Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 12

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

12

Từ hành lang bên cạnh phòng sơ cứu, vẫn phảng phất hơi lạnh lọt qua cửa kính, xa xa vẫn thấy rõ: đường tàu, nhà ga, và những ô cửa sổ băng tuyết bám trắng xóa. Nhìn những ô cửa sổ nhà ga to rộng như cổng ra vào, có một lần nào đấy anh hồn nhiên nghĩ rằng ban đêm đoàn tàu từ một bài thơ của trẻ con sẽ đi dạo chơi qua những ô cửa ấy; đoàn tàu đẩy cửa bằng tấm ngực thép; đi ra, xung quanh vắng lặng, ngay cả người bẻ ghi cũng kéo ghế đến bên bếp lò thiếp đi...
Hồi ấy, anh mới lên bốn, và bố anh vẫn sống với mẹ con anh. Bố bảo anh không được ngủ mà phải trông coi đồ đạc, và bố cùng với mẹ bỏ đi đâu đó. Anh ngồi trên chiếc valy giữa những người nằm ngủ ngổn ngang, và anh hình dung thấy người bẻ ghi thiu thiu ngủ trong góc nhà, bên bếp lò và đoàn tàu đẩy ô cửa sổ bằng tấm ngực thép ra sao...
Bố anh trở lại, tay xách đồ, tay dắt anh và cả hai cha con cùng đi đến gian phòng lớn. Dưới ánh điện, mọi cái đều sáng rõ, nhiều người vui vẻ trò chuyện bên bàn ăn, khói thuốc bốc lên tận trần nhà, và giữa tiếng ồn ào và giữa ngày hội hè mẹ ngồi một mình bên chiếc bàn trải khăn ăn trắng tinh, chờ hai bố con. Mọi điều chưa từng thấy, không giống ở nhà. Lần đầu tiên cả nhà ăn giữa đêm và bữa ăn không phải do mẹ nấu, có một người bước đến, khăn mặt vắt trên tay, bố nói với người đó, người đó ghi lại tất cả và tỏ ra rất hài lòng. Thật kinh ngạc, ở đây sao mà họ nấu ăn nhanh đến thế. Thường thường, mẹ vẫn đứng nửa ngày bên bếp dầu, còn người này vừa đi khỏi thì ngay lập tức làm xong tất cả và mang đến.
Rồi sau đó cả nhà đi xe ngựa, những vì sao đu đưa gần ngay mặt. Và thế giới đã trở nên vô tận. Vũ trụ và các thế giới khác là gì? Chỉ có một thế giới vô tận: Tuổi thơ. Và những con người bất tử sống trong thế giới ấy là: Anh, bố, mẹ. Lúc đó thì Lianka còn chưa có trên đời.
Cứ mỗi khi băng giá nổi cơn thịnh nộ như thế, thế nào anh cũng nghĩ đến cha. Mẹ đã gửi gói bưu phẩm cuối cùng cho cha trước lúc chiến tranh, còn bức thư cuối cùng của cha, từ nơi ấy được gửi về sớm hơn.
Chuyện, mẹ đã có chồng, khi cha anh đang ở chốn ấy, nói chung, ngoài cha anh ra, ai đó sẽ là chồng của mẹ, anh không thể tha thứ cho mẹ. Cho nên anh không thể nhìn mẹ chăm sóc bố dượng, và chốc chốc lại đưa mắt nhìn Bezais. Anh luôn cố tình tìm thấy ở người chồng của mẹ những điều khó chịu nhất, anh không bao giờ và không sao gọi tên người đỏ được: “Có điện thoại... có thư...”. Thường thường anh sai truyền qua Lianka: “Bảo với ông ấy, họ hỏi ngoài kia”. Lianka là một cô bé ngổc nghếch, nó vừa quấn quít với Bezais vừa nhớ đến cha. Có lần anh trông thấy nó cho tấm ảnh của cha xơi vụn bánh bích qui: nó ngồi bệt xuống sàn nhà, đằng sau cái giường, thầm thì gì đó rồi đưa vụn bánh qui lên miệng, lên ảnh.
Trong cả ba người chỉ có mình anh vẫn mang họ của cha: Trêchiakov. Và tất cả các tấm ảnh của cha, thậm chí cả những tấm mẹ đứng bên cha, anh cũng lấy hết. Bây giờ những tấm ảnh ấy, thư của Lianka gửi cho anh hồi ở trường sĩ quan, thư của mẹ - tất cả những thứ đó cùng với chiếc xà cột đã nằm lại ngoài trận địa hỏa lực của khẩu đội trong chiếc xe hòm của chuẩn úy. Khi họ đưa anh đi, anh còn nghĩ: “Mình sẽ trở lại trung đoàn...”. Làm như trong chiến tranh là có thể đoán trước được.
Người tải thương chân cà nhắc đi từ ô cửa sổ này sang ô cửa sổ khác dọc hành lang. Anh ta dừng lại, đo ướm, rồi rút chiếc đinh từ bộ ria mép ra, khẽ đóng vào bên cửa sổ. Anh tự ngắm nghía, đứng lại và treo cái chai lên đinh. Rồi những ngón tay cứng quèo của anh ta cứ nhét mãi sợi bấc bện bằng băng đã giặt sạch xuống dưới khe cửa, để nước từ trên cửa kính theo sợi bấc chảy vào chai, chứ không rỏ xuống sàn nhà. Anh ta đã giành lại chỗ đứng của mình, công việc lặng lẽ ở nơi ấm áp này đủ cho anh từ bây giờ đến khi kết thúc chiến tranh.
Hồi nào về mùa đông mẹ anh cũng treo những cái chai như thế dưới bậu cửa sổ, sáng sáng băng bám đầy các tấm kính trên cao, anh ủ đồng năm kopek bằng đồng trong tay, rồi ấn vào băng. Anh kẹp thêm lần nữa, rồi ấn đồng tiền vào cửa sổ: sấp - ngửa, sấp - ngửa. Và những đồng kopek băng của anh tan ra dưới ánh mặt trời. Mọi điều trước chiến tranh lúc này giống hệt như một thế giới đã biến mất.
Cách đây không lâu anh nằm trong buồng bệnh và nhớ lại: Mùa thu, anh ngồi bên cửa sổ lớp học, nhìn từ tầng hai xuống đường. Ở đằng kia là đường tàu loại nhỏ dẫn vào nhà máy bơ, và một đống hạt hướng dương nằm ven đường sắt. Nam nữ thanh niên mặc áo bông trần, để hở mặt, nằm sưởi ấm trên đống hạt hướng dương dưới mặt trời lạnh lẽo. Bác lái tầu ngồi trong ô cửa, trông giống như ngồi trong khung ảnh, khi chạy ngang qua cũng đưa mắt nhìn họ. Bác kéo căng sợi dây, một luồng hơi trắng xóa phụt lên từ còi tàu. Và như bị đánh thức dậy, họ lăn vào nhau, túm lẩy tay áo bông, cười rúc rích... Chuyện đó xẩy ra trong thế giới đã biến mất ấy. Rất có thể, lúc này không một ai trong số họ còn sống, cả những chàng trai, cả bác lái tàu từng chạy thẳng qua nhà họ.
Từ cửa nhà ga, mọi người bỗng lũ lượt kéo nhau ra sân ga đầy tuyết, tất cả đều mặc ấm, che kín đến tận mắt. Băng giá lạnh buốt, đất trời xám ngắt, cả không khí, cả tuyết đều mang một màu xám ngắt. Chỉ có lớp băng bám trên mặt kính ánh lên hồng hồng. Không biết thời gian, không thể đoán được mặt trời mọc hay mặt trời lặn: mặt trời nhòe nhòe sau màn sương xám không hẳn tối mà cũng chẳng có tia sáng nào.
Cả đoàn tàu đẫm hơi nước lao vào sân ga. Băng chảy từ trên mái các toa tàu xuổng, những ô cửa trắng mờ. Và dường như đoàn tàu cuốn theo cả gió, từ trên nóc nhà ga gió cuộn lại rồi xoáy tít. Trên các mô tuvết, trong hơi nước, mọi người chạy rối lên từ cửa này sang cửa kia, họ chạy dọc theo đoàn tàu. Họ chạy ngược chạy xuôi, tay xách đồ đạc, tay dắt con, vậy mà khắp nơi các cửa đều đóng kín, họ không được vào.
Người tải thương bên cạnh cũng đứng nhìn. Anh ta thận trọng nhả chiếc đinh vào lòng bàn tay.
- Giá thằng Hítle đó mà đến đây! Nó cứ ở nơi ấm áp. Còn dân mình phải chịu đựng những đau khổ như thế... với cả bọn trẻ nữa...
Rồi anh ta co ro như chính mình bị thấm lạnh. Đối với Trêchiakov, cuộc nói chuyện đó rất ngớ ngẩn. Anh trút giận lên người tải thương bởi lẽ anh cũng thấy xót thương các cụ già bị đuổi khỏi tàu đang chạy lăng xăng ngoài băng tuyết, anh nói:
- Sao, theo anh, cái thằng Hítle nào đó muốn thì chiến tranh bắt đầu hả? Và nó muốn thì chiến tranh kết thúc hả?
Và anh ưỡn thẳng người dưới làn áo choàng vì cái giọng thủ trưởng của chính mình.
Người tải thương ngay lập tức xỉu đi và tỏ ra nhu nhược:
- Không phải tôi muốn thế, - anh ta miệng lắp bắp, chân bước sang ô cửa khác. - Hay là cái chân của tôi hóa ra thừa đối với tôi?
Trêchiakov nhìn theo anh ta, một chân giày và một chân gỗ. Giảng giải điều gì cho anh ta? Nếu không bị nối bên chân cụt, thì không thể giảng giải được.
Mà quan trọng nhất là anh có thể giảng giải cho chính mình không phải tất cả mọi điều. Ở trường phổ thông, theo lời thầy cô, anh biết trả lời đủ điểm. Vì sao các cuộc chiến tranh xuất hiện và chúng xuất hiện như thế nào? Và nhờ các điều kiện đã được xác định, tính tất yếu của các cuộc chiến tranh ấy đã được giải thích và rất đơn giản. Nhưng những gì anh đã trông thấy suốt trong những năm tháng này, không thể cắt nghĩa dễ dàng.
Đã bao lần như vậy - các cuộc chiến tranh kết thúc, và chính các dân tộc vừa mới bắn giết nhau điên cuồng, dường như chính họ cũng không còn cuộc sống trên trái đất, chính những dân tộc ấy sau này lại sống trong hòa bình, và không hề cảm thấy căm thù nhau. Chẳng lẽ vì thế mà không có giải pháp nào khác, mà chỉ sau khi đã giết hại hàng triệu người mới dẫn đến kết cục đó hay sao? Không dành riêng cho người nào, mà dành cho chính cuộc sống, một sự cần thiết như thể nào, trong đó con người được xếp thành các tiểu đoàn, trung đoàn, các đại đội trong các đoàn tàu quân sự, vội vàng lao lên, chịu đựng đói khát và nhiều cảnh thiểu thốn trên đường đi, hành quân cấp tốc, rồi sau đó nằm rải rác khắp chiến trường, bị đạn pháo tiện đứt, bị các tiếng nổ quét sạch, và thậm chí là không thể nhặt nhạnh, chôn cất được nữa?
Chúng ta đang đẩy lùi cuộc xâm lược. Không phải chúng ta bắt đầu chiến tranh, bọn Đức đến đất nước chúng ta - giết và hủy diệt chúng ta. Nhưng chúng đến để làm gì? Chúng đang sống bình thường, nhưng đột nhiên đối với chúng không thể có một cuộc sống nào khác là phải tiêu diệt chúng ta ư? Nếu chỉ theo mệnh lệnh, đằng này chúng chiến đấu cật lực. Hay bọn phát xít thuyết phục chúng phải không? Thuyết phục như thế nào? Thuyết phục ở điểm gì?
Cỏ sinh sôi và tất nhiên rồi sẽ chết khô, và trên đất đai được bón phân cỏ, cỏ lại mọc dầy hơn. Nhưng con người sống trên đời không phải là để bón mình cho đất. Và cuộc đời cần gì đến việc để biết bao ngưòi tàn tật bị giày vò trong các quân y viện ?
Tất nhiên, không phải chỉ một người nào đó thúc đẩy lịch sử bằng ý muốn của mình. Mọi người sẽ dễ hình dung hơn điều khó hiểu: hoặc là nó diễn ra không phụ thuộc vào họ, hoặc là một người nào đó hướng cho những người khác biết trước rằng họ phải chết, không thể tránh khỏi. Nhưng mọi việc diễn ra không phải như vậy. Thường thường sức lực của mọi người là để thúc đẩy lịch sử đi theo con đường này chứ không phải con đường khác lại còn quá ít ỏi.
Trước chiến tranh, anh đã đọc được một điều làm anh hết sức ngạc nhiên: hàng loạt năm tháng đặc biệt thuận lợi đã diễn ra trước khi Tzinghixkhan tiến hành cuộc xâm lược. Mưa đúng mùa, cỏ mọc tốt chưa từng thấy, nhiều bầy đàn sinh sôi nảy nở, tất cả những điều đó cùng một lúc đem lại sức mạnh cho cuộc xâm lăng. Rất có thể, nếu hạn hán kéo dài nhiều năm trên vùng đất này, các điều kiện thuận lợi không hội tụ lại, thì tai họa khủng khiếp đã không giáng xuống đầu các dân tộc trên các vùng đất khác, và lịch sử của nhiều dân tộc đã diễn ra hoàn toàn khác.
Người lính chiến đẩu ngoài mặt trận, và anh ta chẳng tiếc sức mình. Cuốn một điếu thuốc, anh ta không biết mình có hút hết điếu thuốc hay không, đang nằm dài ra đó, nó mà đến - thế là tha hồ mà hút...
Nhưng ở đây, trong quân y viện, chỉ có độc một ý nghĩ bứt rứt: Phải chăng rồi một lúc nào đấy hóa ra cuộc chiến tranh có thể không xảy ra? Sức mạnh của mọi người để ngăn ngừa cho cuộc chiến tranh đó ở đâu? Và giá hàng triệu người sống lại được... Thúc đẩy lịch sử đi theo con đường của nó - ở đây cần sự nỗ lực của tất cả mọi người, và cần tụ hội được nhiều điều. Nhưng, để đẩy bánh xe của lịch sử trượt khỏi đường ray, có thể không cần nhiều người đến thế, có thể chỉ lén lút đặt một hòn đá nhỏ là đủ?
Khi chiếc bánh xe lao xuống và lăn răng rắc trên mọi người, lăn trên những bộ xương, ở đây không còn có sự lựa chọn nữa mà chỉ có một điều: chặn lại, không cho nó lăn tiếp trên cuộc đời của mọi người. Song chẳng lẽ cả điều đó có thể cũng không có? Người tải thương đã nói những gì mình nghĩ, và trong con người ấy mọi điều đều được thức tỉnh một cách mới mẻ. Nhưng mà lúc này đây điều đó cũng chẳng để làm gì. Không có thời gian và chẳng để làm gì. Bây giờ đang là chiến tranh, chiến tranh với bọn phát-xít và cần phải chiến đấu. Đó là điều duy nhất không thể trút cho ai khác. Và dù sao cũng không ngăn cấm mình suy nghĩ, cho dù điều đó cũng chẳng để làm gì.
Dựa vào qui mô của sự kiện, mọi người suy xét nguyên nhân: sự kiện lớn, tức là, có các nguyên nhân như thế nào để không thể không dẫn đến sự kiệu đó. Và có thể, mọi điều đơn giản hơn nhiều? Làm việc thiện cho mọi người, ở đây cần có nhiều điều. Nhưng thậm chí một con mèo bẩn thỉu nhất cũng có khả năng làm vấy bẩn lịch sử.
Từ ô cửa của mình, mỗi người - anh và người lính tải thương - đều nhìn đoàn tàu chuyển bánh, bỏ lại mọi người ngoài rìa sân ga. Cánh cửa ở toa cuối cùng lắc lư từ bên này sang bên kia, dường như muốn rời khỏi đoàn tàu. Một đám tuyết vút theo phủ kín mọi vật.
Và dẫu sao, trong mớ bòng bong đó, cho dù các sợi chỉ có rối tung lên, mỗi người vẫn có vị trí của mình, có cái đúng và có cả cái sai. Ta có thể lần gỡ được mở bòng bong đó, có thể gỡ được. Nếu phải dành cả cuộc đời cho việc đó cũng không tiếc. Và lúc này đây anh đang mong được trò chuyện với ai đó. Chỉ có điều là với ai?
Đã có lần anh nói chuyện với Xtarức - Xtarức chỉ nhìn anh, căng óc ra mà không thể hiểu được, không chỉ ý nghĩa của lời nói mà cả cái ngôn từ của người nói với anh ta:
- Sao cơ?
Toàn thân Xtarức đầy vết sứt sẹo, anh ta đã bốn lần bị thương, cho nên bây giờ đối với bản thân, ngoài chuyện chiến tranh ra, anh ta đều trả lời cộc lốc, để không đụng chạm đến tâm hồn một cách vô ích.
Còn Atrakovxki thì hoàn toàn khác. Anh một mực im lặng. Trêchiakov thấy anh ta im lặng không phải vì không có gì để nói, mà im lặng vì không thể nói với ai cũng được và không thể nói hết những điều anh ta biết.
Hai ngày sau, những vết ủng của cô gái có bím tóc đuôi sam đã ngồi bên giường đại úy Atrakovxki vẫn còn in trên sàn nhà. San đó, cô y tá đẩy tấm khăn ướt, lau sàn nhà dính dầu đến sáng bóng lên. Và lúc này đây, Trêchiakov vẫn thấy cô gái đi ra, chân mang ủng, áo choàng trắng, lưng buộc một sợi dây nhỏ, và ra đến cửa cô còn ngoái lại. Vô tình anh rơi vào tầm nhìn của đôi mắt xám, nhưng không sao in bóng trong đôi mắt ấy.
Với vẻ tò mò mơ hồ, anh ngắm nhìn đại úy Atrakovxki. Anh ta nằm ở đây đã lâu, các em học sinh đến quân y viện đọc sách, viết thư hộ những ai không tự viết được vì bị thương, các em quen biết anh. Làm sao cô bé ấy lại kể về mình cho anh ấy nghe! Có lẽ, chỉ bởi vì anh ấy đã lớn tuổi rồi sao?
Trong phòng bệnh bao giờ cũng vậy, ăn xong mọi người đánh cờ giết thời gian. Ở quân y viện thời gian trôi chậm chạp, từng người bắt buộc để lại một phần đời mình ở nơi đây: người thì chở được chuyển ra mặt trận, người thì trước lúc bắt đầu một sự gì đó đối với mình kể từ nay, Nhưng tất cả đều hướng tới điều mình chưa từng biết: họ thích những gì không tạm bợ, rõ ràng, cho dù, có thể, ở nơi đây, trong quân y viện, đối với người nào đó trong số họ, nhưng năm tháng vinh quang đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình thế là đang đi tới kết thúc và mãi mãi nằm lại phía sau.
Đại đội trưởng Xtarức và đại úy Rôizman mù lòa đang chơi cờ, số các ván cờ đã lên quá hàng trăm, nhưng Xtarức vẫn không mất hy vọng gỡ lại. Họ ngồi đối diện bên bàn, và mọi người qua lại tụ tập xung quanh, cả Atrakôvxki cũng đứng đó, tay giữ áo. Anh thận trọng đi khắp phòng như sợ chạm đến chỗ đau, và anh dừng lại, cùng xem với tất cả mọi người, nhưng vẫn thấy sao mà tách biệt với mọi người.
Nghe chuyện, Trêchiakov biết rằng, năm bốn mươi mốt, Atrakovxki bị bắt làm tù binh, anh chạy thoát, và phải thử thách mãi, và năm bốn mươi hai anh lại sa vào vòng vây và anh đã vượt vòng vây. Sau đó, anh được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, anh đã lập được một chiến công gì đó tương đối lớn, vì không phải dễ dàng mà người ta tặng thưởng Huân chương cho một con người như thế. Và cuộc sống ở anh được duy trì một cách khó khăn, ngày nào cuộc sống ấy cũng có thể chấm dứt một cách đột ngột.
Khi tất cả đã lên giường nằm, họ bắt đầu nói đến chuyện bị thương - ai bị, bị ra sao, trong hoàn cảnh nào và Trêchiakov chợt nhớ ra:
- Tôi biết ngày hôm đó tôi sẽ bị thương.
Quả thật, lúc đó anh nghĩ rằng anh có thể bị thương, có thể bị chết sau khi tình cờ anh trông thấy những viên đạn giết chết con bồ câu đang bay trên không trung. Và không hiểu sao điều đó đã tác động đến anh như một điềm báo. Nhưng ngay sau đó, trong trận đánh anh quên đi, và chỉ đến bây giờ anh mới nhớ lại.
- Làm sao mà cậu biết trước được điều đó? - Xtarức hỏi vẻ không tin tưởng lắm.
- Tôi biết chứ.
Nhưng anh không kể về điềm báo trước, anh sợ mọi người cười.
- Không, tôi thì chẳng biết, - Rôizman nói và anh ta gật đầu đồng ý nói tiếp những ý nghĩ của mình.
Có lần Trêchakov đã hình dung, nểu anh lâm vào cảnh như Rôizman mù lòa, nằm trong một làng quê bị quân Đức chiếm đóng hơn một ngày một đêm, chỉ nghe thấy tiếng quân Đức quanh mình và nằm căng ra từng giây phút, sợ chúng phát hiện ra mình. Thậm chí cứ cho là chúng không biết mình nấp kín hay nằm lồ lộ... Xin chúa đừng bắt lâm vào cảnh ấy...
- Không, tôi thì chẳng biết. - Rôizman nhắc lại.
Và đột nhiên, họ bắt đầu bàn cãi, liệu có thể xảy ra chuyện này không - con người suốt cuộc chiến tranh, chiến đấu trong bộ binh và không một lần bị thương?
- Như vậy là tay ấy không ở bộ binh! - Xtarức tức giận nói bốp chát cứ như họ đoạt mất của chính mình một vật gì đó.
- Sống mạnh khỏe... thì tôi đây này! - Và Kichênhev, chủ nhiệm trinh sát của trung đoàn bộ binh, đứng ra giữa phòng giới thiệu cả thân hình mình cho mọi người biết. Anh đã bình phục, sắp được ra viện, và trên giường anh kê giữa giường Trêchiakov và Atrakovxki, có lần, chiếc áo capốt được xếp dưới chân giống người đang nằm ngủ cho đến sáng. - Ở bộ binh từ ngày đầu tiên, mà mới bị thương lần đầu. Mà lại vô tình thôi.
- Vậy là không ở bộ binh?  
- Tôi ở bộ binh mà!
- Không phải vào một cái đã là bộ binh ngay.
- Cứ lấy hồ sơ cá nhân của tôi ra mà xem!
- Tôi biết chứ... - Xtarức gạt phăng đi. - Hồ sơ cá nhân của tôi ở trên người tôi. Mọi sự thuyên chuyển của tôi đã được ghi trên người tôi, đây này - ở tất cả các vết thương ấy, - rồi anh ta chỉ tay vào lưng, vào vai. - cái lần này, nếu đầu không đội mũ sắt thì...
Thiếu úy Gôsa định nói, anh lúng túng điều gì đó. Ngồi dưới phòng, dưới một trong hai ngọn đèn treo trên trần, bóng trải dài phía dưới, anh ta nói lắp đến nỗi ngồi đè cả lên màn. Tất cả mọi người nhắm mắt lại chờ đợi một cách khổ sở. Ai cũng có ý giúp anh ta kể về mình, chính vì thế mà anh ta đâm ra nói lắp.
- Cậu hãy khoan đã nào! - Xtarức vẫy Gôsa và kêu lên. - Thằng Đức - thì tôi tin được. Từ đầu chiến tranh đến giờ vẫn không bị thương. Thằng Đức ăn cũng đội mũ sắt, ngủ cũng đội mũ sắt. Nó đội mũ theo mệnh lệnh nên không tháo mũ ra khỏi đầu. Còn Ivan chúng ta... - Anh ta phẩy tay làm ra vẻ hoàn toàn hết hy vọng. - Ivan Nga tự hào ở chỗ mình rất xuềnh xoàng, nhưng chiến đấu rất hăng. Ví dụ, tôi trước khi vào quân y viện này chưa trông thấy thương binh bị vào đầu. Các thương binh bị vào đầu họ đang nằm đâu? Họ nằm ngoài bãi chiến trường, và họ vẫn đang nằm đó. Cái viên đạn ấy đã vạch cho tôi một vòng thế này đây.
Xtarức ngồi bỏ thõng bên chân bó bột xuống và đưa tay khoát quanh mái đầu nghiêng nghiêng hơi trụi từ hồi còn trẻ. Thực ra anh ta bị thương khá kỳ lạ: Viên đạn sau khi xoay tròn dưới chiếc mũ sắt, làm một vệt quanh đầu hệt như thể bóc một lượt da ở đầu. Sẹo phẳng lỳ trên trán.
- Đối với tôi, cái chính thật bực mình, vì cái thằng đểu đó, tôi có thể đã rữa nát trong đất rồi. Họ xua những con người đó đến bổ sung cho chúng tôi. Những người đó... ở các vùng mới được giải phóng... Liên lạc kêu tôi: “Đồng chí thượng úy, trông kìa, hắn lại thò tay ra ngoài chiến hào...”. Suốt cuộc chiến tranh, hắn cùng với mụ vợ đã ẩn thân nơi bếp lò, người ta đã giải phóng cho hắn, lúc ấy hắn lại không muốn chiến đấu ở đây. Hắn mới ranh mãnh làm sao. Hắn biết những người tự sát thường thường bắn vào tay trái cho nên hắn thò tay phải ra ngoài chiến hào cho bọn Đức bắn vào... Không, hãy chờ đấy, ngay bây giờ tao sẽ cho mày một viên không phải vào tay, ngay bây giờ tao sẽ bổ tan cái sọ thối tha của mày! Tôi vớ lấy súng, và nằm xuống... Rồi khẽ huých khuỷu tay: “Đã bảo, đưa mũ sắt đây!”. Suốt cuộc chiến tranh, các anh có tin không, chưa lần nào tôi đội mũ, và lúc ấy có điều gì đã mách bảo tôi. Tôi nhấc chiếc mũ ra khỏi đầu người liên lạc, vừa mới chui đầu vào thì đạn đã bắn trúng tôi, ngay nơi trán! - Xtarức đưa tay vỗ mạnh lên trán. - Bọn bẳn tỉa không trệch vào đâu được. Giá như mà tôi không đội mũ...
- Chả là nó nhằm trúng chỗ hói của cậu để chỗ hói ấy không sáng bóng lên, - Kichênhev cười. - Nó tưởng lầm cậu là người chỉ huy.
- Tôi cũng có một lần chỉ vì tên bắn tỉa suýt nữa thì mắc phải cái tội tự sát thương. - Trêchakov nói. Và khi mọi người chưa ngắt lời, anh bắt đầu kể thật nhanh chuyện ở mặl trận Tây Bắc. Anh được cử mang báo cáo từ đài quan sát của đại đội về và trên đường đi tên bắn tỉa suýt nữa là cho anh đi đời. - Ngoài đó tuyến phòng ngự của chúng ta đã có từ lâu, bắn tỉa của quân ta và bắn tỉa của quân nó cùng hoạt động. Tôi đang đi, một ngày sáng sủa, có mặt trời, tuyết phản chiếu lấp lánh.... Viu - đạn bắn. Tôi nằm xuống. Chỉ vừa ngó ngoáy - viu...!
- Thế mà cũng đòi bắn tỉa! - Xtarức phẩy tay với anh, tựa như bảo Trêchiakov nên im lặng.
- Chính thế mà không phải là ở vùng tiền duyên.
- Nó bắn hai lần, vậy mà cậu vẫn sống. Lính bắn tỉa...
Song mọi người đồng tình với Trêcbiakov :
- Thiện xạ cũng có lúc phải học chứ.
- Thì chính nó đã học trên người tôi đây này. Đâu đâu cũng tuyết dầy và gió thổi, có một cây thông ở sau lưng tôi. Tôi đi đứng đường ngắm làm gì nó chẳng dễ dàng nhắm trúng đích. Một giờ đã trôi qua - tôi vẫn nằm đó. Tôi cảm thấy mình chết mất. Băng giá không đến nỗi lạnh, nhưng người tôi đẫm mồ hôi khi tôi đi trên tuyết. Và chân vẫn mang ủng.
Xtarức nghe vẻ khinh khỉnh, như nghe chuyện không có thực. Thật ra anh ta rất nóng ruột, anh ta muốn kể chuyện.
- Tôi chờ cho đến khi mặt trời chuyển qua hướng khác, rọi vào mắt hắn, tôi chồm lên chạy. Tôi trở về tiểu đoàn, môi tê cứng, không nói được.
- Bắn tỉa... Cũng gọi là bắn tỉa...
Nhưng Kichênhev vội bênh :
- Để cho người ta kể nào!
- Lính bắn tỉa... a ha!
- Ở tiểu đoàn, tất nhiên, họ không cử liên lạc viên của tiểu đoàn đi, mà giao công văn tận tay tôi, tôi rảo bước về ban tham mưu trung đoàn. Tham mưu trung đoàn đóng ở thôn Kipinô. Đêm rồi, ban ngày thì chỉ cần lần theo đường dây, còn ban đêm thì biết ban tham mưu đóng ở đâu?
Rôizman đưa tay lần thành giường, bước đến gần và ngồi xuống:
- Anh ở tập đoàn quân nào?
- Ba mươi tư...
- Có đúng anh đã hoạt động ở hướng ấy không? Lâu dài, Lưtrkovo...
Bao giờ, Trêchiakov cũng thấy lúng túng khi đại úy Rôizman nhìn anh bằng đôi mắt trong sáng, nhưng không nhận ra anh, ở trường sĩ quan, Rôizman dạy môn pháo binh, Rôizman đã gọi anh lên bảng không phải một bận. Thế mà bây giờ nghe giọng anh nói vẫn không nhận ra anh. Nhưng không hiểu sao Trêchiakov không dám nói lại cho Rôizman biết.
- Ba mươi tư, - Rôizman gật gù, - tướng Berzarin. Hoàn toàn đúng...
Hệt như đại úy đã chứng thực trước cho, bằng cách đó, tất cả mọi người ngồi nghe Trêchiakov, không ngắt lời anh.
- Ở Kipinô, lúc đó đội quân đổ bộ vừa chuẩn bị xong; máy bay trượt tuyết đậu dọc đường, động cơ nổ sẵn. Còn tất cả lính đổ bộ đều choàng áo ngụy trang trắng. Tôi vẫn còn ghen tỵ với những người bạn ấy. Sau này, nhân thể nói thêm, gần như không một ai trong số họ trở về, nghe nói, hình như bọn Đức biết quân đổ bộ được chuẩn bị. Khi đó họ đứng ngoài tuyết, tôi đi ngang qua, gió lốc thúc vào lưng tôi. Một tia sáng nhỏ chập chờn ở phía sau chiếc máy bay trượt tuyết. Ở đằng đó là cánh quạt, và không hiểu sao tôi chợt nghĩ rằng quanh cánh quạt nhất thiết phải có rào chắn. Và tôi còn hình dung: chúng được mạ kền. Tôi chỉ biết đứng ngắm thôi. Cho đến lúc đó chưa một lần nào tôi được nhìn thấy máy bay trượt tuyết ở gần bên. Sau đó tôi đoán là cửa khép không kín, ánh sáng lọt ra ngoài, cánh quạt quay, đầu cánh quạt chém vào tia sáng. Tôi vẫn hình dung thấy có cái vật chắn ấy, thế là tôi can đảm bước lên. Tôi bị nó chém một phát vào khuỷu tay! Tôi nghẹn thở. Ngồi thụp xuống và lặng đi, lặng đi vì nó và cứ ngồi xổm đó. Nhân thể xin nói thêm dù sao tôi cũng bị nó giáng trúng vào khuỷu tay này này.
- Cái cánh quạt ấy, sao nó không chặt đứt tay cậu?
Xtarức quay về phía mọi người, vẻ dò xét ánh lên trong mắt:
- Tôi mới chỉ chạm phải cái đầu cánh ấy thôi.
- Hay thật!
- Đấy là tôi đã mặc áo ca-pốt, dưới áo ca-pốt là chiếc áo bông, dưới áo bông là áo varơi. Lại còn cả chiếc sơ mi bằng vải flanen ấm áp nữa chứ, và dưới lần áo này còn áo sơ mi nữa.
- Thế thì lũ rệp tha hồ mà tự do. - Kichênhev nói.
- Ở mặt trận Tây Bắc, nói chung chúng tôi không đếm xỉa đến lũ rệp. Chúng tôi không giết từng con một. Mà có điều kiện thì vứt cả cái áo sơ mi đi. Cũng có lúc phải sống thế đấy. - Trêchiakov quay về phía Xtarức. - Và tất nhiên chiếc cánh quạt ấy không phạt đứt tay tôi! Tôi đến ban tham mưu, tay gập Iại, trao báo cáo xong và ngượng ngập kể chuyện mọi người còn không tin...
- Cả tôi cũng không tin. - Xtarức kiêu ngạo đáp -  Làm gì có vật chắn nào, quỉ tha nó đi...
Ngay lập tức vài giọng nổi lên tranh cãi :
-  Sao nhỉ, chính cậu ta đã cho tay vào đấy chứ?
- Cánh quạt dài độ bao nhiêu phân?
- Tôi không nhất thiết phải biết. Hừ, chỉ rõ là nó được mạ kền...
- Chà, một người khéo tưởng tượng!
- Ở chỗ chúng tôi cũng có một người đầu óc tưởng tượng như vậy. Anh ta bắn xuyên qua cây bạch dương vào tay mình. Đồ ngốc, tôi đoán được ngay: bắn xuyên qua cây bạch dương! Nhìn vết sém tự gây ra, mọi người không mắc lừa đâu...
- Đúng thế... Đúng thế... - Không nhìn thấy những người tranh cãi, Rôizman mù lòa cố xen ngang vào câu chuyện, và anh đã đạt được, hệt như người nói lắp. Anh cố chen vào và rồi đã chen được...
- Không có gì giống giả dối, như chính sự thật, - Anh nói như vừa đọc từ sách.
- Xtarưc, anh bắt đầu sống hòa thuận như chim ác là rồi đấy!
- Hay thật, làm thế nào mà cậu ta lén lút luồn tay xuống dưới cánh quạt được nhỉ?
- Cánh quạt là cánh quạt, cậu cứ thử giơ tay ra phía trước, hay phía sau xem! Vật chắn nào có thể ở đó? Ha, ha!  
- Anh có biết anh giống ai không? - Trêchiakôv nói, - giống tay trợ lý tham mưu trưởng của chúng tôi. Anh ta cũng không tin thế.
- Tôi mà giống tay trợ lý tham mưu trưởng thì cái thân tôi đã chẳng có chừng này vết đạn! - Đột nhiên Xtarưc co giật và hét lên, - Mà tôi đây, chắc chắn, không ngồi ở ban tham mưu như những người khác! Các bạn đang nằm ở đây... - Anh chống nạng vào nách, nhảy ra tận giữa phòng với bên chân bó bột nặng nề. Ngọn đèn tù mù đến nỗi, ánh sáng tỏa ra chỉ đủ chiếu bên trong chiếc chụp đèn, còn anh ta thì cứ loay hoay một chỗ, mỗi khi mũi nạng nện xuống, anh ta lại tự giẫm lên bóng của mình. - Các bạn đang nằm đây phải không? Và nằm tạm! Chứ bộ binh đang ngồi trong chiến hào. Ai là người được đưa vào phòng này sau rốt nhỉ? A, a... đúng - đúng! Ai là người được ra viện đầu tiên nhỉ? Các bạn sẽ còn nằm ở đây, sẽ nghe thấy Xtarưc này, sẽ liền da giống như chó ấy!...
Và chống chiếc nạng vào vai, bên vai đó nhô lên, anh ta nhảy lò cò ra hành lang, cánh cửa rầm rầm đằng sau lưng.
- Sao anh ta run run như mắc chứng co giật ấy?
- Ở đây anh ta là người hay cáu bẳn nhất...
- Mình anh ta chiến đấu, còn những người khác thì không hẳn?
- Này, các bạn có nhận thấy không? - Kichênhev hạ giọng, nhưng nói nghiêm túc. - Anh ta mất lòng tin. Không gì tồi tệ hơn mất lòng tin. Bị thương vẫn là bị thương, bị thương vẫn là bị thương, bị thương vào đầu, mà vẫn sống. Đã có lúc nào chết được đâu?... Anh ta sợ trở lại mặt trận, mới cảm thấy điều đó, anh ta đã trở nên độc ác. - Anh liếc nhìn đồng hồ. tính toán xem đã đến lúc hay chưa đến lúc. Và hỏi: - Thế rồi ở đó với cái tay của cậu, mọi sự kết thúc sẽ như thế nào? Cậu được nhận huân chương chứ?
- Chút nữa thì họ tặng để nhớ suốt đời... Họ đặt tôi lên bếp, sáng ra cùi tay sưng phồng lên, không thể ngọ nguậy được trong tay áo va-rơi. Cả cánh tay vẫn mảnh dẻ, riêng nó thì như một quả bóng, căng phồng lên. Bác sĩ ở trung đoàn - một tay Mugic rất tốt bụng - đã khám xét: “ Chúng tôi sẽ gửi đi quân y viện”. Tôi không muốn rời khỏi trung đoàn. Và thấy xấu hổ, cứ như tôi tự bịa chuyện ra cho mình vậy. “Không sao, cậu sẽ đi viện đấy...”. Nhưng chỉ sau đó, tôi mới thấy mọi sự quanh tôi đâm ra thế nào ấy. Mọi người lảng tránh, không nhìn thẳng vào mắt tôi. “Các đồng chí cho phép tôi được nói, nếu vậy tôi sẽ về đại đội”. Ngay tổ trưởng tổ văn thư cũng trở nên nghiêm khắc: “Không đi đâu cả, cứ ngồi đấy...”. Tôi ngồi như bị bắt giam. Người ta không chuyển tôi đến bộ phận cứu thương, không ai làm gì tôi nhưng cũng không được thả ra khỏi ban tham mưu. Dù sao cánh tay tôi mỗi lúc một đau hơn. Hóa ra, thiếu tá Brinev tham mưu trưởng... Ông ấy giữ chức này đã lâu, không được thăng cấp cứ ở lì cấp thiếu tá... Ông ấy đến gặp trưởng phòng đặc biệt và nói rõ những suy nghĩ của mình: đây là tự sát thương có chủ định.
Trêchiakov chợt cảm thấy Atrakovxki đang lắng nghe anh nói. Atrakovxki vẫn thường ngồi ở tư thế của người ngoài cuộc, quen chờ đợi, đầu cúi xuống, đôi tay nổi đầy những đường tĩnh mạch ôm vòng lấy đầu gối, nhưng lúc này anh ta đang lắng nghe.
- Trưởng phòng đặc biệt ở trung đoàn không có. - Kichênhev tuyên bố hách dịch. - Cùng lắm là có sĩ quan đặc trách. Thượng úy hoặc là đại úy.
- Chúng tôi lại là trung đoàn pháo trực thuộc quân đoàn.
- Không có ý nghĩa nào hết. Cùng lắm là có tổ trưởng đặc trách. Đại úy. Còn ở trung đoàn không có trưởng phòng đặc biệt. - Kichênhev dẫn dắt tới mức chính xác. Và cũng với vẻ chính xác như thế, anh trải chiếc áo capốt ra giường, chiếc áo nằm dưới chân phải có hình dạng một người đang ngủ. - Có thể gọi là trưởng phòng đặc biệt. Nhưng ở đó không có đâu.
- Ừ thì không có. Số là năm bốn mươi hai. Mùa đông. Các anh vẫn nhớ đấy, thời kỳ đó ra sao, sau khi nhận được lệnh... Nhân tiện nói thêm, tôi đã có lần trông thấy Kôtốvxki, trưởng phòng đặc biệt. Họ cũng giải tôi đi kèm theo báo cáo, lúc đó tôi trẻ nhất nên họ phải lùa tôi đi. Tôi chui vào một căn hầm ông ta đang ngồi đó. Trán mới hói làm sao, trên mỗi bên lông mày, các khối tròn căng phồng lên. Ông ta nhìn tôi từ dưới trán... - Trêchiakov cười phá lên: - Lẽ ra phải đưa quân đội ở nơi có chiến sự đến chỗ ông ta thì tôi lại chui đầu vào đấy...
Atrakovxki chăm chủ nhìn anh bằng cái nhìn lạ lùng, còn tất cả mọi người phá lên cười, cả Trêchiakov cũng cười với mọi người. Anh kể trọn vẹn câu chuyện, vui vẻ như những người kể sau vẫn kể về chiến trường cứ như ở ngoài đó chẳng xảy ra chuyện gì...
- Lại nói chuyện quân đội của... ở chỗ chúng tôi không sao chiếm được ga Lưtskovo. Có một bận đã lọt vào được rồi, sau các đoàn tàu hỏa trên đường pháo bắn ra. Bộ binh ta lại bị đánh bật. Và thế là họ dồn các học viên khóa đào tạo các thiếu úy cấp tốc cho mặt trận. Tất cả đều mặc áo trấn thủ, chân mang ủng. Lúc đó nhiệt dộ âm bốn mươi độ. Không đưa được thương binh ra, sau đó họ chết cóng trên tuyết. Thế là đêm đến, có tên hôi của lẻn vào lột đồng hồ của người chết. Nhân thể xin nói thêm, trinh sát của trung đoàn chúng tôi đấy. Từ tiểu đoàn hai. - Trêchiakov khi kể lại chuyện này lại trông thấy một cách rõ ràng mới mẻ. - Từ tiểu đoàn hai họ đưa tên hôi của mặc áo ca-pốt rộng, không có thắt lưng, khuôn mặt hắn vàng ệch trong một ngày mùa đông sáng sủa, hai bên lỗ mũi bèn bẹt, gãy góc và cái nhìn ánh lên vẻ đen tối. - Từ bên trong anh cảm thấy cả con người mình đang né tránh tên này. - Kôtôvxki đã nhìn tôi từ dưới trán! Thiếu tá Briaev đã làm om sòm với ông ấy về cái việc tôi tự sát thương. Nhưng ông ta không tin. Chính vì tôi ở trung đoàn này mà. Tôi, nói chung, chưa đủ tuổi, đã tình nguyện nhập ngũ. Ông ta biết điều đó, cho nên ông ta không tin. Ông ta ra lệnh giữ tôi ở lại nơi bộ phận cứu thương, nếu không thì họ sẽ gửi ngay đi quân y, ở quân y viện sẽ lại có tay nào đó có tính cảnh giác... Tôi vẫn không hay biết gì, chỉ thấy mọi sự quanh tôi thay đổi, và họ chuyển tôi đến bộ phận cứu thương, sau đấy cánh văn thư kể cho tôi nghe thế.
Thỉnh thoảng Kichênhev thận trọng đắp chăn cho chiếc áo ca-pốt, và anh đã làm được, y như có người đang nằm ngủ, chăn trùm kín đầu. Sau đó anh ta ngắm nghía công việc của mình:
- Các bạn ơi, cùng lắm thì bảo “hắn đang ngủ”. Các bạn đừng cho đánh thức. Hắn ta ngủ rất tồi, nếu đánh thức hắn dậy, hắn sẽ không ngủ đến tận sáng được đâu...
Khi ra khỏi phòng, anh chạm trán với Xtarưc, Xtarưc khập khiễng bước đến bên bàn và ngồi xuống.
- Đại úy, chúng ta chơi cờ nào.
- Bày cờ đi, - Rôizman nói.
Mọi người xúm xít quanh bàn xem đánh cờ. Xtarưc bày quân cờ lên bàn gỗ, Rôizman vẫn ngồi im trên giường, chuẩn bị từ xa, anh đánh bằng trí nhớ. Đôi mắt mở to của anh sáng lên.
Vài ngày sau, buổi chiều Trêchiakov trông thấy Atrakôvxki đứng bên cửa sổ ngoài hành lang. Anh bước đến, rồi đứng lại bên cạnh. Anh muốn dò hỏi Atrakôvxki về cô gái ấy, cô ta là ai? Có còn đến nữa không?
- Bão tuyết ghê quá! - anh nói.
Không trông thấy gì ngoài cửa sổ, sát bên lớp kính chỉ thấy tuyết từ dưới bay lên. Và xa hơn, vạn vật như chìm trong khói, cả nhà ga, cả những ngọn đèn đều không trông thấy. Và từ cửa sổ hơi lạnh tỏa ra.
- Bão tuyết! - Atrakôvxki nói.
Trong phòng mổ bên cạnh đang có ca mổ. Đèn sáng rực, bóng người hiện trên lớp kính mờ.
- Bộ binh bây giờ đang nằm ngoài công sự... Chiến đấu mùa đông. Không gì khổ hơn. Cả mùa xuân cũng thế.
Trêchiakov cười phá lên.
- Chúng ta vẫn may mắn.
Ngoài cửa sổ trong bão tuyết dày đặc có gì đó lờ mờ lay động như bóng người. Bóng hai người mặc áo choàng quân y  từ bên trong hắt lên kính..
- Cậu còn chưa hiểu hết là cậu may mắn như thế nào đâu. - Atrakovxki nói. - May mọi nhẽ. Không hiểu hết mọi điều đó là đặc tính tự vệ của tuổi thanh niên. Chỉ cần nói có một từ, một từ thôi... Thậm chí không cần nói, mà chỉ im lặng tán đồng, thế là cả cuộc đời cậu... - Anh chỉ mấp máy đôi môi, nét mặt không hề thay đối. Người ngoài không thể biết được điều anh ta đang nói. - Trong chiến trận cái chết còn tuyệt vời hơn so với điều ô nhục.
Đột nhiên Trêchiakov thắt nghẹn lại như là sợ hãi: hỏi thăm anh ấy về người cha! Atrakovxki có thể biết những điều người khác không biết. Nhưng anh không hỏi gì, chỉ tái nhợt đi. Anh biết, cha anh chẳng có lỗi gì nhưng dẫu sao, khi đụng chạm đến người cha anh cảm thấy ở mình có một vết nhơ và một sự trống rỗng đang nảy sinh quanh mình.
Cô y tá đội chiếc khăn chéo trắng bằng vải băng chạy xổ ra khỏi phòng mổ - gót giầy cao gót nện cộc cộc, cộc, - cô chạy dọc hành lang. Ngoài cửa sổ là bão tuyết, như thể bão tuyết trên khắp thế giới.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét