Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 20

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

20

Mọi người tiễn đưa Rôizman. Nhìn anh khua chiếc gậy nhỏ dò đường phía trước, chân ngập ngừng đưa tìm ngưỡng cửa, trước mắt Trêchiakov lại hiện lên hình ảnh Rôizman thuở xưa: anh kiêu hãnh bước vào lớp với đôi chân thẳng đơ, hai má cạo nhẵn, phủ lớp phấn, ánh mắt lạnh lùng.
Cô y tá dẫn một đại úy còng còng vì mắc bệnh gì đó, nước da vàng ủng, mặt cau có, đầy vẻ không hài lòng với mọi điều xung quanh, đến nằm thay chỗ của Rôizman. Được gọi nhập ngũ vào mùa thu năm bốn mươi ba, khi ấy anh ta đã bị cắt quyền miễn nhập ngũ, đại úy Makarikhin vẫn chưa ra đến mặt trận, chỉ toàn chiến đấu với các bác sĩ ở khắp các quân y viện. Vừa vào phòng, anh ta lập tức thu dọn chỗ của mình hồi lâu. “Tôi không làm chật đồng chí, nếu như lấy thêm ngăn tủ này nữa?” - Anh ta hỏi Avêchixian. Đối với Avêchixian, chỉ khẽ cử động xương hàm thì đã đau điếng, nên anh chỉ chớp nhẹ hai hàng mi vừa dài vừa dầy - “Tốt lắm!” - Makarikhin tự đồng ý, rồi chiếm thêm ngăn tủ nữa.
Anh ta cầm chiếc gối với vẻ ghê sợ, đưa lên mũi ngửi cả hai mặt gối, rồi rũ mạnh tấm đệm làm bụi bay khắp phòng.
- Cốt cho ngay hàng thẳng lối. - Makarikhin vừa nói vừa đập tay vào những cục bông trong nệm, - được hay không, cũng phải ngay ngắn.
Rồi ngay sau đó anh ta đi khắp các giường phân phát các điều khoản mà căn cứ vào đó có thể xác định được kết quả giám định y khoa của từng người.
- Trường hợp của cậu đúng với điều 11b. - anh ta chỉ vào Trêchiakov. - Thương tật loại một, nếu vào thời bình là thương tật loại ba đấy.
“Chính mi mới là kẻ tàn tật thảm hại” -  Trêchiakov nghĩ bụng. Anh chưa bao giờ bị ai nói xúc phạm đến như vậy. Từ phút đó, anh thấy căm ghét Makarikhin. Nhìn theo viên đại úy vừa ra khỏi phòng bước đến chỗ các cô y tá đòi hỏi gì đó. Xtarưk nói:
- Hắn hoàn toàn có thể không kịp bước vào chiến tranh. “Tôi xin hiến đời tôi cho Tổ quổc, nhưng ra mặt trận thì tôi không đi đâu...”. Hắn thuộc loại người như vậy đấy.
Nói rồi Xtarưk lại lắc lư cái đầu hói vẫn còn trên vai mình, không bị mục rữa trong lòng đất nhờ chiếc mũ sắt xuất hiện rất đúng lúc.
Đến bữa trưa, Makarikhin ngồi ăn, răng va vào nhau lập cập, nấc liên hồi vì thức ăn nóng.
- Chúng nó lại ăn cắp, - Makarikhin vừa nói vừa thở khó nhọc. - Tới một nửa thức ăn ở trong nồi. Ở trung đoàn dự bị của chúng tôi, người ta đã mở một cuộc kiểm tra anh nuôi. Chao, trong có hai tuần, anh nuôi ăn cắp vô khối thứ! Vậy mà kẻ hèn hạ đó còn cười khẩy: “Trong hai tuần tôi chỉ lấy có chừng ấy, chứ trước tôi, ngần ấy thứ người ta chỉ lấy trong một ngày...”.
Giai thoại Baica đã cũ rồi, ai cũng biết, thế mà Makarikhin nói về giai thoại ấy như nói đến giai thoại của mình.
- Anh nuôi của các anh đẹp mặt quá nhỉ. Ăn cắp cho cấp trên? Hay cho bản thân mình? Cho gia đình?
- Này, Makarikhin, - Kichênhev gọi, Makarikhin rời đôi mắt đục ngầu khỏi chiếc đĩa. - Thế nào, chân anh có bị ảnh hưởng gì không?
- Tôi không hiểu.
- Anh đi lại bình thường đấy chứ?
- Nếu như đi không xa lắm... Nói tóm lại, tôi bị tật, bàn chân dẹt là một, giãn tĩnh mạch là hai...
- Thế đi một đoạn ngắn thì sao?
- Một đoạn ngắn à? - Makarikhin ôm lấy đầu gối, đập nhịp chân xuống sàn nhà. - Một đoạn ngắn thì được.
- Thế thì anh đi đi. - Nói rồi Kichênhev nhanh chóng và kiên quyết đẩy anh ta đi “một đoạn ngắn”. Và còn dọa nạt, “đừng có đứng lại đấy...”.
Makarikhin đưa mắt nhìn mọi người, lặng lẽ cầm lấy phần bánh mì của mình, bưng đĩa lên, rồi ngồi riêng ra trên giường.
Hai ngày sau, Kichênhev bước vào phòng gọn ghẽ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, dây đeo choàng qua vai, chân mang ủng. Anh nói:
- Rồi các bạn ở đây sẽ buồn vì không có tôi cho mà xem.
Anh được ra viện không phải vào buổi sáng như thường lệ, cũng không phải buổi trưa, mà gần chiều để được ngủ lại thêm đêm cuối cùng ở thành phố này. Suốt ngày hôm đó, Tamara Gorb cầm cái gì đánh rơi cái ấy. Lúc thì chị chỉ muốn khóc òa lên, lúc thì chị đưa đôi mắt ướt long lanh nhìn mọi người. Kichênhev đã đến từ biệt chị.
Bây giờ chỉ còn lại ba người thuộc phòng cũ: Atrakôvxki, Xtarưk và Trêchiakov. Trong thời gian đó, Avechixian cũng trở nên thân thuộc, tuy anh vẫn không nói gì như trước. Cả ba đều cảm thấy mình là những người khách ngắn ngày của quân y viện, thời hạn của họ sắp hết.
- Cậu chuyển sang giường mình, để nằm cạnh Atrakôvxki. - Kichênhev nói trong khi giúp Trêchiakov di chuyển. Anh nhét chiếc áo capôt đã gấp xuống dưới gối của Trêchiakov, - Cậu dùng đi. Của cậu đấy.
Họ ngồi, sát bên nhau. Kichênhev với lấy chiếc bi đông. Khi họ uống rượu chia tay nhau, nét mặt Xtarưk bỗng dịu lại.
- Lính bộ binh, cậu làm sao thế? - Kichênhev cười, nhưng chính anh cũng xúc động. Anh vỗ vào lưng Xtarưk. Xtarưk nhăn mặt, quay đi. Kichênhev khoe  tiếp: - Mình sẽ có mặt ở đó trước các cậu.
- Tất cả chúng ta đều sẽ có mặt ở đó...
- Xin đến mặt trận của chúng tớ nhé, bọn mình sẽ cùng nhau chiến đấu. Người ta sẽ không giao đại đội cho cậu đâu, cậu bị thương vào đầu mà. Nhưng cậu có khả năng xoay vần được cả một sư đoàn.
Họ đùa với nhau lần cuối, và cả ba đều hiểu họ sẽ chia tay nhau mãi mãi: dẫu cuộc sống của họ ngắn hay dài, họ cũng sẽ xa nhau suốt đời. Tuy rằng trên đời này có cái gì mà không xảy ra.
Tối hôm đó, Trêchiakov khoác chiếc áo capốt của Kichênhev để lại, đi đến nhà Xasa. Phaia chỉ chỗ để chìa khóa phòng cho anh rồi khoe:
- Anh Ivan Đainhilứts hứa sẽ đến đấy.
Cô rửa khoai tây trong bếp, lèn chặt tất cả vào nồi. Khuôn mặt Phaia ngày một phù hơn, những chấm nâu xuất hiện đầy mặt, trên đôi lông mày, trên mép khiến cho những sợi lông tơ trắng nom càng rõ hơn.
Nhận thấy Trêchiakov nhìn mình, cô ngượng ngùng nói :  
- Ôi, chính tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xẩy ra nữa. Tôi mơ thấy những giấc mơ đáng sợ. Đêm ấy, - Phaia phẩy tay dường như muốn xua đuổi cái gì đó, - tôi thấy một con chuột cống. Trông nó ốm yếu bệnh hoạn, có bướu ở lưng, đuôi trụi thùi lụi. Ôi, tôi thét lên! “Em làm sao thế, em làm sao thế?”. - anh Đanhilứts nhà tôi hốt hoảng. Tim tôi đập loạn xạ.
- Con chuột ấy màu xám à?
- Hình như thế.
- Vậy là may chị Phaia, chị cứ chờ đấy, một trai, một gái. Dấu hiệu chính xác đấy.
Phaia đỏ mặt:
- Anh cười tôi phải không?
- Cười là thế nào! Khi ấy nhớ viết thư cho tôi. Ở quân y viện chỗ chúng tôi có một người...
Anh không nhịn được, liền mỉm cười.
- Vậy mà tôi cứ há hốc miệng, vểnh tai lên, - Phaia có vẻ phật ý, nhưng Trêchiakov vẫn vui vẻ đi lại trong bếp, có anh, cô không thấy buồn chán.  
Anh đến đây để khoe với Xasa. Hôm nay lần đầu tiên cả hai tay anh đều xỏ được vào áo va-rơi. Soi trong tấm kính cửa sổ, anh thấy mình không bị chiếc áo choàng bệnh viện đáng ghét phủ ra ngoài nữa, mà áo cho vào trong quần, nai nịt gọn gàng, tự anh cũng cảm thấy thích mình. Anh đến đây cốt để Xasa nhìn thấy anh như vậy...
Dập tắt ngọn lửa bén vào chiếc giẻ lau, và dí nó vào bếp, Phaia liếc ra cửa, thì thầm thông báo:
- Mẹ Xasa là người Đức đấy.
- Tôi biết.
- Cô ấy tự thú nhận à? - Phaia ngây người ra.
- Phaia, cô ấy phải thú nhận điều gì cơ? Cô ấy cô lỗi chỗ nào?
- Vì bây giờ đang chiến tranh với bọn Đức.
- Nhưng chính cha của Xasa đã chiến đấu với bọn Đức và hy sinh ngoài mặt trận đấy thôi.
- Tôi có bảo gì đâu. Biết bao gia đình trong thành phố chịu tang tóc. Nhân dân người ta tức giận chứ!
Phaia đưa mắt nhìn anh dọa nạt. Nhưng sau đó cô lại thì thầm vẻ bí mật:
- Nếu không hiểu biết thì tôi cũng không bao giờ nghĩ như vậy đâu. Một người đàn bà tốt bụng, hay lam hay làm. Ôi, tai họa, tai họa, biết làm gì được trên đời này!
Ngay lúc đó cô nhìn thấy tay anh đã xỏ vào áo.
- Anh làm sao thế? Không chuẩn bị ra mặt trận đấy chứ.
- Khẽ chứ, Phaia, kẻo quân thù nghe trộm!
Phaia nhin quanh, rồi mới hiểu ra câu nói của Trêchiakov.
Cô lắc đầu :
- Anh sẽ làm cho Xasa sung sướng lắm... Ôi!...
Vừa nói cô vừa đi về phòng mình. Còn lại một mình Trêchiakov ngồi xổm ngoài hành lang, phun khói thuốc vào chiếc lò lạnh tanh, chờ đợi.
Cửa ra vào đập mạnh, một vật gì đó nặng nề rơi bịch trong bếp. Xasa trùm khăn kín mít, xách thùng than qua ngưỡng cửa, mỉm cười với anh :
- Em biết là anh sẽ đến mà. Em vừa đi vừa nghĩ bụng: Chắc anh đang đợi.
Và cô nhìn anh sung sướng. Anh đỡ chiếc thùng trên tay cô.
- Làm sao em xách được thùng than nặng thế này?
- Vừa xách vừa chạy đấy! Cho đến khi người ta không tịch thu được.
- Em lại chui xuống gầm tàu à?
- Em nhặt than dưới gầm tàu...
Cả hai phá lên cười vì Xasa nói rất giống Phaia.
- Than này bây giờ làm gì, em?
- Anh cứ để đấy. Em lấy gầu múc ngay đây...
- Đem tới vòi nước nhé!
Anh nhấc bổng chiếc thùng, không chạm vào đâu, rồí nhẹ nhàng đặt vào bồn nước và mở vòi. Than gặp nước kêu xèo xèo, hơi trắng xóa bay từng cụm lên trần nhà, xung quanh toàn mùi dầu máy xe lửa. Sức mạnh của niềm vui sưởi ấm Trêchiakov. Xách thùng than đi về phía lò xong anh ngoảnh lại nhìn :
- Xong! Bây giờ đến việc chẻ củi...
- Không có gì để chẻ củi đâu anh ạ, - Xasa từ trong phòng nói vọng ra. - Em thường lấy dao đẽo củi...
- Để anh đi tìm...
Anh tìm thấy dưới gầm bàn trong bếp nhà Piaxtôlov một con dao rựa han rỉ. Đầu không đội mũ, tay cầm con dao và thanh củi, anh chạy ra ngoài đường. Tuyết bên thềm nhà đã đóng băng kêu lanh canh, thanh củi văng ra xa, như trượt trên băng. Anh chạy theo nhặt thanh củi đúng lúc anh em nhà Piaxtôlov bước vào. Người anh hơi thấp hơn, vạm vỡ, vẻ trang nghiêm. Anh ta hỏi em trai câu gì đó, rồi huơ huơ bàn tay đeo găng trèn đầu như đang cổ vũ:
- Xin chào người giúp việc!
Anh ta làm ở Ủy ban quân sự, Trêchiakov nhìn thấy rõ mỗi bên quân hàm của anh ta có một sao. Chợt nhớ ra rằng ở hậu phương, tính khiêm nhường làm tăng vẻ đẹp của người cấp dưới, anh chào Piaxtôlov theo điều lệ qui định:
- Xin chào đồng chí thiếu tá...
Vaxili Đanhilôvits dừng lại, quan sát người anh nét mặt rạng rỡ tự hào. Ivan Đanhilôvits từ trên bậc thềm cao nói vọng xuống:
- Tai chú sẽ gãy vì lạnh đấy!
- Ha, ha, ha, - người em cười hưởng ứng câu nói đùa của anh trai.
Khi chẻ củi xong Trêchiakôv thấm lạnh. Anh chạy vội vào bếp, hai tai và những ngón tay anh không còn cảm giác. Tuyết đông cứng lại dưới đế giày, làm anh trượt chân bên ngưỡng cửa lao vào chỗ ấm, suýt làm đổ vỡ các thứ.
- Người anh toát ra băng giá! - Xasa nói, và cô chợt nhìn thấy tay anh. - Anh được ra viện rồi sao? Anh đã khỏi hẳn rồi à?
- Chưa, anh đã được ra đâu!
Rồi anh thú thật.
- Anh muốn đến khoe với em một chút.
Rồi tối hôm ấy anh nhiều lần bắt gặp cái nhìn của cô, cái nhìn hoàn toàn khác xưa. Khi họ đã nhóm lò xong và ngồi bên nhau, Xasa hỏi:
- Anh giống ai, giống bố hay là giống mẹ?
- Anh ấy à? Anh giống bố anh. Còn Lianka thì giống mẹ anh như đúc. Tiếc quá, anh để ảnh trong xà-cột mất rồi, không thì anh đã cho em xem.
- Lianka là em gái anh à?
- Nó bé bỏng lắm, kém anh bốn tuổi...
Xasa thấy gương mặt anh hiền từ làm sao, và nụ cười của anh mới dễ mến làm sao khi anh nói tới cô em gái.
Ánh lửa nhảy nhót trên khuôn mặt hai người và từ bếp tỏa ra mùi khói củi bạch dương.
Tiếng người nói lọt qua cửa phòng nhà Piaxtôlov mỗi lúc một to hơn.
- Không hiểu sao lúc nào em cũng thấy yên tâm về anh. - Xasa nói - Tất nhiên, tất cả những điềm báo trước đều là nhảm nhí. Nhưng khi mà không còn gì phụ thuộc vào mình, thì mình bắt đầu tin thế. Người ta thường cho rằng, con trai mà giống mẹ sẽ may mắn, Vôlôđia Khuđiakov cũng giống mẹ... Có lẽ em thấy yên tâm về anh, vì phía trước còn bao nhiêu thời gian! Nhưng lúc này, em thấy tay anh!
- Xasa, em nên biết sẽ không có chuyện gì xảy ra với anh đâu, - anh nói.
- Anh đừng nói thế!
- Anh hứa với em. Em hãy tin ở anh. Anh mà đã hứa điều gì thì...
Vừa lúc ấy, Phaia hiện ra ở hành lang, vẫy Xasa vào bếp. Trêchiakov ngồi bên bếp lò, nhìn ngọn lửa. Anh khẽ gạt thanh củi cháy dở, lấy xẻng xúc than đổ lên trên. Than bếp lửa nổ lách tách, mùi dầu máy bốc lên, lớp than đen trùm lên ngọn lửa, rồi từ đó lưỡi lửa màu xanh liếm dần lên...
Xasa quay lại vẻ sung sướng và ngượng ngùng vì điều gì đó:
- Chúng mình sang chỗ họ đi.
- Có gì mà chúng mình chưa nhìn thấy ở đó, Xasa?
- Không tiện đâu, anh chị ấy mời.
- Nghe đồng chí thiếu tá nói đùa à? Anh không muốn.
- Chúng mình sang một chốc thôi. Sang đi anh, nếu không anh chị ấy giận.
Anh thấy cô có vẻ muốn đi, mà không nói hết ý mình.
Anh liền đứng dậy, mặc áo va-rơi:
- Nếu thiếu tá tống anh vào phòng giam, em sẽ đi thăm nuôi anh chứ?
- Được, em sẽ đi.
- Em nhớ nhé, chính em đưa anh đến đấy.
Vẫn như mọi khi, phòng Phaia ấm rực lên. Đĩa bắp cải muối trên bàn có mùi chua hấp dẫn. Anh ăn dưa bắp cải lần cuối cùng vào trước chiến tranh, khi còn ở nhà. Trong phòng còn sực nức mùi thịt lợn muối rán. Nhưng chỉ ngửi thấy mùi thôi.
Phaia vỗ tay mời mọi người vào bàn:
- Các bạn uống trà nhé !
Hai anh era Piaxtôlov ngồi, mặt đỏ gay, cằm dính đầy bơ.
- Đây, tay anh ấy đây, anh nhìn xem, - Phaia vừa nói vừa cầm lấy những ngón tay co quắp trên bàn tay trái của Trêchiakov chỉ cho Ivan Đanhilôvits xem. Anh ta nhìn một cách trịch thượng, đôi mắt tròn xoe dường như mỉm cười mỉa mai.
- Tay trái à?
Cho đến lúc đó, Trêchiakov mới nhận thấy tay phải của người chính ủy đặt trên bàn, đeo găng tay da màu đen, còn ống tay áo buông thõng xuống như phủ ngoài một cái gậy.
- Các anh nên dùng hai tay cùng một lúc, - Vaxili Đanhilôvits phá lên cười. - Anh thì tay trái, còn Trêchiakov tay phải, thật là hợp!
- Chính xác! - viên thiếu tá nói.
- Từ nhỏ tôi biết anh ấy đã thuận tay trái. Cha thường giật lấy thìa và bảo: “Ai người ta cũng ăn bằng tay phải”. Đến khi đi học, anh ấy hay bị qưở trách. Từ khi anh ấy bị cụt tay phải ở Phần Lan, thì tay trái lại có ích.
Viên thiếu tá lại nói:
 - Chính xác!
Đôi mắt tròn xoe của anh ta ánh lên vẻ mỉa mai. Nghe giọng nói, có lẽ anh ta người vùng Quibưsev, hồi học ở trường, chuẩn úy của Tréchiakov quê ở thành phố Trapaevxki cũng thường nói “chính xác”.
- Chỉ cần tay trái thỏi, anh ấy cũng làm được nhiều hơn khối người có hai tay đấy. - Vaxill Đanhilôvits khen anh trai. Viên thiếu tá im lặng tán đồng. - Cậu cần một trăm bác sĩ, ngày hôm sau sẽ có ngay cả trăm bác sĩ. Bác sĩ được đào tạo bao nhiêu năm trong trường? Năm năm hay sáu năm? Còn anh ấy thì chỉ cần 24 giờ để đào tạo xong tất cả. Cần hai trăm kỹ sư, cả hai trăm kỹ sư sẽ hiện ngay trước mặt.
Ivan Đanhilôvits ngồi nghe, thở ra phì phì, cười mỉa mai rồi lắc đầu nói;
- Chú hãy nhìn vào tủ thức ăn xem, biết đâu, chú sẽ cho hiện ngay trước mặt chúng tôi một cái gì đó cũng nên...
Vaxili Đanhilôvits ghé mắt nhìn qua ô kính nhỏ, lấy ra chai vodka phần tư lít đậy nút chặt.
- Trước chiến tranh giá ba rúp mười lăm kôpếc! Sáu rúp nửa lít, mà ba rúp mười lăm kôpếc có một phần tư lít. Một hộp thuốc lá “Kazbek” cũng ba rúp mười lăm kôpếc.
- Vậy hồi ấy chú có hút loại thuốc “Kazbek” không? - người anh hỏi.
- Vì đắt như vậy nên em nhớ là em không hút. Họ thu mười lăm kôpếc tiền vỏ chai, - Vaxili Đanhilôvits nhận xét với vẻ ranh mãnh. - Như thế giá một chai tăng gấp bao nhiêu lần? Ô! Nó nhảy vọt lên trăm lần cơ đấy! - Anh ta vừa nói, vừa rót rượu vào những chiếc ly nhỏ, mà có lẽ mới đây, Phaia thu dọn chúng và bây giờ đang phủi bụi qua loa, rồi lần lượt đặt từng chiếc lên trên bàn. - Mà nó còn tăng hơn một trăm lần!
Và hình như giờ đây sau khi biết giá trị thực của chai rượu, anh ta lấy ngón tay quệt giọt rượu chưa kịp chảy ra ngoài cổ chai, đưa lên miệng liếm ngon lành.
Trêchiakôv cảm thấy bất tiện khi nhận ly rượu. Ở phòng anh, bất cứ ai mang cái gì đến đều được coi là của chung. Còn ở đây, anh cảm thấy rất rõ rằng anh đang uống rượu không phải của mình. Song từ chối thì cũng chả hay ho gì.
Mọi người cạn chén. Phaia đưa cho anh đĩa dưa bắp cải.
- Gắp chút dưa bắp cải nhắm với rượu.
- Cám ơn.
Rồi anh kín đáo đẩy đĩa dưa cho Xasa. Không ngờ tới điều này, cô đỏ bừng mặt lên. Hai anh em Piatôlov phá lên cười.
- Hai anh chị này hay thật: anh uống rượu, còn chị xơi đồ nhắm.
Vẻ giận dỗi, Phaia bỏ mạnh thêm dưa bắp cải vào đĩa.
- Chị Phaia, quả thực em không ăn nữa. - Xasa nói.
- Hay là lấy đĩa riêng cho từng người nhé?
- Thôi, chúng em dùng chung cũng được.
Trêchiakov và Xasa ngồi cạnh nhau, nhưng cố không nhìn nhau. Người nọ kín đáo gạt bắp cải trong đĩa sang cho ngươi kia. Phaia đến gần, trông vẻ càng giận dỗi hơn. Cô cầm lấy những ngón tay co quắp không còn cảm giác của Trêchiacov giơ lên cho Ivan Đanhilôvits xem:
- Anh ấy làm sao chiến đấu được bằng bàn tay như thế này? - Phaia vầy vò những ngón tay yếu ớt của Trêchiacov, như vò những miếng giẻ. - Anh ấy có thể làm được gì với bàn tay này?
Trêchiacov rút tay ra, nói nửa đùa nửa thật :
- Công việc của tôi là trí óc, Phaia ạ. Tôi là lính pháo binh, chứ không phải bộ binh. Vậy là có thể chả cần có tay cũng được.
- Gì thế, có thể là anh nghĩ như vậy phải không? - Phaia nóng nảy xua đi. - Nhưng còn luật lệ, nhưng còn luật lệ! Anh Ivan Đanhilứt, nếu không có luật lệ, thì tốt hơn là đừng có xin xỏ!
Người em tán thành bằng câu nói ưa thích của anh trai.
- Chính xác!
Bây giờ Trêchiakov mới hiểu vì sao anh và Xasa được mời đến đây và Phaia đã thì thầm gì đó với Xasa ở trong bếp. Phaia, cô ấy là một người kỳ lạ. Nếu không thấy ngại cô ta, thì thấy cô là người tốt. Chẳng hạn, như có thể xin củi cho Xasa. Nhưng không sao, ít ra anh cũng có thể thanh thản uống chén rượu này.
Phaia và Xasa chờ Ivan Đanhilôvits nói, anh ta đưa bàn tay trái mập mạp, hồng hào và linh hoạt cầm lấy bàn tay giả bằng gỗ đeo găng đen của mình, sửa lại cho thuận hơn. Giá như vẫn còn bàn tay phải, cũng mạnh mẽ, hồng hào như thế. Nhưng, biết đâu, anh ta sống được đến tận bây giờ là nhờ bên tay bằng gỗ. Và bàn tay ấy đã che chở chắc chắn cho cậu em út không phải ra mặt trận.
- Thế nào, Vaxili, chú còn chai nguyên nào nữa không? Nếu còn thì làm nốt đi, làm nốt đi.
Vaxili Đanhilôvits đã “làm nốt” vừa vặn đủ ba ly. Những ngón tay to mập của Ivan Đanhilôvits cầm lấy chiếc ly. Anh ta nói vô tình, nhưng xác đáng:
- Người nào đổ máu vì Tổ quốc, người ấy có quyền! Và sẽ có quyền! - Rồi anh đưa ly vốtka lên miệng đầu tiên.
Khi ra tới đường, Xasa vẻ có lỗi:
- Anh không giận em chứ?
Trêchiakov mỉm cười ra dáng đàn anh:
- Cả em và Phaia đều kỳ quặc, anh vẫn không hiểu chúng mình đến đó để làm gì? Những người lắm mưu, nhiều mẹo...
- Song không biết tại sao bao giờ cũng là những người tốt nhất? Như bố em và Vôlôđia đáng thương ấy. Ở tuổi mười chín anh ấy mới chỉ kịp hy sinh. Xin anh đừng giận vì lúc nào em cũng nhắc đến anh ấy. Em không được thấy gương mặt ấy nữa. Không được thấy, nhưng em vẫn nhớ gương mặt ấy như thế nào...
Họ tới gần quân y viện. Ngọn đèn bên cổng rọi sáng đám tuyết xung quanh.
- Mà chúng mình đi đến đằng kia làm gì cơ chứ! - Trêchiakov hỏi.
- Nhưng mọi người sẽ đi tìm anh.
- Anh tự tìm thấy anh. Xasa này, họ không cử anh ra xa hơn mặt trận đâu! Chúng mình đến Tô bô nhé. Em có lạnh không?
Và cả hai cùng sung sướng lấy làm ngạc nhiên sao họ không sớm nghĩ ra điều đó, họ vội vã quay trở lại, và chỉ có tuyết lạo xạo dưới đế ủng của anh.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét