Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 21

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

21

Từ băng giá ngoài đường đi vào, anh cảm thấy sự ngột ngạt ứ đọng lại trong phòng.
Trêchiakov khẽ nhón chân, thận trọng khép cửa lại. Khi mắt đã quen với bóng tối, lúc cởi áo, anh nhìn thấy Atrakôvxki đang mỉm cười ở giường bên cạnh chiếc gối. Thế rồi chính anh cũng cảm thấy buồn cười khi thấy mình mò mẫm trong bóng tối giữa những chiếc giường.
- Đại úy, - Anh thì thào gọi, - kéo tay áo cho tôi với.
Atrakôvxki ngồi dậy, chân không tất thõng xuống đất. Sau cơn đau cách đây không lâu, anh suy sụp hẳn, gần như không thể đứng dậy được. Lúc đó các bác sĩ bèn chạy khắp tầng, mang về một tấm rèm che bằng vải trải giường, ngăn riêng anh ra khỏi phòng để làm gì đó. Anh lặng lẽ nằm ở đó, họa hoằn mới hé mở cặp mắt đùng đục.
- Anh đừng kéo căng ra thế, chỉ giữ chặt, giữ cho chặt thôi. - Trêchiakov nói: - Tự tôi sẽ rút tay ra.
Rút được tay ra, Trêchiakov thở hồng hộc, sửa lại chỗ băng.
- Cảm ơn anh.
- Cậu có hút thuốc không?
- Đang thèm! Hút hết sạch thuốc rồi.
Atrakôvxki đưa cánh tay yếu ớt lần mò dưới gối, rồi khoác áo vào.
- Đi nào, muốn đứng với cậu một lát. Đằng nào mình cũng không ngủ.
- Sao lại không ngủ? Anh đau à?
- Nghĩ ngợi lung tung.
- Lại nghĩ! - Trêchiakov mỉm cười thích thú. Anh luôn luôn tủm tỉm về chuyện gì đó. - Hết chiến tranh chúng ta sẽ nghĩ. Trông Xtarưk ngủ kìa, như thần thánh ấy, chẳng nghĩ ngợi gì.
Xtarưk nằm sấp, tay buông thõng chạm đất. Hai người rì rầm trong bóng tối ngay bên cạnh, nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến anh ta. Anh ta trở mình, đè cả lên màn - người cao lớn, nặng như cối đá, - miệng chóp chép trong mơ và ngáy khò khò. Bên chân bó bột trắng toát thò ra cả ngoài chăn.
- Ngoài mặt trận tôi cũng ngủ như thế đấy, - Trêchiakov vừa nói vừa nhét bộ quân phục xuống dưới đệm, - Nằm đâu ngủ đấy, giờ thì lạ lùng thật. Đại đội trưởng của bọn tôi ngủ dưới hầm, một quả đạn phá rúc xuống dưới hầm. Bùn lầy lội, quả đạn phá xuyên sâu xuống, sức nổ không đủ làm tung đất lên, chỉ hất tung giường, thế mà đại đội trưởng vẫn không tỉnh dậy. Sớm hôm sau nhìn thấy giường dưới lưng đã cong veo. Mà chính tôi cũng đã ngủ như thế. Ở đây chẳng có rận rệp gì, vậy mà cứ như là có cái gì nó châm đốt suốt đêm. Không ai nhắc nhở đến tôi đấy chứ?
- Không.
Sau khi trải tấm đệm lên bộ quân phuc, Trêchiakov mặc áo choàng vào.
- Đi chứ?
Vốn đã quen với bóng tối, anh đâm chói mắt dưới ánh sáng ở hành lang. Họ lại gần phòng mổ, chỗ cửa sổ đằng xa tít. Từ ô cửa sổ đó có thể trông thấy những ánh đèn ngoài ga, và những ánh đèn trên đường. Ô cửa này cũng giống như những ô cửa khác, vậy mà không hiểu sao cứ đứng bên nó là có bao chuyện tâm tình. Anh và Xasa cũng đã ngồi ở đó.
Trêchiakov không hút thuốc đã lâu, tới mức những hơi thuốc đầu tiên thấm sâu vào phổi làm anh váng vất, môi tê đi. Anh nhìn qua ô cửa và mỉm cười với chính mình, mà không tự nhận ra. Tâm trạng tốt đẹp đó truyền sang Atrakôvxki. Chàng trai này được đưa đến và anh ta hồi sinh trông thấy trước mắt anh. Đôi má tái ngắt vì lạnh - với những món ăn loãng của quân y viện thì máu của tất cả mọi người chẳng nóng lên được - vậy mà chàng trai này vẫn tươi cười, vui vẻ. Nhưng ngay cả khi cười, đôi mắt ấy vẫn ánh lên vẻ nghiêm nghị, một đôi mắt từng trải. Atrakôvxki vừa thấy thương, vừa thấy ghen tị với chàng trai.
Năm bốn mươi mốt, khi Atrakôvxki bị thương và bị bắt làm tù binh, anh bị giải đi, từ trên đỉnh đồi, anh trông thấy cả đoàn tù binh. Mưa đã tạnh, mặt trời xế chiều nhưng vẫn sáng, thứ ánh sáng nhợt nhạt, dường như đó không phải là ngày, mà là cuộc sống đang tàn lụi. Những người tù lê bước suốt dọc con đường, dưới những họng súng tiểu liên. Đằng kia, nơi chúng lùa họ tới, người người ngồi giữa đầm lầy trơ trọi, hàng trăm, cũng có thể, hàng nghìn người đang ngồi, không nhìn thấy mặt đất dưới họ: chỉ thấy đầu là đầu, đầu nhiều như thể trứng cá. Những chàng trai cũng giống như chàng trai này, tóc cắt ngắn, bây giờ không biết còn sống sót được bao người trong số họ. Sau khi chứng kiến điều đó, lần đầu tiên anh hiểu ra rằng một đời người ít ỏi làm sao trong cuộc chiến tranh này, nhưng đối với bản thân mình cuộc đời ấy là vô giá, khi mà con số đó lên tới hàng nghìn, hàng triệu. Nhưng những cuộc đời ít ý nghĩa ấy, những con người ấy lại có khả năng chiến đấu đến người cuối cùng trong chiến trận, thế mà ở đó họ bị gom dồn lại, họ xô đẩy lẫn nhau, nhẩy xổ vào những đống đồ thải mục thối, và đội cảnh vệ, những tên lính trẻ trung no đủ chỉ vì trò tiêu khiển từ ngoài hàng rào trễ nải bắn vào họ - chúng được phép và có thể hành động thế. Những con người ấy chẳng có gì đặc biệt và khác thường mà họ có sức mạnh duy nhất, có khả năng vượt qua tất cả. Sức mạnh ấy với lòng trung thành, sẵn sàng hy sinh đang trỗi dậy trong những giây lát hiểm nghèo khi cái chết đe đọa tất cả.
Ở đó, cùng bị bắt làm tù binh với anh, có một phi công, cũng như chàng trai này, nhiều tuổi hơn đôi chút. Anh bị bắn rơi ngay tại mục tiêu, trên bến phà, nơi anh bay đến một mình. Và anh phi công không hề run sợ lái máy bay lao thẳng vào chiếc cầu xe lửa, nhận cái chết trung thành. Thế nhưng anh ta vẫn sống, tiếng nổ hất tung anh ta ra. Anh phi công chết vì bệnh truyền nhiễm, cho đến phút cuối cùng anh ta vẫn khát khao chạy trốn khỏi cảnh tù binh. Thế nhưng nếu có chạy thoát, anh ta sẽ phải chứng minh rằng không khai báo ai, không thay lòng đổi dạ, cũng như Atrakôvxki đã từng phải chứng minh không chỉ một lần, và anh ta cũng sẽ nhận một vết đen vô hình, không sao rửa được.
Trong trại tù binh, Atrakôvxki không thấy bực mình: kẻ thù là kẻ thù, chẳng thể trông mong một điều tốt lành nào ở chúng, trái tim của anh lúc đó là vậy, như đá. Nhưng khi đằng mình mà không tin tưởng thì mới thấy nặng nề và bực dọc hơn.
Qua những ô cửa hai lớp, tiếng còi của một con tàu đang chạy trên đường vẳng đến yếu ớt hẳn. Không dừng ở ga, đoàn tàu hàng lao vút qua: hai đầu máy kéo tàu cùng nổi còi. Đoàn tàu vẫn chạy, chạy mãi, tất cả hiện ra trong ánh sáng, những toa tàu, những toa trần hiện lên rồi biến mất: đoàn tàu quân sự nặng nề lao về phía đó, ra mặt trận, còn nơi đây, ở xa xa chỉ có những ô kính lanh canh. Khi đoàn tàu hoàn toàn mất hút, con đường lại trở nên vắng vẻ, cả hai người nhìn nhau với cùng một ánh mắt. Và lần dầu tiên Trêchiakov trông thấy Atrakôvxki không già, mà chỉ rất gầy, toàn xương là xương.
Có một bận ở phòng bệnh khi mọi người được thay quần áo, Atrakôvxki ngồi trên giường, kéo chiếc áo vải thô qua dầu, để hở cả cột sống cong cong khỏe mạnh, đầy những đốt sống nhòn nhọn, Trêchiakov tình cờ trông thấy cánh tay của anh ấy - cánh tay giờ đang đặt trên bệ cửa sổ. Cánh tay dập nát, đầy sẹo gớm ghiếc, da nhăn nhúm, hệt như bị dứt ra từng đám thịt, - anh đã chiến đấu với một cánh tay như thế, và xứng đáng được nhận Huân chương Cờ đỏ, “thẻ vào đời”, như có lần anh đã gọi.
- Rồi chúng ta sẽ còn nhớ lại thời gian này, - Atrakovxki nói, và đôi mắt anh sáng lên một cách đặc biệt. - Ai còn sống, sẽ nhớ lại. Cậu khát khao ra đó lắm hả?
- Đúng thế! - Trêchiakov ngạc nhiên thấy đại úy nói trúng những điều mình cảm thấy. - Ở ngoài đó khi mọi cái bị đè nén, có đôi bận tôi lại nghĩ: giá bị thương, giá mà bị gãy chân, gãy tay nhỉ! Thế mà ở đây thì...
Atrakovxki nhìn anh, như thể người cha nhìn con:
- Ở ngoài đó chẳng ngóc đầu lên được, nhưng tâm hồn lúc nào cũng thẳng băng.
- Bởi thế nên tôi thích trung đội chỉ huy, - Trêchiakov ngắt lời, anh cũng muốn giãi bày. - Tách ra khỏi đại đội thì không còn một ai ở trên mình. Càng ra gần tiền tuyến, càng thấy tự do.
- Qua một tai họa lớn sẽ là một sự giải phóng lớn về tinh thần, - Atrakovxki nói. - Chưa bao giờ điều đó lại phụ thuộc vào mỗi chúng ta đến như vậy. Bởi thế chúng ta quyết chiến thắng. Và điều đó không thể bị quên lãng. Ngôi sao sẽ tắt, nhưng lực hấp dẫn vẫn còn mãi. Con người cũng như vậy.
Họ đứng mãi bên cửa sổ, hút thuốc, xao xuyến, cả khi họ im lặng, cũng vẫn là chuyện trò. Nhìn vào đôi mắt nhân hậu của chàng trai, thẳm sâu là những nét gian truân, Atrakovxki đã đọc được cả số phận của chàng trai trong đôi mắt ấy.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét