Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 14

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

14

Vài ngày sau anh cùng với Xasa ngồi trên bậu cửa sổ ngoài hành lang, Xasa kể cho anh nghe về một người bạn cùng tuổi với anh cũng tên là Vôlôđia, hy sinh cách đây hai tháng.
- Bạn của Vôlôđia viết thư cho em, anh ấy trông thấy xe tăng của Vôlôđia bốc cháy. Ra trường, Vôlôđia và Igor cùng đến đấy, và có một qui ước: nếu có chuyện gì xảy ra, phải viết thư. Thế nên anh ấy đã viết thư cho em. Khi chiếc xe tăng cháy bùng, mọi người kịp nhảy ra khỏi xe tăng, cả Vôlôđia cũng vậy. Nhưng anh ấy nằm lại và rồi bắt đầu bắn yểm trợ để tất cả mọi người có thể chạy thoát. Giá như anh ấy cũng chạy ngay, có thể... Nhưng anh ấy là chỉ huy chiếc xe tăng.
- Chuyện ấy thì không thể đoán trước được. - Tréchiakov nói. Đối với cô, anh nói vậy. Riêng anh thầm nghĩ: vẫn là hay nếu mọi chuvện xảy ra như họ đã viết. Chứ chết cháy trong xe tăng thì còn rủi hơn. - Ở đây không thể nào đoán trước được. Chỗ tôi một chiến sĩ không muốn chui ra khỏi chiến hào, có chuyện gì đó đã xẩy ra với anh ta, vẫn thường như thế đấy. Anh ta sợ, và không dám bò ra ngoài, chỉ có thế thôi. Những người bò ra ngoài, đều sống cả, riêng anh ta hy sinh. Đạn rơi thẳng vào chiến hào, nói chung điều đó hiếm lắm. Số phận của anh ta như thế đấy.
- Anh ấy tròn mười chín tuổi. - Xasa nhìn Trêchiakov, so sánh. - Chắc anh hai mươi tuổi chứ?
Anh gật đầu: Anh chưa đến hai mươi, nhưng thật là dễ chịu, trong con mắt cô, anh trông già dặn hơn một tuổi.
- Còn anh ấy tròn mười chín tuổi. Khi nhận được giấy báo tử cha, anh ấy đã giấu mẹ, chỉ nói với Giên-ka, em trai, cả hai anh em đều rất yêu quí mẹ. Bác ấy là một phụ nữ cao lớn, xinh đẹp. Một gương mặt Nga, rất Nga. Nhưng vẫn có vẻ gì đó rất di-gan, có thể thế. Con cái giống hệt bác ấy, cả hai cùng mắt màu nâu sẫm, cả hai tóc cùng dầy và loăn xoăn.
Cô bé nhìn tóc anh; anh đứng trước cô, và cô ngước nhìn lên. Không, tóc anh không đen, sau lần húi cua, không rõ chúng mọc thế nào. Đối với Lianka, cô em gái hơi ngốc nghếch, nhưng tận tâm, mọi cái ở anh đều hết sức đẹp đẽ, nó thường đặt đuôi tóc nó vào tóc anh, “Mẹ ơi, sao tóc con không giống tóc anh Vôlôđia? Sao anh nhà mình đẹp thế, còn con thì không?”.
Đôi mắt Xasa sáng lên xúc động, như cái lần cô kể chuyện cho Atrakôvxki nghe:
- ...Mẹ anh ấy nói với anh ấy: “Con hãy hiểu cho mẹ, mẹ không còn gì nữa. Theo pháp luật, con có quyền, con có thể không đi”. Nhưng anh ấy cứng rắn như gang thép. Bác ấy thật sự có thể làm được tất cả. Một ổ bánh mì ngoài chợ - tám trăm rúp. Một chai vodka - tám trăm rúp. Bác ấy là trưởng ban cung cấp của công nhân. Bác ấy có thể làm được tất cà. Nhưng anh ấy đã giấu hội đồng y tế là anh ấy mắc bệnh hen suyễn, lên cơn luôn. Và anh ấy còn cấm cả mẹ nữa. Anh ấy nói với bác: “Nếu họ loại con ra, mẹ biết đấy, suốt đời mẹ sẽ là kẻ thù của con”. Bây giờ, bác ấy không thể tha thứ cho mình...
Y tá Tamara Gorb đi dọc hành lang, bưng chiếc nồi hấp nóng trong khăn mặt, đưa mắt nhìn cả hai. Xa-sa nhảy từ bậu cửa sổ xuống, chân đi ủng đứng nguyên đó khi Tamara đi qua. Cô ta cao đến vai anh, đầu vừa ngang với chỗ trước kia có cầu vai. Hai bím tóc màu tro tròn bằng cổ tay cô dài quá thắt lưng. Tamara để tóc ngắn, khi đi ngang qua, cô cứ liếc nhìn mãi những bím tóc ấy.
Trêchiakov rút thuốc từ bao thuốc “Box” nhàu nát từ trong túi ra, Anh chẳng thích hút thuốc, nhưng anh thấy xấu hổ vì mùi  bệnh viện khó chịu mà anh luôn cảm thấy bay ra từ chiếc áo choàng của mình.
- Để em đi châm lửa, - Xasa yêu cầu giản dị và muốn cầm lấy điếu thuốc ở tay anh, đi châm thuốc. Cô đã quen chăm sóc thương binh.
- Có  người ra bây giờ đấy. - anh nói.
Quả thật, ở cuối hành lang xuất hiện một thương binh. Anh ta cúi gập người, chiếc áo choàng không khép vạt thẳng xuống tận nền nhà. Anh chúi đầu vào ô kính, từ gáy anh một làn khói xam xám bay lên. Trêchiakov châm thuốc ở người đó. Khi anh quay lại, cánh cửa phòng của các thương binh cột sống mà Tamara vừa bước vào, đang mở hé. Ở giường ngoài cùng, một thương binh đang ngắm mình trong chiếc gương con. Anh ta nằm ngửa, tay cầm chiếc gương soi đi soi lại, tay túm những sợi tóc ngắn trên mái đầu húi cao, ngắm nghía rồi chải thử. Người thương binh này là một người mặt còn búng ra sữa, trẻ hơn cả Gôsa. Mảnh pháo đụng phải cột sống, thế là liệt nửa người, từ hông trở xuống.
Anh đã kịp quay lại, điếu thuốc cháy hết nhanh, Xasa giúp anh châm tiếp điếu khác.
- Ở ga, Vôlôđia Khuđiakov cũng hút hết điếu này đến điếu khác. - Cô nói. - Anh ấy vứt điếu cũ đi rồi lại châm điếu mới. Mẹ không thể tha thứ cho em vì rằng, anh ấy đã ra đi ngơ ngác như thế. Anh ấy đứng ở cửa khi tàu chuyển bánh và đúng lúc ấy em thấy sợ cho anh ấy. Em cảm thấy ngay rằng sẽ có chuyện gì đó xảy ra với anh ấy, gương mặt anh ấy lúc đó trông thế nào ấy.
- Bây giờ tôi cũng cảm thấy thế. - Trêchiakov nói và trong lòng anh cũng sung sướng đồng tình: - “Mẹ không thể tha thứ cho tôi, vì rằng người ấy đã ra đi ngơ ngác như thế” - Không ai có thể biết trước được điều gì.
- Không! Vẫn còn có linh cảm...
- Ừ, nhưng trong hàng nghìn trường hợp thì chỉ có một lần thôi. Và may là không ai biết được điều gì trước về bản thân mình. Nếu biết, thì không thể chiến đấu được. Song ai cũng hy vọng như vậy...
Anh thấy cô gái muốn tin nhưng dầu sao cô cũng sẽ tự kết tội mình: những người sống luôn luôn có tội trước những người chết.
Anh đứng bên cửa sổ nhìn các học sinh tập hợp dưới ngọn đèn trong sân trường cũ, trông theo họ đang đi thành đoàn qua sân. Chiếc áo khoác lông của Xasa đã chật, cô lớn hẳn lên. Trêchiakov chờ cô ngoảnh lạl và nhìn lên cửa sổ. Người nào đó bị tụt lại đằng sau đuổi theo họ, và họ vui vẻ chạy lên. Rồi họ dừng lại, chờ đoàn tàu dồn toa. Thế là Xasa không ngoảnh lại.
Anh đứng đó nhìn họ băng qua con đường có ánh sáng, rồi vượt qua đường tàu.
- Vôlôđia!
Tamara Gorb gọi anh.
Tamara đã ngoài ba mươi, chị tưởng tượng ra mối tình cuồng nhiệt cùng Kichênhev và bây giờ chị sắp than thở về anh ta. Anh bước lại gần, thận trọng duỗi bên chân bị thương ra và ngồi xuống cạnh chiếc bàn nhỏ của chị:
- Thế đấy...
Tamara nhìn anh, đôi mắt lồi đen nhỏ của chị mọng nước, sưng húp lên. Những giọt nước mắt đầy ứ lên và trào qua mi:
- Xử sự không hay ho như thế để làm gì? - Tamara nói, lấy bông thấm những giọt nước mắt trên bàn. - Anh ấy đối xử với người sống như vậy để làm gì? Em hãy nói đi, chị không đòi hỏi gì. Chị đưa thuốc đến và dưới chăn chỉ có chiếc áo capot thế chỗ cho anh ấy... Lẽ nào lại thế... Chị đã kiếm cho anh chiếc áo capot ấy, chị đã kiếm cho anh cái áo khoác ngắn này. Chị xoay xở những thứ ấy để được như vậy ư? Trên hàn thử biểu, âm hai mươi tư độ, anh ấy mặc gì cơ chứ?
Gương mặt Tamara như gương mặt nữ thần digan nếu người digan có nữ thần. Trán gồ ghề, da vàng bóng. Tamara, xấu đến tuyệt vọng, cho nên chị mới nghĩ ra cho mình mối tình cuồng nhiệt ấy. Nhưng khi chị khóc như vậy, đôi mắt đẹp đến ngạc nhiên. Ngày mai chị lại gặp Kichênhev, anh ta mỉm cười, và thế là chị sẽ quên hết, sẽ tha thứ hết.
- ...Bây giờ cô ấy tự đến với chị... Cô ấy lúc coi thường mọi người, lúc không nhìn thấy ai, thế mà cô ấy tự đến với chị: “Chị Tamara ơi, chị đúng làm sao, em đã nhầm về anh ấy...”.
Và trong nhận thức cay đắng sự thật của mình, Tamara vẫn tìm thấy chút hương vị ngọt cho riêng cô ta. Tamara dùng miếng bông ướt lau những giọt nước mắt cuối cùng trên bàn, những giọt nước mắt trên má chị tự khô đi. Và đôi mắt chị lại trong sáng, như đêm mùa hạ sau trận mưa rào.
- Vôlôđitrka, em đừng kể gì với anh ấy, được không?
Và chị lại nhẹ nhàng chạy đi tiêm.
Rõ ràng ở đây anh cũng có vai trò: mọi người kể cho anh, làm nhẹ bớt lòng mình, còn anh thì lắng nghe. Mọi người kể lể, dường như anh đã sống suốt cả cuộc đời, hoặc là như kể cho người bạn đồng hành không hề thấy ngượng ngùng với người bạn ấy: người bạn ấy sẽ xuống bến và đem theo mọi chuyện.
Anh quay vào phòng, ở đây như mọi tối, mọi người đang đánh cờ. Đại úy Atrakovxki đi từ góc này sang góc khác, húng hắng ho. Đôi tay anh to, xương bé, đã có thời, đôi tay ấy rất khỏe. Atrakovxki thích thú ngó nhìn anh, nhưng không hỏi han gì, rồi lại đi ra xa.
Ánh sáng trong căn phòng lù mù, buổi tối không thể đọc sách được. Và không hiểu sao, ở quân y viện không đọc sách được, chuyện trong sách cứ như không có thực. Thế mà Atrakovxki vẫn đọc được. Đọc liên tục: báo và sách. Lần trước anh trông thấy anh ấy có Sếcxpia, cuốn “Vua Lia”. Khi anh cầm lấy cuốn sách, chợt thấy phảng phất không khí gia đình, tay anh run lên. Ở tủ sách của cha anh, sau tấm kính, các tác phẩm của Sếcxpia và Sin-le đứng bên nhau. Những tập sách nặng xanh xám, gáy bọc da, những tấm tranh nhỏ giống giấy quấn thuốc lá. Anh đã đọc hết những cuốn sách ấy từ hồi học phổ thông, còn tranh thì anh xem từ hồi chưa biết đánh vần. Bây giờ anh lại đọc - nhưng chẳng hiểu được gì. Hiểu hết từ, thế nhưng vì sao mà xảy ra bi kịch thì anh không hiểu nổi. Chẳng lẽ vì cuộc chiến tranh mà đầu óc anh trở nên mụ mẫm hay sao? Hay là trước kia anh chưa hiểu được điều gì đó hệ trọng? Biết bao thế kỷ trôi qua, mọi người vẫn xúc động mạnh mẽ về ông vua điên cuồng đi trên thảo nguyên. Hồi nhỏ, chính anh cũng thấy xúc động đấy thôi...
Lời chú thích đập vào mắt: “Đằng sau sân khấu là tiếng ồn ào của một trận đánh. Vua Lia, Cordelia và quân lính của họ mang trống đi qua...” - và thế là anh vấp luôn ở chỗ đó. Tiếng ồn ào của một trận đánh. Nhưng chính những người chết đó đang nằm kia, đằng sau sân khấu lịch sử. Và họ bắt đầu choảng nhau không biết vì sao: vua chia không đều gia tài cho các cô con gái, và các cô bị giết chết hết. Nhưng mọi người không đau buồn cho các cô con gái, dường như các cô gái ấy không phải là con người mà đau buồn cho vua... Trong góc phòng, Gôsa và Xtarức ngồi tách biệt với tất cả mọi người. Gôsa như mọi bận, ngồi xếp bằng giữa giường. Xtarức từ giường bên cúi nhoài xuống Gôsa, đầu hói nâu bóng lên, khẽ thầm thì gì đó. Trong phòng này, Gôsa là dân cố cựu, chiếc giường của anh kê bên cửa sổ, được coi là giường tốt nhất. Anh đã chuyển sang đó rồi khi chiếc giường còn chưa có người. Ra viện, Gôsa chẳng biết đi đâu, không ai chờ anh. Gôsa vốn côi cút, ngay cha mẹ mình anh cũng không nhớ. Anh ra trận - rất vui sướng, bị sức ép - từ quân y viện, anh lại ra trận. Và anh sợ trở lại hậu phương, trở lại cuộc sống. Đối với anh chỉ còn lại khoảnh khắc duy nhất không trở thành sự thực - anh đã hai lần ra mặt trận chiến đấu.
Trêchiakov ngả người lên chiếc chăn, anh khó nhọc từng bộ phận; tay bị thương, chân, và bên sườn như bị xuyên thủng. Bóng Atrakovxki chập chờn trên tường. Vì sao hôm nay anh bỗng thấy thương xót tất cả mọi người. Anh thương Gôsa, thương Tamara, và thương cả cô gái có hai bím tóc.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét