Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 19

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

19

Đối với thương binh nặng, ban đêm thường là những lúc khổ sở nhất, còn đối với thương binh đang bình phục, thời gian nặng nề nhất là chiều tối. Buổi chiều trong phòng bệnh ánh điện chiều vàng vàng, những cái bóng chụm vào nhau in khắp các góc phòng, tất cả những ai bị chiến tranh chia lìa - người chết lẫn người sống - giờ này tất cả họ đều trở về bên bạn.
Đêm ấy, anh mơ thấy cha. Ông chỉ nhìn anh từ xa. Trông ông khác xưa, người ủ rũ, đầu húi trọc, già hẳn đi. Trong cuộc đời anh chưa hề nhìn thấy ông như vậy bao giờ. Nhưng chính lúc đó anh biết rằng, người đáng thương mang vết sẹo chạy dài quanh đầu đó là cha anh.
Anh không được chia tay với cha. Lúc chuyện đó xẩy ra, anh đang ở trại hè thiếu nhi. Chủ nhật, như thường lệ, tất cả đều có bố mẹ tới thăm, không hiểu vì sao không ai đến thăm anh. Sau đó, vào giữa tuần, mẹ anh tới. Trông mẹ như vừa mới ốm dậy. Và mỗi lần nhìn anh, anh thấy mắt mẹ rơm rớm. Mẹ bảo cha anh đi công tác, đi rất lâu. Mãi tới khi hết trại hè, anh về nhà, nhìn thấy cánh cửa phòng thứ hai bị niêm phong, mẹ mới kể lại chuyện đã xảy ra.
Trước đó, chưa bao giờ anh yêu mẹ như những ngày tai họa giáng xuống gia đình. Anh quyết định dứt khoát: thôi học lớp bảy, đi làm. Chắc là cha anh cũng xử sự và khuyên nhủ anh như vậy. Lianka còn nhỏ, cứ để cho em nó học tiếp, còn anh đã lớn. Nhưng sau đó, bố dượng Bezais xuất hiện. Anh không thể tha thứ cho mẹ chuyện đó, vì cha anh và vì chính bản thân mình.
Nếu như anh đã chiến đấu trung thực, đã tình nguyện ra mặt trận khi chưa đến tuổi, nếu như anh đã vượt qua được như mọi người, thì chính đó là cha anh đã dạy dỗ anh. Đã nhiều lần anh tưởng tượng thấy mình sau chiến tranh trở về, anh sẽ đến nói, và số phận của cha anh sẽ thay đổi. Anh không biết rõ anh sẽ đến đâu, mọi việc sẽ như thế nào, nhưng anh tin: chiến tranh kết thúc, từ mặt trận anh sẽ đến, và người ta sẽ xem xét lại, sẽ hiểu rằng một sự lầm lẫn đáng tiếc đã xảy ra, cha anh không hề có lỗi. Ngay cả với mẹ, anh cũng không nói điều đó, nhưng với Atrakôvxki nhiều lần anh đã toan tâm sự. Có bận, hai người đứng bên cửa sổ gần phòng mổ, anh đã hỏi vì sao Atrakôvxki được tặng huân chương. Atrakôvxki nhìn lên ngực áo, nói: “Đây là giấy thông hành vào đời của mình đấy”. Và anh cười gằn.
Lúc này Atrakôvxki đang đi đi lại lại trong phòng, mải suy nghĩ gì đó. Còn Xtarưk đang nghiền ngẫm bên bàn cờ. Từ giường bên, trong ánh hoàng hôn, Trêchiakôv nhìn thấy rõ Xtarưk ngồi, tay chống đầu, tay mân mê vết sẹo hồng hồng trên trán.
- Đi quân mã, đi quân mã, thủ trưởng, - anh đầu bếp mách nước rất to. Người cúi gập lại, nháy mắt ra hiệu cho Rôizman mù lòa, chỉ trỏ gì đó trên bàn cờ. Xtarưk nhấc một quân trắng lên:
- Cho một cái nạng vào trán bây giờ! - Rồi anh ta quay sang với mọi người: - Nào! Tránh ra! Cứ vây kín xung quanh, thở làm sao được.
- Anh ta múa may gì thế? - anh đầu bếp ngượng nghịu phân trần. - Người ta mong cho điều tốt lành, cho tắm mát, mà anh ta, như thằng gàn, lại chuồn lên bờ...
Tối nào anh đầu bếp cũng đến phòng của các sĩ quan đứng xem và muốn chơi. Anh ta đứng giang chân, mặt cạo nhẵn bóng lên, bộ ngực rộng nhưng đã nhệu nhão. Nhưng đó không phải do xơi bánh mì quá nhiều. Anh ta bị một vết thương mà nói ra là rất xấu hổ. Ít ai lại không buồn cười khi biết anh ta bị thương vào đâu. Nhưng anh ta đã quen với chuyện đó, nên chẳng hề bực bội. Anh ta lấy vợ ngay trước chiến tranh, chân tay anh ta vẫn lành lặn, nhưng khi về nhà, người vợ khóc lóc mãi, rồi nói thẳng rằng không thể sống với anh ta được nữa. Anh ta quay trở lại quân y viện này xin làm nhân viên quốc phòng, tối tối anh ta lại vào phòng các sĩ quan, hồi hộp dõi theo bàn cờ: “Đi quân tốt...”. Có lần anh ta bảo: “Bây giờ đang còn chiến tranh thì không sao. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, tất cả mọi người ai về nhà nấy...”.
Và khi ấy, lần đầu tiên Trêchiakov ngạc nhiên với ý nghĩ: có người sợ chiến tranh kết thúc. Khi mọi người còn ở đây, đối với anh ta hình như không có gì kết thúc cả. Lạy trời, đừng bị thương như vậy, thà cứ chết luôn còn hơn. Dầu biết vậy, nhưng không hiểu sao đối với anh ta, Trêchiakov vẫn cảm thấy ghê sợ.
- Thủ trưởng, cho tôi chơi một ván, - anh đầu bếp đề nghị, lăng xăng xung quanh để người ta cho vào bàn cờ.
- Đợi đấy!
Xtarưk xếp lại cờ, nện mạnh các con cờ xuống bàn.
- Chơi cờ nhẩy đi, đại úy.
- Cờ nhẩy à? - Rôizman hỏi lại. - không, chơi cờ nhẩy thì khó đấy, vì tất cả các con cờ đều giống nhau.
- Anh ta nhớ tài làm sao! - Xtarưk ngạc nhiên. - Để tôi nghĩ cái đã, quên hết các nước đi rồi.
Ai đó rụt rè mở cửa phòng. Chắc người lạ, Trêchiakov chống khuỷu tay không đau, nhỏm dậy, Xasa đứng ở nơi cửa.

- Xasa, - anh nói, khi ủ ấm đôi tay lạnh cóng của cô trong bàn tay lành lặn của mình. Anh áp môi vào đầu những ngón tay lạnh buốt của cô, hôn mãi từng ngón một, không rời ra được. Khi anh ngẩng đầu lên, trống ngực bỗng dồn dập. Đôi mắt long lanh sáng ngời của Xasa nhìn anh.
- Xasa - anh gọi như người say, - Xasa.
Anh không hy vọng, không mong đợi, thế mà cô lại đến.
- Làm sao em đoán ra được?
- Em nghĩ là anh ốm. Trời lạnh thế mà chỉ mặc mỗi áo capot.
- Làm gì có áo capốt, mọi người mượn mất rồi, nguyên do có vậy thôi. - Anh ngồi dậy. - không thể ra ngoài được.
-... Em lo anh bị viêm phổi. Thậm chí em cũng chưa đến chỗ mẹ nữa cơ.
- Xasa!
Cô ngồi trên bậu cửa sổ, khoác chiếc áo choàng trắng, bím tóc vắt trước ngực. Anh đứng trước mặt cô, nắm lấy tay cô, nhìn đôi tay ấy như nhìn một vật kỳ diệu đang nằm trong tay mình.
- Ở ngoài kia mới thay người gác cổng khác. Em nói em phải vào bàn bạc về văn nghệ nghiệp dư. Nhưng anh ta bảo: tôi không thể vì cô mà rời vị trí được, đã có lệnh rồi.
- Ở ngoài hàng rào có hai thanh gỗ bị tháo tung ra. Chúng chỉ đóng hờ trên chiếc đinh. Cứ việc đẩy chúng ra.
- Nếu không có những thanh gỗ ấy, em đã chẳng vào được. Rất may là Tamara Gorb trực ca, chị ấy đưa áo choàng cho em.
Những ngón tay cô nhỏ nhắn, lạnh buốt, và không hiểu sao lại có mùi than chạy đầu máy xe lửa.
- Em đi nhặt than đấy, - Xasa nói. - May mà mẹ và em ở cạnh đường tàu, chứ không thì chẳng có gì để đốt lò. Tàu đỗ lại, thế nào than từ lò đốt cũng rải đầy dưới gầm đầu máy. Đôi khi lấy được hẳn một thùng.
- Sao em phải nhặt than dưới gầm tầu?
- Nếu không người ta đuổi không cho nhặt.
- Vậy khi tàu chuyển bánh thì sao?
- Anh biết không, có lần em sợ hết hồn! Em phải để lại thùng than dưới gầm tàu...
Bỗng nhiên cô nhảy xuống khỏi bậu cửa: ở phía cuối hành lang hiện ra chiếc mũ trắng của bác sĩ. Hai người chạy lên tầng ba để tránh bác sĩ. Họ cười với nhau, cả hai đều cảm thấy sung sướng. Nhưng ở trên tầng ba họ lại chạm trán với bác sĩ buồng bệnh. Chỗ nào họ chạy đến cũng đều gặp phải ai đó. Chỉ riêng ở ngoài cầu thang lạnh lẽo, dưới trần thượng họ mới không gặp ai. Hai người thở hổn hển chạy lên đấy. Ở đó chỉ có những cái xẻng xúc tuyết to và những cái đòn quay cán gỗ dựa sát tường. Như ở nhà riêng không có lò sưởi, ô cửa sổ bị phủ một lớp tuyết dày. Bên ô cửa xanh đầy tuyết ấy, anh ôm Xasa và hôn cô. Anh hôn lên đôi mi mắt rung rung, lên má, lên những ngón  tay đượm mùi than của cô.
Họ đứng run rẩy trong giá lạnh, sưởi ấm cho nhau. Cánh cửa ở phía dưới đập mạnh, có tiếng bước chân đi lên.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét