Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 27

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

27

Gió từ biển thổi vào ẩm ướt, ấm áp đẩy mùa xuân về phương Bắc. Các bình nguyên bao la lộ ra dưới lớp tuyết. Ở phương Nam, đường sá khô ráo và cuộc phản công của quân ta diễn ra suốt dọc vùng duyên hải Ukraina. Cả Krivôi Rog và Nhikôpôl đều lùi lại phía sau, quân ta vượt qua sông Ingules, dũng cảm đột phá, tiến về giải phóng Odessa.

“ ...Cuộc sống của gia đình ta, bây giờ là chờ vào bản thông báo này tới bản thông báo khác, - mẹ viết. - Vắng thư con, lòng mẹ nặng trĩu. Có lần giữa ban ngày mẹ nghe thấy tiếng con gọi mẹ. Thế là mẹ đứng ngồi không yên. Sau đó, Lilia từ ngoài đường chạy về, em nó gặp bác đưa thư. Mẹ và em phát khóc lên vì sung sướng, cả hai mẹ con cùng đọc thư và thoạt đầu chẳng hiểu gì cả. Tất nhiên, con dối mẹ, để mẹ khỏi lo lắng, chứ những trận chiến đấu ở chỗ con, chắc chắn là khủng khiếp, dù họ có nhắc tới Apôxtôlôvơ ở trên đài...”.

Còn Xasa viết:
Em đang khuyên mẹ mùa xuân này không trồng rau, nhưng mẹ lại sợ. Phaia bảo “sang thu bác hãy dỡ khoai tây, bác nên đi cùng với em nó, không có em nó thì bác biết đường nào?”. Em rất muốn về nhà, nhưng không thể được. Em đã từng trải qua những điều đáng sợ nhất, nên bây giờ thế nào cũng được. Chà! Em quên bẵng không viết cho anh biết: Phaia sinh con gái. Con bé mới vui nhộn và thông minh làm sao, nó nhận ra em rồi đấy. Nhưng nó chẳng giống ai cả”.

Làn gió ấm áp khẽ lật hai tờ giấy xé từ vở của Lianka và Xasa trong tay anh. Ngoài thảo nguyên, mặt trời chưa lên cao mà lưng đã nóng lên lên dưới lần áo capốt, chiếc mũ mùa đông sau gáy làm cho đầu thêm bức bối. Người anh khe khẽ lắc lư trên chiếc xe xích, rồi chìm vào giấc ngủ. Hai mi mắt nặng trĩu cứ sụp xuống.
Ở phía sau, khẩu đội trưởng Alavidze ngửa mặt lên trời, hát một bài gì đấy bằng tiếng Grudia thật hay, nghe như kinh cầu nguyện - Chắc là anh ta đang đón mặt trời mọc. Trêchiakov ngoái cổ lại và nhìn thấy Alavidze ngồi trên pháo, còn ở phía dưới vẫn là Đzeđzelasvili và Kôtzêrava lông mày sâu róm đi bên cạnh.  Cả hai người nhìn anh ta, khao khát chờ đợi Alavidze thể hiện âm điệu. Kôtzêrava vẫy mũ, hai người hòa theo bằng hai giọng nữ kim và bước đi cương quyết như đi ra trận. Có ai đó từ khẩu pháo bên cạnh chạy đến chỗ họ.
Phômitsev, vừa điều khiển cần lái máy kéo, vừa lắc đầu :
- Có lẽ gặp thời đấy. Trông họ kìa: một người cất tiếng hát, tất cả hòa theo, giống như theo mệnh lệnh ấy. Còn hai người nữa chạy theo sau, sợ chậm trễ.
Anh ta có ghen tỵ đôi chút, cười mỉa mai che giấu lòng mình.
Mặt trời chiếu ấm áp, trên thảo nguyên làn không khí lay động, khói bom đạn bay lên lặng lẽ. Khi bạn ngồi trên xe xích ngay sát máy nổ, cuộc chiến tranh xung quanh bỗng trở nên lạ lùng, câm lặng. Thỉnh thoảng tiếng máy nổ đều đều trượt ra khỏi tai; Trêchiakov giật mình thức giấc. Anh gập hai bức thư theo nếp cũ thành hai tam giác. Những bức thư của anh đã gặp những bức thư này ở đâu đó trên đường. Những bức thư của anh còn đang theo đường dây quân bưu; chắc có lẽ họ sẽ chiếm được Odessa sớm bơn.
Khẩu pháo của quân Đức bị bỏ lại nằm ngay lề đường. Không hiểu sao đại bác của chúng bao giờ trông cũng có vẻ đồ sộ hơn, nặng nề hơn đại bác của ta. Khẩu pháo ngụy trang, lốm đốm sơn vàng, đang bị sa lầy, nhưng họ cũng không kịp kéo nó lên. Và một chiếc xe tăng Đức khác nữa ở ngay đó, tháp pháo bị hất tung ra xa. Năm bốn mươi mốt, toàn bãi chiến trường còn nằm sau lưng quân dịch, cùng với những vũ khí hư hỏng, hay nguyên vẹn, hoặc đã được tu sửa. Bây giờ bãi chiến trường ấy nằm sau lưng quân ta. Còn chính những chiếc xe bọc thép đã chà lên khẩu đội cùa họ ở Kravsov, chắc chưa rời xa khỏi nơi đây.
Trêchiakov nhét thư vào túi ngực áo varơi, và rút chiếc gương nhỏ đựng trong bao da ra. Chiếc gương rất tốt, dùng được cả hai mặt, và không thể vỡ được: nó là thép mài. Hôm qua lúc mặt trời lặn, lính trinh sát cùng với bộ binh đột nhập vào vạt rừng. Một đơn vị hậu cần nào đó của quân Đức đóng ở đấy. Chúng bỏ chạy hết, vứt lại mọi thứ: nhiên liệu đựng trong phuy chôn dưới đất, thùng đựng đồ hộp; họ còn tìm thấy một thùng rượu trên chiếc xe bò, dưới lớp cỏ khô và chính ở chỗ đó họ tìm thấy bộ quân phục sĩ quan Đức mới nguyên bị vứt lại, trong túi có cây thánh giá bằng sắt và chiếc gương con này. Hẳn là tên Đức bỏ chạy chỉ cầu xin Chúa có một điều: được sống. Và giờ đây, nếu còn sống, hắn sẽ tiếc cây thánh giá, có lẽ hắn sẽ không được phát chiếc mới. Ôbukhov lấy cây thánh giá sắt để chơi, anh nói: trở về, anh sẽ đeo cây thánh giá vào vòng cổ chó - để cho chó sủa.
Trêchiakov nhấc mũ ra, đặt lên đầu gối tự ngắm nhìn mình trong chiếc gương thép, mơ màng nghĩ đến Xasa, đến mẹ, đến Lianka, đến Ôđetxa, đến Biển Đen phía trước, trong đời anh chưa lần nào đến đó. Chiếm được Ôđetxa phải ngủ một giấc! Hai ngày hai đêm. Giá như người ta tuyên bố với cả quân ta và quân Đức như vậy: đi ngủ! Tất cả mọi người sẽ ngã khuỵu xuống và ngủ mê mệt. Chỉ có trong chiến tranh mới không xảy ra chuyện ấy. Trong chiến tranh người ra trận lần đầu sẽ không chịu đựng nổi điều đó. Nghĩ cũng sợ thật, biết bao chuvện đã xảy ra suốt những năm tháng này. Đấy là năm bốn mươi mốt anh còn chưa tham gia chiến đấu. Những người đã tham gia chiến đấu dạo đó, nay chỉ còn lại rất ít. Thật tiếc cho họ - những người hy sinh năm bốn mươi mốt, lúc mà tất cả mọi cái đang sụp đổ. Chính họ không được trông thấy chiến thắng dù chỉ từ xa.

Trong thư mẹ và Lianka chúc mừng anh nhân ngày sinh nhật: 28 tháng Tư anh vừa tròn hai mươi tuổi. Có một lúc nào đó anh cảm thấy: hai mươi lăm tuổi - đấy là một người già nua lắm rồi. Chuyện gì xảy ra vào ngày này năm ngoái nhỉ? Hồi đó, anh còn ở trường sĩ quan, đúng phiên anh gác - bảo vệ bãi pháo. Gác đêm là tốt nhất, nếu trời không lạnh. Đứng gác một mình, sao nhấp nhánh trên đầu, muốn nghĩ gì thì nghĩ. Chỉ vào ban đêm, các học viên mới được nghĩ tự do, nhưng đúng lúc đó họ lại phải ngủ. Còn ban ngày thì không có giây phút nào để nghĩ về mình.
Chiếc xe xích lắc lư, mọi vật loang loáng trong gương: lúc là cái cằm, lúc là cái trán ngấn nắng chia làm đôi, tóc rối bù dưới mũ.
Ba biên đội máy bay tiêm kích của ta lượn cao tít phía trên con đường, trên đầu mọi người. Từ trên cao, họ thấy rõ mồn một những gì đang diễn ra ở dưới mặt đất. Chắc thấy rõ cả tiểu đoàn pháo hạng nặng của họ đang dăng dài trong lúc hành quân. Cùng với bộ binh cơ giới hóa, cùng với pháo hạng nhẹ, pháo hạng nặng được ném vào cửa đột phá, hỗ trợ cho xe tăng. Chắc chắn, trông thấy rõ ở phía trước xe tăng quân mình đang chiến đấu như thế nào.
Đêm đó họ tiến vào nhà ga, ở đó có một đoàn tàu quân sự Đức. Hóa ra là đoàn tàu chở thương binh tới đây sau khi xe tăng ta lọt vào ga. Bọn Đức tháo chạy, rúc vào nhà dân, không cho dân ra. Sau đó bộ binh ta đã tóm được chúng ở ngoài vườn rau, trong các hầm chứa, và họ đã bắn những tên nào đó trong lúc chạy nhốn nháo. Cho đến lúc này, vẫn còn nhiều tên bỏ chạy, nấp vào đâu đó, đêm đến chúng sẽ vượt vòng vây về với quân chúng.
Trêchiakov thiu thiu ngủ trong tiếng xe xích chạy ầm ầm, lắc lư đều đều và đúng lúc đó anh chợt tỉnh. Đã sang khu vực khác, cả khu vực đó nghiêng nghiêng bên sườn dốc và đường chân trời ngay phía trước chắn ngang mất tầm mắt.
Phía trước, trên đường đi đang xẩy ra chuyện gì đó. Tiểu đoàn trưởng ngồi trên lưng ngựa, trông ông cao hơn tất cả mọi người. Dáng người bé nhỏ, bởi thế ông luôn cố leo lên trên bất cứ một cái gì đó cho cao hơn.
Đứng bên ông, chú ngựa đang gõ móng, các sĩ quan vây quanh, tiểu đoàn trưởng giơ tay chỉ qua đầu họ. Đại đội sáu đang đi phía trước, bỗng rẽ ngoặt sang bên, xe xích kéo pháo trên khắp cánh đồng.
Trêchiakov nhảy xuống, chạy đến. Gôrôdilin chạy lại đón anh, quát lên từ xa:
 - Alavidze đâu?
“Alavidze” mà anh ta lại gọi cứ như là “Alavidzia”.
- Alaviđze ở đây!
- Anh cùng với cậu ấy đưa pháo vào khe hẻm kia. Triển khai ngay trên đường đi khu vực bắn...
Đạn pháo vút qua đầu họ nổ tung trên đồng. Và ngay lập tức một tràng súng máy vang lên gần đấy. Rất có thể súng máy vẫn bắn tành tạch suốt, nhưng vì tiếng động cợ gào rú nên không nghe thấy chăng?
- Đại đội trưởng, có chuyện gì vậy?
- Có lệnh chiếm tuyến phòng ngự. Chỗ nào đó bên phải quân Đức đang chọc thủng vòng vây.
- Thế xe tăng của quân ta đâu?  
- Xe tăng ở phía trước. Nhìn chung là thế này: tôi sẽ tự bố trí đại đội. Cậu thấy bụi cây kia chứ? Đưa ô-tô chở đạn đến đó. Tìm cách ngụy trang. Nhanh lên!
Trêchiakov chạy đến bên ô-tô, vừa chạy, anh vừa tập hợp trung đội:
- Tsabarov! Đánh chiếc “Ford” vào bụi cây kia!
Rồi anh nhảy lên bậc xe. Ôbuxov và Kưchin ôm súng tiểu liên nhảy lên bậc bên kia. Đó là chiếc xe DIX cũ kỹ, cabin bằng gỗ, đã chạy được nửa cuộc chiến tranh. Tay giữ cửa đứng trên bậc xe đang nảy tung trên cánh đồng đã cày, Trêchiakov chỉ đường cho lái xe, và từ buồng lái anh nhìn ra khắp khu vực, anh muốn hiểu chuyện gì xảy ra. Anh trông thấy rõ các đại đội đang bò tản ra khắp cánh đồng. Và một vài tiếng nổ vẫn nổ dựng trên cánh đồng. Súng bắn mạnh. Ai đó phóng ngựa trên đường, chỉ thấy bụi tung lên ở phía sau. Và bỗng tất cả trở nên khác hẳn, tựa như trước trận đánh, mặt trời cũng trở nên chói chang hơn.
Cúi bên người lái xe, Trêchiakov chỉ cho anh ta thấy nên vòng theo hướng nào. Anh đã quan sát thấy sườn dốc dựng đứng, cần dừng lại chỗ đó, đây chính là cách ngụy trang tốt nhất. Lái xe gật đầu, và anh nhảy ra khỏi bậc xe, chạy trở lại, một chiếc xe “Ford” chiến lợi phẩm đang bị pa-ti-nê.
Anh chạy chưa đầy trăm mét, súng tiểu liên vẫn lia hết băng này sang băng khác. Chiếc ô-tô dừng lại, trên bậc xe Ôbuxov chĩa súng ra, Kưchin ôm súng tiểu liên trong tay lùi lại sau xe, sát bên lùm cây, cứ như đi vòng quanh một vật gì. Trêchiakov chạy đến với họ, vừa chạy vừa rút súng ngắn ra, anh nghe thấy tiếng quát lạ lùng của Ôbuxov, tay giữ cò súng, mặt tái xanh:
- Henđơ hox! (Giơ tay lên!)
Và anh ta vảy súng thúc giục từ xa :
- Snel, snel! (Nhanh lên, nhanh lên!)
Trông thấy trung úy chạy đến, Ôbuxov hét lên sung sướng:  
- Suýt nữa thì chúng tôi chẹt phải chúng. Chúng nằm đó... Suýt nữa thì chẹt phải!
Từ lùm cây, bọn Đức nhô đầu ra, ngập ngừng giơ tay lên. Chạy tới nơi, Trêchiakov hua súng xua bọn Đức trên cánh đồng. Ôbuxov, Kưchin và người lái xe vừa trườn từ cabin xuống, hốt hoảng chẳng kém gì bọn Đức, lăm lăm súng đi kèm bọn chúng, lính trinh sát từ xe khác chạy đến, lùng sục khắp các lùm cây. Và không hiểu từ đâu mọi người chạy bổ đến.
- Tóm được chúng ở đâu đấy?
- Nhìn kìa, nhìn kìa! Ôi quân tàn bạo! Còn nghiêng nghiêng ngó ngó kìa!
- Chúng nằm ở đấy à?
- Suýt nữa chẹt phải chúng.
- Chúng nằm ở trong lùm cây kia à?
- Tôi nghe thấy tiếng súng nổ...
Mười bốn tên Đức sợ bị trừng phạt, đang đứng trên cánh đồng, túm tụm thành đám, nhìn nét mặt, cố hiểu xem điều gì đang chờ đón chúng. Chúng hoảng sợ cụp mắt xuống trước ánh mắt của mọi người. Tất cả các gương mặt, đã mất hết tính người, dúm dó lại vì sợ hãi. Chúng lén lút nhìn, lắng nghe loạt đạn nổ không xa. Có một vài tên quấn băng trông trắng xóa.
Tsabarov lôi được thêm hai tên nữa trong các bụi cây ra và anh vừa đạp vừa đá chúng đi, súng lăm lăm trong tay. Các chiến sĩ đang đứng chờ - người thì cười hô hố, người thì quắc mắt căm thù. Bọn Đức hốt hoảng nép vào nhau. Chạy tới nơi, hai tên nhào vào đám lính Đức, đám lính Đức rùng rùng chuyển động. Và lúc này tên sĩ quan đứng gần Trêchiakov hơn những tên khác, nở nụ cười xin phép, bỏ cánh tay duy nhất đang giơ cao xuống - còn tay kia, cuộn đầy băng treo lủng lẳng trước ngực, hối hả lục tìm thứ gì đó, từ chiếc xà cột dã chiến, hắn rút ra và chìa cho Trêchiakov thấy, ấp úng bằng tiếng Đức. Trên bộ mặt vừa rửa ráy của hắn, những giọt nước mắt đùng đục lăn xuống. Tên Đức cầm trong tay chiếc vòng nhựa và thước đo tọa độ pháo binh, nhưng không giống như thước của ta, hắn chìa những thứ đó ra, đưa mắt khích lệ, đầu gật gật.
Trêchiakov bất giác tránh ra. Và bất ngờ với cả chính bản thân mình, anh nói to với bọn Đức:
- Nixt Sixen! (Không bắn!). - Và ra hiệu cho chúng thấy rằng chúng sẽ không bị bắn. - Arbaiten! (Làm việc!) - Nax Xibir! (Tại Xibir!)
Đám tù binh bắt đầu rì rầm, những nụ cười nhợt nhạt thoáng hiện trên mặt chúng. Từ sau đỉnh núi, một viên đạn đại bác Đức bắn tới nổ tung lên cách đó không xa, - Trêchiakov bắt gặp cái nhìn hí hửng độc ác của tên lính Đức nào đó trong đám tù binh hướng vào anh.
Tsabarov dồn tù binh lại, tịch thu vũ khí, ném những chiếc xà cột dã chiến, túi dết thành một đống chung trên mặt đất.
- Làm gì với tất cả bọn chúng bây giờ nhỉ? - Anh hỏi.
- Còn làm gì nữa? - Tức giận với chính mình vì lòng thương hại đột ngột đó, Trêchiakov hét lên để tất cả cùng nghe thấy. - Tất cả bọn chúng được bao nhiêu sức ngựa? Nào, hãy dồn chúng lại, để chúng kéo chiếc “Ford”.
Các chiến sĩ cười ầm ĩ, Ôbuxov xua đám tù binh lại gần chiếc xe đang sa lầy trên cánh đồng đã cày:
- Arbaiten! Arbaiten! (Làm việc! Làm việc đi!)
Bọn Đức không hiểu ngay ra người ta đòi hỏi ở chúng điều gì, chúng vây kín chiếc ô tô, chúng không đẩy được bao nhiêu mà chỉ áp người vào chiếc ôtô.
Các chiến sĩ quát lèn :
- Nào, hai  ba, này! Hai - ba này!
- Đẩy đi! Đẩy đi!
Một vài tiếng nổ rít lên không xa trên đầu. Trong thùng xe đầy đạn pháo. Nếu có quả đạn nào rơi trúng vào chiếc xe sẽ nổ tung, cả những tên Đức đang vây kín chiếc ô tô, cả các chiến sĩ đang hò hét giúp chúng, tất cả sẽ chỉ còn lại là một cái hố chung hình phễu. Trong thâm tâm bọn Đức đang cố sức, có một tên nào đó đứng ra chỉ huy chúng, chiếc xe rú máy, rùng lên vì cố sức, một vài bận gần như nó leo lên được nhưng rồi lại tuột xuống rãnh xe. Bọn chúng lại cố đẩy. Người lái xe mở cửa quát lên điều gì đó, chiếc xe chuyển mình bò lên vào phút cuối, các chiến sĩ không dằn được, chạy ùa tới, tỳ vai, tỳ tay đẩy, những đôi ủng sục vào đất dưới chân. Chiếc xe tải rùng rùng cố sức lần cuối, chuyển bánh chạy vọt lên, và theo quán tính, tất cả chạy theo xe vài bước nữa mới dừng lại. Sau công việc chung ấy, các gương mặt cùng nở nụ cười.
- Nào, đưa chúng đi... Kưchin, Ôbuxov! - Nghe thấy đạn pháo bay vèo vèo, Trêchiakov cau có ra lệnh.  
- Đưa chúng về hậu phương... Nào... Nhanh lên! - Anh tiếp tục nói và nghe thấy đạn pháo bay về hướng này, cả bọn Đức cùng nghe thấy thế và chúng càng lắng tai nghe mãi.
Thùng xe tải nặng nề lắc lư chạy xa dần, trông như nó đang lún xuống trong các lùm cây. Hai tiếng nổ nối tiếp nhau trên cánh đồng, che khuất chiếc ô tô.
- “Trệch rồi!” - Trêchiakov còn kịp nghĩ. Đúng lúc ấy, một cú giáng vào anh mạnh đến nỗi anh không đứng vững được nữa, tay trái anh bị trúng đạn. Đám tù binh gào lên, giãn ra. Một tên Đức quằn quại trên mặt đất.
Trêchiakov thử nhấc tay lên, cánh tay bị gẫy một cách lạ lùng, lủng lẳng trong ống tay áo rách. Và khi cơn đau bắt đầu dội lên, người anh choáng váng. Mắt nheo nheo như bị chói nắng, anh cắn răng, lấy cái đau thắng cái đau. Anh thoáng trông thấy báng súng trường loang loáng trong tay Tsabarov, tên Đức cao lêu nghêu lùi lại, giơ tay che bộ mặt giập nát.
- Đừng đánh! - Trêchiakov quát lên và không nén nổi cái đau, anh bắt đầu rên rỉ.

Khoảng tiếng rưỡi sau, bác sĩ trung đoàn nắn lại chỗ xương bị gãy, băng nẹp vào cho anh.
- Buộc cho anh ấy cao lên nữa, - bàc sĩ nói với cô y tá đang treo cánh tay anh lên chiếc băng chéo. - Thế nữa! - và bắt đầu ngắm nghía công việc của mình.
- Họ sẽ cưa tay tôi chứ? - Trêchiakov hỏi, không giấu nổi nỗi khiếp sợ.
Bác sĩ mỉm cười, đáp bằng giọng sảng khoái quen thuộc:
- Anh còn chiến đấu được bằng cánh tay ấy. Anh sẽ còn tiêu diệt được bọn Đức bằng cánh tay ấy. Tất nhiên, nếu chiến tranh không kết thúc sớm hơn.
- Cám ơn bác sĩ! - Trêchiakov nói. - Đây là lần thứ ba, tôi bị vào cánh tay này.
- Lần thứ ba, tức là lần cuối cùng. Trong cuộc đời, mọi điều đều không diễn quá ba lần...

Không nhiều người bị thương, tất cả thương binh ai có thể đi và bò được, đều chuyển dần sang phía có nắng của ngôi nhà, chờ được gửi đi, cả bác sĩ cũng ra đường đứng đợi.
- Thế nào, ở đằng đó có đông bọn Đức không? - người bác sĩ hỏi, tai lắng nghe tiếng pháo ầm ầm cách đó không xa. - Chúng dùng sức phá vỡ vòng vây phải không?
Lúc này Trêchiakov bắt gặp thoáng lo lắng trong giọng nói của bác sĩ.
- Không, không như vậy đâu. Nhưng các đồng chí vẫn phải cắt gác đêm.
- Cử ai mới được ?
- Cử các thương binh nhẹ thuộc đơn vị cứu thương ấy...
- Thương binh thì cần phải được bình phục. - bác sĩ nói, đôi lông mày trên gương mặt bác sĩ nhướn lên với vẻ triết lý.
- Nếu muốn sống, họ sẽ gác...
Trêchiakov vụng về ngọ ngoạy vai, đau nhói. Anh cau có dõi theo người trung sĩ ria rậm, khỏe mạnh, rắn rỏi, tay cầm chổi bước ra khỏi nhà quét thềm, cúi người xuống chăm chú quét tung bụi lên.
- Anh đừng có mà thương xót cái lũ chây lười, - Trêchiakov nói với bác sĩ. - Bọn Đức đang rải rác ở đây, rồi thì chúng sẽ dạy dỗ cho. Ban ngày chúng phòng thân, nấp trong các bụi cây, chúng tôi suýt chẹt phải chúng nó đấy, còn ban đêm thì... Vũ khí vứt lăn lóc khắp nơi.

Xe tải thương đến, người ta bắt đầu chuyển thương binh. Anh tự quyết định sẽ đi chuyến thứ hai, bởi vì còn có những thương binh nặng hơn. Trêchiakov mặc áo ca-pốt ngồi bệt xuống bậc thềm, nhìn người phụ trách tải thương, một phụ nữ trẻ trung, hách dịch, sỗ sàng đứng điều hành bên chiếc xe; người lính đánh xe ngựa giật nảy mình vì giọng nói của chị, cuống quýt thi hành nhưng lại không đúng theo yêu cầu.
Họ đưa một thương binh nặng lên xe. Rồi đặt anh ta nằm xuống lớp rơm ở đáy xe, anh ta rất yếu.
Người nào tự lết ra xe được thì cố làm ra vẻ đáng thương hơn, Trêchiakov móc chiếc bật lửa từ trong túi ra, bắt đầu hút thuốc, anh nuốt khói thật sâu, thật ngon lành, nhìn vạt áo capốt của mình, máu anh đã khô, màu gỉ sắt. Anh vò áo, thử xóa sạch vết máu. Vết thương được tiêm nôvôcain giờ đây hoàn toàn không còn làm anh lo lắng, anh có thể chịu dựng được nỗi đau như thể. Họ sẽ còn tháo băng đẫm máu khỏi vết thương mới một vài lần nữa, cho đến khi vết thương ấy mưng mủ và băng tự bong ra. Trong thâm tâm anh đã mường tượng được trước cả một chặng đường đang chờ đón anh. Lần này, có lẽ tay anh phải bó bột. Anh nhớ đến chàng trai trên chuyến tàu tải thương đã dưa tay nhón dòi ở vết thương. Chắc là sẽ khó chịu lắm đây, khi mà ngứa ngáy dưới lớp bột ấy.
- Đồng chí trung úy! Lại đây!
Từ chỗ chiếc xe, bác sĩ gọi anh và vẫy tay. Ngay từ đầu anh đã quyết định chuyến xe này không có chỗ dành cho anh, bây giờ được điều chỉnh như vậy. Trêchiakov rất sung sướng. Anh bước lại gần chiếc xe.
- Anh ngồi xuống đây, - bác sĩ nói. - Đi thôi.
Và lúc lên đường, còn thận trọng vỗ vào lưng anh.
Lúc này, khi anh được đưa về hậu phương, anh lờ mờ cảm thấy mình có tội với tất cả những người còn ở lại. Và ngay lập tức, anh thấy người chiến sĩ đứng tuổi bên tường nhà. Anh ta ngồi dưới đất, duỗi dài bàn chân cuốn đầy băng mới thay, cười khẩy và ngay lập tức cụp mắt xuống. Trêchiakov trùng trình:
- Các đồng chí đưa người này lên, - anh khẽ nói với bác sĩ. - Tôi còn đi được.
Nhưng người lính đã nghe thấy, anh ta loay hoay trên mặt đất, toàn thân cúi gập xuống, tỳ tay vào cây gậy, nhảy đến bên chiếc xe. Mắt vẫn cụp xuống, anh ta chui vào xe hệt như người nhặt lại được vật riêng của mình. Và ngay lập tức anh ta giục giã người đánh xe:
- Nào, còn chờ gì nữa! Đi thôi...
- Đừng có mà ra lệnh! - Chị phụ trách tải thương quát anh ta lạc cả giọng. Chị bước đến ngồi cạnh người đánh xe. - Tự động ra lệnh... Tôi lại đuổi xuống bây giờ!
Anh lính vẫn không nghe thấy, cứ như người ta nói với ai ấy chứ không phải nói với anh ta. Chị phụ trách tải thương ngồi dịch lại trên tấm gỗ nằm ngang, giận dữ nói với Trêchiakov:
- Ngồi xuống đây, đồng chí trung úy. Ở đây ai cũng ra lệnh được.
Anh nắm chặt tay bác sĩ, không biết tại sao ngoảnh nhìn lần cuối, rồi chui vào xe ngồi cạnh chị phụ trách tải thương. Thôi, thế là xong.
Cuộc đời kết thúc một vòng quay nào đó của mình.

Và thế là anh ra đi, lưng quay về hướng mặt trận. Trung đội của anh, cuộc chiến tranh... tất cả đều nằm tại phía sau. Mùa xuân, mùi mồ hôi từ lưng ngựa bốc lên, những chiếc lông hung hung cắt ngắn trên mình chúng bóng mượt lên. Mặt trời chiếu sáng, cả thảo nguyên màu ám khói trải dài, bóng những đám mây in trên thảo nguyên, xa xa mờ xanh hoặc là những ngọn đồi hoặc là những ngọn nủí. Và cao tít trên đầu, cao tít trên bầu trời sáng chói những cụm mây trắng nối theo nhau. Trời ơi, trên thế giới này tuyệt diệu biết bao, thoáng đãng biết bao! Hệt như lần đầu anh trông thấy vạn vật như vậy.
Bóng mây nhảy nhót trên lưng ngựa, anh thoáng cảm thấy bóng mây ấy trên gương mặt mình, anh nheo mắt lại vì chói nắng.
- Ghìm lại một chút, - anh nói với người đánh xe, và khi anh ta kéo căng sợi giây cương, anh bèn trườn xuống, đi bộ bên cạnh. Bị xóc, vết thương của anh lại bắt đầu đau. Nhưng anh biết chỉ đau một chút rồi sẽ hết, và anh thấy lòng mình thật yên tĩnh dễ chịu. Anh bước đi vịn bên tay lành lặn vào xe. Chị phụ trách tải thương từ trên cao ngó nhìn anh bằng đôi mắt thiếu ngủ đã lâu, rồi dịch ra mép tấm gỗ, ngồi vào chỗ của anh vừa bỏ trống.
- Chị chiến đấu đã lâu chưa? - Anh hỏi chuyện cốt quên đi nỗi đau.
- Kiếm thuốc hút đi. - Chị ngáp dài.
Chị còn rất trẻ, đôi mắt căng mọng, miệng nhỏ. Chị nheo mắt thành thạo châm thuốc từ điếu thuốc của người đánh xe, và ho lên khàn khàn sau hơi thuốc đầu tiên.  
Bóng mây đang lướt trên thảo nguyên, phủ kín cả khe nhỏ. Và đột nhiên ở đằng ấy có điều gì khiến Trêchiakov thấy cảnh giác. Anh không biết điều gì, nhưng đó là linh tính báo trước điều hiểm nguy. Theo thói quen, lúc nào anh cũng ý thức được mình là người chỉ huy, anh quan sát khắp khu vực, cả lúc anh ngồi trên xe, cả lúc anh đi bộ.
Những chú ngựa vẫn nện vó trên đường, người đánh xe giật dây cưong thúc ngựa, các thương binh hút thuốc. Anh bước đi bên cạnh, tay vịn chặt vào thành xe. Và họ cứ thế tiến đến gần khe xối. Từ phía dưới, anh nghiêm nghị ngước nhìn người phụ trách tải thương, cũng như anh đang nhìn về đằng đấy, anh không muốn làm chị hoảng sợ.
Bóng mây chuyển dịch, mặt trời lại soi xuống khe nhỏ. Không, anh đã cảnh giác vô ích.
- Chị chiến đấu đã lâu chưa? - Trêchiakov lại hỏi, anh quên mất rằng anh vừa hỏi chị điều đó.
- Lâu rồi, - chị đáp, sau khi ho giọng chị đã trở nên trong trẻo. -  Cả gia đình tôi cùng chiến đấu. Chị cả tôi ra mặt trận ngay sau khi chồng chị ấy bị giết chết. Em trai tôi cũng vậy. Chỉ có mẹ tôi và lũ cháu nhỏ ngồi nhà, chờ thư...
Anh bước đi bên cạnh và lại ngước lên nhìn chị. Giá đây là Xasa? Hay Lianka? Và lúc này, anh cảm thấy xót thương chị như là xót thương Xasa và Lianka.

Anh không nghe thấy loạt tiểu liên bắn. Anh bị trúng đạn, đạn cày dưới chân anh, anh buông thành xe ra và ngã xuống. Tất cả diễn ra trong nháy mắt. Nằm trên mặt đất, anh trông thấy lũ ngựa phi vút nhanh xuống dốc, và cô gái phụ trách tải thương giằng lấy dây cương từ tay người đánh xe, anh đưa mắt ước lượng cái khoảng cách giữa anh với mọi người. Và anh nổ súng hú họa.
Và ở đằng đấy, một loạt tiểu liên lại vang lên. Anh kịp nhận ra chúng bắn từ đâu, và còn nghĩ mình nằm ở thế bất lợi, ngay trên đường, nơi dễ thấy nhất, cần phải lăn xuống rãnh bên đường. Nhưng đúng vào lúc ấy, ở phía trước có cái gì đó lay động...
Thế giới thu hẹp lại... Giờ đây anh nhìn thấy thế giới qua khe ngắm. Đằng kia, trên đầu ruồi khẩu súng ngắn, ở cuối cánh tay đang duỗi căng của anh, lại thấy lay  động, một màu khói xam xám bốc lên trên nền trời, Trêchiakov nổ súng...

Khi người nữ phụ trách tải thương cho ngựa dừng lại, chị ngoảnh nhìn nơi chúng bắn họ và anh đã ngã xuống, không còn gì nữa. Chỉ có đám khói của một vụ nổ đang rời khỏi mặt đất. Và trên trời cao, những đám mây trắng xóa được gió chắp cánh vẫn lững lờ nối nhau trôi...

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét