Đất Vỡ Hoang
Tác giả: M. Sholokhov
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
NXB Cầu Vồng - Moskva, 1985 (In tại Nga Xô)
Tập I
Chương 37
Đến rằm tháng Năm, toàn huyện về cơ bản đã
gieo xong. Nông trang Grêmiatsi Lốc đã hoàn thành kế hoạch gieo. Trưa ngày mồng
mười, đội ba đã gieo xong tám hécta mầu còn lại gồm ngô và hạt quỳ, và liền sau
đó Đavưđốp cử giao thông hỏa tốc phóng ngựa lên huyện ủy đưa bản báo cáo về việc
hoàn thành vụ gieo.
Lúa tiểu mạch gieo sớm đâm lá nom đến vui mắt,
nhưng ở cánh đồng đội hai có gần một trăm hécta lúa Kuban gieo vào những ngày đầu
tháng Năm. Đavưđốp e rằng lúa Kuban gieo muộn không đâm chồi được; Liubiskin
cũng e ngại như anh, còn Iakốp Lukits thì thẳng thừng tuyên bố dứt khoát:
- Hỏng! Nhất định hỏng! Các anh muốn gieo
suốt mấy tháng hè mà lại mong ăn à? Trong sách có nói là ở Ai Cập một năm gieo
hai vụ và gặt hai vụ, nhưng đồng chí Đavưđốp ạ, Grêmiatsi Lốc ta đâu phải Ai Cập
cho đồng chí, ở ta là phải làm sít sao theo thời vụ!
Đavưđốp nổi xung lên:
- Này, ông ăn nói cái lối cơ hội chủ nghĩa
gì vậy? Lúa ta bắt buộc phải nẩy! Và nếu cần, ta cũng sẽ thu hoạch hai vụ. Đất
của ta là của ta: ta muốn khảo nó cái gì, nó cũng phải chịu, thực tế thế!
- Đồng chí nói cứ như trẻ con.
- Được, rồi xem. Này, ông bạn Ôxtơrốpnốp ạ,
ông bạn ăn nói đặc giọng hữu khuynh. Cái khuynh hướng ấy Đảng không cần đến nó,
nó có hại. Nó đã bị đả ra trò đấy, ông bạn nhớ cho điều đó.
- Tôi nói chuyện khuynh khiếc gì đâu, tôi
nói chuyện đất cát. Những chuyện khuynh khiếc thì tôi xin chịu.
Nhưng trong lúc hy vọng lúa Kuban sẽ mọc đều,
Đavưđốp vẫn không sao xua tan được nỗi ngờ vực trong lòng, và ngày nào cũng thắng
ngựa phóng ra thăm cánh đồng cháy nắng, thăm những thửa ruộng đã gieo xong xuôi
nhưng vẫn đen sì một màu chết chóc đáng sợ.
Mặt ruộng khô đi rất mau. Hạt thóc gieo thiếu
mầu không đủ sức đâm chồi lên. Chồi lá nhọn, mềm mại yếu ớt, cứ nằm rũ dưới những
hòn đất bở hầm hập hơi nắng, muốn vươn lên ánh sáng nhưng không đủ sức chọc thủng
lớp vỏ đất hanh cứng thiếu hơi ẩm. Đavưđốp xuống ngựa. Anh quỳ xuống, lấy tay bới
đất, và trong khi xem xét trên lòng bàn tay hạt thóc đã nhú ngọn chồi non, cảm
thấy xót xa cho hàng triệu hạt thóc nằm vùi dưới đất kia đang đau khổ vươn tới
ánh sáng mặt trời vậy mà hầu như cầm chắc cái chết. Trời mà mưa cho một trận,
lúa sẽ lên xanh cánh đồng ngay. Nhưng trời chẳng chịu mưa cho, và mặt ruộng cứ
um lên giống cỏ dại sống dai, khỏe và dễ tính.
Một buổi chiều một đoàn đại biểu phụ lão đến
tìm Đavưđốp tại nhà.
- Chúng tôi có chút việc muốn phiền đồng
chí. - Ông lão Akim Mò gà vừa chào vừa nói, và đưa mắt tìm hoài bức tượng thánh
để làm dấu phép mà không thấy.
- Có việc gì vậy?... Không có tượng thánh
đâu, cụ ạ, đừng tìm mất công.
- Không có à? Thì thôi... chẳng sao... Còn
việc thì phụ lão chúng tôi đề nghị với đồng chí...
- Làm sao?
- Lúa tiểu mạch đội hai xem rõ ràng là
không mọc nổi thì phải?
- Chưa có cái gì rõ ràng cả, cụ ạ.
- Chưa rõ ràng, nhưng có vẻ như vậy.
- Thì sao?
- Cần mưa.
- Đúng.
- Cho phép chúng tôi vời cụ đạo về làm lễ
nước chứ đồng chí?
Đavưđốp mặt đã ửng lên:
- Để làm gì?
- Để Chúa làm mưa cho chứ để làm gì.
- Chà, lại còn thế nữa. Cụ ơi, thôi cụ về
đi, và từ nay đừng có nói chuyện ấy với tôi nữa.
- Sao lại đừng nói? Lúa má có phải là của
bà con chúng tôi không nhỉ?
- Của nông trang.
- Thế chúng tôi thì là cái gì? Chúng tôi là
nông trang viên đây.
- Còn tôi thì là chủ tịch nông trang.
- Ai chả biết thế, đồng chí ơi, đồng chí
không tin có Chúa, chúng tôi cũng chẳng dám yêu cầu đồng chí đi rước, nhưng đồng
chí hãy cho phép chúng tôi: chúng tôi theo đạo má.
- Tôi không cho phép. Đại hội nông trang
viên cử các cụ đến đây hay sao?
- Thưa không. Đây là quyết định của các phụ
lão chúng tôi.
- Đấy, thấy chưa: các cụ chỉ là thiểu số,
và nếu có đưa ra đại hội bàn thì thế nào cũng bị bác. Này cụ ạ, muốn làm ăn thì
ta phải vời đến khoa học, chứ đừng vời đến cụ đạo.
Đavưđốp nói một thôi dài, và nói thận trọng,
cố không xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của các cụ. Các cụ nín thinh. Chuyện gần
xong thì Maka Nagunốp xuất hiện. Anh nghe nói có các cụ đại biểu cho bà con đi
đạo đến gặp Đavưđốp yêu cầu cho làm lễ nước, vội đến đây ngay.
- Vậy nghĩa là không được ạ? - Cụ Akim Mò
gà thở dài đứng dậy.
- Không được, vả lại cũng vô ích. Chẳng cần
rước trời cũng sẽ mưa.
Các cụ ra về. Nagunốp theo gót luôn ra
phòng ngoài. Anh khép chặt cửa phòng Đavưđốp lại, thì thào bảo các cụ:
- Các cụ là giống người cổ lỗ sĩ lắm! Tôi
còn lạ gì các cụ nữa: các cụ lúc nào cũng chỉ lăm le trở lại đời sống cũ; các cụ
rắn mày rắn mặt như lũ quỷ. Cứ thả các cụ ra thì các cụ sẽ suốt ngày rước xách,
tha ảnh thánh đi khắp thảo nguyên, xéo nát cả lúa má. Các cụ mà tự ý gọi cha đạo
về đi riễu ngoài đồng thì tôi sẽ dẫn đội cứu hỏa theo sau lấy vòi phun cho các
cụ một trận ướt như chuột lột. Rõ chưa? Còn cái lão cụ đạo kia khôn hồn thì đừng
vác mặt về đây. Cái giống ngựa đực lông lá bù xù ấy thì tôi cứ lấy kéo cắt lông
cừu, tôi cắt trọc trước mặt bà con dân làng. Tôi làm cho ê mặt rồi thả ra. Các
cụ rõ chưa? - Nói xong, anh trở vào phòng Đavưđốp, ngồi xuống chiếc hòm, mặt
khó đăm đăm, bụng vẫn chưa hết hậm hực.
Đavưđốp hỏi, giọng ngờ vực:
- Cậu thì thào chuyện gì với các cụ thế?
Maka tỉnh bơ đi, đáp:
- Chuyện thời tiết.
- Thời tiết làm sao?
- Còn sao nữa, các cụ đã quyết định dứt
khoát: không rước nữa.
- Các cụ bảo thế nào?
- Các cụ bảo: chúng tôi hiểu tôn giáo là
thuốc phiện rồi. Nhưng việc gì cậu cứ phải vặn vẹo tôi thế? Cậu đúng là dai như
đỉa, bám vào ai thì giẫy không ra! Nói gì, rồi lại nói sao?... Tôi nói chuyện
gì thì mặc xác tôi chứ. Cậu chúa là hay giở cái trò dân chủ, thuyết phục, van
xin. Với các lão ấy thì việc gì phải nói lôi thôi như vậy. Đầu óc họ tăm tối, đầy
một cục ngu muội dốt nát. Nghĩa là đối với họ, hoài hơi mà dài dòng văn tự, cứ
việc: một, hai, có nghe thì bảo. Thế là xong ngay!
Đavưđốp cười xòa, khoát tay, chịu thua. Anh
chàng Maka này quả thật đánh chết cái nết không chừa. Maka làm dân ngoài Đảng mất
hai tuần, thế rồi trên huyện có sự thay đổi lãnh đạo: Korghinxki và Khômutốp bị
cách chức.
Bí thư huyện ủy mới sau khi nhận được đơn
khiếu nại của Nagunốp do ban thanh tra khu chuyển về, đã cử một ủy viên thường
vụ huyện ủy về Grêmiatsi Lốc thẩm xét lại vụ này. Và sau đó huyện ủy đã quyết định:
hủy bỏ quyết định cũ về việc khai trừ Nagunốp ra khỏi Đảng, với lý do hình thức
kỷ luật quá nặng so với khuyết điểm. Hơn nữa một lô tội Nagunốp bị buộc cho hồi
ấy (“đạo đức đồi bại”, “dâm ô hủ hóa”), sau khi được điều tra lại đã bị loại
đi. Maka bị một án cảnh cáo và câu chuyện đến đấy là xong.
Đavưđốp thời gian qua tạm thời làm bí thư
chi bộ, bàn giao trở lại công việc cho Maka, hỏi:
- Biết thân chưa? Từ nay còn quá khích nữa
không?
- Biết quá đi rồi. Nhưng giữa mình với huyện
ủy thì biết ai quá khích?
- Cả hai. Mỗi bên một ít.
- Và mình cho là cả khu ủy nữa cũng lệch lạc
nốt.
- Thí dụ?
- Ví dụ thế này: tại sao không chỉ thị trả
lại súc vật cho những người ra nông trang? Thế là tập thể hóa cưỡng bức rồi chứ
còn gì? Đích thị là cưỡng bức! Người ta ra khỏi nông trang, thế mà súc vật lẫn
nông cụ, chẳng trả lại cho người ta cái gì cả. Rõ rành rành họ lấy cóc gì mà sống,
chẳng biết xoay xở ra sao, đành phải mò trở lại nông trang. Ức đấy, nhưng vẫn
phải trở lại.
- Nhưng súc vật và nông cụ là tài sản không
chia của nông trang!
- Thiết cha gì cái tài sản không chia ấy nếu
như họ bất đắc dĩ mà quay trở lại nông trang? Quẳng mẹ nó trả lại cho họ!... “Này,
nông cụ của các người đây, tọng đi, ngốn đi cho chết nghẹn!”. Mình thì mình sẽ
cấm, không cho phép họ bén mảng tới gần nông trang nữa kia, thế mà cậu lại đi
tiếp nhận cả một mớ những đứa quay quắt lật lọng ấy, cứ tưởng như sẽ biến họ
thành được người nông trang viên tự giác! Tự giác cái con khỉ! Quân lật lọng ấy
có ở trong nông trang đi nữa thì suốt đời cho đến ngày xuống lỗ chúng vẫn cứ ngấp
nghé hướng về lối sống cá thể thôi. Mình lạ gì chúng nó! Và cái việc người ta
không trả lại chúng nó súc vật và nông cụ thì đó là tả khuynh, còn như cậu nhận
lại chúng nó vào nông trang thì đó là hữu khuynh. Anh bạn ạ, bây giờ tôi cũng
chính trị cao ra phết rồi đấy, đừng hòng lòe tôi nữa!
- Chính trị cao quái gì mà có mỗi một điều
này cậu cũng không hiểu ra, là lúc này không thể thanh toán bất cứ khoản gì với
những người xin ra được, mà phải đợi qua vụ đã!
- Không, chuyện ấy tôi thừa hiểu.
- Chà, Maka ơi! Sống mà không ngang như cua
thì hình như cậu không chịu nổi thì phải. Chuyện chẳng ra gì cậu cũng cứ làm lộn
tùng phèo cả lên, thực tế thế!
Họ còn tranh cãi với nhau hồi lâu nữa, cuối
cùng vặc nhau, rồi Đavưđốp bỏ ra về.
Trong hai tuần ấy ở Grêmiatsi Lốc đã có nhiều
sự thay đổi: cả làng rất đỗi kinh ngạc thấy Marina Pôiarkôva tái giá với Đêmít
Miệng hến. Anh đã dọn đến ở nhà mụ ta, nửa đêm tự mình đứng làm bò chở đến nhà
mụ toàn bộ cái gia sản nghèo nàn của mình, còn túp lều nát của anh thì anh lấy
ván đóng đinh chặn hết các cửa sổ và cửa ra vào lại.
Bà con dân làng nói: “Mụ Marina thật kéo
kén chồng. Đôi ấy mà cùng làm thì khoẻ hơn cái máy kéo”.
Anđrây Radơmiốtnốp rụng rời chân tay khi
nghe tin ả nhân ngãi bấy lâu nay đầu gối tay ấp của mình đi lấy chồng. Lúc đầu
anh còn làm ra vẻ cứng, nhưng rồi không chịu nổi và bắt đầu uống rượu, giấu
Đavưđốp. Nhưng Đavưđốp vẫn phát hiện ra, và cảnh cáo anh:
- Cậu vứt phéng chuyện con mụ ấy đi cho
tôi. Vô nghĩa lý.
- Mình vứt rồi. Nhưng mình cay, cay không
chịu được! Con chó cái ấy, nó bỏ mình đi lấy ai đã đành! Đi lấy cái của nợ ấy!
- Việc riêng của nó, kệ thây nó.
- Nhưng cậu bảo có cay không?
- Cậu muốn cay thì cứ cay, nhưng đừng uống
rượu. Không phải lúc. Sắp phải làm cỏ rồi.
Và Marina lại cứ luôn luôn chạm trán với
Anđrây, dường như cố tình, và nom mụ có vẻ hể hả mãn nguyện lắm.
Đêmít Miệng hến tung hoành trong cái cơ
ngơi nhỏ xíu của mụ như một con bò mộng khỏe: trong vòng có vài ngày, anh đã sửa
sang dọn dẹp tất cả nhà trên nhà dưới ngăn nắp đâu vào đó, một ngày một đêm đào
được một hầm chứa sâu một xagien rưỡi, vác trên lưng những chiếc dầm và bắp cày
nặng hàng chục pút. Marina giặt rũ, khâu vá quần áo cho anh, và không ngớt lời
ca ngợi với bà con hàng xóm là Đêmít làm khỏe:
- Này các bà ạ, nhà tôi thật là được việc.
Anh ấy khỏe như vâm. Tay sờ vào cái gì là cái ấy sôi lên sùng sục. Còn như anh ấy
ít nói thì cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Càng đỡ ầm nhà ầm cửa...
Còn Anđrây thì nghe nói Marina mãn nguyện với
anh chồng mới, buồn bã than thân:
- Ôi, em Marina yêu quý của anh! Anh đây
đâu phải không chữa nổi nhà xe hoặc đào hầm chứa cho em? Em đã làm tan nát cuộc
đời trai trẻ của anh!
Lão kulắc Gaiép bị đưa đi đày đã được trở về
Grêmiatsi Lốc: Ủy ban bầu cử của khu đã trả lại quyền công dân cho lão. Lão
Gaiép con cái lúc nhúc này về tới làng thì Đavưđốp gọi ngay lên trụ sở nông
trang.
- Công dân Gaiép, bây giờ ông định làm ăn
sinh sống ra sao, làm cá thể hay vào nông trang?
- Thì cũng phải thế thôi, - Gaiép đáp, chưa
hết ức vì đã bị tịch thu tài sản trái phép.
- Thế nào mới được chứ?
- Xem ra thì không thoát khỏi được nông
trang.
- Vậy thì làm đơn đi.
- Thế còn tài sản của tôi?
- Gia súc của ông đã nhập vào nông trang cả,
nông cụ cũng vậy. Còn cái món quần áo thì chia tẩu tán mất rồi. Chuyện này phức
tạp đây. Trả được ông cái gì thì sẽ trả, còn lại sẽ thanh toán bằng tiền cho
ông.
- Thóc lúa của tôi các anh cũng vét sạch cả...
- Chuyện này thì dễ. Ông đi gặp ông quản
lý, ông ta sẽ bảo thủ kho cấp tạm cho ông mươi pút bột mỳ.
Nghe tin Đavưđốp định nhận Gaiép vào nông
trang, Maka bực mình lắm, nói với Anđrây Radơmiốtnốp:
- Bây giờ người ta lại định biến nông trang
thành cái sọt rác! Thế này thì Đavưđốp chỉ còn việc đăng quảng cáo lên báo “Cái
búa” là nông trang sẽ nhận tất cả những bọn đi đày mãn hạn phát vãng.
Sau vụ gieo hạt, chi bộ Grêmiatsi đã phát
triển lên gấp đôi; Paven Liubiskin, người đã ba năm đi ở cho Titốc, Nextor
Lôsilin, đội viên đội ba, và Đemka Usakốp đã được kết nạp vào làm đảng viên dự
bị. Hôm họp chi bộ kết nạp mấy người này, Nagunốp đã ngỏ ý với Kônđrát
Maiđanhikốp:
- Vào Đảng đi Kônđrát ạ, mình sẵn sàng giới
thiệu cậu. Ngày xưa cậu đã chiến đấu dưới quyền chỉ huy của mình, và hồi ấy cậu
đã là một chiến sĩ kỵ binh dũng cảm. Và bây giờ cậu lại là một nông trang viên
gương mẫu. Này, mình hỏi cậu, sao lại cứ đứng ngoài thế? Tình hình đã đi tới chỗ
cách mạng thế giới có thể nổ ra bất kỳ lúc nào, có thể là hai chúng ta sẽ lại
phải chiến đấu một lần nữa trong cùng một đội kỵ binh để bảo vệ Chính quyền
xôviết, thế mà ngày tháng trôi qua, cậu cứ không đảng viên thế mãi sao? Không
coi được, cậu ạ! Vào Đảng đi!
Kônđrát thở dài một tiếng, và tâm sự:
- Không, đồng chí Nagunốp ạ, lương tâm
không cho phép tôi vào Đảng lúc này... Nếu cần tôi sẽ lại đi chiến đấu bảo vệ
Chính quyền xôviết, và ở nông trang tôi sẽ làm việc toàn tâm toàn ý, còn như
xin vào Đảng thì tôi không thể...
Maka cau mày hỏi:
- Sao thế vậy?
- Vì cái nỗi là bây giờ tôi ở nông trang thật
đấy, nhưng nghĩ đến của cải của mình vẫn cứ héo ruột héo gan... - Đôi môi
Kônđrát run run, giọng anh chuyển sang thều thào vội vã: - Nhớ mấy con bò mà
phát ốm lên, thương chúng nó... Chúng nó chẳng được chăm nom tử tế. Akim
Bexkhlépnốp để cho vòng cổ làm trầy da con ngựa của tôi, tôi trông thấy và mất
ăn mất ngủ một ngày đấy... Con ngựa bé tẹo mà lại khoác cho nó cái vòng cổ như
cái cùm thế bao giờ? Chính vì thế mà tôi không dám. Một đôi khi tôi chưa đoạn
tuyệt được với đầu óc tư hữu thì lương tâm không cho phép tôi vào Đảng. Tôi
nghĩ như vậy đấy.
Maka ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:
- Cậu nghĩ thế cũng phải. Trước mắt cậu
chưa nên vào. Chúng ta sẽ đấu tranh kịch liệt chống lại mọi cái làm ẩu trong
công việc của nông trang, sẽ sửa lại các vòng cổ cho vừa với ngựa. Nhưng nếu
như đêm ngủ cậu còn mơ thấy đàn bò ngày trước của cậu thì đúng là cậu chưa nên
vào Đảng thật. Vào Đảng là trong lòng phải không còn chút tiếc rẻ gì của tư hữu
cơ. Vào Đảng là phải trong sạch và chỉ có một điều tâm niệm thôi, là đi tới
cách mạng thế giới. Ông cụ nhà mình ngày xưa cũng khá giả, và mình còn bé cụ đã
dạy cho trông nom việc nhà. Nhưng mình không mê cái trò ấy tý nào, coi nó là
cái trò vô nghĩa lý. Mình đã rời bỏ cuộc sống ấm no, bỏ lại bốn đôi bò đực, đi
làm thuê nếm mùi gian khổ... Cho nên chừng nào cậu chưa tẩy sạch được cái thứ
ghét bẩn bám trên người là đầu óc tư hữu thì cũng chưa nên vào Đảng thật.
Tin Liubiskin, Usakốp và Lôsilin vào Đảng
lan truyền đi nhanh chóng khắp Grêmiatsi. Một anh chàng kô-dắc nào đó trêu bác
Suka:
- Thế nào, bác còn đợi gì nữa mà không lao
đơn vào Đảng đi? Phần tử cốt cán mà lị! Họ sẽ phong chức cho bác, bác sẽ tậu lấy
cái cặp da cắp nách mà chạy nhông.
Bác Suka nghĩ đi nghĩ lại rồi chiều hôm ấy,
vừa sẩm tối đã đến nhà tìm gặp Nagunốp.
- Chào chú Maka!
- Chào bác. Có việc gì đây?
- Thiên hạ vào Đảng ầm ầm...
- Thì sao?
- Cờ có đến tay thì mới phất được.
- Sao nữa?
- Nghĩa là có lẽ lão cũng muốn vào Đảng.
Này anh ạ, đời lão đâu phải để loanh quanh với mấy ả ngựa cái. Lão có phải con
ngựa đực đâu.
- Thế thì lão muốn gì?
- Lão đã nói hai năm rõ mười rồi: lão muốn
vào Đảng. Lão đến hỏi anh xem lão sẽ giữ chức gì, và còn được cái gì nữa... Anh
nói xí dụ cho lão biết: biên đơn thì
biên thế nào?
- Lão nói lẩm cẩm cái gì thế? Lão tưởng người
ta vào Đảng để lấy chức à?
- Thì đảng viên ta đều có chức cả đấy thôi.
Maka cố nén lại, lái sang chuyện khác:
- Hôm Phục sinh cụ đạo đến tìm lão phải
không?
- Đích thị.
- Lão cúng hắn cái gì không?
- Tất nhiên là có. Một đôi trứng và đương
nhiên là khúc thịt mỡ nữa, độ nửa phuntơ.
- Nghĩa là đến bây giờ lão vẫn tin vào Chúa
hả?
- Tất nhiên là cũng chẳng tin lắm, nhưng gặp
lúc ốm đau, hoặc là có chuyện gì chẳng lành, hoặc là nói xí dụ, sấm sét đùng đùng thì đương nhiên là lão cũng cầu đến Chúa,
đọc vài câu kinh.
Maka cũng định giải quyết với bác Suka một
cách lễ độ, giải thích cho bác rõ đầu đuôi tại sao không thể kết nạp bác vào Đảng
được, nhưng trong khi khơi chuyện cho bác ta nói, anh đã không chuẩn bị đầy đủ
tinh thần kiên nhẫn, và thế là anh tuôn ra ngay cho một tràng:
- Xéo đi cho khuất mắt, đồ nỡm già! Đem trứng
cúng cụ đạo, rẩy nước thánh, rồi lại mơ tưởng chức nọ chức kia, thế mà sờ đến
việc thì trộn cho ngựa ăn cũng không nên thân. Hạng ba hoa xích đế như lão thì
Đảng nhận vào làm cái khỉ gió gì? Lão định đùa dai tôi phỏng? Lão tưởng đồ ba bị
nào cũng vào được Đảng à? Cái nghiệp của lão chỉ là khua môi múa mép, ăn nói
quàng xiên thôi. Xéo đi, đừng có trêu ngươi tôi, tính tôi là tính nóng như lửa
đây. Sức khỏe tôi không để cho tôi ăn nói ôn tồn được với lão đâu. Xéo đi, đã bảo,
có xéo đi không?
Ra đến ngoài, bác Suka vừa vội vã đóng sập
cổng hàng rào lại vừa tiếc rẻ: “Mình xuất hành phải cái giờ xấu rồi! Đáng lẽ đợi
hắn ăn cơm xong hẵng đến mới phải”.
Một tin cuối cùng làm cho cả làng và nhất
là các cô gái Grêmiatsi Lốc xôn xao là tin thằng Đưmốc chết.
Ephim Tơrubatsép và Batansikốp bị tòa án
nhân dân kết án tù, viết thư về kể rằng trên đường ra ga, thằng Đưmốc nhớ quê
hương, tiếc cuộc sống tự do, đã trốn chạy. Anh công an đi áp giải đã hô lên ba
lần: “Đứng lại!”. Nhưng Đưmốc cứ lom khom chạy tắt cánh ruộng cày vào rừng. Chỉ
còn độ mười lăm xagien nữa là hắn tới rừng thì anh công an quỳ xuống, giương
súng, và bắn đến phát thứ ba thì Đưmốc gục.
Ngoài bà cô hắn ra thì cũng chẳng có ai
khóc anh chàng không cha không mẹ ấy, và các cô gái đã được Đưmốc dìu dắt vào
cái nghệ thuật không lấy gì làm phức tạp lắm của ái ân, nếu có buồn thương thì
cũng chỉ sơ sơ vài bữa.
“Người chết hết chuyện…”. Và nước mắt con
gái chẳng qua cũng chỉ là hạt sương buổi sớm mà thôi.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét