Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 15

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

15

Ngày bắt đầu dài ra rõ rệt, rồi một ngày tháng giêng nắng ấm, họ tiễn Gôsa. Gôsa ăn sáng cùng với tất cả mọi người ở trong phòng, bữa ăn sáng cuối cùng của anh ở nơi đây. Rồi anh chạy đi và lúc trở lại đã mặc quân phục. Mọi người đứng đó mặc áo choàng, đi giày vải của quân y viện, còn Gôsa đi ủng, mặc áo capốt, mũ cầm tay, hệt như vừa mới bỏ mũ xuống trước mọi người.
Lớp băng trên các ô kính gặp nắng ban mai sáng lóng lánh lên rồi tan rã, sàn nhà bóng nhoáng như vừa được lau chùi và những chiếc giường trở nên cao hơn trên sàn nhà - mặt trời và bóng những chiếc chân giường mảnh khánh dưới giường. Chiếc giường của Gôsa vẫn trống không, chẳng ai chiếm chiếc giường đó. Từ ngoài cửa, anh nhìn chiếc giường đó, những tấm vải trải giường đã bị lột khỏi đệm, chiếc gối không có áo. Tiếng giấy sột soạt, Kichênhev bước đến, anh đút gói giấy vào ngực áo Gôsa.
- Dành riêng cho đám dân sự !
Gôsa hiểu ra, lúng ba lúng búng, run run, muốn rút từ ngực ra, nhưng Kichênhev đã giữ Gôsa lại, tay anh giữ hờ, nhưng Gôsa không sao rút tay ra được.
- Cầm lấy, cầm lấy, cậu trở về với cuộc sống dân sự. Thôi đi, ở đó biết ra sao!
Những ngày gần đây, mọi người trong phòng đã góp tiền lại bởi vì Gôsa thua bài miết. Gôsa rủi trong bài, biết đâu, trong cuộc sống hòa bình, lại may trong tình yêu.
Qua chỗ tuyết đã tan trên kính trông thấy rất rõ tuyết lác đác rơi trong lặng gió, từng bông tuyết bay, bay mãi trong không khí. Gôsa ra đến cổng, phía sau anh đế giầy cao su in rõ vết. Từ cổng, bên trái, bên phải và thẳng phia trước, mọi con đường đều nằm trước mặt anh. Nhưng anh vẫn đứng, chưa quyết định chọn đường nào. Mặt trời sáng rực, tuyết đậu trên mũ trên vai. Trên vai anh còn có đôi quân hàm. Quân hàm thiếu úy, nhưng về niên hạn, Gôsa đã được gọi nhập ngũ trước tuổi. Và anh đã chiến đấu đủ phần mình.
Vắng Gôsa không còn thấy vui vẻ, ai cũng suy nghĩ về bản thân mình. Giữa ban ngày mà Xtarưc khéo bàn chuyện say sưa, anh ta kêu lên rằng tất cả mọi người ở đây toàn là những thương binh không chân chính, chỉ có một mình anh ta chân chính, anh ta khua nạng, đôi mắt đỏ ngầu điên dại. Mọi người phải dùng sức bắt anh ta nằm ngủ.
Chập tối, cánh cửa phòng bật mở, trong ánh hoàng hôn hắt từ hành lang vào, giống như trong làn khói hồng hồng, hai người tải thương dẫm chân, dẫm chân mãi nơi ngưỡng cửa, loay hoay với chiếc cáng, rồi đưa thương binh mới vào giường của Gôsa. Bên dưới những vòng băng mới, như bên dưới chiếc mũ trụ, gương mặt trông vàng ệch, chiếc mũi quặp cũng vàng ệch. Người thương binh nằm im, đôi mắt Ácmêni màu đen có hai tròng xanh mở ra rồi nhắm lại mệt mỏi. Mọi người đều biết và khó mà tin được viên đạn đã xuyên qua đầu anh ta, qua cả não: nó vào phía trên tai này và chui ra phía trên tai kia. Thế mà anh ta vẫn sống, chỉ có điều là rất lặng lẽ, lặng lẽ và hoàn toàn dễ bảo.
Từ phòng mổ, Tamara Gorb bước ra hành lang và chìa cho mọi người thấy mảnh xương sọ vừa được gắp ra đặt trên miếng bông. Nhìn từ mặt trong nó giống như vỏ quả hồ đào Hi Lạp, máu vẫn đỏ tươi trên miếng bông.
- Họ chỉ băng vành khăn cho anh ấy. - Tamara giải thích. - Dẫu sao cũng chẳng nên chạm đến chỗ đó làm gì...
Tay vẫn cầm miếng bông, chị ngước nhìn Kichênhev bằng đôi mắt rụt rè. Anh mỉm cười với chị. Trong chiếc áo choàng, anh rất đẹp trai, ngực rộng, cao lớn hệt như anh vừa mới đau không thể đi lại được. Chẳng mấy chốc, anh sẽ khoác áo va-rơi, mang thắt lưng da. Đôi mắt của Tamara lại trở nên to hơn, lấp lánh bởi những giọt nước mắt.
Ban đêm, Trêchiakov tỉnh dậy vì nỗi lo âu bất ngờ. Tối om. Ngoài cửa số, ánh trăng xanh trong sương mờ. Ánh đèn từ hành lang hắt vào gần cửa. Tất cả vẫn như mọi khi mà sao anh thấy nôn nao, nôn nao. Anh chợt hiểu: người thương binh nằm trên giường Gôsa có thể đã chết. 
Thận trong mò đôi giầy vải dưới gầm giường, mặc độc quần lót, Trêchiakov bước đến bên anh ta. Mũi anh ta trở nên nhọn hoắt gồ lên từ đám bông băng. Dưới ánh trăng, gương mặt của người chết vàng xanh. Hai mí mắt khép chặt lại mãi mãi nơi hố mắt. Thân hình nặng nề, bất động, đè vào màn giường. Trêchiakov cúi xuống anh ta, nhìn trân trân. Hai tròng mắt lồi dưới mi run run. Đôi mắt linh lợi, ươn ướt vì giấc ngủ, và nhìn anh.
- Anh có muốn uống không? - Trêchiakov lạc cả giọng.  
Anh thận trọng cho anh ta uống nước từ ấm, nhìn người đó khẽ nhấp nước, và vào giây phút đó, anh biết ơn anh ta vì anh ta vẫn sống. Anh ta chớp mắt hai lần: đủ rồi, và có nghĩa là xin cảm ơn.
- Anh ngủ đi. Nếu cần gì, gọi tôi nhé, đừng ngại. - Trêchiakov nói.
Khoác áo lên vai, anh bước ra hành lang hút  thuốc. Bên ngoài rất lạnh, gió đổi chiều, thổi từ hướng khác tới. Gió Tây Nam, từ mặt trận Tây Nam của họ. Chỉ có điều từ các bãi chiến trường ấy gió không đưa lại đây tiếng người nói, tiếng súng, tiếng đạn. Nơi đây chiến tranh chỉ đùng đoàng trong các rạp chiếu bóng, Xem phim xong, các cậu bé tay cầm gậy làm súng chạy ra ào ào, còn ở ngoài kia, nơi mặt trận đang diễn ra, trẻ em không chơi trò chiến tranh.
Cô y tá đang ngủ ở cương vị của mình, má áp lên chiếc bàn ở đầu giường. Anh quay vào phòng, vào luồng khí ấm áp ngột ngạt, dưới lần chăn mà người anh vẫn run lên, lạnh buốt. Anh không ngủ được ngay. Ban ngày, không hiểu sao anh thấy không yên tâm, linh cảm điều không lành giày vò anh. Khi các học sinh đến quân y viện anh nhận thấy ngay Xasa không cùng đi. “Mẹ bạn ấy nằm viện” - anh chàng cầm mandolin ra biểu diễn ngoài sân khấu với Xasa nói cho anh biết. Anh còn chưa rõ mình hỏi dò địa chỉ, và cách tìm ngôi nhà đó để làm gì, ăn tối xong anh quyết định đi.
Anh hỏi Kichênhev mà không dám nhìn vào mắt:
- Đại úy, hôm nay cho tôi mượn áo capốt của đại úy.
- Ô hô! - Kichênhev trở nên vui vẻ. - Có nghĩa là bắt đầu được chăm nuôi bằng cháo kiều mạch rồi đấy.
Mọi người chung sức sửa soạn cho Trêchiakov. Chỉ bây giờ anh mới thấy còn lại có một cánh tay yếu ớt làm sao: không mặc được áo varơi, không quấn được xà cạp. Xtarưc một bên chân bó bột, quấn xà cạp cho anh. Và thậm chí Atrakovxki cũng tham gia vào vệc đó, từ đám báo dành dụm dưới gối mà anh thường đánh dấu bằng bút chì những chỗ nào cần cho mình, Atrakovxki ngắm nghía từng tờ rồi lôi ra hai tờ:
- Quấn chân cho cậu ta bằng những tờ báo này!
- Không cần, - Trêchiakov ngượng ngập đón nhận sự hy sinh. - Ngoài kia băng giá cũng không đến nỗi.
Hệt như Chúa trời ban phước cho mọi người, Kichênhev nói với tất cả phòng:
- Tôi sắp được ra viện, trông kìa, tôi sẽ để lại bao thứ cho các anh - áo capốt - để lại, áo khoác ngắn - để lại, ủng...
- Những thứ ấy là cái gì! Tôi đã nằm ở quân y quân đoàn, ở chỗ chúng tôi, - Xtarưc toàn thân đỏ gay vì cúi xuống, thậm chí chỗ trán hói cũng trở nên hung hung đỏ, - Ở chỗ chúng tôi họ cất hai khẩu súng lục dưới đệm. Và ai cũng biết thế. Thủ trưởng viện vào phòng nào cũng hùng dũng, nhưng lại sợ rẽ vào chỗ chúng tôi. Mà sợ gì mới được? Ở chỗ chúng tôi họ đưa một đại úy về quân y viện hậu phương, họ trang bị cho anh ta như trang bị cho người quá cố: áo capốt vô chủ, không tồi hơn áo của Gôsa đâu nhé, mỗi tội là cộc tay. Ối dào, áo với xống! Từ mày tao có thể may được ba cái áo nữa và Tổ quốc sẽ cám ơn tao đấy... - Nói rồi hệt như lúc rẽ vào, Xtarưc lại gõ nạng.
Thượng úy Avêchixan, bị thương ở đầu, nằm giường của Gôsa, chỉ lặng thinh nhìn, trong đám bông băng bộ mặt vàng khè, râu quai nón tua tủa như tên tù, ở buồng bệnh này chưa ai nghe thấy tiếng anh ta nói. Trêchiakov được mọi người mặc áo capốt, siết chặt thắt lưng nhét cả bên tay áo trái lủng lẳng vào thắt lưng, và lúc đó Kichênhev nẩy ra ý nghĩ:
- Khoan đã! Tôi hỏi mượn Tamara chiếc áo lông cộc tay. Chị ấy đưa ngay đấy. Độc có áo varơi, cái lạnh sẽ thấm vào tận xương.
Mới chỉ nghĩ Xasa sẽ trông thấy mình mặc áo phụ nữ, Trêchiakov đã toát mồ hôi.
Theo nguyên tắc, vẫn phải đi thám thính trước, chỉ lúc đó, Kichênhev mới đưa anh ra khỏi quân y viện bằng lối an toàn.
Ra khỏi cổng, kể từ khi bị nhốt trong phòng bệnh lần đầu tiên dưới bầu trời sao lạnh lẽo, trên mặt tuyết xanh biếc, Trêchiakov hít thở không khí băng giá, cái lạnh trong lành thấm vào phổi, khiến anh phát ho vì chưa quen. Anh bước đi và lòng thấy sung sướng, sung sướng vì anh đã nom thấy mùa đông, và được bước đi trên tuyết, anh sung sướng vì anh đang đến với Xasa.
Tuyết ken két dưới đế ủng, âm mười lăm độ. Khi anh hít vào thật sâu, hai lỗ mũi hơi đóng băng chỉ chực dính vào nhau. Cánh tay quấn băng ép sát nơi ngực dưới lần áo capốt - chỗ đó rất ấm, vừa đi anh vừa đưa tay kia lần lượt sưởi ấm hai tai, và đưa tay quệt nước mắt trên má, gió thổi ngược chiều làm nước mắt chảy ràn rụa.
Dưới đèn, đội tuần tra hai người đi dọc khu vực ga, nòng súng trường của mỗi người cao lên sau cầu vai, khẽ đu đưa theo nhịp bước đều đặn. Dù thế nào anh cũng phải nấp sau ngôi nhà - họ sẽ hỏi: Ai? Đi đâu? Vì sao? Anh mang dáng dấp của một kẻ chạy trốn: capốt không đeo quân hàm, tay áo lép kẹp, giắt vào thắt lưng - anh từ đâu ra thế này? Sẽ phân bua như thế nào, thôi tốt hơn cả là cứ đứng đợi ở một góc cho họ đi qua.
Họ là những người quan trọng nhất, ở khu vực này họ bước đi chậm rãi, họ vào nhà ga sưởi ấm. Trong lúc anh đứng chờ, từ đoàn tàu đám mây trắng đổ ập xuống, thở ra luồng hơi nóng ẩm ướt và mùi than đá cháy khét lẹt. Đội tuần tra bước vào, cửa nhà ga đóng sập lại. Trêchiakov bước ra, len lén, vượt qua đường. Kia rồi, hai tòa nhà bốn tầng, cửa sổ trông ra đường sắt, như chỉ vẽ cho anh.
Bên bậc thềm ngoài cùng, nơi ánh sáng vàng vàng của ô cửa sổ đan chéo trên tuyết, anh chợt trở nên rụt rè, quả thật ở đây ai chờ mong anh? Lúc nãy anh vội vàng, vui sướng, thì giờ đây anh tự nhìn mình khách quan, mọi quyết tâm bỗng tan biến.
Trên bức rèm cửa sổ, anh trông thấy trần bếp ám khói. Trêchiakov dậm chân lên những tấm ván bị đóng băng kêu ken két nơi thềm, đưa tay mở cửa. Cửa không đóng. Lối vào đầy tuyết, lạnh lẽo như ở ngoài đường. Ngọn đèn nhỏ thắp trên cửa ra vào. Hai cảnh cửa của hai căn hộ, cầu thang đá chạy lên tầng hai. Gõ cửa nào? Để cho ấm, một cửa bọc vải đay thô, còn ở cửa kia vài giả da đen đã rạn. Anh kéo lại áo capốt dưới thắt lưng, vuốt cho phẳng phiu, đội mũ hơi lệch sang bên và gõ hú họa vào tấm vải giả da trơn bóng lạnh  buốt. Bông làm giảm âm. Anh đứng chờ. Rồi lại gõ cửa. Có tiếng bước chân. Giọng phụ nữ cất lên sau cánh cửa.
- Ai đó?
Trêchiakov giặng hắng trong cổ :
- Chị làm ơn cho biết Xasa có ở đây không ạ?
Im lặng.
- Xasa nào?
Tới đây anh mới nhớ ra là mình không biết họ của cô. “Có hai dải tóc đuôi sam rất đẹp” - anh những muốn thốt lên như vậy, nhưng chỉ nói:
-  Xasa có mẹ đi viện...
- Đi viện à, sao thế ?
“Sao thế, sao thế...”. Giá mở cửa ra thì hơn.
- Chị làm ơn gọi hộ Xasa. Nói chuyện qua cửa sao được? Tôi từ quân y viện đến tìm Xasa có việc...
Lại im lặng khá lâu. Sợi dây xích nhỏ kêu loảng xoảng, cửa hé mở, cánh tay phụ nữ tròn trĩnh để trần dưới tấm khăn lông giữ chặt lấy cửa. Gương mặt hơi phù. Mùi dầu hỏa, hơi bếp ấm áp tỏa ra từ sau lưng chị ta.
- Chúng tôi được biết mẹ cô ấy phải vào bệnh viện, - Trêchiakov nói, cứ như anh ta thay mặt toàn thể Hồng quân đến đây. Và đồng thời anh cố nén cười đứng nghiêm để có thể trông thấy rõ anh từ mũ đến ủng nhờ ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn: anh như thế này đấy, và thể không thấy e ngại nữa.
Người đàn bà vẫn nhìn anh cảnh giác, không tháo sợi dây xích ra khỏi cửa:
- Anh là người thế nào với cô ấy?
- Chị hoàn toàn không cần biết điều đó. Xasa có ở đây không ạ?
- Ở đây đấy.
- Chị làm ơn gọi hộ cô ấy.
- Đi vắng rồi.
Anh không sao quen được lối nói ở vùng Uran, chị ta trả lời mà cử như là hỏi anh.
- Thế Xasa đi đâu ạ?
- Vào bệnh viện.
Không hiểu sao anh không ngờ được chuyện đó, cô có thể không ở nhà. Ra ngoài bậc thềm anh mới chợt nghĩ: chỉ cần hỏi xem cô ấy đi đã lâu chưa? Khi nào về? Anh ngoái cổ nhìn, nhưng không quay trở lại.
Rẽ vào góc nhà tránh gió, anh quyết định chờ. Anh đứng dậm thình thịch để chân không bị đóng băng. Băng giá cũng không đến nỗi lạnh, nhưng chỉ mặc mỗi áo capốt thì không thể đứng mãi được. Nhất là vết thương ở lưng rất buốt. Vết thương mới được tháo băng lần đầu, trong những ngày gần đây, chỗ đó da còn non vẫn rất nhạy cảm.
Anh không có đồng hồ để có thể hình dung được thời gian, khi phải chờ đợi, thời gian bao giờ cũng như dài hơn. Người tải thương đã lột chiếc đồng hồ của anh, từ lúc còn ở ngoài kia ngay trong chiến hào, khi anh bị thương. Anh ta buộc garô cầm máu cho anh và bảo: “Phải chú ý đến thời gian. Sau nửa giờ cần tháo garô, không thì bên tay này sẽ chết, chết hoàn toàn”. Trêchiakov rút chiếc đồng hồ ra, và anh ta còn hỏi: “Đồng hồ ta đấy chứ?”.
Đó là chiếc đồng hồ đầu tiên trong đời anh. Ba tuần liền sáng nào anh cũng đi ghi tên xếp hàng. Anh rất thích đồng hồ đeo tay mặt kính, có những ô kẻ ca rô. Ở lớp anh, Kôpưchin có một chiếc đồng hồ như thế. Cậu ta đeo đồng hồ, ở cổ tay, trong lớp cậu ta luôn xem đồng hồ, tay để sang bên, xem từ xa, nếu không, thế thì không nhìn thấy. Cuối cùng cũng đến lượt anh, mọi người mua hết sạch đồng hồ đeo tay, thế là anh đành kiếm một chiếc đồng hồ bỏ túi to, tròn và dày của Nhà máy sản xuất đồng hồ quốc gia số Hai. Chiếc đồng hồ đó giá bẩy mươi lăm rúp, những bẩy mươi lăm rúp trước chiến tranh. Anh tự kiếm được số tiền ấy, nhân ngày lễ anh viết biểu ngữ trên vải điều cho các cơ quan. Sau khi mổ ở quân y viện dã chiến, anh mới phát hiện ra chiếc đồng hồ không còn nữa. Nhưng anh không cảm thấy tiếc chiếc đồng hồ anh đã mang từ nhà đi, như là tiếc những chuyện liên quan đến chiếc đồng hồ.
Rồi thì có một tay anh cũng hút được thuốc. Anh đứng sưởi bằng khói thuốc, và dậm chân. Khi thấy mùi giấy khét, anh ném mẩu thuốc đã hút hết đi. Từ sau góc nhà, gió nuốt lấy mẩu thuốc, những tia lửa tàn nảy lên trên tuyết. Không, không đứng mãi thế này được. Anh tự giận mình, miễn cưỡng lê bước về quân y viện.
Xa xa, phía trên đường tầu, trên những cột tín hiệu, hiện lên vầng trăng to, rõ nét, trông không giống như trăng thật. Con đường chạy dài, phía dưới, trăng bắt dầu xuống thấp sau hàng cột tín hiệu. Đoàn tầu khản giọng ngoài băng giá vẫn gào thét trên đường ở nơi nào đó. Và tiếng kêu của con tàu làm anh chợt tỉnh, Trêchiakov quay trở lại, bước vội vàng hệt như sợ mất hết sự cương quyết. Anh lại gõ vào cửa ấy. Cửa mở ngay lập tức.
- Xin lỗi, tôi quên chưa hỏi chỗ Xasa đến ở đâu? Bệnh viện ấy mà?
Người đàn bà tháo tung sợi dây xích ra khỏi cửa :  
- Mời anh vào, nhà với cửa không hiểu sao lạnh quá.
Anh bước vào. Chị ngước đôi mắt màu cánh gián trên gương mặt không có lông mày nhìn anh. Chỉ thấy mỗi đôi mắt trên gương mặt trắng bủng. Đôi mắt ấy tò mò nhìn anh.
- Xasa đến đó lâu chưa chị?
- Lâu hay chóng, rồi đâu sẽ vào đó.
Và người đàn bà nhìn khắp người anh, càng nhìn càng ra vẻ thương xót.
- Từ đây đến bệnh viện có xa không chị?
- Cũng chẳng phải bệnh viện, bệnh viện ở mãi trong thành phố kia, đây thì hoàn toàn chỉ là những lán gỗ. Dành cho những người mắc bệnh truyền nhiễm. Xasa ở trường về, họ đã đưa mẹ cô đi rồi. Ối, bà mẹ rất yếu, yếu lắm. Cô ấy liền chạy đến với mẹ. Thấy cô ấy về, tôi bảo: “Xasa, em chờ một lát, anh Vaxili nhà chị đi làm về, anh chị sẽ hỏi anh Ivan Đanhilưtr xem sao”.
- Anh Ivan Đanhilưtr là ai vậy?
- Còn Ivan Đanhilưtr nào nữa? - Người đàn bà rất đỗi ngạc nhiên, sao anh lại có thể không biết người đó. - Ivan Đanhilưtr, ủy viên ủy ban quân sự địa phương, anh trai chồng tôi. “Xasa, em chờ đấy, để anh chị hỏi anh ấy cho...”. Nó chẳng nói năng gì, và cũng không chịu ăn chịu uống. Chạy khắp các góc nhà, như con chuột nhắt. Trời cũng đã tối, tôi nghe thấy nó lại chạy đi.
- Vậy tìm những cái lán gỗ này như thế nào ạ ?
- Hoàn toàn đơn giản.
Và chị lại nghi ngờ nhìn chiếc áo capốt của anh và bên tay áo lép kẹp nhét vào thắt lưng da.
- Có lẽ anh biết phố Kôlia Miagôchin?
- Biết, - Trêchiakov gật đầu, hy vọng sẽ hiểu ra phố Miagôchin ở đâu qua những điều sắp nói tiếp. Và lúc này anh lại cảm thấy ấm áp dưới lớp áo capốt.
- Thế, cứ đi dọc phố ấy, cứ đi dọc phố ấy mãi cho đến tận Tôbôl. - Và chị ta vừa giũ chiếc khăn bằng lông, vừa đưa tay trái chỉ vào cửa sổ qua bên kia đường, vào hướng ngược lại với Tôbôl.
- Tức là, nếu từ nhà ga, sẽ có một đường phố rộng như thế này phải khổng ?
- Thế đấy. Đến Tôbôl, bên phải, bên tay phải!
Tay trái tóm lấy chiếc khăn quàng, chị vẫy vẫy tay bên phải. Trong đầu anh phải xếp đặt lại tất cả, chính chị ta không hề ngờ rằng mình đang đứng quay lưng về phía Tôbôl và chỉ ngược hết.
- Hiểu rồi. Tức là bên phải đến Tôbôl.
- Tôbôl nằm ở phía tây phải không? Tôi muốn nói mặt trời lặn sau Tôbôl phải không?
- Sau Tôbôl. Chứ còn ở đâu được nữa?
- Hiểu rồi!
Anh bắt đầu xác định phương hướng. Từ của sổ hành lang của quân y viện ngày nào anh cũng thấy rõ mặt trời lặn ở phía ấy.
Nói chung rất đơn giản: đi dọc theo phố Kôlia Miagôchin, rẽ tay phải theo phố Gôgôl. Rồi đi thẳng. Và lại rẽ phải theo phố Puskin hay Lermantov. Thế phải qua một cánh rừng, một cánh rừng nhỏ nữa.
- Thế những cái lán gỗ ở đằng đó chứ ạ ?
- Chưa đâu. Thoạt đầu là nghĩa địa. Tôbôl chạy dài theo hướng này.
Nghĩa địa - đó là vật định hướng đáng tin cậy. Trong trường hợp nào người ta cũng sẽ chỉ cho anh.
- Sau nghĩa địa là những cái lán gỗ. Nói chung xa hơn, chẳng còn gì nữa, độc có mỗi bờ dốc dựng đứng.
- Cám ơn chị. - Trêchinkov nói. Dù chỉ mang máng, nhưng anh đã hình dung được điều gì đó. Và khi ra đến cửa, anh còn dặn:
- Nếu Xasa về trước, xin chị đừng nói gì với cô ấy. Tôi có tìm hay không tìm, chị cũng đừng nói với cô ấy. Kẻo rồi cô ấy đâm ra nghĩ ngợi...
Và căn cứ vào cái nhìn đầy vẻ băn khoăn, anh hiểu: nhất định chị ta sẽ kể. Đến cả chuyện chị ta không cho anh vào nhà, chị ta cũng sẽ kể...
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét