Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Đất Vỡ Hoang - I-35


Đất Vỡ Hoang

Tác giả: M. Sholokhov

Dịch giả: Vũ Trấn Thủ

NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)


Tập I

Chương 35

Anh về đến ấp giữa lúc người ta náo nhiệt chia thóc. Liubiskin và đội anh ta vẫn còn ngoài đồng. Quanh kho người chen lấn xô đẩy nhau. Người ta hối hả ném những bao thóc lên bàn cân, xe kéo đến không ngớt, đàn ông đàn bà chở thóc bằng thùng, bằng bao, bằng màn cửa. Thóc vương vãi đầy đất, đầy các bậc kho.
Nagunốp hiểu ngay sự tình. Anh gạt dân làng ra, len tới chỗ đặt cân.
Ivan Batansikốp, một nông trang viên đã xin ra, đứng cân và phân phát thóc, có Apôlôn Pexkôvátxkốp giúp sức. Chẳng thấy mặt Đavưđốp, chẳng thấy mặt Radơmiốtnốp hoặc một anh đội trưởng nào quanh kho cả. Chỉ thoáng hiện ra một giây lát gương mặt hoang mang của lão quản lý Iakốp Lukits, nhưng rồi lão cũng biến nốt trong đám xe ngựa chen nêm.
- Ai cho phép chia thóc? - Maka gạt Batansikốp ra, nhảy lên bàn cân, thét hỏi.
Đám đông lặng thinh.
Vẫn quát tháo như thế, Maka hỏi Batansikốp:
- Ai giao cho anh đứng cân thóc?
- Tập thể...
- Đavưđốp đâu?
- Tôi đâu biết được!
- Ban quản trị đâu? Ban quản trị cho phép anh phát thóc à?
Đêmít Miệng hến đang đứng gần chỗ đặt cân, mỉm cười đưa tay áo lên lau mồ hôi. Cái giọng ồm ồm cuả anh ta vang lên chất phác và tự tin:
- Chúng tôi tự cho phép, không cần ban quản trị. Tự chúng tôi lấy đấy!
- Tự lấy?... À ra thế! - Nagunốp nhảy hai bước lên đến thềm kho, đấm cho anh chàng đang đứng bên cửa kho một quả ngã lộn cổ xuống và đóng sầm cửa lại, tựa phắt lưng vào cửa. - Giải tán! Cấm không được lấy thóc! Kẻ nào bén mảng vào kho, tôi tuyên bố là kẻ thù của Chính quyền xôviết!
- Ái chà! - Đưmốc đang giúp cho một người bên cạnh chất thóc lên xe, chế giễu nói.
Nagunốp xuất hiện lúc này là một chuyện bất ngờ lớn cho đa số. Trước khi anh lên huyện, người ta đã đồn đại mãi là anh sẽ bị đưa ra toà vì tội đánh đập Banhích, sẽ bị cách chức và cầm chắc sẽ bị bỏ tù. Mới sáng nay thôi, nghe phong phanh Maka lên huyện, Banhích đã tuyên bố:
- Thằng Nagunốp không trở về nữa đâu! Ông công tố ủy viên đã bảo với chính tôi đây là hắn sẽ bị nghiêm trị! Thằng Maka còn gãi đầu gãi tai! Hắn sẽ bị tống cổ ra khỏi Đảng, cho hắn chừa cái thói đánh đập bà con nông dân. Bây giờ đâu có phải như ngày xưa!
Bởi thế cho nên sự xuất hiện của Maka bên bàn cân mới gây nên một không khí im lặng hoang mang và phân vân như vậy. Nhưng khi anh rời bàn cân nhảy lên thềm kho và đứng tựa lưng vào cửa thì thái độ của đa số lập tức được xác định.
Tiếp lời Đưmốc, tiếng la ó nổi lên ào ào:
- Bây giờ chính quyền là của chúng tao!
- Chính quyền nhân dân!
- Bưng nó đi, anh em ơi!
- Ở đâu ra thì cút về đấy đi!
- Cứ như-ư-ư quan lớn!
Đưmốc là người đầu tiên tiến về phía kho, hiên ngang đưa đảo đôi vai, vừa đi vừa mỉm cười ngó lại. Vài chàng kô-dắc nữa ngập ngừng tiến lên theo hắn. Một người trong đám ấy vừa đi vừa cúi xuống nhặt một hòn đá.
Nagunốp thong thả rút trong túi quần ra một khẩu súng lục, lẩy cò lên. Đưmốc dừng lại, trù trừ do dự. Đám đi sau cũng dừng lại. Anh chàng đã nhặt hòn đá tướng, vần vần hòn đá trong tay, rồi quẳng đi. Ai cũng biết rằng Nagunốp mà đã bật cò súng lên thì khi cần anh sẽ chẳng ngần ngại gì mà không cho nó mổ xuống. Và Maka cũng chứng minh ngay điều đó:
- Tao sẽ giết đủ bảy thằng khốn kiếp rồi chúng mày mới vào được kho. Nào, đứa nào muốn chết trước? Vào đây!
Chẳng ai thích chết trước cả. Một phút hoang mang chung. Đưmốc đang nghĩ kế, chưa quyết sấn tới kho. Nagunốp hạ mũi súng xuống, quát:
- Giải tán!... Giải tán ngay, không tao bắn!...
Anh chưa nói hết câu thì một cái chốt sắt ở đâu lao qua đầu anh choang rầm một cái vào cánh cửa. Êphim Tơrubasép, bạn thân của Đưmốc, đã ném cái chốt ấy. Hắn nhằm vào đầu Maka, nhưng khi thấy đã trượt, vội ngồi thụp xuống nấp sau một chiếc xe. Nagunốp hạ quyết tâm ngay như trong chiến đấu: anh tránh một hòn đá từ dưới đám đông ném lên, bắn chỉ thiên một phát rồi lao luôn từ trên thềm xuống. Đám đông chịu thua: những người đứng phía trên xô đẩy nhau bỏ chạy, càng xe bò xe ngựa kêu răng rắc, một mụ bị bọn đàn ông xô ngã, tru tréo gào lên.
Banhích ở đâu hiện ra, lên tiếng động viên, giữ những người đang đang chạy dừng lại:
- Đừng chạy! Nó chỉ còn sáu viên thôi!
Maka lại quay trở lại kho, nhưng anh không đứng khuất trên thềm nữa, mà đứng bên tường theo góc độ có thể đưa mắt kiểm soát được cả dãy kho.
- Đứng lại! - Thấy Đưmốc, Tơrunatsép và mấy người nữa lại đến chỗ đặt cân, anh quát. - Đứng lại, bọn kia! Không tao bắn chết!
Từ đám đông đã lùi ra cách kho khoảng trăm bước, Ivan Batansikốp, Atamantsukốp và ba người nữa là những người đã ra nông trang, bước ra. Họ quyết định dùng mưu. Họ tiến lên khoảng ba chục bước, Batansikốp giơ tay ra hiệu:
- Đồng chí Nagunốp! Khoan đã nhá, đừng giơ súng.
- Chúng mày muốn gì! Tao bảo giải tán!...
- Vâng thì giải tán, nhưng đồng chí nóng nảy thế là sai rồi... chúng tôi được phép lấy thóc mà...
- Ai cho phép?
- Có một anh nào trên khu về... Trên ủy ban ấy mà, chính anh ấy cho phép chúng tôi...
- Anh ta đâu? Đavưđốp đâu? Radơmiốtnốp đâu?
- Đang họp cả ở trụ sở.
- Mày nói láo, đồ khốn!... Tao bảo mày lùi xa cái cân ra! Thế nào?... - Nagunốp gập cánh tay trái lại làm bệ, tỳ nòng súng lâu ngày đã bạc ánh thép.
Batansikốp nói tiếp, không chút sợ hãi:
- Không tin, đồng chí cứ đến trụ sở mà xem, hoặc nếu không, chúng tôi mời họ đến ngay bây giờ. Bỏ cái lối giơ súng dọa đi, đồng chí Nagunốp ạ, không thì lôi thôi đấy. Đồng chí chống lại ai? Chống lại nhân dân! Chống lại toàn ấp!
- Đứng lại! Không được tiến lên nữa! Tao không đồng chí đồng chóe với mày! Mày ăn cướp thóc của nhà nước thì mày là một thằng phản cách mạng!... Tao không cho phép chúng mày chà đạp lên chính quyền xôviết.
Batansikốp định nói gì nữa thì vừa lúc ấy Đavưđốp từ sau một góc hiên nhà kho hiện ra. Anh đi loạng choạng, bước thấp bước cao, mặt mũi mình mẩy thâm tím, xây xát máu me, húp híp, rũ rượi nom rợn người. Nagunốp nhìn anh rồi nhảy bổ vào Batansikốp, quát lên bằng một giọng khàn khàn: “Á-á-à-à, đồ sâu bọ! Mày đánh lừa ông hả?... Hành hung người chúng ông hả?!”.
Batansikốp và Atamantsukốp bỏ chạy. Nagunốp bắn đuổi theo hai phát, nhưng không trúng. Đưmốc đứng một góc nhổ lấy cái cọc rào, số còn lại vẫn đứng nguyên, hằm hè phản đối.
Maka nhảy xổ vào đám đông, rít lên, răng nghiến chặt:
- Tao không cho phép... chà đạp... lên... chính quyền xôviết!
- Đánh bỏ mẹ nó đi!
- Bây giờ mà có một khẩu súng nho nhỏ nhỉ! - Iakốp Lukits đứng phía cuối rên lên, hai bàn tay chắp lại, trong bụng nguyền rủa Pôlốptxép đã biến đi đâu mất không đúng lúc như vậy.
- Anh em kôdắc đâu!... Tóm cổ thằng anh hùng rơm ấy lại, cho nó một mẻ!... - Vang lên giọng nói giận dữ, hung hăng của Marina Pôiarkôva. Mụ đẩy mấy anh chàng kôdắc về phía Nagunốp đang lao tới, và túm lấy tay Đêmít Miệng hến, hằn học hỏi: - Kôdắc gì mà thế này? Sợ à?
Và bỗng đám đông tan ra, chạy tóe, xô về phía Nagunốp.
- Công an!!! - Naxchia Đônétxkôva thét lên một tiếng kinh hoàng.
Khoảng ba chục người cưỡi ngựa, dàn theo đội hình tấn công, từ trên đồi phi như bay về làng. Bụi xuân cuốn bốc lên dưới vó ngựa như những đám khói nhẹ chơi vơi.
Năm phút sau trên sân kho vắng tanh vắng ngắt, chỉ còn lại có Đavưđốp và Maka. Tiếng vó ngựa lộp cộp nghe mỗi lúc một gần. Trên con đường đầu làng đã xuất hiện đoàn người ngựa. Paven Liubiskin cưỡi con ngựa tịch thu của Lápsinốp, dẫn đầu. Bên phải anh là anh chàng Agaphôn Đúpxốp mặt rỗ, tay cầm chầy, điệu bộ kiên quyết nom ghê người, và lộn xộn đằng sau là anh em đội sản xuất số hai và số ba cưỡi ngựa đủ các màu lông.
Về chiều có một cán bộ công an trên huyện xuống theo đề nghị của Đavưđốp. Anh ta ra đồng bắt giữ Ivan Batansikốp, Apôlôn Pexkôvátxkốp, Êphim Tơrubatsép và vài “cốt cán” nữa trong đám những người đã xin ra nông trang. Mụ mẹ đẻ ra Igơnachênốc thì bị bắt tại nhà. Tất cả bị giải lên huyện, có nhân chứng đi cùng. Đưmốc tự mình đến trụ sở xôviết trình diện:
- Con chim xanh đây hả? - Radơmiốtnốp đắc chí hỏi.
Đưmốc nhìn anh với một vẻ giễu cợt, đáp:
- Tôi đây. Chả cần ăn gian làm gì, một khi mình thừa điểm...
Radơmiốtnốp cau mày lại:
- Thừa điểm là thế nào?
- Đánh bài thì phải tính điểm chứ thế nào nữa? Quá hai mươi mốt điểm là thừa! Tôi phải đi đâu bây giờ đây?
- Đi lên huyện.
- Thế ông công an đâu?
- Anh ấy đến bây giờ, gì mà đã nóng ruột thế? Tòa án nhân dân sẽ dạy cho chú biết thế nào là tội đánh chủ tịch! Dù thiếu điểm thì tòa án nhân dân cũng xử mày thôi!...
- Tất nhiên rồi! - Đưmốc đồng ý ngay, không ý kiến ý cỏ gì cả, rồi ngáp dài một cái, đề nghị: - Tôi buồn ngủ lắm, anh Radơmiốtnốp ạ. Hay là anh đút tôi vào cái kho nào, giam lại, trong khi chờ đợi ông công an, tôi làm một giấc. Đề nghị anh giam lại hẳn hoi, kẻo ngủ mê tôi lại trốn mất đấy.
Hôm sau tiến hành việc thu hồi số thóc bị lấy cướp. Maka Nagunốp đi một vòng các nhà hôm qua đã lấy thóc. Chẳng chào hỏi, mắt quay nhìn đi, anh hỏi cộc lốc:
- Có lấy thóc không?
- Có.
- Có định mang trả không?
- Phải trả chứ...
- Thế thì mang đi! - Rồi chẳng chào ai, anh bước đi ra.
Nhiều người thoát ly nông trang đã lấy thóc quá số họ góp. Thóc đã được phân phát theo lối hỏi mồm: anh chàng Batansikốp sốt ruột cứ hỏi: “Góp bao nhiêu?” - “Bảy mươi pút”. - “Mang bao ra cân đi!”.
Thực tế là người này khi góp thóc đã đổ vào kho thiếu mười bốn pút mới đủ bảy mươi. Ngoài ra, đám đàn bà con gái còn dùng màn cửa, thúng mủng vác đi khoảng trăm pút nữa, chẳng cân đong gì cả.
Đến chiều thì lúa mạch đã thu hồi đủ, chênh lệch vài pút. Chỉ thiếu khoảng hai mươi pút tiểu mạch và vài bao ngô. Ngay chiều hôm ấy thóc giống của nông dân cá thể được hoàn lại hết cho họ.
Trời tối mịt thì cuộc họp toàn thể dân ấp bắt đầu. Đứng trước số nhân dân kéo đến trường học đông chưa từng thấy, Đavưđốp phát biểu:
- Thưa đồng bào, hành động hôm qua đây của những nông trang viên đã xin ra và một bộ phận nông dân cá thể có ý nghĩa thế nào? Có nghĩa là họ đã nhảy sang phía các phần tử kulắc! Họ đã nhảy sang phía kẻ thù của chúng ta, đây là một thực tế. Và thật là một hành động nhục nhã cho những đồng bào nào hôm qua đã cướp kho thóc, giày đạp hạt thóc quý xuống dưới đất, đùm vào màn cửa tẩu tán về nhà. Có những đồng bào đã la ó vô ý thức, xúi các bà các chị đánh đập tôi, và các bà ấy đã vớ được cái gì đánh bằng cái ấy. Thậm chí có một nữ đồng bào lại còn phát khóc lên vì tôi đã không tỏ ra nao núng. Tôi nói cô đấy, nữ đồng bào bé nhỏ ạ! - Và Đavưđốp chỉ cô Naxchia Đônétxkôva đứng bên tường và từ lúc Đavưđốp vừa mới phát biểu đã vội kéo khăn vuông che mặt. - Chính là cô đã thụi vào lưng tôi thùm thụp, rồi lại còn khóc vì tức quá, và bảo: “Mình đấm nó, nhưng cái thằng mặt sứa này, nó cứ trơ như đá!”.
Khuôn mặt che tùm hụp tấm khăn vuông của Naxchia đỏ dừ vì quá xấu hổ. Cả hội nghị nhìn đổ dồn vào cô, còn cô ả thì cứ cúi gằm mặt xuống, bối rối ngượng ngùng, chỉ lắc lư đôi vai, cọ cọ lưng vào mặt tường trắng.
Đemka Usakốp tức không chịu nổi:
- Nom kìa, uốn éo như con rắn độc bị xỉa cây đinh ba ấy.
Anh chàng Agaphôn Đúpxốp mặt rỗ đế thêm:
- Khéo lưng lại lau sạch mất vôi tường của người ta đấy!
Liubiskin gầm lên:
- Thôi đừng vặn vẹo nữa, đồ mắt ếch kia! Có gan đánh thì ra hội nghị phải có gan nhìn thẳng vào mắt người ta!
Đavưđốp không buông tha, nói tiếp, nhưng trên đôi môi rách toạc của anh đã thoáng một nụ cười khi anh nói:
- ...cô ấy muốn tôi phải quỳ gối, lạy lục van xin, nộp chìa khóa kho thóc cho cô ấy! Nhưng thưa đồng bào, những người bônsêvích chúng tôi đâu phải là loại người để người ta muốn bắt sao phải vậy! Hồi nội chiến, bọn Iunke [Học sinh trường sĩ quan ở nước Nga Sa hoàng. - ND] đã đánh tôi, nhưng nào có moi được ở tôi lời nào! Những người bônsêvích không quỳ gối trước ai, và không bao giờ quỳ gối cả, thực tế thế!
- Đúng! - Giọng run run xúc động của Maka Nagunốp vang lên, khàn khàn và phát ra từ đáy tim gan.
- ...thưa đồng bào, chúng tôi đây mới là những người xưa nay quen bắt kẻ thù của giai cấp vô sản phải quỳ gối. và chúng tôi sẽ tiếp tục bắt.
- Và bắt trên phạm vi toàn thế giới! - Nagunốp lại chêm vào.
- Đúng. Chúng tôi sẽ làm việc ấy trên phạm vi toàn thế giới, thế mà hôm qua, đồng bào đã nhảy sang phía kẻ thù ấy, giúp sức cho chúng. Thưa đồng bào, đồng bào đã phá cửa kho, đã đánh tôi thừa sống thiếu chết, còn Radơmiốtnốp thì lúc đầu đồng bào trói, giam xuống hầm, rồi sau đó điệu đến trụ sở xôviết và dọc đường lại muốn khoác vào cổ anh ta cây thánh giá, thế thì hành vi ấy nên coi là thế nào? Có đích thị là một hành vi phản cách mạng! Bà cụ anh nông trang viên Mikhain Igơnachênốc bây giờ bị bắt rồi, nhưng lúc điệu anh Radơmiốtnốp đi, đã mồm loa mép giải: “Thằng phản Chúa! Thằng quỷ Xatăng!...”, và có các bà khác về hùa, định khoác lên cổ anh ta chiếc dây đeo thánh giá. Nhưng đồng chí Radơmiốtnốp của chúng tôi, đúng như một người cộng sản phải xử sự, không để cho phép ai nhục mạ mình như thế được! Anh ấy đã nói với các bà trẻ bà già tệ hại đã bị bọn thày tu làm cho u mê kia rằng: “Đồng bào ạ, tôi không đi đạo, tôi là người cộng sản! Các bà mang thánh giá ra chỗ khác”. Nhưng các bà ấy cứ nhâu nhâu vào, và chỉ đến lúc anh ấy cắn đứt sợi dây thánh giá, rồi lấy đầu húc, lấy chân đá vung lên đẩy lùi các bà ấy ra, thì các bà ấy mới chịu để cho anh ấy yên. Thưa đồng bào, thế là thế nào? Thế là đích thị phản cách mạng! Và tòa án nhân dân sẽ nghiêm trị những kẻ láo xược như bà cụ anh Mikhain Igơnachênốc ta đây.
Mikhain Igơnachênốc ngồi trên những hàng ghế đầu nói tướng lên:
- Tôi không chịu trách nhiệm về bà cụ tôi! Bà cụ tôi cũng có quyền công dân, bà ấy tự chịu trách nhiệm lấy!
- Tôi không nói anh đâu. Tôi nói những kẻ vẫn ngoạc mồm phản đối việc đóng cửa nhà thờ. Họ không bằng lòng khi người ta đóng cửa nhà thờ, nhưng cái việc họ dùng vũ lực tròng thánh giá vào cổ một người cộng sản thì họ cho là được! Và thế là họ đã tự vạch trần cái giả nhân giả nghĩa của họ! Những kẻ đầu sỏ gây ra vụ rối loạn và những ai tích cực tham gia đã bị bắt, còn những người khác đã cắn phải câu của bọn kulắc thì phải tỉnh ngộ lại và phải hiểu rằng mình đã lầm đường lạc lối. Tôi nói nghiêm chỉnh đấy... Một đồng bào nào không rõ đã ném lên chủ tịch đoàn hội nghị một mẩu giấy, hỏi: “Có phải tất cả những ai đã lấy thóc đều sẽ bị bắt, bị tịch thu gia sản và đưa đi đày không?”. Thưa đồng bào, không phải thế đâu! Những người bônsêvích không trả thù, có thẳng tay trừng trị là trừng trị kẻ thù thôi; còn đồng bào, mặc dù đồng bào đã nghe lời bọn kulắc xúi giục mà xin ra nông trang, mặc dầu đồng bào đã cướp kho và hành hung chúng tôi, chúng tôi vẫn không coi đồng bào là kẻ thù. Đồng bào là những trung nông ngả nghiêng, một lúc nào đó lầm lạc, cho nên chúng tôi không áp dụng biện pháp hành chính với đồng bào, mà sẽ mở mắt cho đồng bào thấy rõ hay, dở.
Tiếng người nói rì rầm lan đi khắp trường học. Đavưđốp nói tiếp:
- Còn cô, cô em ạ, cô đừng sợ, đừng che mặt nữa, không ai làm gì cô đâu, mặc dù hôm qua cô đã nện tôi một trận nên thân. Nhưng mai đây ta ra đồng mà cô làm phất phơ, tôi sẽ đét cho cô một cái trời giáng, báo cho cô biết thế! Chỉ có điều là tôi không đét vào lưng đâu, mà thấp hơn kia, để cho cô không ngồi, không nằm được, quỷ tha ma bắt cô đi!
Một tiếng cười khúc khích rụt rè cất lên, và khi lan tới những hàng cuối thì biến thành tiếng cười phá rạp, cười thoải mái.
- ...thưa đồng bào, công việc chúng ta lề mề chậm trễ quá rồi! Đất cày để lâu quá, thời vụ trôi qua, bây giờ phải làm việc chứ không phải bày ra những trò vớ vẩn, thực tế thế! Gieo xong đi đã, rồi tha hồ đấu đá, cắn xé nhau... Tôi đặt thẳng vấn đề thế này: ai tán thành Chính quyền xôviết thì mai ra đồng, ai chống lại thì cứ ở nhà mà cắn hạt quỳ. Nhưng mai ai không gieo thì nông trang chúng tôi sẽ lấy đất chúng tôi gieo.
Đavưđốp rời góc sân khấu, trở lại ngồi vào bàn chủ tịch nhưng khi anh giơ tay với lấy bình nước thì từ phía cuối phòng, trong bóng tối lờ mờ ánh sáng đỏ quạch của cây đèn dầu hỏa, có giọng trầm ấm áp và vui vẻ của ai cảm động cất lên:
- Anh Đavưđốp, đút miếng gan xào vào miệng anh. Hoan hô anh Đavưđốp!... Hoan hô đã không để bụng thù... đã không chấp... Dân làng cứ lo ngay ngáy... mắt không dám nhìn đâu, trong bụng cắn rứt... Và các bà cũng bối rối... Mà dù sao ta cũng phải chung sống với nhau... Anh Đavưđốp ạ, tôi đề nghị thế này nhá: ta xúy xóa, đứa nào còn nhắc đến chuyện cũ đứa ấy chết cả nhà nó! Đồng ý không?

*
*    *

Sáng hôm sau năm mươi người đã ra, lại xin trở lại nông trang. Bà con cá thể và tất cả ba đội sản xuất của nông trang Grêmiatsi tờ mờ sáng đã ra đồng làm.
Liubiskin đề nghị để lại một tổ canh gác kho, nhưng Đavưđốp cười:
- Theo mình thì bây giờ không cần nữa.
Trong bốn ngày nông trang đã gieo xong gần một nửa diện tích đất cày thu. Ngày mồng Hai tháng Tư đội sản xuất số ba đã chuyển sang làm đất cày xuân. Trong suốt thời gian ấy, Đavưđốp chỉ đến trụ sở có mỗi một lần. Anh đưa ra đồng tất cả những ai có khả năng lao động, thậm chí cả đến bác Suka anh cũng tạm thời rút khỏi công vụ xà ích, đưa xuống đội hai. Còn anh thì tờ mờ sáng đã ra đi, xuống chỗ các đội làm, và chỉ trở về làng lúc đã quá nửa đêm, khi gà bắt đầu gáy sáng.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét