Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập II
Chương 2
Iakốp Lukits choàng tỉnh dậy thì mặt trời
đã mọc. Trong khoảng có một tiếng đồng hồ lão đã khéo kịp nằm mê thấy bao nhiêu
là chuyện, chuyện nọ vớ vẩn và kinh tởm hơn chuyện kia.
Lão nằm mơ thấy mình đứng trước bệ đọc
kinh, trẻ măng và bảnh bao trong bộ cánh chú rể, và bên lão là Liachépxki mặc
áo dài cô dâu, trùm tấm khăn voan nom như một đám mây trắng, đang ngó ngoáy nhí
nhảnh, giương con mắt dâm dật đầy giễu cợt hau háu nhìn lão và cứ nhấm nháy suốt
với lão một cách trâng tráo, châm chọc. Iakốp Lukits hình như đã bảo hắn; “Anh
Vátxláp Ápguxtôvits này, chúng mình lấy nhau không ổn đâu: anh chẳng gì thì
cũng là một anh đàn ông. Chuyện này còn ra cái thể thống quái gì nữa? Mà tôi thì
cũng lại có vợ rồi. Thôi, ta hãy trình cha cụ rõ đầu đuôi, kẻo không cha lại biến
chúng mình thành trò cười cho thiên hạ mất!”. Nhưng Liachépxki lại đưa bàn tay
lạnh ngắt nắm lấy Iakốp Lukits, ghé vào lão, thủ thỉ nỉ non: “Đừng nói ai biết
anh đã có vợ nhá! Còn em, anh Iakốp thân yêu ạ, em sẽ là một người vợ ác chiến
ghê lắm, đến nỗi làm anh không thở được nữa cơ!”. Iakốp Lukits muốn kêu lên: “Cút
cha mày đi cho rồi, thằng chột khốn nạn!”, và cố giằng tay ra khỏi bàn tay
Liachépxki mà không được: mấy ngón tay Liachépxki lạnh ngắt, cứng như thép, còn
tiếng của Iakốp Lukits nói thì nghe điếc tịt đến là lạ, và đôi môi lão nhũn như
bông thấm nước... Điên tiết lên, Iakốp Lukits nhổ toẹt một bãi và choàng tỉnh dậy.
Râu lão và mặt gối của lão dớt dãi lầy nhầy...
Lão còn chưa kịp làm dấu và thều thào “lạy
Chúa là đấng...” thì đã lại chìm trong giấc chiêm bao khác. Lão thấy mình cùng
với thằng Xêmiôn, con trai lão, cùng với Agaphôn Đúpxốp và bà con dân làng đang
tha thẩn trên một cánh ruộng mênh mông, hái cà chua dưới sự kiểm soát của những
nữ giám thị trẻ mặc đồ trắng. Bản thân Iakốp Lukits cũng như mọi người nam giới
khác không hiểu sao lại trần như nhộng, nhưng ngoài lão ra thì chẳng ai thấy xấu
hổ về sự trần truồng của mình cả. Đúpxốp đứng quay lưng về phía lão, cúi lom
khom xuống một khóm cà chua. Iakốp Lukits chết ngạt đi vì cười và vì bực dọc, bảo
hắn: “Thằng ngu mặt rỗ kia, cúi vừa vừa thôi chứ nào! Có đàn bà con gái thì
cũng phải biết ngượng tí chứ!”.
Lão thì cứ lúng ta lúng túng ngồi xổm, hái
cà bằng độc một tay phải, còn tay trái thì ủ khư khư như người tắm truồng trước
khi lội xuống nước.
Tỉnh dậy, Iakốp Lukits ngồi hồi lâu trên
giường, thẫn thờ nhìn trước mặt bằng đôi mắt ngơ ngác sợ hãi: “Mơ rặt thấy những
chuyện thối tha thế là gở lắm đây! Thế nào cũng có chuyện chẳng lành!”. Lão bụng
bảo dạ như vậy, trong lòng nặng như đá đeo, và chỉ nghĩ đến những chuyện mình vừa
mộng mị xong, lão đã nhổ toẹt một bãi, nhổ thật, chứ không phải nhổ trong mơ nữa.
Lão mặc quần áo trong một tâm trạng u ám nhất,
đá hất con mèo đến cọ cọ vào người lão làm nũng; ngồi vào ăn sáng, chuyện chẳng
đâu vào đâu lão cũng phết cho vợ hai tiếng “đồ ngu”, còn cô con dâu dại dột nói
leo vào câu chuyện làm ăn thì bị lão giơ thìa dọa đánh, làm như ả là một đứa
con nít chứ không phải gái có chồng. Thái độ cau có của ông bố làm Xêmiôn khoái
lắm: hắn làm ra bộ mặt sợ hãi thộn nghệch, nhấm nháy mắt với vợ, và cô vợ nín
cười, người cứ rung lên bần bật. Thế là Iakốp Lukits nổi điên lên: lão quẳng
cái thìa xuống bàn, quát tháo, tức giận lạc cả giọng:
- Cười cho lắm vào, rồi có lúc ròn cười
tươi khóc.
Lão bỏ dở bữa đứng dậy cho cả nhà biết tay
lão; nhưng chẳng may hất phải bát xúp nóng đang ăn dở, đổ tung tóe ra quần. Cô
con dâu ôm mặt bỏ chạy ra ngoài. Xêmiôn vẫn ngồi nguyên chỗ, đầu gục xuống hai
cánh tay khoanh trên bàn; chỉ có tấm lưng vai u thịt bắp của hắn cứ rung lên.
Ngay cả bà vợ lão xưa nay cấm thấy cười bao giờ cũng phải bật cười. Mụ vừa cười
vừa hỏi chồng:
- Thầy nó hôm nay sao vậy? Ngủ dậy bước phải
chân trái hay lại mộng mị chuyện gì gở rồi?
- Sao mày biết, con mụ trời đánh? - Iakốp
Lukits điên tiết quát lên và nhảy bổ đi ra.
Đến cửa bếp, lão móc phải cái đinh đóng
chìa ra ở khung cửa làm cánh tay áo sơmi xatanh mới toanh rách toạc đến tận khuỷu.
Lão trở vào phòng mình, lục hòm tìm áo khác thay, nhưng lại sơ ý, để nắp hòm tựa
chênh vênh vào tường đổ sập xuống, choang vào đầu lão một cái như trời giáng.
- Bố tiên sư cha nó! Hôm nay vớ phải cái
ngày khỉ gió gì mà sao lắm chuyện! - Iakốp Lukits hậm hực thốt lên, bải hoải ngồi
phịch xuống tấm ghế đẩu, tay thận trọng sờ nắn cái bướu tướng nổi u sau gáy.
Lão lóng ngóng thay quần áo, cởi bỏ cái quần
dây đầy xúp và chiếc áo sơmi rách ra, nhưng trong lúc lật đật bối rối, mặc quần
mới vào lại quên không cài cúc. Cứ tênh hênh như thế lão đi tới gần trụ sở nông
trang, trong bụng rất thắc mắc không hiểu sao các mụ lão gặp dọc đường chào hỏi
lão lại cứ tủm tỉm đến là khó hiểu và cứ vội quay mặt đi... Bác Suka le te đi tới
đã nói toạc móng heo, giải quyết cho lão điều thắc mắc ấy. Bác dừng lại, đon đả
hỏi:
- Iakốp Lukits ạ, ông đã già đi tợn, hỉ?
- Vâng, ông thì trẻ. Trẻ đâu chả thấy, chỉ
thấy mắt đỏ như mắt cá chày, và toét nhèm...
- Ấy, thức đêm đọc sách nên mắt lão toét đấy.
Chả còn sống được mấy năm nữa, đọc tí sách nâng cao trình độ mà, nhưng được cái
lão ăn mặc vẫn tử tế; còn ông thì đã có vẻ lú lẫn, như khọm lắm rồi vậy...
- Tôi lú lẫn cái gì?
- Quên cả đóng cửa chuồng, con lợn sổng ra
mất bây giờ...
- Thằng Xêmiôn sẽ đóng chứ sao. - Iakốp
Lukits lơ đãng đáp.
- Cửa chuồng ấy của ông thì thằng Xêmiôn chả
đóng được đâu...
Giật mình chợt đoán ra; Iakốp Lukits cúi
nhìn xuống, kêu lên một tiếng, rồi thoăn thoắt mười đầu ngón tay. Để những tai
bay vạ gió trút lên đầu lão trong cái buổi sáng ẩm ương ấy được trọn vẹn, lão vừa
ào tới sân ban quản trị thì xéo ngay phải một củ khoai tây rơi lăn lóc đó, trượt
chân ngã sóng soài.
Thế này thì quá lắm! Tất cả những chuyện ấy
xảy ra chẳng phải không dưng đâu. Iakốp Lukits vốn tính mê tín đinh ninh trong
bụng rằng một tai họa tày đình gì đó đang rình lão. Mặt tái mét, môi run lập cập,
lão bước vào phòng Đavưđốp, nói:
- Báo cáo đồng chí Đavưđốp, tôi ốm, đồng
chí cho tôi nghỉ hôm nay. Cậu thủ kho sẽ thay tôi.
Đavưđốp đáp, vẻ thông cảm:
- Ồ, trông bác có vẻ mệt thật đấy. Cứ nghỉ
thôi. Bác đến cậu y sĩ bây giờ, hay là phải báo cho cậu ấy đến nhà xem cho bác?
Iakốp Lukits ngán ngẩm xua tay:
- Y sĩ cũng chẳng ăn thua gì đâu, tự tôi khắc
khỏi...
Về đến nhà, lão bắt đóng kín cửa chớp lại,
cởi quần áo, lên giường nằm, nhẫn nhục đợi cái tai hoạ đang lảng vảng quanh đâu
đó... Lão than thở trong bụng: “Cái chính quyền chó chết ấy! Ngày cũng như đêm,
nó không để cho người ta yên thân lúc nào! Đêm thì mộng mị toàn những chuyện dấm
dớ mà thời trước có nằm mơ thấy bao giờ, ngày thì hết chuyện ẩm ương nọ đến
chuyện ẩm ương kia, như cái tội cái nợ... Với chính quyền này thì mình chả sống
nổi được hết cái số Chúa ban cho mình đâu! Thế nào mình cũng chết yểu!”.
Nhưng ngày hôm ấy Iakốp Lukits đã hoài công
thấp thỏm: cái tai hoạ kia đã nấn ná lại ở chỗ nào đó và hai ngày đêm sau mới đến,
và đến từ cái phía lão ít ngờ nhất...
Trước khi đi ngủ Iakốp Lukits đã nốc cạn một
cốc vốtka cho vững dạ, qua một đêm ngủ ngon lành, chẳng mộng mị gì cả, và sáng
dậy tinh thần lên hẳn, phấn khởi nghĩ bụng: “Thoát rồi!”. Ngày hôm ấy trôi qua
đi trong những công việc bận rộn hàng ngày. Nhưng hôm sau, vào ngày chủ nhật,
lúc trước bữa ăn trưa, lão để ý thấy vợ có vẻ băn khoăn điều gì, liền hỏi:
- Này, hình như mẹ nó có điều gì bứt rứt
trong bụng hả? Hay là con bò cái ốm? Hôm qua nó đi ăn cỏ về, tôi cũng đã thấy
nó có vẻ uể oải.
Mụ vợ quay sang bảo con trai:
- Xêmiôn, anh đi ra ngoài, bu có tí việc cần
nói với thày...
Xêmiôn đang đứng soi gương chải đầu khó chịu
nói:
- Cái gì mà rặt thấy những chuyện bí mật thế
không biết? Mấy ông bạn của thày mà quỷ nào tròng lên cổ ta, ngày đêm lúc nào
cũng thấy thì thà thì thầm trong xó buồng, bây giờ lại đến thày bu... Cứ những
chuyện kín kín hở hở ấy thì chả mấy chốc không sống nổi được ở cái nhà này nữa
đâu. Chẳng phải là nhà nữa, mà là cái nhà tu kín: chỗ nào cũng độc thấy thì thà
thì thào, nhỏ to...
Iakốp Lukits lộn ruột lên:
- Mày thì biết cái gì mà chõ mõm vào đây, đồ
lợn con! Bảo mày đi ra, thì mày đi ra! Bây giờ lại sinh ra cái thói lắm mồm lắm
miệng đấy hả... Liệu mà bép xép, không rồi lại ăn cái vả vào miệng sớm!
Xêmiôn phát khùng lên, quay sang phía bố,
nói giọng trầm trầm:
- Cả thày nữa, thày cũng dọa tôi vừa vừa chứ!
Nhà ta còn có ai bé bỏng, non gan đâu. Bây giờ lại cứ người nọ dọa dẫm người
kia rồi thì chả ra gì đâu...
Hắn đi ra, đóng sầm cửa lại. Iakốp Lukits
điên tiết thốt lên:
- Bà xem con bà hay chưa! Hảo hán nhỉ, quân
chó đẻ!
Mụ vợ xưa nay không bao giờ cãi lại chồng,
dè dặt đáp:
- Biết nói thế nào với thày nó? Cũng là đến
khổ với mấy ông khách ăn hại của thày nó. Sống lúc nào cũng nơm nớp, ốm cả người!
Thày nó cẩn thận đấy, chính quyền người ta đến lục soát thì chết ráo cả! Ta bây
giờ không phải là sống nữa, mà là lo ngay ngáy, sột soạt một cái, kịch một cái
là đã hết hồn rồi! Lạy Chúa tha cho, đừng bắt ai phải sống kiểu như vậy! Nghĩ đến
thày nó, nghĩ đến thằng Xêmiôn, tôi lo cứ rối cả ruột. Mấy ông khách nhà ta mà
lộ ra, người ta sẽ bắt, và bắt cả hai cha con nữa. Còn lại hai mẹ con tôi đàn
bà con gái thì biết sẽ ra sao? Xách bị đi ăn mày chắc?
Iakốp Lukits ngắt lời mụ:
- Thôi im đi! Tôi không cần hai mẹ con bà dạy
khôn. Bà bảo có việc gì muốn nói, thì nói đi!
Lão cài chặt cả hai cửa lại, rồi ngồi xuống
sát bên vợ. Thoạt đầu lão nghe mụ nói, bề ngoài không để lộ ra cái lo trong bụng,
nhưng về cuối, lão không trấn tĩnh nổi nữa, đứng bật dậy, lồng lên trong gian bếp,
hoang mang thều thào:
- Chết ráo cả! Cụ giết con cháu! Chặt đầu
con cháu!
Hoàn hồn lại một chút, lão nốc liền một lúc
hai cốc vại nước, rồi buông mình xuống tấm ghế dài, ruột rối như mớ bòng bong.
- Bây giờ làm thế nào, hả thày nó?
Iakốp Lukits chẳng đáp. Lão không nghe thấy
câu vợ hỏi...
Qua lời vợ kể, lão được biết rằng gần đây
có bốn mụ già đến nhà, nằng nặc đòi được gặp các ngài sĩ quan. Các mụ nóng lòng
muốn biết đến bao giờ thì các ngài sĩ quan, với sự giúp đỡ của Iakốp Lukits che
giấu họ và của anh em kô-dắc khác trong ấp, sẽ nổi dậy lật đổ cái chính quyền
xôviết vô đạo kia. Vợ lão đã hoài công giải thích cho các mụ là trong nhà chả
chứa chấp ông sĩ quan nào cả. Con mụ còng nanh nọc Lôsilina nghe giải thích đã
nổi tam bành lên bảo vợ lão: “Này, nhà bác còn ít tuổi quá, không điêu nổi với
tôi đâu! Chính mồm bà mẹ chồng nhà bác bảo chúng tôi là có các ông sĩ quan sống
trong buồng xép nhà bác từ mùa đông năm ngoái mà. Chúng tôi biết các ông ấy bí
mật, không để ai biết, nhưng chúng tôi không hở ra với ai đâu. Nhà bác cứ dẫn chúng
tôi vào gặp ông chỉ huy, cái ông gọi là Alếchxanđrơ Anhiximôvits ấy!”.
... Bước vào phòng Pôlốptxép, Iakốp Lukits
run bắn cái run mà lão đã từng biết mùi. Lão tưởng Pôlốptxép nghe chuyện xong sẽ
nổi khùng lên, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, và lão run rẩy như một con chó cúi
đầu cam chịu tội. Nhưng sau khi nghe lão kể xong câu chuyện vợ nói, kể rắm rối,
không ra đầu đuôi gì vì quá xúc động, nhưng cũng kể được hết, không dấu diếm điều
gì, thì Pôlốptxép chỉ cười khẩy:
- Hoạt động bí mật như mẹ con nhà anh thì
thật là nhất, khỏi nói!... Chuyện ấy đáng lẽ phải phòng trước. Vậy là bà lão
nhà anh đã chơi khăm ta như thế đấy hả, Iakốp Lukits? Theo anh, bây giờ ta nên
làm thế nào?
- Ông nên đi khỏi đây, thưa ông Alếchxanđrơ
Anhiximôvits! - Iakốp Lukits được tiếp như vậy phấn khởi quá, đáp lại bằng giọng
dứt khoát.
- Bao giờ?
- Càng sớm càng tốt. Gấp lắm rồi.
- Chẳng cần anh nói tôi cũng thừa biết.
Nhưng đi đâu?
- Thưa, tôi biết sao được ạ. Thế cái đồng
chí... Tôi lỡ mồm, ông tha lỗi cho! Thế ngài Vátxláp Ápguxtôvits đâu rồi ạ?
- Đi rồi. Đêm mai sẽ về. Đêm mai anh ra đầu
vườn đón ông ta. Atamantsukốp nhà cũng ở rìa làng phải không? Chẳng còn bao
ngày nữa, tôi sang đấy ở tạm... Dẫn tôi đi!
Họ lén lút đi tới nhà Atamantsukốp, và trước
khi chia tay nhau, Pôlốptxép bảo Iakốp Lukits:
- Thôi, chúc anh khỏe! Về bà cụ anh, anh
nên suy nghĩ... Bà cụ có thể làm hỏng bét công việc của chúng ta... Anh nên lo
cái chuyện ấy... Nhớ đón Liachépxki, bảo ông ta biết tôi đang ở đây.
Y ôm hôn Iakốp Lukits, chạm đôi môi khô khốc
lên cái má cứng ráp lởm chởm râu ria của lão rồi bỏ đi, dường như dán mình vào
bức tường lâu không quét vôi lại của ngôi nhà, và mất hút...
Iakốp Lukits trở về nhà. Lên giường nằm, bằng
một cử chỉ thô bạo khác thường lão hích vợ dịch vào góc giường và nói:
- Này tôi bảo... từ nay đừng cho bà cụ ăn nữa...
và cũng đừng cho uống nước... đằng nào thì bà cụ chẳng chết nay cũng chết mai...
Mụ vợ Iakốp Lukits đã sống với chồng một cuộc
đời đằng đẵng và vất vả, chỉ kêu thốt lên:
- Mình! Mình là con!
Thế là Iakốp Lukits, hình như là lần đầu
tiên trong suốt thời gian vợ chồng chung sống thuận hòa, thẳng tay quai cho bà
vợ không còn trẻ trung gì nữa một quả như trời giáng, và khàn khàn nói bằng một
giọng âm thầm:
- Câm mồm! Bà cụ đổ tai đổ vạ cho cả nhà!
Câm cái mồm! Muốn đi đày đẩy hẳn?
Iakốp Lukits nặng nhọc nhổm dậy, rút ổ khóa
tướng ở cái hòm ra, rón rén đi qua hành lang, khóa trái gian buồng mẹ lại.
Mụ già nghe thấy có tiếng chân bước. Từ những
thuở nảo thuở nào mụ đã quen nhận ra tiếng chân con mình trong trăm nghìn tiếng
chân khác... Bảo làm sao mà mụ lại không nhận ra được tiếng chân con bằng tai
nghe, dù là con mụ đi mãi đằng xa? Năm mươi năm có lẻ về trước, hồi ấy mụ còn
là một thiếu phụ kô-dắc xinh đẹp, mụ chẳng đã từng ngừng tay nấu nướng vá may,
mỉm cười hân hoan lắng nghe tiếng bước lạch bạch chập chững, ngập ngừng trên
sàn buồng bên của đôi bàn chân nhỏ xíu đi đất của thằng con đầu lòng, thằng Iakốp
bé bỏng, thằng con một đẹp nhất đời của mụ, đang lẫm chẫm tập đi. Về sau mụ vẫn
từng nghe tiếng chân bé bỏng của thằng nhỏ Iakốp con mụ đi học về nhảy lộp cộp
trên bực thềm. Hồi ấy nó vui tươi và tưng tưng như một chú dê cõn. Mụ chả nhớ hồi
tuổi ấy có bao giờ nó đi bước một không, độc thấy nó chạy, mà nào có chạy như
người ta! Nó vừa chạy vừa nhảy cẫng, đúng như một chú dê cõn mà... Cuộc đời mụ
lững lờ trôi, như mọi cuộc đời khác, niềm vui thì hiếm và ngắn chẳng tày gang,
đắng cay thì nhiều và triền miên; thế rồi, là một bà mẹ tuổi đã dòng dòng, mụ
đêm đêm bực mình dỏng tai nghe tiếng bước nhẹ như lướt của thằng Iakốp, một
chàng trai nhanh nhẹn dáng người cân đối, đứa con mà mụ lấy làm hãnh diện. Khi
nó đi chơi khuya về, tưởng đâu như dép nó không chạm mặt sàn, vì bước chân của
nó sao mà thoăn thoắt, nhẹ nhàng. Thằng con mụ đã trở thành một người lớn có
gia đình vợ con lúc nào mụ cũng chẳng biết. Chân nó bước đã có cái vẻ tự tin chắc
nịch. Từ lâu trong nhà đã vang lên bước chân người chủ, một người đàn ông đã đứng
tuổi, hầu như là một ông già, thế mà đối với mụ người ấy vẫn là thằng Iakốp,
như xưa, và mụ vẫn thường nằm chiêm bao thấy nó là một thằng cu con có mái tóc
vàng...
Và bây giờ cũng vậy, nghe thấy tiếng bước
chân nó, mụ cất cái giọng bà lão khàn khàn hỏi:
- Iakốp, con đấy ư?
Thằng con mụ không trả lời. Nó đứng nán lại
một lát bên cửa rồi đi ra sân, chẳng hiểu sao lại rảo bước lên. Qua giấc chập
chờn mụ loáng thoáng nghĩ: “Sáng danh Chúa! Mình đã mang nặng đẻ đau ra một anh
kô-dắc tốt, một ông chủ biết lo công lo việc! Mọi người ngủ cả, còn nó thì đi
quanh xem xét nhà cửa”. Và nụ cười hãnh diện của người mẹ thoáng hiện trên đôi
môi khô héo nhợt nhạt của mụ...
Từ đêm hôm đó, tình hình trong nhà xấu hẳn
đi...
Mụ già kiệt sức lả đi nhưng vẫn không chịu
chết; mụ van xin cho mụ một mẩu bánh thôi, một hụm nước thôi, và Iakốp Lukits
rón rén đi qua ngoài hành lang, nghe thấy tiếng thều thào nghẹn ngào hầu như
không thành tiếng của mụ:
- Iakốp! Con của mẹ ơi! Sao thế này hả con?
Thì cũng cho mẹ tí nước chứ!
... Mọi người bán xới khỏi căn nhà rộng
mênh mông. Hai vợ chồng Xêmiôn ngày đêm ở tịt ngoài sân, ngoài vườn, còn mụ vợ
Iakốp Lukits có việc gì cần vào nhà thì lúc ra cứ khóc nức nở. Đến chiều ngày
thứ hai, khi cả nhà ngồi vào bàn ăn tối, sau một lúc im lặng kéo dài, Iakốp
Lukits nói:
- Trong lúc chờ đợi, hay là ta xuống ở tạm
dưới bếp?
Xêmiôn run bắn người lên, rời bàn đứng dậy,
loạng choạng như bị ai xô, bỏ đi ra...
... Đến ngày thứ tư thì trong nhà lặng ngắt,
không nghe thấy gì nữa. Iakốp Lukits đưa ngón tay run lẩy bẩy mở khóa, cùng với
vợ bước vào căn phòng mới đây còn là nơi mẹ lão sống. Mụ già nằm sóng soài dưới
sàn, gần bậu cửa. Và một chiếc găng tay da đã cũ bỏ quên lay lắt trên trốc lò
sưởi từ mùa đông năm ngoái có vết nhay cắn của hai hàng lợi rụng hết răng của mụ...
Còn nước thì xem có vẻ mụ đã tìm thấy trên khung cửa sổ, là những hạt mưa bụi
li ti hầu như mắt không trông thấy, tai không nghe thấy, lọt qua khe cửa chớp,
và có thể là những hạt sương của cái mùa hè mây mù này...
Các bà bạn của mụ lau rửa cái thân thể khô
đét răn reo của mụ, mặc quần áo đẹp cho mụ, khóc vài tiếng, và lúc chôn cất mụ,
không ai đã khóc lóc ai oán như Iakốp Lukits. Mất mát, đau đớn và hối hận đã nhập
cục lại thành một tảng đá đè nặng lên ruột gan lão ngày hôm ấy...
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét