Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 3

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

3

Càng gần mặt trận càng dễ nhận thấy ở khắp mọi nơi dấu vết của một trận đánh lớn. Các đội tang lễ lần mò khắp chiến trường chôn cất người chết; các đội thu chiến lợi phẩm nhặt nhạnh và chở đi tất cả những gì còn dùng được cho chiến đấu: dân từ các vùng lân cận lôi về cho mình những gì mà cuộc chiến vừa đùng đoàng trên đầu họ bỏ lại và bây giờ còn dùng được cho cuộc sống. Máy móc bị phá hủy, cháy trụi nằm hoen rỉ trên khắp các bãi chiến trường, bên trên tất cả, bên trên khung cảnh tĩnh lặng của sự chết chóc là bầu trời mùa thu xanh trong, luôn đổ mưa xuống mặt đất.
Một đơn vị bộ binh đi ngang qua, miết ủng trên con đường đất, súng khoác sau lưng va phải bi đông kêu loảng xoảng, tà áo ca-pốt quệt vào những đôi chân mảnh khảnh quấn xà-cạp. Những người lính đủ mọi dáng dấp mọi lứa tuổi, được trang bị và mang vác lỉnh kỉnh, đi thay thế cho những người nằm lại nơi đây. Và những người lính trẻ trung nhất, chưa từng trông thấy gì, từ những chiếc cổ áo ca-pốt mới tinh vươn cổ nghiêng ngó khắp bãi chiến trường của một trận đánh cách đây không lâu, với tâm trạng vừa hiếu kỳ vừa sợ hãi của người sống trước sự bí ẩn muôn đời của cái chết. Đi trong ánh hoàng hôn, chốc chốc hệt như mở toang cửa lò đầu máy xe lửa : tiếng ù ù vẳng lên to hơn và không khí rùng rùng chuyển động. Và quả thật Trêchiakov cảm thấy lo lắng, điều đó khiến anh ngạc nhiên và xấu hổ. Thấy chiếc xe tăng Đức bị cháy nằm ngay sát đường, anh dừng lại xem. Chiếc tăng trông kiểu có vẻ mới, đồ sộ hơn tất cả các loại xe tăng mà anh đã thấy ở mặt trận Tây Bắc. Một lỗ hổng xanh bên thành xe làm thép ở đó nóng chảy ánh xanh xanh: chắc một viên đạn pháo cỡ tương tự đã xuyên thủng xe như xuyên qua lớp mỡ. Đấy là lớp vỏ thép của nó đã dày và chắc chắn hơn kiểu trước.
Gió khẽ đung đưa những vạt áo ca-pốt da xám ẩm ướt quét lê trên đất đen. Trong từng vũng nước con con, trên các vệt xích xe tăng bầu trời chớm lạnh trông sáng sủa, ánh hoàng hôn lăn tăn trong trẻo và quang đãng. Trêchiakov ngắm nhìn quang cảnh và lại thấy hồi hộp, mọi ý nghĩ lại như lần đầu tiên... Tám tháng không ra mặt trận, lại lạ lẫm, và cần phải làm quen lại.
Đêm cuối cùng, với người bạn đường gặp tình cờ, anh ngủ bên rìa một làng lớn đã bị bọn Đức đốt trụi. Người bạn đường không còn trẻ, tóc hung hung, gương mặt dúm dó chẳng còn gì để mà cạo, hai bàn tay đầy những chấm tàn hương to, lông bạc trắng.
- Thượng úy Taranov! - Anh ta giới thiệu rành rọt, giật tay khỏi vành mũ lưỡi trai hệt như phải bỏng, Trông dáng điệu anh ta hẳn sành sỏi. Trang phục trên người anh ta đều không phải của người khác: áo va-rơi dạ, màu cỏ úa, quần galiphê màu mực sọc chéo xanh biếc trông đúng màu của tấm nỉ trải bàn. Đôi ủng đóng theo kiểu bốt-can. Tay anh ta cầm chiếc áo ca-pốt sĩ quan may bằng thứ dạ sẫm màu. Thậm chí, đang ở trên tay, chiếc áo vẫn giữ nguyên được dáng vẻ: có lót, ngực phẳng, quân hàm đính trên vai hệt như hai tấm biển nhỏ, vạt sau xẻ đến tận lưng. Ngữ áo này mặc đi duyệt binh, đi ngựa rất tốt, chứ không thể che kín người, không thể đắp được, gió vẫn vào dạo chơi và vẫn nom thấy rõ các vì sao. Từ trung đoàn dự bị, Taranov với chiếc áo ấy đã ra đến mặt trận bước sang năm thứ ba.
- Cậu thông cảm, suốt thời gian đó mình không sao yên tâm phục vụ được, - khi nói điều này, anh ta nhìn thẳng vào mắt Trêchiakov và nắm chặt tay anh rất tình cảm. Taranov tự chọn một ngôi nhà để ngủ tạm và hết sức ưng ý. Bà chủ nhà tuổi trạc bốn mươi, người Ucraina, dáng cân đối, đầu chải mượt, tóc đen và da hơi ngăm ngăm vui mừng thấy các sĩ quan: ít ra thì căn nhà này cũng không đầy chật lính vào. Chẳng mấy chốc Taranov buộc khăn ngang người giúp chủ nhà chuẩn bị bữa ăn tối trong bếp. Anh ta mở đồ hộp, còn người phụ nữ chịu khó đứng bên cạnh xem. Sau lưng chủ nhà, một cậu bé chừng lên ba mải mê với mùi thức ăn quyến rũ cứ đi đi lại lại cố vươn người nhìn lên bàn.
- Đi ngủ ngay, khổ tôi quá! - Người đàn bà quát lên, giúi cho nó một miếng giò hộp của Mỹ, như thể bực mình vói nó lắm. Rồi bà tay quay lại nhìn Taranov vẻ nhẫn nhục và sợ hãi.
Lao qua đường đến chỗ cánh lái xe, Trêchiakov đổ xăng vào đèn dầu, rồi cho thêm vài hạt muối để xăng không bốc, và khi quay lại anh đã thấy ba người ngồi quanh bàn.
- Trung úy nhìn xem chủ nhà đã giấu chúng ta một người như thế nào! - Taranov đón anh ồn ào. Sau đôi môi thâm sì ướt nhẫy lấp loáng những chiếc răng bịt vàng. Rồi anh ta còn nháy mắt ra hiệu.
Một cô gái tuổi chừng mười bảy, ngồi cạnh bà chủ nhà. Cô ta cũng đẫy đà, xinh đẹp, nhưng ngồi như một nữ tu sĩ, hai hàng mi đen cụp xuống. Khi Trêchiakov ngồi xuống gần bên, cô mới ngước mắt nhìn anh vẻ tò mò. Mắt cô xanh thăm thẳm. Cô là người đầu tiên cất tiếng nói:
- Chúng ta không bị nổ tung đấy chứ!
- Kìa cô! - Trêchiakov bắt đầu làm cô yên tâm. - Đã được kiểm nghiệm ngoài mặt trận. Tôi cho muối vào xăng rồi, làm sao còn nổ tung được nữa.
Và anh vấp phải cái nhìn của cô. Cô mỉm cười xuống thang:
- Em nhát nhát là, em sợ đủ mọi thứ...
Bà mẹ canh giữ cô con gái bằng đôi mắt đen huyền, bà kể lể, kể suốt, liến thoắng như súng liên thanh:
- Bọn Đức vào làng, tôi vừa mới mổ xong, phải nằm suốt. Ôi, lạy chúa! Con Okxanotska mới có mười bốn tuổi, lại còn đứa bé này nữa. Lúc ấy tôi biết làm gì cơ chứ?
- Cô tên là Ôkxana à? - Trêchiakov khẽ hỏi.
- Ôkxana. Thế còn anh?
- Vôlôđia.
Cô chìa tay dưới gầm bàn, bàn tay mềm mại, ấm áp, trơn ướt mồ hôi. Trái tim anh thoáng lặng đi rồi bắt đầu đập loạn lên như muốn bật tung ra ngoài.
- Ôkxanôtska! - bà chủ nhà đứng lên rời khỏi bàn ăn và cất tiếng gọi. Cô gái thở dài, mỉm cười với trung úy và miễn cưỡng bước theo mẹ.
- Trung úy, đừng bối rối nhé! Chúng ta đang ra trận mà! - Taranov thì thào. Họ còn lại hai người, ngồi bên bàn và chờ đợi. Sau cánh cửa, giọng bà chủ nhà vang lên khe khẽ: bà nói gì đó rất nhanh, không hiểu được một từ nào.
Anh ta nháy mắt, nhanh nhẹn rót đầy cốc. Họ cạn chén, lần lượt châm thuốc từ ngọn đèn.
- Có thể, ngày cuối cùng của bọn mình như thế này đây. Có thể, ngày mai chúng sẽ giết chết bọn mình, phải không?
Và Taranov gọi to :
- Katarina Vaxiliepna! Kachia! Sao lại bỏ mặc chúng tôi thế? Thật không tốt, không tốt đâu. Chúng tôi có thể giận điên lên đấy.
Tiếng nói sau cánh cửa im bặt. Rồi sau đó bà chủ nhà tươi cười bước ra một mình.
- Thế Ôkxanốtska đâu? - Taranov băn khoăn hỏi.
- Ngủ cả rồi. - Bà chủ nhà ngồi xuống ngay bên cạnh anh ta, bờ vai to tròn trĩnh chạm vào vai anh ta. - Giá như các anh là bác sĩ...
- Sao? Mắc bệnh gì ? - Taranov hỏi.
- Chẳng có bệnh tật gì cả. Họ xua đi làm đường. Nếu các anh là bác sĩ, các anh cho phép em nó được miễn.
- Chúng tôi là bác sĩ cả đấy chứ! -  Taranov kiên trì nháy mắt ra hiệu cho bạn, liếc về phía cánh cửa, nơi có  Ôkxana.
- Các anh chỉ đùa bỡn! - Và bà đưa một cánh tay đầy đặn khoác trên người anh ta. Taranov tóm lấy tay bà kéo về phía mình. - Quân hàm của các bác sĩ không giống như thế này... .
- Thế quân hàm của các bác sĩ thì như thế nào?
- Nhỏ xíu, nhỏ xíu. - Và bàn tay kia của bà vẽ lên vai, lên quân hàm của anh ta. - Nhỏ xíu, nhỏ xíu thế này cơ...
- Chứ không phải to hơn à? - Những chiếc răng bịt vàng lại ánh lên màu xỉn, phía dưới môi trắng nhờ có dính một cái vẩy. - Chứ không phải to hơn à?
Cuộc đối thoại bây giờ đã chuyển sang bằng mắt. Trêchiakov liền đứng lên, nói rằng cần phải đi hút thuốc. Trong bóng tối ngoài hành lang anh lần tìm áo ca-pốt, ba-lô. Khép cánh cửa ngoài, anh còn nghe thấy giọng nói khàn khàn của Taranov, và tiếng cười của người đàn bà.
Anh đứng trong sân tựa lưng vào cái cọc hàng rào còn sót lại và hút thuốc. Anh cảm thấy khó chịu. Người đàn bà tất nhiên lấy thân mình che chở cho con gái. Rất có thể, khi bọn Đức chiếm đóng, bà ta cũng che chở bằng cách ấy, đưa thân mình ra làm lãng quên cô con gái. Còn hắn kia hẳn lấy làm sung sướng. Chúng ta đang ra trận mà...
Phía tây, bầu trời giần giật bởi chớp đại bác bắn không nghe thấy tiếng nổ. Vành trăng lưỡi liềm đầu tháng mỏng tang mới gội mưa, xanh trong lơ lửng trên đống tro tàn, một cái cây bị đốt cháy nay sống lại đổ bóng cong queo trên sân. Từ mảnh vườn bên cạnh thoảng lên mùi khen khét: những cây táo xưa kia trong dưới cửa sổ, quanh ống khói bếp nay cháy thành than sụp đổ trên đống tro.
Bên kia đường nghe rõ trong sân, cánh lái xe vẫn lục xục bên ô tô. Trêchiakôv bước vào nhà. Mọi người ngủ ngổn ngang trên nền nhà. Anh trèo lên chiếc thang ọp ẹp, lần đến vựa cỏ, mò mẫm dồn cỏ lại làm bụi bốc mù lên, rồi nằm xuống, lấy áo ca-pốt trùm kín đầu. Anh mong ra đến nơi - càng nhanh càng tốt. Khi đã thiếp đi, anh vẫn nghe từ phía dưới giọng nói của cánh lái xe, và tiếng ầm ì của một chiếc máy bay ở nơi nào đó cao tít bên trên mái nhà.

Ngày hôm sau anh gặp thượng úy Taranov ở sở chỉ huy lữ đoàn pháo. Sải bước đi bộ sáu kilômét lúc mặt trời mới mọc, Trêchiakov xuất hiện rất sớm, đúng lúc cánh lính văn phòng chỉ vừa mới ngồi vào bàn. Ăn sáng xong, họ chẳng muốn mó vào việc gì cho đến lúc thủ trưởng đến, chỉ ra vẻ bận rộn, họ mở thùng ra và rồi lại đóng thùng vào.
Các trung đoàn thuộc lữ đoàn pháo binh được xé lẻ cho các trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh đang nằm rải rác khắp mặt trận rộng lớn, riêng sở chỉ huy vẫn đóng ở xóm trại, cách tiền duyên bốn kilômét. Tiếng pháo nổ xa xa làm rung chuyển sự tĩnh lặng và trì trệ đang ngự trị trong căn nhà trần thấp. Khi làn gió thổi từ nơi đó lại vang lên tiếng súng máy đều đều, tuy vậy tiếng con ong bò vẽ vo ve trên cửa kính nghe còn rõ hơn. Muốn tìm lối thoát ra ngoài, con ong bò từ dưới lên cao trên mặt kính đầy bụi của ô cửa sổ mở toang, cố giữ đôi cánh nhỏ run rẩy, nhưng người lính văn phòng đã cúi xuống bậu cửa, đè bẹp chú ong một cách tàn bạo và hãi hùng.
Từ chiếc bếp mùa hè ở ngoài sân, khói cuồn cuộn bay vào nhà: dưới gốc anh đào, bà chủ nhà đang giặt giũ trong chiếc chậu gỗ. Quần, áo va-rơi nằm trên cỏ, một thùng xà cạp đun trên bếp. Anh lính văn phòng Phêchixov, còn trẻ, nhưng đã chớm hói, tự nguyện nhận giúp đỡ bà chủ nhà, loanh quanh bên chiếc chậu giặt như thể chôn chân ở đó. Tay cầm cành củi tỳ vào đầu gối để bẻ, rồi ném thêm củi vào bếp, lúc quấy thùng xà cạp, thế mà... vẫn không sao rời mắt khỏi bộ ngực phập phồng nơi cổ áo khoét rộng và đôi tay trần đến tận vai của bà chủ nhà đang đưa qua đưa lại trong bọt xà phòng. Qua các ô cửa sổ, mọi người thi nhau mách nước cho anh ta. Chỉ riêng có Kalixtratôv, tổ trưởng tổ văn thư, là đang chuẩn bị làm việc, anh thông chiếc tẩu hút thuốc được trạm trổ, chọc cọng rơm qua chiếc tẩu. Khi cọng rơm được kéo ra nó đã thành màu da lươn và ướt sũng nicôtin, hệt như được nhúng vào nhựa, anh ta ngửi ngửi tỏ vẻ gớm ghiếc rồi lắc đầu.
Bên ô cửa, anh lính văn phòng đã nghiến nát con ong bò vẽ. Anh ta quệt tay lên tường vôi rồi lôi từ trong túi ra một quả táo và cắn giòn tan - nước táo sùi lên giữa hai hàm răng.
- Xemiôskin này, cái tay trinh sát cúng cho cậu chiếc đồng hồ loại gì thế? - Kalixtratôv vừa hỏi, vừa cần mẫn nghiêng mái đầu chải bóng mượt sang bên vai, thận trọng chọc cọng rơm mới vào chiếc tẩu, thông cho kỳ sạch, cố không làm gẫy cọng rơm.
Xemiôskin cọ quần vào bậu cửa sổ :
- Đồng hồ “Đacxy”!
- Họ bở thật... Cánh trinh sát ấy mà. - Kalixtratôv giơ chiếc tẩu đã được thông sạch ngó ra ngoài sáng. - Họ đi trước mà, tất cả mọi thứ là của họ hết. Họ còn thiếu gì nữa cơ chứ?
Nói chung cánh lính văn phòng không để ý đến Trêchiakov. Có thiếu gì các trung úy quân trang, quân phục như vậy ở trường sĩ quan, trên đường ra mặt trận đã ghé qua sở chỉ huy. Có người chưa kịp mặc sờn bộ quân phục đã có giấy báo chuyển về chỗ họ để gạch tên ra khỏi danh sách, cắt mọi tiêu chuẩn cung cấp mà anh ta chẳng cần đến nữa.
Hơn nữa chính anh có lỗi trong việc cánh lính văn phòng không để ý đến anh và anh tự biết lỗi của mình. Trước khi đi ăn sáng, trưởng ban trinh sát của lữ đoàn tạt vào sở chỉ huy, khiến đám lính văn phòng như bị nhổ bật dậy, cuống quít lên bên bàn làm việc cùa mình. Giấy tờ không biết từ đâu xuất hiện trên mặt bàn, một văn thư đeo kính hiện ra sau chiếc máy chữ nơi góc nhà. Trước đó hoàn toàn không thấy anh ta ở đấy, hình như anh ta ngồi dưới gầm bàn vậy. Dí sát kính vào các phím chữ, anh ta đánh mổ cò: tạch ... tạch... - chữ dính nhùng nhằng hồi lâu trên ruy băng.
Trưởng ban trinh sát lữ đoàn thấy ưa Trêchiakov ở điểm nào đó:
Kalixtratov, nói là tôi chọn trung úy này nhé! Cậu ấy sẽ ở chỗ tôi, làm trung đội trưởng”. Đáng lẽ ra là phải cám ơn, phải vui mừng, Trêchiakov yêu cầu được về khẩu đội. Từ giây phút đó, các nhân viên văn phòng thôi không để ý đến anh nữa. Họ túm tụm nhìn chiếc đồng hồ của Xemiôskin lúc này đang để trên bàn. Ngay cả người văn thư đeo kính có lẽ mang cấp bậc thấp nhất ở đây cũng nhoài qua chiếc máy chữ để xem. Nhưng mọi người bảo anh ta:
- Thôi đánh máy đi, đánh máy đi, ở đằng đấy chẳng có gì đâu.
 Kalixtratov lấy dao cậy nắp chiếc đồng hồ, trước mặt mọi người con cá vẫn đang lúc lắc.
- E-ve-li-xơ... - Kalixtratov đánh vần từng chữ cái nước ngoài. Anh ta nuốt nước bọt, quả quyết đưa tay hất tóc: - Evelx ? Nó là cái gì nhỉ?  
- Loại chân kính này ăn đứt cả đá hồng ngọc đấy. - Xemiôskin bắt đầu khoác lác và nhai táo rau ráu. - Những mười sáu chân kính!
- “Evelx”... Cánh trinh sát béo bở thật.
Ai đó cười hô hố :
- Béo bở thì bọn họ cũng chẳng được mấy nỗi.
Trêchiakôv bước ra sân chờ liên lạc trung đoàn để khỏi bị lạc đường vô ích. Nhấc nồi xà cạp ra khỏi bếp, bà chủ nhà trút thùng xà cạp luộc nước xà phòng sôi sùng sục sang chiếc chậu gỗ, hơi nước phả vào mặt bà. Ở vạt cỏ, trên đống áo va-rơi, một cậu bé lên hai, chân đi đất ngồi trước mặt bà, chân giang ra, tay đang ấn quả cà chua vào miệng, mút nước cà chua. Hai vạt áo trước bụng dính đầy hạt và nước cà chua. “Chắc lại con không cha đây”... Trêchiakôv bâng quơ thoáng nghĩ. Hôm nay anh dậy sớm, đang còn nắng sớm mai, tiếng pháo xa xa đã khiến anh buồn ngủ. Mũi đôi ủng da lộn đã được anh đánh xi đến bóng lên, nhưng vẫn cứ xỉn đen vì bụi. Anh toan tính lấy cỏ đánh ủng, anh ngó xem nơi đâu có thể vặt được cỏ đẫm sương, nhưng anh đã nhận ra chiến sĩ liên lạc từ đằng xa.
Khẩu cac-bin trên vai, ngửa cổ nhìn dây điện thoại dẫn vào ban tham mưu, người lỉnh rảo bước. Bóng hàng rào gỗ và tia nắng mặt trời đổ dài qua người anh. Đợi một lát, Trêchiakov liền theo chân anh ta vào trong nhà. Chiến sĩ liên lạc vội vàng trao báo cáo, và đã kịp uống nước ngay bên cửa ra vào. Anh ta uống cạn ca nước, rũ những giọt nước rót trên người, đặt úp chiếc ca sắt tây bên cạnh thùng nước, ngồi xổm ngay bên cửa, lột chiếc mũ ca-lô trên đầu xuống lau mặt đầy mồ hôi, đôi quân hàm mềm nhũn trên vai anh ta trương phồng lên.
Tổ trưởng văn thư, để tờ báo cáo ra xa cho ra vẻ quan trọng vẫn không rời mắt đọc báo cáo, còn người liên lạc dựa khẩu cac-bin vào tường, đưa ngón tay lên dọc súng rồi đứng quấn thuốc hút.
- Từ ba sáu mươi hả? - Trêchiakov hỏi.
Người liên lạc đưa lưỡi liếm mảnh giấy báo, nháy mắt đầy thiện ý. Anh ta châm thuốc, hút một hơi ngon lành, nheo mắt lại vì khói, rồi hỏi:
- Đồng chí trung úy, tôi đưa đồng chí đi phải không?
Đôi lông mày của anh ta dù mặt trời đã thiêu đốt vẫn cứ trắng phau ra vì bụi bám đầy, mặt đỏ dừ như vừa rửa ráy xong. Những sợi tóc ướt đen thẫm lại, bết chặt trên thái dương. Hút liền một lúc rồi phả ra một đám mây khói thuốc lá lơ lửng, người liên lạc bỗng sực nhớ ra:
- Tôi quên bẵng đi mất... Đầu óc lú lẫn quá...
Và anh ta đứng dậy, mở cúc túi áo va-rơi. Anh ta lôi ra một bọc vải cáu bẩn vì bụi, rồi giơ ra chiếc huân chương bạc “Dũng cảm” nằm trong lòng bàn tay.
Cánh lính văn phòng túm tụm lại, đọc phiếu gửi kèm theo, ngắm nghía chiếc huân chương như mới đây họ ngắm nghía chiếc đồng hồ. Chiếc huân chương này kiểu cũ, có giải băng đỏ trên cuống. Bạc đã xỉn màu, hệt như hun trong lửa, còn ở giữa thì móp lại và có một lỗ thủng nhỏ. Viên đạn xiên nghiêng qua lớp kim loại mềm và không còn đọc được số sử dụng ở đằng sau.
- Xunsov nào nhỉ? - Kalixtratov tổ trưởng tổ văn thư hỏi, đầy vẻ tự hào vì mình đã nắm vững quân số. - Có phải Xunsov đến bổ sung cho chúng ta ở Gunkêvich ấy à?  
- Tôi không biết đâu, - người liên lạc mỉm cười đầy thiện ý và lại lấy mũ ca-lô lau mặt, lau cổ. Anh ta sung sướng vì được nghỉ ngơi, người đã mát mẻ trước khi lại đi ra nắng, nước anh uống vào giờ đang vã ra thành mồ hôi. - Tôi được lệnh: đồng chi hãy đem đến ban tham mưu và trao lại.
- Thế có nghĩa là anh ẩy bị rồi à ?
- Sao lại thế? Chắc là bị tại đài quan sát, lính trinh sát mà.
- Thông tin đây à?
- Sao bảo lính thông tin liên lạc.
- Sao lại liên lạc? Ừ, thì cũng có nghĩa là làm cái việc thông tin. - Người lính cười đồng tình - Bảo đảm thông tin mà.
Tổ trưởng tổ văn thư không hiểu sao bỗng cau cỏ, giật chiếc huân chương từ tay mấy anh chàng văn phòng, cài vào tờ phiếu gửi. Trịnh trọng và nghiêm khắc, anh ta mở nắp thùng sắt, hệt như đang thực hiện một nghi lễ nào đó. Chiếc huân chương bạc chạm vào đáy thùng sắt, và chiếc nắp thùng sập xuống kêu ken két loảng xoàng.
Một lát sau Trêchiakov bước theo chiến sĩ liên lạc về trung đoản. Họ rẽ ngoặt vào ngõ hẻm. Họ gặp các sĩ quan đi ăn sáng đang giăng hàng từ bờ rào bên này sang bờ rào bên kia. Mặt trời chênh chếch ở phía bên và trong làn bụi, bóng của những mái đầu chạm tới tận bên hàng rào và những bóng ở gần anh còn vươn quá cả dãy hàng rào.
Thiếu tá chỉ huy đang thao thao kể chuyện gì đó vẻ tự tin, còn viên sĩ quan đi phía bên phải nhìn hàng quân, nở nụ cười góp chuyện. Và Trêchiakov ngạc nhiên khi nhận thấy đó chính là thượng úy Taranov, chiếc răng vàng lấp loáng sau đôi môi nhẽo nhèo. Anh ta sóng hàng đàng hoàng trong hàng ngũ các sĩ quan vừa đi ăn sáng về, như thể lúc nào anh ta cũng có mặt ở nơi đây.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét