Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Đất Vỡ Hoang - I-5

Đất Vỡ Hoang

Tác giả: M. Sholokhov

Dịch giả: Vũ Trấn Thủ

NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)


Tập I

Chương 5

Anđrây Radơmiốtnốp bị bắt đi lính quân dịch vào năm 1913. Theo luật lệ hồi ấy, anh phải mang theo ngựa nhà nhập ngũ. Nhưng chẳng những ngựa, mà ngay cả quân trang quy định cho một người lính kô-dắc, anh cũng chẳng lấy đâu ra tiền sắm. Bố anh chết đi để lại cho anh gia tài độc có một thanh gươm của ông nội, đút trong cái bao mòn đã mất hết nước bóng. Suốt đời, Anđrây sẽ không quên nỗi tủi nhục này!
Trong một cuộc họp dân làng, các bô lão đã quyết định xuất công quỹ trang bị cho anh đi quân dịch: các cụ sắm cho anh một con nghẽo rẻ tiền lông đỏ hoe hoe, một bộ yên, hai tấm áo capốt, hai cái quần, một đôi ủng... Các cụ bảo anh: “Chú Anđrây ạ, bà con đã xuất công quỹ sắm sửa cho chú, chúng đừng quên ơn bà con, đừng làm làng xóm xấu hổ, đi phục vụ đức Sa hoàng cho tử tế...”.
Còn bọn con cái nhà giàu kô-dắc thì vênh vang cưỡi những con ngựa quý của sở nuôi ngựa Kôrônkốp hoặc những con ngựa nòi chuốc từ Prôvaliê về, với những bộ yên đắt tiền, đai cương khảm bạc, trang phục mới toanh... Ruộng đất của Anđrây phải trao lại cho ban hương lý cai quản và đem phát canh trong suốt thời gian Anđrây đi lang thang khắp các mặt trận, bảo vệ sự giàu có của kẻ khác, bảo vệ cuộc sống no nê phè phỡn của kẻ khác. Tại mặt trận Đức, anh được gắn ba huân chương Thánh Ghêorghi. Tiền thưởng huân chương, anh gửi về cho vợ và mẹ già, bà mẹ mà tuổi già cay đắng những nước mắt đã nhờ cậy được anh hơi muộn.
Chiến tranh gần kết thúc thì vợ Anđrây, từ mùa thu đã đi đập lúa mướn dành dụm được ít tiền, ra mặt trận thăm chồng. Chị sống ở chỗ chồng chỉ có vài ngày (trung đoàn kô-dắc sông Đông số 11, là trung đoàn của Anđrây, lúc ấy đang nghỉ ngơi), ngủ gối đầu lên cánh tay chồng. Những đêm ấy đã qua đi, nhanh như chớp mưa hè. Nhưng có cần gì nhiều thời gian cho ân ái của đôi chim, cho một người đàn bà khao khát hạnh phúc? Chị trở về quê, đôi mắt long lanh, rồi đến cữ, không một tiếng kêu, không một giọt nước mắt, chị đẻ rơi ngay trên đồng cỏ một thằng cu giống Anđrây như đúc.
Năm 1918, Radơmiốtnốp trở về Grêmiatsi Lốc một thời gian ngắn. Anh ở lại quê không được bao lâu: anh sửa lại cái cày gỗ đã mục, thay mấy rui xà kho lúa, cày vỡ hai đêxiachin ruộng, rồi để cả một ngày nô với thằng cu con, đặt nó cưỡi lên cái cổ lính hôi hám như cắm thẳng xuống đôi vai của anh, chạy quanh phòng, cười như nắc nẻ; và trong khóe mắt xanh của anh thường ngày nom hơi dữ, chị vợ trông thấy rưng rưng một giọt nước mắt. Chị tái mặt đi, hỏi chồng: “Anh Anđrây, anh lại đi nữa đấy à?” - “Mai. Chuẩn bị cho ít lương ăn đường”.
Và sáng hôm sau, anh, Maka Nagunốp, Liubiskin, Tít Bôrôđin và tám chàng kô-dắc nữa ở mặt trận về, đã tập hợp trước cửa nhà Anđrây. Những con ngựa thắng yên cương, mỗi con một màu lông, đã đưa họ đi khuất dần sau chiếc cối xay gió, và trên đường cái quan một hồi lâu vẫn còn cuồn cuộn đám bụi xuân nhẹ bốc lên từ dưới vó ngựa đóng móng hè.
Ngày hôm ấy, trên bầu trời Grêmiatsi Lốc, bên trên mặt nước ngập lênh láng, bên trên những cánh đồng hoang, bên trên cái thế giới xanh ngát từ Nam chí Bắc, từng đàn ngỗng trời cánh đen lặng lẽ bay qua, không một tiếng kêu, trong không gian bao la bát ngát.
Đến Kamenxkaia, Anđrây tách ra khỏi tốp. Anh tiến về phía Môrôdốpxkaia - Txaritxưn trong một đơn vị của binh đoàn Vôrôsilốp. Còn Maka Nagunốp, Liubiskin và các anh em khác thì đi về Vôrônegiơ. Và ba tháng sau, trước thành Krivaia Mudơga, bị thương nhẹ vì một mảnh lựu đạn, nằm tại trạm cấp cứu, Anđrây tình cờ gặp một người đồng hương và được tin rằng bọn kô-dắc bạch vệ Grêmiatsi Lốc, người cùng làng với Anđrây, sau khi tiêu diệt đơn vị của Pôtchenkốp, đã giở trò dã man với vợ anh để trả thù anh về tội đi theo bên đỏ. Chuyện này cả làng đều biết, và chị Épđôkia [Tên vợ Anđrây] không chịu nổi nhục đã tự vẫn.
...Một ngày giá lạnh. Cuối tháng chạp. Ấp Grêmiatsi Lốc. Nhà cửa, kho, rào dậu, cây cối, tất cả đều phủ một lớp băng giá trắng. Phía sau ngọn đồi xa xa là cuộc giao chiến. Đại bác của tướng Guxensikốp nổ rền. Anđrây cưỡi con ngựa mép sùi bọt trắng, phi tới ấp vào lúc sẩm chiều. Và cho đến bây giờ anh vẫn nhớ như in, chỉ cần anh nhắm mắt lại là lập tức hình ảnh ấy của quá khứ lại hiện ngay ra trước mắt... Cái cổng hàng rào kêu kót két. Anđrây thở dốc, cầm dây cương kéo con ngựa đã mệt nhoài bước loạng choạng vào sân. Bà mẹ anh không kịp khoác áo, ở trong nhà chạy ra.
Chao ôi, tiếng bà cụ khóc người đã mất nghe sao não nuột, xé ruột xé gan Anđrây!
- Con ơi, cooon! Nó đã nhắm mắt xuôi tay rôôồi!...
Radơmiốtnốp cứ như đang vào nhà ai: anh buộc dây cương vào lan can hiên, và đôi chân anh như tự nó bước vào nhà. Đôi mắt sâu hoẳm của anh, như mắt người chết, sục nhìn gian nhà trống trơn, chiếc nôi trống trơn.
- Thằng bé đâu?
Bà mẹ úp mặt vào màn cửa, lắc lắc cái đầu lơ thơ mấy sợi tóc hoa râm.
Bà cố lắm mới trả lời nổi:
- Mẹ đã không giữ được cháu yêu của mẹ! Hai tuần sau khi Épđôkia..., vì bệnh yết hầu.
- Đừng khóc nữa... Con đây cơ, ước gì con khóc được lấy một tiếng! Đứa nào hãm hại nhà con?
- Thằng Anhikây Đêviátkin đã lôi vợ con vào cái kho lúa... Nó cầm roi ngựa quật mẹ... Nó réo thêm mấy đứa nữa vào kho. Hai cánh tay vợ con trắng trẻo thế mà nó cầm bao kiếm quật túi bụi. Vợ con về nhà mình mẩy tím bầm... Người trông chỉ còn độc hai con mắt...
- Nó có nhà không?
- Chạy rồi.
- Nhà nó còn ai không?
- Còn con vợ và ông lão. Anđrây! Đừng làm tội họ! Tội đứa khác chứ họ có tội tình gì...
- Mẹ!... Mẹ bảo con thế đấy à? - Anđrây tím bầm mặt, nghẹt thở. Anh giật đứt mấy cái khuy áo capốt, giằng cái cổ áo varơi và ngực áo sơmi ra.
Anh tỳ bộ ngực phanh trần gầy giơ xương sườn vào sanh nước, uống ừng ực, cắn cả vào miệng sanh. Rồi anh đứng dậy, mắt vẫn cắm xuống, miệng hỏi:
- Mẹ à, trước khi nhắm mắt, nhà con có dặn dò gì lại với con không?
Bà mẹ lần vào trong cái góc đầu nhà, rút sau tấm ảnh thánh ra một mẩu giấy đã vàng ố. Và bên tai anh vẳng lên những lời giối giăng như một giọng nói thân thương:

Anh Anđrây thân yêu của em! Bọn khốn nạn đã làm ô uế em! Chúng nó chà đạp lên em và mối tình của em với anh. Em còn mặt mũi nào nhìn anh và ánh sáng mặt trời nữa. Lương tâm em không cho phép em sống mà mang cái bệnh thối tha ấy. Anh Anđrây, bông hoa yêu quý của em ơi! Đêm nào em cũng chẳng ngủ được đâu, em cứ khóc ướt đầm cả gối. Tình của đôi ta em sẽ ghi lòng tạc dạ, và xuống dưới suối vàng em cũng sẽ vẫn ghi tạc, không quên. Em chỉ ân hận một điều: ân hận cho đứa trẻ và cho anh, tiếc cho cuộc sống và tình vợ chồng quá ngắn ngủi. Anh sẽ lấy vợ khác, em mong chị ấy sẽ vì Chúa mà thương lấy thằng bé. Và cả anh nữa, hãy thương lấy nó, mụn con côi của em. Anh bảo bu là mấy cái váy của em, và cả cái khăn quàng của em, và cả cái áo cánh của em nữa, bu đưa cho con bé út em. Nó sắp lấy chồng, đang cần...”

Anđrây phi ngựa như bay tới nhà Đêviátkin và, gươm tuốt trần, xăm xăm chạy lên thềm. Bố của Anhikây Đêviátkin, một ông lão cao lớn tóc hoa râm, trông thấy anh, vội làm dấu phép và phủ phục xuống trước mấy tấm ảnh thánh.
- Anh Anđrây Xtêpanưts! - Lão chỉ kêu như vậy, dập đầu xuống trước chân Anđrây, rồi không cạy răng nói được tiếng nào nữa và không cất được cái đầu hỏi đỏ hỏn lên khỏi mặt đất nữa.
- Mày phải đền tội cho thằng con mày!
Anđrây đưa tay trái túm lấy chòm râu đốm bạc của lão già, đạp tung cánh cửa, lôi lão xềnh xệch ra hiên.
Bà lão nằm quay lơ ra bên lò sưởi, bất tỉnh nhân sự. Nhưng cô con dâu, vợ của Anhikây, vội dồn đống lũ trẻ lại (lốc nhốc tất cả sáu đứa), rồi bù lu bù loa nhảy xổ ra hiên. Anđrây, trắng bệch như một khúc xương vứt dãi dầu nắng gió, đã hoa gươm lên, sắp sửa hạ xuống cổ ông lão thì vừa lúc đó cả một bầy trẻ lớn nhỏ các cỡ, thò lò mũi xanh, vừa gào vừa rống chạy ùa ra quấn lấy chân anh.
- Chém hết chúng nó đi! Toàn là giòng giống máu mủ thằng Anhikây cả đấy! Chém cả tao nữa! - Mụ Ápđichia, vợ Anhikây, tru tréo lên và bước sấn tới trước mặt Anđrây, phanh chiếc áo cánh hồng, chìa thây lẩy ra hai cái vú răn reo như vú chó cái đã đẻ nhiều lứa.
Trong khi đó, đàn trẻ suýt soát bằng đầu nhau vẫn lúc nhúc quẩn chân Anđrây...
Anh lùi lại, đảo mắt phóng ra một cái nhìn man rợ, tra gươm vào vỏ, chuệnh choạng bước ra chỗ con ngựa, đất phẳng lỳ mà vấp luôn mấy cái. Ông lão mếu máo, nửa mừng nửa sợ, lẽo lẽo theo anh ra tận cổng ngõ, và cứ cố ghé môi vào hôn cái bàn đạp, nhưng Anđrây nhăn mặt kinh tởm, rụt chân lại, khàn khàn nói:
- Phúc tổ mày!... Không có lũ trẻ thì...
Về nhà, ba ngày liền anh nốc rượu bí tỉ, khóc trong cơn say. Đến đêm thứ hai, anh phóng hỏa đốt cái nhà kho, nơi Épđôkia treo cổ tự vẫn. Và sang hôm thứ tư, mặt mũi húp híp, nom gớm khiếp, anh lặng lẽ từ giã mẹ, và bà mẹ ôm đầu anh vào lòng, chợt thấy lần đầu tiên mái tóc vàng hoe của con trai điểm những sợi bạc.
Hai năm sau, Anđrây từ mặt trận Ba Lan trở về Grêmiatsi. Anh vào đội trưng mua và tiếp tế lương thực, đi lang thang một năm trời khắp vùng Thượng sông Đông, rồi về nhà bắt tay làm ăn. Bà mẹ khuyên anh lấy vợ, anh chỉ lặng thinh. Nhưng rồi một hôm, bà nhất định bắt anh phải trả lời cho ra nhẽ.
- Lấy vợ đi chứ, Anđrây! Xoong chảo mẹ bê chẳng nổi nữa rồi. Con gái đứa nào cũng ưng anh. Muốn dạm hỏi đứa nào thì cứ nói cho mẹ biết.
- Con không lấy vợ. Mẹ để con yên!
- Cứ một giọng thế mãi thôi! Soi gương mà xem, đầu đã hai thứ tóc rồi đấy. Thế đến bao giờ mới định lấy vợ? Phải đợi đến lúc tóc bạc trắng hay sao? Tính làm sao cho phải, để mẹ nhờ với chứ? Mẹ cứ nghĩ rằng thế nào cũng có cháu bế. Mẹ đã để dành hai bộ lông dê để đan bít tất cho trẻ... Việc của mẹ bây giờ là tắm rửa cho chúng nó. Chứ vắt sữa bò thì mẹ chả làm nổi nữa: ngón tay lóng ngóng lắm rồi. - Rồi bà xoay sang mếu máo: - Mình đẻ ra cái của nợ chứ không phải con cái! Chỉ hết đăm đăm chiêu chiêu rồi lại thở phì phò. Sao mày câm như hến thế, hả đồ ôn vật?
Anđrây cầm lấy mũ, lẳng lặng bước ra khỏi nhà. Nhưng bà chẳng chịu: nào chuyện la cà với các bà hàng xóm, nào thì thà thì thầm, nào khuyên bảo...
Anđrây cứ trơ trơ, trước sau một mực:
- Nhà con mất rồi thì con không muốn rước ai về nhà này nữa.
Thế là cơn giận của bà mẹ trút sang người con dâu đã mất.
- Con rắn độc ấy đã bỏ bùa mê thuốc lú cho thằng con nhà tôi rồi! - Gặp bà lão nào trong ngõ, hoặc chiều chiều ngồi chơi với nhau quanh nhà, bà than thở. - Nó đã tự treo cổ nó lên, và nó sẽ làm cho thằng ấy chết theo cho mà xem. Thằng ấy nó không muốn lấy vợ nữa. Khổ thân tôi không cơ chứ! Hi... hi... bà ơi, cứ nhìn thấy con cháu người ta là tôi ràn rụa nước mắt: người ta già thì con cháu quấn quít vui vầy, còn mình thì trơ thân cụ, như con chuột chũi trong hang...
Cũng năm ấy, Anđrây đã tằng tịu với Marina, vợ góa của anh cai kỵ binh Pôiarkốp chết trận ở Nôvôtserkaxtơ. Mùa thu ấy thì mụ đã ngoài bốn mươi, nhưng thân hình đầy đặn mạnh khỏe và nước da bánh mật vẫn còn giữ được vẻ đẹp mộc mạc của thảo nguyên.
Dạo tháng Mười, Anđrây đến lợp nhà cho mụ. Chập choạng tối, mụ mời anh vào nhà, nhanh nhảu bày bàn ăn, đặt một bát xúp bắp cải trước mặt anh, ném vào lòng anh một chiếc khăn tay thêu giặt sạch sẽ, rồi ngồi xuống đối diện, tay chống lên gò má cao cao. Anđrây ngồi lặng thinh, lấm lét nhìn mái đầu kiêu hãnh của mụ nặng trĩu búi tóc đen nhánh. Tóc mụ dày, xem có vẻ cứng, chẳng khác gì cái bờm ngựa, nhưng ở chỗ vành tai xinh xinh thì lại xoắn tít lên, mềm mại như xoáy vào Anđrây.
- Ăn nữa nhá? - Mụ hỏi.
- Ừ thì ăn. - Anđrây đồng ý và đưa tay lên chùi bộ ria đốm bạc.
Anh bắt vào ăn tiếp. Marina lại ngồi xuống trước mặt anh, và nhìn anh bằng con mắt chờ đợi, như mắt một con thú rình mồi. Rồi bỗng Anđrây chợt thấy trên cái cổ đầy đặn của mụ một đường gân xanh nó cứ đập rộn lên, và không hiểu sao tự nhiên anh thấy bối rối, đặt thìa xuống.
- Sao thế? - Và hai cánh mi cong cong của mụ ngỡ ngàng chớp chớp.
- No rồi. Cám ơn. Sáng mai tôi sẽ lại sớm lợp nốt.
Marina đi vòng qua bàn. Nhoẻn một nụ cười từ từ để lộ ra hai hàm răng đều đặn, mụ ôm lấy Anđrây, áp vào người anh cặp vú đồ sộ núng nính, thều thào hỏi:
- Hay là ngủ lại đây?
- Thế cũng được. - Anđrây bối rối, chả còn biết trả lời thế nào khác.
Để trả miếng câu trả lời ngây ngô ấy, mụ cúi gập thân mình tròn lẳn xuống chào:
- Úi chao, xin đa tạ anh cả! Anh cả thật là quá tử tế với một con mụ góa đáng thương... Thế mà tôi, con đàn bà hư hỏng này tôi cứ lo ngay ngáy anh cả từ chối...
Mụ thổi tắt phụt ngọn đèn dầu, quờ quạng trải giường, cài chặt then cửa, và với một giọng khinh khỉnh thoáng một chút hậm hực, mụ nói:
- Anh chẳng ra dáng một anh kô-dắc tí nào. Hình như lão thợ thiếc ở Tambốp đã nặn ra anh thì phải.
- Thế là thế nào? - Anđrây tự ái, đã thôi không cởi giày nữa.
- Nghĩa là anh cũng chỉ như những anh chàng khác thôi chứ thế nào. Nhìn mắt anh thì tưởng anh táo tợn lắm, vậy mà ngồi cạnh đàn bà anh cấm dám ho he. Thế mà ra trận cũng được huân chương cơ đấy! - Mụ xõa tóc, đưa cặp tóc lên miệng ngậm, nên nói cứ lúng búng. - Anh có nhớ anh Misa nhà tôi không? Anh ấy nhỏ người hơn tôi. Còn anh thì vừa với tôi quá. Ấy thế mà tôi yêu anh ấy chỉ vì cái tính táo tợn. Ngoài quán rượu, đứa khỏe nhất anh ấy cũng chẳng chịu, dù có hộc máu mồm máu mũi, nhưng chưa bao giờ anh ấy thua. Và có lẽ thế mà anh ấy đã chết. - Mụ thêm một câu với vẻ tự hào: - Mà anh ấy cũng hiểu vì sao tôi yêu anh ấy...
Anđrây nhớ đến câu chuyện của anh em kô-dắc trong làng, những người cùng đơn vị với chồng Marina, đã chứng kiến cái chết của hắn ta: trong một lần đi trinh sát, hắn đã dẫn đơn vị tấn công vào một đội tuần tiễu của Hồng quân đông gấp đôi. Các chiến sĩ Hồng quân đã dùng súng máy Liuyx bắn chúng chạy tán loạn, cho ngã ngựa bốn tên kô-dắc, còn bản thân Mikhain Pôiarkốp thì bị họ cắt ra khỏi đơn vị và dồn đuổi riết. Hắn vừa phi ngựa vừa bắn chết tươi ba chiến sĩ Hồng quân đuổi theo sau, và vốn là một tay “làm xiếc ngựa” giỏi nhất trung đoàn, hắn lượn vòng vèo tránh đạn, và có lẽ đã thoát nếu con ngựa không sa chân xuống hố, làm chủ nó ngã gãy cẳng. Và thế là hết đời một tên cai kỵ binh ngổ ngáo...
Nhớ lại chuyện anh em kể về cái chết của Pôiarkốp, Anđrây mỉm cười.
Marina đã nằm lên gường; mụ thở hổn hển, nhích sát vào Anđrây.
Nửa giờ sau, tiếp tục câu chuyện bỏ dở, mụ thì thào:
- Tôi yêu Misa vì anh ấy tợn, còn yêu anh thì... chẳng vì cái gì cả, - và mụ áp vào ngực Anđrây cái tai xinh xinh nóng hổi. Trong bóng tối lờ mờ, Anđrây cảm thấy đôi mắt mụ long lanh nảy lửa và ương bướng như mắt con ngựa mới, chưa thuần.
Chưa sáng, mụ đã hỏi:
- Mai có đến lợp nốt không?
Anđrây ngạc nhiên:
- Lại còn phải hỏi nhỉ!
- Thôi, không cần...
- Sao vậy?
- Vì anh lợp vụng lắm chứ sao! Bác Suka làm thạo hơn anh nhiều, - rồi mụ cười khanh khách. - Tôi nhờ anh là có ý đấy chứ!... Không thế thì sao dụ được anh đến đây? Nhưng mà này, anh hại tôi quá. Giờ phải lợp lại từ đầu.
Hai hôm sau bác Suka đến lợp lại cái mái cứ vừa làm vừa chê ỏng chê eo trước mặt chị chủ nhà lối làm ăn không ra sao của Anđrây.
Từ bữa ấy, đêm nào Anđrây cũng mò đến nhà Marina. Và đối với anh, mối tình của mẹ nạ dòng già hơn anh đến chục tuổi ấy nó mới ngọt ngào làm sao, ngọt ngào như quả táo rừng rám đỏ dưới băng giá đầu mùa...
Chẳng bao lâu cả làng biết chuyện dan díu ấy, và mỗi người bình phẩm một phách. Bà cụ Anđrây khóc lóc, than thở với các bà láng giềng: “Xấu hổ chưa! Đi lăng nhăng với một con mụ già!”. Nhưng rồi bà cũng đấu dịu, không nói gì nữa. Nhiurka, cô hàng xóm mà thỉnh thoảng Anđrây gặp vẫn đùa ghẹo, ít lâu nay tránh mặt anh. Nhưng rồi một hôm trên con đường mòn đi đẵn củi, cô chạm trán với anh, và tái mặt đi.
- Con mụ già ấy cưỡi lên anh thật đấy à? - Cô mỉm cười hỏi, đôi môi run run, và cũng chẳng buồn giấu một giọt nước mắt long lanh sau hàng mi.
- Làm mình không thở được nữa ấy chứ! - Anđrây còn cố bông phèng.
Nhiurka chân bước đi, miệng hỏi:
- Anh không tìm được đám nào trẻ trẻ hơn ư?
- Nhưng cô xem, tôi thì cũng còn trẻ trung gì nữa. - Anđrây bỏ mũ ra, chỉ vào mái tóc hoa râm của mình.
- Thế mà tôi, cái con ngu ngốc đần độn này vẫn cứ phải lòng cái mái tóc hoa râm và cái thô bạo vụng về của anh đấy! Thôi, chào anh.
Và cô bỏ đi, tự ái ngẩng cao đầu.
Maka Nagunốp thì nói ngắn gọn:
- Mình không tán thành, Anđrây ạ! Mụ ấy sẽ biến cậu thành một anh cai bạch vệ và một kẻ tiểu tư hữu cho mà xem. Thôi, thôi, mình nói đùa đấy mà, cậu không thấy à?
Rồi một hôm bà mẹ anh bỗng tỏ ra dễ dãi:
- Thì cưới xin đi cho nó đàng hoàng. Để nó được về làm dâu chứ.
- Chả cần. - Anđrây đánh trống lảng.
Marina như trút được hai mươi tuổi. Đêm đêm mụ tiếp Anđrây, đôi mắt hơi xếch long lanh một ngọn lửa ủ, ôm ghì lấy anh với một sức lực rất đàn ông, và cho đến lúc sáng bạch, hai gò má cao cao bánh mật của mụ vẫn còn đỏ ửng như hai quả anh đào chín. Cứ như mụ trở lại thời con gái vậy. Mụ lấy những mảnh lụa vụn khâu cho Anđrây những túi đựng thuốc lá thêu hoa, chăm bẵm săn đón từng cử chỉ của anh, chiều chuộng anh, rồi đến một lúc, dậy lên trong lòng mụ với một sức mạnh ghê gớm, lòng ghen tuông và nỗi lo sợ bị mất Anđrây. Mụ đi họp chỉ là để xem xem anh có đùa với cô nào không, có nhìn cô nào không? Lúc đầu Anđrây không chịu nổi cái lối kiểm soát nảy sinh ra một cách bất ngờ ấy; anh chửi Marina, thậm chí vài lần đã đánh mụ, nhưng rồi cũng quen đi, lòng hãnh diện của anh đàn ông còn làm anh lấy thế làm khoái nữa. Marina tỏ ra hào phóng, có bao nhiều quần áo của chồng đưa cho anh tất. Và thế là Anđrây trước đây vẫn ăn mặc rách rưới, nay với quyền của kẻ thừa kế, cứ đàng hoàng diện những chiếc quần sarôva dạ của hạ sĩ quan, và những chiếc áo sơmi mà cánh tay và cổ rõ rành rành là quá ngắn và quá chật đối với anh.
Anđrây giúp đỡ ả nhân ngãi của mình trong việc nhà cửa, đồng áng, đi săn mang về cho mụ lúc thì một con thỏ rừng bắn được, lúc thì một xâu chim đa đa. Nhưng Marina không bao giờ lạm dụng quyền lực của mình và không dám bớt xén phần của bà mẹ Anđrây, mặc dù trong lòng mụ ngầm ác cảm với bà cụ.
Vả lại, bản thân mụ đảm đang việc nhà chẳng phải là kém, có thể làm bay tất không cần đàn ông. Đôi lúc Anđrây lấy làm hài lòng thấy mụ cầm chàng nạng nhấc bổng lên từng bó lúa mạch nặng hàng ba pút [1pút = 16,38kg] một, hoặc ngồi trên cái máy gặt thô sơ, hất xuống từ dưới cánh răng khế quay phành phạch những đợt thân lúa đại mạch nặng trĩu bông. Marina khéo chân khéo tay và khỏe như đàn ông. Mụ thắng ngựa vào xe cũng làm như kiểu nam giới, gò lưng tỳ vào miếng gỗ ở cổ vòng ngựa, xiết chiếc đai bụng một cái là xong.
Năm tháng trôi qua, Anđrây đối với Marina ngày càng thêm tình sâu nghĩa nặng. Hãn hữu anh cũng có nhớ đến vợ cũ, nhưng những hồi tưởng ấy không còn mang lại cho anh nỗi đau đớn day dứt như trước kia nữa. Chỉ đôi lúc, gặp thằng con nhớn của nhà Anhikây Đêviátkin (thằng bố đã trốn sang Pháp), anh có tái mặt đi: chẳng là vì hai bố con nó giống nhau như đúc.
Thế rôi, một lần nữa, nỗi uất hận của anh lại dịu dần đi trong công tác, trong cuộc vật lộn cho miếng ăn hàng ngày, trong bao nhiêu cái bận rộn khác; và tiêu tan đi nỗi đau âm thầm, nhức nhối, giống như cơn đau thỉnh thoảng anh vẫn còn bị do vết thương trên trán, cái kỷ niệm mà lưỡi gươm của tên sĩ quan Hungari đã để lại cho anh hồi nào.
*
*    *
Ở cuộc họp bần nông ra, Anđrây đi thẳng về nhà Marina. Mụ đang ngồi kéo sợi đợi anh. Trong gian phòng nhỏ, thấp lè tè, tiếng xa quay vo vo và hơi lửa lò nóng ran. Một chú dê cõn nhâng nháo, lông xoăn, gõ móng bé tí xíu xuống nền nhà đất, ý chừng muốn nhảy tót lên giường.
Radơmiốtnốp cau mày nói, giọng gắt gỏng:
- Nghỉ tay tí đã!
Marina nhấc bàn chân đi giày nhọn mũi ra khỏi cần đạp, vươn vai khoan khoái, ưỡn thẳng cái lưng bè bè như mông con ngựa cái.
- Hội nghị có gì không?
- Mai bắt đầu làm lông bọn kulắc.
- Thực à?
- Hôm nay toàn thể hội nghị bần nông đã quyết định tất cả sẽ gia nhập nông trang tập thể. - Anđrây để nguyên áo vét tông, ngả lưng xuống giường, hai tay ôm lấy con dê ấm như một cuộn len. - Mai cô cũng đưa đơn đi.
Marina ngạc nhiên:
- Đơn gì?
- Đơn xin vào nông trang.
Marina nổi khùng lên, lấy hết sức đẩy xa quay sợi về phía lò sưởi.
- Anh này rõ dở hơi! Tôi vào nông trang làm gì?
- Này, Marina, chuyện này không ý kiến ý cỏ gì cả. Cô phải vào nông trang. Nếu không người ta sẽ bảo: “Hắn rủ rê con nhà người ta vào nông trang, còn Marina của hắn thì hắn để ở ngoài”. Vậy còn ra thể thống gì nữa?
Marina đi ngang qua đầu giường, phả vào mặt Anđrây mùi mồ hôi nồng và cái hơi người ấm sực:
- Tôi không vào! Gì thì gì tôi cũng không vào!
- Nếu thế thì cô liệu đấy, đến rồi phải cô đi đường cô, tôi đi đường tôi thôi.
- Anh dọa tôi đấy phỏng?
- Ai thèm dọa, chẳng qua là cái nhẽ nó phải thế.
- Thế thì anh xéo ngay đi! Có con bò cái đem nộp cho người ta thì rồi tôi làm ăn ra sao? Rồi anh sẽ đến đây xin ăn nữa cơ mà!
- Sữa sẽ là của chung.
- Và đàn bà cũng chung chứ gì? Vì thế mà anh dọa tôi chứ gì?
- Đáng lẽ thì đây đánh đấy, nhưng đây không thèm. - Anđrây đẩy con dê xuống đất, với tay lấy cái mũ lông, quàng cái khăn len vào cổ như con rắn.
Trên đường về nhà, anh hậm hực nghĩ bụng: “Mỗi cái đồ khỉ ấy lại phải giải thích, phải nói như van như lạy. Cả đến mụ Marina cũng dãy nảy lên. Mai ra hội nghị chung sẽ thế nào đây. Ép họ quá, khéo họ quại cho chứ chẳng chơi đâu”.
Anh nằm trằn trọc hồi lâu, không chợp được mắt, hai lần nghe thấy tiếng bà cụ dậy ra xem chỗ bột nhào. Trong gian nhà kho, con gà sống quang quác gáy loạn. Anh nằm, lòng ngổn ngang nghĩ đến ngày mai, đến công cuộc cải tạo toàn bộ nền kinh tế nông nghiệp đang đặt ra trước mắt. Anh lo ngại rằng Đavưđốp, khô khan và cứng nhắc quá (anh cảm thấy anh ta như thế) có thể có những hành động thiếu thận trọng nào đó sẽ làm trung nông xa lánh nông trang. Nhưng rồi anh lại nhớ đến dáng người vạm vỡ, chắc nịch như tượng đúc, nhớ gương mặt căng thẳng tròn vành vạnh của anh ta với những nếp nhăn sâu hai bên má, và với đôi mắt thông minh hóm hỉnh, anh nhớ đến lúc, trong cuộc họp, khi Liubiskin đang phát biểu, Đavưđốp ngả người qua sau lưng Nagunốp ghé bảo anh, thở cả vào mặt anh hơi nồng dễ chịu từ cái mồm răng sứt: “Cậu du kích này hay đấy, nhưng các anh thả hoang hắn, chẳng chịu bồi dưỡng, thực tế thế! Cần đi sát giúp đỡ hắn”. Nhớ lại, anh hào hứng kết luận: “Không, chàng ấy thì không làm bậy đâu. Chính Maka cơ, cậu ấy thì đúng là phải kìm cương chặt! Cậu ấy mà bốc lên thì coi trời bằng vung. Hắn mà là con ngựa kéo xe thì thế nào cái xe cũng đi đời nhà ma... Cái gì đi đời nhỉ? À, cái xe... Sao lại chuyện cái xe vào đây nhỉ? Maka... Titốc... mai...”. Giấc ngủ lẻn đến, cắt đứt dòng suy nghĩ, Anđrây thiếp đi, và một nụ cười hé nở trên môi anh, từ từ, như giọt sương từ rãnh lá rơi xuống.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét