Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập II
Chương 20
Ngay từ hồi đầu xuân, khi mà ngay cả tuyết
chất đống bên hàng giậu phía bắc đã bắt đầu lún xuống và tan chảy thành một lạch
nước trong vắt, một đôi bồ câu trời đã tới chọn ngôi nhà của Radơmiốtnốp làm
nơi trú ngụ. Chúng lượn hồi lâu trên trời, mỗi vòng lượn lại xuống thấp một
chút, rồi hạ cánh xuống tận đất, chỗ cạnh nhà kho, rồi lại vỗ cánh bay vù lên
mái đậu. Chúng đậu đó hồi lâu, ngó ngoáy hai cái đầu nhỏ xíu tò mò nhìn khắp bốn
bề, như muốn làm quen với chỗ ở mới. Rồi với một điệu bộ khinh khỉnh đỏm dáng,
con trống nhấc cao hai cái chân màu đỏ mận đi một vòng trên lớp vôi bẩn rắc
xung quanh ống khói. Nó rụt cổ lại, đầu hơi ngả ra sau, cái ức nở phồng đùng đục
ánh lên màu ngũ sắc, và cất giọng dè dặt gáy gù gù. Còn con mái thì buông cánh
sà xuống; với hai lần vỗ cánh phành phạch nó lượn nửa vòng, rồi đậu lên cái gờ
mái cửa sổ phòng Radơmiốtnốp. Hai lần vỗ cánh của nó còn có thể có ý nghĩa gì
khác hơn là mời anh bạn tình hãy bay theo mình?
Nửa ngày Radơmiốtnốp về nhà ăn trưa thì từ
ngoài cổng anh đã trông thấy đôi chim đậu bên ngưỡng cửa. Con mái đang thoăn
thoắt đôi chân xinh xinh chạy quanh cái vũng nước tuyết tan, vừa chạy vừa mổ mổ
đó đây. Con trống nhảy nhảy theo sau, dừng lại một tí, quay tròn một vòng, cúi
rạp đầu chào, thấp đến nỗi mỏ và ức nó gần chạm đất. Rồi nó gù gù rối rít và lại
đuổi theo con mái, đuôi xòe ra như cái quạt, bụng quét sát mặt đất ẩm ướt và
giá lạnh như những ngày đông khắc nghiệt. Nó cứ nhất định đi bên trái, để đẩy
con mái tránh vũng nước.
Radơmiốtnốp rón rén bước qua cách chúng hai
bước, nhưng đôi chim cũng chẳng buồn cất cánh bay, chỉ né sang bên một tí. Đặt
chân lên ngưỡng cửa, Radơmiốtnốp đã quyết định với một thái độ nhiệt tình và phấn
khởi của trẻ thơ: “Đây không phải hai vị khách trọ đâu, đây là hai ông bà chủ
đã về!”. Và với một nụ cười chua chát, anh nghĩ thầm, hay hình như thì thào ra
miệng: “Chúng đến để mang chút hạnh phúc muộn màng cho mình đây, chắc thế chứ
không thể khác được...”.
Anh vốc đầy một nắm thóc trong hòm, ném vãi
ra trước cửa sổ.
Từ sáng Radơmiốtnốp cứ hậm hực bực dọc:
công việc chuẩn bị vụ gieo, việc chọn giống tiến hành ì à ì ạch; ngày hôm nay
Đavưđốp phải lên huyện; Nagunốp thì cưỡi ngựa ra đồng, để tận mắt kiểm tra lại
những thửa ruộng sắp gieo, và Radơmiốtnốp thì cho đến trưa đã kịp đấu khẩu mấy
trận kịch liệt với hai tay đội trưởng và lão thủ kho. Và bây giờ đây, ngồi bên
bàn ăn, anh quên cả món xúp bắp cải đang nguội tanh trong bát, ngồi nhìn đôi
chim bồ câu, và gương mặt xám gió xuân của anh như sáng lên, nhưng lòng anh lại
nặng trĩu...
Nụ cười buồn bã trên môi, anh đưa hai con mắt
như mờ sương nhìn con mái nhỏ nhắn xinh xắn đang mổ thóc hau háu trong khi anh
chàng trống đẹp mã cứ lượn, lượn hoài quanh nó không biết mệt, chẳng thèm mổ lấy
một hạt thóc.
Thì hai mươi năm về trước, chính anh,
Anđrây, hồi ấy còn trẻ và cũng đẹp mã như anh chàng bồ câu trống kia, cũng đã từng
lượn quanh người đẹp của anh như vậy. Rồi lấy vợ, đi quân dịch, chiến tranh...
Cuộc đời đã trôi đi, nhanh một cách đáng sợ và tàn nhẫn lạ lùng! Nhớ đến vợ và
mụn con nhỏ, Radơmiốtnốp buồn bã nghĩ bụng: “Vợ con còn sống mình chả mấy khi gặp,
và bây giờ chết rồi, mình cũng chả mấy khi viếng thăm...”.
Vào cái ngày tháng Tư nắng ấm huy hoàng như
thế này thì con bồ câu trống kia còn thiết gì nghĩ đến ăn? Và Anđrây Radơmiốtnốp
cũng chẳng thiết ăn. Anh đưa đôi mắt rơm rớm ướt chứ không phải là mờ đục hơi
sương nữa, vô tri vô giác nhìn ra cửa sổ. Qua khung cửa sổ, chẳng phải anh nhìn
đôi chim bồ câu kia, chẳng phải nhìn cái màu xanh mơn mởn của mùa xuân, mà là
thấy hiện lên trước mắt mình hình ảnh đau đớn của người anh đã một lần yêu và
yêu suốt đời, có lẽ yêu còn hơn cả bản thân cuộc đời nữa, vậy mà đã không được
yêu trọn vẹn và phải xa lìa nhau vì một cái chết thê thảm cách đây mười hai năm
về trước, có lẽ vào một ngày xuân cũng huy hoàng như hôm nay đây...
Radơmiốtnốp ngồi nhai bánh, đầu cúi gằm xuống
bát xúp: anh không muốn để mẹ trông thấy những giọt nước mắt đang lăn trên gò
má anh, làm mặn thêm bát xúp chẳng thế cũng đã quá mặn rồi. Hai lần anh nhấc
thìa lên, và cả hai lần cái thìa lại rơi xuống bàn, tuột khỏi bàn tay run rẩy bẩy
và yếu dại đi một cách lạ lùng của anh.
Trong đời chúng ta thường có những lúc mà hạnh
phúc bé nhỏ của một đôi chim thôi, chứ chưa nói của con người cũng gợi cho một
trái tim yêu thương không phải là sự ghen tị, không phải là sự mỉa mai chua
chát, mà là những ký ức đầy đau đớn xót xa không gì xoa dịu nổi... Radơmiốtnốp
dứt khoát buông bát đứng dậy, quay lưng ra phía mẹ, khoác áo bông vào, cầm chiếc
mũ lông nắm trong tay, nói:
- Giêsu lạy Chúa tôi, không hiểu sao hôm
nay con ăn không thấy ngon, mẹ ạ!
- Không thích ăn xúp thì để mẹ nấu cháo ăn
với sữa chua vậy?
- Thôi, con chả muốn ăn gì.
- Hay là lại có chuyện gì buồn? - Bà mẹ dè
dặt hỏi.
- Có chuyện gì mà buồn. Buồn là chuyện ngày
xưa, nó qua rồi.
- Anđrây ạ, từ hồi bé tính con cứ kín đáo
thế... Chả bao giờ nói chuyện gì, chả bao giờ than thở với mẹ cả... Xem ra tim
con là hòn đá thì phải...
- Mẹ đẻ ra con, mẹ lại còn trách gì con. Mẹ
sinh ra con thế nào thì nó nên thế, biết làm sao được!
- Nói thế thì tôi cũng chịu anh! - Bà lão tự
ái cắn đôi môi tái nhợt, nói.
Ra khỏi cổng, Radơmiốtnốp không rẽ phải, đi
về trụ sở Xôviết, mà ngoặt trái, đi ra thảo nguyên. Anh sải chân, lững thững bước
một tắt đường đi thẳng tới một làng Grêmiatsi Lốc khác, nơi từ ngày xửa ngày
xưa chỉ có những người đã chết đến chen chúc trú ngụ với nhau trong cảnh thanh
bình. Nghĩa địa đã bị nhổ hết rào giậu. Trong những năm tháng khó khăn này, người
sống đâu có quan tâm lo lắng cho người đã chết... Những cây thập tự cũ kỹ, mốc
đen đi với thời gian, cứ đổ xiêu đổ vẹo, một số nằm bẹp dưới đất, cái nằm sấp,
cái nằm ngửa. Không một ngôi mộ nào được sửa sang và trên những gò đống đất
sét, ngọn gió đông buồn bã lay động hàng cỏ dại mùa năm ngoái, sẽ sàng rung những
bụi cây ích mẫu khô héo, bạc thế, cứ như có một bàn tay phụ nữ mềm mại nào đang
lần lần sửa sang chúng. Một mùi mục rữa, hương cỏ héo và mùi đất đen đã tan
băng quyện vào với nhau, phảng phất trên lớp mộ.
Bất cứ một nghĩa địa nào vào bất cứ mùa nào
trong năm bao giờ cũng gieo buồn vào lòng người sống, nhưng vào những ngày đầu
xuân và cuối thu thì cái buồn ấy càng đặc biệt day dứt, tê tái, gỡ không ra.
Lần theo lối mòn do vết chân bò giẫm,
Radơmiốtnốp đi theo hướng bắc ra phía ngoài hàng rào, nơi xưa kia người ta chôn
những người tự vẫn. Anh dừng chân bên một ngôi mộ quen thuộc, bốn góc đã sụt lở,
bỏ mũ ra và cúi gập mái tóc hoa râm xuống. Chỉ có những con chim sơn ca khua động
cảnh trầm lặng của mảnh đất bị con người quên lãng này mà thôi.
Trong cái ngày xuân rạng rỡ anh nắng, tràn
đầy sự sống mới tỉnh dậy này, Anđrây đến đây để làm gì nhỉ? Phải chăng để đứng
lồng mười ngón tay ngắn trùng trục vào với nhau, nghiến chặt răng, lim dim đôi
mắt nhìn về phía chân trời mờ sương kia, như cố tìm lại đằng sau cái màn khói ấy
cái thời tuổi trẻ không bao giờ quên được và cái hạnh phúc ngắn ngủi của anh?
Có thể như thế lắm. Bởi vì cái quá khứ thân yêu đã chết đi bao giờ cũng hiện
lên rõ ràng hơn cả hoặc vào lúc người ta đang đứng trong một nghĩa địa, hoặc giữa
bóng tối thầm lặng của những đêm mất ngủ...
*
* *
Từ ngày hôm ấy, Radơmiốtnốp trở thành ông
thần hộ mệnh của đôi chim bồ câu đến trú ngụ ở nhà anh. Ngày hai lần, anh vãi một
nắm thóc ra dưới cửa sổ rồi đứng canh, xua đi những ả gà mái láo xược cứ lăn xả
vào, cho đến khi đôi bồ câu đã đầy diều mới thôi. Sáng sáng, từ tinh mơ, anh cứ
ngồi hồi lâu trên ngưỡng cửa nhà kho hút thuốc, lặng lẽ xem đôi vợ chồng khách
trọ mới tha rơm, tha những mẩu cành con, tha những sợi lông bò dính vào hàng giậu
lên chỗ gờ mái cửa sổ. Chẳng bao lâu cái tổ đan sơ sài đã xong, và Radơmiốtnốp
thở dài một cái nhẹ nhõm: “Định cư rồi! Bây giờ thì chúng sẽ chẳng bay đi đâu cả!”.
Hai tuần sau thì con mái không xuống ăn
thóc nữa. Radơmiốtnốp cười nụ: “Ấp rồi. Cái hộ ấy sắp có thêm nhân khẩu”.
Từ ngày có đôi chim bồ câu anh thêm khối việc
bận: đến bữa phải cho chúng ăn, thay nước uống ở bát, vì các vũng quanh hè đã cạn
ráo, và ngoài ra còn có một việc tối ư cần thiết là phải canh phòng cẩn mật bảo
vệ đôi bồ câu tội nghiệp không có khả năng tự vệ.
Một hôm ra đồng về, từ ngoài ngõ Radơmiốtnốp
đã trông thấy con mèo già - con mèo cưng của mẹ anh - đang bò rạp mình trên mái
tranh, rồi nhẹ nhàng nhảy xuống bám vào mép cánh cửa mở hé, ngoe nguẩy đuôi chuẩn
bị vồ. Con bồ câu mái vẫn ngồi yên trong tổ, quay lưng về phía con mèo, rõ ràng
không hề cảm thấy nó đang bị đe dọa. Nó đang cách cái chết cả thảy chỉ có bốn
mươi phân.
Radơmiốtnốp nhón chân chạy tới. Anh rút phắt
khẩu súng lục trong túi ra, nín thở, đôi đồng tử co lại nhìn con mèo không rời.
Và khi còn mèo vừa lùi lại một tí, hai chân trước khẽ nhún nhún lấy đà, thì một
phát súng nổ đanh, sượt mép trên cánh cửa sổ. Con bồ câu bay vù đi, còn con mèo
thì bị viên đạn xuyên suốt, rơi chúc đầu xuống chân tường, nom như một cái bọc
rơi.
Nghe tiếng súng nổ, bà mẹ Anđrây ở trong
nhà chạy bổ ra.
- Cái xẻng đâu hả mẹ? - Anđrây nhanh nhảu hỏi,
thản nhiên như không có việc gì xảy ra.
Anh đang xách cái đuôi mèo chết và nhăn mặt
lại ghê tởm.
Bà lão chắp hai tay lại, kêu làng kêu nước:
- Cái thằng uống máu không tanh kia! Bay
coi một sinh mạng thật không ra cái gì! Giết một con người hay giết một con
mèo, đối với bay và thằng Maka thật chả khác gì nhau. Chúng bay đi lính giết
người quen tay rồi, đồ khốn kiếp, bây giờ không được giết chóc thì ruột gan bần
thần như thằng nghiện thèm thuốc vậy!
- Này, mẹ đừng có làm ỏm tỏi lên như vậy! -
Ông con trai nghiêm khắc ngắt lời bà cụ. - Từ nay đến chết, mẹ hãy quên cái thú
nuôi mèo đi! Và đừng nói động đến con và Maka. Con với cậu ấy bây giờ tính đâm
ra rất dễ tự ái khi bị ai gọi là đồ nọ đồ kia. Chính vì lòng thương mà chúng
con bắn chết tươi, không trượt phát nào, mọi giống nhơ bẩn, dù chúng hai chân
hay bốn chân, nó không để cho người ta yên thân mà sống. Mẹ đã rõ chưa? Thôi, mẹ
vào nhà đi. Muốn ầm ĩ gì thì vào trong nhà, chứ đứng đường mà làm huyên náo và
chửi bới con thì con nhân danh chủ tịch Xôviết, cấm ngặt mẹ đấy.
Suốt tuần lễ bà lão không nói năng một lời
với con, và anh càng lấy thế làm mừng: trong tuần lễ ấy anh đã bắn chết tất cả
lũ mèo hàng xóm, cả đực lẫn cái, để bảo đảm an toàn lâu dài cho đôi bồ câu của
anh. Một hôm đến trụ sở Xôviết, Đavưđốp hỏi:
- Cậu ngứa tay hay sao mà cứ bắn lung tung
thế? Không ngày nào tôi không nghe thấy khẩu súng lục của cậu nổ. Tôi hỏi cậu:
cậu làm dân hoang mang thế để làm gì? Nếu cần thử súng thì đi ra ngoài đồng cỏ,
ở ngoài ấy tha hồ mà đì đoàng, Anđrây ạ, chứ ở đây thì không tiện tí nào, thực
tế thế!
- Mình thủ tiêu mèo từng tí một, - Radơmiốtnốp
lầm lầm đáp. - Bọn khốn kiếp ấy, không sống được với chúng nó!
Đavưđốp sửng sốt dương đôi lông mày bạc thếch
đi vì nắng:
- Mèo gì?
- Mèo đen, mèo lang, mèo mướp! Vớ được con
nào giải quyết con ấy.
Môi trên của Đavưđốp rung rung: đó là dấu
hiệu đầu tiên chứng tỏ anh đang ráng hết sức nén trận cười nó cứ muốn phá ra.
Radơmiốtnốp biết vậy càng sa sầm mặt xuống, lo ngại giơ tay ra như muốn ngăn.
- Ông lính thủy ơi, ông đừng cười vội! Hãy
tìm hiểu đầu đuôi thế nào đã.
- Đầu đuôi thế nào? - Đavưđốp hỏi, mặt nhăn
một cách đau khổ và muốn phát khóc lên vì cười. - Chắc là chưa hoàn thành được
kế hoạch hợp đồng với cửa hàng da thú phỏng? Thiếu da thú cho nên cậu..., cho
nên cậu phải ra tay chứ gì? Ối giời ơi, Anđrây ơi! Ối giời ơi, mình không chịu
nổi nữa..., nói mau lên không mình chết mất bây giờ, chết ngay bên bàn cậu đây...
Đavưđốp ôm đầu, và trên tấm lưng rộng như
cánh phản của anh, hai bả vai cứ rung lên bần bật. Radơmiốtnốp chồm dậy như bị
ong đốt, và làm om lên:
- Đồ ngu! Đồ dân thành thị ngu ngốc! Bồ câu
của tôi đang ấp, chim non sắp nở, thế mà cậu cứ lải nhải “Cửa hàng da thú” với
lại “ra tay” hoàn thành kế hoạch... Tôi thiết đếch gì cái cửa hàng da lông ấy?
Nhà tôi có tổ bồ câu, tôi phải bảo vệ chúng nó chứ. Đấy, bây giờ cho cậu tha hồ
mà cười, cười cho nó vỡ bố cái bụng đi.
Radơmiốtnốp tưởng sẽ bị cười cho một trận nữa,
rất ngạc nhiên trước thái độ của Đavưđốp khi nghe anh nói. Đavưđốp chùi vội đôi
mắt ướt nhòe, sôi nổi hỏi luôn:
- Chim bồ câu gì? Ở đâu ra thế?
- Mèo gì, rồi lại bồ câu gì, ở đâu ra...
Xêmiôn ạ, sao hôm nay cậu độc hỏi tôi những câu dớ da dớ dẩn vậy? - Radơmiốtnốp
bực mình nói. - Bồ câu chứ còn bồ câu gì. Bồ câu có hai chân, hai cánh, mỗi con
một cái đầu, và đằng đít có một cái đuôi, cả hai đều mặc áo lông và chẳng con đếch
nào đi giày cả, nghèo quá nên mùa rét cũng vẫn cứ đi đất. Thế đã đủ chưa?
- Mình không nói chuyện ấy. Mình muốn hỏi
nó có phải loại chim nòi không kia. Hồi bé mình cũng chơi chim. Cho nên mình muốn
biết chim của cậu thuộc giống gì: bồ câu rừng hay bồ câu gáy, hoặc có thể là giống
thày tu hoặc hải âu. Cậu kiếm được đâu ra vậy?
Radơmiốtnốp đã hết cau có, vuốt ria mỉm cười:
- Nó ở kho rơm nhà ai đến ấy, cho nên có lẽ
nó là giống bồ câu rơm, và vì nó là khách không mời mà đến cho nên cũng có thể
gọi nó là giống bồ câu khách... tầm phơ, hoặc giống ăn chực cũng được, vì nó
toàn chén vào tiêu chuẩn của mình, hoàn toàn không tự lực kiếm ăn được... Nói
tóm lại, có thể xếp nó vào giống gì thì xếp, tùy cậu.
- Nhưng lông màu gì? - Đavưđốp gặng hỏi, hỏi
thực, không đùa.
- Màu bồ câu.
- Nghĩa là thế nào.
- Nó như quả mận chín chưa ai đụng đến, pha
thêm tí màu xanh, màu tro.
- À - à - à, bồ câu đá, - Đavưđốp thất vọng
kéo dài giọng. Nhưng rồi lập tức lại vui vẻ xoa tay. - Nhưng cậu ạ, bồ câu đá
cũng có những con khá ra phết! Phải xem mới biết. Rất thú đấy, thực tế thế!
- Ghé vào nhà mình chơi, rồi cậu sẽ thấy.
Vài hôm sau, Radơmiốtnốp đang đi ngoài đường
thì bị một đám trẻ chặn lại. Thằng bạo nhất đám, đứng cách anh một khoảng cách
khá xa, cất cái giọng the thé hỏi:
- Chú Anđrây ơi, có phải chú làm thịt mèo
phải không?
- Cái gì?! - Radơmiốtnốp nạt nộ bước sấn tới
đám trẻ.
Bọn chúng chạy tóe ra như một đàn chim sẻ,
nhưng một phút sau lại tụ vón lại.
- Ai bảo với chúng mày tao làm thịt mèo? -
Radơmiốtnốp tức không chịu được, gặng hỏi.
Nhưng bọn trẻ cứ đứng cúi đầu im lặng, và
ngần ấy thằng như một, chúng đưa mắt nhìn nhau và lấy chân đi đất vẽ vẽ lên lớp
bụi đường lành lạnh, lớp bụi đường đầu tiên sau mùa tuyết tan.
Cuối cùng vẫn là thằng bé vừa hỏi lúc nãy
so vai rụt cổ đánh bạo trả lời:
- Mẹ cháu bảo là chú dùng súng lục bắn chết
mèo mà.
- Đúng là tao bắn, nhưng đâu phải tao làm
thịt! Hai cái khác nhau chứ, hả ông mãnh.
- Mẹ cháu cũng bảo: “Ông chủ tịch làng ta
giết mèo đâu như để làm thịt thì phải. Giá ông ấy bắn hộ con mèo đực nhà ta đi
thì hay quá, không có nó vồ hết bồ câu nhà mình mất”.
- À, thế lại là chuyện khác, con ơi! -
Radơmiốtnốp thốt lên, tươi tỉnh ra mặt. - Nghĩa là con mèo nhà cháu vồ bồ câu hả.
Thế cháu là con ai, hả thằng nhỏ? Và tên cháu là gì?
- Bố cháu là Êrôphây Vaxilits Tsêbakốp, còn
tên cháu là Chimôphây.
- Ờ, thế Chimôphây dẫn chú về nhà đi. Ta đi
khử con mèo nhà cháu cho nó hết làm hại, nhất lại là mẹ cháu yêu cầu thế.
Hành động cao quý tiến hành nhân danh bảo vệ
tính mệnh cho bồ câu nhà Tsêbakốp đã chẳng đem lại được thành tích và vinh
quang mới cho Radơmiốtnốp. Ngược lại là đằng khác... Với cả một bầy trẻ líu ríu
đủ các giọng lẵng nhẵng theo sau, Radơmiốtnốp thủng thẳng đi đến nhà Tsêbakốp,
trong bụng không hề ngờ rằng tai bay vạ gió đang chờ anh ở đó. Thận trọng lê
đôi ủng, và lúc nào cũng cứ nơm nớp sợ xéo phải một bàn chân đi đất nhỏ xíu nào
của đám trẻ bâu quanh anh, anh vừa rẽ vào đầu ngõ thì đã thấy một bà lão bước
ra hiên nhà Tsêbakốp. Đó là bà nội thằng Chimôphây.
Bà lão cao lớn, dáng vĩ đại, đứng bên thềm
mặt cứ hầm hầm và hai tay ôm trước ngực một con mèo nâu to tướng, béo tốt vì được
ăn thoải mái.
Kính lão đắc thọ, Radơmiốtnốp khẽ đưa tay
lên ve mũ theo kiểu quân sự, miệng ân cần chào:
- Chào cụ!
- Lạy Chúa! Ông ataman ấp ta đến chơi nhà
chúng tôi có việc gì thế? Nói đi, - Bà lão đáp, giọng ồm ồm như lệnh vỡ.
- Tôi đến vì việc con mèo nhà ta đây. Các
cháu bé bảo là nó vồ chim bồ câu. Cụ đưa nó đây cho tôi, tôi sẽ lập tòa án xử
nó ngay tại chỗ. Cái tên hung ác ấy thì cứ ghi rõ: “Án chung thẩm cấm khiếu nại”.
- Luật lệ gì thế nhỉ? Chính quyền Xôviết ra
sắc lệnh diệt hết mèo hay sao?
Radơmiốtnốp mỉm cười:
- Cần quái gì luật lệ? Một khi nó đã là một
tên đầu trộm đuôi cướp gây án mạng sát hại loài chim thì chỉ có tử hình thôi,
không ý kiến ý cỏ gì cả! Đối với bọn đầu trộm đuôi cướp, ta chỉ có một luật lệ:
“Vì lợi ích cách mạng”, và pằng luôn! Thôi, cụ ơi, không cần dài dòng văn tự
làm gì, cụ cứ đưa con mèo đây tôi, tôi sẽ giải quyết nó gọn...
- Thế chuột trong kho nhà chúng tôi, ai sẽ
bắt cho? Anh nhận đảm đương nhiệm vụ ấy chắc?
- Tôi đã có nhiệm vụ của tôi, còn cụ chẳng
có việc gì làm thì đi mà bắt chuột, không có nhàn cư vi bất thiện suốt ngày lại
chỉ lầm rầm khấn khứa rồi sì sà sì sụp vái mấy cái tượng.
Bà lão liền nổi tam bành lên:
- Này, mày vắt mũi còn hơi sữa, không lên mặt
dạy nổi bà đâu! Sao bọn kôdắc làng này lại đi bầu một thằng khốn nạn như thế
làm chủ tịch nhỉ! Mày phải biết là ngày xưa cả đến các ông ataman cũng chẳng
làm gì nổi tao, nữa là cái hạng mày! Mày thì bà chỉ cho một cái là bắn ra đến tận
ngõ rồi mới tỉnh!
Nghe tiếng bà lão oang oang như lệnh vỡ, một
con chó vàng con ở dưới gầm kho chạy bổ ra, sủa ăng ẳng chối tai. Đứng bên thềm,
Radơmiốtnốp thản nhiên giở thuốc ra cuốn một điếu. Nhìn kích thước điếu thuốc
thì có thể thấy là anh định trụ ở vị trí chiến đấu này không phải chỉ chốc lát.
Điếu thuốc dài đủ mười phân và to bằng ngón tay trỏ ấy là để dành cho một trận
đấu khẩu ra trò. Nhưng câu chuyện đã xoay vần kiểu khác...
Radơmiốtnốp thản nhiên và chững chạc lên tiếng:
- Cụ ơi, cụ nói rất chí lý! Anh em kôdắc bầu
tôi làm chủ tịch thì thật là dở hết sức. Không phải bỗng dưng mà người ta lại bảo
“anh kôdắc là anh trí khôn bị tắc”. Và cả tôi đây nữa, đi khoác cái ách ấy vào
người thì cũng không phải là một hành động thông minh gì cho lắm... Nhưng cụ khỏi
lo: tôi sắp xin từ chức chủ tịch rồi.
- Từ mẹ nó đi cho nó sớm.
- Thì tôi đã bảo cụ là tôi sắp từ đây mà,
nhưng cụ ơi trong khi chờ đợi, cụ hãy từ cái con mèo của cụ đi và trao vào tay
chủ tịch tôi đây.
- Mày bắn chết hết sạch mèo trong làng như
vậy thì rồi chẳng mấy chốc mà chuột sẽ nhung nhúc, rồi đêm nó mò vào cắn chân
mày trước.
- Không đời nào! - Radơmiốtnốp khẳng định dứt
khoát. - Chân tôi thì cứng lắm, ngay cả chó nhà cụ cắn vào cũng gãy răng cơ.
Thôi cụ cứ đưa mèo đây, tôi không có thời giờ đứng mặc cả với cụ đâu. Cụ ban
phúc cho nó đi rồi đưa nó đây cho tôi tử tế, trao tay cẩn thận.
Bàn tay phải sần sùi màu da lươn của bà lão
nắm lại thành quả đấm với ngón tay cái luồn qua khe hai ngón trỏ và ngón giữa một
cách đầy ngụ ý, còn tay trái bà lão thì xiết chặt còn mèo vào ngực đến nỗi làm
nó kêu chóe lên, cào đạp khịt khịt loạn xạ. Bọn trẻ đứng chắn sau lưng Radơmiốtnốp
thành một bức tường, khoái trá cười ré lên. Rõ ràng là cảm tình của chúng ngả về
phía Radơmiốtnốp. Nhưng bỗng chúng im bặt, như theo một hiệu lệnh, khi bà lão
trị yên được con mèo rồi, quát tướng lên:
- Cút ngay đi cho khuất mắt tao, thằng quan
ôn kia! Đồ khốn kiếp, muốn sống thì cút ngay, kẻo ốm ho với bà bây giờ!
Từ tốn và như mải miết với việc mình làm,
Radơmiốtnốp thè đầu lưỡi ra nhấm nước bọt cái mép sờn sờn của mẩu giấy báo anh
cuốn thuốc lá, trong khi mắt vẫn ranh mãnh lén nhìn bà lão đang sát khí đằng đằng,
và miệng anh lại còn tủm tỉm trêu ngươi nữa. Chả cần phải dấu là không hiểu sao
anh rất thích, thậm chí có một cái khoái đặc biết nữa khi được đấu khẩu với các
mụ già trong làng, bất kể mụ nào, trừ mẹ anh ra. Mặc dầu tuổi tác, trong anh vẫn
còn cái máu tếu của một anh thanh niên kôdắc với cái tính thích đùa dai nó không
chịu mất đi với thời gian. Lần này cũng vậy tính nào anh vẫn tật nấy. Cuốn xong
điếu thuốc và rít xong hai hơi liền, anh nói bằng một giọng thân ái, có vẻ như
khoái trá nữa:
- Mẹ Igơnachiépna ơi, cái giọng mẹ sao mà
nó tốt thế! Nghe mẹ nói suốt đời cũng không thấy chán đâu! Chả cần ăn, chả cần
uống, chỉ cốt sao bắt được mẹ cứ quát tháo thế suốt từ sáng đến tối... Giọng tốt
thật, khỏi nói! Mồm, quang quác, chà, hệt cái giọng lão thày trợ tế trên huyện
ngày xưa, hoặc là hệt tiếng hí của con Hoa, con ngựa giống của nông trang ấy
mà... Từ nay trở đi tôi sẽ không gọi mẹ là “mẹ Igơnachiépna” nữa đâu, mà gọi là
“mẹ Hoa”. Tôi bàn với mẹ một việc như thế này nhé: bao giờ cần gọi bà con dân
làng đến họp, tôi nhờ mẹ cứ đứng ra giữa làng mà gào tướng lên, mỗi lần như thế
nông trang sẽ chấm cho mẹ hai công...
Radơmiốtnốp không kịp nói hết câu. Bà lão
đã nổi điên lên, túm gáy con mèo ném vung ra thẳng cánh, như một anh kôdắc.
Radơmiốtnốp hoảng hồn nhảy né sang bên, trong khi con mèo, bốn cẳng xoạc rộng,
đôi mắt xanh lè trợn ngược, kêu lên một tiếng xé ruột, bay vèo qua sát người
anh, nhún mình rơi xuống đất, rồi duỗi thẳng cái đuôi to tướng như đuôi cáo, nó
ba chân bốn cẳng đâm bổ ra vườn rau. Con chó con dựng ngược tai lên, kêu ăng ẳng
lao theo, và tiếp sau con chó, lũ trẻ cũng ùa theo, la ó đinh tai váng óc...
Con mèo nhảy vọt qua hàng rào như viên đạn bay, còn con chó, không đủ khả năng
vượt cái chướng ngại vật ghê gớm ấy, vắt chân lên cổ chạy vòng ra chỗ lỗ hổng
nó đã quen thuộc từ lâu. Lũ trẻ xúm lại leo qua hàng rào làm nó gãy răng rắc đổ
sập.
Bóng con mèo thấp thoáng qua những luống
dưa chuột, những khóm cà chua và những cây bắp cải, loang loáng như một tia chớp
màu nâu. Còn Radơmiốtnốp thì sướng như điên, ngồi sụp xuống, vỗ đôm đốp vào đầu
gối mà gào:
- Bắt lấy nó! Nó chạy mất kìa! Bắt lấy nó,
con ấy gớm lắm!...
Radơmiốtnốp ngạc nhiên hết sức khi chợt
quay lại nhìn lên thềm, thấy bà cụ Igơnachiépna đang cười ngặt nghẽo, hai tay
ôm lấy bộ ngực to nặng đang rung lên bần bật. Bà lão đưa góc khăn vuông lên
chùi mắt hoài, và vẫn chưa dứt cơn cười, bà khàn khàn nói:
- Này, anh Anđrây, hoặc là anh, hoặc là cái
Xôviết của anh, phải bồi thường tôi về thiệt hại này! Để tối nay tôi tính xem bọn
ôn con anh lôi tới đây xéo nát của nhà tôi mất bao nhiêu, rồi anh liệu mà xì tiền
ra!
Anđrây bước tới bên thềm, ngước đôi mắt
long lanh nhìn bà lão từ dưới lên trên:
- Cụ cứ yên trí, tôi sẽ bồi thường đầy đủ,
dù là phải lấy vào lương chủ tịch, dù là phải bán rau nhà đi! Nhưng cụ hãy cho
tôi xin đôi bồ câu mà cái con mèo kia đã phá tổ mất rồi. Đôi chim nhà tôi sắp nở,
cộng với đôi cụ cho, tôi sẽ có hẳn một chuồng.
- Đấy cho anh mà vác về, lạy Chúa, vác tất
về. Nuôi chúng chẳng được cái tích sự gì, chỉ tổ làm đàn gà nhà tôi chết đói
thôi.
Radơmiốtnốp quay ra phía hàng rào, réo:
- Bọn nhóc kia, giải tán!
Và mười phút sau, anh đã trên đường về nhà,
nhưng không đi theo các lối ngõ, mà men theo bờ sông để tránh con mắt tò mò của
đám đàn bà rỗi hơi... Ngọn gió bắc thổi về, mát rượi, có phần lành lạnh. Đôi
chim bồ câu âm ấm với cái cổ bồng to, đặt gọn trong chiếc mũ lông thủ vào sau vạt
áo varơi, Radơmiốtnốp len lén bước đi, mắt nhớn nhác nhìn quanh, miệng mỉm cười
ngượng ngập, và ngọn gió, ngọn gió lạnh từ phương bắc về, thổi phất phơ bờm tóc
hoa râm của anh.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét