Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 13

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

13

Vào buổi chiều hôm ấy, khi họ đứng bên cửa sổ ngoài hành lang, ngoài kia là bão tuyết, ánh đèn vàng trong những ô kính mờ của phòng mổ trở nên ấm áp, từ phòng mổ mà cô y tá khoác áo choàng trắng lao ra, chạy dọc hành lang. Bác sĩ đã cưa chân cho một diễn viên nhà hát địa phương. Họ vẫn còn đứng đó mãi, khi mà người diễn viên đã được đưa ra khỏi phòng mổ và bác sĩ phẫu thuật bước dọc hành lang, cố giữ vẻ xúc động nhìn họ bằng cái nhìn nghề nghiệp, rồi sau đó bên chân cắt quấn đầy băng được đưa ra ngoài, chiếc chân đã gẫy gập nơi đầu gối và không còn bàn chân nữa.
Người diễn viên này cùng đoàn đi biểu diễn ngoài mặt trận phục vụ các chiến sĩ và các sĩ quan, và anh ta đã bị thương trong một trận ném bom. Trong số các sĩ quan nằm cùng phòng với Trêchiakov, chưa người nào dù chỉ một lần được thấy các diễn viên ngoài mặt trận trong suốt cuộc chiến tranh. Các diễn viên có đi và có biểu diễn, nhưng ở nơi nào đó ngoài ấy, ví dụ như ở các sân bay, ở tuyến sau mặt trận, tuyến này đối với các sĩ quan, và nhất là đối với lính, càng thấy xa vời hơn như quân y viện hậu phương vậy. Sau này các diễn viên đi nói khắp nơi là họ đã ra tuyến trước, chính họ tin như thế. Lúc trở về, họ mặc những chiếc áo lông bằng da thuộc được tặng, đi lại như những chiến sĩ tiền phương trước đám bạn bè của mình - những người chỉ sống ở nơi đây và chưa được ra ngoài đó - còn các chiến sĩ tiền phương thì nghe chuyện đó một cách tức cười. Có lẽ, vì thế mà ở quân y viện mọi người đã kể rất hài hước về người diễn viên vừa bị cưa chân, cứ như là có cái gì đó đáng cười trong chuyện có người bị mất chân. Nói cho đúng, thiếu úy Gôsa cũng đã kịp ra đến mặt trận tuy chưa một lần bắn vào quân Đức, nhưng tất cả mọi người đều hiểu và thương anh, anh đã mãi mãi bị tàn phế bởi chiến tranh. Trong quyết toán chung của chiến tranh, có những chiếc máy bay ném bom xuống mặt trận và có những chiếc máy bay chỉ bay cho mặt trận, thì cũng cần có cả những người không ra mặt trận. Điều đó thật dễ hiểu - quyết toán chung và những tổn thất không sao tránh khỏi, - thật dễ hiểu khi nói về ai đó và mất mát này không thuộc về chính mình. Có lẽ, Gôsa sẽ cầm thấy nhẹ nhõm hơn, nếu anh biết rằng mình đã không vô ích, đã kịp thực hiện được một điều gì đó.
Khoảng ba tuần, giáp tết, các diễn viên địa phương đến quân y viện  biểu diễn. Người diễn viên mất một chân ngoài mặt trận được vinh dự nằm trong chiếc xe đẩy, như nằm trên bàn trước sân khấu.
Khi các em học sinh ồn ào đổ xô vào hành lang buổi biểu diễn đã bắt đầu. Các em cũng sẽ ra biểu diễn, Trêchiakov ngồi bên cửa ra vào, anh nghe thấy và biểu rằng lúc nào anh cũng mong chờ điều đó. Anh chờ cho hết tiết mục và bước ra hành lang.
Các học sinh mặc áo choàng trắng tụ thành đám đông, và tất cả cùng nhao nhao nói:
- Nhưng mùa đông thì chó nó không cắn cơ mà!
- Thậm chí nó không buồn sủa nữa, hay thật.
- Thế tại sao nó lại cắn Xasa?
- Không, sao nó lại cắn chính Xasa?
- Nghe này, có khi con chó ấy bị dại rồi cũng nên.
- Xasa, đừng cắn nhé!
- Các cậu cứ cười... Tớ chả thấy buồn cười. Mới rách tất thôi! Mà không hiểu sao đau dễ sợ.
Và rồi em cũng cười phá lên để khỏi phát khóc. Em đứng một chân, cô y tá cúi xuống chân bên kia, còn tất cả học sinh xúm quanh họ. Xasa... Từ ngoài lạnh vào, cô thở hổn hển, hai má ửng hồng. Trong hơi tuyết trong lành mà bọn trẻ vừa mang theo vào, Trêchiakov cảm thấy rõ mùi quân y viện mà anh quen chịu và không nhận ra nó: mùi thuốc men, mùi thức ăn của quân y viện, mùi căn phòng thông gió tồi mà ở đó biết bao người thường xuyên ở. Anh còn cảm thấy cái mùi ấy bốc lên từ người mình, từ tấm áo choàng bằng vải bông đã được giặt đi giặt lại.
Cảm thấy có người đang nhìn mình, cô bé rướn hàng mi rậm, rậm đến nỗi đôi mắt cô màu xám mà tưởng như màu đen, cô nhìn với niềm vui sướng của cuộc đời phơi phới trong cô. Và dường như có bóng người vừà lướt qua gương mặt cô, có một cái gì đó khép chặt lại trong đôi mắt ấy, không cho cái nhìn của người lạ lọt vào cuộc sống của cô.
Rồi theo ấn tượng còn đọng lại, cô nhìn thêm lần nữa, vẻ thích thú, nhưng anh không nhìn thấy cái nhìn ấy. Anh đã quay vào phòng. Trong phòng chỉ thấy những người nằm và một vài cái giường bỏ trống. Đại úy Rôizman đang mò mẫm cạo mặt bên bàn ăn dưới đèn.
- Trêchiakov, cậu đấy à? - Anh ta hỏi, nhận rạ Trêchiakov nhờ bước chân. - Cậu sửa lại bên thái dương cho mình nhé?
- Để tôi thử xem.
Rôizman dò dẫm tìm cái chổi trên bàn, quẹt xà bông lên má. Trêchiakov nhúng dao cạo vào chiếc cốc con đang đựng nước xà phòng âm ấm, anh muốn cúi xuống nhưng vết thương bên sườn không cho cúi. Anh muốn ngồi, nhưng vết thương ở chân không cho ngồi. Còn Rôizman thì đang chìa má chờ đợi.
- Tôi không cúi xuống được. Anh đứng lên vậy. - Trêchiakov nói.
- Được được.
Cả hai người chỉ có ba cánh tay lành lặn và một đôi mắt thấy được. Rôizman đưa tay giữ da bên thái dương, Trêchiakov tay cầm con dao cạo nguy hiểm dè dặt thở bên gương mặt xương xương của Rôizman.
- Giữ lấy... Xong ngay... Tôi cạo đây!
Anh né người, ngắm nhìn:
- Chỗ này còn một chút nữa!
Rồi anh bắt đầu cạo sang thái dương bên trái, còn Rôizman dùng tay kia vòng qua đầu giữ da. Đôi mắt của anh ta ở ngay trước mặt anh. Đôi mắt ấy dõi theo anh, và tưởng chừng như nhìn thấy được, chỉ có điều đôi đồng tử không hội tụ nơi gốc mũi, khi Trêchiakov ghé sát mặt:
- Đồng chí đại úy, đồng chí không nhận ra tôi hay sao? - Anh hỏi, lau lưỡi dao cạo vào chiếc áo choàng.
- Tôi cảm thấy giọng nói... - Rôizman lưỡng lự không đáp ngay. Và đứng đối mặt với Trêchiakov.
- Đồng chí nhớ chứ, ở trường sỹ quan lúc đồng chí lên lớp, học viên trực nhật hô khẩu lệnh, đồng chí nghe anh ta hô “nghiêm” rất gà tồ, đồng chí cho gọi trung đội trưởng lên và nói: “Đồng chí trung úy, không bao giờ để học viên này báo cáo trước tôi...”!
Rôizman sung sướng nhớ lại :
- Thế ra đồng chí đấy à?
- Tôi đấy.
- Khoan hẵng. Điều đó, có nghĩa là...
- Tôi sẽ kể chính xác cho đồng chí nghe. Trận phản công ở vùng Xtalingrat bắt đầu ngày 19 tháng 11. Các cánh quân gặp nhau ngày 23. Chúng tôi ở một nhà ga tại Mátxcơva và nghe thấy thông báo. Từ mặt trận chúng tôi trở về trường sĩ quan và ở đó họ cũng truyền đi bản thông báo. Sau đó ở Quybưsev chúng tôi chè chén ba ngày đêm liền. Đi cùng với chúng tôi có một chuẩn úy người Quybưsev, chúng tôi đã ở lại chỗ anh ta ba ngày đêm, dùng hết hàng thùng bia. Kể ra chúng tôi còn ở chơi nữa, nếu như thực phẩm chưa cạn. Thế đấy, lúc đó là cuối tháng mười một. Còn tháng mười hai, ngày đầu tháng tôi hô khẩu lệnh trước mặt đồng chí. Đồng chí dạy chúng tôi môn pháo binh.
- Đúng, đúng, đúng...
- Cuối tháng một hoặc là đầu tháng hai, đồng chí đi khỏi chỗ chúng tôi.
- Mùng ba tháng hai!
- Đấy, tôi vẫn nhớ mà! Đồng chí ra mặt trận. Sau khi bị thương, một chân đồng chí không co duỗi được. Theo tôi là chân phải? Đồng chí đi lại còn chống gậy...
- Đúng, đúng, đúng... - Rôizman đồng ý và mỉm cười.
Rồi hỏi:
- Lần ấy, chắc đồng chí giận tôi ?
- Lúc đó thì tôi giận...  Lần đó, - Trêchiakov thật thà đáp: - Còn bây giờ, thậm chí chỉ nhớ lại thôi cũng cảm thấy dễ chịu làm sao...
- Thế đồng chí đã học hô khẩu lệnh chưa?
- Chúng tôi, từng cặp một bị xua ra bãi tập hàng giờ liền. Đi ngược chiều nhau “Nghiêm! Bên phải quay! Bên trái quay! Đằng sau quay!...”, và đi đều bước. Giờ thì nhớ suốt đời...
- Thoạt đầu tôi thấy giọng nói có vẻ...
Và Rôizman lại gật đầu đồng ý, khẽ mỉm cười, nghĩ đến những điều riêng tư. Và Trêchiakov cũng theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. “Trong mình có cái gì đó thật mâu thuẫn, - anh nghĩ vậy và anh lại thấy cô bé nhìn thấy anh liền cau mặt. - Mình biết, có cái gì đó đã khiến mọi người xa lánh mình...”.
Hút hết điếu thuốc ngoài hành lang, anh lại bước vào trong phòng lớn. Chỗ ngồi kín hết. Anh đứng bên cửa ra vào và xem diễn viên đang đóng vai Hítle trên sân khấu. Với bộ ria mép được dán vào, tóc rũ lệch bên trán, người diễn viên nhảy nhót như con bú dù, và kêu lên điều gì đó khùng dại. Trong phòng mọi người cười rộ, gõ nạng xuống sàn nhà, hét lên: “Lại đi!” - họ không sao muốn buông tha người diễn viên, làm như đó chính là Hítle thật được đưa ra làm trò giải trí. Và vì sao đó Tréchiakov lúc này bỗng cảm thấy xấu hổ thay cho họ và cho cả chính mình. Đến được chỗ Hítle còn cả một mặt trận và một hậu phương, từ nơi đấy Hítle phái ra mặt trận không chỉ một sư đoàn bộ binh hav xe tăng. Và nhiều người trong số những người lúc này đang cười say sưa rất có thể sẽ không còn tồn tại trên đời đến tận giờ phút đó. Chính anh cũng không biết cho đến nơi đến chốn vì sao anh cảm thấy xấu hổ, nhưng trong cái trò giải trí dớ dẩn này, trong cái vai Hítle vụng về này, có điều gì đó dường như làm anh, Tréchiakov cảm thấy bẽ bàng trong chính mắt mình. Và có thể, rất đơn giản, tâm trạng lúc này của anh như vậy.
Khi cô gái đi ủng mặc áo choàng trắng bước ra sân khấu, hai chàng trai mang đàn mandolin và balalaica bước ra theo sau, như đội danh dự, hai chàng ngồi xuống mép ghế đẩu, cô gái gật đầu và hai cùng hất mái tóc lên, bắt đầu gẩy đàn, còn cô thì hát.
Hệt như sợ hãi điều gì, Tréchiakov vội vàng cụp mắt xuống. Và anh đứng, lòng càng xao xuyến hơn, cảm thấy hai bên má nổi da gà. Bài hát kể về những điều chính anh cũng đã gặp không phải chì có một lần:

Lidaveta, em chờ tin anh.
Đêm không yên giấc, nhớ thương anh hoài....
Chiến thắng, anh sẽ về với em
Trên lưng ngựa chiến nóng bỏng...

Chẳng hề chi, nếu không thấy như vậy và không phải là một cuộc chiến tranh như vậy đã diễn ra, Không phải trên những con ngựa chiến nóng bỏng, mà đơn giản hơn, đồng thời cũng đáng sợ hơn, dù sao bài hát ấy cũng làm anh xao xuyến và trở nên buồn. Ngoài mẹ và cô em gái, chẳng ai mong gặp anh, nhớ thương anh. Và không hiểu vì sao những lời ca phô trương đó khiến anh phiền muộn: “Gặp nhau, cười lên em, anh can đảm trong chiến trận...”.
Đúng, một cô gái như thế có thể hỏi:
- Anh có can đảm trong chiến trận không?
Anh đứng bên cửa nhìn xuống nhà và nghe hết bài hát...
Sau đó anh về phòng ngủ, ngẫm nghĩ. Anh trằn trọc, vẫn không sao ngủ được, và anh không biết, tâm hồn anh nhức nhối, hay những vết thương mà anh rất đỗi lo lắng đang đau đớn. Và anh nhớ tới trung úy Aphanaxiev, ở mặt trận Tây Bắc, trong trung đoàn của anh, vì tình yêu, đã tự tử một cách nhục nhã. Suốt hai ngày đêm không ai biết gì về anh ta, thậm chí có tin đồn anh ta chạy sang quân Đức. Sau họ tìm thấy anh ta cách trận địa chừng cây số. Anh ta nằm trong nước tuyết đã tan ngoài rừng, bận chiếc quần lót có hai giải dây nơi mắt cá, áo va-rơi dạ, bàn tay phải vẫn nắm chặt khẩu súng lục, xây xát hết, vì phát súng trên thái dương có một vết tròn cháy xém. Mọi người vừa thương hại, vừa chửi rủa anh ta. Ngoài mặt trận, nơi mà ngày nào cũng có biết bao người bị giết chết, anh ta lại còn tự bắn vào mình... Không thiết sống nữa, thì đấy, bọn Đức đấy, đi mà bắn chúng. Còn người phụ nữ đã khiến anh ta tự sát, thì chung sống với tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn trưởng có một căn hầm riêng. Cô ta hay bận quần bông, khua ủng bì bõm trong nước, giọng thuốc lá khàn khàn. Thế mà vì cô ta, một chàng trai thanh niên dũng cảm, đẹp trai đã tự sát. Nhưng bây giờ anh nghĩ: có thể anh ta hoàn toàn không thấy cô ta là một người như mọi người vẫn thấy? Và có thể anh ta hiểu về cô ta hoàn toàn khác.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét