Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 22

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

22

Ôlếc Xêlivanov, như mọi bận, khoác áo capốt, ngó vào phòng bệnh, vẫy Trêchiakov ra hành lang.
- Đi thôi!
- Chở đến rồi đấy à?
- Họ đang giải phóng xe.
Gương mặt Ôlếc đỏ bừng vì gió, lông tơ vàng óng trên lớp da thô nơi cằm.
- Đi nhanh lên. Tớ đã nói với thủ trưởng quân y viện, cậu được phép rồi.
Bước nối bước, vết ủng in thành vệt trên tuyết đã đông kết lại, họ bước đi trên phố. Băng nằm cả ở trong bóng râm; tuyết, các tấm gỗ ở bờ dậu, những chiếc ghế dài nơi cổng con - tất cả mọi cái như được bao phủ một lớp tro, một lớp sương xam xám từ hồi đêm. Dưới ánh mặt trời, tuyết bị xe trượt mài bóng lên, lại càng lấp lóa. Và hương xuân đã phảng phất giữa ngày đông.
Lần đầu tiên Trêchiakov công khai đi dạo phố giữa ban ngày: Ôlếc Xêlivanov, nổi bật lên với cặp kính trắng, đai da thắt ngang lưng, vừa áp tải, vừa hộ vệ anh.
- Ôlếc, làm thế nào mà cậu xin phép được ?
Ôlếc chỉ mỉm cười.
- Cậu nghĩ rằng, nếu tớ ở đây tớ phải thông thạo và biết cách như thế à? Thế mà tớ chẳng biết quái gì cả. Và tớ cũng chẳng cả thông thạo nữa. May mà, gặp được người như thế, dường như anh ta biết, và tự đề xuất.
- Ôlếc, cảm ơn cậu nhé.
- Nếu cậu muốn biết, bây giờ chính mình cũng cảm thấy dễ chịu đấy.
Họ đi rất nhanh, vừa đi vừa nói chuyện, miệng phả ra từng luồng hơi ngắn. Đấy, đừng có bao giờ thề nguyền trước. Lần ấy tiễn Ôlếc, Trêchiakov đã từng mong cho anh ta đừng đến nữa. Và Trêchiakov còn không biết rằng chính anh đã phải đến tìm bằng được Ôlếc, và anh còn vui sướng khi trưởng ban quản trị dẫn Ôlếc đến.

“Ôlếc này, - anh nói với Ôlếc, bởi vì chẳng có ai để mà nhờ cậy. - mình cần một xe củi”. Thế là mắt Ôlếc bỗng tròn hơn mắt kính, “Vôlôđia, nhưng tớ lấy đâu ra củi mới được chứ? Mà lại cả một xe đầy?” - “Tớ không biết”. Nhưng cả hai cùng hiểu rằng: cần phải có củi. Trong lớp họ, trong số tất cả bè bạn chỉ có mình Ôlếc ở lại hậu phương.
Nếu xin cho mình, Trêchiakov đã chẳng xin, nhưng anh không thể để Xasa đi nhặt than dưới gầm tầu. Và anh tin chắc: Ôlếc đã muốn là làm bằng được. Vào năm thứ ba của cuộc chiến tranh, những người đã qua hội đồng quân y, biết đánh giá cuộc sống của mình còn quí hơn một xe củi, mà Ôlếc lại là thư ký của Hội đồng quân y. “Anh ta có dấu đấy!” - trưởng ban quản trị nói thế. Đối với Trêchiakov, con dấu không có ý nghĩa gì, nhưng qua vẻ kính nể của người nói, anh hiểu: số phận của mọi người nằm trong tay Ôlếc. Và anh càng thêm vững tin: Ôlếc có thể làm được. Và Ôlếc đã làm  được. Anh ta hãnh diện đến. Chứ sao nữa, làm được việc tốt cho người khác - điều đó cũng đáng là một thử thách.

Thở hổn hển vì đi nhanh, nhưng khi họ đến nhà thì chiếc xe không còn ở đó nữa, những khúc gỗ dài hai mét chất thành núi trên tuyết trước nhà kho. Xasa đang khuân gỗ. Ôm những súc gỗ bạch dương trong tay, mặt cô hồng hào, vui sướng, cô nhìn hai người:
- Em cứ nghĩ là họ chở đến cho chị Phaia cơ. Em gọi Phaia, nhưng họ đọc mảnh giấy, và bảo chở đến cho em. Và em còn từ chối nữa chứ!
- Họ đi rồi à? - Ôlếc hỏi.
- Không hiểu sao họ rất vội vã. Họ thả gỗ xuống thật nhanh, thậm chí không cả lấy tiền nữa. “Chúng tôi lấy tiền làm gì? Giá cô cho chúng tôi ít rượu thì tốt...”. Nhưng em đào đâu ra rượu? -  Xasa bước lại gần họ, đập bao tay vào nhau phủi mùn gỗ. - Anh Vôlôđia, em chẳng hiểu gì cả.
- Nào, em làm quen đi: anh Ôlếc Xêlivanov. - Anh đặt tay lên lưng đẩy Ôlếc lên phía trước. - Một con người vĩ đại và toàn năng... Anh ấy học cùng lớp với anh. Mọi chuyện này là do anh ấy cả.
Xasa mềm mại chìa bàn tay ấm áp vừa rút khỏi bao, và cô ngước đôi mắt xám dưới hàng mi đen nhìn Ôlếc, Ôlếc sau khi chào hỏi, trở nên bối rốị, và bắt đầu lau kính.
- Thật đích đáng, toàn là gỗ bạch dương. - Xasa trầm trồ. - Anh nhìn này, bao nhiêu là gỗ bạch dương!
- Thôi bọn anh không nhìn đâu - Trêchiakov tháo thắt lưng, quàng lên vai. Anh thấy việc họ chở củi đến còn gây cho Xasa ấn tượng mạnh hơn việc Ôlếc đến. - bây giờ bọn anh sẽ cưa ra, rồi bổ củi và xếp vào kho, lúc ấy mới nói: xong!
Cái giá đỡ được tìm thấy ở bên kho nhà Piaxtôlov.
Choàng chiếc khăn lông lên vai, Phaia mang cưa ra. Rồi lại chui ra mang theo một cái rìu. Khi được ra dáng chủ nhà, điều đó rất hợp với Phaia, cô sung sướng giúp đỡ, và lấy làm vui sướng vì các vị hàng xóm.
Họ nện chặt tuyết quanh giá đỡ, vần những thân gỗ lớn cưa trước:
- Nào, Xasa!
Khi đoạn gỗ tròn đầu tiên bị cưa đứt rơi xuống tuyết, Ôlếc Xêlivanôv nhận bổ củi. Cứ mặc nguyên cả áo capốt, đeo thắt lưng da, đai da, anh ta vung rìu quá đầu, làm tuột cả kính trên mũi, và bây giờ anh ta ngồi trên khúc gỗ, buồn phiền vì mình vụng về, tay mân mê và ngắm nhìn đôi mắt kính mờ mờ vì những đường rạn nứt. Và thế là hai người cưa củi với nhau.
Mạt cưa trắng bắn tóe ra dưới lưỡi cưa: bám lên ủng của Xasa, bám vào vạt áo capốt, vào đôi ủng của anh đặt bên cạnh. Chúng nằm thành từng lớp dưới chân, trên mặt tuyết đã bị xéo nát, trong giá lạnh mùi gỗ xẻ thơm sực lên, tinh khiết.
Xasa mặt đỏ bừng, cổ tháo khăn quàng ra, tóc bết lại bên má.
- Em có mệt không?
Xasa lắc đầu:  
- Không ạ!
Lưỡi cưa sắc chạy băng băng, tay vẫn mang bao, Xasa kéo cưa về phía mình, rồi sau cô tháo cả bao tay ra: nóng quá. Sau lưng cô, giống như những làn khói không cất lên khỏi mặt đất, những cây bạch dương chìm trong sương giá, ngay đơ bởi sự tĩnh lặng, in bóng trên nền trời.
Giữa trưa trời ấm hơn lên, mây che kín, tuyết rơi dày đặc và vạn vật nhòa đi, xoay tít, mùi gỗ bạch dương xẻ càng nồng hơn, hệt như nỏ bay ra từ tuyết mới vậy. Xasa phủi tuyết khỏi bao tay, nhưng tuyết vẫn cứ bám vào.
Từ ngoài ga vẳng lên tiếng bánh xe chạy vun vút, âm vang từ mặt đất, lúc thì dồn dập như lao theo toa cuối cùng, lúc thì đầu đặn, nện đi nện lại nơi chỗ nối đường ray. Làn khói tàu hỏa cũng bị cuốn theo. Và dường như không phải tuyết bay, mà là chúng lao vùn vụt, lao vùn vụt xuyên qua tuyết... Còi tàu rúc lên giục anh gấp gấp, dưới sàn tàu bánh xe lao sầm sập. Anh nhìn Xasa, anh sẽ mãi mãi ghi nhớ hình ảnh cô như thế.
Gương mặt ai đó hiện lên trăng trắng, thấp thoáng qua ô kính cửa sổ nhà bếp đen sì.
Xasa bắt gặp cái nhìn của anh.
- Mẹ em đấy! - Cô kêu lên qua tiếng cưa xoèn xoẹt. - Em đưa mẹ về hôm qua. Mẹ lạ lùng làm sao, gì cũng hỏi. Đi lại khắp nhà, cứ như không nhận ra vật gì hết. - Xasa dừng lại thở. - Hóa ra, ở đó mẹ bị viêm phổi. Chẳng ai nói với em cả.
Cánh tay trắng vẫy vẫy nơi cửa số. Xasa chạy vào nhà. Ôlếc ngồi lạnh cóng, đến thay chỗ Xasa. Rồi họ ngồi hút thuốc trên những súc gỗ. Tuyết đang rơi từ những đám mây, bỗng ngừng hẳn. Mặt trời lại ló ra. Trêchiakov đưa mắt ước lượng xem họ có đủ sức cưa hết chỗ gỗ không, và anh đặt bàn tay nóng rực vì lao động lên đầu gối Ôlếc, lòng bàn tay dường như sưng phồng lên:
- Ôlếc, cảm ơn cậu nhé.
Ôlếc sung sướng :
- Kìa cậu! Tớ thấy rõ rồi. Có điều tớ không được biết thế. Tiếc thật. Cậu chẳng nói với tớ sớm hơn.
Xasa mang đồ uống ra cho họ, rồi lại quay vào bếp. Rồi cô lại từ bếp chạy ra, vung vẩy hai ống tay áo bông ấm áp, vạt dài đến gần đầu gối.
- Chị Phaia trang điểm cho em đấy! - cô tươi cười vén tay áo. Trong chiếc áo bông ấy, trông cô vẫn xinh đẹp, Trêchiakov nhận thấy Ôlếc buồn rầu ngắm nhìn cô.
Xasa chuyển củi vào trong kho, và hai người lại cưa tiếp. Mặt trời vòng lên trên những ngọn cây bạch dương, chiếu vào cửa sổ nhà bếp, từ ô cửa ấy mọi người đã gọi vào mấy bận rồi, nhưng anh hiểu rằng bọn anh không thể bắt tay vào công việc lần thứ hai, vì không quen nên đã mất khá nhiều sức lực, và chỉ đến khi cưa xong hết số gỗ, đưa giá đỡ vào kho, và Xasa dọn dẹp hết các mảnh vụn, vỏ cây, mùn cưa trên tuyết họ mới cầm cưa rìu, cùng nhau vào nhà.
Trêchiakov đứng nhìn ngoài bậc thềm, lấy mũ phủi mùn cưa và tuyết trên người: anh gìn giữ khoảnh khắc này cho riêng mình. Trước nhà kho trống trơn. Họ có thể làm được và đã giành thắng lợi chỉ một lần. Người nọ nối người kia họ khẽ bước vào bếp, dựng rìu và cưa bên cửa.
- Đây không phải là những người làm công, mà là các thiên thần. - Phaia đón họ bằng giọng nói trầm trầm và lắc đầu, hai tay đặt trên bụng, người cô chiếm mất nửa gian bếp. Rồi anh trông thấy một bà già gầy gò choàng khăn của Xasa đang đứng bên bếp lò. Xasa ôm lấy bà, ghì chặt vào người, cô làm dáng, nói: - Đây là mẹ em.
Rồi cô sốt sắng muốn hiểu trông mặt anh ấy thế nào nhỉ? Sau đó cô nói với mẹ:
- Mẹ ơi, đây là anh Vôlôđia. 
- Vôlôđia, - bà mẹ nhắc lại, ngượng ngập che cái miệng không còn răng cửa. Tay bà trắng bệch mất máu, thậm chí trông lạnh toát, móng tay cũng trắng bệch.
- Ở đó không hiểu sao họ lại cắt hết tóc mẹ. - Xasa nói, điệu đà vén tóc lên tai. - Tóc mẹ em còn dài hơn tóc em nhiều, thế mà mẹ lại để cho họ cắt ngắn. Nếu em mà biết thì em đã chẳng đồng ý.
Hai người cao lớn đứng bên ngưỡng cửa: một trông rất bệ vệ, đeo kính, mang quân hàm, đeo thắt lưng da; còn người kia chỉ mặc độc chiếc áo capốt của lính không cài cúc, thế mà cô con gái lại nói: “Mẹ ơi! đây là anh Vôlôđia”.
- Các anh cứ cởi áo khoác ngoài ra, - bà mẹ nói. - Ở  nhà chúng tôi lúc nào cũng ấm áp. Các anh cởi áo ra rồi ngồi vào bàn. Xasa, con chỉ nơi treo áo cho các anh.
Khi họ cởi áo và treo áo capot ở trong nhà, Xasa lướt nhìn vào mắt anh, anh mỉm cười, gật đầu. Sung sướng vì thấy anh mến mẹ mình, để khẳng định thêm cho mẹ mình, Xasa nói nhanh với anh:
- Trước mẹ em hoàn toàn không thế đâu, ở đằng bệnh viện về mẹ cứ hốt hoảng, đến em cũng còn không nhận ra mẹ nữa.
Trong nhà bếp, suốt chiến tranh không được quét vôi nay trần nhà trở nên đen sì, ám khói vì đèn, tường và bệ cửa sổ ngả sang màu sẫm, giờ đây ánh mặt trời chiếu xuống, tuyết hất vào bàn, chiếc khăn trải bàn cũ kỹ, đã mạng lại, hồng rực lên trong ráng chiều. Và cả những chiếc đĩa sâu lòng cũng lấp lánh ánh hồng.
Phaia từ chối không ngồi vào bàn, và ra về. Bà mẹ bê từng chiếc đĩa đến bên bếp lò, múc đầy xúp nóng rồi đặt xuống bàn cho từng người. Món xúp này hoàn toàn không có thịt, không có mỡ, chỉ có lá bắp cải ướp lạnh và khoai tây, vậy mà ngon và thơm đến nỗi một người no nê cũng chưa bao giờ được ăn những món ngon như thế.
Và trong suốt lúc họ ăn uống và chuyện trò, Trêchiakov luôn luôn cảm thấy cái nhìn của bà mẹ hướng vào anh. Bà mẹ nhìn anh, và rồi lại nhìn, nhìn mãi. Ôlếc ngồi đó buồn rầu và phiền muộn, mặt trời lấp lánh trên đôi mắt kính của anh. Chính vì phiền muộn và lúng túng nên chỉ mình anh ta xơi bánh mì mà không nhận ra rằng mọi người không lấy bánh: anh cầm lấy lát bánh mi, bẻ nhỏ ra và ăn lơ đãng.
Qua ô cửa vẫn nhìn thấy những ngọn cây bạch dương. Chỉ những ngọn cao nhất, nhưng cành cây rực hồng nhấp nháy như ánh lửa, còn thân cây trong ánh sáng màu huyết dụ trong vắt lại mang màu tim tím. Tàu chạy qua, khói cuồn cuộn bốc lên sau mái nhà kho, và ánh sáng trên bàn lay động.
Mặt trời lặn, ngày đã tàn, các bức tường càng tối sầm lại, và những gương mặt ngược sáng rất khó phân biệt. Nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy cái nhìn của bà mẹ xoáy vào anh.
Tiễn Olếc xong, khi anh và cô cùng đi đến quân y viện, trời đã tối hẳn.
Cô hỏi:
- Anh có thích mẹ em thật không?
- Em giống mẹ lắm, - anh nói.
- Anh không thể hình dung được là em giống mẹ làm sao! Mẹ để tóc dài trông rất trẻ, mọi người cứ cho em với mẹ là hai chị em gái, họ không chịu tin chứ. Từ bệnh viện mẹ trở về như vậy đấy, già đi, đúng là một bà già, em không dám nhìn mẹ nữa.
Họ dừng lại bên bờ tường. Gió hắt tuyết lên ủng anh, thổi tung tà áo capốt. Anh lấy lưng chắn gió cho Xasa, tay anh ủ ấm tay cô, trong thâm tâm anh đang chia tay với cô.

Mẹ ơi, - đêm hôm đó cúi gập người bên khung cửa sổ, nơi anh vẫn nhìn ra ga, nhìn những đoàn tàu đang chạy, anh viết thư về cho mẹ, - xin mẹ hãy tha thứ cho con tất cả mọi điều. Bây giờ con mới hiểu con đã làm hỏng cuộc đời mẹ. Nhưng mà khi ấy con chưa hiểu được điều đó, còn bây giờ thì con hiểu ra rồi, mẹ ạ!”.

Một bận, trong giây phút tuyệt vọng, mẹ đã nói với anh: “Con chưa hiểu là vào năm tháng của chúng ta, việc dám nhận về nhà mình vợ của một người bị bắt là như thế nào đâu. Lại còn cả hai đứa con thơ nữa. Con không hiểu là làm việc đó phải là một người như thế nào chứ!...”. “Con không cần ai đón nhận về! - lúc đó anh đã trả lời mẹ như vậy. - Con không cần ai nhận con cả!”.
Thế rồi anh bỏ học vào trường kỹ thuật để được nhận học bổng; anh muốn chuyển luôn vào ký túc xá ở, nhưng họ chỉ nhận những người từ thành phố khác. Giờ đây anh đã hiểu ra rằng anh thật là độc ác trong cái phải của mình. Có một điều gì đó hoàn toàn khác bỗng trở nên rất dễ hiểu. Và lần đầu tiên anh chợt ngnĩ ra rằng nếu cha anh còn sống và trở về, cha anh cũng hiểu và sẽ tha thứ. Và ở cuối thư bất ngờ, anh còn thêm dòng chữ:
Mẹ hãy chăm sóc Lianka!”.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét