Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 24

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

24

Đống lửa đỏ lách tách, đất quanh đống lửa vừa tan hết tuyết đã khô lại, hơi nước và khói từ những cành củi ẩm sì sộc vào mắt. Các pháo thủ, người ám khói, đã thức trắng hai ngày đêm liền, họ ngồi ủ rũ, lưng quay ra gió, quệt nước mắt bẩn trên má, hơ nhưng ngón tay co quắp lại vì gió lạnh trên ngọn lửa. Và họ vừa ngồi trong khói, vừa phun khói thuốc, sưởi ấm lòng mình. Tuyết ướt bay xiên vào đống lửa, vào lưng, vào mũ.
Sau khi bốc được đầy thùng tuyết, Kưchin xách thùng đến bên đống lửa. Ở đằng đó khói nhiều hơn lửa.
- Phômitrev! - anh kêu lên. - Vẩy thêm lần nữa nào.
Người lái xe bước đến, dẫm đôi ủng mòn vẹt nhọ nhem dầu máy lên tuyết mới tan. Người anh ta lem luốc dây đầy dầu mỡ. Anh ta vẩy dầu xôla lạnh ngắt múc từ chiếc thùng sắt tây dúm dó bỏ vào lửa. Lửa bùng lên, táp hơi nóng vào mặt. Người đang ngủ, bật dậy, đưa cặp mắt ngái ngủ nhìn ngọn lửa; tuyết không tạt vào ngọn lửa nữa mà biến mất trong không khí.
Lấy chiếc bao tay che mắt, Kưchin lăn mãi, lăn mãi đến bên đống lửa. Phômitrev ngồi chờ cùng với chỗ dầu còn lại trong thùng, cả người anh đen sẫm trong tuyết bay chênh chếch, đôi vai anh hệt như nhô lên cản tuyết. Nhìn đôi ủng há mõm vì nước tuyết tan, Trêchiakôv chợt nghĩ: cần phải đổi ủng. Anh ngồi trên hòm đạn, trận ho làm người anh rung lên, trán, ngực, cơ bụng - tất cả đều đau vì ho, anh đưa đôi mắt đầy nước nhìn ngọn lửa. Ngoài mặt trận biết bao lần toàn thân ướt sũng, tê cóng mà vẫn không hề bị cảm lạnh. Anh vào quân y viện, ngủ trên vải trải giường sạch sẽ trong những điều kiện sinh hoạt của con người, thế mà anh đã bị cảm lạnh ngay đợt di chuyển đầu tiên.
Anh khó nhọc tháo chiếc ủng ướt sũng, rồi cởi xà cạp. Gió quấn lấy đôi chân trần, lạnh thấm sống lưng, còn toàn thân lại nóng bừng. Giá bây giờ được trùm áo capốt kín đầu, hà hơi vào những ngón tay lạnh buốt, rồi nhắm mắt lại...
Đại đội trưởng mặc chiếc áo capốt dài đang bước lại gần đống lửa. Đại úy Gôrôdilin, thủ trưởng mới của đại đội vừa chuyển từ đơn vị khác đến. Nghe nói ở đó, anh ta giữ chức vụ trợ lý tham mưu trung đoàn, thoạt đầu, anh ta chưa thể quên được chức vụ của mình, thấy ở đại đội thấp quá, nên luôn giữ khoảng cách với tất cả mọi người - với các trung đội trưởng và với cả các chiến sĩ - anh ta chỉ có thể trao đổi ý kiến với chuẩn úy, mà chuẩn úy thì không để ý đến các trung đội trưởng. Nhưng chỉ ít lâu sau, qua khoảng cách ấy mọi người đều nhận thấy: đại đội trưởng không tin ở bản thân mình. Dù đại đội trưởng cau có, quát tháo, nhưng mệnh lệnh của đại đội trưởng, thậm chí cả những mệnh lệnh rất xác đáng, cũng được mọi người thi hành miễn cưỡng. Chuyện ấy bao giờ cũng vậy: khi ra lệnh một cách thiếu tin tưởng thì sẽ sinh ra việc thiếu tin tưởng hơn trong thi hành. Và tất cả mọi người càng nhớ đến Pôvưixenkô: thế mới gọi là đại đội trưởng! Anh ta không ra lệnh, chỉ nói, mọi người thi hành ngay tức khắc.
Nhưng Pôvưixenkô không còn ở trung đoàn nữa, anh đã bị thương hồi giáp tết. Trung đội của Trêchiakôv có thêm vài người mới. Một thiếu úy được cử đến thay anh - nhưng các trung đội trưởng trung đội chỉ huy chẳng thọ được bao lâu - đã hy sinh trước khi mọi người nhớ được họ tên anh. Người thì gọi anh là Siakhmetôvưi, người thì gọi anh là Kamambetôvưi. “Nói chung, na ná thế...”. Dù sao, Trabôrôv vẫn giao lại trung đội cho anh, song lần này mọi người đón anh như thể họ cùng chiến đấu bên nhau suốt nửa cuộc chiến tranh, ngay lập tức cả trung đội kháo nhau: “Trung úy của chúng ta đã trở về...”.
Thấy mọi người đón như vậy, anh rất xúc động và xen cảm giác: anh trở về nhà.
Naruxlaev vẫn cười lộ hết hàm răng trắng bóng như thế trên gương mặt đen xạm. Kưchin vẫn tự nguyện gánh trách nhiệm anh nuôi. Chỉ có Ôbuxôv, người lính trẻ nhất trung đội là anh chưa biết. Suốt thời gian ấy, anh ta nằm trên quân y của tiểu đoàn, không phải vì dính đạn, dính bom: Ôbuxôv mắc bệnh truyền nhiễm do bọn Đức để lại tại một trong các khu trại. Giá là năm bốn mươi hai thì anh ta đã thấy hài lòng với chiến công của mình... Đổ máu, gắng chiếm lấy một điểm cao nào đó mà tiểu đoàn chịu không chiếm được. Nhưng may cho anh ta, thời gian này đỡ ác liệt hơn.
“Ôbuxôv của chúng ta đã được tặng thưởng, - mọi người trong tiểu đội nói - không cần thiết đề nghị tặng thưởng huân chương nữa”.
Đại đội trưởng đến bên đống lửa, rút một cành củi đang bốc khói, châm thuốc, người dài ngoẵng trong chiếc áo capốt dài, bản đồ kẹp bên sườn, ai nấy đều cảm thấy đại đội trưởng sắp sửa nói ngay bây giờ. Trận tấn công diễn ra không phải ở những ngày đầu tiên, bộ phận hậu cần tụt lại phía sau, thực phẩm, nhiên liệu, đạn pháo - tất cả đang còn ở phía sau. Trên đường, xe ô tô quay trượt suốt trong lớp tuyết lõng bõng và bùn lầy lội, họ phải kéo xe, tồn hại sức khỏe, nhưng chúng càng lún sâu xuống bùn lầy. Tiểu đoàn pháo binh của họ có ba đại đội thì hai đại đội đã tụt lại. Thoạt đầu, đại đội sáu gục trước. Họ lấy lại xe xích, chất đốt, gồm đạn pháo của đại đội ấy và hai đại đội tiến lên phía trước. Sau đó, đại đội bốn tụt lại - vì không có chất đốt và đạn pháo. Đại đội năm đáng lẽ đành bỏ lại một khẩu pháo, nếu như tại trạm xe kéo trước kia, họ không phát hiện ra được một chiếc xe xích loại TTD - 60 hoen gỉ, giống hệt như xe xích của họ. Suốt những năm Đức chiếm đóng, chiếc xe xích ấy nằm trong đống sắt vụn. Với hai chiếc xe xích ấy, các chiến sĩ lái xe đã sửa lại thành một chiếc hoàn chỉnh, hệt như nó nằm ở đây, và kéo pháo theo. Hai cỗ pháo, hai chiếc xe xích, mười bảy quả đạn pháo - đó là toàn bộ tiểu đoàn của họ đang kịp thời tiến ra mặt trận.
Trong làn tuyết bay xiên xiên, lính bộ binh nối đuôi nhau suốt dọc đường, mang trên người mọi trang bị và cả đạn cối cho cánh lính cối. Phương tiện vận chuyển của họ - đó là những đôi chân gày gò quấn xà cạp mang ủng và quen lội bùn, - phương tiện tin cậy nhất trong thời tiết này: con người chứ không phải là xe xích, không có chất đốt vẫn có thể đi được. Lính bộ binh đi cách quãng nhau, ngoái nhìn ngọn lửa. Gió thốc vào lưng họ, họ chẳng trông thấy gì phía họ đang bước tới, xa xa sương mù bao phủ. Ngay trên đầu họ, một chú quạ cố bay ngược gió, đập cánh, lấy đà, tựa như chồm lên trong gió. Gió thổi bạt nó sang một bên.
Châm xong thuốc, đại đội trưởng quăng cành củi đang bốc khói vào trong lửa dưới chiếc thùng. Cục tuyết cuối cùng chưa tan trong thùng quay tít trong nước, đen đen, trông nằng nặng.
- Các đồng chí định nấu ăn hả? - Đại đội trưởng nheo mắt, lắng nghe tiếng ầm ầm vọng đến đâu từ bên trái. - Chưa được ăn. Có lệnh chiếm lĩnh trận địa. Các trung đội trưởng tới gặp tôi!
Kưchin vẫn nhìn vào thùng. Rồi anh bực tức vẩy nước vào lửa. Hơi nước từ đám than đen xèo xèo bốc lên. Và như phải bỏng, đại đội trưởng đỏ mặt, bộ ria mép cắt ngắn cũng nổi bật lên:
- Cứ chuyện nữa đi!
Nhưng không một ai chuyện trò. Mệt mỏi đến tột độ, đã hai ngày đêm không ngủ và gần như không được ăn - khi mà họ không tiếc thân mình, họ thấy bực vì đại đội trưởng không cho họ nấu ăn và họ bực lẫn nhau làm như cứ đánh nhau là phải bực mình.
Trêchiakôv xỏ chân vào chiếc ủng ẩm ướt khi Lavrenchev trung đội trưởng trung đội pháo thủ vội vã bước ngang qua, đó là người nhiều tuổi nhất trong số các trung đội trưởng và anh ta vừa mới được điều về đại đội. Người cao lớn, thắt cái thắt lưng lỗ ngoài cùng, ahh ta bước vội đến chỗ đại đội trưởng với bộ mặt khiếp  sợ, trượt chân trên tuyết ướt, vì thế trông anh ta như đang khuỵu gối xuống lúc chạy. Giống như cánh bộ binh, anh ta cũng dắt hai vạt áo capốt vào thắt lưng đằng trước. “Trông như đàn bà ấy”, - Trêchiakôv chợt nghĩ và đứng dậy. Anh bước đến gần Gôrôdilin, khẽ nói để các chiến sĩ không nghe thấy:
- Thưa đồng chí đại đội trưởng, phải cho anh em chiến sĩ nấu ăn đã.
Rồi anh bắt đầu ho.
- Sao, đồng chí ốm hả? - Gôrôdilin hỏi mắt nheo nheo vẻ ghê sợ. Biện pháp bắt người dưới quyền phải im lặng đã được kiểm nghiệm: chỉ thẳng vào những nhược điểm của người đó.
- Tôi không ốm, tôi khỏe. Các chiến sĩ không được ăn nóng đã bao nhiêu lâu rồi.
Anh đứng với vẻ sẵn sàng phục tùng mệnh lệnh, nhưng nói năng kiên quyết. Và anh nhận thấy Gôrôdilin sẽ không thay đổi mệnh lệnh. Người chỉ huy càng thiếu tự tin bao nhiêu thì càng cứng nhắc bấy nhiêu, bao giờ cũng vậy. Không chịu lắng nghe những lời góp ý và không chịu thay đổi mệnh lệnh với bất cứ lý do nào, chỉ sợ mất uy tín.
- Lấy bản đồ ra, - Gôrôdilin nói, tựa như nhắc lại điều lệnh. Mọi việc đều rõ ràng. Trêchiakôv rút tấm bản đồ ra. Ngay lúc đó, đại đội trưởng cũng không nén được nữa.
- Tiện thể tôi cũng xin nói, suốt thời gian này tôi cũng đâu có được ăn nóng, các anh thấy cả đấy. Chẳng làm sao cả.
Nếu là cấp chỉ huy, dù anh có hoàn toàn không ăn, anh vẫn phải cho chiến sĩ ăn. Song cấp dưới không được dạy cấp trên, cho nên Trêchiakôv đã im lặng.
Lúc này Gôrôdilin vẫn đang giao nhiệm vụ:
- Đây là quân ta. Đây là đối phương. Giả định thế! Hãy đến chỗ bộ binh, phát hiện xem đơn vị bộ binh nào ở phía trước, rồi liên lạc về. Nghe rõ nhiệm vụ không?
- Rõ!
- Thi hành đi! Đem theo bốn trinh sát.
Trêchiakôv giơ tay chào. Trên đường về các trung đội, Lavrenhev đuổi kịp anh, bước đi bên cạnh. Anh cảm thấy lúng túng.
- Tất nhiên, vẫn có thể nấu ăn được, có làm sao đâu cơ chứ, - anh ta dè bỉu đại đội trưởng. Trêchiakôv không đáp lại, chỉ thầm nghĩ: “Thì chính anh đã im lặng đấy thôi”. Nhưng anh cũng không muốn lên lớp Lavrenchev. Suốt cuộc chiến đấu, anh ta đã chiến đấu ở khẩu đội cối bốn nhăm ly, không được an toàn cho lắm, sau khi bị thương anh ta mới về trung đoàn pháo hạng nặng, anh ta hớn hở, và cảm thấy ở đây như ở sâu trong hậu phương. Anh ta không phản đối đại đội trưởng.
Họ lê bước qua chỗ trũng. Gió dồn tuyết xuống, tuyết đang tan lúc thì bùng nhùng dưới chân, lúc thì thình lình sụt xuống, khi ống ủng sục xuống tuyết thì họ phải trèo ra khỏi tuyết. Phía trước cánh đồng nổi cao lên, ở nơi đó bầu trời dựng lên thành bức tường xám xịt, cứ như đầy bồ hóng, trước mặt họ tuyết mới rơi trên đỉnh sáng trắng. Ở nơi nào đó phía bên phải, tiếng đại bác dội lại ầm ầm. Không quân không hoạt  động. Ở tầm nhìn xa như thế này, các phi công chỉ ngồi ru rú tại sân bay, chơi đô-mi-nô giải buồn. Chắc là sân bay của ta cũng lầy lội; máy bay không cất cánh, hạ cánh được.
Họ nằm quan sát trên đỉnh cao, trong các bụi cây thưa thớt và giở thuốc ra hút. Cho dù Trêchiakôv cố căng cặp mắt sưng húp lên vì nhiễm lạnh, không thấy hào, không thấy hầm, không thấy một dấu vết nào. Chỉ có cánh đồng tuyết trắng và chốn xa xăm ẩm ướt đang chìm dần trong màn hơi nước.
Khi bò trên tuyết, người anh đẫm mồ hôi, cơn ho ngừng hẳn. Nhưng lúc này anh lại ho dữ hơn.
- Nuốt một chút tuyết, - Ôbuxôv khuyên.
- Cậu cũng nói vậy ư !
Trêchiakôv nuốt khói âm ấm, cố giữ nó nơi cổ họng. Nghe thấy rõ tiếng tuyết tan rơi xào xạo từ trên các cành cây xuống và mặt còn cảm nhận được cả ánh sáng khuếch tán của mặt trời ấm áp, mắt thường không nom thấy, đang nhởn nhơ đâu đó trên cao tít.
- Nhìn kìa! - anh chỉ cho Ôbuxôv thấy.
Một chú muỗi con vẩn vơ bay trong không khí bên bụi cây, các cành cây trơ trụi ẩm ướt sáng lên lờ mờ.
- Chúng tỉnh dậy rồi, đánh hơi thấy khí trời ấm áp. - Ôbuxov nói. - Tuyết đã thoang thoảng tiết xuân rồi đấy.
- Bây giờ mũi tôi chẳng thấy mùi gì, tắc tịt hết.
Họ vừa chuyện trò thầm thì, vừa lắng tai nghe, Ôbuxôv đào được thứ cỏ xanh như hành, đông cứng lại từ năm ngoái dưới lớp tuyết bên gốc cây, anh ta cho cả cụm cỏ vào miệng nhai, mắt nheo nheo: thèm rau. Do bị viêm họng, Trêchiakov cảm thấy băng lạnh toát. Hai đầu gối anh ướt sũng vì anh quỳ trên tuyết, mỗi lúc một lạnh hơn, anh vươn người duỗi chân.
- Đồng chí trung úy, chúng ta không đè phải quân Đức đấy chứ? - Ôbuxôv hỏi nghiêm túc. - Phía trước hình như không có bộ binh.
- Hình như thế. - Trêchiakôv đứng dậy trước tiên.
Họ lùi lại khoảng ba mươi bước, và có cái gì đó hiện lên đen đen. Trêchiakov tháo dây khỏi vai, cầm súng tiểu liên trong tay, ra hiệu cho Ôbuxốv đi cách ra. Anh đã hành động đúng, không đem theo bốn trinh sát, mà chỉ đưa có một người. Phía sau bầu trời sáng sủa hơn cánh đồng, mặc áo capốt sậm màu trông họ càng hiện rõ mồn một trên tuyết; bọn Đức để họ đến gần rồi sẽ diệt cả bốn.
Đống cỏ khô từ năm ngoái hiện lên sau tấm màn lay động đang loãng dần, chiếc mũ tuyết trên đống cỏ khô đang tan ra. Nếu bọn Đức đặt súng máy dưới đống cỏ khô... Nhưng xung quanh không thấy dấu vết nào, họ tiến lại gần.
- Đồng chí trung úy, có trường hợp như thế xảy ra trong lúc đồng chí vắng mặt ở tiểu đoàn. - Và Ôbuxốv ngả lưng vào đống cỏ.
- Lưng đủ ấm rồi, đi thôi!
- Họ vừa mới đưa đồng chí đi thì...
- Hết chiến tranh sẽ kể!
Và họ tiếp tục đi khắp cánh đồng, nhận ra nhau mờ mờ. Khi những cây bạch dương trơ trụi ướt át của khu trại hiện ra sau màn sương ẩm ướt đạn bắn vào bọ. Từ quầng sáng hắt lên, những đường đạn lao vút về phía họ: bọn Đức bắn đạn lửa giữa ban ngày.
Họ đã nằm xuống tuyết rồi mà súng máy vẫn chưa hài lòng, tiếp tục nện trên đầu họ. Họ bò cách xa nhau hơn, để chính xác cho việc gọi bắn, Trêchiakov lia thêm vài loại đạn khiêu khích; chúng lại bắn thêm lần nữa. Thế là lại sáng rực lên từ hai phía. Sau đó là súng cối lên tiếng. Họ nằm chờ. Rồi nhổm dậy, đua nhau chạy vào đống cỏ. Tên bắn súng máy gửi với theo những cái quạt rực rỡ, sáng chói trong sương mù.
- Tôi đã bảo, phía trước không có bộ binh mà. - Ôbuxốv vui vẻ trước sự hiểm nguy kề bên, nói khoe khoang.
Trêchiakôv lắp đầy đạn vào băng súng tiểu liên Đức:
- Bọn Đức ngu thật, chúng có thể để mình đến gần.
Ngực anh đã yên yên, cơn cảm lạnh biến đi đâu mất.
- Cứ đợi đấy, từ đằng đó bọn Đức sẽ nống ra!
Ôbuxôv nói ra vẻ khoái chí.  
- Lấy gì mà nống ra cơ chứ.
- Chúng nó có đấy!
Họ trở về vui vẻ. Và con đường trở nên ngắn hơn.
Ngoài trận địa pháo, các chiến sĩ loay hoay trong bùn lầy, đào hầm cho pháo. Đại đội trưởng Gôrôdilin nghe vẻ hoài nghi, cứ hỏi đi hỏi lại: “Thế bộ binh, bộ binh của ta ở đâu?”. Bắt kể lại xem họ đã đi như thế nào, chúng bắn họ từ nơi đâu, và vẫn không sao chấp nhận được rằng đại đội của họ, những cỗ pháo hạng nặng của họ, đậu ở nơi này mà không có bất cứ một sự bảo vệ nào, đạn pháo lại gần cạn sạch, mà bọn Đức thì ở ngay phía trước.
- Đại đội trưởng này, để chúng tôi đi sang cánh trái xem, sẽ biết ngay ai đang ở đó? - Trêchiakôv yêu cầu.
Nhưng vì sao đó đại đội trưởng bỗng nổi giận :
- Các cố vấn... các anh còn dạy bảo điều gì nữa!
Ngày ẩm ướt. Trời trở nên tối sớm. Chỗ đó, trên điểm cao nơi anh và Ôbuxôv hút thuốc trong bụi cây nhỏ, vào lúc chiều tà đã được chiếm làm đài quan sát, và họ đã rải dây lên đó. Lính trinh sát vừa sưởi ấm, vừa lần lượt thay nhau dùng xẻng đào đất, vừa quan sát. Trời đã tối hẳn. Sương mù dày đặc, phủ kín cánh đồng, và chẳng mấy chốc sau thì không nhìn thấy gì nữa.
Dưới sâu đất đông cứng lại, xẻng đào không được. Họ đắp một ụ đất không lớn lắm ở phía trước, bẻ cành cây, mang cỏ khô đến. Họ ngồi đó, lắng tai nghe ngóng. Trêchiakov cảm thấy người đang lên cơn sốt. Lưng anh lạnh ghê gớm, chốc chốc người anh cứ run bắn lên.
Khi trời tối hẳn, họ nghe có tiếng bước chân và hơi thở nặng nhọc của một vài người, ai đấy ở trận địa pháo đang lên chỗ họ. Họ im lặng chờ đợi. Hơi thở nặng nhọc nghe mỗi lúc một gần hơn. Phía quân Đức mờ mờ sáng; ở đó, pháo sáng chưa bay lên cao đã tắt ngấm, và bị sương mù bóp nghẹt. Nhờ ánh sáng lập lòe, họ trông thấy rõ bốn người. Đang lần bước theo đường dây. Cao hơn những người khác nửa mái đầu, đó là Gôrôdilin, và ai đó dáng nhỏ bé đi bên cạnh. Khi họ đến gần hơn, mọi người nhận ra người đó là tiểu đoàn trưởng. Hai trinh sát đang hộ tống họ.
Hóa ra, đại đội bốn đã đến, đang ổn định tại trận địa. Tiểu đoàn trưởng hỏi đi hỏi lại xem ở đây, họ nghe ngóng thấy những gì. Ông hỏi đi hỏi lại và nhìn vào tận mắt từng người. Rồi suy nghĩ:
- Thế nào, đại đội trưởng - ông nói với Gôrôdilin - Tôi với anh cùng ở đây đến sáng chứ!
Và sau khi cử Trêchiakov về trận địa để anh được ấm áp đôi chút trong khu trại, ông nói:
- Đến sáng cậu ra thay cho cho chúng tớ. Sẽ đúng như thế nhé!  
Rồi ông tự gật gù với chính mình.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét