Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập I
Chương 29
Hôm sau có hai mươi ba đơn xin ra nông
trang. Phần lớn những người xin ra là trung nông, trong số những người gia nhập
nông trang sau rốt, đến họp hành thường ngồi im, hay cãi cọ với cán bộ phụ
trách phân công, ra đồng làm thì lừng khừng, miễn cưỡng. Đó là những người mà
Nagunốp bảo là: “Thế cũng gọi là nông trang viên à? Chẳng ra dơi, cũng chẳng ra
chuột!”. Họ thực chất chỉ là một gánh nặng cho các đội, họ có trở thành nông
trang viên thì hoặc là vì sợ chính quyền trù, hoặc chẳng qua chỉ là vì bị lôi
cuốn theo trào lưu mạnh mẽ chung thúc đẩy mọi người vào nông trang bắt đầu từ
tháng Giêng năm nay.
Nhận đơn của họ, Đavưđốp đã cố thuyết phục
họ, khuyên nên nghĩ kỹ, nán chờ ít lâu xem sao đã, nhưng họ cứ khăng khăng một
mực. Và rốt cuộc Đavưđốp đành khoát tay nói:
- Thôi được, bà con ra, nhưng nhớ lấy một
điều: bao giờ bà con xin trở lại nông trang thì lúc ấy chúng tôi sẽ còn phải
cân nhắc chán, xem có nên nhận hay không?
- Chả chắc gì chúng tôi xin trở lại! Chúng
tôi chỉ mong sao lại được sống chẳng nông trang nông triếc gì cả. Vì rằng là
anh Đavưđốp ạ, trước đây chẳng có nông trang, chúng tôi sống cũng chẳng đến nỗi
nào, chẳng chết đói, mình làm chủ tài sản của mình, chẳng bị những anh cha căng
chú kiết dạy bảo mình phải cày thế nào, chẳng bị ai thúc. Vậy cho nên chúng tôi
nghĩ bây giờ lại sống không có nông trang cũng không lấy gì làm buồn! - Cựu
nông trang viên Ivan Batantsikốp cười nụ trong bộ ria loăn xoăn màu hạt dẻ, đáp
thay cho cả đám.
Đavưđốp cắt ngang:
- Chúng tôi cũng vậy, chẳng có các bạn,
chúng tôi sống cũng không đến nỗi nào! Chúng tôi sẽ chẳng khóc, chẳng buồn đâu,
thực tế thế! Đàn bà xuống xe, ngựa kéo càng nhẹ.
- Tốt hơn hết là chúng ta chia tay nhau một
cách thân ái. Vỡ nồi vỡ niêu, rồi vui vẻ ai đi đường nấy. Anh cho chúng tôi rút
gia súc của chúng tôi ở đội về chứ?
- Không, vấn đề này còn phải đưa ra ban quản
trị bàn đã. Đợi mai.
- Chúng tôi không nấn ná được. Nông trang
các anh chắc là sau lễ Ba ngôi mới gieo, nhưng chúng tôi thì phải ra đồng ngay.
Chúng tôi sẽ đợi đến mai, nhưng nếu mai các anh vẫn giữ gia súc của chúng tôi lại,
thì chúng tôi cũng cứ lấy!
Batantsikốp ăn nói giọng đe dọa ra mặt,
Đavưđốp lộn ruột, hơi đỏ mặt lên, đáp:
- Rồi xem anh có dám lấy bất cứ cái gì ở
chuồng ngựa nông trang ra mà không có phép của ban quản trị không! Một là,
không ai để cho anh lấy; hai là, nếu anh cứ lấy, anh sẽ ra tòa.
- Gia súc của chúng tôi kia mà?
- Nó còn đang là của nông trang.
Chia tay với những người nguyên là nông
trang viên ấy, Đavưđốp không có một chút gì là quyến luyến, nhưng đơn xin ra
nông trang của Đêmít Miệng hến đã làm anh sửng sốt không vui. Sẩm tối Đêmít mới
đến, say túy lúy càn khôn nhưng vẫn cứ lì xì ít nói như thế. Chẳng chào hỏi ai,
anh dúi đưa một tờ báo nhàu nát có mấy chữ nguệch ngoạc viết đè ngang qua bài
báo: “Cho tôi ra nông trang”.
Đavưđốp lật qua lật lại trong tay lá đơn lời
lẽ cộc lốc của Miệng hến. Anh hỏi, giọng lộ ra vẻ hơi băn khoăn không hài lòng:
- Cậu sao thế hả?
- Tôi chuồn. - Miệng hến ồm ồm đáp.
- Chuồn đi đâu? Tại sao?
- Tôi ra nông trang, chứ gì nữa!
- Nhưng sao lại ra? Cậu định đi đâu?
Đêmít nín thinh, dang rộng hai tay, Radơmiốtnốp
giải nghĩa cái cử chỉ ấy của anh:
- Định cao chạy xa bay à?
- Phải!
- Nhưng tại sao cậu lại ra nhỉ? - Đavưđốp,
ngạc nhiên trước việc xin ra của anh bần nông cốt cán ít lời này, gặng hỏi.
- Người ta ra... Tôi cũng ra.
Radơmiốtnốp cười rinh rích, hỏi;
- Thế nếu người ta đâm đầu xuống khe thì cậu
cũng đâm à?
- Không anh ạ, đời nào! - Miệng hến cười
ông ổng. Tiếng cười của anh giống hệt tiếng cái thùng tônô rỗng đang lăn.
Đavưđốp thở dài:
- Thôi, cậu ra thì ra, con bò cái của cậu,
cậu có thể dắt về. Cậu là bần nông, chúng mình trả luôn, khỏi phải bàn. Ta trả
cậu ấy chứ, hả Radơmiốtnốp.
- Nên trả. - Radơmiốtnốp đồng ý.
Nhưng một lần nữa, Đêmít lại cười lên ông ổng,
nói:
- Con bò cái ấy, tôi chả cần! Tặng nông
trang đấy. Tôi sắp đi làm rể rồi. Sao? Lạ lắm hả? - Rồi anh đi ra, chẳng chào hỏi
ai.
Đavưđốp nhìn ra cửa sổ: Miệng hến đang đứng
im không cục cựa, gần bậc thềm. Ánh nắng tà đỏ rực hậu hĩnh chiếu lên tấm lưng
gấu của anh, lên cái gáy chắc nịch đen sạm của anh phủ một lớp tóc vàng hoe lăn
xoăn chờm đến tận cổ áo. Sân trụ sở nông trang lênh láng nước. Nước vũng lại một
mảng lớn từ thềm nhà đến tận kho lúa. Từ bậc thềm đi ra, có một cái bờ nhỏ chạy
men theo hàng dậu, người đi nhiều nhão nhoét bùn và tuyết. Tránh vũng nước, người
ta thường phải đi sát vào hàng dậu, tay bám lấy các cọc dậu. Đêmít vẫn đứng
ngây ra đó, trầm ngâm. Rồi anh lắc lư và bỗng, với vẻ thản nhiên của người say,
anh đâm thẳng vào giữa vũng nước, lững thững bước một và ngất nga ngất ngưởng
đi tới nhà kho.
Chăm chú theo dõi anh ta, Đavưđốp thấy Miệng
hến cầm lấy cái xà beng dựa ở hiên rồi đi ra cổng.
- Khéo thằng hộ pháp ấy lại định đập phá
cái gì của mình chắc? - Radơmiốtnốp cũng đã bước tới bên cửa sổ, phì cười, nói.
Xưa nay anh vốn có thiện cảm với Miệng hến, quý và trong bụng phục lăn sức khỏe
vô địch của anh ta.
Miệng hến mở hé cổng ra và bổ xuống đống
tuyết đã đóng băng một nhát xà beng dữ dội đến nỗi làm vỡ ra một mảnh băng tưởng
nặng đến ba pút. Những mảnh băng vụn bắn ra rào rào, va chan chát vào cổng, và
liền sau đó nước trong sân lặng lẽ chảy ra theo đường rãnh vừa được khơi.
- Ai chứ cậu ấy thì sẽ trở lại nông trang
thôi! - Radơmiốtnốp bá vai Đavưđốp, trỏ Miệng hến, nói. - Hắn thấy chuyện không
ổn, hắn sửa, rồi hắn bỏ đi. Nghĩa là bụng hắn vẫn ở trong nông trang! Đúng thế
không?
*
* *
Ít lâu sau khi số báo có đăng bài của
Xtalin về đến huyện, huyện ủy đã gửi cho chi bộ Grêmiatsi một bản chỉ thị tràng
giang đại hải, lủng củng và tối nghĩa về việc thanh toán hậu quả của những sai
lầm phạm phải trong thời gian qua. Qua mọi cái, cảm thấy trên huyện hoang mang
tợn. Không một người lãnh đạo nào của huyện ló mặt xuống nông trang, và khi các
địa phương xin chỉ thị về cách giải quyết tài sản những người xin ra thì cả huyện
ủy lẫn nông hội huyện chẳng đâu trả lời. Và chỉ sau khi nhận được bản nghị quyết
mới của Ban chấp hành Trung ương “Đấu tranh chống những lệch lạc trong việc chấp
hành đường lối của Đảng về tập thể hóa nông nghiệp”, huyện ủy mới rối rít tít
mù lên: Grêmiatsi Lốc nhận được tới tấp như mưa những chỉ thị bắt gửi gấp danh
sách những tên kulắc bị tịch thu tài sản, bắt trả lại nông trang viên những gia
súc nhỏ và gia cầm đã tập thể hóa, bắt xét lại danh sách những người bị tước
quyền bầu cử. Đồng thời cũng nhận được giấy triệu tập chính thức mời Nagunốp
lên dự cuộc họp liên tịch của thường vụ huyện ủy và ban thanh tra huyện vào hồi
10 giờ sáng 28 tháng Ba.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét