Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín - Chương 4

Mãi Mãi Tuổi Mười Chín

Tác giả: Gbaklanôp
Người dịch: Phương Nam
NXB Đà Nẵng - 1986

4

Ngay đêm ấy, Trêchiakov đưa pháo ra trận, cả tiểu đoàn của họ được ném sang đâu đó bên cánh trái. Lúc nhập nhoạng tối, đại đội trưởng, đại úy Pôvưxenkô tạt vào chỗ anh, chỉ tay lên tấm bản đồ :
- Cậu có thấy cái khe này chứ? Thấy cao điểm này chứ? Sẽ cho đặt pháo ờ sườn bên kia. - Đại úy dưa móng tay như sắt vàng khè vì thuốc lá vạch một đường thẳng. - Rõ chưa? Đài quan sát của tôi sẽ ở cao điểm dương một trăm ba mươi hai phẩy bẩy. Bố trí khẩu đội, liên lạc với tôi.
Và đại úy hỏi lại :  
- Rõ chưa?
- Rõ, - Trêchiakov đáp. Trên bản đồ tất cả đều rất rõ ràng.
Xe xích kêu xình xịch bên cạnh, những tia lửa từ ống xả bay ra sáng rõ trong bóng chiều. Những khẩu pháo phủ kín trong điều kiện hành quân đã được móc vào xe xích nhưng các pháo thủ vẫn cứ chất đầy lên pháo tất cả những gì đó mà họ đem theo.
Chuẩn úy đang chạy ngược chạy xuôi, bên cạnh chiếc rơ-moóc chở đồ đạc của khẩu đội. Pôvưxenkô đưa mắt nhìn về phía đó rồi bước đến gần.
Trong rơ-moóc, dưới mui bạt, Zavgarôtnhi, trung đội trưởng trung đội pháo thủ đang bò lồm cồm trong bóng tối, những cơn đau đang hành hạ anh ta. Mọi người muốn đưa anh ta về quân y tiểu đoàn, nhưng ngoài mặt trận người ốm thường thường thấy mình giống như những kẻ vờ vĩnh. Ở đây hoặc là bị thương, hoặc là bị giết chết, chứ còn có đau ốm gì ngoài mặt trận cơ chứ? Lúc này bạn đang sống, một giờ sau đã bị giết chết - một người khỏe mạnh hay một người đau ốm bị giết chết chả nhẽ khác nhau ư? Thế là Zavgarôtnhi nén chịu những cơn đau. Tới phút chót chuẩn úy sực nhớ ra một phương thuốc đã được thử nghiêm: quấy nửa cốc dầu hỏa với muối, bắt Zavgarôtnhi uống cạn:
- Thoạt đầu nó nóng ran, nóng ran lên rồi sau đó sẽ kho...ỏi...
Bước đến bên thành xe đằng sau, Pôvưxenkô ngó vào bên trong chiếc rơ-moóc tối om:
- Thế nào, đã đỡ chưa?
Chuẩn úy còn nói chêm vào:
- Có nóng ran không? Có nóng ran không?
Anh ta cảm thấy mình phải có trách nhiệm với cả phương thuốc đó và với cả cái cơn bệnh đó.
- Đỡ đỡ! - Zavgarôtnhi cố sức rên rỉ đáp. Anh vẫn quì gối trên đống áo va-rơi: anh không thể nằm xuống được.
- Một phương thuốc hiệu nghiệm đấy, - chuẩn úy gieo hy vọng. - Nóng rát lên, nóng rát lên một chút rồi sau sẽ khỏi. - Anh ta đưa tay vuốt ngực xuống đến chỗ khóa thắt lưng, nơi cơn đau cần phải dịu dần.
Bầu trời thâm thấp, xám xịt như một đám sương mù dày đặc đang đè nặng trên đầu họ. Dưới bầu trời ấy, nhưng đám mây rời rạc, đổ bóng đen như than. Trước cơn mưa, vạn vật đều tĩnh lặng. Những chiếc xe xích đã mắc pháo đứng như trồng trong khu rừng thưa, phía bên phải sau cánh đồng ngô, súng máy đập nhịp ầm ầm, những luồng đạn bay vút lên khỏi mặt đất, mọi vật đều sáng rực lên.
- Thế này nhé. - đại đội trưởng suy nghĩ, đôi môi vốn đã nứt nẻ vì dầu dãi gió mưa mím chặt lại. - Tôi sẽ đem theo trung đội chỉ huy của cậu. Paravian, trung dội phó sẽ cùng với cậu. Rõ cả chưa? Thi hành đi!
Khi quay ra, anh giơ tay chào, tóm chiếc áo mưa vải bạt kêu sột soạt.
Họ chờ tối. Rồi lên đường. Sau khi nổ máy xình xịch, những chiếc xe xích kéo pháo nghiền nát những bụi cây nhỏ dưới vòng xích sắt và cuốn theo cả những cây con ở lối ra khỏi rừng. Đằng sau khẩu đội chỉ còn lại dấu vết hằn sâu trên mặt đất tơi mịn.
Họ hành quán mò mẫm. Trên cao - bầu trời đen ngòm, dưới chân con đường đầy bụi sang sáng trước mặt họ. Trời đổ mưa. Đất đen bám chặt lấy các vành bánh xe và các lốp xe.
Mặt trận vẫn luôn luôn ở về phía bên phải; nhờ thế mà Trêchiakov xác định hướng. Từ nơi đó pháo sáng vọt lên không cao rồi tắt ngấm vì mưa. Trong ánh sáng chập chờn mờ ảo của pháo sáng. Trêchiakov nhìn thấy các pháo thủ khoác áo mưa bạt ướt sũng đi theo sau những cỗ pháo. Và mặc dù mưa vẫn dội xuống, nhưng vẫn có một vài người ngồi ủ rũ trên pháo, thiu thiu ngủ.
- Paravian! Này, anh đuổi mọi người xuống khỏi  pháo di. Xóc lắm, họ sẽ ngã đấy, pháo sẽ chẹt phải những người ngủ gật mất thôi.
Paravian, trung đội phó đẹp trai cao lớn, nhìn anh bằng đôi mắt đen dưới hàng mi cong ướt nước mưa im lặng, ý không tán thành nhưng vẫn bước đi thi hành nhiệm vụ.
- Anh muốn để pháo đè phải mọi người à? Nhắc bao nhiêu làn rồi?
Trêchiakôv hiểu rằng nhắc anh ta bao nhiêu thì mọi ngưòi cũng sẽ nhúc nhích chừng ấy. Anh cũng từng là chiến sĩ, anh cũng từng bị đuổi xuống như thế, nhưng anh rẽ sang phía khác, thủ trưởng vừa mới khuất mắt, anh lại leo lên pháo. Bởi lẽ anh muốn ngủ, mà ngủ ngồi thì hơn là vừa đi vừa ngủ. Nhưng lúc này, không phải ai khác mà anh có thể chửi bới trong hàng, lại chịu trách nhiệm thay anh, chính anh đang chỉ huy mọi người và anh phải chịu trách nhiệm về mọi người. Vì thế anh ra lệnh đuổi các chiến sĩ đang ngủ gật xuống. Vậy mà Paravian lại miễn cưỡng đi thi hành nhiệm vụ.
Ngoài Paravian, anh không biết mặt, biết tên bất cứ một chiến sĩ nào khác. Anh dẫn họ đi, họ đi theo anh. Trong trung đội thuộc quyền chỉ huy của mình, anh chưa kịp biết thêm một ai. Chuyện xảy ra vào trước bữa ăn trưa, tiểu đội trưởng tiểu đội trinh sát Trabarov vừa thay trung đội trưởng mới hy sinh, được gọi lên ban tham mưu, và được lệnh trao trung đội cho anh - trung úy Trêchiakov. Trabarov một chiến sĩ kỳ cựu, nhìn chàng trung úy mười chín tuổi được cử đến chỉ huy họ, không nói năng một lời nào, dẫn ngay anh đến với các chiến sĩ.
Toàn thể trung đội, những ai lúc này không lên đài trinh sát, đều đang đào hầm trú ẩn sau nhà, họ đào hầm không chỉ cho bản thân mình, mà cho cả ban chỉ huy tiểu đoàn. Những chiếc cuốc chim vung lên rồi bổ xuống, ở phía trên những mải đầu cắt tóc ngắn, ở phía trên những cặp nách ướt sũng mồ hôi, ở phía trên những cái bụng căng ra lấy sức. Chiếc cuốc chim bập vào đất đã bắt đầu hóa đá vì mặt trời, để lại vết kim loại và lại vung lên, sáng loáng như thoi bạc.
Những người lính bị mặt trời thiêu đốt sau cả một mùa hè này vẫn còn trắng, chỉ có mặt, cổ và tay là đen nhẻm đi vì nắng hè. Họ là những chàng trai trẻ trung tràn đầy sức lực: vì chiến tranh họ trưởng thành trong đội ngũ, chỉ có hai, ba người đã lớn tuổi, gầy guộc, bắp cơ nhão ra vì công việc nặng nhọc, da bắt đầu xệ xuống. Tuy nhiên có một chiến sĩ trong số họ nổi bật lên, anh ta to lớn như một tráng sĩ, lông đen mọc đầy từ eo xuống đến thắt lưng, khi anh ta giơ cuốc lên, khổng phải xương sườn hiện ra dưới lớp da, mà là bắp cơ nối lên cuồn cuộn giữa các xương sườn.
Lướt nhìn những thân hình sáng loáng mồ hôi, Trêchiakov trông thấy sẹo của các vết thương cũ ở nhiều người da căng bóng loáng và anh nhìn thấy mình bằng đôi mắt của họ: anh đứng đó trước mặt họ - những người đang làm việc cật lực, lưng trần - mới tốt nghiệp trường sĩ quan, mũ ca-lô mới toanh, cả người anh hệt như một viên đạn vừa lôi ra khỏi kẹp. Trabarov đã không vô ích giới thiệu anh như vậy với trung dội, chính anh ta đã chọn được thời điểm. Và bạn sẽ không phải dài dòng rằng thì là đã từng tham dự, đã từng trải qua chiến tranh.
Sau đó đến lúc đi ăn trưa, Trabarov tập hợp trung đội mang đầy đủ vũ khí, gamen trong tay, trao cho anh bản danh sách viết tay. Còn chính anh ta, người vạm vỡ, hai gò má bạnh trên khuôn mặt màu đồng hun cháy nắng, thấy rõ ràng mang trong mình dòng máu Mông cổ, tự mình đứng đầu hàng bên phải, bằng tất cả hình dáng của mình cho thấy rằng anh ta tôn trọng kỷ luật, còn việc tôn trọng anh chỉ huy mới của trung đội, thì còn phải chờ đợi. Và cả trung đội đứng nhìn Trêchiakov và trước mặt anh là tên họ của các chiến sĩ ghi trên tờ giấy.
- Đzedzelasvili! - Anh điểm danh. Thật đáng ngạc nhiên, hai lần “Đze” để làm gì, khi mà chỉ một lần cũng đã là đủ. Và anh còn kịp nhớ ra rằng có lẽ đó chính là người chiến sĩ lông đen mọc đầy ngực.
- Có tôi!
Một chàng trai bước ra khỏi hàng, anh ta nom sáng sủa, má đỏ ửng mầuu cà rốt, mắt hung hung, nhìn vui vẻ: đó là Đzedzelasvili. Anh chiến sĩ lực lưỡng ấy tên họ lại là: Naxrullaev. Dù anh có gọi ai ra khỏi hàng, thì cũng chẳng có họ tên nào phù hợp với người được gọi. Buổi đầu của anh là như vậy: bản danh sách như vậy, một trung đội như vậy. Đại đội trưởng mang trung đội của anh trang bị cho một đài quan sát mới, còn anh thì đưa pháo và các pháo thủ của Zavgôrôtnhi đang ở trong rơ-moóc đi. Chính anh cũng không hình dung được rõ ràng anh đưa họ đi đâu. Đến ba giờ không không, pháo cần được chốt ở trận địa thế mà họ vẫn chưa đi qua Iaxenhevki. Ở đó có khu trại Iaxenhevki và Iablônhevka, đại đội trưởng nói, cố hiểu các địa danh ở chỗ nếp gấp mờ mờ của tấm bản đồ. - Nói chung, tự cậu sẽ trông thấy... Từ khu trại về phía bên phải, bên phải... Nhưng họ đã đi một giờ rồi hai giờ, lợi dụng ánh sáng mờ mờ của pháo sáng bắn lên trên màn đêm tiền duyên ẩm ướt. Biết bao bận Trêchiakov chăm chú nhìn mà vẫn không trông thấy một khu trại nào. Anh đã đi lạc hướng, hoảng sợ với ý nghĩ mình đưa mọi người không đến nơi, sợ xấu hổ, anh chỉ làm được điều duy nhất mà anh có thể làm được: không để lộ ra ngoài, anh càng vững bước đi, thì niềm tin ấy ở trong anh lại càng yếu ớt hơn. Cuối cùng ở phía trước hiện lên một cái gì đó đen mờ. Một phát pháo sáng bay vọt lên và khi ngồi thụp xuống, Trêchiakov còn kịp trông lên nền trời: những dãy nhà kho nào đó, dài thấp, và một cái gì đó nhô cao lên đằng sau dãy nhà kho. Chắc là những cây bạch dương... Phát pháo sáng tắt ngấm, bóng tối dày đặc khép chặt lại.
Trêchiakov vội vã, sung sướng, lướt ủng trên đất đen ướt nhão, vượt qua chiếc xe xích, giơ tay vẫy lái xe: theo tôi. Dẫu sao cũng không thể nghe thấy tiếng nói: Những gì từ xa anh cho là dãy nhà kho thì hóa ra là pháo một trăm hai mươi hai milimét ở kề bên. Như những chiếc xe tải, những khấu pháo nòng dài cùng với xe xích đứng bên lề đường, khẩu nọ nối đuôi khẩu kia. Một người trùm áo mưa bạt từ đó tiến đến chỗ anh. Người đó bước lại, giơ tay chào, sau khi giũ nước mưa ra khỏi chiếc mũ trùm đầu, bèn chìa bàn tay ướt lạnh ra:
- Hãy tắt máy đi!
- Tắt máy để làm gì?
- Không trông gì ở đằng trước sao?
Vẫn chưa phân biệt được gì, chỉ hiểu được rằng đây không phải là khu trại, và như thế có nghĩa là họ đã lạc đến đâu đó, Trêchiakov hỏi:
- Mà laxenhevka phải ở đây chứ nhỉ, laxenhevka... Đến laxenhevka còn xa không anh?
Dưới chiếc mũ trùm, gương mặt người đó mờ mờ, trông đã già, đầy nếp nhăn. Nhưng trên ngực anh ta nơi chiếc áo mưa bạt phanh ra, lấp lánh vòng khóa thắt lưng đeo bên ngoài áo ca pốt, dây chiếc xà cột đựng bản đồ vắt chéo qua, và còn lủng lẳng chiếc ống nhòm ướt sũng nước mưa.
- Đến đó khoảng độ năm kilômét.
- Sao lại năm? Chỉ có bốn cây số, mà chúng tôi đã đi hai giờ rồi...
- Ừ, rất có thể, bốn cây thôi, - người đó lãnh đạm phẩy tay. - Trung đội trưởng phỏng? Tôi, cũng là loại Vanca đầu binh cuối cán - trung đội trưởng. Chỗ anh pháo nòng ngắn một trăm năm mươi hai ly phải không? Pháo cùa chúng tôi cũng vậy, rặt một đồ quỉ. Mười lăm tấn cả xe xích! Phía trước có cầu đấy, giơ vai ra mà đỡ.
Họ cùng đi xem xét cầu. Các chiến sĩ từ hai khẩu đội nối đuôi đi theo họ. Họ bước đi trên những tấm gỗ lát ướt át, trơn tuột đến giữa cầu. Phía dưới có thể là khe xói, mà cũng có thể là lòng suối khô cạn - từ nơi đây không nhìn thấy kỹ được.
- Thế laxenhevka ở hướng này à?
- Sao, laxenhevka ấy à? laxenhevka... laxenhevka... Chiếc cầu này có trên bản đồ của cậu không? Ở bản đồ của tôi thì không có. - Mở tấm bản đồ ra, trung đội trưởng đưa móng tay búng chất xenlulôit, dưới lớp bột giấy, tấm bản đồ hiện lên lờ mờ, và anh ta dùng ống tay áo va-rơi lau hết những giọt nước mưa trên bản đồ. - Trên bản đồ không có cầu, thế mà nó - nó đây này!
Và để thấy rõ rành rành, anh ta đấm tay vào cây gỗ tròn. Thậm chí anh ta còn nhảy cẫng lên trên những cây gỗ ấy. Các chiến sĩ thuộc hai khẩu đội đứng vây quanh.
- Trên bản đồ không có, tức là ngoài địa hình không nhất thiết có. Bởi lẽ, nếu có thì người ta đã đưa nó vào bản đồ. Tôi hiểu thế đấy!
Anh ta đã hiểu đúng: người ta không đưa cầu vào bản đồ, nó không phải chiến đấu.
Dầm chân trong cỏ cao, theo sườn dốc Trêchiakov chạy xuống dưới gầm cầu. Mố cầu bằng gỗ tròn. Được nối với nhau bằng những chiếc đinh chữ L. Khi anh nhìn như thế từ phía dưới lên, cả cái công trình này trông không mấy tin cậy.
Ở trường sĩ quan người ta đã dạy cách tính trọng tải của cầu. Thiếu tá Bachiuskov, dậy họ môn công binh. Lúc này khi mà chẳng trông thấy gì, thì chỉ có quỷ mới tính được cái trọng tải ấy. Và tiếng nói của tay trung dội trưởng cứ chui vào tai anh nghe rất khó chịu, anh ta cứ bám riết theo anh, tay đấm vào từng mô cầu một...
- Trụ cầu thế đấy! Trụ cầu thế đấy! Chẳng lẽ sẽ chịu được cả một trọng tải này sao? - Rồi anh ta bấm thử: cả cái trụ này mục nát rồi...
Lúc này việc nói cho Trêchiakov nghe ra dường như còn quan trọng hơn cả chính cuộc chiến tranh.
Một phát pháo sáng phóng lên, chỉ là là trên mặt đất đen. Ánh sáng mờ mờ rọi xuống lòng khe, và chiếc cầu lồ lộ trên lòng khe: chiếc cầu lát gỗ tròn và các chiến sĩ đứng dầm mua. Còn họ, cả hai người đang đứng trong cỏ ở phía dưới. Bộ khung ô tô vận tải nằm chềnh ềnh giữa những tảng đá, mưa quất vào nóc ca-bin ướt và bẹp dúm như chiếc hộp sắt tây. “Anh ta thuyết phục mình cái gì mới được?”, Trêchiakov nổi khùng. Anh thấy ghét cái con người này vì sự thiếu cương quyết của chính mình, anh leo lên trên.
Anh bước đến khẩu pháo đầu tiên :
- Anh em lái xe đâu?
Các chiến sĩ bắt đầu nhìn nhau, rồi một người trong số họ, đứng gần bên, trông năng nổ hơn mọi  người, đáp:
- Có tôi!
Hệt như bỗng anh ta lại tìm được mình giữa tất cả mọi người. Nhưng anh ta không bước lên trước, vẫn đứng giữa các chiến sĩ: như thế anh ta cảm thấy vững vàng hơn.
- Các khẩu đội trưởng, các lái xe đến gặp tôi! - Trêchiakov ra lệnh, anh tách họ ra khỏi khẩu đội bằng cách đó.  
Người nọ nối tiếp người kia bước đến và sáu người xếp hàng trước mặt anh. Có thể nhận ra ngay cánh lái xe; tất cả bọn họ đều nhọ nhem.
- Vậy thế này nhé, tất cả rời khỏi pháo. Các khẩu đội trưởng tiến lên phía trước. Từng người một tiến lên trước pháo của mình. Các lái xe chú ý: pháo gài số một. Khẩu nọ, đi qua mới đến khẩu kia. Rõ chưa?
Im lặng.
- Tôi nói có rõ không?
Mãi sau họ mới trả lời loạc choạc “Rõ...”. Còn khẩu đội ở đằng sau vẫn đứng đó và im lặng. Họ đồng lòng với nhau, còn anh được đặt trước họ, không ai biết gì về anh, và anh lại rất đơn độc, việc chiếc cầu có chịu được hay không chịu được - mọi người không tin nó tới mức như họ không tin anh. Và khẩu đội kia chờ đợi, nhường đường cho họ lên trước.
- Xe xích của đồng chí đấy à? - Trêchiakov chỉ tay vào người lái xe, mà thoạt đầu trông nổi hơn tất cả mọi người. Và anh chỉ cả vào chiếc xe xích.
- Xe này ấy à? - Người lái xe kéo dài thời gian, trên chiếc xe-xích ống xả bị nung nóng đến đỏ rực lên như những giọt nước mưa vừa chạm vào đã bốc hơi lên. - Của tôi đấy.
- Họ tên đồng chí là gì ?
- Đồng chí trung úy, họ tên mà làm gì? Họ tôi là Xêmakin đấy.
- Xêmakin, đồng chí sẽ dẫn khẩu pháo đầu tiên.
- Thưa trung úy, tôi xin tuân lệnh! - Xêmakin miệng nói lanh lảnh nhưng lại phẩy tay vẻ ngao ngán: ra cái điều anh ta không tiếc bản thân mình. - Tôi sẽ đưa. Tôi luôn luôn hoàn thành mệnh lệnh! - Rồi anh lắc đầu, vẻ phủ nhận. - Chỉ có điều chúng ta lấy gì mà kéo xe xích? Xe xích sẽ nằm dưới gầm cầu. Cả pháo rồi thì cũng thế...
Anh ta nói, các pháo thủ im lặng đồng tình. Tất cả họ cùng với nhau và từng người riêng biệt có trách nhiệm đối với đất nước, đối với cuộc chiến tranh, đối với tất cả những gì tồn tại trên đời, ngay cả sau khi chính họ không còn nữa. Nhưng để đưa pháo đến đúng hạn định, chỉ có một mình anh chịu trách nhiệm. Chính anh chứ không phải họ chịu trách nhiệm...
- Nếu đồng chí sợ, không dám dẫn pháo, tôi sẽ đứng dưới gầm cầu. Đồng chí sẽ cho pháo chạy trên đầu tôi!
Và sau khi ra lệnh:
- Lái xe về vị trí, tất cả các chiến sĩ rời pháo! - Anh dẫn khẩu đội đến bên cầu.
Khi vòng xe xích lăn trên những tấm gỗ lát cầu đầu tiên, sau cơn lạnh cóng người họ bắt đầu nhúc nhích đứng dồn lại, Trêchiakov chạy xuống dưới. Có trung đội trưởng, họ đâm chùn lại, nhìn nhau, trọng tải của mình có thể đè lên người anh ấy lắm chứ.
- Nào! - anh vẫy tay, hét lên từ phía dưới, nhưng ở trên này cánh xe xich, họ không thể nghe thấy anh. Và ở dưới gầm cầu anh đã bước vào số phận mình như thế đấy.
Phía trên đầu anh, phía trên gương mặt của anh đang ngẩng lên - mọi cái đều võng xuống sức nặng chuyển từ súc gỗ này sang súc gỗ khác. Hóa ra các mố cầu chỉ lún xuống. Và dây pháo đã tiến lên cầu. Chiếc cầu rên rỉ, lắc lư. “Sập này!” - đến hơi thở cũng nghẹn lại. Các súc gỗ cọ vào nhau, mùn rác từ trên cao rơi xuống. Chớp chớp đôi mắt đầy bụi, không trông thấy gì, anh đưa những ngón tay sần sùi lên dụi mắt, cố nhìn một cách đui mù xem chuyện gì xảy ra trên đầu anh, nhưng mọi vật đều nhấp nhoáng. Và qua tiếng xả khí của động cơ vang lên tiếng gỗ răng rắc.
Không trông thấy, nhưng anh cảm thấy cả một sức nặng khổng lồ chuyển từ mặt cầu sang mặt đất và chiếc cầu giãn ra trên đầu anh. Chỉ đến lúc này anh mới cảm thấy hết cái sức mạnh từ trên cao nén xuống : anh cảm thấy như các bắp cơ căng ra, cứ như chính anh đã giơ lưng đỡ chiếc cầu.
Trêchiakov leo lên khỏi lòng khe: anh không việc gì phải đứng dưới gầm cầu suốt thời gian ấy, dẫu sao đó không phải là trò xiếc. Sau khi ra lệnh tháo rơ-moóc và dùng dây chão dài để kéo, anh không đợi đi qua cầu. Anh đi ngang qua những khẩu pháo, ngang qua các pháo thủ đứng bên pháo, anh thấy mình đúng, anh đã làm những gì cần làm, nhưng vì sao nhìn họ lúc này anh thấy khó chịu và thấy xấu hổ cho bản thân mình. Anh đã bò dưới gầm cầu, hét lên điều gì đó... Chỉ đơn giản là ngồi cạnh người lái xe và bình tĩnh dẫn khẩu đội đi: ít ồn ào và được việc hơn.
Đến nửa đêm, ở khu trại, sau khi gõ cửa một ngôi nhà, họ dựng ông già dậy đưa đường. Ông già không mặc gì, chỉ khoác tấm vải trắng ngồi lên xe xích: ông hy vọng, như thế chắc là ông sẽ được thương xót hơn và họ sẽ thả ông ra sớm hơn. Họ choàng chiếc áo bông ngắn khét nắng lên vai ông, và ông sau khi xỏ tay vào áo, lấy chân này ủ ấm chân kia.
- Chạy, chạy... Theo lối mòn này... - Cái cổ gà chọi đầy lông trắng để trần của ông ta thò ra từ cổ áo.
- “Chạy, chạy”. - anh lái xe nhại; toàn thân ướt sũng, đầu đội mũ ca-lô ướt. - Ông đưa tôi đi đâu đấy? Ở đây độc các mụ toi cơm. Ông hãy đưa tôi đến nơi pháo cần đến ấy!  
Ông già nhẫn nhục chớp chớp đôi mắt rớm nước, từ chiếc áo bông ngắn, cánh tay run cầm cập chỉ ra, phía trước, trong mưa. Ông dẫn khẩu đội đến cánh rừng thưa, và họ thả ông ra.
Máy tắt hết. Tiếng súng máy bỗng gõ đều gần ngay bên. Từ mặt đất đen ngòm, những đường đạn sáng lóe, hiện lên rồi biến mất. Tiền duyên ở một nơi nào không xa. Thế mà anh cùng với những cỗ đại bác hạng nặng vẫn bị giam hãm nơi đây.
Cánh lái xe bước đến :
- Báo cáo trung úy, hết chất đốt.
- Sao lại hết?
- Đốt hết rồi.
- Chúng ta đi mãi, đi suốt đêm.
Một phát súng lẻ loi yếu ớt. Sau khi vạch theo sau một vệt khói lấp lánh, phát pháo sáng bay vút lên. Nó cháy bùng, sáng rực trên đầu họ và cánh rừng thưa, pháo, người - tất cả hiện rõ mồn một như trên lòng bàn tay trần trụi.
- Sao lại hết chất đốt? - Trêchiakov hỏi, cảm thấy chán nản và bất lực hoàn toàn. - Sao lại hết vào cái lúc đang cần?
Họ đứng trước mặt anh, mắt nhìn xuống đất và im lặng. Và họ có thể đứng như vậy mãi mãi, anh thấy rõ điều đó. Ánh sáng vụt tắt. Không biết phải làm gì bây giờ, phải nói thêm điều gì chứ gào lên và chửi rủa, nói chung là vô ích - Trêchiakov bỏ đi. Hình như Zavgôrôtnhi gọi anh từ bên trong chiếc xe rơ-moóc, tiếng rên rỉ của ai đó vang lên, nhưng anh làm ra bộ không nghe thấy. Anh không cần an ủi, bởi vì anh ta, một người ốm, thì có thể làm được gì từ nơi đó?
Những chú ngựa nào đó lang thang trong cánh rừng thưa. Một chú ngựa bạch, mắt lim dim gặm cỏ cây. Hơi bốc lên từ thân hình ướt đẫm của chú ngựa. Mãi đến lúc này Trêchiakov mới biết mưa đã tạnh. Từ mặt đất, từ cỏ cây, sương mù bốc lên.
Nghe thấy tiếng người nói, anh bước lại gần hơn. Khẩu đội vừa đẩy pháo vào chiến hào mới đào, vừa cãi vã nhau, vừa thở nặng nhọc. Ghìm nòng pháo, ấn mạnh càng pháo, ấn mạnh bánh cao su, các pháo thủ gần như ở trần, ướt đẫm vì mưa đang đẩy pháo xuống. Mọi người cố nén xúc động, đứng vây quanh anh. Đây là trận địa của tiểu đoàn pháo. Anh đã tìm được trung đội trưởng. Trông anh ta hơi già, mang ủng và quấn xà cạp như lính bộ binh, mỗi chiếc ủng bám hàng pút (1 pút=16,38 kg) đất đen, thoạt đầu anh ta hoài nghi nghe Trêchiakov. Rồi thì anh ta hiểu ra sự thể. Họ so đo các tấm bản đồ. Và đột nhiên, hệt như khu vực đó xoay chuyển trước mắt, mọi cái đều trở nên dễ hiểu. Sườn dốc cao điểm ấy, nơi họ cần đặt pháo cách đây có nửa cây số.
Khi trời chưa sáng, anh vội vã tìm trận địa của khẩu đội, anh chui lủi khắp nơi, suy tính xem đưa pháo vào đây bằng con đường nào, và anh trở lại cánh rừng thưa. Các chiến sĩ ngủ cả, chỉ còn Paravian trùm áo bạt đi lại bên pháo. Họ ra lệnh báo thức. Các chiến sĩ lái xe lạnh cóng trong những chiếc áo bông ngắn, không đủ ấm cả trong giấc ngủ, tiến lại gần, ngáp rung cả người. Anh hướng dẫn cách đưa pháo vào, và chất đốt đã được tìm thấy.
- Ở đó trong các thùng phuy còn chút ít...
Cánh lái xe nhìn lảng đi. Họ nói rằng hết chất đốt. Anh thấy lúng túng đến mức không kiểm tra lại ở các thùng. Nhưng bây giờ không phải chỉ ở các thùng phuy, mà còn tìm được cả một thùng tônô. Nhưng dù sao cánh lái xe cũng phải thôi: đi suốt đêm mà không biết rõ sẽ đi đâu, và tất nhiên phải đốt gần hết nhiên liệu.
Trước lúc rạng đông, khi bóng tối nhờ nhờ đặc quánh lại, để các chiến sĩ đào hầm cho pháo.  Trêchiakov đã liên lạc với đài quan sát. Trong chiếc hố con con mới đào, Trabarôv đang cầm ống nghe:
- Đại đội trưởng đâu?
- Đại đội trưởng đang nằm ngủ ở bên trên ấy.
Một phát pháo sáng bay vọt lên nơi tiền duyên và Trêchiakov trông thấy: áo mưa bạt trùm kín từ đầu, chỉ thò đôi ủng ướt át ra ngoài, đại đội trưởng đang nằm ngủ ngoài bờ chiến hào.
-  Đồng chí đại úy! Đồng chí đại úy!...
Pôvưixenko ngồi dậy trên mặt đất, nheo mắt lại vì ánh pháo sáng, trong giây phút đầu tiên anh ta nhìn bằng đồi mắt đỏ ngầu, vẫn chưa hiểu chuyện gì. Rồi ngáp đến trào nước mắt, rùng mình, và lắc đầu hỏi:
- À... cậu đến bắt liên lạc đấy phải không?
Trong bóng tối, anh ta nhìn mãi những chiếc kim dạ quang trên mặt đồng hồ.
- Cậu đi đâu mà lâu thế? Cậu họ gì, Tretverikov phải không?
- Trêchiakov.
- Ừ nhỉ, Trêchiakov, đúng thế. Cậu được cử ra chỗ chết đấy.
Khi tỉnh hẳn, đại úy đứng lên, vươn người và lại ngáp.
- Đã đào hầm cho pháo xong chưa?
- Đang đào.
Vẫn văng vẳng bên tai Trêchiakov tiếng máy kéo ầm ầm, và đôi chân anh dường như vẫn đang lội trong bùn đen. Sau suốt một đêm khôug ngủ chỉ có cái đầu vẫn nhẹ nhàng, minh mẫn, và đại đội trưởng người cao to choàng tấm áo bạt lúc thì thấy ở gần bên, lúc thì xa tít trong ánh sáng hừng hực của đám cháy.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét