Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 26

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

26

Trong cuộc tấn công vĩ đại mùa xuân năm 1944, triển khai tại miền Nam Ukraina, cuộc phản công của quân Đức ở vùng Apôxtơlavơ không thể làm thay đổi được gì - cả tiến triển của cuộc chiến tranh, cũng như tiến triển của lịch sử. Cuộc phản công ấy chỉ tạm thời làm chậm lại cuộc tấn công ở vùng này, trong phạm vi của các sự kiện đang diễn ra nó không mang một ý nghĩa nào. Nhưng đối với những người đã chống đỡ đòn tấn công ấy, thì đây lại là cuộc sống ban ơn cho họ sống lần nữa.
Mùa xuân bất thường đến sớm một tháng, biến những con đường mùa đông thành đất đen lầy lội, khí tài nặng chìm ngập trong đất bùn, xe chở đạn dược sa lầy, các cơ quan hậu cần rải dài trên những quãng đường dài hàng nghìn kilômét, và nhiên liệu chở ra mặt trận thì bị cháy trên đường. Nhưng họ đã kéo pháo lên, quân đoàn xe tăng tiến đến, đuổi kịp toán quân bị bọn Đức đột phá, và chính những chiếc xe tăng và xe bọc thép của quân Đức từng chọc thủng trận địa pháo, từng nã đạn và cán chết họ, giờ đây chúng bị phá hủy, bị bắn cháy và thậm chí vẫn còn có cái nguyên vẹn, tất cả đều lăn lóc, ngập trong bùn lầy trên khắp các cánh đồng.
Sang ngày thứ ba họ chôn cất các pháo thủ đã hy sinh. Tuyết tan hết, chỉ còn ở chỗ trũng và bên cánh rừng thưa hồi mùa đông gió dồn tuyết lại là còn những cục tuyết lấm lem xam xám. Những vũng nước lấp lánh dưới ánh mặt trời, các chiến sĩ đã hy sinh nằm giữa các vũng nước. Trên khắp cánh đồng, mặc áo capốt, áo bông ướt sũng, họ nằm cứng đờ lại nơi tử thần bắt gặp họ. Cánh đồng canh tác nằm ở khu trại Kravsov, năm này qua năm khác họ gieo trồng, gặt hái lúa mì, và mùa thu nào họ cũng lùa ngỗng ra cánh đồng rạ, giờ đây đối với họ, cánh đồng ấy trở thành bãi chiến trường cuối cùng trong cuộc đời của mình. Các chiến sĩ còn sống trượt chân trên đất đen màu mỡ, khó nhọc nhấc ủng lên khỏi mặt đất, đi lại, tìm kiếm và nhận biết những người hy sinh.
Trêchiakov tìm thấy Naxrullaev không xa cánh rừng thưa, khoảng hai trăm năm mươi mét kể từ chỗ chính anh ngã xuống tuyết và loạt đạn súng máy cuối cùng lia trên đầu anh. Anh nằm đó, ủng bết hàng pút đất đen, chân bị cán nát vặn vẹo một cách bất thường. Anh nằm ngửa, phơi mảng bụng vàng vàng để hở, chiếc áo bông bị xô lên tận cằm, đôi bàn tay lần cuối cùng gắng gượng đưa lên che mắt, nay đã cứng đờ, lơ lửng trên người và bất động trong vũng nước tuyết tan phẳng lặng. Một đám mây trắng lướt qua in bóng trong vũng nước. Lúc đó, anh ta kêu lên kinh khủng làm sao! Vành miệng đen ngòm, răng nhe ra đau đớn, dường như cho đến bây giờ vẫn giữ được những tiếng vọng câm lặng của tiếng kêu ấy.
Lần đầu tiên, Trêchiakov trông thấy anh ta, khi anh tiếp nhận trung đội, và từ đó anh còn nhớ mãi. Các chiến sĩ cởi trần đào hầm trú ẩn sau nhà, Naxrullaev nổi bật hẳn lên giữa đám lưng đẫm mồ hôi, phơi dưới mặt trời, lực lưỡng như võ sĩ, ngực đầy lông. Trong danh sách có ghi họ tên Dzedzelasvili, không hiểu sao Trêchiakov đã nghĩ ngay đó chính là anh.
Trong hầm pháo, Paravian ngồi giữa hai càng pháo mở rộng, lưng tựa vào một bên, đầu không đội mũ rũ xuống ngực. Một vệt máu khô vắt chéo từ gáy đến mang tai. Có nghĩa là Paravian vẫn còn sống nhưng một tên Đức nào đấy rẽ ngang qua và bắn vào anh.
Họ lượm được mười chín người trên cánh đồng và mai táng ở Kravsov. Không thấy Lavrenchev trong số đó. Nhiều người trông thấy anh ta ngã lộn xuống, tay ôm lưng, có thể Lavrenchev vẫn sống và bị bắt làm tù binh. Rồi chúng xả súng vào họ. Suốt chiến tranh, Lavrenchev ở đơn vị pháo chống tăng, sau khi ra viện anh ta chuyển sang trung đoàn pháo hạng nặng, anh ta vui sướng vì điều đó và cố gắng làm việc, ở trung đoàn pháo mọi chuyện đều tốt đẹp.
Anh ta bảo:
“Ở đây tôi có thể chiến đấu được!”.

Ngày xuân rực rỡ. Mặt trời lộng lẫy. Thế mà có một cái gì đó buông xuống trước mắt Trêchiakov, trời và ngày trở  nên tối sầm lại - bóng tối trùm lên tất cả.
Lính đầy chật sân của khu trại, xe máy, xe ngựa, đại bác nằm khắp nơi, các chiến sĩ vội vã đi từ sân này sang sân kia, lửa cháy rực trên mặt đất, các bếp ăn khói bay nghi ngút. Mùi khói bếp, mùi phân ngựa, mùi xăng quyện vào nhau.
Ở ngay sân bên cạnh mọi người í ới gọi Trêchiakov:
- Đồng chí trung úy! Đồng chí trung úy!
Cả trung đội anh ngồi bên bức tường nhà trắng toát được mặt trời sưởi ấm. Chiếc xe bò không còn bánh lật úp xuống giống như chiếc bàn, mọi người tùy ý vây quanh. Họ nhường chỗ cho anh. Một chiến sĩ tóc hung hung má lúm đồng tiền, mặt đỏ như gấc chạy vào bếp, nơi góc sân, đông đặc người, vừa chen lấn vừa la hét, rồi bưng gamen xúp ra. Anh ta không mặc áo capốt, vai rộng, hông nhô, dây lưng thắt chặt. Bê chiếc gamen lên, Trêchiakov vẫn chăm chú nhìn vào mặt anh ta. Đôi mắt mầu hung hung, tươi tỉnh nằm dưới hàng mi trắng. Dzedzelasvili Naxrullaev. Anh vẫn chỉ nhìn thấy Naxrullaev, anh ta đang bóp trán, chiếc mũ lưỡi trai của anh ta lơ lửng trước mắt anh, che đi ánh mặt trời. Không, anh không bị sức ép, mà chỉ choáng váng thế nào đó, và rồi không sao tỉnh lại được: trông thấy hết, nghe thấy hết, nhưng chậm hiểu.
Chỉ đến khi ăn xong, anh mới nhìn xem mình ăn món gì. Trong gamen có món xúp đậu Hà Lan nấu nhừ vàng sánh. Trêchiakov tay cầm thìa, mắt nhắm lại nhưng trong thâm tâm anh đang nhớ đến những người hôm nay không còn ở bên đồng đội. Họ vẫn đang ở đây, có thể lúc này họ đang chen chúc bên bếp, có thể họ đang ngồi ngoài nắng.
Bức tường ngôi nhà bằng đất sét đã được quét vôi lại bị các mảnh đạn làm lở lói. Ruồi vo ve, đậu đầy tường. Những chú ruồi xanh ruồi vàng uể oải sau mùa đông, giờ sống lại dưới nắng xuân. Con người đã hy sinh để làm gì? Con người sẽ còn hy sinh nữa để làm gì? Chiến tranh đã kết thúc, kết thúc thật rồi. Và không thể đảo ngược được điều đó, chúng ta đã chiến thắng. Nhưng những người khởi sự ra cái chết lại đang cố kéo căng thời giờ của cái chết, vẫn điều ra mặt trận không chỉ một tiểu đoàn bộ binh hay xe tăng, và con người vẫn bắn nhau, vẫn chết và còn biết bao người sẽ chết.
- Đầm già! - họ kêu lên trong sân. Và trong khu trại tiếng í ới từ sân nhà nọ lan sang sân nhà kia.
- Đầm già!
Chiếc máy bay trinh sát hai thân của Đức “Phôkkevulphơ” lượn vòng, kêu ù ù tít trên cao. Mặt trời chói chang, đạn cao xạ nổ trắng xóa trên trời xanh đuổi theo chiếc máy bay. Không nom thấy chiếc máy bay, chỉ thấy lấp loáng ánh nhôm dưới mặt trời. Ở dưới, tất cả mọi người ngửa mặt lên nhìn. Suốt cuộc chiến tranh đã bao lần Trêchiakov trông thấy máy bay rơi, nhưng chưa lần nào anh trông thấy “đầm già” bị bắn rơi. Đạn cao xạ vẫn nổ trắng xóa trên trời đuổi theo chiếc máy bay, trên không tiếng đạn nổ dày đặc, vang lên rất lạ và nghe chói tai.
Nhảy lên chiếc xe bò, Kưchin giơ khẩu các bin bắn theo.   
- Xuống! - Tsabarov nói với anh ta. - Sao, cậu muốn hạ nó hả?  
Trêchiakov chán ngấy những tiếng đùng đoàng bên tai, bèn bảo:
- Xuống!
Lia hết băng đạn, Kưchin hài lòng mỉm cười :
- Nó bay một lát rồi ngoẻo.

Vẫn là Dzedzelasvili Naxrullaev thu dọn ga men đi rửa trong vũng nước: hôm nay anh ấy làm “anh nuôi”. Tất cả mọi người bắt đầu hút thuốc. Mặt trời mệt mỏi bên bức tường. Ngựời sống kể chuyện sống. Tsabarov kể chuyện mùa xuân ở Tatari quê anh họ hun ngỗng như thế nào.
- Ở chỗ tôi mặt trời tháng ba mới đích thực là mặt trời. Tuyết vẫn còn mà mặt trời đã chói chang, không bụi bặm, không ruồi nhặng. Những chú ngỗng béo núc đi lại khắp sân. Đã được chén món thịt ngỗng hun thì không muốn biết món đồ nhắm nào khác.
- Này! - Ôbuxov vội vàng nói.
- Này cái gì? - Tsabarov không thích người khác ngắt lời mình.
- Thế họ hun như thế nào?
- Rất đơn giản...

Và cuối đường chiếc “Villix” của trung đoàn trưởng từ trong ngõ hiện ra.
Có ai đó kêu lên :
- Tiểu đoàn một!
- Chà, trung sĩ này, - Kưchin nói, - giá chúng mình được nếm món ngỗng hun của cậu...
Ở sân bên cạnh, động cơ xe xích nổ xình xịch, ngựa hí lên the thé.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét