Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 18

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

18

- Này, chúng ta sống với nhau rất hòa thuận, cùng ăn cháo quân y viện, nhưng đã đến lúc phải biết trọng danh dự. Nếu không, các bạn sẽ quên cả chiến đấu, - Kichênhev nằm đắp chăn ngang ngực, nói. Từ chiều, cả phòng được thay quần áo và khăn trải giường, Kichênhev bận chiếc áo vải thô sạch sẽ có dấu đóng của viện, nằm tựa lưng trên gối, hai tay vòng ôm lấy đầu, mép khăn trải giường màu trắng vén lên trên chăn. Kichênhev giơ tay vươn vai, ngáp đến chảy nước mắt.
- Chẳng có tôi ở đây, các bạn cũng vẫn nghe đài để xem chuyện gì xảy ra ở đâu trên đời. Tôi đã từng nằm trong quân y viện ở Ucraina...
- Thế mà anh dám nói chưa bao giờ bị thương - Xtarưk chộp lấy lời Kichênhev.
- Đúng, chưa bao giờ. Chẳng qua tôi bị đun đẩy vào đó sau một trận oanh tạc. Từ sáng sớm đã bắt đầu nghe thấy những tin lạ lùng trên đài: bọn Đức bị giết, bị bắt chừng này, chừng này... Chúng ta hãy thử tính xem, bao nhiêu tên Đức “bị chết”... Nếu quả thực như vậy thì chúng đào đâu ra người mà chiến đấu cơ chứ! Cả cuộc chiến tranh, tổng số quân của chúng cũng chẳng bằng được số “bị chết “ ấy.
- Không bị thương mà lại phải nằm ở quân y viện.
- Đúng, tôi không hề bị thương.
- Thế sức ép với bị thương không phải là một à? Trong bộ binh chẳng có ai chiến đấu mà không bị chết, bị thương vào chỗ nào cả.
- Tôi cũng không bị sức ép. Chỉ bị đất vùi thôi! - Kichênhev thản nhiên nói. Những tháng nằm viện trôi qua rất nhanh, nhưng từng ngày một thì rất dài. Vì vậy từ sáng sớm, Kichênhev đã cố “lên dây cót” cho Xtarưk. Xtarưk đã “lên được nửa vòng” rồi. Họ hay tranh cãi cũng vì buồn nữa:
- Bị đất vùi à... Thế nếu như người ta không bới lên thì sao?
- Tôi chưa bị vùi đến lần thứ hai. - Nói rồi, Kichênhev quay nghiêng, tay chống thái dương, đưa mắt nhìn sang Trêchiakov đang im lặng co duỗi cánh tay bị thương trên chăn. Ngay từ lần thay băng đầu tiên, nữ bác sĩ đã nói với Trêchiakov: “Đồng chí có muốn cánh tay cong lại như cái móc không?”. “Tôi cần như thế để làm gì cơ chứ?” - Trêchiakov sợ hãi đáp. “Vậy thì đồng chí phải tập luyện khớp xương, nếu không sẽ bị dính chặt lại đấy”. Mặc dù lúc đầu rất đau đớn, máu chảy ướt băng, nhưng anh vẫn không muốn trở thành người tàn tật.
- Thế nào?
Đôi mắt Kichênhev rất sáng, trong vắt như làn nước. Trêchiakov im lặng đợi anh ta nói tiếp:
- Tớ không biết có nên cho cậu thừa kế cái áo capốt hay không? Có lẽ, cậu sẽ chỉ phung phí vô ích tài sản quốc gia mà thôi, có phải không? Hình như vô ích thật. - Đôi mắt sáng của anh lấp lánh nụ cười. - Thế nào?
Trêchiakov mỉm cười chờ đợi.
- Tớ hỏi cậu về mặt chính trị và đạo đức thì thế nào?
- Vững vàng.
- Có thế mới ra dáng trai trẻ chứ! - Kichênhev kê gối xuống dưới lưng, ngồi cao hơn. - Lúc anh chàng được đưa vào phòng, tôi cứ nghĩ người ta xếp một cô gái vào chỗ chúng ta. Mắt sáng, suy nghĩ lành mạnh và lúc nào cũng chỉ chực đánh tan kẻ thù. Chàng ta nằm với các bạn và đã trở thành người như thế nào, Đó là chàng tiếp thu được từ Xtarưk đấy. Đừng noi theo hắn, Trêchiakov ạ, hắn đã hói đầu rồi. Nhân thể nói thêm, Xtarưk, chính anh, anh phải biết ơn cái đầu hói của mình, nhờ nó nên anh mới được sống thế này. Thế mà anh lại che che giấu giấu vì xấu hổ. Nếu anh có tóc trước trán như một vài người lính khác, thì anh ta đã chẳng chịu đội mũ sắt?
Kichênhev lùa tay vào lớp tóc gợn sóng trước trán đã dài hẳn ra trong thời gian nằm viện. Cô y tá tóc hung, mắt tròn xoe, hồng hào, đang đút từng thìa cháo kiều mạch nấu loãng cho Avêchixian, mải nghe say sưa đến nỗi không đút thìa vào miệng Avêchixian, mà vào tai anh.
- Nào cậu hãy bóp chặt tay tớ đi! - Kichênhev chìa tay cho Trêchiakov. Trêchiakov chăm chú nhìn các bắp thịt cuồn cuộn, tay áo xắn tới tận khuỷu.
- Để làm gì vậy ?
- Ai lại hỏi cấp trên “để làm gì”? Ra lệnh bóp thì cứ thi hành đi! Có thể, cậu chỉ được cái vờ vĩnh.
Trêchiakov vừa cười vừa cố hết sức bóp cánh tay Kichênhev bằng những ngón tay yếu ớt của mình.
- Hết sức rối đấy à? Sao, nói chung cậu yếu thế à? Nào bằng tay phải xem! Không, vẫn còn sức đấy! Nào, tay trái thêm lần nữa! Nào, cố lên!
- Cố hết sức rồi.
- Hết là thế nào?
- Hết thật rồi. Không thể nào mạnh hơn được nữa.
Thoắt một cái Xtarưk đã đến bên, anh tựa nạng vào vai, lấy đà ngồi xuống giường rồi ôm lấy nạng. Nét mặt lộ vẻ háo hức muốn kể chuyện gì đó.
- Một người được đến hội đồng quân y, tay anh ta chẳng kém tay cậu, cũng không duỗi thẳng ra được... Cậu nghe này, nghe mà học tập kinh nghiệm, tớ không dạy điều gì xấu đâu. Đúng, anh ta được đưa đến... “Nào, duỗi tay ra!”, “Tay tôi chỉ duỗi được như thế này thôi...”. Các bác sĩ lấy hết sức kéo tay anh ta. Tất cả đều đúng như vậy, anh ta đã chiến đấu, cần phải ghi bệnh án đúng. Bỗng bác sĩ phẫu thuật đứng tuổi nghĩ ra một cách. “Nào, hãy cho xem trước kia tay anh như thế nào!”, “Trước kia thì như thế này này!”. Rồi anh ta tự duỗi thẳng tay ra. Coi chừng, Trêchiakov ạ, họ sẽ hỏi cậu như thế đấy, cứ việc bỏ ngoài tai. - Xtarưk phẩy tay ngang tai. - Các bác sĩ bây giờ, láu cá lắm...
Hai cánh cửa phòng sơn trắng bật mở, hai người mặc áo choàng trắng bước vào. Người đi trước trông bệ vệ, vai giơ cao, cặp kính kiêu hãnh lấp lánh dưới ánh đèn. Trưởng phòng quản trị quân y viện lăng xăng bên cạnh người đó.
Trưởng phòng quản trị là nhân viên quốc phòng. Dưới áo choàng trắng lộ ra chiếc quần dân sự kẻ sọc nhỏ hơi nhàu che không kín đôi giầy cao cổ. Không trực tiếp tham gia chiến đấu, do không đủ điều kiện nhập ngũ về mặt nào đó, nên mỗi khi bước vào phòng các sĩ quan, dáng điệu khúm núm, anh ta hiểu rằng các thương binh phải nhìn mình là người không hề sứt mẻ chân tay. Cho dù số phận anh ta không có gì phụ thuộc vào họ, anh ta vẫn sẵn sàng giúp đỡ từng người. “Hắn ham sống”, - Xtarưk khẳng định.
Đến cái tật nói dối bẩm sinh của trưởng phòng quản trị cũng bị Xtarưk đay nghiến: chỉ vờ vĩnh! Lính dự bị à... Ngủ với vợ - hắn là lính xung kích, thế mà lúc phải ra trận thì lại không đủ sức khỏe.
Trêchiakov luôn thấy ngượng thay cho cái con người không hề biết hổ thẹn khi tự hạ thấp mình. Làm sao có thể qua trót lọt hết đợt khám sức khỏe này đến đợt khám sức khỏe khác, chỉ chờ được xác nhận không đủ sức khỏe và cho về phục vụ ở hậu phương... Còn chiến tranh, lại là đàn ông, mọi người đang chiến đấu cả.
Nhưng hôm nay, trưởng phòng quản trị đang thực hiện công việc trước cấp chỉ huy. Anh ta không chú ý đến riêng ai, chỉ đưa mắt nghiêm khắc nhìn lướt qua đầu mọi người.
- Đồng chí ấy ở đây, ở đây mà... Nếu không đi thay băng... Trêchiakov! Đồng chí cứ chơi khăm chúng tôi. Đồng chí  được quan tâm đến đấy.
Điệu bộ nhún vai của người đàn ông bệ vệ mà trưởng phòng quản trị đang nhường bước lên trước, đối với Trêchiakov đầy vẻ quen thuộc - Nhưng ngay lúc đó Xtarưk miễn cưỡng đứng lên, chắn giữa hai người. Khi Xtarưk lùi sang bên, hai người đã đứng trước mặt nhau.
- Vôlôđia!
- Ôlếc!
Trước mặt Trêchiakov là Ôlếc Xêlivanov, người bạn học cùng lớp. Ôlếc Xêlivanov nhìn anh mỉm cười, chiếc đai đeo chéo qua vai bên trong chiếc áo choàng trắng không cài cúc. Trưởng phòng quản trị cũng cười nhìn hai người với con mắt của bậc cha chú. Cả phòng nhìn họ.
- Làm thế nào mà cậu tìm ra mình?
- Cậu biết không, hoàn toàn tình cờ.
Ôlếc ngồi xuống mép giường, vạt áo choàng phủ kín đầu gối đầy đặn bó sát trong chiếc quần chẽn bằng dạ. Bộ quân phục, cầu vai hằn lên dưới áo choàng rồi dây đeo, thắt lưng, sau cặp kính trắng vẫn đôi mắt nhỏ như hồi xưa. Thường thường, Ôlếc đứng cạnh bảng, người dính đầy phấn, toát mồ hôi vì xấu hổ: “Cô cứ hỏi mẹ em mà xem, xin thề với cô là em có học bài...”.
- Nghe này, trông bề ngoài cậu đúng là “đồng chí thủ trưởng” rồi đấy!
- Điều quan trọng là cậu nằm đây đã lâu như thế, mà mãi chiều hôm qua mình mới biết. Qua giấy tờ...
- Đồng chí đại úy, đồng chí tưởng tượng xem, chúng tôi cùng học với nhau từ hồi còn phổ thông, - Trêchiakov nói, không hiểu sao anh cảm thấy hơi khó xử cho Ôlếc: được đưa vào phòng khá trịnh trọng, và ngồi đó khỏe mạnh, tươi tắn, như vừa ở ngoài phố vào.
- Vẫn thường như thế, - Kichênhev vừa nói vừa đứng dậy, vừa xỏ tay vào áo choàng.
- Ôlếc, sao cậu lại ở đây?
- Mình vẫn ở đây.
- Thật không?
- Thật.
Ngay lúc đó cả hai đều cảm thấy không khí im lặng trong phòng. .
- Bọn mình đi hút thuốc đi, đại đội trưởng, - Kichênhev nói to. Anh cùng với Xtarưk bước ra hành lang. Sau khi nhìn khắp gian phòng xem xét trật tự thêm lần nữa, trưởng phòng quản trị cũng rút lui.
Atrakôvxki nằm trên giường, tay gối đầu, tay giơ cao tờ báo kêu loạt xoạt, khuỷu tay trần, gầy gò, trắng bệch nổi đầy gân xanh như tay người chết.
Ôlếc lấy vạt áo choàng lau mắt kính, đờ đẫn chớp đôi mắt như sưng húp lên. Trêchiakov loáng thoáng nhớ lại mẹ anh hay Lianka có viết thư ra mặt trận cho anh, Ôlếc được gọi cùng với các bạn trong lớp - Leska Karpov, hai anh em Elixêév, Bôris và Nhikita, tất cả đã được phát quân phục và được đưa đến nơi nào đó, nhưng sau Ôlếc quay về. Có điều gì đó đe dọa Ôlếc. Nhưng nhờ ông bố, bác sĩ phụ khoa nổi tiếng của thành phố can thiệp, Ôlếc được xác nhận là không đủ điều kiện nhập ngũ vì thị lực yếu. Quả thực hồi ở trường, mắt cậu ta nhìn rất kém.
- Cậu có biết ở đấy mình đã gặp ai ngoài chợ không? - Ôlếc đeo kính, sau cặp kính, cái nhìn của anh trở nên linh hoạt hơn. - Mẹ Xônhia Baturina, cậu vẫn nhớ cô ta chứ? Cái cô băng đầu cho cậu trong một giờ tập quân sự ấy. Theo mình, Xônhia có yêu cậu đấy. Xônhia hy sinh rồi, cậu chưa biết à?  
- Cô ấy nhập ngũ rồi sao ?
- Xônhia tình nguyện. Những ngày đầu tinh thần hăng hái lắm!
- Tháng tám mình còn gặp Xônhia, vậy thì những ngày đầu ấy là những ngày nào?
- Cậu không nhầm đấy chứ?
Không, anh không nhầm. Anh gặp Xônhia Baturina đúng vào cuối tháng tám: lúc đó, người ta bán hoa cúc. Xônhia nói với anh: “Vôlôđia xem kìa, hoa cúc! Sắp khai trường rồi. Nhưng chúng mình không được đến trường. Những bông cúc xinh đẹp làm sao!”. Anh mua hoa tặng cô. Lúc đó vừa vặn đến dốc Pêtơrôvxki. Rồi hai người đứng trên cầu. Xônhia tựa lưng vào thành cầu vuốt hoa và ngắm nhìn chúng.
Dưới cầu, dòng nước xiết, đục ngầu in bóng hai người đứng trên cầu như họ đang bơi đến gặp nhau. “Chưa bao giờ có ai tặng hoa cho mình đâu, - Xônhia nói. Bạn là người đầu tiên đấy”. Và cô nhìn anh, áp bó hoa vào bên cằm. Anh ngạc nhiên thấy đôi mắt cô sao mà xanh thế. Cằm và chóp môi cô dính đầy phấn hoa vàng vàng. Anh định lấy khăn, nhưng khăn lại bẩn, anh đành thận trọng đưa tay lau sạch phấn hoa cho cô, còn cô thì nhìn anh.
Bỗng cô nói :
- Thú vị thật, sau chiến tranh nếu chúng mình gặp nhau, không biết Vôlôđia sẽ thế nào nhỉ?
Như thế có nghĩa là khi ấy cô biết mình ra trận, nhưng không nói với anh. Bởi lẽ anh là con trai mà lúc ấy lại chưa nhập ngũ.
- Chính bác ấy đến gặp mình ở ngoài chợ, chứ mình gần như không nhận ra bác ấy nữa, - Ôlếc kể lại. - Nửa mặt bên này của bác ấy... Không, nửa bên này... Khoan đã, để minh nhớ lại ngay bây giờ. - Anh đổi lại tư thế ngồi, quay nghiêng ra phía cửa sổ, ngẫm nghĩ.
- Đúng, bên này. Bác ấy đi tới từ phía này. Một bên mặt nhăn nhúm, mắt mở trừng trừng, như mắt người chết. Bị tê liệt thần kinh mặt, Sau mình có đến thăm, bác ấy đọc thư Xônhia cho mình nghe. Thật nặng nề... À, cậu có nhớ chúng mình chơi đánh trận ở hành lang nhà mình như thế nào không? Bên cậu là quân Nhật, còn bên mình là lính khinh kỵ Hungari. Cậu còn nhớ mình có lính khinh kỵ rất tuyệt không?
Sau cặp kính trắng trên khuôn mặt đàn ông đầy đặn, một đôi mắt trẻ thơ đang nhìn Trêchiakov, thời gian như đọng lại trong đôi mắt ấy. Đôi mắt ấy nhìn anh từ cuộc đời khi họ là những người bất tử. Người lớn chết, người già từ giã cõi đời, chỉ có họ là bất tử.
Khi xiết chặt bàn tay to bè của Ôlếc ngoài hành lang, Trêchiakov nói: “Cậu đến chơi nữa nhé”, - nhưng lòng anh lại thầm mong Ôlếc đừng đến.
Xtarưk ở trong phòng đã hỏi ngay :
- Bạn thân hử?
- Cùng học phổ thông. Cậu ấy đi tìm tôi đấy.
- Một người quan trọng. - Xtarưk sung sướng cười phô cả răng. - Tổ quốc cần anh ta ở lại hậu phương.
- Anh thì biết gì nào? Mắt cậu ta...
- Kém chứ gì?
- Nếu anh muốn biết, nói chung ban đêm cậu ta...
- Lẫn lộn mặt trận với hậu phương! - Xtarưk tiếp lời anh trong tiếng cười của cả phòng - Mắt kém mà! Cũng chẳng khác gì cả, mùa hè năm bốn mươi hai trên một chuyến xe cứu thương. Lúc bấy giờ tàu đang lao về Xtalingrát... Ga ấy là ga nào, giờ tôi cũng chẳng nhớ nữa... Thôi, mặc xác nó. Trên đường đi đoàn tàu ấy còn chở cả các thiết bị, người ta nhận người này, lại không muốn nhận người kia, bà già, trẻ con khóc lóc, kêu la, chí chóe. Mọi người cố chen vào những toa chở hàng của chúng tôi. Theo qui định thì không được như vậy, nhưng cũng không thể bỏ họ lại. Bỗng một vị công dân, cũng bệ vệ như anh chàng vừa rồi, xách va-li nhảy lên. Anh ta bị đẩy xuống: “Kìa các đồng chí, các đồng chí làm gì vậy? Tôi rất cần cho quân ta!”.
- Bịa! - Kichênhev cười phá lên. - Chỉ được cái bịa!
- Tôi rất cần cho quân ta!
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét