Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 10

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

10

Đất bên kè đá vẫn vút qua, cuộn khói tàu hỏa xam xám lơ lửng trên đường dây điện thoại, những cánh rừng mùa thu chạy vòng quanh, vòng quanh khi thì biến mất, khi thi hiện lên. Anh ngủ thiếp đi trong tiếng cót két của toa tàu, tiếng bánh xe gõ nhịp xình xịch phía dưới, rồi anh chợt tỉnh - gió vẫn tải khói tàu trên khắp mặt ruộng trơ gốc rạ, cánh đồng luôn đổi thay, dưới bầu trời mùa thu trong vắt, xa xa rừng hiện lên vàng rực khi mặt trời chiếu xuống.
Ở nơi nào đó trên phía bắc, chắc là tuyết đã rơi: hơi lạnh tràn vào cửa tàu. Còn ở đây, họ đã đi biết bao lâu, mặt trời vẫn sưởi ấm mảnh đất mùa thu, mà cuộc chiến tranh đã hai lần phóng vút qua từ hai hướng ngược chiều nhau.
Anh thức giấc, xe cứu thương đậu giữa cánh đồng. Yên tĩnh. Họ đẩv cửa toa tàu sang bên, một chiến sĩ bận quần ống thụng, áo sơ mi vải thô cụt tay trái, đang ngồi trên sàn tàu, đôi chân trần buông thõng trước gió. Anh ta tháo băng ở tay ra, đầu húi cao cúi xuống cánh tay, khẽ nhón những con dòi từ vết thương. Một chiến sĩ khác đứng phía dưới, chăm chú nhìn, cuộn băng lại. Và một người nữa bước đến, đôi nạng răng rắc trên lớp đá răm.
- Cậu bắt chúng làm gì? Chúng có ích đấy, làm sạch vết thương.
- A ha... Cậu biết không, dưới lần băng ngứa ngáy lắm!
Chiếc đầu tàu nổi lên một hồi còi lanh lảnh. Thương binh bò vào các cửa đã mở, họ nhét nạng vào sàn tàu, có ai đó bíu lấy thành tàu nhảy từ ngoài vào. Mọi người kéo anh ta vào toa.
Và mặt đất bên kè đá lại vút qua, khói đậu trên đường dây. Tĩnh lặng trên các cánh đồng.
Từ giường trên, Trêchiakov ngắm nhìn, ngắm nhìn mãi vẻ đẹp mùa thu ấy của thế giới. Có thể anh sẽ không được thấy vẻ đẹp ấy nữa. Lần này, trong một trận chiến đấu mà chưa đến phút chót, điều ấy lại xâm chiếm anh chút ít. Nhưng lòng anh thanh thản. Nếu cuộc chiến tranh kéo dài sang năm thứ ba, cần phải có biết bao nhiêu người, thì một người kể ra thật là ít ỏi, trong cuộc chiến tranh ấy... Trước khi vào trường sĩ quan, anh ở ngoài mặt trận một năm, hồi đó anh bị thương vì ngốc nghếch, không phải bị thương mà là bị sức ép. Tất nhiên ở mặt trận Tây Bắc, nơi diễn ra các trận chiến đấu - có tính chất cục bộ, không thể so sánh với mặt trận này. Nhưng ở đó, họ cũng bị giết chết - nhiều người còn nằm lại trong các đầm lầy, trong các khu rừng xám ven đầm lầy.
Đoàn tàu căng ra trên đường lên dốc; khói đen đặc bên ngoài. Trong toa tàu có cảm giác mặt trời bị một cái bóng chập chờn, lay động che khuất. Qua tiếng thở phì phò nặng nhọc của đoàn tàu vừa ra khỏi đường hầm, từ giường dưới vẳng lên giọng nói vui vẻ của ai đó. Tiếng gõ đều đều của bánh xe, tiếng cọt kẹt của toa tàu bằng gỗ thỉnh thoảng lại át tiếng nói ấy.  Và bỗng nhiên giọng nói ấy trở lên vang hơn:
- Chúng bắt đầu cởi tung áo ra, rận bám đầy áo!... Chúng trải áo lên bàn, ngồi đối diện nhau, từng đứa một đưa móng tay miết lên áo của mình, “Ain rux kaput! Svai kaput!...”. [Một thằng Nga toi mạng! Hai thằng Nga toi mạng! - Tiếng Đức]
Cứ việc ngồi ở bếp lò mà cười. Và chính chúng cũng cười.
Anh chàng lúc nãy nhón dòi khỏi vết thương đang kể chuvện, Trêchiakov nhận ra anh ta nhờ giọng nói.
Lên khỏi dốc, đoàn tàu khó nhọc thở ra một hồi còi dài, lại nghe thấy giọng nói ấy ở giường dưới:
- ... Có một trận đánh... À, mà chả ra đánh nhau. Quân ta đã rút lui từ buổi chiều, đốt cháy kho tàng, suốt đêm các mụ đàn bà vơ sạch những gì họ kiếm được. Sáng ra quân nó tràn vào. Tôi vừa mới ngồi xuống bậc thềm bắt đầu dùng sữa chiêu bánh mì. Tôi trông thấy chúng đi xe đạp. Nóng nực, chúng bận có mỗi quần cộc, ủng và súng quàng lên cổ trần trụi, chiến tranh mà. Tôi đã lớn rồi, mà phát hoảng lên, bỏ chạy vào trong nhà. Bọn nhóc sau này kể lại, chúng chạy ra xem mà! Bọn Đức đạp xe ra ngoài cái đập sau làng, ở đó có hai chiến sĩ Hồng quân đang đi, dọc bờ mương, hát rống lên: cả hai say mềm. Trong túi mỗi người đều còn một chai nữa. Ngay lập tức bọn chúng giơ súng tiểu liên “Rux, henđơ hốp”. [Bọn Nga, giơ tay lên! - Tiếng Đức]. Thế là cả hai đành giơ tay lên.
Trong cảnh lắc lư và tiếng cọt kẹt của toa tàu, giọng nói đó lúc thì vang lên rõ hơn, lúc thi biến mất.
Và một lúc nào đó, Trêchiakov, yếu sức vì mất máu, lại thiếp đi.
Anh thấy mình ở dưới gầm cầu, nằm trên cỏ sau tảng đá to, còn bọn Đức thì phi mô-tô trên cầu.
Anh nghe thấy tiếng răng rắc và tiếng xe phành phạch, anh trông thấy tấm gỗ lát mặt cầu lay động trên đầu anh. Im ắng... Từ sau mỏm đá anh nhìn ra. Phía trước lòng khe khô cạn, những bụi cây lúp xúp. Và đột nhiên anh cảm thấy, anh không trông thấy,  mà bằng hai bả vai, bằng lưng, anh cảm cái nhìn đang hướng vào minh. Anh quay ngoắt lại - một tên Đức. Nó đứng trên cao, nhìn anh, đội mũ, quân phục mở phanh trên bộ ngực đẫm mồ hôi, băng đạn tiểu liên dự trữ thò ra từ cái ống ủng đầy bụi. Không xuống xe đạp, tên Đức chỉ chống một chân, từ trên cao theo dõi anh đang bò dưới gầm cầu giữa ban ngày. Ngay lúc đó anh cảm thấy sự bất lực không tránh khỏi của những gì đang xảy ra, anh không nhúc nhích, từ phía dưới nhìn tên Đức, và ý nghĩ khiếp nhược quay cuồng: vừa mới đây mọi chuyện đều khác hẳn, thế mà bây giờ, không sao thay đổi, không sao sửa chữa được điều gì. Tên Đức tháo khẩu tiểu liên khỏi cổ đẫm mồ hôi, bắt đầu nheo hàng mi trắng. Và khi cảm thấy đôi chân tê dại đi trước họng súng, anh liền lao đến, kêu thét lên và anh tỉnh dậy vì tiếng kêu của mình.
Anh nằm đó tai ù đi và không tin rằng mình còn sống. Vì sao trong mơ bao giờ cũng đáng sợ? Không một lần nào trong chiến đấu anh lại cảm thấy sợ như sau đó ngủ mơ. Và bao giờ trong mơ bạn cũng thấy mình bất lực trước những điều đang đến gần.
Vài ngày sau, từ ô cửa của đoàn tàu tải thương, từ chăn đệm, trong sự rung rinh êm êm của lò xo, từ trong ấm áp, anh trông thấy thắp thoáng sau làn kính một khu vườn táp sương, nhưng chưa rụng lá. Và anh chợt nhớ lại rành rọt - thậm chí anh cảm thấy hương vị những quả táo mùa thu mát lạnh lần ấy cả lớp anh đi lao động. Những gốc cây cổ thụ sần sùi đứng trên lá câ vàng rực đẫm sương, những quả táo lạnh buốt trên cây, từ đống lá làn khói cay cay bốc lên, gió lùa khói bay khắp vườn.
Và giữa trưa, từ những đám mây xám xịt mưa tuyết đổ xuống, trời tối sầm lại, tất cả tụ tập trong chòi canh bên đống lửa, những bàn tay lạnh buốt đỏ ửng bốc lấy khoai nóng trong chiếc nồi gang đặt trên bàn, rồi chấm muối. Và sữa rót đầy ca...
Tất cả những điều đó đã lâu lắm rồi, dường như trong một cuộc sống khác.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét