Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 2

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

2

Những chiếc đầu tầu rống lên trên đường sắt ở ga Kupianxka, trên cái tháp lỗ chỗ các vết đạn, mặt trời chiếu xuyên qua lớp bồ hóng và khói. Mặt trời bị đẩy lùi xa nơi đây đến mức không nghe thấy tiếng nổ ì ầm. Chỉ có tốp máy bay ném bom của quân ta đang lao về hướng tây, làm rung chuyển mặt đất bởi tiếng gầm rú kinh người của chúng. Tiếng hơi nước phụt lên từ còi tàu mà không thấy tiếng, các đoàn tàu lăn bánh trên đường ray mà không nghe thấy tiếng. Và rồi sau đó Trechiakov dù có lắng tai nghe bao nhiêu đi nữa vẫn không thấy vọng về cả tiếng bom nổ từ đằng xa ấy.
Những ngày mà anh từ trường sĩ quan về thăm nhà và từ nhà đi qua khắp mọi miền đất nước đã hòa vào nhau giống như hai thanh ray luôn nhập làm một. Buông chiếc áo capot bộ đội mang quân hàm trung úy xuống đống đá răm hoen ố rỉ sắt, anh ngồi xuống một nhánh đường ray cụt, và bắt đầu ăn khan. Mặt trời rọi chiếu rất mùa thu, gió vờn những sợi tóc mới mọc trên đầu anh. Tháng chạp năm bốn mốt, từ chiếc tông đơ mái tóc loăn xoăn của anh vừa mới rơi xuống đã bị chiếc chổi sể quét lại thành từng búi trên sàn nhà cùng với những sợi tóc cũng loăn xoăn như thế, sẫm màu đen nhánh, hung hung, vàng nhạt, mềm mại hay cứng quèo, và thế là từ đó anh chưa phải cắt tóc thêm một lần nào. Vẻ đẹp tuyệt vời nguyên vẹn của anh trước chiến tranh chỉ còn trên một tấm ảnh ở chứng minh thư nhỏ xíu mà mẹ anh hiện giờ đang giữ.
Những cái đệm sắt của các toa tàu đụng nhau xoang xoảng, khí than cháy ngột ngạt cuốn đến, hơi nước xèo xèo, mọi người bỗng lao vút đi đâu đó, họ chạy, nhảy qua đường tàu; có lẽ chỉ riêng anh ở ga nào cũng vậy không hề vội vã. Ngày hôm nay đã hai lần anh đứng xếp hàng ở trạm hậu cần. Một bận, anh đã tiến sát ô cửa nhỏ, chìa giấy giới thiệu ra, nhưng hóa ra lại còn phải thanh toán một khoản gì nữa. Suốt cuộc chiến tranh nói chung anh quên mất thói quen mua bán, nên trong túi không có lấy một đồng xu. Ngoài mặt trận tất cả nhũng gì cần thiết hoặc là được cấp phát hoặc là nằm lăn lóc khắp nơi trong lúc tấn công, trong lúc rút lui: xin mời, mang được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Nhưng vào thời khắc này đối vói một người lính, bộ yên cương của mình cũng đã đủ nặng. Và sau đó ở tuyến phòng thủ trường kỳ và gay go hơn là thời gian học ở trường sĩ quan ăn uống theo tiêu chuẩn học viên hậu phương, nhiều lần anh nhớ lại chuyện các học viên sục sạo khắp nhà máy sữa bị phá hủy, dùng ga-men múc thứ sữa đặc quánh lại, sữa dây ra thành từng sợi như mật ong. Nhưng đối với những người đi giữa cơn nóng nực, môi khô nẻ và đen sì vì bụi bặm, thì thứ sữa ngọt ngào ấy, tắc nghẹn trong cổ hộng khô khốc. Hoặc là anh nhớ lại những đàn gia súc bị xua đuổi gầm rống lên khi họ vắt sữa chúng ngay giữa đường cái bụi mù...
Vòng ra sau tháp nước, Trêchiakov đành rút từ ba lô ra chiếc khăn mặt còn mới nguyên được cấp hồi ở trường sĩ quan. Anh chưa kịp mở khăn ra thì có mấy người ngay lập tức đã lăn xả vào. Đó là những người nông dân đang tuổi nhập ngũ nhưng lại trốn tránh chiến tranh, họ càn rỡ và ma mãnh làm sao: họ giật khăn khỏi tay anh, đảo mắt nhìn bốn phía, sẵn sàng biến mất trong nháy mắt. Không kỳ kèo, bán ngay chiếc khăn cho họ với giá rẻ và đứng xếp hàng lần thứ hai. Dòng người gồm các trung úy, đại úy, thượng úy chầm chậm nhích dần đến gần ô cửa nhỏ.
Người thì bận quần áo mới tinh, còn nguyên nếp gấp, kẻ mới ra viện thì mặc bộ quần áo vải bông cũ kỹ của ai đó đã dùng rồi. Người đầu tiên được nhận bộ bộ quân phục còn vương mùi dầu hỏa từ kho ra có thể đã vùi mình trong đất, còn bộ quân phục đã được giặt sạch sẽ, và mạng lại những chỗ đạn và mảnh đạn xuyên thủng, phục vụ niên hạn thứ hai.
Trên đường ra mặt trận, cả đoàn người dài dừng dặc đều đi qua ô cửa sổ ở trạm hậu cần, ai cũng chúi đầu xuống cửa: người thì mặt mày nhăn nhó, kẻ thì cười tươi, không làm sao cắt nghĩa nổi.
- Người tiếp theo! - Một giọng nói vang lên từ bên trong.  
Với tính tò mò Trêchiakov cũng nhìn vào bên trong ô cửa sổ trổ dưới thấp. Giữa những chiếc bao tải, những chiếc hòm đã cạy nắp, những chiếc túi to, giữa tất cả đống hàng hóa đó hai đôi ủng bốt can dẫm trên tấm ván cong võng xuống. Ống ủng bóng loáng, bao chật căng quanh các bắp chân, đế ủng bằng da, dáng thon thả, loại ủng không thể lội bùn được, chỉ đi ở chỗ khô ráo.
Người lính hậu cần đưa đôi tay đầy lông vàng vàng dính toan bột chộp lấy tờ giấy cấp phát nhu yếu phẩm khỏi tay mọi người, và ngay lập tức đẩy qua ô cửa sổ tất cả mọi thứ: cá hộp, đường, bánh mỳ, mỡ, nửa gói thuốc lá loại nhẹ.
- Người tiếp theo!
Và người tiếp theo vội vàng thò tấm giấy của mình qua đầu người đứng trước.

Bây giờ Tréchiakov đã chọn được một chỗ thưa người, anh ngôi lên đường tàu trước chiếc ba lô hệt như ngồi trước bàn, rồi vừa ăn khan vừa ngắm nhìn từ xa cảnh huyên náo ở nhà ga. Lòng anh thanh thản và yên tĩnh, dường như tất cả mọi điều đang diễn ra trước mắt vào một ngày hoe hoe nắng đầy bụi và bồ hóng, các đoàn tàu đang rú lên trên đường, mặt trời trên tháp nước - anh được ban thưởng nhìn thấy như vậy lần cuối cùng.
Một người phụ nữ bước lạo xạo trên đá răm, đến đằng sau anh, và dừng lại gần bên:
- Anh trung úy, đãi thuốc đi!
Chị nói vẻ trêu chọc, nhưng đôi mắt thiếu ăn của chị lại sáng rực lên. Người đói mà xin nước hoặc xin thuốc hút thi thấy dễ nói hơn.
- Ngồi xuổng đây! - Anh nói rất giản dị. Rồi anh cười thầm tự giễu mình, đúng lúc định buộc chặt ba lô, cương quyết không cắt thêm bánh mỳ để dành đủ ăn cho đến mặt trận. Ăn đủ no, hoặc ăn cho kỳ hết - đó là qui luật phổ biến ngoài chiến trường.
Cô gái ngồi ngay xuống cạnh anh trên đường ray hoen rỉ, kéo mép váy che đôi đầu gối gầy guộc. Chị cố không nhìn anh, khi anh cắt bánh mỳ và mỡ cho chị. Trên người chị toàn đồ tạp nham: áo va rơi bộ đội không có cổ lót, váy thường phục, cài bên sườn, đôi ủng Đức dúm dó, rạn nứt, mũi há toác. Chị ngồi ăn lưng quay lại, anh thấy tấm lưng chị và cả hai bên xương bả vai gầy gò cùng rung lên khi chị nuốt bánh.
Anh cắt thêm bánh mỳ và mỡ. Chị nhìn anh dò hỏi. Hiểu cái nhìn của chị, mặt anh bỗng đỏ bừng lên: Hai gò má dầu dãi gió mưa của anh đã bước sang năm thứ ba nay bỗng trở nên đen sạm. Nụ cười thông cảm khiến hai khóe môi mỏng của chị nhăn lại, chị bạo dạn đưa bàn tay có hàng móng tay trắng nhờ và những đốt tay thâm thâm, cầm chặt miếng bánh mỳ dính mỡ.
Từ dưới gầm tàu, một con chó giơ xương, lông trụi từng đám hai bên sườn chui ra, nhìn hai người từ đằng xa, vừa rên lên ư ử, vừa nuốt nước dãi. Người phụ nữ cúi xuống tìm hòn đá, con chó cụp đuôi chạy rối lên sủa ăng ẳng.
Tiếng rầm rầm của sắt thép dội lên mỗi lúc một to truyền khắp đoàn tầu, các toa rùng rùng chuyển bánh lăn trên đường ray. Từ mọi ngả, đám công an áo xanh chạy về phía các toa tàu, nhảy lên các bậc lên xuống, len vào lối đi, làm các hòn than lăn qua thành tàu, rơi xuống sân ga.
- Bọn cá đấy, - người phụ nữ nói. - Đi kiểm tra nhân dân.
Và chị nhìn anh hỏi ra vẻ hiểu biết :
- Anh vừa ở trường sĩ quan ra hả?
- Đúng thế!
- Tóc anh màu hạt dẻ đang mọc đấy. Mà lông mày lại sẫm màu... Lần đầu tiên anh đến đây phải không?
Anh cười hóm hỉnh:
- Lần cuối cùng đấy!
- Này, anh đừng có đùa vậy! Anh trai em đi du kích đấy...
Thế rồi chị bắt đầu kể về người anh trai. Lúc đầu cũng là cấp chỉ huy, anh ta vượt vòng vây về nhà, rồi gia nhập đội du kích, và đã hy sinh. Chị kể thành thạo, rõ ràng, nghe không phải là lần dầu, rất có thể chị nói dối vì anh đã nghe nhiều câu chuyện tương tự như thế.
Một chiếc đầu tàu dừng lại gần hơn để lấy nước; từ ống sắt. một cột nước lớn đổ ập xuống.
- Em cũng là liên lạc của du kích! - chị ta kêu to lên. Tréchiakov gật đầu. - Giờ thì không có gì để làm bằng chứng cả!...
Hơi ở ống con phụt lên va vào tấm lá chắn bằng sắt, nghe như người ta đập gậy vào, ở ngay bên cạnh cũng không nghe thấy gì.
- Đi thôi, đi uống nước chứ? - Chị hét vào tận tai anh.
- Ở đâu cơ?
- Máy nước kia kìa!
Anh nhấc ba-lô lên :
- Nào thì đi !
- Rồi sau đó anh em mình sẽ hút chứ? - Chị vừa vội vã theo sau anh, vừa giao hẹn.
Đến bên máy nước họ mới sực nhớ ra: anh để quên chiếc áo va-rơi! Chị sốt sắng nhận:
- Để em lấy cho !..
Và với đôi ủng ngắn cũn cỡn, chị vừa chạy vừa nhảy qua đường ray.Liệu chị có mang áo đến không? Nhưng mà chạy theo thì thật là bất tiện. Từ đằng xa chiếc đầu máy đang cắt toa, các toa chở hàng trượt trên đường ray đột nhiên che khuất chị.
Chị đem áo đến. Chị kiêu hãnh quay trở lại mang chiếc áo va-rơi của anh trên tay, đầu ngất ngưởng chiếc mũ ca-lô. Họ lần lượt vừa uống nước, vừa cười đùa, và té nước vào nhau. Khẽ ấn vòi nước, anh nhìn chị uống, mắt nheo lại, miệng ghé vào luồng nước lạnh ngắt. Tóc chị lấp lánh những giọt nước, và dưới ánh mặt trời, mắt chị hóa ra là màu nâu trong trẻo, sáng ngời. Và anh ngạc nhiên thấy rằng chị có lẽ cũng trạc tuổi anh thôi. Thế mà thoạt đầu anh cứ tưởng chị không còn trẻ trung và tàn tạ: bởi vì chị quá đói.
Chị cọ ủng dưới vòi nước: vừa cọ ủng vừa nhìn anh. Đôi ủng sáng bóng lên. Chị bụm tay lấy nước phủi váy. Chị tiễn anh suốt dọc nhà ga. Họ đi bên nhau, anh khoác ba lô trên vai, chị cầm chiếc áo va-rơi của anh. Giống như người chị gái tiễn đưa anh. Hoặc đó là bạn gái của anh. Hai người bắt đầu chia tay, khi ấy mới biết rằng họ sẽ đi cùng đường.
Anh chặn chiếc xe tải quân sự trên đường nhựa, giúp chị leo lên thùng xe. Chị đã đặt chân lên vòng bánh cao su, nhưng không sao trèo nổi qua thành xe cao ngất: chiếc váy hẹp cản trở chị. Chị kêu anh:
- Quay mặt đi!
Và khi tiếng gót giầy vừa vang trên sàn gỗ, anh lập tức nhảy vào thùng xe.
Con đường vùn vụt lùi lại, bụi vôi phủ trắng xóa, Trêchiakov mở chiếc áo va-rơi và choàng lên lưng hai người. Chiếc áo che đầu họ khỏi gió và họ hôn nhau như điên.
- Ở lại đi anh! - chị nói.
Tim anh đập thình thịch, chực nhảy khỏi lồng ngực. Xe xóc dữ dội, răng họ va vào nhau.   
- Chỉ một ngày thôi...
Nhưng cả hai hiểu là họ chẳng còn gì hy vọng ngoài việc chia tay và không bao giờ gặp lại nhau nữa. Bởi thế họ không sao rời nhau ra được. Xe họ vượt qua một trung đội nữ. Từng hàng một, từng hàng một hiện lên khi bị tụt lại vì chiếc ô tô, riêng chuẩn úy vẫn đều bước bên cạnh, miệng há ra nhưng không nghe thấy tiếng hô, chỉ thấy bụi xộc vào miệng. Tất cả hiện lên mồn một và rồi bị một đám mây vôi bao phủ.
Đến lối vào làng, chị nhảy xuống và biến mất mãi cùng với một cái vẫy tay từ biệt. Tiếng chị từ xa còn vọng lại:
- Đừng đánh mất áo nhé !
Và chẳng mấy chốc sau đó cả anh cũng phải nhảy xuống.
Chiếc ô tô tải rẽ ngoặt nơi ngã ba. Anh ngồi bên vệ đường, hút thuốc và chờ một chiếc xe khác cùng chiều. Anh thấy tiếc là mình không ở lại. Ngay cả tên chị, anh cũng không hỏi. Mà tên họ thì để làm gì nhỉ?
Trung đội nữ mà họ vừa phóng vút qua vẫn đều bước trong bụi đường.
- Trung đội... - khi cho trung đội giải tán, chuẩn ủy vẫn dậm chân tại chỗ. - Đứng lại, đứng!
Các nữ chiến sĩ dừng lại, không một ai dậm chân đúng qui cách. Những gương mặt đỏ như đồng thau dưới ánh mặt trời, những sợi tóc vương đầy bụi.
Chân thẳng đơ, bước lùi về phía sau hàng quân, chuẩn úy cất giọng hô lanh lảnh:
- Đằng trước... Thẳng! Nghiêm!
Từ khoảng nách đến túi áo va-rơi của các cô gái đẫm mồ hôi. Bên kia đường, một cánh rừng thu nho nhỏ đang độ rụng lá theo gió. Chuẩn úy liếc ngang bằng đôi mắt mở to không tự nhiên, bước lên trước hàng quân, dậm ủng cồm cộp:
- Giải tán!...
Giọng hô của chuẩn úy nghe rất truyền cảm, giải tán vì một lý do cần thiết. Các cô gái cười vang chạy qua đường, vừa chạy vừa tháo súng cac-bin qua đầu. Chuẩn úy vui vẻ bước đến gần, giơ tay chào và ngồi xuống cạnh Trêchiakov, hệt như các cấp chỉ huy với nhau. Dưới chiếc mũ lưỡi trai mồ hôi của anh ta tuôn trên thái dương màu nâu bóng, tạo thành những đường sáng lấp lánh, hai bên má nóng rực.
- Tôi phải chăn dắt các cô lính thông tin! - Anh nháy mắt vui vẻ, mắt anh bị viêm vì bụi đường và vì ánh nắng mặt trời - Chức trách, chớ có nghĩ là xoàng đâu nhé!
Họ quấn thuốc. Bên kia đường, các cô gái gọi nhau í ới trong cánh rừng. Trung đội dần dần tập hợp. Các cô gái đầu đội mũ ca-lô, vai đeo quân hàm, súng các-bin quàng vai, từ cánh rừng bắt đầu lục tục quay lại, cô thì cầm lượm hoa vừa hái được, cô thì ôm bó lá thu. Họ xếp hàng rồi gióng đều. Chuẩn úy ra lệnh.
- Trung đội bước đều, hát!
Tiếng cười ồ lên đáp lại chuẩn úy. Anh ta chỉ biết chỉ trỏ từ đằng xa: đấy, cái ngữ quân của tôi thế đấy.
Ngồi bên vệ đường chờ chiếc xe cùng chiều, Trêchiakov nhìn theo trung đội nữ chiến sĩ đang vui vẻ bước đều trong đất bụi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét