Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 16

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

16

Gần đến bữa ăn sáng vẫn không ai đánh thức anh dậy. Vừa ngủ lơ mơ, anh vừa nghe thấy nhiều giọng nói của ai đó, một lần, anh nghe thấy giọng Kichênhev ngay sát bên tai :
- Có lẽ cậu ta mơ khủng khiếp lắm. Suốt đêm vật vã...
Anh lại thức giấc vì những tiếng ồn ào huyên náo. Một vài người đứng lố nhố bên chiếc bàn kê giữa phòng, tiếng cốc thủy tinh va vào nhau leng keng, tiếng nước chảy ồng ộc từ chiếc bình thon cổ. Mọi ngưòi đang rót gì đó.
- Nào... bây giờ đến ai đây? - Kichênhev hỏi nhanh. - Atrakôvxki không nên uống. Rôizman!
Kichênhev giật tay áo Rôizman, rồi đưa cho anh cốc nước đùng đục:
- Nào, uống đi!
Vừa nhìn chiếc cốc, Trêchiakov đã cảm thấy ngay mùi nồng nồng của rượu ngang, liền ngồi dậy:
- Có gì đáng mừng mà các anh uống rượu từ sáng sớm thế?
Kichênhev liếc nhìn anh.
- Cậu cứ ngủ nữa đi. Quân ta tiến tới gần Berlin rồi, mà anh chàng mới thức dậy kìa.
- Sao, nói thật đi, có chuyện gì vậy?
Nhưng mọi người rót rượu cho anh.
- Hãy làm đi! Rồi sau sẽ hỏi.
Thế nhưng chính họ lại giải thích ngay :
- Avêchixian mới có con gái.
Trêchiakôv vẫn còn ngái ngủ, không xác định ngay được, Avêchixian chính là thượng úy bị thương thủng đầu, đã làm anh hoảng sợ hồi đêm. Nâng cốc lên, ra hiệu uống mừng thượng úy, Trêchiakôv cố uống, không nhăn mặt, không tự hạ thấp can đảm của mình trước mặt mọi người. Xtarưc nhìn theo Trêchiakov đang từ từ dốc ngược cốc, từ đằng xa anh nuốt ực một cái, làm ra vẻ uống giúp Trêchiakov. Mọi người đưa ngay cho Xtarưc một cốc đầy tràn. Mặc cho mọi người vội vàng ngoái cổ nhìn ra cửa. Xtarưc bỗng trở lên nghiêm nghị: phút thiêng liêng đã đến. Anh nhìn mọi người bằng đôi mắt sáng rực:
- Nào!...
Rồi tự gật đầu với chính mình, anh hít vào, vươn người nheo mắt biết ơn. Bỗng Xtarưc tái mặt, ho sặc sụa, tròn mắt lên:
-  Đồ đểu! Ai rót nước lã thế này?
Mọi người cười phá lên. Kichênhev đưa tay chùi nước mắt:  
- Cậu sẽ không tham lam hơn mọi người nữa nhé. Mới rót rượu cho người khác mà cậu đã uống bằng mắt rồi. Đúng luật, lẽ ra cậu không được hưởng nữa. Ngoài tuyến phòng thủ ở chỗ mình có cái lệ rất rành mạch: cứ mỗi lần rót đầy bốn cốc, thì có ba cốc rượu, một cốc nước. Chỉ có người rót mới biết cốc nào đựng gì. Mọi người nâng cốc. Uống cạn. Nhìn nét mặt không thể nào phân biệt được ai uống nước, ai uống rượu. Thế mà cái anh chàng rất tri thức này lại ho vì uống phải nước...
Kichênhev rót đều chỗ rượu còn lại trong bình cho mình và Xtarưc. Vừa vặn được hai cốc:
- Cố lên, đừng ho nhé!
Sau đó, chiếc bình nhanh chóng được rửa sạch rồi lại lấy đầy nước lã từ trong vòi. Kichênhev dùng khăn mặt lau quanh bình thật khô, đặt vào chỗ cũ ở giữa bàn. Và anh còn bày quân cờ lên bàn: mọi người đang chơi cờ, bận rộn với việc trí óc bổ ích. Và họ còn vặn đài to hơn.
Hóa ra là thế này, tối hôm qua bỗng nhiên Avêchixian lên tiếng: anh chờ xung quanh im lặng, mới nói. Những lời nói đầu tiên dành cho mọi người trong phòng: “Tôi mới có con gái”. Nhưng đôi mắt to trên gương mặt gầy guộc ấy lại hỏi liệu cha nó có sống được không? Theo ý kiến chung thì cha đứa trẻ sẽ sống. Vì vậy, mọi người quyết định ăn mừng hai sự kiện đó. Khi cả phòng quầy quần lại, sắp uống rượu thì cô y tá trưởng được anh em thương binh mệnh danh là “xe tăng”, bất thình lình bước vào phòng. Cô khoảng hai mươi lăm tuổi, chồng đang chiến đấu ở phía bắc, mãi Karêli, cho dù đã đôi lần cô kín đáo đưa mắt khuyến khích, nhưng không hiểu sao vẫn chẳng có anh chàng bạo gan nào dám đưa cô về tận nhà. Ngay trong số những người bình phục cũng không tìm được ra một người can đảm nào: cô ta to lớn, chắc nịch, chiếc đai đeo khó khăn lắm mới vắt được qua ngực xuống thắt lưng.
Nữ y tả trưởng bước vào phòng khi Trêchiakov còn đang ngủ. Giữa bàn là chiếc bình đựng đầy rượu ngang. Nếu cố giấu một thứ gì đó trong phòng bệnh, thế nào cũng bị phát hiện ngay, chứ chiếc bình để trên bàn kia thì chẳng ai nảy ra ý định kiểm tra xem bình đựng gì. Nhưng nữ y tá trưởng cảm thấy nước hơi đục. Vốn rất quan tâm tới sức khỏe của thương bệnh binh, nên vừa phát hiện ra sự lộn xộn, cô bèn cầm lấy chiếc bình trong không khí im lặng căng thẳng của cả phòng, cô giơ ra sáng nhìn thêm lần nữa, chau mày dọa nạt, rồi mở nút thủy tinh đưa lên mũi ngửi và ngạc nhiên quá đỗi. Không tin ở chính mình, cô rót một chút ra cốc nhấp một hớp rồi lập tức chạy bổ đi tìm chính trị viên phó của quân y viện.
Trêchiakov ăn nốt đĩa cháo kiều mạch đã đông đặc lại như món thịt đông. Trong phòng mọi người ngồi ra vẻ nghiêm tức như thế, nhưng tiếng cười chỉ chực bật ra. Sau một đêm thiếu ngủ và chén rượu mới uống, giờ đây mọi cái hiện ra trước mắt Trêchiakov sáng sủa hơn, hệt như anh có đôi mắt khác. Ánh sáng mùa đông hôm nay có vẻ khác thường, bầu trời đùng đục ngoài cửa sổ, cả những bông tuyết bám vào mặt ngoài cửa kính cũng vậy. Cành cây nào cũng mập mạp lên gấp đôi vì tuyết bám vào và đung đưa mãi những bông tuyết ấy.
Trêchiakov đưa mắt nhìn mọi người, ngay cùng lúc đó anh lại nhìn thấy anh và Xasa đi lang thang khắp thành phố, trăng soi rõ cho hai người. Nhưng có thể, chuyện đó không xảy ra?

Chính anh không hy vọng tìm thấy những cái lán gỗ ấy. Tới phút chót, anh đâm ra giận mình; tìm làm gì cơ chứ? Ai chờ mong anh? Đã mấy lần anh quay về, nhưng sau đó anh lại đi tìm. Anh hình dung thấy Xasa sẽ gặp anh, sẽ vui sướng và ngạc nhiên như thế nào. Thế nhưng Xasa không nhận ra anh. Cô đứng một mình trước bậc thềm, từ trên mái nhà tuyết lăn xuống, ngọn đèn treo trên cửa ra vào tỏa sáng lù mù, hệt như ở trong khói:
- Xasa? - anh gọi.
Cô quay lại, giật mình, và lùi xa anh.
- Xasa, - anh nói, tiến lại phía cô. Rồi anh tinh ý, dừng lại, - Tôi đây. Xasa, tôi đây mà. Chị hàng xóm nói với tôi là mẹ Xasa bị ốm.
Lúc bấy giờ cô mới hiểu, nhận ra anh, cô khóc nấc lên. Vừa lấy găng tay lau nước mắt, cô vừa khóc :
- Em sợ đi khỏi đây lắm. Mẹ em gầy quá, gầy đến nỗi chỉ có da bọc xương. Không còn sức chống đỡ.
Anh lấy lưng che gió cho cô, còn anh thì lạnh cóng đến mức đôi môi không thể thốt nên lời. Khi cả hai đi quay lại thành phố, Xasa hỏi:
- Bên trong áo capot anh có mặc đồ gì nữa không đấy?
- Có...
- Áo gì vậy anh ?  
- Một tấm lòng.
- Anh không mặc gì bên trong à? - Xasa hốt hoảng. - Thế thì chúng mình đi nhanh lên.
Anh như đi trên chân gỗ, một cái gì đó sưng phồng, không còn cảm giác thay cho những ngón chân trong ủng. Đôi ủng của Xasa khẽ lạo xạo bên anh, trăng sáng, tuyết lấp lánh. Tất cả những điều đó là có thực.

Xtarưc bước lại gần, ngồi xuống giường anh:
- Cậu không để chân bị lạnh đấy chứ?
- Không, chỉ hơi hơi thôi.
- Cảm ơn anh kia đi. - Xtarưc chỉ về phía Atrakôvxki. - Trời giá lạnh thế nào cũng không cần mang ủng.
Xtarưc đưa ống tay áo vải bông lau khuôn mặt đẫm mồ hôi vì uống rượu:
- Các bạn trẻ ạ, phải bảo ban các bạn... Hãy nhớ lấy điều đó khi tôi vẫn còn sống!
Như một người giàu có, Trêchiakov cảm thấy tất cả những gì đang tràn ngập trong lòng mình và anh thấy mỗi người trong số họ thiếu vắng một cái gì đỏ.
Rôizman lê đôi giày vải đến gần, ngồi xuống giường anh:
- Trêchiakov, có phải hồi ở trường, cậu ở đại đội một à? Cậu biết không, tôi thấy tôi nhớ rõ cậu.
Bây giờ, Rôizman hay ôn lại đời mình và bằng lời nói anh muốn thấy trước những gì mà người sáng mắt không nhận ra. Có điều, chắc gì Rôizman đã nhớ Trêchiakov: anh chẳng có gì nổi bật trong số các học viên của nhà trường. Mà trong trí nhớ thường chỉ in sâu hình ảnh những người đã làm gì đó thật khôi hài. Chẳng hạn, ở trung đội anh có học viên Salôbaxôv, ngay từ lần xếp hàng đầu tiên báo cáo, giọng hùng hồn tưởng như mỗi lời nói đều đánh gục được quân thù. Salôbaxôv nói:
- Chúng ta tới đây để nắm lấy đỉnh cao của khoa học pháo binh...
Điều đó thì chẳng ai quên được. Có điều “đỉnh cao của khoa học pháo binh” đối với Salôbaxôv không dễ dàng gì. Năm bốn mươi mốt, khi chiếm lại Kalinin, xe tăng ta tràn vào thành phố cùng với các xạ thủ tiểu liên đổ bộ. Salôbaxôv cũng ở trong đội quân đổ bộ đó, chân đi ủng ngồi trên thành xe tăng. Một quả đạn nổ hất tung anh khỏi xe tăng, giáng xuống mặt đất đóng băng lạnh cứng. Sau đó, anh tỉnh lại, nhưng hoàn toàn mất trí nhớ. Nhiều khi không thể nhồi nhét vào đầu anh một điều gì. Mọi người vừa giúp anh, vừa cười đến vỡ bụng. Đánh lừa anh chẳng khó khăn gì. Nếu ai đó đến nói với vẻ mặt nghiêm túc “Salôbaxôv này, nghe nói hôm qua Belan lại đánh mất góc phương vị”, thể nào anh cũng nóng mặt, trợn tròn mắt và sẵn sàng đi đòi truy tố học viên Belan vì tội làm mất tài sản quốc gia.
Anh chàng Salôbaxôv ấy thì Rôizman không quên, anh mỉm cười ngay.
-  Anh còn nhớ, có lần trong giờ pháo binh, một  học viên bị dán giấy lên kính mặt nạ chống hơi độc không?
- Có, tôi có nhớ, hóa ra cậu đấy à?
- Không, Akgiưgitov đấy chứ.
Thế là lập tức mọi người lại nói chuyện mặt nạ chống hơi độc. Ở trường người ta vẽ ra thôi thì đủ mọi thứ đối với học viên! Chuyện ấy Trêchiakov còn nhớ rõ, như mới hôm qua đấy thôi. Nào là phải chạy ngoài trời rét mướt, vừa đeo mặt nạ chống hơi độc, vừa đeo tất cả quân trang, quân dụng. Rồi phải nằm ngủ vẫn đeo nguyên mặt nạ chống hơi độc ấy. Tuy vậy, họ vẫn ngủ được ngay: mở van ra và thở. Đối với chuẩn úy thì các học viên ấy không phải là thế hệ đầu tiên. Ban đêm, chuẩn úy rón rén đến gần, bóp chiếc ống gấp nếp lại, nhưng anh học viên vẫn thở đều, ngủ say sưa, thậm chí còn nằm mơ nữa. Sáng ngày ra, tất cả chạy tập thể dục, mình mặc áo lót bằng vải thô, hơi người thở ra bốc mù mịt dưới trời lạnh giá, và người phạm lỗi ấy lấy xẻng công binh, nạy tảng băng vàng vàng vừa xuất hiện buổi đêm trong góc doanh trại.
- Akgiưgitov là người có biệt tài ngủ mà vẫn mở mắt. Suốt cả ngày chịu lạnh ngoài bãi, thế mà người ta còn nghĩ ra chuyện ngồi học đeo mặt nạ chống hơi độc. Nhờ tấm cao su, mặt ai cũng ấm lại, và kính mờ đi vì hơi thở. Tất cả đều ngủ, chỉ mình Akgiưgitov vẫn mở mắt. Anh bị dán lên mắt kính. Giáo viên gọi Akgiưgitov lên bảng, anh choàng dậy - xung quanh mù mịt. Akgiưgitov bước đi, va lung tung vào bàn...
Rôizman cùng cười với mọi người, như nhớ lại chuyện thú vị nhất. Đối với anh, bây giờ chỉ còn có những gì đã nhìn thấy trong cuộc đời đã qua. Và lúc đó, cái nhìn lạnh lùng từ đôi mắt xanh biếc của Rôizman, khiến Trêchiakov thấy sợ.
Đại úy Rôizman bước vào lớp, râu cạo nhẵn nhụi, vết nhám trên cổ được bôi một lớp phấn. Anh gọi học viên lên bảng, nhưng cái nhìn của anh như giam chặt người ta tại chỗ. Anh có dáng đi hết sức kiêu hãnh: đôi chân thẳng băng, đầu gối không hề gập lại. Mãi về sau học viên mới biết rằng, ngay trong những ngày đầu của cuộc rút lui, hồi ở Pribantic, anh bị thương cả hai chân. Chính vì thế mà dáng đi của anh ngay đơ như sếu vườn.
Thiếu tá Bachiuskov, người nhiều tuổi nhất trong số các giảng viên, như trẻ con không phát âm được chữ “L” và chữ “N”, nên bị học viên đặt cho biệt hiệu “thiên nôi”. Đã có lần, trong giờ chiến thuật thiếu tá kêu ca về Rôizman, khi cả trung đội ngấm lạnh phải sưởi ấm bằng khói thuốc lá và lấy lưng che gió: “Tôi thì đã có con gái nớn, còn anh ta thì tối lào cũng có phụ lữ tới chơi. Mỗi hôm một người mới. Ấy vậy mà chúng tôi nại ở chung một phòng...”.
Bachiuskov không ngờ rằng điều đó chỉ càng đề cao viên đại úy trước con mắt các học viên.
Cạo mặt mò, nên đôi chỗ còn sót lại mấy sợi râu, lúc này Rôizman mặc chiếc áo choàng trong nhà, ngồi trầm ngâm tư lự như một ông già. Không biết anh đã có gia đình chưa? Hay tất cả vẫn đang ở vùng tạm chiếm? Chưa bao giờ thấy có thư gửi đến quân y viện cho anh, vì nếu có, anh đã nhờ đọc hộ...
Như thường lệ, khi Rôizman ngồi vào giường Gôsa kê ở góc phòng bên cửa sổ, thì Xtarưk đã ngồi ở cuối giường, Avêchixian hỏi chuyện rất to, như nói với người nặng tai:
- Có con gái, theo anh thì sẽ thế nào nhỉ?
Avêchixian nói gì đấy nghe không rõ. Xtarưk ngạc nhiên mấp máy môi trông tức cười, anh ta toan nói gì đó:
- Thôi được... không sao. Như thế cũng được...
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét