Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 17

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

17

Bây giờ cô hàng xóm Phaia thường ra mở cửa cho Trêchiakov như mở cửa cho người thân nếu Xasa đi vắng, cô mời anh vào nhà đợi. Căn phòng cô lúc nào cũng ấm áp và trắng toát vì những tấm khăn trải và treo ở khắp nơi. Ở sát bên tường ấm áp kê chiếc giường với một chồng gối sặc sỡ.
Chân vẫn đi đồi giày vải xẻ ở sau để kéo lên che kín bắp chân - đó không phải là đôi ủng cứng do nhà máy sản xuất, mà là đôi giày vải mềm gửi từ quê lên - Phaia ngồi giữa đống vải vụn, khâu cái gì đó nho nhỏ hoặc đan một chiếc giầy tí xíu. Cô thở dài. Ngoài đường, chiếc đầu máy xe lửa nổi một hồi còi dài, Phaia quay đầu ra phía cửa sổ, lắng tai nghe hồi lâu, tiếng còi đã dứt, vậy mà cô vẫn lắng nghe. Sau đó, chiếc kim đan lại loang loáng trong tay cô. Giọng nói từ tốn của Phaia, những tiếng thở dài của cô và đôi kim đan ngay trước mắt khiến Trêchiakov thiu thiu buồn ngủ, đôi vai anh nóng bừng lên trong chỗ ấm.
- Họ đưa dân tản cư đến đây, ôi biết làm sao được! - Phaia thở dài. - Ai cũng có nhiều tiền, mà tiền càng nhiều bao nhiêu, thì giá cả lại càng tăng vọt lên.
Chiếc áo dài mặc ở nhà bằng vải flanen không còn ôm khít bụng Phaia, mái tóc thưa, chải gọn gàng, lấp lánh dưới chao đèn, và để cho lọn tóc không xõa xuống gáy, cô lấy chiếc lược hình cánh cung cài chặt vào tóc. Trong phòng yên tĩnh đến mức dường như cả thế giới này trở nên hoang vắng, thậm chí không thể tin được rằng ở đâu đây chiến tranh đang diễn ra.
- Có gì mà người ta không mang ra chợ bán, nhưng dân tản cư mua hết sạch. Họ mua vơ, mua vét như cướp giật từ trên tay người bán. Nhưng đồng tiền thì lại rẻ rúng, mọi người chẳng động được vào thứ gì.
Phaia nói những điều cô bận tâm, còn Trêchiakov thì theo đuổi ý nghĩ riêng: “Dân tản cư”... Hồi đầu chưa có từ ấy; người ta gọi như hồi chiến tranh lần trước: dân chạy loạn. Anh đang ở trên đường Plêkhanov, bỗng nghe thấy người ta kháo nhau: có bản cá trích. Đó là hồi đầu chiến tranh, vừa mới thực hiện chế độ tem phiếu. Thế mà ở đây, giống như hồi trước chiến tranh, chẳng cần đến tem phiếu.
Người ta lăn chiếc thùng gỗ từ lòng đường lên vỉa hè, bày cân ra, cô bán hàng mặc chiếc tạp dề ngấm nước muối nơi bụng, bắt tay vào bán cá: cô lôi cá từ trong thùng ra và ném phịch lên bàn cân. Thoáng một cái đã thành hàng và mọi người đã đổ xô đến, đổ xô đến, họ mừng vì gặp may.
Lúc này mà nhớ và nhìn lại thì thấy thật kỳ cục: bọn Đức đã đến Minxk, biết bao nhiêu người đã hy sinh, giờ nào cũng có người hy sinh, vậy mà ở đây người ta đang vui sướng với việc bán cá trích. Chính anh cũng thấy mừng rỡ, anh tưởng tượng cảnh mình hả hê mang cá về nhà: mua không phiếu đây! Anh nghe thấy trong hàng người ta hỏi nhau: “Có đủ cá cho tất cả mọi người không nhỉ? Xếp hàng? Hay là không xếp hàng?”. Xen vào đó là những câu chuyện khác: ở đâu đó phía Nam diễn ra một trận tăng chiến rất lớn, hơn một nghìn xe tăng của ta đã đánh tan quân Đức. Người ta tin tưởng, rất muốn tin tưởng rằng: mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp ngay lập tức. Nhưng ai đó am hiểu tin chính xác sẽ cắt nghĩa là lúc này bọn Đức đang rút chạy về phía sau...
Bỗng có luồng gió lạ thổi vào mọi người, dường như nó mang theo cả bồ hóng từ một đám cháy. Giữa lòng đường trên đường tàu điện xuất hiện những chiếc xe ngựa, đoàn người từ nơi khác đến, mỗi người ăn mặc một kiểu - người thì mặc váy lụa, người thì khoác áo lông giữa mùa hè. Lũ trẻ con ám khói ló mặt ra sau những cái địu. Đó là những người tản cư mà lần đầu tiên dân ở đây nhìn thấy: chiến tranh đã dồn đuổi họ lên phía trước. Mọi người liền nhường cho dân tản cư mua cá trước, hàng người xê ra xa bàn cân, nhưng họ chỉ hỏi nước uổng.
Có lần, trên đường từ trường sĩ quan ra mặt trận, Trêchiakov xuống ga Vêrêsaginô, nơi mẹ và em gái anh sơ tán, anh lại nhớ lại những người tản cư ấy. Mẹ anh cũng gầy guộc như những người phụ nữ ấy; môi khô, nứt nẻ đến rớm máu. Trên tay trái mẹ, chỗ ngón đeo nhẫn, anh nhìn thấy ngón tay cụt rung rung. Mẹ dường như thấy ngại ngùng với anh, giấu tay đi: “Đã liền da rồi con ạ”. sau đấy Lianka kể cho anh biết chuyện xảy ra ở nơi đốn củi. Mẹ còn có một vết sẹo rất khủng khiếp từ trên vai chạy suốt xuống lưng.
Ngây thơ như trẻ con, Phaia cho rằng không phải chiến tranh, mà chính “những người tản cư” có lỗi, bọn họ ai cũng lắm tiền, vì họ mà giá cả tăng vọt lên. Có nhiều người đang nghĩ như thế, họ chỉ nhìn thấy những gì trước mắt, những gì động chạm tới chính bản thân họ. Và họ cứ nghĩ như vậy, chẳng thể nào thay đổi được họ. Ít người hiểu được nguyên nhân và ít người quan tâm đến nguyên nhân.
- Phần lớn những người tản cư đầu tiên đến đây là dân Orsa cả. - Phaia thở dài, nét mặt cô lúc này lộ vẻ suy nghĩ. - Cái thành phố Orsa ấy ở đâu thế nhỉ?
- Ở Bêlôruxia.
- Anh Đanhilưts của tôi cũng bảo vậy. Không biết những người ấy nghĩ gì nhỉ? Chẳng đem theo thứ gì. Chỉ có quần áo trên người. Mà gia đình nào cũng rất đông con.
- Phaia ạ, họ mới thoát khỏi những trận ném bom. Những người sống sót đã cứu trẻ con đấy.
- Ôi, khủng khiếp thật, khủng khiếp thật! - Phaia đưa đầu lược gãi sống mũi. Và tuy cô nhướn cao đôi lông mày lên, trán vẫn không hề gợn một nếp nhăn nào, mà chỉ hơi dô ra. Cô lấy lược chải tóc, rồi cài vào lọn tóc sau gáy. - Mùa đông rét cóng như vậy thỉnh thoảng đi trực về, anh Đanhilưts vẫn kể rằng: “Sáng nay người ta lại lượm những người chết cóng ở nhà ga”. Chuyện Đanhilưts kể là thường, chính tôi cũng có lần thấy ở nhà ga, đằng kia kìa.
Ngoài cửa sổ, có tiếng ủng lạo xạo trên tuyết. Cả Phaia và Trêchiakov đều lắng tai nghe: Đanhilưts hay Xasa về? Cả hai đều chờ đợi người thân của mình. Cửa ra vào bật tung, Xasa không về phòng mình ngay mà ghé nhìn vào phòng Phaia, mặt cô đỏ ửng vì lạnh, tuyết phủ trắng trên chiếc khăn quàng ôm lấy khuôn mặt. Xasa sung sướng khi nhìn thấy Trêchiakov.
Cô nói từ ngoài hành lang :
- Em vừa gặp mẹ. Cổ mẹ quấn băng, trông mẹ thật tội nghiệp sau ô cửa sổ. Mẹ không nói được, chỉ gật đầu vói em sau lớp cửa kính...
Những hạt băng bám trên những sợi tơ của chiếc khăn quàng, trên hàng mi của Xasa đều tan ra vì hơi ấm, và sáng lên lấp lánh. Chưa bao giờ anh thấy cô đẹp đến thế.
Xasa cởi khăn, bỏ chiếc áo choàng lông, chỉ mặc chiếc váy hoa, cô chạy vào bếp rửa mặt. Trêchiakov treo chiếc áo lông còn mang hơi ấm của Xasa bên cạnh chiếc áo capot của mình, rồi nhìn hai cái áo. Anh mặc chiếc va-rơi không mang thắt lưng đứng giữa phòng đợi cô. Xasa quay vào, vừa lấy khăn lau, mặt, vừa nói líu ríu:
- Em ngủ với mẹ, thế mà em chẳng bị lây, có vậy bây giờ mới về đây được, em rửa mặt, rửa tay rồi... Em đứng mãi ngoài đường, vì người ta không cho vào, đằng nào thì cũng thế, đằng nào người em cũng có vi trùng.  
Xasa lôi chiếc xoong quấn trong áo bông từ dưới đệm ra.
Cô làm mọi việc chóng vánh :
- Bây giờ chúng mình sẽ nhóm lò.
Nói rồi, cô vơ những thanh củi sấy khô mang đến bên bếp lò ngoài hành lang. :
- Bây giờ vắng mẹ, đêm em cũng nhóm được lò, - cô nói khi ngồi xổm bóc vỏ củi bạch dương ra nhóm lò. - Em đi vắng suốt ngày, thế nên ít ra buổi sáng anh cũng ở trong nhà đừng khi nào ra ngoài trời lạnh liền.
- Xasa, em ăn gì bây giờ?
- Kìa anh! chúng mình có khoai tây.
Hai người xếp vỏ bào và củi, rồi nhóm lửa. Khói gỗ bạch dương thoang thoảng, ánh lửa từ bếp lò chiếu sáng cả hành lang.
- Khoan hút thuốc anh. - Xasa vừa nói, vừa bóc vỏ củ khoai tây nguội cho anh.
- Anh không muốn ăn, - Trêchiakov nói. - Anh vừa ăn rồi.
- Sao lại có thể không muốn ăn khoai tây được nhỉ? Với em, chỉ riêng mùi thơm của nó cũng... Đây là khoai tây nhà trồng, chứ không phải khoai mua.
Củ khoai tây to bóc hết vỏ lấp lánh trong ánh lửa.
- Anh này...
Anh cầm lấy củ khoai, chờ Xasa bóc xong khoai cho mình.  
- Anh có thích khoai tây luộc cả vỏ thế này không? Em rất thích. Thế khoai tây với sữa, anh có thích không? - Không chờ được, cô cắn luôn một miếng.
- Anh ăn đi. Em đã thêu xong váy cho chị bán sữa ở đây, phải thêu suốt cả tháng đấy. Cho chân lên giường xong, là mắt liếc vào sách, tay thì thêu. Em thêu hoa thỉ xa trên nền vải xám ở chỗ tay, chỗ ngực và quanh diềm váy. - Cô giơ tay phác trong không khí, và anh nhìn thấy cô mặc chiếc váy ấy. Những bông hoa thỉ xa rất hợp với đôi mắt xám của cô. - Chị ấy mang đến cho hẳn một phần tư lít sữa... Em quên muối mất rồi!
- Chẳng cần muối cũng vẫn ngon, em ạ.
- Em cũng thấy thế. Đây là loại đặc biệt hay sao ấy. Anh có tin không, trồng toàn bằng mầm thôi đấy. Thế mà củ to như vậy, chỉ một khóm mà được những nửa thùng khoai.
Cô chạy vào phòng, mang chiếc đĩa nhỏ đựng muối đặt lên tấm sắt trước lò. Từ bếp lò, ánh lửa hồng hắt ra nhảy nhót trên gương mặt họ, trên tấm sắt sáng loáng. Hai người ngồi trên chiếc ghế thấp trước bếp lò, chấm khoai tây vào đĩa muối hồng vì ánh lửa.
- Hồi ấy, chính anh trông hoàn toàn không như thế này. - Xasa nói. - Mặt anh khác cơ.
- Khác như thế nào?
Cô cười phá lên:
- Bây giờ em không thể nhớ được nữa. Chỉ biết là khuôn mặt của người khác. Không, duy có một lần là không phải của người khác. Anh có biết khi nào không? Mọi người băng chân cho em, còn anh thì đi qua hành lang. Anh đi rồi, em vẫn nhìn theo, Anh làm ra vẻ như chỉ tình cờ đi ngang qua. Em bỗng thấy  thương anh. Nhưng dầu sao, đó cũng không phải là anh. Giá như em có thể không nhận ra anh. Anh còn nhớ chúng mình cùng ngồi trên bậu cửa sổ không?
- Hồi ấy, em thường chỉ nhìn anh thoáng qua thôi.
Xasa im lặng. Ánh lửa từ bếp lò hắt ra nhấp nhoáng trên mặt cô.
- Anh biết không, - cô nhìn anh, - lần đầu tiên thấy anh, anh trông cũng giống như bây giờ.
- Khi nào nhỉ?
- Không, không phải lúc đó em nhìn thấy, mà mãi sang ngày hôm sau em mới nhớ lại và nghĩ rằng anh nhiễm lạnh, chắc là anh ốm. Anh rét cóng trong chiếc áo capot, lại còn che gió cho em.
Họ chuyện trò, nhìn ngọn lửa và những gì họ nhìn thấy trong lửa là của chung hai người.
- Anh còn nhớ em hỏi: “Bên trong áo ca-pốt, anh còn mặc áo gì nữa?”. Anh cười: “Một tấm lòng!”. Mà môi anh thì không thốt lên lời. Sau đó suốt ngày em cứ nghĩ là anh sẽ ốm.
- Lúc đó em sợ anh đến thế.
- Không phải lúc đó đâu. Em phát hoảng lên lúc thấy anh từ sau lán gỗ bước ra. Anh không biết lúc ấy trông anh khủng khiếp ra sao đâu. Người anh xù lên như một con sói. Thậm chí em còn cảm thấy mắt anh long lên. Xung quanh chẳng có ai. Em sợ hết hồn.

Cửa bếp bật mạnh. Vaxili Đanhilôvits Piaxtêlôv, chồng Phaia, đi trực về, rảo bước qua hành lang. Băng bám trắng xóa trên những chiếc khuy sắt tây trên chiếc áo capot của nhân viên đường sắt, ngoài đường hôm nay trời rất lạnh. Đanhilưts đi ngang qua mà không gật đầu chào, trông kiêu hãnh trong bộ đồng phục. Nhưng khi bước ra khỏi phòng, anh biến thành một người khác hẳn, khoác áo bông, đi ủng bẹp dúm, tay cầm rìu, chiếc mũ trùm đầu cũ kỹ nhầu nát một bên tai. Anh ta ra nhà kho bổ củi, và dừng lại gần Xasa và Trêchiakôv:
- Bác Marưxia có đỡ hơn không?
- Hôm nay, em nhìn thấy mẹ em ngồi trong cửa sổ. - Xasa khoe.
- Tức là, bác bắt đầu hồi phục đấy!
Trong ánh lửa lấp loáng, khuôn mặt cô, sống mũi dài của Đanhilưts khi thì sáng lên, khi thì ưu phiền vì nghĩ ngợi.
- Bệnh của bác, trầm trọng, rất trầm trọng. - Anh đưa tay gãi cằm, nheo đôi mắt lờ đờ nhìn ngọn lửa, rồi kéo mũ. - người ta đưa bác đi, tôi cứ nghĩ bác khó qua khỏi. Cô phải xem, bác vẫn sống...
Xasa và Trêchiakov nhìn nhau, cố nén để khỏi bật cười. Đanhilưts không nhận ra điều đó. Anh còn đứng cạnh họ thêm lúc nữa, rồi mới cầm rìu, nhẹ nhàng bước đi trong đôi ủng há mõm.
Trông thấy Xasa vẫn đang bóc vỏ khoai tây, Trêchiakov châm lửa hút thuốc.
- Khoan đã anh. - Xasa lại nói.
- Thôi. Anh không ăn được nữa. Khi hút thuốc lá anh không thể ăn được nữa.
- Không thể thật à?
- Thật!
- Không, anh bịa mới vụng làm sao. Trông mắt anh lại rất thành thực.
- Anh không bịa.
- Ừ thì anh không bịa. Đây khi nào hút xong, anh ăn nốt củ này.
Cô lại bóc khoai cho mình:
- Hồi mùa thu, em với mẹ dỡ khoai tây, mong mãi mới đến lúc này, em nghĩ em với mẹ không bao giờ được ăn no. Bắp cải ở đây to làm sao! Ngay ở chợ Mátxcơva em cũng chưa thấy có bắp cải to như vậy. Trời đã có sương, không khí trong lành và rất lạnh, những chiếc bắp cải to trắng muốt nằm trên luống. Em có cảm tưởng như suốt đời em sẽ nhớ mãi mùi thơm dễ chịu ấy. Gia đình em được một khoảnh đất, nhỏ thôi, em với mẹ đến nơi, nhưng ở đó đất đã bị cuốc tung lên... Mẹ hoảng sợ, chạy đi chạy lại. “Họ lại lấy lại, cho người khác mất rồi”. Nhưng em trông thấy vỏ bao thuốc “Belomor” nằm lăn lóc ở đó. Vôlôđia hút thuốc “Belomor”. Em liền đoán ra ngay: Vôlôđia và Gienka đã cuốc ở đây.
Những thanh củi bạch dương còn ẩm cháy xèo xéo trong bếp, nhựa cây vàng khè đọng trên miếng gỗ, kê ở dưới. Xasa cúi xuống, đưa tay che cho đỡ nóng và đầy củi vào bếp, những ngón tay cô hồng rực lên trong ánh lửa.
- Hồi trước chiến tranh, mẹ em không thế đâu. Bây giờ thì cứ động hỏi gì là mẹ em lại trở nên yếu đuối. Nói rồi cô nhìn thẳng vào mắt anh. - Mẹ em... mẹ em là người Đức đấy.
Anh buột miệng nói :
- Em không giống mẹ.
- Em với mẹ cùng một khuôn mặt.
- Xasa, anh không muốn nói chuyện đó. - Lòng anh bỗng trào lên niềm thương xót đôi với cô. - Lúc này mà là người Đức...  
- Anh hiểu điều đó chứ? Một người đàn bà Đức, khi có chiến tranh với bọn Đức. Nhưng mẹ em đã được sinh ra như vậy, mẹ em nào có lỗi gì? Nhưng, nói chung, mẹ em cũng không hẳn là người Đức. Bà ngoại em là người Nga, còn ông em... ông đã giấu bà đưa tất cả con cái đến Phần Lan theo đạo Luyte. Từ trước cách mạng kia. Ông cho tất cả con cái vào giỏ, mang đi mà không cho bà biết. Chứ không thì bây giờ mẹ em đã mang quốc tịch Nga. Mà với một quốc tịch như vậy, mẹ việc gì phải đi đâu? và gia đình em đã chẳng phải rời khỏi Mátxcơva. Bố em rất lo cho mẹ. Ở mặt trận, bố viết cho cô Nhiuxia, em bố, là cho mẹ con em cùng ở, cùng sơ tán. Sau khi bố em hy sinh, mẹ thường bảo em: “Nếu mẹ có mệnh hệ nào, thì ít ra con cũng còn được ở với cô Nhiuxia. Nhưng như vậy là con chỉ còn lại có một mình”. Lúc nào trong người mẹ, cũng mang một mối lo sợ, mẹ sợ vì tất cả người Đức, vì tất cả những gì họ đã gây ra, mẹ luôn cảm thấy mình có lỗi. Trong mẹ, điều đó như một vết nhơ. Nếu không trải qua thì không thể nào hiểu được...
Nhưng anh hiểu và cảm thấy hết. Gia đình anh không có ai là người Đức. Cả cha và mẹ anh đều là người Nga. Nhưng cha anh đã bị bắt. Bốn năm trước chiến tranh, hai tiếng “Người Đức” chưa chứa đựng ý nghĩa gì như bây giờ, nhưng hồi ấy anh đã mang một vết nhơ, nên anh cảm thấy điều đó. Bây giờ, khi kể chuyện về gia đình mình, Xasa chỉ càng trở nên gần gũi với anh hơn mà thôi.
- Em vẫn còn thấy xấu hổ với mẹ em, - cô nói. - Mùa xuân đầu tiên ẫy mới khủng khiếp làm sao, bây giờ em vẫn không biết gia đình em đã qua được mùa xuân ấy như thế nào. Cha em hy sinh, giấy chứng nhận thì không có, tất cả những gì mang theo đều bán sạch. Buổi sáng, em uống một cốc nước nóng rồi đi thi. Có lần... thật xấu hổ! Những ngày ấy, mẹ em ốm nhưng em không thể không làm điều đó. Anh biết không, em đi mua bánh mì phiếu, mua luôn cho hai ngày, cả suất của mẹ và của em. Ra khỏi cửa hàng là em đã muốn ăn lắm rồi - em không thể chịu được. Mùi bánh mới hấp dẫn làm sao! Em quay lại, nhờ chị bán hàng cắt ra một miếng nhỏ. Chị ấy lấy con dao to thế này này cắt ra một miếng. Thế rồi em ăn. Em không thể nhịn được. Tất nhiên là mẹ biết. Điều đáng nói là hồi ấy mẹ không đi làm. - Xasa rơm rớm nước mắt. - Mẹ chỉ có phiếu ăn theo. Em thì đã học xong, và em đi làm vào buổi tối. Mẹ dường như sống dựa vào em, vậy mà em đã cắt phần bánh của mẹ và ăn lén. Em thấy xấu hổ khi nói ra chuyện này. Mà mẹ thì thế đấy, có thể cho đi những đồ vật cuối cùng của mình. Khi đó, nhà vẫn chưa bán hết đồ đạc, mùa đông năm ấy giá rét thật là khủng khiếp... Người đi xin, cũng là dân tản cư, nhất là khi họ dẫn cả trẻ con... Mẹ giấu em đem cho thứ gì đó. Rồi sau mẹ nói như có lỗi với em: “Con ạ, dù sao mẹ con mình vẫn còn được ấm áp...”.
Xasa đứng dậy, đi vào phòng. Lúc trở ra, mặt cô nhăn nhó, mắt đã ráo, hai má đỏ rực.
- Trong nhà vẫn lạnh lắm, - cô nói, - thôi ngồi uống trà ở đây vậy.
Cô mang cốc đến, nhấc chiếc ấm ám khói từ trên bếp xuống. Hành lang lập tức sáng bừng lên vì ánh lửa không bị che chắn. Hai người, ngồi quay mặt vào bếp, sau lưng hai cái bóng to sù của họ rung rinh  trên tường, rồi mờ dần trong bóng tối lờ mờ đỏ hồng dưới trần nhà.
- Tại sao mẹ em lại ốm ư? - Xasa nói.- Thằng Lenka nhà cô Nhiuxia mắc bệnh bạch hầu. Mẹ thuyết phục cô không đưa nó vào bệnh viện, kẻo nó sẽ chết trong đấy. Mọi người kiếm được sữa trong ở đâu đó. Còn mẹ thì tự tay chăm sóc nó. Mẹ sợ lây bệnh sang em. Mọi thứ mẹ đều sát trùng cả. Thế nhưng, chính mẹ bị lây bệnh...

Tối hôm ấy, anh đi dưới bầu trời mùa đông, dưới những đường dây điện to như dây chão, trắng xóa vì băng bám vào. Anh vừa đi vừa nghĩ. Anh nghĩ về Xasa, về chiến tranh, về những dòng máu suốt ba năm trời nay tuôn chảy trên các mặt trận, hòa lẫn vào nhau một cách kỳ quái.
Một người đàn ông nào đó cho con cái như cho những con mèo vào trong giỏ, rồi đưa sang Phần Lan theo đạo. Có sợi dây liên hệ nào không? Có, nhưng nó vô hình; trong tất cả mọi việc xảy ra, đều có sợi dây liên hệ giữa tất cả mọi người với từng người một. Nếu anh đồng ý ở lại ban tham mưu lữ đoàn, như trung úy Taranov thì không bao giờ anh gặp được Xasa. Chỉ có đứng ở đằng xa, bạn mới thấy được sự việc này liên quan đến sự việc khác.
Ánh đèn pha sáng chói làm tuyết sáng lên và hắt bóng anh đổ dài về phía trước. Trêchiakov quay lại, luồng ánh sáng chói lòa chạy dọc đường ray lao vút về phía anh, những hạt băng lóng lánh trong bóng đêm...
Bỏ đường xe lửa anh đi xuống phía dưới. Đoàn tàu nặng nề ầm ầm lao qua trên đoạn đường ray uốn cong, kéo theo luồng gió lạnh buốt: toa hàng, toa trần, những cỗ xe tăng trên các toa trần phủ vải bạt căng phồng, những người lính gác đi ủng đứng tránh gió ở đầu toa, những toa trần chất đầy đại bác, rồi lại những toa tầu, những cửa toa, những người lính gác, - tất cả thấp thoáng, thấp thoáng lao vút đi trong tiếng rầm rập, xình xịch của bánh xe và đám bụi tuyết trắng mờ cứ bốc lên cao mãi, cao mãi bên trên đoàn tàu đang phóng nhanh. Và trong cơn lốc tuyết cuồn cuộn ấy, thấp thoáng rồi khuất hẳn toa xe lửa cuối cùng. Đoàn tàu lao nhanh về phía mặt trận. Và có một điều gì đó, như đang rời khỏi lòng anh, cuốn theo đoàn tàu.
Anh cảm thấy trống trải vô cùng...
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét