đánh cả bọn Ba Lan, cả bọn Vranghen, tôi biết: một khi
đã xông lên tấn công thì chớ có quay lại nửa đường!
- Nhưng anh lại vượt lên trước đại đội của
anh đến trăm mét... - Radơmiốtnốp, ít lâu nay vẫn kiên quyết ủng hộ Đavưđốp, sa
sầm mặt xuống, nói: - Này, Maka, đề nghị phanh lại thôi, bàn vào công việc đi!
Để bao giờ người ta bầu đồng chí làm tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương thì đồng
chí tha hồ cắm đầu lao đi tấn công, còn bây giờ đồng chí là một chiến sĩ đứng
trong hàng ngũ thì phải tôn trọng kỷ luật, không thì chúng tôi phê cho một trận
đấy!
- Anđrây, anh đừng chặn họng, để yên tôi
nói! Tôi phục tùng mọi mệnh lệnh của Đảng, và lúc này tôi muốn nói thì không phải
với ý định chống lại Đảng thân yêu của tôi, mà vì muốn có lợi cho Đảng. Đồng
chí Xtalin có viết là phải vận dụng tình hình địa phương, đúng thế không? Thế vậy
thì, Đavưđốp, tại sao anh lại bảo bài báo ấy phang vào mặt tôi? Trong bài báo ấy
có ghi rõ Maka Nagunốp là quan liêu, là làm bậy chăng? Hay là những tiếng ấy
cũng chẳng dính dáng gì đến tôi cả? Ấy nếu như đồng chí Xtalin có về Grêmiatsi
Lốc, thế nào tôi cũng phát biểu với đồng chí ấy: “Thưa đồng chí Iôxíp
Vixariônưits thân mến của chúng tôi, thế nghĩa là đồng chí không tán thành việc
chúng tôi răn đe những anh trung nông của chúng tôi ư? Đồng chí thương xót họ
và muốn ăn nói nhẹ nhàng với họ ư? Nhưng nếu cái anh trung nông ấy, ngày xưa nó
đi lính bạch vệ kôdắc và tới giờ vẫn trung thành đến cùng với chế độ tư hữu thì
tôi phải vuốt ve mơn trớn nó ở quãng nào để nó vui lòng vào nông trang và kiên
trì đi tới cách mạng thế giới? Nhưng cái thằng cha trung nông ấy, nó vào nông
trang mà vẫn không từ bỏ được đầu óc tư hữu của nó, vẫn bám khư khư lấy, dù chỉ
là để ném cho con bò của nó ăn no hơn một tí mà thôi. Nó là loại người như vậy
đấy!”. Và nếu đồng chí Xtalin sau khi đã xem xét loại người như vậy, vẫn khăng
khăng bảo là tôi lệch lạc, tôi làm mất lòng tin của nông trang viên, thì lúc ấy
tôi sẽ nói thẳng với đồng chí ấy: “Thưa đồng chí Xtalin, thế thì để ma quỷ gây
lòng tin cho họ vậy, còn tôi thì xin chịu, do tình hình sức khỏe của tôi đã
tiêu ma ngoài mặt trận rồi. Đồng chí hãy điều tôi ra biên giới Trung Quốc, ở đấy
tôi sẽ phục vụ Đảng được tốt hơn, còn việc tập thể hóa ấp Grêmiatsi thì xin mời
anh Anđrây Radơmiốtnốp. Xương sống anh ấy mềm hơn, anh ấy cúi rạp xuống chào bọn
bạch vệ cũ thì không chê được, và rỏ vài giọt nước mắt... Cái ấy anh ta cũng
làm được!”.
- Này, đừng chọc vào tôi, không thì tôi chọc
lại đấy...
- Thôi, đủ rồi! Hôm nay giải quyết thế
thôi! - Đavưđốp đứng dậy, tiến sát đến Maka, hỏi bằng giọng lạnh lùng ít thấy ở
anh: - Đồng chí Nagunốp, bức thư của Xtalin là đường lối của Ban chấp hành
Trung ương đấy. Có phải đồng chí không tán thành nội dung bức thư ấy không?
- Phải.
- Vậy những sai lầm của đồng chí, đồng chí
có nhận không? Tôi chẳng hạn, tôi nhận sai lầm của tôi. Không thể nhắm mắt trước
sự thật và không thể cắm đầu làm liều. Tôi không những thừa nhận là chúng ta đã
đi quá đà trong việc tập thể hóa gia súc nhỏ, mà tôi sẽ còn sửa chữa những sai
lầm ấy. Chúng ta quá lao theo con số phần trăm tập thể hóa, mặc dù trong chuyện
này huyện ủy cũng có khuyết điểm, và chúng ta coi quá nhẹ việc củng cố nông
trang một cách thiết thực. Đồng chí có thừa nhận như vậy không, đồng chí Nagunốp.
- Tôi thừa nhận.
- Thế thì còn thắc mắc nỗi gì?
- Bài báo ấy sai.
Đavưđốp đưa lòng bàn tay xoa xoa một lát tấm
vải sơn rải bàn bẩn nhem nhuốc, và không hiểu tại sao tự nhiên vặn cho cháy to
lên cái bấc đèn đang cháy vừa ngọn, xem có vẻ anh đang cố nén bực nhưng không
nén được:
- Cái đồ cậu! Cám hấp! Con tườu! Cứ những
câu ăn nói như vậy thì ở chỗ khác người ta đuổi cổ cậu ra khỏi Đảng rồi! Thực tế
thế! Cậu loạn óc rồi sao? Hoặc là cậu chấm dứt ngay cái... cái lối... cái thái
độ chống đối của cậu đi, hoặc là chúng tôi sẽ... Thực tế thế! Chúng tôi ngồi
nghe cậu thao thao thế là quá kiên nhẫn rồi, và nếu cậu đặt vấn đề ấy một cách
thực sự thì cũng được thôi! Chúng tôi sẽ chính thức báo cáo lên huyện ủy về lời
phát biểu của cậu chống lại đường lối của Đảng.
- Cứ việc báo cáo.
Nghe giọng nói bối rối của Maka, Đavưđốp
hơi dịu đi phần nào, nhưng trong lòng vẫn không nguôi hậm hực, nhún vai nói:
- Này, Maka, cậu đi ngủ một giấc đi, rồi ta
sẽ nói chuyện sau với nhau một cách tử tế. Nếu không, tôi với cậu bây giờ cứ
như trong truyện hai con bò trắng vậy: “Hai ta có đi với nhau không?” - “Có”. -
“Vớ được cái áo mền phải không?” - “Phải”. - “Vậy thì ta chia nhau cái áo như
đã thỏa thuận” - “Cái áo nào?”. - “Thế thì ta có đi với nhau không?” - “Có”. Và
cứ luẩn quẩn như thế mãi, không bao giờ hết. Cậu bảo cậu nhận sai lầm, và vừa mới
nói buông mồm xong thì lại bảo bài báo sai. Nếu theo cậu, bài báo là sai, thì cậu
nhận những sai lầm nào? Cậu quẫn rồi, thực tế thế! Thêm nữa, có đời thuở nào một
anh bí thư chi bộ vác cái xác say bí tỉ đến hội nghị chi bộ không? Thế là nghĩa
lý gì, hả đồng chí Nagunốp? Thế là vi phạm kỷ luật Đảng, đồng chí là đảng viên
kỳ cựu, là du kích đỏ, có Huân chương Cờ đỏ, thế mà tự dưng lại giở cái trò này
ra. Naiđênốp đây là thanh niên Kômxômôn, anh ta sẽ nghĩ như thế nào về đồng
chí? Thêm nữa, nếu đến tai ban kiểm tra huyện chuyện đồng chí say rượu, mà lại
vào một lúc quan trọng như lúc này, chuyện đồng chí không những giơ súng ra dọa
dẫm nạt nộ trung nông mà còn có thái độ chẳng bônsêvích tí nào trước sai lầm của
mình, thậm chí phát biểu chống lại đường lối của Đảng, thì anh sẽ khốn nạn đấy.
Anh không những sẽ không còn là bí thư chi bộ nữa, mà không còn là đảng viên nữa
kia, anh nên biết như thế! Tôi nói thực đấy! - Đavưđốp vò đầu, ngừng nói một
lát, cảm thấy mình đã điểm trúng huyệt Maka. Rồi nói tiếp: - Làm rùm beng về
bài báo làm gì vô ích. Anh không lái được Đảng theo mình đâu, những người còn bằng
mấy anh ấy chứ, Đảng còn bẻ cho gãy sừng kia kìa, và bắt phải phục tùng. Những
điều ấy mà anh không hiểu sao?
- Hoài hơi mà mất thời giờ ngồi dài dòng với
cậu ấy! Cậu ấy làm om sòm suốt một tiếng đồng hồ, mà nghe chẳng ra chuyện gì cả.
Để cậu ấy về, cho cậu ấy ngủ đi. Về đi, Maka! Xấu hổ quá! Soi gương thử một cái
xem, cậu sẽ phát khiếp: mặt mũi húp híp, mắt thì như mắt chó dại, sao mà lại nhếch
nhác thế kia không biết? Về đi! - Radơmiốtnốp chồm lên, túm lấy vai Maka lay lấy
lay để, nhưng Maka uể oải, thẫn thờ gạt tay anh ta ra, và cùng gù lưng xuống...
Đavưđốp gõ nhịp ngón tay xuống bàn trong
không khí im lặng nặng nề. Ivan Naiđênốp, suốt từ nãy cứ mỉm cười ngơ ngác nhìn
Maka, đề nghị:
- Đồng chí Đavưđốp ạ, đề nghị kết thúc
thôi.
Đavưđốp hoạt bát lên:
- Thế này nhé, các đồng chí, tôi đề nghị
như sau: trả lại cho nông trang gia súc nhỏ và bò cái, nhưng những ai đã góp
hai con thì vận động họ để lại cho đàn bò tập thể của nông trang. Ngay sáng mai
phải triệu tập họp, tiến hành công tác giải thích. Trọng tâm bây giờ là tuyên
truyền giải thích! Tôi e rằng sẽ có những người xin ra nông trang, trong khi
nay mai ta đã phải xuất quân ra đồng rồi... Đây, Maka ạ, đây chính là chỗ cho đồng
chí thi thố bản lĩnh của mình đấy. Đồng chí hãy giải thích cho người ta, mà
không cần dùng đến súng lục, sao cho người ta không xin ra nông trang, đó sẽ là
một việc làm thiết thực. Thôi, thế ta biểu quyết chứ? Lấy ý kiến đề nghị của
tôi để biểu quyết. Ai tán thành? Anh không biểu quyết ư, Maka? Được, ta cứ ghi:
“một phiếu trắng...”.
Radơmiốtnốp đề nghị ngay ngày mai tổ chức
trừ chuột đồng. Hội nghị quyết định huy động vào việc này một số nông trang
viên, lấy trong số những người không bận vào việc làm đồng, cấp cho họ vài đôi
bò đực để chở nước, và sẽ yêu cầu ông giáo Spưn, phụ trách trường, dẫn học sinh
ra đồng tham gia diệt chuột.
Suốt từ nãy Đavưđốp trong bụng cứ phân vân:
có nên siết Maka không? Có nên đặt vấn đề cậu ta vi phạm kỷ luật Đảng qua lời
phát biểu chống lại bài báo của Xtalin, qua việc từ chối không chịu thanh toán
hậu quả của những sai lầm “tả khuynh” đã phạm phải trong quá trình thành lập
nông trang không? Nhưng đến cuối hội nghị, nhìn khuôn mặt Maka nhợt nhạt như
người chết rồi, nhễ nhại mồ hôi, có mấy đường gân xanh nổi phồng lên hai bên
thái dương, anh quyết định: “Không, không nên! Tự câu ta sẽ hiểu ra. Để cậu ta
tự giác, không có một sức ép nào ở bên ngoài. Linh tinh lắm chuyện, nhưng là đồng
chí ta trung thành lắm đấy chứ! Lại thêm cái bệnh kia nữa... động kinh. Thôi,
ta ỉm đi thôi!”.
Còn Maka thì cho đến hết hội nghị cứ ngồi lặng
thinh, bề ngoài không tỏ ra xúc động gì cả. Đavưđốp nhìn anh ta và chỉ có một lần
trông thấy hai bàn tay Maka buông thõng trên đầu gối tự nhiên run bắn lên một
cái như có một làn sóng lướt qua...
- Lôi Nagunốp về nhà cậu ngủ, theo sát, cho
hắn khỏi uống rượu. - Đavưđốp rỉ tai Radơmiốtnốp. Radơmiốtnốp gật đầu đồng ý.
Đavưđốp đi một mình về nhà. Gần nhà của
Luka Tsêbakốp có một đám kô-dắc ngồi chơi trên một hàng dậu đổ, và từ phía ấy vẳng
lại tiếng chuyện trò sôi nổi. Đavưđốp đi bên lề đường bên kia. Đi ngang qua chỗ
họ, anh nghe thấy tiếng ai lạ lạ nói một cách dứt khoát, giọng ồm ồm pha ý chế
giễu:
- “...đưa bao nhiêu, nộp bao nhiêu, chúng
nó vẫn thấy chưa vừa!”.
Và một giọng khác:
- “Chính quyền xôviết bây giờ lại sinh ra
có hai cánh: cánh hữu và cánh tả. Bao giờ thì họ cất cánh bay cút mẹ nó đi cho
mình thoát nợ?”.
Một tiếng cười nhiều giọng rộ lên, rồi im bặt.
Một tiếng thì thào hoảng hốt:
- Suỵt!... Đavưđốp.
Và liền đó, vẫn cái giọng nói ồm ồm lúc nãy
những bây giờ thì không còn một tí gì ỡm ờ nữa, ề à nói, ra bộ lo làm lo ăn.
- Pha-a-ải... Nếu không mưa, ta gieo xong
cũng chóng thôi... Đất khô nhanh lắm... Thôi chứ, anh em, ta về ngủ thôi chứ?
Xin chào!
Một tiếng ho. Tiếng chân đi...
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét