Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 6

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

6

Nửa giờ trước khi chuẩn bị pháo kích. Trêchiakov nhẩy vào công sự của anh. Dựng cổ áo capote lên đầu tựa vào vách hầm, Kưchin đang thiu thiu ngủ, anh ta hé mắt rồí nhắm lại. Xuiarov ngồi xổm hít lấy hít để khói thuốc lá, nhổ ra một đống nước bọt giữa hai đầu gối. Nhận ra trung úy, anh ta lịch sự đưa tay xua đám khói thuốc lá trên đầu mình.
- Đồng chí trung úy, uống vodka chứ? - Kưchin hỏi. Gương mặt bèn bẹt của anh ta trông giống hệt người Mông Cổ. Mà chính anh ta là người nông thôn đâu ở gần Tambov. Tổ tiên anh ta đã đến giết những tổ tiên khác của anh ta. Hai dòng máu này hòa hợp và không giao chiến với nhau trong con người anh ta.
- Cậu đào đâu ra vodka thế?
- Chuẩn úy bộ binh ở đây... - Hệt như một chú chó con, Kưchin chỉ tay lên trời và ngáp. Đôi mắt ươn ướt, quả thật anh ta mới ngủ dậy. - Bên bộ binh, họ thông báo trước những tổn thất của ngày hôm sau. Thoạt đầu họ lĩnh vodka, rồi sau họ mới báo cáo những tổn thất. Ngày mai, thủ trưởng biết không, họ sẽ có bao nhiêu là vodka...!
Trêchiakov nhìn đồng hồ:
 - Vẫn còn là hôm nay, chứ chưa sang ngày mai, Nào, ta sẽ uống một trăm gam.
Anh uống bằng cái nắp, hóa ra là rượu nhạt, tựa như nước. Chỉ có điều ngực ấm lên. Anh vẫn đứng, đưa mũi giầy gạt đất sét trên vách hầm. Đó là những giây phút cuối cùng không bao giờ quay trở lại. Trong bóng tối, bữa ăn sáng được đưa đến cho bộ binh, và mỗi người dù không nói đến điều đó, vẫn nghĩ khi vét chiếc gamen: có thể lần chót... Với ý nghĩ ấy từng người một giấu chiếc thìa đã được chùi sạch sau cuộn giấy: có thể, sẽ không cần nữa. Và chính vì mang ý nghĩ ấy trong người, bạn thấy mọi điều không hẳn giống như thường lệ. Mặt trời mãi vẫn chưa mọc, và một sự yên tĩnh đến run rẩy. Chẳng lẽ bọn Đức không cảm thấy điều đó sao? Hoặc là chúng đã ẩn nấp, và đang chờ đợi? Và không thể dừng lại, không thể thay đổi được gì nữa. Những năm tháng đầu tiên ở ngoài mặt trận, anh tự thấy xấu hổ về điều đó, anh nghĩ, chỉ mình anh như vậy. Trong những phút giây này, dù thế nào, từng người một đều phải đối diện với chính mình, để vượt qua được giây phút đó: không còn có một cuộc sống nào khác nữa.
Trong những giây phút này, khi mà dường như không có chuyện gì xẩy ra, bạn chỉ việc chờ đợi, còn điều đó chuyển động không thể đảo ngược hướng đến giới hạn cuối cùng của mình, hướng đến những tiếng nổ mà không một ai, kể cả bạn, có thể bắt nó dừng lại được. Trong những giây phút này chúng ta cảm thấy bước tiến lặng lẽ của lịch sử. Bạn bỗng cảm thấy rõ cả cái khối cồng kềnh này được gom góp lại từ hàng nghìn, hàng nghìn sự nỗ lực của những người khác nhau, đã chuyển động, đang chuyển động không phụ thuộc vào ý muốn của một người nào đó, mà tự nó chuyển động sau khi đã tìm được bước tiến của mình, cho nên không thể dừng nó lại.
Lúc này, trong anh mọi cái đều căng ra còn Xuiarov đánh lửa ở dưới công sự, bối rối khi từ dưới trông lên thấy gương mặt trung úy bình tĩnh đến dửng dưng: tựa lưng vào ụ đất, lơ đãng đưa mũi giầy gạt đất sét hệt như chỉ cốt để chống lại cơn buồn ngủ.
Đêm nay, cuối đêm, Trêchiakov ngồi trong căn hầm của đại đội trưởng, mà anh phải yểm trợ cho anh em. Họ đều không ngủ. Đại đội trưởng bên trong chiếc áo lót bằng vải thô vừa lau mặt bằng chiếc khăn vốn đã lấm lem từ trước, vừa uống trà và kể về chuyện anh ta đã nằm ở quân y viện, mãi tận Xuzran, ở đó chủ nhiệm quân y viện là một người đàn bà xinh đẹp.
Dưới tấm gỗ thấp của căn hầm, đôi mắt anh ta sáng rực lên, dễ bảo và dịu dàng. Anh ta liếm mồ hôi từ môi trên nhẵn thín, cổ ướt đẫm, mồ hôi vẫn cứ túa ra trên những nếp nhăn vốn đã ướt, và trên xương đòn gánh, có một vết thương đáng sợ để lại vết sẹo bóng loáng, mạch máu không được bảo vệ thỉnh thoảng lại phồng lên.
Trêchiakov nghe anh ta nói, và chính anh cũng nói, nhưng mọi chuyện bỗng trở nên lạ lùng, hệt như nó xẩy ra không phải với anh: họ đang ngồi trong lòng đất, uống trà và chờ đợi thời gian. Và ở phía bên kia, quân Đức, có thể, cũng không ngủ, cũng chờ đợi. Để rồi sau đó ào lên như một đợt sóng, bứt khỏi chiến hào, chạy đến giết nhau... Có một lúc nào đó, sau này mọi người sẽ cảm thấy điều đó rất kỳ quặc.
Anh uống liền ba ca nước trà dính mùi mỡ và tình cờ trong khi nói chuyện, anh được biết trung đoàn đó chính là trung đoàn bộ binh của bố dượng anh. Có điều bây giờ phiên hiệu của trung đoàn đã khác, bởi vì năm bốn mươi hai nó chỉ còn lại có lá cờ trong khi bị vây, sau đó trung đoàn được giải thể và đổi tên. Mẹ anh còn giữ được bức thư của một người cùng trung đoàn với ông, chính người đó trông thấy bố dượng anh bị giết chết khi họ cùng vượt vòng vây, và viết thư báo tin cho mẹ anh. Nhưng dẫu sao vẫn hy vọng: biết bao trường hợp không ngờ đã xảy ra trong chiến tranh. Và đánh lừa số phận, sợ giật đứt nốt niềm hy vọng cuối cùng. Trêchiakov thận trọng hỏi:
- Bác tôi ở trung đoàn các anh. Trung đội trưởng trung đội công binh, thiếu úy Bezais... Trận Kharkov... Anh tình cờ có biết không?
Anh đã thốt lên từ “bác”, dường như không phải anh nói đến ông vậy, để nếu người đó có nói “hy sinh rồi”.
- Bezais... họ như thế à... Anh cứ hỏi mọi người, ví dụ như Pôxôkhin, tham mưu trưởng tiếu đoàn, sĩ quan tùy tùng. Bezais... nhất định Pôxôkhin nhớ đấy. Còn tôi thì không dự trận Kharkov, ra viện tôi mới về trung đoàn này.
Tháng Năm năm 1942, khi ta bắt đầu phản công ở Kharkov, và sau đó kết thúc như vậy, tại thành phố Ruxxa Cổ, anh đã gửi cho bố dượng một bức thư rất thích thú kiểu trẻ con, anh viết rằng anh mong được như ông và có lẽ ở nhà họ cũng sắp... Lúc ấy, vòng vây ở Kharkov đang khép chặt lại.
Gương mặt mẹ run rẩy rất đáng thương khi mẹ hỏi anh ở nhà ga: “Con sẽ ra mặt trận Tây-Nam... Ở chính những nơi ấy đấy... Có thể con sẽ được biết điều gì đó về Igor Lêônhiđôvits”.
Có mặt anh, bao giờ mẹ cũng gọi người bố dượng với đầy đủ tên họ và bây giờ đây bà lúng túng khi gọi khác đi.
Khi chiến tranh bắt đầu, Bezais được gọi nhập ngũ. Lần đầu tiên anh thấy xao xuyến về người bố dượng. Cùng với mẹ và Lianka, cả ba người đi ra chỗ tập trung trên đại lộ trong trường của Lianka. Và anh đã thấy mọi điều thay đổi như thế nào. Người bố dượng đang chờ họ, ông ngồi trên vỉa hè, lưng dựa vào cổng trường xây gạch. Ông là kỹ sư chế tạo, được nhiều người ở đây biết đến, ông đang ở trong thành phố của mình mà cứ như ở trong một thành phố xa lạ, nơi đó không ai biết ông và không ai nhớ đến ông, ông ngồi bệt xuống đường nhựa, tay ôm lấy đầu gối. Trông thấy ba mẹ con dang đi về phía mình, ông đứng dậy, thờ ơ phủi quần và ôm hôn mẹ. Ông cao gầy, mặc chiếc áo va-rơi bằng vải bông, đầu đội mũ ca-lô, ghì chặt gương mặt bà vào hàng cúc áo ngực và cằm đã cạo râu chạm vào đầu bà, mắt nhìn ra phía trước và vuốt tóc bà. Và cái nhìn của ông, dường như nhìn vào đâu ông cũng thấy rõ ở nơi đó tất cả những gì đang chờ đợi mẹ anh.
Đôi chân khẳng khiu của ông quấn xà cạp đen. Và ông đi ra mặt trận bằng đôi chân khẳng khiu như vậy xỏ trong đôi ủng bộ đội to rộng. Tất cả những năm họ sống bên nhau, anh không quan tâm đến người bố dượng. Anh chỉ coi ông như một người cùng thuê nhà, vậy mà lần đầu tiên trái tim anh đã biết nhói đau thì lại chính vì ông, chứ không phải vì mẹ anh.
Lần ấy, ở trường sĩ quan về, anh gặp lại mẹ. Anh thấy mẹ già hẳn đi, gầy hóp lại. Cổ đầy gân. Còn Lianka, sau có hai năm, thay đổi hẳn không nhận ra được nữa. Chiến tranh, không biết mẹ và Lianka ăn uống thế nào mà cô bé đẹp hẳn lên. Khi anh ra trận, cô bé vẫn chẳng có gì đáng để ý: thân gầy và hai bím tóc cụt lủn trên lưng gầy guộc. Còn bây giờ khi cô đi bên anh ngoài đường phố, các sĩ quan đều ngoái nhìn theo.
Trêchiakov, nhìn đồng hồ và vội vàng chộp lấy cái túi đựng thuốc. Nhưng anh chợt hiểu: không kịp cuốn thuốc nữa rồi.
- Cho một hơi nào!
Anh cầm lấy điếu thuốc từ tay Xuiarov, hít một hơi thở thật sâu, anh hút vài hơi liền và đứng thẳng người trong chiến hào. Anh ngoái cổ lại, mặt trời vẫn chưa mọc, nhưng mặt đã cảm thấy ánh sáng của mặt trời. Thứ ánh sáng ấy rung rinh, đùn đẩy lớp không khí và sáng lên. Không khí trên đầu trở nên dễ nhận thấy, trong không trung đạn pháo xẹt qua - cả ở dưới thấp và ở trên cao - ở mấy tầng không khí.
Cả ba người đứng trong chiến hào, nhìn sang phía quân Đức. Từ cánh đồng hoa hướng dương phía trước, đất bắn tung lên, tiếng nổ ầm ầm làm rung chuyển mọi vật, và từ phút giây đó,  súng nổ đùng đoàng, mọi vật chao đảo không ngừng, trên bức thành bụi và khói cuộn lên mù mịt. Khẩu đội pháo của tiểu đoàn đặt sau chiến hào của họ vẫn nổ giòn giã hơn mọi loại pháo.
Bỗng đạn bay vèo vèo sát trên đầu. Họ chúi đầu xuống trước khi kịp hiểu ra điều gì.
- Kiểm tra đường dây! - Trêchiakov hét lên, vui sướng ý thức được: vẫn sống.
Đạn lại réo lên, nã vào khẩu đội. Từ nơi đó, không thể quan sát được: Phía trước, tất cả đều chìm trong khói. Máy bay cường kích của ta gầm rú lao vút qua, rồi lượn vòng trong khói như những bóng đen, chỉ có đèn hiệu lóe sáng nơi cánh máy bay. Ở đằng kia, phía trước trên đầu họ, những chiếc máy bay mau lẹ bổ nhào xuống trận địa. Chúng bay thấp thoáng phía trên nóc chuồng bò và từ đó tiếng nổ rung lên.
Súng vẫn nổ đùng đoàng và mọi vật vẫn bắn tung lên, thế mà tất cả mọi người vẫn cảm thấy dường như im lặng đang bao trùm trên tiền duyên. Và chỉ khoảng khắc, lực hút của trái đất đã bật tung khỏi mặt đất khi bộ binh xông lên tấn công.
A,a,a,a... tiếng kêu rên rỉ bật ra. Và ngay lập tức súng tiểu liên nổ đì đùng, súng máy kéo hàng tràng dài.
Từ khắp chiến hào, lính bộ binh bật dậy, người cúi gập xuống như chẹn ngang cơn đau, chạy trên bãi chiến trường, náu mình trong bụi và trong khói mịt mù.
Khi ba người kéo dây điện thoại theo mình trên bãi chiến trường rồi nhảy xuống một chiếc tăng sê, lính bộ binh vẫn ẩn hiện phía trước trong đám hoa hướng dương. Lạ thật, lần nào nhẩy vào tăng sê của bọn Đức cũng vậy: pháo binh ta đã bắn, bắn vào đó mà hầu như không thấy xác lính Đức. Chẳng lẽ chúng đã đem theo xác chết? Chỉ có mỗi một tên xạ thủ súng máy nằm chết cứng bên khẩu súng đã đổ nhào.
Một lát sau, cả ba người đã nằm dài dưới tăng sê. Họ nằm, hay đúng hơn là họ ngã, tay ôm lấy đầu. Xuiarov đội cuộn dây lên đầu, bò qua chỗ khác. Đợi trận tập kích qua, Trêchiakov nhổm lên. Tên lính Đức xạ thủ súng máy, bận quần áo ấm, đội mũ sắt, đeo kính, vẫn nằm ngửa trong tăng sê, hệt như một con búp bê bị trói chặt. Đôi mắt kính đầy bụi vẫn nguyên vẹn, thậm chí không hề rạn nứt, ánh lên mờ mờ, chiếc mũi trắng của người chết gồ lên sau đôi kính.
Kưchin ngồi dậy, ghê tởm khạc nhổ - đất chui vào đày mồm, đầy mũi. Mùi thuốc súng bốc lên ngột ngạt. Phía dưới khói vẫn quét lê. Họ từng người một nhảy ra khỏi tăng sê. Những cây hướng dương thoát chết trên cánh đồng, vàng rực rỡ trong khói, những đài hoa vẫn quay ra đón họ, ở đằng kia, phía sau, mặt trời đã mọc trên bãi chiến trường.
Trêchiakov nằm ngửa, kéo cong cái đài hoa nặng trĩu xuống. Đài hoa đầy hạt hệt như cái đĩa kẹp đạn, nặng trĩu xuống. Anh bẻ đài hoa rồi giũ hạt vào trong lòng bàn tay:
- Đi thôi!
Anh dốc dúm hạt vào miệng, vừa chạy trên cánh đồng vừa nhổ những chiếc vỏ còn mềm, chưa kịp già đanh lại.
Từ đằng xa anh đã nhận ra đường giao thông hào nhỏ nằm giữa những cây hoa hướng dương và cánh  rừng thưa. Phía trước anh, lính bộ binh trườn trong cỏ khô. Họ bò ở đấy để làm gì nhỉ? Trận chiến đấu đã lan đến tận làng, vậy mà họ vẫn cứ bò ở đây. Đường giao thông hào rất tốt, từ nơi đó, cả trận địa hiện ra. Trêchiakov vẫy đồng đội:
- Từng người một, theo tôi!
Anh bắt đầu chạy, cổ rụt vào vai. Một vài viên đạn bay vèo vèo trên gáy. Anh nhẩy xuống hào. Và ngay lập tức, một tràng súng máy lướt trên đầu. Anh nhìn ra, Kưchin bò loạng choạng trong cỏ. Anh ta lấy báng súng tiểu liên che đầu, cuộn dây đeo sau lưng trông như tháp xe tăng.  
Họ lần lượt nhào vào hào. Những dòng mồ hôi đầy đất đen chảy trên má. Họ bắt đầu mắc máy ngay lập tức.
Chỉ đến bây giờ Trêchiakov mới hiểu vì sao bộ binh phải bò trong cỏ: súng máy khống chế và ghìm họ trên trận địa. Chỉ cần ngẩng cao đầu lên là súng máy từ cánh rừng thưa sẽ lia hàng băng dài và thế là hết cả ngọ nguậy.
- Tân lê, Tân lê, Tân lê đâu! - Xuiarov gọi khẩu đội bằng một giọng sợ sệt và nghe giống như: “tai vạ, tai vạ, tai vạ...”. Không nhất thiết phải chúi vào chiến hào này. Thấy rõ trận địa, mà sao bắn vẫn không trúng? Thậm chí đến các ổ súng máy cũng không tiêu diệt được. Những khẩu pháo đặt cách đây hai kilômét, vãi đạn ở khoảng cách này, đạn sẽ dính vào lưng lính bộ binh của mình trước.
- Tân lê đấy à?! Nghe rõ không? Tôi, Phượng vĩ đây! Đồng chí trung úy này! - Xuiarov từ dưới đưa ống nghe lên, chớp đôi mi ướt, đưa vai quệt chỗ bẩn trên má. Anh ta sung sướng vì liên lạc vẫn được giữ vững, và anh ta sẽ không phải bò dưới làn đạn...
Trong ống nghe, giọng Pavưxenkô khàn khàn. Và tiểu đoàn trưởng giật lấy ống nghe: ông đang ngồi ở đài quan sát của đại đội. Nghe rõ tiếng ông hỏi Pavưxenkô: “Tay nào của cậu ở đằng đó? Tay mới phải không? tên gì nhỉ?”. Anh chưa bao giờ tận mắt trông thấy tiểu đoàn trưởng, mà chỉ nge thấy giọng nói của ông.
- Trêchiakov! Đang ở đâu đấy? Báo cáo tình hình đi không được bịa rõ chưa? Không được bịa đâu đấy...
- Tôi đang ở ngoài trận địa, thưa đồng chí Ba. Bên trái cánh rừng thưa. Bộ binh nằm ở đó.
Phía trước chiến hào, trung đội trưởng đầu đội mũ calot xanh bò từ chiến sĩ bộ binh này sang chiến sĩ bộ binh khác lấy xẻng đập vào mông từng người.
Trong khi anh bò sang ngưòi khác, “Bò thấp, tiến lên” đã im bặt. Từ đám cỏ chiếc mũ calot xanh nhô lên như một cái mào. “Giả mà nhấc chiếc mũ ra...”, Trêchiakov thoáng nghĩ, và anh tự báo cáo tình hình cho tiểu đoàn trưởng. Dưới đáy hào, Kưchin sau khi đã lấy lại hơi, ngồi nhằn hạt hướng dương, vỏ dính đầy môi dưới.  
Đạn cối nổ. Họ nhất loạt chúi xuống. Một vài quả nổ ở phía trên. Khi đã co người lại, Trêchiakov vẫn ấn nút tín hiệu, quên bỏ tay ra.
- Chỗ các đồng chí có chuyện gì thế? - Tiểu đoàn trưởng quát lên, trong ống nghe ông nghe rõ tiếng nổ như ở ngay bên cạnh. - Cậu đang ở đâu?
- Tôi đã báo cáo. Tôi đang ở ngoài trận địa.
- Trận địa nào? Trận địa nào hả?
- Ở đây súng máy địch khống chế dữ...
- Cậu vẫn nghĩ đến chuyện chiến đấu đấy chứ? Súng máy đối với cậu là cái quái gì?
- Nó không cho bộ binh...  
- Tôi hỏi: cậu có nghĩ đến chuyện chiến đấu không?
Tiếng nổ đanh. Đạn bắn từ đâu đó không xa - Xoẹt-đùng! Xoẹt-đùng! Mà không nghe thấy tiếng súng. Nhưng khẩu đội ở cách đây không xa. Anh lao vọt lên và chật vật lắm mới kịp ngồi thụp xuống, cúi thấp đến nỗi tưởng như mất đầu. Anh nhìn lên. Nghe âm thanh ở nơi nào đó sau làng.
Trên trận địa, từ các hố đạn mới, lính bộ binh bò ra mọi phía. Một người nằm sấp bất động. Nếu như không tiêu diệt được khẩu đội cối đó, nó sẽ xơi tái hết lính bộ binh. Nhưng mình lại không nhảy ra khỏi đây dược. Giá leo được lên nóc chuồng bò...
Một tai anh nghe thấy tiếng đạn cối nổ, tai kia anh nghe thấy giọng nói khẩn thiết của tiểu đoàn trưởng. Ở chỗ Trêchiakov thì chẳng có ai để mà quát tháo, chỉ thấy bộ binh ở đằng xa.
- Đồng chí Ba. đồng chí có trông thấy nóc chuồng bò không?
Hơi thở nghẹn lại giây lát: có lẽ, nó đấy, cái quả đạn... Rồi nổ tung lên đến nỗi công sự rung chuyển.
- Đồng chí có thấy nóc chuồng bò không? - Trêchiakov hét lên, tai anh điếc đặc. Anh ngọ nguậy giũ đất ra khỏi người. - Tôi sẽ tìm được ở đằng đó.
Qua tiếng ầm ầm, nghe không rõ:
- Quân ta ở đó? Hay quân Đức? Ai đang ở đó?
Có mà quỉ mới biết được ai đang ở đó. Vẫn thấy thấp thoáng bộ binh ta. Nếu trèo được lên mái nhà, từ nơi ấy mọi điều tất phải rõ ràng.
- Tôi sẽ tìm thấy, sẽ báo cáo!
- Đồng chí hãy nhìn...
Nhìn cái gì cơ chứ, anh không xác định được, tiếng nổ làm tai anh điếc đặc. Anh lắc đầu, tai càng ù hơn. Anh quát Xuiarov tắt máy. Ngồi ở đây chẳng để làm gì. Anh chúi vào đây chưa đủ, lại còn kéo mọi người theo... Họ đang ngồi đây, còn bộ binh vẫn nằm ngoài trận địa dưới làn đạn. Họ sẽ ngồi đây cho đến khi lũ súc sinh đến làm cỏ sạch bọn họ. Tới khi phải bò ra khỏi nơi đây, chiến hào này bỗng trở thành vị cứu tinh.
- Kưchin! Lên trước đi.
Người đầu tiên tỏ vẻ chần chừ. Nhưng tên xạ thủ súng máy không chỉ chờ người đầu tiên, một khi chuẩn bị xong, nó sẽ còn chờ cả những người khác.
- Cầm lấy dây, máy, chạy vào đám hoa hướng dương tránh đạn!
Kưchin phủi vỏ hướng dương trên miệng, chùi tay vào đầu gối, trở nên nghiêm nghị. Anh ta đeo khẩu súng trường ra sau lưng, mắt nheo nheo ước lượng khoảng cách.
- Tôi lên đây!
Anh ta nằm áp bụng xuống gò đất ngoài chiến hào, vắt chân qua, nhổm dậy rồi bắt đầu chạy, hai tà áo capote quét lê trên cỏ. Họ nhìn theo. Chưa chạy tới nơi, anh ta đã quẳng cuộn dây nặng trịch lên phía trước, đầu lao tiếp theo cuộn dây trong đám hướng dương. Khi súng máy nổ, chỉ có những đài hoa rung rinh vạch thành vệt.
- Xuiarôv! Đến lượt anh!
Anh ta chăm chú dùng mẩu cưa cọ vào viên đá lấy lửa. Vội vàng châm thuốc, thích thú hít mấy hơi liền. Điếu thuốc rung rung trong tay, anh ta cứ hút, hút mãi.
- Phải chờ cho anh hút xong hả?
- Thưa trung úy, xong ngay đây, xong ngay đây...
Xuiarov đưa bàn tay rờ quanh miệng, ngón tay đeo nhẫn bị cụt rung rung.
- Lâu không?
- Thưa trung úy, ngay bây giờ đây...
Gương mặt anh ta lo ngại, mồ hôi vã ra như tắm. Đột nhiên anh ta không bò nữa, mà ngồi dậy, giơ khuỷu tay che đầu. - Vèo - vèo! Đạn từ trận địa ào đến chỗ anh ta -  Ầm! Ầm! Ầm!
- Anh có lên hay không? Lên chứ?
Anh đưa mũi ủng bẩy anh ta khỏi mặt đất, anh ta nằm vật ra:
- Anh có lên không? Có lên không hả?
Xuiarov kêu lên rất lạ lùng, tiếng kêu từ bên trong bật ra. Lại ầm ầm ở phía trên. Và ở đây họ vẫn loai hoay trong khói, trong chiến hào. Không làm chủ được mình, Trêchiakov thộp lấy cổ áo capốt của Xuiarov, lôi anh ta dậy, và kéo lại gần:
- Mày muốn sống hả?
Thế rồi anh giật, anh lắc Xuiarov. Hai bên thái dương đẫm mồ hôi và cái nhìn run rẩy, chập chờn của Xuiarov sát trước mắt anh.
- Muốn sổng lâu hơn tất cả mọi người hả?
Thế rồi anh cảm thấy run bắn lên và không kiềm chế nổi: phải nện cho hắn một trận.  Trêchiakov hất Xuiarov ra. Xuiarov va vào thành hào, máu mũi trào ra đỏ tươi như nước anh đào chưa thật chín. Từ dưới đất, anh ta ngước đôi mắt sưng phồng lên, và lại ngã vật ra, đưa tay che mặt.
 - Mày cứ việc sống, đồ chó chết !
Trêchiakov giật lấy khẩu súng trường, giật lấy cuộn dây của anh ta, cuộn dây điện thoại Đức màu đỏ, tầm trăm mét và quăng lên trên.
Có ai đó rên rỉ và ngã nhào xuống chiến hào, mũ calot xanh. Cái nhìn đục ngầu sợ hãi, đôi tay đầy đất, đầy máu ôm lấy bên bụng. Anh trông thấy cảnh đó khi đã lấy đà chạy. Ý nghĩ cấp cứu nảy ra trong khoảng khắc, dừng lại, băng bó... Nhưng anh đã chạy, cuộn dây vướng víu trong tay, dây cuốn lại trên mặt đất. Từ trận địa, nơi đây bỗng xuất hiện tiếng đạn cối. Không có tiếng súng, không thấy rung chuyển - chỉ tiếng réo này, nghe rõ nhất! Và Trêchiakov cúi thấp hơn cả tiếng réo, tay cầm cuộn dây, chạy dưới tiếng réo, hệt như được che chở. Đôi chân tự khắc nhấc lên nhanh hơn, nhanh hơn. Trên cao, tiếng réo vẫn nhanh hơn, nhanh hơn, không tránh khỏi... Tiếng réo thấp dần, nhằm vào một mình anh. Anh ngã xuống đất. Xoài người trên mặt đất, anh cảm thấy nó ở giữa lưng và xương bả vai, anh chờ đợi. Khi không thể chờ đợi được nữa, khi hơi thở nghẹn lại, tiếng réo mới ngừng bặt. Sự tĩnh lặng chết chóc đang ngự trị. Anh nheo mắt lại... Và bị giật mạnh ra đằng sau. Anh chồm lên mạnh hơn trước. Anh vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn ra đằng sau. Khói đen phủ trên chiến hào. Anh chạy đến tận những cây hoa hướng dương và ngã gục xuống. Anh còn nhìn thêm lần nữa. Từ chính chỗ chiến hào ấy, khói đạn đã tan ra. Ở đó có Xuiarov và trung đội trưởng đội mũ calot xanh.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét