Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 11

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

11

Mùa đông ở Uran đến sớm. Sáng sáng ánh tuyết hắt lên trần nhà trắng toát, còn mặt trời rọi vào những ô kính ẩm ướt, mà ở đó băng đang tan. Có lần thương binh mở cửa kính đã được dán kín, và thò đầu ra, họ vỗ tay, họ hò hét bên trên, lấy nạng gõ vào các viền sắt ở cửa.
- Hát bài lên đường!
Phía dưới, ở trong sân bên bức tường gạch của một trường phổ thông xưa được mặt trời sưởi ấm, và bây giờ là quân y viện, đội nhạc của nhà trường đang biểu diễn tiễn đưa những người trở lại mặt trận.
- Bài lên đường! - Họ hét lên bên các cửa sỗ.
Trêchiakov còn chưa đi đến đó, chỉ ở tận đầu kia của buồng bệnh anh cũng nghe thấy rõ, trong sân một vài chiếc Mandolin và Balalaica đang gẩy một giai điệu được ưa thích. Và giọng hát trẻ trung, vui sướng, vang lên lảnh lót ngoài băng giá.

Đừng buồn, đừng khổ đau  
Xin gửi nụ hôn bên ngưỡng cửa...”

Đại úy Roizman mù lòa vịn thành giường, đánh đổ chiếc ghế đẩu ở lối đi, đang bước ra chỗ sáng bên cửa sổ.

Đường thênh thang rực sáng
Rộng mở trước chúng ta...

Bài hát ấy được trình diễn ba lần liền, Thương binh không muốn nghe bài nào khác. Họ thích bài hát này, cứ yêu cầu đi yêu cầu lại. Và họ lại gẩy đàn. Vui sướng vì tuổi trẻ, vì âm điệu, vì sức  mạnh, giọng thiếu nữ trong veo bay vút lên trên tất cả các giọng khác:

Đừng buồn, đừng khổ đau...

Y tá chạy vào phòng bệnh nhân, đóng sập cửa sổ lại, đẩy thương binh về giường:
- Các anh điên rồi! Ngoài sân băng giá, muốn sưng phổi hả?
Cũng trong ngày hôm ấy anh tải thương cụt một chân bắt đầu tập tễnh đi chân giả. Có dạo anh nằm ở đây cho hết kỳ hạn, anh được ra viện nhưng không biết đi đâu, ngôi nhà của anh và cả vùng quê đã bị quân Đức chiếm đóng. Bởi vì thế anh ta đâm mọc rễ ở quân y viện. Anh lấy đinh đóng chặt ô cửa sổ lại để mọi người, cho đến tận đầu xuân, cũng không mở ra được: ở đây cần giữ gìn ấm áp. Nhưng đến tận đêm âm điệu đó vẫn bay khắp phòng bệnh nhân. Người này quên, người kia khe khẽ hát, rồi đi lại, mỉm cười với chính mình. Trong góc phòng như người theo đạo Hồi, Gôsa ngồi khoanh chân trên giường, tráo bài rủ chơi tính điểm.
Tính theo tuổi, Gôsa cũng gần giống như những học sinh phổ thông kia, nhưng trong cuộc đời mình, anh đã kịp ra đến mặt trận. Đoàn tàu quân sự bị ném bom, Gôsa bị sức ép và họ chở anh vào quân y viện. Rồi anh lại ra trận, và lần này không phải bị trúng bom mà trúng pháo địch. Anh tỉnh lại ở quân y viện, các bác sĩ nói rằng đợt chấn thương trước của anh bị ảnh hưởng. Và rất có thể, anh lại bị sức ép. Không lần nào. Gôsa có thể thuật lại cho đến nơi đến chốn, anh bắt đầu hồi hộp, nghẹn ngào đến nỗi không thể nói ra được, người rung lên như đang nức nở.
Ngày ngày, từ sáng sớm anh đã ngồi trên giường với cỗ bài. Chờ xem có ai chơi tính điểm với anh không. Và số phận anh có thể đoán trước được. Hồi ở trường sĩ quan mỗi khi được nhận giấy ra ngoài, Trêchiakov đã thấy những người như thế ở ngoài chợ, bên các quán bia; họ cụt chân ngồi dưới đất, chơi “vòng”, “dây”, họ còn đổi chác gì đó dấu dưới áo ngực, họ chỉ sống độc bằng ban ngày. Hoặc là, kẹp chặt bao thuốc lá đã bóc trong mỏm tay cụt, họ run cầm cập ngoài băng giá, bán lẻ từng điếu. Chắc vì thế mà bác sĩ không vội cho Gôsa ra viện.
Nhìn dáng điệu, rõ ràng đó là một chàng trai anh hùng, lao ra trận lập chiến công, nhưng anh ta không được may mắn, không thực hiện nổi điều gì, không được chết vinh quang.
Thứ sáu nào các học viên trường sĩ quan lục quân cũng đi tắm ngang qua quân y viện. Từ nhà tắm ra, họ vừa đi vừa hát. Giọng hát của người bắt nhịp run run, không lấy được dũng khí và dễ gẫy trong giá lạnh, cất cao trên đội ngũ nhấp nhô, trên làn hơi nước bốc lên từ những chiếc lưng áo bạc màu và từ những chiếc chổi tắm ướt sũng.

Ở nơi mà bộ binh không đến được
Tầu bọc thép không qua
Xe tăng không trườn tới...

Lạo xạo, lạo xạo - những đôi ủng đi trên tuyết. Yên lặng đợi chờ. Giọng người bắt nhịp cất lên giữa hàng quân, ai cũng lo cho giọng hát ấy : nhỡ không đủ hơi thì sẽ hỏng cả bài hát. Và lần cuối cùng, giọng hát ấy cất lên không thương xót:

Ở đó chỉ có chim sắt bay lượn được...

Hệt như sẵn giọng trả lời, át cả tiếng bước chân, các học viên gào lên điệp khúc do ai đó sáng tác:

Tạm biệt Maruxia, em thân yêu.
Anh sẽ không quên tình em.
Và, phải chăng, đây là lần cuối.
Anh được nhìn vào đôi mắt xanh...

Và ngoài băng giá, tiếng lạo xạo của những đôi ủng đóng cá sắt lại vang lên, hơi bay ra từ miệng, hơi bốc trên những chiếc mũ có tai. Đường phố ngập tuyết vắng vẻ, rộng rãi, những chiếc cổng khóa kín được cào sạch tuyết, làn khói trắng bay trên ống khói bếp lò, ở các ô cửa sổ không ai nhìn xem các học viên vừa đi vừa hát: chiến tranh, người nào không ra mặt trận thì làm việc mười hai tiếng vì mặt trận. Chẳng lẽ những gương mặt già nua trùm kín khăn lại dán chặt vảo ô kính, và những đôi mắt đùng đục lờ mờ lại nhìn theo hay sao.
Băng giá cũng phải nhường bước, các học viên đi rất nhanh. Lúc này không phải áo capốt, mà bài ca và bước đi đã ủ ấm họ. Lạo xạo, lạo xạo. Như một bầy chim sẻ, bọn trẻ từ hai bên đường chạy theo sau hàng quân nhìn ngắm, và chúng dường như cũng bước đều, bước! Bước đều, bước! Và ở các ô cửa sổ của quân y viện, thương binh mỉm cười, hệt như nhìn vào quá khứ của chính mình.
Nửa tháng sau, khi đã bình phục, Trêchiakov còn phải mổ thêm lần nữa: gắp những mảnh đạn nhỏ ở tay, nối dây thần kinh, rồi bọc bằng xenlôphan. “Chúng tôi đã bọc như bọc kẹo ấy”, bác sĩ phẫu thuật nói.
Phẫu thuật chỉ gây tê tại chỗ, nên đêm đến, nỗi đau thật sự mới bắt đầu, các bác sĩ đưa cho cô y tá một ống moóc phin dành cho anh. Hầu như cho đến sáng, anh đi lại suốt dọc hành lang, nhưng không chịu tiêm thuốc. Thượng úy pháo binh nằm trong phòng dành riêng cho sĩ quan, đôi tay dập nát vì đạn nổ. Anh ta bị xóc tung lên trong xe tải thương, khi họ chuyển anh ta ra đoàn tàu cứu thương, họ tiêm moóc phin để anh ta ngủ, và cho người khác ngủ. Thế là bây giờ anh ta hỏi xin y tá moóc phin, rồi đổi chác, dối trá, hạ mình van nài. Thấy thế, Trêchiakov quyết định thà chịu đựng còn hơn biến thành người như vậy, cho dù cô y tá chế nhạo anh, các cô bảo một mũi tiêm không thể trở thành kẻ nghiện moóc phin được.
Gần sáng, thương anh, các cô y tá rót cho anh nửa cốc rượu cồn, anh uổng cạn, nằm xuống rồi kê gối dưới đầu và váng vất ngủ thiếp đi. Anh nằm mơ, hình như anh nghe thấy có giọng nói, chính cái giọng đã hát: “Đừng buồn, đừng khổ đau...” ở ngoài sân. Anh nghe thấy cô gái ấy đang nói trước mặt anh, thế là anh sợ hãi choàng dậy. Anh tỉnh dậy và không biết mình ngủ hay không ngủ, giọng nói đó vẫn vang lên, chưa biến mẩt. Anh thận trọng đẩy chiếc gối ra. Ánh tuyết trắng hắt vào phòng, những cành cây trắng đung đưa ngoài cửa sổ, tất cả vẫn rõ ràng như vẫn thường xảy ra sau đêm mất ngủ. Cách hai giường, một cô gái mặc áo choàng trắng, ngồi xoay lưng về phía anh, hai bím tóc dài chấm ghế. Chân cô ta mang đôi ủng dạ của lính, màu xám thuộc rất thô. Hai bím tóc lúc lắc trên lưng, cô ta quay đầu ỉại - trong khoảnh khắc đó, anh nhìn thấy một bên mắt cô sáng rực đầy vẻ lo lắng.
Đại úy đeo huân chương Cờ đỏ ngồi trên giường gần chỗ cô. Anh là người duy nhất trong buồng bệnh của họ không cất huân chương dưới gối mà cài chặt trên chiếc áo sơ mi mở toang dưới áo choàng, và anh cứ thế đi lại, ngực đeo huân chương. Anh không còn trẻ trung nữa và bị thương nặng, mảnh đạn cối nằm lại trong não của anh. Qua lời bác sĩ, họ được biết anh ta có thể sống với mảnh đạn ấy, nhưng cũng có thể chết đột ngột vào bất cứ lúc nào đó. Anh ta thường bị những cơn đau đầu, đến mức anh phải nằm liệt giường, toàn thân nhợt nhạt.
Trong phòng mọi người khe khẽ gõ đôminô, đánh túlơkhơ trên bàn ăn. Đại úy Rôizam mù lòa lê giầy lệt xệt trên sàn nhà, rồi va phải giường. Cô gái nói nhỏ, Trêchiakov nghe câu được câu chăng:
- Cháu không thể tha thứ cho mình... Cháu hoàn toàn không hiểu... Còn anh ấy nổi nóng lên một cách hãi hùng. “Em quên rồi hả!”. Lúc đó cháu mới chợt hiểu, anh ấy chỉ còn có nửa giờ đồng hồ nữa. Anh ấy hút hết điểu thuốc này sang điếu thuốc khác... Anh ấy muốn nói. Cháu chạy bổ đến, tất cả mọi người có mặt ngoài sân ga đã lâu...
Bằng thính giác, Trêchiakov cảm thấy rằng cô gái quay về phía anh.
- Anh ấy ngủ, - đại úy nói, - Mới mổ hồi chiều.
Và đột nhiên anh cảm thấy bực bội, cô gái thậm chí chẳng hỏi han gì, đối với cô, anh ta chỉ là điều trở ngại trong câu chuyện.
Chiếc giường lại bị xô đẩy, Rôizman đụng phải. Tiếng bước chân lệt xệt, xa dần. Cô gái bắt đầu thì thào khẽ hơn:
- Rồi sau đó khi tiếng còi tàu và còi lệnh vang lên, mẹ cháu lao đến ôm hôn anh ấy! Mẹ cháu đã hôn anh ấy như thế! Hôn lên cổ, lên gáy, lên đầu... Chỉ đến lúc nào đó cháu mới nhận thấy, chỉ đến lúc đó cháu mới hiểu ra rằng điều đó là thế nào. Cháu cảm thấy rất dễ chịu, vì anh ấy đã đến, và tóc cháu xõa tung trên vai. Anh ấy đi đến chỗ chết chóc.
Trêchiakov muốn nhìn thấy gương mặt cô nhưng anh chỉ nhìn thấy dải tỏc đuôi sam trên áo choàng, và đôi ủng to xám dưới gầm ghế đẩu. Anh chợt nhớ ra, anh đã có lần trông thấy đôi ủng này ở đâu.
Đoàn tàu cứu thương dừng ở ga, họ khiêng những người nằm trên cáng, tải thương dìu những người đi được. Lúc anh được dìu từ trên bậc xuống, có hai đứa trẻ chui ra khỏi gầm tàu: cô bé choàng khăn kín người, băng giá lạnh buốt còn cậu bé đội chiếc mũ có vành che tai bằng da đen. Cả hai nhìn quanh xem có ai trông thấy mình không, và chúng vui sướng, hả hê, một thùng than chưa cháy hết khét lẹt đầy ụ đặt trước mặt. Chúng đi nhặt than trên đường. Anh nhận thấy cô gái mang đôi ủng bộ đội, đúng là đôi ủng này, to, rộng. Rất có thể, đây chính là cô bé đó?
- Các bạn ơi, - Rôizman gọi. Giơ tay lên, ống tay áo choàng bằng vải flanen tuột thõng xuống, anh rờ mép cửa sổ. - Đây là cửa sổ, phải không?
Mọi người ngừng nện đôminô. Đứng ngược sáng, Rôizman rờ ô kính, rờ khung cửa. Đôi mắt anh - không một chút hư hại, vẫn sáng rực lên nhưng lại không trông thấy gì - lúng túng nhìn căn phòng, nhin lướt qua tất cả mọi người.
- Tôi phân biệt được ánh sáng. Đây... Nó đây...
Và tay run run anh bắt lấy ánh sáng trên ô kính.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét