Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập I
Chương 4
Ba mươi hai con người - cốt cán và bần nông
ấp Grêmiatsi Lốc - nín thở ngồi nghe. Đavưđốp chẳng có tài diễn thuyết, vậy mà
thoạt đầu người ta lắng nghe anh còn chăm chú hơn cả một người kể chuyện cổ
tích giỏi nhất.
- Thưa các đồng chí! Tôi bản thân là công
nhân nhà máy Puchilốp đỏ. Đảng cộng sản và giai cấp công nhân phái tôi về đây
giúp các đồng chí tổ chức nông trang tập thể và tiêu diệt bọn kulắc là những kẻ
hút máu hút mủ mọi người chúng ta. Tôi sẽ nói ngắn thôi. Các đồng chí phải hợp
lực lại vào nông trang tập thể, đem toàn bộ ruộng đất, nông cụ, súc vật làm của
chung. Vì sao phải vào nông trang? Vì rằng cứ tiếp tục sống như thế này thì thật
là sống không nổi. Ta gay go về lúa mì là do bọn kulắc chôn giấu, để mục nát dưới
đất, ta phải dùng vũ lực mà đoạt lấy của chúng! Còn các đồng chí thì hẳn là sẽ
phấn khởi mà nộp lúa mì, nhưng chính các đồng chí cũng thiếu ăn. Lúa của trung
bần nông thì không nuôi nổi liên bang Xôviết. Phải gieo trồng thêm nhiều nữa.
Nhưng với các cày gỗ và cày sắt một lưỡi thì làm sao mà gieo trồng nhiều được?
Chỉ có máy cày mới giúp ta thoát được khỏi tình cảnh này. Thực tế thế! Tôi
không rõ ở vùng sông Đông các đồng chí, trong vụ cày thu, một cái cày thì cày
được bao nhiêu...
- Nắm chắc tay cày cả ngày lẫn đêm thì đến
mùa đông cày được mười hai đêxiachin.
- Hả? Mười hai à? Phải chân đất rắn thì
sao?
- Ông kia nói lăng nhăng gì vậy? - Một tiếng
đàn bà the thé cất lên. - Thế thì mỗi cái cày phải đóng ba, không thì bốn đôi
bò đực khỏe, mà ta thì đào đâu ra bò? Cũng có đấy, nhưng không phải ai cũng có,
lải rải mỗi nơi một đôi ốm đói..., mà phần lớn lại là bò đực có vú. Nhà giàu cơ
người ta mới có, họ làm ăn như diều được gió...
- Ai mà nói chuyện ấy! Đàn bà không biết
thì ngồi yên nhá váy mà nghe. - Tiếng ai ồm ồm và khàn khàn đáp lại.
- Ông thì biết! Về nhà mà dạy vợ, đừng lên
mặt dạy người ta.
- Thế máy cày thì cày được bao nhiêu?...
Đavưđốp chờ cho mọi người im lặng, rồi đáp:
- Một máy cày, nói máy của xưởng Puchilốp
chúng tôi sản xuất ra thôi, nếu có tay lái giỏi, thạo nghề thì một ngày một
đêm, hai ca thay nhau cũng cày được mười hai đêxiachin.
Cả hội nghị cùng ồ lên. Có tiếng ai kinh ngạc
thốt lên:
- Cha mẹ ơi!...
- Gớm thế đấy! Cày bằng con ngựa ấy mới sướng...-
Tiếng ai đó thở dài, khao khát.
Đavưđốp đưa tay lên quệt đôi môi khô đi vì
cảm động, nói tiếp:
- Xưởng chúng tôi làm ra máy kéo cho các đồng
chí đấy. Bần trung nông cá thể thì không mua nổi đâu: ruột tượng bà con bé quá!
Nghĩa là muốn mua được thì bần cố, trung nông phải chung lưng đấu cật lại. Bà
con đều biết đấy, máy kéo mà đem ra làm ở mảnh ruộng nhỏ thì lỗ vốn to. Với nó
thì cứ phải là những cánh đồng lớn. Những ácten nhỏ dùng nó cũng chẳng lợi gì
hơn là vắt sữa dê.
- Không được thế nữa ấy chứ! - Một giọng ồm
ồm như ống lệnh cất lên từ những hàng ghế cuối.
- Nghĩa là ta nên làm thế nào? - Đavưđốp
nói tiếp, không chú ý đến những tiếng đáp lại ấy. - Đảng dự kiến tập thể hóa
toàn bộ để bà con có máy cày và đưa bà con ra khỏi cảnh bần cùng. Đồng chí
Lênin trước khi mất đã nói như thế nào? Chỉ có nông trang tập thể mới cứu được
nông dân lao động thoát khỏi nghèo khó. Không thế thì họ sẽ nguy khốn. Bọn kulắc
là con quỷ khát máu sẽ hút máu của họ đến khô kiệt... Vậy thì các đồng chí phải
dứt khoát, kiên quyết đi theo con đường Đảng vạch ra. Liên minh với công nhân,
giai cấp nông dân tập thể sẽ coi khinh tất cả bọn kulắc và mọi kẻ thù. Tôi
không nói sai đâu. Bây giờ tôi nói sang cái tập đoàn sản xuất của các đồng chí.
Cỡ nhỏ quá, lực yếu, do đó công việc làm ăn của nó có thể nói là bi đát. Như vậy
thì chẳng khác gì gió vào nhà trống... Tóm lại là chẳng ăn gì cả, chỉ độc thua
lỗ! Nhưng chúng ta phải đưa nó vào nông trang tập thể, làm thành cái cốt lõi, rồi
quanh cái cốt lõi ấy sẽ phát triển thêm trung nông..
- Khoan, tôi có ý kiến tí đã! - Đemka Usanốp,
một anh chàng rỗ hoa, mắt lác, đã có thời gian tham gia tập đoàn, đứng dậy.
- Muốn ý kiến thì phải giơ tay xin phép, -
Nagunốp ngồi ở bàn chủ tọa, cạnh Đavưđốp và Anđrây Radơmiốtnốp, nghiêm nghị nhắc
nhở anh ta.
Đemka tỉnh bơ đi, mỗi mắt nhìn đi một ngả, tưởng
đâu như anh ta đồng thời vừa nhìn lên bàn chủ tịch, vừa nhìn cử tọa:
- Tôi cứ nói, chẳng việc gì phải xin phép.
Tôi xin lỗi, chứ vậy thì vì sao chúng ta làm ăn thất bát và thành gánh nặng cho
Chính quyền Xôviết? Tại vì sao, tôi xin hỏi các đồng chí, chúng ta như một bọn
ăn bám vào quỹ tín dụng? Tại cái ông chủ nhiệm quý hóa của chúng ta! Tại lão
Akaska Mênốc đấy!
- Cái phần tử ăn nói bố láo! - Một giọng gà
trống cất lên từ mấy hàng ghế cuối. Và Akaska Mênốc huých cùi tay chen lên phía
bàn chủ tọa.
- Tôi xin dẫn chứng! - Đemka tái mặt đi,
hai mắt nhíu vào bên sống mũi. Mặc cho Radơmiốtnốp đang nắm bàn tay gân guốc đấm
xuống bàn thình thình, anh ta quay sang phía Akaska: - Đừng có mà lấp liếm.
Chúng ta nghèo hơn các nông trang khác không phải vì chúng ta ít người, mà là
do những việc đổi chác của nhà anh. Anh có đổi con bò đực lấy cái môtô, chẳng hỏi
ý kiến ai không? Có? Và đứa nào nghĩ ra cái chuyện đem gà đẻ đi đổi lấy...
Akaska vừa chen lên, vừa chống chế:
- Cứ bịa nữa đi!
- Chẳng phải anh thì đứa nào gạ chúng tôi
bán ba con cừu đực thiến và một con bò cái tơ để mua một cỗ xe ngựa? Đồ lái
buôn nửa mùa! Úi giào ôi! - Đemka nói bằng một giọng đắc thắng.
- Từ từ chứ nào! Lối đâu đá nhau như gà chọi
thế này! - Nagunốp can, và trên má anh cái thứ thịt dưới lớp da đỏ ửng lên đã bắt
đầu giật giật.
Akaska đã len tới bàn chủ tọa, xin phép
nói:
- Đề nghị đến lượt tôi có ý kiến.
Anh ta đưa tay lên nắm bộ râu hung hung định
nói thì Đavưđốp gạt anh ra:
- Tôi phát biểu nốt, và bây giờ đề nghị đừng
nói chen... Thưa các đồng chí, như tôi đã nói: chỉ có nông trang tập thể mới có
thể...
Anh du kích đỏ Paven Liubiskin, ngồi ngay
sát cửa ra vào, ngắt lời anh:
- Anh không phải tuyên truyền chúng tôi!
Chúng tôi sẽ vào nông trang ráo.
- Đồng ý vào nông trang.
- Vào thì mới làm ăn nên nỗi đấy!
- Nhưng phải quản lý cho tử tế cơ.
Vẫn cái anh chàng Liubiskin ấy lại cất giọng,
át mọi tiếng ồn. Anh ta đứng lên, trật cái mũ lông đen ra, người cao lớn, vai
ngang chằn chặn, lấp cả lối ra vào:
- Anh này thật buồn cười, việc gì phải
tuyên truyền Chính quyền Xôviết với chúng tôi? Chính tay chúng tôi trong thời
gian chiến tranh đã dựng nó lên, chính chúng tôi đã đưa vai ra đỡ cho nó khỏi đổ.
Chúng tôi biết nông trang là thế nào rồi, chúng tôi sẽ vào. Các anh hãy cho
chúng tôi máy móc. - Anh chìa bàn tay nứt nẻ ra. - Máy kéo thì hay rồi, khỏi
nói, nhưng công nhân các anh, các anh làm ra còn được ít quá, chúng tôi chê các
anh điểm ấy đấy! Chúng tôi không có cái gì để bấu víu cả, gay go là ở chỗ đó.
Còn cày bằng bò thì một tay cày, một tay gạt nước mắt, và nếu chỉ như thế thì cần
gì phải có nông trang mới làm được. Trước khi có bước chuyển sang thành lập
nông trang thì bản thân tôi đã định viết thư cho đồng chí Kalinin, yêu cầu giúp
đỡ bà con nhà nông xây dựng một cuộc sống mới như thế nào đó. Nếu không, cứ mấy
năm đầu thì chẳng khác gì dưới chế độ cũ cả: đóng thuế đi, còn sống chết mặc
bay. Thế thì cái Đảng Cộng sản Nga để làm gì nhỉ? Chúng ta đã đánh thắng, được,
nhưng rồi sao nữa? Lại như xưa, lẽo đẽo theo sau cái cày, ai có con gì thì mắc
cày vào con đó. Còn người không có thì sao? Ngửa tay xin ở cổng nhà thờ chăng?
Hay là kiếm một cái xiên, nấp dưới gầm cầu, rình những anh cán bộ thương nghiệp
nhà nước hoặc nhân viên hợp tác xã tiêu thụ mà xỉa? Người ta vẫn cho phép bọn
nhà giàu phát canh thu tô, cho phép chúng mướn người làm. Năm 1918, cách mạng dạy
chúng ta làm như vậy sao? Các anh đã bịt mắt cách mạng! Và hễ ai mở mồm nói: “Chúng
ta đã chiến đấu để làm gì nhỉ?”, thì những ông công chức chưa hề ngửi thấy mùi
thuốc súng lại lấy đó làm trò cười, và đằng sau họ, cả một bầy chó trắng cũng
hô hố lên cười. Không, anh không phải lên lớp chúng tôi! Chúng tôi nghe những lời
bùi tai đã nhiều rồi. Anh hãy bán chịu cho chúng tôi một máy cày, hoặc bán trả
dần bằng thóc, nhưng phải là máy tốt chứ đừng đưa ra cái của ba bị, hoặc đồ tầm
phơ nào! Đưa đúng loại máy kéo anh vừa nói ấy! Nếu không thì tôi xơi những cái
này để làm gì? - Anh bước qua đùi bà con ngồi trên các hàng ghế, đi thẳng tới
bàn chủ tọa, vừa đi vừa cởi cúc chiếc quần rách tã ra. Đến nơi, anh vén thốc tà
áo sơmi lên, lấy cằm kẹp giữ vào ngực. Trên bụng và hông đen sạm của anh lộ ra
những vết sẹo gớm khiếp, kéo căng da: - Tôi xơi quà này của các ngài Kađê để
làm gì? [KĐ:
đảng dân chủ lập hiến, chống Bolshevik]
- Đồ nỡm, không biết dơ! Thế thì tụt hẳn ra
có được không! - Mụ góa Anhixia, ngồi cạnh Đemka Usakốp, bất bình và láu lỉnh
kêu lên.
- Mụ thích tụt à? - Đemka khinh bỉ lườm mụ
một cái. - Thôi, thím Anhixia ơi, im cái mồm đi! Chìa ra cho một vị công nhân
xem sẹo của tôi thì việc gì mà tôi sợ dơ? Để cho anh ta thấy! Bởi vì rằng nếu cứ
tiếp tục sống như thế này thì, mẹ kiếp, tôi đến chẳng còn cái quái gì mà che tất
cả những của quý ấy nữa chứ! Quần của tôi bây giờ thực ra chỉ còn là cái tên gọi
thôi. Ban ngày ban mặt tôi đâu dám đi qua mặt đàn bà con gái! Họ hãi chết khiếp!
Phía đằng sau người ta cười hô hố, làm nhộn
lên, nhưng Liubiskin đưa con mắt nghiêm nghị nhìn quanh một vòng. Và lại nghe
thấy tiếng ngọn đèn nổ lép bép.
- Vậy là tôi đã chiến đấu chống bọn Kađê chỉ
để cho bọn nhà giàu vẫn cứ sống đàng hoàng hơn tôi à? Để cho chúng ăn sung mặc
sướng, còn tôi vẫn phải ăn bánh mì mốc với hành à? Có phải vậy không, hả đồng
chí công nhân? Này anh, anh Maka ơi, việc gì phải nhấm nháy tôi! Cả năm tôi chỉ
nói có một lần thôi, để yên tôi nói.
Đavưđốp gật đầu:
- Cứ nói tiếp đi!
- Tôi nói tiếp. Năm nay tôi gieo ba
đêxiachin lúa mạch. Tôi có ba đứa nhỏ, một bà chị què, và một vợ ốm. Tôi có nộp
thóc đúng hạn không, hả anh Radơmiốtnốp?
- Có, nhưng đừng làm ầm lên như vậy.
- Không, tôi cứ làm ầm! Thế cái lão kulắc
Phrôn Mũi toác... mả mẹ nó!...
- Sao, sao? - Nagunốp đấm bàn một cái, nói.
- Thằng Phrôn Mũi toác có nộp thóc không?
Không chứ gì?
Radơmiốtnốp, đôi mắt sáng long lanh thích
thú và từ nãy vẫn nghe Liubiskin với một vẻ khoái trá ra mặt, nói chêm vào:
- Thế cho nên tòa án đã phạt hắn, bắt hắn nộp
đủ thóc.
Đavưđốp chợt nhớ đến bí thư huyện uỷ, nghĩ
bụng: “Ông thận trọng ơi, sao ông không ở đây mà nghe?”.
- Năm nay hắn vẫn sẽ là ông Phrôn
Igơnachits! Và sang xuân hắn sẽ lại đến mướn tôi làm! - Liubiskin ném cái mũ
đen nhẻm xuống bên chân Đavưđốp. - Anh nói chuyện nông trang với tôi làm gì?!
Các anh cứ xơi tái bọn kulắc đi, chúng tôi khắc vào! Các anh cứ tước máy móc,
tước bò của chúng nó đưa cho chúng tôi, tước cái sức mạnh của chúng nó đi,
chúng ta khắc có bình đẳng! Toàn chỉ thấy nói đi rồi nói lại: “tiêu diệt bọn
kulắc”, còn bọn kulắc thì năm này qua năm khác cứ phình mãi ra, như cây si, và
che lấp cả mặt trời của chúng tôi.
Đemka nói như đế vào:
- Anh có cho chúng tôi tài sản của lão
Phrôn thì Akaska Mênốc sẽ đem đổi lấy cái tàu bay cho mà xem.
- Ha ha, hố hố!...
- Nói trúng tim đen.
- Đề nghị làm chứng cho tôi là đã bị xúc phạm!
- Không để cho ai nghe nữa à? Suỵt!
- Lũ quỷ, mất trật tự quá!
- Thôi, im lặng!...
Đavưđốp vất vả mới dẹp được tiếng ồn ào
đang nổi lên.
- Đó chính là chính sách của Đảng ta! Cửa
đã mở rồi, việc gì ta phải gõ nữa! Tiêu diệt bọn kulắc về mặt giai cấp, tịch
thu tài sản của chúng trao cho nông trang, thực tế thế! Còn đồng chí, đồng chí
du kích ạ, việc gì mà đồng chí vứt mũ xuống gầm bàn như vậy, nó còn dùng che đầu
được đấy. Bây giờ thì không được có chuyện phát canh thu tô và thuê mướn nhân
công nữa! Trước đây chúng ta còn gượng nhẹ bọn kulắc, đó là do hoàn cảnh bắt buộc:
chúng có nhiều thóc nộp hơn các nông trang chúng ta. Nhưng bây giờ thì khác hẳn
rồi. Đồng chí Xtalin đã tính toán đủ mọi đường và bảo: phải loại trừ bọn kulắc
ra khỏi đời sống chúng ta! Phải đem tài sản của chúng trao cho nông trang... Đồng
chí nhăn nhó mãi về chuyện máy kéo... Vậy năm triệu rúp người ta cấp cho các
nông trang để mở mang thì là cái gì? Đồng chí có biết chuyện ấy không? Thế thì
việc gì đồng chí cứ phải ngậu xị lên như vậy? Trước tiên phải nặn ra được cái
nông trang đã, rồi mới lo đến chuyện máy móc chứ. Còn đồng chí thì muốn sắm cái
vòng cổ ngựa trước, rồi đo cái vòng cổ mà tậu ngựa. Đồng chí cười cái gì? Đúng
thế, đúng thế đấy!
- Cậu Liubiskin này đúng là đặt cái cày trước
con bò!
- Hô hô...
- Thế thì chúng tôi tán thành vào nông
trang quá rồi!
- Hắn tính chuyện cái vòng cổ ngựa...
- Thành lập ngay đêm nay đi!
- Ghi tên luôn!
- Dẫn chúng tôi đi đấu bọn kulắc!
Nagunốp đề nghị:
- Ai muốn vào nông trang, giơ tay lên!
Đếm thì thấy có ba mươi ba bàn tay giơ lên.
Một bà con nào đó cuống quýt đã giơ cả hai tay.
Không khí ngột ngạt làm Đavưđốp phải bỏ áo
măngtô và véttông ra. Anh cởi khuy cổ áo sơmi, mỉm cười đợi cho tiếng ồn ào lắng
xuống:
- Tinh thần giác ngộ của các đồng chí rất
cao, thực tế thế! Nhưng các đồng chí tưởng chỉ có việc vào nông trang là xong
à? Không, chưa đủ đâu! Bần nông các đồng chí là trụ cột của Chính quyền Xôviết.
Không những bản thân các đồng chí phải vào nông trang, mà còn phải lôi kéo
trung nông đang nghiêng ngả nữa.
- Nhưng người ta không muốn thì lôi kéo làm
sao? - Akaska Mênốc hỏi. - Họ là con bò hay sao mà bảo xỏ mũi dắt đi?
- Phải thuyết phục họ! Đồng chí là người đấu
tranh cho chân lý của chúng ta, thế mà lại không lôi kéo được người khác theo
mình à? Mai ta sẽ có cuộc họp. Đồng chí hãy biểu quyết “tán thành” và thuyết phục
người trung nông ngồi bên mình. Bây giờ ta bàn sang chuyện bọn kulắc. Ta sẽ ra
quyết định trục xuất chúng ra khỏi cương giới vùng Bắc Cápcadơ này hay là thế
nào?
- Đồng ý đấy!
- Nhổ tận gốc!
- Không, không phải chỉ nhổ tận gốc, mà trốc
tận rễ nữa, - Đavưđốp bổ sung, và bảo Radơmiốtnốp: - đồng chí đọc danh sách bọn
kulắc lên. Ta sẽ duyệt bây giờ việc tịch thu tài sản của chúng nó.
Anđrây rút trong tập hồ sơ ra một tờ giấy,
trao cho Đavưđốp.
- Phrôn Đamaxkốp. Tên này có đáng bị giai cấp
vô sản trừng trị như vậy không?
Các cánh tay giơ lên nhất loạt. Nhưng đếm
xong thì Đavưđốp thấy là có một người không biểu quyết. Anh dướn đôi lông mày đầy
mồ hôi đang bốc hơi lên:
- Không đồng ý à, anh kia?
Anh chàng kô-dắc nom vẻ hiền lành củ mỉ, vừa
rồi không giơ tay, đáp cộc lốc:
- Tôi không có ý kiến.
- Sao lại thế? - Đavưđốp gặng hỏi.
- Vì ông ấy là hàng xóm láng giềng của tôi,
tôi thấy ông ấy có nhiều cái tốt. Tôi không thể giơ tay làm hại ông ấy được.
Nagunốp đứng nhổm dậy như kiểu đang ngồi
trên yên ngựa, ra lệnh bằng một giọng hơi run run:
- Cút ngay khỏi phòng họp này!
Đavưđốp nghiêm khắc ngắt lời Nagunốp:
- Đừng, ai lại làm thế, đồng chí Nagunốp!
Anh đồng bào kia, đừng về! Anh hãy giải thích rõ thái độ của anh đã. Theo anh,
Đamaxkốp có phải kulắc hay không?
- Chuyện ấy tôi không biết. Tôi mù chữ, và
đề nghị cho tôi rời hội nghị.
- Không được, anh hãy vui lòng giải thích
cho chúng tôi nghe đã: anh đã được nó làm ơn những gì?
- Ông ấy giúp tôi luôn, nay cho mượn bò,
mai cho vay thóc giống... có ít đâu... Nhưng tôi không phản bội chính quyền.
Tôi ủng hộ chính quyền...
Radơmiốtnốp nói xen vào:
- Nó có yêu cầu anh bênh vực nó không? Nó
có đút lót anh tiền, thóc lúa không? Anh cứ thú nhận đi, đừng sợ! Nào, nói đi:
nó đã hứa với anh những gì? - Radơmiốtnốp mỉm cười lúng túng, ngượng thay cho
anh chàng kia, và ngượng vì những câu hỏi sống sượng của mình.
- Hình như chẳng hứa cái gì cả. Sao đồng
chí biết?
- Chimôphây, mày nói dối! Mày là đứa đã bị
mua chuộc, biến thành tay sai kulắc rồi! - Có tiếng ai trong hàng ghế kêu lên.
- Anh muốn gọi tôi thế nào thì gọi, tùy anh...
Đavưđốp hỏi một câu như kề dao vào cổ anh
ta:
- Anh theo Chính quyền Xôviết hay theo bọn
kulắc? Anh đừng bôi nhọ giai cấp nông dân nghèo khổ, anh hãy nói thẳng cho hội
nghị rõ: anh đứng về bên nào?
Liubiskin bực lắm, cắt ngang:
- Hơi đâu mất thời giờ với hắn! Chỉ cần một
chai vốtka là có thể mua được cả hắn lẫn ruột gan hắn. Này, Chimôphây ơi, trông
mày mà tao ngứa mắt quá!
Anh chàng Chimôphây Borsép, lúc nãy không
giơ tay biểu quyết, cuối cùng tỏ vẻ đấu dịu, đáp:
- Tôi ủng hộ chính quyền. Sao các anh lại
xúm vào đả tôi như vậy? Tôi tối tăm dốt nát, cho nên lẫn...
Nhưng biểu quyết lần thứ hai, anh ta đã giơ
tay với một vẻ miễn cưỡng ra mặt.
Đavưđốp ngoáy máy chữ vào sổ tay: “Chimôphây Borsép bị kẻ thù của giai cấp dụ dỗ.
Phải giáo dục”.
Hội nghị đồng thanh quyết nghị tịch thu tài
sản bốn tên kulắc nữa.
Nhưng khi Đavưđốp nói: “Tít Bôrôđin. Ai tán
thành?”, thì cả hội nghị ắng đi trong một không khí im lặng nặng nề. Nagunốp và
Radơmiốtnốp lúng túng nhìn nhau. Liubiskin cầm mũ lau mồ hôi trán.
- Sao lại im lặng? Có chuyện gì vậy? - Đavưđốp
thắc mắc đưa mắt nhìn các hàng ghế, và thấy mình nhìn ai người ấy cũng quay mắt
đi bèn đưa mắt nhìn Nagunốp.
Nagunốp bắt đầu bằng một giọng ngập ngừng:
- Số là thế này. Cái cậu Bôrôđin ấy, chúng
tôi vẫn gọi nôm na là cậu Titốc, hồi 1918 đã cùng với chúng tôi tình nguyện
tham gia đội cận vệ đỏ. Xuất thân gia đình bần nông, hắn chiến đấu vững vàng. Hắn
bị thương mấy lần và đã được thưởng một đồng hồ bạc vì thành tích cách mạng. Hắn
là lính đội du kích Đumenốc. Đồng chí công nhân ạ, đồng chí có biết hắn đã làm
cho chúng tôi nẫu ruột, nẫu gan vì hắn như thế nào không? Phục viên về nhà, hắn
bám khư khư lấy kinh tế của hắn như con chó giữ xương... Và hắn bắt đầu làm
giàu, mặc dù chúng tôi đã khuyên răn hắn. Hắn làm ngày làm đêm, râu ria lông lá
mọc xồm xoàm, tứ thời đánh độc cái quần vải thô. Hắn đã tậu được ba đôi bò và
chuốc lấy bệnh sa đì vì mang vác quá nặng. Nhưng thế đối với hắn vẫn chưa đủ! Hắn
bắt đầu mướn người, hai người, rồi ba người. Hắn tậu một cối xay gió, rồi mua một
máy hơi nước năm mã lực và xoay ra làm bơ, buôn bò. Thường hắn ăn kham khổ và để
người làm đói nhăn răng, mặc dù họ phải làm việc đến hai mươi tiếng một ngày và
đêm phải dậy năm lần bảy lượt cho ngựa và bò ăn. Chúng tôi đã nhiều lần gọi hắn
tới chi bộ và trụ sở Xôviết, mắng cho thảm hại, bảo hắn: “Thôi đi, Tít, đừng
làm cái trò chắn ngang đường chính quyền Xôviết thân yêu của chúng ta như thế nữa!
Chính cậu đã hy sinh gian khổ ngoài mặt trận, chiến đấu chống bọn Bạch vệ...”.
- Nagunốp thở dài đánh thượt một cái, và giang rộng hai tay: - Biết làm thế nào
một khi người ta bị ma xui quỷ ám? Xem ra cái tư hữu đã ăn sống nuốt tươi hắn rồi!
Chúng tôi đã gọi hắn lên một lần nữa, gợi hắn nhớ lại cuộc đời chiến đấu và những
chuyện đồng cam cộng khổ của chúng tôi, khuyên nhủ, đe hắn là chúng tôi sẽ đạp
dí hắn xuống tận bùn đen nếu hắn to gan cản đường chúng ta, tư sản hóa đi, và
không muốn đón chờ cách mạng thế giới.
Đavưđốp sốt ruột, yêu cầu:
- Nói ngăn ngắn thôi.
Nagunốp giật mình và hạ thấp giọng:
- Chuyện ấy không nói ngắn được. Nó như vết
thương rỉ máu... Thế là hắn, nghĩa là cậu Titốc ấy, hắn trả lời chúng tôi: “Tôi
chấp hành mệnh lệnh của Chính quyền Xôviết, mở rộng diện tích gieo trồng. Và
tôi mướn nhân công là hợp pháp: bà nó nhà tôi bị bệnh hậu sản. Xưa kia tôi chẳng
bằng ai, bây giờ tôi được đầy đủ sung túc thế này thì chính vì thế mà tôi đã
chiến đấu. Hơn nữa, chính Chính quyền Xôviết đứng vững được khộng phải là nhờ
vào các anh. Hai bàn tay tôi đây đã cung cấp cho chính quyền Xôviết có cái để
mà nhá, còn các anh, các ông quan to quan nhỏ, tôi còn lạ gì các ông nữa”. Khi
chúng tôi gợi lại chuyện chiến đấu đồng cam cộng khổ thì cũng có lần mắt hắn đỏ
hoe, nhưng hắn không để cho nước mắt được chảy thoải mái, hắn quay mặt đi, lên
gân nói: “Ăn cơm mới nói chuyện cũ làm gì?”. Chúng tôi đã tước quyền bầu cử của
hắn. Và thế là hắn chạy nháo các nơi, làm đơn lên khu, lên Mátxcơva. Nhưng tôi
hiểu như thế này, là ở trên các cơ quan trung ương có những nhà cách mạng lão
thành nắm những cương vị chủ chốt và các ông ấy thừa hiểu: một khi anh đã phản
bội thì anh là kẻ thù, và đối với anh phải thẳng tay!
- Cũng nên nói ngăn ngắn thôi...
- Tôi xong bây giờ đây. Ở trên cũng không
phục hồi cho hắn và từ bấy đến nay, hắn vẫn chứng nào tật ấy. Thực ra thì hắn
cũng thôi, không mướn người nữa...
Đavưđốp nhìn chòng chọc vào mặt Nagunốp:
- Ồ, thế thì có vấn đề gì nhỉ?
Nhưng Nagunốp khép hai hàng lông mi ngắn bạc
nắng xuống, đáp:
- Là vì cả hội nghị im lặng. Tôi chỉ muốn
giải thích rõ là tên Tít Bôrôđin, ngày nay là kulắc thì trong quá khứ thân thiết
mới đây là hạng người thế nào thôi.
Đavưđốp mím chặt môi, mặt sa sầm:
- Việc gì đồng chí phải đem những chuyện ấy
ra than thở với chúng tôi? Hắn đã đi du kích, đó là thành tích của hắn. Nhưng
bây giờ hắn trở thành kulắc, biến thành kẻ thù, vậy thì phải tiêu diệt! Có gì
mà phải nói lôi thôi?
- Tôi nói thế không phải là tôi thương hại
hắn đâu. Đồng chí đừng buộc oan cho tôi.
- Ai tán thành tịch thu tài sản của
Bôrôđin? - Đavưđốp đưa mắt nhìn quanh một vòng.
Các cánh tay ngập ngừng, lẻ tẻ giơ lên,
nhưng rồi cũng giơ lên cả.
Tan họp, Nagunốp mời Đavưđốp về nhà mình ngủ.
Anh vừa dò dẫm bước ra khỏi căn nhà tối om của trụ sở Xôviết, vừa nói:
- Để mai tôi sẽ tìm cho anh một chỗ ở.
Họ đi bên nhau, bước trên tuyết sào sạo.
Nagunốp phanh ngực áo varơi ra, nói nho nhỏ:
- Đồng chí công nhân thân mến ạ, tôi thật
nhẹ cả người khi nghe nói phải đưa vào nông trang toàn bộ tài sản tư hữu của
nông dân. Từ bé tôi đã ghét cay ghét đắng của tư hữu. Mọi tai họa đều do nó
sinh ra cả, các đồng chí Mác, Ăngghen tài giỏi của chúng ta viết cấm có sai. Nếu
không xóa bỏ nó đi thì ngay cả dưới Chính quyền Xôviết, người ta cũng sẽ choảng
nhau, chạy lăng xăng, huých nhau, như những con lợn chạy quanh máng ăn, chỉ vì
cái bệnh dịch thổ tả ấy. Còn xưa kia, dưới chế độ cũ thì thế nào? Nghĩ mà khiếp!
Ông cụ nhà tôi xưa là một dân kô-dắc phong lưu, có bốn đôi bò đực và năm con ngựa.
Ruộng đất của ông cụ mênh mông, sáu mươi, bảy mươi, rồi đến một trăm đêxiachin.
Gia đình đông, toàn tay làm được. Chúng tôi tự lực làm lấy cả. Đồng chí tính
xem: tôi có ba ông anh đã lấy vợ. Và thế rồi một sự việc đã khắc sâu vào trí nhớ
tôi, và làm tôi sinh ra căm ghét chế độ tư hữu. Một hôm, con lợn nhà hàng xóm lẻn
vào vườn rau nhà tôi, phá mất mấy khóm khoai tây. Bà cụ tôi trông thấy, vớ luôn
cái gáo, múc đầy nước sôi trong nồi, và bảo tôi: “Maka, mày ra xua nó, tao đón
lối hàng rào”. Hồi ấy tôi mười hai. Cố nhiên là tôi đã ra đuổi con lợn bất hạnh
ấy. Và bà cụ tôi đã cho nó tắm nước sôi. Đến nỗi lông nó bốc khói mù lên! Hồi
đó đang mùa hè, con lợn bị thối thịt sinh giòi, mỗi ngày một nhiều, rồi nghẻo.
Lão hàng xóm để bụng thù. Và một tuần sau, hai mươi ba đụn lúa mạch nhà tôi
đánh đống ngoài thảo nguyên cháy tiệt. Ông cụ tôi thừa biết đó là do bàn tay
ai, ức không chịu nổi, phát đơn kiện. Và giữa hai người sinh ra thù hằn nhau đến
ghê, không nhìn mặt nhau được. Tí rượu vào là choảng nhau luôn. Kiện cáo kéo
dài khoảng năm năm, cho đến ngày xảy ra án mạng... Vào tuần lễ Lá. Người ta tìm
thấy anh con trai của lão hàng xóm nằm chết trong một kho thóc. Có ai đó đã
dùng chàng nạng xiên cho anh ta vào ngực, thủng mấy chỗ. Qua một vài điều, tôi
đoán đấy là do bàn tay các ông anh tôi. Người ta tiến hành điều tra, nhưng
không tìm ra thủ phạm... Người ta lập biên bản, kết luận anh ta chết vì say rượu.
Và từ đó tôi bỏ nhà bỏ cửa ra đi làm mướn. Rồi tôi bị lôi cuốn vào chiến tranh.
Ngoài mặt trận, có những lúc ta nằm, bọn Đức giã pháo đạn ghém vào ta, khói đen
và đất cát bắn tung tóe lên trời. Tôi nằm và nghĩ: “Vì ai, để giữ gìn của tư hữu
cho ai mà ta chịu cái cảnh hãi hùng chết chóc này nhỉ?”. Và dưới làn đạn bắn,
ta chỉ ước gì biến thành cái đinh, để cắm sâu xuống đất ngập tận mũ! Ối chao
ôi, rồi tôi hít phải hơi ngạt, anh ạ, bị trúng độc! Bây giờ, động leo dốc một
tí là chóng mặt, máu bốc lên đầu, bước không nổi. Ở mặt trận, có những người thông
minh tài trí đã vẽ đường chỉ lối cho tôi, và khi trở về, tôi đã là một người
bônsêvích. Và trong nội chiến, chà, tôi mới đâm chém cái giống sâu bọ ấy nhá!
Không chút thương xót! Ở Kaxtornaia tôi bị chấn thương, rồi bắt đầu lên những
cơn động kinh. Và bây giờ được cái này đây. - Nagunốp đặt bàn tay hộ pháp của
mình lên tấm huân chương, và trong giọng nói của anh vang lên những âm hưởng mới,
ấm áp lạ thường. - Giờ đây có nó, tôi thấy trong lòng ấm thêm lên. Giờ đây, đồng
chí thân mến ạ, tôi cảm thấy như trong những ngày nội chiến, như đang đứng trên
vị trí chiến đấu vậy. Phải cố hết sức để lôi kéo mọi người vào nông trang. Đó
là một bước nữa đi tới cách mạng thế giới.
Đavưđốp chân bước miệng hỏi với một vẻ đăm
chiêu:
- Anh biết rõ Tít Bôrôđin không?
- Biết quá chứ! Trước, tôi với nó là bạn
thân, nhưng chính vì cái chuyện hắn mê của tư hữu quá quắt lắm nên tôi với nó
đã bỏ nhau. Năm 1920 tôi với nó đã cùng đi dẹp cuộc nổi loạn trong một tổng
vùng Đônét. Hai đại đội kỵ binh và một đội biệt động xông lên tấn công. Phía
sau làng thấy có nhiều người Ucraina bị đâm chém nằm chết đó. Đến đêm, thằng
Titốc trở về chỗ đóng quân, vác theo mấy cái bọc tướng. Hắn rũ ra, và tám cái cẳng
chân chặt cụt rơi lỏng chỏng xuống đất. “Mày điên à? - Một đồng chí bảo nó như
vậy. Mang cuốn xéo ngay lập tức!”. Và thằng Titốc trả lời: “Mẹ kiếp, cho chúng
nó hết nổi loạn! Bốn đôi ủng thì tác dụng cho tớ quá! Đủ cho cả nhà đi”. Nó hơ
những ống chân ấy lên lò sưởi và cố sức kéo. Rồi mang mấy cái cẳng chân ra
ngoài, vùi vào đống rơm. Nó bảo: “Chôn rồi”. Hồi ấy chúng tôi mà biết thì hẳn sẽ
lôi nó ra bắn chết, như một con chó ghẻ! Nhưng anh em không nỡ tố cáo nó. Sau
đó tôi có căn vặn nó: đúng có chuyện ấy không? Nó nói: “Đúng. Lúc ấy không sao
tháo được ủng ra, chân chúng nó đóng băng, cứng như gỗ, mình phải lấy kiếm chặt.
Mình là thợ giầy, thấy những đôi ủng tốt như thế để mục dưới đất thì tiếc của.
Nhưng bây giờ chính mình cũng kinh. Có lúc đang đêm sực tỉnh, mình phải bảo bà
vợ để cho mình nằm vào trong, vì nằm ngoài thấy chợn chợn...”. Ủa, ta về đến
nhà đây rồi.
Nagunốp bước vào sân, lách cách mở then cửa.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét