Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 5

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

5

Những trận chiến đấu rời rạc đã diễn ra trong một vài ngày trước trên mảnh đất này. Giữa chiến hào của quân Đức và quân ta, cánh đồng lúa mì chưa thu hoạch càng rơi rụng xơ xác xuống nhiều hơn vì các tiếng nổ, và lỗ chỗ những hố đạn đen ngòm trên cánh đồng. Đêm đêm, trinh sát bò trên lúa mì: trinh sát của ta bò đến chỗ quân Đức, trinh sát của bọn Đức bò đến chỗ quân ta. Và đột nhiên pháo nổ đùng đoàng, pháo sáng bắt đầu phóng lên, những loạt đạn súng máy sáng rực cày khắp cánh đồng, đạn cối nện trầm và vang. Ai đó bị kéo lê trong tăng-sê gộp vào những người vô danh hy sinh trong chiến tranh, đôi gót ủng và những ngón tay vàng ệch buông thõng xuống vì bị thương của anh ta vẽ thành vạch trên mặt đất.
Giữa trưa oi ả, cánh đồng lúa mì bốc cháy vì đạn pháo. Khói bốc cao, gió táp vào ngọn lửa, lách qua chiến hào, lan khắp tiền duyên. Thay đại đội trưởng, Trêchiakov ngồi trên điểm cao cùng với lính trinh sát và lính thông tin tại đài quan sát, nơi đó mặt đất chỉ có cỏ cháy trụi đến tận gốc, các thi hài và tro. Mùi lúa mì cháy khét lẹt bám vào tất cả mọi thứ: không khí, thức ăn, quần áo.
Sau khi đi một vòng trên nhiều bãi chiến trường, mặt trời uể oải lặn xuống phía hậu phương quân Đức, trong khói và bụi, ráng chiều rực hồng nguội dần dưới đám mây tro, trăng đã lên cao trên bầu trời. Trăng tràn đầy ánh sáng, lạnh lùng nổi bật trên mặt đất đen.
Dưới ánh trăng xanh, nhìn đôi bàn tay mình bị xỉ ăn mòn bám thành những đường viền đen quanh những chiếc móng tay nứt mẻ, thỉnh thoảng Trechiakov chợt nhớ lại, đôi tay anh đã trở nên sạch sẽ như thế nào bên đầm lầy gần thành phố Ruxxa Cổ, da nhăn nheo, mềm mại như sau mỗi lần rửa. Anh thay giầy để hong khô xà cạp, đôi chân rút ra khỏi xà cạp, trông như hết sinh khí, giống chân của người chết trôi vớt ở dưới nước lên.
Lúc đó, họ đã ngồi biết bao lâu giữa đầm lầy trên hòn đảo nhỏ xíu giữa vùng tiền duyên cùa quân ta và quân Đức, họ không một lần được nhóm lửa, thế là mọi thứ trên người họ đều trở nên ẩm ướt. Mùa xuân năm bốn mươi hai lại dai dẳng và lạnh lẽo. Tuyết bỗng rơi giữa những ngày lễ tháng Năm, vừa nóng, vừa có bão tuyết, tuyết cuốn lại thành từng đám to, lóa cả mắt trước mặt nước u ám, cả hòn đảo của họ trở nên trắng xóa. Sau đó, cỏ dưới lớp tuyết đang tan càng xanh óng lên.
Và không sao quên được chuyện nửa đêm anh chồm dậy vì tiếng có thì thào “quân Đức!”. gió trên cao kéo những đám mây phủ kín bầu trời từ chiều tối, mặt nước nổi lên mờ ảo. Toàn thân run lên vì giá lạnh và ngái ngủ, ở tuổi mười tám của mình, điều đáng sợ nhất là người ta cho mình là đồ hèn. Trechiakov chăm chú nhìn qua ụ đất ngoài chiến hào nhưng anh không thể trông thấy rõ. Chỉ có nước mắt trào ra vì căng thẳng, vì giá lạnh. Từ các lùm cây, sóng đang dao động. Lại một đợt sóng nữa. Chúng nó đang lội nước, lảo đảo dưới ánh trăng. Bóng đen nối tiếp bóng đen, không một tiếng oàm oạp, từ bụi này sang bụi kia - có bốn tên. Chỉ có sóng gợn lên rồi lại tan ra.
Đằng kia, trong các lùm cây, cả bốn tên đã bị loại bằng súng cacbin. Và với sự ngốc nghếch của tuổi trẻ anh bò lại xem tụi Đức: chúng như thế nào? Anh muốn hiểu rõ một điều gì đó trong chính bản thân mình. Anh bắt đầu bò lên và suýt chết: hóa ra tên trinh sát vẫn còn sống.
Trêchiakov ì ạch kéo hắn lên, khi băng bó vết thương cho một người đuối sức, đầy hơi lạnh của tử thần, anh ngạc nhiên không tìm thấy trong mình, kể cả những lời chửi rủa, kể cả lòng căm thù dành cho tên lính Đức này cho dù hắn vừa mới bắn vào anh.
Đến tận lúc này, anh vẫn chưa lý giải được cho chính mình rất nhiều điều, nhưng chiến tranh đã bước sang năm thứ ba và những gì chưa hiểu, đều đã trở nên quen thuộc và giản đơn. Trong chiến tranh, thời gian vẫn cứ trôi đi theo qui luật của riêng mình. Trong chiến tranh, những gì xảy ra đã lâu, đôi lúc xích lại gần một cách rõ ràng, hệt như điều đó vừa mới hôm qua thôi, và những gì đang diễn ra ngay lúc này lại dài lâu nhất, vô tận nhất. Tưởng chừng như nửa cuộc đời anh đã ngồi trên điểm cao cháy bỏng, quen dần với trạng thái chiến đấu thường tình. Lúc anh ngủ và anh không ngủ trong bất cứ giờ nào và anh sẵn sàng ngủ và choàng dậy trong lúc báo dộng. Và anh đã được biết nhiều điều về các chiến sĩ của mình, những người ngồi chung chiến hào với anh. Ôbukhov là người trẻ nhất, lông mày hung hung đen, da bánh mật chưa đầy mười tám tuổi nhưng đã hào hứng chiến đấu. Lúc nào anh ta cũng chế giễu Xuiarov, lính thông tin, tuổi nhiều gấp đôi mình:
- Anh kể đi, kể cho trung úy nghe, vì sao họ giảm án cho anh?
Và rồi chính Ôbukhov bắt đầu, hai tròng mắt xanh, ánh lên:  
- Không nên đưa vốt-ca đến cho anh ta ngửi. Anh ta uống một tí mà đã say sưa rồi. Trước chiến tranh, anh đã lĩnh bao nhiêu năm đấy nhỉ?
Xuiarov lặng thinh. Một cái gì đó khó tin cậy ở anh ta, ở một nụ cười mơ hồ để lộ những chiếc răng vàng khè vì thuốc lá. Nhưng thường thường anh ta chỉ chớp mắt khi câu chuyện hướng về mình, và anh ta chăm chú hút điếu thuốc ướt đẫm, cố nuốt cả làn khói thuốc xanh. Và không hiểu sao, lúc đó trông anh ta đến là khó chịu, khi ngón tay đeo nhẫn bị cụt khẽ ngọ nguậy, giần giật.
Khi tất cả mọi người đã quen dần và nhờ thính giác bắt đầu phân biệt được khẩu đội pháo Đức bắn từ đâu, họ được lệnh cuốn các phương tiện liên lạc cấp tốc trở lại trận địa. Họ giật những tấm vải bạt lấy lối vào, vội vàng rũ tung cỏ khô ở chỗ nằm, Trêchiakov ngoảnh nhìn lần cuối và đột nhiên anh thấy bỏ lại mảnh đất chật hẹp này thật đáng tiếc, cứ như anh thật sự đã đào được vật gì đó từ mảnh đất ấy. Ngoài mặt trận bao giờ cũng vậy: những nơi chốn không có chuyện gì xảy ra với bạn, lại trở nên vô cùng thân thiết.
Dưới vầng trăng cao tít sáng tỏ, họ bò trên mặt đất cháy xém, cuộn dây điện thoại lại. Một tên Đức hốt hoảng nổ súng, pháo sáng vọt lên tới tấp. Khi toàn thân bạn bị đóng đinh trên mặt đất trần trụi, pháo địch dường như ở gần hơn, và mỗi quả pháo sáng đều treo ngay trên đầu bạn. Lúc đó bạn chợt nhớ ra ngồi trong chiến hào thật dễ chịu và không chút nguy hiểm.
Sang khỏi sườn dốc bên kia điểm cao, họ đi thẳng người. Nơi đây, trong khe ướt át, cỏ mọc cao, đẫm sương, thế là Trêchiakov rửa tay trong cỏ, vừa đi vừa rửa, và không hiểu sao anh lại mỉm cười. Anh đã quen với cái mùi cháy khét lẹt này đến nỗi không nhận ra nó nữa, và ở đây giữa không khí trong lành, anh lại bắt đầu cảm thấy cả người anh khét lẹt.
Cuộn dây, xẻng, ống nghe, tất cả tài sản và vũ khí chất trên người, họ đuổi kịp khẩu đội đang hành quân. Lính bộ binh chuyển quân dọc mặt trận trong lớp bụi dày đặc, do những bàn chân, những bánh xe cày tung lên. Khi các đại đội đã vào hết trong các chiến hào, hầm hố, tưởng chừng như không còn ai, và tựa như không ai phải chiến đấu. Nhưng khi rải quân trên đường như thế này - đầu hàng quân và cuối hàng quân tất cả đều chìm trong bụi đường, cả một nước Nga đông dân chìm trong bụi đường. Chiến tranh đã bước sang năm thứ ba, trở lại trên chính những mảnh đất trước kia, năm bốn mươi mốt, có biết bao nhiêu người đã được chôn cất và những người chưa được chôn cất.
Ánh sáng xanh của ngọn đèn pha lặng lẽ lia trên cao, hắt ánh sáng xuống, bụi cuồn cuộn bốc lên dầy đặc hơn trên đầu mọi người lính bộ binh, gù lưng vì đồ đạc đang lắc lư trong bụi. Và trong nháy mắt bỗng thấy xuất hiện một người lính bộ binh cao, cao hơn tất cả mọi người một cái đầu, mũ calô mầu trắng, ghì chặt chiếc ga men bẹp dúm vào ngực, vừa đi vừa nốc ừng ực từ chiếc ga men đó; khẩu súng chống tăng dài xanh ánh lên trên vai, gò má anh cao, và mắt thì nhỏ hẹp. Luồng sáng chuyển dịch, và trong bóng tối khi mà mùi dầu hôi át hết cả các mùi khác, những chiếc xe tăng lao vút lên, lính bộ binh bám đầy bên thành xe. Khi ngọn đèn pha lại hắt ánh sáng xuống chiếc máy ủi đất, giữa đám lính bộ binh đang chạy trong vết xe tăng, họ trông thấy khẩu đội của mình ở phía trước; những khẩu đại bác hạng nặng trùm kín đang chuyển động. Chất những đồ đạc không cần thiết từ trên vai lên pháo, các pháo thủ giờ bước đi nhẹ nhàng hơn.
Họ đón bình minh trong cánh rừng. Ở một nơi nào đó, phía sau những khẩu đại bác vẫn đang nối đuôi nhau, trung đội chỉ huy của anh, sau một đêm đi trước, đã nằm ngủ trên mặt đất. Mặt trời mùa thu sưởi ấm một cách lãnh đạm, lá rụng ướt đẫm sương lạnh giá. Tháo ủng, xà cạp phơi nắng, Trêchiakov thiu thiu ngủ ngồi, đôi chân trần của anh được sưởi ấm ở nơi khuất gió. Bầu trời xanh thăm thẳm trên đầu, những ngọn cây vàng úa xào xạc trước gió cố bơi, bơi mãi đón gặp những đám mây trắng muốt... Anh ngủ thiếp đi, rồi chợt tỉnh dậy... Khắp cánh rừng ngào ngạt hương mùa thu và mùi lửa, trung đội của anh ngủ quanh đống lửa. Chiếc thùng đầy muội treo trên ngọn lửa cháy không có khói. Một chiến sĩ quấy thùng, và đưa thìa lên nếm. Sau một tuần về trung đoàn, Trêchiakov còn chưa kịp nhớ hết mọi người trong trung đội của mình, nhưng anh biết người chiến sĩ này. Gương mặt bèn bẹt sáng lên vì gần lửa, mắt lim dim... Kưchin! Ngay cả cái tên nghe cũng rất cộc lốc: Kưchin.
Ngọn lửa liếm quanh chiếc thùng đang bốc hơi nghi ngút. Kưchin liếm thêm một lần nữa, vẻ phân vân, nghĩ ngợi, cho thêm chút muối và lại ngoáy lên. Hơi mỡ từ chiếc thùng bốc lên nghi ngút; thật là thèm:
- Kưchin, nấu gì đấy?
Anh ta quay lại:
- Trung úy đã dậy rồi đấy ạ!
- Tôi hỏi, nấu gì đấy?
-  Một con bốn chân... Có sừng.
- Nó chuyện trò thế nào ?
Kưchin nhắm tịt mắt lại.
- Be be. - anh ta giả làm tiếng bê, - Đồng chí  trung úy. Hong xà cạp bên bếp lửa đi, ấm lắm.
- Phơi nắng khô rồi.
Vò đôi xà cạp trong những ngón tay đen sì vì nhọ, Trêchiakov xỏ giày, rồi đứng lên. Lính bộ binh nằm ngủ, vẻ mỏi mệt trải khắp cánh rừng. Những người ở phía sau vẫn kéo đến, lê bước như trong mơ, vừa mới trông thấy đằng mình, thế là họ đổ sụp xuống đất. Một nữ y tá túi thuốc đeo bên hông chạy từ chiến sĩ này sang chiến sĩ khác, tay quệt nước mắt trên má:
- Có mỗi một chiếc cặp sốt, thế mà họ lấy mất, - chị than phiền với Trêchiakov, một trung úy không quen biết, chị còn biết than thở cùng ai. Chị không còn trẻ, tuổi trạc ba mươi, mái tóc phi-dê thời hạn sáu tháng bám đầy bụi. Ái chà, ai lấy trộm chiếc cặp sốt của chị làm gì? Nó đã bị vỡ hoặc bị mất, mà chị thì cứ đi tìm. Và chị khóc vì chị kiệt sức, chị đã làm việc suốt dọc đoàn hành quân đêm, với tất cả mọi người. Các chiến sĩ ngủ ngon, còn chị vẫn đi hết người này sang người khác, đánh thức những người ngủ mê, bắt tháo giầy, bôi thứ gì đó lên những đội chân nứt nẻ, rắc thêm một chút gì nữa: chỗ đau không phải chỉ vì đau mà vì ngã. Trong chiến tranh Trêckiakov bao giờ cũng thấy thương họ: những người phụ nữ. Nhất là những người phụ nữ như vậy, kém nhan sắc, tiều tụy. Trong chiến tranh, đối với những người ấy, mọi sự đều nặng nề hơn.
Anh tìm được hố bom đầy nước trong khu rừng. Cây con đổ nằm quanh: có một số cây nào đó trong số chúng rất có thể sống lại. Cởi mũ, áo ca-pốt, anh quỳ xuống. Một đám mây trắng lướt trên mặt gương nước, và anh trông thấy mình trong đám gương ấy: ai đó như người Tsigan, đen đủi, từ nơi đó đang nhìn lên. Má đen sạm đầy bụi, râu mọc lởm chởm, đôi mắt sâu hõm quầng đen, hai gò má hóp lại, da tróc ra sần sùi. Sau có tuần lễ mà anh không còn giống chính mình nữa. Anh gạt những chiếc lá rụng trên mặt nước sang bên và những con gọng vó run rẩy nhẩy cẫng lên trên những chiếc chân mảnh mai. Giống như ở đầm lầy than bùn, nước đùng đục, nhưng khi vốc lên lòng bàn tay thì hóa ra nó trong, sạch và mát lạnh.
Anh kéo chiếc áo va-rơi ra khỏi vai, đã lâu anh không được rửa ráy như vậy. Sau đó anh lau cổ, lau mặt bằng áo sơ mi, anh đội chiếc mũ ca-lô lên mái tóc vừa chải ướt, và khi cầm chiếc cổ áo dựng đứng nơi cổ, anh cảm thấy mình sạch sẽ, lại sức. Duy chỉ có bụi từ trong phổi là không thể nào khạc ra được - ban đêm anh đã hít không biết bao nhiêu là bụi.
Suốt thời gian này trong cánh rừng vang lên tiếng xào xạc: trọng pháo của quân ta từ các trận địa bí mật gầm lên nhả đạn, lá rụng rào rào từ trên cây xuống vì tiếng nổ. Bước ra khoảng trống của cánh rừng, anh nhảy vào đoạn tăng-sê cát sụt lở nhiều chỗ và chút nữa thì giẫm phải người lính bộ binh nằm ở dưới đó. Người anh ta vẫn nai nịt đầy đủ quân trang, anh ta nằm như đang ngủ. Nhưng gương mặt vàng ệch của anh ta không phải là gương mặt Nga, một bên mắt không khép chặt ánh lên lờ mờ. Mái đầu tròn, tóc đen húi cao bị đất phủ kín: anh ta đã chết và một loạt pháo khác đã chôn vùi anh ta.
Trêchiakov rẽ ra sau khúc ngoặt tăng-sê. Nơi đây cũng đầy những hố đạn mới há hoác miệng - đạn rơi xuống phía trước, rơi xuống phía sau và rơi thẳng - hỏa lực cực mạnh. Tiếng ầm ầm này họ đã nghe thấy trên đường vào.
Chống cùi tay lên ụ đất cát ngoài giao thông hào, anh quan sát bãi chiến trường phía trước. Bãi chiến trường quy tụ chỗ thấp, đằng đó súng máy gõ lạch tạch, mái chuồng bò ướt lấp loáng như kính, những cây bạch dương hình tháp đứng làm lính gác, lấy thân mình che chở cho ngọn đồi xanh biếc. Và đài hoa hướng dương vẫn hướng đến mặt trời vàng lên rực rỡ, lộng lẫy.
Anh nhìn qua ống nhòm, suy tính xem lúc hoàng hôn khi mặt trời khuất sau ngọn đồi, từ nơi đây anh sẽ liên lạc với bộ binh như thế nào, nếu được lệnh đi về phía đó đặt đường dây cho tốt hơn để không bị đạn pháo tiện đứt. Và khi đi ra, anh còn chạm phải xác một người lính bộ binh nữa. Anh ta vẫn ngồi sau khi toàn thân lăn xuống đáy hầm, máu đông thành cục nơi ngực áo ca-pốt và nói chung không nhìn thấy mặt. Trên ụ đất cát ngoài tăng-sê những cục não xam xám dính vào dường như vẫn còn giần giật. Suốt chiến tranh, Trêchiakov đã thấy nhiều cái chết, nhiều người bị giết. Nhưng ở chỗ này thì anh không dám nhìn nữa. Đó là cái mà con người không cần thiết phải thấy. Xa xa phía trước, sau những cây thông, tất cả đều vàng rực, vẫy gọi, như cuộc đời chưa từng được trải qua.
Khi anh trở về, trung đội anh đang ăn sáng trên bãi cỏ. Chiếc chậu thau men đặt ở đó, các chiến sĩ nằm châu đầu vào chiếc chậu, lần lượt nhau, gió vuốt ve cùng một lúc tất cả những mái đầu cắt cao của bọn họ. Trabarov, trung đội phó xếp bằng chân ngồi trịnh trọng bên chiếc chậu. Vừa trông thấy trung úy, anh ta bèn gõ thìa, các chiến sĩ nhúc nhích, những người đang nằm, bắt đầu ngồi dậy.
- Cứ ăn đi, ăn đi, - Trêchiakov nói. Nhưng Trabarov nghiêm khắc ngó quanh mình, và Kưchin thành thạo lôi chiếc xoong đặt trên tro nóng ra và đưa cho viên trung úy. Tất cả mọi người cùng ở bên nhau thân thiết, còn anh tạm thời chưa thân thiết. Trải chiếc áo ca-pốt xuống cạnh sườn, Trêchiakov nằm xuống và cũng bắt đầu ăn. Xúp nấu bằng thịt bê non, ngọt và mềm.
- Thế nào, đồng chí trung úy. - Kưchin vừa hỏi vừa nhìn anh bằng đôi mắt trìu mến của người chủ nhà đang đãi tất cả mọi người. - ngoài mặt trận chúng ta có thể chiến đấu được chưa?
Và mọi người bắt đầu trò chuyện rằng mùa hè chứ không phải mùa đông, mùa hè nói chung có thể chiến đấu được chứ không như chiến đấu trong băng giá hoặc là trong tuyết tan mùa xuân. Họ trở nên vui vẻ vì bữa ăn. Các pháo thủ còn kéo pháo ở nơi nào đó, hoặc giờ này đang đào hầm cho pháo chứ họ đâu có kịp ngủ chốc lát và được ăn - đây là toàn thể trung đội chỉ huy, gồm các lính trinh sát, thông tin, điện đài... Suốt cuộc chiến tranh, anh phục vụ trong trung đội chỉ huy và anh yêu mến trung đội vì lẽ ở đây tự do hơn. Càng gần hiểm nguy, con người càng thấy mình tự do hơn.
Anh nhìn các chiến sĩ, những con người sống động vui tươi kề bên cái chết. Anh chấm miếng thịt vào những hạt muối thô rải đầy trên vung nồi, kể chuyện về mặt trận Tây Bắc ẩm ướt và lạnh lẽo, khiến ai cũng vui thích. Ăn xong, anh bắt đầu hút thuốc, rồi nói với Trabarov đến đêm cử cho anh hai người - một trinh sát, một thông tin - anh ta bèn cử ngay Kưchin và lại cử Xuiarov. Xuiarov biết vì sao mình được cử đi. Mọi chuyện vẫn diễn ra, mặt trời lên cao hơn trên cánh rừng, nhưng trong nhận thức thì mọi chuyện lại diễn ra hoàn toàn khác. Anh vẫn trông thấy đoạn hào bị đạn pháo vùi kín. Chẳng lẽ chỉ có những con người vĩ đại nói chung mới không biến mất sao? Chẳng lẽ chỉ có họ sau khi chết là còn lại giữa vạn vật? Còn những người bình thường, như tất cả bọn họ lúc này đang ngồi trong cánh rừng - chính nơi đây những người vĩ đại cũng đã ngồi như vậy trên cỏ, chẳng có lẽ ở họ, không còn lại một cái gì? Bạn đã sống, rồi được chôn cất, thế mà dường như không có bạn, dường như bạn không sống dưới ánh mặt trời, dưới bầu trời xanh muôn thuở nơi mà giờ đây, những chiếc máy bay đạt đến độ cao không với tới được, đang gầm rú hống hách. Chẳng lẽ cả những ý nghĩ chưa thổ lộ và cả những nỗi đau - tất cả đều biến mất không để lại một dấu vết? Hay là dẫu sao thì vẫn còn lại một cái gì đó, lơ lửng không trông thấy, để rồi sẽ đến một lúc nào - được đáp lại trong tâm hồn ai đó? Còn ai sẽ phân chia những người vĩ đại và những người không vĩ đại, khi mà họ chưa kịp sống? Rất có thể, những người vĩ đại nhất - Puskin, Tônxtôi tương laí - trong những tháng năm này lặng lẽ nằm lại trên các bãi chiến trường của cuộc chiến tranh và không bao giờ được nói một điều gì với mọi người. Chẳng lẽ cuộc sống lại không cảm thấy hết sự trống rỗng này?
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét