Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Đất Vỡ Hoang - I-30

Đất Vỡ Hoang

Tác giả: M. Sholokhov

Dịch giả: Vũ Trấn Thủ

NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)


Tập I

Chương 30

Trong một tuần, ở Grêmiatsi Lốc có gần một trăm hộ xin rút ra khỏi nông trang. Phong trào xin ra đặc biệt mạnh ở đội hai, ở đấy chỉ còn lại vẻn vẹn hai mươi chín hộ, chưa kể trong số đó có vài người, theo cách nói của đội trưởng Liubiskin, “đang tấp tểnh chuồn”.
Làng xóm rung chuyển. Mỗi ngày lại mang tới cho Đavưđốp thêm những chuyện đau đầu. Đáp lại lời thỉnh thị lần thứ hai của anh hỏi nên trả ngay cho người xin ra súc vật kéo và nông cụ của họ, hay nên đợi gieo xong, nông hội huyện và huyện ủy trả lời bằng những mệnh lệnh đao to búa lớn mà nội dung tóm lại là chi bộ Grêmiatsi phải dốc hết sức bằng mọi giá giữ cho nông trang khỏi tan, nông trang viên khỏi xin ra, càng được nhiều bao nhiêu càng tốt, và tất cả mọi sự thanh toán với những người ra, kể cả việc trả lại tài sản, phải hoãn lại đến mùa thu.
Sau đó ít bữa, Bêglức, trưởng ban nông nghiệp huyện, ủy viên thường vụ huyện ủy, về thăm Grêmiatsi Lốc. Anh ta tìm hiểu tình hình qua loa (trong ngày hôm ấy, anh ta còn phải đi vài xôviết ấp khác nữa), rồi chỉ thị:
- Bây giờ súc vật và nông cụ của người ra, kiên quyết không trả. Đợi đến sang thu hãy hay.
- Thế thì họ sẽ túm lấy cổ mình! - Đavưđốp cố cãi lại.
Bêglức vốn là người kiên quyết và cứng rắn, chỉ mỉm cười:
- Thì cậu cứ việc túm lại. Xét cho cùng, dĩ nhiên ta sẽ phải trả họ, nhưng khu ủy có chỉ thị như thế này: chỉ trả lại trong những trường hợp đặc biệt và phải nắm vững lập trường giai cấp.
- Nghĩa là thế nào?
- Điều ấy thì anh phải hiểu lấy, không có “nghĩa là thế nào” gì cả! Trả lại cho bần nông, còn trung nông thì hứa với họ cho đến sang thu. Rõ chưa?
- Thế có thể lại xảy ra như chuyện trăm phần trăm tập thể hóa không, đồng chí Bêglức! Vì huyện ủy có chỉ thị như thế này: “Đạt cho bằng được trăm phần trăm, và càng sớm càng tốt”. Kết quả là choáng váng. Không trả lại súc vật cho trung nông, thế có nghĩa là ta dồn ép họ không nhỉ? Họ lấy gì mà cày, mà gieo?
- Cậu không phải lo cho bò trắng răng. Cậu phải lo cho nông trang của cậu, chứ việc gì lo cho người cá thể. Nếu cậu trả súc vật, cậu sẽ lấy gì mà làm? Với lại, đó không phải là chủ trương của chúng mình, mà là chỉ thị của khu ủy và chúng ta là những chiến sĩ cách mạng, có nhiệm vụ tuyệt đối phục tùng. Thử hỏi, cậu định làm thế nào để hoàn thành kế hoạch nếu như năm mươi phần trăm số súc vật của cậu trở về tay cá thể? Không bàn cãi và ý kiến ý cỏ gì cả! Đem cả tay và cả răng ra mà giữ lấy súc vật. Cậu không hoàn thành kế hoạch gieo, chúng tôi sẽ vặn cổ cậu!
Ngồi vào xe rồi, anh còn buông ra:
- Nói chung là ga-a-ay! Làm quá trớn thì có khi phải giơ đầu ra chịu báng đấy, cậu ạ, phải hy sinh một anh nào để làm gương... Thường là như thế. Anh em trên huyện cáu Nagunốp lắm đấy. Hắn đã giở những trò gì thế không biết? Xamôkhin bảo mình là hắn đã nện một anh trung nông nào, bắt bớ, rút súng lục dọa. Có cả một hồ sơ về hắn. Đu-u-úng, Nagunốp là một tay “tả” ác. Chỉ thị trên bây giờ như thế nào, cậu biết không? Kỷ luật, tới mức khai trừ khỏi Đảng! Thôi, chào cậu. Súc vật thì phải giữ lấy đấy!
Bêglức phóng đi Vôxkôvôi. Gió chưa kịp thổi se vết bánh xe anh ta thì Agaphôn Đúpxốp, đội trưởng đội ba, hớt hơ hớt hải chạy đến:
- Đồng chí Đavưđốp ơi! Bò ngựa đội tôi, họ lấy ráo rồi, cái bọn ấy, bọn xin ra ấy! Họ xông vào lấy bừa đi!
Đavưđốp máu bốc lên mặt, quát:
- Họ lấy thế nào?
- Lấy tự nhiên như không! Họ nhốt người trông bò vào nhà cỏ khóa trái lại, tháo bò lùa ra thảo nguyên. Mười tám đôi bò đực và bảy đầu ngựa. Làm thế nào bây giờ?
- Thế cậu? Lúc ấy cậu ở đâu, đồ ăn hại? Sao lại để họ lấy? Quỷ tha ma bắt cậu đi đâu? Chà!
Khuôn mặt rỗ nhằng của Agaphôn lang bệch ra từng đám. Anh cũng to tiếng lại:
- Tôi đâu có nhiệm vụ phải ngủ ở chuồng ngựa hay chuồng bò! Việc gì anh quát tháo tôi! Anh đã giỏi thế thì đi mà dắt bò về xem nào! Khéo không lại được một gậy gãy xương sống đấy!
Mãi gần tối họ mới lấy lại được đàn bò mà những người chủ bò đã lùa ra đồng cỏ thảo nguyên với hộ tống mạnh. Liubiskin, Agaphôn Đúpxốp cùng với sáu nông trang viên của đội ba đã lên ngựa, phóng ra thảo nguyên tìm. Trông thấy đàn bò đang gặm cỏ ở sườn khe bên kia, Liubiskin chia toán mấy người của mình ra làm hai:
- Agaphôn, cậu lấy ba người, phi nước kiệu qua khe, quặp sườn bên phải, còn tôi sẽ quặp sườn trái. - Liubiskin vuốt bộ ria mép đen nhánh, ra lệnh: - Thả cương! Nước kiệu, theo tôi! Tiến lên!
Xong được việc không phải là không có ẩu đả: Dakha Liubiskin, anh em con chú con bác với Liubiskin, đang canh bò cùng với ba người thoát ly khác, đã nhanh nhẹn túm được cẳng Mikhain Igơnachênốc đang lao về chỗ đàn bò, lôi anh ta từ trên lưng ngựa lăn xuống đất, và trong chớp mắt đánh anh ta một trận nhừ tử, mình mẩy thâm tím, chiếc áo sơmi rách sả vai. Trong khi Paven Liubiskin, vẫn ngồi trên lưng ngựa, cầm roi gân bò to tướng và dài quất túi bụi đứa em họ của mình, thì các anh em khác đã đánh đám người canh bò chạy ra, lấy lại đàn bò, lùa về làng.
Đavưđốp ra lệnh đêm phải khóa chặt các chuồng bò ngựa, và đặt người canh gác.
Nhưng dù cho đề phòng, canh gác thế nào, trong hai ngày sau, đám thoát ly cũng vẫn lùa đi được bảy đôi bò đực và ba con ngựa. Họ lùa ra thảo nguyên, đến những khu đồng cỏ xa hơn, và sợ rằng người lớn vắng mặt thì sẽ bị chú ý, họ cho trẻ con đi theo bò chăm nom.
Từ sáng đến tối, trụ sở nông trang và trụ sở xôviết đầy những người. Đã sờ sờ trước mắt, với tất cả tầm nghiêm trọng của nó, nguy cơ những người ra nông trang chiếm lại ruộng đất của nông trang. Họ vây lấy Đavưđốp:
- Các anh chia ngay ruộng đất cho chúng tôi, không thì chúng tôi cứ cày vào những khoảnh cũ của chúng tôi đấy!
Đavưđốp đả thông:
- Các bạn cá thể đừng lo, chúng tôi sẽ chia ruộng cho các bạn. Mai bắt đầu chia. Các bạn cứ gặp Ôxtơrốpnốp, ông ta phụ trách việc này. Tôi nói thật đấy.
- Các anh định chia cho chúng tôi ruộng chỗ nào? Đất ra ssao?
- Chỗ nào còn thì chia.
- Còn thì chắc lại khoảnh ruộng cuối đồng chứ gì?
- Này, đồng chí Đavưđốp, đồng chí đừng giở lối khôn vặt! Bao nhiêu ruộng gần thì dành cho nông trang tất, nghĩa là chúng tôi thì toàn những chân ruộng xa phải không? Súc vật các anh không trả, có lẽ chúng tôi đến phải đem vai mình, đem bò cái ra kéo cày, thế mà lại còn đẩy cho chúng tôi những chân ruộng xa lắc xa lơ ư? Chà, chính quyền công minh gớm nhỉ!
Đavưđốp thuyết phục, giảng giải cho họ nghe rằng anh không thể chia ruộng theo ý muốn từng người, vì không thể cắt nát ruộng nông trang ra được, xáo lộn việc quy hoạch đồng ruộng tiến hành trong mùa thu qua. Những người ra nông trang làm om sòm một lúc rồi bỏ ra về, và vài phút sau lại một đám khác tới, vừa đặt chân đến cửa đã ầm ĩ:
- Trả ruộng cho chúng tôi! Lối đâu thế này? Các anh có quyền gì giữ lại ruộng của chúng tôi? Các anh không để cho chúng tôi gieo chắc? Vậy đồng chí Xtalin đã viết như thế nào? Chúng tôi cũng có thể viết thư lên đồng chí ấy lắm chứ, chúng tôi sẽ báo cáo là không những các anh không trả chúng tôi súc vật, mà cả ruộng đất nữa cũng thế, các anh tước hết mọi quyền sinh sống của chúng tôi. Đồng chí ấy sẽ không khen các anh về cái lối làm ăn như vậy đâu!
- Iakốp Lukits, sáng mai bác đem cánh ruộng bên kia Đầm Tôm chia cho bà con.
Đám người xin ra nhao nhao lên;
- Đất hoang à?
- Ruộng hóa, chứ hoang đâu mà hoang? Xưa kia có cày cấy, rồi bỏ hóa, từ mười lăm năm nay. - Iakốp Lukits giải thích.
Thế là lập tức tiếng la ó nổi lên loạn xạ:
- Thèm vào cái đất rắn như đá ấy!
- Lấy gì mà cày được nó?
- Cho chúng tôi chân đất mềm!
- Trả bò ngựa đi thì chân đất rắn cũng được!
- Chúng tôi sẽ cử người lên tận Mátxcơva, khiếu nại với Xtalin!
- Các anh định giải quyết đời sống cho chúng tôi thế nào?
Các bà nổi tam bành lên. Đám đàn ông kô-dắc đồng tình ủng hộ họ. Phải cố gắng lắm rồi mới dẹp được yên. Đavưđốp như thường lệ cứ đến lúc cuối cùng thì mất bình tĩnh, quát tướng:
- Các ông các bà muốn gì? Muốn cái đất tốt nhất hả? Đừng hòng, thực tế thế! Chính quyền xôviết dành mọi ưu tiên cho các nông trang chứ không phải cho những người chống lại nông trang. Giải tán ngay cho khuất mắt!
Đây đó có những người cá thể đã bắt đầu cày những đám ruộng trước kia là của họ về sau góp vào nông trang. Liubiskin ra đuổi họ đi, còn Iakốp Lukits thì vác cây thước gỗ một xagien đi ra thảo nguyên, và trong hai ngày đã chia xong đất bên kia Đầm Tôm thành từng khoảnh cho các người cá thế.
Ngày 25, đội của Đemka Usakốp ra cày khu đất cát xám. Đavưđốp phân phối lực lượng điều những nông trang viên lao động khỏe nhất giao cho những người thạo công việc đồng áng phụ trách. Phần lớn những ông già xung phong vào các đội máy gieo, cày và bừa. Người ta quyết định bỏ gieo tay. Ngay cả cụ già lụ khụ Akim Bexkhlépnốp - nguyên là “lão mò gà” - cũng phát biểu nguyện vọng được giao cho sử dụng máy gieo. Đavưđốp giao cho bác Suka nhiệm vụ chăn ngựa của ban quản trị. Tất cả đã sẵn sàng. Công việc gieo giống đã phải hoãn lại vì những trận mưa rào hai ngày hai đêm trút nước xuống núi đồi, xuống những cánh ruộng cày thu sáng sáng bao phủ một màn sương trắng bạc.
Tình trạng xin ra nông trang đã chấm dứt. Còn lại ở trong nông trang là cái hạt nhân vững chắc, đáng tin cậy. Người xin ra cuối cùng là Marina Pôiarôva, ả nhân ngãi của Anđrây Radơmiốtnốp. Đã có một cái gì trục trặc trong cuộc sống chung đụng của hai anh ả. Marina sinh ra tin Chúa, trở thành con chiên ngoan đạo, suốt mùa chay toàn ăn chay, đến tuần thứ ba thì ngày nào cũng đi lễ nhà thờ Tubianxki, xưng tội và chịu lễ. Ả im lặng nhẫn nhục nghe những câu trách móc của Anđrây, không đối đáp lại những lời anh xỉ vả, càng ngày càng lầm lì ít nói, không muốn để “nhơ mình Thánh Chúa”. Một hôm, đến nhà Marina vào lúc đã khuya, Anđrây thấy có ngọn đèn sáng ở bàn thờ thánh. Chẳng cần nghĩ một hai gì, anh bước tới, cầm cây đèn lên, dốc tuột dầu ra lòng bàn tay, bôi vào đôi bốt đã khô của anh, chà sát kỹ. Xong xuôi, anh lấy gót giày đập vỡ tan chiếc đèn.
- Cái bọn ngu ngốc này, đã bảo mãi tất cả những trò ấy chỉ là thuốc phiện, là nhồi sọ. Nhưng nói như nước đổ đầu vịt! Cứ lạy mãi mẫy mẩu gỗ, đốt phí dầu, phí sáp làm nến... Này, Marina, cô ngứa thịt, nhớ cái roi đấy phỏng? Chẳng phải không dưng mà cô lại đâm mê muội những cái khỉ gió gì ở nhà thờ...
Và đúng là không dưng thật: ngày 26, Marina đưa đơn xin rút khỏi nông trang, viện cớ rằng vào nông trang là “trái ý Chúa”.
Liubiskin nghe thế, mỉm cười hỏi mụ:
- Thế ngủ chung chăn chung chiếu với Anđrây không phải là trái ý Chúa à? Hay là sự khoái lạc tội lỗi?
Marina nghe, nín thinh, chắc chẳng hề ngờ rằng chỉ vài phút sau sự nhẫn nhục của mụ đã biến thành cơn tam bành và chính miệng mụ đã làm “nhơ nhuốc” cả “mình thánh Chúa”.
Anđrây giận tái xanh tái xám chạy bổ từ bên trụ sở Xôviết. Anh đưa ống tay áo lên quệt mồ hôi trên cái trán sẹo, năn nỉ, có cả mặt Đavưđốp và Iakốp Lukits:
- Marina! Em Marina! Đừng hại anh, đừng bôi gio trát trấu vào anh! Chà, sao em lại ra nông trang? Nỡm ạ, anh không chiều em, yêu em đấy hay sao? Còn bò sữa đã trả em rồi. Em còn muốn gì nữa? Sau chuyện này, anh còn chia sẻ tình yêu với em thế nào được nữa nếu em cứ lao theo cuộc sống cá thể? Gà vịt của em, đã trả lại rồi, cả con gà sống trụi nữa... với lại con ngỗng Hà Lan nữa, con ngỗng mà em cứ khóc lóc mãi, nó đã trở về nằm yên trong chuồng nhà em rồi đấy thôi... Em còn muốn ông giời gì nữa? Rút đơn về đi!
- Không, không! - Marina hét lên, đôi mắt giận dữ xếch ngược. - Anh có lạy tôi cũng không rút! Tôi không thích ở nông trang! Tôi không muốn chui vào con đường tội lỗi của các anh! Trả lại tôi cái xe và cày bừa của tôi.
- Marina, bình tĩnh lại đi! Nếu không, sự thể thế này, anh tất phải bỏ em.
- Thôi, cút cha mày đi, thằng quỷ tóc trắng! Chó đẻ ra mày, đồ khốn nạn! Mày chớp chớp mắt cái gì, hả đồ quỷ dữ? Mày trợn đôi mắt chó dại lên hả? Thế đứa nào đêm qua đứng đường đứng ngõ với con Malaska Igơnachênốc? Không mày thì ai? Chao ôi, đồ mặt mo, đồ chó đẻ! Cứ bỏ bà đi, không có mày bà vẫn sống! Mày định bụng bỏ bà lâu rồi, bà cứ biết tỏng!
- Marina, em nghe ai nói vậy? Con Malaska nào? Từ thuở cha sinh mẹ đẻ anh có đứng ngồi với nó bao giờ! Và chuyện nông trang thì có dính dáng gì vào đấy cơ chứ? - Anđrây ôm lấy đầu, nín bặt, xem chừng có vẻ cạn lý...
Liubiskin sốt tiết nói chen vào:
- Hơi đâu anh phải lạy lục nó, con mụ thối thây ấy? Không phải van nó, phải giữ tư thế anh chứ? Anh đã từng là du kích đỏ, việc gì phải van xin, báu lắm đấy mà phải van! Vả vào mặt nó ấy! Đét vào đít, khắc câm ngay!
Marina mặt ửng lên lang từng đám đỏ như mận chín, giẫy nẩy lên như đỉa phải vôi, ưỡn bộ ngực đồ sộ, lắc lư đôi vai rộng tiến đến chỗ Liubiskin, xắn thốc tay áo lên với một điệu bộ đàn ông, điệu bộ dân chọi:
- Việc gì mày chõ mõm vào việc người khác, đồ cóc chết? Đồ quái thai Digan, con quỷ mặt đen! Tởm! Để bà sửa cho cái mặt mày ngay bây giờ! Mày tưởng mày là đội trưởng mà bà sợ phỏng? Những thằng như mày bà đã gặp khối và đã từng quẳng xác qua đầu!
- Bây giờ là tao đây sẽ quẳng mày! Tao sẽ rút bớt ít mỡ ở xác cho mày đi... - Liubiskin hầm hầm nói, giọng ồm ồm, và lui vào góc nhà, sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc.
Anh còn nhớ rõ lắm, một hôm tại cối xay gió bên Tubianxki, Marina đã đọ sức với một anh chàng kô-dắc trông có vẻ lực lưỡng, người bên kia sông Đông. Và mọi người đứng xem đã lấy làm khoái trá thấy mụ quật được anh chàng ngã quay lơ, đánh cho nhừ tử nữa, và làm anh chàng mất sạch nhuệ khí bằng một câu nanh nọc: “Chú nó ơi, chú nó nằm đè lên trên đàn bà thì cũng chẳng làm được trò trống gì đâu! - Rồi lấy hơi, mụ nói tiếp: - Cái sức chú, bộ dạng chú thì chỉ nằm dưới mà thở hổn hển thôi”. Rồi mụ bỏ đi ra chỗ cái cân, vừa đi vừa sửa lại tóc và chít lại khăn bị sổ ra trong lúc đánh nhau. Liubiskin còn nhớ đôi má anh chàng bị đánh ngã đỏ dừ lên khi anh ta lổm ngổm đứng dậy, người ngợm bê bết những bột và cứt bò ngựa vãi đầy dưới đất.
Anh khuỳnh khuỳnh cánh tay trái ra đằng trước giữ thế thủ, và cảnh cáo:
- Đừng có nhảy cẫng vào đây, ông oánh cho tan xác! Khôn hồn thì cút!
- Có cái này mày chưa ngửi phỏng?... - Loáng một cái, Marina đã tốc ngược váy lên, quạt phành phạch vào mũi Liubiskin, và lồ lộ ra cái nét đầy đặn của hai đầu gối hồng hào, cái màu kem sánh như mứt mật của thân thể tròn lẳn của mụ.
Cơn điên của mụ lên tới cực độ. Liubiskin đã nhìn thấy nhiều rồi, chẳng còn lạ gì nữa, mà cũng hoa mắt trước da thịt đầy đặn trắng phau của Marina. Anh lùi, làu bàu chịu thua:
- Con mẹ này hóa dại rồi! Chà, đồ quỷ! Ngựa cái chứ không phải đàn bà! Lui ra, con ba lần trời đánh kia!... - Và cứ ne né, anh lách qua Marina đang xỉa xói như điên như dại, thoát được ra ngoài, vừa nhổ nước bọt vừa chửi.
Đavưđốp cười rũ rượi, gục đầu xuống bàn mà cười, cười híp cả mắt. Radơmiốtnốp chạy theo gót Liubiskin ra ngoài, sập cửa đánh rầm một cái. Còn lại mình Iakốp Lukits cố giảng giải khuyên can mụ vợ cai kỵ binh đang nổi tam bành.
- Này, làm cái gì mà mồm năm miệng mười thế? Đàn bà đâu mà dơ dáng! Ai lại tốc cả váy lên thế bao giờ? Trước mặt ông già bà cả như tôi đây, nhà chị cũng phải biết xấu hổ tí chứ!
Marina vừa bước ra cửa, vừa quát lại lão:
- Thôi, im cái mồm đi! Tôi biết ông già rồi! Ngày lễ Ba ngôi hè năm ngoái, tôi đi chở cỏ, ông đã lơn tôi như thế nào? Quên rồi à? Thôi đi ông! Đàn ông các người thì cùng một giuộc, lòng vả cũng như lòng sung.
Mụ lao qua sân như cơn gió lốc. Iakốp Lukits nhìn theo mụ, ho húng hắng chữa thẹn, lắc đầu dè bỉu.
Và nửa giờ sau lão được mục kích cảnh Marina đứng vào càng chiếc xe bò của mụ, chở chiếc cày và chiếc bừa kéo nhẹ tênh đi ra khỏi sân đội một. Đemka Usakốp bị mưa phải bỏ đồng về, cứ lẽo đẽo theo mụ cách một quãng kha khá, xem chừng không dại gì mạo hiểm sán đến quá gần mụ và năn nỉ:
- Marina! Ô hay, bà chị Pôiarkôva ơi, nghe tôi bảo cái đã nào! Chị Marina Chêrenchiépna! Tôi không trả được cho chị đâu. Nông cụ đội tôi kiểm kê lên danh sách cả rồi!
- Anh trả được.
- Chị này ương quá, chị hiểu cho tôi, đấy là tài sản của tập thể rồi. Chị làm ơn trả lại đi, đừng có liều thế! Chị là người hay là cái giống gì? Lối đâu ăn cướp thế nhỉ? Cái tội này là ra tòa đấy! Không có chữ ký của Đavưđốp, tôi không thể trả chị cái gì được đâu.
- Anh trả được! - Marina đáp gọn lỏn.
Đemka hoang mang mắt càng lác xệch, ấp hai tay vào ngực trong một cử chỉ van lơn; còn Marina thì mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ bừng bừng vì nóng bức, cứ trơ như đá vững như đồng kéo chiếc xe bò đi. Và chiếc bừa đặt trên xe va vào thành ghế khẽ kêu lên than vãn.
“Phải thu lại cái xe bò cho mụ biết thân, đừng toe toét cái miệng. Nhưng lấy thế nào được chứ? Dính dáng với mụ chẳng hay ho gì cho cam!” - Iakốp Lukits nghĩ vậy rồi phòng ngừa quay gót lẻn đi.

*
*    *

Hôm sau Radơmiốtnốp đến nhà Marina nhặt nhạnh đồ lề của mình, khẩu súng trường, bao đạn, giấy má, mang về nhà. Anh bị day dứt, nát ruột nát gan vì cuộc tan vỡ với Marina, anh khổ và muốn trốn tránh cô đơn. Vì thế anh đến chơi Nagunốp chuyện gẫu vài câu "tiêu sầu".
Đêm buông xuống Grêmiatsi Lốc. Vành trăng thượng tuần được mưa rửa sạch, như một lưỡi liềm bạc treo lơ lửng ở góc trời phía tây. Cái tịnh mịch của đêm tháng Ba đen như mực tràn ngập thôn ấp, chỉ còn nghe thấy tiếng thì thầm không ngơi của những con suối đã thông dòng. Anđrây rút chân òm ọp ra khỏi bùn lầy hòa lẫn với bóng đêm, bước đi lẳng lặng, một mình với nỗi riêng tây của mình. Trong không khí nồm ẩm đã cảm thấy xao xuyến những hương vị mùa xuân: đất xông lên một mùi lờn lợt cay cay, các nhà kho toả ra mùi nồng ải, vườn tược đượm hương rượu vang găn gắt, và dọc các hàng dậu, mầm cỏ non nhú lên ngây ngất một mùi thơm hăng hắc, trẻ trung.
Anđrây hít căng lồng ngực những hương vị đa dạng của buổi đêm, nhìn thấy dưới chân mình bóng sao in hình dưới vũng nước tan ra thành muôn nghìn tia sáng lăn tăn. Anh nghĩ đến Marina và cảm thấy mắt mình cay xè những giọt nước mắt đau buồn và hờn giận.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét