Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 23

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

23

Trong đám hơi nước phủ kín sân ga, những người đàn bà ngược xuôi dọc theo đoàn tàu, gọi con cái bằng những giọng kỳ quái, họ leo cả lên các bậc tàu, nhân viên hỏa xa dập vào tay họ:
- Đi đâu? Hết chỗ rồi.
- Anh Vôlôđia! Vôlôđia! Vào toa này! - Xasa hét lên. Cô cũng bị cái không khí hốt hoảng của nhà ga tác động.
Chị nhân viên hỏa xa giơ ngực chặn anh lại :
- Đầy người rồi, không nhìn thấy à?
Từ lối ra vào toa, mọi người cúi xuống và hét lên:
- Đồng chí trung úy, chúng tôi còn đứng được bao người nữa đây này!
Anh gỡ chiếc quai ba lô ra khỏi vai rồi tung qua đầu người nữ nhân viên hỏa xa vào lối ra vào toa, anh trông thấy họ đón lấy chiếc ba lô lúc nó rơi xuống. Mọi người chạy ngang qua, xô cả vào hai người.
- Xasenka, anh sẽ viết thư cho em. Có địa chỉ đơn vị là anh sẽ viết cho em ngay.
Và anh nhẩy lên bậc lên xuống của đoàn tàu đang chuyển bánh, lấy vai đẩy người nữ nhân viên hỏa xa.
Xasa bước đi bên cạnh bậc tàu, vẫy anh.
Tất cả mọi cái đang nhảy nhót trước mắt cô. Và một khoảnh khắc nào đó cô đã để mất anh.
- Xasa!
Cô lướt nhìn, không trông thấy anh. Bỗng anh lại nhảy vọt xuống sân ga, ôm cô, hôn thật chặt. Từ nhà ga mấy sĩ quan mặc áo lông chạy xồ ra vừa chạy vừa ngoảnh lại nhìn họ. Cả anh và Xasa cùng chạy, và rồi cô đẩy anh ra:
- Vôlôđia, nhanh lên!... lỡ tầu đấy!
Đoàn tàu đã bắt đầu tăng tốc. Những người còn lại trên sân ga thấp thoáng qua, họ vẫn chạy ùa đến các toa tàu. Xasa chạy bên dưới, cô rớt lại sau và kêu lên điều gì đó. Đoàn tàu bắt đầu lượn vòng cung. Xasa chạy sang phía bên, kịp vẫy tay thêm lần cuối - không thấy cô nữa, cô đã khuất hẳn. Chỉ còn lại vị mằn mặn của nước mắt cô trên môi anh.
Chị nhân viên hỏa xa không nhìn ngó ai hết lấy lưng chắn mọi người đẩy vào phía trong, rồi đóng sầm cánh cửa sắt có lắp kính lại. Yên ắng. Ai đó chuyền chiếc ba lô lại cho anh.
- Trung úy, ở quân y viện ra hả?
Trêchiakov chăm chú nhìn người nói :
- Ở quân y viện ra.
- Nằm lâu không?
Anh lại nhìn, phát ngượng vì mình nhìn quá chăm chú. Anh nghe nghe thấy câu hỏi, nhưng mãi mới hiểu được ý nghĩa của câu hỏi: Xasa vẫn đang ở trước mắt anh.
- Lâu rồi, từ đầu thu.
Rồi anh lôi túi đựng thuốc ra :
- Ai có giấy không?
Họ xé cho anh một mẩu giấy. Trêchiakov đổ thuốc ra tay và chuyền chiếc túi đựng thuốc qua tay người khác. Vào được trong toa, anh mời mọi người hút thuốc. Túi đựng thuốc bằng cao su là chiến lợi phẩm của bọn Đức, thả miệng túi ra, tự nó sẽ khép lại, và được ghim chặt bằng một chiếc đinh vít nhỏ. Thuốc đựng trong túi này không bị khô, không bị mất mùi, và luôn luôn ấm, sợi nằm thẳng trong điếu thuốc, Xtarưk đã tặng anh lúc chia tay. Từ cổng quân y viện Trêchiakov ngoảnh lại, hai người vẫn đứng ở cửa sổ phòng bệnh: đó là Xtarưk và Atrakovxki.
Sau khi đi một vòng chiếc túi lại trở về với anh, ai cũng trầm trồ ngắm nghía nó. Mọi người cùng phun khói, hệt như là nếm xem thuốc có ngon không. Bánh tàu gõ dưới sàn, tất cả mọi người cùng lắc lư. Giờ thì Xasa đang đi về nhà, anh mường tượng thấy cảnh cô đi một mình.
Nữ nhân viên hỏa xa lại xuất hiện, dồn mọi người lại, khua khoắng thanh móc lò. Người chị chắc nịch khỏe mạnh, nhìn cau có. Khi chị cúi xuống, đám lính tráng nhấp nháy sau lưng chị.
Họ đã hút hết thuốc, Trêchiakov choàng quai ba lô lên vai, gật đầu chào mọi người và đẩy cửa bước vào trong toa tàu. Không khí rất ngột ngạt. Anh bước dọc lối đi, người lắc lư theo sàn tầu đang lắc lư. Giường dưới, giường trên và các giá để hành lý, đâu đâu cũng có người nằm, người ngồi chật cứng, từ đầu chiến tranh chỗ nào cũng bận rộn cả.
Và trên sàn tàu đã bị xéo qua, xéo lại, những đôi ủng thò ra dưới những giường nằm dưới thấp, anh phải bước qua những đôi ủng đó. Ngay trên cửa sổ, nơi ống nước sưởi chạy dọc toa tàu sát trên trần, anh trông thấy còn một chỗ nho nhỏ trên giá để hành lý. Anh tung chiếc ba-lô, trèo lên và phải nằm nghiêng. Ở đó, chỉ nằm nghiêng mới có thể đủ chỗ. Lúc chống tay này, lúc chống tay kia lên trần tàu, anh đã cởi được áo capốt, trải áo xuống dưới người và đặt ba lô dưới đầu. Thôi, ổn rồi. Đêm nay anh sẽ móc thắt lưng vào ống nước nóng - anh có thể ngủ mà không sợ ngã.
Anh nằm nghĩ ngợi. Từ phía dưới khói thuổc lá bay lên chỗ anh. Ánh mặt trời thấp thoáng, thấp thoáng trong khói, lóa lên rồi lại vụt tắt: ngoài cửa sổ, có cái gì đó thấp thoáng phía dưới, che lấp mặt trời: tàu chạy nhanh.
Anh thiu thiu ngủ trong bầu không khí ngột ngạt, trong sự chập chờn lắc lư.
Anh thức giấc - trên đầu anh trần toa sáng lên, hoàng hôn làm vàng rực từng lỗ hổng nhỏ, Anh mở cổ áo varơi ướt đẫm, lau cái cổ đẫm mồ hôi toát ra trong lúc ngủ. Và đột nhiên anh cảm thấy một cách rõ ràng sự hẫng hụt trong anh: anh bây giờ đã ở xa lắm rồi. Và không thể thay đổi được gì nữa.
Anh thận trọng tụt xuống phía dưới, tay vịn vào mép giường đi dọc toa tàu; ở phía dưới các giường sáng rực lên nhờ ráng chiều. Dưới các giường, mọi người hút thuốc, chuyện trò, ăn uống, và khi anh đi ngang qua, thoáng hiện lên nhiều gương mặt.
Ở ngoài đầu toa tiếng sắt nện còn vang hơn. Mặt trời đỏ rực không tụt lạị phía sau con tàu, vẫn lướt trên khắp miền đồng bằng tuyết trắng. Ánh mặt trời lọt qua ô kính ám khói ở lối ra vào toa tàu, lung linh. Dưới màu ánh sáng ấy, trên sàn sắt, giữa đám tay nải ngổn ngang bên chiếc cửa ra vào bị phủ sương muối, - một người đàn bà đang cho hai đứa trẻ uống nước, giúi chiếc ca thiếc từ môi đứa này sang môi đứa kia. Chị ta nhìn anh hốt hoảng - anh có đuổi họ hay không? - nhận thấy anh rút túi thuốc ra, nhưng rồi lại không hút, chị lấy làm vui sướng.
- Anh cứ việc hút thuốc! Các cháu quen cả rồi!
Hai đứa trẻ cùng tuổi, đôi môi nhỏ xíu ươn ướt của cả hai đứa cùng bóng lên.
- Chúng nó quen rồi, - ông già thu hút sự chú ý vào mình bằng giọng nói yếu ớt ra vẻ đáng thương. Chỉ khi nghe thấy tiếng nói, Trêchiakov mới nhìn thấy ông già: anh trông thấy chòm râu và đống tay nải. Trêchiakov hiểu ra, anh đưa thuốc cho ông già hút.
- Mất thuốc lá cho ông ấy làm gì cơ chứ! - Người đàn bà nói, chị ta xinh hẳn lên nhờ nụ cười. - Chỉ phí công thôi.
Đoàn tàu này không lấy khách dân sự ở bất cứ đâu, bất cứ ga nào. Thế mà sau mỗi ga lại thấy họ xuất hiện ở trong toa tầu, trong các đầu toa tàu, trong các buồng xép: họ cần phải đi lại, họ kiếm đủ cách và họ đi bằng được. Thế nên, người đàn bà đã lên được cùng với hai đứa trẻ, bao đồ đạc và một ông già hoàn toàn là gánh nặng đối với chị. Rõ ràng ông già tự ý thức được điều đó. Vừa hút thuốc vào là ông ho đến tái xanh tái xám, ho trào nước mắt và toàn thân run lên. Rồi cứ sau mỗi hơi thuốc, ông già lại nhìn dán mắt vào điếu thuốc đang nắm chặt trong tay: xem nó còn lại bao nhiêu.
Ở cửa đầu toa bên kia đại úy phi công và một thiếu phụ đứng quay mặt vào nhau. Đại úy đang kể về một trận không chiến, anh ta đưa tay vạch những đường lượn trong không khí, người thiếu phụ đưa mắt dõi theo cánh tay, mặt hiện lên vẻ thích thú cùng nỗi kinh hoàng. Đại úy dáng cao lớn, tóc cắt ngắn, chiếc cổ áo bó chặt căng lấy cổ, một con rận to đùng bò trên mép cổ lót trắng tinh, hệt như bò trên sợi chỉ, lúc thì trượt xuống, lúc thì bám chặt vảo. Và Trêchiakov không biết nói thế nào để đại úy biết, mà người thiếu phụ vẫn không biết.
Nữ nhân viên hỏa xa bước vào cầm cờ hiệu đã cuốn lại trong tay, mùi nhà vệ sinh từ toa tầu xông ra. Tàu đang vào ga nào đó.
- Chị cho bọn trẻ vào trong toa thì hơn. - Trêchiakov khẽ nói, đưa mắt nhìn lũ trẻ, nhìn cánh cửa được sương muối rửa sạch.
Người mẹ nghe thấy thế, bèn phẩy tay:
- Kìa anh, chúng tôi ở đây cũng tốt lắm rồi! Còn gì hơn nữa chứ!
Chị nhân viên hỏa xa đưa tay vuốt lá cờ đen thui vì bụi than cho phẳng lại, dồn những nếp nhăn sang bên mép. Một tòa nhà thấp thoáng bên ngoài, bóng đổ xuống, và ánh mặt trời đỏ rực lại chiếu vào đầu toa tàu. Trông thấy rõ hai người đứng bên ô kính ám khói: thiếu phụ tay nắm chặt lấy những thanh sắt, mặt ngẩng cao, nhìn đại úy đầy vẻ thán phục.
- Anh không biết xót mình hay sao? - Chị nhân viên hỏa xa hỏi, nheo mắt nhìn Trêchiakov. - Còn tôi thì thấy thương các anh lắm. Suốt cuộc chiến tranh tôi đưa mãi, đưa mãi các anh vẫn về hướng này.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét